Đức Hồng Y Walter Kasper cho rằng các giáo trình thần học gần đây của Giáo Hội, vốn chịu nhiều ảnh hưởng từ truyền thống thần học Tân Kinh Viện, chưa chú trọng đủ đến tầm quan trọng của khái niệm lòng thương xót trong những bàn luận thần học liên quan đến Thiên Chúa, Giáo Hội và con người.[1] Ở Việt Nam, dù phong trào đọc kinh tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót đã trở nên rất phổ biến trong các giáo xứ và các gia đình, dường như vẫn còn hiếm những bài viết mang tính thần học về lòng thương xót. Để góp phần vào việc thúc tiến một thần học viết về lòng thương xót, bài viết này sẽ phác thảo một số nét chấm phá về các lãnh vực cũng như các vấn đề mà một khảo luận thần học như thế cần quan tâm và có thể triển khai.
Theo phương pháp kinh điển của thần học mà ngày nay vẫn còn được sử dụng cách phổ biến, bất kỳ thao tác thần học nào cũng bao gồm hai “thì”: truy nguyên (auditus fidei – xác định đâu là các dữ kiện đức tin) và suy tư phản tỉnh (intellectus fidei – tìm hiểu ý nghĩa của các dữ kiện đức tin).[2] Trong “thì” truy nguyên, thần học thường khảo sát và tìm dữ liệu từ các “nguồn” (loci theologici) như là Thánh Kinh, các giáo phụ, Huấn Quyền, tức bao gồm giáo huấn của các công đồng, các Đức Giáo Hoàng và của Tòa Thánh, các nhà thần học, triết học, lịch sử, kinh nghiệm nhân sinh, v.v… Trong “thì” suy tư phản tỉnh, thần học thường đi theo định hướng của hiến chế Dei Filius của công đồng Vatican I. Đó là tìm hiểu các dữ kiện đức tin dựa vào trước hết (a) là sự tương tự loại suy giữa các dữ kiện đó và các dữ kiện của tri thức tự nhiên; tiếp đến (b) là sự nối kết giữa các mầu nhiệm đức tin với nhau; và sau cùng (c) là sự nối kết giữa dữ kiện đức tin với mục đích tối hậu của con người.
Bài viết này chỉ đề cập đến hai trong các loci theologici, vốn có mối liên hệ cụ thể và thiết thực với đề tài lòng thương xót. Đó là Thánh Kinh và kinh nghiệm nhân sinh. Ngoài ra bài viết cũng chỉ đề cập đến hai trong ba cách thức mà Dei Filius đề ra cho việc tìm hiểu các dữ kiện đức tin (xem các mục (a) và (b) ở trên[3]).
1. XÁC ĐỊNH NỘI HÀM CỦA KHÁI NIỆM DỰA TRÊN THÁNH KINH
Để chính xác và tập trung, một bàn luận thần học về lòng thương xót trước hết cần phải xác định ý nghĩa hay nội hàm của khái niệm này. Nếu không có việc xác định này, rất nhiều khả năng sẽ xảy ra sự lẫn lộn giữa lòng thương xót và các khái niệm khác như “lòng thương hại”, “đồng cảm”, “tha thứ” và ngay cả “tình yêu”. Nếu không có sự phân biệt ngay từ đầu, bàn luận thần học có thể đi chệch hướng hay lan man và cuối cùng người viết sẽ phải tự hỏi mình đang bàn về điều gì hoặc đâu là tính độc đáo và khác biệt của bàn luận này so với các bàn luận khác về sự đồng cảm, tha thứ, tình yêu, v.v.
Để tránh sự lẫn lộn nói trên, điểm đặc biệt quan trọng cần chú ý là ý nghĩa của khái niệm lòng thương xót không thể và không nên được xác định chỉ dựa trên các từ điển ngôn ngữ thông thường, mà phải dựa trên các bản văn Thánh Kinh, không như những bản văn rời rạc, mà trong thể thống nhất và toàn bộ. Lòng thương xót trong tiếng Việt là từ được dùng để dịch từ misericordia trong tiếng Latinh. Tuy nhiên, chúng ta không nên xác định ý nghĩa của khái niệm lòng thương xót mà chỉ dựa trên việc phân tích từ ngữ tiếng Việt hay tiếng Latinh, vốn có khả năng dẫn đến những suy luận chủ quan, xa vời, không cần thiết và ít mang tính thần học[4].
Mặt khác, việc xác định ý nghĩa của khái niệm lòng thương xót dựa trên Thánh Kinh cũng không đơn giản: Thánh Kinh không dùng duy nhất một từ để chỉ lòng thương xót, mà dùng nhiều từ – thường được dịch chung là thương xót hay lòng thương xót – để chỉ thái độ của Thiên Chúa và tương quan của Ngài với con người. Vậy việc xác định ý nghĩa của lòng thương xót bao hàm việc khảo sát ý nghĩa của các từ Hipri như hesed, rachamin và các từ Hy Lạp như eleos, splagkna, v.v…vốn được dịch sang tiếng Latinh bằng các từ có cùng gốc với misericordia.
Ý nghĩa của các từ Hipri và Hy Lạp trên chỉ có thể được xác định khi các từ này được xem xét trong toàn bộ văn cảnh của chúng. Một số câu hỏi có thể trợ giúp việc xác định ý nghĩa của chúng: Đâu là nguyên nghĩa trong tiếng bản địa của các từ này? Hàm ý của chúng là gì? Thánh Kinh dùng những từ này trong trường hợp hay tình huống nào? để nói về cách Thiên Chúa đối xử với con người? hay lời con người cầu xin Thiên Chúa? hay mệnh lệnh Thiên Chúa dành cho con người? cho những đối tượng nào? đâu là nguyên nhân, bối cảnh, mục đích và hệ quả của các tình huống đó? và còn nhiều câu hỏi tương tự khác.
Có lẽ chỉ những nghiên cứu chuyên sâu về chú giải và thần học Thánh Kinh mới có thể trình bày một bàn luận thấu đáo về các vấn đề trên. Tuy nhiên, một số nét chấm phá cũng đã được xác định, được chấp nhận rộng rãi và có thể được kiểm chứng bằng một khảo sát nhanh lướt qua các bản văn Thánh Kinh: những từ được dịch ra là thương xót thường được dùng trong bối cảnh con người tội lỗi, nghèo nàn hay cùng khổ cần được Thiên Chúa đoái thương; một số từ chỉ “ruột gan” theo nghĩa đen, nói lên cường độ của sự rung động cảm xúc cũng như của nỗi đau.
Hơn nữa, vẫn có thể có những bản văn không dùng những từ ngữ đó, mà có nội dung thể hiện nội hàm của “lòng thương xót” (không như một từ ngữ, nhưng như một khái niệm mà ý nghĩa của nó chưa thực sự định hình hoàn toàn).[5] Vậy thần học cũng cần phải khảo sát cả những bản văn đó nữa để hiểu hơn về lòng thương xót. Độc giả sẽ thắc mắc, dường như có một vòng luẩn quẩn ở đây: một mặt ta phải đi tìm ngữ nghĩa của lòng thương xót; mặt khác ta phải xác định bản văn có nói về lòng thương xót không trước khi khảo sát kỹ nó để tìm hiểu về chính lòng thương xót. Thực ra, đây không phải là một vòng luẩn quẩn, thể hiện sự bế tắc về mặt phương pháp, nếu chúng ta nhớ rằng không nên đi tìm ý nghĩa của lòng thương xót trong những khái niệm chính xác rời rạc, mà như một “trường ý nghĩa”. Trường ý nghĩa của lòng thương xót sẽ không được xác định cách dứt khoát và trong một động thái tức thời, nhưng được định hình từ từ (ngày càng rõ hơn nhưng không bao giờ được xác định cách chính xác và cứng nhắc) trong tiến trình của vòng tròn thông diễn (trong trường hợp này là sự tương tác không ngừng giữa từ ngữ và bản văn cũng như với toàn bộ Thánh Kinh).
2. KINH NGHIỆM NHÂN SINH
Một trong những cách để hiểu dữ kiện Thánh Kinh cách sống động và thiết thực, đó là trở về với một trong những “nguồn” quan trọng của thần học – kinh nghiệm nhân sinh. Dữ kiện của Thánh Kinh thực chất không xa lạ với kinh nghiệm của con người, tuy nhiều lúc cũng thách đố và mời gọi con người vượt ra khỏi chính mình để kinh nghiệm thực tại cách chân thực hơn. Để hiểu hơn thực tại mà khái niệm lòng thương xót diễn tả, ta cần đọc các dữ kiện Thánh Kinh trong mối liên hệ với chính kinh nghiệm của ta liên quan tới các dữ kiện đó.
Dựa vào những nét chấm phá kể trên về dữ kiện Thánh Kinh, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng thực tại của lòng thương xót như Thánh Kinh ghi lại (cho dù là mô tả Thiên Chúa hay nói lên nhu cầu của con người) có lẽ là một trong những thực tại được phản ánh thường xuyên và rõ nét nhất trong kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa và về chính mình.
Vì thế, một bàn luận thần học về lòng thương xót rất cần phải khảo sát xem đâu là một dữ kiện của kinh nghiệm nhân sinh, nó như thế nào, xảy ra trong trường hợp nào. Một số vấn đề có thể được khảo sát và khai triển như: Lòng thương xót có là nhu cầu của con người nói riêng và của xã hội loài người nói chung? Đâu là vai trò của lòng thương xót đối với hiện hữu, cũng như với đời sống cá nhân và xã hội của con người? Hoặc cụ thể hơn, con người có thực sự là người, xã hội có tồn tại không nếu thiếu lòng thương xót? con người có thể sống thiếu lòng thương xót chăng? v.v. Đâu là mối tương quan giữa lòng thương xót và công lý? lòng thương xót có đối nghịch hay làm giảm thiểu công lý chăng? Đâu là nguyên nhân của việc thiếu vắng lòng thương xót trong đời sống con người hiện nay? v.v.
Vấn đề có thể được đặt một cách khác, theo ngôn ngữ triết học: Có thể phát triển một hiện tượng luận hiện sinh về lòng thương xót thế nào?[6] Trong hiện tượng luận đó, lòng thương xót có thể được mô tả với những đặc tính gì? v.v…
Các dữ kiện của kinh nghiệm nhân sinh liên quan đến lòng thương xót không chỉ được tìm thấy qua những khảo sát xã hội hay tâm lý, nhưng còn qua văn chương và những suy tư mang tính triết học Đông Tây kim cổ. Các nhà văn hay các triết gia không hẳn là dùng khái niệm lòng thương xót, nhưng rất có thể họ suy tư và bàn luận về những thực tại của kinh nghiệm nhân sinh rất gần với thực tại của lòng thương xót.
3. VAI TRÒ THẦN HỌC
Để tìm hiểu ý nghĩa của lòng thương xót, ngoài việc khảo sát các “nguồn” thần học, chúng ta còn có thể suy tư phản tỉnh bằng cách liên hệ lòng thương xót với các mầu nhiệm khác của đức tin. Ý nghĩa của lòng thương xót có thể được sáng tỏ khi được đặt trong mối tương quan với hiểu biết của ta về các mầu nhiệm liên quan tới Thiên Chúa, Đức Kitô, con người và thế giới. Nói cách khác, ta có thể hiểu hơn ý nghĩa và vai trò thần học của lòng thương xót khi tìm hiểu xem khái niệm này góp phần soi sáng các chủ đề thần học hay giải đáp các khúc mắc thần học thế nào. Một số vấn đề đã được và vẫn còn được khai triển:
Liên quan đến Thiên Chúa, một cố câu hỏi có thể được đặt ra như: Liệu lòng thương xót có thuộc về yếu tính của Thiên Chúa? Hay là thuộc tính của Ngài? Tầm quan trọng của thuộc tính này so với các thuộc tính khác của Thiên Chúa? Lòng thương xót giúp ta hiểu hơn mối tương quan giữa Ba Ngôi và giữa Thiên Chúa với thế giới thế nào? v.v.
Một số câu hỏi khác về lòng thương xót cũng cần được đề cập trong Ki-tô học: Lòng thương xót giúp ta hiểu gì về căn tính và sứ mạng của Đức Kitô Giêsu? Các mầu nhiệm Làm Người và cứu độ có thể được diễn giải dưới lăng kính của lòng thương xót thế nào? Những khúc mắc liên quan tới xì-căng-đan Thập giá có thể được giải đáp dựa vào khái niệm lòng thương xót thế nào?[7] v.v.
Cũng có nhữ câu hỏi về lòng thuơng xót liên quan đến Giáo Hội như: Lòng thương xót soi sáng gì thêm cho hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc, bản chất và sứ mạng của Giáo Hội? Có thể hiểu Giáo Hội ra đời như là kết quả của lòng thương xót của Thiên Chúa đối với loài người và thế giới không? Sự căng thẳng nội tại của lòng thương xót (thể hiện ở nhiều dạng thức khác nhau, trong trường hợp này có thể là sự căng thẳng giữa tình yêu và bất xứng/phản bội, giữa ân sủng và tội lỗi) giúp ta hiểu gì hơn về sự căng thẳng mang tính cánh chung của bốn đặc tính của Giáo Hội (duy nhất, thánh thiện, công giáo, tông truyền)? Nếu Giáo Hội tồn tại là do lòng thương xót thì đâu là bản chất và ý nghĩa của phẩm trật Giáo Hội? Lòng thương xót sẽ mặc ý nghĩa gì mới cho việc rao giảng Phúc Âm và sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội? v.v.
Lòng thương xót cũng đặt ra những câu hỏi về việc hiểu hình ảnh con người: Lòng thương xót có liên hệ gì với “hình ảnh của Thiên Chúa” vốn là khái niệm mà các giáo phụ dùng để định nghĩa con người theo Thánh Kinh? Lòng thương xót có giúp ta hiểu hơn thế nào là tội không? Lòng thương xót góp phần giải thích nguyên nhân mục đích của chương trình cứu độ và bản chất ơn cứu độ thế nào? Lòng thương xót giúp ta hiểu hơn cùng đích của con người và của thế giới thế nào và ngược lại? v.v.
Sau cùng là những vấn đề liên quan đến thế giới: Lòng thương xót giúp ta hiểu gì về nguyên nhân, mục đích và bản chất của công trình sáng tạo? về giá trị và cứu cánh của các loài thụ tạo? v.v.
Ngoài các vấn đề liên quan đến giáo lý đúng đắn (orthodoxy), ý nghĩa và vai trò thần học của lòng thương xót còn được làm sáng tỏ bằng cách tìm hiểu trên phương diện hành động đúng đắn (orthopraxy). Nói cách khác, chúng ta có thể tìm hiểu xem khái niệm này cổ võ hay thúc đẩy một lối sống hay hành vi tôn giáo nào trong đạo đức luân lý, phụng vụ, kỷ luật Giáo Hội, v.v. Một số vấn đề có thể được xem xét và khai triển: Liệu lòng thương xót có thể đóng vai trò như chìa khóa (hermeneutical key) để hiểu các giá trị luân lý và năng động của kỷ luật của Giáo Hội chăng? Lòng thương xót có thể là tiêu chuẩn cho việc phân định luân lý cũng như những phán quyết mang tính kỷ luật trong đời sống Kitô hữu chăng? Lòng thương xót có thể góp phần giải tỏa các vấn nạn đương thời trong luân lý và kỷ luật Giáo Hội thế nào? v.v.
4. TÍNH “THỜI SỰ”
Một yếu tố trong bàn luận thần học, tuy có thể không đóng vai trò hàng đầu trong việc tìm ra chân lý, nhưng chắc chắn đóng vai trò quan trọng cho việc tạo ý thức về ý nghĩa của đề tài đang được bàn luận, đó là tính “thời sự” của đề tài. Trong trường hợp bàn luận thần học về lòng thương xót, việc nêu lên tính “thời sự” của đề tài này, ngoài việc làm cho bàn luận hấp dẫn hơn, còn giúp ta hiểu hơn ý nghĩa thực tiễn của lòng thương xót trong đời sống hằng ngày.
Quả như Đức Hồng Y Walter Kasper quan niệm, lòng thương xót là một đề tài rất thích hợp để bàn luận trong bối cảnh thế giới ngày nay đang chịu nhiều đau thương và đổ vỡ.[8] Những vấn đề toàn cầu nhưng cũng rất thực tiễn đối với hoàn cảnh xã hội ở Việt Nam như sự dửng dưng trước nỗi đau hay tai nạn của người khác, bạo lực tàn khốc (chiến tranh, giết người cách dã man, v.v), chia rẽ hận thù (giữa các quốc gia, khối kinh tế hay ý thức hệ, gia đình, v.v), phá hủy môi trường, v.v. đang đặt con người trước những bế tắc khủng khiếp. Lòng thương xót có lẽ sẽ cung cấp cho chúng ta cơ hội tìm ra giải pháp cho những bế tắc đó. Trước những biểu hiện của văn hóa sự chết, dẫn loài người đến tình trạng diệt vong, có lẽ chỉ có lòng thương xót, mà hình mẫu được tìm thấy nơi Thập giá Đức Kitô, mới là giải pháp cho sự tồn tại của nhân loại.
Trên đây là một số phác thảo và gợi ý, vừa mang tính phương pháp luận vừa cung cấp một số chất liệu căn bản, cho một bàn luận có tính thần học về lòng thương xót. Những khúc mắc thần học cũng có thể được làm sáng tỏ hơn dưới ánh sáng của khái niệm lòng thương xót (X. chú thích 6 & 7). Nếu được xây nền vững chắc, khái niệm lòng thương xót sẽ cung cấp những khả thể mới cho suy tư thần học liên quan đến nhiều đề tài khác nhau về Thiên Chúa, con người và thế giới.
TÀI LIỆU ĐỌC THÊM
ĐTC GIOAN-PHAOLÔ II, Thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” (Dives in misericordia), 1980.
ĐTC PHANXICÔ, Tông sắc “Dung mạo của lòng thương xót” (Misericoridae Vultus), 2015.
KASPER, Walter, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life, trans. William Madges (New York: Paulist Press, 2014).
CONGAR, Yves,“La miséricorde. Attribut souverain de Dieu” (La vie spirituelle 106, 1962), 380–95.
[1] X. W. Kasper, Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian
Life, trans. William Madges (New York: Paulist Press, 2014), xv. 9-10.
[2] X. Stephen B. Bevans, An Introduction to Theology in Global Perspective (New York: Maryknoll, 2009), 137-156.
[3] Trong bài viết này, sự loại suy đề cập trong mục (a) được diễn tả cách khác, như là sự loại suy giữa mầu nhiệm đức tin và kinh nghiệm cuộc sống hiện tại. Sự loại suy này được thể hiện qua việc cho thấy sự thiết thực hay tính “thời sự” của mầu nhiệm đức tin.
[4] Ví dụ: một người có thể dựa vào phân tích từ nguyên La tinh: misericordia = misereri (đồng cảm/thương hại) + cors (trái tim) hoặc misericordia = miser (bất hạnh, đáng thương) + cors (trái tim) mà suy ra rằng ý nghĩa của misericordia là “yêu thương bằng con tim đồng cảm” hay “yêu thương với con tim tan nát”, hay “yêu thương những người bất hạnh”, v.v. Hoặc một người có thể phân tích từ này trong tiếng Việt: lòng thương xót = tấm lòng + thương yêu + đau xót mà suy ra rằng ý nghĩa của khái niệm đó là “yêu thương với con tim biết đau”, v.v. Những suy diễn này không hẳn là vô ích cho việc hiểu ý nghĩa của lòng thương xót hay misericordia, nhưng cần được đặt trên nền tảng vững chắc của những thực tại trong Thánh Kinh (liên quan đến Thiên Chúa và thái độ, tương quan của Ngài với con người) mà từ này được dùng để diễn tả. X. W. Kasper, Mercy, 50: “Thus, the decisive statement concerning God’s gracious and merciful essence is not a speculative statement or the result of a mystical experience. Rather, it is a statement of faith on the basis of the historical self-revelation of God. In and through history, God reveals his essence, which has been hidden from human beings. We can speak of it only by way of a narrative, and not in a speculative way”.
[5] X. W. Kasper, Mercy, 44: “The meaning that the Bible’s testimony ascribes to God’s mercy does not emerge solely from how the word is used. The meaning of mercy can be ascertained only from the entirety of the biblical history of salvation”.
[6] Một số gợi ý ban đầu cho một hiện tượng luận như thế: Lòng thương xót là một dạng tình yêu đặc thù, gắn liền với thực trạng của hiện hữu con người. Nó không nhất thiết phải thuộc về bản chất con người, nhưng thực tế, tương tự như kinh nghiệm đau khổ, vì một lý do nào đó mà lý trí không hoàn toàn giải mã được, nó đã gắn chặt với hiện hữu chân thực của con người. Nó dường như đã trở thành “phản xạ có điều kiện” hay “phản ứng tự vệ” của hiện hữu chân thực trước thực trạng đau khổ.
Điều này dẫn đến hệ quả về mặt xã hội: lòng thương xót, trong thực trạng hiện tại của hiện sinh, trở nên chất keo kết dính, làm cho xã hội thực sự trở thành cộng đoàn của những nhân vị.
Tương tự, tính thiết yếu của lòng thương xót đối với hiện sinh con người cũng bao hàm những cách hiểu mới về mối tương quan giữa con người với thế giới và về những hiện tượng nhân sinh khác, ví dụ như lao động, tương quan nghề nghiệp, phong cách sống, v.v.
[7] Một số gợi ý ban đầu: Khúc mắc liên quan tới Thập giá thường là câu hỏi tại sao Thiên Chúa cứ phải cứu con người ngang qua biến cố đau thương và tàn khốc như thế? Liệu như thế Thiên Chúa có tàn nhẫn quá không? Nếu thần học cho thấy được rằng lòng thương xót là đối trọng của đau khổ (nhìn từ phía con người, trong hiện hữu chân thực của mình) và là dạng thức hiện tại của tình yêu vĩnh cửu và vô biên của Thiên Chúa đối với con người trong hiện thực tội lỗi của họ (nhìn từ phía Thiên Chúa), thì vấn nạn về Thập giá sẽ được làm sáng tỏ hơn. Theo đó, Thập giá không còn là biểu tượng của sự tàn nhẫn mà là của tình yêu trong dạng thức đặc thù của nó (lòng thương xót) khi đối diện với sự tàn khốc khôn xiết của tội lỗi con người.
[8] X. W. Kasper, Mercy, 1-15.