Trong phần này, xin bàn cách riêng về các thừa tác vụ phát sinh từ “đoàn sủng tiên tri,” nhận được trong Phép Rửa. Quả vậy, chịu Phép Rửa là kitô hữu được thông phần vào sứ mệnh “tiên tri” của Ðức Kitô. Ðức Kitô, “Tiên tri và Thầy dạy,” như Christifideles Laici đã nhắc lại, đã “tuyên bố vương quyền của Chúa Cha qua chứng cứ đời sống và quyền bính của lời Ngài. Vì thông phần vào sứ mệnh ấy, giáo dân nhận được khả năng cùng trách nhiệm đón nhận Tin mừng với cả lòng tin, để dùng lời nói và việc làm mà tuyên bố Tin mừng ấy, không chút do dự đem hết can đảm mà nhận dạng và tố cáo sự dữ. Hiệp nhất với Ðức Kitô, Vị ‘Tiên tri lớn’ (Lc 7:16), và được Thần Khí làm cho nên ‘chứng nhân’ của Ðức Kitô phục sinh, giáo dân dự phần vào cảm thức đức tin siêu nhiên của Giáo Hội – ‘để một khi tin thì chẳng có thể sai lầm’ – và vào ‘ơn lời nói’ (x. Cv 2:17-18; Kh 19:10)” (số 14). Nói cách khác: vì là tín hữu, giáo dân có năng quyền giảng dạy trong Giáo Hội.
Ðã từ rất lâu, trong Giáo Hội, thường nghe nói về “Giáo Hội chủ huấn” và “Giáo Hội thụ huấn.” Lối phân biệt ấy đã khiến giáo dân, nói chung, giữ thái độ thụ động. Hẳn là cách phân biệt ấy – ecclesia docens, tức giáo phẩm, và ecclesia discens, tức các giáo hữu khác – mang một ý nghĩa tích cực hơn: trong Giáo Hội, “nhiệm vụ giáo huấn” là duy nhất và là của Giáo Hội toàn thể (x. Giáo luật, đđ 747tt), nhưng lại được chia sẻ cho mọi phần tử theo “giai trật,” tức tùy cương vị của từng chi thể: đứng đầu là tín hữu số một, tức giáo hoàng – ngài được đặc ân giáo huấn bất khả ngộ (đ. 749 §1) – sau đó là đoàn thể các giám mục – các vị cũng hưởng đặc ân này trong tư thế là tổng thể (đ. 749 §2) – và tiếp đến là các chi thể khác với phần riêng của mình trong sứ mệnh chung ấy. Giáo luật nói rằng hệ quả đầu tiên của quyền ấy là rao giảng Tin Mừng, cũng theo giai trật: trước tiên là giáo hoàng (đ. 756 §1), và cuối cùng là các giáo dân (đ. 759). Như thế nghĩa là giáo dân có bổn phận thi hành nhiệm vụ giáo huấn của mình trong Giáo Hội, ý thức đó là quyền hạn mà đức tin và các bí tích Rửa tội cùng Thêm sức trao phó cho.
Về nhiệm vụ này – qua FABC 4 (Tokyo 1986) – Giáo Hội Châu Á đã bình luận như sau: “Không thể nào sứ mệnh tiên tri của Giáo Hội lại bị giới hạn vào trong phạm vi chức năng giáo huấn của giáo phẩm… cần phải lắng nghe Dân Chúa và tham khảo ý kiến của họ để nhận ra tinh thần và khôn ngoan của Thiên Chúa ở dân chúng, đăïc biệt là trong lãnh vực đời sống trần thế của họ và trong những vấn đề liên hệ” (4.4.3). Nghĩa là các giám mục chấp nhận sự giáo huấn của giáo dân, ý thức rằng trong rất nhiều lãnh vực xã hội, giáo dân biết rõ tình trạng và vấn đề hơn hẳn mình. Trong các kỳ đại hội của FABC, bao giờ cũng có các “thủ lãnh giáo dân” (lay leaders) tham dự và tham dự một cách tích cực; nhiều văn kiện (Papers) của FABC là do chính giáo dân biên soạn.
PHỤC VỤ ĐỨC TIN
Kho tàng đức tin bao gồm cả tín điều lẫn lòng tin; Giáo Hội có bổn phận gìn giữ và chuyển thông nội dung kho tàng ấy cho các thế hệ. Chủ thể của việc chuyển thông này là Hội thánh toàn thể, mà giáo dân không chỉ là đa số nhưng còn là yếu tố quan trọng nhất, bởi đại đa số các tín hữu công giáo đã tiếp nhận đức tin từ cha mẹ. Khí cụ đặc thù của nhiệm vụ này là lời nói: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Ðức Kitô” (Rm 10:17). Lời Chúa được giảng trước tiên ở trong “Giáo Hội tại gia” – để dùng cách Vaticanô II gọi các gia đình công giáo (GH 11b) – cha mẹ thi hành sứ mệnh giáo huấn cơ bản trong Hội thánh. Tông huấn Christifideles laici nói rằng: “Là ‘Giáo Hội tại gia,’ gia đình kitô cũng là trường học tự nhiên và cơ bản, để đào tạo tín hữu: qua bí tích hôn phối, cha mẹ đã lãnh nhận ơn trợ giúp và thừa tác vụ để giáo dục con cái trong đức tin kitô; họ làm chứng và chuyển thông cho con cái những giá trị nhân bản và tôn giáo. Khi học nói lời đầu, các con em cũng học biết những lời ca tụng Chúa, Ðấng mà chúng cảm thấy gần gũi như một người Cha đầy yêu thương săn đón. Khi học làm cử chỉ tình thương đầu tiên, các em cũng học biết cách mở lòng mình ra cho người khác, và khi học biết trao ban chính mình là các em biết về thế giới loài người. Chính đời sống thường nhật của gia đình công giáo sẽ làm nẩy sinh kinh nghiệm đầu tiên về Giáo Hội” (số 62). Ðã đến lúc phải nhìn nhận và nêu bật vai trò chủ yếu này của gia đình – đặc biệt là của người mẹ –; khen suông không đủ, cần phải có hành động cụ thể. Suốt nhiều thế kỷ, Kitô giáo đã dần dần trở thành một tôn giáo “quy giáo sĩ” với lối sống đạo tập trung cả vào giáo xứ. Lịch sử cho thấy Kitô giáo đã thất bại trong các xã hội sống rải rác hoặc du mục. Bởi lệ thuộc quá nhiều vào giáo sĩ và nhà thờ, Kitô giáo đã biến mất ở Trung Á sau thế kỷ 14. Nếu thật sự xác tín gia đình là “Giáo Hội tại gia” thì phải sáng tạo những nghi thức thích hợp cho Giáo Hội ấy, chẳng hạn: phải dồn vào việc đào tạo “hàng tư tế” (cha mẹ) ấy những phương tiện – nếu không nhiều hơn, thì – ít nhất là bằng số phương tiện dành cho việc huấn luyện các thừa tác viên chức thánh; phải nhìn nhận giá trị hợp pháp của các nghi thức tại gia đối với việc giữ ngày Chúa nhật; phải đưa đại diện của các bậc làm cha làm mẹ công giáo vào các hội đồng mục vụ và kinh tế của địa phần và của xứ đạo, v.v.
Thử nhìn qua về giáo huấn hấp thụ từ trong gia đình. Ða số trong loài người, cả khi tuổi đã lớn và cho đến chết, vẫn giữ còn ghi khắc sâu, bền trong tâm khảm những lời khuyên, những lẽ khôn, những nguyên tắc luân lý mẹ đã dạy lúc còn thơ ấu. Huấn quyền ấy phát sinh từ cảm thức đức tin, được Hiến chế tín lý về Giáo Hội của Vaticanô II xác nhận là có tính cách bất khả ngộ (x. GH 12). Thế mà từ nhiều thế hệ nay, huấn quyền của giáo phẩm và lòng vững tin của đại đa số gia đình tín hữu làm như vẫn còn ở trong tình trạng phân ly gián cách. Phải chăng là vì giáo phẩm đã không lưu ý đủ đến ý kiến của giáo dân? Năm 1859, John Henry Newman đã khôn ngoan đề nghị là giáo phẩm nên hỏi ý kiến của giáo dân ngay cả trong vấn đề giáo lý;[1] nhưng rồi chẳng ai nghe theo. Hẳn đã đến lúc ngành luân lý về gia đình phải biết chú tâm lắng nghe các gia đình công giáo.
Giáo dân với giáo huấn về đức tin. Quan hệ giữa cảm thức đức tin của dân Chúa và đoàn sủng giáo huấn của giáo phẩm là quan hệ giữa hai chức năng trong cùng một cơ thể: nội dung và mục đích chỉ là một. Nếu giáo huấn tối cao có ơn bất khả ngộ thì chính là để định tín nội dung của niềm tin dân Chúa. Thánh Thần không mạc khải riêng cho giáo huấn ấy một điều gì mới khác, song chỉ để trợ giúp cho quá trình khám phá và định giới nội dung của đức tin cổ truyền trong dân Thiên Chúa. Thần học xác định rằng giáo dân credendo docent: họ dạy khi tin. Lịch sử cho biết nhiều lúc giáo phẩm bị lay chuyển trong khi giáo dân vẫn vững chắc trong đức tin, như trong thời lạc giáo Ariô (thế kỷ 4-5) hay trong gian đoạn khủng hoảng vì chủ hướng Gallican (Gallicanisme) ở Pháp (thế kỷ18-19). Hai tín điều mới về Ðức Mẹ vô nhiễm và về Ðức Mẹ hồn xác lên trời là kết quả của việc lòng tin dân Chúa soi sáng cho thấy chân lý trong kho tàng đức tin. Công đồng Vaticanô I dạy rằng trước khi định tín một chân lý đức tin, Ðức Giáo Hoàng có bổn phận phải nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt là về “ý kiến của Giáo Hội rải rác trong khắp hoàn cầu” (DS 3069), như chính cả Ðức Piô IX lẫn Ðức Piô XII đã làm. Vì vậy, giáo dân có bổn phận học hỏi giáo lý cho thấu đáo để biết rõ về những điều mình tin và sống đạo với một niềm tin kiên vững.
Giáo huấn đức tin tỏ hiện đặc biệt khi các tín hữu sống đức tin bằng việc làm, tức là làm sao để thái độ, cử chỉ, lời nói và việc làm, nhất là việc làm chuyên môn, của người tín hữu thấm nhuần sâu đậm tinh thần phúc âm: nhà báo kitô viết bài theo đạo lý kitô, chính trị gia kitô đưa dẫn xã hội đi theo các nguyên tắc kitô, chủ công nghiệp, luật sư, sĩ quan, bác sĩ, v.v. thì cũng vậy; không cần phải làm điều gì đặc biệt, chỉ cần chu tất cho hoàn hảo những gì thuộc bổn phận của mình. Nếu có khả năng thì đem ra dùng để làm cho đức tin tỏa sáng, như một Maurice Blondel, một Jacques Maritain, một Christopher Dawson, v.v.; hoặc để miêu trình sinh hoạt của đời sống kitô giáo đích thực, như các thiên tiểu thuyết của George Bernanos, Endo Shusaku, như thơ của Hàn Mặc Tử, v.v. Còn có trường hợp đặc biệt của các nghệ sĩ: họ dạy, họ giảng về đức tin qua các tác phẩm nghệ thuật; bao nhiều người “thấy” được vẻ cao đẹp trong Kitô giáo qua các tác phẩm hội họa và điêu khắc của Michelangêlô, hoặc “nghe” được Phúc âm trong âm nhạc của J.S. Bach. Những cử chỉ thường nhật đã hóa thành những “bài giảng.” Như được thuật lại thì có lần thánh Phanxicô Assisi đã đề nghị với một tu sĩ trẻ: “Nào chúng ta đi giảng một vòng đi.” Cả hai đi qua đi lại mấy vòng ngoài đường phố, không nói nên một nửa lời, rồi trở về nhà. Tu sĩ trẻ hỏi: “Thầy Phanxicô, thầy quên không giảng hay sao?” Phanxicô trả lời: “Chúng ta đã giảng, giảng Tin Mừng cơ mà!” Sống bác ái, khiêm hạ, phục vụ… là rao giảng. Ðã là thánh, thì dĩ nhiên mọi cử chỉ đều là lời giảng, đều là giáo huấn. Hồi cuối thế kỷ trước, mẹ Têrêxa Calcutta đã diễn giải Kitô giáo một cách dễ hiểu và hữu hiệu nhất. Trong cuốn Ðon Quijote, Cervantes viết: “Ai sống tốt ấy là kẻ giảng hay.”
NHỮNG CÁCH GIÁO HUẤN MINH NHIÊN
Ngày xưa, trong Giáo Hội, nhiều giáo dân đã giữ phận vụ giảng dạy thần học. Nổi tiếng nhất là Giuxtinô, Clêmentê, Téctullianô, Ôrigênê… tiếp sau đó đã có Lactantius, Prospêrô Aquitanô…[2] Bên Ðông phương thì có Sôdômênô, Êvagriô Scôlasticô… Một số giáo phụ đã bắt đầu giảng dạy thần học khi còn là giáo dân, như thánh Badiliô, Grêgôriô Nadiăndô, Hiêrônimô, Paulinô de Nôla, và cả thánh Âugutinô. Còn thời Trung cổ thì có Hugô Êthêrianô làm giáo sư ở Conxtăntinốp; nhiều vua chúa cũng đã soạn bài giảng.[3] Ở Châu Âu, sau cuộc ngoại xâm hồi thế kỷ 5 làm cho đế quốc Rôma sụp đổ, văn hóa, chữ nghĩa chỉ còn tồn tại ở trong phạm vi Giáo Hội, còn giáo dân, kể cả vua chúa, thường là mù chữ; vì thế, chỉ một mình hàng giáo sĩ là có kiến thức để mà làm công tác dạy dỗ, giảng huấn, cách riêng là trong phạm vi tôn giáo. Thời phục hưng, giáo dân đã lấy lại chỗ đứng ở trong văn hóa và từ giữa giáo dân đã xuất hiện một số nhà thần học lừng danh như Silviô Piccôlômini, Contarini, Reginald Pole, Staphylô, v.v., Angêlô Massarelli đã giữ vai thư ký trong công đồng Trentô, và vua Henry VIII, Anh quốc, đã viết sách thần học.
Trong thời gian từ Tân đại cho đến Vaticanô II, giáo dân đã góp phần rất lớn trong phạm vi tư tưởng tôn giáo; nhưng thần học theo nghĩa hẹp thì vẫn còn là lãnh vực coi như dành riêng cho giáo sĩ. Cả đến cha Yves Congar cũng nghĩ: “Thật ra, thần học theo nghĩa chính thực, tiêu biểu, là kiến thức của giáo sĩ, hoặc còn hơn thế nữa, của các linh mục.”[4] Cuộc cải cách của Vaticanô II đã đem lại những thành quả to lớn trong lãnh vực này. Giáo luật chỉ thị rằng: “Những người dạy các môn thần học trong bất cứ một học viện cao đẳng nào, đều phải có ủy nhiệm thư của nhà chức trách có thẩm quyền” (đ 812), và đồng thời khuyên các giáo dân “lấy các cấp bằng chuyên môn” về thần học để một “khi đã chu tất những gì luật đòi buộc, họ có năng cách để được thẩm quyền hợp pháp của Giáo Hội ủy nhiệm dạy các thánh khoa” (đ 229 §3). Hiện có nhiều học viên giáo dân (chứ không phải là tu sĩ không chức thánh) theo học tại các phân khóa thần học, và nhiều giáo dân – nam cũng như nữ – phụ trách việc dạy thần học tại các đại học cũng như tại các đại chủng viện. “Chức trách có thẩm quyền” (đ 812) nói trên đây là các giám mục. Theo hồng y Lustiger, tổng giám mục Paris: “Vai trò đích thực của giám mục là giáo huấn về đức tin và, vì thế, cũng là giảng dạy thần học.” Bằng cách nào? “Vai trò của giám mục cũng bao gồm cả việc khích lệ giáo dân nghiên cứu thần học, tức là không chỉ là cho phép họ học hỏi những khoa môn của giáo sĩ không thôi, mà còn phải lấy thái độ kính trọng và tin tưởng mà cung cấp tất cả những điều kiện thiết yếu để họ được đào tạo đầy đủ trong mối hiệp thông của chức tư tế chung.”[5] Uỷ ban Thần học Quốc tế của Tòa thánh hiện có một thành viên giáo dân (năm 2002). Những sự kiện như thế đang đổi khác bầu khí trí thức trong Giáo Hội, và không thể không có ảnh hưởng trên các cơ cấu hành chánh. Thử hỏi tâm trạng giáo sĩ sẽ như thế nào khi phải dùng cách xưng hô “thưa thầy, thưa cô” với giáo dân? Có phải chính vì thế mà Ðức Giáo hoàng đã viết: “Chính thế, giáo dân có thể và phải giúp các linh mục, tu sĩ trong đường thiêng liêng và mục vụ họ đang đi.”[6] Công tác giảng huấn chuyên môn này còn cần phải được mở rộng nhiều hơn trong Giáo Hội.
Có lẽ trường hợp điển hình của công tác giảng huấn này là việc làm của giáo lý viên. Xưa nay đa số các giáo lý viên đều là giáo dân. Giáo Hội Việt Nam đã có kinh nghiệm đặc biệt về điểm này, kể từ Anrê Phú Yên cho đến bây giờ. Cũng không thể quên được rằng người mẹ trong gia đình chính là thầy dạy đức tin đầu tiên; vì thế, không thể bỏ qua mà không nói đến thừa tác vụ làm mẹ công giáo trong “Giáo Hội tại gia” tức là gia đình. Trong môi trường này, cha mẹ thi hành trọn vẹn nhiệm vụ vương giả, tư tế và tiên tri đã lãnh nhận. “Thông thường, lời mời đầu tiên nghe được để trở thành phần tử của Giáo Hội, là một lời vọng lên từ trong gia đình. Ngay cả trước khi được biết như thế qua xứ đạo, hoặc trước khi trí óc hiểu được truyện thánh mời mình lớn lên và trưởng thành trong Chúa Kitô, thì ở trong gia đình, các con trẻ đã có dịp thấy, nghe và cảm nhận ra được sự việc thuộc về Dân Thiên Chúa có nghĩa là gì.”[7]
Danh hiệu “giáo lý viên” thường được hiểu theo nghĩa chỉ về các tín hữu phụ trách việc dạy giáo lý cho trẻ em một cách thường xuyên. Trong tông huấn Catechesi tradendae, Ðức Gioan Phaolô II đã công khai nêu bật công trình của họ: “Nhân danh toàn thể Giáo Hội, tôi muốn nói lên lòng biết ơn đối với anh chị em, những giáo lý viên nam cũng như nữ – cách riêng là nữ – của các giáo xứ ở khắp nơi trong Giáo Hội, đã quảng đại xả thân làm công tác giáo dục đức tin cho các thế hệ con em. Dù thường là khiêm tốn, và ít được ai để ý đến, nhưng việc làm của anh chị em bao giờ cũng là một công tác đượm đầy nhiệt tâm và tính chất cao cả, là một việc tông đồ quý giá, và đặc biệt quan trọng ở những nơi mà vì một lý do nào đó, các trẻ em và giới thiếu niên không được đào luyện cho đầy đủ trong gia đình của họ” (CT 66). Dịch bệnh đang hoành hành trong Giáo Hội tại nhiều nước, là đa số tín hữu chỉ có được một vốn kiến thức giáo lý rất kém cỏi, thậm chí gần như không biết gì về nội dung của đức tin; thế thì, có gì là lạ khi “bị dụ dỗ,” họ bỏ đạo hoặc đi theo một tôn phái, tín ngưỡng khác. Vì vậy, giáo dân mọi tầng lớp phải ý thức về nhiệm vụ trọng yếu và thiết bách này để, nhiều ít theo khả năng của mình, góp phần vào việc dạy giáo lý cho các thế hệ trẻ trong các họ đạo. Thừa tác vụ này thích hợp đặc biệt với các giáo hữu có học vấn. Trong nhiều nước, các giáo dân hưu trí hăng hái đảm trách công tác ấy, coi đó như là sứ mệnh cuối cùng của cuộc đời, một sứ mệnh cao cả, rất cần thiết và tối hữu ích.
Trong lãnh vực này, thiên niên thứ ba đặt ra một số vấn đề mới. Chỉ dạy giáo lý theo thông lệ ở nhà thờ, tại trường học mà thôi, thì không còn đủ; để việc dạy này trong tay của một mình các giáo sĩ và tu sĩ, cũng không đủ. Các giáo dân phải đem sáng kiến “tiên tri” của mình ra mà đề nghị lên các giám mục, cha sở, hội đồng mục vụ, v.v. những phương pháp mới. Chẳng hạn tổ chức các lớp giáo lý tại nhà riêng cho các gia đình ở trong cùng một xóm, một khu nhà, v.v. nơi các thành phố lớn; một số gia đình lân cận tụ họp và chia sẻ lời Chúa tại một nhà thuận tiện; những người có khả năng trong nhóm lo việc chuẩn bị đề tài và chia sẻ; các bậc làm cha làm mẹ phụ trách chuẩn bị con cái trong nhóm rước lễ vỡ lòng hoặc chịu bí tích hôn phối; thỉnh thoảng một người “chuyên nghiệp” có thể đến giúp bổ túc. Ðể đảm bảo cho kết quả được tốt đẹp, cha sở hoặc ủy ban giáo lý (hoặc mục vụ) của giáo xứ sẽ phối hợp những “điểm giáo lý” khác nhau trong giáo xứ, huấn luyện sẵn những cán bộ phục vụ, cung cấp cho họ tài liệu và sách vở, v.v. Ðiều then chót là giáo dân đứng ra đảm trách công tác – với quyền lợi và bổn phận – dạy giáo lý trong cộng đoàn, cho nhau, người nhiều kẻ ít tùy khả năng của mỗi người. Chẳng thế mà thánh Phaolô nhắn nhủ: “Thưa anh em, tôi tin chắc rằng anh em có đầy thiện chí, thừa hiểu biết và có khả năng khuyên bảo nhau” (Rm 15:14); “anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3:16). Trong “Giáo Hội tham gia,” tất cả đều phải nghe và nói, học và dạy, lấy tinh thần huynh đệ mà giúp đỡ nhau cho niềm tin lớn lên và phong phú hơn, ứng đáp kịp thời và dễ dàng những thách đố gặp phải. Chia sẻ lòng tin với nhau sẽ giúp nhau hiểu biết thêm giáo lý và được thúc đẩy cũng như biết cách áp dụng đức tin vào cuộc sống. Thêm vào đó, còn có việc chia sẻ tài liệu: nếu mỗi gia đình mua một cuốn sách thì các gia đình đều có thể đọc, và nếu biết trao đổi như thế thì số sách trong cộng đoàn sẽ được nhân lên gấp trăm gấp ngàn; các nhóm cũng có thể lập tủ sách giáo lý và trao đổi với nhau.
THỪA TÁC VỤ TRUYỀN GIÁO
Mục đích của việc chia sẻ nói trên là để gìn giữ và phát triển đức tin giữa các giáo hữu. Nhưng, giáo lý viên còn có thừa tác vụ truyền giáo, nghĩa là ra sức làm số giáo hữu tăng thêm lên, hầu mở rộng Giáo Hội, và góp phần đẩy mạnh đà tăng triển Nước Trời. Tự bản tính, chân lý Phúc âm hướng tới mọi người; vì thế, những ai đón nhận đức tin thì cũng nhận được ơn gọi gieo truyền chân lý ấy cho những người chung quanh trong mức độ hoàn cảnh cuộc sống của mình cho phép. Vì thế, Giáo luật khẳng định: “Tất cả các giáo hữu có nghĩa vụ và quyền lợi phải làm sao cho sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa càng ngày càng được truyền tới mọi người, thuộc mọi thời và mọi nơi” (đ. 211). Ðức Phaolô VI đã mạnh mẽ quả quyết: “Không thể nào hiểu được nếu có người sẵn sàng đón nhận Lời và muốn vào Nước Trời mà lại không muốn làm chứng và vận động cho Nước Trời” (Evangelii nuntiandi 24). Chistifideles laici nhắc lại dụ ngôn thợ làm vườn nho (x. Mt 20:1-16) và ghi lại lời Chúa nói: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Lời mời gọi này không chỉ là việc của các mục tử, các giáo sĩ và tu sĩ. Ðó là lời mời gọi mọi tín hữu: hết mọi giáo dân cũng đều được Chúa mời gọi và sai đi làm việc ở trong vườn nho của Ðức Kitô tức Giáo Hội và ở giữa thế gian” (CL 2). Ðức Gioan Phaolô II nhận định tiếp: “Trong hoàn cảnh hiện tại, các giáo dân có khả năng để hoạt động trong nhiều công tác và nhiều lãnh vực; vì thế, họ phải tận lực hoạt động cho giáo xứ để củng cố niềm hiệp thông trung thực và đánh thức lòng nhiệt thành truyền giáo cho lương dân, cũng như lòng tin của các tín hữu đã bỏ đạo hoặc sống đạo thờ ơ” (CL 27). Nhiệm vụ này cốt ở tại việc “giới thiệu” Ðức Giêsu cho những ai chưa biết Ngài.
Trong lịch sử Giáo Hội, giáo dân đã từng sáng lập nhiều cộng đoàn tín hữu – hoặc một mình bởi không có linh mục, hoặc hợp tác với các giáo sĩ thừa sai – và hướng dẫn làm cho đời sống đức tin sinh động trong các cộng đoàn. Tại Châu Á hiện nay, giáo dân truyền giáo hoặc theo tư cách cá nhân, hay ở trong các phong trào tông đồ, hoặc theo tư thế là giáo lý viên “chuyên nghiệp.” Là thiểu số ở giữa nhiều dân nước, Giáo Hội thấy có bổn phận phải tìm ra một phương cách mới để “phúc âm hóa” xã hội. Hết mọi tín hữu – giáo dân cũng như giáo sĩ, già trẻ, nam nữ, quý tộc và tiện dân… – đều phải làm việc truyền giáo: Nếu mỗi năm một tín hữu chinh phục được một người đón nhận đức tin, thì thiết nghĩ chẳng bao lâu cộng đồng nhân loại sẽ trở thành cộng đồng công giáo. Muốn được như vậy, thì mỗi giáo xứ phải huy động quần chúng, tổ chức các khóa đào tạo thiêng liêng và kỹ thuật, chuẩn bị tài liệu cho giáo dân, lương dân và tân tòng, cũng như phải biết dành một phần tài chánh tương ứng với tầm quan trọng của sứ mệnh này. Thanh thiếu niên truyền giáo ở nhà trường, đại học hoặc sân vận động; công nhân truyền giáo ở xí nghiệp; công chức thì tại văn phòng, v.v. Lý do không phải vì muốn giành giật cho có nhiều người về với tôn giáo mình, nhưng là vì yêu mến Ðức Kitô, làm như lời Ngài dạy, và vì yêu thương tha nhân. Thường không cần phải học cao mới có thể truyền giáo, nhưng chỉ cần biết “trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của mình” (1Pr 3:15).
Các phong trào tông đồ là hoa trái phát sinh từ ơn tiên tri trong dân Thiên Chúa. Giáo Hội gọi là “phong trào” các tổ chức có mục đích tông đồ theo nghĩa rộng. Ở đây, chỉ xin nói đến các phong trào có quan hệ với việc truyền giáo, vì trong đó, công tác phục vụ Lời Chúa có một tầm quan trọng đặc biệt. Trong lần các phong trào nhóm họp đại hội tại Rôma (5.6.1998), Ðức giáo hoàng nhận rằng các phong trào trong Giáo Hội quả đã đạt đến mức “trưởng thành,” nghĩa là – như hồng y Ratzinger lưu ý – tránh được việc can thiệp quá nặng của bộ máy quan liêu trong địa phận hoặc giáo xứ vào trong các sinh hoạt của họ. Ngoài các phong trào đã có từ lâu như Legio Mariae, hiện giờ còn thấy xuất hiện một số tổ chức giáo dân truyền giáo, như chẳng hạn: Hội Ba Ngôi Truyền Giáo (Blessed Trinity Missionary Institute), sáng lập ở Philadelphia (Mỹ) năm 1950; Giáo dân Claret (Seglares Claretianos) sáng lập năm 1988; Hội giáo dân truyền giáo thánh Anphong (Instituto Misionero Seglar Alfonsiano); Hội giáo dân truyền giáo Philippines (Philippine Catholic Lay Missionaries); Huynh đoàn giáo dân truyền giáo (Fraternité Laðque Missionnaire); Hội giáo dân truyền giáo (Associazione Laicale Missionaria), sáng lập năm 1976; Hội nữ giáo dân truyền giáo Ðức Mẹ Ðồng công (L’Istituto Missionario Laiche di Maria Corredentrice), sáng lập năm 1990), v.v. Thêm vào đó là các dòng tu truyền giáo có giáo dân tự nguyện hợp tác với các tu sĩ, khi thì suốt đời, khi thì trong một thời gian.
Thừa tác viên đặc thù trong lãnh vực này là các giáo lý viên “chuyên nghiệp”[8] Trong các lãnh địa truyền giáo, đã từng có các nhân viên như thế; họ là những người tận hiến đời mình để hợp tác với các linh mục thừa sai: dạy giáo lý cho dự tòng và giáo dân khác, điều khiển các cộng đoàn nhỏ. Tông huấn Catechesi tradendae ca ngợi gương dấn thân của họ: “Từ ‘giáo lý viên’ được áp dụng, trước hết, cho giáo lý viên ở các lãnh địa truyền giao (x. đ. 790.1). Sinh ra trong gia đình đạo gốc hoặc tụ mình trở lại công giáo và được các thừa sai hoặc các giáo lý viên khác đào tạo, họ xả thân, năm này qua năm khác, cho việc dạy giáo lý các trẻ em và người lớn, đồng bào của mình. Biết bao Giáo Hội hiện đang sống mạnh đã không được xây dựng nếu không có bàn tay hợp tác đắc lực của họ” (số 66). Hơn bao giờ hết, hiện nay sự có mặt của các giáo lý viên thừa sai giữa đồng bào của họ đang trở nên hết sức thiết bách. Ở Việt Nam, các xứ đạo tổ chức rất tốt các lớp giáo lý cho tín hữu; nhưng giáo lý viên thừa sai thì hiếm có. Một cộng đoàn kitô không truyền giáo là một cộng đoàn vong bản, bởi đã mất đi bản chất truyền giáo của Giáo Hội Chúa Kitô. Ðã đến lúc các giáo xứ – giáo phẩm – phải thành lập các hội giáo dân truyền giáo, hoặc độc thân hoặc có gia đình, làm việc tại chỗ hoặc được sai đi nơi khác. Dĩ nhiên là cần phải huấn luyện họ.[9] FABC 5 đã nói lên ước mơ: “Các kitô hữu đã được đào tạo đầy đủ sẽ thành thừa sai đối với bạn đồng cảnh của mình: thanh niên thì phúc âm hóa thanh niên, công nhân thì phúc âm hóa công nhân, chuyên nghiệp thì phúc âm hóa các bạn đồng nghiệp, công chức thì phúc âm hóa công chức, gia đình thì phúc âm hóa gia đình; và như thế, tất cả sẽ trở thành men để biến đổi xã hội Châu Á” (5.2). Muốn vậy thì giới hữu trách trong Giáo Hội phải đặt kế hoạch và dành tài nguyên cần thiết cho công trình ấy.
THỪA TÁC VỤ GIÁO DỤC
Giáo giới công giáo cũng có một ơn gọi đặc thù để góp phần vào sứ mệnh của Giáo Hội, sứ mệnh xây dựng Nước Trời ở dưới đất. Họ chu toàn nhiệm vụ này bằng nhiều cách, đặc biệt là trong tuyền thống nho giáo: vừa làm nguồn kiến thức, vừa làm mẫu gương đạo lý, theo ý nghĩa trọn vẹn của chữ “thầy.”
Việc tông đồ giáo dục đã từng là khí cụ rất sắc bén trong các xã hội kitô giáo cũng như giữa các xứ lương dân. Ngày 28 tháng 12, 1997, Bộ Giáo dục Tòa thánh đã công bố một văn kiện đầu đề “Các nhà trường Công giáo trước ngưỡng cửa Thiên niên Thứ ba.” Theo văn kiện, đây là mẫu mực của nhà trường: “Trường học công giáo là nơi làm công tác giáo dục con người toàn vẹn, qua một chương trình giáo huấn rõ ràng, đặt trên nền tảng là Chúa Kitô; mang căn tính vừa giáo hội mà cũng vừa văn hóa; hiểu sứ mệnh giáo dục như là một công trình tình thương, như là một công tác phục vụ xã hội; có một đường lối giáo dục đặc thù mà toàn thể giáo viên phải theo sát” (số 4). Tiếp đó, văn kiện lên tiếng ca ngợi như sau: “Nghề giáo dục là hoạt động hết sức cao cả về phương diện luân lý, đến độ có thể nói đó là một trong những hoạt động cao thượng và đầy sáng tạo nhất: thật vậy, công việc giáo dục không ra sức ghi khắc vào một thứ khoáng vật chất trơ ì, mà là ghi tạc vào chính tâm lòng con người” (số 19). Vì thế Giáo Hội đã không ngừng bênh vực tự do giáo dục và mạnh mẽ đòi hỏi quyền thiết lập cùng quản lý các trường tư thục (x. GD 8b). Tại Châu Á, có rất nhiều trường công giáo. Tuy nhiên, các thể chế chuyên chế vẫn không chịu nhận quyền này. Nhưng, không phải vì thế mà đặc biệt quan tâm đến các giáo viên đang phải thi hành sứ mệnh của mình trong những hoàn cảnh khó khăn.
Các giám mục Châu Á (FABC 4) nhận xét: “Nói đúng ra, ở Châu Á giáo dân đóng vai trò chính trong tác vụ cốt yếu của sứ mệnh giáo dục qua việc dùng trường học mà giúp người trẻ lớn lên về mặt nhân bản và tưởng thành. Vai trò của họ trong việc tông đồ giáo dục phát sinh từ Phép Rửa, qua đó họ được thông phần vào sứ mệnh của Ðức Kitô tiên tri và tôi tớ” (3.5.4). Vì vậy, qua phận vụ của mình, các giáo viên chia sẻ thừa tác vụ giáo huấn – làm thầy dậy – của Ðức Giêsu. Giảng dạy không chỉ là chuyển thông kiến thức, mà còn là gieo trồng các giá trị vào trong tâm lòng của học sinh. Chức năng của họ còn là góp phần cho cả một khối học sinh và giáo viên với tín ngưỡng, giai cấp, sắc tộc khác nhau trở nên một cộng đồng huynh đệ. Giáo Hội phải huấn luyện họ cho sứ mệnh này.[10]
Việc tông đồ của một giáo viên công giáo là cốt ở chỗ dạy như một người kitô, vừa làm một thầy giáo tốt vừa làm một chứng tá khả tín. Giáo viên là thừa sai giữa các đồng nghiệp và các học sinh, trước hết bằng cách giúp họ trở nên người tốt, rồi sau đó bằng cách chia sẻ đức tin của mình khi có dịp thuận tiện. Dạy môn gì, thì giáo viên kitô cũng không quên truyền đạt các giá trị Phúc âm là chân lý, công bằng, thành thực, khoan dung, hòa giải, v.v.[11] Quan hệ thầy trò cũng có thể kéo dài để ảnh hưởng tới cả gia đình và tương lai của học sinh; và như thế, môi trường tông đồ sẽ được nới rộng gấp bội. Thừa tác vụ huấn giáo thâït mênh mông và đa dạng. Vì thế, nên thành lập những hiệp hội giáo viên công giáo với những tờ thông tin và giáo dục, cũng như tổ chức những khóa đào tạo chuyên môn, tôn giáo, tu đức như tĩnh tâm, v.v. để giáo giới có dịp trao đổi ý kiến và kinh nghiệm, trau dồi nghề nghiệp và lý tưởng của người tông đồ kitô.
[1] J. H. Newman, “On Consulting the Faithful in Matters of Doctrine,” The Rambler, July 1859, xin xem John Henry Newman, Conscience, Consensus and the Development of Doctrine: Revolutionary Texts by John Henry Cardinal Newman, ed. James Gaffney, New York: Image/Doubleday, 1992, 392-428.
[2] Trích dẫn trong Denzinger, số 238, 246, 353, 370, 376, 378-395.
[3] Chẳng hạn: Robert II, vua Napoli († 1343) đã để lại hơn 300 bài giảng.
[4] Y. Congar, Jalons pour une théologie du laðcat… tr. 431.
[5] Jean Marie Lustiger, trong Études, janvier 2000, bài chuẩn bị hội nghị Châu Âu, năm 1999.
[6] Christifideles laici, số 61.
[7] FABC 4, Ðông kinh, Nhật bản, 16-25 tháng 9, 1986, số 3.4.7.
[8] Xin xem Bộ Truyền giáo, Chỉ Nam cho các Giáo Lý Viên, Vaticanô 1993.
[9] Chẳng hạn phương pháp giản dị bàn đến trong bài: Joseph T. Sullivan, How to Share Your Faith with Others. A Good News Guidebook, Liguori Publications 2000.
[10] Tại nhiều nước, có chương trình “Christian Maturity Formation Seminars” và “Colloquia on the Ministry of Teaching,” chẳng hạn như ở Naga (Philippines), hoặc ở Saint Louis University, Missouri (Mỹ).
[11] Xin xem FABC Paper 46e, “The Laity in the World of Education” (1986).