LỜI GIỚI THIỆU
Quý Vị độc giả,
Càng ngày giáo sĩ, tu sĩ cũng như giáo dân Việt Nam càng cảm nhận sâu xa hơn nhu cầu học hỏi và đào sâu thần học theo đà tiến mới của Giáo Hội hoàn vũ.
Nói đến học hỏi và đào sâu là nói đến ngôn ngữ diễn đạt truyền thông. Có thông suốt ngôn ngữ, tức là sinh ngữ – ít nhất là những sinh ngữ chính các nhà thần học hiện đại đang dùng – thì mới thoải mái theo dõi suy tư của các thần học gia ngày nay, thì mới dễ dàng cập nhật kiến thức thần học được.
Các thứ tiếng đang được dùng nhiều nhất hiện nay trong lãnh vực thần học là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây ban nha, và tiếng Ý. Không phải là không có nhiều người thông thạo các thứ tiếng này giữa giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Việt Nam; nhưng cũng phải phận rằng đại đa số không có cơ hội làm quen với tất cả hay là với một vài trong các thứ tiếng nói trên. Vì thế, việc chuyển dịch các bản văn thần học căn bản hoặc danh tiếng sang tiếng Việt là việc làm được người kitô Việt, mà cả các anh em kitô các nước Âu Mỹ cũng đều cảm thấy cần phải dùng con đường dịch thuật mà chia sẻ tư tưởng thần học với nhau.
Và cho dù có thông thạo sinh ngữ chăng nữa, việc theo dõi và chọn lọc để nghiên cứu các bản văn nhà thần học phổ biến trong thế giới là một việc hầu như không làm nổi đối với đại đa số. Điều này, anh em kitô khắp nơi cũng đã thấy. Chẳng thế mà từ Đông sang Tây, từ Nam chí Bắc trong thế giới Công Giáo đều thấy xuất hiện nhan nhản các thứ tuyển tập thần học.
Vì những lý do nêu trên đây, chúng tôi, một nhóm linh mục người Việt đang phục vụ tại nhiều nước, muốn cùng nhau hợp tác làm công việc dịch thuật thần học, mong đóng góp được phần nào trong sứ mạng đẩy mạnh đà học hỏi và nghiên cứu các môn học thánh giữa người kitô Việt Nam. Đây là danh sách các linh mục trong nhóm dịch thuật thần học chúng tôi.
Trần Đức Anh, O.P. (Ý Đại Lợi); Vũ Kim Chính, S.J. (Đài Loan); Đinh Đức Đạo (Ý Đại Lợi); Trần Văn Hoài (Ý Đại Lợi); Trần Văn Khả (Ý Đại Lợi); Cao Phương Kỷ, SS (Hoa Kỳ); Nguyễn Tiến Lãng, CSsR (Pháp); Sesto Quercetti Hoàng Văn Lục, S.J. (Ý Đại Lợi); Felipe Gómez Ngô Minh, S.J. (Pháp); Nguyễn Thế Minh, S.J. (Pháp); Trần Đình Nhi (Hoa Kỳ); Nguyễn Văn Phương (Ý Đại Lợi); Nguyễn Văn Sĩ, OFM (Ý Đại Lợi); Phan Tấn Thành, O.P. (Ý Đại Lợi); Hoàng Minh Thắng (Ý Đại Lợi); Nguyễn Chi Thiết (Pháp); Nguyễn Đức Thụ, S.J. (Úc Đại Lợi); Trần Ngọc Thụ (Vatican); Nguyễn Trọng Tước, S.J. (Hoa Kỳ); Phạm Minh Ước, S.J. (Úc Đại Lợi).
Hoài bão kia, chúng tôi sẽ cố thức hiện một cách tiệm tiến qua hai bước: bước đầu là giai đoạn dịch các bài báo thần học tiếng tăm, thức thời viết trong năm thứ tiếng kể trên; và khi công việc đã chạy đều, thì tiến đến bước kế tiếp là dịch các sách thần học căn bản và nổi tiếng.
Các bản dịch sẽ được xuất bản và phổ biến rộng rãi đến tay Quý Vị. Các bài báo sẽ được phát hành thành tập mang tên HỢP TUYỂN THẦN HỌC, nhưng không in ra theo hình thức định kỳ của một tờ báo; lúc nào sẵn sàng thì ra: mỗi năm có thể ra từ một cho đến bốn tập, được đánh số theo thứ tự và theo năm.
Kèm theo công việc dịch thuật còn có nỗ lực sáng tác: các bài viết giá trị bằng tiếng Việt cũng sẽ được giới thiệu đến Quý Vị qua tập HỢP TUYỂN THẦN HỌC, sánh vai với các bài viết trong các thứ tiếng khác.
Vê cách phiên âm các tên riêng, tên các sách Kinh Thánh và các ký hiệu viết tắt, chúng tôi theo phương thức của Ủy Ban Phụng Tự Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nêu ra trong mục Những chỉ dẫn cần thiết ở các trang 19-21 của Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Phần thường niên. Quý độc giả có thể đọc thấy mục Những chỉ dẫn cần thiết nóí trên ở những trang cuối của tập HỢP TUYỂN THẦN HỌC số 1 này.
Quý Vị độc giả,
Hoài bão cùa chúng tôi là thế. Nhưng hoài bão đó có thành tựu tốt đẹp, có tồn tại lâu dài và vững bền hay không, một phần rất lớn là do nơi tấm lòng hưởng ứng và tinh thần hỗ trợ của Quý Vị.
Buổi đâu, chúng tôi phải làm việc trong môt nhóm nhỏ, nhưng không phải vì thế mà chúng tôi không tha thiết cầu mong sự hợp tác rộng rãi của Quý Vị trong công tác dịch thuật này nhằm phục vụ độc giả kitô người Việt cho đắc lực hơn: một công tác thật mênh mông bát ngát đòi hỏi nhiều công sức! Xin Quý Vị vui lòng liên lạc với chúng tôi theo địa chỉ ghi nơi trang bìa đây.
Chắc chắn chúng tôi còn nhiều thiếu sót trong công tác mới khởi đầu, xin Quý Vị rộng lượng thứ tha và vui lòng chỉ giáo cho chúng tôi. Thành kính đa tạ.
Kính chào Quý Vị,
HỢP TUYỂN THẦN HỌC