Hợp Tuyển Thần Học

Hướng Đến Một Thần Học Quân Bình Về Thập Giá

Hướng Đến Một Thần Học Quân Bình Về Thập Giá

Mục Lục

Biểu tượng Thập Giá luôn được coi là bộ mặt của Kitô giáo. Biểu tượng đó hiện diện ở mọi nơi chốn và hành vi phượng tự Kitô giáo. Nguyên do là vì, trong đức tin và giáo huấn Kitô giáo, biến cố Thập Giá chiếm một chỗ hết sức đặc biệt. Biến cố này là nguồn khơi mào đức tin của các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Sau khi đã từng đặt dấu hỏi nghiệt ngã cho niềm hy vọng của họ (x. Lc 24,13-27), biến cố này đã làm nở hoa trong họ một đức tin “không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giêsu Kitô, mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào Thập Giá” (1Cr 2,2). Là biến cố bao gồm cuộc thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, nó đã và đang là yếu tố căn bản và thiết yếu của lời rao giảng của Kitô giáo ngay từ lúc khởi đầu (x. 1Cr 15,3-4). Không chỉ là dữ kiện của lịch sử, biến cố này đã trở thành dữ kiện của đức tin Kitô giáo.

Tuy nhiên, hiểu hết ý nghĩa của Thập Giá là điều không dễ. Đối với nhiều người thời nay, Thập Giá Đức Kitô là một điều đáng xấu hổ và việc Kitô hữu tôn kính Thập Giá là một hiện tượng tôn giáo tiêu cực, thể hiện cũng như nuôi dưỡng một tâm lý yếm thế và ấu trĩ. Một số người cho rằng phượng tự Kitô giáo liên quan đến Thập Giá khuyến khích tâm lý khổ dâm nơi những người bị áp bức, làm kiệt quệ ý chí đấu tranh nhằm thay đổi cuộc sống của họ. Một số người khác thì lại cho rằng đây là một cơ chế xả nén của tâm lý bị ám ảnh bởi tội ác giết cha xảy ra ở thời đầu của lịch sử nhân loại. Ngay cả trong Giáo Hội, nhiều người không hiểu tại sao Đức Kitô phải chết thì loài người mới được cứu độ hoặc tại sao chúng ta phải tiếp tục chiêm ngắm Đức Kitô đau khổ và chịu chết trong khi Người đã sống lại trong vinh quang. Nhiều Kitô hữu cho rằng Thập Giá đơn thuần là hậu quả của sự tàn ác của con người và vì thế vô nghĩa hoặc chỉ mang lại sự tàn khốc. Vì thế, rao giảng về Thập Giá không tương hợp với đức tin vào một Thiên Chúa giàu lòng nhân hậu từ bi. Một số Kitô hữu khác thì cho rằng việc giải thích Thập Giá như là hy lễ xá tội chỉ giúp duy trì não trạng hướng về bạo lực, vì lối giải thích như thế trình bày hình ảnh một Thiên Chúa giận dữ, luôn sẵn sàng trả thù khi bị xúc phạm.

Những vấn nạn trên cho thấy nhu cầu cần phải khảo sát và tái khám phá ý nghĩa của Thập Giá Đức Kitô. Thần học về Thập Giá, tuy đã được các tác giả lớn trình bày, vẫn cần phải được trau dồi và làm cho thiết thực hơn. Bài viết này có mục đích đóng góp một phần nhỏ bé vào tiến trình suy tư về ý nghĩa Thập Giá. Tuy nhiên, vì giới hạn của bài viết, người viết chỉ đề cập đến vấn đề về phương pháp hơn là về nội dung của thần học Thập Giá. Vì lý do đó, bài viết không khảo sát trực tiếp hay trình bày một luận giải về ý nghĩa Thập Giá, nhưng chỉ phác thảo một số nguyên tắc chung và căn bản cho một bàn luận thần học đầy đủ, quân bình về Thập Giá.

1. Có nền tảng Thánh Kinh và phù hợp với bối cảnh hiện tại

Như mọi bàn luận thần học khác, thần học Thập Giá cần phải thiết lập sự cân bằng giữa hai cực: dữ kiện đức tin và dữ kiện của kinh nghiệm nhân sinh hiện tại.

Tác giả Jared Wicks gọi hai hoạt động căn bản của phương pháp thần học là “chú tâm lắng nghe” và “tích cực nghiên cứu, diễn tả ý nghĩa của điều đã nghe”.[1] Hoạt động thứ nhất có đối tượng là Lời Thánh Kinh, được lưu truyền trong Truyền Thống Kitô giáo và được Huấn Quyền chính thức của Giáo Hội dạy. Hoạt động thứ hai – làm sáng tỏ và diễn giải ý nghĩa của Lời – được thực hiện trong đời sống đức tin cá nhân và cộng đoàn. Thần học gia Bernard Lonergan cũng cho rằng các hoạt động thần học xảy ra qua hai giai đoạn căn bản: lắng nghe Lời (gặp gỡ quá khứ) và làm chứng cho Lời (hướng về tương lai).[2] Tác giả John O’Donnell cũng nói điều tương tự khi nói về tính chất lưỡng cực của thần học tín lý. Quy chiếu về Anselmo và Tillich, tác giả khẳng định rằng, vì con người sống trong thời gian nên đức tin được chứng thực trong Thánh Kinh cần phải được suy đi nghĩ lại trong mọi cảnh huống mới của cuộc sống. Đức tin vốn là cuộc gặp gỡ với quá khứ, với biến cố Đức Kitô, như Thánh kinh chứng thực, cần phải được làm cho sống lại trong thời hiện tại, để đáp ứng với những vấn đề của văn hóa hiện hành.[3]

Vì thế, mối tương tác giữa dữ kiện khách quan của đức tin và dữ kiện của kinh nghiệm nhân sinh hiện tại là điều không thể thiếu trong bất kỳ bàn luận có ý nghĩa nào về thần học. Có lẽ cũng cần nói thêm rằng hai giai đoạn của suy tư thần học không chỉ diễn ra kế tiếp nhau, nhưng đan xen lẫn nhau tạo thành một năng động duy nhất. Không ai có thể nghe được Lời ở ngoài bối cảnh hiện sinh của mình. Lời khách quan luôn được tiếp nhận bởi những con người vốn có chủ thể tính bị điều kiện hóa bởi những bối cảnh văn hóa xã hội.[4] Điều này có nghĩa là, dữ kiện của kinh nghiệm hiện sinh chuẩn bị đất nền cho hạt giống Lời được gieo và lớn lên. Đồng thời, dữ kiện khách quan của Lời soi sáng, mang lại ý nghĩa và biến đổi kinh nghiệm nhân sinh. Một mặt, ta chỉ thực sự lắng nghe Lời khi ý thức hoàn cảnh hiện tại của mình và tìm cách khám phá, phát ngôn và áp dụng Lời vào hoàn cảnh đó. Mặt khác, chỉ khi lắng nghe Lời thì ta mới có cơ hội hiểu hơn hoàn cảnh của mình.

Khi áp dụng cho thần học Thập Giá, nguyên tắc này thúc đẩy một sự khảo sát ở bề sâu các dữ kiện đức tin về Thập Giá, trong bối cảnh của kinh nghiệm hiện sinh. Một mặt, Thập Giá liên quan đến một nhân vật lịch sử cụ thể − Đức Giêsu Kitô – mà đời sống, lời nói và hành động của Người được ghi lại trong Thánh Kinh cách trung thành và với đức tin. Thế nên, cần thiết phải nghiên cứu Thánh Kinh để tìm ý nghĩa của Thập Giá. Mặt khác, Thập Giá cũng liên quan chặt chẽ tới đời sống và gióng tiếng mời gọi hiện sinh của con người, nên thần học Thập Giá cũng cần khảo sát dấu ấn hay hình bóng của Thập Giá trong đời sống và kinh nghiệm con người.

Việc khảo sát các dữ kiện đức tin bao gồm việc trở về với Chúa Giêsu lịch sử, như được chứng thực, cảm nghiệm và nhận ra bởi con mắt đức tin. Ủy ban Thần học Quốc tế khẳng định sự cần thiết này của cả đức tin lẫn nghiên cứu lịch sử: bởi vì Đức Giêsu Kitô không phải là một huyền thoại hay một khái niệm trừu tượng, chính đức tin Kitô giáo đòi phải nghiên cứu lịch sử về Người, mặc dù nghiên cứu đó luôn gặp rất nhiều khó khăn.[5]

2. Diễn tả đầy đủ các phạm trù cứu độ học “từ trên xuống” và “từ dưới lên”

Bởi vì ý nghĩa của Thập Giá không thể tách rời khỏi Đấng đã được treo trên đó, một bàn luận thần học đầy đủ về Thập Giá cần phải mang những đặc tính của một thần học quân bình về ơn cứu độ. Theo tác giả Bernard Sesboüé, thần học về cứu độ phải để ý đến sự đa dạng nhưng thống nhất trong một toàn bộ hữu cơ của những diễn tả khác nhau về ơn cứu độ trong Tân Ước cũng như trong truyền thống Giáo Hội. Những lựa chọn một chiều sẽ làm cho cấu trúc đa dạng của cứu độ học mất cân bằng và, vì thế, sẽ tạo ra những nguy cơ cho toàn thể cứu độ học.[6] Khảo sát từ ngữ về cứu độ trong Tân Ước và truyền thống, tác giả phân biệt hai nhóm khái niệm về cứu độ: trong nhóm “từ trên xuống”, các khái niệm diễn tả việc Thiên Chúa đóng vai trò chủ động, con người thụ động; trong nhóm “từ dưới lên”, các khái niệm diễn tả việc con người chủ động thực hiện điều gì đó hướng về và cho Thiên Chúa.[7] Hai nhóm khái niệm đó diễn tả tầm quan trọng của Đức Kitô như là trung gian của ơn cứu độ. Chính nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời làm người, mà Thiên Chúa đã đến cứu độ con người cách vô điều kiện, nhưng cũng chính nơi Đức Kitô mà Thiên Chúa làm cho con người có khả năng trở về với Ngài trong tình yêu và sự vâng phục.[8] Tác giả liệt kê các khái niệm cứu độ học theo hai nhóm như sau: nhóm “từ trên xuống” bao gồm các khái niệm mặc khải, cứu chuộc, giải thoát, thần hóa và công chính hóa; nhóm “từ dưới lên” bao gồm các khái niệm hy tế (Sacrificio), xá tội (Expiatio), đền bù thỏa đáng (Satisfactio) và thay thế (Substitutio); cuối cùng là hòa giải – khái niệm trung gian, tổng hợp cả hai năng động từ trên xuống và từ dưới lên.[9]

Việc tác giả B. Sesboüé hệ thống hóa các khái niệm cứu độ học thành hai nhóm, với trung tâm là sự trung gian của Đức Giêsu Kitô, là một cách diễn tả hữu hiệu sự phong phú về mặt ý nghĩa của biến cố Đức Kitô cũng như các khái niệm qua đó Giáo hội tìm cách hiểu và diễn tả sự phong phú đó.

Các khái niệm “từ trên xuống” diễn tả những cách thức khác nhau của việc Thiên Chúa đi bước trước trong chương trình cứu độ. Con người không thể tự cứu mình; ơn cứu độ đích thực chỉ có thể đến từ Thiên Chúa, Đấng siêu vượt mọi giới hạn và vấn đề của thế giới. Tuy nhiên, ơn cứu độ đích thực không đến với con người như một thực tại bên ngoài xa lạ. Vì là ơn cứu độ con người, nên ơn đó huy động toàn bộ các điều kiện của con người, bao gồm sự nỗ lực đáp ứng của con người. Các khái niệm “từ dưới lên” diễn tả điều này bằng nhiều cách khác nhau. Đây không đơn thuần là suy tư lý thuyết về bản chất của ơn cứu độ, nhưng được mặc khải và chứng thực cách cụ thể trong đời sống, lời nói và hành động của chính Đức Giêsu Kitô. Nơi Người, toàn bộ lịch sử của khát vọng và kinh nghiệm của con người về ơn cứu độ được kết tinh. Chính nơi Người mà ta nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa đang hoạt động và diễn ra trong thế giới này cũng như trong chính đời sống ta. Cũng nơi Người mà ta được mời gọi và được làm cho có khả năng đáp ứng với ân sủng tự trao ban chính Mình của Thiên Chúa bằng việc dâng hiến chính mình.

Áp dụng cho thần học Thập Giá, những suy tư trên đưa ta trở về với sự kiện Thập Giá không chỉ là một biến cố lịch sử bình thường. Đó là một biến cố siêu nhiên, đột nhập vào trong lịch sử của thế giới, để biến đổi thế giới cách tận căn và vĩnh viễn. Tuy nhiên, Thập Giá cũng không chỉ liên quan tới một mình Thiên Chúa xét như Ngài là cách tự thân, nhưng là Thiên Chúa đến với tôi cách cá vị. Mối tương quan liên vị giữa Thiên Chúa và con người này không thể mang tính chân thực và có ý nghĩa nếu không có sự đáp ứng cá vị của con người. Việc Thiên Chúa đến với con người không chỉ diễn ra cách thuần túy trừu tượng trong ý thức siêu nghiệm của con người, nhưng còn diễn ra cách cụ thể nơi Đức Giêsu Kitô. Đây chính là vai trò trung gian của Đức Kitô trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Vì thế, hai năng động cứu độ học, với trung tâm là sự trung gian của Đức Kitô, phát xuất từ chính bản chất của Thập Giá.

Vì lý do này mà bàn luận về Thập Giá cần phải để ý đến hai năng động “từ trên xuống” và “từ dưới lên” của cứu độ học. Thập Giá không thể tách rời khỏi Đức Kitô. Vì thế, việc chúng ta có nêu bật được vai trò trung gian của Đức Kitô hay không lệ thuộc rất lớn vào việc chúng ta có thể hiện và thống nhất các khái niệm cứu độ học trong biến cố Thập Giá hay không.

Một cách cụ thể, thần học Thập Giá phải cho thấy các khái niệm cứu độ học đề cập ở trên được thể hiện nơi biến cố Thập Giá thế nào. Cả hai năng động “từ trên xuống” và “từ dưới lên” đều thiết yếu trong bất kỳ giải thích nào về ý nghĩa Thập Giá.[10]

3. Trình bày biến cố Thập Giá như là sự tiếp nối liên tục nhưng cũng là một sự thay đổi đột ngột so với các biến cố mầu nhiệm khác của Đức Kitô

Một trong những chân lý thiết yếu của cứu độ học là toàn bộ biến cố Đức Kitô − bao gồm biến cố Làm Người, đời sống, sứ vụ công khai, cuộc thương khó, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô – đều mang tính cứu độ. Chúng ta không thể hiểu thấu ý nghĩa của Thập Giá nếu không nhìn biến cố đó trong bối cảnh của cuộc Làm Người, đời sống, sứ vụ và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Như Hans Urs von Balthasar nói, có một sự liên tục giữa biến cố Làm Người và biến cố Thập Giá: biến cố Làm Người hướng về Thập Giá. Nếu Thiên Chúa chọn cứu con người từ bên trong, qua biến cố Làm Người, thì Ngài cũng muốn cứu họ bằng cách trải qua kinh nghiệm về cái chết của họ. Vì với cái chết, con người nhận được định hướng dứt khoát cho hiện hữu của mình, nên công trình cứu độ của Đức Kitô chỉ đạt được sự hoàn thành ngang qua “vực thẳm của cái chết”. Bằng cách chọn mang lấy bản tính con người trong tình trạng sa ngã, Thiên Chúa đã chọn hệ quả của nó: tính mỏng giòn dễ chết và kinh nghiệm cái chết. Hành trình mà Thiên Chúa hạ mình xuống, mang lấy bản tính loài người thì còn dài hơn rất nhiều hành trình từ máng cỏ tới Thập Giá. Vì thế, cuộc Làm Người là nền tảng cho khả thể của biến cố Thập Giá. Việc Thiên Chúa trở thành xác phàm hàm chứa và làm cho việc Ngài bị đóng đinh trên Thập Giá có thể xảy ra.[11] Điều đó có nghĩa là dấu ấn, bóng dáng Thập Giá đã hiện diện trong biến cố Làm Người rồi. Ý nghĩa của Thập Giá đã có nơi biến cố Thiên Chúa hóa ra không (kenosis) để cho chúng ta được sống và sống dồi dào.

Hơn nữa, sự liên tục này giữa Làm Người và Thập Giá cũng được chứng thực nơi cuộc đời của Chúa Giêsu lịch sử. Thập Giá là hệ quả tự nhiên của việc Người dấn thân cho Nước Thiên Chúa đang đến, của một đời sống trung thành hiến thân cho việc rao giảng lòng từ bi và sự tha thứ của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bị ghen tức và kết án tử trên Thập Giá vì Người đã trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa, sống trung thành đến cùng sứ mạng Thiên Chúa đã giao cho Người. Nếu được nhìn cách tách biệt khỏi cuộc đời và sứ vụ của Chúa Giêsu, Thập Giá sẽ bị tước mất nền tảng lịch sử đích thực của ý nghĩa cũng như giá trị của mình và sẽ chỉ còn là một tai nạn, chẳng ăn nhập gì với cuộc đời và sứ mạng của Chúa Giêsu. Như thế, Thập Giá sẽ có nguy cơ trở thành một biểu tượng phổ quát hay một ý niệm không có nền tảng lịch sử cụ thể, nói về tương quan giữa Thiên Chúa với con người mà không có vai trò trung gian của Chúa Giêsu.

Mặt khác, Thập Giá cũng không thể được hiểu cách tách biệt khỏi sự Phục Sinh. Trong suốt và sau cuộc thương khó cũng như cái chết của Chúa Giêsu, các môn đệ bị phân tán, mỗi người trốn chạy trối chết. Tất cả đều sợ hãi và thất vọng. Hai môn đệ trên đường Emmau chẳng thể hiểu biến cố vừa xảy ra. Đứng dưới chân Thập Giá, Maria Mađalêna, Gioan và nhiều người khác thấy hoảng loạn vì nỗi đau khổ và mất mát quá lớn. Chỉ với kinh nghiệm Phục Sinh mà họ nhận ra ý nghĩa của cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu. Được biến đổi bởi kinh nghiệm Phục Sinh, họ có thể đọc ra chiến thắng và vinh quang của Thiên Chúa trong những “mật mã” khó hiểu của Thập Giá, vốn có dáng vẻ của một sự thất bại thê lương. Không có Phục Sinh, Thập Giá sẽ là một sự thất bại vô nghĩa, hay cùng lắm là một ký ức đau thương. Vì thế, Phục Sinh là nền tảng bảo đảm cho sự hiệu quả cánh chung của Thập Giá ngang qua mọi thời đại.

Ý nghĩa của Thập Giá, vốn đã có trong cuộc Làm người, trong đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu, sẽ được mặc khải tròn đầy trong cuộc Phục Sinh. Ba mối tương quan này của Thập Giá với những mầu nhiệm khác của Đức Kitô cần phải được xem xét cùng và đồng thời với nhau. Không mối tương quan nào có thể được phép thiếu trong việc khảo sát ý nghĩa của Thập Giá. Mầu nhiệm Làm người là nền tảng siêu việt, đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu là nền tảng lịch sử và Phục Sinh là nền tảng cánh chung hữu hiệu của Thập Giá. Một số thần học gia chấp nhận Thập Giá có mối tương quan liên tục với cuộc đời Chúa Giêsu, nhưng không có mối tương quan liên tục với biến cố Làm người.[12] Đối với họ, Con Thiên Chúa làm người không phải để bị sát hại và đóng đinh vào Thập Giá. Họ có ý tốt là muốn bảo vệ tính chất từ bi tốt lành của kế hoạch của Thiên Chúa và muốn làm nổi bật tính chất xã hội chính trị của sứ vụ của Chúa Giêsu, cũng như sự tàn khốc của biến cố Thập Giá. Tuy nhiên, quan điểm này sẽ dẫn đến nguy cơ “trần tục hóa” hoặc “chính trị hóa” Thập Giá, mà không thấy ý nghĩa sâu xa, khởi nguồn từ nền tảng siêu việt của Thập Giá. Thập Giá có thể được xem như là một phán quyết lịch sử xét xử sự dữ, nhưng không được xem như là việc Thiên Chúa tự hóa mình ra không, một biến cố vốn có nguồn gốc từ vĩnh cửu và sẽ giải trừ sự dữ cách hiệu quả và dứt khoát vĩnh viễn. Quan điểm này cũng dẫn đến nguy cơ giảm nhẹ vai trò tối thượng của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài trong những biến cố lịch sử. Thập Giá dường như chỉ là một tai nạn không được Thiên Chúa dự liệu trước, một phát sinh làm thay đổi hướng đi của kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.

Chúng ta đã nhấn mạnh sự liên tục giữa Thập Giá và các biến cố Làm người, đời sống của Chúa Giêsu và Phục Sinh. Tuy nhiên, cũng cần làm nổi bật sự kiện là Thập Giá là một bước ngoặt, một sự đột phá trong nhiệm cục cứu độ. Nói rõ hơn, Thập Giá là sự can thiệp đặc biệt của Thiên Chúa, “đột nhập” vào trong lịch sử nhân loại. Cần phải nhấn mạnh một “sự bất liên tục trong liên tục” giữa Thập Giá và biến cố Làm người, đời sống và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Thập Giá, với cái chết thảm khốc của Chúa Giêsu, không hề là một sự liên tục êm xuôi, hay là một biến chuyển mang tính nội tại so với cuộc Làm người hay với cuộc đời Chúa Giêsu. Về mặt thần học, việc Thiên Chúa tự hóa ra không trong biến cố Làm người đúng là đặt nền tảng cho khả thể của Thập Giá, nhưng việc tự hủy đó không nhất thiết phải dẫn đến cái chết bị nguyền rủa trên hai thanh gỗ. Về mặt chính trị, cách thức mà Chúa Giêsu thi hành sứ vụ có thể lôi kéo sự thù nghịch và chống đối, nhưng điều này cũng không nhất thiết phải dẫn đến việc kết liễu cuộc đời Người cách tàn nhẫn.[13] Không hề có một logic nhất thiết nội tại nào mà lý trí con người có thể rút ra từ biến cố Làm người hay cuộc đời Chúa Giêsu để đi đến kết luận là phải có Thập Giá. Chỉ có một lý do, đó là “sự cần thiết mang tính thần linh” (dei trong tiếng Hy lạp) của kế hoạch của Thiên Chúa, điều mà Chúa Giêsu đã loan báo trước cho các môn đệ. Đây chính là sự can thiệp của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại.

Rất dễ để nhận ra một sự bất liên tục tương tự như thế giữa Thập Giá và sự Phục Sinh. Không ai có thể tiên liệu hoặc tưởng tượng sự Phục Sinh như là một kết quả tự nhiên, tất yếu của Thập Giá. Nếu lý trí con người có thể suy ra sự Phục Sinh như là kết quả chắc chắn và tự nhiên của Thập Giá thì cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu sẽ bị mất đi tính nghiêm túc lịch sử và thần học của mình, mà chỉ là một màn diễn kịch hay một giai đoạn chuyển tiếp tạm thời mà không tự mình có ý nghĩa gì cả. Chúa Giêsu sẽ được xem như là “giả vờ” đau khổ và “làm bộ” chết. Việc Người tự hiến sẽ mất hết giá trị. Vì thế, chúng ta cần phải khẳng định sự Phục Sinh là một cuộc can thiệp bất ngờ của Thiên Chúa, vượt trên một suy lý tự nhiên. Phục Sinh thay đổi lịch sử cách tận căn, làm cho nó từ chết thành sống, từ tội lỗi thành ơn cứu độ.

Sự bất liên tục, ngắt quãng giữa Thập Giá và cuộc Làm người cũng như sứ vụ của Chúa Giêsu có nghĩa là Thập Giá không chỉ nhận được ý nghĩa từ các biến cố trên, nhưng còn làm cho chúng có ý nghĩa. Ý nghĩa thực sự tròn đầy của cuộc Làm người như là một sự tự hủy chỉ có thể được tìm thấy trong biến cố Thập Giá, nơi mà chúng ta có thể thấy rõ ràng và sắc nét sự tự hủy của Thiên Chúa, đang diễn ra nơi Chúa Giêsu đau khổ và hấp hối. Thập Giá cũng trao ý nghĩa cho đời sống phục vụ của Chúa Giêsu, cho thấy đó không chỉ là một đời sống anh hùng thuần túy nhân bản, nhưng còn là chính Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động để thiết lập Nước Ngài trong thế giới. Thập Giá cho thấy rõ Chúa Giêsu, Đấng đến không để được phục vụ mà để phục vụ (x. Mc 10,45), cung cấp loại hình phục vụ nào cho nhân loại. Người phục vụ bằng cách cho đi chính mạng sống mình; việc phục vụ đó không đơn thuần là cho đi, mà còn cứu nhân loại, một lần cho tất cả, khỏi thảm kịch vô phương cứu chữa.

Nếu Thập Giá đón nhận ý nghĩa từ cuộc Phục Sinh, thì kinh nghiệm Thập Giá cũng đã chứa đựng, hàm ẩn và tiên báo kinh nghiệm Phục Sinh. Thánh Phêrô đã nhận được ân sủng hoán cải và tha thứ trong cuộc thương khó rồi (x. Mc 14,72). Trong Phúc Âm Gioan, giờ của Thập Giá cũng chính là giờ của vinh quang, của cuộc khải hoàn của tình yêu Thiên Chúa. Kinh nghiệm của các môn đệ về sự Phục Sinh được sinh ra từ kinh nghiệm của họ về tình yêu Thiên Chúa, sự liên đới, tha thứ được thể hiện nơi Chúa Giêsu trong suốt cuộc đời Người và đặc biệt là nơi cái chết trên Thập Giá. Sẽ không có Phục Sinh nếu không có Thập Giá. Đức Kitô phục sinh luôn được nhận ra như là Chúa Giêsu đã bị đóng đinh.

Quan tâm đến sự liên tục và bất liên tục giữa Thập Giá và đời sống, sứ vụ và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu là một việc tối quan trọng trong thần học Thập Giá. Điều đó sẽ giúp ta trân trọng Thập Giá như là một phần hữu cơ trong toàn bộ biến cố Đức Kitô, đồng thời cũng nhận ra Thập Giá như là sự can thiệp đột xuất của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại.

4. Để ý đến chiều kích Ba Ngôi của Thập Giá

Liên quan đến Thập Giá, câu hỏi thường được đặt ra là hình ảnh Thiên Chúa: Thiên Chúa gì mà sai Con mình đi chết trên Thập Giá? Liệu Thiên Chúa có tàn nhẫn quá không khi hiến tế Con mình trong khi Ngài ngự an toàn trên trời? Những câu hỏi này đụng chạm tới vấn đề về tính bất biến của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa mà có thể chết? Chúng ta cần phải khẳng định sự bất biến của Thiên Chúa như là một tín điều, nếu chúng ta muốn giữ sự phân biệt giữa Thiên Chúa, Đấng hiện luôn tròn đầy và các loài thụ tạo vốn cần và luôn thay đổi.[14] Tuy nhiên, nếu đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá không có ảnh hưởng gì tới Thiên Chúa thì đâu là sự liên đới của Thiên Chúa với con người?

Những câu hỏi này chỉ có thể được trả lời nếu ta để ý đến tính chất Ba Ngôi của Thập Giá. Thập Giá không chỉ liên quan đến Ngôi Con, mà với cả Ba Ngôi Thiên Chúa. Đúng là chính Ngôi Con mới là Đấng làm người và chết trên Thập Giá, nhưng chính Ngôi Cha, Đấng trao ban chính Con mình cho nhân loại, mới là nguồn gốc của hy tế Thập Giá. Và chính Ngôi Thánh Thần là hiện thân của sự trao ban chính mình qua lại giữa Cha và Con. Vì vậy, thật là sai khi tưởng tượng Thiên Chúa, trong tư cách là Ngôi Cha, an nhiên tự tại trên trời trong khi Chúa Giêsu đang đau khổ trên Thập Giá.

Liệu việc Thiên Chúa tự hiến trên Thập Giá có hàm ý một sự thay đổi trong hữu thể nội tại của Ngài, và vì thế ảnh hưởng đến sự bất biến của Ngài chăng? Để vừa nhấn mạnh việc cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều can dự vào biến cố Thập Giá, vừa bảo toàn được sự bất biến của Thiên Chúa, thần học gia H.U. Balthasar đề nghị một cách hiểu về sự tự hủy liên quan đến bản tính Thiên Chúa. Đối với tác giả, Thập Giá là sự hiện thực hóa tột đỉnh của sự tự hủy của Thiên Chúa. Sự tự hủy không chỉ là một hành vi mà nằm sâu trong bản tính của Thiên Chúa. Từ đời đời, Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, luôn trao ban chính mình cho nhau, tạo khoảng trống cho nhau. Con tự do trao ban chính mình đến nỗi không khư khư giữ lấy thần tính và tự ý vâng phục với sự vâng phục của một nô lệ. Cha cũng luôn tự ý trao ban chính mình đến nỗi không khư khư giữ lấy Con cho mình, mà “trao nộp” Con cho nhân loại (tradere: Ga 19,11; Rm 4,25; 8,32, dare: Ga 3,16; 6,32, v.v.). Còn Thánh Thần thì luôn được mô tả như là “Quà Tặng” của cả Cha và Con.[15]

Chúng ta có thể khai triển tư tưởng của tác giả Balthasar như sau. Sự trao ban chính mình cho nhau giữa Ba Ngôi, vốn khác nhau nhưng đồng thời rất đỗi hiệp nhất, làm cho có thể xảy ra việc Thiên Chúa tạo dựng thế giới mà không phải do Ngài cần đến thế giới hay phải thôi không là Thiên Chúa nữa. Khi trao ban chính mình trong việc tạo dựng, Ngài không đánh mất yếu tính của Ngài, bởi vì cách nội tại, Ngài đã là và luôn là một sự tự trao ban chính mình. Chân lý này cũng áp dụng cho mức độ lớn hơn của việc tự hủy, xảy ra nơi biến cố Làm người: “trở nên giống nô lệ” không phải là điều gì kỳ lạ, ngoại lai đối với Thiên Chúa, bởi vì trong đời sống thần linh, Con đã và vẫn luôn vâng phục Cha; đó là bản tính của Con. Biến cố Làm người chỉ là một sự hiện thực hóa trong không gian và thời gian điều mà Con luôn là từ muôn thuở. Thiên Chúa không cần phải làm người mới trở nên Thiên Chúa “hơn” hay Thiên Chúa “thật”, bởi vì Ngài đã là và luôn là từ muôn thuở điều đang xảy ra trong biến cố Làm người.

Điều tương tự cũng đúng trong trường hợp Thập Giá. Thực ra, đối với tác giả Balthasar, việc Con Thiên Chúa hạ mình xuống làm người là một sự khiêm hạ lớn hơn nhiều việc Ngài đi đến Thập Giá trong tư cách là con người. Việc Ngài đi xuống máng cỏ đã hàm chứa việc Ngài sẽ đi đến Thập Giá.[16] Tất cả những điều này có thể xảy ra là bởi vì đời sống thần linh có đặc tính tự hủy: Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đỉnh, Ngài thể hiện mình rõ nhất trong việc cúi xuống phục vụ loài thụ tạo Ngài đã dựng nên. Chính trong sự khiêm hạ của hình dáng nô lệ, của thân hình bị tra tấn tàn tạ trên Thập Giá mà Ngài cho chúng ta thấy rõ nhất Ngài là ai. Vì thế, Làm người và Thập Giá không chỉ là điều Ngài làm cho loài thụ tạo (cứu họ), mà trước hết đó còn là những biến cố qua đó Ngài mặc khải yếu tính sâu xa nhất của Ngài.

Với cách hiểu về khái niệm tự hủy như thế, tác giả Balthasar đã có thể trả lời cho câu hỏi về sự bất biến của Thiên Chúa, đồng thời đặt toàn bộ biến cố Thập Giá trên nền tảng của đời sống Ba Ngôi nội tại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng, tác giả nói tự hủy thể hiện sâu xa nhất Thiên Chúa là ai, chứ không nói tự hủy bản tính nội tại của Thiên Chúa, như thể khái niệm tự hủy có thể định nghĩa Thiên Chúa, hoặc như thể yếu tính của Thiên Chúa có thể được định nghĩa và giảm trừ thành một tiến trình tự hủy mang tính tự nhiên và logic. Đối với tác giả, Thiên Chúa ở đàng sau và vượt trên sự tự hủy: Ngài cung cấp nền tảng cho khả thể của chính sự tự hủy, và Ngài có thể làm cho việc tự thể hiện mình ra bên ngoài có thể xảy ra.[17] Đây là điểm phân biệt Balthasar với các đồ đệ của Hegel, những người giải thích việc Thiên Chúa dấn thân vào thế giới bằng cách cho rằng chính thay đổi và tiến hóa là yếu tính của Thiên Chúa.[18]

5. Cho thấy vai trò của cả Thiên Chúa lẫn con người trong biến cố Thập Giá

Một trong những lý do cho việc khó hiểu biến cố Thập Giá là quên rằng có ba vai chính trong biến cố này: Thiên Chúa, Chúa Giêsu và con người. Điều này được mặc khải và khẳng định trong các trình thuật thương khó trong các sách Phúc Âm. Các trình thuật này đều có chung xác quyết thần học, được mặc khải qua lời và thái độ của Chúa Giêsu trước cái chết, rằng điều đang xảy ra không nằm ngoài kế hoạch của Thiên Chúa và của Chúa Giêsu. Đặc biệt, trong Phúc âm Gioan, ta thấy Thiên Chúa và Chúa Giêsu hoàn toàn làm chủ tình hình. Tuy nhiên, các trình thuật này cũng trình bày những cảnh huống lịch sử cụ thể trong đó xảy ra đủ mọi cái xấu xa của con người: ác ý, tàn bạo, hèn nhát, phản bội, giả hình, lừa dối, v.v. Sự kiện có cả ba vai chính hoạt động tích cực trong biến cố Thập Giá đã được phản ánh trong suy niệm của thánh Augustin về những nghĩa khác nhau của từ tradidit trong tiếng Latinh. Cùng một từ này được Thánh kinh dùng để chỉ việc Cha trao ban Con cho nhân loại, Con trao nộp chính mình cho nhân loại và Giuđa trao nộp Thầy mình cho quân dữ. Điều khác nhau giữa những sự trao ban và trao nộp này là Cha và Con làm vì tình yêu, còn Giuđa thì làm vì bội bạc.[19]

Việc quên sót ba vai chính này và không nhìn ra vai trò riêng của họ tạo ra điều mà tác giả Bernard Sesboüé gọi là “đoản mạch” trong thần học về ơn cứu độ.[20] Dùng một khái niệm liên quan đến điện, tác giả gọi cực dương là tình yêu từ bi của Cha − Đấng trao ban Con cho nhân loại − cùng với tình yêu và sự vâng phục vô điều kiện của Con − Đấng hiến tế chính mình vì lợi ích của nhân loại. Cực âm là tội lỗi nhân loại, điều sản sinh ra mọi thứ xấu xa; là mớ bòng bong gồm tội và hệ quả của tội. Do tội mà con người sống xa Thiên Chúa, từ chối tình yêu và công lý của Ngài, và bị bạo lực thống trị, phá hủy tình liên đới giữa họ.

Cứu độ là điều xảy ra khi hai cực này tiếp xúc với nhau. Chính kế hoạch hòa giải của Thiên Chúa, được thực hiện ngang qua đời sống, cái chết và sự Phục Sinh của Đức Kitô, là điều được thấy rõ nét trong biến cố Thập Giá. Chính trên Thập Giá mà tội và cái chết, vốn dường như đang chiến thắng, đã nhường chỗ cho sự chiến thắng quyết định của tình yêu và sự sống, cho sự giải thoát và hoán cải của con người. Vì thế, Thập Giá là nơi xảy ra và gặp gỡ của những thái cực đối lập. Đó là nơi mà một cuộc hành hình man rợ, đối nghịch với tin mừng cứu độ, đã trở nên diễn tả tận cùng của một tình yêu mạnh hơn sự chết. Tuy nhiên, để có thể cảm nhận đúng đắn sự gặp gỡ này, chúng ta cần phải tôn trọng những vai đối lập và trách nhiệm riêng của họ. Hiện tượng “đoản mạch” xảy ra khi ta nhầm lẫn các vai đối lập và gán cho họ những trách nhiệm thuộc về bên kia. Đó có thể là việc gán sự tàn bạo cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và gán giá trị cứu độ cho hành vi tội ác của con người tội lỗi, tức hành vi thảm sát Chúa Giêsu trên Thập Giá. Như thế, ta đã nhầm lẫn gán cho Thiên Chúa trách nhiệm của con người tội lỗi, và quên rằng hành vi thảm sát một người tự nó không có ý nghĩa cứu độ. Đó sẽ là thảm họa cho việc đi tìm ý nghĩa của Thập Giá. Để hiểu đúng hơn vai trò của ba vai chính, ta cần phải tránh hiện tượng “đoản mạch” này.

Trên đây là phác thảo và luận giải về một số đặc tính cần thiết cho một thần học Thập Giá quân bình. Những điều trên không phải là đã bao hàm đầy đủ và toàn bộ những điều kiện cần thiết cho một bàn luận về Thập Giá, nhưng có lẽ cũng đủ để giúp định hướng cho cuộc thảo luận nghiêm túc về ý nghĩa của Thập Giá. Thập Giá tự bản chất là một dữ kiện đức tin đầy nghịch lý, nhưng không phải là không có cái lý riêng của mình. Vì Thập Giá cũng còn là một dữ kiện nhân sinh, thuộc về kinh nghiệm của những chủ thể mà lý trí là điều thuộc về bản chất của họ. Những cặp phạm trù hay đặc tính nghịch lý nhưng đi chung với nhau, như được liệt kê ở trên, không phải là những “phát minh” kỳ cục nhằm làm cho các chân lý đức tin liên quan đến Thập Giá mang vẻ siêu việt và mù mờ, nhưng là mô tả hay diễn tả của những dữ kiện được trao ban cho Kitô hữu trong kinh nghiệm đức tin và trong kinh nghiệm nhân sinh của họ. Và kinh nghiệm của con người là thế! Luôn chứa đầy những nghịch lý nhưng cũng căng đầy ý nghĩa.


 

[1] X. J. Wicks, Introduzione al Metodo Teologico (Casale Monferrato, 1994), 37-40.

[2] X. B. Lonergan, Method in Theology (London, 1971), 133.

[3] X. J. O’Donnell, Introduzione alla Teologia Dogmatica, dịch giả G. Bell, G. Occhipinti (Casale Monferrato, 1993), 9-15.

[4] X. K. Rahner, Hearer of the Word: Laying the Foundation for a Philosophy of Religion, dịch giả J. Donceel (New York, 1994).

[5] X. ITC, Select Questions on Christology, 185-186.

[6] X. B. Sesboüé, Jésus-Christ L’unique Médiateur. Essai sur la Rédemption et la Salut. I. Problématique et Relecture Doctrinale (Paris, 1988), 107.

[7] X. B. Sesboüé, Jésus-Christ, 50-51.

[8] X. B. Sesboüé, Jésus-Christ, 51.

[9] X. B. Sesboüé, Jésus-Christ, 107-111.

[10] Điển hình là chúng ta cần phải làm sáng tỏ Thập Giá là mặc khải tình yêu của Thiên Chúa thế nào, chứ không chỉ nhấn mạnh khía cạnh hy tế hoặc xá tội của Thập Giá như cách hiểu phổ thông lâu nay.

[11] X. H.U. Balthasar, Mysterium Paschale, dịch giả Aidan Nichols (Edinburgh, 1990), 12-23.

[12] Ví dụ, L.S. Cahill viết trong bài «The Atonement Paradigm: Does it still have explanatory value? », Theological Studies 68 (2007), ở trang 421 rằng: «I fully support the thesis that Christ was put to death on the Cross as the result of the way he lived in unity with God and humanity, not because the suffering death was the major point of the Incarnation».

[13] Một trong những bằng chứng là các môn đệ của Chúa Giêsu, những người theo sát Người và kinh nghiệm rõ nhất sự thù nghịch và chống đối, nhưng không hề tiên liệu rằng Người sẽ bị bắt, bị tra tấn và giết chết trên Thập Giá, ngay cả khi đã được Người báo trước ba lần (x. Mc 8,31; 9,31; 10,33; v.v.)

[14] X. K. Rahner, Foundations of Christian Faith: an Introduction to the Idea of Christianity, dịch giả W.V. Dych (London, 1984), 219.

[15] X. H.U. Balthasar, Mysterium Paschale, 28.

[16] X. H.U. Balthasar, Mysterium Paschale, 23.

[17] X. H.U. Balthasar, Mysterium Paschale, 29.

[18] Ví dụ, chúng ta có thể thấy điều này trong khái niệm của Jürgen Moltmann về yếu tính của Thiên Chúa, vốn bao gồm và hàm chứa đau khổ và sự dữ như là phản đề của mình. X. Helen F. Bergin, “The Death of Jesus and its impact on God – Jürgen Moltmann and Edward Schillebeeckx”, Irish Theological Quarterly 52 (1986) 193-211.

[19] X. B. Sesboüé, Jésus-Christ, 63.

[20] X. B. Sesboüé, Jésus-Christ, 62-64.