Gần đây, ngày càng dồn dập những cách mạng trong lãnh vực khoa học, kỹ thuật. Trong số những cách mạng ấy, phải kể đến chủ thuyết bất định (indéterminisme), hỗn mạng (chaos) và lô dích mờ (fuzzy logic).
Bất định, đó là một trong hai: vị trí hay tốc độ, năng lượng hay thời gian của một hạt tử, mà ta không thấy chính xác (flou quantique). Và cũng không thể tính trước rằng một hạt bắn đi sẽ xuyên qua tấm bia hay dội 145º. Nói chi đến sự phức tạp và vô cùng tinh tế của sự sống. Biến dịch vẫn có quy luật của dịch biến, nhưng quy luật ấy tinh vi quá, khó xác định. Những định luật đơn giản chỉ có thể áp dụng “chung chung,” áp dụng cho số nhiều, thành “Quy luật của những con số lớn” (Loi des grands nombres), nên có lẽ phải mang tính xác xuất (calcul de probablité) vào ứng phó.
Vâng, tất cả không đơn giản, như hai với hai là bốn. Hai với hai đúng bốn chỉ có trong lý trí chúng ta. Và cũng chỉ trong lý trí chúng ta mới có đường thẳng vô tận, khi mà trong thực thế, tới một độ dài nào đó, đường thẳng phải cong đi trong một vũ trụ hình cầu. Ðể hiểu được vũ trụ này, lý trí phải mềm lại để dễ ưốn theo những đường cong của nó. Và thay vì lô dích nhị phân, quá cứng nhắc với Có (dòng điện qua) và Không (dòng điện ngừng), người ta phải chuyển sang lô dích mờ của nhiều độ đúng và sai, nhiều độ có và không. Thí dụ, để phân biệt một người trẻ hay già, nếu theo lô dích nhị phân và lấy tuổi ba mươi làm chuẩn, thì ngày hôm trước anh còn trẻ (ba mươi), ngày hôm sau anh thành lão mất rồi. Ðó, sự vô lý của cái rõ nét.
Bớt rõ nét và mềm dẻo hơn, có những con đường của Phương đông.
Vào hậu bán thể kỷ XX, xuất hiện trên bầu trời Mỹ một vô địch đô vật hạng nặng, được chân truyền từ Nhật một công phu gọi là nhuyễn phúc công. Trong chiến đấu, hễ đầu đối phương đụng vào bụng anh ta liền bị bóp cứng ở đó, không cụ cựa gì nổi, điều tưởng chỉ có trong truyện chưởng thôi. Thì ra nhuyễn phúc công, với sức mạnh của cái mềm, là có thực. Và cũng thực đúng nguyên lý NHU THẮNG CƯƠNG.
Ngoài nhuyễn phúc công, nguyên lý này còn được xác minh bằng nhiều cách khác, trong Judo chả hạn.
Judo không đương đầu trực diện, mà lấy mềm đón cứng. Nghĩa là thuận theo hướng đánh của người mà đánh người, và đánh bằng sức của chính họ. Nhờ thế, dù yếu vẫn quật ngã được kẻ khoẻ hơn gấp mấy lần.
Lối đòn mềm ấy cũng là kỹ thuật của du kích chiến. Trong du kích chiến, hễ địch công thì mình né, chờ địch không phòng bị hay phân tán lẻ tẻ mới đánh, xuất kỳ bất ý mà đánh, lấy vũ khí của địch mà diệt địch.
Chiến thuật mềm thường là sở trường của Phương đông, được Phương đông khám phá khi chiêm ngắm thiên nhiên, nhất là chiêm ngắm nước.
Con đường Nước của Lão tử
Lão tử chính thức trình bày con đường Nước trong chương 66, 78, nhứt là chương 8 của Ðạo Ðức Kinh, nhưng con đường ấy chìm ẩn suốt cuốn sách này. Bởi lẽ toàn bộ cuốn sách nói về sức mạnh của Nhu, của Vô vi, Thuần phác. Mà dù Vô vi hay Thuần phác cũng là cách xử Mềm cả. Mà mềm, thì “không gì mềm hơn nước,” “không gì thắng được nước.”
Quả thật, nước dưới thấp thì cũng như khí trên cao, bao giờ chả mềm, chả xem như yếu, hễ bị lấn thì lui, nhưng vẫn nguyên vẹn, chẳng ai làm chi nổi. Chính vì mềm, nên nước không hề bị giảm suy, thương tổn. Chính vì mềm, nên lợi dụng được mọi hoàn cảnh, thời cơ. Do đó, về lâu dài, nhất định sẽ thắng; để rồi càng thắng, càng dồn thêm sức mạnh, khiến gió chất thành bão, nước chất thành sóng lớn, thủy triều.
Vì nước mềm, nên không ai chống với, không ai muốn đua tranh. Trái lại, hễ cao thì có người ganh, hễ hợm mình thì có người ghét:
— “Dĩ kỳ bất tranh, cố, thiên hạ mạc năng dữ chi tranh.”
Nước chỉ yêu ở chỗ thấp (thiên hạ), và vì thấp, nên thâm nhập được tất cả, thành “bách cốc vương.” Tình chỗ thấp, đó là khiêm nhu, ẩn khuất, không kể công, không hám danh. Chính nhờ đó mà mọi người đều yêu quý, và không ai muốn chống mình.
Mềm đến như nước, thì không còn hình thức gì nhất định, nên luôn trong tình trạng “sẵn sàng” để tùy thời mà uốn nắn. Và đây là thái độ thuần phác, vô vi, la “đứa con đỏ” (xích tử), chưa thành gì để có khả năng thành mọi cái. Ðây cũng là khả năng “ứng vạn biến,” không vụ vào gì cả, nên thích nghi được với mọi thời, mọi nơi, mọi tình huống, mà vẫn y nguyên chính mình.
Sự mềm dẻo để “ứng vạn biến” này, chúng ta gặp rất nhiều thí dụ trongI Tam quốc chí. Lần kia, Tào Tháo rút quân và Trương Tú muốn đuổi theo, nhưng Giả Hủ khuyên đừng đuổi, hễ đuổi là thua đó. Tú cứ đuổi, nên thua thật. Vừa thua xong, Giả Hủ lại bảo: bây giờ thì đuổi được! Tú đuổi, và quả nhiên lần ấy thắng lớn. Hỏi tại sao, thì Hủ giải thích rằng: Tào Tháo có nhiều tướng giỏi, nên khi rút, ắt phải để họ đoạn hậu. Còn lần sau, vì Tháo tưởng Tú không dám đuổi nữa, nên đi gấp mà không phòng bị gì (hồi 18).
Lần khác, khi nghe tin Lưu Bị dựa vào rừng mà đóng quân, Khổng Minh đã than rằng sẽ bị hỏa công và thua lớn. Và xẩy ra đúng như thế. Thế nhưng sau đó, chính Khổng Minh cũng đóng quân trong rừng, nhưng chỉ là để lừa cho địch tới đánh hỏa công, nhờ đó bắt sống Mạnh Hoạch (hồi 88).
Cũng thì những trường hợp như nhau, nhưng chưa chắc đã y hệt nhau. Nên đối phó phải tùy nghi, không nên “nguyên tắc quá.” Và sau đây là lời của Gia Cát Lượng về thuật dùng binh:
Ôi phép làm tướng Phải biết mềm biết cứng, Biết lo biết lường, Biết lui biết tiến, Biết nhược biết cường, Vững vàng như núi đá, Biến hóa như âm dương…” (hồi 100).
Lão tử nhận ra một ưu điểm của nước, đó là tính vô kỷ, vị tha, làm lợi cho tất cả (thiện lợi vạn vật). Nước lại còn có tính cách nén chịu, sự nén chịu cũng của con đường Nhu:
— “Thọ quốc chi cấu, nhận lấy cho mình bụi bậm của quốc gia.”
— “Thọ quốc chi tường, nhận lấy cho mình sự rủi ro của nước nhà.”
Ðây cũng là tận cùng của vị tha, nhưng chính nhờ thế mới thực làm chủ được sơn hà, xã tắc.
Nói đến vị tha và đón chịu là nói đến đặc tính của nước ở mức tổng thể, nên bao la của nó. Và đây là nước trường giang chảy miết không ngơi, dù cuốn theo bao rác rưởi mà vẫn luôn thanh khiết. Ðây là nước đại dương, dù nuôi ngàn muôn tôm cá mà không bao giờ cạn kiệt. Vậy đi vào đạo Nước, thì trí không dừng ở đồng dị tiểu tiết, tâm không thu vào tiểu ngã hạn hẹp, cũng như chí hướng phải vượt lũy tre xanh. Rộng mênh mông, hòa đồng với tất cả, tức “Vật ngã vi Nhất,” đó là độ mở vô độ của nước vậy.
Những ứng dụng xưa nay của con đường Nước
Soạn cuốn Ðạo đức kinh, Lão tử muốn đề xướng một thuật trị nước không ra vẻ trị, “Vô vi như trị,” cách ông coi là duy nhất để thành công. Sự cai trị cứng rắn bằng hình phạt, o ép bằng luật pháp, chỉ tổ khơi dậy tà tâm, thúc đẩy sự đề kháng, và đây là mầm của đại loạn. Ông muốn một giáo hóa êm ái, thấm dần vào tim, do người trên sống thanh thoát mà ảnh hưởng đến cảm nghĩ và cách cư xử của người dưới. Ðể được thế, người ở trên đùng ra vẻ làm bề trên bằng thị uy, hống hách, lại phải sống Vô kỷ, Vô công, Vô danh, Vô tranh, mà không có ý nêu gương, sự cố ý nó luôn sinh kháng ý.
Nhưng con đường mà Lão tử đề xuất lại là con đường khó nhất, nên chẳng ai buồn tiến vào. Vì trước tiên, người quân tử (vua và quan) phải đạt tới mức thập thành nào đó của đạo Vô vi, nhờ vậy hiểu đạo, sống đạo, rồi sử đạo, điều như không thể có đối với những người có thế có quyền: “Sự soi mòn của quyền bính” mà lại! Chưa hết, còn phải nhẫn nại chờ đợi kết quả, cái kết quả có thể rất bền đấy, nhưng lại quá chậm khi trị theo kiểu “không làm gì” (vô vi) như thế. “Trăm năm trồng người” mà!
Thật ra, để có trật tự mới, phải có con người mới. Mà để có con người mới, lại phải có trật tự xã hội mới: hai yếu tố luôn song hành với nhau. Sự nới lỏng luật pháp phải đi sau sự biến đổi con người do giáo dục. Khi con người đã tốt lên một tí, thì kỷ luật phai bớt khắt khe thêm một bước, để cuối cùng chỉ còn tự phát, tự sống tốt do tinh thần tự trọng thôi. Khó có chính quyền nào dám phiêu lưu vào con đường ấy, và đủ kiên nhẫn chờ lâu như vậy.
Không chối cãi rằng, trong xử thế, vẫn nhiều kẻ áp dụng con đường mềm. Nhưng thật ra, họ không mềm thật, mà chỉ mềm mỏng, nghĩa là dùng Mềm như một sách lược, chứ không mềm tại tâm. Thiếu sự chân thành, họ chỉ đạt được những kết quả bề mặt và nhất thời, chứ hóa dân thì không thể.
* * *
Bản chất của nước là không hình thức, không cứng nhắc trong khuôn khổ, nhờ đó có khả năng vạn biến, đủ mềm dẻo để ứng phó chuẩn và nhanh trong bất cứ tình huống nào. Nguyên lý ấy được đưa vào trong lý thuyết võ thuật của nhiều tổ sư và của nhiều nhà viết truyện kiếm hiệp, trong đó nổi bật nhất hẳn là Kim Dung. Kim Dung mang cái nhìn phóng khoáng đó, chẳng những vào trong võ thuật, mà cả vào triết lý sống nữa. Trong bộ Ỷ thiên-Ðồ long, ông trình bày lý thuyết Thái cực kiếm của Trương Tam Phong. Trương chân nhân múa một lần cho đệ tử Trương Vô Kỵ coi, và hỏi xem nhớ được mấy phần. “Nhớ được một nửa,” Vô Kỵ đáp. Tam Phong múa lại, nhưng đường kiếm khác đi, rồi hỏi xem nhớ được bao nhiêu. Ngẫm nghĩ một lát, Vô Kỵ reo lên: “Quên hết rồi.” Trước sự sửng sốt của mọi người, chân nhân phán quyết: “Vậy ra là đấu được rồi!” Mà đấu với ai kia? Với một bậc thầy về kiếm pháp đấy, trong khi trước đây, Vô Kỵ chẳng biết gì về kiếm cả.
Thì ra đây là kiếm ý, chứ không phải kiếm chiêu. Nên chỉ có nguyên tắc, chứ chiêu thì tùy cơ mà sáng tạo. Chỉ có Tam Phong mới nghĩ ra, chỉ có Vô Kỵ mới hiểu nổi. Nhưng hiểu cái lý rồi, thì thiên biến vạn hóa, không thể lường được. Theo lý thuyết Ðạo học, mà Thái cực kiếm dựa vào, thì hết mọi cái đều từ Vô mà sinh, nên trở về được với Vô, thì mới ứng biến tự nhiên nổi.
Ðưa triết lý chữ Vô vào cuộc sống, Kim Dung tạo ra mẫu người Lệnh hồ Xung, sống theo trực giác, chứ không bằng nguyên tắc, sống thật với lòng, chứ không theo đánh giá của công luận. Công luận chia chánh tà hai phe. Nhưng ai chánh mà không có một phần tà, và ngược lại cũng thế? Thậm chí nhân vật điển hình của phe chánh, được mệnh danh Quân tử kiếm, lại che dấu một tâm địa quá tiểu nhân, trong khi kột số kẻ trong đám đầu trâu mặt ngựa lại biết trọng danh dự và chữ tín, và sống có tình nghĩa nữa.
Kim Dung đã mở đầu bộ Tiếu ngạo giang hồ bằng sự gặp gỡ trong tương đắc của hai trưởng lão, một thuộc phe chánh, một thuộc phe tà. Tuy đối nghịch bên ngoài, nhưng thực ra cả hai đều nghĩa khí như nhau. Và kết quả của sự tương phùng ấy là bản nhạc Tiếu ngạo giang hồ đươc họ đồng sáng tác nên.
Hai người rồi sẽ bị phe mình giết, nhưng trong bản nhạc hợp tấu hợp soạn, họ đã gieo một cái mầm và xướng lên một tiền đề. Ðể rồi về cuối, thuộc hai phe sẽ có hai người trẻ biết sống tự nhiên nên không màng đến nhãn hiệu chánh hay tà nữa, nhờ đó có thể yêu nhau và đồng tái tấu bản Tiếu ngạo giang hồ xưa.
Ðây chỉ là tiểu thuyết, nhưng nguyên lý nó dựa vào đáng được ta quan tâm. Càng đáng quan tâm khi mà ngày nay, người ta đang trở về với Tự nhiên. Nhân tạo (l’artificiel) đang phá hoại thiên nhiên và môi sinh một cách trầm trọng, khiến con người tái nhận ra sự kỳ diệu của trật tự thiên nhiên, cái trật tự mà hễ đụng vào, là thấy có chuyện ngay. Việc của chúng ta không phải là để thiên nhiên “bao cấp” mãi, nhưng trong khi biến cải thiên nhiên, luôn phải tìm hiểu thiên nhiên và uốn mình theo nó.
Trong tu đức, những phản tác dụng của con đường Duy ý chí
Cũng như Duy ý chí trong việc điều hành kinh tế, không đếm xỉa đến quy luật tự nhiên của thị thường, bao giờ cũng đưa đến thất bại, thì Duy ý chí trong việc luyện đức tu thân, không mềm uốn theo quy luật tâm lý tự nhiên, cũng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng không kém.
Phương pháp tu đức xưa có thể quy về ba chiến thuật căn bản: trốn chạy, kiềm chế và đương đầu.
Vì sợ tội — nói đúng hơn, sợ hỏa ngục do tội — và vì một thứ quan niệm quá pháp lý về tội, nên người ta dễ quan tọng hóa một hành vi sai trái đơn lẻ hơn là cả một khuynh hướng xấu. Nhất là trong những địa hạt dễ vấp ngã, như tình dục chả hạn. Bởi thế, chiến thuật luôn được đề cao là Chạy trốn.
Nhưng nếu chỉ chạy trốn, thì làm sao có năng đức đây. Năng đức là thói quen và sức mạnh, nó nói lên một trạng thái nội tâm, do đó biệt định con người là tốt và tốt ở mặt nào. Ðức thẳng thắn chả hạn, mới làm nên con người thẳng thắn, chứ không phải một hai hành vi thẳng thắn. Vâng, yếu tố quyết định là cây, chứ không phải trái cây; là tấm lòng, chứ không phải hành động:
— “Con người tốt thì từ kho tốt của tâm hồn lấy ra những gì tốt; còn người xấu thì từ nền tảng xấu của hắn lấy ra những gì xấu; vì lòng hắn có đầy thì miệng hắn mới nói ra” (Lc 6,45).
Hơn nữa, nếu chỉ lo chạy trốn thì sẽ sinh tâm trạng hoảng sợ, do đó ám ảnh. Và thế là “tránh dịp” quá lại đưa “dịp” đến. Chính vì chưa luyện đức, do đó chưa có đức, nên một số tu sĩ ra đời, hễ gặp cơ hội là cảm thấy yếu liền, và dễ dàng sa ngã. Chỉ lo tránh nhiễm độc, họ chưa đạt tới tình trạng miễn nhiễn.[2] .
Khoa phân tâm học ngày nay còn tiết lộ nhiều nguy hiểm chết người, mà tu luyện cổ xưa không nhìn ra. Riêng tâm trạng lo trốn chạy chỉ tổ gây ám ảnh và sinh sợ hoảng (phobie), mà một trong những kết quả là “bối rối lương tâm.” Bối rối lương tâm có thể là ngưỡng cửa tâm bệnh hay đã thực sự tâm bệnh. Một thứ ám ảnh khủng khiếp và dai dẳng do nghi hoặc: đã cố ý phạm tội hay chưa, ý đã đủ để thành tội nặng hay không, nhất là xưng không biết có hết và có thành để được xóa sổ, v.v.?
Người ta cũng quy về bối rối lương tâm thứ tâm bệnh gọi là ám ảnh thực hiện và ám ảnh trừu tượng: sợ có ý tưởng xúc phạm đến Ðức Maria, và liền có ý tưởng ngay; sợ nghĩ hay nói gì nghịch đức tin, và liền bị thúc bách để làm như thế.
* * *
Ðối với những cám dỗ về đức tin và đức tịnh khiết vốn được coi là rất nguy hiểm, thì phương thức quen dùng xưa là chạy. Còn với những cám dỗ khác, thì thường nghe khuyên là phải trực diện đương đầu. Thật ra, sự đương đầu, nhìn thẳng vào địch mà so gươm với địch, khiến sinh thái độ dứt khoát. Một khi đã quen với thái độ dứt khoát ấy, hễ cám dỗ tái hiện, liền có phản ứng tức thời, tự động. Y như khi đã quen vùng dậy khi nghe chuông báo thức, thì khi chuông vừa báo, đã thấy mình dậy rồi, dù tưởng như chưa nghe.
Có điều đương đầu nhiều, cứng gặp cứng sao khỏi gây thương tốn. Lại nữa, kẻ quen với sắt thép và máu lửa dễ coi thường mạng sống và hết bén nhạy tình cảm trước những đau thương. Cũng thế, một thái độ thường hằng cứng do thường hằng đương đầu dễ làm khô tâm hồn, đanh nét mặt, khó tương giao, mà hậu quả cuối cùng sẽ là một cảm giác trống vắng và cô độc.
Nếu với cám dỗ, người ta khuyên đương đầu, thì với nết xấu người ta lại khuyên kiềm chế. Thực ra, kiềm chế và đương đầu cả hai đều là đánh thẳng, đánh trực diện. Ðánh theo kiểu Lưu Bị, chứ không biết dùng mưu như Khổng Minh.
Cũng như đương đầu có ích đôi phen, thì lắm phen cũng cần kiềm chế. Kiềm chế hay dồn nén, theo Freud, là cách để thăng hoa. Sở dĩ thăng hoa được, là vì năng lượng tâm lý là một, chỉ khác nhau ở đích nhắm và tính trọc (do địa khí, xác thịt) hay thanh (do thiên khí, thiêng liêng). Vì thế, nếu hãm ở chỗ này, thì có thể chuyển dòng về hướng khác, do quy luật hoán chuyển (transfert), chuyển bình diện và chuyển đối tượng.
Có điều kiềm chế, tức cấm cản (inhibition) lại là nguôn gốc của nhiều tật thương tâm lý, từ nửa điên của névrose đến toàn điên của psychose. Cho nên hễ dồn nén khéo và vừa sức, thì góp vốn cho thăng hoa, bằng như ngược lại, thì sẽ… Biên hòa, Chợ quán. Vậy, khi nào có thể, thay vì đối đầu với xung động mà nén xuống, ta hãy hướng nó về những gì thiêng liêng một cách khéo léo, và đó là con đường Mềm, là kỹ thuật Judo, dùng sức địch vào công việc của mình.
Ðường Mềm trong Phúc Âm
Chiến thuật Nhu đạo, đường mềm và đi quanh ấy, chính Chúa Giêsu cũng đề xướng qua biểu hiệu Con rắn:
“Hãy khôn khéo như rắn và đơn sơ như chim câu!”
Khôn nhắm chiến thuật, còn đơn nhắm tinh thần, thái độ. Khôn khéo như rắn thì phải biết lẩn, lủi, đi quanh, lúc tiến lúc thoái tùy hoàn cảnh, tùy thời. Nghĩa là rất mềm dẻo, uyển chuyển, chứ không cứng nhắc nguyên tắc, không luôn luôn trực diện đương đầu. Còn đơn sơ như chim câu, thì lòng phải trong suốt và ngay thẳng, không còn bóng tối của vị kỷ, không còn lá chắn của cố chấp, khiến cản đường ân sủng và che khuất sự thật. Tâm hồn đơn sơ, đó là tâm hồn sẵn sàng cho ý Chúa, là sáp mềm dưới tác động Thánh Thần.
Ðơn sơ, ở nhiều chỗ khác, được thi vị hóa bằng con đường trẻ thơ:
— Nước trời là của những ai giống như trẻ nhỏ.
— Không tiếp nhận Nước Thiên Chúa với thái độ trẻ thơ thì không vô được.
— Nếu không trở về với trạng thái trẻ thơ thì không vô được Nước Trời.
— Kẻ nhỏ nhất trong các con, ấy là kẻ lớn nhất.
* * *
Con đường Chim câu và Trẻ thơ đi đôi với Con đường của Thần khí, với cách hành động của Ngài.
Cách làm của Thần khí, đó là cách làm “tùy hứng.” Thần khí “hứng đâu thổi đấy” mà: Vì Thần khí không câu nệ, không trói buộc trong những thành kiến, kuôn khổ, nguyên tắc, chẳng tùy thuộc bất cứ gì. Nên không thể nhìn ra đường đi của Ngài, không biết nó bắt đầu từ đâu và đi về đâu. Chỉ vì lý do không thể tìm ra cái gì quyết định hành tác của Ngài, hành tác này không bị thúc đẩy bởi bất cứ lý do nào, trừ lý do ý Chúa và tình yêu của Chúa.
Ðường Thần khí thế, thì đường những ai sinh từ Thần khí cũng vậy (Ga 3,8). Họ tự do và thật thong dong, muốn làm gì thì làm: “Hãy yêu, và hãy làm điều anh muốn, ama et fac quod vis,” thánh Augustin nói thế.
Hèn gì mà Thần khí được gọi là Khí (pneuma, spiritus), được sánh với Gió. Khí và Gió vốn không hình không sắc, nên đi đâu cũng được và vào đâu cũng xuôi. Y như nước vậy. Và thật ra, trong Tân ước, Thần khí cũng được “đại diện” bằng nước:
— Rửa trong Thần khí và nước.
— Sinh ra từ Thần khí và nước.
— Ai khát hãy đến với tôi mà uống!…
Thần khí ấy, thánh Phaolô mang đối lập với Luật, tức với khuôn khổ và hình thức, tóm lại với “từ ngữ”:
— “Từ ngữ thì giết, còn Thần khí làm sống động” (2Cr 3,6).
— Luật thì trói buộc, còn Thần khí giải phóng (coi Rm 8, v.v.).
Chiến thuật Nước trong luyện đức: Mềm
Sức mạnh của nước là ở dẻo mềm. Vì mềm dẻo, nên khó bị tật thương do đụng chạm. Vì mềm dẻo, nên len lách được, ứng phó khéo. Nhất là lợi dụng hết sức địch, sức mình. Như trong Judo ấy!
Sức, hay năng lượng tâm linh, chỉ có một thôi, lại có hạn nữa. Thế mà phải phân chia cho nhiều ham muốn khác nhau, những xung động tản mát không ích gì cho sự thăng tiến cơ bản của con người. Thậm chí cả địch — những nội địch, agiống như virus đã xâm nhập gen của cơ thể ta — cũng tới đổ xăng ở những cây xăng của ta để đánh phá ta.
Cho nên, một chiến sỹ thành công không phải là một chiến sỹ nhắm mắt tấn công. Mà là kẻ khôn khéo biết tiết kiệm sức mình và lợi dụng sức người. Và như thế, cần biết người biết mình và phân biệt thù bạn. Ðể lợi dụng khí giới kẻ thù mà phục vụ cho mục đích của mình thay vì bỏ uổng khí giới ấy. Ðể tập trung sức vào những mũi nhọn chiến lược, thay vì gặp đâu đánh đấy, phí sức đi. Năng lượng tâm sinh lý hoán chuyển được, nên phải khéo đào mương dẫn nước.
* * *
Ðâu là bạn, là thù, là những virus sống ký gửi trong tâm hệ ta?
Nền tảng sức mạnh tâm linh tàng ẩn trong vô thức. Vô thức này là chỗ cư trú của nhiều bóng ma khác nhau: các bản năng, siêu ngã và những sức mạnh phản hanh thông (anticathexes), những nguyên tiêu và cảm xạ chưa khám phá nổi…
Theo Freud, ở nền tảng của bản năng, có hai sức chủ yếu: Sinh (erôs) và Hủy (thanatos). Tùy theo sự thống trị của một trong hai, mà con người và thế giới sẽ thành ác quỷ hay thiên thần.
Bản năng, đó là nguồn gốc thứ nhất của những xung động. Cách xử sự không khéo với xung động có thể làm sinh ra trong vô thức những lực phản hanh thông, những hệ thống áp chế mà Freud quy tụ quanh cái tên Siêu ngã.
Xung động từ trong vọt ra, ngoại thế tự ngoài ép vào, và cái Tôi tâm lý đứng giữa để dung hòa hai luồng sức. Nếu cái Tôi yếu nên dung hòa không nổi, thì va chạm mạnh có thể sinh một “trauma,” sự cảm nghiệm đau khổ và đòi hỏi đau khổ ấy. Những thương tổn do va chạm còn có thể là mặc cảm. Ðây là những vùng nhạy cảm và vùng cấm, mà một từ ngữ hay ý tưởng dù chỉ liên quan xa xôi cũng đủ làm rung chuyển tâm hệ, suy mờ ý thức và xáo trộn trí nhớ, lại còn khiến né tránh sự thật và làm bậy vô ý thức nữa. Thương tổn còn là tan vỡ tâm hệ, do đó một mảnh tách khỏi toàn khối, mà khi bị phóng thể (projection) sẽ khiến những ý tưởng từ đấy thoát ra, được đương sự nghe như tiếng nói của một người, một hồn ma nào đó.
Mạnh còn hơn thế là những cảm xạ (affect). Cảm xạ là cái rất huyền hoặc, tự vô thức (tâp thể) vọt ra bất ưng để chế ngự anh hoàn toàn. Nguồn gốc có thể là những ta-bu nguyên thủy, chúng bật mồ dậy thành những ảo giác, thành kiến, đố kị, gây ra niềm lo âu sợ hoảng, mạnh tới nỗi không thể cưỡng mà không sinh dồn nén.
Thức thì thế, mà ngủ thì có những giác mơ kỳ dị, những “đại mộng” (grands rêves), cái bỗng dưng nổi lên, cũng từ những kinh nghiệm nguyên thủy, nhưng có chức năng báo trước những tai họa hay giải đáp cho những vấn đề có tầm ảnh hưởng rộng lớn đến loài người hôm nay.
* * *
Bộ máy tâm lý phức tạp, tế vi và dễ tổn thương đến thế, dễ hơn cả bộ máy sinh lý nữa, nên không thể làm bừa, làm đại như quen làm xưa nay, trong cuộc sống nói chung, trong tu thân nói riêng. Phải thận trọng và khéo léo, phải uyển chuyển và nên tránh những xốc cản xúc (choc émotionnel) bao nhiêu có thể. Sử dụng con đường Mềm bao giờ cũng an toàn nhứt. Chẳng những an toàn mà còn rất lợi, nhất là trên bình diện chiến lược, bởi tránh được những tiêu hao vô ích, lại lợi dụng được sức do xung động cung cấp. Y như cách làm kinh tế hôm nay: thay vì mặc rác làm ô nhiễm môi sinh, thì chế rác thành đồ dùng và năng lượng; thay vì kệ nước lũ tàn hại nhà cửa, ruộng đồng, thì ngăn lũ làm điện và để tưới tẩm, v.v… Chúng ta có đủ cơ sở làm được như vậy trong lãnh vực tâm lý. Cơ sở ấy là khả năng hoán chuyển và thăng hoa.
Thật ra, thì cả hai, hoán chuyển và thăng hoa, rất mật thiết với nhau. Ðể thăng hoa thì phải dồn nén. Nhưng nếu chỉ dồn nén suông, một cách thụ động, tiêu cực thôi, thì một là sinh thói quen “chịu vậy,” hai là chịu không nổi thì bệnh đến thế chỗ. Chẳng có gì thăng hoa ở đây cả. Vậy để có thăng hoa, ít là phải dồn nén tự nguyện, mà không ai tự nguyện như thế nếu không vì cái gì tích cực. Nếu cái tích cực này không tốt, một ý đồ “nằm gai nếm mật” để trả thù chả hạn, thì cũng đâu có thăng hoa. Nghĩa là để có thăng hoa, tức để có một cái gì cao hơn vọt ra, một tình yêu thiêng liêng hay một đức tính chả hạn, thì minh hay mặc nhiên, đã phải có ý hướng chuyển hoán, hoán sang một đối tượng cao quý, chuyển sang một bình diện thiêng liêng rồi. Ý hoán chuyển càng tích cực, cách chuyển hoán càng khéo léo, thì dồn nén càng bớt đi và năng đức hoàn thành. Giả như dồn nén chỉ vì muốn hy sinh cho tình yêu, như người mẹ vì con, kẻ yêu vì người tình, hay linh hồn vì Chúa, thì mối tình sẽ cao quý, sâu xa, vững mạnh thêm rất nhiều.
Ðể chuyển hoán dễ dàng, phải có tâm trạng bình tĩnh. Vì cái mà ta chuyển hướng là sức mạnh của một khuynh hướng, một xung động. Và thương đây là một cám dỗ, và cám dỗ này, hễ ta sợ nó, thì nó dương nanh múa vuốt, ám ảnh ta hoài. Nhất là khi nó được lồng vào một bóng quỷ. Nên việc trước hết phải làm là khử huyyền (démystifier) cám dỗ, coi thường nó tuy vẫn lưu tâm đối phó.
Phải biết rằng, dù có quỷ ở đây, thì quỷ cũng phải nương theo tôi, tức nương theo xung động và khuynh hướng của tôi để tấn công tôi. Nó là một virus ký sinh ( parasite) trong gen bản năng, sinh sôi, nảy nở và công phá bằng chính sức con người. Vâng, dù Satan hay thế gian cũng chẳng làm gì nổi tôi nếu không có tôi, nghĩa là nếu không có han muốn và sự đồng tình của tôi. Nên cái trước tiên phải quan tâm là con người nội tâm, với những khuynh hướng bẩm sinh hay do giáo dục và tình trạng ý chí. Ðừng để xung động làm nội gián. Xung động chỉ thành cám dỗ khi nó kéo xuống và hướng về thỏa mãn của riêng tôi. Hãy nghĩ đến Chúa, đến tha nhân và chuyển hóa xung động theo hướng đó, và thế là cám dỗ đổi lốt thành yêu thương được.
* * *
Một cách cụ thể, chúng ta hãy lấy xung động tình dục làm thí dụ. Ham muốn loại này, ở mặt địa khí (chtonien) của nó, hướng ta về phái khác thay vì về một người khác phái, về khoái lạc của mình hơn là của chung hai mình. Vâng, trong cơn điên nhục dục, người nam chỉ cần người nữ nói chung (la femme), chứ không cần người nữ nào đó nhất định. Bởi thế, hễ sốt thì phải kìm cho hạ bớt cơn sốt, đồng thời cố chuyển tình dục sang tình cảm (yêu thương) bằng cách hướng lòng về chủ thể đối diện và quan tâm đến họ. Ham muốn ở mặt địa khí cũng nặng về hủy lực (thanatos), nên phải hãm bớt sự tấn công vốn thuộc thanatos, và tăng thêm erôs bằng những lời và cử chỉ dịu dàng.
Một khi đã chuyển được tình dục sang tình cảm, thì ta có thể thiêng liêng hóa tình cảm ấy. Bằng cách yêu người đối diện trong Chúa. Bằng cách hướng tình cảm xa hơn, về phía Chúa Giêsu hay Ðức Mẹ. Thậm chí bạn có thể nhìn người khác phái kia như một người con em thiêng liêng mà bạn phải giúp đỡ, và lập tức tình yêu chiếm đoạt sẽ nhường chỗ cho những tình cảm vị tha.
Ðể đối phó với cơn cám dỗ nhục dục, con đường Mềm còn là thái độ phớt lờ, kệ cho nó đến thì nó sẽ đi luôn, y như đụng nhằm cao su vậy. Và đây là kỹ thuật thư giãn tâm trí (với sự trợ lực của thư giãn thể lý: hơi thở nhẹ đều, cơ bắp lỏng ra): chẳng để ý chi, cũng chẳng thiết gì. Ðúng là làm như Nước: kệ cho tấn công thì không có phản chấn, nên chẳng có tổn thương.
* * *
Nói về “nhu đạo,” sau đây là một hai thí dụ khác rút từ cuộc đời Tiên sa nhỏ (Thérèse de l’Enfant Jésus):
Ăn ngon, thì ai mà chả thích ăn ngon, dù thánh nhân cũng thế. Thay vì mím môi trợn mắt trước thức ăn ngon khi cần đến nó, Tiên sa chỉ việc… ăn đại, nhưng bằng tâm tưởng, món ăn mạnh thì “dâng” cho thánh Giuse, món ăn thanh dâng cho Ðức Mẹ, món ăn nhẹ cho cậu bé Giêsu, còn nếu món không ngon, thì: À đây là phần mình!
Thấy mình trong trắng, thay vì gạt bỏ ý nghĩ đó để khỏi kiêu, Tiên sa lại dùng nó để yêu và khiêm nhường: Không phải vì tôi khỏe, nhưng vì tôi yếu bé nên Chúa đã thương mà lấy trước đi những chướng ngại vật trên đường!
Giả như có tội lỗi, Tiên sa vẫn “vụng chèo khéo chống” được, để vững lòng tin tưởng: Chúa công minh, nghĩa là Chúa đếm xỉa đến sự yếu đuối do bản chất của tôi!
Trong cùng chiến thuật của Tiên sa, tôi sẽ lợi dụng tội lỗi mình đển nhìn ra độ thấp của tôi trước độ cao của Chúa, không phải để giận thân hay chạy trốn Chúa, nhưng để, dưới thung lũng của thân phận mình, tôi dễ gặp Chúa trong tiếc nuối và tin tưởng. Và khi ấy, thung lũng đã thành “thung lũng phì nhiêu,” và tội lỗi thành “Phước thay cái tội” (felix culpa)!
Chiến thuật Nước để tu thân: Thấp
Theo Lão tử, chính vì Thiện hạ (thích chỗ thấp) mà nước thành Bách cốc vương. Quả hợp với nhận định và lời khuyên của Tiên sa Nhỏ: “Ði xuống thung lũng phì nhiêu của mình.” Chính khi hạ mình, ta dễ dàng gặp Chúa. Chúa đợi ta ở chỗ vô cùng thấp “Thung lũng” của ta đó. Ai đã giàu kinh nghiệm thiêng liêng hẳn thấy rõ như vậy.
Con đường thấp đúng là đại lộ Tin mừng, nó mang tấm biển đường BÉ THƠ. Không coi mình Ðáng gì, đây là một trong hai ba mặt của con đường ấy. Không coi mình Ðáng kể, bé chỉ kể má ba là Ðáng thôi. Nên bé mặc trao tùy ba má. Bé uốn theo ba má trọn vẹn.
Vét rỗng cái tôi và uốn theo là bản chất đấng Con Trời trước hết:
– Má Ta và anh chị em Ta là kẻ thi hành ý Cha Ta!
— Hãy thưa:… Xin ý Cha thành sự thật, dưới đất cũng như trên Trời!
Trên Tời ư? Ở đó mọi ý thành một với ý Cha. Mà Trời là Ðức Giêsu ấy. Chúa Giêsu chẳng là Cung điệm duy nhất của Cha, nơi duy nhất Cha tiếp đón chúng ta đó sao? Con người Chúa Giêsu, từ căn bản của mình, uốn theo từng nét vẻ mặt Cha: “Ai thấy Ta là thấy Ðấng sai Ta.” Và uốn theo từng nét ý Cha: “Thức ăn của Ta là thi hành ý Ðấng sai Ta.”
Nếu con người Chúa, do bản chất, là hiện thể của ý Cha, thì do đặc ân và vị thế Mẹ Chúa, đức Maria cũng nhu mì y như vậy:
— Má Ta… là kẻ thi hành ý Cha Ta!
— Này đây tôi là tỳ nữ Thiên Chúa !
— Phúc cho nàng vì đã tin!
Tin, đó là xuống đúng chỗ thấp nhất của mình (tôi là nữ tỳ Thiên Chúa) để quy thuận Thiên Chúa (như Abraham đã vâng phục đến cùng, do đó thành cha của những kẻ tin).
Ðạp đổ ngai vàng cái tôi để Thiện hạ, và Thiện hạ để thi hành ý Chủ, đó là ý nghĩa của khiêm nhường Kitô-giáo. Giống như Nước, không còn Mặc cảm cái Tôi (complexe du Moi, theo Jung), nên không có hình dạng riêng của mình, nhờ đó dễ vào mọi khuôn ý Chúa. Không thể có tùng thuận đúng nghĩa nếu thiếu khiêm nhường. Và khiêm nhường cũng chỉ đủ độ sâu khi nghiêng về Tùng thuận.
Thật ra, thì khiêm nhường đâu phải là dưới phận, và tùng thuận đâu phải là cúng dâng thêm. Mà chỉ là nhìn nhận cái koảng cách vô biên giữa tôi với Thiên Chúa. Ðứng trước Ðấng vô cùng cao không bao giờ tôi thấp đủ. Ðứng trước Ðấng là Thượng Chúa không bao giờ tùng phục quá được. Trước Ngài, thái độ duy nhất có thể là thái độ Bé thơ, hay, như Vivekânanđa nói: Ðứng trước Thiên Chúa, không có đàn ông, chỉ có đàn bà!
Nếu hiểu thái độ đúng đàn bà là ôn nhu, thì người phụ nữ lý tưởng phải là Ðức Mẹ:
— Này đây tôi là tỳ nữ Chúa.
— Phúc cho nàng vì đã tin.
— Mẹ Ta là kẻ thi hành ý Cha Ta.
Vậy để làm “đàn bà” và “gà mái,” ta hãy đứng vào chỗ của Mẹ, và như Mẹ, thi hành đúng chức năng “tỳ nữ” của mình.
Ngày xưa, người ta “Trời-hóa” Ðức Mẹ. Nay phản ứng lại, người ta muốn xa lìa Ngài. Sống đạo thì phải có tình có lý. Ðạo hợp lý là đạo đúng hướng thần học. Nên thỉnh thoảng phải dùng cái Lý của thần học mà tra vấn cái Tình của những sùng bái tự phát tự sinh. Theo lý, thì nếu Ðức Mẹ có địa vị và vai trò gì, thì cũng là trong liên đới với Chúa Kitô. Chúa là môi giới duy nhất, và mọi sùng kính phải lấy Ngài làm cùng đích, khiến cho Tất cả vì Ðức Kitô, để Ðức Kitô vì Thiên phụ.
Nhưng nếu Ðức Kitô là Môi giới viết hoa, thì trong Giáo hội hết thảy chúng ta lại cùng làm môi giới với Ngài, do đó có thể nhờ vả, nương cậy lẫn nhau trên đường hành hương về Ðất hứa. Ðức Mẹ là Cùng làm môi giới theo một ý nghĩa đặc biệt và môi giới cho tất cả. Nên đến với Ngài cũng là mặc nhiên đến với Ðức Kitô. Có điều, như ai có kinh nghiệm sẽ thấy, hễ đến với Mẹ, ta dễ thấy mình bé nhỏ và có thái độ đơn sơ. Bằng như lý quá, thì dễ phồng lên như trái banh và bắt gặp cái Tôi của mình. Thế mà để đến với Chúa, thì ta phải có thái độ Bé thơ và Tỳ nữ.
Nước trong lối sống: Tùy
Mềm đến hết mức và trơn trượt hoàn toàn, nước không có dạng hình nào, nên vừa khớp mọi khuôn. Không gì ngăn nổi nước, không gì ràng buộc được nước. Nước thành mọi dạng, nhưng nước không hề biến dạng, mà vẫn nguyên vẹn là mình. Chỉ cần giữ cái cốt yếu, chứ không câu nệ tiểu tiết, nên nước dung hợp được với tất cả, và với tất cả luôn trong tư thế sẵn sàng để:
— Ðáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục.
— Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
Vâng, phương châm hành động của nước là Tùy. Tùy là cách dùng binh thiên biến vạn hóa của những bậc thầy như Gia cát Khổng Minh. Tùy vì tuy cùng trường hợp, nhưng mỗi ca mỗi khác, khác do hoàn cảnh, con người, khác do địa thế hay thời thế.
Dụng binh phải thế, thì ở các dịa hạt khác cũng vậy, sống đạo cũng vậy luôn. Không đổi được mình thì không dễ uốn mình để ứng phó được. Ðể ứng phó được theo Tùy, thì phải biết nhiều, khéo tính và dám đổi. Ðổi bắt đầu từ chính mình ấy.
Với kẻ nhiều ham muốn, hắn giống như ngựa bất kham, không thể trị mình nếu không khép mình vào kỷ luật. Kỷ luật phải chặt, nhưng lại đừng cứng nhắc. Vụ luật quá, thì luật sẽ trói, khiến không thể bay. Trong kỷ luật, hãy nhắm cái mà kỷ luật nhắm, tức tinh thần, chứ đừng nệ hình thức. Thánh Augustin nói: Người Kitô-hữu không phải không luật lệ, nhưng anh không ở dưới luật lệ!
Khi nhờ luật mà đức đã vưng vững rồi, thì phải bớt dần hình thức để giải phóng tinh thần. Theo Gioan Thánh giá, dù con chim chỉ buộc bằng sợi chỉ cũng không bay bổng được. Vâng, dù đây là sợi chỉ mảnh mai, một điều tiểu tiết, một thời khắc chỉ định, một cử chỉ đã quen, một nếp sống dù là của nhà tu…
Cũng chính Gioan Thánh giá, ở bìa tác phẩm Leo Núi Cácmen, đã vẽ con đường dốc với sáu mốc chữ Vô. Sáu chữ Vô ấy dẫn thẳng tới đỉnh của Hôn nhân thiêng liêng đó. Con đường thiêng liêng quả là con đừng Từ bỏ. Tận cùng của từ bỏ phải là bỏ chính sự từ bỏ. Nghĩa là không còn vấn vương chi, ngoài cái chính yếu: Thiên Chúa. Mà đã chạm tới đúng Thiên Chúa, thì chẳng còn vướng chi cả. Dù là vướng chính Thiên Chúa, như Tiên sa Nhỏ sẵn sàng rời Thiên Chúa đến giảng về Thiên Chúa cho các thành viên của địa ngục.
Vả lại, từ bỏ hết là buông mình vào vực thẳm Thánh Thần. Mà Thánh Thần thì bản chất phóng khoáng, hứng đâu thổi đây, không gì ngăn nổi, không gì ép buộc.
Không còn khô cứng trong khuôn thước nữa, tôi có thể ứng biến thích hợp tùy người, tùy vật, tùy hoàn cảnh, nhất là tùy ân và ý Chúa. Không phải cứ thấy thích thì làm, thấy xung quanh làm thì làm theo. Dù làm theo cái thích và cái quen của mình hay của người đều là buông xuôi, là thiếu tự do cả. Buông xuôi, vào khuôn, lặp lại, đó là sự quán tĩnh của vật chất, sự ù lỳ của xác thịt.
Khuôn ép, đó là dư luận, thói quen, thành kiến. Dư luận có nội gián là sự lười biếng và hèn nhát của tôi. Thói quen và thành kiến là do quy luật Lặp lại (répétition) của vật chất và xác thịt tạo thành. Thắng được những kẻ thù trên, tự do phải đối đầu với kẻ thù sâu ẩn nhất, cũng là linh hoạt nhất: cái Tôi và Mặc cảm cái Tôi. Mặc cảm cái Tôi là điểm đồng quy của gần như mọi mặc cảm. Cái gọi là ý riêng (volonté propre) là con đẻ của nó, nên hễ phá được nó, thì ý riêng cũng chết luôn.
Muốn thoát khỏi sự khống chế của cái Tôi, ngoài những “bỏ ý riêng” lặt vặt ra, thiết tưởng phải đến cầu cứu ở tình yêu, tình Chúa và tình người, để cái Chúng tôi hình thành do đó sẽ hoá giải cái Tôi cô độc và ích kỷ. Quả thật, chỉ nhờ tình yêu mới ra khỏi thế giới hạn hẹp của cái Tôi. Và chỉ ân sủng Chúa mới sinh được một tình yêu thuần khiết.
Con đường Mềm và cái nhìn Âm dương
Ðể có sự uyển chuyển, nên học quen với cái nhìn Âm dương.
Âm dương tuy nghịch nhau, nhưng lại dung hợp được với nhau. Và ta dễ chấp nhận những gì mình không quen nhìn, nghe, hay cảm, nghĩ, lại còn lợi dụng được chúng để tìm ra ánh sáng và tổng hợp mới từ những mới cũ giao nhau.
Âm dương tuy nghịch nhau, nhưng lại tìm nhau như những bù trừ không thể thiếu. Và ta dễ sống với những con người khác mình, lại cố dung hòa khuynh hướng của mình với một cái nghịch chiều đối xứng, hầu chúng mài trơn cho nhau những chỗ su si, sắc cạnh. Ðứng thế, thẳng thắn suông thì sinh tàn nhẫn, hiền từ suông thì dễ nhu nhược. Nhưng nếu hai đức giao nhau, chúng sẽ hoàn thiện lẫn nhau.
Âm dương tuy phân đấy, nhưng lắm khi bằng một phân biệt rất tương đối. A sáng hơn B ư, ta thấy B là tối; nhưng trước một điểm tối hơn, thì B lại sáng lên. Nên phân định âm dương cũng là một phân định uyển chuyển, không tuyệt đối hoàn toàn. Trước cái nhìn ấy, không một người, vật, sự việc gì là xấu hay tốt hẳn; cũng không một lối sống nào là lỗi thời hay hợp thời mọi mặt…
Âm dương tuy phân, nhưng đường phân không sắc nét, như giữa sáng và tối ấy. Và nhận định âm dương sẽ càng uyển chuyển thêm. Chân lý đức tin tuy là một, nhưng khám phá chân lý thì mỗi thời mỗi khác, mỗi văn hóa mỗi đổi thay. Sống đạo tuy là đồng hóa với Chúa nhập thể, chịu chết và phục sinh đấy, nhưng mỗi người nhấn mạnh hơn vào một trong ba mầu nhiệm, và nhấn với sức ấn khác nhau, chứ không nhất định chỉ xuất thế hay nhập thế mới là đúng, và đúng cho hết mọi người trong cụ thể.
TÓM LẠI
Lấy cứng chọi cứng thì dễ bị tổn thương. Ðứng về mặt tâm lý, điều ấy càng rất rõ, nhất là với những khám phá ngày nay về tầm quan trọng của vô thức. Vì thế, không nên Duy ý chí (volontarisme) trong tu thân, mà hãy đi vào con đường Mềm của nước.
Không gì mềm bằng nước, hễ địch lấn thì nước lui, hễ địch lùi thì nước tiến, mà nước chẳng thất bại hay tổn hại chi cả. Mà cũng chẳng ai tranh đua với nước làm gì, vì nước có kiêu căng, háo thắng đâu, nước luôn luôn tìm chỗ thấp mà. Nước cũng không bám vào hình thức nào, nên nước dễ biến tùy hoàn cảnh, miễn là bản chất nước không đổi.
Chính Chúa Giêsu cũng dạy vững chắc chính mình: “đơn sơ như chim câu,” nhưng mềm dẻo trong đường lối: “khôn như con rắn.” Người ta dễ cứng nhắc khi vụ vào tiểu tiết và hình thức, nhưng sẽ thoáng hơn khi chú trọng đến cái chính yếu và tinh thần. Con đường khoáng đạt ấy cũng là Luật Thần khí, như Phaolô diễn tả.
Vậy, trong chiến đấu thiêng liêng, ta hãy Mềm, nghĩa là khéo luồn lách, biết tiết kiệm sức mình và lợi dựng sức địch. Lợi dụng sức địch khi hoán chuyển xung động, biến cám dỗ thành tình cảm lành thánh.
Và hãy Thấp, nghĩa là vét rỗng cái Tôi để hạ mình và uốn mình theo ý chúa. Khiêm nhu và tin tưởng, tôi sẽ có sức Chúa làm sức mạnh của tôi.
Ðồng thời sống chữ Tùy, nghiã là tùy thời, tùy hoàn cảnh mà đổi thay ở hình thức và đường lối.
[1] Tác giả là học giả chuyên nghiên cứu về các luồng tư tưởng Phương Ðông. Ðây là bài viết trích từ chương 6, tt 113-136, trong bộ THẦN HỌC THIÊNG LIÊNG biên soạn sắp xong của tác giả.
[2] Phòng bệnh bằng cách đưa mầm bệnh vào cơ thể để luyện cho bạch huyết cầu quen chống đỡ, là một việc làm rất táo bạo của Pasteur, nhưng hiệu quả lại thật kỳ diệu. Dĩ nhiên khi còn yếu, thì phải tạm tránh cám dỗ để luyện đức dần dần