Số 53 Năm XXIX (2022)

HOÀ GIẢI TRONG THẦN HỌC VÀ THỰC HÀNH

HHTH SỐ 53, NĂM THỨ HAI MƯƠI CHÍN (2022)

Hiệp Nhất Qua Khoảng Cách, Yêu Thương Trong Khác Biệt

Hòa Giải: Hoa Trái Của Lòng Thương Xót

Câu Chuyện Hòa Giải Giữa Jacob Và Essau

“Rolling Into The Deep”: A Call To Reconcile

Kỷ Niệm 50 Năm Thông Điệp “Hòa Bình Dưới Thế”

Tính Liên Kết Giữa Con Người Và Môi Trường Thiên Nhiên

Hòa Giải Như Một Thực Hành Đạo Đức Xã Hội

LỜI NÓI ĐẦU

Kính thưa quý độc giả,

Một trong những dấu chỉ của thời đại mà chúng ta đang sống là ảnh hưởng trầm trọng của đại dịch Covid-19 trên toàn thể mọi quốc gia. Thêm vào đó, thời sự quốc tế cho thấy những căng thẳng giữa các cường quốc đang dâng cao cùng với những xung đột giữa họ trong cách thức giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường, kinh tế, chính trị, quân sự và sắc tộc. Trong một thế giới với đầy những xung đột và căng thẳng như thế thì hoà giải là một nhu cầu cấp bách cần được thực hiện.

Trong lịch sử của mình, Giáo Hội đã và đang tham gia vào hoạt động hoà giải như một “global player,” như một thành viên tích cực trong cộng đồng nhân loại. Để cưu mang sứ vụ hoà giải, Giáo Hội đã kín múc từ mầu nhiệm cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa làm người, nền tảng cho mọi cuộc giao hoà của nhân loại. Khái niệm hoà giải, vốn là một đề tài chủ đạo của thần học về cứu độ đã dịch chuyển sang các lĩnh vực khác. Thêm vào đó, những suy tư triết học và thần học về hoà giải cũng không còn dừng lại trong phạm vi các cộng đồng con người, nhưng mở rộng sang tương quan với các thụ tạo khác và với những thế hệ khác của lịch sử. Vì thế, hoà giải đã trở thành một hành vi vừa bắt nguồn từ ánh sáng mặc khải của đức tin vừa có gốc rễ trong những mối quan tâm tự nhiên của con người. Dầu vậy, hoà giải minh nhiên ám chỉ đến một nguyên nhân ít nhiều tiêu cực, sai lầm, thậm chí tội lỗi xảy ra trong quá khứ, và cần được nhìn nhận hoặc cải thiện trong hiện tại. Thêm vào đó, hoà giải cũng chỉ ra thực trạng của thế giới dang dở và còn nhiều tồn đọng mà con người đang sống. Từ những suy tư về hoà giải ấy, chúng tôi trích dẫn một đoạn văn trong văn kiện gần đây nhất của Tổng Công Hội 36 của Dòng Tên, trong đó, sứ mạng hoà giải được hiểu như là tâm điểm của những dấn thân tông đồ hiện nay của Dòng, và cách nào đó mời gọi những thành viên khác trong Giáo Hội cộng tác vào sứ mạng hoà giải:

Điều nổi lên cách mạnh mẽ và thường xuyên, chính là lời mời gọi tham dự vào công trình hoà giải của Thiên Chúa trong thế giới đổ vỡ hiện nay. Ba khía cạnh của sứ vụ hoà giải mà Tổng Công Hội 35 xác định, tức là hoà giải với Thiên Chúa, hoà giải với con người, và hoà giải với thụ tạo, cho thấy sự cấp thiết đối với sứ vụ hoà giải. (…) Mầu nhiệm Thập Giá Đức Ki-tô và sự tham dự của chúng ta vào mầu nhiệm chính là tâm điểm của công trình hoà giải của Thiên Chúa. (…) Chúng ta nói về ba mẫu thức của hoà giải, nhưng thật ra cả ba liên kết với nhau, không tách biệt, và là một công trình của Thiên Chúa.” (Sắc lệnh 1, số 21)

Từ ý tưởng căn bản trên, các bài viết trong Hợp Tuyển Thần Học số 53 này triển khai một số chiều kích của hoà giải. Trước hết, bài viết của Lm. Nguyễn Hai Tính, trong khi tiếp tục dựa trên tư tưởng thần học của Hans Urs von Balthasar như trong các số trước, liên kết bản chất nội tại của mầu nhiệm Ba Ngôi như là một “năng động bao hàm sự tương tác giữa hiệp nhất và khoảng cách, giữa yêu thương và tôn trọng sự khác biệt” với tiến trình hoà giải mà người tín hữu có thể hiểu được và thực thi giữa nhau, trong các mối tương quan liên vị và cộng đồng. Phần nghiên cứu Kinh Thánh được tiếp nối với hai bài phân tích của Lm. Cao Gia An về dụ ngôn thứ ba trong chương 15 Tin Mừng Luca, với những đề nghị hiểu biết mới, đặc biệt xoay quanh vai trò của người con cả. Mối bất hoà và hoà giải giữa hai anh em Esau và Giacóp sẽ được thuật lại và soi sáng trong phần phân tích của Lm. Phạm Tuấn Nghĩa.

“Chèo ra chỗ nước sâu” là tựa đề của bài viết bằng Anh ngữ của Lm. Phạm Trung Hưng, trong đó tác giả, một chuyên viên về linh đạo, tái trình bày hành trình lịch sử của Dòng Tên Chúa Giê-su trong cách hiểu và chú giải sứ mạng dấn thân cho hoà giải của Dòng trong những thập kỷ gần đây. Phần lịch sử Giáo Hội về hoà giải được đóng góp bởi Lm. Nguyễn Mai Kha, người chuyển dịch bài viết của Lm. Giovanni Sale, S.J. về bối cảnh ra đời của thông điệp Pacem in terris (Hoà Bình Dưới Thế) mở đường tiên phong cho công cuộc hoà giải chính trị, đặc biệt là tiếng nói của Giáo Hội Công Giáo trong sứ vụ hoà giải. Hai bài viết cuối cùng thuộc về lãnh vực khoa học nhân văn. Như lời tựa của bài viết sẽ cho thấy, bài viết của Lm. Trần Khắc Bá chỉ ra mối liên hệ cơ hữu giữa con người và môi trường, phân tích trên hai khía cạnh khoa học và triết học, và mời gọi một suy tư hoà giải với thiên nhiên. Cuối cùng, trong bài viết của mình, Lm. Bùi Quang Minh nhắc lại những thực hành xã hội của sự hoà giải, nhất là trong lịch sử các dân tộc, để đi vào thảo luận về hoà giải và tha thứ theo gợi ý của triết gia Paul Ricœur, để đề nghị hiểu hoà giải như một thực hành “nhân đức xã hội”.

Chắc chắn hoà giải chỉ là một cách nói tổng hợp trong một tiến trình dài của đức tin, vốn được xây dựng từ nhiều hành vi và hoạt động khác nhau, nhưng đồng thời hoà giải mở ra một cách thức hiện hữu Ki-tô giáo mới, như lời đáp trả của Thiên Chúa trên những mối tương quan mà con người được đặt vào. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu nội dung của Hợp Tuyển Thần Học 53 đến quý vị và cầu chúc quý vị nhận được nhiều soi sáng bổ ích từ những nghiên cứu này.

Kính chào quý vị,

Ban Biên Tập Hợp Tuyển Thần Học
Bùi Quang Minh
Trần Thanh Tân

 

Share on Facebook