Điểm khởi đầu: các ngôn sứ tố cáo tình trạng chiếm đoạt đất đai cách bất công
Đọc các sách Cựu Ước, ta thấy một bên là những lời hứa của Thiên Chúa liên quan tới đất đai màu mỡ, “chảy sữa và mật”, và một đời sống phồn vinh an nhàn, mọi người ấm no hạnh phúc, với những luật lệ về đất đai nhằm bảo đảm quyền sống của mỗi người, mỗi gia đình; một bên là những lời tố cáo quyết liệt của các ngôn sứ về những bất công, những ngang nhiên chiếm đoạt đất đai bất chấp sự sống của người khác, cùng với những lời đe dọa rằng đất sẽ trở nên khô cằn, sinh ra gai góc thay vì của ăn.
Trong bài này, tôi không có tham vọng làm một cuộc nghiên cứu về luật điền địa trong Cựu Ước, cũng không làm một cuộc nghiên cứu bài bản về mọi khía cạnh của các bản văn liên hệ, nhưng do sự thôi thúc của tông huấn Laudato Sì của Đức Thánh Cha Phanxicô và định hướng của Tổng Hội 36 của Dòng Tên vào năm 2016, tôi muốn gợi lên một cái nhìn về sự quan tâm của Thiên Chúa đối với sự sống con người ngay trên trần gian này. Sự quan tâm của Thiên Chúa có thể thức tỉnh, soi sáng cho chúng ta giữa một thế giới đầy bất công, nghèo đói, trong đó đất đai và mọi điều kiện sinh sống của con người không những bị chiếm đoạt bất công, như các ngôn sứ đã tố cáo, mà đang bị hủy hoại bởi bàn tay con người, bởi những cơ chế xã hội bất công, bởi thế lực của những công ty đa quốc gia và những tài phiệt tham lam không đáy, bởi những xã hội đã quá quen với nếp sống tiêu thụ không còn nghĩ đến người khác, kể cả chính con cháu của mình, bởi những chính quyền cấu kết với các thế lực thực dân mới để làm giàu trên xương máu của đồng bào mình, của chính những người đề cử mình đứng ra trông coi lợi ích chung của toàn dân…
Lời tố cáo của các ngôn sứ trong Sách Thánh cách nay gần ba ngàn năm, trong bối cảnh của một miền đất nhỏ bé không bằng một tỉnh của nước Việt Nam với “đất cày lên sỏi đá” [1] theo nghĩa đen, và một cộng đồng dân cư không bằng một thành phố nhỏ của Việt Nam, vẫn còn là thời sự của thế giới hôm nay, với những chiều kích mới của thời toàn cầu hóa mà các vị ngôn sứ thời xưa chẳng thể nghĩ tới. Chúng ta có thể đơn giản bắt đầu từ những sự việc được nêu lên trong thời các ngôn sứ.
Ngôn sứ Sa-mu-en báo trước nguy cơ của chế độ quân chủ
Thời ấy cộng đồng Ít-ra-en vẫn còn theo chế độ bộ lạc kiểu du mục, không có người lãnh đạo thường trực cho toàn thể cộng đồng, chỉ trông vào những vị lãnh đạo “do thần khí thúc đẩy”. Sống giữa những cộng đồng dân cư láng giềng theo “chế độ quân chủ”, có ông vua làm lãnh đạo tối cao, họ thấy mình “lép vế”. Họ thèm có “vua” cai trị họ như các dân chung quanh.
Sách Thủ Lãnh đã kể chuyện manh nha và thất bại của chế độ quân chủ sau thời thủ lãnh Ghít-ôn. Sau khi Ghít-ôn được Thiên Chúa sai đi và đã giải thoát cho dân Ít-ra-en, họ xin ông: “Xin ông cai trị chúng tôi, cả ông cũng như con cháu ông, vì ông đã giải thoát chúng tôi khỏi tay quân Ma-đi-an. Ông Ghít-ôn trả lời: “Chính tôi sẽ không cai trị, mà con tôi cũng không cai trị anh em, nhưng Đức Chúa sẽ cai trị anh em”. Tuy không làm vua, nhưng ông vẫn lãnh đạo dân: “Dưới thời ông Ghít-ôn, lãnh thổ được bình an bốn mươi năm” (Tl 8,22-23.28).
Ông Ghít-ôn hưởng một cuộc sống êm ả, rồi an nghỉ với tổ tiên. “Ông sinh được bảy mươi người con, vì ông có nhiều vợ” (Tl 8,30). Một trong những người con tên là A-vi-me-léc, đã mưu giết hết anh em của mình trên cùng một tảng đá và lên làm vua, chỉ có một người tên là Giô- tham đã trốn được. Người này không đứng ra gây chiến, chỉ tung lời nguyền rủa A-vi-me-léc và dân Si-khem đã phò A-vi-me-léc. Rút cuộc thì sau ba năm, chính dân Si-khem đã nổi dậy chống lại A-vi-me-léc, gây nên một cuộc chiến đẫm máu, và A-vi-me-léc cũng mất mạng. Thế là vụ manh nha đầu tiên của chế độ quân chủ đã tự đào mồ chôn mình.
Người chuyển tiếp giữa thời các thủ lãnh và quân chủ là ông Sa-mu-en
Sau cuộc thảm bại cuối thời thượng tế Ê-li, mất cả Hòm Bia linh thiêng, ông Sa-mu-en thay ông Ê-li, làm thủ lãnh, trong vai trò người xét xử. “Ông Sa-mu-en làm thủ lãnh xét xử Ít-ra-en mọi ngày trong đời ông. Năm này qua năm nọ, ông đi một vòng Bết-Ên, Ghin-gan, Mít-pa, và ông xét xử Ít-ra-en tại tất cả những nơi ấy. Rồi ông trở về Ra-ma vì nhà ông ở đó và ông xét xử Í-ra-en ở đó. Tại đây ông dựng một bàn thờ để kính Đức Chúa.” Nhưng ông Sa-mu-en lại toan đi đến chế độ “cha truyền con nối”: “Khi ông Sa-mu-en đã già, ông đặt các con trai ông làm thủ lãnh Ít-ra-en. Con đầu lòng của ông tên là Giô-en, con thứ hai là A-vi-gia. Họ làm thủ lãnh ở Bơ-e Se-va. Các con trai ông không đi theo đường lối của ông, chúng ngả theo lợi lộc, nhận quà hối lộ và làm sai lệch công lý.”
Giải pháp nửa mùa, chắp vá của ông Sa-mu-en là dịp cho dân đi tới chỗ muốn theo hẳn chế độ quân chủ như các dân chung quanh họ. “Toàn thể các kỳ mục tập hợp lại và đến với ông Sa-mu-en ở Ra-ma. Họ nói với ông : ‘Ông coi, ông già rồi, và các con ông lại không đi theo đường lối của ông. Vậy bây giờ, xin ông lập cho chúng tôi một vua để vua xét xử chúng tôi, như trong tất cả các dân tộc.’”
Phản ứng của ông Sa-mu-en thế nào? “Ông Sa-mu-en bực mình vì lời họ nói : ‘Xin ông cho chúng tôi một vua để xét xử chúng tôi.’ Và ông Sa-mu-en đã cầu nguyện cùng Đức Chúa. Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en : “Ngươi cứ nghe theo tiếng của dân trong mọi điều chúng nói với ngươi, vì không phải chúng gạt bỏ ngươi, mà là chúng gạt bỏ Ta, không chịu để Ta làm vua của chúng. Chúng xử sự với ngươi như xưa nay chúng vẫn xử sự với Ta từ ngày Ta đưa chúng lên khỏi Ai-cập cho đến ngày hôm nay : chúng đã bỏ Ta mà phụng sự những thần khác. Vậy bây giờ ngươi cứ nghe theo tiếng chúng. Chỉ có điều là ngươi phải long trọng cảnh cáo chúng và nói cho chúng biết quyền hành của nhà vua sẽ cai trị chúng.”
Nhận lệnh của Thiên Chúa, ông Sa-mu-en trả lời cho dân. Có thể nói đây là diễn từ chống chế độ quân chủ xưa nhất và ác liệt nhất mà chúng ta có trong tay :
Ông Sa-mu-en nói lại mọi lời của ĐỨC CHÚA cho dân bấy giờ đang xin ông một vua.11 Ông nói: “Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông.12 Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ huy một ngàn và chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho ông, chế tạo vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông.13 Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh.14 Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây ô-liu tốt nhất của anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông.15 Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân mà cho các thái giám và bề tôi của ông.16 Các tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông.17 Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông.18 Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua của anh em mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy ĐỨC CHÚA sẽ không đáp lời anh em.”
Bức tranh khủng khiếp này không làm cho dân thay đổi ý kiến :
19 Nhưng dân không chịu nghe theo tiếng ông Sa-mu- en. Họ nói: “Không! Phải có một vua cai trị chúng tôi!20 Cả chúng tôi cũng sẽ giống như mọi dân tộc. Vua chúng tôi sẽ xét xử chúng tôi, sẽ dẫn đầu chúng tôi và sẽ lãnh đạo các cuộc chiến của chúng tôi.”21 Ông Sa-mu-en nghe tất cả những lời của dân và nói lại những lời ấy cho ĐỨC CHÚA nghe.22 ĐỨC CHÚA phán với ông Sa-mu-en: “Hãy nghe theo tiếng chúng, và hãy đặt một vua cai trị chúng.” Ông Sa-mu-en nói với người Ít-ra-en: “Ai nấy hãy về thành của mình.” (1S 8,1-22).
Ông Sa-mu-en đành phải thi hành lệnh của Thiên Chúa, và Ít-ra-en bắt đầu sống chế độ quân chủ. Sa-mu-en sẽ phải khóc vì ông vua đầu tiên do ông xức dầu tấn phong, và chính ông sẽ phải tuyên bố cho vua biết là Thiên Chúa đã từ bỏ vua (1Sm 13,8-22). Từ đây chúng ta bắt đầu đọc chuyện dài về độ quân chủ trong Cựu Ước. Chuyện vua Sa-un mới là khởi đầu thôi.
Chuyện vua Sa-lô-môn
Chuyện vua Sa-lô-môn là một minh họa sống động của lời ông Sa-mu-en. Vua Sa-lô-môn nổi tiếng là thông mình tài giỏi, với một vương quốc mở rộng tối đa, phồn vinh rất mực. Nhưng ở đây ta hãy chú ý tới hai công trình xây dựng: Đền Thờ và cung điện nhà vua như sách 1 Vua 4-9 kể. Dân công, vât liệu do toàn dân đóng góp tích lũy từ thời vua Đa-vít. Công trình xây dựng Đền Thờ kéo dài bảy năm (1V 6,38). Công trình xây dựng cung điện của vua mất 13 năm (1V 7,1).
Cái giá phải trả là nỗi oán hận dâng tràn, khiến Gia- róp-am nổi dậy và lập tức được các chi tộc phía Bắc hưởng ứng. Thêm vào đó, người cha khôn ngoan lại sinh ra thằng con ngu xuẩn là Rơ-kháp-am, quen thói hống hách coi trời bằng vung, coi dân như cỏ rác. Ở đại hội Si-khem, các bộ tộc phía Bắc do Gia-róp-am cầm đầu, yêu cầu một điều dễ hiểu: “Phụ vương ngài đã bắt chúng tôi mang một cái ách quá nặng. Bây giờ nếu ngài giảm bớt khổ dịch và ách nặng nề phụ vương đã đặt trên chúng tôi, thì chúng tôi sẽ phục dịch ngài” (1V 12,4). Sau ba ngày bàn bạc với đám nịnh thần, vua trả lời dân: “Phụ vương ta đã đặt ách nặng trên các ngươi, còn ta, ta chất nặng hơn nữa trên các ngươi; phụ vương ta trừng phạt các ngươi bằng roi, còn ta, ta sẽ trừng phạt các ngươi bằng bọ cạp” (1V 12,14-15). Kết quả, dân đáp: “Chúng tôi có liên hệ gì với nhà Đa-vít ? Chẳng có phần gì với con của Giê-sê ! Ít-ra-en ơi, ai về lều nấy! Này Đa-vít, hãy liệu lấy nhà của ngươi… Rơ-kháp-am vội vã lên xe trốn về Giê-ru-sa-lem. Thế là Ít-ra-en ly khai với nhà Đa-vít cho đến ngày nay” (1V 12,16-19).
Chuyện vua A-kháp
Một chuyện tiêu biểu nữa minh hoạ lời ông Sa-mu-en, đó là chuyện vua A-kháp và vườn nho của ông Na-vót trong sách 1 Vua, 21,1-24. Vua A-kháp thích vườn nho của Na- vót, đề nghị mua bán hoặc đổi chác, nhưng Na-vót nhất định giữ gia sản của tổ tiên. Rượu mời không uống thì uống rượu phạt! Hoàng hậu I-dê-ven âm mưu vu khống và ném đá chết Na-vót để A-kháp ung dung xuống chiếm vườn nho.
Những lời tố cáo của các ngôn sứ
Những vị ngôn sứ rao giảng sớm nhất và quyết liệt nhất chống bất công xã hội là hai vị ngôn sứ gốc nông dân, A-mốt rao giảng ở phía Bắc trước cuộc lưu đầy năm 722 và Mi-kha rao giảng ngay sau đó tại phía Nam. Ngôn sứ A-mốt tố cáo những bất công, những cảnh hà hiếp bóc lột trơ trẽn:
“Vì chúng bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giầy. Vì chúng đạp đầu kẻ yếu thế xuống bùn đen và xô người khiêm hạ khỏi đường lộ” (Am 2,6-7).
“Những kẻ chất đống trong lâu đài của mình, của cải do áp bức và cưỡng đoạt, chúng nào biết sống ngay thẳng là gì” (Am 3,10).
“Hỡi các mụ bò cái xứ Ba-san trên vùng núi Sa-mari! Các ngươi ngược đãi kẻ yếu hèn, chà đạp người nghèo khổ” (Am 4,1).
“Bởi các ngươi đã chà đạp kẻ yếu hèn và đánh thuế lúa mì của họ… Tội ác của các ngươi nhiều vô kể, tội lỗi của các ngươi nặng tầy trời: nào áp bức người công chính, lại đòi quà hối lộ, nào ức hiếp kẻ nghèo hèn tại cửa công” (Am 5,11-12).
“Khốn cho những kẻ sống yên ổn tại Xi-on, và sống an nhiên tự tại trên núi Sa-ma-ri, họ là những nhà lãnh đạo của dân đứng đầu các dân… Chúng nằm dài trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ, mà ăn những chiên non nhất bầy, những bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đa-vít, chúng dùng nhạc cụ mà sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giu-se sụp đổ!” (Am 6,1-6).
A-mốt có vẻ không trực tiếp nói đến việc chiếm đoạt đất đai, nhưng tố cáo sự thu tích của cải, đánh thuế lúa mì, ăn chiên non, bê béo, uống rượu cả bầu… là chiếm đoạt sản phẩm của nông dân bằng mọi cách. Ăn trên đầu trên cổ người nông dân nghèo hèn, làm quần quật ngoài đồng, một nắng hai sương. Ngôn sứ phanh phui những mánh lới bóc lột :
Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ
và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ.
5Các ngươi thầm nghĩ:
“Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa;
bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra?
Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm;
Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.
6Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần,
đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;
cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”
7ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh
là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề:
Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng
(Am 8,4-7).
Thiên Chúa sẽ xét xử những tội bất công :
9Trong ngày ấy, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng -,
Ta sẽ truyền cho mặt trời lặn giữa trưa,
và khiến cho mặt đất tối sầm giữa lúc ngày đang sáng.
10Ta sẽ biến lễ lạt của các ngươi thành tang tóc,
mọi bài hát của các ngươi thành những khúc ai ca;
Ta sẽ bắt mọi người phải quấn vải thô
và mọi mái đầu đều phải cạo trọc.
Ta sẽ làm cho đất này chịu tang
như người ta chịu tang đứa con một
và kết cục của nó như một ngày cay đắng
(Am 8,9-10).
Ngôn sứ Mi-kha sẽ trực tiếp nói đến việc chiếm đoạt đất đai
1Khốn thay những kẻ nằm trên giường
toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác!
Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện
vì nắm sẵn quyền bính trong tay.
2Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy,
muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt.
Chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp
(Mk 2,1-2).
Ngôn sứ diễn tả sự tàn bạo khủng khiếp của những kẻ bóc lột
1Và tôi nói: Vậy hãy nghe đây, hỡi các thủ lãnh nhà Giacóp,
hỡi các tướng lãnh nhà Ít-ra-en, nhiệm vụ của các ông há chẳng phải là thi hành công lý?
2Thế mà các ông lại ghét điều lành, ưa điều ác,
các ông lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ.
3Chúng ăn thịt dân tôi và lột da khỏi mình họ;
xương của họ, chúng đập gãy
Chúng chặt ra từng mảnh như thịt trong chảo, trong nồi
(Mk 3,1-3).
Trách nhiệm thuộc về giới cầm quyền, cả đạo lẫn đời:
9Hãy nghe đây, hỡi các thủ lãnh nhà Gia-cóp,
hỡi các tướng lãnh nhà Ít-ra-en,
là những kẻ ghê tởm công lý
và bẻ cong những gì ngay thẳng.
10Các ngươi xây Xi-on bằng máu,
dựng Giê-ru-sa-lem bằng bất công.
11Các thủ lãnh của nó xét xử dựa theo quà cáp,
các tư tế dạy bảo vì tiền, các ngôn sứ bói toán vì bạc.
Chúng ỷ vào Đức Chúa mà nói:
“Đức Chúa chẳng ở giữa chúng ta hay sao?
Tai hoạ sẽ chẳng giáng xuống chúng ta đâu!”
(Mk 3,9-11).
Nhưng Thiên Chúa không đứng về phía những kẻ bóc lột và cũng không thể bị mua chuộc bằng của lễ :
Bởi vậy, chính vì các ngươi lầm lỗi
mà Xi-on sẽ thành ruộng cày,
Giê-ru-sa-lem nên chốn tan hoang,
và núi Đền Thờ hoá ra nơi cao rậm rạp.
(Mk 3,12).
Cuộc tàn phá và lưu đầy của vương quốc phía Bắc vào năm 722 (trCN) và của vương quốc phía Nam năm 597 và 587 (trCN) chứng thực lời các ngôn sứ.
Luật đất đai bảo vệ người nghèo
Các ngôn sứ đã vạch cho chúng ta thấy những bất công trong xã hội của dân Giao Ước Xi-nai trước thời lưu đầy. Sau khi vương quốc phía Bắc bị lưu đầy, vua Giô-si-a (640601 trCN) đã có một nỗ lực canh tân vương quốc Giu-đa về tôn giáo. Nền tảng cho cuộc canh tân là cuốn sách Luật được tìm thấy khi tu sửa Đền Thờ, được coi là một phần trong cuốn sách Đệ Nhị Luật hiện thấy trong Ngũ Thư. Chính bộ Ngũ Thư (Luật Mô-sê) được hình thành vào thời lưu đầy và hậu lưu đầy của vương quốc phía Nam, dựa trên những truyền thống đã có từ lâu đời trong dân của Giao Ước Xi- nai. Trong khuôn khổ bài này, tôi không đi vào công việc phức tạp là tìm hiểu lịch sử của mỗi khoản luật, nhưng chỉ đọc như hiện thấy trong sách Thánh, để có một khái niệm về việc Luật Cựu Ước đã quan tâm tới sự công bằng về đất đai và bảo vệ đời sống của người nghèo, người không có đất như thế nào.
Trong bộ Luật này, chúng ta thấy khởi đầu câu chuyện là việc Thiên Chúa gọi ông Áp-ra-ham, một người du mục, đi vào một cuộc phiêu lưu, không có bảo đảm nào khác ngoài chính Thiên Chúa :
Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi.2 Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. 3 Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc.” 4 Ông Áp-ram ra đi, như ĐỨC CHÚA đã phán với ông. Ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi khi ông rời Kha-ran.5 Ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó. (St 12,1-5).
Khi nhắm mắt lìa đời, ông Áp-ra-ham chỉ có mảnh đất ông đã mua làm phần mộ cho gia đình. Dòng dõi ông phải lưu lạc:
Ngươi phải biết rằng: dòng dõi ngươi sẽ trú ngụ trong một đất không phải của chúng. Chúng sẽ làm tôi người ta và người ta sẽ hành hạ chúng bốn trăm năm.14 Nhưng Ta sẽ xét xử dân tộc chúng phải làm tôi, và sau đó chúng sẽ ra đi với nhiều tài sản.15 Còn ngươi sẽ về với cha ông ngươi bình an, và sẽ được chôn cất sau khi hưởng tuổi già hạnh phúc.16 Đến đời thứ bốn, chúng sẽ trở về đây, vì sự gian ác của người E-mô-ri chưa đủ mức. (St 15,13-16).
Khi dòng dõi Áp-ra-ham ra khỏi Ai-cập và đang trên đường vào Đất Hứa, sách Dân Số dành bốn chương (32.3436) để nói về việc phân chia đất cho các chi tộc. Chi tộc Lê-vi lo việc tế tự, không có phần đất riêng, nhưng mỗi chi tộc phải dành cho họ một số thành để ở, với một phần cánh đồng ngay chung quanh tường thành, tổng cộng là bốn mươi tám thành (Ds 35,1-8). Trong số những thành này có sáu thành là nơi trú ẩn cho những kẻ can tội sát nhân (Ds 35,9-34). Sách Đệ Nhị Luật sẽ quy định thêm về phần dành cho các Lê-vi trong thuế thập phân mỗi năm và mỗi ba năm (Đnl 14,22-29).
Sách Dân Số chương 36, có những quy định đặc biệt để bảo vệ quyền sở hữu đất của mỗi chi tộc, tránh việc đất bị đổi chủ sang chi tộc khác do hôn nhân. “Trong các chi tộc con cái Ít-ra-en, người con gái nào hưởng gia nghiệp, thì phải lấy chồng thuộc một trong các thị tộc của chi tộc cha mình, để mỗi người trong con cái Ít-ra-en giữ được gia nghiệp cha ông mình.9 Không gia nghiệp nào được chuyển từ chi tộc này sang chi tộc khác, nhưng mỗi chi tộc con cái Ít-ra-en sẽ gắn bó với gia nghiệp của mình.” (Ds 36,8-9).
Sách Đệ Nhị Luật đưa ra những quy định rất cụ thể để những người không có đất đai cũng được hưởng phần hoa màu do đất sản sinh, đặc biệt trong phần gọi là Bộ Đệ Nhị Luật (chương 12–26).
Việc phân chia và bảo vệ sở hữu đất đai của mỗi chi tộc có thể khiến người ta nghĩ rằng sẽ không có người nghèo, nhưng sách Đệ Nhị Luật khẳng định một thực tế phũ phàng. Một bên là lý tưởng:
Tuyệt nhiên giữa anh (em) sẽ không có người nghèo, vì Đức Chúa sẽ chúc phúc dồi dào cho anh (em) trong miền đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em) làm gia nghiệp để anh (em) chiếm hữu,5 miễn là anh (em) thực sự nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), mà lo đem ra thực hành tất cả mệnh lệnh hôm nay tôi truyền cho anh (em) đây.6 Thật vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), sẽ chúc phúc cho anh (em) như Người đã phán với anh (em); anh (em) sẽ cho nhiều dân tộc vay mượn, còn chính anh (em) sẽ không phải vay mượn; anh (em) sẽ thống trị nhiều dân tộc, nhưng chúng sẽ không thống trị anh (em). (Đnl 15,4-6)
Một bên là thực tế:
Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng;8 nhưng phải mở rộng tay, và cho họ vay mượn tất cả những gì họ thiếu.9 Hãy ý tứ đừng có trong lòng tư tưởng xấu này: “Sắp đến năm thứ bảy, năm tha nợ”, mà nhìn người anh em nghèo của anh (em) với cặp mắt dữ dằn và không cho gì. Họ sẽ kêu lên Đức Chúa tố cáo anh (em) và anh (em) sẽ mang tội.10 Anh (em) phải cho họ cách rộng rãi, và khi cho thì đừng miễn cưỡng; thật vậy, vì việc đó, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em) sẽ chúc phúc cho anh (em) trong mọi việc anh (em) làm và mọi công trình tay anh (em) thực hiện.11 Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em). (Đnl 15, 8-11)[2].
Cái nghèo dẫn tới ba giải pháp: đi vay mượn, cầm cố đất và bán mình làm nô lệ. Đệ Nhị Luật đưa ra những điều khoản cụ thể để bảo vệ người nghèo trong cả ba trường hợp.
Vay mượn là giải pháp trước mắt, thông thường nhất. Luật quy định để người nghèo không trở thành con nợ suốt đời:
Bảy năm một lần, anh (em) hãy tha nợ.2 Đây là cách thức tha nợ: mỗi chủ nợ sẽ tha món nợ đã cho người đồng loại vay mượn, không thúc người đồng loại và người anh em trả nợ, vì người ta đã công bố việc tha nợ để kính Đức Chúa.3 Người nước ngoài, anh (em) có thể thúc nợ; nhưng cái gì của anh (em) mà ở trong nhà người anh em của anh (em), thì phải tha không đòi (Đnl 15,1-3).
Giải pháp thứ hai là cầm cố đất đai và giải pháp thứ ba là bán mình làm nô lệ, thì sách Lê-vi có những quy định rõ ràng để bảo vệ quyền sở hữu đất và giải thoát nô lệ nhờ cơ chế Năm Toàn Xá, năm mươi năm một lần (Lv 25):
Các ngươi sẽ công bố năm thứ năm mươi là năm thánh và sẽ tuyên cáo trong xứ lệnh ân xá cho mọi người sống tại đó. Đối với (các) ngươi, đó là thời kỳ toàn xá: mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình, mỗi người sẽ trở về dòng họ của mình.11 Đối với các ngươi, năm thứ năm mươi sẽ là thời kỳ toàn xá: các ngươi không được gieo, không được gặt lúa tự nhiên mọc, không được hái trong vườn nho không cắt tỉa.12 Vì đó là thời kỳ toàn xá, một năm thánh đối với các ngươi, các ngươi sẽ ăn hoa lợi của đồng ruộng.
13 Năm toàn xá đó, mỗi người trong các ngươi sẽ trở về phần sở hữu của mình.14 Nếu các ngươi bán cái gì cho người đồng bào hoặc mua cái gì từ tay người đồng bào, thì đừng ai làm thiệt hại người anh em mình.15 Ngươi sẽ mua của người đồng bào theo số năm sau năm toàn xá, và nó sẽ bán cho ngươi theo số năm thu hoạch.16 Còn nhiều năm thì ngươi mua giá cao, còn ít năm thì ngươi mua giá thấp, vì nó bán cho ngươi một số năm thu hoạch.17 Không ai trong các ngươi được làm thiệt hại người đồng bào, nhưng (các) ngươi phải kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của (các) ngươi. (Lv 25,10-17)
Năm Toàn Xá cũng giải thoát nô lệ:
Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu bên cạnh (các) ngươi và phải bán mình cho (các) ngươi, thì (các) ngươi không được bắt nó làm công việc của người nô lệ;40 nó sẽ ở với (các) ngươi như một người làm thuê, một khách trọ, và sẽ phục vụ trong nhà (các) ngươi cho đến năm toàn xá;41 khi đó, nó cùng với con cái nó sẽ ra khỏi nhà (các) ngươi, sẽ trở về thị tộc mình, sẽ trở về phần sở hữu của cha ông nó.42 Quả thế, chúng là tôi tớ của Ta, mà Ta đã đưa ra khỏi đất Ai-cập, không được bán chúng như bán nô lệ.43 (Các) ngươi không được thống trị chúng cách hà khắc, nhưng hãy kính sợ Thiên Chúa của (các) ngươi. (Lv 25,39-43).
Quy định về quyền sở hữu và sử dụng đất đai dựa trên hai nguyên tắc cơ bản: nguyên tắc thứ nhất, đất là của Thiên Chúa.
Đất thì không được bán đứt, vì đất là của Ta, còn các ngươi chỉ là ngoại kiều, là khách trọ nhà Ta. 24 Trong toàn xứ sẽ thuộc quyền sở hữu của các ngươi, các ngươi phải cho người ta quyền chuộc lại đất.25 Nếu người anh em của (các) ngươi lâm cảnh túng thiếu và phải bán một phần sở hữu của nó, thì người có quyền chuộc, tức là người bà con gần nhất, sẽ đến chuộc lại cái mà người anh em nó đã bán.26 Nếu ai không có bà con có quyền chuộc, nhưng lại có phương tiện và kiếm được tiền chuộc,27 thì nó sẽ tính những năm từ khi bán, còn trội bao nhiêu, nó sẽ trả cho người mua, và sẽ trở về phần sở hữu của mình.28 Nhưng nếu nó không kiếm được phương tiện để trả tiền lại cho người kia, thì của nó bán sẽ ở lại trong tay người mua cho đến năm toàn xá; đến thời kỳ toàn xá, của bán sẽ ra khỏi tay người mua, và người bán sẽ trở về phần sở hữu của mình.
Thiên Chúa đã hứa ban đất này cho Áp-ra-ham, nay Người trao cho dòng dõi Áp-ra-ham, với điều kiện họ phải sống làm dân của Thiên Chúa, nghĩa là tuân giữ Luật Giao Ước:
8Vậy anh em phải giữ tất cả mệnh lệnh tôi truyền cho anh em hôm nay, để anh em được mạnh sức và vào chiếm hữu đất anh em sắp sang chiếm hữu,9 và để anh em được sống lâu trên đất, mà Đức Chúa đã thề với cha ông anh em là sẽ ban cho các ngài và dòng dõi các ngài, một đất tràn trề sữa và mật. (Đnl 11,8-9).
Nguyên tắc thứ hai: Tất cả mọi người trong dân của Thiên Chúa bình đẳng, tất cả đều là tôi tớ của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ giải phóng họ, chuộc họ khỏi ách nô lệ Ai-cập. Luật của Thiên Chúa bảo vệ quyền sống của mỗi người trong dân của Thiên Chúa, trên miền đất Thiên Chúa ban, không ai có quyền sở hữu tuyệt đối, tất cả là ngoại kiều và là khách trọ trong nhà Thiên Chúa, trên đất của Thiên Chúa.
Những người không có đất
Thực tế phũ phàng không chỉ vì trong dân Chúa luôn có người nghèo, mà có những thành phần không được chung phần đất đai. Thành phần thứ nhất là chi tộc Lê-vi, lo việc phụng tự. Nhưng thành phần này còn được Luật bảo vệ bằng bốn mươi tám thành dành riêng cho họ giữa các chi tộc. Hàng tư tế và con cháu A-ha-rôn còn được hưởng phần quy định trong mỗi thứ hy lễ họ dâng khi thi hành chức vụ (x. Lv 6-7).
Ba thành phần khác không có đất và cũng không có gì an toàn theo luật định. Đó là bà góa, con côi và khách ngụ cư. Người phụ nữ đã xuất giá đi lấy chồng thì không còn phần gia sản trong nhà cha mẹ ruột. Nếu không có con mà trở thành góa bụa thì cũng không có phần gia sản trong nhà chồng[3]. Con côi không cha không mẹ thì đương nhiên không có phần gia sản nào dành cho nó. Khách ngụ cư thì đương nhiên không có đất để sinh sống, chỉ đi làm thuê làm mướn kiếm ăn qua ngày. Luật kêu gọi mọi người quan tâm đến số phận của những thành phần này, nhưng không có khoản nào cưỡng chế.
Hàng tư tế có phần quy định trong các lễ tế, hàng Lê-vi không có phần quy định nào, nên Đệ Nhị Luật nhắc phải cho họ chung phần khi liên hoan trong các dịp tế lễ và nộp thuế thập phân:
11 Nơi Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chọn cho Danh Người ngự, anh em hãy đưa tới đó mọi thứ tôi truyền cho anh em: lễ toàn thiêu và hy lễ của anh em, thuế thập phân và phần đóng góp của anh em, và tất cả những gì anh em chọn lựa để làm vật khấn dâng Đức Chúa.12 Anh em sẽ liên hoan trước nhan Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, cùng với con trai con gái anh em, tôi tớ nam nữ của anh em, với thầy Lê-vi ở trong các thành của anh em, vì thầy ấy không được chung phần và hưởng gia nghiệp với anh em. (Đnl 12,11-12; x. 12,19; 14,27.29; 18,3-8; 26,11).
Luật kêu gọi những người có đất quan tâm tới ba thành phần: bà góa, cô nhi và khách ngụ cư.
9Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót.10 Vườn nho (các) ngươi, (các) ngươi không được hái lại, những trái rớt, (các) ngươi không được nhặt: (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi. (Lv 19,9).
22Khi các ngươi gặt lúa trong đất các ngươi, (các) ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, (các) ngươi không được mót: (các) ngươi sẽ bỏ lại cho người nghèo và ngoại kiều. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.” (Lv 23,22).
Ngày xưa và ngày nay
Những điều Sách Thánh Cựu Ước nói về đất đai và bảo vệ quyền con người được sống nhờ đất đai vẫn có giá trị, vì bao lâu con người còn sống trên mặt đất này thì vẫn phải dựa vào những gì đất cung cấp. Ngày xưa người ta sống nhờ “hoa màu ruộng đất”, dù phải đổ mồ hôi mới có ngũ cốc và các thứ rau, quả mà ăn; nhờ các loài sống trên mặt đất và trong nước ao hồ, sông biển. Ngày nay người ta đào bới những gì ở sâu trong lòng đất, dầu hỏa, than và các loại khoáng sản để phục vụ sản xuất và tiện nghi đời sống.
Những sự bất công, lấn chiếm, đầu cơ đất và tài nguyên trong lòng đất, cũng như hoa màu ruộng đất, làm cho những bất công, chênh lệch trở thành như núi cao vực thẳm. Những hình ảnh các ngôn sứ dùng để tố cáo bất công ở thời của các ngài bây giờ phải phóng lên kích cỡ toàn cầu: không chỉ là kẻ giàu người nghèo, mà nước giàu nước nghèo, châu lục giàu, châu lục nghèo. Những công ty đa quốc gia ngày nay như những con quái vật khổng lồ ăn không biết no, vơ vét không biết thỏa. Nhiều khi giống những con quái vật trong thị kiến của sách Đa-ni-en:
Ban đêm, trong một thị kiến, tôi đang mải nhìn thì kìa: gió bốn phương trời khuấy động biển cả;3 bốn con thú lớn từ biển lên, mỗi con mỗi khác:4 Con thứ nhất giống như sư tử, lại mang cánh đại bàng. Tôi nhìn theo cho đến khi đôi cánh của nó bị giựt mất; nó được nhấc lên khỏi mặt đất và đặt đứng trên hai chân như một người; nó được ban cho một quả tim người.5 Và này một con thú khác, con thứ hai, giống như con gấu. Nó được đặt trong tư thế chỉ đứng một bên, mõm ngậm ba khúc xương sườn giữa hai hàm răng. Người ta bảo nó như thế này: “Đứng lên, ăn thịt cho nhiều đi!” 6 Sau đó, tôi đang nhìn, thì kìa: một con thú khác giống như con beo; hai bên mình nó, có bốn cánh như cánh chim. Nó có bốn đầu, và được trao quyền thống trị.7 Rồi vẫn trong thị kiến ban đêm, tôi đang nhìn thì kìa: con thú thứ tư đáng kinh đáng sợ và mạnh mẽ vô song; răng của nó bằng sắt và rất to. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại. Nó khác hẳn tất cả các con thú trước. Nó có những mười sừng. (Đn 7,2-7).
19 Bấy giờ tôi muốn biết chắc chắn về con thú thứ tư là con thú khác hẳn với tất cả các con khác, nó rất đáng sợ, có răng bằng sắt và vuốt bằng đồng. Nó ăn, nó nghiền, rồi lấy chân chà đạp những gì còn sót lại.20 Tôi cũng muốn biết chắc về mười cái sừng trên đầu nó và về cái sừng khác đã mọc lên, và ba cái đã rụng đi trước mặt cái sừng ấy; cái sừng này là cái sừng có mắt, và mồm nói những lời quái gở; nó có vẻ lớn hơn các sừng khác.
23Vị đứng túc trực ấy lại nói với tôi thế này:“Con thú thứ tư là vương quốc thứ tư sẽ xuất hiện trên mặt đất, khác hẳn với mọi vương quốc. Nó sẽ ăn hết toàn cõi đất, sẽ dẫm nát và nghiền ”
Những hình ảnh của văn chương khải huyền vượt khỏi các biến cố nhất định, để trở thành những biểu tượng mà mỗi thời có thể nhận ra ở những thực tại mình đang chứng kiến. Bốn con thú này đều tượng trưng cho quyền lực hủy diệt dễ nhận ra trong thời đại chúng ta đang sống. Những con quái vật thời nay đang hủy hoại sự sống và môi trường sống trên mặt đất, hủy hoại từ rừng Amazon là lá phổi của trái đất, cho tới tầng ozon của khí quyển, làm tan chảy các khối băng ở hai cực địa cầu, vét sạch thú rừng và cá biển; hàng tỷ người đói trong khi nhiều triệu tấn đồ ăn bị hủy đi mỗi năm…
Chúng không chỉ là những công ty đa quốc gia, những “ông vua” tài chánh, những vương quốc đầu cơ các sản phẩm, mà cả những chính quyền cấu kết với chúng để bán dân, bán nước, bán tài nguyên cho chúng và làm giàu trên xương máu đồng bào của mình. Chuyện xâm lược đất đai vẫn còn lác đác đó đây, nhưng những hình thức xâm lược bằng kinh tế còn khủng khiếp hơn. Những công ty toàn cầu như những con bạch tuộc khổng lồ, vươn ra trăm ngàn cái vòi khổng lồ, bóp chết những công ty nhỏ và nuốt chửng nền kinh tế của các nước yếu.
Đem lời tố cáo của ngôn sứ Mi-kha nhân lên một triệu lần thì ta sẽ có một hình ảnh vế thế giới hôm nay :
1Và tôi nói: Vậy hãy nghe đây,
hỡi các thủ lãnh nhà Giacóp,
hỡi các tướng lãnh nhà Ít-ra-en, nhiệm vụ của các ông há chẳng phải là thi hành công lý?
2Thế mà các ông lại ghét điều lành, ưa điều ác,
các ông lột da khỏi thân người ta và lóc thịt khỏi xương của họ.
3Chúng ăn thịt dân tôi và lột da khỏi mình họ;
xương của họ, chúng đập gãy tan.
Chúng chặt ra từng mảnh như thịt trong chảo, trong nồi.
Chúng ta có thể nhận ra hình ảnh của cuộc chiến ở các nước Trung Đông và Bắc Phi, nỗi thống khổ của dân các nước Phi Châu và Mỹ La-tinh. Những con quái vật châm ngòi chiến tranh, tuôn vũ khí cho các bên đánh nhau. Để làm gì ? Để tiêu thụ vũ khí và làm giàu nhờ bán vũ khí… Rồi cũng chính những con quái vật ấy lại ngồi nói chuyện hòa bình, làm như thể chúng là thiên sứ trong đêm Chúa Giáng Sinh.
Chúa Giêsu không hứa một miền đất như trong Cựu Ước, nhưng hứa đưa chúng ta vào trong nhà Cha trên trời (x.Ga 14,1-4). Dân của Giao Ước Mới không còn là một dân được tuyển chọn, nhưng là muôn dân trên khắp mặt đất (x. Mt 28,20; Lc 24,47; Ga 12,32). Người nhỏ bé nhất cũng trở thành anh em của Chúa Giêsu (x. Mt 25,34-45), nên mọi người đều có quyền sống và sống xứng phẩm giá con người, phẩm giá anh em của Chúa Giêsu, Đấng sẽ phán xét mọi người.
[1] Trong tiếng Do Thái hiện đại, từ vựng liên quan tới nghề nông có một từ riêng để chỉ việc lượm đá sau khi cày, trước khi gieo giống. Điều này giúp hiểu dụ ngôn người gieo giống trong Tin Mừng.
[2] Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu sẽ nhắc điều này: x. Ga 12,8; Mt 26,11;
Mc 14,7
[3] Luật này hiện vẫn áp dụng trong dân Ít-ra-en. Chồng chết mà vợ không có con thì mọi tài sản thuộc về anh em, con cháu bên nhà chồng, vợ góa phải ra khỏi nhà, tay trắng.