Hợp Tuyển Thần Học

Chú Giải Kinh Thánh Và Thần Học: Vấn Nạn Về Phương Pháp

Chú Giải Kinh Thánh Và Thần Học: Vấn Nạn Về Phương Pháp

Mục Lục

Dẫn nhập: Từ Providentissimus Đến Dei Verbum

Hiến Chương Dei Verbum của Công Đồng Vatican II xác định việc nghiên cứu Kinh Thánh phải như “linh hồn của thần học”[1]. Theo đường hướng này, vấn nạn về các phương pháp chú giải có tầm quan trọng bậc nhất trong công việc suy tư thần học. Vấn nạn ấy vốn không kém phức tạp và đã gợi lên rất nhiều cuộc tranh luận. Không đi vào chi tiết lịch sử của những cuộc tranh biện, bài viết này chỉ muốn lượt qua một số phương pháp chủ đạo và một số lối tiếp cận hiện đại trong công việc chú giải Kinh Thánh, đồng thời, trình bày vài suy tư phản tỉnh về những đóng góp có thể có của các phương pháp và lối tiếp cận ấy trong việc nghiên cứu thần học.

Có lẽ sẽ hữu ích khi nhắc lại rằng Dei Verbum đã lấy lại, với đôi chút sửa đổi, thông điệp Providentissimus của Đức Giáo Hoàng Leo XIII. Theo đó, Đức Leo XIII đã tuyên bố: “Illud autem maxime optabile est et necessariam, ut ejusdem Divinae Scripturae usus in universam theologiae influat disciplinam ejusque prope sit anima”[2]. Bên cạnh những sửa đổi văn phong, có thể thấy có một thay đổi quan trọng trong cách mà Vatican II trích lại thông điệp của Đức Leo III: trong khi Providentissimus nói đến việc sử dụng (usus) Kinh Thánh trong các phân khoa thần học, Dei Verbum nói về việc nghiên cứu Kinh Thánh theo lối học thuật (stadium) như là linh hồn của các khoa thần học thánh.

Cách nói này cho thấy rõ hơn mối liên hệ thiết yếu giữa thần học và việc chú giải Kinh Thánh. Quả vậy, nếu chỉ để “sử dụng” Kinh Thánh, người ta chỉ cần có trong tay một bản dịch tương đối tốt và biết cách trích dẫn; trong khi đó, không ai có thể “nghiên cứu” nếu không đặt mình vào trường lớp của các nhà chú giải. Tuy nhiên đòi hỏi “Kinh Thánh phải là linh hồn của thần học” không nên được hiểu cách đơn phương như thể đó là một bắt buộc chỉ áp đặt trên các nhà thần học, đòi hỏi họ phải bám víu vào những kết quả nghiên cứu của khoa chú giải Kinh Thánh. Đó còn là đòi hỏi dành cho các nhà chú giải Kinh Thánh Công Giáo: họ phải thực hiện việc chú giải theo hướng Kinh Thánh thực sự là “linh hồn của thần học”; họ phải có một khái niệm về chú giải tương thích với sứ mạng cao cả này, đồng thời phải có những phương pháp nghiên cứu thỏa đáng.

Không phải tất cả những nhà chú giải Công Giáo đều ý thức và theo đuổi định hướng này. Đúng ra, có thể nói rằng đòi hỏi tất cả các nhà chú giải theo đuổi cách đồng nhất một định hướng sẽ là điều không thực tế. Tính phức tạp của bộ môn khoa học chú giải những bản văn Kinh Thánh đã khiến cho không một nhà chú giải nào có thể đơn độc giải quyết tất cả vấn đề. Sự cộng tác và chia sẻ công việc ở lãnh vực nghiên cứu là điều bất khả thay thế. Như vậy, chúng ta có thể lượt qua những bước đi chính yếu của công việc chú giải một bản văn Kinh Thánh.

Phê Bình Bản Văn

Bước đầu tiên của công việc nghiên cứu khoa học một bản văn Kinh Thánh, cũng như bất kỳ bản cổ văn nào, là việc thiết định một bản văn chính xác, trong mức độ có thể. Đây là công việc của khoa phê bình bản văn[3]. Đó là một công việc phức tạp, bởi lẽ đấy là bản văn Kinh Thánh, chứ không phải như một bản văn chương đời, cũng không như một bản viết của các Giáo Phụ hay như các khảo cứu thần học của thời Trung Cổ. Hơn nữa, người làm công việc phê bình bản văn là người phải đặt mình trước vô số những chứng từ hay chứng tích khác nhau: những bản văn Kinh Thánh được viết trên giấy cói, những bộ Sách Thánh chép tay, các trích dẫn Kinh Thánh trong các tài liệu cổ, những bản dịch Kinh Thánh khác nhau, v.v… Tất cả đòi hỏi một sự tìm tòi sâu rộng, khảo sát cặn kẽ, đối chiếu tỉ mỉ, lượng giá chính xác. Đây là bộ môn đòi hỏi những chuyên gia được huấn luyện kỹ lưỡng, để họ có thể lượng giá và áp dụng những quy luật thích đáng, đồng thời còn biết cách chọn lựa và sử dụng các phương pháp phù hợp; bởi lẽ không một quy luật hay phương pháp nào được thiết định cách tuyệt đối và chung cục cho khoa phê bình bản văn.

Một chuyên gia Công Giáo về khoa phê bình bản văn Kinh Thánh có thể thấy có chút tương quan nào giữa công việc của mình với khoa thần học? Phản ứng tự nhiên có thể sẽ là: “Chẳng có tí dính dáng gì với nhau! Khoa phê bình bản văn là một môn khoa học độc lập, có những phương pháp, quy tắc và tiêu chuẩn của riêng mình; do đó, cần có một sự độc lập và khách quan cần thiết để không bị chi phối cách tiên thiên bởi bất cứ ngành thần học nào”. Phản ứng ấy là hữu lý trong mức độ từ chối bất cứ một sự can thiệp tiên thiên nào của khoa thần học. Tính nghiêm ngặt và thành thực của một bộ môn khoa học đòi hỏi một sự tôn trọng tuyệt đối dành cho tính độc lập của bộ môn ấy trong chính lĩnh vực của mình. Trong quá khứ, đòi hỏi này chừng như đã không được đáp ứng thỏa đáng từ cả hai phía trong và ngoài Giáo Hội. Những kẻ muốn tấn công Giáo Hội Công Giáo đã dùng khoa phê bình bản văn như là một vũ khí lợi hại để tấn công vào chính đức tin Công Giáo; và thẩm quyền của Giáo Hội, để bảo vệ đức tin và bảo vệ mình, đã không ngại kết án một số kết luận của khoa phê bình bản văn.[4]

Dù sao đi nữa, câu trả lời theo kiểu phản ứng tự nhiên như trên là không hoàn toàn chính xác. Phản ứng ấy dựa vào một khái niệm trừu tượng về khoa học, và không để ý đến những yếu tố thực tế. Quả vậy, trong thực tế, khoa phê bình bản văn không thể hoàn toàn là một khoa học độc lập, cũng không hẳn là một khoa học “khách quan”. Bên cạnh việc phê bình từ bên ngoài[5], còn có việc phê bình từ bên trong chính bản văn.[6] Để có thể đưa ra một chọn lựa cuối cùng, người làm công việc phê bình bản văn phải luôn có một cái nhìn tổng thể, cần phải có một loại tiên kiến (pre-comprensione) nhất định, như đòi hỏi trong tất cả các ngành khoa học khác. Tiên kiến này là điều phải có, như một phần thiết yếu và là điều kiện cho một sự nhận định và chọn lựa đúng đắn. Đây không phải là một kiểu chủ nghĩa duy chủ quan phản khoa học, nhưng là một sự nhập cuộc của bản thân người nghiên cứu trong hành trình tìm kiếm. Dĩ nhiên, chọn lựa và quyết định trong lãnh vực này phải luôn được thực hiện với một sự thận trọng tối đa, và cái nhìn tổng thể về quan điểm của tác giả phải được rút ra từ chính bản văn. Nói chung, một sự khách quan tuyệt đối cho khoa học là điều chỉ có trong mơ, hay nói cách khác, chỉ là một ảo tưởng, ngay cả với những khoa học tự cho mình là “trung lập” nhất.[7]

Phê Bình Lịch Sử Bản Văn

Sau công đoạn phê bình bản văn, bước tiếp theo là phê bình lịch sử bản văn[8]. Đây là công đoạn xem xét để có thể phân biệt những nguồn văn khác nhau được sử dụng hay những giai đoạn biên tập khác nhau mà bản văn đã trải qua. Từ khởi đầu thế kỷ XVII, ngành phê bình lịch sử bản văn này đã mang lại những kết quả quan trọng đặc biệt cho việc nghiên cứu các sách Ngũ Thư, và sau đó là các sách Tin Mừng. Các nhà chú giải đã chỉ ra tính phức tạp trong lịch sử hình thành những bản văn, đồng thời giúp chúng ta có một cái nhìn bớt giản lược về tính chính thực của những bản văn mà chúng ta đọc ngày nay. Trong một mức độ nào đó, thần học phải từ bỏ lối hiểu cũ về tính linh hứng của những bản văn Kinh Thánh, để nhận ra rằng cách mà Thiên Chúa linh hứng cho tác giả Sách Thánh là một cách thế kín đáo hơn, và đặc biệt là hết sức tôn trọng những điều kiện và giới hạn của con người. Đó là lối hiểu tương hợp với mầu nhiệm Nhập Thể. Như thế, các Sách Ngũ Thư không phải là sản phẩm do Chúa Thánh Thần đọc và bảo Môsê viết ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi; đúng hơn, đó là kết quả của một hành trình dài, kết tinh từ nhiều truyền thống khác nhau, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để diễn tả và làm triển nở đức tin và đời sống tôn giáo của dân được tuyển chọn. Cũng thế, các sách Tin Mừng không trực tiếp truyền miệng cho chúng ta những hành động và lời nói của chính Đức Giêsu ngang qua bốn tác giả được linh hứng; đó là kết quả hội tụ từ nhiều truyền thống khác nhau của những bài giáo lý Tin Mừng, và ngay lập tức có nhiều ảnh hưởng tùy theo những bối cảnh và môi trường khác nhau.

Biết được lịch sử hình thành nên một bản văn sẽ giúp ích rất nhiều cho việc chú giải bản văn ấy cách chính xác và đúng đắn. Chẳng hạn, các học giả đã có kinh nghiệm về điều này khi họ muốn phân tích các bản văn của Công Đồng Vatican II: càng hiểu rõ hơn tiến trình và các giai đoạn soạn thảo của một tài liệu, họ càng có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa bản văn cuối cùng của tài liệu ấy. Thế nên lịch sử hình thành một bản văn Kinh Thánh luôn là một điểm hấp dẫn đối với những người làm công việc chú giải. Dẫu vậy, đó là một điều vô cùng khó khăn, bởi lẽ cái mà chúng ta có được trước mắt chỉ là bản văn cuối cùng, và thường không biết gì về các giai đoạn hình thành và soạn thảo.[9] Vì thế, điều mà các nhà chú giải có thể làm là phân tích bản văn cuối cùng, theo hướng nhận dạng những dấu tích của các quá trình soạn thảo trước đó, và phân định các nguồn văn đã được tác giả soạn thảo cuối cùng sử dụng. Nhiều kết quả của khoa phê bình lịch sử bản văn đã tìm được sự đồng thuận lớn trong giới học thuật, chẳng hạn có những bản văn được kết luận là kết quả của 5 hoặc 6 tầng ngôn ngữ khác nhau, nghĩa là đã được biên tập qua 5 hay 6 giai đoạn khác nhau, và được ghép lại bởi rất nhiều câu rời hay bởi những mảnh vụn của các câu. Tuy nhiên, tất cả những kết luận này đều không thể đi quá mức giả định.

Mặt khác, có thể thấy rằng công việc phê bình này đòi hỏi những nghiên cứu rất tỉ mỉ và những thảo luận có chiều sâu, có thể rút cạn toàn bộ năng lượng của một người làm công việc chú giải. Thế nên ý định chú giải ban đầu dễ bị thu gọn lại trong một công việc chỉ mang đầy tính kỹ thuật và cô lập. Một khi đã chỉ ra được các yếu tố phân biệt của các tầng ngôn ngữ hay các nguồn văn khác nhau, công việc chú giải dễ bị xem như là đã hoàn tất. Nếu chỉ dừng ở mức độ này, chúng ta sẽ thấy thật khó có thể nói việc nghiên cứu Kinh Thánh như thế lại là “linh hồn của thần học”. Bởi lẽ, thay vì chỉ ra cho thấy sức sống và tính thiết thực của Kinh Thánh, công việc ấy chỉ dừng lại ở mức độ bẻ vỡ tất cả những yếu tố ngôn ngữ thành từng mảnh vụn ngang qua những thao tác mổ xẻ thuần kỹ thuật. Thế nên đã có không thiếu những nhà chú giải khác lên tiếng chống lại một lối chú giải giản lược như thế.

Phê Bình Văn Loại

Dầu sao đi nữa, đã có nhiều học giả của khoa phê bình lịch sử bản văn không tự giới hạn mình chỉ trong việc chỉ ra các tầng ngôn ngữ và các nguồn văn. Cùng với định hướng xây dựng khoa phê bình văn loại[10], công việc chú giải của các nhà phê bình lịch sử bản văn đã có những bước tiến đáng kể. Thông Điệp Divino afflante Spirito[11] đã nhìn nhận sự phong phú của khoa phê bình văn loại và đã khuyến khích các nhà chú giải nên đi theo hướng ấy. Lãnh vực chú giải các sách Tin Mừng đã có những sự phát triển vượt bậc khi các nhà chú giải bắt đầu lưu tâm đến tính đa dạng của những loại văn được sử dụng trong Tin Mừng. Định hướng mới này, được hoàn thiện sau một vài thập kỷ, đã chỉ ra cho thấy: có những đơn vị văn chương nhỏ đã được các tác giả Tin Mừng thâu dụng từ các truyền thống khác nhau, và được họ sử dụng lại dưới những góc nhìn và ý nghĩa khác. Các tác giả Tin Mừng cho thấy họ không chỉ là những nhà biên soạn đơn giản, nhưng là những tác giả tài năng với tầm quan trọng đặc biệt. Mỗi tác giả đều có một định hướng rõ nét về mặt tinh thần và học thuyết. Đạt đến điểm này, khoa chú giải và phê bình văn loại Kinh Thánh đã có thể mang lại nhiều hoa trái cho việc nghiên cứu và suy tư thần học.

Phê Bình Lịch Sử

Ngay từ khởi đầu, chiều kích lịch sử của phương pháp phê bình lịch sử đã bổ trợ rất tốt cho khoa phê bình lịch sử bản văn, và cho thấy tính hữu dụng của mình trong việc chú giải bản văn. Trong nỗ lực xây dựng lại bối cảnh lịch sử ra đời của một bản văn, các nhà chú giải đã nại đến tất cả những dữ kiện có thể được cung cấp từ khoa khảo cổ, khoa nghiên cứu những bản văn cổ khắc trên các bia đá hay các thanh kim loại, khoa nghiên cứu những bản văn chỉ thảo trên giấy cói, hay những ngành nghiên cứu về văn hóa và văn chương cổ. Cả những bản văn Kinh Thánh cũng được xem là một nguồn tài liệu để làm tái hiện lại khung cảnh lịch sử.

Thật ra, dùng Kinh Thánh để dựng lại khung cảnh lịch sử cũng là một việc làm bình thường và cần thiết; bởi lẽ để hiểu được chính xác một bản văn, cần đọc bản văn ấy trong chính khung cảnh lịch sử của nó. Dẫu vậy, cách làm này đôi khi tạo ra một sự dị ứng mạnh mẽ trước sự nhập nhằng trong phương pháp, sự dị ứng ấy lan sang cả lãnh vực của chú giải Kinh Thánh và thần học. Chú giải, theo nghĩa là một công việc đặc thù để giúp hiểu rõ hơn về bản văn linh hứng, trở nên cái mục đích khép kín lại trên chính mình. Khi đó, việc nghiên cứu Kinh Thánh chỉ có tác dụng cung ứng những chất liệu cần thiết để dựng lại lịch sử và ban cho lịch sử ấy một tầm quan trọng quyết định. Thay vì giúp cho các nhà thần học đọc và hiểu Kinh Thánh, chú giải theo hướng này dễ khiến người ta từ bỏ mục đích thần học ban đầu của mình, để lao vào công việc nghiên cứu thuần khoa học là dựng lại những trang lịch sử xưa cổ. Khi đó, họ bắt đầu một loại “Kitô học từ dưới lên” hay một loại Giáo Hội học theo kiểu loại suy, đặc biệt là khi đối diện với vấn đề bí tích và các tác vụ trong Hội Thánh.

Dĩ nhiên, một sự nhập nhằng về phương pháp nghiên cứu là điều không thể chấp nhận. Nghiên cứu lịch sử là một khoa học cần được tôn trọng, cần độc lập, và có một tầm quan trọng hết sức lớn lao đối với các khoa học khác, kể cả với khoa chú giải và thần học. Thế nhưng cả chú giải lẫn thần học đều không thể lẫn lộn với việc nghiên cứu lịch sử. Mục đích của việc chú giải Kinh Thánh không phải là để dựng lại lịch sử Israel hay lịch sử của Giáo Hội Kitô giáo tiên khởi, mà là đào sâu vào nghĩa của những bản văn được linh hứng. Để đạt đến mục đích ấy, sự trợ giúp của những nghiên cứu về lịch sử là không thể thiếu được, bởi lẽ Kinh Thánh không phải là một mạc khải trừu tượng nhưng là một mạc khải bám rễ từ trong lịch sử. Để có thể chú giải chính xác những bản văn Kinh Thánh, cần đặt những bản văn ấy trong chính bối cảnh lịch sử của chúng. Dù sao đi nữa, điểm quy chiếu nền tảng phải là Lời Chúa, chứ không phải là việc dựng lại lịch sử. Cũng thế, những hiểu biết về mặt lịch sử có một tầm quan trọng bất khả thay thế cho những nghiên cứu thần học, nhưng nền tảng để xây nên một khoa thần học không phải là những kiến thức lịch sử mà là Lời Chúa.

Những Lối Tiếp Cận Mới

Việc phân biệt rạch ròi trong phương pháp trở nên càng khó khăn hơn trong thời đại của chúng ta, khi mà bộ môn chú giải Kinh Thánh và các khoa học đời đã có một tương quan chặt chẽ. Trong thực tế, có rất nhiều phương pháp hay lối tiếp cận đã được giới thiệu và được áp dụng để chú giải các bản cổ văn nói chung và các bản văn Kinh Thánh nói riêng. Có thể phân biệt các lối tiếp cận khác nhau: lối tiếp cận văn chương, lối tiếp cận được gợi hứng bởi các khoa học nhân văn, và lối tiếp cận theo ý thức hệ.

Bởi vì đối tượng của việc chú giải Kinh Thánh là các bản văn, những lối tiếp cận văn chương trở nên rất thích hợp. Những ngành quan trọng nhất có thể kể ra trong lối tiếp cận này là phân tích tu từ, phân tích trần thuật, phân tích biểu tượng… Mỗi ngành đều có những quy tắc riêng, khí cụ làm việc riêng, vốn từ vựng riêng, và cả những bí quyết riêng. Mỗi ngành làm nổi bật một vài khía cạnh được quan tâm trong bản văn nghiên cứu.

Bởi vì thực tế trong các bản văn Kinh Thánh có nhiều nhóm người khác nhau được đề cập đến, để có thể hiểu rõ thực tế ấy, cần có sự trợ giúp hữu ích từ các khoa học nhân văn như xã hội học, tâm lý học hay phân tâm học.

Các lối tiếp cận theo ý thức hệ cũng có thể được sử dụng. Khác với những lối tiếp cận trước, lối tiếp cận này không xuất phát từ ý muốn hiểu biết Kinh Thánh, nhưng chính xác là khai thác từ Kinh Thánh những gì có thể ủng hộ cho ý thức hệ của mình. Bởi vì Kinh Thánh có một tầm ảnh hưởng sâu rộng trên rất nhiều người, những ai muốn quảng bá một ý thức hệ đều muốn quan tâm và khai thác các bản văn của Kinh Thánh. Do đó, có vô số lối đọc Kinh Thánh khác nhau, từ những nhóm khác nhau, chẳng hạn: phong trào nữ quyền, phong trào thần học giải phóng, hay thậm chí cả những người theo chủ thuyết duy vật. Những người duy vật có thể đọc Kinh Thánh, không phải để chú giải hay để hiểu nghĩa, nhưng là để có thể tìm ra những yếu tố giúp xây dựng một ý thức hệ duy vật, đi ngược lại hoàn toàn với sứ điệp chính yếu của Kinh Thánh. Những lối đọc Kinh Thánh khác, dưới sự hướng dẫn của một ý thức hệ, cũng cần phải được lượng giá và phê bình.

Dù sao đi nữa, vô số những phương pháp tiếp cận được áp dụng trong việc chú giải đã mang lại một hiệu ứng tích cực, đó là chỉ ra cho thấy sự phong phú đáng kinh ngạc trong chính Kinh Thánh. Các bản văn Kinh Thánh mở ra cho chúng ta vô số những khía cạnh thú vị: lịch sử và giáo huấn, đời và đạo, xã hội và cá nhân, quản trị và nghệ thuật, những xúc cảm chủ quan và khách quan… Chẳng bao giờ có thể phân tích hết tất cả các khía cạnh ấy. Nếu có một nhà thần học nào đó quan niệm Kinh Thánh như là một kho chứa những luận chứng có tính thuyết phục cho các cuộc tranh biện thần học, chỉ cần bước qua làm quen với thế giới chú giải, nhà thần học ấy sẽ dễ dàng từ bỏ cái ảo tưởng của mình. Kinh Thánh không phải là một cẩm nang trừu tượng, nhưng là một thế giới tràn đầy sự sống, với vô số những khía cạnh khác nhau, thậm chí là đối kháng nhau, như chính cuộc sống.

Tóm Kết Vấn Nạn Về Phương Pháp

Trở lại với vấn đề đang được thảo luận, về một lối chú giải Kinh Thánh có thể trở thành “linh hồn của thần học”. Lối tiếp cận nào trong số kể trên có thể đáp ứng thỏa đáng đòi hỏi này? Tự bản chất, chẳng một lối tiếp cận nào có thể. Bởi vì tất cả các lối tiếp cận ấy đề chỉ tập trung vào khía cạnh nhân loại của các bản văn Kinh Thánh, đọc các bản văn ấy cũng như đọc bất cứ bản văn chương nào khác. Tuy nhiên, cần nhận ra rằng, nếu một nhà chú giải quan tâm đến việc làm nổi bật sứ điệp tôn giáo của bản văn, những lối tiếp cận kể trên có thể trở nên thật sự vô cùng hữu ích, như là những khí cụ mới mẻ và đáng tin cậy.

Thực ra, ngoài những lối tiếp cận kể trên, vẫn còn một số những lối tiếp cận hiện đại có thể đáp ứng thỏa đáng và trực tiếp yêu cầu đặt ra. Đó là trường hợp của lối tiếp cận “quy điển”[12], quan tâm đến việc xác định nghĩa của một bản văn dựa trên thực tế là bản văn ấy đã được nhận vào quy điển Thánh Kinh. Hay chúng ta cũng có thể kể đến lối tiếp cận hiện đại theo hướng của các giáo phụ, từ chối giới hạn việc chú giải chỉ trong khuôn khổ chặt chẽ của phương pháp phê bình lịch sử, và tìm trong truyền thống các giáo phụ những khí cụ thích hợp giúp soi sáng để hiểu bản văn. Tuy nhiên cho đến lúc này, hai lối tiếp cận kể trên vẫn chưa được nhiều người theo đuổi. Có một xu hướng chung, được thúc đẩy bởi mối tương quan không mấy bình lặng giữa các nhà chú giải có đức tin và các nhà chú giải khoa học không có niềm tin, đó là làm sao để có một thái độ thuần túy khoa học, nghĩa là đứng trung lập trên phương diện niềm tin. Kết quả là việc chú giải, thay vì trở nên một ngành có tính thần học theo hướng “fides quaerens intellectum”, có nguy cơ bị giảm thiểu vào một ngành khoa học thuần túy nghiên cứu những bản cổ văn.

Cần Đến Một Hiểu Biết Tiên Thiên Từ Đức Tin?

Có lẽ chúng ta phải trở lại với vấn đề của những hiểu biết tiên thiên. Không ai có thể bước vào một bản văn với một tabula rasa, một cái đầu rỗng. Người đọc hay người nghe đều bước vào một bản văn với một số những hiểu biết tiên thiên nào đó, và những hiểu biết này là cần thiết để có thể hiểu được chút gì đó từ bản văn và sứ điệp của bản văn. Một người mù bẩm sinh thì không thể nào hiểu được một bài diễn văn về các loại màu sắc của một bức tranh, bởi vì người ấy không có một chút hiểu biết tiên thiên nào về màu sắc. Mặt khác, không phải bất cứ hiểu biết tiên thiên nào cũng đều có giá trị xác thực như là khởi điểm cho việc đọc và chú giải một bản văn Kinh Thánh. Thế thì, khi đọc Kinh Thánh, bản văn của những kinh nghiệm tôn giáo và kêu gọi khả năng tôn giáo của con người, hiểu biết tiên thiên nào là thích hợp? Một hiểu biết trung lập, không theo bất kỳ tiêu chuẩn nào khác ngoại trừ lý trí? Hay hiểu biết có được từ những kinh nghiệm đức tin?

Để có thể chú giải Kinh Thánh, điểm khởi xuất chắc chắn nhất không gì khác hơn là kinh nghiệm đức tin, được thông truyền từ chính Truyền Thống là nơi đã làm sản sinh những bản văn Kinh Thánh. Trong thư thứ hai gởi các tín hữu Corinto, thánh Phaolo viết: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của thần khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được rằng bởi Thần Khí Thiên Chúa mới có thể xét đoán” (1Cr 2,14). Dĩ nhiên, những người không có một hiểu biết tiên thiên của đức tin vẫn có thể nghiên cứu các bản văn Kinh Thánh và có thể đạt đến những kết quả thú vị về ngữ văn học, văn chương, lịch sử, tâm lý… ngoại trừ sứ điệp quan trọng nhất của Kinh Thánh. Như Thông Điệp Providentissimus diễn tả: “những người không có niềm tin, thật khó để có thể chạm vào tận cốt tủy của Kinh Thánh; họ chỉ có thể nếm được cái vỏ bên ngoài mà thôi”[13]. Sẽ thật là đáng tiếc nếu cả các nhà chú giải Kinh Thánh, với tất cả những dấn thân vất vả và lao nhọc, lại tự giới hạn mình trong việc chỉ “nếm cái vỏ bên ngoài” của Kinh Thánh!

Thiết tưởng cũng cần phải thêm vài phân biệt về hiểu biết tiên thiên của đức tin. Cho dù là cần thiết, vẫn có nguy cơ là hiểu biết tiên thiên ấy có ảnh hưởng quá nhiều đến việc chú giải. Khi đó, người đọc sẽ chỉ cố gắng để chú giải bản văn theo ý kiến riêng của mình. Một nỗ lực có phương pháp là cần thiết để xác định chính xác nghĩa của bản văn trong thời điểm mà bản văn ấy ra đời. Nỗ lực ấy không nhất thiết phải tách mình ra khỏi truyền thống, bởi vì truyền thống thì có trước bản văn; bản văn nào cũng được sinh ra như là hoa quả trong lòng một truyền thống. Do đó, một nỗ lực có phương pháp sẽ nhắm đến việc xác định rõ dòng truyền thống tại “thời điểm ra đời của bản văn”, không kể đến những yếu tố được thêm vào trong chiều dài lịch sử của bản văn. Chẳng hạn, với những bản văn ra đời trước thời kỳ lưu đày, người ta không thể gán cho cái “thời điểm ra đời của bản văn” những ý nghĩa thuộc về truyền thống hậu lưu đày. Hay với một bản văn Tân Ước, người ta không thể cưỡng gán vào đó một nền Kitô học chính xác và chắc chắn của những định nghĩa được xác định sau này bởi các công đồng.

Thế nên một nhà chú giải phải biết phân biệt giữa hiểu biết tiên thiên của đức tin với sự phát triển theo dòng lịch sử của những học thuyết về đức tin. Để chú giải Kinh Thánh, chẳng có một lý do gì để đặt đức tin lên bàn cân của nghi ngờ, bởi lẽ đức tin là khởi điểm của những hiểu biết tiên thiên, điều kiện của việc đọc Kinh Thánh. Đúng hơn, cần phải đặt nghi ngờ đối với những ý kiến của việc khái niệm hóa đức tin, để không đặt những khái niệm ấy cách sai lệch trong việc đọc Kinh Thánh. Người làm công việc chú giải cũng phải sẵn sàng từ bỏ, trong trường hợp công việc chú giải dẫn người ấy đến kết luận phải từ bỏ, một vài những ý kiến nào đó, của cá nhân hay của cộng đoàn, xem ra có vẻ có liên hệ với đức tin. Kinh Thánh không bao giờ đi ngược lại Truyền Thống đức tin, là Truyền Thống đã sinh ra Kinh Thánh; thế nhưng Kinh Thánh có thể hoàn toàn đi ngược lại một số truyền thống, là kết quả của những tiến bộ nhân loại không đủ trung tín với Lời Chúa. Việc phân định trong trường hợp này là vô cùng khó khăn và vất vả, nhưng đó là một trong những điều kiện cần thiết cho một sự phát triển thật sự của thần học.

Kết Luận

Khi việc chú giải Kinh Thánh được thực hiện như một khoa học có tính thần học, nghĩa là được hướng dẫn bởi đức tin với tính nghiêm túc khoa học, công việc ấy có thể mang lại kết quả sóng đôi: nuôi dưỡng và thanh tẩy đức tin. Việc nghiên cứu Kinh Thánh nuôi dưỡng đức tin, trong mức độ làm nảy sinh những hiểu biết tiên thiên ngày một chính xác và hoàn thiện hơn về những diễn đạt của đức tin theo sự linh hứng; những diễn đạt ấy đã được thực hiện tại thời điểm ra đời của bản văn và được nghiên cứu ở nhiều góc độ khác nhau. Việc nghiên cứu Kinh Thánh giúp thanh tẩy đức tin, bởi vì khoa chú giải chỉ ra cho thấy nhất thiết phải hết sức để ý đến gốc rễ nhân loại trong những bản văn được linh hứng, nhất thiết phải từ bỏ những lối hiểu theo kiểu lý tưởng hóa ý niệm Mạc Khải theo sự thúc đẩy của lòng đạo đức tôn giáo tự phát và của lối suy tư con người. Kết quả sóng đôi này có một ý nghĩa quan trọng bậc nhất đặc biệt là cho việc nghiên cứu và suy tư thần học. Khi đó, thần học có thể tìm thấy trong những kết quả của khoa chú giải Kinh Thánh một nền tảng vững chắc hơn, một sự gợi hứng chính thực và phong phú hơn.


 

[1]Sacra Theologia in verbo Dei scripto, una cum Sacra Traditione, tamquam in perenni fondamento innititur…Sacrae autem Scripturae verbum Dei continent et, quia inspiratae, vere verbum Dei sunt; ideoque Sacrae Paginae stadium sit veluti anima Sacrae Theologiae ” – Dei Verbum, n.24.

[2]Điều hết sức cần thiết và đáng mong đợi đó là việc sử dụng Thánh Kinh có thể có ảnh hưởng trên tất cả các khoa thần học, và trở thành linh hồn của thần học” ĐGH Leo XIII, Thông Điệp Providentissimus de studiis Scripturae Sacrae, Roma 18.11.1893.

[3] Critica testuale: một trong nhiều phương pháp phê bình bản văn Kinh Thánh. Khoa nghiên cứu này có một mục đích sóng đôi: thứ nhất là đọc và phục hồi những bản văn đã bị hư hoại với thời gian, nhằm lần tìm về chính bản văn gốc của chính tác giả trong mức độ có thể; thứ hai là lần theo những dấu vết lịch sử của bản văn được lưu truyền, đối chiếu và phê bình những khác biệt và thay đổi trong những bản viết tay. Cf., Steve Pisano, Introduzione alla Critica Testuale, Roma 2013, p.2.

[4] Một trường hợp điển hình có thể kể đến ở đây là trường hợp “comma johanneum” (1Ga 5,7). Trong những Sách Kinh Thánh in trước năm 1881, người ta đọc thấy thế này ở 1 Ga 5,7-8: “ὅτι τρεῖς εἰσιν οἱ μαρτυροῦντες εν τῷ οὐρανῷ, ὁ πατήρ, ὁ λόγος, καὶ τὸ Ἅγιον Πνεῦμα· καὶ οὗτοι οἱ τρεῖς ἕν εἰσι. καὶ τρεῖς εἰσὶν οἱ μαρτυροῦντες ἐν τῇ γῇ, τὸ Πνεῦμα, καὶ τὸ ὕδωρ, καὶ τὸ αἷμα· καὶ οἱ τρεῖς εἰς τὸ ἕν εἰσιν.” – “Bởi lẽ có ba nhân chứng trên trời: là Cha, Ngôi Lời và Thánh Thần, và cả ba đều là một; và có ba nhân chứng dưới đất: là Thần Khí, nước và máu, và cả ba cùng làm chứng một điều”. Câu này đã từng được sử dụng như là một thành lũy minh nhiên và vững chắc cho học thuyết thần học về Ba Ngôi. Cho đến khi những phân tích của khoa phê bình bản văn ở thế kỷ XIX chỉ ra rằng: hầu chắc đó là một câu được thêm vào sau này bởi những người biên tập thuộc giáo hội Latinh, bởi vì người ta không tìm thấy câu ấy cả trong những bản viết tay cổ Hylạp lẫn trong những bản Latinh có nguồn gốc từ bản Vulgata. Tất nhiên, phát hiện ấy được những người chống đối Giáo Hội chào đón nhiệt liệt. Để đáp lại, ngày 13.01.1879 từ Vatican xuất hiện một sắc lệnh cấm nghi ngờ tính chính thực của câu văn trên. Sắc lệnh này sau đó được bãi bỏ. Cf. Enchiridion Biblicum 135-136.

[5]critica esterna”: việc phê bình dựa trên giá trị của những bản văn khác nhau. Chẳng hạn, một đoạn hay một câu Kinh Thánh có thể tìm thấy ở nhiều bản văn viết tay khác nhau, và có thể có ít nhiều những khác biệt. Người làm công việc phê bình bản văn phải lượng giá xem bản văn nào có giá trị nhiều và đáng tin hơn.

[6]critica interna”: việc phê bình dựa trên ý nghĩa của bản văn khi được đặt trong chính mạch văn. Người làm công việc phê bình bản văn phải xét xem điều nào thì hợp với tư tưởng tổng thể của tác giả Kinh Thánh.

[7] Để không chỉ nói cách trừu tượng, chúng ta thử xét một trường hợp tiêu biểu. Trong gia phả của Đức Giêsu theo Tin Mừng Matthêu, người ta tìm thấy một khác biệt đáng kể trong một bản dịch tiếng Syriac. Bản văn gốc Hylạp là “Ἰακὼβ δὲ ἐγέννησε τὸν Ἰωσὴφ τὸν ἄνδρα Μαρίας, ἐξ ἧς ἐγεννήθη Ἰησοῦς ὁ λεγόμενος Χριστός (Mt 1,16 SCR)” – “Gia-cóp sinh Giu-se, chồng Đức Trinh Nữ Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”, trong khi đó bản Syriac: “hrb dywdd hrb axyvm [wvyd atdlwtd abtk ~hrbad (Mat 1:16 OSS)” – “Gia-cóp sinh Giuse, chồng Đức Trinh Nữ Maria, ông là người đã sinh ra Đức Giêsu”. Một số nhà phê bình đã dựa vào bản Syriac này, và xem đó như là đòn dứt điểm cho Đức tin Công Giáo về tín điều Đức Maria Đồng Trinh. Trong thực tế, đó chỉ là dị biệt của một bản văn viết tay, và đương nhiên, tiếng nói dị biệt của chỉ một bản văn ấy không thể nào có giá trị hơn tiếng nói đồng nhất của tất cả những bản văn khác (phê bình từ bên ngoài). Hơn nữa, nội dung của câu này thể hiện sự thiếu nhất quán với toàn bộ nội dung của chính Tin Mừng Matthêu bản Syriac, bởi lẽ Tin Mừng ấy cũng nhắc đến sự Đồng Trinh của Đức Maria. Vì thế, hầu chắc ở đây chúng ta đang gặp một lỗi ngữ pháp trong bản dịch Syriac (phê bình từ bên trong bản văn).

[8] Critica letteraria. Trong khi bước đi của critica testuale là lần theo hành trình lưu truyền của một bản văn trong dòng lịch sử, critica letteraria tập trung vào chính việc hình thành của một bản văn.

[9] Trừ một vài ngoại lệ, chẳng hạn như trường hợp của sách Sử Biên Niên, được soạn thảo dựa trên nội dung của các sách Samuel và các sách Các Vua.

[10] Genere letterario. Rất nhiều loại hình văn chương khác nhau được sử dụng trong Kinh Thánh, như văn xuôi, văn vần, thơ, sấm ngôn, tiểu sử, tự thuật, sử ký, các bài diễn thuyết, các mẫu đối thoại, bài giảng, bài giáo lý, bài hùng biện… có thể được chia thành nhiều dòng văn chương khác nhau như văn chương lịch sử (các câu chuyện của sách Sáng Thế, sách các Thẩm Phán, Samuel và Các Vua, các sách Tobia, Giudita, Ester…), văn chương lập pháp (các bộ luật trong sách Lêvi), văn chương ngôn sứ (các sách của các Ngôn Sứ), văn chương khải huyền (Sách Đaniel và Khải Huyền), văn chương khôn ngoan (Các Thánh Vịnh, các sách Khôn Ngoan, Diễm Ca, Huấn Ca, Gióp, Giảng Viên, Aica…). Việc nhận diện văn loại của một bản văn có ý nghĩa hết sức quan trọng cho việc đọc ra sứ điệp chính của bản văn ấy.

[11] Pio XII, 30.09.1943. Cf., Enchiridion Biblicum 558-560.

[12] Canonical Approach: một lối tiếp cận của các tác giả người Mỹ, xuất hiện khoảng 30 năm trở lại đây. Trong số những đại biểu cho lối tiếp cận này có thể kể đến Brevard S. Childs và James A. Sanders. Đây là lối chú giải Kinh Thánh dưới ánh sáng của quy điển Thánh Kinh, nghĩa là Kinh Thánh được xem như là quy chuẩn cho đức tin của cộng đoàn tín hữu. Do đó, mỗi một bản văn nhỏ phải được đọc và hiểu tương thích với tổng thể trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa, nhằm rút ra sứ điệp hiện thực của bản văn Kinh Thánh cho thời đại của chúng ta. Cf., Pontifica Commissione Biblica, L’interpretazione della Bibbia nella Chiesa, Roma 2009, tr.45.

[13] Enchiridion Biblicum 113.