Gửi Các Giám Mục Thuộc Giáo Hội Công Giáo, Bàn Về Một Số Khía Cạnh Của Giáo Hội Được Hiểu Như Là Hiệp Thông
Dẫn Nhập
Khái niệm: hiệp thông (koinonia), từng được các văn bản của Công Đồng Vaticanô II nêu rõ,[1] là một khái niệm đặc biệt thích hợp để diễn tả sự thâm sâu của Mầu nhiệm Giáo Hội; và chắc hẳn có thể giữ một vai trò then chốt trong nổ lực nghiên cứu để canh tân khoa giáo hội học công giáo.[2] Quả vậy, việc đào sâu thực tại của Giáo Hội được hiểu như hiệp thông, là một thách đố có tầm trọng yếu đặc biệt, bởi vì nó mở ra cả một lãnh vực bao la cho công tác suy tư thần học về mầu nhiệm của Giáo Hội, của một Giáo Hội mang “bản chất huyền diệu đến độ có thể làm đề tài cho những cuộc nghiên cứu mới mẻ và sâu rộng hơn mãi”. [3]Dẫu vậy, một ít cách nhìn trong các quan điểm về giáo hội học cũng đã tỏ ra chưa nhận thức đủ về Giáo Hội được hiểu như là mầu nhiệm hiệp thông,bởi lẽ những cách nhìn này không điều hòa được một cách đúng đắn khái niệm “hiệp thông” với những khái niệm Dân Thiên Chúa và Thân Thể Đức Kito, cũng như không biết lưu tâm cho đầy đủ đến mối tương quan giữa Giáo Hội như là hiệp thông và Giáo Hội như là bí tích.
Ý thức về tầm quan trọng mà nhiều khía cạnh khác nhau của Giáo Hội xét như Hiệp thông có trong các lãnh vực giáo lý, mục vụ và đại kết, Bộ Giáo Lý Đức Tin xét thấy đây là lúc cần phải vắn tắt nhắc lại qua Thư này, và làm sáng tỏ ở mọi chỗ khác khi cần, một số yếu tố cơ bản, phải được coi như là những điểm tựa bắt buộc, kể cả trong việc đào sâu thần học.
Giáo Hội: Mầu Nhiệm Hiệp Thông
Được hiểu như là mầu nhiệm của mối liên kết một cách cá nhân giữa mỗi người với Thiên Chúa Ba Ngôi, và với những người khác, khái niệm hiệp thông “nằm ngay ở điểm chính yếu của sự việc Giáo Hội tự nhận thức về mình”:[4] mối liên kết ấy khởi đầu với lòng tin,[5] và hướng tới tình trạng viên mãn cánh chung nơi Giáo Hội trên trời, nhưng đồng thời, đó cũng là một thực tại đang hiện diện manh nha nơi Giáo Hội tại thế.[6]
Để khái niệm hiệp thông, không phải là một khái niệm đơn nghĩa, có thể dùng làm chìa khoá giải thích trong khoa giáo hội học, thì cần phải hiểu nó theo giáo huấn Kinh thánh và truyền thống giáo phụ; theo đó, hiệp thông luôn luôn hàm ngụ một chiều kích song đôi: chiều kích hướng dọc (hiệp thông với Thiên Chúa) và chiều kích hướng ngang (hiệp thông giữa loài người). Vậy, để có được một nhãn quan kitô về hiệp thông, điều thiết yếu là phải biết nhìn nhận hiệp thông trước tiên như là ân lộc của Thiên Chúa, như là hoa trái của sáng kiến thần linh được thực hiện ở nơi mầu nhiệm Vượt qua. Được thiết lập trong Đức Kitô và được thông ban qua các bí tích, mối liên hệ mới giữa con người với Thiên Chúa cũng được nối dài thêm bằng một mối liên hệ mới giữa con người với con người. Bởi thế, khái niệm hiệp thông tất phải có khả năng để diễn đạt, một mặt là bản chất bí tích của Giáo Hội trong khi “chúng ta còn sống lưu đày xa Chúa”,[7]và mặt khác là mối hiệp nhất đặc thù có sức làm cho các tín hữu trở thành những chi thể của cùng một Thân Thể: tức là của Nhiệm Thể Đức Kitô [8] trở thành cộng đoàn có cơ cấu tổ chức,[9] cũng như trở thành “dân tộc được quy tụ lại trong niềm hiệp nhất giữa Cha, Con và Thánh Thần”,[10] và ngoài ra, còn được cung ứng những phương thế cần thiết nhằm thể hiện mối liên kết của mình cả về phương diện hữu hình và xã hội nữa.[11]
Niềm hiệp thông trong Giáo hội mang tính chất vừa vô hình, lại vừa hữu hình. Xét về mặt thực tại vô hình, thì đó là mối hiệp thông giữa từng người với Thiên Chúa Cha, qua Đức Kitô, và trong Thánh Thần, cũng như với những người khác, là những kẻ cùng tham dự vào bản tính thần linh,[12] trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô,[13] trong cùng một niềm tin,[14] và cùng một tinh thần.[15] Nơi Giáo Hội tại thế, ở trong giáo lý các Tông đồ và các bí tích cũng như ở trong phẩm trật, có tiềm tàng một giây liên hệ mật thiết giữa mối hiệp thông vô hình ấy với niềm hiệp thông hữu hình. Qua những ân lộc thần linh mang hình thái của những thực tại hữu hình như thế, Đức Kitô thi hành chức năng ngôn sứ, tư tế và vương giả của Ngài ngay giữa lòng lịch sử và bằng nhiều cách thức khác nhau để cứu độ loài người.[16] Chính mối lin hệ giữa những yếu tố vơ hình v hữu hình cua niềm hiệp thong trong Giáo hội đã làm cho Giào Hội trờ nên Bí Tích Cứu Độ.
Chính do bí tích tính này, mà Giáo Hội hiện hữu như một thực tại không phải chỉ bo bo khép kín mình lại, nhưng là biết thường xuyên mở rộng lòng ra trước đà năng động truyền giáo và đại kết, vì Giáo Hội được phái gửi vào trong thế giới để loan báo và làm chứng, để hiện thực hóa và rao truyền mầu nhiệm hiệp thông là chính mầu nhiệm làm nên Giáo Hội: quy tụ mọi sự và mọi người lại trong Đức Kitô;[17] làm “bí tích hiệp nhất keo sơn”[18] nối kết mọi người.
Mối hiệp thông giáo hội trong đó, nhờ đức tin và Phép rửa,[19] mỗi người được đính ghép vào, là một mối hiệp thông phát nguyên từ và quy tâm về với Bí tích Thánh Thể. Thật vậy, Phép rửa là hành động hội nhập vào trong một thân thể được Chúa Phục Sinh xây dựng và làm cho sinh động nhờ Thánh Thể, đến độ thân thể ấy có thể thực sự được gọi là Thân Mình của Đức Kitô. Bí tích Thánh Thể sở dĩ là nguồn mạch và là sức mạnh sáng tạo làm phát sinh nên mối hiệp thông giữa các phần tử của Giáo Hội, là vì chính bí tích này kết hợp từng người trong họ lại với Đức Kitô:”Thông phần thực sự vào Thân Mình của Chúa Kitô qua việc bẻ bánh thánh thể, chúng ta được nâng lên đến mức hiệp thông với Ngài và với nhau. “Vì chỉ có một tấm bánh, nên tuy nhiều, hết thảy chúng ta cũng chỉ là một thân thể; bởi lẽ tất cả chúng ta đều chia phần cùng một tấm bánh duy nhất ấy” (1Cr 10, 17).[20]
Vì vậy, thành ngữ Thánh Phaolô thường dùng, gọi Giáo Hội là Thân Thể Đức Kitô, có nghĩa như thế này: Bí tích Thánh Thể Chúa dùng để ban cho chúng ta Thân Thể Ngài, và để biến hóa chúng ta thành một Thân Thể duy nhất,[21] là chính bí tích qua đó Giáo Hội biểu hiện một cách thường xuyên, trong hình thái chủ yếu nhất của mình, tức là hiện diện ở mọi nơi, mà vẫn chỉ là một, như Đức Kitô là một.
Giáo Hội là niềm Hiệp Thông giữa các thánh: đó là cách nói dựa theo lối diễn đạt truyền thống đọc thấy nơi các văn bản bằng La ngữ viết vào cuối thế kỷ thứ VI,[22] ghi lại Tín Biểu các Tông đồ. Việc thông phần chung và hữu hình vào các ân lộc cứu độ (các sự thánh), và đặc biệt vào Bí tích Thánh Thể, là nguồn cội phát sinh mối hiệp thông vô hình giữa những người tham dự (các thánh). Mối hiệp thông ấy bao hàm một giây liên đới thiêng liêng giữa các phần tử của Giáo Hội, trong tư cách là chi thể của cùng một Thân Thể,[23] và hướng tới việc làm cho họ kết hợp thực sự trong đức ái qua việc kiến tạo “mối đồng tâm nhất trí chung”.[24] Mối hiệp thông cũng hướng tới việc kết hiệp trong cầu nguyện,[25] do cùng một Thần Khí gợi hứng lên nơi mọi người,[26] đó chính là Thánh Thần “làm cho toàn thể Giáo Hội được sung mãn và hiệp nhất”[27]
Qua các yếu tố vô hình của nó, mối hiệp thông này chẳng những hiện hữu giữa các phần tử của Giáo Hội lữ hành trên trần gian, mà còn hiện hữu giữa các phần tử này với mọi người nhờ đã lìa đời trong ân nghĩa của Chúa, nên hiện đang là thành viên của Giáo Hội Thiên quốc, hoặc sẽ được hội nhập vào đó một khi đã được hoàn toàn thanh luyện.[28] Đây là một trong những ý nghĩa mà chân lý trên đây muốn nói: giữa Giáo Hội lữ hành tại thế và Giáo Hội trên trời, có một liên hệ hỗ tương gắn liền với sứ mạng của lịch sử cứu độ. Do đó, có thể xác quyết về tầm quan trọng theo phương diện giáo hội học không những của việc Đức Kitô chuyển cầu cho các chi thể của mình,[29] mà còn của cả việc các Thánh, và nổi bật đặc biệt là Đức Trinh Nữ Maria, chuyển cầu cho các tín hữu nữa.[30]
Vậy, nếu vẫn còn tồn tại mạnh mẽ như thế ở trong lòng đạo đức của giáo dân kitô, tất phần nòng cốt của việc tôn kính các thánh phải là điều thật sự phù hợp với thực thể sâu thẳm của Giáo Hội được hiểu như là mầu nhiệm hiệp thông.
Giáo Hội Toàn Cầu và các Giáo Hội Địa Phương
Giáo Hội của Đức Kitô, được tuyên xưng là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền trong Tín Biểu, là chính Giáo Hội phổ quát, — nghĩa là cộng đoàn của các môn đệ Chúa trong toàn cầu,[31] nhưng lại trở thành hiện diện và sinh động ngay giữa những nét đặc thù và những bối cảnh đa dạng của những con người, những nhóm, những thời đại và nơi chốn khác nhau. Giữa nhiều thành ngữ đặc biệt dùng để nói lên sự hiện diện cứu độ của Giáo Hội duy nhất Đức Kitô thiết lập, thì ngay từ thời các Tông đồ đã thấy có những biểu thức mang chính danh xưng các Giáo Hội,[32] vì tuy các Giáo Hội này có chỉ là địa phương, thì trong đó Giáo Hội phổ quát toàn cầu cũng hiện diện với hết thảy mọi yếu tố chủ yếu của mình.[33] Như thế, các Giáo Hội này đều được thiết lập “theo hình ảnh Giáo Hội phổ quát”, [34]và mỗi Giáo Hội là “một phần của dân Thiên Chúa được trao phó cho một vị giám mục để ngài làm mục tử chăn dắt với sự trợ giúp của linh mục đoàn”.[35]
Bởi thế, Giáo Hội phổ quát chính laThân Thể của các Giáo Hội;[36] do đó, cũng có thể dùng loại suy mà áp dụng khái niệm hiệp thông cho mối liên kết giữa các Giáo Hội địa phương, và nhờ vậy có thể hiểu Giáo Hội phổ quát như là một Cộng Đồng Hiệp Thông các Giáo Hội. Tuy nhiên, đôi khi ý tưởng “hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương” đã được trình bày như thế nào đó khiến cho quan niệm về tính chất duy nhất của Giáo Hội bị suy suyển đi trong chiều kích hữu hình và cơ chế của nó. Người ta đi đến chỗ khẳng định rằng mỗi Giáo Hội địa phương là một chủ thể tự mình đã hoàn bị, và Giáo Hội phổ quát là kết quả của việc các Giáo Hội địa phương nhìn nhận lẫn nhau. Lối nhìn giáo hội học phiến diện như thế không những làm cho khái niệm về Giáo Hội phổ quát, mà cả khái niệm về Giáo Hội địa phương nữa, ra nghèo nàn đi: quan niệm theo cách thức ấy là tỏ ra còn thiếu sót trong cách hiểu về khái niệm hiệp thông. Chính lịch sử đã minh chứng cho thấy: khi một Giáo Hội địa phương cố tranh thủ cho được quyền tự trị riêng mà làm suy giảm đi mối hiệp thông mình có thực sự đối với Giáo Hội phổ quát và với trung tâm cốt tử cùng hữu hình của chính mình, thì tình trạng duy nhất nội tại của Giáo Hội địa phương ấy lại bị vỡ tung ra, và hơn nữa, Giáo Hội ấy còn bị lâm vào nguy cơ đánh mất tự do của mình đi vì phải đương đầu cam go với nhiều loại thế lực thống trị và bóc lột.[37]
Để có thể thấu hiểu ý nghĩa thực sự của việc dùng loại suy mà áp dụng từ ngữ hiệp thông cho toàn bộ các Giáo Hội địa phương, thì trước hết cần phải nhận thức rằng: xét theo tư cách là “những thành phần trong Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô”,[38]các Giáo Hội địa phương đều có một mối liên hệ đặc biệt với toàn thể, tức là với Giáo Hội phổ quát: đó là mối liên hệ phát sinh từ “bản chất hỗ tương trong nội tính” (intériorité mutuelle);[39] bởi lẽ trong mỗi Giáo Hội địa phương “đều có Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, hằng thực sự hiện diện và hoạt động.[40] Vì thế, “không thể nào lại đi quan niệm Giáo Hội phổ quát như là tổng số, hoặc như là một liên hiệp các Giáo Hội địa phương được”. [41]Giáo Hội phổ quát không phải là kết quả của sự hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương, nhưng tự mầu nhiệm chủ yếu của nó, là một thực thể có trước mọi Giáo Hội địa phương riêng lẽ cả về mặt hữu thể lẫn thời gian.
Thật vậy, xét về mặt hữu thể học, và theo các giáo phụ thì Giáo Hội-mầu nhiệm, Giáo Hội duy nhất và độc nhất có trước công cuộc tạo dựng,[42] và đã sinh ra các Giáo Hội địa phương như con đẻ của mình; Giáo Hội phổ quát biểu hiện ra ở nơi các Giáo Hội địa phương, và là mẹ chứ không phải là sản phẩm của các Giáo Hội này. Ngoài ra, xét về mặt thời gian, Giáo Hội đã tỏ hiện ra trong ngày lễ Ngũ Tuần, ở nơi cộng đoàn một trăm hai mươi người quy tụ quanh Đức Maria và mười hai Tông đồ, là những vị đại diện của Giáo Hội độc nhất và cũng là những nhà khai sáng các Giáo Hội địa phương sau này; các vị có sứ mạng đối với toàn thế giới: từ giây phút đó, Giáo Hội nói được mọi thứ ngôn ngữ.[43]
Ngay từ buổi nguyên sơ, Giáo Hội đã biểu thị rõ tính phổ quát của mình qua việc khai sinh nên nhiều Giáo Hội địa phương, tức là khai sinh nên những mẫu cá biệt thể hiện Giáo Hội duy nhất và độc nhất của Đức Kitô. Bởi đã sinh ra trong và từ Giáo Hội phổ quát, nên cũng chính từ và trong Giáo Hội phổ quát mà các Giáo Hội địa phương có được giáo hội tính. Do đó, công thức của Công đồng Vaticanô II ghi rằng:”Giáo Hội ở trong và phát xuất từ các Giáo Hội” (Ecclesia in et ex Ecclesiis) [44]phải được gắn liền với một công thức khác: “Các Giáo Hội ở trong và phát xuất từ Giáo Hội” (Ecclesiae in et ex Ecclesia). [45]Bản chất của mối liên hệ giữa Giáo Hội phổ quát và các Giáo Hội địa phương là một mầu nhiệm; mối liên hệ này không giống như mối liên hệ giữa toàn thể và các thành phần trong bất cứ nhóm người hay tập thể thuần túy nhân loại nào.
Nhờ đức tin và phép rửa, mọi tín hữu đều được hội nhập vào trong Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; không một tín hữu nào thuộc về Giáo Hội phổ quát một cách gián tiếp, qua trung gian sự việc thuộc về một Giáo Hội địa phương, nhưng là một cách trực tiếp, cho dù việc gia nhập và sống trong Giáo Hội phổ quát có nhất thiết phải được thể hiện ra ở trong một Giáo Hội địa phương. Trong viễn cảnh về Giáo Hội được hiểu như là hiệp thông, mối hiệp thông phổ quát giữa các tín hữu và niềm hiệp thông giữa các Giáo Hội không phải là hiệu qủa của nhau, nhưng cùng làm nên một thực tại được nhìn dưới những nhãn quan khác nhau.
Ngoài ra, việc thuộc về một Giáo Hội địa phương thì không bao giờ mâu thuẫn với thực tế cuộc sống (Giáo Hội); mà thực tế cuộc sống Giáo Hội thì hằng mong ước rằng trongGiáo Hội, không một ai là người xa lạ cả: [46]đặc biệt trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể, mọi tín hữu đều đang thực sự ở trong Giáo Hội của mình, trong Giáo Hội của Đức Kitô, bất chấp về mặt giáo luật họ có hay không thuộc về giáo phận, giáo xứ hay cộng đoàn nào đó đang cử hành Thánh Lễ. Trong ý nghĩa này, dù những quy định cần thiết về việc tòng thuộc pháp lý vẫn giữ nguyên,[47] thì người thuộc về một Giáo Hội địa phương thì cũng thuộc về hết thảy mọi Giáo Hội; thật vậy, không bao giờ sự kiện thuộc về mối Hiệp thông, cũng hệt như sự việc thuộc về Giáo Hội, lại chỉ có tính cách thuần túy địa phương: tự bản chất, sự kiện thuộc về như thế thì luôn luôn phổ quát.[48]
Mối Hiệp Thông giữa các Giáo Hội, Bí Tích Thánh Thể và Chức Giám Mục
Niềm hiệp nhất hay hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương trong Giáo Hội phổ quát không những đặt nền tảng trên cùng một đức tin và cùng một phép rửa, nhưng lại còn đâm rễ sâu rộng hơn hết, vào trong bí tích Thánh Thể và chức Giám mục.
Nó đâm rễ sâu vào trong Bí tích Thánh Thể, vì tuy hy tế tạ ơn luôn được cử hành trong một cộng đoàn địa phương riêng lẻ, nhưng lại không khi nào là việc cử hành đơn độc của riêng cộng đoàn ấy mà thôi. Thật vậy, đón nhận sự hiện diện của Chúa trong Bí tích Thánh Thể như thế, là cộng đoàn đón nhận toàn bộ hồng ân cứu độ; rồi dù có thường xuyên mang đặc tính cá biệt hữu hình của mình, thì cộng đoàn ấy cũng vẫn biểu hiện như là hình ảnh và như là sự hiện diện thực sự của Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.[49]
Việc phát hiện lại một khoa giáo hội học thánh thể tuy có giá trị không thể chối cãi, nhưng đôi lúc đã tỏ ra chỉ biết nhấn mạnh một chiều đến nguyên lý về Giáo Hội địa phương. Người ta khẳng định rằng nơi nào có cử hành Bí tích Thánh Thể, thì nơi đó hiện diện toàn bộ mầu nhiệm Giáo Hội, đến độ làm như phải coi mọi nguyên lý hiệp nhất và phổ quát khác là không chủ yếu. Một số quan niệm khác, chịu ảnh hưởng của nhiều trường phái thần học khác nhau, còn có khuynh hướng quảng diễn lối nhìn cá biệt trên đây về Giáo Hội một cách triệt để hơn, đến độ khẳng định rằng quy tụ lại với nhau nhân danh Đức Giêsu (xem Mt 18,20) và tạo ra Giáo Hội, hai điều đó chỉ là một: đã trở thành cộng đoàn nhân danh Đức Kitô, tất cử tọa trong cuộc họp sẽ thủ đắc các quyền hành của Giáo Hội, kể cả quyền đối với Bí tích Thánh Thể; có người còn bảo rằng Giáo Hội phát sinh “từ hạ tầng cơ sở.”
Những sai lầm vừa kể và những sai lầm tương tự, đã không biết lưu ý đủ đến sự kiện này là chính Bí tích Thánh Thể đã cho thấy rằng không thể nào quan niệm một Giáo Hội địa phương có quyền tự trị được cả. Thật vậy, tính chất duy nhất và bất khả phân của Thân Thể Chúa trong Bí tích Thánh Thể ám chỉ duy nhất tính trong Thân Thể mầu nhiệm của Ngài, tức là Giáo Hội duy nhất và bất khả phân. Chính từ trung tâm thánh thể của mình mà mọi cộng đoàn hành lễ, và mọi Giáo Hội địa phương có được tầm khai mở giao tiếp cần thiết: khi để cho vòng tay rộng mở của Chúa thu hút, thì ta được hội nhập vào trong Thân Thể độc nhất và không chút phân rẽ của Ngài. Đó cũng là lý do cho thấy tại sao tác vụ của Phêrô, làm nền tảng cho mối hiệp nhất trong Giám Mục Đoàn và trong Giáo Hội phổ quát, lại tương ứng sâu xa với tính chất thánh thể của Giáo Hội đến thế.
Thật vậy, sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng đâm rễ vào trong mối hiệp nhất của Giám Mục Đoàn.[50] Cũng như khái niệm Thân Thể của Giáo Hội đòi hỏi phải có một Giáo Hội là Đầu các Giáo Hội khác, và đó chính là Giáo Hội Roma “Chủ trì niềm hiệp thông phổ quát của đức ái,[51] thì hệt như vậy, mối hiệp nhất của Giám Mục Đoàn cũng cần phải có một giám mục làm Đầu cho Thân Thể hay Đoàn Thể các Giám mục, và đó chính là Giáo Chủ Rôma.[52] “Trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, Giáo Hoàng là nguyên lý và là nền tảng vĩnh viễn và hữu hình”[53] của mối hiệp nhất trong Giám Mục Đoàn, cũng như của niềm hiệp nhất trong toàn thể Giáo Hội. Mối hiệp nhất này của Giám Mục Đoàn được tồn tại mãi qua các thế hệ nhờ thể thức kế nhiệm tông truyền; rồi cũng chính nó làm nền tảng cho bản sắc của Giáo Hội để qua đó, Giáo Hội trong mọi thời giữ được bản chất đồng nhất với Giáo Hội mà Đức Kitô đã thiết lập trên nền tảng Phêrô và các Tông đồ khác.[54]
Giám mục là nguyên lý và là nền tảng hữu hình của hiệp nhất trong Giáo Hội địa phương được giao phó cho ngài chăn dắt;[55] tuy nhiên, để mỗi Giáo Hội địa phương có được trọn vẹn bản chất của Giáo Hội, nghĩa là có khả năng biểu hiện sự có mặt của Giáo Hội phổ quát tại một địa phương với tất cả mọi thành tố thiết yếu của nó, và do đó được cấu tạo theo hình ảnh của Giáo Hội phổ quát, thì quyền tối thượng trong Giáo Hội –nghĩa là Giám Mục Đoàn “cùng với Giáo Chủ Rôma làm Thủ lãnh, và không khi nào đứng riêng ra ngoài vị Thủ lãnh này” [56] — phải hiện diện nơi Giáo Hội địa phương ấy như là yếu tố đặc thù của chính mình. Chức Giáo Chủ của Giám mục Roma và Giám Mục Đoàn là những yếu tố đặc thù của Giáo Hội phổ quát: các yếu tố này không bắt nguồn từ tính cá biệt (địa phương) của các Giáo Hội”,[57] cho dù chúng đều có mặt ở trong mọi Giáo Hội địa phương. Bởi thế, ” cần phải coi tác vụ của Đấng kế vị Thánh Phêrô, không phải như một dịch vụ ‘tổng quát’ chỉ có quan hệ với các Giáo Hội địa phương một cách chung chung từ ‘bên ngoài’, nhưng như là thành tố ngay ‘từ bên trong’, hằng nằm chính ở nơi yếu tính của mọi Giáo Hội địa phương“.[58]
Thật vậy, tác vụ của vị Giáo Chủ chủ yếu bao gồm một quyền hành giám mục thực sự, không những tối thượng, trọn vẹn và phổ quát, mà còn có tính cách trực tiếp đối với mọi người nữa: đối với các Mục tử cũng như đối với các tín hữu khác.[59] Sở dĩ tác vụ của người kế vị Thánh Phêrô hằng có ảnh hưởng ngay ở bên trong mọi Giáo Hội địa phương như thế, chính vì đó là hệ quả tất yếu phát xuất từ bản chất hỗ tương trong nội tính làm gốc cội chung giữa Giáo Hội phổ quát và Giáo Hội địa phương.[60]
Tính chất duy nhất của Bí tích Thánh Thể và mối hiệp nhất của Giám Mục Đoàn đối với Phêrô và dưới quyền Phêrô không phải là hai cội nguồn biệt lập của mối hiệp nhất trong Giáo Hội, bởi lẽ Đức Kitô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức Giám mục như là những thực tại tự bản chất gắn bó với nhau.[61] Bí tích giám mục là một, hệt như Thánh Thể là một: Hy tế duy nhất của Đức Kitô duy nhất là Đấng đã chết và đã sống lại. Phụng vụ biểu đạt thực tại này bằng nhiều cách khác nhau; chẳng hạn như bằng cách cho thấy rằng mọi cuộc cử hành Bí tích Thánh Thể đều được tiến hành trong niềm hiệp thông chẳng những với Giám mục mà còn cả với Đức Giáo Hoàng, với hàng giám mục, với toàn bộ giới giáo sĩ và toàn thể dân Chúa nữa.[62] Mọi cuộc cử hành bí tích Thánh Thể hợp thức đều nói lên niềm hiệp thông phổ quát ấy đối với Phêrô và với Giáo Hội toàn thể, hoặc là đòi phải có mối hiệp thông ấy về mặt khách quan, như trong trường hợp các Giáo Hội kitô đã tách khỏi Roma.[63]
Duy Nhất và Đa Dạng trong mối Hiệp Thông Giáo Hội
“Tính phổ quát của Giáo Hội một mặt làm nảy sinh nên một mối hiệp nhất vững chắc nhất, và mặt khác lại đưa đến tình trạng đa phức và đa dạng: tình trạng này không những không gây trở ngại cho sự hiệp nhất, mà ngược lại còn giúp cho hiệp nhất có được tính chất hiệp thông nữa”.[64]Tình trạng đa phức này là hệ quả đi kèm theo thực tại đa dạng gặp thấy hoặc là nơi các tác vụ, các đoàn sủng, các lối sống, và các hình thức tông vụ ở trong mỗi Giáo Hội địa phương, hoặc là nơi những truyền thống phụng vụ cũng như văn hóa khác nhau giữa các Giáo Hội địa phương. [65]
Phát huy hiệp nhất mà không gây trở ngại cho đa dạng, cũng như nhìn nhận và phát huy đa dạng mà không gây trở ngại cho hiệp nhất, nhưng lại làm cho nó càng thêm phong phú hơn: đó là hai công tác nằm trong trách vụ hàng đầu của Giáo Hoàng đối với toàn thể Giáo Hội,[66] và của mỗi giám mục đối với Giáo Hội địa phương đã được giao phó cho tác vụ mục tử của mình, miễn là luật chung Giáo Hội vẫn được giữ nguyên.[67] Nhưng việc xây dựng và bảo toàn mối hiệp nhất nhờ có đa dạng mà mang được tính chất hiệp thông như thế, cũng thuộc trách nhiệm của hết mọi người trong Giáo Hội, bởi lẽ tất cả đều được mời gọi để xây dựng và tôn trọng mối hiệp nhất ấy mỗi ngày, chủ yếu là bằng đức ái là “mối dây của hoàn thiện”.[68]
Để có một cái nhìn đầy đủ hơn về khía cạnh này của niềm hiệp thông giáo Hội – hiệp nhất trong khác biệt , thì cần phải lưu ý đến điểm này là: có những cơ chế và những cộng đoàn do Tòa Thánh thiết lập để chu tất những công tác mục vụ đặc biệt. Trong tư cách đó, các tổ chức này trực thuộc Giáo Hội phổ quát; còn các thành viên của chúng thì cũng vẫn là thành viên thuộc các Giáo Hội địa phương ở nơi họ sống và làm việc. Vốn có đặc tính uyển chuyển,[69] việc thuộc về các Giáo Hội địa phương như thế mang nhiều lối biểu đạt khác nhau về mặt pháp lý. Sự kiện này chẳng những không phương hại đến niềm hiệp nhất của Giáo Hội địa phương đặt nền móng trên Giám mục, mà ngược lại, còn giúp cho mối hiệp nhất này có được tính chất đa dạng nội bộ, vốn là đặc tính của hiệp thông.[70]
Khi hiểu Giáo Hội như là hiệp thông, thì cũng cần phải để ý đến các tu hội và hội dòng khác nhau; đó là những cách biểu hiện các đoàn sủng của đời sống tận hiến và của đời tông đồ; qua các đoàn sủng này, Thánh Thần làm cho Thân Thể mầu nhiệm của Đức Kitô nên phong phú: cho dù các tổ chức đời tu như thế không nằm trong cơ cấu phẩm trật của Giáo Hội, thì họ cũng vẫn được gắn chặt với đời sống và sự thánh thiện của Giáo Hội.[71]
Vì mang tính chất siêu giáo phận, và đâm rễ sâu vào trong tác vụ của Phêrô, nên tất cả các thực thể trên đây của Giáo Hội cũng đều là những nhân tố nhằm phục vụ cho niềm hiệp thông giữa các Giáo Hội địa phương.
Hiệp Thông Giáo Hội và Đại Kết
“Vì nhiều lý do, Giáo Hội thâm tín rằng mình có liên hệ với những người đang mang danh hiệu kitô hữa cao đẹp bởi đã lãnh nhận phép rửa, tuy không tuyên xưng đức tin trọn vẹn hoặc không giữ mối kết liên hiệp thông với người kế vị Thánh Phêrô”.[72]Thực vậy, trong các Giáo Hội và các cộng đồng kitô không công giáo, còn tồn tại nhiều thành tố của Giáo Hội Đức Kitô, qua đó chúng ta có thể vui mừng và hy vọng nhận ra một hình thức của hiệp thông, cho dù là chưa hoàn hảo.[73]
Hình thức hiệp thông này đặc biệt tồn tại ở nơi các Giáo Hội Đông phương Chính Thống, là những Giáo Hội tuy đã tách khỏi Tòa Thánh Phêrô, nhưng vẫn liên kết với Giáo Hội Công Giáo bằng những mối dây rất chặt chẽ, chẳng hạn như là thể chế kế nhiệm tông truyền và Bí tích Thánh Thể thành sự; thế nên, họ xứng đáng được mang danh hiệu là Giáo Hội địa phương.[74] Thật vậy, “chính nhờ việc cử hành Bí tích Thánh Thể của Chúa trong các Giáo Hội địa phương này mà Giáo Hội của Thiên Chúa được xây đắp và lớn lên”,[75]bởi lẽ Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền thì thực sự hiện diện trong mọi cuộc cử hành thành sự Bí tích Thánh Thể.[76]
Tuy nhiên, vì mối hiệp thông với Giáo Hội phổ quát, mà người kế vị Thánh Phêrô làm hiện thân, không phải là một bổ xung ngoại tại cho Giáo Hội địa phương, nhưng là một trong số những cấu tố nội tại, cho nên hoàn cảnh thực tế của những cộng đồng kitô đích thực này cũng làm cho họ phải mang cùng một vết thương như chính tình trạng Giáo Hội địa phương của họ.
Vết thương này lại còn sâu hơn nơi những cộng đồng giáo hội đã không duy trì thể chế kế nhiệm tông truyền, cũng chẳng bảo toàn cho Bí tích Thánh Thể thành sự. Mặt khác, đối với Giáo Hội Công Giáo, được Chúa mời gọi để trở nên “một đàn chiên duy nhất và một mục tử duy nhất”[77] cho mọi người, thì sự kiện ấy cũng trở thành một vết thương, vì nó gây cản trở cho việc thể hiện trọn vẹn tính chất phổ quát của Giáo Hội ở giữa lòng lịch sử.
Tình cảnh này đòi hỏi mọi người phải nỗ lực hoạt động cho đại kết để có được niềm hiệp thông trọn vẹn trong mối hiệp nhất của Giáo Hội: mối hiệp nhất này “Đức Kitô đã ban cho Giáo Hội của Ngài ngay từ buổi đầu. Chúng tôi tin rằng nó vẫn tồn tại không mất mát ở trong Giáo Hội Công Giáo, và chúng tôi hy vọng rằng càng ngày nó càng lớn lên cho đến hồi thế mạt”.[78]
Trong cuộc dấn thân cho đại kết như thế, việc cầu nguồện và sám hối, công tác học hỏi nghiên cứu, đối thoại và hợp tác có một tầm quan trọng hàng đầu: bởi có thế mới mong rằng nhờ biết quay trở về với Chúa, mọi người sẽ đạt tới chỗ nhìn nhận quyền tối cao (địa vị hàng đầu = primat) của Phêrô vẫn còn trường tồn nơi những người kế vị ngài, tức là các giám mục Roma, cũng như nhận ra sự kiện này là tác vụ của Phêrô hằng được thể hiện đúng như ý muốn của Chúa Kitô, tức là như một công tác phục vụ tông đồ phổ quát, có mặt ở bên trong mọi Giáo Hội, và có thể biểu hiện qua nhiều thể cách khác nhau, tùy theo thời gian và nơi chốn, như lịch sử hằng chứng minh cho thấy, tuy vẫn giữ nguyên bản chất do chính Thiên Chúa thiết lập của mình.
Kết Luận
Đức Trinh Nữ Maria đầy diễm phúc là mẫu mực cho mối hiệp thông giáo hội trong đức tin, đức ái và trong sự kết hiệp với Đức Kitô.[79] “Đời đời hiện diện trong mầu nhiệm Đức Kitô”,[80] Mẹ ở giữa các Tông đồ, ở chính giữa tâm điểm của Giáo Hội sơ khai[81]và của Giáo Hội trong mọi thời đại. Thật vậy, “Giáo Hội đã tụ họp nơi tầng trên (nhà Tiệc ly) cùng với Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu, và với các anh em Ngài. Vì thế, không thể nói tới sự hiện diện của Giáo Hội, nếu Đức Maria, Mẹ của Chúa, không có mặt cùng với các anh em của Ngài”.[82]
Để kết thúc Bức Thư này, Bộ Giáo Lý Đức Tin xin mượn lại những lời cuối trong Hiến Chế Lumen Gentium [83]để mời gọi toàn thể các giám mục và qua các ngài, mời gọi toàn thể các tín hữu, đặc biệt là các thần học gia, hãy phó thác những cố gắng xây dựng hiệp thông và suy tư thần học của mình về hiệp thông vào trong bàn tay chuyển cầu của Đức Trinh Nữ đầy diễm phúc.
Trong một buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Bộ Trưởng ký tên dưới đây, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II đã chuẩn nhận và ra lệnh công bố Lá Thư được Bộ Giáo Lý Đức Tin biểu quyết qua một cuộc họp thường kỳ trước đó.
Làm tại Roma, nơi trụ sở của Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngày 28 tháng 5 năm 1992.
Hồng Y Joseph Ratzinger
Bộ Trưởng
Alberto BOVONE
Tổng Giám mục hiệu tòa Cesarea Numiđia
NCS và NTM phiên dịch
[1] Xem Hiến Chế tín lý Lumen Gentium (GH) 4,8,13-15,18,24-25;Dei Verbum (MK), 10; Gaudium et Spes (MV), 32; Sắc Lệnh Unitatis Redin- tegratio (HN), 2-4, 14-15, 17-19, 22.
[2] X. Thượng Hội Đồng Giám Mục, 1985, Relatio finalis II, C), 1.
[3] Phaolô VI, “Bài giảng khai mạc khóa II của công đồng Vaticanô II,” 29-9-1963: AAS 55(1963)848.
[4] Gioan-Phaolô II, “Bài nói chuyện với các Giám mục Hoa Kỳ”, 16-9-1987, số 1.
[5] 1Ga 1,3: “Điều chúng tôi đã được nhìn thấy, và được nghe, chúng tôi xin loan báo cho cả anh em nữa, để cả anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài”. Xem thêm 1Cr 1,9; Gioan-Phaolô II Tông huấn Christi fideles laici 30-12-1988; Thượng Hội Đồng Giám Mục 1985, Relatio finalis, II, C), 1.
[6] X. Pl 3,20-21; Cl 3, 1-4; GH, 48.
[7] 2Cr 5,6; Xem GH 1.
[8] X. ibid.7; Đức Piô XII, Thông Điệp Mystici Corporis, 29 (tháng 6,1943).
[9] Xem GH 11a.
[10] Th.Xyprianô, Về Kinh “Lạy Cha”, 23: PL 4,553; x.GH 4b
[11] X. GH 9c.
[12] X. 2Pr 1,4.
[13] X. 2Cr 1,7.
[14] X. Ep 4,13; Plm 6.
[15] X. Pl 2,1.
[16] X. GH 25-27.
[17] X. Mt. 28,19-20; Ga 17,21-23; Ep 1,10; GH 9b; 13; 17; TG 1e; Th. Irênêô, Chống Lạc Giáo III,16,6 và 22,1-3: PG 7,925-926, 955-958.
[18] Th. Xyprianô, Epist. ad Magnum, 6: PL 3,1142
[19] Ep 4,4-5:”Chỉ có một thân thể, một Thần khí, cũng như anh em đã nhận được ơn kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Đức Chúa, một niềm tin, một phép rửa”. X. Mk 16,16.
[20] GH 7b. Qua Bí tích Thánh Thể “Giáo Hội đạt tới mức thành tựu trong thời gian” (Th. Augutinô, Contra Faustum, 12,20: PL 42,265). “Chúng ta thông phần vào Mình và Máu của Đức kitô ngõ hầu được biến hóa thành chính thực tại ta đã nhận lấy” (Th. Leô Cả, Sermo 63,7: PL 54,357).
[21] X. GH 3 và 11a; Th. Gioan Kim khẩu, In 1Cor Hom.24,2:PG 61,200.
[22] X. Denzinger-Sh. 19, 26-30.
[23] X. 1Cr 12,25-27; Ep 1,22-23, 3,3-6.
[24] Cv 4,32.
[25] X. Cv 2,42.
[26] X. Rm 8,15-16, 26; Gl 4,6; GH 3.
[27] Th. Tôma, De Veritate q.29 a.4c. Thật vậy, “được nhắc lên thập giá và được vinh hiển, Chúa Giêsu đã tuôn đổ Thần Khí Ngài hứa ban; nhờ Thần Khí ấy, Đức Giêsu kêu gọi và triệu tập dân của Tân Ước, tức là Giáo Hội, vào trong niềm hiệp nhất của đức tin cậy mến”, HN 2b.
[28] X. GH 49.
[29] X. Dt 7,25
[30] X. GH 50, 66.
[31] X. Mt16,18; 1Cr 12,28.
[32] X. Cv 8,1; 11,22; 1Cr 1,2; 16,19; Gl 1,22; Kh 2,1,8
[33] X. Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh, Hiệp Nhất và Khác Biệt trong Giáo Hội, 1989.
[34] GH 23a; x. TG 20a
[35] GM 11a.
[36] GH 23b; x. Th. Hilariô Poitiers, In Psalm. 14,3: PL 9,301; Th. Grêgôriô Cả, Moralia IV,7,12: PL 75,6.
[37] X. Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975), 64b
[38] GM 6c.
[39] Gioan-Phaolô II, “Bài nói chuyện với Giáo Triều Roma”, 20-12-1990, số 9.
[40] GM 11a.
[41] Gioan-Phaolô II, “Bài nói chuyện với các Giám mục Hoa Kỳ”, 16-9-1987, số 3.
[42] X. Th. Clêmentê Roma, Epist. II ad Cor., 4,2; Mục Tử Hermas, Thị Kiến 2,4: PG 2,897-900.
[43] X. Cv 2,1tt. Th. Irêneô, Chống Lạc Giáo III,17,2: PG 7,930: “Ngày Ngũ Tuần… muôn dân… đã trở nên một ca đoàn lạ lùng hát dâng lên Thiên Chúa một bài ca hợp tấu du dương ngợi khen, vì Thánh Thần đã quy tập các bộ lạc ly khai vào trong hiệp nhất, và biến hóa sự khác biệt của muôn dân thành quả đầu mùa dâng lên Thiên Chúa Cha”. X. Th. Fulgentius Ruspe, Sermo 8 in Pentecoste, 2-3: PL 65,743-744.
[44] GH 23a:”…Giáo Hội Công Giáo duy nhất và độc nhất hiện hữu ở nơi và từ các Giáo Hội địa phương”. Giáo thuyết này tiếp tục khai triển những đã được xác nhận trước đó, chẳng hạn như do Đức Piô XII, qua Thông điệp Mystici Corporis, AAS 35(1943) 211:”Giáo Hội Công Giáo duy nhất khởi phát hiện hữu từ đó [các GH địa phương] và cũng bởi dó mà được cấu thành”.
[45] X. Gioan-Phaolô II, “Bài nói chuyện với Giáo triều Roma”, 20-12-90, số 9.
[46] X. Gl 3,28.
[47] Xem Bộ Giáo Luật, đ. 107 chẳng hạn.
[48] Th. Gioan Kim Khẩu, In Ioann. Hom.,65,1: PG 59,361: “Người ở Roma cũng biết người ở Ấn độ là chi thể của mình”. X. GH 13b.
[49] X. GH 26a; Th. Augutinô, In Ioann. Ev. Tract., 26,13: PL 35,1612-1613.
[50] X. GH 18b; 22a; x. Th. Xyprianô, De Unitate Ecclesiae, 5: PL 4,516-517; Th. Augut., In Ioann. Ev. Tract.,46,5: PL 35,1730
[51] Th. Ignaxiô Antiôkia,Epist.ad Rom., lời mở đầu: PG 5,685; GH 13c.
[52] X. GH 22b
[53] Ibid. 23a. X. Hiến chế tín lý Pastor Aeternus: DS 3051-3057; Th. Xyprianô, De Unitate…4: PL 4,512-515.
[54] X. GH 20; Th. Irênêô, Ad.Haer. III,3,12: PG 7,848-849; Th. Xyprianô, Epist. 27,1: PL 4,305-306; Th. Augutinô, Contra adv. legis et proph., 1,20,39: PL 42,626.
[55] X. GH 23
[56] X. Ibid. 22b; 19.
[57] Gioan-Phaolô II, “Bài nói chuyện…” 20-12-1990, 9.
[58] Gioan-Phaolô II, “Bài nói chuyện…” 16-9-1987, 16
[59] Pastor Aeternus3; GH 22b.
[60] Xem số 9 trên đây.
[61] GH 26; Th. Ignaxiô Antiôkia, Epist.ad Philadel., 4: PG 5,700;Epist. ad Smirn., 8: PG 5,713
[62] Sách Lễ Roma, Kinh Nguyện Thánh Thể III
[63] GH 8b.
[64] Gioan-Phaolô II, Tiếp kiến chung 27-9-1989, số 2.
[65] GH 23d.
[66] Ibid.13c.
[67] GM 8a.
[68] Cl 3,14; Th. Tôma, Exposit. in Symb. Apost., a. 9: “Giáo Hội là một… do sự hiệp nhất của đức mến, vì tất cả đều được liên kết trong tình thương của Thiên Chúa, và kết nối với nhau trong tình tương ái”.
[69] Xem số 10 trên kia.
[70] Xem số 15 trên kia.
[71] GH 44d.
[72] GH 15.
[73] HN 3a; 22; GH 13d.
[74] HN 14; 15c
[75] Ibid., 15a.
[76] Xem các số 5 và 14 trên kia.
[77] Ga 10,16
[78] HN 4c.
[79] GH 63, 68; Th. Ambrôxiô, Expos. in Lucam 2,7: PL 15,1555; Th. Isaac Stella, Sermo 27: PL 194,1778-1779; Rupert Deutz, De Vict. Verbi Dei, 12,1: PL 169,1464-1465
[80] Gioan-Phaolô II, Thông điệp Mẹ của Đấng Cứu Thế19(25-4-1987).
[81] Cv 1,14; Gioan-Phaolô II, Ibid.,26.
[82] Th. Crômaxiô Aquilêia,Sermo 30,1: “Sources Chrétiennes” 164, 134. X. Phaolô VI, Tông Huấn Marialis Cultus 28 (2-2-1974).
[83] GH 69.