Trong thiên tiểu luận được coi là chuẩn tắc, tựa đề “Tầm trọng yếu lâu bền của Công Đồng Vaticanô II,” Karl Rahner mô tả nền thần học của công đồng như là biểu trưng cho bước chuyển tiếp từ một nền thần học Tân kinh viện cứng nhắc của thế kỷ 20 sang một nền thần học quy Kinh Thánh mang tính chất đại kết thích hợp với thời đại. Dù có nêu lên những khuyết điểm trầm trọng của phương pháp Tân kinh viện đóng khung trong những công thức khô cằn, thì Rahner cũng vẫn thận trọng nhắc nhở là: “Không nên cho rằng phương pháp này chỉ ảnh hưởng trên công đồng một cách tiêu cực và lu mờ mà thôi. Ngược lại, ước gì các sinh viên thần học cả trong thời nay nữa, ý thức hơn một chút về tính chất chính xác của các khái niệm dùng trong thần học Tân kinh viện, và về vai trò định hướng nó đóng giữ trong các tuyên ngôn của huấn quyền.”[2] Bài viết sẽ trước tiên khảo sát một khía cạnh trong “chính xác tính ấy của các khái niệm,” đó là điều mà Tân Kinh Viện gọi là qualificatio theologica, tức định mức thần học. Tiếp sau đó, bài viết sẽ nhìn lại tiến trình nẩy sinh những vấn đề liên quan đến nỗ lực giải thích, ở trong công đồng Vaticanô II, đặc biệt là trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, cũng như nhìn lại sự việc thần học thường xuyên cần đến một phương cách lượng định giúp nhận ra mức độ xác quyết (cao hay thấp) trong đó quyền bính muốn đặt các khoản tuyên bố về giáo lý. Một phần của bài phân tích này sẽ khai triển một nguyên tắc chú giải để diễn trình các văn kiện của công đồng Vaticanô II.
Khi bàn về tình chất thiếu thích đáng cách chung của phương pháp Tân kinh viện thời thế kỷ 20 mà tác giả đã từng hấp thụ trong giai đoạn huấn luyện, Avery Dulles nêu rõ một trong những giá trị của phương pháp này: “Tôi công nhận rằng không phải tất cả mọi kết luận đều chắc chắn như nhau. Mỗi luận đề đã phải có một định mức thần học (theological note ) đi kèm theo, cho thấy mức độ của xác thực tính (certitude ) hoặc cái nhiên tính (probability ) nó có, tùy từng trường hợp.”[3] Các định mức thần học này là những câu ngắn, nêu rõ mức xác tính của mỗi mệnh đề thần học, và làm thành những hệ thống chỉ dẫn khác nhau trong các sách giáo khoa thần học Tân kinh viện. Cọng với phán quyết tóm kết nói lên qua định mức thần học, còn có: “nhiều lý do được đưa ra để cho thấy nền tảng trên đó định mức được xây dựng; thí dụ như: các khoản minh định (definitions ) do các giáo hoàng và các công đồng, giáo huấn minh nhiên của Kinh Thánh, suy luận thần học, mối nhất trí hoặc đồng quan điểm chung giữa các giáo phụ hoặc giữa các thần học gia.”[4]
Các phán quyết kiểm định hoặc kiểm trừng (censures ) áp dụng trong thần học để xác định mức độ sai lầm của một mệnh đề, một quan điểm, là những hệ luận ‘mặt trái’ (negative corollaries ) của các định mức thần học, và trong lịch sử thần học, chúng đã xuất hiện sớm hơn các định mức thần học. Yves Congar cho thấy rằng Tôma Aquinô đã dùng đến “các định mức mang tính chất khoa học nhiều hơn là những định mức có tính cách quy điển” – thí dụ: stultum (điên rồ), ridiculum (buồn cười, không có nghĩa lý gì) và ineptum (không thích đáng) – đối với các lý chứng mà ngài cho là phản ánh một defectum sapientiae (sự thiếu khôn ngoan).[5] Sau này nhiều hình thức kiểm định đã thỉnh thoảng được các giáo hoàng và các công đồng dùng để lên án các lạc giáo, đáng kể nhất là đối với Martin Luther qua sắc chỉ Exsurge Domine.[6] Danh sách các định mức xác nhận và các kiểm định lên án đã ngày càng trở nên chi tiết hơn trong thời hậu công đồng Trentô; nhưng “với đà bừng phát mạnh của học thuyết mình trong thời đó, trường phái Tân kinh viện đã sáng chế và đưa thêm nhiều phân biệt tỉ mỉ vào giữa các định mức và kiểm định.”[7]
HỆ THỐNG ĐỊNH MỨC THẦN HỌC THEO TRƯỜNG PHÁI TÂN KINH VIỆN
Một công trình, có tính cách chuẩn tắc, trình bày rõ cách áp dụng các định mức thần học theo phương pháp Tân Kinh Viện thời tiền công đồng Vaticanô II, là quyển De valore notarum theologicarum et de criteriis ad eas dignoscendas (Giá trị các định mức thần học và những tiêu chuẩn để nhận diện chúng) của tác giả Sisto Cartechini (1914-1994), linh mục dòng Tên và là giáo sư đại học Grêgôrianô. Chỉ cần nhìn một cách khái quát không thôi về các định mức thần học mô tả trong quyển sách nhỏ này, thì cũng thấy rõ được là các thần học gia Tân kinh viện đã tỏ ra hết sức cẩn trọng trong việc tìm cách phân định chính xác mức độ của xác thực tính nơi mỗi mệnh đề. Trình bày và giải thích mười phạm trù do cách hệ thống hóa của quyển sách đề xuất, tác giả liệt kê một hoặc nhiều định mức thần học với các kiểm định tương ứng đi kèm theo; rồi xác định mức độ tin nhận đòi hỏi phải có, cùng thứ loại tội vạ mắc phải khi chối bỏ; và trưng dẫn một luận đề thần học cụ thể làm thí dụ.[8]
Phạm trù thứ nhất, dogma fidei (tín điều), bao hàm những định mức tuy có tên gọi khác nhau nhưng lại mang ý nghĩa tương tự, như de fide (thuộc đức tin), de fide catholica (thuộc đức tin công giáo), và de fide divina et catholica (thuộc đức tin thần khải và công giáo). Phạm trù này bao gồm tất cả các chân lý “chứa đựng trong Kinh Thánh và Thánh truyền,” đã được huấn quyền bình thường và ngoại thường của Giáo hội coi là thần khải (divinely revealed ).[9] Cartechini lưu ý rằng các điểm giáo lý đức tin nói trên đây không bao gồm tất cả những gì đã được mạc khải, nhưng chỉ những gì liên quan đến đức tin và luân lý (de fide et moribus ), tức là những gì quy hướng con người về với ơn cứu rỗi.[10] Bất cứ giáo huấn nào thuộc phạm trù de fide thì cũng đều đòi hỏi sự đón nhận tuyệt đối dựa trên ánh sáng của đức tin thần khải, và việc chối bỏ nó sẽ làm cho mắc phải vạ lạc giáo. Các tín điều đã được giáo hoàng hoặc công đồng chung long trọng định tín thì có thể được định tính thêm với định mức de fide definita (thuộc đức tin minh định), để phân biệt với những tín điều chỉ được huấn quyền phổ quát và bình thường của Giáo hội dạy, và thường xuất hiện trong “các công thức tuyên tín, sách giáo lý, bài giảng, hoặc giáo thuyết của các thần học gia.”[11] Thí dụ: nếu thử đối chiếu giáo lý về Vô Nhiễm Nguyên Tội với tính bất khả ngộ của Kinh Thánh, thì sẽ thấy là dù cả hai đều thuộc định mức dogma fidei (tín điều) hoặc những định mức với danh xưng tương đương, nhưng chỉ giáo lý thứ nhất mới được xem là de fide definita (thuộc đức tin minh định).[12]
Về phạm trù thứ hai, Cartechini đã vất vả giải thích rằng không phải giáo lý nào cũng là tín điều; cả những điều giáo hoàng hay công đồng cho là chân thật cũng chưa hội đủ điều kiện để được coi là dogma fidei (tín điều). Định mức de fide ecclesiastica definita (thuộc đức tin Giáo hội minh định) được dùng để chỉ một chân lý được Giáo hội long trọng định tín mặc dù không phải là mạc khải; thí dụ như giáo lý về “tính chất thành sự của việc rước lễ dưới chỉ một hình sắc.”[13] Vì giáo lý này không thuộc mạc khải nên không thể xem đó là tín điều; điều này buộc các tín hữu phải tin nhưng không thể buộc cùng một cách thức như trong trường hợp tín điều. Cartechini còn lưu ý rằng có những “chân lý cần phải tin không phải vì thuộc đức tin thần khải, nhưng vì thuộc đức tin của Giáo hội”; thế nên, nếu chối bỏ chúng thì “xem như rơi vào lạc giáo, không phải theo nghĩa hẹp, tức là nghịch lại với đức tin thần khải, nhưng theo nghĩa rộng, tức là nghịch lại với đức tin của Giáo hội.”[14] Sự khác biệt giữa các định mức de fide ecclesiastica (thuộc đức tin giáo tính) và de fide divina (thuộc đức tin thần khải) được giải thích rõ ràng hơn qua cách Cartechini bàn về mức độ tin nhận: “Đức tin của Giáo hội được thể hiện trong việc tuân phục bên trong qua thái độ quy phục của lý trí và ý chí; kẻ nào không tin nhận những định tín này thì mắc lỗi nặng, ít ra là thuộc tội liều lĩnh (saltem vitii temeritatis ). Nhưng việc tin nhận còn tùy thuộc vào cách thức các tín điều được trình bày…”[15] Cartechini nhấn mạnh rằng bản chất đích xác của việc đòi hỏi tin nhận thay đổi với ngôn ngữ cụ thể của từng định tín một. Tác giả cũng lưu ý thêm là đừng quá dễ dàng lầm tưởng rằng chỉ cần dùng một cách giải thích duy nhất cho hết mọi điểm giáo lý như thế là đủ.
Phạm trù thứ ba – de fide divina (thuộc đức tin thần khải) – thì ngược lại với phạm trù thứ hai trong tương quan với dogma fidei (tín điều). Phạm trù này bao gồm những chân lý được mạc khải nhưng chưa được Giáo hội định tín (defined ). Cartechini giải thích như sau: “Chủ yếu mà nói, đức tin thần khải không khác với đức tin Công giáo, chỉ khác biệt… về mặt ngoại tại, một đàng là đến trực tiếp từ Thiên Chúa, và đàng kia là đến từ Thiên Chúa qua Giáo hội.”[16] Một trong các thí dụ Cartechini trưng dẫn nhằm minh họa là giáo thuyết nói rằng: “Do công nghiệp của mình, Đức Kitô đã được vinh hiển trong thân xác và được tôn vinh về mặt danh thơm tiếng tốt.”[17] Cả đối với phạm trù này nữa, việc tin nhận cũng thay đổi tùy theo bản chất của từng mệnh đề một. Đặc biệt, việc tin nhận cần phải có như thế còn tùy vào tính chất rõ ràng minh bạch (clarity ) mà mối liên hệ mệnh đề ấy có đối với mạc khải; điều này đòi hỏi phải biết nhạy cảm đối với những gì cần cho việc giải thích Kinh Thánh. Bàn về mức kiểm định tương ứng với phạm trù này, Cartechini cho rằng: “Kẻ nào chối bỏ một điều rõ ràng đọc thấy trong Kinh Thánh và Thánh truyền như là đã được mạc khải, thì mắc tội trọng nghịch với đức tin thần khải, nhưng không phải là người lạc giáo bởi vì y không tự tách rời khỏi lập trường minh nhiên xác định của Giáo hội. Có người gọi kẻ ấy là người nhầm lẫn trong đức tin (erroneous in faith ): nếu hiểu nhầm lẫn là sai lạc thực sự; thì sai lạc, theo nghĩa hẹp, không chỉ là một điều sai, nhưng còn là sự giả dối (falsehood) đi ngược lại với những gì là chân thật hoặc chắc chắn và cách chung được mọi người coi là chắc chắn.”[18] Vậy, bị coi là mắc vạ error in fide (sai lạc trong đức tin), khi khẳng định một điều trái ngược với những gì người tín hữu Công giáo tin – một cách minh nhiên và kiên vững – là chân lý mạc khải.
Phạm trù thứ tư – proxima fidei (cận tín) – là định mức thần học dành cho những định đề được coi là ở một mức xác quyết thấp hơn những định đề loại de fide divina (thuộc đức tin thần khải). Dù không được huấn quyền Giáo hội minh nhiên công tuyên, các điểm giáo lý kia cũng được hầu như mọi người nhất trí xem là thuộc kho tàng mạc khải; thí dụ như học thuyết về công trình cứu độ thục tội Đức Kitô đã hoàn thành. “Nói cách khác, tuy không hoàn toàn chắc chắn, thì đối với nhiều người, các định đề này vẫn có thể thuộc nội dung giáo lý đức tin.”[19] Định mức proxima fidei không đòi một thái độ tin nhận tuyệt đối, và mức kiểm định tương ứng với định mức này được gọi là errori proxima (gần như sai lạc).[20]
Phạm trù thứ năm – theologice certum (có xác thực tính thần học, chắc chắn về mặt thần học) – được áp dụng cho những kết luận thần học rút ra từ một định đề thuộc mạc khải và một định đề khác thuộc lãnh vực lý trí; thí dụ như kết luận nói rằng “sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể chứng minh được bằng lý trí.”[21] Phạm trù thứ sáu – doctrina catholica (giáo lý công giáo) – bao hàm những điểm giáo lý đã được họp thức và chung quyết giới thiệu như là thuộc kho tàng mạc khải, tuy chưa được Giáo hội minh nhiên và chính thức dạy dỗ; thí dụ như vấn đề xem các tác giả được linh ứng của Kinh Thánh là tác giả thật nhưng chỉ là tác giả phụ.[22] Hai phạm trù này đòi mức tin nhận tùy theo các kết luận được rút ra từ ánh sáng đức tin, từ lý trí hoặc huấn quyền. Mức kiểm định tương ứng với doctrina catholica (giáo lý công giáo) là saltem temeraria (ít nhất là liều lĩnh); còn việc chối bỏ một định đề theologice certum (xác thực về mặt thần học) thì sẽ kéo theo một mức kiểm trừng nặng hơn, tức error in theologia (sai lạc về mặt thần học).[23] Cartechini ghi chú rằng việc chối bỏ một định đề theologice certum một cách có ý thức là một trọng tội (serious sin ), vì nó liên hệ gần hơn với đức tin. Tuy nhiên, cũng cần phải phân biệt giữa error in theologia với error in fide (sai lạc trong đức tin), vì dù theologice certum có chắc chắn, thì cũng chỉ trong phạm vi suy luận thần học mà thôi.[24]
Bởi không quan trọng cho lắm, nên các phạm trù còn lại chỉ được trình bày sơ lược. Phạm trù thứ bẩy bao gồm các định mức commune et certum (chung, phổ biến và xác thực), certum (xác thực) và moraliter certum (xác thực theo lẽ thường). Một định đề được coi là thuộc loại commune (chung, phổ biến) nếu được mọi trường phái thần học công nhận. Khác với theologice certum, định mức certum, được dùng cho những kết luận thần học không xuất phát từ nội dung của mạc khải cách rõ ràng và trực tiếp; thí dụ như định đề “bí tích là nguồn ơn sủng.”[25] Mức kiểm định dành cho việc chối bỏ các định đề này là temeraria (liều lĩnh).[26] Phạm trù thứ tám bao gồm các định mức securum hoặc tutum (an toàn), chỉ về những điểm giáo lý được coi là “an toàn” để tin; thí dụ như những điều trình bày trong các sắc chỉ về giáo lý của các thánh bộ Rôma. Các định mức communius (phổ biến hơn) và communissimum (rất phổ biến) được áp dụng cho các giáo huấn thuộc phạm trù thứ chín; thí dụ như sự thông ban ơn sủng xóa sạch được tội lỗi. Phạm trù thứ chín và thứ mười bao gồm các định mức probabile (cái nhiên) và probabilius (có xác suất cao hơn) cho những kết luận thần học mà tính xác thực của chúng chỉ dựa trên uy tín ngoại tại (của các tác giả) hoặc đến từ nội dung bên trong; thí dụ: các học thuyết của Molina[27] (Molinism ) và của Bánez[28] (Banezism ). Hai phạm trù cuối này không đòi hỏi thái độ tin nhận, và các mức kiểm định tương ứng với chúng gồm có: xảo trá (captiosa ), làm cớ vấp phạm (scandalosa ), và chướng tai [đạo đức] (khó nghe: piarum aurium offensiva ).[29]
Hệ thống định mức thần học này cho thấy rõ sự cẩn trọng đến mức gắt gao của các nhà thần học Tân kinh viện khi phải định loại mỗi một mệnh đề thần học theo đúng mức độ xác thực của nó. Việc đọc thấy có cả một trật bậc phong phú các mức độ trong thẩm quyền tính của các chủ đề thần học, việc lưu tâm phân định sắc bén thể loại của các chủ đề này, cũng như thái độ nhạy bén trong việc định tính chúng một cách chính xác: đó là những giá trị vừa to lớn vừa trường tồn. Tuy vậy, cách định mức thần học theo phương pháp Tân kinh viện cũng có một số giới hạn thấy được khi ứng dụng chúng vào lãnh vực thần học hiện đại. Thử nhìn qua hai điểm trong số các giới hạn ấy. Thứ nhất, các định mức kia đặt nền tảng trên mệnh đề (proposition-based ), phản ánh lối tư duy Tân kinh viện vốn ưa lối lý luận quy nạp, tức là đi từ những tiền đề đã thiết định để rút ra những kết luận cụ thể. Làm như thế có thể đưa đến việc xem môn thần học chẳng có gì hơn là nỗ lực triển khai những mệnh đề sẵn có. Thứ hai, các định mức được thiết đặt theo cung cách ấy, chủ yếu hướng về phía xác định thẩm quyền, nẩy sinh từ việc dùng các mức kiểm trừng thần học để lên án những thách thức thần học khác nhau trong lịch sử, và như thế chúng có thể bỏ qua mà không lưu ý cho đủ đến tính cách phức tạp của chủ thể đức tin (believing subject, người tin nhận). Cũng nên ghi nhận là cả hai giới hạn vừa nêu trên đây – có thể chứ không nhất thiết – kéo theo những tác dụng tiêu cực trong việc sử dụng các định mức thần học nói chung.
NHẬN ĐỊNH CÓ TÍNH CÁCH GIẢI THÍCH VỀ THỜI CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II
Dù ưu khuyết của chúng có như thế nào thì các định mức thần học cũng không xuất hiện rõ trong các văn kiện của công đồng Vaticanô II. Cách chung, phương pháp Tân kinh viện đã bị các giám mục nhất quyết minh nhiên gạt bỏ; về điều đó, Dulles đã ghi lại như thế này: “các lược đồ làm việc của năm 1962 – được soạn thảo chủ yếu do các giáo sư làm việc tại Rôma… [và] mang nặng ảnh hưởng kinh viện cả trong tư tưởng và lẫn trong cách thức biểu đạt” – đã bị gạt ra để bắt đầu lại công tác soạn thảo.[30] Dulles giải thích rằng một thái độ tín nhiệm đặc biệt ưu đãi đối với học thuyết Tân kinh viện “là điều mà trên thực tế, chủ định của công đồng – như Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nêu rõ và như được chính các giám mục chấp nhận – bác bỏ. Điều công đồng muốn là trở thành, tự bản chất, một công đồng đặc thù mục vụ; theo nghĩa là quyết đặc biệt lưu tâm đến tác vụ loan báo Tin mừng trong một cách thức hữu hiệu, cũng như đến việc tăng cường khả năng của Giáo hội trong nỗ lực nêu cao bằng cuộc sống thực tế của mình, những đặc nét nổi bật trên gương mặt Đức Kitô, Vị Mục Tử nhân lành. Học thuyết kinh viện không hướng tới việc loan báo (Tin Mừng) hoặc nỗ lực canh tân tâm linh, nhưng đúng hơn là quy về với những cuộc bài cãi tinh tế và trừu tượng, tức là đi xa ra ngoài đường hướng đã đề ra”.[31]
Nói chung, những gì bài viết vừa nhận định về học phái Tân kinh viện đều là xác thực, cách riêng đối với các định mức thần học. Toàn bộ hệ thống các định mức thần học đều quy về việc đánh giá những mệnh đề khác nhau, có tính cách trừu tượng thậm chí bí ẩn nữa, mệnh đề làm nên phần chủ yếu của thần học công giáo theo chủ hướng Tân kinh viện. Do đó, không lạ gì các định mức thần học đã không được minh nhiên dùng đến trong một công đồng nhằm tới công cuộc canh tân mục vụ, ưu tư đại kết và thái độ mở rộng trước thế giới ngày nay như là mục đích chính.
Quả thế, trong các văn kiện công đồng, chỉ có một chỗ duy nhất minh nhiên nhắc tới một định mức thần học, đó là trong Notificationes (Thông tri ), tức phần phụ lục đính kèm Hiến chế Tín lý về Giáo hội Lumen Gentium ; đoạn văn ghi thế này: “Một câu hỏi đã được nêu lên để xem có thể quy áp định mức thần học nào cho giáo lý đề ra trong lược đồ De Ecclesia và sắp được đem ra đầu phiếu.”[32] Các Notificationes (Thông tri) cùng phụ trương Nota explicativa praevia (Chú thích sơ khởi) dài hơn và khải triển rộng hơn, đã được Đức Phaolô VI đề nghị ghi thêm “như là một nỗ lực cuối cùng từ phía ngài, nhằm thuyết phục nhóm các giám mục và chuyên viên – phía thiểu số – không ngừng cương quyết, ngay từ Khóa họp thứ hai, chống lại giáo thuyết về đoàn thể tính (collegiality )” công đồng đề nghị.[33] Dù là điều hết sức ngoại thường và đã trở thành đề tài tranh cãi trong thời đó, thì việc đưa thêm các phụ trương, phụ chú vào văn bản đã mang lại kết quả bổ ích qua tác dụng làm cho số phiếu non placet (chống) đột ngột giảm hẳn xuống trong lần đầu phiếu chung quyết, và như thế, cuối cùng, văn kiện đã đạt được mức nhất trí hầu như trọn vẹn của các nghị phụ.
Dù có gọi bằng tên gì đi nữa thì các Notifications (Thông tri) cũng chẳng giúp được bao nhiêu trong cố gắng làm cho công tác giải thích sáng tỏ hơn thêm. Bình luận về văn bản, Joseph Ratzinger than phiền rằng “những gì Ủy ban Thần học muốn nói lên về điểm đó thì không rõ ràng cho đủ.”[34] Trả lời câu hỏi về định mức thần học, Ủy ban chỉ nói rằng “Như tự bản chất hiển nhiên, văn bản của công đồng tất phải được giải thích theo những quy tắc chung mà mọi người đếu đã biết.”[35] Dĩ nhiên, nếu các “quy tắc chung” kia thực sự “mọi người đều đã biết,” thì xem ra không có lý gì để câu hỏi kia được nêu lên hàng đầu. Ủy ban tiếp tục viết bản văn bằng cách ghi lại một đoạn như sau, rút ra từ những tuyên bố đã được đưa ra trước kia:
Xét theo lề lối tiến hành công đồng và chủ đích mục vụ của công đồng hiện tại, Thánh Công đồng này xác định rằng Giáo hội chỉ phải tuân giữ những điều có liên quan đến đức tin và phong hóa mà Thánh Công đồng tuyên bố là như vậy.
Còn những điểm khác được Thánh Công đồng trình bày, vì là giáo thuyết của Huấn quyền tối thượng của Giáo hội, nên tất cả và mỗi một kitô hữu phải đón nhận và tuân thủ theo ý của chính Thánh Công đồng, dựa trên những tiêu chuẩn của phương pháp giải thích thần học: ý Công đồng tỏ lộ qua nội dung được trình bày hoặc qua cách diễn tả của Công đồng.[36]
Ratzinger giải thích sự việc rất hợp lý, coi đó là một cố gắng của Đức Phaolô VI nhằm đề ra một con đường trung dung giữa hai trường phái tư tưởng xuất hiện trong lúc bàn thảo văn kiện. Tác giả nhận dạng và gọi trường phái thứ nhất là “‘phía tối thiểu’ tức thuộc phía thiểu số trong công đồng, và là những vị bởi không thành công trong chủ trương chống lại việc coi công đồng chỉ chủ yếu là mục vụ, nên bây giờ kết luận từ tính chất chủ yếu mục vụ kia của công đồng để nói rằng công đồng không có được một tầm trọng yếu nào trong lãnh vực giáo lý.”[37] Ở thái cực bên kia thì có những vị “chủ trương – trên thực tế (dù không phải là về mặt kỹ thuật) – nâng hầu hết các tuyên bố của công đồng lên hàng tín điều.”[38]
Cách phân biệt văn bản đề ra, chia các điểm giáo huấn thành hai loại: loại nhất thiết phải tuân giữ (tenenda) và loại phải đón nhận và tuân thủ (excipere et amplecti debent ) tùy mức độ khác nhau theo ý (juxta mentem ) của Công đồng. Loại thứ nhất – coi như là – có thể dễ dàng đoán nhận, bởi được tuyên bố rõ ràng là như vậy (ut talis aperte declaraverit ), tức như là các điều có liên quan đến đức tin và phong hóa (de rebus fidei vel morum ). Tuy nhiên, mức độ tiếp nhận được loại thứ hai đảm bảo, lại xem ra đòi hỏi một sự nhận định sáng suốt từ phía người giải thích. Văn bản xác định rằng ý của Công đồng – liên quan đến các điểm giáo huấn ấy – nhận biết được (“tỏ lộ” hay “hiện rõ” là lối dịch quá ‘lạc quan’ của từ innotescit mà văn bản dùng) hoặc là qua nội dung của vấn đề (ex subiecta materia ), hoặc là qua cách diễn tả (ex dicendi ratione ). Theo Ủy ban Thần học, những nhận định như thế phải tiến hành đúng với các quy tắc của phương pháp giải thích thần học (secundum normas theologicae interpretationis ).
Nói cho cùng, những quy tắc của phương pháp giải thích thần học kia là những quy tắc nào? Theo tôi, đoạn văn này trực tiếp ám chỉ các kỹ thuật của phương pháp giải thích giáo lý theo hệ thống các định mức thần học của học thuyết Tân kinh viện. Dù Công đồng đã loại trừ toàn bộ phương pháp Tân kinh viện, coi là không thích hợp với chủ đích mục vụ và đại kết theo đuổi, thì đến lúc đối diện với đòi hỏi phải làm sao để xác định uy thế của giáo huấn mình, Công đồng cũng đã mặc nhiên dựa vào hệ thống độc nhất hiện có và được rộng rãi biết đến. Dĩ nhiên, điều đó không có gì là lạ, bởi đại đa số các nghị phụ cũng như các periti (chuyên viên) đều đã học thần học theo phương pháp Tân kinh viện. Dù Công đồng có tránh việc dùng hệ thống thuật ngữ (terminology ) của các định mức thần học, thì lối tiếp cận theo phương pháp nằm ở cơ sở của hệ thống ấy cũng đã được nhắc đến trong các Notifications (Thông tri).
Dưới dạng gián tiếp, cùng một câu hỏi đã được đặt ra cho số 25 trong văn bản của chính Hiến chế về Giáo hội, số đề cập đến nhiệm vụ giáo huấn của các giám mục:
Mọi người phải kính trọng các giám mục như những chứng nhân của chân lý thần linh và công giáo khi các ngài thông hiệp với giáo hoàng Rôma để dạy dỗ. Các tín hữu phải chấp nhận phán quyết của giám mục mình khi ngài nhân danh Chúa Kitô công bố những gì về đức tin và phong hóa, cũng như phải tuân theo ngài với một lòng kính cẩn tuân phục. Mọi người phải lấy ý chí và lý trí kính cẩn tuân phục một cách đặc biệt những giáo huấn chính thức của giáo hoàng Rôma, dù khi ngài không tuyên bố từ thượng tòa. Như vậy là kính trọng, nhận biết giáo huấn tối thượng và chân thành chấp nhận các phán quyết của ngài theo đúng tư tưởng và ý muốn ngài trình bày, đặc biệt biểu lộ qua tính chất các tài liệu, hoặc qua việc ngài nhiều lần đề nghị cùng một giáo thuyết hay qua cách diễn tả của ngài.[39]
Cả ở đây nữa, công đồng cũng đã tỏ ra lưu tâm đến bản chất và mức độ của lòng tuân phục cần có đối với những điểm giáo huấn khác nhau được đề ra cho tín hữu, do giám mục sở tại hoặc do giám mục Rôma. Dù không minh nhiên nhắc tới văn bản, Karl Rahner cũng đã nhấn mạnh rằng quả đoạn văn ấy đặc biệt quan tâm đến “các mức độ của thái độ kính cẩn tuân phục trong lãnh vực đức tin.”[40]
Trong phần bình luận về số 25 này của Lumen gentium, Rahner cho rằng phát biểu theo cách diễn tả của đoạn viết vừa trưng dẫn trên đây thì “không thể hiểu được, trừ phi nó được đặt vào trong ánh sáng của… [một số] vấn đề” liên quan tới “thẩm quyền giáo huấn trong Giáo hội và các cách thức tuân phục phải có đối với thẩm quyền ấy.”[41]
Các vấn đề tác giả cho là sẽ hiện lên trong trí khi nhìn toàn bộ bản văn của số 25, gồm có:
Những khác biệt cần lưu ý giữa những người hành sử thẩm quyền giáo huấn trong Giáo hội (các giám mục theo tư thế riêng lẽ, giám mục đoàn, giáo hoàng, công đồng chung); những khác biệt cần lưu ý giữa các điểm giáo lý tuyên huấn (chân lý mạc khải, chân lý không mạc khải nhưng liên hệ với mạc khải bởi đó là những giả định hoặc là những hệ quả của các chân lý ấy, v.v.); những khác biệt cần lưu ý giữa các loại thẩm quyền do người đưa ra giáo thuyết xác định, và ý của người có quyền giáo huấn muốn buộc các người tiếp nhận tuân thủ; những khác biệt cần lưu ý giữa các “định mức thần học” của các chân lý tuyên huấn (tín điều, giáo thuyết phổ biến, chân lý không thể cải tiến [irreformable truths ], chân lý có thể cải tiến và chỉ đòi được chấp nhận có điều kiện, v.v.); những khác biệt cần lưu ý trong thái độ của người đón nhận giáo thuyết (từ thái độ tuân phục tuyệt đối trong đức tin cho tới thái độ tuân phục nội tâm đích thực nhưng không nhất thiết là không thể cải tiến, và cho tới thái độ đơn thuần “lặng thinh có tính cách tuân phục”).[42] Như thế, Rahner đã kéo chú ý về với thực trạng hết sức phức tạp gắn liền với việc giải thích thỏa đáng các điểm xác định về giáo thuyết. Trong khi thực trạng phức tạp kia không được nêu rõ ở một chỗ nào trong ngôn từ của các văn kiện, thì nó lại được công đồng nhận vào trong cách biểu đạt của mình.
Nên lưu ý là những khi buộc phải đối diện với vấn đề xác định về giáo lý như gặp thấy đối với trường hợp số 25 trong Hiến chế Lumen gentium, công đồng đã không đưa ra một phương pháp chỉ đạo nào rõ ràng hoặc chi tiết. Trong câu cuối cùng của đoạn trưng dẫn trên kia, công đồng nhìn nhận là thái độ tuân phục phải có đối với các giáo huấn của giáo hoàng có thể thay đổi mức độ một cách chính đáng tùy theo ý muốn của ngài được thể hiện rõ (iuxta mentem et voluntatem manifestatam ipsius ). Tuy nhiên, liên quan đến các phương cách cần dùng đến để nhận cho ra ‘ý muốn’ kia thì công đồng cũng chỉ lưu ý đến một số quy tắc chính yếu xét là thích hợp (quae se prodit praecipue ), và ngay cả đối với các quy tắc này nữa, những từ được dùng để chỉ định chúng cũng hết sức là mơ hồ. Rõ ràng điều mà công đồng nhằm tới là người giải thích (văn bản) phải quay qua một nơi khác để có được những chỉ dẫn thấu đáo và rõ ràng. Ở đâu khác sẽ có thể tìm thấy được những chỉ dẫn ấy ngoài các sách giáo khoa Tân kinh viện, là những sách chứa đựng một hệ thống đáng tin cậy và chi tiết về các định mức thần học? Như chính Rahner đã kết luận: “Một lần nữa, lại phải chỉ cho người đọc đi tham khảo các sách giáo khoa về thần học căn bản để có được một bản phân tích chi tiết về các tiêu chí liên quan đến những mức độ khác nhau trong thái độ tuân phục tương ứng với cách hành sử của huấn quyền.”[43]
VATICANÔ II: MỘT BƯỚC CHUYỂN TIẾP
Tác giả bài viết thâm tín rằng để hiểu đầy đủ các văn kiện của công đồng Vaticanô II liên quan đến vấn đề đang bàn đây, thì phải cẩn thận lưu ý tới bản chất của công đồng, tức là tới thực kiện công đồng Vaticanô II được coi như là một bước chuyển tiếp trong thần học công giáo. Quả thật là thế, đại đa số các giám mục nghị phụ công đồng đều xác tín rằng đã đến lúc thần học Tân kinh viện phải nhường bước cho một phương pháp nghiên cứu có tính cách hiện tượng học hơn hầu đủ sức ứng đáp đúng mục tiêu của công đồng, là nhằm vào công cuộc canh tân mục vụ cùng nỗ lực đẩy mạnh tiến trình đại kết và cảm hóa thế giới ngày nay. Dù vậy, cũng chính đại đa số các giám mục tham dự công đồng như nói trên đây, lại muốn tiếp tục dựa trên một số yếu tố trong phuơng pháp Tân kinh viện nhằm yểm trợ cho việc trình bày một cách phối hòa các điểm thần học khác nhau. Nói cách khác, việc công khai gạt bỏ học thuyết Tân kinh viện như là mô biểu chính thức dùng vào nỗ lực suy tư thần học của công đồng không nhất thiết muốn nói là hết mọi yếu tố của hệ thống đó đều bị loại bỏ một cách chủ tâm. Hơn nữa, việc công đồng tránh dùng một cách minh nhiên ngôn từ và thuật ngữ Tân kinh việc trong cách biểu đạt các định mức thần học cũng không nhất thiết muốn ám chỉ một phán định tiêu cực về tính chất thích đáng của hệ thống ấy trong cách xác định các điểm giáo thuyết, kể cả các điểm do chính công đồng đề xuất. Quả thế, theo cách hiểu của một trong các chuyên viên lỗi lạc nhất của công đồng, Karl Rahner, thì điều các giám mục đã rõ ràng nhắm tới là dùng đến các sách giáo khoa Tân kinh viện hầu có được một phương pháp chi tiết trong việc xác định các dạng thức biểu đạt của công đồng.
Nếu tác giả bài viết đã dùng chữ nghiên để nhấn mạnh các từ ‘không nhất thiết muốn… ’ là vì Rahner nghĩ rằng đó quả là điều hàm ý không tất thiết như đã thực sự và thường thấy trong thực tế kể từ Vaticanô II. Người ta đã gắn chặt Công đồng với việc lật đổ ảnh hưởng độc chiếm của hệ thống Tân kinh viện trên thần học công giáo đến độ những ai chưa từng sống qua tình huống ấy thì có xu hướng cho rằng các giám mục nghị phụ đã tức thời vượt bỏ toàn bộ học thuyết Tân kinh viện lại đằng sau. Có lẽ một số những ai đã từng sống qua tình huống ấy quả có lý để cảm thấy nhẹ nhõm khi được thở “khí trong lành” từ lâu mong chờ, bởi họ chán ghét việc phải dựa vào một tiêu chí nào đó trong sách giáo khoa Tân kinh viện để giải thích các văn kiện công đồng. In medio stat virtus (trung dung chi đạo), ngạn ngữ có lý: để hiểu cho thích đáng giáo huấn của công đồng, thì cần phải có một tầm nhìn tinh tế về tình huống của công đồng. Chính vì thế mà trong bài ngỏ lời với “giáo hội hoàn vũ”, trưng dẫn ở đầu bài viết này, Rahner nhận định rằng công đồng đánh dấu một bước chuyển tiếp cơ bản của thần học công giáo, và đó là một lời hiệu chính thật là hữu ích. Bước chuyển tiếp là bước đi ngang qua, là cái nắm bắt được giữa những gì từng có trước đó và những gì xảy ra sau đó, và chứa đựng những khía cạnh của cả hai phía, trước và sau.
Hermann Pottmeyer đã lưu ý đến những sai lầm lộ hiện nơi các phương thức giải thích văn kiện công đồng Vaticanô II theo lối chọn lọc tùy thích mà không để ý gì tới bối cảnh lịch sử và tính chất chuyển tiếp của công đồng; quả thế, tính chất chuyển tiếp ấy hiện rõ qua việc công đồng đã phải cố gắng để đạt cho được mối nhất trí giữa một đại đa số ‘cấp tiến’ và một thiểu số ‘bảo thủ’. Lên tiếng 20 năm sau khi công đồng kết thúc, Pottmeyer kêu gọi chấm dứt cách giải thích theo lối chọn lọc như thế: “Là thích đáng, phương pháp chú giải biết cắt nghĩa các văn bản dựa theo ánh sáng của quá trình chuyển biến trong công đồng và trong các văn bản công đồng, cũng như dựa theo xu hướng biểu hiện trong công đồng… cần phải lưu ý đến chủ ý công đồng cho thấy rõ, là muốn bảo toàn tính chất liên tục (trong giáo huấn) và cùng lúc dấn bước vào một đường hướng mới.”[44] Chỉ có thể hiểu được giáo huấn của công đồng liên quan đến uy thế về mặt giáo lý của các điểm tuyên huấn đặc biệt, nếu biết đặt chúng vào trong ánh sáng của “chủ ý bảo toàn tính chất liên tục” vừa nói, tức tiếp tục tín nhiệm vào những cách thức đã được chấp nhận trong việc nhận định mức độ giáo huấn, và đã được biểu trình qua hệ thống các định mức thần học của học thuyết Tân kinh viện. Đọc Lumen gentium trong ánh sáng như thế thì sẽ có được một thí dụ minh họa về cái mà Pottmeyer gọi là “phương thức chú giải biết tôn trọng đầy đủ tính chất chuyển tiếp của công đồng Vaticanô II.”[45]
PHÂN ĐỊNH MỨC ĐỘ GIÁO LÝ LÀ VIỆC VẪN PHẢI CẦN ĐẾN
Là điều đáng tiếc thái độ lơ là, không lưu ý cho đủ tới tính chất chuyển tiếp trong cách công đồng xử lý việc giải thích giáo huấn đề ra, bởi lẽ điều đó có thể dẫn tới một thứ khoảng trống tiềm thể trong tiến trình hành sử khả năng chỉ thỉ những điểm thần học theo mức độ uy thế chính thức mà chúng có. Nếu không đọc các mẫu biên soạn của số 25 và các Notifications (Thông tri) trong phần cuối của Lumen gentium, để hiểu đó là những dấu hiệu ám chỉ về hệ thống các định mức thần học, thì chỉ tiếp nhận được từ các văn kiện đó những giáo huấn tổng quát và mơ hồ đến độ không mang lại được lợi ích thực tế nào. Kết quả là các người giải thích giáo thuyết mất đi khả năng phân biệt rõ ràng và đầy đủ giữa các điểm giáo huấn khác nhau, và như thế, các mức độ uy thế khác nhau về mặt giáo lý sẽ sụp đổ, đưa tới tình trạng hoài nghi lưỡng phân trước các điểm giáo thuyết; từ đó, nhiều nghi vấn có thể được đặt ra đối với bất cứ một điểm giáo huấn nào: có thực sự buộc phải đón nhận hay không, cần phải có thái độ tuân phục tuyệt đối hay không, có phải là một tín điều minh định hay chỉ là một quan điểm, có được huấn quyền chính thức tuyên bố hay không? Đúng như Joseph Ratzinger đã từng nhận định khi bình luận về các Notificationes : lối giải thích tinh vi theo hệ thống các định mức thần học cho phép mở ra một lối đi giữa hai thái cực – có hay không – không thể nào dung hòa được.
Đúng thế, những vấn đề các định mức thần học đặt ra quả là đối tượng của mối quan tâm muôn thuở lộ rõ ở trong thần học. Rahner cho rằng “tính chất phức tạp đi liền với đức tin” – “phát sinh từ bản chất của cách thức con người hiểu biết và từ tính chất lịch sử của mạc khải cùng truyền thống”[46] – thường xuyên đòi hỏi phải có một phương pháp lượng định thần học. Trong một văn kiện công bố gần một phần tư thế kỷ sau công đồng Vaticanô II, Ủy ban Thần học Quốc tế nhận định như sau: “Vốn sống động, truyền thống làm nẩy sinh không biết bao nhiêu khoản tuyên bố trong lãnh vực giáo lý, những khoản tuyên bố khác nhau về tầm trọng yếu và mức độ đòi hỏi đối với thái độ đón nhận. Để có thể lượng định và giải thích chúng cho chính xác, thì thần học đã dựa theo các định mức thần học mà khai triển học thuyết của mình; điều đó phần nào cũng đã phát nguyên từ huấn quyền Giáo hội. Đáng tiếc là trong những thời gian gần đây, lối tiến hành như thế đã ít nhiều bị coi là không thích dụng. Dù vậy, đó vẫn là phương cách có khả năng giúp cho việc giải thích tín lý, và vì thế, đáng được phục hồi và khai triển thêm.”[47]
Ủy Ban đã nhắc tới các chỉ dẫn ghi trong số 25 của Hiến chế Lumen gentium, liên quan đến cách thức xác định uy thế của các tuyên bố huấn quyền đưa ra (như bài viết đã trích dẫn trong phần trước đây: xem ghi chú 39) và kết luận: “Ý nghĩa xác thực công đồng muốn nói lên qua lời tuyên bố ấy, cần phải được làm sáng tỏ cho thấu đáo hơn về mặt thần học. Điều đặc biệt đáng mong ước là được thấy huấn quyền Giáo hội – để khỏi phân tán uy thế một cách không cần thiết – chỉ rõ cho mỗi trường hợp, những hình thức và mức độ ràng buộc[48] Thế thì, kết luận tác giả bài viết đưa ra trên đây càng được củng cố bởi lời nhận định vừa trưng dẫn của Ủy ban Thần học Quốc tế; kết luận nói rằng nếu không đọc số 25 trong Lumen gentium, với cách lượng định theo hệ thống các định mức thần học của học thuyết Tân kinh viện, thì người đọc (ngay cả một thành viên của Ủy ban Thần học Quốc tế) cũng không có được ánh sáng cần thiết cho một phương pháp chú giải thích đáng trong lãnh vực thần học. Nhận Vaticanô II như là giai đoạn chuyển tiếp, ra sức phối kết những phương pháp cổ truyền vào trong những dạng thể mới của công tác biểu đạt thần học, là đạt đến chỗ rút tỉa được thêm nhiều lợi ích hơn từ việc đọc các đoạn văn kiện kia, những lợi ích mục vụ công đồng ra sức nhằm tới, mà không cần phải hy sinh mất đi “tính chất chính xác về mặt khái niệm”, cần cho công tác giải thích thần học.
“Trong tư thế là một tôn giáo lịch sử – Francis Sullivan viết – Kitô giáo cậy dựa rất nhiều vào những tài liệu viết của quá khứ, như: kinh thánh, tác phẩm của các giáo phụ, văn bản phụng vụ, và văn kiện của các công đồng cùng các giáo hoàng.”[49] Việc cậy dựa như thế vào truyền thống làm cho thần học mang tính chất chủ yếu chú giải, và nhìn nhận một giá trị thường tồn của những phương pháp lượng định giáo thuyết, chẳng hạn như hệ thống các định mức thần học. Công đồng Vaticanô II đã được coi là một công đồng chủ yếu mục vụ, “‘mục vụ’ trong nỗ lực phối kết chân lý với tình mến, ‘giáo lý’ với mối quan tâm mục vụ: điều công đồng nguyện ước là vượt xa khỏi tình trạng lưỡng phân giữa chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa giáo thuyết, để trở lại với tình trạng hiệp nhất trong Kinh Thánh, trong đó, hành động và giáo thuyết là một, một sự hiệp nhất đặt nền móng ở nơi Đức Kitô,[50] Cách giải thích coi công đồng như là một giai đoạn chuyển tiếp, sẽ biết dùng hệ thống các định mức thần học làm công cụ thích đáng trong nỗ lực phối kết chân lý và tình mến, hướng tới một sự nhận định đầy tình mến đối với các khoản tuyên bố về giáo thuyết, và như thế sẽ thấy là chân lý công giáo bao giờ cũng dành cho tự do con người một lãnh vực hoạt động rộng rãi tối đa. John Henry Newman đã nghĩ về chức năng song đôi ấy khi đưa ra nhận định nổi tiếng như sau về vai trò của nhà thần học:
… đức tin, quả là một nhân đức khó, dù là với ân sủng đặc biệt Thiên Chúa ban cho, bởi hễ lý trí càng được đào luyện thì càng thấy khó để tự trong đáy lòng, đồng ý với những đề xuất vượt khỏi tầm khả năng kiểm chứng của chúng ta: kiểm chứng bằng lý trí cũng không mà bằng kinh nghiệm cũng chẳng có thể, nhưng để chấp nhận chúng thì lại phải tùy thuộc vào lời dạy của Giáo hội được coi như là lời sấm của Thiên Chúa, đến độ bao giờ Giáo hội phải tiến hành một cách cẩn trọng tối đa để – được bao nhiêu có thể – xếp hạng loại các chân lý và cô đọng ý nghĩa các đề xuất mà Giáo hội đòi hỏi phải được đón nhận với thái độ đồng ý tuyệt đối ấy… Để cộng tác vào nghĩa vụ bác ái ấy, thì vẫn có một tác vụ đặc biệt của các thần học gia trong Giáo hội, và những quy luật đã từng được thiết định bởi Giáo hội, bởi truyền thống cũng như bởi thông lệ để hỗ trợ họ trong công tác.[51]
Trần Quốc Anh và Nguyễn Thế Minh trình dịch
[1] Nguyên bản tiếng Anh, tựa đề “The Theological Notes and the Interpretation of Doctrine,” Theological Studies 63/4 (2002) 813-825.
[2] Karl Rahner, Theological Investigations 20, bản dịch Anh ngữ do Edward Quinn (New York: Crossroad, 1981) 94.
[3] Avery Dulles, The Craft of Theology: From Symbol to System (New York: Crossroad, 1995) 43.
[4] Ibidem
[5] Yves Congar, La foi et la théologie, Le mystère chrétien (Tournai: Desclée, 1962) 168.
[6] Enchiridon symbolorum definitionum et declarationum de rebus fidei et morum, ed. Henricus Denzinger, rev. ed. Adolfus Schošnmetzer, 36th ed. (Freiburg: Herder, 1963) n. 1492.
[7] Johann Finsterholzl, “Theological Notes,” trong Sacramentum Mundi, vol. 6 (New York: Herder and Herder, 1970) 228-29.
[8] Sixtus Cartechini, De valore notarum theologicarum et de criteriis ad eas dignoscendas (Rome: Gregorian University, 1951). Xem phần tóm lược mười phạm trù tt.134-135.
[9] Ibid. tr. 11.
[10] Ibid. tt. 16-17.
[11] Ibid. tt. 17-18.
[12] Ibid. tr. 135.
[13] Ibid. tr. 41
[14] Ibid. tr. 43.
[15] Ibid. tr. 50. Nhấn mạnh bằng chữ nghiêng là do tác giả bài viết.
[16] Ibid. tr. 55.
[17] Ibid. tr. 56.
[18] Ibid. tr. 66.
[19] Ibid. tr. 67.
[20] Ibid. tr. 134.
[21] Ibid. tr. 76.
[22] Ibid. tt. 68-70.
[23] Ibid. tr. 134.
[24] Ibid. tr. 98.
[25] Ibid. tr. 99.
[26] Ibid. tr. 135.
[27] Chú thích của người dịch: Luis de Molina (1535-1600), thần học gia Dòng Tên người Tây ban nha, trong tác phẩm Concordia (1588) chủ trương rằng dù ân sủng là một món quà của Thiên Chúa, thì hiệu năng của ân sủng cũng vẫn cần có sự tự do cộng tác của con người. Nói cách khác Molina cho rằng Thiên Chúa biết trước ai có thể lãnh nhận hoặc từ chối ân sủng của Ngài, nhưng Ngài để cho cá nhân ấy tự quyết.
[28] Chú thích của người dịch: Domingo Bánez (1528-1604) thần học gia Dòng Đa minh người Tây ban nha chủ trương ngược lại. Theo ông, ân sủng là một sức mạnh thiêng liêng có hiệu năng thay đổi con người mà không cần đến sự cộng tác của con người. Điều này đưa đến việc tranh luận về ân sủng giữa Dòng Tên và Dòng Đa minh kéo dài cho đến năm 1607, khi Đức Phaolô V buộc hai Dòng phải chấm dứt cuộc tranh luận này, nhưng ngài đã không đưa ra phán quyết tối hậu về bản chất của ân sủng.
[29] Cartechini, tt. 133-135
[30] Dulles, The Craft of Theology 121-122.
[31] Ibid. 122-123.
[32] Lumen Gentium, Notifications, trong Decrees of the Ecumenical Councils, Vol. 2: Trent to Vatican II, ed. Norman P. Tanner (Washington: Georgetown University, 1990) 898.
[33] Xavier Rynne [Francis X. Murphy], Vatican Council II (Maryknoll, N. Y.: Orbis, 1996) 407.
[34] Joseph Ratzinger, “Dogmatic Constitution on the Church: Announcements and Prefatory Notes of Explanation,” trong Commentary on the Documents of Vatican II, cuốn I, Herder Vorgrimler, bản dịch của Richard Strachan (New York: Herder and Herder, 1967) 298.
[35] Lumen gentium, Notificationes
[36] Ibidem. Nhấn mạnh bằng chữ nghiên là do tác giả bài viết.
[37] Joseph Ratzinger, “Dogmatic Constitution on the Church” 298-299.
[38] Ibid. 299.
[39] Lumen gentium, số 25. Nhấn mạnh bằng chữ nghiêng là do tác giả bài viết.
[40] Karl Rahner, “Dogmatic Constitution on the Church: Chapter III, Articles 18-27,” trong Commentary on the Documents of Vatican II 1, 209.
[41] Ibidem. Nhấn mạnh bằng chữ nghiêng là do tác giả bài viết.
[42] Ibidem.
[43] Ibidem 210.
[44] Hermann Pottmeyer, “A New Phase in the Reception of Vatican II: Twenty Years of Interpretation of the Council,” trong The Reception of Vatican II, ed. Giuseppe Alberigo, Jean-Pierre Jossua và Joseph A. Komonchak (Washington: Catholic University of America, 1987) 40.
[45] Ibidem 43
[46] Rahner, Commentary 1.209.
[47] Ủy ban Thần học Quốc tế, “On the Interpretation of Dogma,” Origins 20 (May 17, 1990) 1-14 (tr. 7).
[48] Ibidem. Nhấn mạnh bằng chữ nghiêng là do tác giả bài viết
[49] Francis A. Sullivan, Creative Fidelity: Weighing and Interpreting Documents of the Magisterium (New York: Paulist, 1996) 109. Sullivan cũng đã ra sức khai triển và phổ biến một phương pháp giải thích giáo thuyết, một phương pháp vừa lấy lại giá trị vẫn tồn tại của các định mức thần học, mà cùng lúc, cũng cố thiết đặt làm sao cho phù hợp với cách thức biểu đạt của thần học ngày nay. Xin cũng xem một tác phẩm khác của Sullivan, Magisterium: Teaching Authority in the Catholic Church (New York: Paulist, 1983).
[50] Joseph Ratzinger, “Dogmatic Constitution on the Church” 299.
[51] John Henry Newman, Letter Addressed to His Grace the Duke of Norfolk on the Occasion of Mr Gladstone’s Recent Expostulation (London: B.M. Pickering, 1875) 111. Nhấn mạnh bằng chữ nghiêng là do tác giả bài viết.