Trong khoảng trên dưới 20 năm trở lại đây, đã có nhiều thiên tiểu luận xuất hiện, bàn về Kitô học Thần Khí .[2] Mục đích của bài khảo luận này là lược tóm những bước tiến đã đi được và đồng thời, biện hộ cho việc dùng ngôn ngữ có tính cách Thần Khí trong Kitô học. Nói tới “Kitô học Thần Khí” là tôi muốn chỉ về một khoa Kitô học có khả năng “giải thích” về cách thức Thiên Chúa hiện diện và hoạt động ở trong Đức Giêsu, và nhờ đó mà giải thích về thiên tính của Đức Giêsu: giải thích bằng cách dùng ký hiệu Thần Khí mà Kinh Thánh dùng để chỉ về Thiên Chúa, thay vì dùng ký hiệu Lógos (Lời). Đó là chủ trương của những tác giả quan niệm cho rằng một khoa Kitô học Thần Khí toàn diện như vậy sẽ biểu đạt một cách thích đáng hơn cho thời đại chúng ta, những gì đã được nói lên qua cách thức thường dùng trong Kitô học Ngôi Lời (Logos Christology ).[3]
Có thể bắt đầu cuộc bàn luận chủ đề trên đây bằng cách nêu bật cho thấy rõ về bối cảnh hiện nay của công tác biên soạn môn Kitô học cho người thời nay: bối cảnh ấy là một môi trường thuận lợi trong đó, khoa Kitô học Thần Khí có cơ hội gây được ảnh hưởng thu hút lớn. Thời đại chúng ta đang sống là một gian đoạn đang ý thức sâu rộng về tầm hưởng của chiều kích lịch sử; vì vậy, nếu không biết ứng đáp thích đáng cho yêu cầu của ý thức ấy, để coi đó như là một tiền đề đặt ra cho công tác của mình, thì khoa Kitô học sẽ không tạo được uy tín hầu làm cho các thế hệ ngày nay tin tưởng. Hệ quả của ý thức lịch sử nàylà ngày nay, hầu như luôn luôn Kitô học khởi đầu với việc nhận định về Đức Giêsu, rồi tiến hành công tác với nổ lực không ngừng nêu bật và cả nhấn mạnh nữa, đến nhân tính của Đức Giêsu. Đó hẳn là lối phản ứng đối ngược lại với cung cách minh họa quá trừu tượng về bản sắc, thân phận và cương vị của Đức Giêsu. Chắc hẳn khởi điểm của cách thức trình bày như thế đặt cơ sở trên các cứ liệu của các Phúc Âm Nhất Lãm; theo đó, Đức Giêsu được miêu tả như là một con người có liên hệ thân thuộc với Thiên Chúa, con người gọi Thiên Chúa bằng Cha, và mối liên hệ ấy biểu hiện qua cung cách Người cầu nguyện và qua thái độ tuần phục đối với sứ mạng cần phải chu tất cho vương quốc của Thiên Chúa. Bối cảnh trình thuật trong Phúc Âm cho thấy là Đức Giêsu giữ một mối quan hệ liên bản vị với Thiên Chúa. Trong khi đó, trong khuôn mẫu Kitô học Ngôi Lời — là hình thái Kitô học đã đưa tới các định thức được nghị quyết trong công đồng chung Canxêđôn, cũng như đã dựa theo đó mà tiếp tục khai triển suy tư của mình — nền Kitô học đã từng gặp khó khăn trong cố gắng bảo toàn cho trọn vẹn nhân tính nơi Đức Giêsu cho khỏi bị coi nhẹ, bị quên lãng đi, nếu không nói là cho khỏi bị hoàn toàn nuốt trửng đi, bởi cảnh tượng một ngôi vị thần linh hiển hiện, đường đường bước đi ngay giữa cõi đất này. Ngày nay, vấn đề được đặt ra theo một cách thức ngược hẳn lại: ai cũng biết Đức Giêsu là một con người; nhưng còn có điều chưa rõ và cần được “giải thích” cho cẩn thận cặn kẽ, đó là ngoài sự kiện đơn thuần làm người, Ngài còn mang cả bản tính thần linh nữa. Phải khẳng định những gì và phải minh giải như thế nào về thiên tính ấy: Đó chính là một vấn đề lớn đang được đặt ra cho khoa Kitô học hiện đại; và cách thức quan niệm, biểu đạt hoặc trình bày về thiên tính của Đức Giêsu hiện còn là một vấn đề đang bỏ ngỏ.[4]
Chỉ ở trong những môi trường đã từng hấp thụ ảnh hưởng của ý thức về tầm hưởng của chiều kích lịch sử, thì mới nhận ra được rằng vấn đề nêu trên đây là thực sự mới mẻ và còn đang bỏ ngỏ. Ngay từ buổi đầu của lịch sử tư tưởng Kitô giáo, Tân Ước đã trình bày cho thấy nhiều phương thức thực sự đa dạng trong cách tìm hiểu về Đức Giêsu.[5] Như vậy, trên nguyên tắc, Kinh Thánh đặt vào trong tầm tay của chúng ta một số ý nghĩa khác nhau về thiên tính của Đức Giêsu. Đáng tiếc là hiện nay, nhiều cách kiểu trình bày Kitô học tuy có tinh thần trách nhiệm cao và nghiêm túc về mặt lịch sử, nhưng về phương diện hữu thể (ontological), thì lại chẳng mảy may đả động gì tới vấn đề chủ yếu ấy cả; rồi cứ thế mà tiếp tục mãn nguyện với những lối ẩn dụ mong manh bạc nhược, khác hẳn với ngôn ngữ tượng trưng vừa hùng mạnh sung sức vừa hàm súc ý nghĩa hữu thể. Hơn nữa, cuộc đối thoại hiện nay giữa các tôn giáo lại còn nêu lên một câu hỏi đặc biệt cấp thiết và sôi bỏng về cương vị của Đức Giêsu trong tương quan với các nhân vật cứu tinh khác. Câu hỏi ấy, câu hỏi muốn biết Đức Giêsu là như thế nào trong tương quan so sánh về mặt nguyên tắc, với các trung gian cứu tinh trong các tôn giáo khác, hiện đang bỏ ngỏ; và tình trạng bỏ ngỏ này là lý do cắt nghĩa tại sao hiện đang có hằng hà bài viết bàn về chủ đề ấy, đồng thời nó cũng cho thấy về những ý kiến, những quan điểm rất khác biệt nhau đến độ không đạt tới được một mối nhất trí về một số điểm cơ bản nhất hầu làm nền tảng chung cho cuộc thảo luận.
Nói một cách tổng quát hơn, chỉ cần đặc biệt lưu ý tới những dữ kiện đi đôi với ý thức lịch sử, như: khả năng cảm nhận về những đổi thay mà tư tưởng thần học phải không ngừng sống qua ngõ hầu ứng đáp thích đáng cho những hoàn cảnh và những vấn đề mới trong tiến trình của lịch sử; khả năng biết phân biệt giữa lòng tin căn bản đượm nhuần tinh thần dấn thân và sự việc có thể biểu đạt lòng tin ấy ra bằng những cách thức khác nhau trong những bối cảnh lịch sử khác nhau; xác tín cho rằng đà phát triển của thần học và giáo lý trải dài theo tiến trình lịch sử không thể ngừng khựng lại ở một thời điểm lịch sử nào đó được. Tóm lại, cuộc bàn luận về Kitô học Thần Khí cần phải được diễn ra trong một bầu khí thực sự cởi mở.
Chủ đề mà bài viết này đang bàn đến, là chính đề tài thường được gọi là vấn đề Kitô học, nhưng lại được nhìn dưới nhãn quan của môn Kitô học hiểu theo một nghĩa tổng quát và rộng hơn. Nếu xét theo nghĩa hẹp và theo hình thái mô thức, thì vấn đề Kitô học ấy sẽ dùng những phạm trù dựa theo đường hướng giáo huấn của hai công đồng Nixêa và Canxêđôn mà nghiên cứu và trình bày về bản sắc cùng cương vị của Đức Giêsu. Còn vấn đề đặt ra trên đây thì liên hệ đến cương vị của Đức Giêsu xét về mặt hữu thể, theo phạm trù của thực thể, tức là để tìm xem Ngài có tương quan như thế nào đối với Thiên Chúa và đối với loài người. Giả thuyết làm nền tảng cho lập trường ủng hộ Kitô học Thần Khí là như thế này: trong bối cảnh có ý thức sâu đậm về chiều kích lịch sử như hiện nay, hình thái Kitô học Thần Khí xem ra thích đáng và đầy đủ hơn là hình thái Kitô học Ngôi Lời đã từng chi phối tư tưởng Kitô giáo kể từ giai đoạn cuối của thời Tân Ước. Tuy thế, luận chứng đưa ra sẽ không nhất thiết phải là một cuộc luận chiến chống lại Kitô học Ngôi Lời, mà chỉ nhằm mục đích đề xuất và khai triển một cách thức giải thích có tính cách tích cực và xây dựng; và nếu có đi ngược lại với lập trường của Kitô học Ngôi Lời, thì cũng chỉ là thảng hoặc và vì cần để làm cho sáng tỏ một vài chi tiết nào đó mà thôi. Vậy, ở đây hoàn toàn không có chuyện xác quyết về tính cách đúng hay sai của hình thái Kitô học Ngôi Lời trong thời xưa hay thời nay, mà chỉ muốn nêu rõ đặc nét của một nền Kitô học xem ra thích đáng và đầy đủ hơn cho tình cảnh sống ngày nay của chúng ta.
Dĩ nhiên là trong giới mức của một bài viết hạn hẹp như thế này, thì chỉ nói lên được một cách có thể gọi là sơ lược, lập trường ủng hộ trên đây. Việc trình bày và khai triển một quan điểm về Kitô học là một công tác hết sức phức tạp; thế nên, không thể nào khai triển một quan điểm cho đầy đủ được, nếu không đưa ra những luận chứng xác đáng cho từng giai đoạn trong tiến trình biện luận. Mục tiêu của bài viết này là thu thập và trình bày một cách có mạch lạc và chặt chẽ, các nhân tố không phải là ít, hiện đang làm cho thấy rõ tính chất thích đáng của một nền Kitô học Thần Khí. Các nhân tố kia sẽ được bàn tới theo thứ tự sau đây: trước tiên, là phác thảo về những gì Kitô học đòi phải hội đủ; thứ đến, là xác định những nét đại cương cho khuôn khổ thần học của cuộc bàn luận này; rồi sau đó, là thử tổng kết những phương thế hữu dụng cho Kitô học Thần Khí, tức là những biểu tượng, những phạm trù và những nguyên tắc mà khoa này dùng tới để khai triển nội dung của mình; và cuối cùng, là bàn về những lãnh vực cần phải được giải thích hoặc giải thích lại cho ăn khớp với đà suy tư của Kitô học Thần Khí.
Kitô Học và Những Nhân Tố Cần Được Hội Đủ
Ngày nay, thần học đã trở thành đa dạng, và đó là điều mà ai cũng coi như là đã được công bố rõ ràng. Vì thế, ngay từ đầu, cần phải nói rõ về những giả định liên quan đến phương pháp mà bài khảo luận này dùng tới. Vậy, sau đây xin lược kê một số — chứ không phải là toàn bộ,[6] — các tiền đề trong thần học có ảnh hưởng lớn đối với Kitô học.
Có thể nói rằng tiền đề đầu tiên trong phương pháp Kitô học là chính văn thể mang tính cách biện hộ của khoa này. Nghĩa là Kitô học phải giải thích về thân thế của Đức Giêsu làm sao để có thể biện minh cho kinh nghiệm mà người kitô có về Ngài. Đối với người kitô, Đức Giêsu là Đấng Kitô hay là Đấng Thiên Sai. Nói cho rộng hơn: họ nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa, trong Ngài và qua Ngài. Cần phải giải thích về mối liên hệ này; và Kitô học hệ thống chính là cách giải thích về mối liên hệ ấy. Cách thức giải thích kia không phải là một bằng chứng hay là một cách minh chứng cho một lập trường, cho bằng là một cố gắng trình bày theo hình thức chủ đề hoặc diễn giải cho có lý, về bản sắc cùng vai trò của Đức Giêsu làm sao cho tương ứng với mối liên hệ mà người kitô có đối với Ngài, hoặc là làm sao để giúp giải thích cho sáng tỏ hơn về mối liên hệ ấy. Một phần nào đó, sứ mạng chủ yếu nhất của Kitô học có thể được miêu tả qua điều kiện này là: không bao giờ Kitô học được quyền coi như là dĩ nhiên lời xác định lạ lùng nói rằng qua trung gian của cá nhân đặc biệt ấy, con người nhận được ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Một điều kiện thứ hai, thiết yếu đối vối công tác xây dựng Kitô học, là: cần phải trung thành với cách thức Kinh Thánh nói về Đức Giêsu. Kitô học phải chú ý đến những gì Tân Ước trình thuật về Đức Giêsu, và phải được hình thành theo khuôn mẫu của các trình thuật ấy cũng như của kinh nghiệm làm nền móng cho chúng. Đó là không gì hơn ngoài tiền đề cơ bản của chính thần học lấy Kinh Thánh làm chuẩn tắc cho Giáo Hội, và từ đó, làm chuẩn tắc cho cách thức Giáo Hội tự hiểu biết về chính mình, tức là thần học. Điều kiện này đã đóng giữ một vai trò rõ rệt trong những bước phát triển gần đây của khoa Kitô học Thần Khí, bởi vì Tân Ước đã cho thấy những dấu chỉ tích cực cổ vũ cho hình thái Kitô học này, cũng như bởi vì một số quan điểm được coi như là hệ quả rút ra từ Kitô học Ngôi Lời, đã tỏ ra là không thể nào ăn khớp được với các cứ liệu của Tân Ước.
Thứ ba, Kitô học có bổn phận phải trung thành với hai đại công đồng lừng danh về mặt Kitô học, tức là các công đồng Nixêa và Canxêđôn. Trong thời các Giáo phụ, hai công đồng này đã một cách nào đó, hoạch định khuôn khổ cho việc đặt vấn đề Kitô học, cũng như cho cả đà phát triển của chính Kitô học theo nghĩa hẹp nữa. Hai công đồng này được hầu hết các Giáo Hội lớn trong thế giới Kitô giáo công nhận, và như thế có thể cung ứng cho các Giáo Hội kitô một thứ ngôn ngữ tín lý chung: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật; Đức Giêsu là đồng bản tính với Thiên Chúa (Nixêa), và cùng lúc cũng đồng bản tính với chúng ta (Canxêđôn).
Thứ tư, Kitô học cần phải được trình bày làm sao cho dễ hiểu và cho có mạch lạc hơn; và chỉ khi nào biết trở thành một môn nghiên cứu có tính chất phê bình, thì lúc đó Kitô học mới có đủ khả năng để chu tất sứ mạng biện giáo của mình. Một quan điểm Kitô học sẽ đương nhiên có được tính chất dễ hiểu, nếu biết đặt mình vào trong một mối tương quan đượm tinh thần phê bình với hiện tình của thế giới, kể cả thế giới của văn hóa và kiến thức trí tuệ nữa. Sự việc ngôn ngữ của đức tin và kinh nghiệm giữa cuộc sống mỗi ngày gặp gỡ và tiếp xúc với nhau, sẽ đưa cả hai phía đứng vào trong một tư thế mới: tư thế đặt vấn đề cho lẫn nhau; đức tin đặt vấn đề về các giá trị và tư tưởng văn hóa được coi như là hiển nhiên; còn những gì thu nhận được qua kinh nghiệm về thế giới hiện tại thì lại đặt vấn đề về các công thức đức tin đã từng được chấp nhận, và yêu cầu giải thích chúng lại.[7] Còn, nói là cần phải có mạch lạc tức là trước hết, nói tới sự việc người kitô cần phải bức thiết để tâm tìm hiểu về chính mình sao cho thống nhất; chẳng ai có thể cùng một lúc sống ở trong hai thế giới mang những ý nghĩa hữu thể đối nghịch với nhau, hoặc không bao giờ có liên lạc gì với nhau cả. Tính chất mạch lạc còn hàm súc một chiều kích khác nữa: là một giữa nhiều nguồn cội giáo lý, Kitô học có bổn phận phải biết tiến hành sao cho ăn khớp với những lề lối giải thích thần học của các bộ môn giáo lý khác. Tất cả các khía cạnh vừa nêu trên đây của tính chất phê bình trong một khoa Kitô học xét theo tư cách là một bộ môn, đều sẽ được đưa vào hội nhập một cách tích cực và thỏa đáng ở trong Kitô học Thần Khí.
Thứ năm, để được gọi là hiện đại, thì một nền Kitô học phải có khả năng ứng đáp thích đáng những vấn đề hiện đại. Thật ra, trong thực tế, đó chỉ là điều tất yếu đi liền với chiều kích vừa nói trên đây của phương pháp Kitô học. Sở dĩ ở đây, nó được đặt đứng riêng như vậy, là để nhờ đó, có cơ hội thấy cho rõ hơn vấn đề về mối liên hệ giữa Đức Giêsu với các nhân vật cứu tinh và các tôn giáo khác. Thường khi, vấn đề này chỉ được bàn tới như là hệ luận của một nền Kitô học đã hoàn toàn cấu tứ rồi, hoặc như là một vấn đề đặc biệt cần bàn tới một khi đã giải đáp xong vấn đề Kitô học hiểu theo nghĩa hẹp. Làm như vậy là né tránh những yêu cầu của Kitô học, những tính chất và khả năng cần phải có của một khoa Kitô học: tính chất hộ giáo và phê bình, khả năng ứng đáp cho kinh nghiệm của đời sống kitô, cũng như đối thoại thích đáng với bối cảnh hay là hiện trạng lịch sử. Tính chất đa dạng tôn giáo là một thành tố nằm ở nơi khởi điểm của một nền Kitô học xuất phát từ cuộc sống và kinh nghiệm kitô trong thế giới hiện nay. Nhưng vũ trụ quan của người kitô ngày nay bao gồm một cách thức đánh giá tương đối mới đối với tầm phổ quát của ân sủng Thiên Chúa, ân sủng có thể được ban qua những trung gian lịch sử ngoài Đức Giêsu Kitô; và như thế, lối nhìn ấy cũng đánh giá một cách tích cực các tôn giáo khác, coi đó như thể là những phương thế khả dĩ mang lại ơn cứu rỗi cho hàng hàng lớp lớp đông đảo các dân nước. Điều đó làm nên một bối cảnh tiên nghiệm cho đường hướng suy tư của Kitô học.
Cuối cùng, còn có một tiêu chuẩn thứ sáu, đó là: Kitô học cần phải có khả năng kích cảm và tăng cường đời sống kitô. Trên nguyên tắc, một nền Kitô học không đủ sức làm cho cuộc sống cụ thể của người kitô sinh động lên, thì cũng không thể được coi là thích hợp đối với đời sống kitô. Như sẽ thấy trình bày qua bài viết này: việc nêu bật nhân tính của Đức Giêsu là một yêu cầu của chính tiêu chuẩn đang bàn tới đây, tức là tiêu chuẩn về tính chất thích đáng của Kitô học đối với nền linh đạo (spirituality) kitô, một nền linh đạo thường được hiểu như là đường hướng dẫn lối cho cuộc sống ở ngay giữa trần thế. Rồi cũng sẽ nhận rõ ra rằng Kitô học Thần Khí có đủ khả năng để đảm bảo cho nhân tính của Đức Giêsu khỏi bị suy suyển đi trước lập trường khẳng định rõ ràng về thiên tính của Ngài. Linh đạo là lãnh vực sẽ nêu bật cho thấy rõ nhiều nhất, lợi ích của Kitô học Thần Khí.
Nếu được phối hợp và xét chung như một toàn bộ, thì các tiêu chuẩn về phương pháp nêu trên đây, sẽ đóng vai trò của cố gắng bước đầu trong nỗ lực giải thích cho lôgích, lý do vì sao Kitô học cần phải chuyển dịch để tiến bước theo hướng Kitô học Thần Khí. Mỗi một điểm trong các yêu cầu về phương pháp như thế kia, đều sẽ theo một cung cách riêng, cho thấy lý do tại sao lại cần phải dựa theo cách thức Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong Đức Giêsu — tức là hiện diện và hoạt động như là Thần Khí — mà quan niệm về bản sắc của con người Ngài. Tuy nhiên, các nguyên tắc về phương pháp ấy cũng chưa nói lên hết được nền tảng lý luận của bài viết này; còn cần phải chú ý đến cách thức quan niệm về cơ cấu của Kitô học nói chung, đang được dùng tới ở trong công tác khảo luận, thì mới đủ.
Cơ Cấu Của Kitô Học
Trong phần này, tôi xin vắn tắt trình bày quan niệm về cơ cấu của Kitô học, tức là về những gì làm bối cảnh chung cho vấn đề Kitô học. Nói tới cơ cấu của Kitô học là tôi muốn nói tới những hiểu biết sẵn có về cách thức con người gặp gỡ với Thiên Chúa ở giữa thế giới này, và về cách thức Đức Giêsu hoạt động ở trong tiến trình gặp gỡ ấy. Thường được thần học căn bản cung ứng, bối cảnh chung ấy tác động theo một cách thức tiền nghiệm, trên bất cứ một nền Kitô học nào, và vì vậy đóng giữa một vai trò quan trọng tất yếu trong việc lượng định những gì được đề cập đến trong Kitô học. Thế nên, phần tiếp theo sẽ xác định rõ về giả thuyết hậu cảnh (background theory) làm bối cảnh cho hình thái Kitô học Thần Khí mà bài viết này đang thử đề xướng ra. Giả thuyết ấy cũng phản ánh những yêu cầu cần được ứng đáp thỏa đáng của ý thức nhạy bén về hiện trạng lịch sử như đã bàn tới ở trên kia.
Giả thuyết ấy được đề ra như là một tiền đề khởi đầu nhằm nhận định rằng mọi cách thức hiểu biết của con người đều phải chịu điều kiện ràng buộc của thế giới bên ngoài và của những dữ kiện cảm tính. Luận điểm về nhân học và khoa học luận này muốn nói rằng bất cứ loại kiến thức nào của con người cũng đều phải nhờ trung gian của lịch sử thì mới có được, kể cả sự hiểu biết về Thiên Chúa. Điều đó không có nghĩa là tự do của con người thiếu hẳn đi những thiên hướng và đà năng động dồn thúc khuynh về với những gì là siêu việt; cũng như không có nghĩa là không thể có những kinh nghiệm siêu việt mập mờ, không mang một hình thái xác định và cụ thể nào, về hữu thể tuyệt đối, hay là về “sự thánh thiêng.” Nhưng, cốt tủy của luận điểm trên đây nằm gọn ở trong điều này: nếu cần có một nội dung hoặc là quan niệm về thực tại siêu việt, thì nhất thiết phải nhờ đến trung gian của lịch sử mới có được. Cho dù có thu nhận được qua cách thức nào đi nữa, thì nội dung của mọi hiểu biết về Thiên Chúa cũng phải mang hình thái của một hay những phương tiện (media) nào đó của lịch sử. Trong tiến trình hình thành của chúng, những ý niệm về thực tại siêu việt nhất thiết phải mang một hình thái nào đó của những cách thức hiểu biết trong thế giới này.[8] Các tôn giáo có tính lịch sử đều đã được cấu thành và xây dựng trên nền tảng các phương tiện lịch sử công cọng như thế, tức là các phương tiện đã được rút ra từ kinh nghiệm về Thiên Chúa.
Phương thế trung gian nhờ đó mà có kinh nghiệm tôn giáo, cũng có thể được gọi là biểu tượng; bởi thế, mọi nhận thức và hiểu biết về tôn giáo đều mang tính chất biểu trưng.[9] Biểu tượng là một thực tại làm cho một thực tại khác được biểu lộ hoặc nhận biết; biểu tượng làm trung gian đưa tới việc cảm nhận và nhận thức về một điều gì khác hơn là chính biểu tượng. Cách thức nhận định như thế về tính chất biểu trưng đặc thù của các hiểu biết tôn giáo, có thể được minh giải dựa theo căn bản của khoa hiện tượng luận về kinh nghiệm tôn giáo. Thiên Chúa không hiện diện trong ý thức của con người như là một đối tượng thuộc thế giới cảm tính này; Thiên Chúa tuyệt đối khác hẳn với bất cứ đối tượng hữu hạn nào. Tuy nhiên, tính chất siêu việt tuyệt đối của Thiên Chúa cũng đồng thời hàm ngụ sự việc Thiên Chúa hiện diện ngay trong chính nội giới mọi tạo vật mà Ngài làm cho hiện hữu qua hoạt động sáng tạo. Như vậy, mỗi khi có một cá nhân nào cảm nghiệm về Thiên Chúa trong một hoàn cảnh, qua một phương thế hay biểu tượng hữu hạn nào đó, thì Thiên Chúa sẽ được cảm nghiệm như là một Đấng tuyệt đối siêu việt, vượt lên trên mọi giới hạn của biểu tượng, và hoàn toàn khác hẳn với biểu tượng. Cho dù có phải nhận rằng đến một mức độ nào đó, Thiên Chúa được cảm nghiệm trong và qua một biểu tượng nhất định, thì Thiên Chúa cũng vẫn hiện diện nơi biểu tượng, và qua biểu tượng ấy, hiện diện trong ý thức của con người.
Thành thử, về phương diện hữu thể, biểu tượng tôn giáo có hai chiều kích song đôi, và tiến hành vai trò của mình theo phương cách biện chứng; biểu tượng gồm hàm hai chiều kích trái ngược nhau, nhưng lại tùy thuộc, cần thiết và bổ túc cho nhau. Bởi lẽ Thiên Chúa vừa hiện diện trong biểu tượng hữu hạn vừa vượt quá lên trên nó, cho nên biểu tượng vừa làm cho Thiên Chúa hiện diện, mà cũng vừa chỉ về một Thiên Chúa rất cách xa và rất khác biệt với chính biểu tượng. Tính cách biện chứng ấy của biểu tượng có thể được diễn đạt một cách sắc bén hơn, như thế này: biểu tượng vừa “là ”, vừa ” không phải là ” điều mà biểu tượng chỉ về và làm cho hiện diện; và điều được tượng trưng vừa ” là ”, mà vừa ” không phải là ” biểu tượng. Tính chất hiện tượng luận ấy trong chức năng làm trung gian của các biểu tượng cũng minh giải cho tính cách biện chứng này của các biểu tượng; ý nghĩa của từ “biện chứng ” được rút ra từ chính quá trình và kinh nghiệm về vai trò làm trung gian mà các biểu tượng đóng giữ trong lãnh vực tôn giáo. Tính chất này, như sẽ thấy, đóng giữ một vai trò hết sức chủ chốt đối với vấn đề Kitô học hiểu theo nghĩa hẹp. Giáo lý của công đồng Canxêđôn phản ánh rõ về cơ cấu biện chứng này.
Thế nên, dựa theo bối cảnh này, có thể nói rằng Đức Giêsu chính là trung gian (medium) lịch sử, đứng ở điểm khai nguyên Kitô giáo, và cũng chính là biểu tượng trung tâm chủ chốt của Kitô giáo. Ở đây, hình ảnh của trung tâm được hiểu theo nghĩa đen; Đức Giêsu là trung tâm đầu não của đức tin kitô, vì trong tư thế là một con người, Ngài là biểu tượng lịch sử quy hướng đức tin kitô vào trong Thiên Chúa. Thiên Chúa gặp gỡ với đức tin kitô trong Đức Giêsu; Đức Giêsu là mạc khải về Thiên Chúa. Đức tin kitô gặp gỡ với Thiên Chúa qua Đức Giêsu; Đức Giêsu là trung gian, là đường đẫn lối người kitô đến với Thiên Chúa. Cho dù về phương diện lịch sử, chúng có bắt nguồn từ Ngài hay không, thì mọi biểu tượng khác trong Kitô giáo cũng đều quy chiếu về với con người của Đức Giêsu, hệt như chu vi đối với tâm điểm vậy. Mặc dầu ở đây, quan điểm vừa nói chỉ được nêu lên theo hình thức phân tích và đề xuất, nhưng thực sự nó cũng miêu tả cho thấy những gì đã xảy ra trong tiến trình hình thành của Giáo Hội thời sơ khai, cũng như của các văn bản Tân Ước: Đức Giêsu chính là tâm điểm.[10]
Nền móng khai nguyên Kitô học đặt cơ sở chủ yếu ở nơi kinh nghiệm tôn giáo về Đức Giêsu và ở nơi cách thức giải thích về Ngài. Tân Ước chứa đựng rất nhiều tước hiệu khác nhau chỉ về Đức Giêsu, rất nhiều cách thức giải thích về con người của Ngài, cũng như rất nhiều quan niệm khác nhau về các hoạt động của Ngài.[11] Tuy nhiên, cũng có thể tổng quát hóa để ứng dụng cho mọi trường hợp, kinh nghiệm cơ bản làm nền tảng cho hết thảy mọi trường hợp, đó là: tất cả những ai đã trở thành người kitô thì cũng đều cảm nghiệm về Đức Giêsu như là Đấng làm trung gian cho ơn cứu độ Thiên Chúa ban. “Trong toàn bộ Tân Ước, đâu đâu cũng chỉ tìm thấy được một kinh ngiệm đồng nhất về mặt cơ bản làm nền tảng cho nhiều cách giải thích khác mhau: tất cả mọi văn bản của Tân Ước đều mang chứng tích của kinh nghiệm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban xuống trong Đức Giêsu.”[12] Lối dùng ẩn dụ để nói về nền tảng là lối nói thích đáng đối với trường hợp chúng ta đang bàn ở đây; kinh nghiệm về Đức Giêsu như là Vị mang ơn cứu độ đến, thì có trước các cách giải thích, và là nền tảng của chính các giải thích khác nhau ấy về bản sắc con người của Ngài, cũng như về phương cách cần dùng tới để đạt cho được ơn cứu độ. Tính cách “có trước” này không nhất thiết phải được hiểu theo thời gian, làm như kinh nghiệm ấy đã không mang được một hình thái hoặc một cách thức biểu đạt nào rõ ràng trước khi được hình thành qua trung gian và lối diễn đạt của biểu tượng; đúng hơn, ở đây, cần phải hiểu tính cách ưu tiên “có trước” ấy theo nghĩa là có khả năng tổng quát hóa kinh nghiệm kia ra cho mọi trường hợp: một cuộc gặp gỡ cứu độ với Thiên Chúa qua trung gian của Đức Giêsu là một biến cố đặc trưng, khác hẳn với vô số những cách thức khác nhau trong nỗ lực minh giải những thắc mắc “làm thế nào”, và “tại sao” thường được đặt ra cho sự kiện gặp gỡ ấy.
Vì thế, liên quan đến Kitô học, có thể đưa ra hai tiên đề về bản chất và cơ cấu như sau: Thứ nhất, Kitô học là cách thức giả thích về Đức Giêsu, căn cứ theo kinh nghiệm cứu độ nhờ trung gian của Đức Giêsu, tức là trong Ngài và qua Ngài. Đối tượng của Kitô học là Đức Giêsu; và vấn đề kitô học theo nghĩa hẹp là vấn đề tìm hiểu về thân thế và cương vị của Đức Giêsu trong quan hệ với Thiên Chúa và loài người. Còn sự kiện làm tiền đề cho toàn bộ nỗ lực suy tư kitô học là sự kiện này: trong một cách thức nào đó, chính Đức Giêsu ấy đã được con người cảm nhận qua kinh nghiệm như là Đấng trung gian biểu trưng ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nguyên tắc thứ hai đặt cơ sở trên tiên đề thứ nhất, và minh định rằng: những gì Kitô học có sứ mạng phải giải thích về Đức Giêsu, đều được hàm chứa sẵn trong kinh nghiệm về Ngài như là Đấng mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa. Nói cách khác, ngày nay, Kitô học không còn cố tìm cách để cắt nghĩa các hình thái Kitô học khác. Chính việc nghiên cứu và phân tích Tân Ước với nhiều hình thái Kitô học đa dạng hiện rõ ở trong đó, cũng đủ nêu bật cho thấy sự kiện này là không một dạng thức Kitô học nào có thể đóng vai quy phạm chung cho khoa Kitô học được cả. Trái lại, điều mà mọi hình thái Kitô học có bổn phận phải coi là quy phạm, là nền tảng, và phải mặc nhiên ra sức giải thích, là điều này: nếu đã được thực sự cảm nhận qua kinh nghiệm như là hiện thân hoặc biểu tượng của ơn cứu độ Thiên Chúa ban , thì thử hỏi Đức Giêsu Nadarét ấy là ai? Kitô học phải lấy chính kinh nghiệm về ơn cứu độ làm quy phạm, chứ không phải là dựa theo một hình thái Kitô học nào đó đã được ráp nối sẵn trước. Và đó phải là kinh nghiệm của cả những người kitô sống trong thời Tân Ước lẫn những người kitô hiện đang sống trong thời đại ngày nay.[13]
Do đó, hết mọi hình thức trình bày Kitô học đều phải căn cứ vào cách nhìn nào đó về ơn cứu độ, và phải coi đó là điều thực sự tiên quyết. Xin nhắc lại rằng cách nhìn tiên quyết ấy không nhất thiết phải là một học thuyết về ơn cứu độ đã được khai triển mạch lạc, với những tiền đề rõ ràng, để từ đó rút ra nhiều thể loại Kitô học khác nhau. Trái lại, cần phải nói ngay rằng bất cứ một lối quan niệm nào về con người Đức Giêsu thì cũng đều tiềm chứa một cách nhìn ít nhất là mặc nhiên, về ý nghĩa của ơn cứu độ. Điều đó cho thấy lý do tại sao người ta thường lấy Cứu độ học làm cơ bản cho Kitô học, và đều nhận rằng điểm chủ yếu trong Kitô học là ơn cứu độ mà Kitô học có bổn phận phải nêu cao và làm trung gian nhằm mang lại.[14]
Bởi vì cách quan niệm về ơn cứu độ đóng một vai trò quan trọng như thế trong bất cứ thể loại Kitô học nào, thế nên ở đây, nếu không khai triển rộng ra được, thì ít nhất cũng cần nêu rõ quan điểm về ơn cứu độ làm hậu cảnh cho lập trường của bài khảo luận này. Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ, vì theo cách thức biểu trưng, Ngài là Đấng làm trung gian, làm cho Thiên Chúa biểu hiện ra trong thế gian một cách “nhìn thấy được” và “sờ mó được.”[15] Theo chức năng trung gian biểu trưng ấy, Đức Giêsu là một Đấng mạc khải Thiên Chúa cho con người; ơn cứu độ là cốt tại ở nơi sự việc mạc khải về Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng là một Đấng mạc khải những gì làm nên con người; ơn cứu độ là cốt tại ở nơi sự việc Đức Giêsu đã đứng ra làm một mẫu mực cho tính chất humanum (nhân tính). [16] Tuy nhiên, không nên quan niệm tất cả những gì trình bày trên đây bằng những phạm trù ngoại giới hoặc bên ngoài, làm như Đức Giêsu chỉ đơn thuần nói về Thiên Chúa mà không làm cho Thiên Chúa hiện diện ra trước mắt con người, hoặc làm như Đức Giêsu chỉ đơn thuần là một mẫu gương trọn hảo cho cuộc sống con người chứ không phải là tác nhân có quyền năng ban truyền sinh lực cải hóa cho môn đồ của mình. Trong hai lối biểu đạt vừa nói theo hình thức lấy ngôn từ biện chứng và hữu thể mà miêu tả biểu tượng tôn giáo, quan niệm về cách thức Đức Giêsu mang lại ơn cứu độ, hơi giống như ý niệm về “Nhập Thể.” Tuy nhiên, còn cần phải nói rõ về ý nghĩa của sự việc Nhập Thể.[17]
Tóm lại, những gì phác thảo một cách khái quát trên đây liên quan đến lối quan niệm về tính chất suy lý trong Kitô học, có thể được dùng để làm bối cảnh cho việc khai triển một nền Kitô học Thần Khí. Trong tư thế làm giả thuyết hậu cảnh cho nền Kitô học Thần Khí, quan điểm kia sẽ giúp giải đáp cho vô số những câu hỏi ngay cả trước khi chúng xuất hiện. Và sau đây, xin bước sang phần nhận định trực tiếp về chủ đề mà bài viết này muốn bàn tới.
Những Gì Thần Học Có Thể Đóng Góp Cho Kitô Học Thần Khí
Tới giai đoạn này, cuộc bàn thảo đã có thể đề cập một cách trực tiếp hơn đến những cấu tố cần thiết cho việc xây dựng một nền Kitô học Thần Khí. Cụ thể hơn, phần tiếp đây của bài viết sẽ bàn đến biểu tượng dùng trong thần học, tức là bàn đến Thần Khí của Thiên Chúa, hay là bàn đến Thiên Chúa như là Thần Khí: đó là biểu tượng sẽ được dùng đến để giải đáp cho vấn đề Kitô học hiểu theo nghĩa hẹp. Trước hết, xin miêu tả Thần Khí theo Kinh Thánh Hipri.
Biểu Tượng “Thần Khí” Trong Thánh Kinh
Trong Thánh Kinh, “Thần Khí của Thiên Chúa” là biểu tượng dùng để chỉ về Thiên Chúa. Thiên Chúa được hiểu như là Thần Khí, hoặc Thần Khí của Thiên Chúa, có nghĩa đơn thuần là chính Thiên Chúa, không phải là gì khác ngoài Thiên Chúa, song là đồng nhất với Thiên Chúa cả về mặt thực chất lẫn về mặt số lượng.[18] “Thiên Chúa được hiểu như là Thần Khí”, là chính Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa được hiểu như là Thần Khí, ám chỉ về Thiên Chúa theo một quan điểm đặc biệt: tức là có ý chỉ về Thiên Chúa đang hoạt động, như là Đấng chủ động, và như là quyền lực, sức năng, hoặc sức mạnh đang hoàn thành một sự việc gì. Như vậy, À Thiên Chúa được hiểu như là Thần Khí’ ám chỉ về Thiên Chúa ở vào vị thế tựa như là nằm ra ngoài bản thể nội tại của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa như là Thần Khí là Thiên Chúa hiện diện và hành động tại ngoại giới của bản thể Thiên Chúa, tức là ở trong thế giới của công trình Thiên Chúa đã tạo dựng. Thiên Chúa như là Thần Khí thì giống như gió; không ai thấy gió, nhưng ai cũng có thể cảm nhận ra được sự hiện diện của gió; không ai nắm bắt được gió, nhưng ai cũng có thể thấy rõ được sức mạnh của gió qua tác động của nó. Cũng vậy, biểu tượng ẩn dụ Thiên Chúa như là Thần Khí nói lên kinh nghiệm về quyền lực và sức năng của Thiên Chúa tỏ hiện ra ở trong công trình tạo dựng, qua nhiều tác động khác nhau. Biểu tượng theo thể cách ngôn từ hoặc ý niệm, nói lên cách thức Thiên Chúa hiện diện ở trong thế giới.
Trong tư thế là Thần Khí, Thiên Chúa làm nên những gì? Những kết quả mà Thần Khí mang lại thì thật là nhiều. Thật ra, Thần Khí của Thiên Chúa không phải là một tác nhân riêng biệt trong công trình sáng tạo, nhưng là chính sức năng sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa Thần Khí là Đấng ban sự sống; nơi nào có sự sống, thì cũng đều có Thiên Chúa hiện diện trao ban và gìn giữ sự sống ấy. Thiên Chúa Thần Khí là Đấng tạo nên các biến cố phi thường ở trong thế giới. Thiên Chúa Thần Khí là Đấng truyền cảm hứng thối thúc con người, và vì thế, cũng chính là Đấng tạo nên các biến cố cứu độ đã được thực hiện qua trung gian các tác nhân đại diện của Thiên Chúa.
Cần phải nêu bật tính cách ẩn dụ và biểu trưng của từ “Thần Khí”; và có thể làm nổi bật điểm này bằng cách so sánh từ này với các biểu tượng khác được dùng để nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa ở trong thế giới, chẳng hạn như là biểu tượng chỉ về Thiên Chúa như là Lời, như là Khôn Ngoan, hoặc là biểu tượng “Bàn Tay Thiên Chúa.” Một đàng, các biểu tượng ấy đều khác nhau, vì đó là những từ và những phép ẩn dụ khác nhau. Có thể phân tích để nhận ra một số những nét đặc trưng cá biệt của từng ẩn dụ, và so sánh để cho thấy những tiểu dị (nuances) cùng những sắc thái tế nhị khác nhau mà mỗi một biểu tượng muốn nói lên. Thí dụ, Lời Thiên Chúa cũng đóng vai tác động ở trong công trình tạo dựng: Thiên Chúa truyền phán, ra lệnh, hay thốt lên Lời, và vạn vật hiện hữu. Thiên Chúa Khôn Ngoan tiềm ẩn trong toàn bộ công trình tạo dựng, đặc biệt là trong đường ngay nẻo chính của đời con người. Mỗi một ẩn dụ đều hàm chứa những khả năng gợi hình có sức vén mở cho thấy một số khía cạnh trong bản chất của Thiên Chúa. Nhưng một đàng khác, tất cả các biểu tượng khác nhau này rốt cuộc rồi cũng chỉ là một, vì chúng đều nhằm vào cùng một kinh nghiệm đã được phổ quát hóa, tức là kinh nghiệm về Thiên Chúa ở ngoài bản thể nội tại của chính Thiên Chúa, và kinh nghiệm về Thiên Chúa hiện diện cùng hoạt động ở trong thế gian. Sở dĩ có nhiều biểu tượng khác nhau, thì cũng chỉ là vì kinh nghiệm làm cứ liệu cơ bản và sơ khởi ấy mang vô số những đặc nét phong phú. Tính chất giống nhau kia không phải đơn thuần là hậu quả của một quá trình trừu tượng hóa hoặc phổ quát hóa một chiều kích chung gặp thấy trong các kinh nghiệm tôn giáo, bởi vì, trong Kinh Thánh, có nhiều trường hợp các biểu tượng cho thấy là có thể đổi lẫn cho nhau được.[19]
Trong Kinh Thánh Hipri, đôi lúc các biểu tượng ẩn dụ này lại được nhân cách hóa, và việc nhân cách hóa như thế đã trở thành một yếu tố thật trọng yếu trong tiến trình khai triển giáo thuyết về Kitô học và Tam Vị học. Đã đành, nhân cách hóa là một hình thái tu từ. Ý nghĩa của một hình thức nhân cách hóa, tức là ý nghĩa mà tác giả muốn truyền đạt, không phải là nghĩa đen: “Tay Chúa” không có nghĩa Thiên Chúa thực sự có đôi bàn tay thể chất; hoặc “Lời Chúa” cũng không có nghĩa đó là một thực thể khác biệt với chính Thiên Chúa. Khi tính cách ẩn dụ của việc nhân cách hóa không được tôn trọng, và trở thành một nhân vật, nghĩa là được quan niệm như là một đối tượng cá thể, thì khi ấy, sức năng vai trò của biểu tượng sẽ lâm dần vào tình trạng tiêu ma hẳn đi. Vai trò của biểu tượng là nêu lên cho thấy một điều, một thực thể khác biệt với Thiên Chúa, nhưng lại giữ phận vụ làm trung gian giữa Thiên Chúa và thế giới loài người.[20] Tính chất siêu việt của Thiên Chúa và sự việc Ngài hiện diện nơi nội giới dương thế được coi như là tách biệt khỏi nhau và cạnh tranh với nhau; là thánh thiện và siêu việt, không thể nào Thiên Chúa lại xuống ngụp lặn ở trong thế gian; thế nên, Ngài cần đến một sứ giả, một phái viên, một Lời (nói lên). Quan niệm như thế là đi ngược lại với chính chủ đích của biểu tượng: tức là chủ đích đơn thuần ám chỉ về Thiên Chúa. Để bảo toàn đặc tính nguyên thủy ấy của biểu tượng “Thần Khí,” thường gặp thấy trong Kinh Thánh, chống lại khuynh hướng chủ thể hóa một hình thức nhân cách hóa, thì trong bài viết này, tôi xin dùng thành ngữ “Thiên Chúa (được hiểu) như là Thần Khí.”
Tóm lại: thứ nhất, biểu tượng ẩn dụ “Thiên Chúa như là Thần Khí” đơn thuần và trực tiếp ám chỉ về Thiên Chúa. Thứ hai, biểu tượng ấy chỉ về Thiên Chúa như là đang hiện diện tại trong nội giới của trần thế. Và bởi Thiên Chúa là ngôi vị, và hiện diện trong con người, cho nên có thể quan niệm sự hiện diện ấy của Thiên Chúa như là một sự hiện diện của chính bản thân Ngài. Thứ ba, Thiên Chúa như là Thần Khí muốn ám chỉ về Thiên Chúa như là Đấng linh hoạt, chủ động. Sự hiện diện của chính bản thân Thiên Chúa cũng có nghĩa là năng lực, hoạt động, sức mạnh, và sinh khí đang tác động ở trong thế giới và ở giữa loài người.
Đức Giêsu và Thần Khí
Liên quan đến Đức Giêsu và kinh nghiệm Ngài có về Thiên Chúa như là Thần Khí, chúng ta biết được những gì? Bất chấp mọi khó khăn trong nỗ lực tìm hiểu về Đức Giêsu, James Dunn nghĩ rằng vẫn có thể xác định được một số điều tổng quát liên quan đến kinh nghiệm của Đức Giêsu về Thiên Chúa theo cách thức diễn đạt Thiên Chúa như là Thần Khí. Dunn đã gia công minh giải rằng nguồn cội từ đó Đức Giêsu rút ra những xác tín và ý thức hiểu biết về chính mình, cũng như uy thế Ngài có và một số các hành động quyền năng Ngài thực hiện: tất cả đều phát xuất từ kinh nghiệm về Thiên Chúa như là Thần Khí hiện diện và hành động ở trong cuộc sống của Ngài.[21]
Qua nhiều đoạn trình thuật, các Phúc Âm Nhất Lãm hình như cũng phản ánh các khía cạnh ấy trong sự nghiệp của Đức Giêsu. Chắc hẳn Đức Giêsu là một người đã từng chữa bệnh và trừ quỷ. Một vài đoạn còn cho thấy Đức Giêsu hằng ý thức rằng bất cứ sức năng nào Ngài đã hành sử thì cũng đều phải được quy lai về với Thiên Chúa như là Thần Khí đang hoạt động qua con người của Ngài, và nhiều người khác cũng đã thừa nhận như vậy. “Quyền năng Ngài sử dụng để trừ quỷ là chính Thần Khí của Thiên Chúa”.[22] Quyền năng đang hoạt động trong thế giới như thế của Thiên Chúa Thần Khí, lại được liên kết chặt chẽ với ý niệm về “Nước của Thiên Chúa”; và cả ý thức Đức Giêsu có về sứ vụ của mình cũng được hiểu như là việc được Thần Khí xức dầu và trao phó quyền năng cho. Phúc Âm Nhất Lãm cũng đưa đường dẫn lối cho người đọc hiểu được rằng sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa như là Thần Khí trong sự nghiệp Đức Giêsu, chính là những gì làm nên nền móng cho địa vị làm con của Ngài; cũng như biết nhận ra rằng “ý thức về địa vị làm con và ý thức Thần Khí là như hai bề mặt của cùng một thực tại”. [23]
Qua các đoạn ấy, Dunn đã thử rút ra những nhận định tổng quát về ý thức của Đức Giêsu. Dunn đã dựa theo các ý niệm về kinh nghiệm và về ý thức của Đức Giêsu mà phát biểu ý kiến của mình. Đàng khác, ai cũng biết rằng tìm hiểu về tâm tư của Đức Giêsu là chuyện hết sức khó khăn; nhiều lắm thì cũng chỉ có thể dựa trên cơ sở của những gì được coi là có giá trị lịch sử ở trong ngôn ngữ mà văn bản trình thuật dùng đến, để xác định một số điều cái nhiên (probabilities) mà thôi. Vì thế, những kết luận của Dunn liên quan đến cách thức Đức Giêsu hiểu biết về chính Ngài, cũng chỉ là khái quát đại cương. Ngoài ra, các kết luận ấy cũng chỉ có được một mức độ hợp lý tiên thiên nào đó mà thôi. Phải nhận rằng Đức Giêsu đã có một số kinh nghiệm về Thiên Chúa. Và từ ngữ để chỉ về sự việc Thiên Chúa được cảm nghiệm qua kinh nghiệm của một đời người, chính là từ ngữ “Thiên Chúa như là Thần Khí.” Không cần phải xác định về cường độ của kinh nghiệm ấy, hoặc là về thể loại của sự việc Thần Khí thông truyền sức năng, hay là về cách thức sự việc thông truyền ấy thể hiện trong thực tế, thì mới đạt tới được những kết luận có nền tảng chắc chắn về mặt lịch sử. Có điều dường như đã được xác định, đó là: trong đời Ngài, Đức Giêsu đã sống qua kinh nghiệm về quyền năng của Thiên Chúa như là Thần Khí; Ngài đã ý thức về sự việc đó theo cách thức diễn đạt vừa nói; sự việc thông truyền sức năng ấy đã biểu hiện rõ trong các hành động của Ngài; các hành động đầy sức năng này đã được giải thích như là sự việc Thiên Chúa trị vì; và dân chúng đã nhận ra biến cố ấy suốt trong cả cuộc đời Ngài sống tại thế.
Vả, Kitô học mặc nhiên theo thể cách ấy thì cũng chỉ có thế thôi. Bài viết này không chủ yếu nhằm tới việc căn cứ vào những gì Đức Giêsu hiểu biết về chính mình, hoặc là vào những gì các người khác nhận thức về Ngài để mà xác minh về một khoa Kitô học Thần Khí được coi là đã lớn mạnh ngay từ lúc Đức Giêsu còn sống nơi dương thế. Trong một phần tiếp sau đây, bài viết sẽ có dịp để trình bày quan điểm chủ trương rằng cần phải nhận là kinh nghiệm của Đức Giêsu về Thần Khí cũng tương tự (theo loại suy) như kinh nghiệm chúng ta có về Thần Khí. Điều nhằm tới ở đây, không là gì khác ngoài việc đơn thuần phát hiện những điểm nòng cốt, và xác định những mắt xích trong mối dây liên tục nối kết giữa Đức Giêsu và cách thức khoa Kitô học sau này giải thích về Ngài. Thiết nghĩ Dunn đã xác định được một nền tảng cho việc sau này tiếp tục tìm hiểu và giải thích về Đức Giêsu theo đường hướng nhận thức Thiên Chúa như là Thần Khí hằng hoạt động trong Ngài.[24]
Đức Giêsu và Thần Khí Trong Các Cộng Đoàn Kitô Sơ Khai
Biểu tượng “Thần Khí” chỉ về Thiên Chúa hoạt động trong nội giới của dương trần và loài người, thì chủ yếu chỉ là một trong các văn bản Tân Ước cũng như trong Kinh Thánh Hipri. Nhưng tiếp theo sau các biến cố xảy ra trong cuộc sống cũng như trong cuộc chết của Đức Giêsu, và trong bối cảnh của những kinh nghiệm về Đức Giêsu hiện vẫn đang sống [dù Ngài đã chết], và về sự việc Ngài hằng ở cùng Thiên Chúa cùng làm Đấng trung gian của Thiên Chúa nhằm ban ơn cứu độ, thì Thần Khí được cảm nghiệm theo một cách thức mới, tức là như là đang được tuôn đổ xuống nơi nguồn phong phú dồi dào của ơn cứu độ cánh chung, ban qua trung gian Đức Giêsu. Như vậy, Thiên Chúa như là Thần Khí được giải thích lại theo một cách thức hoàn toàn mới mẻ.[25] Có thể nói là Thần Khí cứu độ của Thiên Chúa đã được “thả lỏng” ra, được “tung ra” để ban phát ơn cứu rỗi một cách dứt khoát và tột đỉnh, qua cuộc sống, cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu; Thần Khí ấy cũng đã được cảm nghiệm một cách sinh động và sâu đậm qua kinh nghiệm sống nơi các cộng đoàn thuộc phong trào Giêsu của những người sau này sẽ được gọi là kitô hữu. Thần Khí được cảm nghiệm; Thần Khí là ân sủng; Thần Khí là ơn cứu độ. Thành quả mà Thần Khí mang lại cho cộng đoàn và cho đời sống cá nhân của các phần tử trong cọng đoàn, thì có thể nêu đích danh ra được; đó là: lòng tin, tình yêu thương, ơn tha thứ, ơn cứu độ, ơn công chính hóa, ơn thánh hóa, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn hòa giải, tình trạng được giải phóng khỏi tội lỗi, ơn soi sáng, niềm tự do, ơn sức mạnh, và các đoàn sủng nhằm tới việc phục vụ cộng đoàn.
Làm thế nào để có thể nêu bật những đặc nét của khoa Kitô học Thần Khí được phản ánh qua các văn bản của Tân Ước? Cả cho vấn đề này nữa, James Dunn cũng đề xuất một bản phác thảo đại cương.[26] . Khoa Kitô học Thần Khí ấy phải được coi như là đã phát triển qua hai giai đoạn, và như thế, gồm có hai chiều kích khác nhau. Giai đoạn một đã được bàn tới ở trên kia, tức là: giai đoạn Kitô học Thần Khí nhận ra ngay giữa cuộc sống của Ngài, Đức Giêsu là con người trong đó Thiên Chúa hằng hoạt động như là Thần Khí. Giai đoạn hay chiều kích kế đó là giai đoạn Kitô học Thần Khí chuyên chú nhìn về Đức Giêsu phục sinh, Đức Giêsu hằng sống với Thiên Chúa, và được gọi là Đấng Kitô. Trong giai đoạn này, thấy có hiện tượng đồng nhất hóa, hoặc là phối hợp giữa Đức Giêsu phục sinh với Thần Khí. Có thể quan niệm về sự kiện này theo hai quan điểm khác nhau. Một đàng, có thể nói rằng Đức Kitô là Thần Khí. Có khi, đặc biệt là trong các văn bản của Phaolô, Đức Giêsu phục sinh và Thần Khí xem như được đồng nhất hóa thành một; Đức Kitô được nói đến như chính Ngài là Thần Khí vậy. Với sự việc sống lại, theo chức năng, Đức Giêsu trở thành như là Thần Khí của Thiên Chúa, Thần Khí ban sự sống. Đàng khác, Thần Khí là chính Đức Giêsu phục sinh; tức là muốn nói rằng Đức Giêsu làm cho nhận biết ra được Thần Khí, vì chính Thiên Chúa như là Thần Khí đã hoạt động trong Đức Giêsu. Có qua Đức Giêsu, tức là có nhờ Đức Giêsu làm trung gian, thì mới nhận biết được Thần Khí thật sự của Thiên Chúa.
Tất cả các trường hợp vừa nói đều cho thấy là Đức Giêsu và Thần Khí được đặt sát cánh nhau. Trước tiên, Thiên Chúa như là Thần Khí hoạt động trong cuộc đời của Đức Giêsu và, tiếp đó, một khi Đức Giêsu đã phục sinh, mối liên kết sát cánh đã dần dần chuyển đổi thành thực trạng đồng nhất hóa. Thiên Chúa như là Thần Khí đã hoạt động trong Đức Giêsu cho đến độ sau khi đã chết và một khi được cảm nghiệm là đang sống cũng như ở với Thiên Chúa, Đức Giêsu vẫn còn được mật thiết gắn chặt với kinh nghiệm mà cọng đoàn sơ khai có về Thiên Chúa như là Thần Khí. Đức Giêsu làm cho nhận biết và xác định rõ được những gì thuộc về Thần Khí. Điều này tương ứng với học thuyết cho rằng mọi kinh nghiệm về Thiên Chúa đều cần phải nhờ tới một trung gian lịch sử thì mới mang được một ý nghĩa cụ thể.
Đây là lúc cần phải kiểm điểm lại xem đã hội đủ các dữ liệu cần thiết hay chưa, trước khi bắt đầu nghĩ đến chuyện xây dựng một nền Kitô học Thần Khí có đủ lông đủ cánh. Phải nhận rằng đó là câu hỏi bộc phát từ tính cách đa dạng tận gốc rễ của các hình thái Kitô học trong Tân Ước. Cần phải nghiên cứu về các danh tước của Đức Giêsu, hay là về các công thức tuyên tín đối với Ngài, hay là về các ý kiến liên quan đến những gì Ngài đã thực hiện nhằm mang lại ơn cứu độ cho chúng ta, hay là về những mô biểu cơ bản làm tiêu chí để căn cứ theo đó mà tìm hiểu và giải thích bản chất con người của Ngài, hoặc là về các biểu tượng được dùng để nói lên sự việc Thiên Chúa hiện diện và hành động ở trong Ngài? Tất cả những hình thức đặt vấn đề theo lối đóng khung như thế đều dẫn tới chỗ làm phát sinh ra nhiều quan điểm rất khác biệt nhau, và có khi còn tương phản xung khắc với nhau nữa. Cần phải khởi công với điều tâm niệm này là “kể từ sau biến cố Phục Sinh, không gặp thấy được một trường hợp độc nhất thấu hiểu hoặc là giới thiệu nào cho thực sự có mạch lạc về Đức Kitô cả.”[27] Căn cứ vào tính chất đa dạng ấy, Dunn phê bình lối trình bày Kitô học Thần Khí của Lampe cho là có tính cách quá giản lược, méo mó, không biết chú ý đến giai đoạn thứ hai nơi tiến trình diễn biến của Kitô học Thần Khí trong Tân Ước, và cũng chẳng biết nhận ra rằng có để tâm nghiên cứu hết thảy các hình thái Kitô học gặp thấy ở trong Tân Ước, thì mới mong thấu hiểu về Đức Giêsu một cách trung thực hơn được.[28] .
Để ứng đáp lời phê bình trên đây, thì có thể nhắc lại điều này là tác vụ của thần học hệ thống không phải là trần thuật y nguyên lại Tân Ước, song là giải thích, và giải thích bằng một thứ ngôn ngữ thế nào để cho thế giới hôm nay có thể hiểu được. Hơn nữa, vì có hệ thống, nên tác vụ kia phải tôn trọng nguyên tắc về tính chất mạch lạc nội tại; tức là không được đưa vào trong cùng một tổng thể những ý niệm tương phản nhau. Nói một cách tích cực hơn, Kitô học Thần Khí phải tìm cách để trình bày một phương thức giải thích có mạch lạc về Đức Giêsu, tương tự như cách thức của Kitô học Ngôi Lời, là hình thái Kitô học đã đóng vai lãnh đạo chủ yếu đối với ý thức kitô giáo kể từ thế kỷ thứ hai trở về sau. Nhưng, khác với thái độ khai trừ trong Kitô học Ngôi Lời, tức là thái độ cố xô đẩy các hình thái Kitô học khác vào bóng tối lãng quên, Kitô học Thần Khí có thể được mô tả như là một thứ lập trường cơ bản làm nền tảng cho việc nhận định, giải thích và tiếp nhận các hình thái Kitô học khác gặp thấy trong Tân Ước. Và cũng cần đả thông về điểm này là Kitô học Thần Khí tiến hành theo phương cách bao gồm (inclusive) chứ không phải là loại trừ (exclusive). Sự kiện Thiên Chúa như là Thần Khí hằng hoạt động ở trong cuộc đời của Đức Giêsu, có thể được dùng làm nền tảng cho nhiều cách giải thích khác nhau về Ngài, vì sự kiện ấy cắt nghĩa cho thấy vì lý do nào Đức Giêsu là Khôn Ngoan của Thiên Chúa, là Khôn Ngoan đã từng nói nên lời và đã làm hiện thân của chính Lời Thiên Chúa nữa.
Ngoài tính chất lịch sử của kinh nghiệm về Thần Khí của Thiên Chúa hoạt động trong Đức Giêsu, còn có một lý do khác, cũng được rút tỉa ra từ Tân Ước, giúp củng cố cho lập trường coi trọng giá trị của Kitô học Thần Khí. Một cách quả quyết hơn nữa, biểu tượng “Thần Khí” hàm ngụ lời xác định này là Thiên Chúa, chính bản thân Thiên Chúa, đã hoạt động trong và qua con người Đức Giêsu ấy. Đó là điều nêu rõ cho thấy rằng biểu tượng “Thần Khí” thật sự khác hẳn với các biểu tượng “Lời” và “Khôn Ngoan” của Thiên Chúa: hai biểu tượng này, một khi đã trở thành những hình thức nhân cách hóa, rồi ngôi vị hóa, thì nghiên chiều theo khuynh hướng chỉ về một nhân vật hoặc sự vật khác với Thiên Chúa, đã nhập thể trong con người Đức Giêsu, và cho dù có thấp kém thua, thì cũng vẫn được gọi là thần thiêng hay là thuộc về Thiên Chúa. Trái lại, biểu tượng “Thiên Chúa như là Thần Khí” không phải là một hình thức nhân cách hóa Thiên Chúa, mà là một cách thức trực tiếp chỉ về Ngài; như vậy, biểu tượng “Thần Khí” cho thấy rõ ngay là không một gì khác ngoài và kém thua Thiên Chúa, đã từng hoạt động trong con người Đức Giêsu.[29]
Kinh Nghiệm Ngày Nay về Thiên Chúa Như Là Thần Khí
Và bây giờ, cần phải trình bày cho thấy tại sao biểu tượng “Thiên Chúa như là Thần Khí” lại mang được nhiều ý nghĩa thiết thực đối với con người ngày nay. Đó là điểm chủ yếu vì một số lý do. Nếu ngày nay, không có được một kinh nghiệm nào đó về Thiên Chúa như là Thần Khí, thì biểu tượng ấy tất cũng chẳng mang lại được một ý nghĩa nào. Cần phải dựa vào một trường hợp kiểu mẫu tiêu biểu, tương tự như kinh nghiệm riêng của mỗi cá nhân, thì mới hiểu được hành động của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Nói cách khác, cần phải dùng ngôn ngữ của kinh nghiệm thông thường giữa loài người làm phương thế thì mới truyền đạt được ý nghĩa của giáo thuyết cổ truyền.[30] Đồng thời, cũng cần phải hiểu rõ phần nào và đánh giá cho đúng tính chất nghịch biện (paradoxical) của kinh nghiệm ấy, thì mới giải tỏa được cho tình trạng căng thẳng biện chứng trong giáo lý công đồng Canxêđôn.
Liên quan đến nhận định thứ nhất vừa nói trên đây, cần nêu bật điểm này là giữa ngôn từ về Thiên Chúa như là Thần Khí dùng trong Tân Ước và thần học về ân sủng của Karl Rahner có một sự trùng hợp rất đáng chú ý.[31] Ân sủng là chính bản thân của Thiên Chúa hiện diện ra với những cá nhân thụ tạo ở ngoài bản ngã của chính Ngài. Ân sủng là Thiên Chúa tự thông ban chính bản thân mình cho con người, là món quà trao tặng chính mình với sự hiện diện cũng như với tác động tiềm tàng của mình ở trong thần trí hay là ở trong tự do của con người, tức là ở trong mỗi một người. Ân sủng ấy, hoặc Thiên Chúa như là Thần Khí, có thể cảm nghiệm ra được, và thực sự đã được cảm nhận ra một cách thông thường ở trong thế giới này. Nhưng, cần phải hiểu điều ấy một cách biện chứng; bởi vì có qua trung gian thì mới thủ đắc được kinh nghiệm đó; chứ không thể có được nó một cách trực tiếp, hay là nhận rõ ra nó bằng cách phân biệt nó với những dao động tự nhiên khác trong thần trí con người. Bắt đầu với lời khẳng định điển hình của Phaolô,[32] toàn bộ tiến trình lịch sử của thần học về ân sủng đã cho thấy rõ về mối căng thẳng nghịch biện ấy giữa Thiên Chúa như là Thần Khí và tự do con người; và đó cũng là điều mà những ý niệm về ân sủng đồng tác (cooperative grace) nêu bật rõ ràng.[33] D.M. Baillie đã nêu rõ lý do tại sao điều đó có ảnh hưởng đối với vấn đề nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu.[34] Điều nghịch biện là ở chỗ: hễ càng thuộc về Thiên Chúa và càng được quyền năng Thiên Chúa nâng đỡ, thì con người càng trở thành chính mình hơn, càng nên người, càng tự trị và càng tự chủ hơn.
Tóm lại, không một giai đoạn nào trong tiến trình phát triển của truyền thống kitô lại không mang theo những cứ liệu thần học mà việc xây dựng một nền Kitô học Thần Khí ngày nay đang cần đến: trong giai đoạn tiền sử truyền thống Kitô giáo, thì có những gì phản ánh qua Kinh Thánh Do Thái; trong thời Tân Ước, thì có chân dung Đức Giêsu và khoa thần học về tác động cứu độ của Đức Giêsu phục sinh; và trong truyền thống về Thần Khí học, thì có ảnh hưởng kéo dài cho đến ngày nay của khoa này đối với thần học về ân sủng.
Những Đểm Mấu Chốt Trong Công Tác Giải Thích
Và đây là lúc tra tay vào điểm mấu chốt của vấn đề: tức là dùng ngôn từ của Kitô học Thần Khí mà giải thích về Đức Giêsu. Để làm như vậy, thì cần phải giải quyết bảy vấn đề được coi như là then chốt trong công tác giải thích, hay là tái giải thích, bởi vì, lúc nào cũng sẽ phải đối chiếu, ít là một cách mặc nhiên, với Kitô học Ngôi Lời. Xin được lưu ý lại rằng bài viết này không chủ yếu nhằm trình bày về công tác đối chiếu ấy, cho dù đôi lúc có mặc nhiên ám chỉ đến. Khuôn khổ bài viết cũng không cho phép bàn thảo dài rộng về các vấn đề đó, đúng như tầm quan trọng của chúng đòi hỏi. Bài viết này chỉ đơn thuần làm công tác thu thập những luận chứng cần cho việc hình thành một nền Kitô học Thần Khí, và lấy tinh thần xây dựng mà minh họa cho thấy là việc làm ấy cũng như những thành quả thu lượm được thì đều là chính thống cùng phù hợp với các quy tắc của thần học.
Thiên Tính Đức Giêsu
Công đồng Nixêa, nhóm họp năm 325, đã phán quyết dứt khoát về vấn đề thiên tính Đức Giêsu. Còn vấn đề đặt ra ở đây là tìm xem Kitô học Thần Khí có đi đúng với giáo lý công đồng Nixêa hay không. Công đồng Nixêa và sắc lệnh về Kitô học chỉ có tính cách chủ yếu tiêu cực: đối phương chính là học thuyết của linh mục Arius; và các khoản trong sắc lệnh tuyên tín của công đồng chính xác nêu rõ đích danh các điểm nghi vấn của vấn đề, và chung quy cũng chỉ là nêu rõ lập trường phủ định tà thuyết của Arius. Arius cho rằng Đấng đã nhập thể trong Đức Giêsu — tức là Lógos (Lời Thiên Chúa) — thì nói cho đúng ra, kém thua hẳn Thiên Chúa. Bằng nhiều thành ngữ khác nhau, bản tuyên tín của Nixêa xác quyết rằng Lógos (Lời) không kém thua gì Thiên Chúa. Những gì sau này thánh Atana-siô nêu lên nhằm biện hộ cho bản tuyên tín ấy, cho thấy rằng trọng tâm của toàn bộ vấn đề tranh luận là ở chỗ cần phải biết dựa theo khuôn khổ tiêu cực kia mà tìm hiểu, thì mới lĩnh hội đầy đủ được ý nghĩa tích cực hàm ngụ trong công thức ”đồng bản tính, hay là đồng bản chất với Thiên Chúa ”.
Muốn xây dựng một nền Kitô học Thần Khí, thì thiết yếu cũng còn cần phải chứng giải rằng công đồng Nixêa không nhất thiết buộc phải chuẩn nhận biểu tượng Lógos (Lời). Dĩ nhiên là thế, vì cả Arius lẫn phía Alêxanđria đều đã dùng chung cùng một biểu tượng ấy. Họ không tranh luận về điểm này, vì cả hai phía đều đồng ý là “Lời” đã nhập thể; thật ra, đối tượng trực tiếp của vấn đề bàn cãi không phải là Đức Giêsu, nhưng là chính “Lời” ấy. Chủ đề tranh luận là “học thuyết phụ thuộc” (subordinationism : cho rằng Ngôi Con là thuộc hạ của Ngôi Cha, Đức Giêsu kém thua Thiên Chúa) đã vãng lai từ lâu trong các môi trường kitô, ngay cả trong Tân Ước nữa, nhưng chỉ lúc ấy mới bắt đầu được xử trí một cách dứt khoát và phổ quát như thế. Và đằng sau chủ đề ấy, còn tiềm ẩn một quan niệm về ơn cứu độ được thực hiện trong và do Đức Giêsu: về điểm này, họ cũng không đồng ý với nhau. Vì thế, giáo lý đích xác của Nixêa không phải là một lập trường khẳng định về chính Ngôi Lời, nhưng là về những gì đã xảy ra trong sự việc Nhập Thể. Do đó, giáo lý của Nixêa có thể được tóm lược như thế này: Đấng đã hiện diện và hoạt động trong Đức Giêsu, thì không kém thua gì Thiên Chúa.
Qua những gì đã được trình bày trên đây về biểu tượng “Thiên Chúa như là Thần Khí,” thiết tưởng không ai lại không nhận rõ ra là trên nguyên tắc, giáo lý kia cũng có thể được diễn đạt một cách chính xác bằng biểu tượng ấy. Tôi nói “trên nguyên tắc,” bởi vì trong thực tế, biểu tượng “Thần Khí” còn cần phải được quan niệm thế nào cho thích đáng để có thể diễn đạt giáo lý kia một cách rõ ràng hơn và sinh động hơn là biểu tượng Lógos (Lời). Thật ra, vì đã trở thành một hình thức nhân cách hóa, rồi ngôi vị hóa, nên biểu tượng Lógos đã được đại đa số hiểu như là kém thua Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa Cha. Như đã trình bày trên kia, chính biểu tượng Lógos đã gây ra vấn đề làm cho Nixêa phải một phen gia công giải quyết những xung khắc khó khăn. Nhưng, trên nguyên tắc, không một điều nào đã được giáo lý của Nixêa khẳng định, mà lại không thể khẳng định được theo cách dùng ngôn từ “Thiên Chúa như là Thần Khí.” “Thiên Chúa như là Thần Khí” là Thiên Chúa, và vì thế, không kém thua gì Thiên Chúa cả.
Với cách dùng ngôn từ “Thiên Chúa như là Thần Khí”, thiên tính của Đức Giêsu có được xác nhận đầy đủ như đã được xác nhận trong giáo lý công đồng Canxêđôn với công thức “một ngôi vị và hai bản tính”, hay không? — Có, tuy nhiên, trong một mức độ nào đó, cần phải thay đổi hình thức diễn đạt theo lề lối thần học thời trước, đã từng được dùng để trình bày công thức giáo lý của công đồng. Thí dụ, với ý thức của con người thời nay về lịch sử và với cách đặt vấn đề về Kitô học như đang thấy, dĩ nhiên Đức Giêsu sẽ được nhận thật là một con người. Vì thế, có tránh cho khỏi được lối quan niệm về hai bản tính ấy theo một cách tĩnh và trừu tượng, thì mới có thể nói được rằng Đức Giêsu là một nhân vị với một bản tính trọn vẹn của loài người, và trong Ngài, Đấng không thua kém gì Thiên Chúa, tức là một thiên tính, hằng đang hoạt động.[35] Trái lại, cách nói về Đức Giêsu dựa theo sự việc hai bản tính “chuyển thông đặc tính” (communicatio idiomatum) cho ngôi vị duy nhất [nơi Đức Giêsu], thì không ứng dụng được đối với Kitô học Thần Khí. Cách nói ấy quá trừu tượng, không biết lưu ý đến con người cụ thể sống ở giữa dòng lịch sử và, rốt cuộc, rồi cũng chỉ đi đến chỗ đề xuất những định thức phi biện chứng mà thôi. Việc chuyển thông đặc tính phá vỡ mất đi cơ cấu có tính cách năng động và biện chứng của Kitô học. Chẳng hạn, không thể nói một cách phi biện chứng rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa, cũng như không thể nói Ngài chỉ đơn thuần là một con người, bởi vì giáo lý dạy rằng Đức Giêsu là cả hai: là người thật, và là Thiên Chúa thật.
Khi dựa theo một khoa Kitô học Thần Khí năng động mà xác nhận về thiên tính của Đức Giêsu, thì thiên tính ấy, như Lampe nói, được xác nhận “theo thể cách phó từ” (”adverbially”).[36] Điều này có nghĩa là chính Thiên Chúa, chứ không ai ngoài khác kém thua Thiên Chúa, đã thật sự hiện diện ra với Đức Giêsu cùng hoạt động trong Ngài đến độ Đức Giêsu là chính thực thể Thiên Chúa hiện thân ở trong xác phàm. Đường lối giải thích chuyển di từ một quan niệm hữu thể học có tính cách tĩnh và trừu tượng về Thiên Chúa, nhìn Ngài qua lăng kính thiên tính, đến cách thức quan niệm về Thiên Chúa như là hoạt động đầy năng động và có bản thể ngôi vị, và Ngài đích thân hiện diện như là Thần Khí. Do dự, Newman chỉ lưỡng lự dùng thuộc ngữ “thần thiêng” (divine) mà chỉ về Đức Giêsu, vì sợ phương hại đến nhân tính của Ngài: “Cần phải xác định cho rõ ngay rằng sự việc Thần Khí hiện diện trong Đức Giêsu, đã không làm cho chính Đức Giêsu trở thành thần thiêng.”[37] Rồi tiếp đó, Newman đã trình bày cách hiểu về sự việc Thiên Chúa hiện diện trong Đức Giêsu theo thể cách hiện diện chức năng, chứ không phải là bằng một sự hiện diện hữu thể. Dù có cảm phục và đồng ý với quan điểm của Newman, chúng tôi cũng vẫn cảm thấy cần phải nhận định thêm rằng ngôn từ ông dùng để biểu đạt tư tưởng của mình, chưa được hoàn chỉnh và tinh vi cho đủ. Phương thức phân biệt giữa hai thể cách Thiên Chúa hiện diện trong Đức Giêsu: hiện diện hữu thể và hiện diện chức năng, cho thấy là không thể phù hợp được với thực tế. Nhưng mặt khác, hữu thể học về biểu tượng như được trình bày trên đây, lại cho phép dùng một thứ ngôn ngữ biện chứng thật sự, khả dĩ bảo toàn được cốt lõi của cả luận chứng Newman lẫn giáo lý mà công đồng Canxêđôn đã dùng một thể cách đượm đầy tính chất biện chứng thật sự mà biểu đạt. Đó là bước chuyển tiếp để bước sang phần tìm hiểu về ý nghĩa của Nhập Thể trong Kitô học Thần Khí.
Nhập Thể
Và đây là một vấn đề gai góc khác mà công tác giải thích có bổn phận phải xử lý; đó là vấn đề liên quan đến việc khảo sát xem ngôn ngữ của luận thuyết “Thiên Chúa như là Thần Khí” dùng có tương hợp với ngôn ngữ dùng để giải nghĩa về mầu nhiệm Nhập Thể hay không. Dĩ nhiên, điều đó còn tùy vào cách hiểu về ý nghĩa của Nhập Thể. Và bởi vì ngày nay, ý thức lịch sử đã giúp cho thấy rõ ràng rằng Đức Giêsu thật là một con người chủ yếu giống với chúng ta trong mọi sự, nên nhiều khía cạnh liên quan đến ý nghĩa của Nhập Thể cũng có thể được giải thích cho rõ ràng hơn. Thí dụ, một trong những khía cạnh đó là: không thể nào nghĩ đến một cuộc tiền hiện hữu (preexistence) thực sự của Đức Giêsu. Thời trước, dĩ nhiên việc nhận biết Đức Giêsu là Đấng mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa cho con người, không thể nào mà không làm cho nghĩ về một cuộc tiền hiện hữu. [38] Nhưng, không thể nghĩ về một Đức Giêsu tiền hiện hữu được; vì Đấng tiền hiện hữu trước Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Thiên Chúa đã nhập thể trong Đức Giêsu. Giáo lý nêu bật một điểm hiển nhiên này là Đức Giêsu thật sự là một tạo vật như chúng ta, và một tạo vật thì không thể hiện hữu trước công trình tạo dựng được. Ai muốn thì cứ việc suy đoán dài rộng về cách thức Đức Giêsu đã có thể có mặt trong ý định muôn thuở của Thiên Chúa, v.v., nhưng, nghĩ rằng Đức Giêsu đã thật sự hiện hữu trước khi sinh ra trên mặt đất này, là hoàn toàn mâu thuẫn với sự việc Đức Giêsu là đồng bản tính với chúng ta, trừ phi cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đã hiện hữu trong một cuộc tiền hiện hữu như thế!
Vì khởi điểm của Kitô học là Đức Giêsu, nên mầu nhiệm Nhập Thể cần phải được giải thích làm sao để tránh phương hại đến nhân tính của Đức Giêsu. Đó là điều mà nhiều lần Kitô học Ngôi Lời đã không tránh được, và đó là điều mà Kitô học Thần Khí đang ra sức tránh cho khỏi. Ý niệm “Thiên Chúa như là Thần Khí” đang hoạt động trong Đức Giêsu, gợi ý cho nghĩ về ít nhất là hành động “linh ứng,” và nhiều nhất là tình trạng “thần nhập.” Nhưng, chắc hẳn là có thể và cần phải tránh cả hai lối biểu đạt cực đoan này. Đức Giêsu đã được Thần Khí của Thiên Chúa “quyền lực hóa” (empowered); Thần Khí Thiên Chúa là chính Thiên Chúa hiện diện; và như thế, là hiện diện, là quyền năng, là sức mạnh, là động lực, Thần Khí tác động hữu hiệu vô song; do vậy, Đức Giêsu thật là hiện thân của Thiên Chúa như là Thần Khí. Tuy nhiên, đó không phải là một quyền năng vô ngã chỉ biết chiếm đoạt và kiểm soát, nhưng là chính Thiên Chúa tác động trong tự do của con người, không phải từ bên ngoài và để thống trị, cũng như không phải từ bên trong và để chiếm đoạt, song là bằng cách làm cho tự do hiện thực hóa trọn vẹn được các khả năng cố hữu của mình. Những cách diễn đạt như thế có sức năng động hơn là lối nói về một Lógos đã được ngôi vị hóa và đã nhập thể. Biểu tượng “Thiên Chúa như là Thần Khí” có khả năng để biểu đạt cách thích đáng hơn một hình thái Nhập Thể không chối bỏ hoặc tước đoạt mất nhân tính của Đức Giêsu; Thần Khí đề cao tự do của Đức Giêsu, chứ không dẫm chân hành động thay thế.[39] .
Thường thường, sự hiện diện của Thiên Chúa như là Thần Khí trong Đức Giêsu được đối sánh với điều mà Kitô học Ngôi Lời biểu đạt như là so sánh linh ứng với việc Nhập Thể thực sự. Nhưng, vấn đề không phải là ở đó; vì thật ra, chẳng có lý do tất yếu nào đòi hai quan niệm ấy nhất thiết phải tương kị nhau. Chắc hẳn, Thiên Chúa như là Thần Khí, cũng tác động để thông ban linh ứng, nhưng như vừa thấy trên đây, tác động ấy đã được biểu đạt bằng những ngôn từ quyết liệt hơn. Đàng khác, không có lý do nào cấm chúng ta quan niệm về việc Thiên Chúa tự thông ban chính mình cho Đức Giêsu, cùng hiện diện và hoạt động trong Người, như là một cuộc Nhập Thể hữu thể, miễn sao Nhập Thể đừng bị hiểu theo nghĩa chối bỏ nhân tính của Đức Giêsu.[40] Cũng chẳng cần phải quan niệm cuộc Nhập Thể của Thiên Chúa như là Thần Khí theo cách hiểu của dưỡng tử thuyết, cho dù có thể phỏng đoán là trong Tân Ước có những dấu vết cho phép suy diễn ra cách hiểu như thế kia. Tuy nhiên, vẫn có thể quan niệm ngược với chủ trương của dưỡng tử thuyết và nói rằng Thiên Chúa như là Thần Khí hiện diện trong Đức Giêsu ngay từ giây phút mới được thụ thai.[41] Được hiểu như thế, thì công cuộc Nhập Thể mới gồm hàm trọn hết cả ý nghĩa mà nguồn năng động của các Phúc Âm Nhất Lãm muốn nói lên qua mầu nhiệm ấy, chứ không phải chỉ được hiểu qua lăng kính của một khuôn mẫu tư biện, tức là lý thuyết, do trí óc nắn ra.
Đức Giêsu và Ơn Cứu Độ
Kitô học Thần Khí là một nền Kitô học có khả năng chứng giải ý niệm Nhập Thể và đồng thời bảo toàn được nhân tính đích thực của Đức Giêsu. Nếu tìm hiểu cho kỹ về ý niệm cứu độ, thì sẽ thấy rằng cần phải lưu tâm nêu bật và đưa nhân tính Đức Giêsu lên hàng đầu. Tuy nhiên, cũng cần phải ghi nhận rằng ở đây luận chứng diễn biến theo lối vòng tròn, vì ý niệm về cứu độ chưa được bàn luận tới, mà chỉ mới được xác định như là một tiền đề của bài viết này mà thôi.[42]
Căn cứ vào các ý niệm khác nhau về cứu độ đọc thấy ở trong Tân Ước và trong nền thần học Kitô giáo thời sơ khai, chúng tôi đã nhận định là một học thuyết dựa theo quan điểm coi việc cứu độ như là một công trình mạc khải và làm mẫu mực, là lập trường ứng đáp hay nhất cho ý thức lịch sử ngày nay, cũng như cho đường hướng quan niệm việc Thiên Chúa cứu độ đã thực sự khởi công ngay từ buổi đầu của lịch sử loài người. Đứng trên bình diện lịch sử mà nói, thì công cuộc cứu độ đã không bắt đầu với Đức Giêsu. Đức Giêsu cứu rỗi qua sự việc Ngài làm Đấng mạc khải Thiên Chúa và ơn cứu độ của Thiên Chúa, ơn cứu độ mà Thiên Chúa như là Thần Khí đã thực hiện nên ngay từ đầu, cũng như qua sự việc Ngài vén mở cho thấy phải như thế nào mới gọi là đời sống con người, và làm gương sống tràn đầy sức năng cho các môn đồ của mình. Như thế, Đức Giêsu cứu rỗi không những vì làm trung gian của Thiên Chúa như là Thần Khí, và nhờ đó mà quyền năng hóa đời người đã được cứu rỗi mà thôi, nhưng còn là vì — xét từ phía người kitô — người ta noi theo Ngài. Tuy nhiên, có mang thân phận làm người, thì con người mới có thể noi theo Đức Giêsu . Cốt tủy của ơn cứu độ Kitô giáo là ở chỗ biết noi theo mẫu gương Đức Kitô; mà việc noi gương bắt chước này đòi phải tập trung chú ý vào thân phận Đức Giêsu làm người giống hệt như chúng ta, bởi vì con người sẽ không thể theo gót Đức Giêsu được, nếu Đức Giêsu chỉ đơn thuần và nhất thiết là thần thiêng mà thôi. Như vậy, trong tư thế là Adong mới, là trưởng tử giữa nhiều anh chị em, và là người tiên phong mở lối ơn cứu độ cho chúng ta, Đức Giêsu bước đi trước chúng ta theo cương vị là một con người. Bảo toàn nguyên vẹn nhân tính của Đức Giêsu là Kitô học Thần Khí đảm bảo cho ơn cứu độ giữ được chiều kích liên hệ nối kết mình lại với đời sống tu đức của người kitô, hay là với linh đạo kitô. Ơn cứu độ được vén mở cho thấy trong biến cố Phục Sinh, là sự sống vĩnh cửu mai ngày, nhưng lại bắt đầu và có hiệu lực ngay tại trong thế giới này. Ơn cứu độ kết cục trong ngày sống lại cánh chung là tột đỉnh của đời một con người biết sống theo sát mẫu gương Đức Giêsu.[43]
Đức Giêsu Với Các Người Khác: Khác Biệt Về Phẩm?
Một khi nhân tính Đức Kitô đã được bảo toàn nhờ một cách quan niệm năng động hơn về mầu nhiệm Nhập Thể và về công trình cứu độ, thì đây là lúc cần phải nghiên cứu tới bề mặt bên kia của vấn đề: Xét về phẩm, Đức Giêsu có khác biệt với các người khác trong nhân loại hay không? Kitô học Ngôi Lời về Nhập Thể đã minh nhiên bảo toàn tính chất độc nhất của Đức Giêsu, nghĩa là khẳng định rằng Đức Giêsu khác biệt về mặt phẩm chất, so với các người khác.[44] Còn theo Kitô học Thần Khí, thì phải nói sao đây?
Trong Kitô học Thần Khí, có thể và cần phải duy trì tính chất độc nhất của Đức Giêsu bằng cách nhìn nhận Ngài chính là hình thái tỏ hiện có tính cách quy phạm của những gì làm cho hiểu biết được về Thiên Chúa, và là mẫu mực làm tiêu chí cho đời sống con người khuôn rập theo. Tuy nhiên, một hình thái Kitô học Thần Khí có chủ trương mối kết hợp giữa Thiên Chúa với Đức Giêsu, và mối kết hợp giữa Thiên Chúa với các người khác, khác biệt nhau về mặt phẩm chất hay không, là tùy vào cách hiểu về ý nghĩa của từ ngữ “khác biệt về phẩm”. Xét theo lẽ thường thì những thí dụ sáng tỏ nhất của tính chất khác biệt về phẩm chất, là các trường hợp khác biệt giữa các loại hữu thể khác nhau; chẳng hạn như giữa các vật thể hữu cơ và vô cơ, hay là giữa thực vật, động vật và loài người. Nếu đó đúng là những trường hợp minh họa về sự khác biệt về phẩm, thì thử hỏi có thể áp dụng mức độ khác biệt ấy cho trường hợp khác biệt giữa Đức Giêsu với các người khác trong loài người hay không? Vì từ ngữ “phẩm chất” đây có nghĩa là “bản chất” hoặc là “bản thể,” và một sự khác biệt như thế xem ra tương phản với giáo lý dạy rằng Đức Giêsu là đồng bản tính với các người khác ở trong nhân loại. Nói cách khác, nếu “phẩm chất” được hiểu như vậy, thì ý nghĩa này chỉ về mức độ khác biệt về bản chất, hay là khác biệt về giống loại hữu thể. Và nếu hiểu như thế, thì các ý niệm “khác biệt về phẩm chất” và “đồng bản tính” sẽ trở thành mâu thuẫn với nhau. Trong trường hợp đó, một sự khác biệt về phẩm giữa mối kết hợp nối kết Đức Giêsu với Thiên Chúa và mối kết hợp nối kết chúng ta với Thiên Chúa sẽ có nghĩa là Đức Giêsu không đồng bản tính với chúng ta, không phải là Adong mới, không phải là trưởng tử giữa nhiều anh chị em, cũng như không phải là người tiên phong dẫn đầu mở lối ơn cứu độ cho chúng ta, và cũng chẳng phải là người để chúng ta có thể noi gương bắt chước được. Tất cả các điểm giáo lý này cho thấy rõ rằng Đức Giêsu là một người trong chúng ta, và chúng ta không khác biệt gì với Đức Giêsu, xét theo khía cạnh được chính Thiên Chúa hiện diện với.[45]
Tuy nhiên, sự việc ý niệm “khác biệt về phẩm chất” hằng được thịnh hành sử dụng, cũng cho thấy rằng trong ý niệm ấy, vẫn còn một cái gì đó cần phải được duy trì, và đó là công tác sẽ được Kitô học Thần Khí chu tất. Có hai nhận định giúp cho hiểu rõ về điểm này: thứ nhất, nên lưu ý đến tính cách mơ hồ của khái niệm khác biệt về phẩm trong tương quan với khác biệt về lượng. Trong thời đại của những phát minh bằng phương pháp thực nghiệm và định lượng này, việc phận định đối với những khác biệt về phẩm và về lượng giữa các sự vật, ngay cả đối với những khác biệt về mức độ và giống loại hữu thể cũng thế, đã trở nên ngày càng khó khăn, phức tạp. Có thể dùng số lượng để mà phân định các khác biệt về phẩm chất hay không? Trong một số trường hợp, có phải sự khác biệt về số lượng hoặc về mức độ hoặc về cường độ, có thể làm nên một thực trạng khác biệt về phẩm chất hay không? Tắt một lời, các khác biệt về mức độ có thể cấu thành một sự khác biệt về phẩm chất hay không?[46] Nếu nói rằng Thần Khí của Thiên Chúa, tức là Thiên Chúa, hiện diện ở trong Đức Giêsu một cách trọn vẹn, hoặc là một cách hoàn toàn hữu hiệu, và mãnh liệt nhất, thì thử hỏi còn cần phải nói thêm gì nữa? Tóm lại, có thể hiểu được là Thiên Chúa như là Thần Khí có mặt ở trong Đức Giêsu tới mức tột bực, và như thế là đủ để diễn đạt tất cả những gì hàm ngụ trong ý niệm “khác biệt về phẩm chất”.[47]
Thứ hai, cũng có thể hiểu tính chất độc nhất của Đức Giêsu theo ý nghĩa chỉ về ơn gọi, sứ mạng của Ngài, cũng như về sự việc Ngài được Thiên Chúa bổ nhiệm làm trưởng tử giữa nhiều anh chị em. Cách nói như thế phù hợp với trình thuật của Tân Ước nói về việc xức dầu trong Thiên Chúa như là Thần Khí, và về sứ mạng thiết lập Nước của Thiên Chúa mà Đức Giêsu hằng trung thành chu tất. Vì thế, không đơn thuần nằm ở vòng ngoài, các khái niệm kia chính là những gì xác định nên bản sắc nội tại của Đức Giêsu. Và cùng với mức độ Thiên Chúa hoạt động truyền sinh cho Đức Giêsu, chúng cung ứng những yếu tố vừa đầy đủ để xác định, vừa cần thiết để giải thích tính chất độc nhất ấy của Đức Giêsu.[48]
Đức Giêsu và Các Nhân Vật Cứu Tinh Khác
Quan điểm đề xuất trong bài viết này chủ trương như vầy: Kitô học Thần Khí sẽ làm cho việc bàn luận theo tư thế Kitô giáo, về mối quan hệ giữa Đức Giêsu với các tôn giáo và các nhân vật trung gian cứu rỗi khác, trở nên dễ dàng hơn. Lý do là vì hình thái Kitô học này có khả năng giải thích trong một cách thức hoàn toàn chính thống, những thái độ mà người kitô ngày nay có đối với các tôn giáo khác cũng như đối với Đức Giêsu Kitô.
Cần ghi lòng điểm này: điều mà Kitô học có sứ mạng lưu tâm giải thích là chính kinh nghiệm người kitô có về Đức Giêsu; kinh nghiệm mà ở đây xin tạm được gọi là “thái độ”, hay là cuộc dấn thân hiện sinh (cuộc sống dấn thân) của người kitô. Đó là điều mà Tân Ước cũng như toàn bộ lịch sử Kitô học đều đồng thanh nói lên. Các hình thái Kitô học khác nhau là những cách thức biểu đạt, hay là giải thích, hoặc là dựa trên kinh nghiệm đức tin về sự kiện Đức Giêsu đã mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa cho loài người, mà nhận chân về bản sắc con người Đức Giêsu. Ngày nay, có hai yếu tố đã làm cho chính kinh nghiệm ấy thay hình đổi dạng đi; các yếu tố đó là: ý thức về lịch sử, và quan niệm về vai trò Đức Giêsu làm trung giữa Thiên Chúa và loài người. Trên nguyên tắc, quan niệm này cho phép suy diễn rằng cũng như Thiên Chúa đã hành động nhằm mưu ích cho chúng ta qua Đức Giêsu, thì cũng thế, Ngài có thể hành động nhằm mưu ích cho các người không kitô qua những trung gian khác. Nếu thế, thì đối với trường hợp Đức Giêsu, cần phải đảm bảo cho được hai điều này: thứ nhất, cần phải minh chứng là có một Đấng không kém thua gì Thiên Chúa, đã hoạt động trong Đức Giêsu để mang ơn cứu độ lại cho con người; và ơn cứu độ ấy có khả năng thích ứng một cách phổ quát cho toàn thể nhân loại; rồi vì thế, Đức Giêsu đúng là quy phạm cứu rỗi chung cho cả loài người. Nói cách khác, nếu đã xác định rằng Đức Giêsu là quy phạm cứu rỗi cho cá nhân nào đó vì lẽ cá nhân này là một con người, thì, theo nguyên tắc không mâu thuẫn, cũng phải khẳng định rằng Đức Giêsu là quy phạm cứu rỗi phổ quát cho hết mọi người.[49] Thứ hai, cần phải giải thích về cương vị của Đức Giêsu làm sao để tránh cho khỏi bị hiểu là có tính cách loại trừ, độc chiếm, cũng như cần phải biết nghĩ tới việc có thể có những nhân vật cứu độ khác ngang cương vị Đức Giêsu, để vén mở cho con người biết về một số điều có tính cách quy phạm, liên quan đến Thiên Chúa. Thật vậy, nếu Thiên Chúa là chính Đấng mà Đức Giêsu mạc khải cho biết, nghĩa là Đấng Cứu Độ phổ quát, thì tất cũng phải biết chờ mong rằng trong lịch sử nhân loại, sẽ còn có những trung gian khác Thiên Chúa dùng để mang ơn cứu độ của Ngài đến cho con người.
Ở đây, chúng tôi không có ý trình bày về những khó nhăn mà Kitô học Ngôi Lời gặp phải trong nỗ lực ứng đáp cho thích đáng não trạng của người thời nay. Thực tế cho thấy là phần lớn các sách báo về Kitô học viết trong môi trường đối thoại liên tôn, đã chẳng đề cập gì đến chính vấn đề kitô học cả, hoặc nếu có, thì cũng chỉ làm qua loa mà thôi. Và thường thì cuộc thảo luận cũng chỉ dừng lại ở chỗ miêu tả những gì người kitô cảm nghĩ về Đức Giêsu: Có cần phải nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế tuyệt đối hay không? một Đấng Cứu Thế với vai trò kiến lập và với bản chất chuẩn tắc (constitutive and normative )? một Đấng Cứu Thế chuẩn tắc phổ quát nhưng lại không giữ vai trò chủ yếu? Một Đấng Cứu Thế giữa nhiều nhân vật cứu thế khác?[50] Dù có những giáo phụ đã cố trình bày ơn cứu độ theo cách thức ban qua Ngôi Lời, và cho rằng cách thức ấy phổ quát hơn là đường lối ban qua trung gian Đức Giêsu, thì Kitô học Ngôi Lời cũng vẫn phát triển theo một khuôn mẫu mang tính cách loại trừ và độc chiếm: nulla salus extra Christum . Các hình thái Kitô học mà Schineller gọi là có tính cách kiến lập (constitutive) và một số tác giả khác lại gọi là bao hàm (inclusivist ), là những hình thái Kitô học Ngôi Lời chủ trương cho rằng ơn cứu độ do Đức Giêsu Kitô gầy dựng và mang lại thì phổ quát, tức là dành cho mọi người.[51] Một mẫu suy luận khác dựa theo phạm trù Lógos: đó là mẫu suy luận cố tìm cách để bảo toàn giá trị của các nhân vật cứu độ khác, bằng cách nói tới nhiều cuộc Nhập Thể khác nhau của Lógos .[52] Những lối giả thiết như vậy thì rõ ràng là quá lý thuyết, tư biện, vô căn cứ, và không có chút gì là cần thiết trong bối cảnh ý thức lịch sử hiện tại: quả là không tin nổi.
Còn Kitô học Thần Khí thì có thể giúp xác nhận được cương vị Đức Giêsu theo một đường hướng khả dĩ giải thích đầy đủ cho kinh nghiệm về ơn cứu độ Thiên Chúa ban qua trung gian Đức Giêsu. Đấng không kém thua Thiên Chúa hoạt động trong Đức Giêsu, và hoạt động đến độ lòng thương phổ quát của Thiên Chúa được trung gian hóa và trở thành hiện diện, thiết thực, tỏ hiện công khai ra trong thế giới, cũng như hiển nhiên ở trong cuộc sống của những ai qua đức tin, biết đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa nhắn gửi trong Đức Giêsu. Kitô học Thần Khí chỉ khác với Kitô học Ngôi Lời ở điểm này: Kitô học Thần Khí không chấp nhận lập trường thường đi đôi với Kitô học Ngôi Lời, tức là lập trường loại trừ việc Thiên Chúa cũng có thể hoạt động qua những trung gian cứu độ khác. Ở đây, không chủ ý thẩm định phê phán về các tôn giáo khác, cũng không chủ ý xác định mức độ theo đó Thiên Chúa như là Thần Khí biểu hiện ra trong các tôn giáo này, mà chỉ muốn đơn thuần xác nhận là điều đó có thể xảy ra. Trong một khuôn khổ lịch sử nhất định, Kitô học Thần Khí cũng tuyên xưng rằng Đức Giêsu là một thể cách làm trung gian hữu thể của Thiên Chúa, một thể cách mang tính chất quyết định, cuối cùng, chung quyết, và cả tuyệt đối nữa, miễn là đừng quan niệm các tính chất ấy theo lối loại trừ, độc chiếm, tức là phủ nhận việc Thiên Chúa như là Thần Khí có thể hoạt động trong các tôn giáo khác. Trên nguyên tắc, không có một lý do nào cho phép phủ nhận sự việc có thể kia cả. Trái lại, qua sự việc làm hiện thân của Thiên Chúa và như thế, có khả năng mạc khải Thiên Chúa dưới diện mạo của tình thương vô biên, Đức Giêsu chính là nền tảng vững chắc nhất để căn cứ vào đó, con người nhận ra Thiên Chúa như là Thần Khí đang hoạt động nơi tất cả mọi tôn giáo, bất chấp hành động lệch lạc và tội lỗi con người, là những gì làm cho hết mọi tôn giáo đều phải liên lụy và bị méo mó đi.
Vậy, dựa vào đâu và muốn hiểu theo ý nghĩa nào mà khẳng định một cách quả quyết thật sự mà lại không loại trừ độc chiếm, để nói rằng Đức Giêsu là trung gian cứu rỗi của Thiên Chúa, một thể thức trung gian có tính cách quyết định, cuối cùng, chung quyết và cả tuyệt đối nữa? Ý nghĩa và lý lẽ của các thuộc tính hay là của các tính cách ấy nằm ở chính nơi mối liên hệ hiện sinh nối chặt người tín hữu lại với Đức Giêsu. Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thông ban cho người kitô qua trung gian Đức Giêsu. Mà hiển nhiên điều đó muốn nói rằng Đức Giêsu chính là quy phạm, là mẫu mực cho những gì người kitô cảm nghiệm được về Thiên Chúa.[53] Lề lối diễn biến của kinh nghiệm này, tức là diễn biến từ trong chính mình, thì có tính cách đơn giản, quyết định, cuối cùng, chung quyết và tuyệt đối. Tuy nhiên, không phải vì thế mà cho là có lý để làm cho các tính chất đặc thù ấy biến thành những lời quả quyết có tính cách cạnh tranh, về các thể cách trung gian khác được Thiên Chúa dùng, trừ phi các thể cách này mâu thuẫn với nhau. Nếu phải giải quyết các mâu thuẫn như thế — mẫu thuẫn thường là biểu kiến hơn là thực sự — thì cần phải dùng đến con đường đối thoại mà giải quyết, dẫu rằng lúc khởi đầu cuộc đối thoại, cả hai phía đều không chút ngần ngại nghĩ là kết quả chung cục chắc chắn sẽ về phần mình.
Việc Thờ Phượng Đức Giêsu
Vấn đề Kitô giáo thờ phượng Đức Giêsu là một vấn đề mấu chốt trong Kitô học. Lịch sử hằng ghi nhận là người kitô thờ phượng Đức Giêsu, và như thế là họ vén mở cho thấy họ đối xử với Đức Giêsu như là đối xử với một vị thần linh; giáo lý của các công đồng về Đức Giêsu đã nảy sinh từ giữa bối cảnh sống này. Ngoài ra, Kitô học ngày nay còn có bổn phận phải giải thích lý do tại sao người kitô hằng không ngừng giữ mối liên hệ ấy với Đức Giêsu trong kinh nguyện và trong việc thờ phượng. Vậy, vấn đề là thế này: thử hỏi, cùng với việc nhấn mạnh theo cách thức mới mẻ như thế đến nhân tính của Đức Giêsu, một hình thái Kitô học Thần Khí chủ trương bảo quản chiều kích ấy, còn có khả năng để giải thích cho thỏa đáng thái độ phụng thờ đối với Đức Giêsu và những kinh nguyện thưa lên với Ngài hay không? Tương tự như vấn đề này là vấn đề đặt ra cho thiên tính của Đức Giêsu, nhưng ở đây thì được xét theo phương diện hiện sinh.
Trước hết, để trả lời câu hỏi vấn đề đặt ra, thì cần phải đặt nguyên tắc như thế này: không thể hoặc ít ra không được phép tiếp xúc với Đức Giêsu mà không dùng đến phương thức biện chứng. Không thể cư xử với một biểu tượng tôn giáo nào mà không dùng đến phương thức biện chứng được cả, bởi vì tình trạng căng thẳng mô tả trên kia, là cấu tố xác định bản chất của chính biểu tượng tôn giáo. Trong Kitô học, thường gặp thấy những trường hợp cám dỗ hoặc cố gắng ngấm ngầm cắt bỏ tình trạng căng thẳng ấy đi; nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng cứ mỗi lần xảy ra như thế càng nặng, là mỗi lần diện mạo của Đức Giêsu xét theo tư thế là Đấng Kitô, càng bị bóp méo trầm trọng thêm hơn. Khi nguyên tắc này được áp dụng vào việc cầu nguyện và thờ phượng Đức Giêsu, thì kết quả sẽ mang hình thái căng thẳng biện chứng như thế này: không ai lại đi thờ phượng hoặc cầu nguyện với Đức Giêsu xét theo tư cách là một con người, một tạo vật; nhưng là cầu nguyện và phụng thờ Thiên Chúa trong và qua Đức Giêsu. Những cách nói “cầu nguyện qua Đức Giêsu,” “đến với Chúa Cha qua Chúa Con,” đã có từ lâu trong truyền thống phụng vụ, và phản ánh cách biểu đạt thông thường nhất trong Tân Ước. Dù Lampe có tìm thấy được ở trong Tân Ước, một vài thí dụ về việc cầu nguyện với Đức Giêsu, thì quan niệm trội hẳn và nổi bật hơn cả vẫn coi thờ phượng là việc làm qua Đức Giêsu, vì Đức Giêsu là Đấng làm trung gian cho việc chúng ta phụng thờ Thiên Chúa. Kitô học Thần Khí nêu bật hẳn điểm này.[54]
Tuy nhiên, việc khẳng định về nguyên tắc như vậy, có lẽ tự nó vẫn chưa đầy đủ để ứng đáp cho vấn đề, nếu không biết lưu tâm tới điều mà nó biểu đạt, tức là một mối quan hệ hiện sinh. Mối quan hệ này triển nở ra như một tiến trình nhân bản đầy năng động của sự việc có quan hệ, như một lối thực hành cầu nguyện, như một hành động xác định về chính mình nơi mối tương quan với Thiên Chúa trong và qua Đức Giêsu. Mà việc miêu tả về hiện tượng có-quan-hệ-một-cách-hiện-sinh như thế, thì sẽ cho thấy rõ tính chất biện chứng của nó. Thí dụ, khó mà phân biệt cho rõ được giữa các cách mô tả việc phụng tự kitô theo ngôn từ của giáo lý công đồng Canxêđôn, và theo ngôn ngữ của Kitô học Thần Khí. Theo Canxêđôn, Đức Giêsu có hai bản tính khác biệt nhau, không pha tạp và không lẫn lộn với nhau; đó là một quan niện biện chứng. Theo khuôn mẫu này, thì không ai nói là mình thờ phượng nhân tính của Đức Giêsu, hoặc Đức Giêsu xét theo tư cách là con người, nhưng là thờ phượng Đức Giêsu xét theo tư thế là Thiên Chúa, vì Ngài là hiện thân của Lógos .[55] Còn Kitô học Thần Khí thì giải thích theo lối diễn tả bằng loại suy (tương tự). Đức Giêsu là biểu tượng thật sự, biểu tượng thể hiện Thiên Chúa như là Thần Khí hằng hoạt động trong con người của mình; là biểu tượng, Đức Giêsu thông phần với Thiên Chúa như là Thần Khí, làm trung gian cho Thiên Chúa, và thế là Ngài làm cho Thiên Chúa hiện diện ra (làm cho sự hiện diện của Thiên Chúa thành hiện thực, cụ thể). Như vậy, phụng thờ con người Giêsu là Kitô giáo chủ ý đi qua Đức Giêsu để hướng tới đối tượng được Đức Giêsu làm trung gian cho, là chính Thiên Chúa. Nhưng, Thiên Chúa ấy chẳng phải là Đấng lúc thì có mặt ở đây, lúc thì hiện diện đằng kia, và lúc thì đứng tách ra khỏi Đức Giêsu. Người kitô phát hiện và gặp gỡ Đấng Thiên Chúa ấy ngay trong và qua Đức Giêsu. Kinh nguyện kitô đặt Thiên Chúa làm trung tâm, tức là mang tính chất quy thần (theocentric), nhưng lại được thưa lên với một Đấng Thiên Chúa mà người kitô nhận biết được qua nỗ lực chú tâm nhìn vào Đức Giêsu. Vậy, quan niệm như thế về nguyện cầu và thờ phụng là tương ứng thích đáng với những gì đã trình bày trước đây liên quan đến ơn cứu độ và linh đạo kitô theo quan niệm của một thể cách làm môn đồ được Thiên Chúa như là Thần Khí truyền sinh lực cho, qua Đức Giêsu là Đấng làm trung gian.
Thiên Chúa Ba Ngôi
Thoạt nhìn, giáo thuyết xem ra đã chịu ảnh hưởng nhiều nhất của nền Kitô học Thần Khí toàn diện là giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu quan sát tính chất tương
tự về phương diện chức năng nơi các biểu tượng “Thần Khí” và “Lógos” hoặc “Khôn Ngoan,” rồi đem biểu tượng này thế chân cho biểu tượng kia, thì chẳng phải là làm cho đà tiến phát của giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu trong nội giới của mình bị chặn đứng đi đó hay sao? Dù còn cần phải nghiên cứu thêm nhiều về điểm này, và khai thác thêm nhiều các dữ liệu lịch sử cũng như thần học liên hệ, thì trên nguyên tắc, cũng vẫn có thể đưa ra ở đậy, một số nhận định để minh họa cho thấy rằng Kitô học Thần Khí đi theo một đường hướng phù hợp với cơ cấu ba ngôi trong thể cách người kitô tự nhận thức về chính mình, và trong cả toàn bộ Kitô giáo nữa.[56] Trước hết, chủ yếu đối với cuộc sống kitô và cơ cấu tư tưởng Kitô giáo là những gì đã từng được gọi là ”nhiệm cục Thiên Chúa Ba Ngôi” (economic Trinity ). Vì cơ cấu của Kitô giáo cốt tại ở sự việc Đức Giêsu làm trung gian lịch sử giữa Thiên Chúa và loài người, và ở kinh nghiệm về Thiên Chúa như là Thần Khí, một kinh nghiệm hằng không ngừng tiếp diễn ngay giữa lòng thế giới đã được chính Đức Giêsu xác định bản sắc lại cho. Đó là cơ cấu chủ yếu của đà sinh động kitô, như đã được Tân Ước bảo tồn. Được hiểu như là ngôn ngữ phản ánh cơ cấu căn bản của sự việc Đức Giêsu làm trung gian của Thiên Chúa như là Thần Khí, ngôn ngữ ba ngôi ấy nói lên thực chất của Kitô giáo: chính nó định tính cho kinh nghiệm Kitô giáo.
Một khi đã đặt nền tảng như thế, thì điều quan trọng cần phải làm, là ghi nhận về mối quan hệ giữa một đàng là giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu trong nội giới của mình, và đàng kia là ngôn ngữ dùng để diễn tả cách thức Thiên Chúa đối xử với chúng ta suốt theo dòng lịch sử, như đọc thấy trong Tân Ước. Ở đây, khi nói tới giáo lý về Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu trong nội giới của mình, là tôi muốn chỉ về công thức đã từng xuất hiện hồi cuối thế kỷ thứ tư, đưa ra chủ trương cho rằng Thiên Chúa là một theo bản tính, nhưng cũng là Ba Ngôi; vì trong thiên tính ấy, có hiện hữu ba ngôi vị khác biệt nhau. Ý thức lịch sử ngày nay có ảnh hưởng như thế nào đối với mối quan hệ giữa hai chiều kích nêu trên đây của tư tưởng về Thiên Chúa Ba Ngôi? Trước hết, quan điểm về nhiệm cục Thiên Chúa Ba Ngôi thì khác với giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu trong nội giới của mình. Cho dù K. Rahner có đưa ra một tiên đề hữu ích, nói rằng Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm cục và Thiên Chúa Ba Ngôi nội giới chỉ là một,[57] thì cũng cần phải nhấn mạnh đến điểm này là hai giáo thuyết ấy khác nhau về phương diện khoa học luận, vì giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nội giới chỉ có thể nhận biết được qua trung gian của giáo thuyết kia; và hai giáo thuyết còn khác biệt nhau cả về phương điện lôgích nữa, vì giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm cục không nhất thiết đòi hỏi cần phải dùng tới giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nội giới.[58] Thứ hai, trong Tân Ước, không thấy có dấu vết nào, ngay cả ngầm ẩn, của giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nội giới, vì trong đó, không có gì nhất thiết đòi phải dùng đến giáo thuyết ấy, cho dù, trong thực tế, giáo thuyết này đã tiến phát nhờ vào những suy nghĩ tìm hiểu về Tân Ước. Thứ ba, đà phát triển ấy đã bắt nguồn từ những tiền đề không còn có giá trị rõ ràng cho lắm đối với chúng ta, chẳng hạn như tiền đề về cách thức văn bản Thánh Kinh làm trung gian chuyển đạt mạc khải đến các thế hệ loài người. Thứ tư, tiêu đích của việc phát triển này là nhằm phản ánh, đẩy mạnh và dùng, như đã từng thấy, một thứ vòng lũy hữu thể mà bảo đảm thế đứng cho giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm cục. Thứ năm, giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nội giới tự nó không có được một thế đứng độc lập đối với kinh nghiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm cục, một thế đứng khả dĩ ứng đáp thích đáng cho đà năng động của chính kinh nghiệm kitô.
Qua những gì rút ra từ lôgích ứng dụng trong giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi như vừa giới thiệu một cách tóm tắt trên đây, ít nhất cũng nhận ra được Kitô học Thần Khí có quan hệ như thế nào với giáo thuyết ấy. Thứ nhất, xét về tầm quan yếu và về phương diện nguồn gốc cũng như cơ sở, Kitô học Thần Khí cho thấy là có khả năng đảm bảo cho giá trị của giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm cục, vì phản ánh đích xác được ngôn ngữ của Tân Ước trình thuật về kế hoạch cứu độ Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu. Thứ hai: thế nên, Kitô học Thần Khí biểu đạt trong một cách thể rõ ràng, chủ điểm của giáo thuyết về Thiên Chúa Ba Ngôi nội giới, tức là nhấn mạnh đến phương diện hữu thể, để khẳng định rằng Đấng không kém gì Thiên Chúa đã thực sự hoạt động trong Đức Giêsu nhằm cứu rỗi chúng ta, và rằng Thần Khí mà cộng đồng kitô ngày nay đang cảm nhận qua kinh nghiệm sống của mình, thì không kém thua gì Thiên Chúa. Thứ ba, tuy nhiên, Kitô học Thần Khí không trực tiếp phản ánh ngôn ngữ tư biện (thuần lý) được dùng để giải thích về cách thức hiện hữu của Ba Ngôi, và về mối quan hệ giữa Ba Ngôi trong cuộc sống nội giới của thiên tính. Suốt dòng lịch sử Kitô giáo, giáo thuyết này đã liên tục làm nẩy sinh lên hàng đợt những suy tưởng; và còn cần phải suy nghĩ nhiều hơn nữa để phác họa cho ra một thứ ngôn ngữ khả dĩ biểu đạt thích đáng về Thiên Chúa Ba Ngôi hiện hữu một cách tuyệt đối nhiệm mầu, ở trong nội giới của thiên tính.
Kết Luận
Sau đây, xin tổng kết những lý do cho thấy tại sao Kitô học Thần Khí có thể đứng vững, sống mạnh và tiến phát lâu bền được.
Kitô học Thần Khí ứng đáp thỏa đáng tất cả những gì bộ môn Kitô học đòi hỏi. Kitô học Thần Khí trình bày có mạch lạc, kinh nghiệm kitô về Đức Giêsu, và “giải thích” ý nghĩa của sự việc Đức Giêsu làm Đấng mang ơn cứu độ Thiên Chúa ban, đến cho nhân loại. Và đó là nền Kitô học trung thành theo sát ngôn ngữ được Tân Ước dùng thường nhất, những khi trình bày các điểm liên hệ đến vấn đề Kitô học theo nghĩa hẹp; cũng như trung thành theo sát giáo lý kitô học của hai đại công đồng Nixêa và Canxêđôn, để nhất trí khẳng định với Nixêa rằng Đấng không kém thua Thiên Chúa đã ở trong Đức Giêsu, và với Canxêđôn rằng Đức Giêsu là đồng bản tính với con người chúng ta. Kitô học Thần Khí bảo toàn được mối quan hệ đượm tính chất biện chứng giữa hai thân phận trong Đức Giêsu: thân phận làm người và thân phận làm thần thiêng. Kitô học Thần Khí tỏ ra dễ hiểu, có mạch lạc và thích hợp với kinh nghiệm của con người ngày nay — thường nhạy cảm đối với ý thức lịch sử, đối với việc nhấn mạnh đến sự kiện Đức Giêsu là một con người, đối với kinh nghiệm gặp thấy những nét tương tự giữa Đức Giêsu và các nhân vật hoặc thể chế khác làm trung gian cho ơn cứu độ của Thiên Chúa trong các tôn giáo khác — mà vẫn bảo toàn được các điểm giáo lý liên quan đến: Nhập Thể, thiên tính của Đức Giêsu, vai trò làm trung gian cho ơn cứu độ của Thiên Chúa, tầm thích dụng phổ quát, và tính chất quy phạm toàn vũ. Kitô học Thần Khí cũng đáp ứng đúng tiêu chuẩn của việc quyền lực hóa (empowerment ), nghĩa là cung ứng một nền tảng vững chắc cho thể cách làm môn đồ bằng việc xác minh về sự kiện Đức Giêsu và con người chúng ta là đồng bản tính, cũng như về tính chất liên tục trong hành động Thiên Chúa như là Thần Khí quyền lực hóa Đức Giêsu và chúng ta. Kitô học Thần Khí cũng minh giải cho thấy rằng ơn cứu độ ban qua trung gian Đức Giêsu thì chặt chẽ gắn liền với lối sống khuôn rập theo và ở trong Thần Khí; thế nên, ơn cứu độ ấy có ảnh hưởng đối với sinh hoạt của những con người đang sống giữa dòng lịch sử. Như vậy, Kitô học, đời sống ân sủng, giáo hội học và linh đạo kitô liên hệ với nhau một cách hết sức mạch lạc.
Bối cảnh mà bài khảo luận ủng hộ Kitô học Thần Khí này đã chọn làm khuôn khổ, chính là bối cảnh đa dạng của các hình thái Kitô học khác nhau gặp thấy ở trong Tân Ước. Sự kiện ấy muốn nói rằng một hình thái Kitô học không có quyền gì để tự đặt mình vào vị trí độc tôn mà khai trừ các hình thái khác. Nhưng đồng thời, thần học hệ thống cũng có bổn phận phải lựa chọn một chủ điểm làm trọng tâm, và cố gắng tiến hành công tác làm sao cho kiên định và mạch lạc. Đó là điều mà lập trường ủng hộ này có thể làm được, vì Kitô học Thần Khí có đủ thái độ cởi mở để thu nhận những ý kiến và luận điểm của các hình thái Kitô học khác được coi như là tất yếu đối với công tác tìm hiểu về Đức Kitô. Luận đề nêu lên ở đây là như thế này: ngày nay, chủ trương phát triển Kitô học Thần Khí toàn diện là chọn lựa một lập trường có khả năng sống mạnh và tiến phát lâu bền. Dù đây chỉ là một chủ trương có tính cách đơn thuần xây dựng, thì ai cũng rõ là lập trường của bài viết này đối nghịch lại với quá trình phát triển của Kitô học Ngôi Lời hiện hành. Dù đã tránh hết mọi hình thức so sánh, thì lập luận đối chiếu giữa hai hình thái Kitô học lúc nào cũng được hàm ngụ một cách mặc nhiên. Vì thế, bài khảo luận này xin kết thúc với giả thuyết nói rằng Kitô học Thần Khí thì tương đối thích hợp với các dữ liệu Kitô học ngày nay hơn là Kitô học Ngôi Lời. Nói thế không có nghĩa là ngày nay, Kitô học Ngôi Lời không thể nào có chỗ đứng được nữa, miễn là hình thái Kitô học này biết ý thức về tính chất ẩn dụ và biểu trưng của ngôn ngữ dùng để nói về Lógos . Nhưng, ngay cả trong bối cảnh của các biểu tượng tôn giáo, ngôn ngữ dùng để nói về Lógos cũng bị một vài cứ liệu dồn vào trong thế quá tải; trong khi đó, Kitô học Thần Khí có thể thu nhận các cứ liệu này một cách thích đáng hơn. Đó là điều biểu hiện rõ nhất trong hai tiêu điểm sau đây: giáo lý của công đồng Canxêđôn xác định Đức Giêsu đồng bản tính với chúng ta, và giáo lý của công đồng Nixêa về thực tại của Đấng không kém gì chính Thiên Chúa, hằng hoạt động trong Đức Giêsu để cứu rỗi chúng ta. Mà đó lại chính là cốt lõi của vấn đề Kitô học theo nghĩa hẹp.
Felipe Gómez Ngô Minh phiên dịch
[1] Roger Haight là giáo sư Thần học tại Weston School of Theology, ở Cambridge, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Bài viết này mang tựa đề “The Case for Spirit Theology,” đăng trong tạp chí Theological Studies , tập 53, số 2, June 1992, tr. 257-287.
[2] Xin nêu lên đây một số các tiểu luận có thể giúp làm những bước dẫn nhập để đi vào trong khoa Kitô học Thần Khí: James D.G. Dunn, Jesus and the Spirit (London: SCM, 1975); idem, Christology in the Making (Philadelphia: Westminster, 1980); Olaf Hansen, “Spirit Christology: A Way out of Our Dilemma?” trong The Holy Spirit in the Life of the Church , ed. P. Opsahl (Minneapolis: Augsburg, 1978) 172-203; Norman Hook, “A Spirit Christology,” Theology 75 (1972) 226-232; Harold Hunter, “Spirit Christology: Dilemma and Promise,” Heythrop Journal 24(1983)127-40, 266-77 (bài viết này lập luận chống lại khoa Kitô học Thần Khí, bằng cách dựa vào các nguồn cứ liệu Kinh Thánh và kitô ban sơ được giải thích theo một đường hướng riêng); G.W.H. Lampe, “The Holy Spirit and the Person of Christ,” trong Christ, Faith and History , ed. S.W. Sykes và J.P. Clayton (Cambridge: Cambr. Univ., 1972)111-130; idem, God as Spirit (Oxford: Clarendon, 1977); Paul W. Newman, A Spirit Christology: Recovering the Biblical Paradigm of Christian Faith (Lan-ham, Maryland: Univ. Press of America, 1987); Philip J. Rosato, “Spirit Christology: Ambiguity and Promise.” Theol. Stud . 38 (1977) 423-449.
[3] Anh ngữ gọi Logos Christology là một nền Kitô học thường dùng các phạm trù liên quan đến “biểu tượng” Lógos /Lời; nói chung, đó là nền Kitô học điển hình trong truyền thống kitô. Còn Kitô học Thần Khí (Spirit Christology ) thì lại lấy các phạm trù liên quan đến Pneuma /Thần Khí, hoặc là các phạm trù thường dùng trong Thánh Linh học, để trình bày và giải thích những cứ liệu của Mạc khải và giáo lý về Chúa Kitô. Qua bài khảo luận trưng dẫn trong chú thích trên đây, Rosato đã không đề xuất một khoa Kitô học Thần Khí toàn diện, nhưng chỉ muốn tìm cách để lấy một số chủ đề của Kitô học Thần Khí ấy đem sáp nhập vào trong khuôn mẫu của Kitô học cổ điển cũng như của Tam Vị học. Để có một cái nhìn tổng lược về các vấn đề dính líu tới Kitô học Ngôi Lời, xin xem Newman, A Spirit Christology 1-27
[4] Đôi lúc có người cho rằng những đổi thay trong Kitô học chung quy cũng chỉ là vấn đề làm mất đi quân bình: một lúc nào đó, người ta đã nhấn mạnh quá đáng đến một trong hai bản tính hiện hữu song đôi trong Đức Giêsu: tức là nhân tính và thiên tính, gây ra xáo trộn với những phản ứng ngược lại. Thật ra, không phải là thế. Đúng hơn là nên coi những biến chuyển đổi thay kia như là cơ sở để từ đó có thể dấy cho bừng lên một cuộc cách mạng trong đường lối suy tư của Kitô học. Xem Karl Rahner, Foundations of Christian Faith , (New York: Seabury, 1978)285-93: viết về những phân biệt theo phương thức khoa học luận và luận lý học, giữa những lời khẳng định về nhân tính và thiên tính của Đức Giêsu.
[5] Thiết nghĩ từ ngữ Đức Kitô theo sứ điệp Tin Mừng (kerygmatic Christ) thì không được chính xác cho bằng cách nói ” những Đức Kitô theo sứ điệp Tin Mừng (kerygmatic Christs ), tức là những cách hiểu và trình bày khác nhau về ÀĐức Kitô của đức tin’ trong thế kỷ đầu — của Kitô giáo”; xem James D.G. Dunn, Unity and Diversity in the New Testament: An Inquiry into the Character of Earliest Christianity (Philadelphia: Westminster, 1977) 216
[6] Trong cuốn Dynamics of Theology (Mahwah, N.J.: Paulist, 1990), tôi đã có dịp trình bày đầy đủ hơn về nhiều cách quan niệm khác nhau đối với phương pháp thần học; ở đây, tôi chỉ xin lược kê sơ qua mà thôi. Trong cuốn A Spirit Christology , tt. 62-67, tác giả Newman đã đề ra một loạt các tiêu chuẩn khác nhằm tới việc xây dựng một nền thần học tích cực. Chúng tôi có nhiều quan điểm tương đồng với nhau
[7] Hans Kung, “Towards a New Consensus in Catholic (and Ecumenical) Theology, ” trong L. Swidler, ed. Consensus in Theology ? (Philadelphia: Westminster, 1980) 1-17: bài viết trình bày rành mạch về một phương thức sống mối tương quan đầy tính cách phê bình như vừa nói
[8] Trong Experience of God (New York: Oxford Univ., 1968) 68-98, John E. Smith đã trình bày rộng về học thuyết này. Nói cho đúng thì học thuyết này không phá hoại cái thường được gọi là kinh nghiệm thần bí. Và cho dù những kinh nghiệm ấy có xem ra trực tiếp (tức là không qua một trung gian nào), thì quan điểm trình bày trong tác phẩm này cũng cho rằng thực sự đó cũng là những kinh nghiệm mang tính chất “trực tiếp qua trung gian,” tức là: cho dù kinh nghiệm thần bí có được miêu tả như là trạng thái tiếp xúc “trực tiếp” với Thiên Chúa, bởi lẽ Thiên Chúa hiện diện trực tiếp nơi cá nhân con người có kinh nghiệm thần bí, thì ý niệm về sự hiện diện của Thiên Chúa cũng phải mang một hình thái hay một nội dung biểu đạt nhất định, và việc nhận thức tư duy như thế về Thiên Chúa tất phải nhờ đến các phương tiện trung gian; rốt cuộc, là nhờ trung gian của các kinh nghiệm về thực tại cảm tính trong thế giới.
[9] Ở đây, “biểu tượng” được quan niệm theo cách thức trình bày trong các tác phẩm của Paul Tillich và Karl Rahner; xin xem hai tác phẩm đặc trưng trong lối trình bày theo cách thức ấy: K.Rahner “The Theology of Symbol,” trong Theological Investigations 4 (Baltimore: Helicon, 1966) 221-252; và P. Tillich, “The Meaning and Justification of Religious Symbols,” trong Religious Experience and Truth , ed. Sidney Hook (New York: N.Y Univ.,1961) 3-12
[10] Dunn, Unity and Diversity in the New Testament 369-70.
[11] Muốn biết thêm về các hình thái Kitô học khác nhau ở trong Tân Ước, xin xem Dunn, Christology in the Making (nhiều đoạn khác nhau), và Unity and Diversity 33-59, 203-231. Edward Schillebeeckx cũng trình bày về bốn trào lưu Kitô học căn bản, trong nội dung của tác phẩm Jesus: An Experiment In Christology (New York: Seabury, 1979) 401-438.
[12] E. Schillebeeckx, Christ: The Experience of Jesus as Lord , (New York: Seabury, 1980) 463
[13] Dunn đã nêu ra câu hỏi như sau: Vì Tin Mừng (kerygma) trong Tân Ước mang tính chất đa dạng như thế, thì thử hỏi có thể một cách nào đó, lấy tính chất đa dạng ấy làm tiêu chí được không? Và ông kết luận rằng qua tiến trình phân tích và trừu tượng hóa, có thể phác họa ra được một nền móng làm cơ sở nhất thống và đồng hợp cho một tổng thể các nhân tố có chung: Đức Giêsu là tâm điểm; qua trung gian Đức Giêsu, mọi người được mời gọi để tin vào Thiên Chúa; ngoài ra, trong mối quan hệ niềm tin ấy cũng tiềm ẩn lời hứa ban ơn cứu độ cho những người có lòng tin (Unity and Diversity , 30). Như vậy, dù liên quan đến vấn đề này, còn nhiều điểm cần phải được bàn tới và không thể khai triển cho đủ trong khuôn khổ hạn hẹp của bài khảo luận này được, thì quy phạm mà Tân Ước và giáo thuyết thường cho thấy, cũng mang tích chất hiện sinh; và nói cho cùng rồi tính chất hiện sinh này cũng chẳng có thể chịu đơn thuần đóng khung ở trong các công thức biểu đạt niềm tin được.
[14] Điểm này đã được Schubert M. Ogden đặc biệt nhấn mạnh tới trong bài viết “The point of Christology,” Journal of Religion 55 (1975) 375-95, và đã được khai triển rộng ra hơn trong cuốn The Point of Christology (San Francisco: Harper and Row, 1982).
[15] Các từ “nhìn thấy được” và “sờ mó được” đã được đặt trong các ngoặc kép như thế là để lưu ý rằng tự hậu, cần phải hiểu chúng theo một ý nghĩa biện chứng, tức là trong tư thế diễn nghĩa chức năng của một biểu tượng lịch sử, chúng vừa làm cho và cũng vừa không làm cho Thiên Chúa có thể nhìn thấy và sờ mó được. Nếu bỏ quên đi cách thức diễn nghĩa biện chứng ấy, thì chỉ biết chú ý tới có một phía, thiếu mất toàn bộ, để đi đến chỗ nhận thức méo mó về thực tại
[16] Nếu muốn so sánh và nối kết cách quan niện như thế về ơn cứu độ với các cách thể quan niện khác trong Tân Ước và trong văn bản các Giáo Phụ, thì ngoài thiên khảo luận sâu rộng của E. Schillebeeckx, Christ 81-626, xin xem thêm Stanley B. Marrow, “Principles for Interpreting the New Testament Soteriological Terms,” New Testament Studies 36(1990) 268-80, và Michael Slusser, “Primitive Christian Soteriological Themes,” Theol. Stud . 44 (1983) 555-69
[17] Lampe lưu ý rằng quan niệm về ơn cứu độ có ảnh hưởng sâu rộng đối với Kitô học; thế nên, tác giả phân biệt giữa hai thể loại nhãn quan về ơn cứu độ: ơn cứu độ xảy đến toàn bộ ngay một lúc vào một thời điểm lịch sử, và ơn cứu độ diễn ra theo một tiến trình liên tục cũng như song hành với công trình tạo dựng và với lịch sử. Bài viết này dựa theo quan quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả Lampe: xin xem God as Spirit 14-15, 32-33; và Newman, A Spirit Christology 9-10
[18] Lampe đưa ra những nhận định phân tích về khái niệm Thần Khí của thời tiền Kitô giáo, trong God as Spirit 41-60; và căn cứ nhiều hơn vào khoa chú giải, Newman cũng trình bày những nhận định tương tự, trong tác phẩm A Spirit Christology 69-94
[19] Lampe, God as Spirit 37, 115-6, 179; Newman, A Spirit Christology 79; Dunn, Christology in the Making 131, 266. Xét theo quan điểm Kinh Thánh, thì có thể nói rằng Kitô học Ngôi Lời thực ra cũng chỉ là Kitô học Thần Khí, vì biểu tượng Khôn Ngoan có thể được đồng nhất hóa với cách biểu đạt Thiên Chúa như là Thần Khí (Kn 1,7; 7,25), và Khôn Ngoan trong Kinh Thánh là ý niệm giúp cho thấu hiểu về ý nghĩa của Lógos . Xem Addison G. Wright, “Wisdom,” trong The New Jerome Biblical Commentary (Englewood Cliffs, N.J.: Prentice Hall, 1990) 513tt; Pheme Perkins, “The Gospel according to John” (ibid. 951tt)
[20] Không nên nhầm lẫn khái niệm trung gian với ý niệm phương tiện đã được bàn tới trước đây. Ý niệm phương tiện là một phạm trù nhân chủng học và khoa học luận; còn khái niện về một trung gian đến từ Thiên Chúa xuống trong thế gian, là một phạm trù vũ trụ quan
[21] Dunn, Jesus and the Spirit 41-67; xem Newman, A Spirit Christology 103-137
[22] Dunn, Jesus and the Spirit 52
[23] Ibid. 66; xem Lampe, God as Spirit 26-31. Newman xác tín rằng “ngôn từ Đức Giêsu dùng để diễn đạt về vương quyền Thiên Chúa có thể được chuyển dịch một cách hết sức chính đáng, thành ngôn từ biểu đạt sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa như là Thần Khí” (A Spirit Christology 116).
[24] Xem Dunn, Unity and Diversity 213-217
[25] Lampe, God as Spirit 62
[26] Dunn, Christology in the Making 129-162; Còn Lampe thì phân tích khái niệm Thiên Chúa như là Thần Khí trong tương quan với Đức Kitô, đặc biệt là qua các văn bản của Phaolô, của Luca và Gioan; xin xem God as Spirit 5-10, 61-94
[27] Dunn, Unity and Diversity 216
[28] Dunn, Christology in the Making 266-7
[29] Một cách nào đó, biểu tượng Lógos đã là nguyên nhân đưa tới lạc thuyết”phụ thuộc” (subordinationism ), bởi lẽ, thay vì được dùng như một lối nhân cách hóa, như một hình thái tu từ, thì biểu tượng ấy đã trở thành một hình thức ngôi vị hóa; công đồng Nixêa đã phải gia công để giải tỏa cho vấn đề lẫn lộn đó. Xem Lampe, God as Spirit 12-13, 41, 132, 140-144; Dunn, Christology in the Making 161.
[30] Liên quan đến nguyên tắc về loại suy làm nền tảng cho khoa chú giải, xin xem Haight, Dynamics of Theology 172-3. Ở đây, “kinh nghiệm thông thường giữa loài người” không có nghĩa là kinh nghiệm cụ thể theo số liệu thống kê, nhưng là kinh nghiệm chung của con người, vì nó thuộc cơ cấu nội tại đặc thù của nhân loại: mọi người đều có khả năng để cảm nghiệm như vậy; thí dụ, thị giác là thuộc cơ cấu nội tại của con người, dù một số người có thể bị mù từ lúc mới sinh ra
[31] Về tính chất tương quan giữa các khái niệm “Thần Khí” và “ân sủng” đọc thấy trong các văn bản của Phaolô, xin xem Dunn, Jesus and the Spirit 201-5. Còn về thần học ân sủng theo K.Rahner, thì xin đọc Foundations of Christian Faith 116-133
[32] Gl 2,19-20; xem Reinhold Niebuhr, The Nature and Destiny of Man 2 (New York: Charles Scribner’s Sons, 1964) 107-126
[33] Hễ cuộc sống con người ở trong bối cảnh của một thời điểm ý thức lịch sử, càng được hiểu như là một biến cố tự do được phóng sinh vào trong dòng lịch sử, thì ngôn từ tôn giáo dùng để chỉ về ân sủng đồng tác như thế, càng trực tiếp đóng giữ một vai trọng yếu trong việc con người tự hiểu biết về chính mình. Ngày nay, chẳng có ai lại đi hiểu con người như là một thứ nhân tính trừu tượng, trọn vẹn hoàn bị với những đặc tính có thể xác định được một lần cho tất cả.
[34] D. M. Baillie, God Was in Christ (New York: Charles Scribner’s Sons, 1948) 106-132
[35] Ý thức lịch sử ngày nay không cho phép nói rằng thực trạng Đức Giêsu làm người thật sự có ý chỉ về một bản tính loài người toàn vẹn nhưng trừu tượng, với một ngôi vị thần linh, chứ không có một nguyên tắc hiện hữu loài người, làm nguyên lý hiện hữu. Vì thế, có ý kiến cho là nên nói về hai bản tính trong một nhân vị. Lampe viết rằng: “Kitô học Thần Khí cần phải sẵn sàng nhìn nhận rằng chủ thể của kinh nghiệm nơi Đức Giêsu Kitô là một con người. Ngôi vị (hypostasis) không phải là Lógos nhập thể, nhưng là một con người.” (“The Holy Spirit and the Person of Christ” 124). Về cuộc bàn thảo liên quan đến chủ đề này, xin xem E.Schillebeeckx, Jesus 652-69.
[36] Lampe, “The Holy Spirit and the Person of Christ” 124
[37] Newman, A Spirit Christology 179; xin xem thêm 180-2
[38] Xin xem Dunn, Unity and Diversity 228; cũng nên đọc Lampe, God as Spirit 114-5. Vấn đề khó khăn đối với khái niệm về một cuộc tiền hiện hữu của Đức Giêsu là ở chỗ khái niệm ấy không phù hợp với giáo lý của công đồng Canxêđôn dạy rằng Đức Giêsu là đồng bản tính với chúng ta. Xem Lampe, “The Holy Spirit and the Person of Christ” 119.
[39] Tất cả các tác giả đề xuất và ủng hộ Kitô học Thần Khí, đều nhấn mạnh đến điểm hết sức căn bản này. Đó là một trong những yếu tố xây dựng nòng cốt nhất của Kitô học Thần Khí. Xin xem Newman, A Spirit Christology 176-7; Lampe, “The Holy Spirit…” 117-8; Hook, “A Spirit christology” 229
[40] Rất thường khi các sách báo Kitô giáo quan niệm sự việc Nhập Thể của Ngôi Lời như là một sự kiện phủ nhận thân phân làm người của Đức Giêsu. Đó là điều thấy rõ đặc biệt trong các bản trình thuật về Đức Giêsu: diễn viên chủ yếu và thật sự trong lịch sử không phải là một con người, nhưng là một diễn viên thần linh, là Thiên Chúa cải trang làm người, vì không gì khác hơn, nhân tính trừu tượng chỉ là một dụng cụ thụ động Thiên Chúa dùng để hành động
[41] Lampe, “The Holy Spirit…” 125-6; Hook, “A Spirit Christology” 228
[42] Xin xem Newman, A Spirit Christology 139-70. Dựa theo lập trường “Thiên Chúa như là Thần Khí,” Newman quan niệm vai trò cứu độ của Đức Giêsu như là làm trung gian cho ơn cứu độ ấy. Coi vai trò cứu độ của Đức Giêsu như là có tính cách mạc khải và mẫu mực do sự việc Ngài là hiện thân năng động của Thiên Chúa như là Thần Khí, thiết tưởng không phải là làm cho quan điểm của tác giả bị méo mó đi
[43] Xem Newman, A Spirit Christology 179
[44] Xem Lampe, “The Holy Spirit…” 120, 126-7
[45] Newman, A Spirit Christology 182-183
[46] Dùng từ theo cách này thì không khác gì cách dùng khái niệm “tính cách” (qualitas) trong ngôn ngữ kinh viện, tức là gồm hàm ý nghĩa đối lại với “bản chất,” “yếu tính,” “bản tính.” Lối dùng từ như thế muốn nói lên một khác biệt về tính cách, chứ không phải là về bản chất
[47] Hook, “A Spirit…” 229. Hook cho là sự hiện diện của Thần Khí trong Đức Giêsu thì tương tự như là việc Nhập Thể. Lampe cũng giải thích sự khác biệt về “phẩm chất” của mối kết hợp giữa Thiên Chúa với Đức Giêsu so với mối kết hợp giữa Thiên Chúa với các người khác, như là một sự khác biệt về “mức độ.” Ông miêu tả cách thức Đức Giêsu ứng đáp đối với Thiên Chúa như là hoàn toàn. Nhưng mối hiệp nhất “hoàn toàn” giữa Thiên Chúa với Đức Giêsu không thể nào giảm bớt đi được những giới hạn cố hữu trong thân phận làm người mà Đức Giêsu đã mang lấy, ngoại trừ tội lỗi; tình trạng ngoại trừ này tượng trưng cho thái độ Đức Giêsu đáp ứng toàn vẹn đối với thánh ý của Thiên Chúa. Lampe, God as Spirit 23-24, 111-112.
[48] Newman, A Spirit Christology 185-6, 205
[49] Còn cần phải xác định càng minh bạch thì càng tốt, những gì làm nên tính chất quy phạm ấy. Nếu chỉ khẳng định Đức Giêsu là quy phạm mà không minh chứng bằng những luận cứ rõ ràng, thì dĩ nhiên là chưa đủ.
[50] Đó là những mẫu điển hình đề ra trong bài viết của J.Peter Schineller, “Christ and Church: A Spectrum of Views,” Theol. Stud . 37( 1976) 545-566. Còn P.Knitter, J.Hick, A.Race và G. D’Costa thì phân loại các mẫu cứu thế theo một thức cách khác, không rõ ràng cho bằng các mẫu trên đây
[51] Bài khảo luận của K.Rahner, “The One Christ and the Universality of Salvation,” Theological Investigations 12, 161-178, là một thí dụ cho thấy rõ về hình thái Kitô học ấy
[52] Xin xem Raimundo Panikkar, The Unknown Christ of Hinduism: Towards an Ecumenical Christophany, (Maryknoll, N.Y.: Orbis, 1981).
[53] Xem ra đó là lập trường của Lampe trình bày trong các tác phẩm “The Holy Spirit… 127-8, và God as Spirit 112-4, 180-2. Còn Newman thì không thích dùng các thuộc từ như “tuyệt đối” hoặc “chung quyết” để áp dụng cho Đức Giêsu, vì lịch sử vẫn chưa kết cục; xem A Spirit Christology 205-9.
[54] Lampe, God as Spirit 162-163.
[55] “Thật ra, không thể phân biệt được giữa cầu nguyện với Đức Kitô và cầu nguyện với Thiên Chúa, nếu hiểu Thiên Chúa theo nghĩa là Đấng tự tỏ lộ ra trong Đức Kitô ” (Lampe, God as Spirit 166).
[56] Xem Newman, A Spirit Christology 187-203: tác giả đã dựa theo quan điểm của Kitô học Thần Khí mà suy tư về giáo lý Thiên Chúa Ban Ngôi. Bài viết này không dựa theo các suy tư của Newman.
[57] K.Rahner, The Trinity (New York: Herder and Herder, 1970) 21-24
[58] Xem R. Haight, “The Point of Trinitarian Theology,” Toronto Journal of Theology 4(1988)191-204, đặc biệt 201-2 và số 12. Còn có thể lý luận thêm như sau: trừ con số ba của các ngôi vị ra, thì tất cả những gì có thể khẳng định về Thiên Chúa vì lẽ có ba ngôi khác biệt nhau thật sự trong thiên tính của Ngài, thì cũng có thể được khẳng định về Ngài ngay cả trong trường hợp các ngôi vị không khác biệt nhau