CÁC THẦN HỌC GIA DÒNG TÊN THẾ KỶ XX-XXI (TẬP I)
HHTH SỐ 54, NĂM THỨ BA MƯƠI BA (2023)
Ở Tuổi 80, Từ Rôma, Cha Josef Fuchs Vẫn Tiếp Tục Đấu Tranh Cho Lương Tâm
Bernard Lonergan Và Ý Nghĩa Của Kinh Nghiệm
Erich Przywara Và Phương Pháp “Loại Suy Hữu Thể”
Existence As Relationship: Alfred Delp Contra The Totalitarian State
Aloysius Pieris: Lối Nẻo Đối Thoại Và Giải Thoát
James F. Keenan: Nhà Đạo Đức Nhân Đức Học Đương Đại
LỜI NÓI ĐẦU
Kính thưa quý độc giả,
Trong những năm gần đây, sinh viên thần học tại Việt Nam đã và đang tiếp cận với nhiều tác phẩm khác nhau như Dẫn Nhập Kitô Học,[1] Thần Học Luân Lý Căn Bản,[2] Tìm Hiểu Ngũ Thư: Nội Dung và Văn Chương.[3] Ngoài những tác phẩm này, để bổ sung kiến thức, sinh viên thần học có thể tìm đọc những sách được chuyển dịch tốt như Hướng Đến Một Hội Thánh Công Giáo Đích Thực,[4] Lịch Sử Cứu Độ,[5] và Lãnh Đạo Trong Giáo Hội.[6]
Mặc dù những tác phẩm được liệt kê ở trên phong phú về thể loại, người đọc vẫn chưa tìm thấy những cuốn sách giới thiệu về các thần học gia, tác phẩm, và phương pháp suy tư thần học của họ. Khi khám phá những cuốn sách như TwentiethCentury Catholic Theologians: From Neoscholasticism to Nuptial Mysticism[7] hoặc Ressourcement: A Movement for Renewal in Twentieth-Century Catholic Theology,[8] người đọc có cơ hội tiếp cận tư tưởng của các thần học gia như Marie- Dominique Chenu (1895-1990), Henri de Lubac (1896-1991), Edward Schillebeeckx (1914-2009) được trình bày qua phân tích của các chuyên gia thần học đương thời.
Để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu các thần học gia của sinh viên thần học tại Việt Nam, Ban Biên Tập của Hợp Tuyển Thần Học xin giới thiệu đến độc giả số 54 của Hợp Tuyển với tựa đề: Các Thần Học Gia Dòng Tên Thế Kỷ XX – XXI, Phần I. Thực ra, nội dung của tập sách này khiêm tốn hơn nhiều so với tựa đề của nó. Chúng tôi không thể trình bày tất cả những thần học gia Dòng Tên đã từng phục vụ Giáo Hội trong hai thế kỷ XX và XXI. Mục đích của chúng tôi là giới thiệu đến độc giả những thần học gia mà tác giả của các bài viết ngưỡng mộ và đã học rất nhiều từ phương pháp và tư tưởng của họ. Qua đó, độc giả có thể tìm cho riêng mình những vị thầy giúp kiến tạo một hướng đi trong hành trình kiếm tìm Thiên Chúa.
Một cách cụ thể, trong số những thần học gia Dòng Tên được trình bày trong Phần I của Hợp Tuyển 54, sinh viên và giáo sư thần học có thể đã nghe đến những vị như Karl Rahner (1904-1984) và Bernard Lonergan (1904-1984), vốn là những nhà tư tưởng nổi tiếng cùng thời với những thần học gia như Rudolf Bultmann (1884-1976), Hans Urs von Balthasar (1905-1988), Yves Congar (1904-1995), Bernard Häring (1912-1998), và Reinhold Niebuhr (1892-1971). Bên cạnh đó, cũng có những thần học gia khác đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển thần học của Giáo Hội, nhưng tư tưởng của họ dường như chưa được biết đến một cách rộng rãi, nhất là ở Việt Nam. Có thể liệt kê Erich Przywara (1889-1972) và Alfred Delp (1907-1945) như những ví dụ điển hình.
Một cách chi tiết hơn, bài viết của Joseph Nguyễn về Karl Rahner and His Theology sẽ giúp sinh viên thần học nhận ra những đóng góp chính yếu của Rahner trong tương quan với sự phát triển của thần học Công Giáo từ thế kỷ XX đến thế kỷ XXI. Người đọc sẽ thấy triết học siêu nghiệm của Immanuel Kant (1724-1804) và Joseph Maréchal (1878-1944) ảnh hưởng và tác động như thế nào đến tư tưởng và phương pháp thần học của Rahner. Nét độc đáo trong bài viết của Joseph Nguyễn là những phân tích chi tiết về triết lý nhận thức của Kant và phê bình triết lý này dựa trên tư tưởng Tân Tôma của Maréchal để khẳng định rằng phương pháp thần học của Rahner là một tổng hợp đầy sáng tạo và hợp lý từ hai dòng tư tưởng trên. Thêm vào đó, Joseph Nguyễn làm rõ quan điểm của Rahner về một trong những vấn đề phức tạp nhất của thần học tín lý: tương quan giữa ân sủng (grace) và tự nhiên (nature). Ân sủng như cách thức Thiên Chúa mặc khải chính Ngài cho con người là khái niệm trung tâm trong toàn bộ hệ thống thần học của Rahner. Để hiểu Rahner và khởi đầu hành trình khám phá thần học gia này, độc giả có thể đọc những phân tích của Joseph Nguyễn xét như một hướng dẫn đáng tin cậy và rõ ràng về tư tưởng và phương pháp của Rahner.
Bài viết của Fergus Kerr về Bernard Lonergan và Ý Nghĩa của Kinh Nghiệm, do Vũ Uyên Thi chuyển dịch, sẽ giúp độc giả tìm hiểu tư tưởng của Lonergan, người được biết đến trong thế giới học thuật qua những tác phẩm như Insight: A Study of Human Understanding[9] và Method in Theology.[10] Tương tự như bài viết của Joseph Nguyễn về Rahner, Kerr phân tích chi tiết về sự hình thành tư tưởng triết thần của Lonergan, khởi đầu với việc thần học gia tiếp cận những tác phẩm của John Henry Newman (1801-1890), Horace William Brindley Joseph (18671943), và sau đó của Tôma Aquinô (1225-1274) và Joseph Maréchal (1878-1944). Đọc bài viết của Kerr về Lonergan, độc giả sẽ hiểu vì sao Lonergan thường được coi là chuyên gia giải thích về thuyết Tân Tôma siêu nghiệm, nhận ra rằng tư tưởng của một thần học gia được đan kết, mắc nợ, và xây dựng trên nhiều trường phái tư tưởng đi trước họ. Đối với chúng tôi, Kerr đã thành công khi giải thích tư tưởng của Lonergan theo hướng đi của chủ nghĩa duy thực phê bình (critical realism) để giúp một người hiểu về bản chất của nhận thức, và qua đó, trình bày về Thiên Chúa cho con người hôm nay.
Ngoài những thần học gia lớn như Rahner và Lonergan, chúng tôi giới thiệu đến quý độc giả Josef Fuchs (1912-2005), Erich Przywara (1889-1972) và Alfred Delp (1907-1945). Bài viết của James F. Keenan với tựa đề, Ở Tuổi 80, Từ Roma, Cha Josef Fuchs Vẫn Tiếp Tục Đấu Tranh Cho Lương Tâm, do Nguyễn Thanh Hùng chuyển dịch, sẽ cho thấy những đóng góp quan trọng của Fuchs với nền thần học luân lý đương đại. Trong số những đóng góp này, người đọc có thể quan tâm đến suy tư của Fuchs về thẩm quyền tối thượng của lương tâm, thẩm quyền của huấn quyền khi giảng dạy những vấn đề luân lý, và những mệnh lệnh luân lý tuyệt đối. Điểm đặc biệt đối với chúng tôi khi đọc bài viết của Keenan về Fuchs là quyền tối thượng của lương tâm, nơi đó Thiên Chúa mặc khải ý muốn thánh thiêng cho những ai yêu mến và lắng nghe lời Ngài. Keenan viết: “Đối với Thánh Tôma và cha Fuchs, lương tâm là nguồn gốc của mọi trách nhiệm luân lý: nơi đó, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để yêu thương và thăng tiến bản thân, nhờ vậy ta có thể nhận biết được điều cần làm để xây nên đời sống đúng đắn. Trách nhiệm đó tạo cho lương tâm một không gian để lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại lời Ngài.”
Bài viết của Trần Khắc Bá về Erich Przywara và Phương Pháp Loại Suy Hữu Thể trình bày phương pháp của Przywara, với mong muốn giới thiệu đến người đọc một tiếp cận thần học và triết học rất độc sáng vốn đóng vai trò gợi hứng quan trọng cho sự phát triển của thần học ở nửa đầu thế kỷ XX, cách đặc biệt đối với Công Đồng Vatican II. Mục tiêu của Przywara là chứng minh tính hợp lý của thần học tự nhiên, qua đó mở ra hướng bảo vệ và tái trình bày đức tin Công Giáo cách mới mẻ trước thách đố do thay đổi trong nhiều dòng tư tưởng triết thần khác nhau của thời đại. Để theo đuổi mục tiêu này, Przywara biện luận và sử dụng khái niệm “loại suy hữu thể” (analogia entis) của Thánh Tôma Aquinô; nhưng điểm đặc biệt của Przywara là ngài đã đưa khái niệm này, xét ở mô thức cuối cùng của nó, thành nguyên tắc chính của mọi thực tại. Vì thế, theo Przywara, analogia entis trở thành phương pháp tiếp cận hợp lệ nhất đối với mọi thực tại.
Bài viết của Peter Nguyễn về Existence as Relationship: Alfred Delp contra the Totalitarian State giới thiệu đến độc giả một ngôi sao thường bị lãng quên trong truyền thống thần học của Dòng Tên. Peter Nguyễn, một chuyên gia về Delp, giải thích ảnh hưởng của hiện tượng chủ nghĩa toàn trị (totalitarianism), triết lý hiện sinh của Martin Heidegger (1889-1976), Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, và linh đạo về Thánh Tâm Giêsu của Dòng Tên trên sự hình thành suy tư triết học và thần học của Delp. Một trong những đặc điểm của bài viết là những phân tích sâu rộng của tác giả về ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử, chính trị, triết lý, và xã hội của nước Đức vào những năm 1930 và 1940 trên tư tưởng của Delp. Bài viết thuyết phục độc giả rằng suy tư của một người phải được hiểu trong tương quan với bối cảnh mà họ đã sống và kinh nghiệm. Như môn đệ của Đức Kitô trong một xã hội thống trị bởi chủ nghĩa Đức Quốc Xã và triết lý hiện sinh của Heidegger, Delp đã trở nên bạn đường của Đấng Cứu Thế, làm chứng cho tình yêu và sự thật qua những suy tư của mình để nâng đỡ và khích lệ những ai đang sống trong đau khổ, cô đơn, và âu lo của kiếp người.
Ngoài những thần học gia của thế kỷ XX đề cập ở phía trên, chúng tôi giới thiệu đến độc giả hai thần học gia đương đại của Dòng Tên: Aloysius Pieris (1934-) và James F. Keenan (1953-). Cùng với những thần học gia như Michael Amaladoss (1936-) sẽ được trình bày trong Phần II của Hợp Tuyển Thần Học 54, Pieris là một trong những người tiên phong về đối thoại giữa tư tưởng Kitô giáo và tư tưởng Phật giáo. Đối thoại mang tính giải thoát và cứu độ, theo Pieris, không dừng lại ở việc hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận và đón nhận nhau về giáo thuyết, nhưng đối thoại còn gắn liền với một sự dấn thân và hành động thiết thực để biến đổi và thánh hoá đời sống con người. Những ai yêu mến và quan tâm đến đối thoại trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo, đối thoại với người nghèo, và thần học giải phóng tại Á Châu, có thể tìm thấy trong bài viết của Nguyễn Nhất Thắng về Aloysius Pieris: Lối Nẻo Đối Thoại và Giải Thoát một khởi điểm, một hướng đi, và một phương pháp suy tư theo định hướng thần học của Pieris qua những tác phẩm như Love Meets Wisdom,[11] An Asian Theology of Liberation,[12] Fire and Water.[13]
Vị thần học gia sau cùng mà chúng tôi giới thiệu đến độc giả trong Phần I, số 54 của Hợp Tuyển là James F. Keenan, một linh mục Dòng Tên đang giảng dạy tại Boston College, U.S.A. Trần Như Ý Lan, tác giả bài viết về James F. Keenan, Nhà Đạo Đức Nhân Đức Học Đương Đại, trình bày phương pháp suy tư thần học luân lý theo Keenan, người khởi đầu trường phái luân lý đặt nền trên những nhân đức hiện thân nơi con người của Đức Kitô, Đấng là khuôn mẫu của mọi nhân đức. Như trình bày cách thuyết phục bởi tác giả Trần Như Ý Lan, một trong những đóng góp đặc thù của Keenan cho thần học luân lý là việc xác định bốn nhân đức trụ của thời đại như khôn ngoan, trung tín, công bình, và chăm lo bản thân. Đọc bài viết của Ý Lan sẽ giúp độc giả ý thức về tầm quan trọng của các nhân đức trong sự hình thành và phát triển tính cách con người, khuyến khích họ bước vào trong tương quan với tha nhân, đặc biệt với những người ít có tiếng nói trong xã hội.
Chúng tôi hy vọng rằng những nhà tư tưởng Dòng Tên được giới thiệu trong Phần I của Hợp Tuyển 54 sẽ giúp độc giả bước vào hành trình khám phá tri thức qua những phương pháp và định hướng đa dạng của thần học. Qua đó, mỗi người có thể tìm thấy, làm quen, và học hỏi từ những thần học gia đáng kính, những người bạn đường trong Đức Kitô, và những vị thầy khôn ngoan hướng dẫn mình tiến bước trên những lối nẻo của suy tư thần học.
Kính chào quý vị,
Ban Biên Tập Hợp Tuyển Thần Học
Trần Khắc Bá
Trần Thanh Tân
[1] Nguyễn Hai Tính, Dẫn Nhập Kitô Học (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2021).
[2] Nguyễn Đức Thông, Thần Học Luân Lý Căn Bản (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 2019).
[3] Vũ Phan Long, Tìm Hiểu Ngũ Thư: Nội Dung và Văn Chương (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 2021).
[4] Thomas Raush, Hướng Đến Một Hội Thánh Công Giáo Đích Thực, chuyển
dịch bởi Nguyễn Đức Thông (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 2019).
[5] Neal Flanagan, Lịch Sử Cứu Độ, chuyển dịch bởi Võ Đức Minh (Hà Nội: Nhà xuất bản Tôn Giáo, 2022).
[6] Walter Kasper, Lãnh Đạo Trong Giáo Hội, chuyển dịch bởi Ngô Đình Tiến và Nhóm Sao Biển (Đồng Nai: Nhà xuất bản Đồng Nai, 2021).
[7] Fergus Kerr, Twentieth-Century Catholic Theologians: From Neoscholasticism to Nuptial Mysticism (Malden, MA: Blackwell, 2007).
[8] Gabriel Flynn and Paul Murray (eds.), Ressourcement: A Movement for Renewal in Twentieth-Century Catholic Theology (Oxford: Oxford University Press, 2012).
[9] Bernard Lonergan, Insight: A Study of Human Understanding (New York: Philosophical Library, 1957).
[10] Bernard Lonergan, Method in Theology (New York: Herder and Herder, 1972).
[11] Aloysius Pieris, Love Meets Wisdom (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1988).
[12] Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation (Maryknoll, NY: Orbis
Books, 1988).
[13] Aloysius Pieris, Fire and Water (Maryknoll, NY: Orbis Books, 1996).