Hợp Tuyển Thần Học

Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần

Tôi Tin Kính Đức Chúa Thánh Thần

Mục Lục
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh ThầnTôi tin kính Chúa Thánh Thần, Người là Chúa và là Đấng ban sự sống; Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.

Tín điều thứ ba này, cọng với những gì nói lên trong phần cuối của Kinh Tin Kính – tức là niềm tin vào Thiên Chúa Ngôi Ba với thành quả công cuộc cứu độ do Người thực hiện – xem ra, ít là qua cách trình bày, như là một danh sách những chân lý ít liên quan với nhau. Về tín điều thứ ba này và các điểm kế tiếp, những công thức xưa nhất (chừng năm 160) của Kinh Tin Kính chỉ đơn giản ghi: “Tôi tin… Thánh Thần và Giáo Hội Thánh thiện cùng việc tha thứ tội lỗi” (DS 1); ít lâu sau, lại tìm thấy một mảnh papyrus ghi rằng: “Tôi tin… Thánh Thần, xác phàm sống lại, Giáo hội Thánh thiện và công giáo” (DS 2). Công đồng Nixê (năm 325) chỉ ghi: “[Tôi tin]… vào Thánh Thần”; và câu này đã được công đồng Côngxtăntinốp (năm 381) khai triển thành công thức đang dùng ngày nay. Niềm tin vào Thánh Thần phải gắn liền với niềm tin vào Chúa Cha và Chúa Con, bởi đó là yếu tố cấu thành tất yếu của lòng tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ngôi Ba trong Thiên Chúa thực sự không có tên riêng, vì nếu gọi Ngôi Ba là “Thần” thì Cha và Con cũng là Thần, nếu gọi là “Thánh” thì cả Ba Ngôi đều thánh như nhau. Thánh Thần là Thiên Chúa vô hình vô danh, trí óc con người không hình dung ra được. Kinh Thánh gọi Người là Gió (Khí), tiếng Hy lạp là Pneuma, tiếng La tinh là Spiritus, để ám chỉ Người ở mọi nơi như gió, là nguồn sống như khí… Nếu Ngôi Con là “Thiên-Chúa-ở-với-chúng-ta” thì Ngôi Ba là “Thiên-Chúa-ở-trong-chúng-ta”… Nơi Người mầu nhiệm Thiên Chúa đạt tới điểm tế nhị nhất. Như gió Người làm đầy mọi sự, linh động mọi sinh vật, cần thiết và êm dịu, nhưng khi thổi thì không biết từ đâu đến và đi về đâu (x. Ga 3:8).

Thiên Chúa đã từng bước mạc khải mầu nhiềm của mình, một cách tiệm tiến. Trong Cựu Ước, Ruah Giavê, nghĩa là “Thần Khí của Thiên Chúa,” xuất hiện như năng lực sáng tạo (x. St 1:2; Tv 104:30), hoặc như sinh lực linh hứng các lãnh tụ, các tiên tri của Ítraen. Thần Khí ở với những người Chúa chọn vào một nhiệm vụ, như Môsê chẳng hạn (x. Ds 11:25tt); Ngài “xà xuống” một cách lạ thường trên các Thủ lãnh khiến họ có khả đủ năng chu toàn sứ mạng trao phó (x. Tl 3:10; 11:29; 14:6); một khi công tác đã hoàn tất, Thần Khí rời khỏi họ. Các vua được xức dầu, tượng trưng cho việc Thần Khí ở với họ để củng cố uy thế của họ (x. Sm 16:13). Đặc biệt, các tiên tri cảm thấy Thần Khí tác động, chi phối để họ loan báo lời Chúa, chẳng hạn như trong các trường hợp của Isaia (48:16; 61:11, v.v.), Êdêkien (2:2; 11:5, v.v.), Mikha (3:8) v.v. (x. “bàn tay” của Chúa: Is 8:11; Gr 1:9; Êd 3:14). Thần Khí sẽ xuống trên Đấng Xức dầu (x. Is 11:2), và cả trên dân tộc Ítraen (x. Ge 2:28-29) để cho thấy là Chúa ở với họ (Ex 39:29). Trong toàn bộ Cựu Ước, Thần Khí và Lời Chúa đi đôi, như hai “bàn tay” của Đức Giavê hoạt động để thực hiện kế hoạch của Người.

Tân Ước trình tả Thánh Thần rõ hơn. Trước hết là Thần Khí của Ðức Kitô. Đấng Kitô đến để “thanh tẩy qua Thần Khí và lửa” (Mt 3:11), và khi Ngài chịu phép rửa của Gioan, Thần Khí xuống trên Ngài như chim bồ câu (x. Mc 1:10) và dẫn dắt Ngài trong khi thi hành tác vụ (x. Lc 4:1.14, v.v.). Sau Phục sinh, Thánh Thần được mạc khải rõ ràng hơn nữa. Ðức Kitô gửi “Đấng Bảo trợ khác” đến với Giáo hội để dẫn đưa các môn đồ tới sự thật toàn vẹn (x. Ga 14:19; 16:13, v.v.). Ngày lễ Ngũ tuần, Thánh Thần hiện xuống trên Giáo hội sơ khai và khai mở thời đại của Thần Khí giữa lòng lịch sử (x. Cv 2). Tựa như kitô học (môn tìm hiểu về Đức Giêsu-Kitô) là kết quả của suy tư về kinh nghiệm các môn đồ có đối với Đức Kitô (trước và sau khi sống lại), thần khí học là kết quả của kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai về Thần Khí. Thần Khí sai Giáo hội đi cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1:8) và tuyển chọn những thừa sai, như Philipphê (x. Cv 8:26.29tt), Phêrô (x. Cv 10:20), Phaolô và Bácnaba (x. Cv 13:2.4), v.v. Thần Khí hướng dẫn họ (x. Cv 16:6tt), và hoạt động như bạn đồng hành của họ (x. Cv 13:52). Nếu Ngôi Hai hoạt động cách hữu hình nơi Đức Giêsu, thì Ngôi Ba tác động cách vô hình và luôn luôn như thế nơi các thừa tác viên.

Thánh Phaolô Phác Họa Thần Học Về Thần Khí

Thánh Phaolô đã viết nhiều về Thần Khí. Đó là kết quả rút ra từ kinh nghiệm bản thân và từ kinh nhgiệm trong các cộng đồng kitô mà ngài đã thiết lập. Được Thần Khí chọn làm thừa sai (x. Cv 13:2), Phaolô cũng cảm thấy được Ngài chỉ định cho cả môi trường hoạt động (x. Cv 16:6-7) và nâng đỡ ủi an trong những lúc gian truân (x. Cv 13:52). Phaolô kể ra các đoàn sủng hoặc đặc ân của Thần Khí mà Giáo hội cảm nghiệm được (x. 1Cr 12), và chính ngài cũng đã đuợc lãnh nhận dồi dào các đoàn sủng ấy (x. Rm 8:11tt; 1Cr 2:12; Gl 4:6; v.v.).

Thần Khí đã làm cho Chúa Kitô từ cõi chết sống lại (x. Rm 1:4; thánh Phêrô cũng kể rõ như thế: 1Pr 3:18), vì thế được gọi là “Thần Khí tác sinh” (1Cr 15:45; 2Cr 3:6). Trong công trình cứu độ, Thần Khí đồng nhất hóa mình với Đức Kitô mật thiết đến độ cả hai xem ra như là một, khiến Phaolô có thể nói: “Chúa [Kitô] là Thần Khí” (2Cr 3:17). Qua Đấng Phục sinh, Thần Khí đã thâm nhập vào trong vũ trụ, khai mở thời đại mới và khởi động cuộc ‘thần hóa’ toàn bộ tạo vật: công trình của Đức Kitô và của Thần Khí chỉ là một. Danh hiệu mới của Thánh thần là “Thần Khí của Đức Kitô”, vì Người ở trong Ðức Kitô và nhờ Ðức Kitô mà đến với chúng ta (x. Rm 8:9; Pl 1:19; 1Pr 1:11). Nhưng, chính nhờ Thần Khí mà mọi người có được quan hệ với Ðức Kitô; thánh Phaolô nói rõ: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giêsu là đồ khốn kiếp!’ Cũng không ai có thể nói rằng ‘Đức Giêsu là Chúa’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1Cr 12:3).

Thần Khí là động lực của Nhiệm thể, và cụ thể hơn, là năng động lực thiêng liêng nơi mỗi tín hữu: nhận ra được có thể nói là dễ dàng qua các đoàn sủng, như ơn nói tiếng lạ hoặc ơn chữa lành (x. 1Cr 12:28tt; 14:12), hoặc qua những ân huệ cao quý hơn, như là lòng tin, cậy, mến (x. 1Cr 12:31); nhưng tất cả đều phải quy vào việc góp phần xây dựng Hội Thánh. Hơn nữa, Thần Khí không phải là một điều, một sự, song là một kẻ, là một Vị cư ngự trong chúng ta (x. Rm 8:11), làm chứng cho chúng ta biết mình là con Thiên Chúa (x. Rm 8:16), cầu thay nguyện giúp cho chúng ta (x. Rm 8:26), và làm chúng ta mạnh dạn kêu lên, “Abba, Cha ơi!” (Gl 4:6). Thần Khí gầy dựng nên một tình trạng thiêng liêng mới: đánh tan sợ sệt, bối rối vì số phận, Thần Khí ban cho bình an và hạnh phúc (x. 1Tx 1:6; Gl 5:22tt); thay vào chỗ phải gánh chịu ách tôn giáo cũ, Thần Khí ban cho một đời sống mới trong tự do và công chính (x. 1Cr 3:17; Rm 7:18.25; 8:2.4), khiến chúng ta lột bỏ cách cử sự hư đốn mà sống nhờ các “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5:18-23). Tuy nhiên, bây giờ Thần Khí chỉ ban cho các “ân huệ mở đầu” (Rm 8:23) hoặc tiền vị làm “bảo chứng” (2Cr 1:22) cho những ân huệ tuyệt đối sau này. Ở đời này, Thánh Thần củng cố tín hữu đang phải liên tục chiến đấu chống những “yếu tố thế giới”, chống lại nhục dục, chống lại “con người cũ”; “nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5:25).

Tạo vật mới do Thần Khí sinh ra là Hội Thánh, và những đoàn sủng Thần Khí ban ra đều tất thảy nhằm vào việc xây dựng Giáo hội (x. 1Cr 12:7; 14:4). Mỗi thành phần trong Giáo hội là đền thờ Thiên Chúa, nơi Thánh Thần Thiên Chúa ngự (x. 1Cr 3:16), và tất cả đều “được xây dựng cùng với những người khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí” (Ep 2:23). Thánh Thần là tác viên của muôn vàn khác biệt phong phú trong Hội Thánh, mà cũng là Đấng tác thành mối hiệp thông và thống nhất (x. 1Cr 12:13), bởi Ngài là Thần Khí liên hợp (x. Ep 4:3; Pl 2:1), nhất là Thần Khí tình yêu (x. 1Cr 13); thế nên, cần phải một mực giữ vững thâm tín này là “chỉ có một thân thể, chỉ có một Thần Khí… một niềm hy vọng, một Chúa [Kitô], một niềm tin, một phép rửa, một Thiên Chúa…” (Ep 4:4).

Vì là Thần Khí của Thiên Chúa, nên Người hằng dẫn đưa tín hữu đến với Thiên Chúa: Thần Khí mạc khải cho ta những gì sâu thẳm nơi Thiên Chúa (1Cr 2:10tt) và dạy ta gọi Thiên Chúa bằng Cha (Rm 8:15; Gl 4:6). Nếu có ai được thánh hóa, thì đó là nhờ Thánh Thần; nếu có ai được cung hiến cho Thiên Chúa, thì đó là nhờ Thần Khí; và cũng nhờ Thần Khí mà con người nhận được ơn làm nghĩa tử của Chúa Cha (x. Rm 8:14-16; Gl 4:5). Tựu trung, hết mọi quan hệ mà cá nhân và Giáo hội có đối vối Thiên Chúa hoặc đối với Ðức Kitô thì đều là nhờ Thánh Thần.

Thánh Thần Là Thiên Chúa

Danh tước “theos=Thiên Chúa” Tân Ước thường dùng để ám chỉ đến Chúa Cha; chỉ có một ít lần là để chỉ về Ðức Kitô; còn đối với Thần Khí thì chẳng bao giờ Tân Ước dùng danh tước ấy. Lý do là vì cần phải bảo toàn cho trọn vẹn không những đức tin, mà cả lề lối truyền thống qua đó đức tin được biểu đạt nữa; mà truyền thống thì chỉ gọi Đức Giavê là “Thiên Chúa”, tức là Cha của Chúa Kitô. Dần dần, từ “theos= Thiên Chúa” đã được hiểu rõ hơn, đã lộ hiện phong phú hơn để có thể phần nào nói lên mầu nhiệm Thiên Chúa như Ðức Kitô đã tiết lộ: Thiên Chúa Ba Ngôi. Liên quan đến điểm này, cuộc tranh luận về vấn đề dùng từ đã kéo dài cho đến thế kỷ 5, đặc biệt là tại các vùng thuộc ảnh hưởng tiếng Hy lạp.

Tuy nhiên, trong ánh sáng mầu nhiệm Ðức Kitô, Tân Ước có thể giúp cho khám phá Thần Khí là ai. Đức Giêsu đã hứa với các tông đồ là sẽ phái đến với họ một “Bảo trợ khác” (Ga 14:16), tức là một Đấng khác giống như Ðức Kitô. Vậy, như Đức Giêsu đã nói: “Không ai biết Cha trừ ra Con” (Mt 11:27), vì cả hai là đồng bản tính, thì cũng thế, thánh Phaolô cho biết rằng “Thần Khí thấu suốt những gì sâu thẳm của Thiên Chúa” (1Cr 2:10tt), mà chỉ một mình Thiên Chúa mới biết được. Thế nên, nếu Ðức Kitô là Thiên Chúa thì Thần Khí cũng vậy. Việc công chính hóa, thánh hóa, thần hóa – là việc không ai làm được ngoài chính Thiên Chúa – được Tân Ước quy cho Chúa Cha, cũng như cho Ðức Kitô hoặc cho Thần Khí; đó là kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai. Vì thế, có những bản văn đặc thù được gọi là “công thức Tam Vị”, như chẳng hạn lời chào của Phaolô: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa [Cha], và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (1Cr 13:13); hoặc rõ ràng hơn nữa là công thức Thánh tẩy: “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28:19). Theo đó, thì hẳn là Ba Vị ấy ngang hàng với nhau. Xem ra cả hai công thức đều được rút ra từ phụng vụ, nghĩa là Giáo hội hằng cầu nguyện và tin như vậy.

Dựa sát theo giáo lý về Đức Kitô, Giáo hội đã suy tư về Thánh Thần. Sau khi đối phó xong với lạc giáo Ariô (công đồng Nixê, n. 325), các giáo phụ đã phải đối diện với những hình thức lạc giáo về Thánh Thần (macedoniani, pneumatomachi…) xuất hiện vào giữa thế kỷ 4. Những lạc phái này chủ trương Thần Khí chỉ là một tạo vật của Ngôi Lời hoặc một hữu thể trung gian giữa Thiên Chúa và vũ trụ. Công đồng Côngxtăntinốp (năm 381) đã triển khai tín biểu của Nixê với câu: “Người là Chúa và là Đấng ban sự sống. Người phát xuất từ Chúa Cha. Người cùng được phụng thờ và tôn vinh với Chúa Cha và Chúa Con. Người đã dùng các ngôn sứ mà phán dạy.” Nghĩa là Người có những thuộc tính của Đức Giavê: Chúa và ban sự sống (nghĩa là thần hóa). Nhìn lại quá khứ, sẽ thấy là Người đã dùng các tiên tri mà phán dạy. Giáo hội lý luận rằng nếu Thần Khí làm công việc của riêng một mình Thiên Chúa, thì ắt Người là Thiên Chúa! Vì thế, bổn phận của Hội Thánh là cùng phụng thờ và tôn vinh Thần Khí với Ngôi Cha và Ngôi Con. Dựa theo lối suy luận của thánh Athanasiô Alêxanđría, ba giáo phụ Capađôcia (Basiliô, Grêgôriô Nadiăndô và Grêgôriô Nissa) kết luận rằng: vì thần hóa chúng ta cho nên Người vốn có thần tính. Dựa theo chứng từ Kinh Thánh và kinh nghiệm Giáo hội, thánh Basiliô viết: “Vì Cha, Con và Thánh Thần có cùng một hoạt động, cho nên Ba Vị đều có cùng một bản tính tuyệt đối như nhau.” Bên Phương tây thời xưa, chẳng có lạc giáo nào phủ nhận thiên tính của Thánh Thần.

Nhiệm Xuất

Trong Kinh Tin Kính Nixê-Côngxtăntinốp (như thấy hát hoặc đọc trong lễ Thánh Lễ bên Phương tây) có một cụm từ đã và đang làm đầu đề cho nhiều vụ tranh luận giữa Đông và Tây phương, đó là: “Người phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con,” và đặc biệt là từ Filioque (“và Con”). Số là Đông phương nói tiếng Hy lạp thường tỏ ra rất nhạy cảm đối với việc dùng từ; trong khi bên Tây phương nói tiếng La tinh, thì lại chú ý đến nghĩa ngữ nhiều hơn là từ vựng. Kinh Tin Kính đã dùng cụm từ Hy lạp “Người (Thần Khí) phát xuất từ Chúa Cha” đúng như câu15:26 trong Phúc âm Gioan; do đó, thần học chính thống kết luận rằng Thần Khí phát xuất chỉ từ một mình Chúa Cha. Thần học La tinh thì cho là chính Phúc âm của Gioan cũng ghi rằng: “Tôi [Ðức Kitô] sẽ sai [Thần Khí]…” và hiểu theo cách liên kết “sự sai” với “sự ra từ…” để kết luận: Cha sai Con vì Con từ Cha mà ra, thì cũng vậy Con sai Thần Khí vì Thần Khí cũng từ Con mà ra. Vì thế, công đồng Tôlêđô 3 (n. 589) hoặc – theo ý kiến khác – công đồng Braga (n. 675), đã soạn tín biểu có cụm từ “và từ Chúa Con” (filioque). Sau đó, khoảng năm 800, hoàng đế Charlemagne đã cho hát Kinh Tin Kính với filioque, khiến Đông phương lên tiếng tố cáo là sai luật hoặc, tệ hơn nữa, là lạc giáo. Vì muốn hòa giải, Giáo hoàng Lêô II (795-816) đã không chấp nhận để cụm từ ấy vào trong tín biểu; nhưng đế quốc Pháp và sau đó Tây phương vẫn giữ. Vấn đề quả là quá tế nhị; dù sao, đó cũng là mầu nhiệm trí khôn loài người không hiểu thấu nổi; nhưng vì lẫn lộn với những lý do chính trị, thế nên, cho đến nay, Chính thống giáo vẫn còn tiếp tục cãi vã.

Con người chỉ được biết Thiên Chúa qua công trình Người thực hiện trong lịch sử cứu độ, mà mạc khải vén mở cho thấy. Vì thế, thần học Tây phương thường nói đến quan hệ giữa một bên gọi là “Tam Vị trong kế hoạch cứu độ” (economic Trinity) và bên kia gọi là “Tam Vị nội tại” (immanent Trinity). Sứ mệnh của Chúa Con và sứ mệnh của Thần Khí được coi như phản ánh việc xuất phát của hai Vị ở trong Thiên Chúa Ba Ngôi. Nếu Cha sai Con, thì tất nhiên Cha là nguồn xuất phát của Con. Cũng vậy, vì Cha và Con sai Thần Khí nên có thể nhận ra được Cha và Con là nguồn xuất phát của Thánh thần; đành là mỗi Ngôi – trong hai Ngôi, Hai và Ba – xuất phát theo một cách. Giữa thế kỷ 4, thánh Ephrem, người Xiry, đã sáng tác ca vịnh hát rằng “Chúa Cha là Đấng sinh, Chúa Con là Đấng được sinh, và Thánh thần phát sinh từ Cha và Con.” Thánh Epiphanius (giám mục đảo Sýp, năm 374) viết: “Chúa Cha hiện hữu vô thủy vô chung; Thần Khí (pneũma) được ‘thổi’ ra từ Cha và Con; Chúa Con và Thần Khí đều là phi tạo…” Còn thánh Xyrillô, thượng phụ Alêxănđria (khoảng năm 425), thì giải thích: “Bởi vì Thánh Thần đến cùng ta để biến ta nên ‘đồng hình’ với Thiên Chúa, và từ Cha và Con mà xuất phát, thế nên rõ ràng Người thuộc bản tính Thiên Chúa…” Ôrigênê (khoảng năm 230) dùng công thức nói là Thần Khí bởi Cha qua Con mà ra. Cách nói này được các giáo phụ Capađôxia nhắc đến, chẳng hạn Basiliô (năm 375) đã viết: “Sự thiện bẩm sinh, sự thánh tự bản tính và chức phẩm vương giả xuất phát từ Chúa Cha lưu thông qua Con Một để chuyển sang Thần Khí. Như vậy chúng ta tuyên xưng lòng tin vào các Ngôi Vị, mà tín điều đáng kính về một Thiên Chúa duy nhất vẫn nguyên vẹn, không sụp đổ.” Tóm tắt giáo huấn của các giáo phụ về điểm này, thánh Gioan thành Đamát (khoảng năm 750) viết: “Thần Khí được gọi là ‘của Con’, không phải vì bởi Con song vì qua Con, tức phát xuất từ Cha qua Con.” Công đồng Vaticanô II cũng biểu đạt như vậy trong Sắc lệnh về Truyền giáo khi nói: “bởi Cha và nhờ Chúa Con mà phát xuất Chúa Thánh Thần” (AG 2). Tựu trung, hai cách nói có cùng một ý nghĩa và có thể được dùng thay thế cho nhau. Trong công đồng Firenze (1438-1445) thượng phụ Côngxtăntinốp, Giuse II, và hoàng đế Gioan VIII đã chấp nhận giáo lý Tây phương; nhưng sau đó Thổ nhĩ kỳ chiếm đóng Côngxtăntinốp và bổ nhiệm một thượng phụ khác; vị này từ chối không nhận công đồng.

Hiện nay, cuộc đối thoại đại kết với Chính thống lại phải đối diện với vấn đề gai góc này. Trên nguyên tắc, hai bên đồng ý có đức tin như nhau. Sách Giáo Lý Công giáo bàn về hai cách biểu đạt điểm giáo lý: “Hai truyền thống đều chính đáng và bổ sung cho nhau. Nếu chúng ta đừng quá nhấn mạnh về một phía nào, thì cả hai cùng tin như nhau về thực tại mầu nhiệm được tuyên xưng.” (số 248). Giáo hội công giáo mềm dẻo hơn, vì thế, lúc cử hành phụng vụ với giáo chủ Đông phương, Đức Gioan Phaolô II đã không đọc “và Con” trong Kinh Tin Kính. Văn kiện Dominus Jesus (06.08.2000) cũng đã không ghi Filioque vào trong Kinh Tin Kính. Hai bên Đông tây đều đồng ý Thánh thần là Thiên Chúa “đồng bản tính với Đức Chúa Cha” như Ngôi Con, dù Kinh Tin Kính không nói vậy; cả hai bên đều khẳng định “nguồn” của Thần Khí chỉ là một (Cha + Con chỉ là một “nguồn”), mà Chúa Cha là “nguồn” tuyệt đối của mọi sự trong Thiên Chúa; cả hai phía cùng tin là mọi hoạt động “hướng ngoại” của Thiên Chúa đều do cả Ba Ngôi cùng thực hiện.

Các Danh Hiệu của Thánh Thần

Giêsu là tên riêng của Ðức Kitô và đủ để cho hiểu căn tính nhân loại của Ngài; nhưng khi đi sâu hơn vào căn tính trong mầu nhiệm Thiên Chúa thì Ngài đã tự xưng là “Con” và qua đó cho thấy mối tương quan với “Cha”. Nhưng vì ý nghĩa về “Cha-Con” rốt cuộc cũng chỉ được hiểu qua một thứ ẩn dụ; thế nên Kinh Thánh gọi hai Ngôi, Cha và Con, bằng nhiều tước hiệu để cố trình giải sâu rộng hơn về căn tính ấy. Còn Ngôi Ba thì không có tên riêng, cho dù Tân Ước có dùng – và dùng nhiều nhất là – từ ghép “Thánh Thần” để chỉ về Ngài. Như thế chính là vì Ngôi Ba huyền nhiệm nhất, vừa vô hình vừa vô danh, nên cần phải dùng đến nhiều ẩn dụ để thử giải thích căn tính và vai trò của Ngài. Thánh Phaolô dùng nhiều đến tước hiệu Thánh Thần, nhưng cũng thêm một cụm từ khác để bổ túc ý nghĩa: Thần Khí của sự thánh thiện (x. Rm 1:4), Thần Khí của lời hứa (x. Gl 3:14; Ep 1:13), Thần Khí của nghĩa tử (x. Rm 8:15; Gl 4:6), Thần Khí của Thiên Chúa (x. Rm 8:9.14; v.v.), Thần Khí của Chúa (x. 2Cr 3:17), Thần Khí của Ðức Kitô (x. Rm 8:11); thánh Phêrô thì nói về Thần Khí của vinh quang (x. 1Pr 4:14); thư Do thái lại nói đến Thánh Thần hằng hữu và Thần Khí của ân sủng (x. Dt 9:14; 10:19); còn thánh Gioan thì gọi Ngài là Thần Khí của chân thật (x. Ga 14:17; 15:26; 16:13). Những từ chỉ “phẩm chất” này giúp cho hiểu về căn tính phong phú của Ngôi Ba, nhờ nhìn vào tương quan Ngài có với hai Ngôi Cha và Con, hoặc nhìn vào sứ mệnh của Ngài trong kế hoạch cứu độ (x. Giáo lý, số 694-701).

Thử xem một số những danh hiệu:

— Gió hoặc hơi là hình bóng ngay từ lúc đầu Kinh Thánh đã dùng để ám chỉ tới hoạt động của “Thần Khí Giavê”. Cả trong tiếng Hipri (ruah) lẫn trong tiếng Hy lạp (pneũma) đều có nghĩa đen là gió. Gió mạnh như lúc sáng tạo (x. St 1:2) hoặc khi rẽ biển Đỏ (x. Xh 14:21) là hình ảnh tượng trưng cho Đấng Toàn năng trong việc thể hiện kỳ công của Người; còn gió nhẹ thì chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa nhân hậu, như tiên tri Êlia đã từng cảm nghiệm (x. 1V 19:13). Kinh Tin Kính gọi Thần Khí là “Đấng ban sự sống,” như được biểu trưng qua hơi Thiên Chúa thổi vào mũi Ađam (x. St 2:7), hoặc gió thổi trên các xương khô như thấy trong thị kiến của Êdêkien (Êd 37). Thiêng liêng hơn, Ðức Kitô so sánh Thần Khí với gió, khi giải thích cho Nicôđêmô về mầu nhiệm tái sinh nhờ Thánh tẩy (x. Ga 3:8). Vào hồi sáng tạo thế giới mới – tức là Hội Thánh – Thần Khí được mạc khải như “gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ tụ họp” khiến các tông đồ trở nên mạnh mẽ, can đảm đứng lên loan báo Tin mừng cho muôn dân (x. Cv 2:2). Gió là biểu tượng thích hợp nhất để giới thiệu Thần Khí, là “Thánh phong”, là Thánh thần, là yếu tố vô hình mà ngày xưa người ta không hiểu ra, nhưng ai nấy đều biết là cần thiết bậc nhất. Muốn cụ thể miêu tả điểm này, Chúa Phục Sinh đã “thổi hơi vào các tông đồ và bảo: ‘Hãy nhận lấy Thánh Thần’.” (Ga 20:22). Ngoài Thánh Thần, chẳng có “sinh khí” nào khác cho đời sống tôn giáo đạo đức; vì vậy, Ngài được gọi là “linh hồn” của Giáo Hội.

— Parácletos – có nghĩa là Bảo trợ, Trạng sư, Bào chữa… – là danh tước mà thánh Gioan dùng (x. Ga 14:16.26; 15:26; 16:7) để gọi Thần Khí; nhưng đó cũng là từ dùng để chỉ về tác vụ của Đức Kitô Giêsu (1Ga 2:1). Như sinh thời dương thế, Đức Giêsu đã dạy dỗ, nâng đỡ, ủi an, v.v. các môn đệ cách hữu hình, thì bây giờ Thần Khí cũng thực thi tác vụ ấy trong Giáo hội cách vô hình. Người dạy cho Giáo hội thấu hiểu chân lý (x. Ga 16:13) và biết cầu nguyện (x. Rm 8:26). Người là trạng sư của tín hữu bị điệu ra tòa, bị áp bức (x. Mt 10:20). Người an ủi các tông đồ bị ngược đãi, bị trục xuất (x. Cv 13:52); đó là kinh nghiệm mà hàng ngàn vạn thừa sai đã sống qua, đã cảm nghiệm suốt dòng lịch sử. Theo Gioan, Parákletos, trạng sư, là bên nguyên cáo, sẽ “truy tố” thế gian vì đã không tin vào Đức Kitô (x. Ga 16:8tt); và cũng theo Gioan, Parákletos, Thần Khí, rõ là một ngôi vị, một “Đức Giêsu Kitô khác”, bởi trong Giáo hội, Ngài đóng giữ những vai trò Đức Giêsu đã đóng giữa nhóm các tông đồ.

— Nước, như hơi như khí, tượng trưng cho sự sống. Trong Cựu Ước, nước là một yếu tố mang ý nghĩa song đôi: nơi biển Đỏ, nước cứu thoát dân Ítraen nhưng lại tiêu diệt bính mã Ai cập. Từng sống qua kinh nghiệm sa mạc khô cằn, Ítraen coi nước như nguồn sống. Thánh vịnh 1 ví người công chính như cây trồng bên dòng nước; vì thế, ngôn sứ Êdêkien hình dung những ơn lành ban xuống tràn làn của thời cứu độ như con suối từ Đền thờ chảy ra (x. Êd 47). Lời hứa về ơn cứu độ thường liên kết nước với Thần Khí: “Ta sắp đổ mưa xuống những vùng hạn hán và cho suối chảy trên mảnh đất khô cằn; trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ Thần Khí” (Is 44:3). Tân Ước cho thấy nước và Thần Khí xuất hiện chung với nhau: lúc Đức Giêsu chịu phép rửa (x. Mc 1:10); cả hai, nước và Thần Khí, cấu thành bí tích Thánh tẩy (x. Ga 3:5), mang lại sự sống siêu nhiên. Đặc biệt, phúc âm Gioan dùng nước làm biểu tượng cho Thánh Thần, như thấy qua câu Đức Giêsu nói với phụ nữ Samari: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban và ai là người nói với chị: ‘cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị đã xin và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống” (Ga 4:10). Thật vậy, sinh khí thần thiêng tuôn chảy từ “nguồn nước trường sinh” nơi Đức Kitô dẫn đưa các tín hữu đến (x. Kh 7:17). Mà nước ấy chảy ra từ Chúa Kitô (x. Ga 19:34); hiện giờ, Ngài vẫn tiếp tục kêu mời: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống”; Thần Khí sẵn có đây cho những ai khát khao tìm Ngài. Mệnh phận của Giáo hội cốt tại điểm này: đã khát như thế, Giáo hội trở thành “dòng nước hằng sống” cho nhân loại (Ga 7:37-38). Vậy, “nước hằng sống” chảy ra, trước hết là từ trái tim của “Con Chiên vượt qua” trên thập giá, nước (Thần Khí) với máu (cứu chuộc), và cả hai đều bởi Chúa Kitô mà ra (x. 1Ga 1:7). Hãy lắng tai nghe: “Thần Khí và Tân nương [Hội Thánh] nói: … Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền” (Kh 22:17).

— Xức dầu là một dấu hiệu chứa đầy ý nghĩa. Kinh Thánh cho thấy: ai được xức dầu là người ấy được chọn làm tư tế, lãnh tụ hay ngôn sứ. Như thế mới thấy qua viêc xức dầu, Thần Khí ban ơn đặc biệt, ban cho khả năng cần thiết để hoàn thành sứ mạng. Được xức dầu là trở thành “messiah”, “kitô”, là được Thiên Chúa săn sóc đặc biệt: “Đừng đụng tới những kẻ Ta xức dầu tấn phong, chớ làm hại các ngôn sứ của Ta” (Tv 105:15). Đức Giêsu là người được Thánh thần xức dầu một cách tuyệt diệu và độc đáo: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4:18). Các kitô hữu cũng được thông phần vào ơn xức dầu ấy, như thánh Phaolô xác quyết: Thiên Chúa “đã xức dầu cho chúng ta… cũng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1:21-22). Thánh Gioan giải thích: “dầu” ấy là “Thần Khí chân lý” mà Ðức Kitô gửi đến để dạy dỗ cho chúng ta về mọi sự: “mà dầu ấy dạy sự thật chứ không phải sự dối trá” (x. 1Ga 2:27). Do đó, công đồng Vaticanô II nhận định rằng các kitô hữu “nhờ ơn tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chỗ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động họ dâng hy tế thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Ngài” (LG 10), tức là nhận được ơn tư tế chung và ngôn sứ. Hơn nữa, bởi được Thần Khí xức dầu, tín hữu được thông dự vào đặc ân “không sai lầm trong đức tin” (LG 12); đó là cơ sở của quyền giáo dân có trong việc giảng dạy giáo lý giữa lòng Hội Thánh.

— Lửa tượng trưng đặc biệt cho Thần Khí, vì ngày Ngũ tuần, Ngài ngự xuống trên các tông đồ qua hình lưỡi lửa (x. Cv 2:3-4). Là biểu tượng trong nhiều văn hóa và tôn giáo, lửa ám chỉ cho ánh sáng, cho năng lực biến đổi và hủy diệt của giới thần thiêng. Thiên Chúa xuống trên núi Sinai trong lửa cháy và dùng cột lửa mà dẫn đưa dân Ítraen đi trong hoang địa. Trên bàn thờ, lửa biến một điều phàm tục thành lễ vật thánh dâng lên Chúa. Lửa cũng tượng trưng cho quyền năng của lời Chúa như thấy được khi tiên tri Êlia “đứng lên như một ngọn lửa và lời nói của ông bốc cháy như một bó đuốc” (Hc 48:1). Giống như Êlia, xuất hiện Gioan Tẩy giả; chính Gioan loan báo Ðức Kitô “sẽ làm phép Rửa trong Thánh Thần và trong lửa” (Lc 3:16); nước và lửa thanh lọc và làm cho tâm hồn tinh sạch. Thừa tác viên nhận được ân huệ đặc biệt của Thần Khí nên “phải – không ngừng – làm cho bừng lên” (x. 2Tm 1:6); và thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải sống làm sao để: “đừng dập tắt Thần Khí” (1Tx 5:19). Lửa cũng tượng trưng cho việc phán xét, cho ánh sáng phân định; thánh Phaolô báo trước: “Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc của mỗi người, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người” (1Cr 3:13). Nhờ ánh sáng Thần Khí, chúng ta có thể thấu biết mình và phân định nơi lòng mình, những gì thiên về thế tục, những gì hướng tới trời cao. Thánh Gioan cũng khuyên: “Anh em thân mến… hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả…” (1Ga 4:1) …“các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian” (Ga 4:5). Trong những giai đoạn khủng hoảng tôn giáo hay văn hóa, Giáo hội – một cách thiết bách – cần nhờ đến Thần Khí sự thật để mà cân nhắc cho rõ những trào lưu, những chủ nghĩa, v.v.

— Tình yêu là danh hiệu truyền thống đặc biệt dành cho Ngôi Ba. Thánh Gioan cho biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4:8), vì thế, thần học hiểu tình yêu là thuộc tính chung của cả Ba Ngôi; tuy nhiên, vì Thánh Thần được gọi là “lửa”, là “ân huệ”, là “dây nối kết Cha và Con”, nên cũng được coi như bản thể của tình yêu Thiên Chúa. Suy về mầu nhiệm xuất phát, tức yếu tính của Thần Khí, Tôma Aquinô thấy rằng: “Tình yêu là lý do của ân huệ ban ra nhưng không. Trước khi trao ban một ơn, thì chúng ta đã mến yêu; vì vậy, tình yêu là ân huệ đầu tiên… Do đó, vì xuất phát như Tình yêu, nên Thánh Thần cũng xuất phát như Ân huệ đầu tiên” (Tổng luận thần học I, q.38, a.2). Trước đó (Ibid. I, q.37), thánh tiến sĩ đã cắt nghĩa Ngôi Ba là Tình yêu vì từ tình yêu của Cha và Con mà xuất phát. Trình bày về tình yêu Thiên Chúa cho các tín hữu, thánh Phaolô đã viết: “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban [=ân huệ] cho chúng ta” (Rm 5:5); vì vậy, “tình yêu của Thánh Thần” là dây liên đới giữa các tín hữu (x. Rm 15:30), nhất là vì tình yêu là đoàn sủng số một của Thần Khí và như là “linh hồn” của mọi nhân đức khác (x. 1Cr 13). Hoa quả đầu tiên của Thần Khí trong ta là tình yêu (x. Gl 5:22). Không ai là không đồng ý tình yêu là trọng tâm của Kitô giáo (x. Mt 7:12; Ga 13,v.v.), và tình yêu là ơn Thiên Chúa ban nhờ Thần Khí; cho nên cần phải dành cho Ngài một chỗ đứng tương xứng trong đời sống công và cũng như tư.

— Ân huệ đi đôi với tình yêu. Khi nói chuyện với phụ nữ Samari, Đức Giêsu đã gợi lên lòng ao ước đối với “ân huệ của Thiên Chúa” cũng là “nước hằng sống” (x. Ga 4), tức là Thần Khí. Kế hoạch cứu độ cốt tại ý định của Thiên Chúa muốn tự trao ban chính mình cho nhân loại; nhưng các công trình của Thiên Chúa thì đều thành tựu nơi Thánh Thần. Hướng nội, Thần Khí là tình yêu tương hỗ giữa Cha và Con; hướng ngoại, Thần Khí là ơn tuyệt đối Thiên Chúa ban cho chúng ta. Suy về mầu nhiệm này, thánh Âugutinô đưa ra kết luận: “Trong vĩnh cửu, Thánh Thần là ân huệ (donum), trong thời gian, Ngài là ơn ban ra (donatum).” Thánh Luca hiểu Thần Khí là tổng hợp hết mọi ơn Thiên Chúa ban ra: khi Đức Giêsu dạy kinh “Lạy Cha” và khuyên nài xin hoặc ao ước những gì cần thiết, Ngài nhấn mạnh rằng: “Chúa Cha trên trời sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11:13). Thần Khí là ân huệ tiêu biểu nhất Thiên Chúa hứa (x. Cv 1:4) và ban qua phép Rửa, như Phêrô đã khuyến dụ: “Anh em hãy sấm hối và mỗi người hãy chịu phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô… và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2:38; x. 10:45). Vì Thần Khí là “Thiên Chúa-Ân huệ”, nên mọi ơn khác, mọi đặc sủng trong Giáo hội đều nhờ Thần Khí duy nhất mà có (x. 1Cr 12:4). Trong thông điệp Dominum et vivificantem (Chúa và là Đấng ban sự sống, 1986) về Thánh Thần, Đức Gioan Phaolô II đã viết: “Tình yêu của Chúa Cha là ân huệ vô biên, là nguồn sự sống, đã xuất hiện hữu hình nơi Đức Kitô, và nơi nhân tính Ngài, đã trở nên ‘thành phần’ của vũ trụ, của nhân loại và của lịch sử. Ân sủng đã ‘hiển hiện’ trong lịch sử nhờ Đức Giêsu Kitô, mà đó là công việc của Thánh Thần vì Người là nguyên tắc của mọi hoạt động cứu độ của Thiên Chúa ở giữa thế giới. Thần Khí là ‘Thiên Chúa ẩn kín’, là tình thương và là ân huệ ngập tràn trái đất” (số 54).

— Áng mây và ánh sáng là hai biểu tượng đi đôi với nhau, và thường xuất hiện trong những cuộc hiển linh của Thần Khí. Áng mây vừa sáng vừa tối tỏ ra tính bí nhiệm và siêu nghiệm của Thiên Chúa hằng sống; vinh quang Chúa rực rỡ nhưng cũng u huyền: mây là như màn che mặt của Mầu nhiệm tuyệt đối. Trong sách Xuất hành, Đức Giavê hiện ra trong mây, vì là Đấng Hiện diện nhưng vẫn vô hình (x. Xh 19:9.16; 24:15-18, v.v.). Áng mây cũng là hiện thân của một Đấng Hiện diện hướng dẫn dân tộc (x. Ds 9:17tt), mà theo tiên tri Isaia là Thần Khí (x. Is 63:14); và sau này áng mây, tức Chúa, che chở họ, nhất là từ Đền thờ Giêrusalem (x. 1V 8).

Trong Tân Ước, áng mây cũng để lộ hiện Ðức Kitô. Đức Maria thụ thai bởi tác động Thần Khí bao trùm như mây che phủ (x. Lc 1:35). Sau đó, trên núi Tabo, áng mây và ánh sáng [Thần Khí] đưa tiếng của Chúa Cha đến để mạc khải Chúa Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta…” (Mt 17:5). Khi hoàn tất sứ mệnh hữu hình, Đức Giêsu lên trời và mây làm như đưa Ngài về cõi vô hình (x. Cv 1:9). Bây giờ Thần Khí thì thay thế cho áng mây: như trong Cựu Ước Ítraen được thanh tẩy qua cột mây và biển cả (x. 1Cr 10:1tt), thì bây giờ kitô hữu được Rửa tội trong nước và Thần Khí (x. Ga 3:5). Là ánh sáng và đêm tối, Thần Khí làm cho biết Đức Kitô, nhưng vẫn còn trong đức tin.

— Dấu ấn là biểu tượng truyền thống dùng để ám chỉ về Thần Khí. Khi ban bí tích Thêm sức, giám mục đọc: “Hãy nhận lấy ấn tín hồng ân Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần,” trong khi xức dầu trên trán của tín hữu. Nói về Đức Giêsu, Gioan viết: “Thiên Chúa đã đóng ấn xác nhận” Ngài (Ga 6:27), thì nay Thần Khí cũng làm như vậy với kitô hữu. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1:22), nghĩa là Thánh Thần biến chúng ta thành con cái thực sự của Thiên Chúa (x. Ep 1:13; 4:30). Thần Khí là như con dấu để chính thức phê chuẩn đức tin và đoàn sủng của chúng ta. Bất cứ đặc ân nào, dù có xem ra oai phong đến mấy trong Giáo hội, thì cũng vẫn có thể là sản phẩm của tà thần hoặc chỉ là của bản thân cá nhân ấy; thánh Gioan lên tiếng cảnh báo: “Đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không” (1Ga 4:1). Như Thần Khí bảo chứng thánh Phaolô nói thật (x. Rm 9:1), thì cũng vậy, Ngài xác nhận những phong trào, những “ngôn sứ” trong Hội Thánh, và giúp cho biết phân định cả những khuynh hướng trong đáy lòng ta để xem có thực sự ngay chính không… Vì thế, phụng vụ lễ Hiện xuống hát “Không có Ngài trợ phù, trong con người còn chi thanh khiết, còn chi vô tội …”

— Bàn tay cũng là danh hiệu của Thánh Thần, như thánh Irênêô đã từng nói: Chúa Cha tự mạc khải mình ra trong vũ trụ bằng hai bàn tay là Ngôi Lời và Thần Khí. Đức Kitô, tức Đấng xức dầu, là bàn tay phải và ngồi bên hữu Chúa Cha; còn tay trái là Thần Khí, theo lời của “linh hồn” hoặc “tân nương” trong Diễm ca: “Chàng đưa tay trái cho tôi gối đầu, đưa tay phải ghì chặt lấy tôi” (Dc 2:6): tay trái ở dưới, tức vô hình, tượng trưng cho Thần Khí. Thật vậy, trong dòng lịch sử, Thần Khí là bàn tay ẩn giấu của Thiên Chúa. Nếu Đức Kitô là bàn tay của Thiên Chúa toàn năng, thì Thần Khí là bàn tay của Thiên Chúa toàn tại, bàn tay vô hình mà hằng mạnh mẽ hoạt động trong tâm hồn ta.

— Ngón tay có thể hiểu là một “biến thể” của danh hiệu trên. Hát ca vịnh Veni creator… Giáo hội gọi Thần Khí là “ngón tay phải của Chúa Cha.” Vì muốn biết, muốn thấy Thiên Chúa, mà không làm thế nào cho được, nên con người thường dùng đến cách nhân hình hóa. Để chỉ về sức mạnh của Thiên Chúa, Kinh Thánh nói đến “cánh tay Giavê” (x. Đnl 4:34), hoặc “bàn tay” (x. Ed 20:33), hoặc như đọc thấy Thánh vịnh 8:4: “Tôi trông lên trời ngón tay Người đã làm ra…” Vì thế, Đức Giêsu đã nói mình “nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ” (Lc 11:20), nghĩa là với quyền năng của chính Thiên Chúa. Nhưng biểu tượng này được đặc biệt áp dụng cho Thần Khí. Trước hết, điều đó thấy được qua việc đồng nhất hóa sau đây: “ngón tay” sức mạnh mà Đức Giêsu nói trong Lc 11:20 lại được Mt 12:28 gọi là “Thần Khí”. Rồi, xem ra thánh Phaolô muốn ám chỉ đến việc “ngón tay Thiên Chúa” đã khắc ghi 10 điều răn trên hai bia đá (Xh 31:18), để nói với các tín hữu Côrintô: “Anh em là bức thư của Đức Kitô, do tay chúng tôi soạn ra, viết không phải bằng mực, nhưng là bằng Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống, không phải trên những bia đá, mà là trên bia lòng” (2Cr 3:3). Một sự kiện khác cho thấy việc áp dụng đặc biệt nói trên đây: truyền thống quen ví Tam Vị với hình ảnh con người: đầu là Cha, cánh tay là Con và ngón tay là Thần Khí; cả ba chỉ làm một công việc. Hoạt động của Thiên Chúa “chạm đến” chúng ta nhờ “ngón tay” là Thần Khí.

— Chim bồ câu tượng trưng cho Thánh Thần như thấy được khi Đức Giêsu chịu phép rửa: “Trời mở ra và Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim câu” (Mt 3:16), ý nói đó là giây phút khởi sự cuộc sáng tạo mới. Trong mạch văn Thánh tẩy, tín hữu nhớ đến đại hồng thủy và chim câu bay lượn trên mặt nước và mang cho ông Noê nhánh ôliu tươi, dấu chỉ là Thiên Chúa đã xóa tội và làm hòa với loài người. Thánh Âugutinô cho rằng chim câu rên rỉ vì tình yêu, lại có tính dịu dàng, đáng được làm biểu tượng cho Thần Khí; vậy những ai đã được Thần Khí thánh hóa nhờ phép Rửa, thì phải ăn ở “đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Truyền thống cũng đọc thấy biểu tượng này lúc khởi đầu cuộc sáng tạo: “Thần Khí là là trên mặt nước” (St 1:2) như chim câu; hình ảnh ám chỉ đến vai trò của Thần Khí trong công trình của Thiên Chúa. Xưa nay chưa có biểu tượng nào được dùng thường và nhiều để chỉ về Ngôi Ba cho bằng chim bồ câu. Nơi nào cũng thấy ảnh tượng chim bồ câu hoặc ở nơi bàn thờ, hoặc bên giếng Rửa tội, hoặc trong các bức tranh về Ba Ngôi…

Còn có nhiều danh hiệu khác được dùng trong Hội Thánh để chỉ về Thần Khí. Vì Ngôi Ba nhẹ nhàng, uyển chuyển như gió, nên Giáo hội thường dùng nhiều ẩn dụ với những ngôn từ nên thơ để miêu tả, như đọc thấy chẳng hạn trong Ca Tiếp Liên của Lễ Hiện Xuống: “Cha kẻ cơ bần, Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, Đấng an ủi tuyệt vời, Khách trọ hiền lương của tâm hồn, Đấng ủy lạo dịu dàng…” Thần học quan niệm Thần Khí là dây tình yêu hiệp thông Cha và Con, hiệp nhất các chi thể Hội Thánh, gọi Ngài là nụ hôn tình thương, là nguồn suối khôn ngoan thần linh, và là sự sáng chứa chan hồng phúc… Trong lịch sử cứu độ, Thần Khí mặc lấy căn tính bất định, cho nên tâm trí của tình nương là Hội Thánh, có đầy hứng mà phát minh vô số những danh hiệu để chỉ về Ngài.

Thánh Thần Ở Giữa Lòng Hội Thánh

Đức Kitô hứa ban Chúa Thánh Thần cho Hội Thánh như là ơn chứa đựng tất cả những gì Thiên Chúa đã sửa soạn cho dân Người vào những ngày cánh chung. Công đồng Vaticanô II giải thích:

“Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo hội và trong tâm hồn các tín hữu như ngự giữa đền thờ (x.1Cr 3:16; 6:19). Trong họ, Ngài cầu nguyện và chứng nhận họ là dưỡng tử (x. Gl 4:4; Rm 8:15-16.26). Ngài thông đạt cho Giáo hội chân lý trọn vẹn (x. Ga 16:13). Ngài thống nhất Giáo hội trong niềm thông hiệp và việc phục vụ. Ngài xây dựng và dẫn dắt Giáo hội bằng nhiều ân huệ khác nhau theo phẩm trật và đoàn sủng, trang bị Giáo hội với hoa quả của Ngài (x. Ep 4:11-12; 1Cr 12:4; Gl 5:22). Nhờ sức mạnh Phúc Âm, Ngài làm tươi trẻ, không ngừng canh tân và dẫn đưa Giáo hội đến chỗ kết hợp hoàn toàn với Phu Quân mình. Thực vậy Chúa Thánh Thần và Hiền Thê cùng nói với Chúa Giêsu: ‘Xin hãy đến!’ (Kh 22:17)” (LG 4).

Như vậy, Thần Khí tiếp tục xây dựng Hội Thánh qua những ơn tông đồ (phẩm trật) và các đoàn sủng (chẳng hạn, ơn gọi tu trì, đoàn thể hoặc phong trào mục vụ, đặc ân cá nhân, v.v.). Vì hết thảy đều có chung cùng một nguồn là Thần Khí, nên cần phải hòa hợp hầu cấu tạo nên sự hiệp nhất của Giáo hội; và nếu có nhiều khác biệt giữa các ân huệ và đoàn sủng ấy, thì nhờ đó mà công giáo tính càng thêm phong phú hơn.

“Quả thực ơn Chúa Thánh Thần tác động mỗi người một khác: có những người được gọi làm chứng nhân tỏ tường cho sự mong đợi quê trời và bảo tồn chứng tích ấy sống động trong gia đình nhân loại, một số khác được gọi để hiến thân phục vụ con người trong phạm vi thế trần, dùng sự phục vụ ấy chuẩn bị chất liệu cho Nước Trời. Ngài giải thoát tất cả, để sau khi từ bỏ lòng vị kỷ và tập trung mọi năng lực trần thế vào việc phục vụ cuộc sống con người, thì tất cả đều hướng về ngày mai, ngày mà nhân loại trở thành của lễ đẹp lòng Thiên Chúa.” (GS 38).

Dựa vào lập trường của nhiều giáo phụ và của các vị tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II đã nhận định: “.‘Nếu Đức Kitô là đầu của Giáo hội thì Thánh Thần là linh hồn,’ theo lời Đức Lêô XIII tiền nhiệm đáng kính của ta, nói trong thông điệp Divinum illud (DS 3328). Và sau ngài, Đức Piô XII đã giải thích: trong Nhiệm thể Đức Kitô, Thần Khí ‘là nguyên tắc của mọi hoạt động sinh tồn và cứu độ đích thực ở mọi nơi’ trong Hội thánh (DS 3808).” Theo một cách biểu đạt khác, Hội Thánh được gọi là Đền thánh của Thần Khí, như thánh Phaolô đã ám chỉ nhiều lần (x. 1Cr 3:17; 6:19; Ep 2:21). Quả vậy, Thánh Thần hằng tác động ở nơi Giáo hội và ở trong các phần tử, làm động cơ cho mọi hiệu năng tông đồ, cho mọi sáng kiến mục vụ, cho mọi bước triển phát và cho mọi cuộc canh tân.

Ân huệ của Thần Khí

Ngôn sứ Isaia đã tóm gọn như sau về các ơn của Thần Khí Đức Chúa: “Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa…” (Is 11: 2). Dựa theo đó, truyền thống đã nói về Bảy Ơn Chúa Thánh Thần:

  1. Ơn Thượng Trí
  2. Ơn Thâm Hiểu
  3. Ơn Minh Luận
  4. Ơn Chỉ Giáo
  5. Ơn Hùng Dũng
  6. Ơn Sùng Hiếu
  7. Ơn Úy Tình (Kính Sợ Thiên Chúa)

[Sách Giáo Lý, số 1303]

Xem ra ba ơn đầu thiên nhiều về phía tri thức, còn bốn ơn sau thì để lộ tính chất “tôn giáo” hoặc thực tiễn rõ hơn; nhưng thật ra, tất cả đều là ơn – vừa cho cá nhân vừa cho tập thể – nhằm tới việc lập và củng cố quan hệ với Thiên Chúa. Những ơn này Chúa ban qua phép Rửa tội và củng cố qua bí tích Thêm sức. Bao lâu còn “ấn tích” của hai bí tích ấy thì những ân huệ vẫn còn, dù có thể bị vùi lấp dưới tội lỗi. Phụng vụ gọi Thần Khí là “Đấng ban ân huệ” (Dator munerum) như hát trong Lễ Hiện xuống.

— Ơn Thượng Trí hoặc khôn ngoan là khả năng cảm nhận thực thể thiêng liêng, siêu việt. Thánh vịnh kêu mời: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy!” (Tv 33:9). Nhờ ơn ấy mà kitô hữu có khả năng “hưởng ơn cứu độ” như thánh Phêrô đã nhận định (x. 1Pr 2:3). Sách bổn có lý khi gọi ân huệ này là “ơn thượng trí” vì đó là khả năng am hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ đó phát sinh ơn chiêm niệm, khiến một người dù tương đối bình dị – như Têrêsa Lisieux, chẳng hạn – cũng có thể sống qua kinh nghiệm thấu cảm được Thiên Chúa. Thêm vào đó là khả năng gần như tự nhiên, khả năng đánh giá và xếp đặt mọi sự theo tiêu chuẩn siêu nhiên, theo thiên mệnh, vì biết nhìn tất cả trong ánh sáng của Chúa.

— Ơn Thâm hiểu và Minh luận là khả năng ý thức và lĩnh hội những sự siêu nhiên và những chân lý tự nhiên theo mục đích của chúng. Thần Khí giúp kitô hữu “đồng cảm” với những biến cố có thể dẫn họ đến chỗ cải thiện, hoặc nhận ra ý Chúa trong lịch sử. Cũng giúp nhận ra Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ, và coi muôn vật không phải là trở ngại song là khí cụ để phụng sự Người. Ơn thâm hiểu là nguồn xuất phát của cái công đồng Vaticanô II gọi là “cảm thức đức tin” (sensus fidei), nghĩa là một thứ bản năng siêu nhiên giúp cho tín hữu nhận biết được một hình thức đạo đức, một phong trào tôn giáo, một giả thuyết thần học, v.v., có thực sự phù hợp với đức tin công giáo hay không. Thánh Tôma tiến sĩ nhận thấy rằng: “Trong đời này, khi con mắt thiêng liêng được ơn minh luận thanh luyện, thì một cách nào đó, chúng ta có thể nhìn thấy Thiên Chúa” (2-2, q.69, a.2, ad.3). Công đồng giải thích:

“Để được đức tin, thì cần có ân sủng Thiên Chúa đi trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài thúc đẩy và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, mở mắt lý trí và ban cho ‘mọi người cảm thấy dịu ngọt khi đón nhận và tin theo chân lý.’ Và để việc hiểu biết mạc khải được sâu rộng thêm mãi, thì cũng chính Chúa Thánh Thần không ngừng kiện toàn đức tin qua các ơn của Ngài”(DV 5).

— Ơn Chỉ Giáo làm cho tín hữu trở nên mềm dẻo, sẵn sàng để nghe lời Chúa chỉ dạy hầu hướng tới ơn cứu độ và việc thánh hóa chính mình. Cũng giúp nhận biết một việc có góp phần hay không và góp phần như thế nào cho mục đích chung. Ơn này củng cố và làm cho thành toàn nhân đức minh trí hoặc khôn ngoan tự nhiên, mang lại ánh sáng cho những lúc bối rối không biết phải hành động như thế nào, giúp cho hiểu quan hệ giữa phương tiện và mục đích cụ thể, cũng như tránh quyết định hấp tấp.

— Ơn Hùng Dũng ban khả năng chịu khổ và vượt qua những trở ngại trên đường phụng sự Chúa. Thần Khí ban sức mạnh, giúp tín hữu vững tâm kháng cự với sự ác và thực thi điều thiện. Ơn này là năng động lực cho việc hăng say, kiên trì sống theo các nhân đức, trong hạnh phúc, trái với tình trạng hâm hẩm trong đời sống thiêng liêng. Với ơn này, Thần Khí củng cố các vị tử đạo và làm cho các tín hữu nên kiên cường để sống trung thành, mà không sợ gì, ngay cả trong những lúc bị cám dỗ. Trái với ơn này là thái độ rụt rè, nhút nhát và e sợ dư luận trong đời sống đạo.

— Ơn Sùng Hiếu làm cho kitô hữu cư xử như con Thiên Chúa và chăm lo phụng sự Cha Cả ở trên trời như con thảo và phục vụ tha nhân như anh chị em trong một nhà. Ơn này bổ túc cho nhân đức công chính và công bình với bác ái yêu thương. Trong khi nhân đức thờ phượng kính thờ Thiên Chúa như là Đấng Tạo hóa, thì ơn sùng hiếu kính yêu Thiên Chúa như là Cha. Ơn này làm cho có được thái độ kính cẩn đối với các điều thánh, như Sách thánh hoặc nhà thờ, và biết đối xử dịu dàng với tha nhân, đặc biệt là với kẻ khổ cực. Trái với ơn này là con tim khô cứng tàn nhẫn.

— Ơn Úy Tình hoặc Kính Sợ Thiên Chúa làm cho tín hữu làm lành lánh dữ vì kính trọng Thiên Chúa và vì biết lo cho số phận đời đời của mình, cùng coi Thiên Chúa như là Đấng Toàn năng và mình là tạo vật, do đó không muốn tách rời khỏi Người. Kính sợ Chúa là phản ứng của người phàm trước Thiên Chúa chí thánh uy linh, tựa như tâm trạng ngôn sứ Isaia khi gặp Thiên Chúa: “Khốn thân tôi… vì tôi là một người môi miệng ô uế…” (Is 5:4). Kinh Thánh đặt nguyên tắc là “Kính sợ Đức Giavê là bước đầu của tri thức” (Cn 1:7), và sách Huấn ca hết lời khen ngợi ơn này (x. Hc 1,11-20). “Kính sợ Thiên Chúa” tương tự như “ăn ngay ở lành” (x. Cv 10:35). Đạo đức học ca ngợi lòng thảo kính (đối với Thiên Chúa là Cha) nhưng khuyên nên bỏ thái độ “kính sợ nô úy” (coi Thiên Chúa như quan tòa nghiêm khắc). Tuy nhiên, Giáo hội nhắn nhủ là nên giữ con đường trung dung: không tránh tội được vì mến Chúa, thì ít là đừng quên có hỏa ngục hoặc là biết sợ hỏa ngục để mà tránh. Ơn này có quan hệ với đức tiết độ, dạy cho biết cẩn thận trong việc sử dụng của cải.

Hoa Quả Chúa Thánh Linh

Giáo Lý cũng nói về những “hoa quả” của Thần Khí – như đọc thấy trong thư Galát 5:22-23 – đó là Bác Ái, Vui Mừng, Bình An, Kiên Nhẫn, Nhân Từ, Tín Nhiệm, Quảng Đại, Hào Hiệp, Dịu Dàng và Thanh Tịnh. Thánh Phaolô coi đó là kết quả của đức ái, tức ân huệ của Thánh Thần: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả…” (1Cr 13:4-8). Những danh sách này không kê ra hết mọi hoa quả, nhưng chỉ nêu lên một số – đếm được 12 trong sách Bổn – vì thật ra trong đời sống thiêng liêng chẳng có lãnh vực nào, việc nào mà không có tác động của Thần Khí: Ngài khởi sự, thúc đẩy và hoàn tất. Sách Giáo Lý gọi các ơn này là “hoa trái đầu mùa của vinh quang muôn đời” (số 1832), vì những ơn này là hạt giống sẽ mọc lên trong đời sống vĩnh cửu.

Hoa quả tổng quát của Thần Khí trong lòng tín hữu là niềm hứng khởi làm cho nhiệt thành sống đạo một cách dễ dàng. Đành rằng chẳng có gì là may móc; con người cần phải hợp tác với ơn Thần Khí để tự luyện cho được các nhân đức, rồi Thần Khí sẽ giúp cho nỗ lực cá nhân được dễ dàng và hoàn hảo hơn. Thần Khí ban thêm cho hạnh phúc nội tâm, vì sống đạo mà không vui thì chưa phải là hoàn hảo. Bác ái là “linh hồn” của mọi nhân đức, vì thế, cũng là linh hồn của lòng sùng mộ đạo đức. Ơn bình an nội tâm và ơn nhân hậu đối ngoại làm cho kitô hữu cảm thấy cùng lúc vừa gần gũi với Thiên Chúa mà cũng vừa thân cận với anh chị em đồng lọai.

Theo Kinh Thánh, Thần Khí tác động nơi mọi phạm vi sinh hoạt của Hội Thánh. Ngài linh ứng Kinh Thánh (x. 2Pr 1:20-21) và soi sáng trí khôn để giải thích Lời Chúa (x. 1Cr 2:14; Ep 1:17). Thần Khí mở đường dẫn lối đến gặp Thiên Chúa (x. Ep 2:18); Ngài “sinh ra” con cái Thiên Chúa và làm chứng cho biết về sự kiện này (x. Rm 8:15-16; Ga 3:3-6). Thật vậy, chính nhờ Thần Khí mà Phép Rửa và các Bí tích khác thành sự (x. 1Cr 12:13). Ngài ban lòng tin (x. 1Cr 12:3) và củng cố tín hữu trong đời sống nội tâm (x. Ep 3:16). Ngài giải thoát ta khỏi các thứ ách chủ nghĩa hay tôn giáo và hướng dẫn con cái Thiên Chúa trên đường đời (x. Rm 8:2.14), và dạy dỗ cho tín hữu biết cách cầu nguyện (x. Ep 6:18; Gđ 20) cũng như khẩn cầu qua lời “rên siết” đầy thế lực, thay cho chúng ta (x. Rm 8:26-27). Thần Khí tuyển chọn và trao sứ mệnh (x. Cv 13:2), cắt đặt thừa tác viên (x. Cv 20:28) và trao chức vụ cho họ (x. 2Tm 1:6). Tóm lại, giữa lòng lịch sử, Thần Khí làm chứng và cổ võ cho vinh quang Ðức Kitô (x. Ga 16:14).

Trong Phụng vụ

Trong Hội Thánh, Thần Khí hoạt động cách đặc biệt qua Phụng vụ. Đức Giêsu đã xác định là cần phải phụng tự Thiên Chúa không phải là tại đền thờ Giêrusalem, hay tại đền thờ ở Samaria (trên núi Garizim), song là “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:23t). Và quả thế, thánh Phaolô miêu tả kitô hữu là “người phụng thờ Thiên Chúa trong Thần Khí của Người” (Pl 3:3); biểu đạt cùng một tư tưởng, thánh Phêrô đã dùng một hình ảnh khác và nói: chúng ta là “những viên đá sống động… xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng” (1Pr 2:5), nơi đó “Thánh Thần Thiên Chúa ngự” (1Cr 3:16). Thần Khí biến các tín hữu thành tư tế khả dĩ dâng lên Thiên Chúa chính mình và công việc của mình làm lễ tế đẹp lòng Người. Mỗi cá nhân là chi thể của Đức Kitô thượng tế, và cộng đồng là Nhiệm thể của Ngài, do vậy, đều cùng tham dự vào việc phụng tự của Ngài ở trên trời; bởi thế, mọi hành vi, mọi hoạt động của kitô hữu đều mang tính chất “thánh” nhờ Thần Khí.

Trọng tâm của phụng vụ là Thánh thể. Đức Giêsu đã hứa: Thần Khí “sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26); mà chính lúc ấy Ngài đã thiết lập Thánh Thể và truyền lệnh: “Hãy làm điều này mà nhớ đến Ta.” Thánh Lễ là cuộc hồi niệm thể hiện lại việc Đức Giêsu đã làm đêm hôm trước khi chịu tử nạn. Bởi vậy, bầu khí bao trùm Thánh Lễ là Thần Khí! Thần Khí làm cho nhóm người tham dự trở nên một thân thể; Thần Khí làm cho bản văn được đọc trở nên Lời Chúa; Thần Khí làm cho bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa… Bàn Lời và bàn Bánh đều do Thần Khí linh hoạt; thế nên, tham dự vào phụng vụ là các kitô hữu trở nên “một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô.” Từ thế kỷ 4, kinh epiklesis đã có mặt trong nhiều “Kinh nguyện Thánh Thể” (lễ quy); epiklesis là kinh khẩn nguyện Thánh Linh ngự xuống để biến bánh rượu thành Mình Máu Chúa Kitô. Sau truyền phép, linh mục còn nài xin Chúa “cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một” (Kinh Tạ Ơn 2), “được đầy tràn Thánh Thần… [hầu] trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ Ơn 3), hoặc xin cho “được Chúa Thánh Thần liên kết thành một thân thể, và trở nên hy lễ sống động trong Đức Kitô, để ca tụng Cha vinh hiển” (Kinh Tạ Ơn 4). Như vậy, Thần Khí là sinh lực của phụng vụ, cũng như của hết mọi hoạt động Kitô giáo. Kinh Sáng Danh… theo mẫu xưa nhất ghi là: “Sáng danh Đức Chúa Cha, nhờ Đức Chúa Con, trong Đức Chúa Thánh Thần.” Trong Thần Khí nghĩa là trong hiệp thông và tình thương: trong Hội Thánh, thương yêu là vinh quang Thiên Chúa và là chứng cứ về Người trước mặt thế gian.

Hội Thánh là như bí tích của Thần Khí; vì thế, những hoạt động chính thức của Giáo hội phải được coi là “hơi” của Thần Khí, được Thần Khí linh hoạt. Các hoạt động ấy, trước hết, là các bí tích. Thánh tẩy là điển hình của việc “hợp tác” giữa vật chất (nước) và Thần Khí. Bên ngoài, nghi thức rửa tội được coi như một cử chỉ loài người, nhưng, qua nghi thức ấy, nhờ “hơi” của Thần Khí tác động, Hội Thánh tha tội và sinh ra một người con cho Thiên Chúa. Lời của linh mục tự nó chỉ là âm thanh, nhưng nhờ tác động của Thần Khí, lời ấy biến bánh và rượu thành Mình Máu Chúa, hoặc tha tội cho hối nhân và hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Bí tích Thêm sức là khí cụ đặc biệt của Thánh Thần để củng cố lòng tin của kitô hữu và biến họ thành chứng nhân của đức tin. Hôn phối – nếu là bí tích – mang ơn phúc và sức mạnh của Thần Khí [tình yêu và dũng lực] đến với những kitô hữu làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, để họ có đủ tình thương và nghị lực mà chu tất sứ mạng giúp đỡ nhau cùng để nuôi nấng và giáo dục con cái. Và cũng tương tự như thế đối với các bí tích khác, và cả đối với các á-bí-tính nữa.

**************

Như Chúa Kitô là “con người của Thần Khí”, thì Giáo hội cũng là “đoàn hội” của Thánh Thần; và cũng như Đức Giêsu được Thần Khí đưa vào hoang địa để chịu cám dỗ, tức thử thách, thì hiện giờ Thần Khí cũng đặt kitô hữu ở giữa thế gian, với những đoàn sủng cần thiết, để chịu thử nghiệm, tinh luyện và để được trang bị đầy đủ trong sứ mệnh làm chứng cho Đức Kitô và xây dựng Nước Trời ở ngay giữa trần gian. Như Thần Khí “rợp bóng trên Đức Maria” ở Nadarét (x. Lc 1:35) để Đức Kitô sinh ra, thì các tông đồ cũng đã được “mặc lấy sức mạnh từ trời cao ban xuống” (Lc 24:49) ngày Hiện xuống để Giáo hội chào đời và trưởng thành, hầu làm chứng về Chúa Kitô “cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Công đồng Vaticanô II dạy “Vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì tiêu đích cuối cùng con người được kêu gọi hướng tới thực ra là duy nhất, tức là Thiên Chúa, cho nên phải tin chắc rằng Chúa Thánh Thần ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh một cách nào đó chỉ có Chúa biết thôi” (GS 22e). Hơn bao giờ hết, ngày nay Giáo hội đã có kinh nghiệm về một mối hiệp thông rộng rãi bao quát, hiện rõ qua những phong trào phổ biến khắp nơi, như phong trào canh tân, phong trào Thánh Linh, phong trào đối thoại với thế giới và với các tôn giáo, v.v., và tất cả đó là hoa quả của Thần Khí, như Đức Gioan XXIII đã tiên đoán.

Trong khi đó, dường như xã hội ngày nay đã mất đi ý thức về sự việc Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa thế sự, ở trong lịch sử và, vì vậy, đã mất đi ý thức về tội lỗi, về những thực tại siêu việt, về ý nghĩa siêu nghiệm của kiếp sống này và của lịch sử. Theo Đức Gioan Phaolô II, đó là những gì đưa tới mối nguy gây xúc phạm đến Thánh Linh; mà theo Phúc âm, thứ tội đó không bao giờ được tha: “Ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3:29). Đức Thánh Cha giải thích: “Nói xúc phạm đến Thánh Thần cốt tại ở chỗ tuyệt đối từ chối ơn tha thứ [Chúa ban], ơn mà chính Thần Khí chuyển trao, và ơn ấy giả thiết lòng hối cải… ‘Không được tha’ đi đôi – như nhân với quả, như hình với bóng – với ‘không chịu hối hận’… Phạm đến Thánh Linh là tội của những ai tự cho mình có ‘quyền’ làm điều ác – bất cứ tội nào – và từ khước ơn cứu chuộc” (Dominum et vivificantem, 46). Có kẻ tự đóng kín mình lại, chỉ biết lo cho mình, tự đề cao chính mình, mến chuộng mình đến độ khinh bỉ Thiên Chúa, như thánh Âugutinô nhận xét.

Tuy nhiên, từ khởi nguyên cho đến tận cùng, Thần Khí vẫn mãi hoạt động ở trong thế giới. Ngài thúc dục Giáo hội dấn thân vào giữa thế giới, vào giữa xã hội, vào giữa lịch sử loài người. Kết thúc thông điệp, Đức Gioan Phaolô II viết: “Con đường Giáo hội dõi bước thì đi ngang qua tâm lòng con người, bởi trong nơi sâu thẳm ấy, Thánh Linh tỏ lộ cùng với ơn cứu độ, để gặp gỡ con người; nơi đấy con người gặp được Thiên Chúa ẩn dật, và cũng chính trong nơi ấy, Thần Khí trở nên mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Dom. et viv. 67). Vậy, trong những cách thức chỉ một mình Chúa biết, mọi người có thể gặp gỡ Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ.