Hợp Tuyển Thần Học

Ở Tuổi 80, Từ Rôma, Cha Josef Fuchs Vẫn Tiếp Tục Đấu Tranh Cho Lương Tâm

Ở Tuổi 80, Từ Rôma, Cha Josef Fuchs Vẫn Tiếp Tục Đấu Tranh Cho Lương Tâm

Abstract
Bài viết của James F. Keenan với tựa đề, Ở Tuổi 80, Từ Roma, Cha Josef Fuchs Vẫn Tiếp Tục Đấu Tranh Cho Lương Tâm, do Nguyễn Thanh Hùng chuyển dịch, sẽ cho thấy những đóng góp quan trọng của Fuchs với nền thần học luân lý đương đại. Trong số những đóng góp này, người đọc có thể quan tâm đến suy tư của Fuchs về thẩm quyền tối thượng của lương tâm, thẩm quyền của huấn quyền khi giảng dạy những vấn đề luân lý, và những mệnh lệnh luân lý tuyệt đối. Điểm đặc biệt đối với chúng tôi khi đọc bài viết của Keenan về Fuchs là quyền tối thượng của lương tâm, nơi đó Thiên Chúa mặc khải ý muốn thánh thiêng cho những ai yêu mến và lắng nghe lời Ngài. Keenan viết: “Đối với Thánh Tôma và cha Fuchs, lương tâm là nguồn gốc của mọi trách nhiệm luân lý: nơi đó, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để yêu thương và thăng tiến bản thân, nhờ vậy ta có thể nhận biết được điều cần làm để xây nên đời sống đúng đắn. Trách nhiệm đó tạo cho lương tâm một không gian để lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại lời Ngài.”
Mục Lục

Ở Tuổi 80, Từ Roma, Cha Josef Fuchs Vẫn Tiếp Tục Đấu Tranh cho Lương Tâm[1]

James F. Keenan, S.J., S.T.D.
Professor of Theology, Boston College
Dịch giả: Nguyễn Thanh Hùng, S.J., S.T.L

Khi những người Công Giáo chúng ta nói về thần học luân lý, chúng ta thường nghĩ ngay đến những vấn đề khá cụ thể. Chúng ta có những quan điểm về phá thai, nhân quyền, an tử, công bằng kinh tế, và tính dục. Thậm chí, chúng ta còn tranh luận về việc liệu rằng có được phép cấy ghép cơ phận từ các thai nhi vô sọ, về tính chính đáng của luật chống phân biệt đối xử, về tính hợp luân lý của phương pháp tránh thai tự nhiên so với các phương pháp nhân tạo, và về quyền kết hôn và làm cha mẹ của các cặp đôi đồng tính so với các cặp dị tính. Những cuộc tranh luận về các đề tài này đã thôi thúc các giám mục viết nhiều bức thư dài và chi tiết về các vấn đề kinh tế, vũ khí quân đội, giáo dục giới tính, cũng như việc cung cấp dinh dưỡng và nước cho bệnh nhân cận tử.

Mặc dù thường gán luân lý cho những phạm trù kể trên, chúng ta biết rằng thần học luân lý cũng quan tâm đến các vấn đề lý thuyết và nền tảng. Trong lĩnh vực đó, từ Công Đồng Vatican II đến nay, không một nhà thần học luân lý Công Giáo nào đặt ra nhiều câu hỏi về lý thuyết nền tảng cho bằng linh mục Josef Fuchs, tu sĩ Dòng Tên người Đức và là giáo sư danh dự của Đại học Gregorian. Ở tuổi 80, cha vẫn tiếp tục khảo cứu các chủ đề nền tảng như lương tâm, tính tuyệt đối trong luân lý, và huấn quyền. Nhiều bài báo gần đây của cha được đăng trong các tạp chí khoa học như Theology Digest, Stimmen der ZeitGregorianum đã cho thấy điều đó.

Mặc dù nổi tiếng với nhiều tác phẩm liên quan đến thần học luân lý nền tảng, cha ít được biết đến như một người chuyên đặt vấn đề. Trong những tác phẩm của cha thời kỳ đầu như cuốn The Natural Law [Luật Tự Nhiên] (ấn bản tiếng Đức năm 1955; ấn bản tiếng Anh năm1965), cha thường bàn về các điều luật luân lý cụ thể hơn là những câu hỏi phản tỉnh trong những lập luận của mình. Tuy nhiên, những thay đổi bắt đầu xuất hiện trong những năm cha làm việc tại Uỷ Ban Giáo Hoàng để đánh giá tính luân lý của việc tránh thai.

Vì có những quan điểm rất truyền thống và vững chắc về luân lý, nên cha đã được bổ nhiệm làm thành viên của Uỷ Ban này. Tuy nhiên, vị thần học gia này đã gặp phải thách đố từ chứng từ của nhiều giáo dân, y bác sĩ, thần học gia và các cha xứ. Từ đó, cha đã suy nghĩ lại quan điểm của mình không chỉ về vấn đề kiểm soát sinh sản, nhưng quan trọng hơn là về phương pháp làm thần học luân lý của bản thân. Kết quả cụ thể của sự thay đổi này chính là việc cha được giao nhiệm vụ diễn giải một bản tuyên cáo lập trường trước đa số thành viên trong Hội Đồng. Về cơ bản, báo cáo đó trao lại cho những người đã kết hôn trách nhiệm tự phân định tính đúng sai về mặt luân lý của hành vi tránh thai tự nhiên và nhân tạo. Trong thông điệp Humanae Vitae (1968), Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã gởi lời cám ơn đến Uỷ Ban nhưng sau đó Ngài nói thêm rằng: “Tuy vậy, chúng ta không nhất thiết phải tuân theo và chấp nhận những kết luận đã được Uỷ Ban đồng thuận.”

Một kết quả khác của sự thay đổi này là tầm ảnh hưởng của các tác phẩm của cha đến nền thần học luân lý đương đại. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 80 của cha, bài đánh giá này về 10 đóng góp quan trọng của cha đối với thần học luân lý cho chúng ta thấy đôi nét về bối cảnh của những vấn đề cụ thể và phức tạp vốn thường tạo nên những tranh luận đa chiều.

1. Đóng Góp Chung

Nhiều bài viết thời kỳ sau của cha đã được xuất bản bằng tiếng Có bốn cuốn sách được xuất bản tại Dublin bởi nhà xuất bản Gill và Macmillan, và ba cuốn gần đây hơn được phối hợp xuất bản với nhà xuất bản của Đại học Georgetown. Một mặt, những tựa sách này thể hiện mối quan tâm của cha đối với luân lý Kitô Giáo: Human Values and Christian Morality [Giá Trị Con Người và Luân Lý Kitô Giáo] (1970), Personal Responsibility and Christian Morality [Trách Nhiệm Cá Nhân và Luân Lý Kitô Giáo] (1983), Christian Ethics in a Secular Arena [Đạo Đức Kitô Giáo trong Môi Trường Trần Thế] (1984), và Christian Morality: The Word Becomes Flesh [Luân Lý Kitô Giáo: Ngôi Lời Nhập Thể] (1987).

Mặt khác, các tựa sách cũng cho thấy rằng luôn có một bối cảnh cụ thể trong luân lý Kitô giáo: đó là về đời sống con người, về những lựa chọn của cá nhân, và về một thế giới thế tục. Bối cảnh này không hiển nhiên phải có tính Kitô giáo. Là một nhà thần học theo trường phái Rôma, cha đã có thể viết các tác phẩm của mình từ góc nhìn đặc trưng của Công Giáo Rôma. Là một nhà thần học dấn thân sâu và có lòng yêu mến đối với truyền thống Giáo Hội, góc nhìn của cha có lẽ sẽ thấm đẫm tinh thần của Rôma. Tuy nhiên, cha nhận ra rằng thần học mà chỉ khởi đi từ một xã hội “khép kín” và mang tính địa phương sẽ thiếu tính phê bình. Trong một xã hội như thế, các tiền giả định sẽ không được kiểm thảo, các quyết định sẽ được đưa ra mà không cần bất cứ lý do nào bởi vì lý do nào cũng được xem là hiển nhiên. Thẩm quyền Giáo Hoàng, năng lực của các thần học gia, giáo huấn của giám mục, và quyền phán định một hành vi là đúng hay sai có thể sẽ không được kiểm thảo trong một môi trường khép kín cục bộ. Tuy vậy, với một Giáo Hội mà các thành phần được đào tạo theo tinh thần cầu tiến trong một thế giới thế tục, những chức năng kể trên cần được phê bình và kiểm thảo về mặt luân lý.

Nếu phải tóm gọn những đóng góp chung của cha trong một mệnh đề, đó sẽ là: cha đã phản tỉnh cách chân thành và mang tính phê bình các khẳng định lý thuyết trong hệ thống luân lý của Giáo Hội Công Giáo Rôma. Là một thành viên của Uỷ Ban, khi nhận ra những tiền giả định của mình bị chất vấn, cha trở thành thần học gia chất vấn chính các tiền giả định của Giáo Hội.

2. Môn Đệ Của Đức Kitô

Khi Công Đồng Vatican II kết thúc, cha đã phác thảo một dự phóng thần học luân lý trong một bài viết dài có tiêu đề “Thần Học Luân Lý Theo Công Đồng Vatican II”, được in trong bộ sưu tập những bài viết thời kỳ sau của Nơi đó, nhà thần học luân lý chuyên về luật tự nhiên đã chuyển toàn bộ sự quan tâm của mình từ đối tượng luân lý sang chủ thể luân lý. Thay vì bàn về những đối tượng như ngừa thai, thụ tinh nhân tạo, hay án tử hình, cha nhìn đến chủ thể của hành vi. Cụ thể hơn, cha hướng về chủ thể là các Kitô hữu và lập luận rằng luân lý không chỉ nhằm xác định đâu là những hành vi đúng đắn. Đúng hơn, luân lý Kitô giáo là kinh nghiệm cá vị của một người cảm nhận được lời mời gọi của Đức Kitô và đáp lại lời mời gọi ấy bằng trọn đời sống của mình. Mỗi Kitô hữu đều được Đức Kitô mời gọi để trở thành người môn đệ ngang qua Bí Tích Rửa Tội. Vì thế, luân lý phải là sống ơn gọi của một người, hơn là vấn đề của những hành vi đơn lẻ. Mở rộng viễn tượng của thần học luân lý đến nỗi bao hàm những mục tiêu phổ quát của đời sống Kitô hữu trở thành đóng góp đặc trưng đầu tiên của cha sau Công Đồng.

3. Quyền Tối Thượng Của Lương Tâm

Cha rất thích trích dẫn phê bình của Thánh Tôma Aquinô đối với Peter Lombard, người được mệnh danh là “Thầy” của tác phẩm The Sentences [Các Luận Đề]. Trong khi giảng dạy và viết tác phẩm Commentary on the Sentences [Bình Luận Về Các Luận Đề], Thánh Tôma đã phê bình quan điểm của Lombard khi [Lombard] cho rằng bị vạ tuyệt thông thì nguy hiểm hơn việc đi ngược lại tiếng lương tâm. Về điều này, Thánh Tôma viết: “Hic magister falsum dicit” – “Thầy [Lombard] đã sai ở điểm này”. Ngài thêm rằng người ta thà chết trong tình trạng tuyệt thông còn hơn là đi ngược lại với lương tâm của mình. Đối với Thánh Tôma và cha Fuchs, lương tâm là nguồn gốc của mọi trách nhiệm luân lý: nơi đó, chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để yêu thương và thăng tiến bản thân, nhờ vậy ta có thể nhận biết được điều cần làm để xây nên đời sống đúng đắn. Trách nhiệm đó tạo cho lương tâm một không gian để lắng nghe tiếng Chúa và đáp lại lời Ngài. Vì vậy, trong khi xã hội đương thời bàn luận về tự do của lương tâm, đối với Thánh Tôma và cha Fuchs, tự do đó chỉ có giá trị khi mỗi người đảm đương trách nhiệm lắng nghe và huấn luyện lương tâm mình. Chính vì trách nhiệm đó, cha Fuchs đã đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến bảo vệ lương tâm cá nhân, vì không có lương tâm thì không ai có thể phán định được giá trị luân lý của điều mình làm.

4. Điều Tốt và Điều Đúng

Đồng ý với khám phá của học trò mình là Bruno Schüller, cha Fuchs cho rằng chúng ta phải phân biệt giữa việc cố gắng đáp lại lời mời gọi của Chúa nơi lương tâm, với việc thực hiện những hành vi cụ thể theo lương tâm. Việc đầu tiên liên quan đến một lương tâm “tốt” hay “xấu,”việc thứ hai liên quan đến tính “đúng” hay “sai” theo phán đoán của lương tâm. Đầu tiên, cha xem xét liệu rằng chúng ta có cố gắng để đạt được mục tiêu đúng đắn trong đời sống hay không, và gọi đó là “điều tốt”. Kế đến, cần xem xét liệu rằng các phương cách chúng ta suy tính và chọn lựa để đạt được “điều tốt” có phải là suy nghĩ và lối sống đúng đắn hay không, và gọi đó là “điều đúng”.

Ơn cứu độ gắn liền với điều tốt lành: tiêu chuẩn của ơn cứu độ là tình yêu, rồi tình yêu sẽ cố gắng thực thi điều đúng đắn. Tội lỗi chính là không cố gắng, là quay lưng với lời mời gọi của Đức Kitô. Tội lỗi, xét như một điều xấu, thì khác với ý hướng, chọn lựa, hay hành vi sai trái. Những sai lầm ấy không nhất thiết là hệ quả tất yếu của việc ngưng cố gắng. Cha luôn nhắc nhở người đọc rằng không phải tất cả các hành vi sai lầm đều là tội; không phải tất cả tội đều là hành vi sai lầm.

5. Luật Tự Nhiên Xét Như Là Lý Trí Đúng Đắn (Recta Ratio)

Luật tự nhiên liên quan đến tính đúng đắn, nhưng cha Fuchs khám phá ra rằng cái đúng mang tính cá nhân nhiều hơn so với những gì cha đã từng nghĩ trong ba mươi năm trước đây. Đối với những người ủng hộ trường phái luật tự nhiên, trong đó có cha Fuchs thời trẻ, thật dễ để xác định tính luân lý của một hành vi mà không cần xét đến chủ thể của hành vi ấy. Các thần học gia theo phái này tuyên bố rằng họ có thể phán định được khi nào và ở hoàn cảnh nào thì các hành vi nói dối, trộm cắp, giết người,… là sai trái. Không tranh luận về tính khả thi của những phán định luân lý mà không cần xét đến chủ thể như thế, cha Fuchs thời sau đặt ra câu hỏi về nền tảng mà chúng ta dựa vào để xác định tính đúng sai về những phán đoán của các thần học gia nói trên. Suy cho cùng, nếu một thần học gia bất đồng ý kiến với một thần học gia khác, đâu sẽ là tiêu chuẩn để các vị còn lại dựa vào nhằm đưa ra quyết định? Bây giờ, cha lập luận rằng cái đúng sẽ dựa trên việc phán đoán đó có tuân theo lý trí đúng đắn hay không. Vì lý do này, cha định nghĩa luật tự nhiên theo cách mà Tôma định nghĩa: recta ratio [lý trí đúng đắn].

Định nghĩa này tránh xác định luật tự nhiên như những khách thể hoá của bản tính con người. Đúng hơn, luật tự nhiên là sự khôn ngoan thực tiễn giúp chủ thể biết được điều cần phải làm. Sự khôn ngoan là nhân đức giúp có được đời sống đúng đắn. Cũng như một người không có lương tâm thì không thể xác định điều đúng điều sai, thì nếu không có recta ratio [lý trí đúng đắn], ngay cả chuyên gia về truyền thống và đời sống đạo đức cũng không thể xác định được đâu là hành vi đúng đắn và chuẩn mực. Thái độ tra vấn có phê bình của cha Fuchs đã giúp cha có được nền tảng căn bản để xác định một hành vi đúng đắn.

6. Thẩm Quyền Của Huấn Quyền

Cùng với Klaus Demmer, một sinh viên nổi tiếng khác, cha Fuchs cho rằng chức năng đầu tiên của các giám mục là dạy dỗ chúng ta trở thành người tốt, nghĩa là cố gắng làm điều đúng. Đành rằng có một vài thời điểm, các giám mục muốn dạy chúng ta về điều đúng điều sai trong các lãnh vực của cuộc sống, nhưng nhiệm vụ ưu tiên của các vị mục tử là giúp chúng ta biết cố gắng đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô: là chủ chăn, họ phải mời gọi chúng ta sống yêu thương.

Vì thế, chức năng đặc trưng thứ hai của các giám mục là dạy người khác nhận biết đâu là cách hành xử đúng đắn hay sai trái. Thế nhưng cha có nhiều lưu ý khi nói đến điều này. Đầu tiên, để có thể giúp người khác nhận biết điều đúng điều sai, người dạy cần phải có đủ khả năng. Cũng như luật tự nhiên gắn liền với lý trí đúng đắn, các giám mục dạy về tính đúng sai luân lý cần phải có thẩm quyền và khả năng về vấn đề này. Trong một xã hội “khép kín” của mình, chúng ta luôn giả định về thẩm quyền và sự hiểu biết của các giám mục trong một số vấn đề nhất định như luân lý tính dục, sinh sản, xã hội và sinh học; và cha chất vấn rằng dựa vào nền tảng nào mà chúng ta có những tiền giả định ấy. Thứ hai, vì những hành vi cụ thể của một người cần được lượng giá dựa trên lời mời gọi từ bên trong dành cho đương sự, nên các giám mục chỉ có thể giảng dạy dựa trên những nguyên tắc chung mà thôi. Thứ ba, khi nói về các vấn đề cụ thể nêu trên, các giám mục không được giảm trừ đi thẩm quyền và trách nhiệm của mình nhằm thúc đẩy người nghe đáp lại tiếng gọi của Đức Kitô.

7. Những Mệnh Lệnh Luân Lý Tuyệt Đối

Trong số báo gần đây của tạp chí Gregorianum, Fuchs đã trở về với một chủ đề được yêu thích. Ông đặt câu hỏi liệu rằng có sự tuyệt đối trong luân lý hay không. Với một sự hiểu biết sâu rộng về trường phái Tôma, Fuchs trả lời rằng chỉ có một nguyên tắc tuyệt đối duy nhất: làm lành lánh dữ. Không một nguyên tắc nào khác có thể vượt trên nguyên tắc tuyệt đối này. Chắc hẳn có nhiều nguyên tắc luân lý khác, nhưng nguyên tắc nào càng cụ thể thì càng khó đạt được tính tuyệt đối. Ví dụ, luật “cấm giết người” được áp dụng cách chung, nhưng không được áp dụng cho mọi trường hợp và không mang tính tuyệt đối. Fuchs thường quy chiếu đến cách hiểu của phái Tôma rằng các nguyên tắc chung thì cũng được áp dụng cách chung chung (ut in pluribus), vì vậy, chúng không phải là nguyên tắc tuyệt đối.

8. Sự Dữ Tự Thân

Có lẽ quan điểm đặc trưng và gây tranh cãi nhất của Fuchs được thể hiện trong tác phẩm “The Absoluteness of Behavioural Moral Norms” [Tính Tuyệt Đối Của Các Nguyên Tắc Luân Lý Hành Vi]. Trong tác phẩm này, Fuchs đặt câu hỏi liệu rằng các quy định cụ thể, đặc biệt là các điều cấm, có thể được khẳng định cách tuyệt đối hay không. Liệu rằng có hành vi nào sai trong mọi hoàn cảnh, nghĩa là sai tự thân hay không. Dựa vào chức năng của lý trí đúng đắn, Fuchs trả lời rằng con người không thể khám phá hết tất cả các cảnh huống mà một nguyên tắc luân lý có thể áp dụng, nên cũng không thể kết luận nguyên tắc ấy luôn đúng trong mọi trường hợp. Theo Fuchs, vì lý do giáo dục, chúng ta có thể khuyên một người không nên thực hiện một hành vi cụ thể nào đó trong mọi trường hợp. Thế nhưng, lời khẳng định mang tính giáo dục thực hành ấy không tương đồng với một lời khẳng định về mặt lý thuyết. Cũng như chúng ta có thể dặn dò đứa trẻ chỉ đi qua đường ở chỗ nào có vạch qua đường, và biết rằng khi có đủ trí khôn và phán đoán, đứa bé ấy sẽ giải thích luật ấy như một nguyên tắc chung chứ không phải tuyệt đối. Cách chung, đứa bé sẽ băng qua đường ở chỗ có vạch qua đường, nhưng không phải luôn luôn và tuyệt đối như vậy.

9. Lựa Chọn Nền Tảng

Một ý niệm đặc trưng của thần học đương đại là “tự nhận thức” (self-understanding). Trong thần học luân lý, điều này đặc biệt quan trọng bởi lẽ để có thể đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô, chúng ta cần biết rõ những cùng đích cuộc đời mà chúng ta được mời gọi hướng tới. Mỗi nhân viên cảnh sát, luật sư, hay mục tử đều phải hình dung và thiết lập được những kế hoạch tương ứng để có thể trở thành môn đệ của Đức Kitô. Biết được mình là ai sẽ giúp cho đương sự xác định được mình phải trở nên người như thế nào, và đâu là điều phải làm trong hoàn cảnh hiện tại của mình. Vì lý do này, cha Fuchs cho rằng một người không thể xác định được một hành vi luân lý là đúng hay sai nếu không có sự hiểu biết về chủ thể: những yêu cầu về mặt luân lý dành cho một người mẹ đang làm việc nuôi ba người con sẽ khác với khi áp dụng cho một sinh viên hay một tài xế xe tải.

Tuy vậy, cha thường lưu ý rằng mặc dù chúng ta có thể biết điều chúng ta nên chọn lựa – tức là đâu là điều đúng đắn, nhưng chúng ta không thể chắc chắn được liệu rằng chúng ta có đang thực sự nỗ lực đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô – nghĩa là chúng ta có phải là người tốt hay không. Cũng như Giáo Hội dạy rằng không ai có thể chắc chắn mình được cứu độ hay không, thì tương tự như vậy, không ai có thể tự mãn cho rằng mình thực sự yêu mến Chúa và tha nhân. Từ chính kinh nghiệm bản thân, không ai chắc chắn được liệu rằng mình có cố gắng đủ theo đòi hỏi của luân lý hay chưa. Nếu không chắc chắn rằng mình có tốt hay không thì làm sao chúng ta có thể xét đoán một người là tốt hay xấu?

Thêm nữa, cha quả quyết rằng những nỗ lực sống yêu thương sẽ góp phần vào thái độ nền tảng chung cuộc của một người. Tương tự như thế, thất bại trong việc thực hiện điều tốt và sống yêu thương cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ căn bản. Cha Fuchs gọi thái độ căn bản ấy là chọn lựa nền tảng. Người nào càng chọn Đức Kitô hơn là chọn lựa theo ý riêng bản thân, thì người đó càng đáp lại ân sủng mà Đức Kitô đã ban cho họ.

10. Thần Học Gia Luân Lý

Ngạc nhiên thay, cha Fuchs không chọn chuyên môn luân lý ngay từ ban đầu. Bài luận văn của cha về Huấn quyền, sứ vụ và chức vương đế là một đề tài trong chuyên môn giáo hội học (1940). Sau đó, cha viết nhiều cuốn sách khác như luân lý tính dục của Thánh Tôma Aquinô (1949), luân lý hoàn cảnh (1952), luật tự nhiên (1955), bí tích (1959), khiết tịnh và trật tự tính dục (1959). Đến năm 1964, bộ sách Theologiae moralis generalis làm cho vị tu sĩ Dòng Tên người Đức 48 tuổi này trở thành một trong những thần học gia đầu ngành của trường phái luân lý Rôma. Tuy vậy, danh hiệu đó đã thay đổi khi cha ngồi vào Uỷ ban giáo hoàng [về luân lý].

Nhà tư tưởng này có 40 năm giảng dạy ở Rôma. Một năm sau khi thay đổi quan điểm từ khách thể luân lý sang chủ thể luân lý, ông bị cấm dạy tại Đại học Gregorian. Thú vị thay, đó chỉ là lệnh cấm một phần. Ở Gregorian, việc học được chia thành ba cấp độ khác nhau: chương trình chuẩn bị cho chức linh mục; chương trình chuyên sâu ứng với các lãnh vực chuyên môn như thần học luân lý, lịch sử, Thánh kinh, tín lý hay mục vụ; hoặc chương trình dành cho những người viết luận án. Cha Fuchs bị cấm dạy ở chương trình đầu tiên nhưng vẫn có thể dạy ở hai chương trình còn lại. Như thế, quan điểm của cha không bị đặt vấn đề về tính chính thống bởi lẽ cha vẫn được phép giảng dạy cho những giáo sư thần học luân lý tương lai. Lệnh cấm đó chỉ có nghĩa là cha không được dạy trong chương trình thần học căn bản dành cho những người chuẩn bị cho chức linh mục, nghĩa là cho các chủng sinh mà thôi.

Mặc dù có lệnh cấm, cha vẫn tiếp tục viết bài phân tích và phê bình nhiều khái niệm then chốt – dù không được khai triển trong bài viết này – như “ý Chúa” trong các vấn đề luân lý, tính chuyên biệt của đạo đức Kitô Giáo, và luân lý hoàn cảnh. Tuy vậy, trong mỗi một bài viết, chúng ta thấy được một thần học gia có sự quan tâm đặc biệt đến các vấn đề nền tảng trong thần học luân lý.

Có lần, tôi đã hỏi cha Josef Fuchs về lý do tại sao cha viết. Cha trả lời: “Tôi luôn viết về một vấn đề sau khi có một vài thần học gia đã có ý kiến về vấn đề ấy; và tôi nghĩ rằng còn một vài điều khác cần được nói thêm.” Các điều nói thêm của cha thường dấy lên nhiều tranh luận, dù cha không chủ tâm hướng đến điều đó. Ngược lại, nhà thần học Rôma trình bày những lập luận của mình rồi để cho lương tâm độc giả chọn lọc, tiếp nhận hay loại bỏ. Cha như “người bảo vệ lương tâm” biết giữ khoảng cách với những toan tính mang tính chính trị, không chủ tâm phơi bày hay tấn công những người có quan điểm đối lập hay thẩm quyền Giáo Hội. Tuy vậy, cha không ngần ngại để phê bình những khẳng định của bất kì thần học gia hay giám mục nào muốn áp đặt ý muốn cá nhân lên lương tâm của người khác. Mới sáu tháng trước đây, cha Fuchs viết rằng: “Khi thần học gia luân lý nêu lên những vấn đề trong giáo huấn Giáo Hội về các chủ đề cụ thể hay về phương pháp lập luận được áp dụng, họ phải nói rõ những điều họ muốn đặt vấn đề cho người nghe và nói rõ quan điểm của cá nhân họ – mà không cố gắng tìm cách thuyết phục người nghe đi ngược lại với giáo huấn của huấn quyền. Tôi cũng đã từng nói rằng: Tôi không nói bất cứ điều gì mà tôi không ủng hộ, nhưng tôi có thể không nói tất cả mọi điều tôi ủng hộ. Tôi nghĩ rằng thật là sai trái khi muốn dấy lên những tranh cãi. Khi đối diện với những khó khăn có thể có từ huấn quyền, một người phải ý thức và phân biệt được giữa điều có thể nói, điều phải nói, và điều không nên nói trong các hoàn cảnh tương ứng” (Theology Digest, Summer 1991, tr. 107).

Sự khôn ngoan đó không phải là kết quả của tính cẩn trọng, nhưng có nền tảng trên một đời sống biết truy tìm sự thật luân lý. Đối với cha Fuchs, sự thật luân lý được tìm thấy nơi lương tâm và không ai biết rõ quan điểm này hơn các sinh viên của cha. Trong suốt 50 năm giảng dạy, dù là trong nhiều thập kỷ tại Đại học Gregorian, hay ở các học kỳ thỉnh giảng tại các trường đại học như Weston School of Theology, Saint Vincent De Paul Seminary of Boynton Beach, St Louis University, hay Georgetown, cha đã giúp hàng ngàn sinh viên thần học lãnh hội và phát triển một sự hiểu biết lành mạnh, có phê bình và khôn ngoan về thần học luân lý. Các học trò của cha nay đã trở thành nhiều nhà luân lý hàng đầu trong Giáo Hội Công Giáo Rôma: Klaus Demmer và Sergio Bastianel ở Rôma, Bruno Schuller ở Münster, John Mahoney và Bernard Hoose ở London. Các mối bận tâm của cha cũng xuất hiện trong các nghiên cứu của các thần học gia Hoa Kỳ như Richard McCormick và Timothy O’Connell. Cũng giống như các vị này, tôi đã có cơ hội tuyệt vời được cha hướng dẫn luận án của mình. Đến giờ này, chúng tôi tiếp tục giữ liên lạc với nhau qua thư từ và điện thoại. Tôi cảm thấy vui thích ngay từ những giây phút đầu tiên trò chuyện gặp gỡ với cha. Tôi còn nhớ rõ những giây phút đó. Một năm trước khi kết thúc chương trình thần học căn bản chuẩn bị cho chức linh mục tại Weston, vào mùa hè, tôi đến Florence để học tiếng Ý nhằm chuẩn bị cho việc học tiến sĩ tại Gregorian sau khi chịu chức. Tôi viết thư xin gặp cha. Chúng tôi gặp nhau khoảng một giờ đồng hồ tại văn phòng của cha. Một năm sau, khi tôi đến Rôma và ở tại cộng đoàn Dòng Tên Collegio Bellarmino dành cho các sinh viên học chuyên môn. Khoảng một giờ sau khi đến, tôi ngồi trong phòng để ngẫm xem mình nên làm gì tiếp theo. Tiếng chuông điện thoại reo lên. “Có phải Keenan không? Tôi là Fuchs. Tôi tin rằng em đã đến nơi bình an. Tối nay đến dùng bữa tại ‘Greg’ nhé. Sau đó, chúng ta có thể đi ra ngoài uống vài ly bia. Em thấy điều đó có ổn không?” Tôi đã sớm nhận ra rằng thần học gia người Đức sống ở Rôma luôn để lại cho người nghe và độc giả của mình những câu hỏi tương tự như thế.


[1] Bài viết này được chuyển dịch từ bài viết của James F. Keenan, (1993), Josef Fuchs at Eighty, Defending the Conscience while Writing from Rome. Irish Theological Quarterly, 59 (3), 204–210. doi:10.1177/ 00211400930