Hợp Tuyển Thần Học

Nhận Xét Về Kitô Học Thần Khí Theo Quan Điểm Của Roger Haight

Nhận Xét Về Kitô Học Thần Khí Theo Quan Điểm Của Roger Haight

Mục Lục

Trong số xuất bản tháng 6, 1992, tạp chí Theological Studies đã cho đăng bài viết mang tựa đề Ủng Hộ Kitô Học Thần Khí của tác giả Roger Haight, S.J.[2] Dù có đưa ra nhiều khía cạnh rất xác đáng tinh vi, thì theo thiển ý của tôi, bài viết ấy cũng mang theo nhiều thiếu sót tại căn, và vì thế, không phải là một cách nhận thức có thể chấp nhận được trong đường hướng tìm hiểu về đức tin kitô.

Vì từ ngữ “Kitô học Thần khí” có bao gồm nhiều ý nghĩa khác nhau, nên thiết tưởng ngay từ đầu, cũng cần phải nêu rõ ý nghĩa của những gì bài viết kia muốn bàn tới. Haight đã miêu tả chính xác về các hình thái Kitô học, coi đó như là “những cách thức biểu đạt, hay là giải thích, hoặc la dựa trên kinh nghiệm đức tin về sự kiện Đức Giêsu đã mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa cho loài người, mà nhận chân về bản sắc con người Đức Giêsu” (trang 84). Kitô học Thần Khí theo Haight coi Đức Giêsu như là một con người đã được đầy Thiên Chúa như là Thần Khí ngay từ lức bắt đầu cuộc sống, cho đến độ Ngài đã trở thành Đấng mang ơn cứu độ của Thiên Chúa. Theo tác giả, thì chính sự việc Thần Khí cư ngụ trong Đức Giêsu ngay từ giây phút đầu của cuộc sống, là yếu tố làm cho hình thái Kitô học này khác biệt với nghĩa tử thuyết (tr. 79). Tác giả Haight đã hiểu việc cư ngụ ấy của Thần Khí như là thiên tính của Đức Giêsu:

“Đức Giêsu được Thần Khí của Thiên Chúa quyền lực hoá; Thần Khí Thiên Chúa là chính Thiên Chúa hiện diện, và như thế là hiện diện, là quyền năng, là sức mạnh, là động lực, Thần Khí tác động hữu hiệu vô song; do vậy, Đức Giêsu thật là hiện thân của Thiên Chúa như là Thần Khí. Tuy nhiên, đó không phải là một quyền năng vô ngã chỉ biết chiếm đoạt và kiểm soát, nhưng là chính Thiên Chúa tác động trong tự do của con người, không phải từ bên ngoài và để thống trị, cũng như không phải từ bên trong và để chiếm đoạt, song là bằng cách làm cho tự do hiện thực hóa trọn vẹn được các khả năng cố hữu của mình” (78).

Trong hình thái Kitô học Thần Khí ấy, có hai khía cạnh cần phải lưu ý tới: kinh nghiệm tôn giáo của Đức Giêsu, và kinh nghiệm tôn giáo của những kẻ theo Ngài. Đức Giêsu đã cảm nghiệm Thiên Chúa như là Thần Khí hiện diện trong Ngài, làm cho Ngài có thể gọi Thiên Chúa là “Abba!” Và hệt như vậy, khi cho chúng ta được chia sẻ Thần Khí với Ngài, Ngài cũng làm cho chúng ta được gọi Thiên Chúa là “Abba!”

Khi tiến sâu vào tận trong ngôi vị hay chủ thể nơi Đức Giêsu, thì chỉ nhận ra được một ngôi vị thụ tạo, một nhân vị, cho dù có được Thần Khí ban cho ân huệ đến tột mức và quyền lực hóa đến tối đa. Haight không nhìn nhận Đức Giêsu là một ngôi vị thần linh khi viết rằng: “Ý thức lịch sử ngày nay không cho phép nói rằng thực trạng Đức Giêsu làm người thật sự có ý chỉ về một bản tính loài người toàn vẹn nhưng trừu tượng, với một ngôi vị thần linh, chứ không có một nguyên tắc hiện hữu loài người làm nguyên lý hiện hữu.” (76, Số 35). Miêu tả ngôi vị thần linh trong Đức Giêsu theo kiểu cách ấy thì có thể là phần nào có dụng ý tính toán (“bản tính loài người toàn vẹn nhưng trừu tượng”); nhưng ý nghĩa thì xem ra đã rõ. Bởi vì chối bỏ chủ thể thần linh và, vì thế, chối bỏ luôn cả việc chuyển thông đặc tính (communication of properties ), (76) nên Haight không muốn nói đến cuộc tiền hiện hữu của Đức Giêsu (77).

Tắt một lời: Haight coi Đức Giêsu đơn thuần là một con người được tràn đầy Thiên Chúa như là Thần Khí ngay từ lúc mới bắt đầu hiện hữu. Nơi Ngài, chẳng có một chủ thể thần linh tiền hiện hữu nào đã có trước và đã trở thành tác nhân chủ động trong lịch sử loài người, nhờ vào nhân tính mà chính mình đã nhận lấy làm của riêng mình. Chẳng có một Con Thiên Chúa vĩnh hằng nào đã từng trở thành một con người, nhưng đơn thuần chỉ có một con người được tràn đầy Thiên Chúa như là Thần Khí tới mức siêu quần bạt tụy.

Trong phần đầu của bài viết, về mặt phương pháp, Haight đã đề ra sáu tiêu chuẩn cho việc nhận định về tính cách thích đáng của một nền Kitô học. Các tiêu chuẩn ấy đã được chọn lựa xác đáng. Nhưng dùng chúng để đánh giá nền Kitô học được tác giả miêu tả qua bài viết của mình, thì, theo tôi nghĩ, là một việc làm khiếm khuyết: khiếm khuyết ngay ở điểm Haight từ chối không nhận rằng chủ thể ngôi vị cơ bản trong Đức Giêsu, tức là chính bản thân Đức Giêsu, là ngôi vị thần linh thực sự. Tác giả Haight không cho là một Đấng đã “sinh bởi Thiên Chúa Cha từ trước muôn đời,” và dù thế, cũng đã thực sự trở thành một con người hoàn toàn “đồng bản tính” với chúng ta. Sau đây, xin được lần lượt nhận định về các tiêu chuẩn vừa nói:

1. Tiêu chuẩn thứ nhất là phải có tính cách biện giáo: Kitô học có sứ mạng phải chứng giải kinh nghiệm kitô về Đức Giêsu; phải minh giải lý do tại sao người kitô nhận được ơn cứu độ từ nơi Ngài (50). Và “ơn cứu độ cốt tại ở sự việc Thiên Chúa tự mạc khải chính mình ra” (60), làm cho Ngài hiện diện ra trong lịch sử cùng thông ban sức năng biến hóa chúng ta trở thành môn đồ.

Đã đành là Kitô học phải bắt đầu với kinh nghiệm kitô: kinh nghiệm mà các môn đồ đầu tiên của Đức Giêsu có về Ngài, và kinh nghiệm của các tín hữu suốt trong dòng lịch sử Giáo Hội cho đến cả ngày nay. Chắc hẳn là trong kinh nghiệm của mình, người kitô thực sự liên hệ với Đức Giêsu như là Đấng Cứu Tinh, nhưng đồng thời họ cũng liên hệ với Ngài như là Đức Chúa (Kyrios ). Tân Ước biểu đạt kinh nghiệm kitô về Đức Giêsu qua các vinh tụng ca dâng về Ngài (thí dụ Dt 13,21; 2Pr 3,18; Kh 5,13), vinh tụng ca mà qua các thế hệ, phụng vụ kitô hằng không ngớt hát xướng lên. Đã được vô số các tín hữu sau này lặp đi lặp lại làm của mình, lời tuyên tín của tông đồ Tôma thốt lên rằng: “Lạy Chúa tôi! Lạy Thiên Chúa của tôi!” (Ga 20, 28), đích thị là lời biểu đạt một kinh nghiệm xác thực về Đức Giêsu. Đó không phải là những lời đơn thuần thưa lên cùng Thiên Chúa như là Thần Khí cư ngụ trong Đức Giêsu, song là thưa lên cùng chính bản thân Đức Giêsu. Kitô học Thần Khí theo Haight không chứng giải được khía cạnh này của kinh nghiệm kitô.

2. Kitô học phải trung thành với cung cách Kinh Thánh nói về Đức Giêsu. Thiết tưởng là cần phải lấytoàn bộTân Ước làm qui phạm; và để được coi là chính đáng, thì một nền Kitô học cần phải biết lưu tâm đến chứng từ của Tân Ước, không được bỏ sót một phần trọng yếu nào. Nói cho đúng ra, hình thái Kitô học nổi bật nhất trong Tân Ước dường như không phải là Kitô học Ngôi Lời, cũng chẳng phải là Kitô học Thần Khí, mà là một nền Kitô học đặt cơ sở trên sự kiện làm “Con Thiên Chúa.” Đâu đâu trong Tân Ước cũng thấy nói đến một cách minh nhiên hay là ám thị, đến sự kiện Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên Đức Giêsu không chỉ là một trong những người con của Thiên Chúa, giống như bất cứ một tín hữu nào khác, nhưng là “Con yêu dấu” của Thiên Chúa (Mt 3,17), “Con riêng của Thiên Chúa” (Rm 8,3); Thiên Chúa đã tiền định cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Người Con này (Rm 8,29), là “Con Một từ nơi Cha” (Ga 1,14; 3,16). Phaolô rao giảng “Tin Mừng về Con của Người (Thiên Chúa)” (Rm 1,3), Người Con đã từng hợp lực cọng tác vào trong công trình tạo dựng vũ trụ (thí dụ 1Cr 8,16; Cl 1,15-17; Dt 1,2; Ga 1,3).

Đúng là trong thực tế, Kitô học Ngôi Lời đã từng làm cho một vài người, như Apollinaris chẳng hạn, đi đến chỗ quan niệm về Đức Giêsu theo lối nhìn của nhất tính thuyết (monophysite), không phù hợp với Tân Ước. Nhưng lập trường này cũng chẳng phù hợp gì với Kitô học Ngôi Lời theo Gioan. Thánh nhân coi là “phản Kitô” những ai không chịu chấp nhận sự kiện “Đức Kitô đã đến trong xác phàm” (1Ga 4,2.3). Không nhất thiết là Kitô học Ngôi Lời phải tất yếu đưa tới những lập trường không phù hợp với các cứ liệu trong Tân Ước. Có thể xảy ra là một trực giác phong phú và màu mỡ (như trường hợp Kitô học Ngôi Lời) lại sinh sản ra một vài thứ cỏ dại mà chỉ cần bứt tỉa đi, rồi tu chỉnh và bổ khuyết lại là đủ.

Công nhận là trong Tân Ước có nhiều hình thái Kitô học khác nhau; tuy nhiên, tôi không chấp nhận được quan điểm cho rằng Tân Ước trình bày những hình thái Kitô học tương trừ lẫn nhau, chỉ vì mâu thuẫn với nhau. Chấp nhận một số hình thức biểu đạt chẳng có nghĩa là phải loại bỏ các hình thức khác. Không phải lúc nào cũng có thể tìm ra được cách thức để dung hòa các hình thức biểu đạt ấy; nhưng đó là như một dịp mời gọi đi tìm cho ra điều mà Lonergan gọi là “một quan điểm cao hơn,”[3] tức là một viễn ảnh khả dĩ xếp đặt các hình thức biểu đạt có vẻ đối nghịch nhau vào trong một mối hiệp đồng thực sự hợp lý có sức nối kết chúng lại với nhau.

Theo thiển ý của tôi, dường như Haight đã không lưu ý cho đủ đặc biệt là đến mẫu thức Kitô học theo thánh Gioan. Không những vì Haight bỏ quên giáo huấn của Gioan về vai trò mà Lógos đã từng cùng với Thiên Chúa đóng giữ trong công trình tạo dựng (Ga 1,1-3), cũng như quên đi lời Gioan khẳng định về sự việc Lógos đã nhập thể (Ga 1,14), mà còn vì đã không để ý gì đến những lời của chính Đức Giêsu quả quyết trong Tin Mừng theo Gioan, nói rằng Ngài “chính là Ta” (egồ eimi ). Khi lý luận chống lại một “Đức Giêsu tiền hiện hữu,” Haight có vẻ như lẩn quẩn lặp lại một chuyện bằng thừa: trước khi sinh ra, con người Giêsu đã không hiện hữu như là con người (78). Không ai đi hiểu cuộc tiền hiện hữu theo kiểu như thế bao giờ cả; thế thì tại sao lại phải mệt nhọc bác bẻ lại? Nhưng theo Gioan, thì Đức Giêsu đã nói là: “Trước khi có Abraham, thì Ta, chính là Ta” (Ga 8,58). Ngài cũng đã cầu nguyện như thế này: “Lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh Con nơi Cha, trong vinh quang mà Con được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17,5). Những lời tuyên bố như thế là để bỏ sót cho rơi vào quên lãng hay sao?

3. Cũng đồng ý nữa là Kitô học có bổn phận phải trung thành với giáo lý của các công đồng về Kitô học, đặc biệt là của hai công đồng Nixêa và Canxêđôn.

Đúng, công đồng Nixêa đã không trực tiếp minh định sự việc Ngôi Lời nhập thể, vì cả Ariô lẫn Athanasiô đều đồng ý về điểm ấy. Dù sao, thì cũng vẫn phải nhận là chính giáo huấn của Gioan 1,14 đã làm cho họ đồng ý với nhau. Công đồng Nixêa và cả toàn bộ truyền thống kitô giáo sau đó, đã coi đó là một lời xác minh trọng yếu và đầy ý nghĩa. Dường như tác giả Haight đã không nghĩ như vậy.

Hình như căn cớ chính làm phát sinh ra lạc giáo Ariô không phải là lạc thuyết phụ thuộc (subordinationism) tiềm ngụ ở trong tước hiệu “Lời,” song là ở trong tước hiệu “Con”: Một người con thì không thể có cùng số tuổi như cha mình được; Ngôi Cha phải có trước khi sinh Con ra, vì thế đã có một thời Con chưa có.

Nói rằng Nixêa chỉ muốn khẳng định về sự việc Đấng hiện diện và hoạt động trong Đức Giêsu thì không kém thua gì Thiên Chúa, là không biết đánh giá cho đúng về những gì công đồng đã làm. Vì lời khẳng định đó cũng đúng đối với mọi người lành thánh: nơi họ, cũng có Đấng không kém thua gì Thiên Chúa hiện diện và hoạt động. Chúa Thánh Linh cư ngụ trong mỗi một người chúng ta, trong cộng đồng Hội Thánh, và Thiên Chúa hoạt động trong mọi việc tốt lành chúng ta làm: quoties bona agimus, Deus in nobis atque nobiscum, ut operemur, ope-ratur (mỗi khi chúng ta làm điều thiện, thì trong chúng ta và với chúng ta, Thiên Chúa tác động làm cho chúng ta làm), như công đồng Orange II đã tuyên bố (DS379).

Vì mọi phía đã đồng ý về sự việc Ngôi Lời nhập thể, nên chủ định của công đồng Nixêa là khẳng định rằng Đấng chủ động trong các hành động của Đức Giêsu, tức là Người Con tiền hiện hữu, thì không thua kém chi Thiên Chúa.

Đúng, công đồng Canxêđôn đã thực sự quan tâm đến việc dạy giáo lý về nhân tính trọn vẹn của Đức Giêsu, và dạy rằng Ngài là homoousios (đồng bản tính) với chúng ta. Nhưng điều mà công đồng đã trực tiếp quan tâm đến trước hết, chính là lo làm sao để đem lại hòa khí trong Giáo hội bằng cách tìm cho ra một công thức khả dĩ dung hợp được những chủ trương chính đáng của cả hai hình thái Kitô học, tức là Kitô học “Lời-Xác Phàm” [Alêxanđria] và Kitô học “Lời-Con Người,” [Antiôkia], mà vẫn tránh được các lập trường cực đoan cả của phe Nhất tính thuyết lẫn của phe Nestôriô. Những lời khẳng định (bằng chữ nghiêng dưới đây) trong công thức tuyên tín của Canxêđôn rõ ràng là ngược hẳn với hình thái Kitô học Thần Khí mà Haight chủ trương; công đồng viết:

“Theo sát gót các thánh Giáo Phụ, chúng tôi tất cả đều đồng tâm nhất trí dạy rằng [phải] tuyên xưng đức tin vào một Người Con duy nhất là chính Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Chúng tôi tuyên xưng rằng Ngài là hoàn chỉnh trong thiên tính cũng như trong nhân tính của mình, là Thiên Chúa thật và là con người thật cấu thành do linh hồn lý tính cùng thể xác, đồng bản tính với Đức Chúa Cha trong thiên tính của mình, còn trong nhân tính, thì đồng bản tính với chúng ta, và giống chúng ta về mọi mặt, ngoại trừ tội lỗi (Dt 4,15). Chúng tôi tuyên xưng rằng theo thiên tính, Ngài sinh bởi Đức Chúa Cha từ trước muôn đời , và trong thời sau hết này, vì chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Ngài đã sinh ra theo nhân tính, bởi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa. Chúng tôi tuyên xưng rằng chính cùng một Đức Kitô ấy, Con Một và là Đức Chúa, phải được nhìn nhận là hiện hữu trong hai bản tính không trộn lẫn với nhau hoặc đổi thay [lời khẳng định chống lại chủ trương cực đoan của phái Kitô học “Lời-Xác Phàm” =nhất tính thuyết], không phân chia hoặc phân rẽ [lời khẳng định chống lại các khuynh hướng cực đoan trong phái Kitô học “Lời-Con Người” =Nestôriô]; và rằng sự việc chúng kết hợp thành một không mảy may triệt tiêu đi sự khác biệt giữa hai bản tính, nhưng trái lại, mỗi bản tính vẫn duy trì nguyên vẹn đặc tính cá biệt của mình, cũng như chúng kết hợp làm một với nhau trong cùng một bản ngã (person) duy nhất và trong cùng một ngôi vị (hypostasis) duy nhất . Chúng tôi tuyên xưng rằng Ngài không bị phân tách hoặc phân chia ra làm hai ngôi vị, song chỉ có chính một Người Con Một duy nhất ấy mà thôi, tức là Thiên Chúa Ngôi Lời, là Đức Chúa Giêsu Kitô . Đó là điều mà ngay từ đầu, các tiên tri đã dạy về Ngài; đó là điều mà chính Đức Kitô đã đích thân dạy cho chúng ta biết; và đó cũng là điều mà qua bản tuyên tín, các Giáo Phụ đã truyền đạt lại cho chúng ta.”[4]

Canxêđôn không nghĩ là đã dạy một điều gì khác ngoài giáo huấn của Ephêsô, nhưng chỉ muốn giải thích Ephêsô cho rõ hơn, bởi vì phe nhất tính thuyết đã đề ra những lối giải thích theo kiểu riêng của họ. Cả Canxêđôn nữa cũng đã gọi Đức Maria bằng tước hiệu theotókos (Mẹ Thiên Chúa), một tước hiệu không thể có được nếu không có sự việc chuyển thông đặc tính(communicatio idiomatum ) giữa hai bản tính trong Đức Giêsu — đó là một phép ngữ học mà Tân Ước cũng thường dùng đến. Đã đành là giáo huấn của Canxêđôn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh lịch sử thời đó, và công thức “hai bản tính, một ngôi vị” còn có thể được cải thiện cho hoàn hảo hơn. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì không được đi tìm việc cải thiện ấy với một thái độ thiếu kiên định, buông rơi, không chịu nắm vững và nhìn nhận những gì công đồng đã chủ tâm truyền dạy một cách minh nhiên, trong và qua công thức trên đây.

Ở đây, còn có một điểm quan trọng khác nữa, đó là Giáo hội học Thần khí. Những gì đức tin Hội Thánh hằng tin nhận và tuyên xưng ra một cách coi như là phổ quát nhất trí, suốt trong nhiều thế kỷ, thì đó chính là những gì Thánh Linh chỉ dạy cho Hội Thánh tuyên xưng. Cần phải cẩn trọng trong việc áp dụng nguyên tắc này, bởi vì, có thể là những nước sơn văn hóa hào nhoáng bên ngoài sẽ được coi như là một thái độ tuyên xưng đức tin, dù chẳng phải là thế; chẳng hạn như là quan niệm trọng nam hơn nữ, gặp thấy nơi các Giáo Phụ. Tuy nhiên, việc Hội Thánh đồng tâm nhất trí tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, như hai công đồng Nixêa và Canxêđôn đã tuyên dạy, thì không thể hủy bỏ đi được, và cũng không thể giải thích làm cho điểm cốt tủy ấy mất hết ý nghĩa đi được.

4. Tôi cũng đồng ý rằng Kitô học phải trình bày làm sao cho dễ hiểu và cho có mạch lạc; nhưng thế nào đi nữa thì cũng cần phải phân biệt, như chính thánh Phaolô đã làm, giữa sự khôn ngoan của thế gian và sự điên rồ của Thiên Chúa (1Cr 3,19). Một lần nữa, xin nói lại cho rõ là đó là một việc làm lắm lúc tế nhị và phức tạp khó khăn.

Tôi nghĩ rằng lập trường của Haight có mạch lạc và nhất quán trong nội cục đề cương của nó, nhưng lại không ăn khớp với kinh nghiệm của đại đa số các kitô hữu, không phù hợp với giáo huấn của Tân Ước, cũng như không trung thành với các công đồng của Giáo hội và với Đại Truyền Thống nói chung.

5. Một nền Kitô học hiện đại có bổn phận phải ứng đáp thích đáng cho hiện trạng và các vấn đề chúng ta đang gặp phải. Dù không thể minh giải cho hết được tất cả những điều vừa nói, thì tôi cũng nhận ra được ít nhất là ba điều kiện quan trọng đặt ra cho Kitô học và cho thần học nói chung: (1) cần phải nhìn nhận ảnh hưởng của điều kiện lịch sử; (2) trong nỗ lực tìm hiểu về đức tin, không thể chỉ đơn thuần dựa theo cách biểu đạt thần thoại hay ẩn dụ được; và (3) cần phải lấy thái độ tích cực mà nhìn nhận và đánh giá thực trạng đa dạng tôn giáo của thời đại này.

Haight nhận xét đúng khi nói rằng ngày nay, việc nhìn nhận hiện trạng đa dạng tôn giáo trong thế giới là một thách đố đặc biệt đặt ra cho Kitô học. Điều đó làm cho Haight kết luận rằng không những cần phải chấp nhận Thiên Chúa như là Thần Khí đang hoạt động nơi các tôn giáo lớn khác (87) — như Vaticanô II xem ra đã khẳng định trong phần đầu của tuyên ngôn Nostra Aetate ,[5] và như Đức Gioan Phaolô II đã phát biểu một cách rõ ràng hơn nữa, trong thông điệp Redemptoris missio[6] — mà còn cần phải chấp nhận nữa là “có thể có nhưng nhân vật cứu độ khác ngang cương vị [với Đức Giêsu]”(85). Điểm nhận định này làm như hủy hoại đến tận gốc rễ sứ mạng của Giáo hội, được biểu thị rõ qua Mt 28,19-20: “Vậy anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Linh, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.”

Theo kinh nghiệm kitô, Đức Giêsu là Chúa, Đấng làm trung gian cho hoạt động cứu độ của Thiên Chúa, là hiện thân lòng Thiên Chúa yêu thương, là quyền năng và là khôn ngoan của Thiên Chúa thể hiện ra trong thế giới. Thiên Chúa đã chiếm hữu cuộc sống con người cụ thể này làm của riêng mình đến độ trong và qua cuộc sống ấy, Ngài hành động thực sự và một cách chung quyết, nhằm mưu cầu hạnh phúc vĩnh cửu cho toàn thể nhân loại.

Tuy nhiên, cũng cần phải công nhận rằng hành động cứu độ của Thiên Chúa thu hút con người đến với Ngài qua một cuộc đời sống trong tình yêu xả kỷ vị tha, vẫn hằng tiếp tục diễn ra khắp nơi trong nhân loại, và ở đâu cũng có những người đáp ứng lại hành động hối thúc ấy với những mức độ trung thành nhiều ít khác nhau. Hơn nữa, cũng phải nhìn nhận rằng Thiên Chúa khôn ngoan nhân hậu có thể tuyển chọn cách đặc biệt, một số cá nhân để làm khí cụ đem ánh sáng và sức trợ giúp của Ngài đến cho những người khác. Những cá nhân này là những vị thủ lãnh tôn giáo gặp thấy tại khắp nơi và trong mọi thời. Đó không phải là những đặc quyền dành riêng cho người kitô, và không nhất thiết người kitô là những người sẽ đáp ứng lòng mong muốn của Thiên Chúa bằng một cuộc sống trung thành hơn những người khác.

Tuy nhiên, Thiên Chúa hằng gióng lên một lời kêu mời đặc biệt gửi đến cho thế gian qua sứ mạng của Con Ngài, là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu không phải đơn thuần là một tiên tri, một bậc thầy có tầm thấu hiểu về mầu nhiệm Thiên Chúa sắc bén và sâu rộng hơn, mà là chính hiện thân của Thiên Chúa tự mạc khải; không ai có thể trổi vượt hơn Ngài được về mặt sung mãn, cường độ và quyền năng cứu độ. Có liên kết với con người Đức Giêsu và với sự nghiệp của Ngài, thì mọi ân huệ khác Thiên Chúa ban, mới đạt được đến mức thành tựu toàn vẹn. Đó chính là điều nói lên lý do hiện hữu của hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, và cùng lúc cho thấy là cần phải biết tôn trọng những gì Thiên Chúa thực hiện qua những cách thức và đường lối khác.

6. Sau hết, tôi cũng đồng ý với điều kiện cuối cùng của Haight: Kitô học phải có khả năng kích cảm và tăng cường đời sống kitô. Xin thú thật tôi không tin là Kitô học Thần Khí tự nó có thể làm điều đó mà không nhờ đến Kitô học Con Thiên Chúa. Ít ra đối với tôi, nếu chỉ chiêm ngắm một Đức Giêsu đơn thuần là người không thôi cho dù trong con người ấy, Thần Khí có hoạt động đến một mức độ tràn đầy thì tôi sẽ cảm thấy buồn vô hạn và mất mát vô cùng: bởi vì, nếu vậy, thì có nghĩa là Thiên Chúa chưa yêu thương chúng ta đủ để làm một người đồng chủng với chúng ta, và để chết cho chúng ta. Nhưng, Haight cho là một Đức Giêsu như ông miêu tả, thì dễ cho chúng ta noi theo, bắt chước hơn.

Kinh Thánh cả Cựu lẫn Tân Ước đều khích lệ cho chúng ta noi gương bắt chước Thiên Chúa: “Hãy là thánh, vì Ta là Thánh, Ta, Yavê Thiên Chúa của các ngươi!” (Lv 19,2). “Hãy nên trọn lành như Cha các ngươi ở trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Vì đã trở thành một người đồng chủng với chúng ta, nên Con Thiên Chúa đã vén mở cho chúng ta hiểu về ý nghĩa của các lời kia, và vì đã thông chia cho chúng ta Thần Khí của mình, nên Con Thiên Chúa cũng làm cho chúng ta có được khả năng để noi theo gương Ngài.

Đối với tôi, tính chất liên tục (continuity) chính là qui tắc căn bản của đức tin công giáo: không phải là liên tục trong những ngôn từ hay là trong những công thức biểu đạt, mà là trong tư tưởng và trong chủ định. Lúc khai mạc công đồng Vaticanô II, Đức Gioan XXIII đã đưa ra một nhận định về cách thức phân biệt giữa bản chất của đức tin cổ truyền và các công thức biểu đức tin ấy; và từ đó lề lối phân biệt như thế đã trở thành kinh điển. Tôi xác tín rằng chính Thánh Linh Thiên Chúa làm cho đức tin có được tính chất liên tục như thế. Và đây là một đặc tính khác mà một nền thần học thực sự công giáo phải có: tính chất bao hàm toàn diện (comprehensiveness), tức là một lập trường đón nhận cả/lẫn , thay vì chủ trương lựa chọn hoặc là/hay là . Tôi hoàn toàn chấp nhận Kitô học Thần Khí, nghĩa là nhìn nhận rằng Thánh Linh, với sức năng toàn vẹn của thiên tính, đã hoạt động trong Đức Giêsu; nhưng đồng thời, tôi cũng chấp nhận Kitô học Ngôi Lời. Và rốt cuộc, đối với tôi, điểm cốt tủy — điểm mà tôi không nghĩ là chỉ có tính cách tự do đối với các lập trường thần học, song là một tín điều — nằm trọn ở chỗ Đức Giêsu Kitô chính là Con của Thiên Chúa, Con hằng hữu đã làm người — và dù có biểu đạt bằng một thứ ngôn từ nào đi nữa, thì chân lý vẫn là thế.

Felipe Gómez Ngô Minh phiên dịch


[1] J.H.Wright là giáo sư thần học tại Berkeley School of Theology, California. Đây là bài viết đăng trong tạp chí Theological Studies 53(1992) 729-735.

[2] Xin xem bài trình dịch kế trước đây, trong số 7 này của HTTH ; số trang trong ngoặc đơn chỉ đến bài này.

[3] Xem Insight (London: Longmans, 1958) 13-19.

[4] “Công thức định tín của công đồng Canxêđôn” (năm 451): xin xem H.Denzinger, Enchiridion Symbolorum , do Peter Huenermann tái bản năm 1991, số 301-302.

[5] “Quan phòng [của Thiên Chúa], những chứng tích biểu hiện lòng nhân hậu và ý định cứu độ của Ngài thì mở rộng ra cho hết mọi người (xem Kh 8,1; Cv 14,17; Rm 2,6-7; 1Tm 2,4), cho đến khi những người được tuyển chọn đoàn tụ lại với nhau trong Thành Thánh rạng ngời ánh vinh quang Thiên Chúa, nơi muôn dân sẽ bước đi trong ánh sáng của Ngài (xem Kh 21,23-24.” “Tuyên Ngôn về mối quan hệ của Giáo Hội đối với các tôn giáo không kitô”, số 1b.

[6] “Chính Thần Khí gieo Ànhững hạt giống Lời Chúa’ vào trong nhiều phong tục cùng nhiều nền văn hoá khác, và chuẩn bị cho chúng chín muồi trong Chúa Kitô.”