Hợp Tuyển Thần Học

Lòng Xót Thương: Thiên Chúa Trao Ban, Con Người Dâng Tiến

Lòng Xót Thương: Thiên Chúa Trao Ban, Con Người Dâng Tiến

Mục Lục

DẪN NHẬP

“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm giận và giàu tình thương.
Chúa nhân ái đối với mọi người,
Tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên”

(Tv 145,8-9)

Đây được kể là bản tóm lược về “lòng xót thương” của Thiên Chúa đối với con người và thế giới tạo thành. Khái niệm “lòng xót thương” có nội hàm thế nào, có liên hệ gì với “lòng nhân ái”, “lòng trắc ẩn”, “lòng khoan dung”, “sự thương hại”, “ân sủng”, “ơn tha thứ” …. Đây quả vẫn là những câu hỏi luôn cần được các nhà chuyên môn (ngôn ngữ học, văn hóa học, nhân chủng học, triết học, Thánh Kinh, thần học …) tiếp tục suy tư và đào sâu một cách có hệ thống hơn.

Trong Cựu Ước, cụm từ “lòng xót thương” hay “tỏ lòng xót thương” hay “có lòng xót thương” thường được chuyển ngữ từ những danh từ trong tiếng Do-thái (raHámîm; Hemläh; Hesed; TüHinnäh) cùng với các biến thể động từ và tính từ tương ứng của chúng, nếu có. Tương tự như vậy, trong Tân Ước, các cụm từ kể trên thường được chuyển ngữ từ những danh từ và động từ trong tiếng Hi-lạp (éleos; hiláskomai; oiktirmós; splanchnizomai) cùng với những biến thể tính từ tương ứng của chúng, nếu có.

Bài viết này, tuy nhiên, không đi tìm hiểu ý nghĩa của các từ ngữ này, hay nội hàm của các từ này, hay đi tìm một sự phân biệt rõ ràng hơn giữa các khái niệm nêu trên, hay đưa ra một bản khảo cứu tổng quát về khái niệm lòng xót thương trong Kinh Thánh.[1] Thay vào đó, bài viết này đã đặt giả định thực tại “lòng xót thương” của Thiên Chúa đối với những người đang chịu đau khổ, gặp cảnh cùng quẫn, bất hạnh, hay chịu tổn thương, không chỉ được diễn tả qua các từ ngữ nêu trên, nhưng còn qua các câu chuyện, vốn thậm chí chẳng đả động gì đến những từ ngữ đó, nhưng lại có hàm ý không dễ phủ nhận về “lòng xót thương”.

Trên tinh thần đó, bài khảo cứu này được viết ra như một nỗ lực tìm hiểu thêm về nội hàm chứa đựng trong thực tại “lòng xót thương” của Thiên Chúa, qua một câu chuyện cụ thể trong Sách Samuel (1Sm 1,1-28; 2,18-21). Câu chuyện này rất thời sự và giàu ý nghĩa, vì một đàng, nó giúp quảng diễn rõ hơn về lòng xót thương của Thiên Chúa đối với các nhân vật trong câu chuyện, nhất là với nhân vật chính là bà Hannah, và qua bà với cả dân tộc Israel; đàng khác, vì câu chuyện này đụng chạm đến nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, nên nó có thể truyền tải nhiều thông điệp cụ thể cho cuộc sống hôm nay, liên hệ đến cách thức làm sao chúng ta có thể tinh thần xót thương của Thiên Chúa trong môi trường sống cụ thể của mình.

Để thực hiện được mục tiêu nêu trên, bài khảo cứu này sẽ được khai triển theo phương pháp phê bình văn chương, kết hợp cách đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng. Tác giả bài viết xin được phép dùng bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ làm bản qui chiếu, nhưng xin được thay đổi đôi chỗ, vì lý do chú giải, để bản dịch được sát hơn với bản gốc tiếng Do-thái.

Một cách cụ thể hơn, nội dung bài khảo cứu sẽ được trình bày qua việc khai triển 6 điểm chính. Còn trong Phần Kết Luận, tác giả bài viết sẽ tìm cách trình bày những điểm thần học, thiêng liêng và mục vụ, có thể giúp áp dụng ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh này vào cuộc sống hôm nay.

KHAI TRIỂN NỘI DUNG

  1. Hannah là người phụ nữ được chồng thương mến (1Sm 1,5), mặc dù bà không có con, vì “Đức Chúa đã làm cho bà không sinh sản được” (1Sm 1,5.6). Chồng bà tỏ lòng yêu mến bà: Ông chia cho bà một phần ngon (1Sm 1,5); b. Ông dùng lời lẽ an ủi nhằm làm vơi đi nỗi buồn tủi của bà (1Sm 1,8).

Bà Hannah là một phụ nữ son sẻ. Nhưng hiển nhiên, Hannah không phải là người phụ nữ duy nhất trong Kinh Thánh được kể là hiếm muộn. Trước Hannah, đã có ít nhất ba người phụ nữ cũng ở vào tình trạng tương tự, đó là các bà: Sarah vợ của ông Abraham, Rebekah vợ của ông Isaac, và Rachel vợ của ông Jacob. Vào thời Tân Ước, Kinh Thánh còn nói đến tình trạng son sẻ của bà Elizabeth, vợ của ông Zachariah, hai người vốn sau đó sẽ là song thân của ông Gioan Tẩy Giả.

Có một điểm chung giữa những người phụ nữ son sẻ này: Tất cả họ đều nghiệm được tình thương của Thiên Chúa, khi Người ban cho họ những người con, vốn sẽ trở thành các vị tổ phụ (Isaac, Jacob), một vị có vai trò hết sức quan trọng (Joseph),[2] hay một vị ngôn sứ vĩ đại (Gioan Tẩy Giả) trong Dân Chúa. Như thế, câu chuyện của Hannah, dù mở đầu bằng một thực trạng có vẻ bi đát đối với nhân vật nữ này, nhưng kỳ thực, đang dẫn độc giả đến một chân trời hi vọng mới, nơi đó chúng ta ngóng lòng chờ xem Thiên Chúa sẽ bày tỏ lòng xót thương của Người như thế nào đối với Hannah và gia đình bà. Độc giả chúng ta cũng có quyền trông chờ sự kiện này: Lòng xót thương của Thiên Chúa sẽ không chỉ mang lại niềm vui cho những người trong cuộc, mà còn cho cả Dân Chúa nữa.

Khác với quan điểm khoa học ngày nay, vốn cho rằng người nữ rơi vào tình trạng vô sinh “nguyên phát”, là do phần trách nhiệm hoặc của người chồng hoặc của người vợ, hoặc của cả hai người,[3] câu chuyện Thánh Kinh mà chúng ta đang bàn đến lại phát xuất từ góc nhìn đức tin của những người trong cuộc: người nữ không thể có con, vì Thiên Chúa không ban cho họ, hay nói theo ngôn ngữ Thánh Kinh, vì יהוה סגר רחמה “Đức Chúa đã đóng cửa lòng bà” (x. 1Sm 1,5.6).[4] Ngược lại, cũng theo lối nhìn đức tin này, nếu Thiên Chúa “mở cửa lòng họ”, thì người phụ nữ sẽ mang thai và sinh con. Kinh Thánh cho biết khi bà Leah, vợ của ông Jacob, được Thiên Chúa “mở cửa lòng”, thì bà đã sinh đến 7 người con (6 trai, 1 gái) cho ông (x. St 29,31; 30,21[5]; 35,23[6]). Tương tự như vậy, bà Rachel cũng nhờ được Thiên Chúa “mở cửa lòng” nên bà đã sinh hạ cho Jacob hai người con là Joseph (x. St 30,22-24), và sau đó, là Benjamin (x. St 35,16-20).

Trở lại câu chuyện của Hannah, dù chịu cảnh son sẻ, כי־סגר יהוה בעד רחמה “vì Đức Chúa đã [sầm] đóng cửa lòng bà” (1Sm 1,6), nhưng không vì thế, bà phải chịu cảnh hất hủi từ phía người phối ngẫu của mình. Trái lại, câu chuyện cho chúng ta biết Hannah vẫn được ông Elkanah – chồng bà – thương mến, đến độ ông còn thương yêu bà hơn người vợ thứ tên là Penninah,[7] vốn là người đã sinh ra cho ông nhiều người con, cả trai lẫn gái.

Và cứ sự thường, khi thương mến ai, người ta thường hay biểu lộ tình cảm ấy bằng những hành động cụ thể. Sách Sáng Thế cho chúng ta hay: ông Jacob yêu thương Giuse hơn những người con khác, nên ông đã may cho cậu một chiếc áo chùng dài tay [hay sặc sỡ] (x. St 37,3).[8] Câu chuyện ở đây cũng cho phép chúng ta hình dung ra những cử chỉ ân cần, những ánh mắt trìu mến, những lời nói êm ái mà Elkanah thường biểu lộ đối với người vợ son sẻ của mình là bà Hannah, vốn được ông thương mến hơn người vợ thứ Penninah và những đứa con do bà này sinh ra cho ông. Tuy nhiên, ở đây bản văn Kinh Thánh chỉ liệt kê ra hai hành vi giúp minh họa cụ thể sự quan tâm ưu ái mà ông Elkanah dành cho Hannah.

Trước hết, Kinh Thánh ghi lại sự kiện: Khi dâng hi lễ cho Đức Chúa các đạo binh tại Shiloh, ông Elkanah chia cho Hannah một phần ngon hơn [hay gấp đôi][9] [thịt hiến tế] phần dành cho người vợ thứ và các con bà (x. 1Sm 1,5). Cựu Ước cho chúng ta hay, khi dâng hi lễ kỳ an, phần được hỏa tế cho Thiên Chúa gồm “lớp mỡ bọc ngoài bộ lòng, tất cả lớp mỡ ở trên bộ lòng, hai trái cật và lớp mỡ bọc ngoài, gần lưng, và khối mỡ trên gan” (Lv 3,3-4), phần thịt còn lại của con vật được sát tế sẽ được chia cho vị tư tế và gia đình của người dâng lễ. Vị tư tế nhận được cái ức và đùi phải (x. Lv 7,28-34). Phần thịt còn lại thuộc về gia đình người dâng lễ. Với phần thịt này, người dâng lễ sẽ liên hoan với gia đình mình, với tôi nam tớ nữ, và cả các thầy Lê-vi (x. Đnl 12,7.12.19). Câu chuyện cho phép chúng ta hình dung: chính trong bầu khí hoan hỉ này, mà ông Elkanah chia cho bà Hannah phần thịt ngon hơn, hay phần thịt gấp đôi, so với các thành viên khác trong gia đình mình. Lòng ưu ái ông dành cho bà Hannah có lẽ không nhằm mục đích nào khác hơn, là làm cho bà vơi đi nỗi ưu phiền không con.

Kế đến, Elkanah còn dùng những lời lẽ dịu ngọt, êm ái, để an ủi Hannah. Ông nói với bà: “Hannah, sao em khóc? Sao em không chịu ăn? Sao lòng em rầu rĩ vậy? Đối với em, anh lại không hơn mười đứa con trai sao?” (1Sm 1,8). Chúng ta nhận thấy lời an ủi của Elkanah có đến bốn câu hỏi, trong đó có đến ba lần dùng trạng từ nghi vấn למה “vì lẽ gì, tại sao”. Thông thường, nếu có xuất hiện, thì trạng từ nghi vấn “tại sao” thường được bắt gặp chỉ một lần trong một câu mà thôi. Hiếm khi người đọc bắt gặp hai trạng từ này trong cùng một câu. Lấy ví dụ: Thiên Chúa chất vấn Cain, khi của lễ ông này dâng lên Thiên Chúa không được Người đoái nhận: “Tại sao ngươi giận dữ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt?” (St 4,6); hoặc thánh vịnh gia, trong lúc ưu phiền, đã thưa cùng Thiên Chúa: “Sao Chúa lại bỏ con? Sao con phải lang thang tiều tụy, bị quân thù áp bức mãi không thôi?” (Tv 42,10). Thế mà trong câu nói của ông Elkanah, một câu có đến 3 trạng từ nghi vấn “tại sao”. Đây có lẽ là trường hợp độc nhất vô nhị trong toàn bộ Kinh Thánh. Sự xuất hiện nhiều khác thường này của trạng từ “tại sao” có lẽ nhằm diễn tả sự quan tâm rất đặc biệt của ông Elkanah đối với hoàn cảnh hiện tại của vợ mình là bà Hannah.[10]

Cứ sự thường, các nhân vật trong Kinh Thánh, khi buồn bã trong lòng, họ thường thể hiện ra bên ngoài qua các hành vi như khóc, không chịu ăn, hay qua nét mặt buồn thảm. Chuyện về vua Đavit kể lại rằng, khi Đức Chúa khiến cho đứa trẻ (sinh ra do tình trạng gian dâm của vua với bà Bathsheba) bị bệnh nặng, vua liền ăn chay nhiệm nhặt, khi về nhà ngủ đêm thì nằm dưới đất, chẳng chịu trỗi dậy và chẳng chịu ăn chút gì (x. 2Sm 12,15b-17). Vua ăn chay và khóc lóc vì mong đứa trẻ được sống; và vua chỉ chấm dứt việc này, sau khi đứa trẻ đã chết (x. 2Sm 12,20-23).

Cựu Ước cũng ghi lại phản ứng buồn rầu và bực bội của vua Ahab, khi về nhà, vua “nằm trên giường, quay mặt đi, và không chịu ăn uống gì”, vì trước đó ông Naboth đã dứt khoát nói với vua “tôi sẽ không nhượng lại gia sản của tổ tiên tôi cho vua”, vào lúc vua đang nhòm ngó vườn nho của ông. Chuyện kể tiếp hoàng hậu Jezebel, kẻ điêu ngoa lắm mưu nhiều kế, thừa biết phản ứng tự nhiên này của tâm lý con người, nên bà đã khuyên vua “Mời vua dậy mà ăn cho lòng phấn khởi lên. Thiếp sẽ tặng vua vườn nho của Naboth người Jezreel” (x. 1V 21,1-7, đb. cc4.5.7).

Tân Ước sau này cũng ghi lại tâm trạng đau buồn của bà Maria Magdalena khi viếng mộ Chúa: “bà đứng ở bên ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc, vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ […]”. Thần sứ hỏi bà “Này bà, sao bà khóc?”, thì bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” (Ga 20,11-13).

Chúng ta thấy mỗi người mỗi tâm sự riêng. Có những nỗi buồn chính đáng (như trong trường hợp của vua Đavit, bà Maria Magdalena), nhưng cũng có nỗi ưu phiền phát xuất từ lòng ham muốn bất chính mà chưa đạt được (như trường hợp của vua Ahab). Tương tự như vậy, qua những câu hỏi của ông Elkanah, độc giả chúng ta cảm nhận được nỗi buồn chính đáng của bà Hannah, khi bà đã lập gia đình nhiều năm, mà vẫn chưa có con.

Elkanah thừa hiểu, chỉ vì không có đứa con, nên Hannah đã buồn phiền như vậy, cho nên với câu hỏi cuối cùng טוב לך מעׂשרה בנים הלוא אנכי “đối với em, anh lại không tốt hơn mười đứa con trai sao?”, Elkanah dường như muốn nói với Hannah: ông chấp nhận việc Hannah không có con; ông không những không trách cứ bà về điều này, mà ông còn muốn là người mang lại niềm vui cho bà.[11] Khi ví mình hơn mười đứa con trai đối với Hannah, ông Elkanah dường như muốn nhắn gửi một điều quan trọng: ông yêu quí bà Hannah biết bao, dù bà có thế nào đi nữa. Ông dường như muốn đóng vai trò yêu thương đối với Hannah, tương tự như những gì tốt đẹp nàng Ruth trước đó đã làm cho mẹ chồng mình là bà Naomi: hiếu thảo với mẹ chồng, nhất định không rời xa mẹ chồng dù trong nhưng lúc khó khăn nhất, hết mực yêu quí mẹ chồng, trở nên quí giá hơn bảy đứa con trai đối với mẹ chồng (x. R 1,16-17; 4,15). Có một người chồng biết cảm thương và hiểu rõ hoàn cảnh của mình như vậy, thì thử hỏi, dưới cái nhìn của ông Elkanah, cuộc sống của Hannah lại chẳng có ý nghĩa hơn là có mười người con trai sao? [12]

Elkanah hiển nhiên muốn Hannah sống vui tươi, đón nhận tình trạng của mình với thái độ bình an. Ông muốn Hannah lau những giọt nước mắt vì số phận xem ra “hẩm hiu” của mình để vui sống, vì bà còn có một người chồng hết mực yêu thương và cảm thông với mình.[13] Nhưng dù Elkanah có cố công an ủi Hannah thế nào đi nữa, thì nỗi buồn vẫn còn đó nơi bà. Chỉ có một điều làm con tim Hannah có thể vui trở lại, đó chính là việc bà có một đứa con. Mà điều này lại vượt quá khả năng của hai ông bà.[14]

Cựu Ước cho chúng ta biết trước đó, cũng vì ghen với bà Leah, bà Rachel, khi thấy mình không thể sinh con, đã từng nói với Jacob: “Cho tôi có con đi, không thì tôi chết mất!” Chuyện này khiến Jacob “bó tay”, ông nổi nóng với bà Rachel, ông nói: “Tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa là Đấng đã không cho bà hoa trái lòng [bà]!” (x. St 30,1­2). Ông Elkanah hẳn là ở trong hoàn cảnh tương tự như tổ phụ Jacob xưa kia. Giả như bà Hannah đòi có con với ông, thì chắc ông cũng phải học nằm lòng câu trả lời của tổ phụ Jacob.

  1. son sẻ, bà Hannah bị chọc tức, bị hạ nhục bởi người vợ thứ của chồng mình. Hannah phải gánh chịu cảnh sỉ nhục như vậy trong nhiều năm trời (1Sm 1,7), nỗi đau mỗi lúc một tăng, như gai nhọn mỗi lúc mỗi găm sâu trong da thịt, không sao lấy ra được.

Tình thương ưu ái dành cho một ai đó trong gia đình, nếu người làm chủ gia đình diễn tả ra bên ngoài một cách thiếu kín đáo và tế nhị, sẽ khiến các thành viên khác dễ sinh lòng đố kỵ, ghen tương. Tiếc thay, đây lại là việc đã xảy ra trong gia đình tổ phụ Jacob. Chiếc áo chùng dài tay hay sặc sỡ mà ông Jacob dành cho Joseph là duyên cớ các anh của Joseph vịn vào để “sinh lòng ghét cậu và không thể nói năng tử tế với cậu” (St 37,4). Tương tự như vậy, phần thức ăn nhiều hơn hay ngon hơn mà Elkanah dành cho Hannah dường như là một trong các duyên cớ khiến người vợ thứ Penninah tỏ lòng đố kỵ và ghen ghét với bà Hannah.

Thừa biết bà Hannah không thể có con, mà lại được chồng thương mến hơn mình, nên bà mẹ nhiều con này tỏ ra tức tối, tìm cách hạ nhục bà Hannah trong nhiều năm liền (x. 1Sm 1,6-7). Hiển nhiên, một người có lòng nhân ái và bao dung, có tấm lòng cao thượng, sẽ không hành xử chẳng đẹp chút nào như bà vợ thứ Penninah. Nhưng ở đời là thế, cảnh chồng chung mấy khi tạo được khung cảnh “trong ấm ngoài êm” giữa các bà vợ.[15]

Bà Penninah đã hạ nhục bà Hannah bằng cách nào thì đoạn Kinh Thánh này không nói rõ. Chỉ biết rằng bà này vin vào thực trạng בעד רחמה כי־סגר יהוה “vì Thiên Chúa đã đóng sầm cửa lòng bà [Hannah]” để tìm cách khiêu khích và hạ nhục bà Hannah, ít là bằng những lời đay nghiến. Đúng là, đoạn trường ai mới qua cầu mới hay. Sống với một người cứ chì chiết như vậy thật là một cực hình. Sách Châm Ngôn có nói: “Thà sống nơi đìu hiu cô quạnh, còn hơn bên người vợ hay gây gổ nổi xung” (Cn 21,19). Không biết đây có phải là thực trạng đau buồn mà ông Elkanah phải gánh chịu vì chuyện ông tỏ ra thiên vị với bà Hannah, nhưng chắc một điều là bà Hannah khó thoát khỏi cảnh khó chịu này, bởi hơn ai hết, bà Hannah là đối tượng chính bị bà này công kích.

Phải sống chung với người hay ghen ăn tức ở như vậy, chẳng dễ chịu chút nào, nếu không muốn nói là một cực hình. Và bà Hannah đã phải sống trong cảnh khổ tâm bị hạ nhục suốt ngần ấy năm trời. Sống trong cảnh như vậy, không buồn phiền, không ủ rũ mới là chuyện lạ, vì như sách Giảng Viên đã viết: “Phiền muộn thì tốt hơn vui cười, vì bộ mặt rầu rĩ giúp lòng người được cải thiện” (Gv 7,3). Quả là rất đúng với hoàn cảnh của bà Hannah vào lúc này.

  1. Bà khóc và không chịu ăn [mỗi lần lên Nhà Đức Chúa tại Shiloh] (1Sm 1,7). Lúc tâm hồn bà cay đắng, bà cầu nguyện với Đức Chúa và khóc nức nở (1Sm 1,10). Bà khấn xin cùng Đức Chúa (1Sm 1,11). Khi bị tư tế Eli chất vấn, bà nói lên tâm sự của mình: “Tôi chỉ là một người đàn bà tâm thần đau khổ” (1Sm 1,11); “chỉ vì quá lo âu phiền muộn mà tôi đã nói cho đến bây giờ” (1Sm 1,16).

Khóc, không chịu ăn, vẻ rầu rĩ là những lối diễn tả ra bên ngoài của một tâm hồn đau khổ. Hiển nhiên, một số người theo thuyết luân hồi một cách máy móc có thể qui kết sự hiếm muộn của bà vào lúc này là do kiếp trước bà đã ăn ở thất đức. Nhưng ngay cả khi người ta không theo thuyết này, người ta vẫn có thể đoán già đoán non theo lối nhân quả như vậy: bà Hannah này chắc đang ăn ở sao đó, hay những người thân của bà đã tỏ ra bất kính trước Thiên Chúa, khiến bà bị Thiên Chúa bỏ rơi, bị Thiên Chúa đánh phạt, như Người đã từng “đánh phạt” những người phụ nữ quanh vua Abimelech vì chuyện bà Sarah, vợ ông Abraham (x. St 20,17-18).

Lối giải thích nhân quả có thể mang lại lời giải đáp dễ dàng cho một số người, khi đoán xét về hoàn cảnh của bà, nhưng câu chuyện mà chúng ta đang phân tích không có cùng một cách nhìn như vậy. Câu chuyện không tìm giải thích nguyên nhân tại sao bà lại son sẻ, nhưng chỉ trình bày sự kiện hiếm muộn của bà cùng với các hệ quả kèm theo. Hệ quả đó là bà Hannah đang rất đau buồn vì cảnh son sẻ của mình, và ắt hẳn bà cũng mong được cất đi nỗi buồn tủi này.

Bà Hannah khóc, nhưng có lẽ chẳng phải vì những lời châm chọc của bà Penninah kia.[16] Bà xem chừng cũng chẳng khóc để tìm sự an ủi của người chồng. Bà khóc mỗi lần lên Nhà Đức Chúa tại Shiloh,[17] vì bà muốn giải bày tâm hồn đau buồn cùng Đức Chúa,[18] vì nói cho cùng, chỉ mình Đức Chúa mới có thể lau sạch những giọt nước mắt buồn tủi nơi bà. Chỉ có Người mới thực sự mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho bà, vì chỉ có Người mới có thể ban cho bà một mụn con. Ông Elkanah, dù có hết mực yêu thương bà, cũng chẳng thể cho bà một đứa con, như lòng bà mong ước.

Tâm hồn cay đắng, nhưng nơi bà Hannah, chúng ta không thấy bà buông lời cay đắng, như thể đang trách cứ Thiên Chúa, như trường hợp của bà Naomi trong sách Ruth.[19] Bà Hannah lại càng không buông lời nguyền rủa cuộc đời, như trường hợp của ông Gióp.[20] Có lẽ vì bà chưa lâm vào hoàn cảnh đau khổ cùng cực, có một không hai trên đời, như của ông Gióp; hay có lẽ cảnh sống không con và bị hạ nhục của bà cũng chưa thể nặng nề bằng việc mất chồng, mất con, và tình trạng trắng tay của bà Naomi. Nhưng không vì thế, mà chúng ta lại đánh giá không cao phản ứng hòa dịu của bà. Trái lại, chúng ta phải công nhận rằng, nơi bà chúng ta bắt gặp hình ảnh một người có đức tin, dù gặp nhiều thử thách trong đời sống gia đình, dù bà có cảm nhận nỗi cay đắng trong lòng, nhưng bà không thất vọng, lại càng không để mình rơi vào tuyệt vọng.

Bà cầu nguyện với Đức Chúa, đặt niềm tin vào Người. Bà khóc lóc nức nở, trải nỗi lòng trước nhan Thiên Chúa, vì bà tin rằng chỉ một mình Người có thể xóa tan nỗi đau buồn và mang lại niềm vui cho bà. Làm như vậy, bà được kể vào số những người biết tin tưởng kêu cầu Đức Chúa khi gặp cảnh thử thách gian nan. Thật vậy, Kinh Thánh kể rằng vua Hezekiah, một vị vua được kể là công chính thuộc dòng dõi vua Đavit, khi hay tin mình sắp phải chết, đã cầu xin Đức Chúa, xin Người nhớ đến vua, rồi vua khóc, khóc thật to. Đức Chúa, qua lời ngôn sứ Isaiah, cho biết Người đã nghe lời vua cầu nguyện, đã thấy nước mắt của vua, và Người hứa chữa lành vua, cho vua sống thêm mười lăm năm nữa (x. 2V 20,1-11, đb. cc2-6). Thư gửi tín hữu Hip­ri cũng đã khái quát hóa Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giê-su bằng những lời như sau: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính” (Hr 5,7).

Khi trải lòng ra với Đức Chúa, bà Hannah như muốn sống trọn niềm tin rằng Đức Chúa sẽ đoái thương nhậm lời bà, nếu điều này đẹp ý Người. Bà Hannah không phải không có lý do tin vào điều này. Thật thế, Thánh Vịnh 91 đã diễn tả lời hứa của Thiên Chúa cho những ai tin tưởng và gắn bó với Người: “Chúa phán: Kẻ gắn bó cùng Ta sẽ được ơn giải thoát, người nhận biết danh Ta sẽ được sức phù trì. Khi kêu đến Ta, Ta liền đáp lại, lúc ngặt nghèo có Ta ở kề bên. Ta giải cứu và ban nhiều vinh dự, cho sống lâu, tuổi thọ dư đầy, và hưởng ơn cứu độ Ta ban” (Tv 91,14-16). Bà Hannah có lý do tin rằng, nếu bà gắn bó cùng Thiên Chúa, nếu bà tin tưởng vào quyền năng của Người, nếu bà biết kêu xin Người, nếu điều đó đẹp lòng Người và hữu ích cho bà cũng như cho mọi người, thì Thiên Chúa sẽ nhậm lời, bà sẽ được đón nhận ân sủng phát xuất từ lòng xót thương của Người.

Bà Hannah đã khấn xin cùng Đức Chúa: “Lạy Đức Chúa các đạo binh, nếu Ngài đoái nhìn đến nỗi khổ cực của nữ tì Ngài đây, và [nếu] Ngài nhớ đến con và không quên nữ tì Ngài, [nếu] Ngài ban cho nữ tì Ngài một mụn con trai, thì con sẽ dâng cho Đức Chúa mọi ngày đời , và dao cạo sẽ không đụng tới đầu nó” (1Sm 1,11). Lời khấn xin của Hannah nhắc nhớ đến câu chuyện của tổ phụ Jacob, người cũng từng khấn hứa với Chúa tại Bethel, trên đường đến Paddan-aram để tìm người nên mối lương duyên. Tại đó, Jacob khấn với Chúa: “Nếu Thiên Chúa ở với tôi và giữ gìn tôi trong chuyến đi tôi đang thực hiện, nếu Người ban cho tôi bánh ăn áo mặc, nếu tôi được trở về nhà cha tôi bình an, thì Đức Chúa sẽ là Thiên Chúa của tôi, hòn đá này là hòn đá tôi đã dựng lên làm trụ sẽ là nhà của Đức Chúa, và lạy Chúa, mọi sự Ngài ban cho con, con sẽ dâng cho Ngài một phần mười” (St 28,20-22).

Lời khấn xin của bà Hannah, xét về hình thức, rất gần với lời khấn của Jacob, vì lời lẽ rất tha thiết, với một câu điều kiện gồm ba phần, kèm theo một lời hứa (Jacob có đến ba lời hứa). Trong lời khấn của mình, Hannah đã dùng đến bốn động từ áp dụng cho Đức Chúa: “đoán nhìn”, “nhớ đến”, “không quên”, “ban cho”. Ba động từ đầu liên hệ đến nỗi khổ của bà,[21] hay chính bản thân bà, vốn được xưng hô một cách khiêm tốn là “nữ tì” của Đức Chúa;[22] còn động từ cuối liên hệ đến זרע אנׁשים “hạt giống của người nam” (một mụn con trai), vốn là trọng tâm điều bà muốn xin. Nhưng điểm khác biệt căn bản giữa lời khấn của Hannah và Jacob lại hệ tại ở lời hứa này: Jacob hứa mọi sự Đức Chúa ban cho ông, ông sẽ dâng lại một phần mười; còn Hannah hứa rằng món quà mà Đức Chúa ban cho bà, tức là đứa con trai, thì bà sẽ dâng cho Đức Chúa mọi ngày đời nó. Bà sẽ không khư khư giữ lại nó bên mình, nhưng sẽ tiến dâng nó cho Đức Chúa như “của lễ” dành riêng cho Đức Chúa, để Người tùy ý dùng đến.[23]

Bà Hannah mong ước dâng lên Đức Chúa một của lễ hiến thánh. Bởi đó, nếu Đức Chúa ban cho bà một đứa con trai, thì đứa trẻ đó sẽ được nuôi dạy như một người sống lời khấn nazir (khấn biệt hiến) cho Đức Chúa, như sách Dân Số đã nói đến: “Suốt thời gian nó [người sống lời khấn nazir] chịu ràng buộc bởi lời khấn, dao cạo không được đụng đến đầu nó; bao lâu chưa mãn thời kỳ khấn đặc biệt để kính Đức Chúa, thì nó sẽ là người được thánh hiến: nó phải để cho tóc trên đầu mọc tự nhiên” (Ds 6,2-8, đb. c5).[24]

  1. Đức Chúa nhớ đến bà (c19): Người đã nhậm lời cầu xin của Đức Chúa đã cho Hannah một người con trai.

Nếu như câu chuyện của tổ phụ Jacob cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện những điều ông khấn xin (x. St 29–33), thì câu chuyện của Hannah cũng được diễn tả theo cùng một cách nhìn như vậy. Đức Chúa đã nhớ đến bà, bà đã thụ thai, sinh con trai, và đặt tên con trẻ là Samuel, vì bà nói: “Tôi đã xin Đức Chúa được nó” (x. 1Sm 1,19-20).

Việc Đức Chúa nhớ đến bà minh chứng lòng xót thương Người dành cho những ai biết đặt niềm tin vào Người.[25] Bà Hannah đã kêu xin cùng Chúa, và Người đã đáp lại, đúng như lời Tv 91,14-16 đã diễn tả. Về điểm này, bà Hannah có lẽ có cùng tâm tình như bà Rachel trong sách Sáng Thế. Khi được Thiên Chúa nhớ đến, rồi khi sinh người con trai đầu lòng là Joseph, bà Rachel đã cất tiếng nói: “Thiên Chúa đã cất nỗi hổ nhục của tôi” (x. St 30,20-22).

Bà Hannah hẳn cũng nghiệm thấy Thiên Chúa đã cất đi nỗi khổ sở của bà, đấy là điều đáng vui mừng. Nhưng trong ngôn từ của bà, điều đáng vui mừng hơn, chính là “Tôi đã xin Đức Chúa được nó” (1Sm 1,20). Nỗi khổ cực bà phải chịu đựng bao năm nay, giờ đây không còn quá quan trọng, hay ám ảnh bà nữa. Bằng chứng là bà Hannah không đặt tên con mình dựa trên nỗi cay đắng bà đã gánh chịu, nhưng dựa trên sự kiện Đức Chúa đã đoái thương nhìn đến bà, nhớ đến trọng tâm lời bà khấn xin, là xin có được một người con trai, mà giờ đây Người đã thương ban cho bà.[26]

  1. Bà đã dâng Samuel cho Đức Chúa: “Đức Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Người. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng lại nó cho Đức Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng lại cho Đức Chúa” (1Sm 1,27­28) – bà không tìm cách giữ cho bằng được cậu Samuel ở bên mình; bà đã dâng lại cho Thiên Chúa, để Người tùy ý dùng cậu thực hiện những điều tốt đẹp cho dân Người.

Một đàng, Samuel là món quà tuyệt vời Thiên Chúa ban cho bà Hannah và gia đình bà. Cậu là món quà của lòng xót thương mà Thiên Chúa dành cho một người phụ nữ son sẻ, là người dù được người chồng hết mực yêu thương, nhưng phải gánh chịu bao nỗi cơ cực từ sự ghen tị của người vợ thứ Penninah. Nhưng đàng khác, bà Hannah cũng ý thức rõ rằng quà tặng tuyệt vời này cần được dâng lại cho Đức Chúa để Người tùy ý dùng cậu thực hiện những điều tốt đẹp cho cả dân tộc Israel, cứ không riêng gì cho gia đình bà.

Người con này được Thiên Chúa ban cho bà, nhưng không phải của riêng bà. Bà không tìm cách giữ cho bằng được cậu con trai Samuel ở bên mình. Đúng như những gì bà đã khấn hứa trước đó, nay bà muốn thực hiện những lời đoan nguyện ấy, bà muốn dâng lại cho Đức Chúa đứa con yêu dấu của mình. Làm như vậy, bà Hannah đã sống theo điều Đức Chúa đã phán dạy dân Israel qua ông Mô- sê: “Điều môi miệng anh em đã nói ra, anh em phải giữ và thi hành như anh em đã tự nguyện khấn hứa với Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, và như miệng anh em đã nói ra” (Đnl 23,24).

Đối với một người mẹ chỉ có một người con duy nhất, thì việc nhượng lại đứa con ấy cho Đức Chúa chẳng dễ dàng gì. Khi đứa con “còn nhỏ lắm”[27] thì điều đó lại càng khó hơn.[28] Nhưng để thực hiện lời khấn hứa với Đức Chúa (x. 1Sm 1,11), và để giữ lời hứa với chồng mình (x. 1Sm 1,22), khi cậu Samuel đến tuổi cai sữa, tức khoảng 3 tuổi (x. 2Mcb 7,27), bà Hannah đã dẫn con lên Nhà Đức Chúa tại Shiloh để dâng tiến con mình cho Đức Chúa. Để giữ trọn lời hứa với Đức Chúa theo Luật định, bà cũng đã chuẩn bị lễ vật gồm một con bò mộng để làm lễ toàn thiêu, cùng với hai thùng bột và một bầu da đầy rượu để làm lễ phẩm và rượu tế (x. 1Sm 1,24; đc. Ds 15,8-10).

Cậu Samuel giờ đây đã được dâng tiến cho Đức Chúa để Người dùng vào việc lãnh đạo Dân Người. Kinh Thánh đã viết một cách khái quát những điều tốt đẹp về ông: “Còn cậu bé Samuel thì càng lớn lên và đẹp lòng cả Đức Chúa lẫn người ta” (1Sm 2,26), hay “Samuel lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu. Toàn thể Israel, từ Dan tới Beer-sheba biết rằng ông Samuel đã được Đức Chúa tín nhiệm cho làm ngôn sứ của Người … và lời của ông Samuel đến với toàn thể Israel” (1Sm 3,19–4,1).

Ngoài vai trò làm ngôn sứ cho Đức Chúa, nhờ ơn Đức Chúa, Samuel còn đem lại sức mạnh tinh thần cho dân Israel trong công cuộc đánh đuổi người Philistines (x. 1Sm 7,7-12). Ông được Đức Chúa trao cho vai trò làm thẩm phán xét xử toàn dân (1Sm 7,15-17); ông cũng đóng vai trò như vị tư tế của Đức Chúa, mặc dù ông không phải là con cháu của thượng tế Aharon (x. 1Sm 10,8).[29]

Nói tóm lại, xét về cả phẩm hạnh và tầm quan trọng của ông đối với lịch sử Dân Chúa, Samuel có lẽ chỉ xếp sau ông Mô-sê. Qua Samuel, Thiên Chúa đã giải thoát Dân Người khỏi tay người Philistines, như qua ông Mô-sê, Người đã từng giải thoát họ khỏi cảnh áp bức của người Ai- cập. Nếu như qua trung gian là ông Mô-sê, Thiên Chúa đã ban Luật cho dân Israel, giúp định hướng đời sống của họ trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa và với nhau, thì theo quyết định tối hậu của Người (x. 1Sm 8,22), qua việc ông Samuel xức dầu phong vương, dân Israel có hai vị vua đầu tiên là Saul và Đavit, mở ra cho họ một kỷ nguyên mới: thời kỳ các thủ lãnh chấm dứt, thời quân chủ xuất hiện.[30]

  1. Đức Chúa viếng thăm Hannah, bà thụ thai sinh được 3 trai 2 gái, còn cậu Samuel thì lớn lên bên cạnh Đức Chúa (1Sm 2,21).

Sau khi tiếp nhận cậu Samuel, tư tế Eli đã chúc phúc cho hai cho ông bà Elkanah và Hannah: “Xin Đức Chúa cho người phụ nữ này sinh con cái cho ông, để thay thế đứa con đã nhượng cho Đức Chúa” (1Sm 2,20). Lời chúc phúc của vị tư tế già đã được Thiên Chúa nhậm lời.[31] כי־פקד יהוה את־חנה “Quả thật Đức Chúa đã viếng thăm bà Hannah”, như trước đó Người đã viếng thăm bà Sarah, vợ của tổ phụ Abraham.

Trong Kinh Thánh, khái niệm “Thiên Chúa viếng thăm” thường hàm ý hai điều. Đối với những kẻ ác, thì cuộc viếng thăm của Đức Chúa sẽ là đòn trừng phạt (x. Is 26,14[32]). Tương tự như vậy, đối với thành [Jerusalem] nay đã phản nghịch cùng Thiên Chúa, hay đối với các mục tử nhà Israel đã làm cho đàn chiên của Đức Chúa tan tác, thì cuộc viếng thăm của Người cũng sẽ là cuộc đánh phạt hay trừng phạt (x. Is 29,6; Gr 23,2[33]). Ngược lại, khi Thiên Chúa tỏ lòng ưu ái đối với ai, thì cuộc viếng thăm của Người hàm ý sẽ đem lại sự cứu giúp, ví dụ: giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai- cập (x. Xh 3,16; 4,31), khỏi cảnh đói kém (x. R 1,6), khỏi cái chết và cảnh tan thương (x. Lc 7,16). Theo nghĩa tích cực thứ hai này, việc Thiên Chúa “viếng thăm” bà Hannah hay bà Sarah trước đó, hàm ý Thiên Chúa tỏ tình thương đối với hai bà và gia đình họ, đem lại niềm vui cho những người vốn hiếm muộn về đàng con cái.

Trở lại câu chuyện của bà Sarah. Vào thời điểm Thiên Chúa “viếng thăm” bà, Người đã thành toàn lời Người đã hứa với Abraham và bà, là Người sẽ ban cho họ một người con nối dõi. Người con đó chính là Isaac (x. St 21,1-7). Cũng vậy, trong câu chuyện mà chúng ta đang tìm hiểu, Thiên Chúa cũng tỏ tình thương đối với hai ông bà Elkanah và Hannah, khi Người ban cho hai ông bà sinh thêm được năm người con khác, ba trai hai gái. Như thế, Thiên Chúa chẳng chịu thua kém sự quảng đại của con người: Người ban cho gia đình bà Hannah nhiều hơn những gì bà đã dâng tiến cho Đức Chúa. Quả thực, Thiên Chúa đã thực hiện nơi bà Hannah điều mà Thánh Vịnh 113 nói đến: “Người làm cho đàn bà son sẻ, thành mẹ đông con, vui cửa vui nhà” (Tv 113,9).[34]

KẾT LUẬN

Bài khảo cứu này được viết ra trong bối cảnh Giáo Hội Công Giáo đang hân hoan đón mừng Năm Thánh Ngoại Thường về Lòng Xót Thương của Thiên Chúa. Theo đó, mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi sống và làm lan tỏa lòng xót thương của Thiên Chúa cho mọi người xung quanh, theo nhiều cách khác nhau, phù hợp với các hoàn cảnh sống cụ thể của mình. Lấy tinh thần này làm kim chỉ nam, tác giả bài khảo cứu cố gắng tìm hiểu sâu hơn về tình thương của Thiên Chúa đối với những con người cụ thể như được ghi lại trong 1Sm 1,1-28; 2,18-21.

Như đã nói trong Phần Dẫn Nhập, dù câu chuyện được khai triển trên đây không hề chứa đựng những từ ngữ thường dùng để nói về lòng xót thương của Thiên Chúa, nhưng trọng tâm của câu chuyện hiển nhiên xoay quanh chủ đề quan trọng này. Càng tìm hiểu câu chuyện, chúng ta càng nhận diện rõ hơn thực tại này: Thiên Chúa là Đấng đứng đàng sau tất cả sức chuyển động của câu chuyện. Không ai khác ngoài chính Người làm cho câu chuyện này có hậu. Thật vậy, nếu Thiên Chúa không tỏ lòng xót thương đối với bà Hannah, thì bà hẳn vẫn là người phụ nữ son sẻ, vẫn chịu bao điều tiếng từ sự ghen tức của bà Penninah. Và trong trường hợp này, dù Hannah có được người chồng thương mến đến mức nào đi nữa, thì nơi tâm hồn bà chắc hẳn vẫn còn đó một nỗi buồn cay đắng, không sao giũ bỏ được. Về phía người đọc, chúng ta chắc hẳn cũng không tìm được câu chuyện này trong Thánh Kinh.

Nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. Người đã nhậm lời cầu xin của bà Hannah. Người đã nhớ đến bà. Người đã ban cho bà một trẻ nam như lòng bà mong ước. Hơn thế nữa, nơi người con này, theo sự quan phòng kỳ diệu của Người, Thiên Chúa đang chuẩn bị cho Dân Người một vị lãnh đạo tài năng và đức độ, một người sẽ lãnh đạo dân Israel chiến thắng quân thù, và giúp thiết lập thể chế chính trị mới trong dân.

Đọc câu chuyện này trong bối cảnh mừng Năm Thánh Lòng Xót Thương, thiết tưởng chúng ta cũng được mời gọi không chỉ xác tín về lòng xót thương của Thiên Chúa, mà còn cần phải sống lòng xót thương đó nữa. Quả thật, cuộc sống quanh ta ngày hôm nay, không thiếu những anh chị em đang ở vào những hoàn cảnh khó khăn, không thiếu những người đang chịu nhiều đau khổ về thể lý lẫn tinh thần. Họ là những bà Hannah thời nay.

Biết bao tâm hồn sầu khổ đang cần đến nơi chúng ta một thái độ cảm thông và nâng đỡ. Chúng ta hãy là các ông Elkanah thời nay để đón nhận họ, để nâng đỡ ủi an họ, dẫu rằng chúng ta cũng nên tránh thái độ đối xử có vẻ thiên vị của ông, vốn thường làm cớ cho sự ghen tức. Và dù dưới bất cứ lý do gì, chúng ta nên tránh thái độ ghen tức, nhục mạ người khác của bà Penninah. Chúng ta không nên lấy nỗi khổ của tha nhân làm nơi xả giận, hay tệ hơn, làm niềm vui của mình. Trái lại, để tập sống lòng xót thương, chúng ta được mời gọi có tấm lòng bao dung, nhân ái, chung tay giảm bớt nỗi khốn khổ về thể xác lẫn tinh thần của biết bao người.

Chúng ta cũng hãy tập chúc phúc cho người khác, như tư tế Eli đã làm. Dù chúng ta có thể chưa phải là người hoàn hảo, trái lại vẫn còn nhiều thiếu sót như tư tế Eli, nhưng lời chúc phúc của chúng ta với ý hướng ngay lành cho ai đó, vẫn có thể được Thiên Chúa nhậm lời, nếu đẹp lòng Người.

Cuối cùng, nơi bà Hannah, chúng ta học được mẫu gương về thái độ sống tín thác vào Thiên Chúa, tin tưởng vào lòng xót thương của Người. Khi gặp nhiều thử thách trong cuộc sống, bà Hannah không tuyệt vọng, nhưng luôn biết kêu xin cùng Thiên Chúa. Thiết nghĩ đấy là thái độ đức tin chúng ta cần có, hầu giúp chúng ta sống tốt hơn tương quan với Thiên Chúa trong Năm Thánh này. Nơi bà Hannah, chúng ta cũng học được thái độ quảng đại với Thiên Chúa. Bà Hannah biết giữ lời khấn hứa. Bà không tìm cách giữ lại cậu Samuel bên mình, nhưng đã tiến dâng con mình cho Thiên Chúa, để Người dùng cậu nhằm mưu ích cho rất nhiều người. Nếu có điều gì rất quý giá nơi mình, liệu chúng ta có dám trao lại cho Thiên Chúa? Nhưng câu chuyện này rất nhẹ nhàng nhắc nhớ chúng ta: Thiên Chúa chẳng chịu thua lòng quảng đại của con người. Ước mong mỗi người chúng ta thêm xác tín về điều này, khi sống Năm Thánh Lòng Xót Thương của Thiên Chúa!

THƯ MỤC THAM KHẢO

BRUCE, C. Birch, “The First and Second Book of Samuel: Introduction, Commentary, and Reflections”, The New Interpreter’s Bible Volume II: Numbers, Deuteronomy, Introduction to Narrative Literature, Joshua, Judges, Ruth, 1&2 Samuel, Leander E. Keck (Conv. and Ed.) (Nashville: Abingdon Press, 1998), 949-1383.

CARL, J. Laney, First and Second Samuel (Everyman’s Bible Commentary; Chicago: Moody Press, 1982).

DAVID, Jobling, 1 Samuel, ed. David W. Cotter (Berit Olam: Studies in Hebrew Narrative & Poetry; Collegeville: Liturgical Press, 1998).

DAVID, Toshio Tsumura, The First Book of Samuel (NICOT; Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 2007).

GARLAND, D. E., “Mercy, Merciful”, The International Standard Bible Encyclopeida, Vol. III (Grand Rapids: Wm. B. Eerdmans Publishing Co., 1992) 322-323

EUGENE, H. Peterson, First and Second Samuel (Louisville: Westminster John Knox Press, 1999).

FRANCESCA, Aran Murphy, 1 Samuel (Grand Rapids: Brazos Press, 2010).

ROBERT, D. Bergen, 1, 2 Samuel (The New American Commentary 7; Nashville: B&H Publishing Group, 1996).


 

[1] Xin xem D. E. Garland, “Mercy; Merciful”, 322-323, để hiểu hơn về nội hàm của những từ ngữ này và những vấn đề chính liên hệ đến chủ đề “lòng xót thương”. Ở đây chỉ xin đề cập đến một số nét chính trong bài khảo cứu của D. E. Garland:

  1. rahămîm (lòng, ruột) được dùng để chỉ lòng xót thương đối với những người đang gặp đau khổ, khốn quẫn, hay chịu tổn thương, đang cần đến sự trợ giúp, nâng đỡ; Hesed thường chỉ lòng thành tín, tình thương trọn vẹn của Thiên Chúa, được bày tỏ qua việc Người trung tín với Giao Ước Người đã ký với Dân Người. Lòng xót thương là một quà tặng nhưng không của Thiên Chúa. Lòng xót thương ấy không đơn giản chỉ là một cảm xúc, nhưng luôn được thể hiện trong dòng lịch sử qua các hành động cụ thể của Thiên Chúa đối với Dân Người (cho tăng trưởng; giải thoát khỏi quân thù; đưa trở về Đất Hứa).
  2. Nhờ Thiên Chúa xót thương, mà chúng ta được tái sinh và được nhận lãnh ơn cứu độ: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới. Thiên Chúa đã tuôn đổ tràn đầy ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giê-su Ki-tô Đấng cứu độ chúng ta. Như vậy, một khi đã nên công chính nhờ ân sủng của Đức Ki-tô, chúng ta được thừa hưởng sự sống đời đời, như chúng ta vẫn hi vọng” (Tt 3,5-7).
  3. Khi thi hành sứ mạng công khai, Chúa Giê-su đã tỏ lòng xót thương với rất nhiều người chịu cảnh đau khổ, đau bệnh, hay bị quỉ ám. Người đã chữa lành cho họ. Người cũng mời gọi người nghe biết tỏ lòng xót thương đối với anh chị em đồng loại. Thư gửi tín hữu Hipri còn đi xa hơn nữa khi khẳng định lòng xót thương của Người đem lại ơn cứu độ cho chúng ta: Người trở nên vị Thượng Tế nhân từ [íẦE^^ov – có lòng xót thương] và trung tín để đền tội cho dân (x. 2,17). Nhờ Người, chúng ta có thể “mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (4,16).
  4. Học giả Trench đã phân biệt hai thực tại “ân sủng (charis)” và “lòng xót thương (éleos)” như sau: charis (ân sủng) của Thiên Chúa, vốn là quà tặng và ân ban nhưng không của Người, được biểu lộ qua việc tha thứ tội, charis đó được trao ban cho con người vì họ là những kẻ có tội; còn éleos (lòng xót thương) của Người [được tỏ cho con người], vì họ là những kẻ đáng thương.

 [2] Francesca Aran Murphy, 1 Samuel, 4, có cùng nhận định, khi viết: “Literary critics of the Hebrew Bible have taught us to see the barren woman’s request for fertility as a ‘type scene’, a model tory that is repeated across scripture, so that when we meet a barren woman, we can expect that pretty soon she will be mother to a hero-child (Alter 1981:51).”

[3] Ngày nay, người ta còn nêu lên các nguyên nhân “thứ phát” cho tình trạng vô sinh. Theo bài viết “Báo động tình trạng vô sinh gia tăng”, đăng vào ngày 6 tháng 10, năm 2015 trên báo điện tử Lao Động Thủ Đô, tại trang web http://laodongthudo.vn/bao-dong-tinh-trang-vo-sinh-gia-tang-27012. html, thì có ba nhóm nguyên nhân thứ phát chính yếu sau đây. Về phía người nữ, các nguyên nhân thứ phát có thể là: “viêm nhiễm đường sinh dục mãn tính có thể gây dính, tắc vòi tử cung, tổn thương buồng trứng làm giảm chất lượng noãn và khả năng di chuyển của phôi. Tình trạng nạo hút thai quá dễ dàng, nhiều lần, được tiến hành ở các phòng khám không đủ điều kiện, làm tổn thương niêm mạc của tử cung; niêm mạc trở nên kém tái tạo, mỏng, thậm chí có thể gây dính buồng tử cung …”. Về phía người nam, nguyên nhân có thể là: “viêm tắc ống dẫn tinh, viêm tinh hoàn, mào tinh hoàn…”. Ngoài ra, còn những nguyên nhân phát xuất từ môi trường sống hiện nay: “thường xuyên chịu áp lực trong công việc, dung nạp một lượng đáng kể các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng trong thực phẩm làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới chất lượng của noãn và tinh trùng là hai thành phần quan trọng đối với việc thụ thai”.

[4] Trước đó, Đức Chúa đã từng “đóng cửa lòng” [mọi phụ nữ trong] nhà của vua Abimelech, khiến họ không thể sinh con. Nhờ lời cầu khẩn của Abraham với Đức Chúa, nên vợ vua và các nữ tỳ mới có con (x. St 20,17-18).

[5] Người con gái mà bà Leah sinh ra cho ông Jacob là cô Dinah.

[6] Sáu người con trai do bà Leah sinh ra cho ông Jacob là: Reuben, Simeon, Levi, Judah, Issachar, và Zebulun.

[7] Bruce C. Birch, “Samuel”, 974, nhận xét: “Monogamy was not yet established as the only acceptable practice, and many biblical figures had multiple wives (e.g., Abraham, Jacob, David)”.

[8] Cụm từ כתנת פסים trong tiếng Do-thái không thực sự rõ nghĩa. Nhiều bản dịch hiện nay và nhiều nhà chú giải thường hiểu theo một trong hai nghĩa nêu trên đây.

[9] Cụm từ אחת אפים trong tiếng Do-thái không thực sự rõ nghĩa. Nhiều bản dịch hiện nay và nhiều nhà chú giải thường hiểu theo một trong hai nghĩa nêu trên đây.

[10] David Toshio Tsumura, Samuel, 115, chia sẻ cùng một nhận định, khi viết: “The form of the question, the four-fold question with three ‘why’ conveys Elkanah’s concern for his beloved life”.

Eugene H. Peterson, Samuel, 17, dường như còn đi xa hơn nữa, khi viết: “Elkanah tries to help, tries to alleviate her sorrow. By asking four rhetorical questions (1 Sam. 1:8), he attempts to shift her attention from what she does not have, a child, to what she does have, namely, a loving husband. Going against the grain of all the cultural assumptions of that patriarchal society, Elkanah valued Hannah simply for who she was, her intrinsic personhood, and not for what she could produce. Against the stream of the age, which viewed woman as instrument, Elkanah cried out to Hannah, ‘With or without sons, you are precious to me simply for who you are!”.

[11] Eugene H. Peterson, Samuel, 16, cũng nhấn mạnh đến điểm này, khi bình giải về việc ông chia cho bà Hannah gấp đôi số thịt hiến tế: “Elkanah’s basic generousity is heightened. Instead of blaming or shunning Hannah because she did not bear him children, he went out of his way to compensate for her loss, doubling her gifts from the altar”.

[12] Bruce C. Birch, “Samuel”, 975, dầu sao vẫn nhận xét: “Elkanah may mean well, but he places himself, and not the plight of Hannah, in the central focus. He significantly does not tell Hannah that she is worth more to him than ten sons”.

David Jobling, 1 Samuel, 131, cũng chia sẻ cùng một suy nghĩ như Bruce C. Birch: “It [the text] also tells of Elkanah’s effort to comfort Hannah with the words of v.8, ‘Am I not more to you than ten sons?’ The effort is not an impressive one. If you wish to assure someone of your love, the line ‘Are you not more to me than …?’ seems much more promising than ‘Am I not more to you …?’!”

[13] David Jobling, 1 Samuel, 132, lại có cái nhìn khá tiêu cực về ông Elkanah, khi cho rằng: “He [Elkanah] has no need of children from Hannah, and perhaps fears that she would cease to be attractive if she were worn out by childbearing”.

[14] David Toshio Tsumura, Samuel, 115, nhận xét: “However, despite his love, he [Elkanah] cannnot give her children, and so all depends on Hannah’s actions and God’s response”.

[15] David Toshio Tsumura, Samuel, 114, có cùng nhận xét: “The plural marriage thus created severe tensions in this family as it did in Abraham’s (Gen. 16:4-5); […]. Because Hannah was childless, Penninah tormented Hannah, as Hagar despised the childless Sarah after Ishmael was born (Gen. 16:4-6); later, it was Sarah who afflicted Hagar, with the approval of her husband”.

[16] Bruce C. Birch, “Samuel”, 975, hiểu theo nghĩa khác: “This situation was made worse by the taunting of Penninah, whose provocation and irritation of Hannah, year after year, reduced her to tears and refusal to eat (vv. 6-7)”.

[17] Bruce C. Birch, “Samuel”, 974: “Shiloh, at this time, was a major sanctuary of the Israelite tribes and was the resting place for the ‘ark of God’ (3:3)”. Francesca Aran Murphy, 1 Samuel, 7-8, viết thêm: “The Elkanahs are going up to Shiloh ‘to sacrifice’ (1:3): Israel’s main sanctuary had shifted from Shechem to Bethel and thence to Shiloh as a result of the internecine tribal warfare described in Judges (Boling 1975: 184)”.

[18] David Jobling, 1 Samuel, 132, nhận xét về phản ứng của bà Hannah: “She makes no reply to her rival’s [Penninah’s] taunts or to her husband’s reassurance. But to YHWH, at the shrine of Shiloh, she pours out her heart”.

[19] Trở về đất Israel với cảnh mất chồng, mất con, và với đôi bàn tay trắng, sau bao năm lánh qua sống tại đất Moab, bà Naomi không muốn các phụ nữ tại Bethlehem gọi mình là “Naomi” (ngọt ngào) nữa, nhưng gọi là “Mara” (cay đắng). Bà nói: “Đừng gọi tôi là Naomi nữa, hãy gọi tôi là Mara, vì Đấng Toàn Năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng. Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về với hai bàn tay trắng! Gọi tôi Naomi làm gì, trong khi Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn Năng đã để tôi đau khổ?” (R 1,20-21).

[20] “[…] Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ? Sao lại có hai đầu gối đỡ lấy tôi, có đôi vú cho tôi bú mớm? … Quả thật, bánh tôi ăn chính là tiếng nức nở, tiếng tôi gào thét tựa nước lũ ngập tràn. Những gì làm tôi kinh hoàng sợ hãi nay đã xảy đến rồi. Những gì khiến tôi rụng rời khiếp sợ nay ập xuống trên tôi. Tôi chẳng được thư thái yên hàn, tôi hết đường nghỉ ngơi, vì trăm điều phiền muộn” (G 3,1-26, đb. cc11-12.24-26).

[21] Francesca Aran Murphy, 1 Samuel, 3, giải thích về luận điểm được hầu hết các nhà chú giải đồng ý: “The book begins with a childless woman in a tribal society, in which contempt is heaped on women who do not deliver population growth. The first role that it addresses is motherhood”.

[22] Bruce C. Birch, “Samuel”, 975, nhận xét: “She [Hannah] asks that God ‘remember’ her, and her appeal is brought as one in misery, with only the lowly state of a servant before God. She assumes that the God of Israel might care for those hurting and without status, an assumption beautifully elaborated in Hannah’s song in 2:1-10”.

[23] David Toshio Tsumura, Samuel, 118, nhận xét xác đáng về lời hứa của bà Hannah: “The sentence I will give him to the Lord has a ‘performative’ force; it shows not only that Hannah promises it but also that she has already given him by faith”.

[24] Bruce C. Birch, “Samuel”, 975, nhận xét và chú giải: “Such vows of dedication [Nazirite vows] did not usually last for a lifetime, as the regulations in Num 6:1-21 suggest. They did set aside individuals for unusual service to God, sometimes in military service. Samson is the chief biblical example of a Nazirite. Perhaps Hannah knew his tory because Samson’s unnamed mother, too, was childless when God promised her a son and laid down the conditions of his dedication as a Nazirite (Judg 13:1-24). Samson’s dedication was also to be lifelong, although as we know it did not turn out that way”.

David Jobling, 1 Samuel, 132, có cùng hướng nhìn với Bruce C. Birch, và bình giải thêm: “Perhaps she [Hannah] has heard how Samson, the hero and judge of Israel, was a Nazirite born to a childless woman, and hopes her son may follow in Samson’s footsteps”.

[25] Robert D. Bergen, 1, 2 Samuel, 70, bình giải thêm: “In the context of the marital union between Elkanah and Hannah, ‘the Lord remembered’ Hannah. ‘Remembered’ is a soteriological verb when used with the Lord as the subject and suggests the initiation of a major new activity by the covenant-making God (cf. Gen 8:1; Exod 2:24; cf. also Gen 19:29; 30:22). In most miracles touching human lives, the Lord chooses to achieve his desired ends with the assistance of people. Certainly this was true in Hannah’s case”.

[26] Robert D. Bergen, 1, 2 Samuel, 70-71, nhận xét: “The child was given a name intended to memorialize Hannah’s bold faith and the Lord’s gracious response”.

[27] Tiếng Do-thái: והנער נער “mặc dù đứa nhỏ còn nhỏ [lắm]”.

[28] Về điểm này, Francesca Aran Murphy, 1 Samuel, 17, đã nhận xét rất xác đáng: “Hannah’s sacrifice of her only son Samuel to the Lord is the sacrifice of the heart”.

David Toshio Tsumura, Samuel, 118, cũng chia sẻ cùng một cảm nghĩ như vậy: “Usually a woman who had suffered so from hot having a child would not give him up once he was born, but Hannah, a dedicated woman, was willing. Compare Abraham in Genesis 22. Here Hannah promised and gave; there Abraham was promised and was ordered to give. Both acted on faith”.

[29] Bruce C. Birch, “Samuel”, 973, nhận xét: “Elkanah is introduced as an Ephraimite from Ramathaim. A later tradition in 1 Chr 6:27,34 [MT 6:12,19] makes Elkanah a Levite, but this may be a late attempt to give Samuel a proper priestly ancestry”.

[30] David Toshio Tsumura, Samuel, 104, nhận xét: “This Samuel takes the decisive role in the period of transition from the days of the judges to the monarchical era, leading to the establishment of the House of David and the beginning of the worship of Yahweh in Jerusalem”.

[31] David Toshio Tsumura, Samuel, 160, nhận định: “Eli, though he is said to have always despised the offering made to his God (see 2:29), was certainly used to deliver God’s blessing to the worshipper through his spoken words”.

[32] Xin xem Is 26,14 bằng tiếng gốc Do-thái, thì mới thấy được động từ פקד “viếng thăm”. Bản dịch Nhóm CGKPV đã chuyển nghĩa động từ này thành “trừng phạt”, tương tự như nhiều bản dịch hiện đại: “Bởi thế, Chúa đã trừng phạt [đã viếng thăm], đã tiêu diệt chúng, khiến chẳng còn ai nhớ đến chúng bao giờ”.

[33] Xin xem Gr 23,2 bằng tiếng gốc Do-thái, thì mới thấy được cụm từ פקד עליכם “viếng thăm chống lại các ngươi”. Bản dịch Nhóm CGKPV đã chuyển nghĩa cụm từ này “để ý đến … mà trừng phạt các ngươi”: “[…] Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi [viếng thăm chống lại các ngươi]”.

[34] David Jobling, 1 Samuel, 133, đưa ra một nhận xét lạ lùng, khi nói về sự kiện Thiên Chúa ban cho Elkanah và Hannah 5 người con: “When we last hear of her [Hannah], she has become the mother of a large family, a family that, we are led to believe, she owes to the priestly blessing of Eli. It is not clear that either she or Elkanah wants these children”.

Trái với nhận xét lạ lùng của David Jobling – “It is not clear that either she or Elkanh wants these children” – Carl J. Laney, Samuel, 21, chỉ rõ những đứa con này là mối phúc lành của Thiên Chúa cho hai ông bà, khi bình giải: “Hannah’s obedience and devotion to God resulted in great blessing. Not only did God give her three more sons and two daughters, but she also had the priviledge of watching her first-born, Samuel, grow before the Lord (2:21). Đồng ý với quan điểm của Carl J. Laney, chúng ta có thể nói rằng đối với những người đạo đức như ông Elkanah và bà Hannah, khó có thể tượng tượng nổi, họ lại chẳng có thái độ “rõ ràng”, tức thái độ tạ ơn, trước tặng phẩm Thiên Chúa ban là 5 người con này.