Hợp Tuyển Thần Học

Hình Ảnh Về Đức Chúa Trong Sách Xuất Hành Chương 16

Hình Ảnh Về Đức Chúa Trong Sách Xuất Hành Chương 16

Mục Lục

A. Dẫn Nhập

Trong quyển sách được xuất bản gần đây, mang tựa đề Theologien des Alten Testaments,[1] cha Georg Fischer, S.J., giáo sư Kinh Thánh tại Phân Khoa Thần Học Công Giáo, Đại Học Innsbruck (Áo Quốc), trong phần nói về nền thần học của Sách Xuất Hành, đã xác định hai lối diễn tả chính về Thiên Chúa YHWH như sau: Thiên Chúa là Đấng giải thoát, và Thiên Chúa là Đấng ban Luật (“Gott als Befreier und als Gesetzgeber”). Hai hình ảnh này hiển nhiên tương ứng với hai phần chính của Sách Xuất Hành: Phần A (Xh 1,1 – 15,21) căn bản nói về việc Thiên Chúa giải thoát dân Israel khỏi ách nô lệ họ đang gánh chịu tại Ai-cập; Phần C, từ chương 19 đến hết chương 40, chủ yếu bận tâm đến việc Thiên Chúa ban Luật Giao Ước cho dân Israel trên núi Sinai. Cả hai hành động chính yếu này của Thiên Chúa đã giúp hình thành nên một dân tộc Israel có tự do, có phẩm giá, trong tương quan mật thiết với Thiên Chúa.

Chính trong bộ khung cấu trúc và thần học này mà phần còn lại của cuốn sách, tức là Phần B (Xh 15,22 – 18,27) mới được kể là một khối văn chương mang tính chuyển tiếp, với nội dung chính là thuật lại những bước đi đầu tiên của dân Israel trong sa mạc hướng đến núi Sinai. Những bước đi đầu tiên này diễn ra, sau khi họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi mối họa diệt vong của đoàn hùng binh Pharaoh, khi Người giang cánh tay uy quyền đánh bại quân Ai-cập tại Biển Đỏ. Quả thật, trong khối văn chương mang tính chuyển tiếp này, độc giả có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh được nhắc lại nhiều lần về một Thiên Chúa là Đấng giải thoát dân Israel (x. 16,6.32; 18,1.8-11; hay mặc nhiên tại 17,8-16). Độc giả cũng cảm nhận được những dấu chỉ ban đầu về một Thiên Chúa là Đấng ban Luật cho dân Người (x. 15,26; 16,4.28; 18,15-16.23).

Bộ khung chủ đề tổng quát này rõ ràng cho phép chúng ta nắm bắt được ngay hai hình ảnh thiết yếu về Thiên Chúa trong toàn bộ Sách Xuất Hành. Tuy nhiên, nếu chỉ “bằng lòng” với hai hình ảnh ấy về Thiên Chúa mà thôi, chúng ta có nguy cơ rơi vào hố sâu của lối đọc Kinh Thánh mang tính giản lược. Để tránh cơn cám dỗ “giản lược” này, và đây cũng là điều giáo sư Georg Fischer thường khuyến khích độc giả của mình, thiết tưởng chúng ta không còn cách nào khác hơn, là tìm về với chính bản văn Kinh Thánh, đọc từng chương, từng đoạn, từng câu một cách cẩn thận và chú tâm hơn, để trong tinh thần suy tư phản tỉnh và cầu nguyện, dưới ánh sáng Lời Chúa, chúng ta có thể khám phá ra nơi bản văn Kinh Thánh những điều tưởng chừng đã cũ, mà thực ra vẫn luôn mới và đầy sức khởi hứng cho hành trình đức tin của chúng ta.

Với tinh thần này, tôi xin chuyển ngữ và hiệu đính bài viết có tựa đề “The Image of YHWH as presented in Exodus 16”,[2] vốn được viết ra cách nay hai năm, như một món quà tinh thần gửi tặng giáo sư Georg Fischer, là Doktorvater của tôi trong thời gian tôi theo học tại Innsbruck, nhân dịp mừng cha tròn 60 tuổi.

Trong bài viết này, vốn là một phần kết quả của luận văn nghiên cứu, có tựa đề Manna and Sabbath[3] in Exodus 16: Exegetical and Theological Narrative Analysis, tôi cho rằng, khi nói về Thiên Chúa YHWH, chương 16 của Sách Xuất Hành đã làm toát lên 4 hình ảnh khá sắc nét về Người, cho dù 4 hình ảnh này thực ra vẫn có mối liên hệ mật thiết với những gì giáo sư Georg Fischer đã bàn đến. Bốn hình ảnh đó là: YHWH là Thiên Chúa của sự sống (hình ảnh 1); YHWH là Đấng đi bước trước đến với dân Israel (hình ảnh 2); YHWH là Thiên Chúa quyền năng (hình ảnh 3); YHWH là Đấng có mối tương quan mật thiết với dân Người (hình ảnh 4).

B. Khai Triển Nội Dung

Bốn hình ảnh khá rõ nét về Thiên Chúa YHWH trong Sách Xuất Hành chương 16 sẽ được triển khai dựa theo phương pháp phê bình văn chương, kết hợp với lối đọc Kinh Thánh theo hướng thiêng liêng. Tôi xin phép dùng bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ làm bản qui chiếu, nhưng tôi xin thay đổi một số chỗ, vì lý do chú giải, để bản dịch được sát hơn với bản gốc tiếng Do-thái.[4]

1. YHWH là Thiên Chúa của sự sống

Trình thuật xuất hành chương 16 cho chúng ta biết: việc đầu tiên mà dân Israel làm, khi họ rời bỏ Elim để tiến vào sa mạc Sin, là càm ràm, kêu trách hai ông Môsê và Aharon (x. c2). Khoa tâm lý học từ lâu đã chỉ ra rằng, khi đối diện với những vấn đề nan giải không làm chủ được, khi đối diện với những bất an ngoài tầm kiểm soát, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng mình, con người ta thường có khuynh hướng đổ tội cho kẻ khác đã gây ra những hoàn cảnh bi đát đó.[5] Dân Israel quả thật không phải là trường hợp ngoại lệ. Không còn được phép nấn ná trong vùng Elim, một nơi hiển nhiên dễ chịu đối với những ai đang lưu bước trong sa mạc, vì tại đó có “mười hai suối nước và bảy mươi cây chà là” (Xh 15,27),[6] dân Israel bắt đầu kêu trách hai nhà lãnh đạo của mình, khi dân phải đối diện với một thử thách mới. Câu 3b-f đã ghi lại cho chúng ta nội dung lời than trách của dân Israel:

b Phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trong đất Ai-cập, c khi chúng tôi [còn] ngồi bên nồi thịt, d khi chúng tôi ăn bánh thỏa thuê, e nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi vào sa mạc này, f để giết chết toàn bộ cộng đồng bằng cảnh chết đói”.

Tại câu 3b của chương 16 này, “phải chi chúng tôi chết bởi tay Đức Chúa trong đất Ai-cập”, lần đầu tiên chúng ta thấy đề cập đến Thiên Chúa. Người được nói đến qua diễn ngữ hwhy-dy “[bàn] tay Đức Chúa”. Đọc qua Sách Xuất Hành, chúng ta nhận thấy các chương trước đó đã minh định một chân lý: “tay Đức Chúa” đã biểu lộ uy phong của Người, bàn tay ấy đã đánh phạt vua Pharaoh cứng đầu cứng cổ cùng với bầy tôi của vua và toàn dân Ai-cập vốn liên đới trách nhiệm với vua (x. Xh 7-11). Nhưng bàn tay ấy lại trở nên ấm áp dịu ngọt với những kẻ chịu cảnh áp bức, bóc lột. Đối với những người này, nhất là với con dân Israel đang bị bàn tay Pharaoh đè nặng, thì bàn tay của Đức Chúa là nguồn an ủi, nâng đỡ họ đứng dậy. Tiếc thay, không phải lúc nào dân Israel cũng hiểu được như vậy. Dù cách đây không lâu, tại Biển Đỏ, dân Israel “đã thấy Đức Chúa ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập. Toàn dân kính sợ Đức Chúa, tin vào Đức Chúa, tin vào ông Môsê, tôi trung của Người” (Xh 14,31), nhưng khi gặp phải những thử thách trong hành trình sa mạc để tiến về Đất Hứa, dân Israel đã phôi pha niềm tin ấy. Trong lời càm ràm kêu trách của họ lần này tại sa mạc Sin, bàn tay của Đức Chúa đã bị hiểu sai như là phương thế để đánh phạt họ. Bàn tay Người nay bị họ liên kết với cái chết, hơn là với việc giải thoát, với sự sống.

Mà thực ra, như Sách Xuất Hành minh chứng, Đức Chúa đã nhiều lần ra tay hùng mạnh để giải thoát dân Israel khỏi kiếp nô lệ bên Ai-cập (x. Xh 3,19.20; 6,1.8; 7,4.5; 9,15; 13,3.9.14; 14,31). Người tỏ lòng thương xót đặc biệt đối với họ. Qua đó, Người cho thấy lòng thành tín với lời Người hứa với các vị tổ phụ của họ (x. Xh 2,24; 3,5.15.16; 6,8, đc. Xh 32,13; 33,1). Với bàn tay mạnh mẽ uy hùng, Thiên Chúa cho thấy, Người sẽ dẫn họ vào Đất Hứa cách thành công, mà cụ thể hơn trong Sách Xuất Hành, đến núi Sinai như lòng Người mong ước.[7] Trên núi thánh đó, Người sẽ ký giao ước tình yêu có giá trị bền vững với họ, chính thức nhìn nhận họ là dân riêng của Người. Qua bàn tay mạnh mẽ uy quyền, Thiên Chúa đã cứu dân Israel khỏi cảnh áp bức và ô nhục trên đất Ai-cập, Người tỏ cho thấy Người là Thiên Chúa đem lại cho họ sự sống, chứ không phải sự chết.

Hình ảnh Đức Chúa là Thiên Chúa của sự sống lại càng hiển nhiên hơn theo dòng chảy của câu chuyện Manna và Sabbath. Đối với những kẻ đang “to miệng” kêu trách, Thiên Chúa lại quảng đại hứa ban ~ymvh-!m ~xl “bánh bởi trời” (c4b). Với loại bánh này, Thiên Chúa sẽ nuôi sống họ 40 năm trong hành trình từ sa mạc tiến về Đất Hứa (x. c35). Trong giai đoạn đầy thử thách đó, dân Israel phải hoàn toàn cậy dựa vào sự trợ giúp nhưng không của Thiên Chúa YHWH, Đấng hằng ngày nuôi sống họ bằng “bánh bởi trời”. Thứ lương thực này biểu lộ tình Chúa yêu thương, chăm sóc dân Người.

Nhưng dĩ nhiên, sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa không chỉ giới hạn vào việc chăm sóc thể lý, qua những tặng phẩm vật chất. Ở vào giữa câu chuyện Manna và Sabbath (x. cc23-30), bản văn còn cho chúng ta nhận ra một loại tặng phẩm khác của Thiên Chúa, đó chính là quà tặng ngày Sabbath. Quà tặng này được Thiên Chúa ưu ái ban cho dân Israel để họ có thể sống xứng đáng với phẩm giá của một dân tộc tự do, của một người tự do.[8] Không giống như quà tặng vật chất là manna, vốn sẽ không còn xuất hiện nữa, khi dân Israel vào được Đất Hứa, như Sách Giô-suê thuật lại: “Hôm sau lễ Vượt Qua, họ đã dùng thổ sản trong xứ [đất Canaan], tức là bánh không men và hạt lúa rang, vào đúng ngày đó. Hôm sau, không còn manna nữa, khi họ dùng thổ sản trong xứ; thế là con cái Israel không còn có manna nữa. Năm ấy, họ đã dùng hoa màu của đất Canaan” (Gs 5,11-12), quà tặng ngày Sabbath vẫn tiếp tục là một thành tố thiết yếu tạo nên căn tính của dân Israel, phản ánh mối tương quan đặc biệt của họ với Thiên Chúa YHWH trong suốt dòng lịch sử của dân tộc này (đc. Xh 31,16-17).

2. YHWH là Đấng đi bước trước đến với dân Israel

Ngoài hình ảnh thứ nhất về YHWH – một Thiên Chúa của sự sống – như được trình bày trên đây, câu chuyện Manna và Sabbath còn làm nổi bật hình ảnh của một Thiên Chúa đi bước trước đến với dân Người. Thật vậy, câu chuyện cho chúng ta hay: mặc dù Môsê và Aharon là đối tượng trực tiếp bị dân Israel càm ràm kêu trách (x. cc2-3), nhưng chính Thiên Chúa YHWH, chứ không phải Môsê và anh mình, mới là vị đã phản ứng trước tiên với hành vi nổi loạn của dân. Qua đó, Đức Chúa cho thấy Người ý thức sâu sắc về hoàn cảnh sống của dân, về thực trạng những gì đang diễn ra, và chính Người nắm giữ chìa khóa giải quyết vấn đề.

Cách phản ứng của Thiên Chúa mang tính tích cực so với thái độ tiêu cực của dân Israel, là những kẻ đã vẽ ra một bức tranh đen tối về hoàn cảnh của họ tại sa mạc Sin (x. c3). Tuy nhiên, tác giả Kinh Thánh [hay vị thuật truyện] đã khôn khéo ngụ ý: bức tranh có gam màu tối này thực ra đến từ lối suy nghĩ và nhận thức của dân Israel về hoàn cảnh họ đang đối diện. Về phương diện phân tích văn chương, vì tác giả Kinh Thánh không bàn luận gì về những lý do khiến dân kêu trách, nên điểm mà ngài muốn truyền đạt cho chúng ta, là chúng ta hãy biết “nghi ngờ” về tính xác thực trong những lời kêu trách của dân.[9] Nói khác đi, hoàn cảnh tại sa mạc Sin không bi đát như những gì dân than vãn.

Dù phản ứng của dân Israel có tính thái quá, cường điệu hóa khó khăn mà họ gặp phải, và ở chiều sâu của vấn đề, mang màu sắc chống đối Môsê và Aharon (mà kỳ thực là chống đối chính Thiên Chúa), cách phản ứng của Thiên Chúa lại mang sắc màu hy vọng, dù cũng có phần đòi hỏi: “Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi [ăn]. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần hằng ngày, để Ta thử lòng chúng, xem chúng có tuân giữ luật của Ta không. Ngày thứ sáu, khi chúng dọn phần ăn đã đưa về, sẽ có gấp đôi phần chúng lượm vào những ngày khác” (cc4-5).

Khi câu chuyện tiếp tục được mở ra, chúng ta nhận thấy Thiên Chúa không ngừng đi những bước trước đến với dân Người. Thật vậy, diễn tiến câu chuyện cho thấy, qua người phát ngôn cho mình là Aharon, Môsê truyền cho dân hwhy ynpl wbrq “các ngươi hãy lại gần thánh nhan Đức Chúa” (c9c). Đây là một lệnh truyền gây thắc mắc khó hiểu không chỉ cho dân Israel lúc đó, mà còn cả cho độc giả chúng ta hôm nay nữa, vì chúng ta không biết dân Israel phải thực thi lệnh truyền đó như thế nào. Lý do đơn giản là, dân Israel phải lại gần thánh nhan Người ở đâu, vì như học giả J. Durham từng nhận xét: “ […] cho đến thời điểm này trong câu chuyện, bản văn chưa hề đề cập đến Hòm Bia, cột mây, hay cột lửa”,[10] mà chúng lại là những dấu chỉ hữu hình về sự hiện diện của Thiên Chúa. Nếu không có những yếu tố hữu hình này, thì dân Israel phải tiến lại gần “thánh nhan Người” như thế nào bây giờ. Hơn nữa, việc thi hành lệnh truyền đó lại chẳng đem lại nguy hiểm cho họ hay sao, vì ai đọc Kinh Thánh Cựu Ước đều biết rằng, chiếu theo lối diễn tả thường bắt gặp trong Cựu Ước, kẻ nào tiến lại gần nhan thánh Đức Chúa, mà trước đó không được Người cho phép, và trước đó không có sự chuẩn bị cho xứng đáng, thì kẻ đó phải chết, vì kẻ “phàm nhân” làm sao có thể đến gần Đấng chí thánh mà lại không mảy may hề hấn gì (x. Xh 3,5; 19,10-15.21-24; 28,40-43; 30,19-21).

Tuy nhiên, câu chuyện cho chúng ta thấy việc “vinh quang Đức Chúa” tức khắc xuất hiện trong đám mây (x. c10d), và đi kèm theo đó, là lời khẳng định của Thiên Chúa, “vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thỏa thuê” (c12c, đc. c8b), đã giúp giải quyết hai vấn nạn mà chúng ta nêu ra trên đây, nghĩa là, một khi Thiên Chúa xuất hiện, thì dân Israel đã có điểm qui chiếu để “tiến lại gần thánh nhan Người”, và việc Người minh định ban của ăn cho họ hàm ý Người sẽ không đem cái chết đến với họ, khi họ qui hướng về thánh nhan Người. Lời minh định này, theo mạch văn của câu chuyện, cũng giúp cụ thể hóa lời Thiên Chúa hứa nuôi sống dân ở c4b trước đó – “Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn”.

Ngoài ra, một sự kiện khác cũng mặc nhiên ghi nhận “bước đi chủ động” của Thiên Chúa, đó là sự kiện vào ngày thứ sau, dân Israel có được gấp đôi phần họ lượm mỗi ngày (x. c22b, đc. c5). Tác giả Kinh Thánh kể tiếp: chuyện này rõ ràng đã khiến cho các vị lãnh đạo cộng đồng lo lắng, đến độ họ đến gặp Môsê để có được câu trả lời xác đáng (x. c22c). Các vị này lo là phải, vì chiếu theo lời truyền dạy của Thiên Chúa qua Môsê, mỗi người chỉ có một đấu manna trong ngày mà thôi (x. c16), nay tại sao mỗi người lại có đến hai đấu vào ngày thứ sáu này. Điều này lại chẳng vi phạm lệnh Đức Chúa truyền dạy sao?

Câu trả lời của Môsê – “[…] mai là ngày nghỉ, ngày Sabbath thánh để kính Đức Chúa […]” (c23c) – và câu khẳng định của chính Thiên Chúa YHWH sau đó – “Đức Chúa đã ban ngày Sabbath cho các ngươi; vì thế, ngày thứ sáu, Người ban cho các ngươi bánh đủ ăn hai ngày. Ai nấy hãy ở yên một chỗ; ngày thứ bảy, đừng có ai ra khỏi chỗ của mình” (c29), hai câu này đã làm cho các vị lãnh đạo và cộng đồng dân Israel an lòng, vì họ hiểu rằng sự kiện vào ngày thứ sáu họ có được gấp đôi số manna so với những ngày thường khác, không nằm ngoài kế hoạch quan phòng của Đức Chúa; Ngài ban cho họ số lượng manna gấp đôi như vậy để vào ngày hôm sau, tức ngày Sabbath, họ có thể có được một ngày nghỉ trọn vẹn, không còn phải bận tâm chuyện phải kiếm sống.

Cuối cùng, độc giả cũng có thể nhận ra Thiên Chúa đã đi bước trước thế nào, ở vào cuối câu chuyện Manna và Sabbath. Tại đây, Môsê đã loan báo cho dân Israel biết thánh ý của Thiên Chúa, là manna phải được đong một đấu đầy, được lưu giữ cho con cháu họ, để “chúng sẽ thấy bánh Ta đã cho các ngươi ăn trong sa mạc, lúc Ta đem các ngươi ra khỏi đất Ai-cập” (c32).[11] Theo viễn kiến này của Thiên Chúa, câu chuyện Người nuôi dân Israel trong sa mạc sẽ được các thế hệ tương lai của họ nhớ đến. Nhưng “nhớ đến” không đơn giản có nghĩa là lưu giữ một kỷ niệm đẹp trong quá khứ của cha ông mình; đúng hơn, điều này hàm ý một lời mời gọi thiết thân: các thế hệ dân Israel hãy đặt niềm tin vào Thiên Chúa, là Đấng yêu thương và thành tín; đây hiển nhiên là điều hết sức cần thiết đối với họ, nhất là khi họ ở vào những thời điểm khủng hoảng và gặp nhiều thử thách lớn lao.[12]

3. YHWH là Thiên Chúa quyền năng

Nơi câu chuyện Manna và Sabbath, chúng ta còn bắt gặp một hình ảnh khác về YHWH: Người là Thiên Chúa quyền năng. Người thể hiện quyền năng Thiên Chúa của mình qua việc hoàn tất cách mỹ mãn những điều Người đã hứa trước đó. Thật vậy, trình thuật đã làm sáng tỏ sự kiện: việc Thiên Chúa hứa ban bánh từ trời xuống cho dân Israel (x. c4b), nói một cách cụ thể hơn, việc Người hứa ban thịt cho họ vào ban chiều và bánh vào ban sáng (x. c12c.d), đã được thực hiện cách đầy đủ khi chim cút và manna xuất hiện (x. cc13-14).

Khi mô tả cảnh chim cút xuất hiện, tác giả Kinh Thánh đã viết: hnxmh-ta sktw wlfh l[tw “chim cút bay đến rợp cả trại” (c13b.c), nghĩa là chúng đến với số lượng rất đông. Điều này không khỏi làm chúng ta nhớ lại câu chuyện về tai ương thứ 2 và thứ 8 mà Thiên Chúa đã dùng để đánh phạt xứ Ai-cập, do sự cứng lòng của vua Pharaoh. Theo đó, động từ hsk “bao trùm, bao phủ, che kín”, vốn xuất hiện tại c13c, trước đó đã được dùng để nói đến nạn ếch nhái xuất hiện với số lượng rất lớn, chúng ~yrcm #ra-ta sktw “lan tràn [hay bao trùm] khắp đất Ai-cập” (Xh 8,2). Động từ này cũng được dùng đến, khi tác giả Kinh Thánh mô tả nạn châu chấu #rah-lk !y[-ta skyw “che kín cả mặt đất” khiến “cả mặt đất đen nghịt” (Xh 10,15). Nhưng khác với hai trường hợp này, chim cút xuất hiện ở đây, không phải để gây hại, nhưng để trở thành nguồn thực phẩm cho dân Israel. Hơn nữa, việc bắt chúng giả thiết cũng dễ dàng, không phải cực nhọc gì.[13]

Dầu sao đi nữa, trình thuật dành mối bận tâm đến “bánh từ trời” nhiều hơn đến sự kiện chim cút. Sự bận tâm ấy được thể hiện rõ nét qua việc tác giả Kinh Thánh mô tả khá phức tạp về nó ở c13d-14b:

d vào buổi sáng có lớp sương [phủ] quanh trại, a và khi lớp sương tan [nguyên ngữ: bốc lên], b thì kìa, trên bề mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, mịn màng như sương muối trên mặt đất”.

Bản văn minh định: vật này không phải là sương. Việc sử dụng phân từ hnh “kìa, này đây” (đc. c4b.10d) hàm ý việc xuất hiện của vật này trên mặt đất đã khiến cho dân Israel không khỏi ngạc nhiên.[14] Việc vật này được mô tả qua hai hình ảnh: spsxm qd “một thứ gì nho nhỏ mịn màng”, và #rah-l[ rpkk qd “nho nhỏ như sương muối trên mặt đất”, cho chúng ta thấy: dù vật này có nét nổi bật là “nho nhỏ” và có “màu trắng”, nó không thể bị đồng hóa hoàn toàn với bất cứ thứ gì trên mặt đất. Nói khác đi, dù tác giả Kinh Thánh tìm cách giải thích cho độc giả dễ hiểu, nhưng thứ “bánh từ trời này” vẫn giữ nguyên nét “độc nhất vô nhị” của mình. Cũng dễ hiểu khi chúng ta thấy phản ứng ngỡ ngàng của dân Israel: “Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau ‘Man hu?’, nghĩa là, ‘cái gì đây?’, vì họ không biết đó là cái gì” (c15).

Ngoài sự kiện Thiên Chúa có đủ quyền năng tạo ra “bánh từ trời” cho dân Israel đi lượm mỗi ngày (x. c21), bản văn còn cung cấp thêm các chi tiết khác, giúp củng cố thêm hình ảnh về YHWH là Thiên Chúa quyền năng. Thật vậy, bản văn cho biết Thiên Chúa cũng có quyền xác định thời gian xuất hiện và biến mất của manna: “sáng nào cũng vậy, mỗi người lượm tùy theo sức mình ăn được bao nhiêu. Và khi mặt trời tỏa sức nóng, nó liền tan ra” (c21). Thêm nữa, Người làm cho manna không bị hư thối qua đêm thứ sáu, để dân có thể dùng chúng vào ngày Sabbath (x. c24c-d, đc. c20c-d). Cuối cùng, qua một cách thế còn tuyệt vời hơn nữa, Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng mạnh mẽ của Người qua việc giữ cho manna luôn ở trong tình trạng tốt đẹp theo dòng thời gian, để các thế hệ dân Israel thấy được bánh mà Người đã nuôi sống cha ông họ khi Người dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập (x. c32). Làm như vậy, Thiên Chúa như muốn củng cố lòng tin của các thế hệ tương lai vào Người, khiến họ xác tín rằng Người là Đấng có đủ quyền năng bảo vệ họ cả trong những thời điểm khó khăn nguy hiểm. Tuy nhiên, điều kiện cần nơi họ, không gì khác hơn, chính là thái độ sống hoàn toàn tín thác vào Người.

4. YHWH là Đấng có mối tương quan mật thiết với dân Người

Mục đích của việc Thiên Chúa YHWH ban cho dân Israel có thịt vào buổi chiều và bánh vào buổi sáng, mục đích ấy được minh định ở c12e.f: ~kyhla hwhy yna yk ~t[dyw “rồi các ngươi sẽ biết rằng Ta là YHWH, Thiên Chúa của các ngươi”. Cụm từ ~kyhla hwhy yna “Ta là YHWH, Thiên Chúa của các ngươi” chỉ xuất hiện 2 lần trong trong Sách Xuất Hành – ở Xh 6,7 và ở đây, Xh16,12.[15] Điều này hàm ý việc Thiên Chúa ban bánh và thịt cho dân có cùng mục đích với việc Người giải thoát dân Israel khỏi ách thống trị hà khắc của người A-cập (x. Xh 6,7), nghĩa là để dân Israel nhận ra Người là YHWH, Thiên Chúa của họ.[16] Nói khác đi, qua quà tặng vật chất là thịt và bánh từ trời, Thiên Chúa YHWH muốn mời gọi dân Israel ngày càng xác tín hơn về mối dây yêu thương mà Người dành cho họ.[17] Đây sẽ là một trong những bước chuẩn bị thiết thực cho dân Israel, để sau này trên núi thánh Sinai, dân có thể bước vào tương quan giao ước với Thiên Chúa YHWH một cách xác tín nhất (đc. Xh 19-40, đặc biệt các chương 19-24 và 34).

YHWH Thiên Chúa hiển nhiên không phải là Đấng muốn đem lại cái chết cho dân Người, như nhiều kẻ càm ràm có thể đã hiểu như vậy (x. c3b). Người cũng không đơn giản chỉ là Đấng đã giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ bên Ai-cập (x. c6c), mặc dù đây là một chủ đề lớn của Sách Xuất Hành. Người cũng không phải chỉ là Đấng đã nuôi sống họ, khi họ ở vào những hoàn cảnh đầy khó khăn, thử thách. Nhưng trên hết, qua những điều tuyệt vời vừa kể, YHWH muốn cho dân Israel nghiệm thấy Người là Thiên Chúa của họ, là Đấng không ngừng bày tỏ tình thương đối với họ, là Đấng muốn sống tương quan mật thiết “Ta – các ngươi” với họ, một mối tương quan toàn tâm toàn ý cho nhau.[18] Dĩ nhiên, YHWH cũng muốn dân Israel đừng chỉ nhìn vào những tặng phẩm trước mắt, mà trên hết, biết nhận ra ai là Đấng đã trao quà, tại sao Người làm như vậy, để qua đó, họ có thể đi sâu hơn vào mối tương quan mật thiết với Người.

Thực ra, theo đường lối sư phạm của mình, Thiên Chúa đã từng bước chuẩn bị cho dân Israel bước vào tương quan mật thiết này. Bản văn cho biết Thiên Chúa đã truyền cho họ phải có thái độ cộng tác tích cực khi nhận lãnh ân huệ Người ban: “Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần hằng ngày, để Ta thử lòng chúng, xem chúng có tuân giữ luật của Ta không” (c4c-e). Dân Israel phải tỏ thiện chí cộng tác với quà tặng của YHWH. Họ phải chịu trách nhiệm về đời sống thường ngày của mình. Việc này, quả thật dân Israel đã thực hiện chu đáo: “Sáng nào cũng vậy, mỗi người lượm theo sức mình ăn được bao nhiêu” (c21).[19]

Ngoài ra, c16 còn làm rõ nét hơn đường lối huấn luyện của Thiên Chúa: “Mỗi người hãy tùy theo sức mình ăn được bao nhiêu mà lượm, mỗi người một đấu, tùy theo số người; mỗi người hãy lấy luôn cho những người ở cùng lều với mình”. Qua lệnh truyền này, Thiên Chúa muốn mỗi người nêu cao tinh thần trách nhiệm và tình liên đới trong gia đình.[20] Và cũng ở điểm này, trình thuật lại cho thấy điểm tích cực nữa của dân Israel: “Con cái Israel đã làm như thế; họ lượm kẻ nhiều người ít. Rồi họ lấy đấu đong: kẻ có nhiều thì không dư, người có ít thì không thiếu. Mỗi người đã lượm tùy theo sức mình ăn được bao nhiêu” (cc17-18). Điều này chứng tỏ họ đã vâng giữ lệnh Chúa truyền.

Một khi mỗi cá nhân dám chịu trách nhiệm về mình và về gia đình mình, thì hy vọng, họ cũng dễ dàng trở nên những thành viên tích cực hơn, biết quan tâm đến ích chung của cộng đồng, của dân tộc;[21] và xa hơn nữa, họ có thể mở rộng tình liên đới và sự quan tâm ấy đến với các ngoại kiều sống giữa họ (x. Đnl 10,19).[22] Xét cho cùng, tinh thần trách nhiệm và tình liên đới có thể được ví như hai trụ cột chống đỡ tòa nhà Israel; chúng là những điều kiện cần có để Israel có thể trở thành “một dân thánh, dân tư tế” như lòng Chúa mong ước (x. Xh 19,6).[23] Những chương tiếp theo của Sách Xuất Hành cho thấy tinh thần kép này có ý nghĩa thế nào trong việc dựng Lều Tạm. Theo lệnh Chúa truyền, với tinh thần trách nhiệm và tình liên đới cộng đồng, dân Israel đã sẵn lòng đóng góp vật chất, công sức, và cả tài nghệ (x. Xh 25,2-9; 35,4 – 36,1; 38,24-31) để hình thành nên nơi thánh cho Thiên Chúa ngự giữa dân Người (x. Xh 25,8).

C. Kết Luận

Có thể nói bất cứ ai đọc Sách Xuất Hành chương 16 đều có thể dễ dàng nhận ra điều này: nhân vật quan trọng nhất trong câu chuyện Manna và Sabbath không phải là dân Israel, cũng chẳng phải là Aharon hay Môsê, mà chính là Thiên Chúa YHWH. Người chính là nhân vật chính, mang lại toàn bộ sức năng động cho câu chuyện, làm cho câu chuyện trở nên sinh động, lôi cuốn, hàm chứa nhiều ý nghĩa từ đầu đến cuối.

Câu chuyện Manna và Sabbath mở đầu bằng một đám mây đen bao phủ bầu trời sa mạc Sin. Dĩ nhiên, đó không phải là đám mây u ám theo nghĩa đen của hạn từ, mà là đám mây của sự ngờ vực, của việc mất lòng tin, thể hiện qua những lời càm ràm đậm chất vu khống. Khi dân Israel thốt lên những lời khó nghe, họ như thể hàm ý bóng tối sự chết đang bao trùm trên toàn dân trước viễn tượng đói ăn. Hình ảnh mang dáng dấp bi quan này đã dần được thay thế bằng hình ảnh sự sống dồi dào tại phần cuối của câu chuyện. Bản văn Kinh Thánh minh thị, sức năng động chuyển hóa này, sẽ không thể thành hiện thực nếu không có sự can thiệp của một Thiên Chúa đầy quyền năng (hình ảnh 3). Người chính là Đấng đã đi bước trước, Người đến với dân Israel bằng sự tha thứ và lòng xót thương, ngay khi họ còn đang gân cổ kêu những lời ai oán. Người đến với họ vì Người mong những điều tốt đến với họ (hình ảnh 2).

Nhưng yếu tố về cuộc sống dồi dào và bền vững, như được minh họa bởi sự kiện dân Israel đã ăn manna 40 năm trong hành trình sa mạc của họ,[24] yếu tố này không thể xuất hiện được, nếu không có sự can thiệp của YHWH là Thiên Chúa của sự sống (hình ảnh 1). Người không chỉ ban cho họ của ăn nuôi thân xác; Người còn ban cho họ ngày Sabbath để cuộc sống của họ được phục hồi, được làm mới lại, để nâng cao phẩm giá của họ, phẩm giá của một dân tộc tự do, bao gồm những người đã được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.

Những gì mà Thiên Chúa YHWH đã làm cho dân Israel đều nhằm mục đích thiết lập một mối tương quan đặc biệt với họ. Qua những quà tặng mà họ nhận được từ Đức Chúa, họ được kêu mời nhận ra YHWH là Đấng có mối tương quan mật thiết với họ (hình ảnh 4). Người là YHWH, Thiên Chúa của họ, Đấng không ngừng bày tỏ tình thương yêu chăm sóc của Người dành cho họ, và mong ước giúp họ xứng đáng bước vào tương quan giao ước mà Người sẽ ký kết với họ trên núi Sinai.

Người Việt chúng ta có câu “ôn cố, tri tân”. Thiết nghĩ, việc đọc câu chuyện Manna và Sabbath trong Sách Xuất Hành chương 16 không chỉ giúp chúng ta nhận ra tình yêu thương chăm sóc mà Thiên Chúa đã dành cho dân Israel trong quá khứ; việc đọc và suy tư này còn còn giúp củng cố niềm tin của chúng ta vào Người dù chúng ta đang phải sống trong những hoàn cảnh nào đi nữa. Đây có lẽ đã là điều Thiên Chúa muốn nhắm đến, khi qua Môsê, Người truyền đong đầy một đấu manna để lưu giữ cho các thế hệ con dân Israel sau này.

Khi viết bài viết này, cách đây 2 năm, tôi đã từng nguyện ước: cha giáo sư Georg Fischer, vốn là người thường xuyên đọc, suy tư, và cầu nguyện với Lời Chúa hằng ngày, sẽ càng lúc càng nghiệm thấy Thiên Chúa quả thật là Đấng quyền năng, là Đấng luôn đi bước trước, không ngừng đến với con người, là Đấng ban sự sống, và mời gọi con người đi vào trong mối dây thân tình với Người. Ngày đó, tôi cũng từng nguyện ước tất cả các học trò của cha, các đồng nghiệp của cha, người thân và anh em cùng ơn gọi với cha, cùng chia sẻ nỗi thao thức luôn bừng cháy nơi cha, là đem sứ điệp yêu thương của Thiên Chúa đến cho mọi người hôm nay, qua việc học hỏi, suy tư, cầu nguyện, và chia sẻ Lời Chúa!

Hôm nay, khi chuyển dịch bài viết này sang ngôn ngữ của người Việt chúng ta, tôi mong ước những hình ảnh thật đẹp về Thiên Chúa YHWH cũng làm cho chúng ta thêm xác tín cần phải loan báo về Người cho mọi người trong đất nước “Con Rồng Cháu Tiên” này!

Tài liệu tham khảo

ARONSON E. – WILSON T. D. – AKERT R. M., Social Psychology (Upper Saddle River, New Jersey: Prentice-Hall 2002).

CHILDS B. S., The Book of Exodus (OTL; Louisville: Westminster John Knox Press 2004).

COTROZZI S., Expect the Unexpected. Aspects of Pragmatic Foregrounding in Old Testament Narratives (Library of Hebrew Bible/Old Testament Studies 510; New York: T&T Clark 2010).

DAVIES G. H., Exodus. Introduction and Commentary (TBC; London: SCM 1967).

DURHAM J. I., Exodus (WBC 3; Columbia: Word Books 1987).

FISCHER G., “Das Mosebild der hebräischen Bibel”, in Die Anfänge der Bibel. Studien zu Genesis und Exodus (SBAB 49; Stuttgart: Verlag Katholische Bibelwerk 2011), 233-266.

FISCHER G., Theologien des Alten Testaments (NSK-AT 31; Stuttgart: Verlag Katholisches Bibelwerk 2012).

FISCHER G. – MARKL D., Das Buch Exodus (Stuggart: Verlag Katholische Bibelwerk 2009).

FREY H., Das Buch der Heimsuchung und des Auszugs. Kapitel 1-18 des zweiten Buches Mose (Die Botschaft des Alten Testaments 5; Stuttgart: Calwer Verl. 1952).

GELLER S. A., “Manna and Sabbath. A Literary-Theological Reading of Exodus 16”, Interpretation 59/1 (2005) 5-16.

GOWAN D. E., Theology in Exodus. Biblical Theology in the Form of a Commentary (Louisville, Ky.: Knox 1994).

HEINISCH P., Das Buch Exodus. Mit 2 Kartenskizzen und 11 Abbildungen (Die Heilige Schrift des Alten Testament 1, 2.; Bonn: Hanstein 1934).

HYATT J. P., Exodus (NCBC; London: Marshall, Morgan & Scott 1980).

HOLLADAY W. L., A Concise Hebrew and Aramaic Lexicon of the Old Testament. Based upon the Lexical Work of Ludwig Koehler and Walter Baumgartner (Grand Rapids: Eerdmans 1988).

HOUTMAN C., Exodus. Chapters 7:14-19:25 (HCOT; Kampen: KOK 1996) II.

JACOB B., Das Buch Exodus (Stuttgart: Calwer Verl. 1997).

JANZEN J. E., Exodus (Westminster Bible Companion; Louisville, Ky.: Knox 1997).

JOHNSTONE W., “The Two Theological Versions of the Passover Pericope in Exodus”, in Text as Pretext, ed. R. P. Carroll (Journal for the Study of the OT: Supplement Series 138; Sheffield: JSOT Press 1992), 160-178.

KUPFER C., Mit Israel auf dem Weg durch die Wüste. Eine leserorientierte Exegese der Rebellionstexte in Exodus 15,22-17,7 und Numeri 11,1-20,13 (Oudtestamentische Studiën 61; Leiden: Brill 2011).

MOBERLY R. W. L., “On Learning Spiritual Disciplines: A Reading of Exodus 16”, Reading the Law. Studies in honor of Gordon J. Wenham (ed. McConville J. G – Möller K.) (Library of Hebrew Bible. OT Studies 461; New York: T&T Clark 2007) 213-227. PREUSS H. D., Old Testament Theology, transl. L. G. Perdue (Louisville, Ky.: Westminster John Knox Press 1995) I.

RENDTORFF R., “Some Reflections on the Canonical Moses: Moses and Abraham”, in A Biblical Itinerary in Search of Method, Form, and Content. Essays in Honor of G. W. Coats, ed. E. E. Carpenter (Journal for the Study of the OT: Supplement Series 240; Sheffield: Sheffield Acad. Press 1997), 11-19.

SCHART A., Moses und Israel im Konflik. Eine redaktionsgeschichtliche Studie zu den Wüstenerzählungen (OBO 98; Freiburg, Schweiz: Univ.-Verl. 1990).

SKA J. L., “Our Father Have Told Us”. Introduction to the Analysis of Hebrew Narrative (Subsidia Biblica 13; Roma: PIB 2000).

ZIMMERLI W., “Erkenntnis Gottes nach dem Buche Ezekiel”, in Gottes Offenbarung. Gesammelte Aufsätze zum Alten Testament (ThB 19; München: Chr. Kaiser Verl. 1969), 41-119.


 

[1] G. FISCHER, Theologien des Alten Testaments (NSK-AT 31; Stuttgart: Verlag Katholisches Bibelwerk, 2012).

[2] Nghia Pham, “The Image of YHWH as presented in Exodus 16”, in Gottes Wort im Menschenwort: Festschrift für Georg Fischer SJ zum 60. Geburtstag (Österreichische Biblische Studien 43; Frankfurt am Main: Peter Lang, 2014), 27-36.

[3] Quite a number of biblical scholars have rightly pointed out that the content of Exodus 16 revolves around the two subject matters of manna and Sabbath. This position is supported by CHILDS, DURHAM, FISCHER, FREY, GELLER, HYATT, JANZEN, SCHART, etc. HYATT, Exodus, 174, for example, states that the story is “mainly an account of the giving of the manna to the Israelites, and its relationship to the Sabbath; the quails are mentioned, but only briefly”.

[4] Xin chân thành cám ơn nhóm CGKPV.

[5] This tendency, for example, can be recognized in the so-called “scapegoating”, that is, “the tendency for individuals, when frustrated or unhappy, to displace aggression onto groups that are disliked, visible, and relatively powerless”, see ARONSON – WILSON – AKERT, “Prejudice”, 454-504, esp. 488-490.

[6] The description of twelve springs of water and 70 palm trees has a symbolic meaning: the Israelites who had just previously complained about the lack of drinking water (cf. 15:22-24), were then led into a place of comfort with rather abundance of shade and water.

[7] RENDTORFF, “Reflections”, 17-18: Sinai is the goal of their Exodus out of Egypt, where the people are commanded to worship YHWH (cf. 3:12). Exactly at the point where the Israelites arrive at Mount Sinai we find the reference to the words in 3:12.

[8] See also A. GRUND, “Mimesis”, 97-98. A. WÉNIN, Sabbato, 32, develops the idea of freedom that the Sabbath day brings about: “Invitandolo a sposare il proprio ritmo predendo un riposo settimanale, Dio manifesta agli israeliti la reale volontà di libertà che ha per loro: non devono più essere schiavi di nessuno, neanche di loro stessi, della loro fame, della loro paura delle privazioni, del loro desiderio di avere di più – cioè della loro bramosia”.

[9] In comparison with similar “murmuring stories” (cf. Exod 14:3-10a; 15:22-23; 17:1; Num 20:2) (see GOWAN, Theology, 171), a lack of causal link between v1 and v2 in the narrator’s report is easily detected, stressing that the grumbling content in v3 comes from the perspective of the Israelites, not that of the narrator. Since the biblical narrator has the privilege of omniscience (see SKA, Father, 44-45), that is, his voice about a particular matter is considered as having an almost absolute weight, his silence concerning the reason of the Israelites’ grumbling really raises serious doubts about a justifiable interrelation between the Israelites’ difficult situation and their grumblings, and thus casts their complaint immediately in a negative light (see CHILDS, Exodus, 284).

[10] J. DURHAM, Exodus, 220: “Just how they are to do it is not said, for there is no mention to this point of the story about the Ark, the pillar of the cloud, the pillar of fire”.

[11] There is a really discernible change in Moses’ role in the story. At the beginning of the story, together with Aaron, Moses is the accused (v2-3); at the end, he is prominent in his leading role. Moses imparts the Israelites the Lord’s command concerning the preservation of manna for future generations. In fact, this positive change is steadily developed in the course of the story. In the middle of the story, Moses stands up as the leader who justly and authoritatively refutes the Israelites’ false charge (v6-10). He is the Lord’s confidential person whom the Lord chooses to be the unique mediator between him and the people (v4-5.12.16.23.28-29.32). And apart from God, Moses is the unique person who can give commands in this narrative (v9.19.25-26.33). For an overall treatment of Moses’ image in the Hebrew Bible, see FISCHER, “Mosebild”, 233-266, esp. 261.

[12] Future generations may perceive that even when their ancestors rebelled against the Lord, who had liberated them from the land of Egypt (cf. v32), the Lord constantly showed his merciful loving care for them, feeding them daily until they reached the Promised Land (cf. v35). This is a very forceful proof of the divine compassionate love for their ancestors, serving therefore as a persuasive evidence for their own trust in the Lord, especially in moments of crises they may face in their own times (see DURHAM, Exodus, 226).

[13] See also DAVIES, Exodus, 139.

[14] COTROZZI, Unexpected, 205-212, notes: the clause type of wehinnēh + NP + Ø occurs 31x in the HB in comparison with the more frequent construction of wehinnēh + NP + Qōtēl (47x). Among the 31 occurrences, several typical cases are presented as follows: In Gen 25:24, it confirms the oracle; in Gen 29:25, the construction lets the reader feel Jacob’s shock at the unexpected sight; and in Exod 16:14, the construction conveys the Israelites’ surprise at this never-seen-before phenomenon.

[15] The expression hwhy yna-yk in accompany with the verb [dy is attested 10x in the Book of Exodus alone. This combination covers a wide range of the subjects of the recognition: the Israelites (6:7; 10:2; 16:12; 29:46), the Egyptians (7:5; 14:4.18), Pharaoh (7:17; 8:18), and [future] generations of the Israelites (31:13). Its contents are arranged around the liberation process from the slavery in Egypt (6:12; 7:5.17; 8:18; 10:2; 14:4.18; 29:46), gift of meat and bread (16:12), and God’s presence and Sabbath laws (29:46; 31:13). Later on, in the vision of the dry bones (Ezek 37:7-14), Ezekiel states that when YHWH brings the exiles back home, they will know that He is the Lord their God (cf. 28:25-26, esp. v26; 34:25-31, esp. v30; 39:21-29, esp. v28). For further detailed treatment of this formula of God’s recognition in the book of Ezekiel, see ZIMMERLI, “Erkenntnis Gottes”, 41-119.

[16] “I will take you as my people and I will be your God, ~kyhla hwhy yna yk ~t[dyw, who brought you out from under the yoke of the Egyptians”.

[17] PREUSS, Testament, 209-219, I, in his treatment of YHWH’s acts in history, remarks: “When Israel spoke of YHWH, it did so largely in terms of his acts in history. Old Testament Israel has primarily heard its God YHWH in, with, and by this form of experience of reality”.

[18] The two theological hallmarks of the Book of Exodus: God as the liberator and God as the lawgiver, as FISCHER, Theologien, 29-37, points out, can be seen as serving this I-You relationship between God and his people.

[19] V21 depicts a peaceful and tranquil picture of the Israelites’ daily manna-gathering activity. The temporal rhythm rqbb rqbb indicates that the Israelites are obedient to the Lord’s directive in v4c-d. It also illustrates that the people are already accustomed to their daily rhythm of getting up early and doing their daily work in the morning (see FISCHER, Exodus, 188). Apparently their daily gathering gradually makes their fear of hunger (cf. v3) fade away. It also causes the intention of some people to hoard up the left-over manna (cf. v20) for later use to be unnecessary and meaningless.

[20] See also KUPFER, Israel, 68. With further elaborations, MOBERLY, “Disciplines”, 213-227, lays a heavy stress on the pedagogical dimension of the story: the Israelites, still an immature people, were guided to become more mature in their relationship with God and with each other, in order to be worthy of their selection as the People of God.

[21] HEINISCH, Exodus, 132 understands the command is related to the fathers of the family: “der Familienvater soll für die Ernährung seiner Angehörigen Sorge tragen”. Cf. JACOB, Exodus, 470: “Der Einsammelnde ist der Haushaltungsvorstand, nicht daß man mit Weib und Kindern zum Sammeln auszog”.

[22] Moses gives two reasons for his command that the Israelites should love even the strangers: (a) God Himself loves the strangers, providing them food and clothing (cf. Deut 10:18), thus when the Israelites love the strangers, they actually follow God’s way; and (b) the Israelites were themselves the strangers in the land of Egypt (cf. Deut 10:19), thus loving the strangers is actually a powerful reminder of their social status in Egypt, once reduced to the that of slavery, which was only changed into the status of the possessors of a land by the mighty hand of the loving God.

[23] Already in the narrative of the Passover preparation, the sense of “the unity of the family and solidarity with the neighbors” in the celebration of the feast is expressed in Exod 12:3-4 (cf. JOHNSTONE, “Versions”, 160-178).

[24] Thus the Lord’ nourishment of the people extends the spatial-temporal dimension of the story. The problem of lacking food is resolved not only in that space and time of the wilderness of Sin; the Israelites also eat manna during their entire desert journey until they reach the Promised Land (v35).