A. Cựu Ước
Bất cứ một suy tư kitô nào về Thiên Chúa đều phải được “kín múc” từ nơi các nguồn mạc khải. Cách riêng, thần học về Thần Khí Thiên Chúa phải biết truy tầm nơi Lời Thiên Chúa thứ ánh sáng giúp soi rọi cho chủ đề tuyệt mức khó hiểu này. “Thiên Chúa” đã là một mầu nhiệm rồi; dù thế, trong Thiên Chúa, Cha còn có một danh hiệu, Con thì có mang một bộ mặt loài người… còn Thánh Thần thì không thấy có một danh xưng nào cho thích đáng, cũng chẳng thấy mang một bộ mặt nào khả dĩ giúp nhận biết được, giống y như gió vậy. Bởi đó, công cuộc tầm cứu để nhận cho ra căn tính của Người càng trở nên thúc bách hơn nữa; song dù gì, trong nỗ lực truy tầm ấy, chẳng thấy có con đường nào thích đáng hơn việc lần giở lại những trang Kinh Thánh.[1]
Quả thực, từ ngữ “Thần Khí” và “Thần Khí Thiên Chúa” xuất hiện nhan nhản trong các trang sách thánh; đó là chưa kể đến nhiều danh hiệu khác nữa. Toàn bộ lịch sử cứu độ được đặt dưới sự dẫn dắt của Thần Khí Thiên Chúa, cả về mặt các biến cố lẫn về mặt con người; dù vậy, tính đa dạng của các danh hiệu, biểu tượng, cũng như các hoạt động liên quan đến Thần Khí đã, bằng cách này hay cách khác, khiến cho không khỏi phải lúng túng, nhầm lẫn.
Các danh hiệu
Danh hiệu “Thánh Thần” thường được dùng khi nói đến Ngôi Ba của Ba Ngôi Thiên Chúa; dù vậy, danh hiệu ấy đã không hề thấy xuất hiện trong Cựu Ước. Tiếng Do thái gọi “Thần Khí” là ruah, được dịch sang tiếng Hy lạp (trong bản Bảy Mươi) là pneuma. Từ ngữ “Thần Khí” xuất hiện 389 lần trong các bản văn Kinh Thánh do phái Masorah bảo lưu, và chỉ 277 lần trong bản Bảy Mươi. Tuy nhiên, cụm từ “Thần Khí Thánh”, hay “Thánh Thần”, chỉ thấy xuất hiện 3 lần: a) trong Tv 51:13: “đừng cất khỏi lòng con Thần Khí Thánh của Ngài”; b) trong Is 63:10-11: “họ đã nổi loạn, đã làm phiền Thần Khí Thánh của Người… Đâu rồi, Đấng đã đặt nơi ông Thần Khí Thánh của Người?”; và c) trong bản Bảy Mươi, Kn 1:5: “Thần Khí Thánh là thầy dạy dỗ…”, hoặc trong 9:17: “Ý định của Chúa, ai nào biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn ngoan, chẳng gửi Thần Khí Thánh?”
Chỉ dựa duy nhất vào việc đọc thấy các danh hiệu đó, thì không thể hiểu được “Thần Khí” là gì, càng không thể hiểu “Thần Khí Thánh” là chi, bởi vì, trước tiên, danh hiệu ấy không phải lúc nào cũng có nghĩa là “Thần Khí của Thiên Chúa”, và kế đến, thực tại thần linh có thể xuất hiện dưới những lối biểu đạt khác.[2]
Từ ngữ “Thần Khí” thường được hiểu theo nghĩa là gió. Có 18 trường hợp nhắc đến “Thần Khí Thiên Chúa” và 27 trường hợp về “Thần Khí của Đức Chúa” (Yahweh). Những lối biểu đạt khác lại mang bộ mặt nhân học, chẳng hạn như “Thần Khí ghen tuông” (Ds 5:14); “Thần Khí khôn ngoan” (Đnl 34:9); “Thần Khí ơn huệ và khẩn nguyện” (Dcr 12:10); có lối biểu đạt lại mang tính cách mập mờ, nước đôi, như Is 11:2: “Thần Khí khôn ngoan và minh mẫn, Thần Khí mưu lược và dũng mãnh, Thần Khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.”
Các động từ miêu tả hoạt động của “Thần Khí” ấy cũng biến thiên đa dạng: “Thần Khí ở trên ông…” (Ds 24:2); “ập xuống trên ông” (Tl 14:6.19); “nhập vào Đavít” (1Sm 16:13) và “rời khỏi Saun” (16:14); “vây phủ ông Ghítôn” (Tl 6:34); “ập xuống trên Êdêkien”(Ed 11:5); “tác động trên Samsôn” (Tl 13:25); “đổ xuống trên ta” (Is 32:15), v.v.
Từ ngôn ngữ biểu trình đa dạng ấy, có thể kết luận được rằng Kinh Thánh đã trình tả thực tại gọi là “Thần Khí” theo một phương cách phức tạp, không dễ dàng chi để quy tóm tất cả vào một định nghĩa. Một học giả đã phát biểu thế này: “Ruah nói lên ý chí tự do của Thiên Chúa trong tương quan của Người với tạo vật, cách riêng đối với con người, và trước hết đối với dân Người; Thần Khí mang ý nghĩa khác nhau tùy theo tính chất của các tương quan ấy.”[3]
Chiều kích vũ trụ và nhân học của Ruah
Nỗ lực tìm hiểu “thần khí” trong Kinh Thánh, kể cả việc nhận thức về ý nghĩa sâu xa nhất của “Thần Khí Thánh” (Thánh Thần), cần phải khởi đầu từ những cấp độ thấp nhất, từ ý nghĩa bình thường của từ ngữ gió. Trong lúc cắt nghĩa cho Nicôđêmô về mầu nhiệm Phép rửa, Đức Giêsu cũng đã đi bước khởi đầu như thế: “Gió (pneuma) muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu…” (Ga 3:8). Trong Cựu Ước, việc Thiên Chúa can thiệp trên con người, hoặc trên vũ trụ, được gọi là ruah… Môisê đã hát như sau: “Nộ khí Ngài đã khiến nước dâng lên… Ngài hà hơi nổi gió, biển vùi lấp chúng đi” (Xh 15:8.10). Và Thánh vịnh xưng tụng: “…Ngài lướt bay cánh gió, sứ giả Ngài: làm gió bốn phương” (Tv 103:3.4). Ý nghĩa của các văn đoạn Kinh Thánh ấy là muốn phân biệt Thiên Chúa của Ítraen với những yếu tố khác trong thế giới, tức là những yếu tố không hề mặc một sắc thái thần linh nào, mà chỉ thuần được coi là những khí cụ của Thiên Chúa mà thôi. Cựu Ước đã chẳng dám “mạnh miệng” gọi “Thiên Chúa là thần khí”, như về sau sẽ thấy trong Ga 4:24, vì sợ bị hiểu sai. Khi Tv 139:7 thốt lên: “Đi mãi đâu cho thoát thần khí Ngài, lẩn nơi nào cho khuất được Thánh Nhan?”, thì tính chất song đối giữa hai vế câu không nhằm so sánh bản chất của “thần khí/gió” với “Thánh Nhan”, song chỉ muốn nói rằng: cũng giống như gió, Thiên Chúa có mặt ở khắp mọi nơi. Ruah thường mang nghĩa đơn giản là gió: “một luồng khí đi qua trước tôi, làm lông tôi dựng đứng lên,” Gióp đã nói thế, ám chỉ về gió. Cũng thế, nơi thiên viên, Thiên Chúa đi dạo “lúc gió thổi trong ngày” (St 3:8); và ở Ai cập, “Đức Chúa cho gió biển nổi lên rất mạnh…” (Xh 10:19). Tất cả các văn đoạn ấy đều dùng từ ruah để diễn tả. Dù vậy, gió luôn nằm trong bàn tay điều khiển của Thiên Chúa: Người mở kho thả gió (x. Gr 10:13), vời gió đến và cho đổi hướng gió (x. Xh 10:13.19), v.v.
Ruah còn chỉ nguồn sự sống, theo ý nghĩa chỉ về hơi thở: Thiên Chúa “ban sinh khí cho người phàm” (Dcr 12:1), “ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân” (Is 42:5); cho nên vào giờ lâm tử, “sinh khí được thâu về từ Đấng đã ban cho sinh khí ấy” (Gv 12:7). Mọi loài thọ sinh đều ký thác sự sống của mình vào tay Thiên Chúa: “Lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30). Ruah còn có ý nghĩa chỉ về thái trạng tâm lý và trí tuệ của con người, như: “Tâm thần vua [Pharaô] xao xuyến” (St 41:8); hoặc, “một người đàn bà (Anna) tâm thần đau khổ” (1Sm 1:15); lòng trí người khiêm hạ thì bé nhỏ (a humble man has a small spirit: x. Cn 29:23), người kiêu hãnh thì lòng trí huênh hoang (a proud man has a high ruah); người kiên nhẫn thì (x. Gv 7:8); do vậy, tục ngữ có câu: “người tự chủ hơn kẻ chiếm được thành” (Cn 16:32). Thần khí – được coi như trái tim hay tâm thần – là trung tâm của cảm xúc, tư tưởng và ý chí (x. chẳng hạn, Xh 35:21.29; Is 19:3; Gr 51:11; Tv 51:12; v.v). Như thế, thúc đẩy một người nào làm điều gì đó, có nghĩa là “tác động trên tâm trí của người ấy” (Er 1:1), hoặc ngược lại: Giavê “đã làm cho thần trí Xikhôn ra cứng cỏi và lòng dạ nó ra chai đá” (Đnl 2:30); nhưng Thiên Chúa luôn luôn lưu tâm, vì Ngài là “Thiên Chúa ban sinh khí cho mọi xác phàm” (Ds 16:22; 27:16). Thiên Chúa chính là “chủ nhân” của thần khí; Người dùng thần khí để liên hệ với thế giới và với con người; đó là lý do vì sao thần khí lại biểu lộ cho thấy sự hiện diện của Thiên Chúa cùng các hoạt động của Người trong công cuộc sáng tạo.
Những con người của thần khí
Trong lịch sử của Ítraen, có hai loại người mang tầm quan trọng quyết định đối với vận mệnh của toàn dân: những con người của lời nói (tức, các ngôn sứ) và những con người của hành động (tức, các thẩm phán và các vua). Cả hai loại người này đều được ruah hướng dẫn.
a. Các ngôn sứ.—Thời xưa, các “ngôn sứ” ở Ítraen mang diện mạo của những “kẻ nhiệt thành” hay những thị kiến nhân. Những hiện tượng kỳ lạ xảy ra cho cá nhân hay tập thể, thường bị coi là vô lý và chướng mắt. Trường hợp đáng chú ý nhất được ghi lại trong sách Samuen: “Người ta báo cho vua Saun rằng Đavít đang ở Rama, vua liền sai lính đến bắt ông Đavít; nhưng khi họ thấy đoàn ngôn sứ, do ông Samuen đứng đầu, đang lên cơn xuất thần ngôn sứ, thì cả họ cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ… Biết điều này, Saun lại sai các lính khác đến, và cả những người này cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ. Vua lại sai nhóm lính thứ ba đi, và cả những người này cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ…” Do vậy, Saun liền đích thân đi Rama “và thần khí Thiên Chúa cũng xuống trên vua… cả vua cũng cởi áo ra, cả vua cũng lên cơn xuất thần ngôn sứ trước mặt ông Samuen; rồi cứ ở trần như vậy, vua ngã vật xuống, nằm suốt ngày suốt đêm hôm ấy…” (1Sm 19:19-24). Một trường hợp tương tự cũng được thuật lại trong Ds 11:26-29: khi Enđát và Mêđát được lãnh nhận một phần thần khí đậu trên ông Môisê, thì họ cũng được đi vào tình trạng xuất thần trong trại; ông Giôsuê muốn ngăn cản họ nên đã cất lời hỏi Môisê, nhưng ông Môisê đáp rằng: “Phải chi Đức Chúa ban Thần Khí trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!” Bởi đó, “thần khí thánh” chính là một món quà được ban cho hay cất đi cách nhưng không, chẳng ai tiên lượng được, cũng chẳng thuộc sở hữu của riêng ai. Lúc Môisê chia sẻ thần khí đang đậu trên ông cho 70 kỳ mục, thì “họ cũng bắt đầu xuất thần ngôn sứ, song việc đó không tái diễn nữa” (Ds 11:25). Tình trạng “ngôn sứ” kiểu ấy chẳng thấy có liên hệ gì đến một “lời” nào; nghĩa là, không hề thấy các ngôn sứ ấy truyền đạt lại một sứ điệp nào của Thiên Chúa; xem ra, đó chỉ thuần là những hiện tượng cho thấy Thiên Chúa hiện diện bằng những cách thức lạ lùng mà thôi. Trở thành “con người của thần khí” theo cách ấy xem ra chẳng mang lại một ý nghĩa hay ho nào; chính vì thế, trong 2V 9:11, một môn đồ của Êlisa đã bị gọi là “tên khùng”.
Điều đó giải thích vì sao các ngôn sứ lớn thuộc các thế kỷ 8–7 TCN (Hôsê, Amốt, Isaia, Mikha, Xôphônia, Nakhum, Khabacúc, Giêrêmia) lại tránh không để người ta gọi mình là “ngôn sứ”. Tất cả các ngôn sứ này đều có liên hệ với ruah. Dù vậy, dần dà về sau, một mối liên hệ đã được thiết lập giữa thần khí và lời: lúc vả vào mặt Mikhagiơhu trước mặt vua Akháp, ngôn sứ Xítkigiahu đã bảo rằng: “Thần khí của Đức Chúa từ nơi ta đã qua ngả nào mà nói với mi?” (1V 22:24); mối liên hệ [giữa thần khí và lời] ấy đã có nguồn gốc nơi các truyền thống xa xưa, như đọc thấy trong trường hợp của Bilơam: “Thần khí Thiên Chúa ở trên ông, ông liền cất tiếng đọc bài thơ…” (Ds 24:2-3). Các ngôn sứ lớn không cho thấy có một tình trạng xuất thần nào nơi các ngài, song chỉ chân thực công bố lời của Thiên Chúa bằng thái độ hùng hồn mà thôi. Suốt trong cuộc lưu đày (thế kỷ 6 TCN), các “nabis” (tiên tri, ngôn sứ), các chiêm nhân, thị kiến nhân kiểu đời xưa cùng những đồng hội của họ, từng thấy xuất hiện trong các hiện tượng lạ thường (xuất thần ngôn sứ) trước đây, đã dần dà biến mất. Từ đó về sau, thần khí của Đức Chúa xuất hiện như là nguồn uy thế cho những lời phát biểu, những sứ ngôn, tức Lời của Thiên Chúa.
Êdêkien đã diễn tả điều này hết sức rõ ràng: “Thần khí Đức Chúa ập xuống trên tôi; Người phán với tôi: ‘Ngươi hãy nói: Đức Chúa phán thế này…” (Ed 11:5; x. 2:2; 3:12; 14:24). Ơn gọi làm ngôn sứ của ông khởi phát từ nơi thần khí, từ một thần khí mà ông thấy rằng mình không thể chống cưỡng lại được, và có cảm tưởng như thể bị tóm lấy vậy; nên chi, ông mới gọi đó là “bàn tay của Đức Chúa” (1:3). Vào giữa cuộc lưu đày ở Babylon, Isaia đệ nhị đã chẳng thấy e ngại để công bố rằng: “Và giờ đây, Đức Chúa là Chúa Thượng sai tôi cùng với thần khí của Người” (Is 48:16), và coi mình là “tiếng nói”, có bổn phận “hô” lên mà “công bố” rằng “lời của Thiên Chúa chúng ta đời đời bền vững” (40:3.6.8). Hồi hương rồi, Isaia đệ tam công bố rằng: “Thần khí của Đức Chúa ngự trên tôi, vì Người đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa…” (Is 61:1-2). Văn đoạn này, mà về sau thánh Luca sẽ dùng lại để cắt nghĩa sứ vụ của Đức Giêsu, đã cho thấy một liên hệ được thiết lập giữa thần khí, việc xức dầu và sứ vụ loan báo Tin mừng; văn đoạn ấy hàm dung một ý nghĩa dồi dào, ích dụng cả cho nền thần học ngày nay nữa. Từ nhãn quan ấy, nhìn lại lịch sử của Ítraen, các ngôn sứ về sau sẽ cắt nghĩa thái độ bất trung của dân như là thái độ cứng lòng, từ chối “nghe lời dạy bảo mà Đức Chúa các đạo binh đã gửi đến nhờ thần khí của Người, qua trung gian các ngôn sứ thời xưa” (Dcr 7:12; x. Nkm 9:30). Mối liên đới chặt chẽ giữa thần khí và các ngôn sứ đã tất yếu thấm nhuần trong tâm thức của người Do thái đến độ các rabbi về sau đã có thể phát biểu rằng: “lúc các ngôn sứ sau hết (Khácgai, Dacaria và Malakhi) qua đời, thì Thánh Thần cũng không còn có mặt ở Ítraen.”[4]
b. Các nhà lãnh đạo.—Thần khí soi sáng hết mọi hoạt động, cách riêng là các vị lãnh đạo được chọn để hướng dẫn dân tộc trên bước đường lữ hành giữa dòng lịch sử. Dù vậy, có điều lạ là hiếm khi thấyruahbắt liên lạc với Môisê, một vị lãnh đạo, một ngôn sứ, và là nhà làm luật xuất chúng đến như thế; chỉ trong Ds 11:16.19 mới thấy thần khí của Yahweh ngự xuống trên ông thôi, và thần khí ấy dư tràn tới mức lan sang 70 kỳ mục khác. Thần khí ấy đã được ban xuống để “vác gánh nặng của dân” (11:17); bởi đó, những ai được gọi vào tác vụ này đều được ban cho thần khí ấy. Và điều này được thể hiện trước hết nơi người kế vị ông Môisê là Giôsuê, “một con người có thần khí ở cùng”, là người có thiên tư lãnh đạo: “Giôsuê, con ông Nun, đã được đầy thần khí khôn ngoan, vì ông Môisê đã đặt tay trên ông” (Đnl 34:9); văn đoạn này kết nối thần khí với một nghi thức, hàm dung ý nghĩa tôn giáo.
Đối với trường hợp của các thủ lãnh, thần khí ngự xuống những lúc các ông cần hành động; có thể đọc thấy điều này trong trường hợp của Ótniên (Tl 3:10), Ghítôn (6:34), Gíptác (11:29), Samsôn (13:25; v.v.). Trường hợp của vua Saun cũng tương tự như thế (1Sm 11:6). Thần khí ban cho sức mạnh, lòng can đảm, khả năng để chu toàn sứ vụ; chẳng ai, kể cả bản thân các người lãnh đạo ấy, có thể kháng cự lại được thần khí. Dù vậy, sức năng động “siêu nhiên” ấy, thường thấy đi kèm với những hiện tượng lạ thường, lại mang tính cách tạm thời và không thể tiên lượng, thường biến mất một khi sứ vụ đã hoàn tất.
Đavít là một trường hợp đặc biệt, nếu không nói là độc nhất vô nhị. Sau khi Samuen xức dầu cho Đavít, thì “từ ngày đó trở đi, thần khí Đức Chúa nhập vào Đavít…” (1Sm 16:11), làm như thể ở luôn nơi Đavít. Trong trường hợp các vị vua khác, thấy có xức dầu nhưng lại không thấy có thần khí đâu cả. Dù vậy, Xítkigiahu – vị vua mà 2V 24:19 gọi là “đã làm điều dữ trái mắt Đức Chúa” – lại được Ac 4:20 gọi là “đấng được Đức Chúa xức dầu, và từng là lẽ sống của chúng tôi” (tức, sinh khí của chúng tôi).[5] Lối diễn đạt ấy dựa theo quan niệm của Đông phương cho rằng vua là Thiên tử, được quyền năng của trời nhập thể vào để che chở và bảo vệ cho sự sống còn của một quốc gia. Song ở đây, vua là “người được Đức Chúa xức dầu”, nên mọi quyền lực ông ta có được là của Thiên Chúa, còn ông ta chỉ là khí cụ của Người mà thôi.
Cũng bởi hiếm khi thấy một liên hệ nào giữa thần khí và việc xức dầu, nên không thể nói đến việc định chế hóa thần khí trong các cấu trúc chính trị hay tôn giáo của Ítraen. Việc xức dầu phong vương hay phong tư tế chẳng hề bảo đảm là sẽ nhận được thần khí. Trên thực tế, trong Cựu Ước, thần khí chưa bao giờ được nối kết với chức tư tế. Cũng đáng lưu ý thêm rằng, không bao giờ thấy từ ngữ “thần khí” xuất hiện trong các bản văn luật của Ngũ kinh, dù chúng là “Lời của Thiên Chúa,” diễn tả hùng hồn nhất ý Thiên Chúa đối với dân Người. Thiên Chúa đã không muốn bị gò bó vào trong lề luật hay những cấu trúc tôn giáo khác mà chính Người đã ban cho dân Người; như thế, Người cho thấy rằng thần khí của Người đang và sẽ vượt lên trên mọi thực tại ấy, tức là không hề bị trói buộc vào bất cứ thứ gì, song đang hoạt động và mời gọi các thực tại ấy mở lòng ra với những điều mới mẻ, đúng theo tư thế là những thực tại sinh động. Khoảng cách giữa Lề luật và thần khí sẽ trở nên rõ ràng hơn trong Tân Ước, đặc biệt là nơi thánh Phaolô.
Thần Khí và công cuộc sáng tạo
Trong St 1:2, truyền thống đã nhìn thấy vai trò của Thần Khí Sáng tạo: “Ðất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Thần Khí Thiên Chúa (ruah Elohim) bay lượn trên mặt nước.” Văn đoạn này có tính chất nước đôi, bởi ruah Elohim có thể được dịch thành “Thần Khí Thiên Chúa”, hoặc “hơi thở Đấng Quyền năng” (x. Kn 5:23). Và dù trong trường hợp nào, thì cũng không bao giờ thấy từ “thần khí” (ruah) đứng phía sau, dù chỉ có lời là mang tác năng thần linh khiến cho mọi tạo vật xuất hiện. Dẫu vậy, rõ ràng là lời (dabar) và khí (ruah) song hành với nhau; nên chi, trong Thánh vịnh, mối song hành ấy đã được chỉ rõ thế này: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời; một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33:6). Tác năng ấy của thần khí lộ hiện nơi muôn loài thọ sinh: “Lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30). Ý niệm tương tự đó cũng được lặp lại trong G 34:14-15. Trong thi cách của người Do thái, các vế song đối nhau thường cho thấy nét tương đương giữa lời và thần khí; dù thế, lời bao giờ cũng đóng vai trò chính yếu. Chỉ trong khi duy trì sự sống của các sinh hữu thể, thì vai trò hành tác của một mình thần khí mới thấy xuất hiện rõ; tuy nhiên, ở đây, thần khí chỉ là một món quà mà Thiên Chúa ban tặng, chứ không hề là một tác nhân. Chung quy lại, mọi sự sống đều khởi phát từ nơi Thiên Chúa. “Thần khí” thì lưu lại nơi các vật thụ tạo, trong lúc lời thì lưu lại nơi Thiên Chúa; bởi đó, “thần khí” là mối dây nối kết công cuộc tạo dựng với Thiên Chúa, là sức năng động của Đấng Hóa công đang duy trì sự tồn tại của mọi loài: “bởi sinh khí bất diệt của Ngài ở trong muôn loài muôn vật” (Kn 12:1).
Thần khí ấy hiện diện nơi con người trong tư cách là nguồn sinh lực (vital dynamism); tuy nhiên lại rất hiếm khi được coi như là tác nhân về mặt luân lý hay đạo đức. Như đã thấy, thần khí ban cho con người khả năng để chu toàn một sứ vụ nào đó, song lại không hề thấy nói rằng thần khí ấy thúc đẩy con người hướng về đàng thánh thiện. Chỉ có lời cầu nguyện trong Tv 51:12-13 mới biểu trình cho thấy có điều gì đó sâu thẳm hơn: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.” Ở đây, Cựu Ước đã đạt tới đỉnh điểm: Thần Khí Thiên Chúa biến đổi tâm lòng, tức can thiệp vào nơi mấu chốt của nhân cách và của mọi điều lành hay dữ trong con người, giúp con người có khả năng vươn tới sự thánh thiện. Tình trạng bất dung thân giữa Thần Khí và tội lỗi xuất hiện rõ ràng hơn trong sách Khôn ngoan; trong đó, “khôn ngoan” và “thần khí” được coi là đồng nghĩa. “Tâm hồn gian ác, Đức Khôn Ngoan chẳng ngự vào; xác thịt đắm chìm trong tội lỗi, Đức Khôn Ngoan không cư ngụ… Thần khí thánh luôn tránh thói lọc lừa…” (Kn 1:4.5). Bởi đó, Thần khí xuất phát từ Thiên Chúa và thuộc về Thiên Chúa.
Lời hứa ban Thần Khí
Kinh Thánh hiểu lịch sử theo một tiêu đích rõ, với một thời gian “nhất định”, tức thời gian trong đó Thiên Chúa sẽ làm cho mọi lời Người hứa và mọi kế hoạch Người ấn định nên trọn. Vào “thời sau hết” ấy, Thần Khí sẽ đóng một vai trọng yếu. Và cách riêng, những kẻ thụ hưởng ân huệ sẽ là Đấng Thiên sai (Messiah) và toàn thể dân tộc.
a. Thần Khí và Đấng Thiên sai.—Sau bao nhiêu thất bại chồng chất trong lịch sử nước nhà, Ítraen đã dồn trọn niềm trông chờ vào Đấng Mêsia. Mối liên hệ giữa Thần Khí và Đấng Thiên sai chỉ thấy xuất hiện trong Isaia, nhưng lại được trình tả một cách long trọng: nói về một “mầm non từ gốc tổ Giêsê” – thuộc dòng dõi Đavít – tiên tri đã viết thế này: “Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11:2); rồi, phối hợp lời và Thần Khí lại với nhau, Isaia viết tiếp: “Lời Người nói là cây roi đánh vào xứ sở, hơi miệng thở ra giết chết kẻ gian tà” (c.4). Nơi Đavít, Thần Khí đã cư ngụ thế nào, thì nơi Đấng thuộc dòng dõi của ông, Thần Khí cũng sẽ đến cư ngụ, nghỉ ngơi, và sẽ phú ban cho những phẩm tính ưu hạng của bậc trị vì như thế: khôn ngoan, minh mẫn, sức mạnh để vun trồng đức công chính và niềm an bình. Khi đó, nhân loại sẽ lại được trở về với tình trạng thiên đường, trong mối hòa hợp trọn vẹn và phổ quát.
Về sau, vị cứu tinh này sẽ xuất hiện dưới dung mạo người Tôi trung của Giavê (Servant of Yahweh), cũng tràn đầy Thần Khí: “Tôi trung của Ta… Ta cho Thần Khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42:1). Người Tôi trung này cũng sẽ là một ngôn sứ, và phải gánh chịu nhiều đau khổ: “Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ làm cho muôn dân nên người công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (53:11). Sau cuộc lưu đày, ngôn sứ Isaia lại công bố một lần nữa: “Thần Khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa…” (61:1-2). Lại thêm một lần nữa, Thần Khí được kết nối với việc xức dầu (có tính cách ẩn dụ) và với lời, một thứ lời có khả năng chữa lành, an ủi và đem lại niềm vui. Lời hứa ấy sẽ được hiện thực hóa nơi Đức Giêsu.
b. Thần Khí và dân Ítraen.—Isaia đã hứa rằng “vào ngày đó, Đức Chúa các đạo binh sẽ là… một Thần Khí công minh ngự trên ngai xét xử” vì lợi ích của dân. Song phải đợi đến các ngôn sứ từ thời lưu đày trở về sau, chủ đề này mới được khai triển. Giêrêmia loan báo một giao ước mới “được ghi vào lòng dạ” (Gr 31:31-34), và Êdêkien đã cắt nghĩa: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các ngươi… Ta sẽ đặt vào lòng các người Thần Khí của Ta, và Ta sẽ làm cho các ngươi đi theo thánh chỉ…” (Ed 36:26.27).Ruah đã được trình tả như là nguyên lý của một cuộc đổi mới tận căn, làm cho con người có khả năng sống thánh ý Thiên Chúa. Đó sẽ là món quà xuất phát từ lòng nhân từ của Thiên Chúa. Thần Khí sẽ “dựng” những kẻ chết dậy, tựa như đang thực hiện một công cuộc sáng tạo mới, cả về mặt thể lý lẫn về mặt tôn giáo. Isaia đệ nhị lặp lại lời hứa ấy rằng: “Trên dòng dõi ngươi, Ta sẽ đổ thần khí; trên con cháu ngươi, Ta ban muôn phúc lành…” (Is 43:3). Tuy nhiên, chính Giôen mới là ngôn sứ hùng hồn công bố về món quà ấy: “Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm. Con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ, người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến. Trong những ngày đó, Ta cũng sẽ đổ Thần Khí Ta trên tôi nam tớ nữ” (Ge 3:1-2). Bởi vậy, không một ai trong dân sống vào thời cánh chung, sẽ bị loại trừ ra mà không nhận được món quà đã hứa ban cho như thế. Đó chính là những gì thánh Phêrô đã kinh nghiệm qua và đã mạnh mẽ công bố trong ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2:16tt)
Thần Khí ấy là một ngôi vị thần linh?
Lẽ tất, trong Cựu Ước, chúng ta không thể tìm thấy một mạc khải minh nhiên nào về Ba Ngôi. Dù vậy, hạt giống mạc khải kia hằng tiềm tàng nơi đấy. Điều mà các bản văn cổ xưa nhất gọi là “Thần Khí Đức Chúa” (Spirit of Yahweh), “Thần Khí Thiên Chúa” (Spirit of Elohim), thì các tác giả về sau – có lẽ vì muốn tránh kêu tên Thiên Chúa – đã gọi là “Thần Khí Thánh” (Holy Spirit); bởi Thiên Chúa là “thánh” tự bản chất (x. Đn 4:5.15): lời Thiên Chúa là thánh (x. Gr 23:9), cánh tay Thiên Chúa là thánh (x. Is 52:10), danh Thiên Chúa là thánh (x. Am 2:7); cho nên, Thần Khí Thánh có nghĩa là Thần Khí Thiên Chúa.
Dù thế, Cựu Ước đã không quan niệm Thần Khí ấy như là một ngôi vị – theo nghĩa kinh viện chỉ về một cá nhân có bản thể trí tính cũng không, mà theo ý niệm Sêmít hiểu về một hữu thể tự trị có khả năng hoạt động độc lập đối với những hữu thể khác cũng không. Thần Khí chính là sức năng động của Thiên Chúa trong cuộc sáng tạo, là phương tiện Thiên Chúa dùng để hoạt động nơi con người, chẳng hạn như: lời Người, cánh tay Người, v.v. Cũng giống như hơi thở và lời nói phát ra từ mũi miệng thế nào, thì Thần Khí cũng từ nơi Thiên Chúa mà đến theo cung cách như vậy; và theo lối biểu đạt Do thái, thì Thần Khí ấy được sai đi (x. Is 48:16), được đặt vào (x. Is 63:11), được đổ xuống (x. Is 32:15), v.v. Thần khí ấy lưu lại trên Ítraen nhằm chở che (x. Kg 2:5), dẫn dắt (x. Tv 143:10) và dạy dỗ qua trung gian các ngôn sứ (x. Dcr 7:12). Trong một vài trường hợp, Thần Khí được nhân cách hóa, được gán cho những tình cảm (“họ đã làm phiền Thần Khí Thánh”: Is 63:10), hoặc các hoạt động trí tuệ (“Thần Khí của Đức Chúa thấu hiểu hết mọi lời mọi tiếng”: Kn 1:7); dù vậy, những lối biểu đạt ấy chỉ đơn thuần là những hình thái tu từ, biểu thị chỗ đứng của những cảm xúc hay trí hiểu. Chưa bao giờ trong Do Thái giáo, Thần Khí Thiên Chúa đã được hiểu như là một ngôi vị. Tuy thế, thực thể năng động ấy – tức, Thần Khí – rồi đây sẽ “trưởng thành” trong Tân Ước; và mạc khải về thực tại trọn vẹn của Thiên Chúa sẽ đạt đến mức viên mãn của nó.[6] Mạc khải và ơn cứu độ diễn tiến trong lịch sử tựa như một thực thể hữu cơ sống động: mỗi một giai đoạn đều có những kairos của nó, tức tiến hành theo những thời kỳ thích hợp. Như thánh Grêgôriô Nadiaden đã viết:
“Cựu Ước đã công bố hết sức rõ về Cha, nhưng lại tỏ ra mù mờ về Con. Tân Ước mạc khải về Con, nhưng lại chỉ thấp thoáng cho thấy về thiên tính của Thần Khí. Giờ đây, Thần Khí đã lên tiếng đòi cho được quyền công dân ở giữa chúng ta, và còn ban cho chúng ta một cái nhìn hết sức sáng tỏ về chính Người. Quả là thiếu khôn ngoan nếu chưa tuyên bố về thần tính của Cha mà đã trực chỉ đi đến chỗ tuyên xưng về Con, và nếu chưa nhìn nhận thần tính của Con, mà đã bàn về Thánh Thần như một phần gán thêm… và để dùng một lối nói hơi khô khan… thuần túy chỉ như là một cách thức đẩy mạnh và triển khai – từ mức độ vinh quang này đến mức độ vinh quang khác – ánh sáng của Ba Ngôi Thiên Chúa đang chiếu tỏa một cách hết sức rạng ngời”[7]
B. Tân Ước
Từ vựng
Từ vựng của Tân Ước xoay quanh thuật ngữ pneuma trong tiếng Hy lạp, một từ ngữ trung tính; pneuma xuất hiện 379 lần, với ý nghĩa cũng tương tự như ruah trong tiếng Do thái, tức chỉ về gió, hơi thở, thần khí.[8] Còn từ ngữ Thánh Thần (hagion pneuma) xuất hiện 101 lần, và ở đây, nó mang một ý nghĩa đích thực thần học. Tính chất phong phú của từ ngữ này hiện rõ qua việc nó được sử dụng trong Do thái giáo thời đó – tại Qumrân, chẳng hạn – và cách riêng, trong kinh nghiệm của Giáo hội, mà đức tin đã được phản ánh qua các bản viết của Tân Ước. Từ “Thần Khí” xuất hiện khoảng 120 lần trong Tân Ước. Và chỉ nguyên từ “Thần Khí” không thôi cũng đủ mang một ý nghĩa thần học rõ ràng rồi. Thuật ngữ “Thần Khí Thiên Chúa” xuất hiện lối 30 lần và “Thần Khí của Cha” (Mt 10:20) chỉ một lần. “Thần Khí của Đức Chúa” xuất hiện 14 lần trong Cựu Ước, song lại chỉ xuất hiện có 4 lần trong Tân Ước mà thôi, và chẳng hề thấy mang một ý nghĩa Kitô học hay thần học nào hết. Thánh Phaolô nói về “Thần Khí của Con” (Gl 4:6), về “Thần Khí của Đức Kitô” (Pl 1:19), và dùng những diễn tả tương tự mà chúng ta có thể đọc thấy trong Cv 16:7 và trong 1Pr 1:11. Cuối cùng, có những cách diễn tả mang ý nghĩa mơ hồ, chẳng hạn như “Thần Khí sự thật” (Ga 14:17), “Thần Khí sự sống” (Rm 8:2), “tinh thần nô lệ… Thần Khí làm cho nên nghĩa tử” (Rm 8:15), “Thần Khí đức tin” (2Cr 4:13), “Thần Khí linh hứng cho ngôn sứ” (Kh 19:10), và “thần khí khôn ngoan và mạc khải” (Ep 1:17). Không rõ đó có phải hay không là một dạng thuộc cách diễn nghĩa (những khi từ “thần khí” chẳng mang được một ý nghĩa đặc biệt nào), hoặc là một dạng thuộc cách thực sự mang một ý nghĩa chuyên biệt nào đó.
Hoạt động của Thần Khí được trình tả bằng nhiều động từ, chẳng hạn như là Thần Khí “đáp xuống” (Mt 3:16), “đến” (Ga 15:26), “đổ đầy” (Lc 1:15), “ngự trên” (1Pr 4: 14), “nhập vào” (Kh 11:11), “nói” (Mt 10:20), “kêu lên” (Gl 4:6), “hăng hái” (Mt 26:41), “làm cho sống” (Ga 6:63), “làm chứng” (Cv 5:32), “ngăn cản” (Cv 16: 6tt), “ngự trong” (Rm 8:9.11), “giúp đỡ, cầu thay nguyện giúp” (Rm 8:26), “công chính hóa” (1Cr 6:11), “được thắp sáng” (1Tx 5:19), “sinh hoa quả” (Gl 5:22), “đổi mới” (Rm 7:6)… Lối biểu đạt phong phú ấy cho thấy rằng “Thần Khí” không hề là một thực tại đơn nghĩa; ý nghĩa chính xác thì không dễ dàng gì để xác định, và các học giả có thể nghĩ là thường thì nó biểu thị một sự vật, song đôi lúc nó lại hàm chỉ một cá hữu thể.
Pneuma với ý nghĩa chỉ “gió” thì hiếm khi thấy dùng: chỉ trong Ga 3:8 và Dt 1:7; khi muốn chỉ về “gió” thì Tân Ước dùng chữ anemos (x. chẳng hạn, Mc 4:37; Ga 6:18; v.v.). Còn với ý nghĩa chỉ về “hơi thở”, thì từ pneuma chỉ được dùng trong câu nói về cái chết của Đức Giêsu (Mc 27:50; Lc 23:46). Cách chung hơn, từ ngữ này mang ý nghĩa chỉ về “tính chất bên trong của con người”, về khuynh hướng tinh thần hay trí tuệ, hoặc chủ quan tính, như đọc thấy trong Mt 5:3 (“tinh thần khó nghèo”), Cv 17:16 (“lòng trí Phaolô những uất lên”), v.v. Mơ hồ hơn nữa là các văn đoạn trong đó từ “thần khí” – mang ý nghĩa chắc chắn chỉ về con người – lại nói lên sự tham dự vào sức năng động của Thiên Chúa; như trong đoạn nói về Gioan Tẩy giả càng lớn lên thì “tinh thần càng thêm vững mạnh” (Lc 1:80), hoặc đoạn nhắc đến sự việc Apôlô rao giảng “với tâm hồn nồng nhiệt” (Cv 18:25), hoặc trong lời cầu chúc: “ân sủng của Chúa Giêsu Kitô ở cùng tâm hồn anh chị em” (Plm 25); v.v.
Cuối cùng, “thần khí” được sử dụng lối 40 lần với ý nghĩa chỉ về các thiên thần, các tà thần hay ác thần, hoặc các thế lực sự dữ (x. Ep 2, 2). Đó là lối nói tiêu biểu của Do thái giáo đương thời.
So với cách hiểu trong Cựu Ước, pneuma cho thấy là đã có một bước tiến lớn, tức mặc lấy được một ý nghĩa thần học vững chắc, hoặc hơn thế nữa, một ý nghĩa thực sự kitô.[9] Thần Khí được nối kết sâu đậm hơn với Đức Kitô và với đời sống thiêng liêng của kitô hữu, cũng như đã trở thành sức năng động siêu việt của Giáo hội. Một ngôi vị? Các học giả có những quan điểm khác nhau. Nhìn chung, trong Tin mừng Nhất lãm, chỉ có Mt 28:19 là nói rõ về một ngôi vị; trong Công vụ tông đồ, chỉ 15:28 được coi là chắc chắn chỉ về một ngôi vị; còn trong các trường hợp khác thì có thể được hiểu như là những lối nhân cách hóa của một năng lực thần thiêng; trong văn bộ Phaolô, cá vị tính của Thần Khí xuất hiện rõ ràng hơn, chẳng hạn như trong Rm 8:15.26; 1Cr 3:16, và tính chất ấy càng hiện rõ trong các công thức Tam vị: 1Cr 12:4-6; 2Cr 13:3; còn thánh Gioan thì trình tả Thần Khí như là “Đấng Bảo trợ khác”, và do đó cũng là một ngôi vị như chính Đức Giêsu (x. Ga 14:16tt; 15:26; 1Ga 2:27, v.v.). Mạc khải về Thánh Thần diễn ra một cách tiệm tiến trong kinh nghiệm của các tông đồ và của giáo hội, cũng như qua nỗ lực mài giũa các ý niệm.[10]
Thần Khí và Đức Giêsu Kitô
Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô, được Chúa Phục Sinh phái gửi đến với Giáo hội như là “lời hứa của Cha” (Lc 24:49), để “hoàn tất” công trình cứu độ. Như chúng ta biết được Cha nhờ Con, thì chúng ta cũng nhận ra được Thần Khí là Đấng nào qua việc nhìn vào những hoạt động của Đấng ấy trong Đức Kitô.[11]
“Thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần”
Chân lý này của kinh Tin kính bắt nguồn từ các trình thuật của Luca và Mátthêu về thời thơ ấu. Trong khung cảnh truyền tin, thánh Luca kể lại lời sứ thần Gabrien nói với Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà… Bởi thế mà con trẻ sắp sinh sẽ được gọi là thánh, là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35). Cùng một cách tương tự, thánh Mátthêu đã ghi lại việc thiên thần báo mộng cho thánh Giuse về căn tính của hài nhi, được thụ thai “nhờ Chúa Thánh Thần”: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1:18-21). Thánh Thần ngự xuống trên Maria, nhưng đích nhắm lại là Đức Giêsu trong tư cách là Con và là Đấng Cứu độ. Tuy nhiên, việc Thánh Thần ngự xuống trên Đức Maria và việc hạ sinh của Đấng Cứu thế đã cho thấy mối kết liên chặt chẽ trong vận mệnh của mẹ và con.
Từ thưở sơ khai, Giáo hội đã muốn cho thấy rằng mối liên hệ giữa Đức Giêsu với Thần Khí Thiên Chúa không chỉ bắt đầu với phép rửa tại sông Giođan, nhưng đã có ngay từ khi Ngài mang thân phận làm người. So sánh Đức Giêsu với Gioan Tẩy Giả, bao giờ Luca cũng nêu bật nét ưu trội của Đức Giêsu (x.1:32.78; 2: 11.26.34. 38. 49); vì thế, Luca viết về Gioan là ngài “đã đầy Thánh Thần ngay từ lúc còn trong bụng mẹ” (Lc 1:15); do đó, có thể thấy được rằng Đức Giêsu còn dư đầy Thánh Thần hơn bội phần! Trong hai chương đầu, Luca đã cho thấy các nhân vật trong trình thuật của ngài đều được Thần Khí tác động để làm chứng cho Đức Giêsu, như: bà Êlisabét (1:1), ông Dacaria (1:67), ông Simêon (2:25-27) và bà Anna (2:36); Thánh Thần đưa Cựu Ước tới chỗ thành tựu, làm cho “phần dân [Ítraen] còn lại” thấy rằng bình minh của Tân Ước đang ló dạng.
Luca cũng nối kết Thánh Thần với “quyền năng của Đấng Tối Cao” và “bóng rợp” của Thiên Chúa (1:35). Quyền năng ấy biểu thị sức năng động của pneuma, luôn được trao ban để hoàn thành sứ vụ cũng như để hoàn tất việc cứu độ; và nơi nào có Thần Khí, thì nơi đó có Thiên Chúa hiện diện.
Thần Khí trong sứ vụ của Đức Giêsu
Theo các truyền thống Tin mừng, kinh nghiệm nền tảng mang tính chất sáng lập, hoặc cũng có thể nói là kinh nghiệm về mối tương quan giữa Đức Giêsu với Thánh Thần, chính là biến cố Ngài chịu phép rửa.[12] Cả bốn Tin mừng đều trình tả biến cố này, dù với những sắc thái khác nhau; thí dụ, thánh Mátthêu gọi là “Thần Khí Thiên Chúa” (3:16), Máccô và Gioan chỉ đơn giản gọi là “Thần Khí” (Mc 1:12; Ga 1:32), còn Luca thì gọi là “Thánh Thần” (3:22). Kinh nghiệm Đức Giêsu trải qua cũng tương tự như kinh nghiệm sống qua của các ngôn sứ hay các vua lúc được xức dầu, tức là lúc được trao phó ơn gọi và năng quyền để thực thi sứ vụ.[13] Đó là biến cố mạc khải về ơn Thánh Tử: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1:11). Những lời đó làm liên tưởng đến lời Tv 2:7 nói về Đấng Thiên sai,[14] và đến lời tiên tri Is 42:1 về người Tôi trung của Đức Chúa, mà Mátthêu 12:18 nhắc lại rất rõ ràng. Văn đoạn cũng ám chỉ đến St 22:2, về việc Isaác được gọi là “đứa con một yêu dấu của ngươi.” Tài năng thiên phú của Đức Giêsu do Thánh Thần ban tặng dồi dào đến độ đã được biểu hiện cả về mặt thể lý dưới hình một con chim bồ câu;[15] ý nghĩa biểu trưng này đã được bàn cãi với nhiều quan điểm khác nhau. Có lời bình giải từ phía Do thái giáo về St 1:2 đã gợi lên hình ảnh liên tưởng như sau: “Và Thần Khí của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước như một con chim bồ câu đang bay liệng trên đàn con của nó mà không động chạm chi đến chúng.”[16] Trong nghi thức phụng vụ rửa tội đêm canh thức Vượt qua, Chúa Thánh Thần được kết liên với nước nguyên thủy và với nước của trận đại hồng thủy, lúc Nôe thả chim bồ câu bay lượn trên đó; ngoài ra, bồ câu là thứ chim duy nhất có thể dùng như của lễ hiến tế trong Đền thờ, và nó được coi là biểu tượng cho tính đơn sơ (x. Mt 10:16). Thánh Tôma Aquinô bình luận cho rằng trong biến cố phép rửa, chúng ta nhận được mạc khải về mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa: Cha xuất hiện trong lời nói, Con ở trong Đức Giêsu, và Thánh Thần ở trong hình chim bồ câu.[17]
Từ lúc đó trở đi, Đức Giêsu xuất hiện như một con người của Thần Khí; thánh Gioan đã nói rõ rằng “Thần Khí hằng ngự trên Ngài” (1:32) và Luca miêu tả Ngài là “tràn đầy Thánh Thần” (4:1), để được dẫn đạo trong khi thực thi sứ vụ của mình. Đầu tiên, Thần Khí đưa Ngài vào hoang địa để chịu cám dỗ (Mt 4:1tt) và, tiếp đó, “được quyền năng Thần Khí thúc đẩy,” Ngài trở về Galilê (Lc 4:14). Ở đó, Ngài tuyên bố là lời ngôn sứ của Isaia đã ứng nghiệm nơi Ngài: “Thần Khí Chúa ngự xuống trên tôi…” (Lc 4,16-20). Với Thần Khí ấy, Ngài trừ quỷ (Mt 12:28; Lc 11:20) và chính trong Thần Khí ấy, Ngài kinh nghiệm được niềm hân hoan sâu thẳm nhất, chiêm ngưỡng những điều bí ẩn lạ lùng của Cha Ngài (x. Lc 10:21-22). Toàn bộ sứ vụ, toàn bộ kinh nghiệm tôn giáo cá nhân của mình, Ngài đều nằm dưới sự hướng dẫn của Thần Khí. Do vậy, Chúa Thánh Thần chính là dây kết liên giữa Đức Giêsu và con người.
Nhìn kỹ vào những lời giáo huấn của Đức Giêsu về Thần Khí, thì sẽ nhận ra một khác biệt rõ giữa Tin mừng Nhất lãm và Tin mừng của Gioan. Trong Tin mừng Nhất lãm, hiếm khi nào Đức Giêsu nhắc đến Thánh Thần. Đầu hết, có một văn đoạn khó hiểu về lời phạm thánh chống lại Thánh Thần (Mt 12: 31-32; Mc 3:28-29; Lc 12:10): mọi tội lỗi phạm đến Con Người, tức Đức Giêsu, thì có thể được tha, “nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần – như Máccô lưu ý – thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” Một số nhà chú giải đã cắt nghĩa lời này coi như một ngoa dụ, để thu hút sự chú ý về mức độ kinh khủng của tội ấy; đa số các nhà chú giải khác thì cố tìm cho ra ý nghĩa: vì ơn cứu độ được ban cho con người qua Đức Giêsu, nên việc chối từ không nhìn nhận Ngài trong hoạt động của Thánh Thần chính là việc đóng kín mình trước nguồn ân sủng, nguồn ơn thứ tha. Có thể nhớ lại một trường hợp tương tự trong thái độ chối từ của Pharaô, không chịu nhận ra “ngón tay của Thiên Chúa” trong các phép lạ của Môisê (Xh 8:15), hoặc là trong sự việc dân tộc Ítraen chối từ, không chịu hiểu những việc Thiên Chúa đã làm giữa họ; Isaia nói rằng: “Nhưng chính họ đã nổi loạn, đã làm phiền Thần Khí Thánh của Người, nên đối với họ, Người trở nên kẻ thù, và đích thân giao chiến chống lại họ” (Is 63:10). Một văn đoạn khác nhắc đến Thần Khí là một đoạn viết trong Lc; nhắc nhở là phải liên lỉ cầu nguyện, Đức Giêsu bảo rằng: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11:13). Văn đoạn này có ý bảo rằng Thánh Thần là món quà tốt nhất Thiên Chúa ban tặng cho những ai kêu cầu. Một văn đoạn thứ ba đề cập đến lời hứa ban Thánh Thần để phù trợ cho các kitô hữu bị bắt bớ, xét xử nơi tòa án của các dân nước; Mt 10:20 đặt nó trong bối cảnh của hoạt động truyền giáo; Mc 13:11 đặt nó trong khung cảnh những ngày phán xét cuối cùng; Lc 12:12 hiểu lời hứa đó như một lời mời gọi can đảm làm chứng. Thần Khí ở đây là sức mạnh thiêng liêng bên trong được ban xuống trong trường hợp con người có thể vì yếu đuối mà không đứng vững được. Cuối cùng, còn có công thức rửa tội ghi lại trong Mt 28:20: ở đây, Chúa Thánh Thần được đặt ngang hàng với Cha và Con: “làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Như trong phép rửa của Đức Giêsu, Ba Ngôi được mạc khải, thì trong phép rửa kitô, các tân tòng cũng được đóng ấn với quyền năng của Thánh Thần.
Tin mừng thứ tư khai triển giáo huấn về Chúa Thánh Thần một cách rộng rãi hơn, dù không chủ trương giới trình một học thuyết hệ thống. Thần Khí là nguyên lý sống còn của đời sống kitô, bởi kitô hữu được sinh lại trong nước và Thần Khí (Ga 3:3-8). Thần Khí cũng là nguyên lý sống còn của đời sống đạo đức; bởi, nếu chúng ta biết tôn thờ Cha “trong Thần Khí và sự thật” (4:23), thì chính là nhờ sự kiện mạc khải mà chúng ta lãnh nhận qua Lời của Thiên Chúa, đã được Thánh Thần làm cho sống động. Trong dịp Lễ Lều, Đức Giêsu đã tự giới thiệu Ngài là nguồn ban Thần Khí: “Ai khát hãy đến với tôi mà uống” (7:37), và tác giả tin mừng đã xác nhận thêm rằng: “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận; thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (7:39). Đức Giêsu được giới trình như là viên đá mà Môisê đã đập vào để nguồn nước từ đó chảy ra (x. Xh 17:6; Ds 20:11), và cũng tương tự, một biến cố khác sẽ xảy ra trên đồi Canvê, mang cả ý nghĩa thật lẫn biểu tượng, là khi người lính lấy đòng mà đâm cạnh sườn Đức Giêsu trúng trái tim, “lập tức máu cùng nước chảy ra” (19:34). Những ám chỉ ấy đã được nhắc đến trong buổi tâm sự sau bữa Tiệc Ly, nói đến một tình huống sau Phục sinh, về việc Thánh Thần sẽ đến như đã hứa. Đức Giêsu gọi Thánh Thần là “Thần Khí sự thật” (14:17; 15:26; 16:13), không nhất thiết bởi vì Người sẽ dạy nhiều chân lý, song bởi vì Người sẽ làm cho các tông đồ – Giáo hội – nhớ lại chân lý là chính Đức Giêsu. Một danh hiệu khác được dành cho Thần Khí là “Đấng Bảo trợ” (14:16.17.26; 15:26; 16:17). “Đấng Bảo Trợ” này là một Đức Giêsu khác, tựa như một Đấng thay thế Ngài để ở với các tông đồ và Giáo hội, bởi vì Đức Giêsu cũng được 1Ga 2:1 gọi là “Đấng Bảo Trợ.” Gioan đã trình cho thấy bản tính của Thánh Thần, thí dụ trong 16:3: sau khi dùng danh từ pneuma – Thần Khí – là một từ trung tính, Gioan đã dùng đại từ ekeinos – Người – chỉ giống đực. Thần Khí được Cha sai đến nhờ danh Đức Giêsu (14:26), bởi Đức Giêsu đã xin Cha Ngài món quà ấy (14: 16); giáo huấn này có thể tóm kết như sau: “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy” (15:26). Cha là nguồn tuyệt đối trong Thiên Chúa, từ đó Con và Thánh Thần phát xuất, trong những cách thế khác nhau, như thần học về sau sẽ cắt nghĩa, song Con và Thánh Thần đều hiệp nhất mật thiết với nhau trong nguồn gốc và trong sứ vụ. Thực tế, Thần Khí được sai đến để làm chứng cho Đức Kitô (15:26tt), và để giúp cho các tông đồ hiểu rõ hơn mạc khải về Đức Kitô (16:12-15); và bằng cách đó, Người sẽ tôn vinh Đấng Phục sinh (16:14). Tác vụ của Chúa Thánh Thần đối với các tông đồ là, trước hết, hiện diện với họ (14:17), và tiếp theo, là giúp họ nhớ lại những lời của Đức Giêsu (14:26), rồi hướng dẫn họ đến sự thật toàn vẹn (16:13). Còn đối với thế gian, Thần Khí sẽ là như một cái gai đâm vào mắt, chống đối lại các giá trị của nó (14:17); Người sẽ lên án những sai lầm và tội lỗi của nó (16:8-11).
Thần Khí và Đấng Phục Sinh
Thánh Gioan nói rằng Thần Khí chưa được ban xuống lúc Đức Giêsu còn tại thế (7:39); bởi đó, Ngài là người nhận lấy Thần Khí, chứ không phải là người trao ban Thần Khí. Ngài là Đấng sẽ làm phép rửa cho các môn đồ “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11); điều này đã thực sự xảy ra trong ngày lễ Ngũ tuần: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống, đó là điều anh em đang thấy, đang nghe” (Cv 2:33).
Trong biến cố Phục sinh, Đức Giêsu Kitô đã trở thành ân bổng đầu tiên của Thánh Thần. Ngài lãnh nhận từ Thánh Thần sự sống mới, và căn tính đích thực của mình: “xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con Thiên Chúa với tất cả quyền năng” (Rm 1:3-4). Ngài giống như được tái sinh, với căn tính rõ ràng là Con Thiên Chúa trong quyền năng. Vai trò của Thánh Thần trong biến cố nhập thể và trong biến cố phục sinh đã được đề cao tuyệt mức. Do vậy, Đức Kitô không có Thần Khí theo cách các ngôn sứ thời xưa, song Ngài chính là Thần Khí, như thánh Phaolô đã xác định (x. 2Cr 3:17); [18] Là Ađam mới, Ngài đã trở thành “Thần Khí ban sự sống” (1Cr 15:45); Ngài là “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5:9). Trong Cựu Ước, chỉ có Thiên Chúa mới là “Đấng ban sự sống” (x. 2V 5:7; Nkm 9:6; Tv 70:20; Gv 7:12); do vậy mới thấy rằng mầu nhiệm Vượt qua chính là dòng nước phân ranh giữa Cựu Ước và Tân Ước. Bây giờ, Đức Kitô và Thần Khí cùng làm nên một nguyên lý cứu độ duy nhất; thánh Phaolô đã có thể nói rằng: “chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể” (1Cr 12:13), hoặc “tất cả anh em đều đã được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô…” (Gl 3:27). Thần Khí của Thiên Chúa cũng là “Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8:9), là “Thần Khí của Đức Giêsu Kitô” (Pl 1:19); như thế mới hiểu được rằng: “Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’” (Gl 4:6). Những lối diễn tả này cũng giống như những cách biểu đạt ngắn gọn sau đây: “Thần Khí của Thiên Chúa là Đấng ngự nơi Con của Người, Đức Giêsu Kitô, và là Đấng hành động trong Người và qua Người.” Biểu đạt như thế là muốn nêu bật cho thấy hành động cứu độ là duy nhất, dù có đến từ Cha, từ Đức Kitô hay từ Thánh Thần, bởi thực sự, cả ba chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Cùng lúc, các tương quan ấy cho thấy rằng Thánh Thần không phải – như trong Cựu Ước – chỉ là “hiện thân” của quyền năng Thiên Chúa, song thực sự là “ngôi vị”, và cả ba đều là những ngôi vị ngang nhau.
Tân Ước không dùng đến thuật ngữ “Ba Ngôi”; thực ra, mạc khải về mầu nhiệm này là một quá trình tiệm tiến. Dường như các bản tuyên tín sơ khai nhất đều mang cấu trúc song vị: Thiên Chúa và Đức Kitô, hoặc Cha và Con (x. Ga 1:1-18; 1Cr 8:6; 15:3-5; v.v.). Trong Rm 1:3-4, Thần Khí được xem như là quyền năng Thiên Chúa hơn là một tác nhân cá vị như trong 1Tm 3:16. Rồi về sau, các công thức Tam Vị đã bắt đầu xuất hiện, như trong câu sau đây của thánh Phaolô: “vì Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và vì tình yêu của Thánh Thần, tôi khuyên nhủ anh em cùng chiến đấu với tôi, bằng cách cầu xin Thiên Chúa cho tôi” (Rm 15:30); hoặc như trong thư Do thái: “Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa…” (9:14); hoặc như trong câu thánh Phêrô chúc mừng các kitô hữu, xác định họ là “những người được Thiên Chúa Cha biết trước và kén chọn, những người được Thần Khí thánh hóa để vâng phục Đức Giêsu Kitô và được máu Người tưới rảy” (1Pr 1:2); ngoài ra, còn nhiều văn đoạn khác nữa cũng mang cấu trúc Tam Vị như thế. Cuối cùng, cấu trúc công thức Tam vị đã chứng thực cho một đức tin trưởng thành về mầu nhiệm Thiên Chúa, khởi đầu với công thức rửa tội đọc thấy ở phần cuối tin mừng Mátthêu: “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (28:20). Phụng vụ Latinh đã lấy câu cuối – cấu trúc theo mẫu Tam Vị – trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô để làm công thức phụng vụ, dùng trong phần mở đầu Thánh lễ: “Nguyện ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em” (2Cr 13:13). Các công thức Tam Vị khác cũng được đọc thấy trong Cv 2:23; Ga 14:26; 15:26; 16:13-15. Sau này, suy tư thần học sẽ làm sáng tỏ ý nghĩa và tầm trọng yếu của các công thức tuyên xưng ấy.
Thánh Thần trong người kitô
“Kitô hữu” phát nguyên từ Đức Kitô; do đó, có thể nói rằng kitô hữu là hình ảnh của Đức Kitô. Thánh Phaolô nói rằng Thần Khí “ngự” (Rm 8:9.11) hoặc “ngụ trong” (2Tm 1:14) mỗi kitô hữu, bởi vì Người được “cử đến” (Gl 4:6; 1Pr 1:12) như một Đấng nào đó. Thư gửi tín hữu Êphêxô thậm chí còn cổ vũ rằng người kitô phải “thấm nhuần Thần Khí” tương tự như lúc họ say sưa vì rượu vậy (5:18), như thể đó là điều gì đó mà người kitô phải có (x. Rm 8:9; 1Cr 7:40). Nhìn từ nhãn giới của Thiên Chúa, Thần Khí được “trao ban” (Rm 5:5; 2Cr 1:22; v.v.), được “đổ tràn” như một chất lỏng (x. Cv 2:17; 1Cr 12:13; v.v.), được “ban xuống” (Gl 3:5) như một quà tặng. Chiều kích song đôi này về thực tại Thần Khí cắt nghĩa cho hiểu về bản chất “nhân học siêu nhiên” – một bản chất mới – của người kitô. Chỉ có dùng ngôn ngữ ẩn dụ mới khả dĩ trình tả được cách hiện hữu mới mẻ này: trong phép rửa, người kitô được “sinh” bởi nước và Thần Khí (Ga 5:5-8), tức là được “tái sinh và đổi mới nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần” (Tt 3:5). Nguồn cội tuyệt đối của khả năng hiện hữu ấy chính là Cha, “bởi vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Và kết quả là lãnh nhận được ơn làm dưỡng tử: “để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: ‘Ápba, Cha ơi!’” (Gl 4:6; Rm 8:15). [Đáng chú ý là ở chỗ Thần Khí kêu lên “Cha ơi!”]
Ý nghĩa của văn đoạn này chỉ đơn giản nói lên rằng Thiên Chúa ban tặng cho ta ơn được làm dưỡng tử, thiết lập một tương quan mới với chúng ta. Chúng ta sẽ không còn là nô lệ hay con trẻ nữa (x. Gl 4:1-3); nhờ đó, chúng ta được hưởng quyền thừa kế; thừa kế điều gì? Có thể hiểu là thừa kế những lời đã hứa với Abraham thưở xưa (x. 3:14), hoặc thừa kế cơ nghiệp tương lai vào thời cánh chung (x. Ep 1:13-14). Mối tử hệ mới này chính là ân huệ của tình yêu Thiên Chúa, và bởi đó, thiết lập một tương quan mật thiết với Thiên Chúa, để rồi chúng ta có thể gọi Người là “Cha”; những gì Đức Giêsu đã làm bởi bản thể (x. Mc 14:36), thì người kitô có thể làm nhờ ơn biến đổi đó. Biến đổi ấy sẽ diễn ra nhờ Thần Khí, vì từ nay, Người là một thành tố trong căn tính của người kitô: người kitô hoặc là “người mang Thần Khí’, hoặc chẳng phải là người kitô gì hết. Thần Khí là món quà nhưng không của Tình Yêu tối thượng, nên người thụ nhận chẳng có lý do gì để khoác lác, huênh hoang được. Thần Khí được “đổ vào lòng,” vào nơi sâu thẳm nhất của con người, biến đổi con người từ tận gốc rễ hiện hữu. Vì thế, thánh Phaolô có thể quả quyết chúng ta là “đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong chúng ta” (1Cr 3:16), hoặc chúng ta là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” (6:19) – tức Thánh Thần là Thiên Chúa – và kết quả của điều đó là tính cách nghịch lý nổi bật trong đời người kitô: “anh em đâu còn thuộc về mình nữa” (6:19); hoặc như Đức Giêsu đã nói: “ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được nó” (Mc 8:35), nghĩa là bằng việc “đánh mất chính mình”, người kitô sẽ trở nên chính mình hơn trong Thiên Chúa.
Thần Khí đưa người đã chịu phép rửa vào trong Ba Ngôi Thiên Chúa, khiến người đó có thể chia sẻ tình yêu hằng luân lưu giữa các Ngôi Vị; đây chính là “ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần”. Ở hoặc hiện hữu trong Thiên Chúa, trong Thần Khí, người kitô phải sống làm sao cho xứng đáng với cương vị của mình: hiện hữu thế nào, thì hành động phải thể ấy, như châm ngôn kinh viện thường nói. Gl 5:25 cũng nhận định: “Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy hướng theo Thần Khí mà tiến bước”; và như thế, cũng ngược đời nốt, bởi bây giờ hành động lại sinh ra hiện hữu: “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn đều là con cái của Thiên Chúa” (Rm 8:14). Thần Khí chính là sức năng động của người kitô, không chỉ ở trong các kinh nghiệm chóp đỉnh của tình trạng cầu nguyện xuất thần, song còn trong cả mỗi một sinh hoạt diễn ra thường ngày. Điều cơ bản người kitô phải làm trước tiên là tin; mà đức tin là một món quà của Thần Khí, như thánh Phaolô đã giải thích rõ: “Vì thế, tôi nói cho anh em biết, chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: ‘Giêsu là đồ khốn kiếp’; cũng không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giêsu là Chúa,’ nếu người ấy không ở trong Thần Khí.” (1Cr 12:3). Tất cả các nhân đức khác phát nguồn từ Thánh Thần và tuôn chảy như những hoa trái của Người (x. Gl 5:22-23). Nhưng “xác thịt thì ước muốn những điều nghịch với Thần Khí” và sẽ sinh ra những hoa quả xác thịt (ibid. 17-21). Do đó, đời sống của người kitô không thể tiến lên mà không gặp những kháng lực, bởi lẽ chúng ta mang bản tính “xác thịt” trong mình. “Xác thịt” không có nghĩa là phần thân xác – đối lại với phần hồn – mà thôi; “xác thịt” ở đây có nghĩa là toàn thể con người – xác-hồn – trong tình trạng yếu đuối, khả tử, nghiêng chiều về sự dữ, lánh xa khỏi Thiên Chúa (x. Rm 8:5-13; Gl 5:16-21). Dù vậy, Thần Khí sẽ ban cho khả năng để sống khác đi, tức sống “theo Thần Khí’: “Luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu đã giải thoát tôi khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8:2). Được tự do như thế là để con người phục vụ lẫn nhau trong đức mến (x. Gl 5:1.13). Để nhắc cho nhớ về thân phận mới này, Thần Khí được gọi là “ấn tín”, nghĩa là lời hứa, là bảo chứng (x. 2Cr 1:22; Ep 1:13). Thực sự, đối với người kitô, tiêu chí chỉ nam cho đời sống luân lý hay đạo đức không phải là luật, song là lòng thành tín cá nhân đối với Thánh Thần đang cư ngụ trong tâm hồn; bởi đó, thánh Phaolô đã viết: “Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em để chờ ngày cứu chuộc” (Ep 4:30).
Thánh Thần và Giáo hội
Thánh Thần ngự đến không chỉ như một món quà tặng riêng cho các cá nhân; song nó còn mang cả chiều kích cộng đoàn nữa, đó là “chiều kích giáo hội”. Cách thức mà thánh Luca trình tả về biến cố Hiện xuống trong sách Công vụ Tông đồ đã cho thấy chiều kích đó. Trong bài giảng đầu tiên của ngài (x. Cv 2:17-21), trưng dẫn lời tiên tri Giôen, thánh Phêrô nói rõ rằng Thần Khí đến “trên hết thảy mọi người phàm.” Người ngự đến như “một cơn gió mạnh ùa vào” (Cv 2:2), Người đến như “lưỡi lửa” tựa như khi Đức Chúa nói với dân Người ở Sinai (x. Đnl 4:36); Người không chỉ đến với dân Ítraen mà thôi, song còn đến với chư dân hoàn vũ nữa, như được biểu tượng hóa qua danh sách các thứ tiếng khác nhau (x. Cv 2:9-11); dù vậy, Người hiện diện cụ thể nơi Nhóm Mười hai và các môn đệ khác (x. Cv 1:13-14). Trong Công vụ Tông đồ, từ pneuma xuất hiện khoảng 60 lần, mang ý nghĩa thần học đa dạng: hoặc chỉ về một Ngôi vị Thiên Chúa, hoặc chỉ về quyền năng Thiên Chúa, hay một tác nhân gìn giữ trật tự tĩnh trong cộng đoàn, hoặc một sức canh tân năng động bên trong, hoặc một món quà nhất thời, hoặc một đặc sủng vĩnh viễn… Như ở bên sông Giođan, Thần Khí đã phái gửi Đức Giêsu đi làm sứ vụ, thì giờ đây, là sức mạnh, Người phái gửi các Tông đồ đi làm “chứng nhân [của Đức Giêsu] tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari, và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8). Thần Khí đã đưa công giáo tính của Giáo hội ra mắt thế giới.
Như Đức Giêsu đã tuyên bố, Thần Khí sẽ làm chứng cho Ngài (x. Ga 15:26), để lời chứng của các Tông đồ và của Thần Khí sẽ chỉ là một; Phêrô đã phát biểu trước Thượng Hội đồng rằng: “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5:32). Cả về mặt nội bộ Giáo hội, Thần Khí cũng sẽ đóng vai chủ động trong tiến trình dẫn tới quyết định, như đã thấy ở trong “công đồng” Giêrusalem: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định…” (Cv 15:28). Chúa Thánh Thần cũng là nguồn khai sinh các thừa tác vụ mới trong Giáo hội, như thấy qua việc bổ nhiệm bảy “phó tế” đầu tiên, “những con người tràn đầy Thần Khí khôn ngoan” (Cv 6:3), và tiếp sinh lực để họ hăng hái tra tay thi hành sứ vụ; như Đức Giêsu đã hứa là Thánh Thần sẽ phù trợ các môn đồ lúc gặp cảnh bắt bớ, khi bị điệu ra trước các tòa án (x. Mt 10:20), thì giờ đây, lời hứa ấy đã nên trọn trong vụ bách hại Stêphanô: “Họ không địch nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thần Khí đã ban cho ông” (Cv 6:10; 7:55). Thánh Thần cũng ngự xuống trên những người mới lãnh nhận phép rửa qua việc đặt tay của các Tông đồ (Cv 8:15-17). Thần Khí đã hướng dẫn ông Philípphê vào một sứ vụ lạ lùng là làm phép rửa cho viên thái giám người Êthiôpi (Cv 8:29.39); Người đã củng cố cho một Phaolô mới trở lại (Cv 9:17), làm sáng tỏ mối phân vân của Phêrô và mở cửa Giáo hội cho dân ngoại (x. Cv 10:17-44); Người đã chọn và sai đi những nhà truyền giáo tiên khởi, Phaolô và Banaba (x. Cv 13:2.4), rồi sau đó, hướng dẫn Phaolô trong các hành trình truyền giáo của ngài (x. Cv 13:9; 16:6-7; 20:23). Thần Khí thực sự là tác nhân chính yếu trong đời sống và trong đà triển phát của Giáo hội.[19]
Thánh Gioan đã cho thấy rằng Thần Khí là nguồn ơn tha thứ mọi tội lỗi trong Giáo hội (x. Ga 20:22-23). Người là sức năng động thần thiêng mang lại hiệu lực cho các bí tích. Với giáo huấn về các đặc sủng, Thánh Phaolô cũng giải thích cho thấy rằng Thần Khí làm cho mọi sinh hoạt trong Giáo hội nên sống động. Trước tiên, Thần Khí được ban tặng cho tất cả: “Tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn cùng một Thần Khí duy nhất” (1Cr 12:13); chẳng còn ranh giới phân biệt giữa mọi chủng tộc, mọi giai tầng xã hội, giới tính, v.v., bởi cộng đoàn kitô đâm rễ từ một gốc duy nhất là Thánh Thần (x. Gl 3:3); và như thế – thư gửi tín hữu Êphêxô nói – là “một Thân mình và một Thần Khí,” chúng ta “hãy thiết tha duy trì mối hiệp nhất mà Thần Khí đem lại bằng cách ăn ở thuận hòa, gắn bó với nhau” (Ep 4:3-4). Chính “ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2Cr 13:13) sẽ nối kết các cộng đoàn giáo hội cũng như các chi thể của mỗi cộng đoàn lại với nhau. Tuy nhiên, tiếp đến, cũng chính Thần Khí sẽ tạo ra những nét đa dạng trong Giáo hội: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí…Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách là vì ích chung… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1Cr 12:4.7.11). Thánh Tông đồ đã liệt kê ra tám loại đặc sủng – cũng có thể có nhiều hơn – và nối kết tất cả lại bằng cách nêu lên sự kiện chúng có chung cùng một gốc trong cùng một Thần Khí duy nhất. Từ điểm này có thể rút ra một vài suy tư như sau:
Trước hết, đa dạng tính của các vai trò và thừa tác vụ là một món quà do ân sủng của Thánh Thần ban tặng; giữa những đặc sủng đa dạng đó, có đặc sủng quản trị (x. 1Cr 12:28). Mọi đặc sủng đều cần phải được trân trọng (x. 1Tx 5:19), song chúng phải được đức mến làm cho sống động, nếu không, chúng sẽ chẳng còn giá trị chi nữa (x. 1Cr 13:1-3). Và điều này quá hiển nhiên đến độ cả những người không tin cũng có thể nhận ra được (x. 1Cr 14:25). Kế đến, nếu Thần Khí phân phát sinh lực của Người cho tất cả mọi người, thì tất cả phải trở nên linh hoạt trong Giáo hội và đừng giữ chặt các đặc sủng ở trong lòng, cho riêng mình; mỗi người phải ý thức về trách nhiệm của mình “tùy theo mức độ ân sủng mà Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Sau hết, không một người nào được phép dựa vào đặc sủng đã lãnh nhận mà phá vỡ mối hiệp thông của thân mình, nhưng phải “xây dựng nó” và góp phần vào sự phát triển của nó (x. 1Cr 14:3.4.5.12.17.26). Thánh Phaolô đã xin cho được một “diakonía pneúmatos”, một thừa tác vụ Thần Khí, bởi thấy rằng có thể ngài có một vai trò trong việc phân phát các đặc sủng. Nhờ Thần Khí, thân thể Giáo hội có được một “linh hồn,” sống động và phong phú, khả dĩ mang ơn cứu độ của Đức Kitô đến cho toàn thể nhân loại.
Chiều kích cánh chung
Thần Khí hướng dẫn Giáo hội giữa dòng lịch sử; biết rằng “quê hương chúng ta ở trên trời” (x. Pl 3:20), Người dẫn dắt chúng ta hướng tới vinh quang tương lai sẽ được mạc khải trong chúng ta (x. Rm 8:18). Thần Khí là mối dây liên kết giữa hiện tại trước mắt và tương lai hứa hẹn. Thánh Phaolô đã dùng đến hai ý niệm để khai triển điều này: ý niệm về “ân huệ mở đầu” và ý niệm về “bảo chứng.”[20] Nói về niềm trông đợi cuộc giải phóng trong tương lai cho tất cả mọi loài thụ tạo, thánh Tông đồ bảo rằng chúng ta đã lãnh nhận “ân huệ mở đầu của Thần Khí” (Rm 8:23); sự hiện diện của Thần Khí là một đảm bảo cho mọi niềm trông đợi của người kitô. Chúng ta đã thấy vai trò của Thánh Thần trong cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu Kitô, thì giờ đây chính Đấng Phục Sinh ấy là ân huệ mở đầu đảm bảo việc chúng ta sẽ được phục sinh trong thân xác (x. 1Cr 15:20.23). Niềm trông đợi vào tương lai chính là niềm trông đợi vào Thiên Chúa, “Đấng đã đóng ấn tín trên chúng ta và đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 1:22). Hễ từ bỏ “ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất” – như thánh Phaolô nhắn nhủ – là chúng ta được yên ủi, bởi vì “chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra”… Hiện giờ, do bởi tình trạng bấp bênh của chúng ta, chúng ta sẽ phải chịu nhiều thống khổ, nhưng niềm trông cậy là vững chắc, vì “Đấng đã chuẩn bị cho chúng ta đạt được mục đích ấy là chính Thiên Chúa, Đấng đã ban Thần Khí cho chúng ta làm bảo chứng” (2Cr 5:1-5).
Bởi đó, Thần Khí chính là nguồn đảm bảo cho tương lai của chúng ta, không chỉ về phương diện thiêng liêng mà thôi, nhưng còn về mặt thể xác nữa; tất cả những lời hứa ấy đều có liên hệ đến thân xác chúng ta. “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:11). Những gì Thần Khí đang thực hiện trong chúng ta lúc này– cả trong linh hồn lẫn trong thể xác – thì Người cũng thực hiện cho mai sau, trong đời sống vĩnh cửu. Nếu bây giờ chúng ta mang “thân xác khí huyết” (bằng xương bằng thịt), thì mai sau chúng ta cũng sẽ có một “thân xác thần thiêng”; ý niệm này có vẻ như tương phản, bởi chẳng thể có từ ngữ hay ý tưởng nào khả dĩ mô tả thực tại mai sau đó. Thánh Phaolô đã ra sức dùng nhiều tính từ khác nhau để biểu đạt: “gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có Thần Khí…” (1Cr 15:42-44). Chúa Thánh Thần đang âm thầm thực hiện tiến trình biến đổi ấy ngay trong đời sống thế trần này, để một mai làm cho nó tỏ hiện huy hoàng trong vinh quang Thiên Chúa.
[1] R. Penna, “Spirito Santo”, trong Nuovo Dizionario di Teologia Biblica, ed. Paoline, 1988, tt. 1498-1518.
[2] Xem L. J. Wood, The Holy Spirit in the Old Testament, Zondervan Pub. House, 1976; M. A. Chevallier, “L’Esprit de Dieu dans les Écritures”, trong La pratique de la Théologie, II, Paris 1982, tt. 435-482.
[3] D. Lys, “Ruah”. Le souffle dans l’Ancien Testament, P.U.F., Paris 1962, tr. 347.
[4] Toseftah, Sota 13.2; Babylonian Talmud, Sanhedrin 11a.
[5] Đây là một danh hiệu dành cho Pharaô của Ai cập, Ramses II, ngụ ý nói rằng vua chính là “lẽ sống” của con dân. Các hoàng đế Lamã cũng được coi như vậy; vì thế, Seneca gọi hoàng đế là spiritus vitalis, tức sinh khí của dân, De clem. 1,4.
[6] Xem thêm Christopher J. H. Wright, Knowing the Holy Spirit Through the Old Testament, Inter Varsity Press, 2006
[7] Orationes Theologicae, 5:26.
[8] Xem C. Brown, “Spirit”, in Colin Brown (ed), Dictionary of New Testament Theology, III, 689-709.
[9] Xem Warrington, Keith, Discovering the Holy Spirit in the New Testament, Peabody: Hendrickson Publ. 2005.
[10] Xem R. Spitz, La révélation progressive de l’Esprit Saint, Paris: éd. du Cèdre, 1976.
[11] Xem Barrett, C. K., The Holy Spirit and the Gospel Tradition. London: SPCK, 1958; Pikaza, X., “El Espíritu Santo y Jesús,” Estudios Trinitarios1982. Vol. XVI, tt. 3-79; Bordoni, M., “El Espíritu Santo y Jesús. Reflexión bíblico – sistemática,” Estudios Trinitarios, 2000. Vol. XXXIV, tt. 3-31; Chevallier, M-A, Souffle de Dieu, Le Saint-Esprit dans le Nouveau Testament, Volume I: Ancien Testament – Hellénisme et Judaïsme – La Tradition synoptique – L’œuvre de Luc, Le Point Théologique, 26, Éditions Beauchesne, Paris, 1978.
[12] Cantalamessa, Raniero, The Holy Spirit in the Life of Jesus: The Mystery of Christ’s Baptism, Collegeville, Minnesota, The Liturgical Press, 1994; Kilian McDonnell, The Baptism of Jesus in the Jordan: The Trinitarian and Cosmic Order of Salvation, Collegeville: Liturgical Press [Michael Glazier], 1996.
[13] Xem L. F. Ladaria, “La unción de Jesús y el don del Espíritu”, Gregorianum 71 (1990) 547-571.
[14] Trong một số dị bản văn đoạn song song bên Lc – cũng như trong bản ngụy thư Gospel of the Ebionites, và trong Dialogue with Trypho 88.8. của thánh Giúxtinô – Tv 2 cũng được minh nhiên trưng dẫn.
[15] Stephen Gero, “The Spirit as a Dove at the Baptism of Jesus”, Novum Testamentum, Vol. 18, Fasc. 1 (Jan. 1976), tt. 17-35.
[16] Xem Talmud bab., Hag. 15a.
[17] Catena aurea in quattuor evangelia, ch. 22. Ở đây, thánh Tôma Aquinô trưng dẫn thánh Âugutinô, De Trinitate: “Đức Kitô chưa được Thánh Thần xức dầu, phải chờ cho tới lúc Thánh Thần xuống trên Ngài dưới hình chim bồ câu, sau khi Ngài đã chịu phép rửa; Thánh Thần đã muốn tiên báo về thân mình của Ngài là Giáo Hội, qua đó, những ai chịu phép rửa thì đều chủ yếu nhận được Thánh Thần.”
[18] Văn đoạn này đang được các học giả bàn bạc, thảo luận: xem Wong, E., “Chúa là Thần Khí” (2Cr 3:17a),” Ephemerides Theologicae Lovanienses, 61 (1985) 48-72.
[19] Xem G. Haya Prats, L’Esprit force de l’Église. Sa nature et son activité d’après les Actes des Apôtres, Paris: Cerf, 1975.
[20] Đừng hiểu “bảo chứng” ở đây như thể là điều gì Thiên Chúa bắt buộc phải hoàn tất. Không hề, chẳng ai bắt buộc được Thiên Chúa phải làm gì cả. Dù vậy, niềm trông cậy của chúng ta là vững chãi, vì “Thiên Chúa tín thành” (1Cr 1:9; 10:13; Dt 10:23; v.v.).