Hợp Tuyển Thần Học

Aloysius Pieris: Lối Nẻo Đối Thoại Và Giải Thoát

Aloysius Pieris: Lối Nẻo Đối Thoại Và Giải Thoát

Abstract
Pieris là một trong những người tiên phong về đối thoại giữa tư tưởng Kitô giáo và tư tưởng Phật giáo. Đối thoại mang tính giải thoát và cứu độ, theo Pieris, không dừng lại ở việc hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận và đón nhận nhau về giáo thuyết, nhưng đối thoại còn gắn liền với một sự dấn thân và hành động thiết thực để biến đổi và thánh hoá đời sống con người. Những ai yêu mến và quan tâm đến đối thoại trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo, đối thoại với người nghèo, và thần học giải phóng tại Á Châu, có thể tìm thấy trong bài viết của Nguyễn Nhất Thắng về Aloysius Pieris: Lối Nẻo Đối Thoại và Giải Thoát một khởi điểm, một hướng đi, và một phương pháp suy tư theo định hướng thần học của Pieris qua những tác phẩm như Love Meets Wisdom, An Asian Theology of Liberation, Fire and Water.
Mục Lục

Aloysius Pieris:
Lối Nẻo Đối Thoại và Giải Thoát

Thắng Nhất Nguyễn, CSsR, S.T.D.
Học Viện Thánh Anphongsô
[email protected]

Aloysius Pieris: Cuộc Đời và Những Trước Tác Quan Trọng[1]

Aloysius Pieris (09/04/1934- ) là một chuyên gia về Phật học, một thần học gia, và tu sĩ linh mục Dòng Tên thuộc tỉnh dòng Sri Lanka.[2] Mặc dầu Pieris sinh ra và lớn lên trong một nền văn hoá đậm nét tôn giáo của đất mẹ Sri Lanka đặc biệt là tư tưởng Phật giáo, đời sống tâm linh của ông lại cắm rễ sâu nơi linh đạo Kitô giáo, cách riêng là truyền thống và đặc sủng của Dòng Tên.3 Pieris gia nhập Dòng Tên với lời tiên khấn vào ngày 23 tháng 12 năm 1953, và chịu chức linh mục 12 năm sau đó, vào ngày 04 tháng 07 năm 1965.

Pieris tiếp tục chương trình cao học tại phân khoa thần học của Giáo Hoàng học viện ở Naples và lấy bằng thạc sĩ thần học thánh (S.T.L.) vào năm 1966. Chương trình học tại Rome đã cho Pieris cơ hội gặp gỡ, lắng nghe, và trao đổi với thần học gia Karl Rahner, người mới trở về từ Công Đồng Vatican II và mang theo những thao thức cùng với tinh thần canh tân và luồng gió Thánh Linh đổi mới. Pieris còn nhớ như in lời nhận định của Rahner về Công Đồng: “Vatican II không phải đã kết thúc, nhưng đó chỉ là một sự khởi đầu. Anh (Pieris) phải chuyển tải những sứ điệp khai phóng này tới cho dân của mình, giải thích cho họ, và giúp họ áp dụng nơi chính bối cảnh đời sống riêng của họ.”[3] Lời này vừa khích lệ vừa gợi hứng cho Pieris tìm hiểu sâu xa hơn khả năng đối thoại giữa các nền văn hoá, tôn giáo, cách riêng là giữa Kitô giáo và Phật giáo. Năm 1971, Pieris là học giả Kitô giáo đầu tiên lấy bằng tiến sĩ Phật học (Ph.D.) tại Đại học Sri Lanka, và sau đó 17 năm ông nhận bằng tiến sĩ thần học (Th.D.) tại Đại học Tilburg.

Pieris cụ thể hoá nỗ lực đối thoại giữa Kitô giáo và Phật giáo bằng việc thiết lập Trung Tâm Nghiên Cứu Tulana tại Sri Lanka với mục đích nghiên cứu học thuật cũng như cổ võ những cuộc gặp gỡ và đối thoại liên tôn.[4] Trong vai trò là một giáo sư, Pieris đã tham gia giảng dạy tại một số hiệp hội thần học và đại học trên thế giới.[5] Bên cạnh hàng trăm bài nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí thần học và đối thoại liên tôn, Pieris đã cho xuất bản 9 tác phẩm: Love Meets Wisdom: A Christian Experience of Buddhism, Orbis Books, Maryknoll (1988), An Asian Theology of Liberation, Orbis Books, Maryknoll (1988), El Rostro Asiatico de Cristo, Verdad e Imagen, Ediciones Sigueme, Salamanca (1991), Fire and Water: Basic Issues in Asian Buddhism and Christianity, Orbis Books, Maryknoll (1996), God’s Reign for God’s Poor: A Return to the Jesus Formula, Tulana Publications, Kelaniya (1999), Mysticism of Service, Tulana Publications, Kelaniya (2000), Christhood of Jesus and the Discipleship of Mary: An Asian Perspective, CSR, Colombo (2002); Prophetic Humour in Buddhism and Christianity: Doing Inter-religious Studies in the Reverential Mode, Colombo: Ecumenical Institute for Study and Dialogue (2005), và The Genesis of an Asian Theology of Liberation, Sri Lanka, Tulana Research Center (2013). Trong giới hạn của bài viết này, tác giả sẽ điểm qua ba trước tác quan trọng của Pieris với những tư tưởng thần học chính yếu của ông.

Tác phẩm đầu tay Love Meets Wisdom (1988) thảo luận và nêu bật những kinh nghiệm tương hỗ trong cuộc đối thoại giữa Kitô giáo và Phật giáo tại Sri Lanka. Trong tập sách này, Pieris đã giới thiệu và xây dựng “một khung sườn thần học căn bản cho phép các Kitô hữu tìm thấy trong chính Kitô giáo một không gian mà ngang qua đó họ có được một trực giác và sự thấu cảm về những đặc trưng của Phật giáo cho phép họ mở ra một cuộc đối thoại hiệu quả với những Phật tử đương đại, nhờ đó sẽ làm phong phú thêm cả hai bên của cuộc gặp gỡ đối thoại này.”[6] Sách gồm 3 đề mục chính: phần I trình bày lịch sử cuộc gặp gỡ giữa hai nền linh đạo Kitô giáo phương Tây và Phật giáo phương Đông, đồng thời cũng thảo luận về ưu nhược điểm của những cách tiếp cận trong cuộc đối thoại liên tôn; phần II tập chú vào việc hiểu các triết lý cơ bản của Phật giáo và các khía cạnh quan trọng trong kinh nghiệm giải thoát; phần III đề cập đến những thách đố trong cuộc đối thoại giữa các Kitô hữu và Phật tử dựa trên một vài bình diện căn bản của đời sống tu trì với lời khấn khó nghèo và trong đời sống gia đình của hôn nhân hỗn hợp. Vượt qua những rào cản ngôn ngữ, Pieris đề xuất hai khái niệm quan trọng bổ trợ lẫn nhau và thực sự cần thiết cho cuộc đối thoại: Agapeic Gnosis (tri ngộ khả mến) của Kitô hữu và Gnostic Agape (lòng mến khả tri) của Phật tử.[7] Gnosis (giác ngộ, tri ngộ hay tri thức có tính giải thoát) được cho là gắn liền với kinh nghiệm nền tảng của Phật giáo và agape (đức ái, lòng mến hay tình yêu có tính cứu độ) diễn đạt qua kinh nghiệm của Kitô giáo. Tuy thế, theo Pieris trong mỗi tôn giáo đều tồn tại hai chiều kích gnosis và agape, được diễn đạt ngang qua những thuật ngữ với nội hàm, ý nghĩa, sắc thái và điểm nhấn khác nhau. Chính vì vậy việc nhấn mạnh sự tách biệt và khả năng loại trừ nhau cách tuyệt đối của hai chiều kích này có thể bóp méo hay đánh mất kinh nghiệm thực sự về sự giải thoát hay ơn cứu độ.[8]

Trước tác Fire and Water: Basic Issues in Asian Buddhism and Christianity (1996) thực ra là một góp nhặt 18 bài viết trước đây của Pieris, được sắp đặt lại theo một logic hợp lý, phân bổ trong ba đề mục chính: (1) Phụ nữ và tôn giáo; (2) Những vấn đề trong thần học, tôn giáo, và xã hội; (3) Những vấn đề về linh đạo và sự giải phóng con người. Tác giả mời gọi độc giả tiếp nhận một lối nhìn và suy tư cách thức hành động mới mẻ mang tính khai phóng và có khả năng biến đổi thực tại của thế giới đang bị tổn thương và hằn sâu những dấu vết của nghèo đói, bạo lực, bóc lột, và áp bức mang tính hệ thống vốn dĩ có khuynh hướng hạ thấp quyền lợi và chà đạp phẩm giá con người. Bên cạnh những chiều kích thần học mang tính khai phóng quan trọng và đầy thuyết phục được đúc kết và phát triển, cho dù chúng vốn đã được trình bày trong hai tập sách được xuất bản trước đây bởi Orbis (An Asian Theology of Liberation, 1988; Love Meets Wisdom: A Christian Experience of Buddhism, 1988), thì tập sách sau này đã trình bày thêm một khía cạnh hết sức quan trọng khác, đó là chiều kích nữ quyền.[9] Pieris cho thấy tiếng nói và phẩm giá của người nghèo – những nạn nhân của bất công do hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội gây ra, mà nữ giới là một trong số những đối tượng chịu thiệt thòi nhất của nhóm này – đang thách đố các quan niệm và khuynh hướng thần học Tây phương vốn xây dựng và phát triển dựa trên sự ưu ái dành cho nam giới, cả trong Giáo Hội và xã hội. Những gợi ý của Pieris mở ra cho việc xem xét và cấu trúc cách suy tư thần học sao cho có thể gói ghém và diễn đạt được những kinh nghiệm, nhận thức và thao thức đặc trưng của nữ giới.

Có lẽ trước tác được biết đến nhiều nhất của Pieris là An Asian Theology of Liberation (1988). Tác phẩm này cũng là một tổng hợp theo một logic nhất định các bài nghiên cứu trước đây của Pieris, phân bổ trong ba đề mục chính: (1) Nghèo đói và sự giải phóng; (2) Tôn giáo và sự giải phóng; (3) Thần học giải phóng tại Á Châu. Nội dung trước tác trình bày một phương pháp tiếp cận thần học theo cách thế của một cuộc đối thoại với các truyền thống tôn giáo tại Á Châu và với thực tại chiếm đại đa số là người nghèo.[10] Đây là nét khác biệt quan trọng giữa thần học giải phóng tại Á Châu và thần học giải phóng Châu Mỹ Latinh.[11] Trong lời tựa cho cuốn sách nổi tiếng của Pieris An Asian Theology of Liberation, Paul Knitter nhấn mạnh đến sự nối kết giữa hai thực tại tôn giáo và nghèo đói khi cho rằng “người Kitô hữu không thể giải quyết vấn đề nghèo đói ở châu Á một cách thoả đáng trừ khi họ thực hiện điều ấy trong sự đối thoại với các tôn giáo ở châu Á, cũng thế họ cũng không thể thực hiện thành công một cuộc đối thoại liên tôn đích thực trừ khi cuộc đối thoại đó đặt nền tảng trên mối bận tâm đến người nghèo.”[12] Với Pieris, đối thoại với thực tại ba mặt tại Á Châu, bao gồm tôn giáo, văn hoá và sự đói nghèo, là một đòi hỏi khẩn thiết, nhưng sự đối thoại ấy phải (được) soi sáng, dẫn lối và đạt đến kỳ cùng chiều kích Tin Mừng, nghĩa là gợi lên và làm sống dậy mạnh mẽ nơi tâm hồn con người, cách riêng là người nghèo, chiều kích tự do của “tin mừng” mang đến từ các thực tại tôn giáo, cả Kitô giáo lẫn các tôn giáo khác ngoài Kitô giáo.[13]

Aloysius Pieris: Nền Tảng Tư Tưởng và Phương Pháp Thần Học

Thực tại đa tôn giáo là một chiều kích không thể bị chối bỏ hay xem thường trong mọi mối bận tâm liên quan đến con người tại Châu Á. Sự thao thức về hiện hữu và cùng đích của con người với tất cả chiều kích liên quan đến phẩm giá và ơn cứu độ dành cho họ đều ít nhiều có liên hệ mật thiết đến những yếu tố thánh thiêng và những kinh nghiệm giải thoát nền tảng và ban sơ nhất trong các tôn giáo. Pieris đã nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của một kinh nghiệm nền tảng mang tính giải thoát hiện diện nơi bất kỳ tôn giáo nào tại Á Châu.[14] Suy tư của Pieris phản ánh tinh thần cởi mở của Vatican II trong việc khám phá hạt giống Lời cứu độ đang tiềm ẩn nơi các tôn giáo.[15] Tuyên ngôn Nostra Aetate (NA) của Công Đồng Vatican II nhìn nhận những yếu tố chân lý và thánh thiện trong các tôn giáo, với lời khẳng định rằng “Giáo Hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo ấy. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, dù có nhiều điểm khác với chủ trương và đề nghị của Giáo Hội, nhưng vẫn thường mang lại một tia sáng của Chân Lý, Chân Lý chiếu soi tất cả mọi người.”[16]

Quả thật những kinh nghiệm xương máu mà Pieris có được khi theo chương trình Phật học tại Đại học Sri Lanka ở Colombo đặt nền tảng cho ông trong sự cởi mở suy xét, lượng giá và đón nhận một kinh nghiệm mang tính giải thoát ban sơ của tôn giáo. Kết quả này đến từ rất nhiều nỗ lực cá nhân nhìn nhận sự khác biệt bổ túc mà không loại trừ giữa nhiều yếu tố thánh thiêng của các tôn giáo, cùng với lời khuyên chân tình của Étienne Lamotte (1903-1983), một học giả nổi tiếng về Phật giáo lúc bấy giờ, “Làm ơn đừng so sánh!…Điều đầu tiên là (anh) hãy đắm mình vào truyền thống Phật giáo, đừng với bất kỳ định kiến nào; hãy nắm vững thuật ngữ của riêng nó, nếm cảm hương vị của nó và đưa ra lượng giá học thuật (của anh) từ trong truyền thống của chính nó.”[17] Một cách bao quát hơn, đó là một cuộc lột xác trong khiêm nhu để bản thân người đối thoại bước vào, bước xuống và dìm mình trong dòng chảy của các truyền thống tôn giáo và văn hoá bản địa nhờ đó mà những thành kiến có thể có trước đây dần thay đổi và đào thải theo thời gian khi để cho mình được thấm nhập, uốn nắn và trưởng thành hơn trong kinh nghiệm có tính cứu chuộc nội tại của mỗi tôn giáo. Pieris tin rằng, “cánh cửa đã từng đóng lại đối với Chúa Giêsu ở Châu Á cũng là cánh cửa duy nhất có thể đưa Ngài trở lại – cụ thể là, hạt nhân có tính cứu độ hay cốt lõi mang tính giải phóng của các tôn giáo khác nhau đã thành hình và tạo nên sự ổn định cho các nền văn hóa [Châu Á] của chúng ta.”[18]

Với vai trò chính là đưa ra lời giải đáp cho những bí nhiệm tiềm ẩn trong thân phận con người và thế giới, mỗi hệ thống tôn giáo đều có tính cứu độ[19] hướng con người về sự siêu việt và giải thoát nhằm mang lại hạnh phúc đích thực. Đối với Kitô giáo, Pieris xác tín cốt lõi mang tính giải thoát hệ tại và thành toàn ngang qua cuộc sống, cái chết, sự phục sinh và lên trời của Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Đức Giêsu Kitô. Kinh Thánh khắc hoạ dung mạo một Thiên Chúa luôn yêu con người và vẫn yêu họ cả khi họ là tội nhân; và tình yêu ấy được diễn tả trọn vẹn ngang qua sự trao ban chính Con Một của Ngài cho nhân loại (Ga 3,16) như là sự tha thứ và hoà giải, ơn cứu độ và Đấng Cứu Độ. Thế nên có thể xác tín rằng tình yêu cứu độ (salvific agape) của Thiên Chúa là kinh nghiệm nền tảng nhất, tiên thiên và ban sơ nhất, mà trên đó mọi học thuyết, giáo lý, tín điều và mục vụ của Giáo Hội được xác tín, xây dựng và thực hành. Tuy nhiên, khác với tình yêu cứu độ trong Kitô giáo, giác ngộ (gnosis) lại là kinh nghiệm nền tảng khởi nguồn cho sự giải thoát trong Phật giáo.[20] Cảm thức thiêng liêng khi Pieris dìm mình thật sâu vào hai khởi nguồn của hai tôn giáo lớn này đã mở đường khai lối và tạo động lực thúc đẩy một cuộc ‘đối thoại giải thoát và cứu độ.’

Tuy vậy đối thoại mang tính giải thoát và cứu độ không dừng lại ở việc hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, chấp nhận và đón nhận nhau, nhưng đối thoại gắn liền với một sự dấn thân và hành động thiết thực. Để thúc đẩy một sự dấn thân cho sự phát triển con người toàn diện, các giám mục tại Á Châu đã tiếp cận phương pháp mà thần học khai phóng tại Châu Mỹ Latinh đã sử dụng. Đó là chu trình mục vụ ba bước: Xem (See), Xét (Judge), và Làm (Act).[21] Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII trong Thông điệp Mẹ và Thầy (Mater et Magistra, 1961) đã khẳng định tầm quan trọng của phương pháp này, nói rằng: “Thường ai quyết thực hành học thuyết xã hội phải trải qua ba giai đoạn: điều tra cho biết tình hình một cách tỉ mỉ; nhận xét hiện tượng dưới ánh sáng học thuyết công giáo; rồi quy định đường lối áp dụng vào thời thế hoàn cảnh những nguyên tắc vĩnh cửu của Giáo Hội. Ba giai đoạn ấy, thường gọi là kiến thức, luận xét và hành động (xem, xét, làm).”[22] Tiến trình ba bước triển khai sự xem xét thực tại mang tính phê bình nhằm đưa ra những sự can thiệp và phương thức hành động cụ thể để cải thiện tương quan nhân vị. Phương pháp phân tích xã hội vẫn cần được áp dụng trong tiến trình này, nhưng không dừng lại nơi chính nó như là phơi bày một sự bất công, bất bình đẳng tận căn để tạo động lực thực hiện một cuộc cách mạng chính trị xã hội. Tuy nhiên, mục tiêu căn cốt hơn đó là ngang qua các phân tích xã hội học người Kitô hữu: (1) xem xét và nhận thức đúng về cuộc sống, (2) biện phân từ trong hoàn cảnh thực tế ấy dưới ánh sáng của đức tin, mặc khải và giáo huấn nhằm tìm kiếm và thúc đẩy những giá trị Tin Mừng, và (3) hành động như Chúa Kitô để biến đổi và thánh hoá thực tại ấy.[23]

Pieris cũng vận dụng phương pháp tiếp cận vốn được các nhà thần học giải phóng triển khai và thực hiện. Tuy nhiên, Pieris đã tháp nhập vào quá trình biện phân và thực hành một vài yếu tố đặc trưng riêng cho Á Châu, chẳng hạn di sản tâm linh, truyền thống tôn giáo, đối thoại liên tôn, hội nhập văn hoá… Cách suy tư thần học của Pieris khá tương đồng với những nhận định thần học của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu, nhấn mạnh rằng một nền thần học thích hợp đặt nền tảng và khởi hứng cho việc Loan Báo Tin Mừng không thể tránh né ba thực tại căn bản này: sự đa dạng văn hoá bản địa, đa nguyên tôn giáo ngoài Kitô giáo, và thực tại nghèo đói.[24] Trong các suy tư thần học của Pieris, người đọc dễ dàng nhận thấy mối liên hệ không thể tách rời giữa đức tin và đời sống, tôn giáo và người nghèo. Nói cách khác, thông điệp bên dưới các trước tác của Pieris luôn phản ánh sự nối kết giữa chiều kích thần linh với chiều kích trần thế, mà rõ nét nhất là việc loan báo Tin Mừng và sự giải thoát toàn diện không thể tách rời thực tại đa tôn giáo và người nghèo với những bất công, áp bức, bạo lực và kỳ thị đang áp chế cách tinh vi tương quan nhân vị dưới nhiều hình thức khác nhau.

Aloysius Pieris: Một Vài Điểm Son trong Suy Tư Thần Học

Trong các văn kiện chính thức của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) trong suốt năm thập niên qua tính từ thời điểm thành lập vào năm 1972, luôn khẳng định tính đa dạng, đa diện và đa nguyên của thực tại tôn giáo và văn hoá. Thực tại đa tôn giáo tại Châu Á đặt ra những câu hỏi quan trọng về nguồn gốc, hiện diện, mục đích, ý nghĩa và giá trị giải thoát của các thực hữu ấy. Đang khi thực hành niềm tin tôn giáo của mình, con người tại Á Châu vẫn luôn đau đáu với hàng loạt những câu hỏi liên quan đến chiều kích thánh thiêng, chẳng hạn các truyền thống tôn giáo có liên hệ gì với nhau? Tôn giáo mà tôi thực hành có vai trò thế nào trong tương tác với các tôn giáo khác? Đâu là thái độ mà một tín hữu nên có đối với tín đồ khác tôn giáo và với một tôn giáo khác hiện hữu kề cận? Pieris đóng góp một lối nhìn khá quân bình và cởi mở cho suy tư thần học và tầm nhìn mục vụ ngang qua đối thoại trong sự hài hoà, bao dung, bổ túc và giao thoa tại Á Châu.

Đối thoại trong bối cảnh đa nguyên tôn giáo (religious pluralism)

Nhiều cuộc tranh luận thần học về các tôn giáo xoay quanh ba mô hình thần học truyền thống nặng não trạng Tây Phương: exclusivism (khai trừ/loại trừ), inclusivism (bao gồm/bao hàm), và pluralism (đa nguyên/đa phức).[25] Tuy
nhiên tính loại trừ, độc tôn và đa nguyên của ba mô hình này dường như không thích hợp để xây dựng một nền thần học về các tôn giáo tại Á Châu vì vũ trụ quan và nhân sinh quan tại nơi này đặc trưng với những tìm kiếm và đề cao sự hài hoà. FABC khẳng quyết rằng: “Các nền văn hóa tôn giáo châu Á nhìn nhận con người, xã hội và toàn thể vũ trụ có quan hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau.”[26] Cũng vậy Thomas Fox nhận định rằng người dân Á Châu đề cao ý niệm “both a and b” (cả a và b) hơn là “either a or b” (hoặc a hoặc b).[27] Sự hài hoà cho thấy tính độc đáo và duy nhất của mỗi truyền thống tôn giáo không loại trừ nhau, nhưng bổ túc làm nên sự phong phú trong sự thống nhất.

Bởi vậy, thay vì suy tư dựa trên ba mô hình truyền thống của thần học tôn giáo kể trên, Pieris đề xuất một cách tiếp cận tương ứng, với bộ ba “S” bao gồm: synthesis (tổng hợp), syncretism (hổ lốn/hỗn hợp), và symbiosis (cộng sinh/đồng sinh), với hy vọng mô hình này mang đậm tính Á Châu hơn, tương thích và dễ đón nhận hơn trong tâm thức người dân Châu Á.[28] Đang khi đặt sự hài hoà trong khác biệt và bổ túc lẫn nhau làm nền tảng, Pieris không chấp nhận sự trộn lẫn giữa các yếu tố tôn giáo vì nguy cơ lớn là đánh mất đặc nét và căn tính tôn giáo. Cả hai mô hình hỗn hợp và tổng hợp đều ít nhiều mang đặc tính của sự trộn lẫn và hoà tan này. Mô hình hỗn hợp được hiểu ngang qua hình ảnh một ly cocktail, nơi đó mọi thành phần thay đổi hương vị trong sự tương tác với những thành phần khác. Trong khi đó, mẫu thức tổng hợp diễn tả một tiến trình trong đó mọi thành phần đánh mất căn tính và đặc trưng riêng của mình để tạo nên một hỗn hợp hoàn toàn mới mẻ.[29] Cho nên đối với Pieris, hiện hữu cộng sinh là cách tiếp cận phù hợp nhất bảo toàn căn tính nhưng lại gia tăng sự hoà hợp, liên đới và đối thoại giữa các tôn giáo. Hiện hữu đồng sinh hay cộng sinh tôn giáo, trong quan điểm của Pieris, diễn tả một lối sống với nhau, cần có nhau, đôi bên xác lập rõ nét hơn về căn tính của chính mình nhờ sự dung nạp và bổ túc cho nhau.[30] Với cái nhìn cởi mở này, sự khác biệt của mỗi tôn giáo trước đây thường bị cho là có “vấn đề và rủi ro” vì hiện hữu trong sự bất dung nạp với tôn giáo khác, thì Pieris đã xem hiện hữu kề cận này như là ân huệ hơn là vấn đề, cơ hội hơn là nguy cơ, và hưởng lợi hơn là bất lợi. Trừ phi cái tôi của mỗi tôn giáo được đặt làm trung tâm điểm của hệ quy chiếu thì sự đồng hiện hữu mới trở thành vấn đề.

Vấn đề nằm ở hữu hạn tính trong sự nhận thức của con người. Bất kỳ sự nhận thức nào cũng đều giới hạn do bị điều kiện hoá trong một mẫu thức và ảnh hưởng của một nền văn hoá, nhân sinh quan và vũ trụ quan nhất định. Cụ thể hơn, nhận thức và hiểu biết của người tín hữu về thực tại thần linh, cách riêng là về Đức Giêsu Kitô, bị giới hạn cách nào đó trong khuôn khổ văn hoá, chính trị và ngôn ngữ của Tây Phương. Nhưng không vì thế mà giả thiết sự trổi vượt của một tôn giáo hơn một tôn giáo khác, một ngôn ngữ hơn một ngôn ngữ khác, hay thậm chí cho rằng những tôn giáo khác nhau và con người khác nhau buộc phải suy tư giống nhau hay cảm thụ giống nhau.[31] Chính trong sự khác biệt có tính bổ túc và phong phú hoá, các tôn giáo khác có thể giúp Kitô hữu hiểu biết hơn và đào sâu hơn kinh nghiệm về chính mình, về mặc khải và các khuôn mặt khác nhau của mầu nhiệm thần linh. Khám phá và đầu phục quyền lực Thánh Linh tàng ẩn nơi con người và lịch sử, tôn giáo và văn hoá, lễ nghi và phụng tự,[32] được xem như chìa khoá giúp mỗi tôn giáo hiểu hơn chính mình và làm giàu cho chính mình.

Suy tư thần học trong bối cảnh đa phức văn hoá và tôn giáo, Pieris đã xem xét hai truyền thống tôn giáo khác biệt là Kitô giáo và Phật giáo. Như đã nói ở trên, nét tinh tuý độc đáo trong Kitô giáo là agape, trong khi đó kinh nghiệm nền tảng sự giải thoát của các Phật tử là gnosis.[33] Tuy nhiên trong cả hai truyền thống tôn giáo, hai chiều kích giác ngộ tính (gnostic) và khả mến tính (agapeic) luôn hiện diện cùng nhau cho dẫu chúng được diễn đạt ngang qua những thuật ngữ khác nhau. Thế nên Pieris cho thấy cuộc đối thoại của Kitô hữu với Phật tử không bao giờ được tách biệt hai thuộc tính giác ngộ và khả mến. Đối với Kitô hữu, cuộc đối thoại luôn phải cùng một lúc ‘khởi xuất’ từ kinh nghiệm nền tảng của đức ái Kitô giáo là agape và ‘cùng với’ kinh nghiệm nền tảng nhận thức được diễn tả ngang qua ngôn ngữ của Phật giáo là gnosis. Điều này cũng hoàn toàn đúng với Phật tử trong cuộc đối thoại với Kitô hữu cũng đòi hỏi phải ‘khởi đi’ từ kinh nghiệm nền tảng của mình là gnosis, và ‘cùng với’ kinh nghiệm agape.[34] Nói cách khác, trong cuộc đối thoại này ngoài tinh tuý nền tảng agape thì các Kitô hữu cần phải nhận thức tầm quan trọng của agapeic gnosis (tri ngộ khả mến). Sự hiểu biết về chân lý có tính giải thoát là một tác nhân quan trọng trong sự cứu độ. Tương tự như thế, các Phật tử cần nhận thức tầm quan trọng không thể thiếu vắng của gnostic agape (lòng mến khả tri). Chỉ với sự tác động của lòng mến và đặt nền tảng trên từ bi, tri thức mới đạt tới sự trưởng thành và hiểu biết đích thực về chân lý giải thoát. Nhờ vậy, hai tôn giáo lớn này có thể gặp gỡ, đối thoại và hành động chung.

Câu hỏi được đặt ra là làm sao Pieris có thể dung hoà giữa sự cộng sinh tôn giáo mà ông đề xuất với xác tín của Hội Thánh về vai trò của Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất? Nỗ lực của Pieris có thể xem như tương hợp với nhận định của Michael Amalados rằng: “ít ra là tại Á Châu, chúng ta đang dần nhận thức rõ hơn rằng việc rao giảng về Đức Giêsu Kitô nơi đây thì có phần không giống như sự rao giảng của Hội Thánh.”[35] Pieris nhấn mạnh đến cách thức thực tiễn của việc loan báo Tin Mừng. Yếu tố quyết định sự khác biệt ấy đến từ bối cảnh đa văn hoá và đa tôn giáo. Thế nên nếu công bố và rao giảng Đức Giêsu Kitô theo một mẫu thức cứng nhắc đã từng nhúng chìm, đóng khung, và ăn rễ sâu trong văn hoá Tây Phương thì chẳng khác nào là một sự cầm tù chân lý Tin Mừng. Tin Mừng tự bản chất luôn mới mẻ và đầy sức sống. Hơn nữa, sức sống tươi trẻ và mới mẻ của Tin Mừng còn nảy sinh từ sự tương tác và hội nhập vào cái đặc thù của con người trong văn hoá và tôn giáo.

Hơn nữa, Pieris không dễ dãi đánh đồng hay cào bằng giữa hai hay nhiều tôn giáo. Pieris cũng chẳng để mình rơi vào sai lầm của học thuyết tương đối. Pieris tôn trọng căn tính của các tôn giáo khác, mà đồng thời không bao giờ chối bỏ hay xem nhẹ tính ưu việt cứu độ và tầm quan trọng thiết yếu của biến cố Chúa Giêsu Kitô. Sự bình đẳng ngang nhau của một số yếu tố tôn giáo không thể cào bằng với phương thế cứu độ. Joseph Ratzinger giải thích: “điều thiện hảo hiện diện trong các tôn giáo khác nhau mở ra những con đường dẫn đến ơn cứu độ và diễn tả như một phần hoạt động của Thần Khí trong Chúa Kitô, nhưng bản thân các tôn giáo thì không.”[36] Cũng vậy Pieris xác nhận rằng: “Những gì mặc khải, cứu độ và biến đổi đều đến từ Ngôi Lời.”[37] Ngôi Lời là con đường, là sự thật chắc chắn nhất dẫn đưa đến ơn cứu độ. Trong ngôn ngữ diễn đạt của Pieris, Đức Giêsu Kitô là Đấng hoàn tất những hy vọng cánh chung thâm sâu nhất của các tôn giáo. Cho nên, chúng ta có thể hiểu rằng mẫu thức cộng sinh của Pieris giả thiết một sự bất đối xứng về cả yếu tính và chức năng. Nói cách khác, trong khi Giáo Hội xác tín hành động cứu độ được thực hiện duy nhất ngang qua biến cố Đức Giêsu Kitô, các tôn giáo khác có thể hiển lộ những đặc tính bị che khuất vốn không được hay chưa được tỏ lộ rõ ràng ngang qua Giáo Hội.

Đối thoại với người nghèo trong thần học giải phóng

Như đã đặt vấn đề trong phần thứ hai bàn luận về nền tảng tư tưởng và phương pháp thần học của Pieris, thực tại tôn giáo luôn gắn liền với thực tại người nghèo tại Á Châu. Người nghèo tách biệt với đa phức tôn giáo sẽ không còn là người nghèo của lục địa Châu Á. Cho nên đối thoại với đa phức tôn giáo cũng bao hàm một cuộc đối thoại với người nghèo. Thách đố lớn lao trước tình cảnh vô nhân đạo mà lớp người nghèo phải gánh chịu do sự bất công mà xã hội gây ra đã thúc đẩy những thao thức dấn thân và khai sinh một trào lưu thần học giải phóng tại Á Châu tương tự như ở Châu Mỹ Latinh. Nhiều thần học gia Châu Mỹ Latinh thập niên 60-70, chẳng hạn Gustavo Gutiérrez, Juan Luis Segundo, Leonardo Boff, Hugo Assmann, Segundo Galilea, Ruben Alves và Jon Sobrino, đã đi tiên phong trong những suy tư dành cho nhiều chủ đề liên quan đến người nghèo. Tại Châu Á, Pieris đã có những đóng góp giá trị cho thần học và suy tư về công cuộc loan báo Tin Mừng trong những hoàn cảnh nơi mà thân mình mầu nhiệm của Đức Giêsu Kitô đang chịu xâu xé, rỉ máu, và bị đóng đinh theo những cách thức khác nhau.

Pieris vạch ra một lối nẻo suy tư về giải phóng bằng cách gặp gỡ, hiểu biết và diễn tả mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu phép rửa hai lần: tại sông Giođan của tôn giáo Á Châu (the Jordan of Asian religion) và trên đồi Canvê của sự đói nghèo Á Châu (the Calvary of Asian poverty).[38] Pieris tháp nhập các thực tại Á Châu vào ‘phép rửa’ mà Chúa Giêsu đã thực sự chịu lấy tại dòng sông Giođan khi đến với Gioan Tẩy Giả và trên đồi hiến tế Canvê,[39] để mang lại một ý nghĩa mới mẻ, sống động cho các thực tại ấy. Người nghèo về vật chất, tinh thần và tâm linh hiện nay cũng là khuôn mặt người nghèo ‘vật chất và tâm linh’ khi xưa mà chính Chúa Giêsu đã tự hoà mình vào dòng người ấy đến sông Giođan chịu phép rửa. Để đáp lại lời mời gọi ngôn sứ của mình, Chúa Giêsu cũng đã phải đối mặt với nhiều luồng tư tưởng tôn giáo truyền thống của Do thái giáo, diễn tả ngang qua tư tưởng, lối sống và chọn lựa của những nhóm Nhiệt Thành, Thượng Tế, Biệt Phái, Kinh Sư, Xa Đốc,… Cho nên có thể nói rằng Chúa Giêsu hiện thân nơi những con người nghèo tại Á Châu cũng đang phải đối diện, bước vào và đồng hành cùng những truyền thống tôn giáo khác nhau.[40] Hơn nữa, phép rửa hiến tế tại đồi Canvê khi xưa không đơn thuần là cái giá mà Chúa Giêsu phải trả cho lời rao giảng của mình, nhưng đó còn là kết quả của những hành động liên đới với người nghèo và cách nào đó đụng chạm tới quyền lợi của những nhóm lợi ích thời đó. Theo Pieris, Chúa Giêsu từ bỏ những ràng buộc thế trần về thể lý và hơn hết ngài tố cáo, vạch mặt sự thống trị của thần tiền (mammon), vốn là thù nghịch của Thiên Chúa và trái nghịch với những giá trị của Nước Trời (Mt 6, 24).[41]

Pieris phác hoạ dung mạo của Chúa Giêsu như là: (1) Lời Tình Yêu của Thiên Chúa, (2) Hiện thân của Lời Tình Yêu cho con người, (3) Lời hứa giao ước của Thiên Chúa cho con người, và Lời chống lại sự thống trị của mammon.[42] Nếu truyền thống Phật giáo kể lại câu chuyện giải thoát dưới dạng khai sáng giác ngộ (enlightenment) thì truyền thống Do Thái-Kitô giáo kể lại nó dưới dạng giao ước (covenant) hay có thể gọi cách khác là một hiệp ước bảo vệ của Thiên Chúa giúp người nghèo chống lại thần tiền (mammon).[43] Như bao nhà thần học giải phóng khác, Pieris nhận thấy rằng Thiên Chúa “ưu ái và thiên vị” người nghèo. Trải dài suốt Kinh Thánh là những trình thuật nhấn mạnh đến sự quan tâm đặc biệt và cách riêng của Thiên Chúa dành cho người nghèo bị bỏ rơi và loại trừ, các cô nhi, quả phụ và khách ngoại kiều. Chính Con Một Thiên Chúa Làm Người cũng đã luôn đứng về phía người nghèo, những người bị ruồng bỏ và xa lánh, những người bị xem là tội lỗi và đáng khinh chê. Thế nên Pieris xác tín rằng trong và ngang qua con người Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã luôn can thiệp để bảo vệ người nghèo. Nói cách khác Đức Giêsu Kitô là giao ước của Thiên Chúa với người nghèo để giải thoát họ.

Giao ước này có tính bất đối xứng.[44] Lịch sử cứu độ bắt đầu với hành động của Thiên Chúa đi bước trước trong việc mời gọi và thiết lập các giao ước với Noah, Abraham, Moses, David, và ngang qua dân Israel với toàn thể nhân loại. Giao ước hiến tế được thiết lập trên thánh giá duy một mình Chúa Giêsu có thể đảm nhận, con người chỉ tham dự vào giao ước ấy trong tư cách của một người nhận lãnh. Nhưng họ lại được chính mầu nhiệm thập giá ấy mời gọi để nhận ra rằng “nơi nào có thập giá, nơi ấy Đức Kitô hiện diện, ubi crux, ibi Christus.”[45] Canvê khi xưa hiện thực hoá bằng rất nhiều Canvê khác của những người nghèo đang bị “đóng đinh” trong sự nghèo khó gây ra bởi bất công, áp bức, bóc lột và bách hại. Thân mình rỉ máu của người nghèo là câu chuyện của thân mình mầu nhiệm Chúa Giêsu đang chịu đóng đinh ngay lúc này. Cho nên những ai được tham dự vào giao ước Giêsu Kitô thì không thể tránh né một giao kết với người nghèo để quan tâm và đứng về phía họ.

Hơn nữa, giao ước tự bản chất là một hành động yêu không điều kiện của Thiên Chúa, cho nên Kitô hữu chỉ có thể kinh nghiệm tình yêu giao ước cứu độ này ngang qua việc thực thi bác ái.[46] Trong giao ước Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã giải phóng con người toàn diện với cả hai chiều kích trần thế và thiêng liêng,[47] và mỗi Kitô hữu được mời gọi cộng tác vào công cuộc giải phóng này bằng sự nghiệm tác (praxis) mang tính Kitô (Christopraxis).[48] Căn tính và ơn gọi của Kitô hữu là bước theo Đức Giêsu Kitô, khuôn đúc mình theo hình mẫu Giêsu Kitô và để cho lòng mến khả tri được diễn tả bằng những hành động mang lấy tinh thần giải phóng Giêsu Kitô. Pieris khẳng định rằng “sẽ là một bất tương hợp giữa việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực mà lại không hành động khi đối mặt với bất công.”[49] Nói cách khác, bước theo Đức Giêsu và tin vào Đức Giêsu mà không hành động như Giêsu trong liên đới với người nghèo rốt cuộc chỉ là một chọn lựa què quặt và một thất bại của đức tin.

Điểm qua một vài nét chấm phá trong suy tư thần học của Pieris để trân trọng những đóng góp quan trọng của ông, khi mở ra một lối nẻo cho những ai thực sự quan tâm và thao thức có thể chập chững bước vào huyền nhiệm thần linh và mầu nhiệm cứu độ, được diễn tả trong mối liên hệ không thể tách rời với thực tại ba mặt của Á Châu. Những khuôn mẫu của Tây Phương, cho dẫu thiết yếu nhưng vốn có thể xa lạ với tâm thức và nhận thức của người Châu Á, đã được Pieris đắp thịt thêm da bằng những chất liệu đa dạng và đặc trưng của Á Châu với những cuộc đối thoại trên bình diện đa văn hoá, tôn giáo và người nghèo. Thông qua phương pháp tiếp cận với sự nhấn mạnh khía cạnh thực tiễn và đối thoại, việc sống và diễn tả đức tin tại đây trở nên sống động, mới mẻ và tràn trề hy vọng khi mối tương quan nền tảng của Á Châu được đề cao với sự hài hoà, cởi mở, bao dung, đón nhận, và dung nạp.

Tính phức tạp của rất nhiều hoàn cảnh khác nhau tại Châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng khiến cho việc rao giảng Tin Mừng đòi hỏi cả hai yếu tố của tính toàn vẹn và sự hội nhập. Người Kitô hữu tại Việt Nam không chỉ đang hiện diện giữa những thay đổi nhanh chóng của xã hội, nhưng họ còn được mời gọi để biến đổi những thay đổi đó trong và theo chiều kích Tin Mừng. Sứ mạng của những người Kitô hữu không đơn thuần chỉ là người công bố và rao giảng Tin Mừng đã lãnh nhận, nhưng còn là hội nhập Tin Mừng vào trong các thực tại xã hội và để men Tin Mừng biến đổi các thực tại thế trần ấy. Bản chất của lời rao giảng Tin Mừng thực sự quan yếu, nhưng cách thức loan báo lại linh động. Cho nên những suy tư thần học của Pieris có thể góp phần giúp người Kitô hữu Việt Nam xem xét và quan niệm lại cách thức để việc sống và loan báo Tin Mừng luôn bao hàm cảm thụ tri thức, nhạy bén văn hoá, bao dung đức tin, và ý thức phục vụ người nghèo.

Tài liệu tham khảo

Ecumenical Council Vatican II. Pastoral Constitution on the Church in the Modern World Gaudium et Spes. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1965.

_____ . Decree on the Church’s Missionary Activity Ad Gentes. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1965.

_____ . Declaration on the Relation of the Church to Non-Christian Religions Nostra Aetate. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1965.

Federation of Asian Bishops’ Conferences. Eds., Rosales, Gaudenclo, and C. G. Arévalo. For All the Peoples of Asia (FAPA); Federation of Asian Bishop’s Conferences. Documents from 1970 to 1991. Quezon City, Philippines: Claretian Publications, 1992.

_____ . Ed., Eilers, Franz-Josef. For All the Peoples of Asia; Federation of Asian Bishop’s Conferences. Documents from 1997 to 2001. Quezon City, Philippines: Claretian Publications, 2002.

_____ . Ed., Tirimanna, Vimal. For All the Peoples of Asia; Federation of Asian Bishop’s

Conferences. Documents from 2007 to 2012. Quezon City, Philippines: Claretian Publications, 2014.

Latin American Episcopal Council. Aparecida, 2007. In The Aparecida Document. Ed., Jorge Mario Bergoglio. Colombia: CreateSpace Independent Publishing Platform, 2013.

Pope John XXIII. Mater et Magistra. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1961.

Pope John Paul II. Redemptoris Missio. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1990.

_____ . Tertio Millennio Adveniente. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1994.

_____ . Ecclesia in Asia. Vatican City: Libreria Editrice Vaticana, 1999.

Crusz Robert, Marshal Fernando và Asanga Tilakaratne, eds. Encounters With The Word: Essays to Honour Aloysius Pieris. Colombo: The Ecumenical Institute for Study and Dialogue, 2004.

Elwood Douglas J., ed. Asian Christian Theology: Emerging Themes. Philadelphia: The Westminster Press, 1980.

Fox Thomas. Pentecost in Asia: A New Way of Being Church. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2002.

Hollan Joe. “Roots of the Pastoral Circle in Personal Experiences and Catholic Social Tradition.” In Frans Wijsen, Peter Henriot and Rodrigo Mejía, eds., The Pastoral Circle Revisited. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2005.

Kaiser Robert Blair, “East Meets West: The Journey of Aloysius Pieris”. In Catholic New Times, vol. 25, issued. 12 (07/2001).

Michael Amalados, “Mission in Asia: A Reflection on Ecclesia in Asia.” In Peter Phan, ed., The Asian Synod: Texts and Commentaries. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2002.

Pieris, Aloysius. An Asian Theology of Liberation. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988.

_____ . Love Meets Wisdom: An Christian Experience of Buddhism. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988.

_____ . Fire and Water: Basic Issues in Asian Buddhism & Christianity. Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1996.

_____ . Prophetic Humour in Buddhism and Christianity: Doing Inter-religious Studies in the Reverential Mode (Colombo: Ecumenical Institute for Study and Dialogue, 2005.

_____ . The Genesis of an Asian Theology of Liberation: An Autobiographical Excursus on the Art of Theologizing in Asia. Kelaniya: Tulana Research Centre, 2013.

_____ . “Christ beyond dogma: doing Christology in the context of the religions and the poor.” In Louvain Studies 25, no. 3 (2000).

_____ . “Toward an Asian Theology of Liberation: Some Religio- cultural Guidelines.” In Douglas J. Elwood, ed., Asian Christian Theology: Emerging Themes (Philadelphia: The Westminster Press, 1980.

_____ . “Toward an Asian Theology of Liberation: Some Religio- cultural Guidelines.” In Asian Christian Theology: Emerging Themes. Ed., Douglas J. Elwood. Philadelphia: The Westminster Press, 1980.

_____ . “Editorial.” In Dialogue, n.s., 10 (1983).

Ross Russell R. và Andrea Mattles Savada. Sri Lanka: A Country Study. Washington, D.C.: Library of Congress Publication, 1990.

Ratzinger Joseph. Truth and Tolerance. San Francisco: Ignatius Press, 2004.

Nicolas Adolfo, S.J. Thư Bề Trên Tổng Quyền Nhân Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Tỉnh Dòng Sri Lanka. Tham chiếu ngày 10 tháng 9, 2022. https://www.sljesuits.com/pages/srilankaprovince.php


[1] Những mốc thời gian tham chiếu về tiểu sử và các tác phẩm của Pieris chủ yếu dựa vào bản đúc kết của linh mục Frances. Xem Frances de Silva RGS, “Bio-Bibliographical Information on Aloysius Pieris, S.J.,” trong tập sách của Robert Crusz, Marshal Fernando và Asanga Tilakaratne, eds., Encounters With The Word: Essays to Honour Aloysius Pieris (Colombo: The Ecumenical Institute for Study and Dialogue, 2004), trang 673-92.

[2] Những tu sĩ Dòng Tên đầu tiên đã hiện diện tại đảo quốc Cộng Hoà Xã Hội Dân Chủ Sri Lanka thuộc Nam Á (trước đây được gọi là Ceylon) từ nửa sau thế kỷ XVI, khoảng hai thập kỷ sau khi linh mục Francis Xavier, S.J., đặt chân đến thành phố Goa của đất nước Ấn Độ huyền bí vào tháng 5 năm 1542. Tuy nhiên, kỷ nguyên hoạt động của các tu sĩ Dòng Tên tại Sri Lanka mở ra sau quyết định của Toà Thánh thiết lập một Giáo Hoàng Học Viện vào năm 1893, và công tác đào tạo chủng sinh linh mục cho hai giáo phận mới thành lập được trao cho các tu sĩ Dòng Tên thuộc hai tỉnh dòng đến từ Pháp và Bỉ. Ngày lễ trọng thể kính Đức Maria Hồn Xác Về Trời 15/08/2022 đánh dấu 60 năm ngày thành lập tỉnh Dòng Tên tại Sri Lanka trên quốc đảo xấp xỉ 22 triệu dân nằm về phía nam Ấn Độ, nơi mà các tín đồ Phật Giáo và Ấn Giáo chiếm khoảng 83% dân số. Trong khi đó, Kitô giáo và Hồi giáo, mỗi tôn giáo chỉ khoảng xấp xỉ 8%. Xem Adolfo Nicolas, S.J., Thư Bề Trên Tổng Quyền Nhân Kỷ Niệm 50 Năm Thành Lập Tỉnh Dòng Sri Lanka. Tham chiếu ngày 10 tháng 9, 2022.
https://www.sljesuits.com/pages/srilankaprovince.php
Sri Lanka là đất nước đa văn hoá, ngôn ngữ, tôn giáo và sắc tộc. Hai sắc dân chính là Sinhala và Tamil. Quyền tự do về tư tưởng và tôn giáo tại đất nước này được tôn trọng và bảo vệ như đã ghi chép trong hiến pháp điều luật số 10 và 14 ban hành năm 1978. Tuy thế, Phật giáo vẫn là tôn giáo được ưu ái hơn cả, như được đề cập cách riêng trong bản sửa đổi hiến pháp năm 2015, điều luật số 9. Phật giáo đến với Sri Lanka qua nẻo Ấn Độ vào thế kỷ III trước Công Nguyên. Kể từ đó, Phật giáo cắm rễ và ảnh hưởng sâu sắc trên đời sống nhân bản, xã hội, văn hoá, tinh thần, và thiêng liêng người dân nơi đây. Trong số những người theo Phật giáo tại đất nước này thì nhóm người Sinhala chiếm đến 74%, nhóm người Tamil chỉ là thiểu số với khoảng 13%. Kitô giáo là tôn giáo đến muộn khi được giới thiệu với người dân tại đảo quốc này ngang qua nỗ lực của các nhà thừa sai Bồ Đào Nha vào đầu thế kỷ XVI. Xem Russell R. Ross và Andrea Mattles Savada, Sri Lanka: A Country Study (Washington, D.C.: Library of Congress Publication, 1990), trang xvii, 3, 7.

[3] Xem Aloysius Pieris, Fire and Water (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1996), trang 183-214.

[3] Xem Robert Blair Kaiser, “East Meets West: The Journey of Aloysius Pieris” trong tạp chí Catholic New Times, vol. 25, issued. 12 (07/2001).

[4] Trong cuộc đối thoại với Kitô giáo, Phật giáo được ưu tiên chọn lựa không đơn thuần do bởi Pieris là một chuyên viên về Phật học, nhưng lý do căn bản hơn đó là Phật giáo đã định hình ít nhất 20 vùng lãnh thổ tại Á Châu, nơi ấy Phật giáo hoặc là tôn giáo chính thức hoặc là nhân tố văn hoá và triết lý có ảnh hưởng sâu đậm. Phật giáo không bị giới hạn vào một ngôn ngữ đặc trưng hay nhóm người nhất định như trong trường hợp của Ấn giáo hay Lão giáo. Xem Aloysius Pieris, “Toward an Asian Theology of Liberation: Some Religio-cultural Guidelines,” trong tập sách của Douglas J. Elwood, ed., Asian Christian Theology: Emerging Themes (Philadelphia: The Westminster Press, 1980), trang 244.

[5] Có thể liệt kê một vài đại học nơi Pieris đã tham gia giảng dạy: Gregorian University, Rome, Italy (1972-73), Graduate Theological Union, Berkeley, USA (1976), East Asian Pastoral Institute of the Athaneo de Manila University, Philippines (1972-73, 1993-94), Vidyodaya Pirivena, Pali and Buddhist University of Sri Lanka, Colombo, Sri Lanka (1993), Prajna Pitha, Jesuit Institute of Integrated Religious Studies, Kandy, Sri Lanka… Và ông còn giữ ghế Chủ tịch một vài Hiệp hội Thần học khác tại Mỹ, đơn cử như Washington Theological Union tại Maryland USA (1987), Union Theological Seminary tại New York USA (1988)… Xem Frances de Silva RGS, “Bio-Bibliographical Information on Aloysius Pieris, S.J.,” trong tập sách của Robert Crusz, Marshal Fernando và Asanga Tilakaratne, eds., Encounters With The Word: Essays to Honour Aloysius Pieris (Colombo: The Ecumenical Institute for Study and Dialogue, 2004), trang 674.

[6] Xem Aloysius Pieris, Love Meets Wisdom (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988), trang xi.

[7] Nội hàm và ý nghĩa của hai cặp từ này sẽ được bàn luận sâu hơn trong phần tiếp theo. Xem Aloysius Pieris, Love Meets Wisdom (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988), trang 110-19.

[8] Xem Aloysius Pieris, Love Meets Wisdom (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988), trang 111.

[9] Pieris dành trọn phần đầu tiên gồm 6 chương để thảo luận về chiều kích nữ quyền đặt trong bối cảnh tôn giáo tại Á Châu. Tác giả nhận thức rằng sẽ là một sự thiếu sót lớn của một giáo trình thần học cho sinh viên nếu không có sự quan tâm đủ đến tầm quan trọng của phong trào nữ quyền đang đòi bình quyền cho phụ nữ. Xem Aloysius Pieris, Fire and Water, trang 3-62.

[10] Châu Á là ngôi nhà của khoảng 60% dân số thế giới, với sự phong phú đa diện về ngôn ngữ, văn hoá và sắc tộc. Tuy nhiên, nghèo đói và bất công là hai thực tại đời sống ảnh hưởng, xâu xé và chà đạp phẩm giá rất nhiều người trên lục địa này. Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu (Ecclesia in Asia, EA) của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II năm 1999 ghi nhận hoàn cảnh nơi đây: “Hoàn cảnh nghèo đói dai dẳng và sự khai thác bóc lột dân chúng là những sự việc đáng lo lắng nhất. Tại Á Châu có hàng triệu người bị áp bức, qua bao thế kỷ bị đặt bên lề xã hội về mặt kinh tế, văn hóa và chính trị” (EA, số 7). Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC) lần thứ X vào năm 2012 cũng nhấn mạnh lại rằng thực tại nghèo đói gây ra bởi sự bất công, tham nhũng vẫn đang là thách đố lớn tại nhiều quốc gia Nam Á và Đông Nam Á. Xem FABC X, “FABC at Forty Years: Responding to the Challenges of Asia,” trong Vimal Tirimanna, ed., For All the Peoples of Asia: Federation of Asian Bishop’s Conference, version V (FAPA V) (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2014), trang 60. Hơn nữa, có rất nhiều vấn nạn và thách đố mà con người phải đương đầu khi chủ nghĩa vật chất, chủ nghĩa tương đối và tục hoá

[11] Học giả Peter Phan gọi thần học giải phóng tại Châu Mỹ Latinh là người anh ruột của thần học giải phóng tại Á Châu. Bên cạnh những nét tương đồng trong phương pháp và những chủ đề nền tảng liên quan đến người nghèo, đơn cử như Thiên Chúa ưu ái người nghèo, sự ưu tiên cho người nghèo, phát triển cộng đồng cơ bản, Giáo Hội của người nghèo… thì thần học giải phóng tại Á Châu đã xây dựng cho mình một lối tiếp cận phù hợp gắn kết trực tiếp với những yếu tố đặc nét trong văn hoá, tôn giáo, nhân sinh quan và vũ trụ quan của người dân bản địa. Đã có nhiều dạng thức của thần học giải phóng tại Á Châu được xây dựng và phát triển, chẳng hạn Minjung Theology ở Hàn Quốc, Theology of Struggle ở Philippines, Dalit Liberation Movement ở Ấn Độ, hoặc Theology of the Crown of Thorns of the Burakumin ở Nhật Bản. Xem “The Spirit at Work in Asia Today,” trong FAPA III, trang 277, số 2.3.9.

[12] Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1988), trang xi.

[13] Xem Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation, trang 41.

[14] Đối với Pieris, có được một kinh nghiệm ban sơ về giải thoát bắt nguồn nơi các tôn giáo là cấp độ nền tảng đầu tiên mà một tiến trình đối thoại liên tôn có thể được thực hiện. Cấp độ thứ hai là các ký ức về kinh nghiệm này được chứa đựng, lưu giữ và chuyển trao qua các truyền thống, thực hành, phụng tự, nghi lễ… Cấp độ cuối cùng liên quan đến việc suy tư, giải thích và gợi hứng thực hành mang tính triết học và thần học. Xem Aloysius Pieris, Love Meets Wisdom, trang 120.

[15] Xem Ad Gentes (AG), số 11.

[16] NA, số 2. Xem thêm Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 8.

[17] Aloysius Pieris, “Editorial,” trong tạp chí Dialogue, n.s., 10 (1983), trang 3.

[18] Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation, trang 59.

[19] Xem Tông thư Tertio Millennio Adveniente (1994), số 30 và Tông huấn EA (1999) nhắc lại tại số 2.

[20] Xem Aloysius Pieris, Love Meets Wisdom, trang 110-13.

[21] Để có một cái nhìn toàn diện hơn về lịch sử tính và sự áp dụng của chu trình mục vụ trong thần học giải phóng tại Châu Mỹ Latinh, xem Joe Hollan, “Roots of the Pastoral Circle in Personal Experiences and Catholic Social Tradition,” in Frans Wijsen, Peter Henriot and Rodrigo Mejía, eds., The Pastoral Circle Revisited (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2005), trang 5-10. Có thể tham khảo thêm những thảo luận về phương pháp mục vụ này trong bối cảnh Châu Mỹ Latinh qua bản đúc kết của Thượng Hội Đồng Giám Mục Châu Mỹ Latinh lần thứ V (Aparecida) tổ chức tại Brazil năm 2007, các số

19, 99e, 100c, 143, 150, 151, 154, 162, 169, 170, 175f, 179, 184, 188, 191, 192, 193, 194, 195, 198, 200, 202, 207, 211, 282, 316, 318, 322, 325, 457, 458, and 513.

[22] Mater et Magistra (MM), số 236.

[23] Trong đa số văn kiện của Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu, chu trình mục vụ see, judge and act thường xuất hiện dưới ba hạn từ bắt đầu bằng

chữ “D”: dialogue, discernment và deeds. Đối thoại (dialogue) với thực tại cuộc sống, biện phân (discerment) hoàn cảnh thực tế dưới ánh sáng đức tin và mặc khải, và sau cùng hành động như Chúa Kitô (Christ-like deeds) để biến đổi thực tại ấy. Xem FABC V trong FAPA I, các số 4.1 đến 4.6.

[24] See FABC I trong FAPA I, trang 14, số 12; trang 23, số 20.

[25] Vào năm 1983, Alan Race đã sử dụng ba thuật ngữ này trong tác phẩm của ông Christians and Religious Pluralism: Patterns in the Christian Theology of Religion để luận bàn các mẫu thức trong thần học tôn giáo. Trong lịch sử Hội Thánh cho đến thời điểm này, có lẽ mẫu thức “loại trừ” có ảnh hưởng nhiều nhất khi khẳng định rằng Kitô giáo là tôn giáo đích thực, độc nhất, đúng đắn và không sai lầm. Theo quan niệm thần học này, chỉ có một mặc khải, một vị cứu tinh duy nhất và một tôn giáo đích thực, tất cả tôn giáo khác đều sai lầm. Để ta được cứu độ, nhất thiết phải tin vào Đức Giêsu Kitô là mặc khải duy nhất của Thiên Chúa. Mặc khải ấy chỉ được tìm thấy trong Kitô giáo mà thôi. Thế nên trong quá khứ đã có người giải thích câu nói/công thức “không có ơn cứu độ bên ngoài Hội Thánh” (Extra Ecclesiam nulla salus) một cách chật hẹp, khép kín, thiếu cởi mở và bị bóp méo về vị trí của Hội Thánh trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Đây là mô hình lấy Giáo Hội làm trung tâm.

Quan điểm của những người đi theo cách tiếp cận inclusivism lấy Đức Kitô làm trung tâm, thì tin rằng Thiên Chúa cũng mặc khải qua các tôn giáo khác, tuy nhiên Kitô giáo vẫn vượt trổi hơn hẳn các tôn giáo khác do sự thông ban tròn đầy qua Đức Giêsu Kitô và sự tác động sung mãn của Thánh Linh. Nơi các tôn giáo bất toàn và dang dở chỉ có một phần chân lý/sự thật cho dẫu chân lý và giá trị của các tôn giáo ấy hoàn bị đến đâu chăng nữa. Sự cứu độ vẫn phải ngang qua Đức Giêsu Kitô, và công trình cứu độ thực hiện nơi Đức Kitô không mang tính cá biệt nhưng phổ quát. Thế nên vai trò trung gian của các tôn giáo là tuỳ thuộc vào Đức Kitô.

Đi xa hơn huynh hướng inclusivism, quan điểm pluralism lấy Thiên Chúa làm trung tâm, khẳng định không có sự trổi vượt của một tôn giáo so với tôn giáo khác. Tất cả các tôn giáo đều có giá trị như nhau. Các tôn giáo lớn trên thế giới có khả năng như nhau trong việc giúp con người đạt tới chiều kích siêu việt của sự cứu độ. Nơi đây, vai trò trung gian và các giá trị cứu độ nơi các tôn giáo biệt lập với nhau. Những ý kiến đi xa hơn trong khuynh hướng này cho rằng Thiên Chúa sử dụng nhiều cách thế song song để ban ơn cứu độ. Dĩ nhiên, trong mô hình thần học này, vai trò trung gian cứu độ duy nhất và phổ quát của Đức Giêsu Kitô sẽ lu mờ hoàn toàn.

[26] FABC IV in FAPA I, trang 181, số 3.1.10.

[27] Xem Thomas Fox, Pentecost in Asia: A New Way of Being Church (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2002), trang xii-xiii.

[28] Aloysius Pieris, Fire and Water, trang 161.

[29] Xem Aloysius Pieris, Fire and Water, trang 161.

[30] Xem Aloysius Pieris, Prophetic Humour in Buddhism and Christianity: Doing Inter-religious Studies in the Reverential Mode (Colombo: Ecumenical Institute for Study and Dialogue, 2005), trang 77-78. Xem Aloysius Pieris, Fire and Water, trang 161.

[31] Xem Aloysius Pieris, Fire and Water, trang 100-32.

[32] Giáo huấn của Công Đồng Vatican II trong hiến chế mục vụ Gaudium et Spes (GS) và sắc lệnh Ad Gentes (AG), cũng như thông điệp Redemptoris Missio (RM) xác nhận sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn mỗi người, trong lịch sử, văn hoá và tôn giáo. Xem GS, số 10-11, 22, 26, 38, 41, 92-93; AG, số 3, 11, 15; RM, số 29.

[33] Gnosis đơn thuần là sự “giác ngộ, hiểu biết, trí tri, hay khai sáng.” Phật giáo đáp ứng khát vọng thâm sâu của con người trong nỗ lực tìm kiếm chân lý giải thoát. Thế nên giác ngộ Phật giáo được hiểu như là chiều kích của sự tỉnh ngộ, óc sáng suốt, sự khai mở tâm trí khỏi những chi phối, giam hãm, và điều khiển của ngũ độc vốn luôn tạo nên ác nghiệp: tham lam, sầu hận, vô minh, kiêu căng, và ngờ vực (tham, sân, si, mạn, nghi). Gnosis khác với trào lưu (thuyết) ngộ đạo (gnosticism) sai lầm đã bị Giáo Hội Công Giáo từ thời sơ khai, các thánh giáo phụ cho đến ngày nay phê bình và chống lại khi lạc thuyết này ẩn mình dưới nhiều hình thức, tư tưởng, và khuynh hướng khác nhau. Ngộ đạo thuyết sai lầm ở chỗ nó nhấn mạnh và tôn vinh một đức tin bị đóng kín và tuyệt đối hoá trong cái ý niệm, kinh nghiệm, kiến thức chủ quan của con người và xem đó như tiêu chuẩn của sự hoàn thiện, thế nên trào lưu này hoặc là giản lược hoặc là đi ngược lại những chân lý nền tảng của đức tin Công Giáo về mặc khải, chân lý về Thiên Chúa và về con người.

[34] Xem lập luận của Aloysius Pieris trong Love Meets Wisdom, trang 110-19.

[35] Michael Amalados, “Mission in Asia: A Reflection on Ecclesia in Asia,” trong Peter Phan, ed., The Asian Synod: Texts and Commentaries (Marryknoll, N.Y.: Orbis Books, 2002), 230.

[36] Joseph Ratzinger, Truth and Tolerance (San Francisco: Ignatius Press, 2004), trang 80.

[37] Aloysius Pieris, Fire and Water, trang 128.

[38] Xem Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation, trang 45-50.

[39] Xem Mt 3:13-15, Mc 10:35-40, Lc 12:50.

[40] Xem Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation, trang 46.

[41] Xem Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation, trang 49.

[42] Xem Aloysius Pieris, “Christ beyond Dogma: Doing Christology in the Context of Religions and the Poor,” trong tạp chí Louvain Studies số 25 (2000), trang 192, 193, 217.

[43] Xem Aloysius Pieris, An Asian Theology of Liberation, trang 120.

[44] Có thể tham khảo thêm những luận bàn về sự bất đối xứng này với Edouard Hamel, “Election-Covenant-Law,” trong René Latourelle and Rino Fisichella, eds., Dictionary of Fundamental Theology (New York: The Crossroad Publishing Company, 1995), trang 267-72. Joseph Ratzinger, Many Religions – One Covenant: Israel, the Church and the World (San Francisco: Ignatius Press, 1999). Và Jacques Dupuis, Toward a Christian Theology of Religious Pluralism (Maryknoll, N.Y.: Orbis Books, 1997), trang 223-34.

[45] Aloysius Pieris, “Christ beyond Dogma: Doing Christology in the Context of Religions and the Poor,” trang 199.

[46] Xem Cuộc phỏng vấn với Aloysius Pieris thực hiện bởi Dr. Georg Evers, trong Encounters with the Word (Sri Lanka: Ecumenical Institute for Study and Dialogue, 2004), trang 666.

[47] Phương diện trần thế được thể hiện ngang qua những lời nói, việc làm và các phép lạ kèm theo của Chúa Giêsu có tầm ảnh hưởng đến những bình diện xã hội, văn hoá và tôn giáo lúc bấy giờ. Tuy nhiên, bận tâm nền tảng và tối hậu nhất của Chúa Giêsu Kitô vẫn là công bố Triều Đại Nước Thiên Chúa và loan báo Tin Mừng Nước Trời với sự giải phóng con người tận căn khỏi giam cầm và thống trị của tội lỗi – là quyền lực mạnh mẽ nhất phá vỡ mối tương quan của họ với Thiên Chúa và tha nhân.

[48] Nghiệm tác Kitô (Christopraxis) có thể được hiểu đơn thuần như là đời sống cộng đoàn Kitô hữu trong tư cách là môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Xem thêm Jurgen Moltmann, The Way of Jesus Christ (Minneapolis: Fortress Press, 1993), 41-42.

[49] Aloysius Pieris, The Genesis of an Asian Theology of Liberation, trang 53.