Nói đến thần học Kitô giáo, đặc biệt là về phương diện lịch sử, người ta thường liên tưởng chủ yếu đến sự đóng góp của các tác giả Tây phương, khởi đầu từ các giáo phụ Hy-lạp, La-tinh, nối tiếp với thần học kinh viện thời Trung cổ rồi đi vào thời hiện đại với nhiều giai đoạn nhỏ khác nhau. Những danh xưng như Irênê, Tertullianô, Origen, Augustinô, Anselmô, Tôma Aquinô, Bonaventura, hay gần đây hơn như Yves Congar, Karl Rahner, Hans Urs von Balthasar và nhiều vị khác chắc không xa lạ đối với các sinh viên và giáo sư thần học. Quả thật, chúng ta không thể không ghi nhận và tri ân sự đóng góp to lớn của các vị này trong lịch sử thần học và trong công trình kiến giải đức tin.
Trong thời kỳ Âu châu mở các thuộc địa từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, nền thần học của lục địa này cũng được các thừa sai Công giáo, chủ yếu nói tiếng Pháp và Tây Ban Nha, cũng như các nhà truyền đạo Tin lành nói tiếng Hà Lan, Đức, Anh/Mỹ mang theo và truyền bá tại Á châu, đặc biệt tại Việt Nam, Trung Hoa, Hàn Quốc, Philippines, Indonesia. Cũng vậy, giới trí thức bản địa, đặc biệt là hàng giáo sĩ, được gửi sang Pháp, Ý, Đức, Anh, Mỹ để học thần học. Từ hai lý do lịch sử ấy, tư tưởng thần học Âu châu đã góp phần không nhỏ trong việc xây nền và định hình suy tư thần học ở các quốc gia này. Sau thế chiến thứ hai, khi các dân tộc thuộc thế giới Á Phi tuyên bố độc lập, thì các thần học gia bản địa, cho dù phần lớn trong số họ được đào tạo ở trong truyền thống Tây phương, đã bắt đầu có những phản tỉnh và suy tư thần học dựa trên những yếu tố văn hoá, lịch sử, kinh tế và chính trị nơi họ đang sống. Cung cách suy tư thần học trên phông nền và hệ quy chiếu văn hoá ngoài Tây phương đã tạo nên một tên gọi mới: thần học bối cảnh (contextual theology).
Từ sau Công đồng Vatican II (1962-1965), việc cử hành phụng vụ bằng ngôn ngữ bản địa cũng như việc xây dựng Giáo Hội địa phương đã dẫn đến việc cổ võ cho một nền thần học bối cảnh. Cũng như tại Âu châu, trước đây các sinh viên phải học những giáo trình thần học soạn bằng tiếng La-tinh. Những thập kỷ sau này, thay vào đó họ được khuyến khích đọc, suy tư và trao đổi bằng ngôn ngữ địa phương cũng như dùng các phạm trù văn hoá bản địa để diễn tả đức tin. Lẽ dĩ nhiên, trước khi có những sách vở viết bằng tiếng mẹ đẻ, sinh viên và giáo sư Á châu, thay vì tiếng La-tinh, lại phải dùng các sinh ngữ quốc tế khác như tiếng Pháp, Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha của tác giả Tây phương để học và dạy triết và thần học.
Dầu vậy, sức ảnh hưởng của thần học Âu-Mỹ còn rộng rãi và mạnh mẽ đến độ đến nay nhiều người vẫn xem thần học bối cảnh là những suy tư đặc thù của các trào lưu thần học Á, Phi và Nam Mỹ trong bối cảnh hậu thuộc địa (postcolonialism), còn thần học của Âu-Mỹ mới có tính cách phổ quát, đóng vai trò chủ đạo trong suy tư và thực hành đức tin cho toàn thể Kitô giáo. Nhưng chúng ta cũng được phép đặt câu hỏi theo như cách nói của thánh Vincentê thành Lérins: Có chăng một nền thần học phổ quát, “cho mọi lúc, mọi nơi và mọi người” (quod ubique, quod semper, quod ab omnibus creditum est)[1] ?
Thần học Bối cảnh là gì?
Trong một thời gian dài, việc tiếp nhận phương pháp “bản địa hoá” (indigenization) hay “hội nhập văn hoá” (inculturation) được xem như mô hình chính yếu cho việc suy tư thần học trong bối cảnh văn hoá, xã hội, và tôn giáo của Á châu. Tuy nhiên, nhà thần học tin lành người Đài Loan Shoki Coe (Ng Chiong-hui/Hoàng Chương Huy, 1914-1988) đã sớm nhận ra sự giới hạn của phương pháp bản địa hoá này trong suy tư thần học. Trong một bài viết ngắn nhưng đầy ảnh hưởng đăng trên tạp chí Theological Education năm 1973,[2] giáo sư Coe và các đồng nghiệp James Burtness và Aharon Sapsezian thuộc Quỹ Giáo Dục Thần học/Theological Education Fund (TEF) của Liên Hiệp các Giáo Hội Kitô giáo/World Council of Churches (WCC)[3] đã trình bày một cách suy tư thần học mới.
Có thể nói Coe là người Á châu đầu tiên cổ võ cho khái niệm “bối cảnh hoá” (contextualization) để thay cho mô hình “bản vị hoá” (indigenization) trong việc dạy và học thần học. Đối với ông khái niệm “bản vị hoá” đã lỗi thời vì nó quy chiếu về quá khứ thay vì hiện tại. Bản vị hoá giả định rằng chỉ cần hội nhập những phạm trù Kinh Thánh và đức tin truyền thống vào trong một nền văn hoá bản địa là đủ. Nhưng thần học cho người châu Á đâu chỉ là một bản sao văn hoá của thần học Âu châu! Coe đã cho thấy những trào lưu thần học vào thời đó (1950-1970) ở Mỹ La-tinh, Phi châu và Á châu chẳng có gì hơn là sự chuyển dịch thần học Âu châu vào cái vỏ văn hoá bản địa. Sứ điệp của Tin Mừng chỉ được biên dịch lại trong các truyền thống của các dân tộc Á, Phi hoặc Mỹ La-tinh. Nói một cách hình tượng, làm thần học theo kiểu này chỉ là bứng cái cây cũ trồng vào đất mới!
Với thuật ngữ bối cảnh hoá, Coe và các cộng sự viên đã đưa ra một phương pháp suy tư thần học khác dựa trên những yếu tố đương đại, có khả năng khai phóng và hướng về tương lai. Coe cho rằng thần học phải bắt đầu với “nhận định về những dấu chỉ của thời đại trong việc rao giảng Tin Mừng, xét xem Thiên Chúa đang hoạt động ở đâu và mời gọi chúng ta tham dự như thế nào vào trong việc ấy.”[4] Thần học bối cảnh chính là việc suy tư về cách Thiên Chúa đang tương tác với con người trong hoàn cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội, tôn giáo, kinh tế và chính trị đặc thù của mỗi cộng đồng địa phương. Coe kêu gọi các Giáo Hội Kitô giáo tại Á châu nói chung và Đài Loan nói riêng hãy làm thần học và rao giảng Tin Mừng trong hoàn cảnh đặc thù của mình. Việc học và dạy thần học tại Á châu phải được đặt nền trên kinh nghiệm của con người châu Á chứ không phải chỉ là áp dụng một cách máy móc các phạm trù của thần học Tây phương.
Về phía Công giáo từ sau Công đồng Vatican II cũng có những hướng phát triển tương tự. Khi các giám mục Công giáo Á châu bắt đầu canh tân các Giáo Hội địa phương dựa trên tinh thần của Công đồng, họ cũng nhận thấy cần phải canh tân phương pháp làm thần học và rao giảng Tin Mừng với cung cách Á châu. Khi Liên Hội đồng các Giám mục Á châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences – FABC) họp lần thứ nhất tại Đài Bắc năm 1974, các giám mục đã cổ võ một nền thần học có tính bối cảnh, cho dù các ngài không sử dụng thuật ngữ “thần học bối cảnh” như Shoki Coe. Đối với các giám mục, các Giáo Hội tại Á châu phải đi vào trong hoàn cảnh sống của mình.
Trong bài viết này, tôi sẽ trình bày về phương pháp thần học bối cảnh của FABC như một đóng góp vào việc canh tân cách suy tư, học và dạy thần học, không chỉ tại Á châu mà còn cho Giáo Hội phổ quát trong hoàn cảnh toàn cầu hoá hiện nay.
Thần học Âu châu cũng là thần học Bối cảnh
Trong một tác phẩm khá nổi tiếng Những Mẫu thức của Thần học Bối cảnh (Models of Contextual Theology), thần học gia Stephen Bevans khẳng định rằng mọi nền thần học đều là thần học bối cảnh, kể cả thần học truyền thống của phương Tây.[5] Bevans cho rằng điều căn bản làm nên thần học bối cảnh chính là dùng những kinh nghiệm và hoàn cảnh sống của những cá nhân và cộng đoàn như suối nguồn suy tư thần học (locus theologicus). Nhận định của Bevans có phần giống với những gì Shoki Coe đã đề xuất gần hai thập niên trước đó. Nếu thần học là một diễn giải của sứ điệp mạc khải – đặc biệt bằng cách mà Thiên Chúa tương tác với con người trong và ngang qua Đức Giêsu Kitô – thì mọi thế hệ Kitô hữu trong những thời đại và không gian địa lý khác nhau sẽ phải diễn tả kinh nghiệm đức tin của họ bằng ngôn ngữ, hình ảnh, biểu tượng và tư tưởng của thời đại và không gian ấy.
Người ta đã quên mất rằng những Kitô hữu đầu tiên đã phải thích nghi và diễn dịch Tin Mừng của Đức Kitô từ văn hoá Sêmit sang văn hoá Hy La. Khi Kitô giáo trở thành quốc giáo trong đế chế Roma từ cuối thế kỷ thứ IV, sự hòa trộn giữa ngôn ngữ, văn hoá chính trị và tôn giáo gần như không thể tách biệt được. Ngay cả những tín lý được khẳng định trong các đại Công đồng đầu tiên đều là kết quả của những sự tranh cãi trong Hội Thánh cùng với sự can thiệp của hoàng đế. Niềm khát khao có một tôn giáo để đem lại sự ổn định cho đế chế đã đưa đến tình trạng phổ quát hoá các công thức đức tin thay vì giữ lại sự đa dạng vốn có trong hoàn cảnh các Giáo Hội ban đầu. Cái đặc thù phải nhường chỗ cho mẫu số chung!
Từ thế kỷ XI trở đi, một nền văn hoá duy La-tinh đã được hình thành ở Tây Âu. Bị cô lập bởi thế giới Hồi giáo và đế chế Byzantin, nội dung của thần học Tây phương đã giản lược dần về đề tài “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” (fides quaerens intellectum). Lúc này, suy tư thần học chỉ là tìm cách giải thích các tín điều. Thần học, nhất là thần học kinh viện, thường dựa trên việc phân tích các giáo lý đã được định tín. Trong việc đi tìm chân lý, thần học Tây phương ưa chuộng những ngôn ngữ phi thời gian của triết học. Chân lý là bất biến và những yếu tố văn hoá và lịch sử thường bị bỏ qua. Kinh nghiệm con người và xã hội thường bị đóng khung trong những khái niệm trừu tượng và duy lý.
Vì sự gắn kết chặt chẽ giữa văn hoá Tây phương với thần học qua ngôn ngữ và phạm trù triết học Tây phương, người ta khó phân biệt đươc đâu là văn hoá và đâu là Tin Mừng. Ngôn ngữ và thần học La-tinh được xem là chuẩn mực cho việc tìm hiểu và truyền bá đức tin trong thời Trung cổ. Ngay cả khi các nhà truyền giáo tiếp cận với các Giáo Hội cổ xưa ở Trung Đông, Bắc Phi, hay Ấn Độ, họ vẫn đề cao sự ưu việt của Kitô giáo La-tinh và tìm cách La-tinh hoá các truyền thống Giáo Hội khác.
Cho đến thế kỷ XX, phương pháp suy tư thần học của Công giáo chủ yếu dựa trên triết học và truyền thống, cộng thêm một chút Thánh Kinh. Các định đề thần học được tranh luận để xác định hoặc bãi bỏ dựa trên các lập luận logic. Kinh nghiệm cá nhân và xã hội không có nhiều đóng góp trong quá trình suy tư thần học. Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất, với sự ra đời của Tân Thần học (Nouvelle Théologie), người ta mới chú ý nhiều hơn đến chiều kích lịch sử và xã hội của những công thức thần học này. Từ những khám phá mới này, thần học Âu châu xét ra cũng chỉ là một loại thần học bối cảnh, được hình thành và phát triển từ đế chế Roma cho đến Kitô giới (Christendom) thời Trung cổ.
Thần học FABC: thần học Bối cảnh của Á châu
Công đồng Vatican II đã đánh dấu một bước ngoặc mới cho các giáo hội tại Á châu. Gần một phần ba các nghị phụ tham dự công đồng đến từ thế giới Á Phi. Lần đầu tiên các giám mục của các Giáo Hội tại châu Á – giám mục thừa sai cũng như giám mục bản địa – đã gặp gỡ và trao đổi với nhau về những quan tâm và ưu tư chung. Năm 1970 tại Đại Hội Thánh thể/Eucharistic Congress ở Manila, lần đầu tiên từ sau khi Công đồng kết thúc, các giám mục Á châu mới có dịp họp lại. Hơn 180 giám mục Á châu đến để chia sẻ kinh nghiệm mục vụ và cùng cố gắng tìm ra những phương cách mới để có thể phục vụ hữu hiệu và rộng rãi hơn, không chỉ cho các cộng đoàn Công giáo mà còn cả con người Á châu nữa.[6] Các ngài nhận ra là Giáo Hội phải đồng hành và đối thoại với con người và thể chế trong những hoàn cảnh đặc thù của Á châu để Giáo Hội có thể trở thành Giáo Hội của người nghèo, của người trẻ, và của các dân tộc sống trong các nền văn hoá và tôn giáo đa dạng tại Á châu. Thật vậy Giáo Hội Á châu đã nhận phương thức đối thoại mà Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đề ra trong tông huấn Ecclesiam Suam (1964) làm phương châm hành động (modus operandi) của mình.
Được gợi hứng từ Liên Hội đồng các Giám mục Mỹ La-tinh (CELAM) được thành lập năm 1968, các đức giám mục Á châu cảm thấy cần phải liên kết với nhau chặt chẽ hơn nữa để cùng nhau xây dựng Hội Thánh trên lục địa này. Mười hai hội đồng giám mục tại Nam Ávà Đông Nam Áđã tiến tới việc thành lập Liên Hội đồng các Giám mục Á châu (FABC).[7] Cứ khoảng 4 năm một lần, từ khi bắt đầu phiên họp khoáng đại lần đầu tiên tại Đài Bắc năm 1974 cho đến năm 2016, FABC đã họp mặt 11 lần tại các địa điểm khác nhau với những chủ đề thiết thực cho đời sống đạo tại Á châu.[8] Thêm vào đó, giữa những lần họp khoáng đại các văn phòng chuyên biệt của FABC đã tổ chức các cuộc hội thảo, khoá huấn luyện, họp mặt cấp vùng về những vấn đề và thách đố cho các Giáo Hội tại Á châu.
Tại Đại Hội FABC I (1974), các đức giám mục đã nhất trí đưa ra đường hướng mục vụ tại châu Á: Giáo Hội phải đồng hành với người nghèo, đi vào các nền văn hoá và các tôn giáo của Á châu. Thần học Á châu phải là một thần học gắn liền với những thực tại của Á châu, có tính thực tế và mục vụ chứ không phải là một thần học duy lý phi thực tiễn. Thần học Á châu khởi đi từ hoàn cảnh cụ thể, được suy tư và chiêm niệm dưới ánh sáng của Tin Mừng, trong truyền thống của giáo hội, nhưng luôn mở ra và đối thoại với những yếu tố kinh tế, xã hội, văn hoá và tôn giáo, vốn là hoàn cảnh sống của con người châu Á.
Trong hơn bốn thập niên vừa qua kể từ ngày thành lập, FABC đã chủ trì các cuộc thảo luận về các thực tại của Giáo Hội Á châu. Điều không mấy ngạc nhiên là gần như các chủ đề được trình bày và thảo luận không nhắc gì nhiều đến những vấn đề tranh cãi đang nổi cộm ở phương Tây như huấn quyền của Hội Thánh, luân lý tính dục, ngôn ngữ của phụng vụ, việc phong chức cho phụ nữ, canh tân hệ thống quản trị và giáo luật. Thay vào đó, FABC cổ võ cho một “Giáo Hội học bỏ mình” (ecclesiogical kenosis), nghĩa là Giáo Hội đi ra khỏi những quan tâm nội bộ để hướng về việc phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Nói cách khác, Giáo Hội Á châu quan tâm nhiều hơn đến chiều kích ngoại tại (ecclesia ad extra) hơn là nội tại (ecclesia ad intra). Không phải là những vấn đề bên trong đời sống Giáo Hội tại Á châu không quan trọng, nhưng vì phần lớn là các xứ truyền giáo, FABC quan tâm nhiều hơn đến vai trò và trách nhiệm của Giáo Hội trong các xã hội Á châu, ở nhiều nơi mà người Công giáo vẫn còn là thiểu số. Đường hướng của FABC không đi ngoài tinh thần của hiến chế Gaudium et Spes của Vatican II, một hiến chế nhấn mạnh đến việc gặp gỡ, đối thoại và cộng tác với thế giới bên ngoài.
Một vài đặc nét của thần học Á châu
Trong 50 năm qua, các Giáo Hội tại Á châu luôn kiên trì theo đuổi đường lối được Công đồng Vatican II đề ra. Các đức giám mục Á châu đã thực hiện ý tưởng Giáo Hội đi vào lòng thế giới của hiến chế Gaudium et Spes bằng cách đọc những dấu chỉ (reading the signs of the times) nơi địa phương và hoàn cảnh đặc thù của mình, và sau đó tiến tới việc suy tư thần học thích hợp với bối cảnh đó. [9]
Tưởng nên nhắc lại là FABC được thành lập để giúp các Giáo Hội Công giáo tại Á châu chia sẻ kinh nghiệm áp dụng tinh thần của công đồng Vatican II vào hoàn cảnh địa phương. Dù FABC chỉ là một liên hiệp của các hội đồng giám mục và không có quyền tài phán, các đường hướng mà FABC đưa ra đều mang lại những ý tưởng thiết thực cho các Giáo Hội tại Á châu. Nói cách khác, thần học của FABC mang tính cách tham vấn nhưng đó là đóng góp của những suy tư thần học đến từ mọi tầng lớp của Hội Thánh – giám mục, giáo sĩ, tu sĩ, và giáo dân – trong hoàn cảnh cụ thể của họ.
Thần học Á châu là thần học của đối thoại và cho việc đối thoại (theology of and for dialogue): Cụm từ “đối thoại” (dialogue) xuất hiện rất nhiều trong các văn kiện của FABC. Có thể nói đây là cách mà FABC diễn tả sự liên đới giữa Giáo Hội và các dân tộc và xã hội Á châu. Khi nói đến việc Giáo Hội chọn con đường đối thoại và hoà giải làm phương châm hành động, nhiều người cho rằng đối thoại không gì khác hơn là đàm phán hoặc thoả hiệp. Thật ra, đối thoại và đàm phán là hai phạm trù khác nhau, có mục đích khác nhau. Đối thoại trước hết là tinh thần muốn lắng nghe, muốn hiểu biết về thế giới và con người trong hoàn cảnh sống. Đàm phán là trao đổi, thảo luận hoặc tranh cãi để tìm ra một sự đồng thuận chung hay đi đến một kết luận chung. Đàm phán luôn luôn có những mục tiêu và kết quả cụ thể. Đối thoại thì không nhất thiết phải dẫn đến một sự đồng thuận nào. Đó chỉ đơn giản là việc lắng nghe và trao đổi để hiểu đối phương hơn. Nhưng không thể có đàm phán nếu không có tinh thần muốn đối thoại.
Trong tầm nhìn của FABC, việc đối thoại giúp Giáo Hội thoát ra khỏi những bận tâm bên trong. Cuộc đối thoại ba chiều kích (triple dialogue) – đối thoại với xã hội, với văn hoá và với tôn giáo – là đường hướng mục vụ cũng như phương pháp thần học Á châu, phản ảnh thực tại và hoàn cảnh sống của người tín hữu châu Á.[10] Trong bối cảnh kinh tế xã hội văn hoá và tôn giáo trên lục địa này, ba mối quan tâm chính yếu của Giáo Hội là giải phóng con người, hội nhập văn hoá và đối thoại tôn giáo. Đối với FABC, đây không phải là ba hoạt động riêng rẽ, nhưng chỉ là ba chiều kích của cùng một sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh – một sứ mạng mang tính phục vụ và hiện diện. Sứ mạng này chỉ có thể thực hiện được trong thế giới ngày nay ngang qua việc đối thoại.
Thần học Á châu là thần học thực nghiệm: Nếu trong thần học truyền thống, suy tư thần học là giải thích chân lý của Tin Mừng và giáo lý dựa trên những phạm trù triết học – một loại thần học “từ trên xuống” (theology from above; deductive theology) bắt đầu bằng những định đề và công thức giáo lý – thì thần học bối cảnh, đặc biệt thần học FABC là thần học “từ dưới lên” (theology from below; inductive theology) dựa trên những quan tâm của con người Á châu. Ngoài mạc khải Thánh Kinh và Truyền thống giáo hội, thần học Á châu còn sử dụng các chất liệu từ các nếp sống văn hoá, truyền thống tôn giáo, minh triết Đông phương, lễ hội dân gian, phong tục tập quán, đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, và ngay cả những biến cố toàn cầu.[11] Nói chung, chẳng có gì trong cuộc sống mà không có thể là khởi điểm cho việc suy tư thần học. Việc đi tìm chân lý đức tin thông qua chính kinh nghiệm sống chứ không phải thuần tuý áp dụng một số giáo lý vào cuộc sống. Như vậy, điều này có nghĩa là phương pháp thần học Á châu theo đuổi lối tiếp cận liên ngành (multidisciplinary approach), trong đó bao gồm việc đối thoại giữa mạc khải và giáo lý truyền thống với các ngành lịch sử, ngôn ngữ, văn hoá nghệ thuật, nhân học, xã hội học, kinh tế, chính trị học, v.v.
Thần học Á châu mang tính mục vụ: Khác với thần học truyền thống mang nặng tính hàn lâm, thần học bối cảnh gần gũi hơn với đời sống con người. Các nhà thần học Á châu đang nỗ lực phục hồi cách suy tư của truyền thống Kitô giáo Á châu cổ đại, vốn nhấn mạnh hơn về chiều kích thần bí (mystical), chiêm niệm (contemplative) và vô ngôn (apophatic) được diễn tả trong các bài thánh thi và dụ ngôn của Giáo Hội Syriac.[12] Cách dùng dụ ngôn và hình ảnh này rất gần gũi với tâm thức Á châu. Điển hình là thần học kể chuyện (narrative theology) của Kokuye Koyama và Choan-Seng Song, hay những dụ ngôn thời đại của Anthony de Mello. Loại thần học kể chuyện dùng minh triết dân gian của các dân tộc Á châu để diễn tả đức tin Kitô giáo qua những câu chuyện mang tính suy tư giống như các công án của Thiền tông.
Những câu hỏi đặt ra cho các thần học gia người Á châu là làm sao để thần học phải đáp ứng được nhu cầu tâm linh của con người châu Á? Làm sao để nói về Thiên Chúa trong ngôn ngữ bình dân mà ai cũng có thể hiểu? Làm sao để thần học không phải là một bộ môn xa lạ, bí hiểm với những ngôn từ và khái niệm trừu tượng của triết học Tây phương? Làm sao để cho người ta thấy Đức Kitô không chỉ là của riêng Kitô giáo mà còn chung cho cả các dân tộc Á châu, cho dù họ có gia nhập Giáo Hội hay không? Làm sao để Đức Kitô không trở nên xa lạ với người châu Á, nhưng chính là một người con của Á châu.[13]
Thần học Á châu hướng con người về Nước Thiên Chúa: Thực tế của Hội Thánh tại Á châu tồn tại trong các Giáo Hội nhỏ bé, với vai trò làm muối, men, chất xúc tác. Mặc dù tỷ lệ phần trăm ở nhiều nơi trên lục địa Á châu (không kể Philippines, Đông Timor, và các nước thuộc Liên Xô cũ) Công giáo chỉ là một con số khiêm tốn – từ 0.5% ở Nepal cho đến 8% ở Việt Nam, hoặc 29% ở Hàn Quốc,[14] Giáo Hội Á châu đã đóng rất nhiều cho việc giáo dục, y tế, bác ái xã hội trong nhiều quốc gia. Đối tượng phục vụ chính là những con người không phân biệt lương giáo chứ không chỉ cho những tín hữu Kitô mà thôi. Mục tiêu chính của Hội Thánh ở Á châu là rao giảng Tin Mừng về Nước Thiên Chúa trong mọi nơi và mọi lúc, chứ không hẳn là dụ dỗ hay cưỡng ép người ta theo đạo và gia nhập Hội Thánh để hưởng một quyền lợi nào đó. Ngày nay con người tìm về với Giáo Hội là vì nhu cầu tâm linh chứ không phải để “đi đạo lấy gạo mà ăn”.
Nước Thiên Chúa thì rộng hơn biên cương của Giáo Hội và vì thế, Giáo Hội có sứ mạng phục vụ cho Nước Thiên Chúa, đểý Ngài được thể hiện. Thần học FABC hiểu Nước Thiên Chúa theo chiều kích bác ái và liên đới – “đâu có tình yêu thương, ở đấy có Nước Chúa Trời”.[15] Làm sao để Giáo Hội tiếp tục đồng hành với người nghèo và những người bên lề xã hội? Làm sao để Giáo Hội tiếp tục gióng lên tiếng nói của những người yếu thế, những người bị đàn áp, bị tước đoạt quyền được sống xứng đáng với thân phận con người? Nếu việc rao giảng Tin Mừng không liên quan gì đến việc giải phóng con người khỏi những gì đang trói buộc họ cả về chiều kích tâm linh (tội lỗi) lẫn về chiều kích xã hội (bị đối xử bất công, kỳ thị, v.v.) thì Giáo Hội sẽ đánh mất chính mình và đánh mất chỗ đứng trong lòng con người.
Thách đố và cơ hội cho thần học Á châu
Trên 40 năm qua thần học FABC đã có những khởi đầu tốt qua việc tiến hành ba cuộc đối thoại với xã hội, văn hoá và tôn giáo. Ngày nay việc đối thoại của thần học Á châu đương đại còn cần thêm hai chiều kích nữa để phù hợp với hoàn cảnh ở thế kỷ XXI. Đó là việc đối thoại với khoa học kỹ thuật, và đối thoại với nhà nước pháp quyền.
Việc đối thoại giữa khoa học và thần học là điều cần thiết cho thời đại ngày nay khi con người đặt nhiều niềm tin vào sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Đặc biệt trong các nước phát triển tại Á châu, tôn giáo có nguy cơ bị bỏ lại phía sau và mất ảnh hưởng trên xã hội nếu không dung hoà được với những khám phá của khoa học hiện đại. Nếu những mâu thuẫn và đối kháng giữa khoa học và tôn giáo ở những thế kỷ trước xoay quanh vũ trụ học và nguồn gốc vạn vật, thì ngày nay những điều này không còn là vấn đề lớn gây tranh cãi giữa thần học và khoa học tự nhiên. Điều quan tâm của cả thần học lẫn khoa học ngày nay xoay quanh cảc vẩn đề sinh học đặc biệt là sự tác hại về môi sinh và những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ trên đời sống con người. Nếu suy tư thần học có mục đích vì con người thì chắc hẳn các thần học gia cần phải tìm hiểu và sử dụng những kiến thức sinh học, môi trường, tâm lý xã hội vào trong cách suy tư và lập luận thần học. Trong môi trường đa nguyên tôn giáo ở Á châu, chúng ta cũng có thể học cách các tôn giáo khác đã dung hoà khoa học trong niềm tin của họ.
Đối thoại với nhà nước pháp quyền là một thách đố lớn cho Giáo Hội tại Á châu ngày nay. Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, chỉ riêng có Giáo Hội Công giáo là có môt cơ chế đặc thù – đó là Toà thánh Vatican. Toà thánh vừa là một tổ chức tôn giáo vừa là một nhà nước pháp quyền với đức giáo hoàng là vị quốc trưởng cùng với những cơ cấu chính phủ như bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới. Vai trò chính trị của Toà thánh được đặt ra trong những tương quan với các quốc gia có người Công giáo. Nhiều hiểu lầm và nghi kỵ đối với người Công giáo vẫn còn tồn tại vì không ít người cho rằng các tín hữu Công giáo trung thành với một thế lực nước ngoài chứ không phải chính phủ của họ.
Việc đối thoại giữa Giáo Hội và nhà nước là điều cần thiết, để xoá tan mối nghi kỵ thường gặp là tôn giáo muốn chi phối nhà nước, hoặc muốn thay thế nhà nước. Nước Thiên Chúa không nhằm vào một thực tại chính trị nào ở trần gian. Vì thế Giáo Hội cũng không nhắm đến việc làm chính trị hay lèo lái chính sách của nhà nước. Nếu Giáo Hội có lên tiếng về những bất cập trong xã hội, đó là vì tôn trọng phẩm giá của con người. Về mặt thực tế, Giáo Hội muốn cộng tác với các chính phủ để cùng nhau xây dựng một xã hội và thế giới bình đẳng, nhân ái hơn.
Thay lời kết
Những khai triển chính trong bài viết này có mục đích cho thấy thần học bối cảnh không phải là một “trào lưu thời thượng” như cách ta vẫn quan niệm, nhưng đúng hơn là một phương pháp thần học dựa trên kinh nghiệm của cá nhân và xã hội. Đó là một nền thần học mang tính đối thoại giữa đức tin và kinh nghiệm, giữa giáo lý và hoàn cảnh. Phương pháp này đã khởi đầu từ thời Giáo Hội sơ khai khi Tin Mừng được các môn đệ của Đức Giêsu rao giảng trong thế giới cổ đại Hy La và xa hơn, đến cả các nền văn minh lân cận. Không chỉ có giá trị trong quá khứ, thần học bối cảnh cũng là phương pháp thần học thích hợp trong thực tại đa nguyên xã hội, văn hoá và tôn giáo của thời toàn cầu hoá và kỹ thuật số hiện nay.
Thật vậy, trong kỷ nguyên kỹ thuật số, thế giới đã xích lại gần nhau hơn nhờ công nghệ thông tin nối kết toàn cầu. Nhờ những mạng lưới truyền thông hiện đại, hàng tỉ người đã tiếp cận với nhau dễ dàng và nhanh chóng dưới mọi hình thức. Các tin tức cá nhân và cộng đồng đã loan truyền nhanh như chớp, đặc biệt qua các trang mạng xã hội. Sự phong phú và đa dạng trong các luồng thông tin đòi hỏi con người ngày nay phải tập suy tư đa chiều, ngay cả trong vấn đề tìm hiểu đức tin. Cách nào đó, có thể xem thần học bối cảnh như một cách suy tư thần học đáp ứng được nhu cầu thiết thực này. Bởi đây là một nền thần học mang tính thực nghiệm, xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, ngang qua việc đối thoại giữa chủ thể với các tác nhân khác nhau trong một hành trình kinh nghiệm tìm kiếm chân lý.
Thần học bối cảnh Á châu không phải là một thần học mới theo nghĩa đưa ra một nội dung giáo lý mới. Điều mới ở đây là nó đưa ra hướng tiếp cận thần học có khả năng đáp ứng với những thao thức của con người thời đại. Đó là một nền thần học mang lại niềm vui của Tin Mừng, niềm hy vọng cho những ai sầu khổ thất vọng, quan tâm đến nhu cầu tâm linh và xã hội của các dân tộc châu Á. Đó là một nền thần học muốn làm sáng tỏ sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa ngang qua Đức Giêsu Kitô – một người của châu Á – cho những con người Á châu ngày nay.
[1] Câu nói này trích trong tác phẩm The Commonitory, chương 2 đoạn 6. Vincentê thành Lérins là một đan sĩ sống đồng thời với thánh Augustinô. Ông cho rằng một giáo lý mang tính cách phổ quát phải có ba yếu tố: Nó có trong truyền thống không? Nó có được phổ biến không? Nó có được Giáo Hội ở mọi nơi nhận như là di sản chung không?
[2] Shoki Coe, “In Seach of Renewal in Theological Education,” Theological Education 9 (1973): 237-43.
[3] World Council of Churches, tạm dịch Liên hiệp các Giáo Hội Kitô giáo, là một phong trào đại kết của các Giáo Hội Kitô giáo được thành lập năm 1948 dựa trên mô hình của Liên Hiệp Quốc. Hiện WCC có khoảng 350 Giáo Hội thành viên lớn nhỏ gồm 500 triệu tín hữu trong 110 quốc gia và lãnh thổ (xem www.oikoumene.org/en). Trụ sở chính đặt tại Geneva. Phần lớn các Giáo Hội Chính thống và Tin lành đều là thành viên của tổ chức này. Giáo Hội Công giáo chỉ tham gia với tư cách là quan sát viên.
[4] Nguyên văn: “missiological discernment of the times, seeing where God is at work and calling us to participate in it.” Coe, “In Search of Renewal”, 241
[5] “There is no such thing as ‘theology’; there is only contextual theology … The contextualization of theology – the attempt to understand Christian faith in terms of a particular context – is really a theological imperative… it is a process that is part of the very nature of theology itself.” Stephen Bevans, Models of Contextual Theology (Maryknoll: Orbis, 1992; revised, 2002), 3.
[6] Asian Bishops’ Meeting (1970), số 2 trong Gaudencio Rosales và C. G. Arevalo, For All the Peoples of Asia, Vol. 1: 1974-1991 (Manila: Claretian Publications 1997), 3.
[7] Về lịch sử và cách tổ chức của FABC, có thể tham khảo Miguel Marcelo Quatra, At the Side of the Multitude (Manila: Claretian, 2000), 5-21; Thomas Fox, Pentecost in Asia (Maryknoll: Orbis, 2002), 22-37.
[8] FABC I (Taipei, 1974): Evangelization in Modern day Asia; FABC II (Calcultta, 1978): Life of the Church in Asia; FABC III (Bangkok, 1982): The Church: the Community of Faith in Asia; FABC IV (Tokyo, 1986): The Vocation and Mission of the Laity; FABC V (Bandung, 1990): Challenges for the Church in Asia; FABC VI (Manila, 1995): Christian Discipleship in Asia Today; FABC VII (Samphran, 2000): A Renewed Church in Asia; FABC VIII (Seoul, 2004): The Asian Family; FABC IX (Manila, 2009): Living the Eucharist in Asia; FABC X (Xuan Loc, 2012) Responses to the Challenges of Asia; FABC XI (Colombo, 2016): Catholic Family in Asia. Các giám mục miền Nam Việt Nam đã là thành viên chủ chốt của FABC I, và sau một thời gian vắng bóng, HĐGMVN đã tham dự trở lại với FABC kể từ năm 2000, và đã đăng cai FABC X ở Xuân Lộc năm 2016.
[9] Những quan tâm này được gợi hứng từ hiến chế Gaudium et Spes như Công đồng đã khẳng định: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà lại không gieo âm hưởng trong lòng họ” (GS 1).
[10] FABC I nhắc đến việc “dialogue with the religions of Asia” (số 14-18), “with the poor of Asia” (số 19-24) và “with the cultures of Asia” (số 26, 3132). Rosales and Arévalo, ed., For All the Peoples of Asia, Vol 1: 11-19.
[11] Xem thêm Chương 3 của “Methodology: Asian Christian Theology,” (2000) của uỷ ban thần học của FABC (Office of Theological Concerns) trong For All the Peoples of Asia, Vol 3: 355-64.
[12] Trong truyền thống giáo hội, ngoài nền thần học La-tinh của phương Tây, thần học Chính thống của khối người Hy-lạp và Slavic, còn một nền thần học Á châu cổ xưa của các Giáo Hội Syriac đã bị lãng quên. Thần học Syriac (còn gọi là Oriental Orthodox để phân biệt với Byzantine Orthodox) phát triển ở vùng Ba Tư, Trung Á và Nam Ấn Độ thời xưa, trước khi bị tàn lụi dưới sự kiểm soát của Hồi giáo ở Á châu vào thế kỷ 14-15. Ngày nay thần học Syriac còn sót lại ở vùng Kerala, Ấn Độ. Có thể đọc thêm về phương pháp của nền thần học này ở For All the Peoples of Asia, Vol 3: 338-46.
[13] Đối với nhiều người, đức Phật Thích Ca là một người khá gần gũi, là một người của châu Á, cho dù họ có là Phật tử hay không? Còn đức Kitô thì sao?
[14] Xem số liệu ở https://en.wikipedia.org/wiki/Christianity_in_Asia.
[15] Nguyên văn “where God is accepted, where the Gospel value, where [hu] man is respected… there is the Kingdom”. BIRA IV/2 (1985), art. 8.1 trong For All People of Asia, Vol 1: 252.