Dịch từ tiếng Đức trong Karl Rahner, Sämliche Werke, Band 23, Herder Verlag, Freiburg, tr. 25-28 bởi: Bùi Quang Minh, S.J.
Khi muốn nói chút nào đó đến phần thưởng của lòng thương xót, thì chúng ta sẽ rơi ngay vào một hoàn cảnh hết sức nan giải, một tình trạng thấy mình bị đảo lộn tư bề. Và có thể nói cái giá phải trả hay phần thưởng cao nhất ở đây, chính là việc cần giải trình tình trạng bị đảo lộn ấy.
Khi một con người bày tỏ sự thương xót với đồng loại của mình, người ấy cảm thấy đang hạ mình xuống người đồng loại, nhưng đồng thời hạnh phúc với việc hạ mình xuống như thế. Đó là điều tối thiểu ta có thể quan sát được. Một trong những gốc rễ của từ ngữ thương xót trong Cựu Ước cho thấy rõ điều đó: Lòng thương xót được coi như là hành vi “hạ mình chịu lụy”. Và một từ nguyên khác (trong bối cảnh của tình mẫu tử, phụ tử) cũng hướng đến một động thái tương tự. Điều này thật khiếp đảm. Ai muốn thích thấy mình bị hạ xuống như vậy? Xem chừng khi bày tỏ lòng thương xót, nếu không tính đến nấc cuối cùng là nhân phẩm thuộc riêng của từng con người, thì phải chăng sự cao quý trong nhân phẩm của người nghèo và người đau khổ sẽ hiện ra trong vóc dáng của cái thấp hèn, bé nhỏ? Chắc hẳn người ta đã có thể làm mọi cách để tình trạng chênh lệch đau lòng này được san bằng: kẻ đói được no, người bệnh được lành nhờ lòng thương xót của người khác. Nhưng rồi những kẻ được thi ân này sau đó có thể ít nhiều tự đặt câu hỏi, rằng liệu sự hạ mình của lòng thương xót của những người kia có thực sự là điều nâng đỡ mình thực sự hay không. Thậm chí nếu có là vậy đi nữa, thì ta cũng có thể đặt ra câu hỏi, là liệu người đón nhận lòng thương xót, ngay cả khi họ hiếu kỳ đặt vấn đề về chính động cơ của hành vi thương xót dành cho họ đi nữa, sẽ cảm thấy nhân phẩm của mình bị sỉ nhục ê chề không?
Thế nên người ta vẫn luôn dựa vào lý do này để tiếp tục quan niệm rằng cần phải dẹp bỏ cái kiểu thực hành lòng thương xót dị chướng ấy đi, và thay vào đó nên nói về sự công bằng bình đẳng, vốn cung cấp một cách hiểu ít gây vấn đề hơn. Đó là một sự công bằng mà ai cũng có quyền riêng của mình, và ai cũng phải có nghĩa vụ giúp đỡ tha nhân mà không nhất thiết phải nại đến việc bắt buộc ra khỏi cái vỏ địa vị hoặc thịnh vượng riêng, cả về vật chất lẫn tinh thần của mình, để hạ mình xuống khi cứu giúp tha nhân. Nào chẳng phải nhân phẩm bị chà đạp của con người vẫn thường hay được người ta gióng trống kêu gào bằng một cách thức đầy thống thiết hay sao: Này, tôi muốn được sử dụng quyền cơ bản của mình, chứ không cần của bố thí! Thế nên ta cũng có thể nói rằng, để sống lòng thương xót chân thực, người ta phải hết lòng xoá mình, để những đen tối và cao ngạo trong con người mình biến mất. Ta không thể trả lời vội vã và cẩu thả được, rằng lòng thương xót là một sự đồng cảm tích cực với cái túng thiếu và sự đau khổ của người nghèo và người bất hạnh, rồi từ đó cho phép mình xa lạ với mọi cảm giác phải hạ mình nào đó.
Vậy thì cảnh tượng xem ra sẽ thật là đáng buồn! Người nghèo sẽ chẳng giúp cho người nghèo trở nên giàu được, và kẻ đang tuyệt vọng cũng chẳng an ủi được ai khác. Ta chẳng thể nào giúp được gì trước nhu cầu của người khác. Nào chẳng phải các triết gia Khắc Kỷ và Biện Sĩ đã không có lý khi xếp lòng thương xót và đồng cảm ngay sau khái niệm gánh nặng đó sao? Liệu người ta có được phép giúp đỡ tha nhân theo một cách khác, theo đó ta có thể cứu nguy cơn ngặt nghèo của họ mà không cần ngoảnh mặt nhìn, như thể việc này đến từ quyền riêng của chính họ, như thể trong việc này người ta thực sự muốn giữ một thái độ chừng mực và chỉ chú trọng đến sự kiện, để cho thấy không vì cá nhân mình, nhưng bằng cách đó muốn hành xử nghiêm túc và chuẩn mực đối với người khác? Phải chăng người có lòng thương xót thực sự là người cảm thấy có lỗi về sự “giàu có” của mình, khi so với người khác, (không chỉ là chuyện tiền vàng của cải ở đây), và thấy những của cải ấy như là đồ ăn cắp của tha nhân?
Khi ta nói theo ngôn ngữ Kinh Thánh, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, và với tư cách là thụ tạo và con cái của Ngài, chúng ta sống nhờ vào lòng thương xót không thể nào tả xiết của Thiên Chúa, thì câu hỏi hóc búa trên kia sẽ lại càng trở nên đay nghiến và hành hạ thêm mà thôi: Làm sao có thể nghĩ được từ trong cái vinh quang và thánh thiện bất khả lay chuyển và tinh ròng của Thiên Chúa, sự hạ mình chịu luỵ của lòng thương xót, của việc trao ban mà lại không kéo theo nguy cơ mất mình, nếu điều được ban tặng lại chẳng làm suy giảm tí nào đến thực tại Thiên Chúa, kéo từ từ vào dòng thời gian nhân sinh Đấng vĩnh cửu vốn chẳng hề bị tác động của bất kỳ dòng chảy thời gian nào? Nào chẳng phải Thiên Chúa là hình mẫu của lòng thương xót mà chúng ta sẽ không thể nào bắt chước được, bởi lòng thương xót của Thiên Chúa ấy sẽ chẳng hạ gục lòng thương xót phàm nhân và thậm chí làm cho nó ra vô nghĩa sao?
Dầu vậy sứ điệp của Tin Mừng lại là việc loan báo tình thương, một tình thương hạ mình về phía sự nghèo khó, không theo kiểu của thần tình yêu Eros bị lôi kéo bởi vẻ đẹp của người được yêu, nhưng yêu mến do lòng thương xót, cho dù hay bởi vì người được yêu là ai đó nghèo hèn, thấp kém và chỉ là hư không. Nếu sự hạ mình của tình thương là một cái gì đó kinh khủng, thì cũng kinh khủng một trật như vậy đối với một ý chí không muốn để ai tặng cho mình cái gì, cũng kinh khủng một trật như vậy với kiểu hành xử muốn tự mình xoay sở mọi chuyện, tắt một lời, đó là một sự kiêu ngạo vượt trội. Nào phải chăng cả hai kiểu này, khi liên kết với nhau, lại chẳng trớ trêu tạo ra một sự phân rẽ chết người vốn phản ánh chính đặc tính éo le và lầm than của phận người tội lỗi? Ai có thể trao ban mà lại không ít nhiều thấy mình cao thượng qua phần quà trao tặng chứ? Ai có thể đón nhận mà lại không ít nhiều thấy phẩm giá mình xây xướt hay sứt mẻ chứ?
Nếu người ta không thể hạ lòng một cách “nhưng không” được, thì rõ ràng việc này chỉ dành cho người nào biết nhìn nhận cuộc đời và những sở hữu của mình như một quà tặng, để chúng có thể được cho đi tiếp sau đó. Tương tự vậy, đó là người không ngừng có kinh nghiệm về mình như là kẻ lúc nào cũng được đụng chạm vào một lòng thương xót sâu thẳm và mênh mông, đến độ những gì người ấy cho đi sẽ không được hiểu như những tư hữu, mà chính là những gì được gửi gắm, bởi chúng chưa bao giờ được coi như là cái được tặng ban vĩnh viễn mà người ấy có quyền giữ riêng. Người ta chỉ trở nên ai đó có lòng thương xót (mà không cần tự mang mặc cảm tiêu cực nào) khi thấy mình được thương mến với lòng trắc ẩn và dám sống với thái độ ấy, khi người ta cho đi bằng chính những gì người ta nhận như là quà tặng của tình thương. Chỉ trong agape, trong đức ái thì người được yêu mới sống được lòng thương xót. Chỉ ai sống được tâm tình khiêm hạ này như là nền tảng hiện sinh, tức là coi cuộc sống mình như là quà tặng của tình thương, mới không vướng vào cái bẫy kiêu ngạo của việc thực hành lòng thương xót. Chỉ bằng cách ấy thì hành vi thương xót của người ấy mới không xuất hiện trong vị thế của người giàu và người có tình trạng ổn định, nhưng trong vóc dáng của người nghèo, và vì anh em nghèo khác của mình mà biết cho đi.
Và mỗi khi người này nhìn vào kẻ mình thực thi lòng thương xót, người ấy nhận ra chính cái khốn khổ và nghèo túng của bản thân, cũng như thấy người ấy đồng hành trong tư cách huynh đệ với mình ở nơi mà mọi cái nghèo túng và trống rỗng đều được đong đầy như nhau. Và như thế, người ấy sẽ thấy mình nhận lãnh từ người anh em mình nhiều hơn so với điều mình ban tặng. Cái hơn ấy không gì khác hơn là chính việc nhìn thấy sự trống rỗng ở nơi mình, mà nếu chỉ co lại một mình trong không gian giàu có riêng thì nó sẽ không bao giờ tan biến đi được. Simul dives et pauper. Người ta giàu và nghèo theo cùng một trật!
Nhưng chúng ta đã thực sự trình bày hết những gì liên quan đến lòng thương xót đến hạ mình, mà chúng ta còn gọi là tình yêu Thiên Chúa chưa? Hay chúng ta lại chẳng chuyền tay món quà tặng làm nhục người khác, mà rồi chính chúng ta cũng qua đó tự hạ nhục chính mình, đến độ lòng trắc ẩn vốn thúc đẩy tình thương xót kiểu đó chẳng những không chữa lành mà còn khoét sâu thêm nỗi đau? Nếu như chúng ta bị chia cắt với suối nguồn và nền tảng của mọi thực tại và mọi điều thiện hảo mà chúng ta gọi là Thiên Chúa theo một kiểu tinh vi và sâu xa nhất (và khi đó Ngài sẽ trở thành thực tại vô cùng xa lạ với chúng ta), thì còn ai có thể nói về tình thương theo cách này nữa? Hành vi trao ban sẽ cùng lúc là hành vi hạ nhục sao? Chẳng phải người ta sẽ lại tự tạo cho mình một nỗi đau vời vợi, khi để cho sự trống rỗng vô nghĩa của kẻ chạy đến cầu cứu mình đến chiếm đóng trong tâm hồn, những người mà họ đã cố giải gỡ khỏi cơn khốn cùng trước đó? Hay là món quà mà người ta trao tặng sẽ chỉ được đón nhận thực sự, như là phép lạ của tình yêu, khi mà người ta nhất thiết không phải hạ mình chịu luỵ, chỉ khi người ta cảm nhận sự thánh thiện, một sự thánh thiện vượt lên trên cả những giàu sang và hào nhoáng của người cho và cả quà tặng của họ, bởi sự thánh thiện này không là gì khác chính ngoài con người biết trao tặng của họ?
Thật vậy, khi người thực thi lòng thương xót biết trao tặng chính mình, biết tự “trao nộp” chính mình, thì người nhận sẽ không thấy mình bị tổn thương. Nhưng liệu ta có làm được điều đó không trong vấn đề sống lòng thương xót, khi hiểu chuyện này như là việc phải trao tặng cái gì đó, chứ không phải là những điều liên quan đến tình thương, một tình thương tự trao dâng chính mình và qua đó giải phóng cả đôi bên, người yêu và người được yêu? Và thêm nữa: liệu người ta có tội trước mặt Chúa không, khi không muốn tự trao dâng chính mình? Vậy chẳng phải là tại điểm này sự hiểu biết về tội, nếu xét cho công tư, lại có tầm quan trọng vượt trội hơn cả hành vi của tình yêu đón nhận ư, trong khi tình yêu vốn mang nơi mình ánh sáng và không gì khác ngoài ánh sáng?
Tuy nhiên, trở lại câu hỏi về vị Thiên Chúa, Đấng trong khi tự trao ban chính mình mà không triệt tiêu kẻ Ngài thi ân, ta còn có một cách trả lời khác. Nhưng đụng đến câu trả lời này, ta chỉ có thể nói lắp bắp và run rẩy mà thôi. Nếu câu trả lời này liên quan đến một điều gì đó xem chừng như hoàn toàn bất khả thi, thì tốt hơn là nên im lặng chăng? Chính Thiên Chúa đã đón nhận thụ tạo như là thực tại của chính Ngài, và vì thế Ngài đã chịu đau khổ trong chính thực tại đau khổ của chúng ta. Ngài đã tự phó mình vào trong cái hư không của chúng ta như thể đó chính là số mệnh của Ngài và vì thế khi trao ban, Ngài không thể là ai đó quảng đại và hạ mình chịu luỵ được. Thậm chí, Ngài lại còn đứng cùng hàng với người nghèo, người than khóc, người đói khát và hấp hối. Cách nói như thế về Thiên Chúa ngày nay chẳng còn lọt tai với những người muốn hiểu Thiên Chúa như một vị thần trong thần thoại.
Nhưng nào chúng ta lại không phải lập luận rằng: trước hết, nếu Thiên Chúa – Đấng tràn đầy tuyệt đối, và chúng ta, – loài hư vô và trống rỗng cả hai đều hiện hữu, tiếp đến, nếu Đấng tròn đầy kiến tạo nên loài hư vô và sau cùng, nếu thực sự Ngài là đấng tràn đầy ánh sáng, Đấng mang lại ý nghĩa và là nguồn thiện hảo, lại sáng tạo những điều đó một cách có chủ ý, thì chính Ngài sẽ phải chịu trách nhiệm về tính hư vô của chúng ta. Nhưng nếu Ngài không thể đứng tách biệt trong cái vỏ bất khả xâm phạm và vô tận của riêng Ngài với chúng ta, những kẻ phải mang những vết thương mở toạc, đau đớn và không bao giờ lành, thì chính lúc ấy, Ngài phải (bằng sự thúc bách tự do của tình yêu) tự mình vác lấy cái ách của phận loài hư không chúng ta. Và phần chúng ta, khi tiến trình đón nhận chính sự tự thông truyền chính mình của Thiên Chúa trong thân phận thụ tạo của chúng ta đạt đến mức được ghi tạc vào trong thẳm sâu nhất của nhân tính, thì cũng là lúc sự đón nhận ấy sẽ biểu lộ ra bên ngoài, trong hình thức cụ thể của lịch sử, mà trong lịch sử ấy tất cả chúng ta đều thấy mình được thông phần: đó chính là giây phút hiển lộ của Thiên Chúa trong thân xác nhân loại, dưới hình bóng người Con của Thiên Chúa Cha. Và nói trong ngôn ngữ bác học, nếu một học thuyết phiếm thần (Pantheismus) hay phổ thần (Panentheismus) nào không còn mang màu sắc huyền thoại đối với người nghe thời nay nữa, thì học thuyết ấy sẽ chẳng có quyền gọi sự tự thông truyền tự nguyện của Thiên Chúa cho thụ tạo trong ân sủng và trong mầu nhiệp nhập thể, nơi mà con người thông phần vào thực tại Thiên Chúa, là thần thoại nữa.
Nhưng có lẽ tới đây chúng ta hơi lạc đề rồi: có lẽ nên nói đơn giản thế này, là đối với cách hiểu về hiện hữu nhân sinh theo tinh thần Kitô giáo, thì Thiên Chúa, do tình thương xót của Ngài, đã tự hạ chính mình, hoá mình ra không và tự trao tặng mình cho nhân loại mà Ngài đã tạo dựng từ chính sự viên mãn của Ngài. Cũng vậy, thụ tạo trong khi thấy mình được bao bọc trong tình thương xót của Thiên Chúa, sẽ nhìn thấy Ngài và thấy mình, như cách một con người biết động lòng thương khám phá ra nơi người anh em hành khất thân phận thê thương của chính mình. Và chính khi ấy Ngôi Lời đã trở thành phàm nhân, đã trở thành người tôi tớ đau khổ và chịu đóng đinh.
Phép mầu đẹp nhất của lòng thương xót giữa người với người là thế này: Người thực sự có lòng thương xót là người dám thả lỏng chính mình, đồng hoá mình với người anh em đang gặp khốn khó, dám liều mình đối với những điều không tiên liệu được, đối diện cách quả cảm với nguy cơ đánh mất tự do của riêng mình. Lúc ấy ta có thể đánh giá về một người như thế như sau (dù chắc chỉ có Ki-tô hữu mới nói theo kiểu này): người ấy đã gặp Đức Ki tô, dù họ không biết rằng họ đã gặp chính Con Người ấy, Đấng đã dùng chính cuộc đời và cái chết của mình như hành vi ném mình vào lòng thương xót đầy quả cảm, sống lòng thương xót như chính phần phúc của kẻ được thánh hoá và cứu chuộc. Đấng mà họ đã gặp theo cách như vậy được người tín hữu gọi là Chúa Giê-su, người Nazareth.
Sự tự do của thụ tạo luôn được hiểu như là lòng quả cảm dám đón nhận những điều không tiên liệu hết được, những điều mà dù ta có để ý hay không, thì trong thực tế nó vẫn chưa diễn ra toàn vẹn như ý muốn. Sẽ là điều bất cân xứng với khái niệm tự do khi ta quy chiếu những điều không thể thấy được và những điều dị biệt từ khuôn khổ của những điều đã được định vị và định dạng. Dầu vậy, những điều không nói ra và những điều không được công thức hoá ấy chưa hẳn là những điều không thể thấy được hoặc những điều không đáng ao ước. Trong mọi sự, Thiên Chúa và ân sủng của Đức Ki-tô được hiểu như là bản chất huyền nhiệm của mọi diễn biến của thực tại mà người ta có thể dùng tự do của chính mình mà chọn lựa; và vì thế, khi người ta muốn nắm bắt hoặc trao ban điều gì, thì khó lòng mà không nhận chúng từ Thiên Chúa và Đức Ki-tô, dù ít dù nhiều. Người đã gặp Đức Ki-tô, dù chưa ý thức rõ, là người biết đảm nhận cái hiện hữu nghèo nàn của nhân tính mình (cho dù còn chưa biết đến cách nói của ngôn ngữ mặc khải và dĩ nhiên là sự đảm nhận này không êm ái tí nào!). Người ấy biết đón nhận lòng thương xót, biết trao ban bằng thái độ điềm đạm lặng lẽ, (hay nói khác đi trong niềm tin, cậy, mến). Và vì đã làm những đều ấy, nên người ấy đảm nhận hiện hữu nhân sinh của mình như đối diện với một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này lại được bao bọc trong chính Mầu nhiệm vĩnh cửu và mang lấy trong lòng chính khía cạnh luỵ tử của mình một sinh lực, một sự sống. Những người này dám thưa vâng cả đối với những điều đang xảy ra, theo cách mà họ đã tin tưởng vào những điều không thể đo lường được, bởi chính Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận người theo cách thức không thể đo lường được, tức là chính hành vi tự hoàn tất chính mình bằng cách trở nên một người con trong nhân loại của Ngài. Những người như thế đã nói lời thưa vâng với Đức Ki-tô rồi, dù chưa ý thức rõ. Người nào dám liều mình và làm một bước nhảy, sẽ bay vào một vực thẳm vốn đã có sẵn ở đó, chứ không chỉ trong mức độ người ấy ước lượng được. Người nào đón nhận chính thân phận con người của chính mình và của anh em mình (đã hẳn chuyện này không bao giờ nhẹ nhàng và tươi sáng cả, và cả khi có làm được thì kết quả cũng dở dang, mờ ảo thôi), thì người ấy đã đón nhận chính Con Người, bởi nơi Con Người mà Thiên Chúa đã ôm ấp loài người. Khi ta nói theo lời Kinh Thánh, rằng người chu toàn Lề Luật là người yêu mến người thân cận, thì ta đang nói đến cái chân lý tối thượng cuối cùng, bởi chính Thiên Chúa đã trở thành người thân cận ấy và như vậy trong bóng dáng của mỗi người thân cận có bóng dáng của một Đấng vừa rất gần vừa rất xa đang được đón nhận và được yêu mến. Chính tại đây ta thấy suối nguồn và năng động của việc đón nhận của lễ trao hiến cho người anh em của mình: từ từ ta sẽ được đong đầy bằng lòng thương xót của Thiên Chúa và nhất là trong lòng thương xót ấy chính Ngài là phần thưởng dành cho ta.