DẪN NHẬP
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, Đức Phanxicô mời gọi Giáo Hội khám phá mầu nhiệm lòng xót thương của Thiên Chúa, và thực thi trong cuộc sống lòng thương xót mà mỗi người đã nhận được từ Thiên Chúa. Trích lời thánh Tôma Aquinô trong Tổng Luận Thần Học, Đức Phanxicô khẳng định rằng lòng thương xót không phải là dấu chỉ sự bất tài của Thiên Chúa, nhưng là sự toàn năng của Ngài.[1] Lòng thương xót của Thiên Chúa không tương phản với sự công bình của Ngài, “nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất, vẫn tăng triển dần cho tới khi đạt đến mức độ viên mãn của Tình Yêu.”[2]
Khi đọc những khẳng định trên của Đức Phanxicô, chúng ta có thể đặt những câu hỏi sau: Làm thế nào lòng thương xót của Thiên Chúa thể hiện sự toàn năng của Ngài? Đâu là tương quan đúng đắn giữa lòng thương xót với sự công bình của Thiên Chúa? Phải chăng khi Thiên Chúa thương xót những kẻ đến với Ngài để tìm kiếm lòng xót thương, sự công bình xét như một đặc tính của Thiên Chúa sẽ không thể dung hòa với lòng thương xót? Việc hiểu đúng mối tương quan giữa lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa là điều quan trọng đối với mỗi Kitô hữu. Điều này trước hết giúp chúng ta khám phá sự kết nối giữa hai đặc tính dường như tương phản trong mầu nhiệm về Thiên Chúa. Việc hiểu đúng mối tương quan này giữa chúng cũng giúp chúng ta vừa sống công bình với tha nhân, vừa thể hiện lòng xót thương với anh chị em mình theo lời Đức Giêsu dạy các môn đệ của Ngài (Lc 6,36).
Trong bài viết này, tôi sẽ phân tích những tư tưởng của thánh Tôma Aquinô liên quan đến sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa, để giúp chúng ta nhận ra sự phức tạp và những vấn đề trong tương quan giữa hai đặc tính này. Theo thánh Tôma, lòng thương xót của Thiên Chúa phải được hiểu “theo [nghĩa] công hiệu chứ không theo tình cảm của đam mê.”[3] Lòng thương xót của Thiên Chúa không tương phản hoặc hủy diệt sự công bình, nhưng là sung mãn của sự công bình.[4] Trước khi bước vào những suy tư của thánh Tôma về tương quan giữa sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta có thể tìm hiểu sơ lược khái niệm về sự công bình.
KHÁI NIỆM VỀ SỰ CÔNG BÌNH
Cùng với những khái niệm như chân lý (truth), sự thiện hảo (goodness), vẻ đẹp (beauty), sự tự do (liberty), sự bình đẳng (equality), sự công bình (justice) là một trong những khái niệm nền tảng, quan trọng, nhưng phức tạp nhất của triết lý Tây Phương.[5] Theo Encyclopædia Britannica, “Justice is the concept of a proper proportion between a person’s deserts (what is merited) and the good and bad things that befall or are allotted to him or her.”[6] Từ định nghĩa này, chúng ta có thể hiểu cách giản đơn rằng, sự công bình liên hệ đến mối tương quan phù hợp giữa những gì một người đã làm, và những gì họ sẽ nhận được thuộc về quyền của mình. Ví dụ, sự công bình sẽ được thực thi khi một ông chủ tốt trả lương cho người làm công của mình số tiền tương xứng, trong tương quan với những việc mà anh ấy đã thực hiện theo ý muốn của ông chủ. Sự công bình cũng được thực thi khi một kẻ trộm cố tình lấy cắp tài sản của một người nào đó, phải hoàn trả lại cho chủ của tài sản ấy, phần tài sản mà người chủ đã bị lấy mất.
Như thế, chúng ta có thể gọi một người sống công bình khi họ ý thức và nhận lấy những gì mình có quyền sở hữu, hoặc những hàng hóa tương xứng với giá trị của sự đóng góp mà mình đã thực hiện. Người ấy cũng chấp nhận sự trừng phạt hoặc phải bồi thường thiệt hại cho tha nhân cách tương xứng, nếu anh ta cố tình gây tổn hại, hoặc thực hiện những hành vi, với ý chí tự do của mình, trái với điều đã được quy định bởi một cộng đồng xã hội. Định nghĩa này về sự công bình có thể được dùng như là khởi điểm cho những suy tư trong bài viết. Tuy vậy, để hiểu đúng khái niệm về sự công bình theo thánh Tôma, chúng ta phải xem xét nó trong tương quan với khái niệm về sự công bình của Aristotle, triết gia đã góp phần quan trọng hình thành những tư tưởng của thánh Tôma.
Mặc dầu Plato là triết gia đầu tiên trong lịch sử triết học Tây Phương thảo luận về khái niệm công bình trong tác phẩm Cộng Hòa,[7] triết lý của Aristotle về sự công bình đã ảnh hưởng đến và góp phần hình thành những tư tưởng của thánh Tôma về sự công bình. Trong cuốn V của Đạo Đức Học, Aristotle phân biệt giữa sự công bình trong việc phân phối những tài sản hoặc sản phẩm (distributive justice), và sự công bình trong việc sửa chữa những hành vi sai lầm của một người hay sự công bình khắc phục (corrective justice).[8]
Sự công bình khắc phục liên hệ đến sửa chữa lại cho đúng những điều bất công ảnh hưởng trên một nạn nhân trong trường hợp người ấy bị lấy mất tài sản của mình do trộm cướp, hoặc chính bản thân họ và những gì thuộc về họ bị làm tổn hại. Trong khi đó, sự công bình phân phối liên hệ đến việc phân chia hoặc trao đổi đồng đều giữa những sản phẩm khác nhau. Một người thợ giày không thể trao đổi một đôi giày mà anh ta đã làm ra để nhận được một mùa gặt bội thu của người làm nông. Giá trị của một đôi giày không thể tương xứng với giá trị của một mùa gặt. Nói cách khác, để có một sự trao đổi công bình giữa bác thợ giày và người làm nông, bác ấy phải trao cho người làm nông một số lượng giày tương xứng với giá trị của những sản phẩm đến từ một mùa gặt bội thu. Và sự trao đổi này phải được đồng ý bởi cả người làm nông lẫn bác thợ giày.
Theo Aristotle, sự công bình phân phối quy chiếu đến khuynh hướng thực hiện những hành vi đúng đắn của một người công chính (a just person), khi họ thực hiện chọn lựa với tự do của mình, và phân chia những sản phẩm (goods) cho mình và cho người khác theo một tương quan phù hợp với điều mà mỗi bên đã góp phần vào.[9] Nói cách khác, người sống công bình không tham lam mong muốn nhận hơn những gì mình xứng đáng nhận được trong tương quan với công sức mình đã đóng góp vào cho một việc nào đó. Trái lại, người ấy phân phối những sản phẩm được làm ra cho mình và cho tha nhân theo một tỷ lệ phù hợp.
Một điều quan trọng mà chúng ta cần nhận ra ở đây là sự công bình dường như không đòi buộc những thành viên trong một cộng đồng xã hội phải hết lòng yêu thương, hoặc có bổn phận giúp đỡ người khác. Sự công bình chỉ đòi hỏi một người tôn trọng quyền lợi chính đáng của người khác, nhận những gì thuộc về mình, hoặc mình có quyền sở hữu trên vật đó, và trao lại cho tha nhân những gì thuộc về họ. Hơn nữa, người sống công bình không cố tình cản trở hoặc gây khó khăn cho người anh em mình đối với những chọn lựa trong cuộc sống của riêng họ.
Đặt nền những suy tư của mình về khái niệm công bình trên tư tưởng của Aristotle, thánh Tôma hiểu sự công bình như là một nhân đức, mà nhờ đó, người sống đức công bình trao trả cho tha nhân những gì thuộc về họ.[10] Nhân đức ở đây quy chiếu đến tính cách của một người, một tính cách thiết yếu định hướng cho người ấy thực hiện những hành động tốt trong tương quan với sự hướng dẫn của lý trí.[11] Theo thánh Tôma, đức công bình không phải là một nhân đức theo nghĩa cảm tính, như nhân đức can đảm hay nhân đức tiết độ. Vì công bình hướng ta về tha nhân để phân định những điều đúng đắn cần được thực hiện trong những trường hợp cụ thể, sự công bình không thể được hiểu theo nghĩa cảm xúc mang cảm tính.[12]
Từ những phân tích trên về khái niệm công bình, chúng ta có thể nhận định rằng khái niệm công bình không tương thích với khái niệm lòng thương xót. Lòng thương xót, theo thánh Augustine và được trích lại bởi thánh Tôma “là sự cảm thông của tâm hồn ta trước sự khổ đau của kẻ khác, thúc đẩy ta thực hiện hành động để giúp đỡ họ nếu chúng ta có thể. Vì lòng thương xót đến từ nguyên ngữ “misericordia,” nghĩa là sự cảm thông nơi con tim của một người đối với sự bất hạnh của kẻ khác.”[13]
Thực vậy, trong khi lòng thương xót bao hàm khía cạnh xúc cảm của con tim, thiết yếu hướng ta về tha nhân khi họ lâm vào cảnh khốn khó, để yêu thương và nâng đỡ họ, sự công bình là nhân đức của một người liên hệ đến thực thi những hành động đúng đắn trong tương quan với tha nhân dưới sự hướng dẫn của lý trí, và nó không nhất thiết đòi buộc ta phải hết lòng giúp đỡ tha nhân. Để hiểu rõ hơn tương quan giữa đức công bình và lòng thương xót cùng với những vấn đề trong tương quan giữa chúng, trước hết, chúng ta có thể phân tích khái niệm lòng thương xót của Thiên Chúa theo thần học gia Walter Kasper, và sau đó, theo thánh Tôma.
LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Trong tác phẩm Mercy (Lòng Thương Xót), Walter Kasper nhận định rằng lòng thương xót là một khái niệm thường bị lãng quên trong thần học Kitô giáo. Mặc dù lòng thương xót của Thiên Chúa là một trong những khái niệm căn bản của Thánh Kinh và tương thích với kinh nghiệm hiện sinh của nhân loại hôm nay, nó đã không được thảo luận cách thích đáng trong các thủ bản của thần học hệ thống.[14] Hơn nữa, giữa những đặc tính siêu hình của Thiên Chúa như sự toàn năng, sự toàn tri, sự toàn thiện, sự thánh thiêng vốn đã được quan tâm đến trong thần học của Giáo Hội, chúng ta không tìm thấy một vị trí tương xứng nào cho đặc tính lòng thương xót.
Theo Kasper, lòng thương xót là một trong những đặc tính căn bản và thiết yếu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa, qua sự kiện nhập thể của Ngôi Lời, đã trở nên một người giống như chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Ngài đã đón nhận tất cả những gì thuộc về con người nơi nhân tính của Đức Giêsu, thậm chí cảm nhận cả sự đau khổ lẫn sự yếu hèn như chúng ta. Nói khác, chính Thiên Chúa, vì tình yêu và lòng thương xót đối với một nhân loại đang sống trong tội lỗi, đã nhập thể làm người, ở cùng chúng ta, và đón nhận những khổ đau của nhân loại nơi Đức Giêsu.[15]
Thánh Tôma không đồng ý với quan điểm trên của Kasper về sự đau khổ và lòng thương xót của Thiên Chúa. Theo thánh Tôma, khái niệm lòng thương xót, đến từ nguyên ngữ Latinh misericordia, nghĩa là một con tim hoặc một tâm hồn trở nên cảm thông với kẻ khác vì sự bất hạnh của họ.[16] Tuy vậy, lòng thương xót của Thiên Chúa phải được hiểu “theo [nghĩa] công hiệu chứ không theo tình cảm của đam mê.”[17] Trong khẳng định này của thánh Tôma, chúng ta có thể phân biệt hai khía cạnh của lòng thương xót: lòng thương xót hiểu theo nghĩa công hiệu (effective mercy), và lòng thương xót hiểu theo nghĩa cảm tính (affective mercy).
Lòng thương xót công hiệu là những gì mà một người có thể thực hiện qua những hành động cụ thể để làm vơi đi những đau khổ của người khác. Trong khi đó, lòng thương xót cảm tính là một cảm xúc đặc thù của con người tương tự bao cảm xúc khác của chúng ta như buồn, vui, giận, ghét, v.v. Đối tượng của lòng thương xót chính là những bất hạnh, hoặc khổ đau của tha nhân và của người thân cận mình phải gánh chịu trong cuộc sống. Đứng trước sự bất hạnh của kẻ khác, người có lòng xót thương có bổn phận giúp đỡ anh chị em mình vượt qua những khó khăn. Một cách cụ thể, chúng ta thương xót những người đau khổ, vì nơi chúng ta có khả năng cảm thông (empathy), và khả năng tự ý thức rằng chính mình, vào một thời điểm nào đó trong tương lai, có thể rơi vào cùng một hoàn cảnh tương tự như họ. Tuy nhiên, mức độ của lòng thương xót của chúng ta với một ai đó đang sống trong đau khổ tùy thuộc vào mức độ đến từ mối tương quan tình bạn giữa ta với người đó.
Vậy đâu là ý nghĩa của lòng thương xót Chúa theo thánh Tôma? Lòng thương xót của Thiên Chúa không nên được hiểu như một cảm xúc hoặc một đam mê thuộc về bản chất con người. Nói cách khác, Thiên Chúa không thể là đối tượng của những cảm xúc buồn vui có thể xảy ra nơi hữu thể của Ngài. Vì vậy, thánh Tôma lập luận rằng lòng thương xót của Thiên Chúa phải được hiểu theo nghĩa “công hiệu,” chứ không theo nghĩa “tình cảm hoặc đam mê.” Nói khác đi, lòng thương xót của Thiên Chúa chỉ được diễn tả qua những hành động cụ thể, để chữa lành hoặc lấy đi những khổ đau của con người, và cho phép họ được tham dự phần nào đó vào sự hoàn hảo của Ngài.[18]
Chúng ta có thể nhận ra một sự thiếu tương đồng giữa những suy tư của thánh Tôma về lòng thương xót của Thiên Chúa, khi so sánh nó với cách thức mà Đức Giêsu thể hiện lòng thương xót khi Ngài loan báo Tin Mừng. Nói cách khác, nếu Đức Giêsu là dung mạo lòng thương xót của Thiên Chúa theo như khẳng định của Đức Phanxicô,[19] thì Thiên Chúa nơi con người Giêsu ấy cũng có thể kinh nghiệm những khổ đau trong thân xác mình. Thực vậy, Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta thấy vị Thiên Chúa hiện diện nơi Đức Giêsu đã thể hiện một lòng xót thương với anh chị em đồng loại, không những theo khía cạnh của công hiệu, mà còn theo khía cạnh của cảm tính. Những mặc khải của Đức Giêsu qua lời nói và hành động của Ngài trong các Tin Mừng như sẽ trình bày dưới đây, sẽ giúp chúng ta khám phá ý nghĩa của lòng thương xót Chúa.
Trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của mình, Đức Giêsu đã nói với các môn đệ của Ngài, và với những kẻ đang lắng nghe Ngài, về một Thiên Chúa nhân từ đầy lòng xót thương. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu (1 Ga 4,8). Ngài đã tạo dựng con người mang hình ảnh của Ngài từ thuở ban sơ. Ngài ban cho họ những điều tốt đẹp trong công trình tạo dựng. Hơn nữa, khi con người mà Ngài dựng nên phạm tội và sa ngã, Thiên Chúa không bỏ rơi dân Ngài. Ngài đã ký kết với Dân được Tuyển Chọn, qua trung gian các Tổ Phụ của người Do Thái, một Giao Ước yêu thương. Mặc dù Dân Chúa thường không tín trung với Giao Ước, và từ chối Đấng đã kêu gọi họ, Thiên Chúa vẫn luôn trung thành không hề quên lời Giao Ước trong suốt lịch sử cứu độ. Ngài yêu thương một nhân loại khổ đau đến nỗi sai Con mình đến nhập thể làm người, trở nên giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, để cứu độ chúng ta.
Tiếp tục công việc của Chúa Cha qua Giao Ước với Dân được Tuyển Chọn, Đức Giêsu đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa qua những phép lạ mà Ngài thực hiện, để làm vơi đi những khổ đau cả về thể lý lẫn tinh thần của những người mà Ngài gặp gỡ. Thực vậy, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu đã chạnh lòng thương trước nỗi đau của bà góa thành Nain, và đã hồi sinh con của bà từ cõi chết (Lc 7,11-15). Ngài cũng thể hiện lòng thương xót với người bị phong hủi, đã chạm vào anh để chữa lành bệnh cho anh (Mc 1,40-42). Vì cảm thương dân chúng lầm than khi họ theo Ngài ba ngày và không còn gì để ăn, nên Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng (Mt 15, 32-37). Qua những trình thuật này trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu đã thể hiện lòng xót thương với những người đau khổ cần đến Ngài, cả theo nghĩa công hiệu lẫn tình cảm mang tính cảm xúc của một con người.
Những trình thuật Thánh Kinh trên đã giúp chúng ta nhận ra rằng lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện cách tuyệt vời nhất qua hành động của đôi tay, lẫn lòng thương cảm của Đức Giêsu đối với những ai chạy đến với Ngài để đón nhận lòng xót thương. Khi gặp gỡ Đức Giêsu, những kẻ tội nhân, những người bị tổn thương, những kẻ bị loại ra ngoài xã hội bởi lề luật của các kinh sư Do Thái thời đó, đón nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa. Nói khác đi, Thiên Chúa nơi Đức Giêsu luôn xót thương những ai đến với Ngài, để tha thứ cho họ và chữa lành họ. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa đã thể hiện một lòng thương xót bao la với một nhân loại đang đau khổ. Ngài đã thể hiện lòng xót thương ấy, nói theo thuật ngữ của thánh Tôma, cả theo nghĩa công hiệu lẫn cảm tính nơi Đức Giêsu.
Khi phân tích tư tưởng của thánh Tôma về lòng thương xót của Thiên Chúa trong tương quan với những mặc khải của Đức Giêsu, chúng ta nhận ra rằng sự công bình theo Aristotle không tương hợp với lòng thương xót của Thiên Chúa. Nếu Thiên Chúa của Đức Giêsu là một Thiên Chúa thực thi công bình theo quan điểm của Aristotle, Ngài sẽ hoàn thành công việc của mình khi sáng tạo trời đất và con người. Sau đó, Thiên Chúa buông bỏ những thụ tạo của mình, để chúng vận hành theo luật tự nhiên được ấn định trong bản chất của chúng. Hình ảnh này đại diện cho quan điểm của trường phái chủ trương duy lý về Thiên Chúa (Deism), họ cho rằng Thiên Chúa không can thiệp vào những vấn đề của con người sau thời điểm sáng tạo. Tuy vậy, những mặc khải của Đức Giêsu cho chúng ta thấy một bức tranh hoàn toàn khác về Thiên Chúa. Qua sự nhập thể của Ngôi Lời cùng với những hành động cứu độ, Thiên Chúa đã bước vào lịch sử nhân loại. Ngài trở nên một con người giống như chúng ta, ở cùng chúng ta, và đồng hành với những ai đang đau khổ.
Như thế, chúng ta có thể khẳng định rằng sự công bình của Thiên Chúa không nên được đồng hóa với sự công bình theo quan niệm của Aristotle. Nếu mệnh đề này đúng, vậy chúng ta phải hiểu thế nào về sự công bình của Thiên Chúa? Nếu Thiên Chúa xót thương con người, đặc biệt những kẻ cần đến lòng xót thương của Ngài, phải chăng Thiên Chúa sẽ bỏ qua sự công bình khắc phục, để tha thứ cho những tội nhân bất chấp lỗi phạm của họ? Mặc dù Thiên Chúa là Đấng Xót Thương, theo quan điểm của thánh Tôma, Ngài không bỏ qua những tiêu chí của sự công bình. Nói cách khác, Thiên Chúa vừa là Đấng Công Bình vừa là Đấng Xót Thương. Cả hai đặc tính nền tảng này đều thuộc về bản chất thiết yếu của Ngài. Để hiểu rõ hơn về tương quan giữa lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa, dưới đây chúng ta có thể xem xét tư tưởng của thánh Tôma về sự tương quan này.
THIÊN CHÚA: ĐẤNG CÔNG BÌNH VÀ GIÀU LÒNG XÓT THƯƠNG
Thánh Tôma trình bày tương quan giữa sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa trong phần I, câu hỏi 21 của Tổng Luận Thần Học. Trước hết, ngài làm rõ những khác biệt và tương đồng giữa sự công bình của Thiên Chúa và sự công bình theo quan niệm của Aristotle. Như đã trình bày ở trên, Aristotle phân biệt giữa sự công bình trong việc phân phối những tài sản hoặc sản phẩm làm ra (distributive justice), và sự công bình trong việc sửa chữa lại những hành vi sai lầm hoặc sự công bình khắc phục (corrective justice).
Theo thánh Tôma, sự công bình của Thiên Chúa không nên được hiểu theo nghĩa của sự trao đổi buôn bán hoặc sự công bình khắc phục. Đối với loài người chúng ta, khi mắc nợ một ai đó, chúng ta phải đền bù cho họ tương xứng với những thiệt hại mà chúng ta đã lấy đi từ họ. Cũng vậy, khi chúng ta trao đổi trong mua bán, những người sống công bình sẽ trao đổi sản phẩm của mình cho nhau theo sự đồng thuận của cả hai bên. Tuy vậy, Thiên Chúa không thể mắc nợ bất kỳ ai. Ngài cũng không cần phải đón nhận bất cứ điều gì khác bên ngoài Ngài, để bù vào những khiếm khuyết trong bản thể của Ngài. Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo của mọi loài trong thế giới này, và ban cho mọi loài những điều cần thiết để duy trì và phát triển sự sống của chúng. Như thế, sự công bình khắc phục hoặc sự công bình trong những trao đổi không thể được xem xét trong tương quan với Thiên Chúa.[20]
Thánh Tôma hiểu sự công bình của Thiên Chúa theo nghĩa phân phát hay còn gọi là sự công bình phân phối (distributive justice). Thiên Chúa là Đấng Công Bình khi Ngài gìn giữ và ban tặng cho muôn loài thụ tạo những điều chúng thực sự cần để duy trì sự sống và phát triển.[21] Từ đó, thánh Tôma lập luận rằng nơi Thiên Chúa, lòng thương xót và sự công chính là hai khía cạnh, mặc dù khác biệt, nhưng hội nhất trong bản thể của Ngài. Thiên Chúa luôn thực thi sự công bình và lòng thương xót trong những hoạt động của Ngài. Khi Thiên Chúa hành xử với lòng thương xót, Ngài không đi ngược lại với sự công bình, nhưng vượt trên sự công bình.
Thánh Tôma viết: “Sự công bình của Thiên Chúa phải được thể hiện trong mọi hoạt động của Ngài. Và trong hành động công bình của Thiên Chúa, sự công bình ấy luôn luôn đòi hỏi lòng thương xót như là một điều kiện và là nền tảng cho việc thực thi đức công bình.”[22] Nói khác, lòng thương xót của Thiên Chúa luôn là một điều kiện thiết yếu, là tiền giả định mà trên nền tảng đó Thiên Chúa phán xử công bình với những ai tìm đến với Ngài. Thiên Chúa thể hiện sự công bình của Ngài với con người dựa trên nền tảng của tình yêu và lòng thương xót. Hiểu như thế, chúng ta có thể khẳng định như Đức Phanxicô trong tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót: lòng thương xót của Thiên Chúa không tương phản với sự công bình, “nhưng là hai chiều kích của một thực tại duy nhất, vẫn tăng triển dần cho tới khi đạt đến mức độ viên mãn của Tình Yêu.”[23]
Thánh Tôma sử dụng một ví dụ cụ thể như sau để minh họa cho chúng ta hiểu được tương quan giữa lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa. “Thiên Chúa thương xót con người, không vi phạm đức công bình, nhưng vượt trên đức công bình của mình: tương tự như một người giàu có lấy tiền từ ngân hàng của mình, để trả hai trăm đồng cho một người mà mình chỉ mắc nợ họ một trăm đồng. Trong trường hợp này, người đó không vi phạm đức công bình với người mà mình đã mắc nợ, nhưng thực thi hành động của mình cách hào hiệp và thương xót… Do đó, điều hiển nhiên là lòng thương xót của Thiên Chúa không hủy diệt đức công bình, nhưng là sự sung mãn của đức công bình.”[24]
Chúng ta có thể dùng một ví dụ khác trong Tân Ước để làm rõ mối tương quan giữa sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa. Với mục đích dạy cho các môn đệ của Ngài về sự tha thứ và lòng thương xót, Đức Giêsu kể cho họ và cho những người lắng nghe Ngài một dụ ngôn người đầy tớ nhẫn tâm không xót thương kẻ khác (Mt 18,23-34). Người đầy tớ ấy mắc nợ chủ mình một khoản tiền lớn. Khi anh ta tìm đến ông chủ, quỳ xuống với lòng thành khẩn để xin ông chủ tha thứ và được xóa nợ, lòng thương xót của ông chủ đối với người đầy tớ đáng thương ấy như một điều kiện thiết yếu của sự công bình đã khiến ông thực thi sự công bình bằng cách xóa đi món nợ khổng lồ mà anh ta, nếu tuân theo nguyên lý của sự công bình khắc phục, phải hoàn trả lại số tiền ấy cho ông. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nhận ra rằng lòng thương xót của Thiên Chúa không tương phản với sự công bình của Ngài, nhưng bao gồm sự công bình ấy trong khái niệm lòng thương xót.
Tuy nhiên, khi người đầy tớ ấy không chịu tha thứ cho người anh em mình, người đã mắc nợ mình một món tiền nhỏ. Anh ta yêu cầu người mắc nợ anh phải trả lại sự công bình cho anh, theo nghĩa của sự công bình khắc phục. Chính điều này đã khiến Thiên Chúa, qua hình ảnh của ông chủ, thực thi sự công bình khắc phục đối với người đầy tớ nhẫn tâm. Ông chủ yêu cầu anh ta đến gặp ông, và nói với anh: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,32-34).[25]
KẾT LUẬN
Theo thánh Tôma, lòng thương xót và sự công bình của Thiên Chúa là hai đặc tính thể hiện sự toàn năng của Ngài. Sự toàn năng của Thiên Chúa được thể hiện khi Ngài phán xử cách công bình dựa trên nền tảng và điều kiện của lòng xót thương đối với những ai thành khẩn đến với Ngài, để được tha thứ và được yêu thương. Lòng xót thương, như thế, là điều kiện thiết yếu cho khả thể của sự công bình của Thiên Chúa, và sự công bình cùng với lòng xót thương ấy được thể hiện cách hoàn hảo qua những hành động và lời rao giảng của Đức Giêsu. Nơi Đức Giêsu, dung mạo của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trao ban lòng thương xót và tình yêu của Ngài đối với một nhân loại đang đau khổ vượt trên những tính toán mang tính công bằng theo nghĩa của sự công bình khắc phục. Như một người Cha giàu lòng thương xót đối với những đứa con của mình, Thiên Chúa ban cho con người ân sủng và tự do, để họ tự nguyện đến gặp gỡ Ngài, gọi Thiên Chúa là Cha theo lời dạy của Đức Giêsu, để được đón nhận, được yêu thương, và được tha thứ. Nói tóm lại, Thiên Chúa thực thi sự công bằng của tình yêu và lòng thương xót trong tương quan đối với con người. Và khi chúng ta đón nhận sự công bằng đó, chúng ta cũng đón nhận lòng xót thương của Thiên Chúa.
THƯ MỤC THAM KHẢO
ADLER, M., Six Great Ideas: Truth, Goodness, Beauty, Liberty, Equality, Justice (London: Collier Macmillan Publishers, 1981).
ARISTOTLE, Nicomachean Ethics (Chicago: The University of Chicago Press, 2011).
AQUINAS, Summa Theologiae, trong The Collected Works of St. Thomas Aquinas, Electronic Edition (Charlottesville, Virginia: InteLex Corp. 1993).
DAVIES, B., The Thought of Thomas Aquinas (Oxford: Clarendon Press, 1992).
DUNN, J. and Suggate, A. The Justice of God (Michigan: Grand Rapids, 1993).
KASPER, W., Mercy: The Essence of the Gospel and the Key to Christian Life, được chuyển dịch bởi William Madges (New Jersey: Paulist Press, 2013).
MACKY, P., “The Metaphors of God’s MERCY and JUSTICE in the New Testament: How are they related?” Proceedings 9 (1989), 231-245.
PLATO, Republic (Indianapolis: Hackett Publishing, 1992).
ĐTC PHANXICÔ, Tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót (Mi- sericordiae Vultus) bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
[1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 6. Những quy chiếu trong bài viết liên quan đến tông sắc Dung Mạo Lòng Xót Thương (MISERICORDS VULTUS) đến từ bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Liên quan đến trích dẫn của Đức Phanxicô về tư tưởng của thánh Tôma, đọc giả có thể xem trong Summa Theologiae, phần II-II, câu hỏi 30, mục 4. Hence mercy is accounted as being proper to God: and therein His omnipotence is declared to be chiefly manifested. Trong bài viết này, tôi sử dụng bản văn Summa Theologiae, trong The Collected Works of St. Thomas Aquinas. Electronic Edition (Charlottesville, Virginia: InteLex Corp. 1993).
[2] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 20. Bản dịch tiếng Anh của tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót số 20 viết như sau: These (justice and mercy of God) are not two contradictory realities, but two dimensions of a single reality that unfolds progressively until it culminates in the fullness of love. Xem http://w2.vatican.va/content/ francesco/en/apost_letters/documents/papa francesco_bolla_20150411_ misericordiae-vultus.html
[3] Mercy is especially to be attributed to God, as seen in its effect, but not as an affection of passion. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 3.
[4] Mercy does not destroy justice, but in a sense is the fullness thereof. Xem
Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 3.
[5] Xem Mortimer J. Adler, Six Great Ideas: Truth, Goodness, Beauty, Liberty,
Equality, Justice (London: Collier Macmillan Publishers, 1981).
[6] http://www.britannica.com/topic/justice-social-concept
[7] Xem Plato, Republic (Indianapolis: Hackett Publishing, 1992).
[8] Xem Aristotle, Nicomachean Ethics (Chicago: The University of Chicago Press, 2011), 1130-1131.
[9] Aristotle, Nicomachean Ethics, 1134a.
[10] The act of justice in relation to its proper matter and object is indicated in the words, “Rendering to each one his right.” Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần II-II, câu hỏi 58, tiết 1.
[11] A human virtue is one “which renders a human act and man himself good” [*Ethic. ii, 6], and this can be applied to justice. For a man’s act is made good through attaining the rule of reason, which is the rule whereby human acts are regulated. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần II-II, câu hỏi 58, tiết 3.
[12] Whether justice is about passions? “The true answer to this question may be gathered from a twofold source. First from the subject of justice, i.e. from the will, whose movements or acts are not passions, for it is only the sensitive appetite whose movements are called passions. Hence justice is not about the passions, as are temperance and fortitude, which are in the irascible and concupiscible parts. Secondly, on the part of the matter, because justice is about man’s relations with another, and we are not directed immediately to another by the internal passions. Therefore, justice is not about the passions.” Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần II-II, câu hỏi 58, tiết 9.
[13] Mercy is heartfelt sympathy for another’s distress, impelling us to succor him if we can. For mercy takes its name “misericordia” from denoting a man’s compassionate heart [miserum cor] for another’s unhappiness. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần II-II, câu hỏi 30, tiết 1.
[14] Walter Kasper, Mercy (New Jersey: Paulist Press, 2013), 9-15.
[15] Kasper, Mercy, 118-120.
[16] I answer that, as Augustine says (De Civ. Dei ix, 5), mercy is heartfelt sympathy for another’s distress, impelling us to succor him if we can. For mercy takes its name “misericordia” from denoting a man’s compassionate heart [miserum cor] for another’s unhappiness. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần II-II, câu hỏi 30, tiết 1.
[17] I answer that, Mercy is especially to be attributed to God, as seen in its effect, but not as an affection of passion. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 3.
[18] To sorrow, therefore, over the misery of others belongs not to God; but it does most properly belong to Him to dispel that misery, whatever be the defect we call by that name. Now defects are not removed, except by the perfection of some kind of goodness; and the primary source of goodness is God. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 3.
[19] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 1.
[20] There are two kinds of justice. The one consists in mutual giving and receiving, as in buying and selling, and other kinds of intercourse and exchange. This the Philosopher (Ethic. v, 4) calls commutative justice, that directs exchange and intercourse of business. This does not belong to God, since, as the Apostle says: “Who hath first given to Him, and recompense shall be made him?” (Rm. 11:35). Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 1.
[21] The proper order displayed in ruling a family or any kind of multitude evinces justice of this kind in the ruler, so the order of the universe, which is seen both in effects of nature and in effects of will, shows forth the justice of God. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 1.
[22] Justice must exist in all God’s works. Now the work of divine justice always presupposes the work of mercy; and is founded thereupon. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 4.
[23] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Dung Mạo Lòng Thương Xót, số 20. Bản dịch tiếng Anh của tông sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót số 20 viết như sau: These (justice and mercy of God) are not two contradictory realities, but two dimensions of a single reality that unfolds progressively until it culminates in the fullness of love. Xem http://w2.vatican.va/content/ francesco/en/apost_letters/documents/papa francesco_bolla_20150411_ misericordiae-vultus.html
[24] God acts mercifully, not indeed by going against His justice, but by doing something more than justice; thus a man who pays another two hundred pieces of money, though owing him only one hundred, does nothing against justice, but acts liberally or mercifully […] Hence it is clear that mercy does not destroy justice, but in a sense is the fulness thereof. Xem Tôma Aquinô, Summa Theologiae, phần I, câu hỏi 21, mục 3.
[25] Xem bản dịch Kinh Thánh của Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, được đăng trên website của Truyền Thông Chứng Nhân Kitô Giáo, http://www. chungnhanduckito.net/kinhthanh/tan%20uoc.htm