Jean Millet[1]
Nhập Đề
Trong các bài nghiên cứu có tính cách triết học như thế này, chúng tôi đã thường có dịp bày tỏ thái độ đáng tiếc về tình trạng thiếu thông hiểu nhau giữa những khẳng định trong đức tin và tư tưởng của thời đại. Lý do là vì các từ được dùng bị hiểu sai; các tư tưởng đề xuất không được diễn giải cho đúng. Có lẽ tình trạng hiểu lầm này đã dâng cao tột đỉnh khi đề cập đến các biểu đề thần học về công cuộc Cứu Ðộ. Những điểm thường được nhắc đến là hậu quả tác hại do tội lỗi gây nên, sự cần thiết của một dạng ơn cứu độ, tính cách hữu hiệu của một loại lễ tế hy sinh cứu độ… Thế nhưng, hầu như tất cả các ý niệm này đều hoàn toàn xa lạ đối với tư tưởng của thời đại nói chung. Quả thế, hiện không còn ai nói đến tội nữa; cũng chẳng ai thấy cần được cứu độ; vì đâu có ai thấy mình đang sống cảnh sa đọa hư mất! Ngoài ra, người ta cũng chẳng hiểu tại sao cái chết của một người lại có thể cải thiện được thân phận của toàn thể nhân loại (ngoại trừ để thỏa mãn những nhu cầu bù trừ lặn sâu trong những vùng tăm tối của tiềm thức… như các độc giả của Freud và René Girard vẫn nghĩ). Quả xã hội hiện đang sống qua một thời hổn độn.
Thế nhưng, đề tài Cứu Ðộ lại đóng giữ một vai chính yếu trong toàn bộ suy tư thần học Kitô giáo. Vì loài người chúng ta và để cứu độ chúng ta Ðức Giêsu Kitô đã từ trời xuống thế, đã chịu đóng đinh vào thập giá dưới thời Phongxiô Philatô, chịu khổ hình và mai táng. Bài giảng thuyết nào, buổi suy niệm nào rồi cũng đều hướng về cuộc hy tế của Ðức Kitô và cái chết của Ngài trên thập giá. Không sao kể hết được những tác phẩm văn chương tôn giáo viết về cuộc tử nạn cứu độ của Ðức Kitô; và đó vẫn mãi là vấn đề đặc biệt phong phú ở bất cứ thời đại nào. Ngành ảnh thánh (iconographie) cũng tỏ ra không kém phong phú trong cách thức biểu đạt vấn đề. Khoa hội họa cũng như thuật điêu khắc thì tha hồ tranh tài diễn trình về cái chết của Ðức Kitô trên thập giá… từ Ðức Kitô của Grunwald cho đến Ðức Kitô của Rouault… từ tượng Ðức Kitô của Perpignan cho đến tuyệt tác điêu khắc Ðức Maria ẵm xác con mình của Michel-Ange.
Trước những tác phẩm hoài niệm vô số như thế, tư tưởng thời nay hết sức phân vân, tự hỏi tại sao các thế hệ trước lại tán dương sự khổ đau của Ðức Kitô đến như thế. Một số người còn dám nghĩ đó chỉ là những triệu chứng bệnh hoạn. Càng nghi ngờ hơn nữa khi thấy văn chương tôn giáo cũng như ngành ảnh thánh theo cảm hứng Cận Ðông thì lại khác, không sáng tác chi mấy về chủ đề khổ đau của Ðức Kitô. Nhìn các ảnh thánh Ðông phương (icônes) là thấy cả một bầu khí an bình, thanh thản, chứ không phải là khổ đau. Các ảnh thánh biểu họa Ðức Kitô-Toàn năng (Christ-Pantocrator) trên các vòm trần đền thờ thuộc nghi lễ bidăntinô (Ðông Phương) có sức truyền cảm làm cho sống dậy Vinh quang của một Ðức Kitô khải hoàn, hơn là gợi lại những khổ đau của một Ðức Kitô bị chối bỏ, bị nhục mạ. Phải chăng chúng ta, người Âu Tây, đã rơi cả vào trong một thứ suy chiêm có phần bệnh hoạn, coi thất bại hấp dẫn hơn thành công? Một vài người cho rằng, nếu thế thì quả đó là một dấu hiệu thật đáng lo ngại, bởi nó vén mở cho thấy thái độ tự mãn của một xã hội đang bước vào hồi xế chiều (Hegel).
Vậy, thực hư ra sao? Phải hiểu thế nào về vấn đề Cứu Ðộ trong bối cảnh tư tưởng ngày nay với vô số yêu sách về mặt phê bình lịch sử và phân tâm học? Có thể sống mầu nhiệm Cứu Ðộ với trọn ý nghĩa sung mãn của nó không? Ðó là những câu hỏi bài viết nêu lên trước khi bước vào công tác suy tư triết học này. Có nhiều cách khả thể trong phương thức nghiên cứu vấn đề: trước hết, vấn đề cần bàn đến, thực ra là gì, và phải hiểu thế nào là Cứu Ðộ? Quả vậy, dù đã trải qua bao nhiêu thế kỷ suy tư thần học, ý niệm Cứu Ðộ vẫn còn rất mù mờ trong đầu óc của nhiều người. Ðâu là những điểm then chốt trong thảm cảnh ấy? Có người cho đó là một cuộc hành quân để giải thoát con người ra khỏi vòng thống trị của sự dữ và tội lỗi. Nhưng sự dữ là gì? Tội lỗi là gì? Và hơn nữa, tội nguyên tổ là gì mà cứ đặt đè nặng trên đầu trên cổ của hết mọi con cái loài người? Ngày nay, đâu đâu các câu hỏi này cũng cứ lảng vảng trong tâm trí con người. Vậy thì ơn cứu độ ấy là gì mà được hứa ban cho loài người, cho cả những kẻ không chút quan tâm gì đến chuyện được hay không được cứu độ, bởi đơn giản là vì họ không mảy may thấy mình đang hư mất? Sau khi thử đề ra một vài câu trả lời cho các nghi vấn trên đây, bài viết sẽ cố tìm xem làm thế nào để người của thế kỷ 20 này có thể đi đến chỗ nhận thức được vấn đề Cứu Ðộ. Mầu nhiệm thập giá vẫn còn có thể giữ được chỗ đứng của mình hay không, ở trong tâm thức của một nhân loại đang hăm hở tìm cách chinh phục và thống trị mọi sự? Ở trong tâm thức của mỗi một người chúng ta, là những con người yếu hèn, đang tiến bước đi về Quê Hương trên trời?
I – NHỮNG GIẢI THÍCH VỀ VẤN ÐỀ CỨU ÐỘ
Vấn đề này đã được giải thích nhiều suốt trong dòng lịch sử, và cho đến bây giờ, Giáo Hội vẫn nhìn nhận nhiều cách giải thích khác nhau. Nhưng công thức tín lý thì lại rất hiếm hoi: điều này cho thấy đó quả là một vấn đề phức tạp, không dễ nghiên cứu. Dẫu sao, ghi lại những cách giải thích nổi tiếng nhất vẫn là việc làm hữu ích, bởi sẽ giúp soi sáng cho các cuộc tranh luận còn tiếp tục diễn ra trong cách kiểu thời nay.
Trước hết, nên cùng với tất cả các thần học gia, ghi nhận rằng khác với điều mọi người vẫn tưởng, cho đến nay lịch sử chưa bao giờ thấy được một minh định tín lý nào về chủ đề Cứu Ðộ. Ai cũng nhận nhận là: các bản tuyên tín liên quan đến vấn đề đều vắn gọn và có tính cách chắp nối từ nhiều mảnh. Và còn có thể đi xa hơn nữa để nói rằng: Kinh Thánh không giới thiệu một giáo lý có hệ thống nào về vấn đề Cứu Ðộ.[2] Có mặt một cách rải rác và thoáng mờ ở trong các Phúc Âm, vấn đề đã được chính thánh Phaolô nêu lên minh bạch. Có thể nói là vấn đề Cứu Ðộ nằm ở tâm điểm của tư tưởng thánh nhân. Ngài thường nhắc rằng: Ðiều mà Ađam đầu đã đánh mất thì Ađam mới đã chuộc lại, thì Ðức Kitô đã chuộc lại qua cuộc hiến dâng mạng sống mình trên thập giá. Vì chúng ta, Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Cái chết của Ðức Kitô không phải là một cảnh ngộ ác nghiệt nằm trong một định mệnh phải được kết thúc trong vinh quang chói lọi, nhưng là một dữ kiện chủ yếu, là thời điểm then chốt, là thời điểm quyết định… đã thực sự làm cho chúng ta có được trọn quyền đi vào trong Nước Thiên Chúa.
Sau đó, các giáo phụ đã tiếp tục ra sức để tìm hiểu về ý nghĩa của thảm cảnh ấy, thảm cảnh ẩn chứa trong những Mầu Nhiệm thánh thiêng nhất. Nhưng, phải nhận rằng khó mà hiểu cho thấu hết những suy tư phức tạp và thường lại được biểu đạt quá công phu của các ngài. Các suy tư ấy chỉ thực sự bắt đầu hình thành từ thế kỷ 3 (mặc dầu trước đó đã có nỗ lực đóng góp của thánh Irênê). Từ các dữ liệu khác nhau đó thành quả suy tư của các giáo phụ thì đã có thể thử rút ra được một mẫu định nghĩa sơ khởi. Theo một công thức đề xuất gần đây nhất thì có thể hiểu Cứu Ðộ là mầu nhiệm về cuộc giải phóng khỏi một cảnh nô lệ, đã được thực hiện do quyền năng của Thiên Chúa, và trong công trình giải phóng này, Con Thiên Chúa nhập thể đã đem chính mạng sống mình mà đền bù.[3] Ðành rằng đây là một mầu nhiệm như đã được nói lên trong tựa đề của bài viết và không ai dám nuôi tham vọng giải thích tất cả những gì đã xảy ra. Ðược biết rằng kết quả của công trình ấy là một cuộc giải phóng khỏi tội lỗi và khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Và cũng được biết rằng công cuộc giải cứu này đã được thực hiện bởi quyền năng của Thiên Chúa: đây không phải là một cuộc thanh luyện đơn thuần loài người.
Và điều thường được nghe nói là cuộc giải phóng ấy có được là nhờ Con Thiên Chúa, Ðức Kitô, đã đem chính mạng sống mình mà trả giá. Ðây là điểm làm cho óc phê bình ngày nay gặp khó khăn: tại sao lại phải trả giá? Nhất thiết phải nạp một giá chuộc sao? Thiên Chúa nào lại đi đòi một giá chuộc như thế? Việc đòi buộc đó từ đâu mà tới? Ðặc biệt là ở điểm này, trí óc con người cảm thấy như bị hụt chân và đâm ra choáng váng nhiều hơn hết. Trước tiên, hãy thử xem những người đi trước đã nói gì về vấn đề này?
Học Thuyết Thần Nghiệm ( thánh Irênê)
Thánh Irênê (~130-200, giám mục thành Lyon, Pháp) đồ đệ của thánh Polycarpe, và thánh Polycarpe lại là đồ đệ của thánh Gioan Tông đồ; như thế là hãy còn rất gần với cội gốc đã đoán biết những khó khăn; chính vì vậy mà trong cuốn Chống Lạc giáo (Adversus Haereses) ngài đã đặt câu hỏi như sau: Bằng cách nào cái chết của Ðức Kitô trên thập giá đã có thể làm cho chúng ta đáng được vào Nước Trời? Câu trả lời của ngài là câu trả lời thuộc loại thần nghiệm. Ngài viện dẫn học thuyết đã nổi danh thời đó của thánh Phaolô nói về việc thâu họp (récapitulation) nhân loại đã được tái sinh trong Ðức Kitô. Ngài còn cho rằng việc thâu họp đó đã được niêm ấn bằng máu thánh trên đồi Canvê, nhưng lại không nói rõ về các cách thức thể hiện của sự việc ấy. Về sau, luận đề đã được nhiều giáo phụ khác lấy lại, như Hippôlyte, thánh Athanase, thánh Grégoire de Nysse, v.v…
Nhưng, theo các nhà bình giải thì luận đề vẫn còn nhiều thiếu sót và không rõ ràng đủ. Ðau khổ trên đồi Canvê có mang thêm được gì cho cuộc tổng thâu họp nhân loại? Sau này, đưa ra nhận xét trong chiều hướng đó, Duns Scot nói rằng: chỉ cần nhập thể, chứ chẳng cần phải chịu đau khổ, thì Ðức Kitô cũng đã có thể hoàn thành công cuộc thâu họp kia; còn việc cứu độ thế giới thì cũng đã có thể được thực hiện chỉ đơn thuần bằng một nguyện ước nội tâm không thôi của Ðức Kitô! Vì thế, nhận xét trên đây cần được đào sâu thêm.
Học Thuyết Chuộc Lại
Ôrigênê là người đề xuất học thuyết này, dựa vào ý niệm mua chuộc, lấy từ thông tục mua bán nô lệ thời xưa. Luận đề cho là: Vì tội lỗi, con người đã trở thành nô lệ của Satan. Vậy, theo lẽ đương nhiên, nếu muốn đảm bảo hạnh phúc cho con người, thì chính Ðức Kitô phải chuộc họ lại từ tay Satan. Vì thế, Ðức Kitô đã phó nộp cho Satan mạng sống của Ngài làm giá chuộc. Nguôi lòng và thỏa mãn với lễ tế hy sinh của Ðức Kitô một lễ tế có giá trị vô biên Satan bằng lòng để con người được tự do khỏi vòng nô lệ của nó. Dù có quái dị, luận đề cũng đã được rộng rãi phổ biến trong những thế kỷ đầu lịch sử Kitô giáo. Thánh Ambrôxiô tán đồng; thánh Âugutinô lấy làm quan điểm của mình. Cho đến thời Trung Cổ cũng còn gặp thấy học thuyết ấy: thánh Tôma Aquinô vẫn nói đến quyền của quỷ dữ trên con người trước khi được Ðức Kitô cứu chuộc.[4]
Ðành là hấp dẫn đối với trí tưởng tượng con người, nhưng luận đề thiếu hẳn nền tảng thần học cũng như triết học. Quỷ dữ được dành cho quá nhiều quyền hành, mà thực ra, nó cũng chỉ là tạo vật, và phải được coi là như thế. Vậy thì, để nói cho có lý sự, không thể có chuyện trao cho quỷ dữ quyền được đặt điều kiện cho Ðấng Tối Cao. Chấp chứa quá nhiều thần thoại và để cho chúng tự do thao túng, lối giải thích này thuộc loại không thể chấp nhận được.
Học Thuyết Thay Thế
Ở đây, câu chuyện không xoay quanh quỷ dữ, nhưng chú trọng đến quyền năng của Thiên Chúa. Tội lỗi con người là hành động xúc phạm đến tính Thiên Chúa uy nghi, đến Thiên Chúa chí tôn chí thánh. Hành động xúc phạm đó đã gây ra một tình trạng gián đoạn không thể nào con người hàn gắn được. Cần phải có một sự đền bù tương xứng với phẩm vị của Ðấng đã bị xúc phạm, để tái tạo cho được thế cân bằng giữa đôi bên. Ðó là điều hợp lý. Vì thế, Ðức Kitô đã dâng hiến chính mình làm của lễ tế đền bù thay thế, và lễ tế của Ngài đã tái lập thế cân bằng về quyền và tình trạng hài hòa hợp lý. Luận thuyết này đã xuất hiện từ từ trong suy tư của một vài giáo phụ Hy Lạp (như thánh Gioan Kim Khẩu và sau này thánh Gioan Ðamasênô), và có phần nổi tiếng trong thời Trung Cổ, bởi đã tỏ ra khá phù hợp với nội dung của mạc khải. Nhiều đoạn Kinh Thánh xác chứng cho điều đó. Cựu Ước đã từng báo cho biết trước: Cha không ưng nhận lễ vật chiên bò, vì thế, này đây, con xin đến để làm theo thánh ý Cha. Thánh Phaolô cũng thường nhắc đến điều ấy (đặc biệt là trong thư gửi tín hữu Thêxalônica). Ngoài ra, ít mùi thần thoại, luận thuyết này cũng làm cho đầu óc được nhẹ nhõm hơn nhiều, chứ không như các giả thuyết nhắc đến trên kia.
Tuy nhiên, cũng còn nhiều điểm chưa được sáng tỏ cho đủ. Giả thuyết không thể chứng minh được rằng sự việc Ðức Kitô phải chết là cần thiết. Bởi trong cương vị là Con Thiên Chúa nhập thể, Ngài chỉ cần có mặt để chuyển cầu thay cho là đủ, trừ phi cho rằng bản tính Thiên Chúa đòi phải có hy lễ đổ máu, nhưng giả thiết như thế thì thật là quá ghê rợn. Về ý kiến cho rằng phải có một thế cân bằng, một mức độ tương đương đã bị tội lỗi phá vỡ trong lòng thần phục đối với Thiên Chúa, thì cũng chưa có gì rõ ràng cho lắm. Một vài người (Harnack) cho rằng đó chỉ là dấu vết còn sót lại từ các pháp định đặc biệt trong Bộ Luật bên Ðức hồi thời Trung Cổ. Xúc phạm phải được đền bù bằng máu (thói lệ đấu tay đôi, duel). Lối giải thích còn cho thấy là đã đi quá xa, không dẫn trưng chứng cứ cho đủ. Cách hiểu về ý niệm thay thế để đền bù hình như còn quá mù mờ, bấp bênh.
Học Thuyết Đền Thay (thánh Anxenmô)
Học thuyết này rồi sẽ nổi tiếng lớn, và mãi cho tới thế kỷ 19, vẫn còn được dùng đến trong nhiều bộ sách thần học. Khó chịu nếu không nói là bực bội vì lối giải thích không rõ ràng các học thuyết trước ngài đã đưa ra, thánh Anxenmô đã quyết ra sức xét lại vấn đề và cố tìm cho ra một câu trả lời có cơ sở vững chắc hơn. Ngài đã dành một phần xứng đáng của tác phẩm Cur Deus homo[5] để thực hiện ý định ấy. Ðành rằng luận thuyết của Ngài có phần giống với học thuyết chuộc lại, nhưng không vì thế mà đã không tiến hành cuộc biện luận một cách nghiêm túc hơn. Ngài nói đến sự cần thiết phải có một cuộc đền thay (satisfaction vicaire), nghĩa là với lễ tế hy sinh của Ngài, Ðức Kitô đã đền bù tất cả những gì một trật tự phải lẽ đòi hỏi, và phải hiểu việc đáp trả ấy là một việc làm thay thế (hiểu theo từ nguyên), tức có sự can thiệp của một người thay thế. Quả hai học thuyết chuộc lại và thay thế xuất hiện rõ dưới hình thức phối hợp trong giải thuyết đền thay.
Cần xác định rõ: tự bản chất (chớ không chỉ ở trong lương tâm của tội nhân), tội là một tình trạng hỗn độn (désordre). Hiểu như thế, tội quả là một hành động xúc phạm tận gốc đến trật tự Thiên Chúa đã an bài. Do đó, có thể tiên dự được rằng để tái lập trật tự, cần phải có Thiên Chúa can thiệp, bằng một hành động can thiệp có thể nói là tàn bạo (brutalement). Hình phạt đang đe dọa, và con người thì yếu hèn bất lực, không thể tự sức mình khẩn cầu để chặn đứng mối đe dọa ấy; thế nên, Ðức Kitô đã phải can thiệp. Là Con người-Chúa, Ngài có đủ thế giá để chuyển cầu với sức năng thần linh. Ngài đã hiến chính thân mình làm của lễ tế toàn thiêu dâng lên Chúa Cha. Và bởi động lòng xót thương, Chúa Cha đã bãi bỏ hình phạt đi.
Ðó là nội dung của luận thuyết được nhiều người hoan nghênh, và vẫn còn được dùng làm cơ sở cho một số bài giảng thuyết. Luận thuyết đâm rễ sâu vào trong tác phẩm của các giáo phụ cũng như của chính thánh Phaolô (cả trong thư gửi tín hữu Do Thái). Ngoài ra, luận thuyết cũng làm cho trí óc được thỏa nhiều hơn. Ý nghĩ cho rằng tội lỗi hắc ám được đền bù bằng lễ tế hy sinh của một Ðấng Công Chính làm nảy sinh lên trong tâm trí một tác dụng bù trừ, khá hấp dẫn… ít ra là theo nhận định phỏng chừng phút đầu. Học thuyết này được toàn thể các thần học gia và triết gia cuối thời Trung Cổ chấp nhận. Thế nhưng, chưa hoàn toàn thỏa mãn, Duns Scot nhận xét rằng để trò chơi bù trừ ấy được hoàn tất, thì cần phải có sự ưng thuận của Chúa Cha, vì Ngài vẫn có thể từ chối lễ tế dù là do chính Con Một Ngài, Con người-Chúa, dâng hiến: Con người phải dâng lên Chúa Cha một lòng biết ơn bao la vì đã vui nhận lễ tế hy sinh ấy. Và rồi vấn đề lại được đặt ra, xoay quanh thái độ ưng nhận của Chúa Cha.
Tất cả những ngập ngừng, những cố gắng giải thích của buổi đầu vẫn tiếp tục hằn rõ nhiều thế kỷ sau, trên nỗ lực nghiên cứu vấn đề. Công đồng Trentô đã nhận là vấn đề chưa được giải quyết. Chính cái chết của Ðức Giêsu Kitô đã mang lại ơn cứu độ cho loài người: về điều này không hề có ai nghi ngờ bao giờ. Nhưng là bằng cách nào? Chưa ai biết phải trả lời như thế nào. Với thời gian, ý niệm đền thay được từ từ chấp nhận (như các thần học gia Salamanca chẳng hạn…). Nhưng cách giải thích về nền tảng của đòi hỏi phải đền thay như thế vẫn còn mập mờ. Tuy nhiên, để cho khách quan thì xin nêu lên đây luận đề gần đây nhất của René Girard theo đó, việc tự hiến tế của Ðức Kitô phải được đối chiếu song song với việc sát tế oan dương (con dê gánh tội). Ngài đã gánh lấy mọi tội lỗi của chúng ta (thánh Phaolô) và đã tự hiến tế chính mình thay cho chúng ta. Nhưng René Girard lưu ý lần này hành động hy sinh mạng sống mang một ý nghĩa mới: nhân vật hiến sinh tự do bước vào cuộc tử nạn của mình. Chính nhờ sự tự do này lần đầu tiên thấy nói đến trong bối cảnh cứu độ mà cuộc sát tế sẽ là cuộc hiến tế cuối cùng; bởi một khi đã thăng hoa được mặc cảm tội lỗi, thì lương tâm sẽ cảm thấy nhẹ nhàng. Và như thế, không còn cần đến lễ sát tế nữa (trong một phần sau, bài viết sẽ có dịp bàn thêm về giả thuyết mới này)[6]
Cách Giải Thích Khả Thể
Không có tham vọng đề xuất một giải thuyết mới, bài viết chỉ muốn lập lại những gì trí thông minh thời nay trang bị đầy ắp với những đòi hỏi rất cao về mặt khái niệm, và với một óc phê bình tỉnh táo, không gì qua mặt nổi đã tiếp thu được từ những cố gắng suy tư của các thế hệ đi trước.
Hai điều chủ yếu cần nhắc tới:
Trước hết, khi giải thích vấn đề, cần phải biết đề phòng để tránh cho khỏi các cạm bẫy của chủ thuyết nhân hình (anthropomorphisme). Ðừng cứ dựa theo lối hành xử loài người để suy đoán ra cách hành xử của Thiên Chúa. Thường thì nên giữ thái độ lặng thinh và nhận là vấn đề vượt quá tầm hiểu biết của mình, hơn là cứ khăng khăng, với bất cứ giá nào, đưa ra cho được một lối giải thích, và rồi chỉ có được một lối giải thích chủ yếu rút ra từ những tập tục loài người hơn là từ sự thật sâu sắc tiềm ẩn nơi các dữ liệu. Nói tóm lại, về mặt tôn giáo cũng như khoa học, nếu không để ý thì con người thường bị những lối miêu tả tượng trưng ngây ngô theo kiểu nhân loại của mình dẫn đi lạc hướng. Nên cẩn thận đề phòng những ảo ảnh do trí tưởng tượng dựng lên. Ðành rằng đã có một kho tàng vô giá là mạc khải, để nói cho con người về Thiên Chúa và các công trình của Người bằng những lời lẽ nhân loại; nhưng khi văn bản thật sự hoặc gần như, không lên tiếng, thì đừng ra sức quảng diễn nhiều hơn là những gì văn bản muốn nói.
Ðó chính là trường hợp mầu nhiệm Cứu Ðộ. Kinh Thánh cho biết những điều cần thiết về tương quan giữa cuộc hiến tế của Ðức Kitô và công cuộc cứu độ nhân loại, cũng như về mối liên hệ chặt chẽ giữa thân phận tội lỗi của con người và cuộc tử nạn của Ngài. Các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng (như thánh Catarina Siêna, thánh Têrêxa Avila, thánh Gioan Thánh Giá…) đã từng sống qua mầu nhiệm này… mà không tìm cách tháo tung ra từng mảnh nội dung của thực thể bí nhiệm ấy. Vậy, khiêm tốn là thái độ phải có. Nói thế không có nghĩa là không được phép gạt bỏ đi những sai lầm hiển nhiên của những ai muốn diễn giải nhiều quá. Thế nên, để tiếp tục ứng đáp cho đúng mức những đòi hỏi chính đáng của tư tưởng hiện đại, bài viết thấy cần phải lên tiếng tố giác những lạm dụng tỏ tường nhất trong việc dùng thuyết nhân hình.
Lạm dụng cần nêu rõ trước hết là việc dựa vào thế của ý niệm chuộc lại một cách lệch lạc: không thấy ý niệm ấy có gì ăn khớp được với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Ở đây không thể có chuyện làm như đang sống giữa một nền kinh tế thị trường, và càng không phải là chuyện mặc cả mua bán. Cứu chuộc con người thoát khỏi ách nô lệ của ma quỷ, khỏi tình trạng ghê tởm của tội lỗi… thực ra tất cả những công thức kiểu này chẳng mang được ý nghĩa gì đáng kể.
Mặc khác, viện dẫn ý niệm về một cuộc đền bù, một sự thay thế cần phải có… thì cũng chẳng có ý nghĩa gì hơn. Có nên giả sử như thế này chăng: mục đích cuộc tử nạn của Ðức Kitô là để làm lắng dịu những đòi hỏi khẩn thiết của một Ðấng Thiên Chúa uy hùng, tựa một ông hoàng như vua Louis 14 xưa kia bị xúc phạm? Ðiều giả thiết này làm cho liên tưởng đến một đoạn trong bài thánh ca bình dân Minuit, chrétiens! (Nửa đêm, hỡi các kitô hữu!) trong đó, có câu hát đại ý là Ðức Kitô đã làm người và đã chết trên thánh giá để làm cho cơn phẩn nộ của Chúa Cha dịu xuống. Những lời ca tiếng hát với âm điệu lãng mạn này không mang được một ý nghĩa nào đối với những ai để tâm suy nghĩ cho sâu xa một chút. Vậy thì phải bỏ đi tất cả những lối suy tư có dây dưa như thế với những ý niệm mua chuộc, đền bù, thay thế… vì tất cả đều chịu quá nhiều ảnh hưởng của thuyết nhân hình (hay quy nhân luận).
Thứ đến, theo đường hướng suy tư truyền thống cũng như tư tưởng tôn giáo hiện đại, thì có thể chấp nhận và hơn thế nữa, phải cầm chắc là: cuộc mạo hiểm Cứu Ðộ nhằm mang lại phần rỗi cho con người, cuộc mạo hiểm được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết của Ðức Kitô, chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng của toàn bộ kế hoạch vĩ đại Tình yêu [Thiên Chúa] đã đề ra. Tiên nghiệm, và trước cả mọi suy tư thần học hay triết học, thì đã có thể dự cảm được rằng chỉ có một công thức duy nhất để bắt đầu, đó là: Ðức Kitô đã chết vì yêu thương loài người: hết mọi người kitô đều sẵn sàng chấp nhận định đề này. Nhưng vẫn có thể đi xa hơn để thử ra sức hiểu với tất cả thái độ cẩn trọng cần có như đã lưu ý trên kia vì yêu thương loài người có nghĩa là gì.
Quả thực, điều chắc chắn có thể nói trước tiên là Ðức Kitô đã hoàn toàn tự do đón nhận giải pháp tự hiến chính mạng sống mình làm lễ tế. Không có gì không cho phép nghĩ rằng do bởi quyền năng tuyệt đối (de potentia absoluta), Ðức Kitô đã có thể chết một cách tự nhiên sau một cuộc đời làm tròn tác vụ; nhưng, tất cả các dữ liệu đều cho thấy là Ngài đã chấp nhận một cách hoàn toàn tự do, cũng như với trọn ý thức trách nhiệm, hồi chung kết bi thảm đó. Ngài đã tự [do] hiến thân chịu tử hình như đọc thấy trong Kinh nguyện Thánh Thể IV.
Vậy, cần phải tìm hiểu và nếu được thì cả phân tích nữa, hành động tự do ấy. Tại sao Ðức Kitô đã muốn nhận lấy cuộc chung kết bi thảm đó? Câu hỏi làm cho liên tưởng đến một câu nói của Pascal: Tôi chỉ tin những ai dám làm chứng, dù phải mất mạng. Có lẽ đó chính là đường hướng phải theo để giải thích hành động bi thảm của Ðức Kitô, và có lẽ đó cũng chính là đường hướng sẽ giúp cho nhận ra được ý nghĩa sâu kín của công trình Cứu Ðộ.
Cuộc tử nạn đau thương ấy đã được chấp nhận một cách hoàn toàn tự do và được giới thiệu cho cả thế giới sùng kính… như một chứng cử. Ðối lại với biển đời ngập tràn lỗi tội của thế gian (chủ đề này, thánh Âugutinô cũng đã có dịp bàn đến), thì cần phải có cả một đại dương tình thương vô bờ. Hành động hy sinh của Ðức Kitô chính là đại dương Tình thương vô bờ ấy. Ngài đã có thể tránh cho khỏi đi qua cuộc chung kết bi thảm kia (Ta có thể gởi 12 đạo binh thiên thần…), nhưng Ngài đã không muốn làm thế, bởi vì sứ mạng của Ngài cũng như việc cần phải làm cho toàn thể loài người hiểu ra được ý nghĩa của sứ mạng ấy, đòi phải có một chứng cứ bằng máu. Ngài đã yêu thương chúng ta đến độ đã chết vì chúng ta, tất cả các nhà thần nghiệm đều xác quyết như thế.
Quả là có vấn đề đối với công thức vì chúng ta. Vì chúng ta có nghĩa là để tỏ cho con người thấy thái độ tuân phục sâu thẳm của Ngài đối với Thiên Chúa, để nêu rõ cho thấy Ngài đã muốn chứng tỏ điều đó với một chứng cứ bằng máu, ngay cả lúc bị đe dọa và bị chối từ: Ngươi có phải là Ðức Kitô, con Thiên Chúa hằng sống không? Ðể làm chứng về sứ mạng của Ngài, sứ mạng thiết lập Nước Thiên Chúa, Vương Quốc Tình Yêu vô biên, Ngài đã không tránh né, nhưng đã bằng lòng chịu chết, và chết cách ô nhục nhất. Hành động tuyệt đỉnh ấy của tình yêu chưa từng bao giờ xảy ra một hành động cao cả tột bậc như thế: cao cả tột bậc xét vì xuất xứ và phẩm vị của chủ thể hành động là bằng chứng hùng hồn, hiển nhiên, nồng cháy nhất đối với con người, là bằng chứng cuối cùng, và là bằng chứng không bao giờ phai mờ về bản chất ghê rợn của tội lỗi nguyên nhân gây ra mọi thảm cảnh trong nhân loại mà con người phải gánh chịu cũng như về lòng tin và lòng sốt mến con người phải sống mạnh để xả thân (đến độ cũng dám hy sinh cả mạng sống của mình…) xây dựng Nước Thiên Chúa.
Ðó là một vài tư tưởng có thể nêu lên liên quan đến ý nghĩa công cuộc Cứu Ðộ… hầu tránh cho khỏi rơi vào những kiểu nói quá dễ dàng theo lối nhân hình về Thiên Chúa, và để tôn trọng các đòi hỏi của kế hoạch Tình Yêu, kế hoạch trong đó, công trình Cứu Ðộ nhân loại được triển khai. Nhưng, dù có trình bày như thấy trên đây và dù có được chấp nhận, thì cũng còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết nếu muốn ứng đáp để nói theo kiểu triết gia Blondel những đòi hỏi của tư tưởng hiện đại về môn hộ giáo. Bằng cuộc hy sinh trên thập giá, Ðức Kitô đã giải cứu con người khỏi điều gì? Thường nghe nói là để giải thoát con người khỏi ách sự dữ, khỏi gồng cùm thống trị của tội lỗi… Nhưng, nói thế có nghĩa là gì? Ách thống trị song đôi ấy là như thế nào? Công trình Cứu Ðộ đã mang lại được gì cho con người giữa thế giới đầy nham hiểm của loài người chúng ta đây?
II- NHỮNG ÐIỂM THEN CHỐT TRONG CHỦ ÐỀ CỨU ÐỘ: SỰ DỮ VÀ TỘI LỖI
Như thế, cuộc Cứu Ðộ là việc dâng hiến của Tình Yêu vô biên, nhằm bù lại những tàn phá gây ra do những gì cũng mang tính chất vô biên, tức sự dữ và tội lỗi. Một khối sự dữ và một khối tội lỗi (thánh Âugutinô gọi là Massa peccati) đã ngập tràn trên toàn thế giới loài người ngày từ đầu. Sự Thiện vô biên đã đến để tái lập thế cân bằng đối lại với sự dữ. Nhưng phải dừng lại để nhìn cho kỹ: sự dữ là chi mà đã bóp méo đi bộ mặt của thế giới? Tội lỗi là gì mà đã làm cho nhân loại ra hư hỏng đến thế (và đã khiến cho nhân loại có được Ðấng Cứu Tinh cao cả dường ấy! như vẫn nghe hát qua bài công bố Tin Mừng Phục Sinh Exultet). Còn cái tội mà giáo lý coi là đã làm cho nhân loại ra ô uế ngay từ ban đầu, và vẫn mang tên là tội nguyên tổ thực ra là gì vậy? Ðể hiểu được ý nghĩa của cuộc Cứu Ðộ, thì cần phải hiểu các vấn đề then chốt của công trình ấy, tức những gì công cuộc Cứu Ðộ nhằm tới, muốn xua trừ, và cố giải thoát con người cho khỏi.
Vấn Đề Sự Dữ và Đau Khổ
Vấn đề sự dữ thường được coi là thách đố thiên cổ đối với triết học cũng như thần học. Nhiều người không ngần ngại coi đó là vấn đề nan giải; một số người khác thì lấy đó làm lý chứng khá phổ biến chống đối sự hiện hữu của một Thiên Chúa tốt lành. Cho đi đó là một vấn đề gai gốc; tuy nhiên, cũng có thể nghĩ rằng với một chút cố gắng suy nghĩ cộng với thái độ thận trọng cần thiết về mặt phương pháp, thì nếu không thể nắm vững trọn vẹn (do bởi tính chất mầu nhiệm của nó), ít ra cũng có thể nhận diện được vấn đề một cách thoả đáng, cũng như đọc thấy vai trò và sự cần thiết không thể bỏ qua một bên được của nó. Và cả đây nữa, chính khuynh hướng suy tư nhân hình về Thiên Chúa sẽ tiếp tục gây cản trở làm cho nỗ lực giải quyết vấn đề không tiến hành một thích hợp và thỏa đáng được: con người giới hạn muốn đoán định mọi sự theo thước đo cụt ngủn của trí khôn mình… trong khi vấn đề thì mang những chiều kích tầm cỡ vũ trụ, vượt quá tầm tay loài người.
Những Phản Ứng Khác Nhau Trước Vấn Đề Sự Dữ Và Khổ Đau
Dĩ nhiên, hằn sâu trong tâm thức con người, vấn đề sự dữ và đau khổ ảnh hưởng đến cả những phản ứng ẩn kín nhất trong đời sống con người. Khi tia sáng ý thức vừa xuất hiện trong lương tâm của một hữu thể dạng người (anthropode), thì nó đã tự hỏi tại sao mình lại phải khổ. Nhưng, qua các thời đại, con người phản ứng rất khác nhau trước vấn đề sự dữ và đau khổ, ít ra là theo những gì biết được. Cũng nên nhắc lại một vài trường hợp điển hình: theo truyền thống thiên cổ xứ Iran ngày trước (dân Ba Tư – Perses) thì đau khổ và sự dữ là một trong những thành tố của thế giới. Làm như xuất phát từ hai nguyên lý, Thiện và Ác chia nhau nắm giữ vận mệnh của Vũ Trụ và Nhân Loại. Ðó là giáo thuyết Mazdéisme;[7] theo giáo thuyết này thì có một Thần Thiện và một Thần Ác. Giữa hai Thần này thường xuyên có xung đột, và nhân loại là chiến trường đặc tuyển. Truyền thống Ðông Phương này tồn tại lâu đời: vẫn còn thấy được nhiều dấu vết thuyết nhị nguyên Manikêô trong những thế kỷ đầu công nguyên. Có một thời, thuyết này cũng đã thu hút được thiện cảm của thánh Âugutinô (và đã để lại nơi ngài một số dấu vết, chẳng hạn như khuynh hướng bi quan đối với con người). Khỏi phải nói thì ai cũng nhận ra được tính cách hoàn toàn hoang đường của lối giải thích vừa nói. Làm sao mà tưởng tượng ra được nguyên lý Ác là gì? Ðâu là những quan hệ về nguồn gốc và về uy lực giữa nguyên lý Ác và nguyên lý Thiện? Lối giải thích theo quan niệm nhị nguyên này sẽ dần dần tan biến đi và chỉ để sót lại một vài xu hướng nhị nguyên, gọi bằng tên chung là chủ thuyết Manikêô, nhưng không còn phải là một cách giải thích về vũ trụ nữa, mà chỉ là một lối suy nghĩ thôi.
Trái lại, có những người tìm cách giảm nhẹ vấn đề, và nghĩ rằng có lẽ sự dữ không phải là cái gì có thực như người ta thường tưởng lúc mới nhìn qua. Ðó là khuynh hướng gặp thấy tại Ấn Ðộ thời xa xưa (Ấn Ðộ của thời các kinh Phệ Ðà, Upanisát…), và đặc biệt đó cũng là khuynh hướng được quy gán cho Phật Giáo: đau khổ chỉ hiện hữu trong cách phản ứng, theo mức cảm nhận của con người; nếu không cảm nhận như thế, thì một phần lớn hoặc cũng có thể là hơn thế nữa, hết mọi đau khổ sẽ tan biến đi. Làm tê cóng hết mọi phản ứng, Niết bàn sẽ giải thoát con người khỏi mọi khổ đau, đặc biệt hơn cả là khỏi mọi đớn đau (xem bài giảng ở Bênarès).
Quan niệm như thế thì cũng có nhiều điều đúng: qua lối sống đi tìm sung túc mãn nguyện, con người làm cho đau khổ tăng thêm lên; ngược lại, chắc chắn đau khổ sẽ giảm xuống nếu biết dùng lý trí suy luận mà từ khước nó và biết làm cho các khả năng sẵn có trở nên mềm dẻo hơn. Ðó là những gì giải thích cho hiểu về đà thành công như đã thấy và đặc biệt là hiện đang thấy trong thời đại này, của những cuộc thao luyện để nội nhập Niết Bàn, những kỹ thuật Thiền và Suy Chiêm siêu nghiệm. Tuy nhiên, dựa theo đó mà kết luận rằng khổ đau chỉ là chuyện của thế giới ảo tưởng do thế giới hữu hình dựng đứng lên, thì quả đã bước một bước quá dài, bước qua cả một vực thẳm, khó mà vượt qua cho được. Những ai đã từng bị tra tấn trong các chế độ chuyên quyền sẽ phản ứng đúng mức trước những lập luận như vậy. Có thể làm cho đau khổ giảm bớt đi, có thể làm cho ranh mức của đau đớn lùi lại; nhưng không bao giờ loại trừ hẳn được đau khổ ra khỏi thân phận con người.
Có những người khác xuất thân từ truyền thống Hy Lạp hiển hách thì cho rằng: nếu biết cương quyết, tự tín, và làm chủ được vận mệnh mình, tất con người sẽ có đủ sức loại bỏ thành tố chua cay kia của kiếp người bằng thái độ lạnh lùng, khinh khi. Ðó là chủ trương của phái khắc kỷ Stoa. Quả họ đã đề ra nhiều mô mẫu xinh đẹp cho nhân loại, và đã hoạt động nhiều để cổ xúy việc nhìn nhận phẩm chất cao cả của con người; nhưng nói rằng nhất định phải cảm thấy hạnh phúc khi nằm trong bụng bò rừng Falaris, thì hẳn đã rơi sâu vào thế giới thần thoại, ảo tưởng nữa rồi. Ðớn đau là một hiện thực khắc nghiệt mà con người có thể chế ngự đến một mức nào đó, nhưng không bao giờ có thể triệt tiêu hoàn toàn được cả. Qua kinh nghiệm của các bậc minh triết, toàn bộ lịch sử đức khôn cổ thời chẳng hạn như truyền thống Kinh Thánh, kể từ sách ông Gióp cho tới những tiếng kêu than trong sách Khải Huyền nhất trí nhìn nhận và nói rõ cho biết đau khổ là một hiện thực tất định trong thiên nhiên, và cách riêng, là một thành tố không thể triệt tiêu khỏi thân phận con người. Sự dữ và đau khổ hiện diện trong tư tưởng, trong hành động và trong mọi phản ứng của con người. Hai hiện thực tại này là mặt trái của sự vật; không sao chối bỏ được điều đó. Chỉ còn một cách là thích ứng với hiện thực ấy của cuộc sống. Thế nhưng làm sao hiểu cho được sự hiện hữu của thực tại này? Có trả lời được câu hỏi ấy thì mới nắm được ý nghĩa của ơn cứu độ mà trước cảnh tượng và trong thế giới của sự dữ cùng khổ đau, Ðức Kitô đề nghị với con người.
Các Dạng Thái Khác Nhau Của Sự Dữ
Ðã từ lâu từ thời triết gia Aristốt loài người có thói quen phân chia sự dữ thành ba loại. Có một dạng được gọi là sự dữ siêu hình, (métaphysique) phát nguồn từ tính chất hữu hạn của con người. Tất cả mọi loài thụ tạo đều phải sống với nhiều giới hạn, và dù có cảm thấy khổ vì sự kiện hữu hạn này, thì con người cũng không thể làm gì hơn là chấp nhận như một điều không thể tránh được, coi đó là mức giới hạn của sự thiện đã được trao ban cho. Nếu có phải sống qua cảnh già yếu và tử vong, thì đó cũng chỉ là điều tất yếu, không sao tránh được. Ðừng chống đối, than vãn vì đời người quá ngắn ngủi: dù sao đi nữa thì nếu đã có sống tất đời người cũng phải có chết, có lúc chấm dứt. Cũng đừng khó chịu vì cảm thấy yếu kém về thể lý, tinh thần và cả về mặt xã hội: nhất thiết phải có một lúc chấm dứt! Dù ít dù nhiều, bao giờ con người cũng cảm thấy khó chịu vì tình trạng hữu hạn này. Ai biết để tâm suy nghĩ một chút thì sẽ thấy đời là thế và không có lý do gì để than trách cả. Kẻ bi quan thì sẽ tiếp tục rên xiết, người lạc quan thì cứ tiếp tục phấn khởi (đó là câu chuyện về cách nhìn chai nước: chỉ thấy nửa vơi hoặc chỉ thấy nửa đầy). Nếu hữu thể giới hạn hiện hữu, tất phải chịu giới hạn: đó là chuyện hiển nhiên, tất yếu!
Còn có một dạng sự dữ khác nữa, gọi là sự dữ luân lý và chỉ xuất hiện giữa loài người mà thôi, đó là: các lỗi phạm và các tội ác. Tại sao lại có trộm cướp? Tại sao lại có sát nhân? v.v… Mọi người đều hiểu là về mặt này, không có lý do gì để đả kích Ðấng an bài vũ trụ. Có tự do, tức con người có thể xử dụng khả năng đó đúng hay sai, một cách đáng khen hay đáng trách. Là tạo vật có tự do, con người có thể trở thành một Aben vô tội hay một Cain sát nhân. Hẳn là không bao giờ có chuyện thú vật phạm tội giết người hoặc cướp bóc, nhưng cũng không bao giờ chúng biết đến mức hoàn hảo trong đời sống luân lý đạo đức và trong đường thánh thiện. Sự dữ luân lý, như người ta vẫn thường nói, là quả báo của tự do. Thực vậy, nếu sự dữ luân lý đã xuất hiện, thì chỉ vì con người đã dùng tự do sai đi. Thế thì, trong câu chuyện về sự dữ luân lý, thủ phạm là chính con người và chỉ một mình con người mà thôi. Ðức hạnh có hiện diện khắp nơi, thế giới có trở thành thiên đàng hay không là tùy thuộc ở con người. Ðối với dạng sự dữ này, không có gì là khó khăn cho mấy.
Trái lại, đối với sự dữ vật lý (physique), tức đau khổ trên thân xác và trong tâm hồn thì không như thế. Dồn dập, con người đặt câu hỏi: tại sao, là Ðấng đời đời khôn ngoan, Thiên Chúa đã không tạo dựng một thế giới trong đó, không có cái thứ phong hủi, cái tai ương triền miên này: khổ đau của người đang hấp hối, sắp chết đói trong sa mạc, của bệnh nhân giẫy giụa trong các bệnh viện, của người hóa bụa, của kẻ mồ côi… Phải ăn nói thế nào trước những đớn đau ray rức trong cuộc đời khốn khổ như thế của con người? Không thể nào nghĩ ra được một thế giới vận hành hay dở gì cũng được, nhưng không có đau khổ, hay sao? Hay là Thiên Chúa không tạo dựng nổi một thế giới tốt đẹp hơn, một thế giới không có đớn đau và khốn khổ?
Ðó mới là câu hỏi đáng đặt, câu hỏi mà ai cũng tự đặt cho mình và đặt cho những ai đang ra sức suy tầm về vấn đề. Phải nhận đó không phải là một câu hỏi dễ trả lời. Nhưng như đã lưu ý trước đây, không phải vì thế mà nản lòng trước khi thử tìm kiếm. Nếu biết làm chủ óc tưởng tượng và cố tránh đi theo con đường chủ hướng nhân hình, thì mới khỏi rơi vào ngỏ cụt. Trước hết, nên có sẵn một vài yếu tố hoặc nhận xét cơ bản làm nền tảng cho cuộc suy luận.
Yếu tố thứ nhất: đau khổ là một hiện tượng phổ quát, hay ít ra là là như thế đối với các sinh vật. Không chỉ loài người phải đau khổ, mà cả các loài sinh vật gần với loài người về mặt tiến hóa cũng thế; thí dụ: các loài động vật có vú cấp cao, các loài có xương sống, các loài đẻ trứng. Dĩ nhiên là khó mà quan sát cho rõ ràng, chi tiết hơn được, và chỉ có thể đưa ra một số kết luận theo phép ngoại suy (extrapolation) về hiện tượng. Khó mà có thể phủ nhận hiện tượng đau đớn nơi các loài sinh vật vừa kể. Không còn nữa thời ông Descartes, ông Malebranche… thời của chủ thuyết thú vật máy (animaux-machines). Thú vật không phải là những chiếc máy thiết cấu hoàn bị (những con vịt Vaucanson được cải tiến, như de La Mettrie đã nói). Không còn ai phủ nhận việc thú vật biết đau (vì thế đã có hội S.P.A., hội bảo vệ thú vật). Hơn nữa, cũng được biết rằng mức độ đau khổ tương ứng với mức độ ý thức (điều này xem ra đúng đối với loài người; vì thế, có thể dựa theo phép ngoại suy mà áp dụng cho cả các loài thú vật, tùy theo trật bậc tiến hóa…). Do đó, phải coi đau khổ như là một giữa những thành tố trong cuộc phiêu lưu của sự sống.
Nhận xét thứ hai: cuộc phiêu lưu của sự sống đã thành công, dù ngay từ thời khai nguyên, tất cả đều đối nghịch và đều đồng quy về một điểm là chống lại việc triển nở của vật chất sinh động và gây thất bại cho việc xuất hiện của sự sống. Khoảng 2 tỷ rưởi năm trước đây, những điều kiện lý hóa, thời tiết, v.v…. trong hành tinh hãy còn mạnh mẽ đố kỵ với sự sống. Dù vậy, sự sống vẫn nhất quyết nhập cuộc: ban đầu xuất hiện dưới dạng đơn tế bào, rồi đa tế bào, rồi hữu cơ, sau đó sự sống đã có được chỗ đứng và tiếp tục phát triển vững mạnh. Cuối cùng, đã mọc lên cả một cây phả hệ to lớn của sự sống. Làm sao giải thích được việc sự sống đã thành công trước thách đố ấy? Vì đó quả là một thách đố lớn. Ai cũng biết công thức nổi danh của Bichat: Sự sống là toàn bộ những chức năng đã đồng loạt đứng lên chống lại với sự chết.
Theo định luật đi liền với nội chuyển lực (entropie) hoặc là độ thoái giảm năng lực, thì vật chất sinh động là một thách đố đối với quán tính trong thể tự nhiên của mọi dạng vật chất. Sự sống là một bước nhảy vọt, một chiến thắng trường miên trên quán tính và sự chết. Có thể nói đây là một nghịch lý kỳ lạ: tình trạng tự nhiên của một sinh vật là chết. Ðiều làm cho ngạc nhiên không phải là sự chết, bởi đó là tình trạng tự nhiên của mọi dạng vật chất, mà là sự sống. Ðó là thách đố thường xuyên đối với những điều kiện đối nghịch của môi trường chung quanh. Do đó, một câu hỏi được đặt ra: bằng cách nào thách đố kia đã được giải quyết? Và để giải quyết, thiên nhiên (có nghĩa là Ðấng tác tạo ra nó) đã dùng đến phương thức nào? Ðó chính là câu hỏi đáng phải và cần được đặt ra.
Ðau Khổ: Thách Đố Đối Với Quán Tính
Ðây là luận đề cố cựu xa xưa do triết gia Aristốt đề xuất. Ðiều đáng chú ý là khoa học hiện đại đang tiếp sức củng cố cho luận đề này. Aristốt đã căn cứ vào một nhận xét quen thuộc: có thể nhận ra được rằng mọi sinh vật trong thiên nhiên đều thấy thỏa mãn khi nhận vào cơ thể một chất hữu ích, và ngược lại, thấy khó chịu khi phải tiếp nhận một chất độc. Khoái lạc là phần thưởng của hành vi tốt, và bực bội là kết quả của hành vi xấu. Thiên nhiên làm cho mọi sinh vật hoạt động bằng hai sức mạnh: khoái lạc và đau đớn. Ðó là phương pháp ngàn đời của củ cà-rốt và cây roi: khích lệ với củ cà rốt, nghĩa là với khoái cảm để thúc dục động vật làm điều sinh lợi; kềm hãm hoặc cản ngăn bằng cây roi nghĩa là bằng sự đau đớn để nó biết vứt bỏ đi những gì sinh hại cho nó. Khoái lạc thì thu hút, còn đau đớn thì làm cho tránh xa. Và thế giới thế giới các sinh vật cứ tiếp tục như thế mà tiến.
Lẽ tất, đã có nhiều vấn nạn được nêu lên với những bằng chứng đi ngược lại luận đề của Aristốt, chẳng hạn như những khoái lạc độc hại (xì ke ma túy, rượu chè…) và những đau đớn có lợi (đau đớn lúc sinh con, v.v…). Nhưng có người lại cho rằng các trường hợp ấy rất hiếm so với toàn bộ các trường hợp; mặt khác, cũng có thể dùng luận đề về sự tiến hóa giật lùi hoặc suy thoái để giải thích các trường hợp này. Có lẽ con người nguyên thủy không biết đến các trường hợp ngoại lệ này: họ có một cuộc sống lành mạnh hơn, một cơ thể cường tráng hơn. Cả thú vật cũng không thoát khỏi các tiêu chí của Aristốt, theo đó, đau khổ là kích thích tố tự nhiên buộc sinh vật phải lo đề phòng trước các vụ tấn công đang đe dọa, hoặc phải kháng cự khi bị tấn công. Tóm lại, đó là một luận đề đáng lưu ý.
Có phải chính khổ đau đã giúp cho các sinh vật, đặc biệt là loài người, san bằng được các thách đố của quán tính và sự chết? Ðây cũng là một câu hỏi nên đặt ra. Có thể nêu lên các sự kiện mà các nỗ lực quan sát và phân tích đã cho thấy; đó là vô số những sự kiện đã được các nhà chuyên môn rút ra từ những trường hợp cụ thể. Tất cả đều nói lên rằng không những thiên nhiên đã bất chấp đau khổ, mà còn tận dụng đau khổ vào mục tiêu nhắm tới; mục tiêu đó là việc xuất hiện dưới nhiều hình thức của sự sống, tức là việc xuất hiện các giống loài khác nhau suốt trong 2 tỷ rưởi năm có mặt của lịch sử sự sống trên hành tinh này. Không thể kể ra ở đây tất cả những sự kiện đã được kiểm chứng đầy đủ (xin xem công trình khảo cứu của các nhà sinh vật học lão luyện nhất, từ Jean Rostand cho tới giáo sư Grassé chẳng hạn…). Tuy nhiên, cũng xin được nhắc đến một đoạn viết của giáo sư Jean Hamburger, tổng hợp các nhận xét đưa ra mới đây nhất… và giải thích cho thấy sự xuất hiện của các giống loài đã diễn ra qua việc sát sinh các cá thể không chút thương tâm trước khổ đau chúng phải chịu:
Trong tổ chức nghiêm nhặt đó (trong đà triển phát của các giống loại), tuyệt nhiên không có một chút gì xem ra giống với thái độ tôn trọng cá thể, hoặc giống với bất cứ một cử chỉ phản kháng chống lại đau khổ và sự chết. Thí dụ, theo điều kiện của bản tính, con ngựa trời cái buộc phải giết chết con ngựa trời đực liền sau khi giao cấu, và việc ấy không làm ai khó chịu cả. Nếu tình cờ trong một cuộc biến dịch lại có hai con ong chúa trong cùng một tổ ong thì tức khắc con ong chúa có thừa sẽ bị giết chết, và mọi người đều coi đó là chuyện thường. Thiếu mất đi dù chỉ là một chút sức chạy, thì con dê rừng (linh dương) sẽ bị sư tử rượt bắt và giết chết: nhà sinh vật học sẽ nói đến tình trạng chênh lệch, nhưng chắc chắn là sẽ không bàn đến vấn đề bất công.
Và vị giáo sư nổi tiếng viết tiếp tục như sau:
Không có gì sánh được với cảnh bạo tàn, bất công và khinh khi cá thể, thấy được giữa thiên nhiên trong quá trình phát triển của sự sống. Một vài người còn nói thêm rằng đó chính là bí quyết thành công không những của sự khai sinh và trường tồn của hàng trăm triệu giống loài sinh vật, mà còn của cả thế quân bình lạ lùng trong cuộc sống chung giữa các giống loài với nhau.[8]
Ðói khát, đớn đau do vết thương và bệnh tật gây ra… đó là bao nhiêu động lực đẩy mạnh đà tiến hóa; đó là những gì đảm bảo cho khả năng tự vệ của cá thể, cho đà tiến triển của các giống loài.
Một loại quan sát khác do các cuộc nghiên cứu và so sánh có tính cách tổng họp hơn nữa, cũng cho thấy rằng đau khổ là một kích tố giúp phát triển. Một trong những tác giả đã nêu bật rõ nhất điểm này là Cha Teilhard de Chardin. Như tất cả mọi người, ngài đã trực diện với vấn đề đau khổ. Tại sao lại có đau khổ trong thế gian, trong thế giới các sinh vật? Ngài trả lời theo cương vị một nhà khoa học, một khảo sát viên khách quan: ngài nhận thấy đau khổ là thứ kích tố có sức buộc mọi sinh vật phải tự vệ và đưa các giống loài vào vòng thay thế lẫn nhau.
Ngài đã dành cho đau khổ một chỗ đứng nổi bật trong cái nhìn tổng hợp về lịch sử vũ trụ. Ngài đã nhận ra rất rõ rõ đến hoa cả mắt vai trò quyết định của đau khổ; và vì thế, ngài làm như tìm cách để biện hộ cho nó. Có người đã trách ngài là đã quá nhân nhượng với đau khổ; có khi ngài cũng đã bị chỉ trích vì thái độ lạc quan bình thản của ngài. Giữ vững quan điểm như đọc thấy trong tất cả các tác phẩm, từ cuốn Phénomène humain cho đến các thư từ, đặc biệt là các thư viết cho cha Leroy và trước sau một mực, ngài vẫn coi đau khổ là một trong những yếu tố cần thiết cho bước triển phát của thế giới, cũng như cho đà tiến hóa của mọi vật. Theo Ngài, nếu không có đau khổ làm kích tố, thì mọi sự sẽ bị ứ đọng, và từ lâu, sự sống đã biến mất khỏi mặt đất này rồi. Nếu trong gần 3 tỷ năm qua, sự sống đã chiến thắng được mọi trở ngại, thì chính là vì đau khổ đã hiện diện để kích thích và bắt buộc các sinh vật phải phản ứng.
Nếu cứ bình tĩnh khai triển với thái độ khách quan của một khoa học gia, theo lối tổng hợp giáo thuyết, thì sẽ thấy là các luận đề kia xem ra có thể chấp nhận được. Nhưng, đầy tình người, cha Teilhard ý thức rất rõ rằng chủ trương như thế trước những đau khổ của một người sắp chết trên giường bệnh, thì quả là quá khiếm nhã. Hiểu như thế, nên trong các thư viết cho thân nhân đang phải trải qua thử thách khổ đau, ngài đã cố giải thích rõ quan điểm của mình.[9] Dù phải trực diện với những trường hợp thương đau, ngài vẫn giữ vững quan điểm của mình, nhưng đồng thời cũng ra sức cổ xúy thái độ kiên nhẫn chịu đựng. Cần phải biết chấp nhận những định luật lớn trong vũ trụ, xuất phát từ một Trật Tự bên trên. Nổi loạn chống lại đau khổ là một thái độ thiếu suy nghĩ, và nói cho cùng, là một điều vô lý. Tóm lại, cần phải hiểu là tất cả đều đã được khắc ghi trong một trật tự bao quát.
Vậy, hãy thử xét lại để xem tất cả những gì trình bày trên đây có thể được coi là thỏa đáng hay không?
Không Thể Tránh Được Đau Khổ Trong Thế Giới Loài Người
Quả thực, tự phát, suy nghĩ sau đây hiện lên trong tâm trí: Ðấng Tạo Hóa (hoặc Ðấng An Bài cao cả của thế giới, theo cách gọi của một số người) không còn có một cách nào khác để triển khai sự sống hay sao? Ðừng nên coi nhẹ, vấn nạn đáng được suy nghĩ kỹ. Ðể trả lời thì cần phải nhờ đến lịch sử sự sống. Sự sống đã vượt thắng hết mọi chướng ngại sau gần ba tỷ năm. Khi suy về sự kiện ấy, ai cũng phải công nhận đây là một hiện tượng phi thường.
Có người sẽ cố biện minh cho việc coi đau khổ như là lực năng động, bằng cách ra sức làm giảm nhẹ đi tính chất khốc liệt và chua chát của nó. Như đã nói, Phật giáo cho rằng mình có cách để tiêu hủy hết hoặc hầu như hết mọi đau khổ; nhưng đó chỉ là một tham vọng hão huyền, và dù sao thì vấn đề đau khổ của súc vật cũng vẫn còn đó. Còn các người theo phái khắc kỷ thì cho rằng có thể phủ nhận đau khổ; nhưng mọi người đều thấy là kỳ vọng này cũng có giới hạn rất chặt chẽ của nó.
Ðừng bóp méo hiện tượng: đau đớn là chuyện có thật, đau đớn thể lý và cả đau khổ không kém tàn bạo trong tâm hồn nữa. Cứ nhìn vào thực trạng cuộc sống: đau khổ đó, ngay trước mắt. Gabriel Tarde gọi đó là bộ mặt cau có của mọi sinh vật và mọi sự vật. Vâng, đau khổ có thực sự. Người ta còn có thể hỏi xem đau khổ có một giá trị tích cực nào không? Tức là cuối cùng nó có mang lại một kết quả hữu ích nào cho cá nhân hoặc cho giống loài không? Ðã nhìn qua, nhưng cần phải nhìn kỹ và đi cho sát vấn đề hơn nữa. Khoa học nói gì, tâm lý học nói gì về vấn đề này?
Vấn đề đang được nghiên cứu sâu rộng về mặt thuần túy khoa học (đặc biệt là tại Trung tâm y khoa ở Lyon). Câu hỏi được đặt ra cách riêng đối với các vụ tầm cứu về các loại thuốc tê. Hiện người ta đang cố tìm cho ra các loại thuốc giảm đau mạnh bao nhiêu có thể để giúp những người sắp chết có thể ra đi mà không thấy đau đớn: loại thuốc này sẽ giải quyết những khó khăn do vấn đề làm cho chết êm dịu (euthanasie) đặt ra. Kết quả các cuộc điều tra và phân tích hiện chưa cho phép đưa ra được một kết luận nào quyết định. Và còn có thể hỏi thêm là: có thể làm cho tan biến đi hết mọi đau đớn mà không gây nguy hại đến tình trạng sức khỏe của người bệnh hay không? Và đau đớn có hay không có khả năng trị liệu do bởi việc gây ra trong vỏ não và thần kinh não, những phản ứng hữu ích và những kích ứng giúp củng cố các phản ứng cơ bản của sự sống?
Chưa ai trả lời được các câu hỏi này cho dứt khoát cả. Nhưng, dựa vào các cuộc nghiên cứu đang tiến hành hiện nay, nhiều quan sát viên tỏ ra thận trọng và có xu hướng cho rằng đau đớn thể lý có một tác dụng trực tiếp bổ ích trên cơ thể. Nếu không biết đến đau đớn, con người sẽ đánh mất đi sức đề kháng cốt thiết, cần cho sự sống còn. Theo đó, những dữ liệu khoa học có thể cho phép kết luận rằng quả thực đau khổ mang một chiều kích tích cực, hoặc hơn thế nữa, tiềm chứa một sức tác động trực tiếp bổ ích. Nhận định này kéo theo nhiều hệ luận quan trọng về mặt triết học và luân lý học. Nếu đúng thế, thì đau khổ sẽ được thừa nhận là bổ ích, sẽ được coi như liều thuốc thần chữa lành những gì bất chính nơi con người, và sẽ có được một bước tiến quan trọng trong việc hiểu biết về vai trò của đau khổ nơi thế giới các sinh vật. Tiếc thay, hiện giờ, chưa có được một kết luận thực sự dứt khoát về điểm này. Nhưng, hình như có nhiều suy đoán vững chắc xuất hiện dần trong chiều hướng đó. Dù sao, thì cũng phải chờ… và hãy để yên cho các khoa học gia tiếp tục công việc nghiên cứu của họ.
Dù không nắm được một câu trả lời thực sự chính xác về mặt khoa học cho vấn đề, thì vẫn có thể tìm hiểu vấn đề về mặt triết lý (và có lẽ cả thần học nữa). Xin được nhắc lại biểu đề của vấn đề: Có tìm ra được một giải pháp nào khác ngoài đau khổ để bảo đảm đà triển phát của sự sống hay không? Ðối lại với câu hỏi đó, thì tiên thiên (a priori), xin được nêu lên một vấn nạn: hỏi như thế kia thực sự có nghĩa lý gì không? Hay là lại một lần nữa, rơi vào con đường nhầm lẫn về phương pháp làm việc, rời vào cạm bẫy của khuynh hướng nhân hình hóa hằng không ngừng rình chực? Ðặt câu hỏi, nêu vấn nạn cho Ðấng Tạo Hóa: làm thế có hợp lý hay không?
Thật vậy, nên thận trọng hơn. Nếu không thì làm như con người lên tiếng chỉ trích Ðấng Tạo Hóa hệt như chỉ trích một kiến trúc sư về một số cách thức bố trí cho là không thích họp hoặc đáng trách, hay hệt như phê bình một thợ thủ công về những khiếm khuyết nhìn thấy nơi sản phẩm của ông. Ai mà không nhận ra tính cách xấc láo trong thái độ chỉ trích, phê phán kia: chỉ trích, phê phán chính Ðấng Tạo Hóa, Ðấng an bài toàn bộ vũ trụ, Ðấng siêu việt, vượt hẳn lên trên giới mức khả năng nhận thức của con người. Nói tóm lại, lối chỉ trích ngây ngô như thế có thể được diễn nghĩa như sau: nếu tôi là Thiên Chúa, tôi sẽ không làm như vậy, tôi sẽ không xử lý như thế như kia… Chỉ cần một chút suy luận triết học, một chút khôn ngoan… cũng đủ để thấy cái lố bịch của những lời phê phán chỉ trích kiểu đó.[10]
Khôn ngoan đòi phải biết nhận là con người giới hạn, không đủ khả năng để thấu hiểu tất cả các điều kiện trong quá trình diễn tiến của công cuộc sáng tạo thế giới. Không nên tự phụ. Thái độ khôn ngoan nhất là đơn sơ chấp nhận hết mọi đặc nét của thế giới hiện hữu. Ðó là phản ứng của ông già chất phác trong ngụ ngôn của La Fontaine: Ðều là tốt tất cả những gì Thiên Chúa làm nên. Ðó cũng đã là phản ứng của ông Gióp trong phần đối thoại cuối cùng giữa một bên là Ðấng Tạo Hóa đang nghiêng mình nhìn xuống từ trời cao, và bên kia là ông Gióp thân tàn ma dại, bị ba người bạn kích động, muốn đánh liều yêu cầu Ðấng Hằng Hữu minh giải:
Ai là kẻ dám dùng những lời thiếu khôn ngoan hiểu biết,
để làm cho kế hoạch của Ta ra tối tăm khó hiểu?
…
Ngươi ở đâu khi Ta đặt nền móng cho đất?
Nếu người thông hiểu thì cứ nói đi!
…
Trong cả đời ngươi, đã có lần nào
ngươi từng ra lệnh cho buổi sáng?
chỉ định vị trí cho hừng đông…?
…
Có bao giờ ngươi vào kho chứa tuyết,
hay đã thấy kho mưa đá ở đâu?[11]
Quả là thật hổn láo những ai dám đòi Ðấng Hằng Hữu phải xuất trình sổ tính. Hễ đã chọn một cách thức, tất Thiên Chúa thấy đó là cách thức chính xác và hữu hiệu. Dù có xảy ra gì đi nữa dù đang được hạnh phúc hay đang gặp bất hạnh, khốn khổ thì phản ứng duy nhất hợp lý cũng phải là phản ứng được lý trí và lòng tin soi dẫn: Lạy Chúa, xin cho danh Chúa được cả sáng… hoặc được thấm đậm tinh thần Phúc Âm: Nguyện cho ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Mọi đòi hỏi xét lại quy trình vận hành trong vũ trụ đều nhuốm nặng dấu vết của não trạng nhân hình hóa, một lối suy nghĩ vừa ngu đần vừa xấc xược.
Lời Vặn Hỏi: Thế Giới Này Là Thế Giới Hoàn Hảo Nhất Có Thể?
Câu hỏi nhắc cho nhớ lại điểm nhận xét của Leibniz. Thời nay điểm nhận xét này còn có giá trị hay không? Nhận thấy việc sự dữ có mặt trong thế giới là một vấn nạn dai dẳng làm cho khó nhận ra sự hiện hữu của một Thiên Chúa tốt lành, Leibniz đã đề ra một giải pháp từng được xem là tài tình. Lẽ tất thế giới phải bất toàn, bởi như tác phẩm khác với tác giả làm ra nó (Leibniz không theo chủ thuyết phiếm thần) thế giới khác với Thiên Chúa, Ðấng Toàn Mỹ Toàn Thiện.
Thế giới hiện hữu bất toàn là điều không thể tránh được. Một khi đã chấp nhận như thế tất phải giả thiết rằng nếu Thiên Chúa đã không tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn thế giới này, thì chỉ vì xét theo siêu hình học đó là điều không thể. Có những điều có thể nói là chính Thiên Chúa cũng phải tôn trọng, bởi đó là những điều hoàn thiện, ít nhất là tương đối. Chẳng hạn, Ngài không thể vẽ một hình vừa tròn mà cũng vừa vuông, bởi đó là điều phi lý. Vì thế, theo Leibniz, chắc hẳn Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới tốt đẹp nhất có thể trong đó để dùng cách nói của chính Leibniz mọi đồng khả thể (compossibles), mọi quan hệ tương hợp đều được tôn trọng.[12] Như vậy, dù bất toàn thì vũ trụ cũng thích đáng đối với quyền năng vẹn toàn của Thiên Chúa. Ðâu đâu trong vũ trụ cũng thấy nở rộ hoa trái của mối hài hòa tiền thiết.
Giả thuyết cho rằng thế giới này là thế giới tốt đẹp nhất có thể đã bị chế diễu, và ai cũng còn nhớ những lời mỉa mai chua chát của Voltaire nhắm vào giả thuyết, một ngày sau khi xảy ra vụ động đất ở Lisboa làm cho 25 ngàn người thiệt mạng. Nhưng không ai coi những lời mỉa mai đó là mới mẻ độc đáo cả, vì ông phê phán Thiên Chúa tựa như là phê phán một nhà quản lý, không hơn không kém. Ở đây, một lần nữa, lại thấy xuất hiện trọn vẹn cái ngây ngô của não trạng nhân hình: dựa trên kiểu ước lượng của loài người để phê phán cách hành xử của Thiên Chúa là một điều hết sức khờ khạo ngây ngô. Tốt hơn, nên nhớ lại câu mà tín hữu thường nói những khi gặp nghịch cảnh: Thật khôn dò kế hoạch của Thiên Chúa! Hiểu thế mới thật là sâu sắc, mới có đủ hết mọi lý chứng về mặt siêu hình. Kinh Thánh cũng đã nói rõ: Không ai hiểu thấu các quyết định của Thiên Chúa.
Thử nhìn lại lối biện luận của Leibniz. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ luận đề, nhưng dĩ nhiên là với một vài thay đổi trong cách giới trình biểu đề. Ðành rằng vẫn còn thấy dấu vết của khuynh hướng nhân hình trong lối biện luận đó: nói rằng một thế giới có thể hoặc không thể có… cũng là một cách đánh giá dựa theo tiêu chí của lý trí con người. Mà lý trí con người lý trí phán định điều gì có thể có và điều gì không thể có thì quả là thật nhỏ bé, tàn tệ trước Tư Tưởng của Thiên Chúa, và theo siêu hình học mà nói không thể nào so sánh được với bản chất siêu việt của Thiên Chúa. Vậy hãy khiêm tốn và đừng nên phê phán dù là bằng cách ca ngợi như Leibniz đã làm công trình của Thiên Chúa, bởi làm thế là khiếm nhã, nếu không nói là xấc xược, không thể nào chấp nhận được xét về mặt khoa học luận. Và như thế, không hoàn toàn loại bỏ, chúng tôi chỉ coi luận đề của Leibniz như là còn quá ngây thơ, sơ lược. Con người không có quyền, không có khả năng để phán đoán công trình của Thiên Chúa. Chí lý nhất là cùng với đức khôn bình dân xác quyết rằng: Ðều là tốt tất cả những gì Thiên Chúa làm nên.
Ðón Nhận Thánh Ý Thiên Chúa
Như vậy, tất cả các nhận định trên đây đều cho thấy là cần phải có thái độ khôn ngoan, thái độ chấp nhận ý Thiên Chúa. Như đã nói trên kia: Không ai hiểu thấu các quyết định của Thiên Chúa. Chỉ cần suy nghĩ một chút dù là với lý trí đơn thuần thì cũng tìm ra được cách ứng xử khôn ngoan. Thử tưởng tượng xem: làm sao con người có đủ khả năng để mà đánh giá công trình của Ðấng Tạo Hóa? Nghĩ lại thì sẽ thấy đó quả là một tham vọng vừa thiếu thông minh vừa buồn cười. Thân phận làm người kéo theo những giới hạn không gian và thời gian rất chật hẹp.
Con người sống trong khoảng không gian và thời gian đó, theo từng phần từng mảnh một, mà không bao giờ hy vọng ôm choàng được hết tầm rộng lớn toàn bộ. Làm sao đánh giá được các biến cố, hiểu được ý nghĩa và tầm trọng yếu của chúng; làm sao giải thích được các dấu chỉ thời đại khi con người không có sức phóng tầm mắt ra xa khỏi cái nhìn hạn hẹp của mình để có thể thấy được toàn cục? Mà có nhìn được toàn cục thì con người mới lượng giá được chi tiết hoặc bộ phận. Về mặt không gian cũng thế: có ai đã biết được độ dài rộng của vũ trụ chưa? Chẳng phải là như được ước lượng có cả hằng triệu hằng tỷ thế giới tương tự như thế giới con người đang tìm hiểu đây? Vậy thì làm sao dám đưa ra một nhận xét gọi là hợp lý về một vài biến cố thứ yếu xảy ra trong thế giới loài người bé nhỏ này?
Cũng thế đối với tính hợp lý của các biến cố trong vũ trụ: chỉ có thể nắm được ý nghĩa thực sự của chúng khi biết suy nghĩ về chúng trong ánh sáng của Tính Hợp Lý tối thượng. Và Tính Hợp Lý này thì vô tận so với cái hợp lý của con người. Vậy thì thôi, đừng nên quấy rầy Ðấng Hằng Hữu với những luận điệu cáo giác, với những câu hỏi vớ vẫn như ông Gióp ngày xưa. Thế giới con người đang sống thì hữu hạn, nhỏ bé và rất nhỏ bé… so với kế hoạch ngàn đời trong công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Chấp nhận đi tính chất hữu hạn bẩm sinh của một thế giới tạo vật, và đừng tiếp tục đả kích lố bịch nữa. Ðều là tốt tất cả những gì Thiên Chúa làm nên. Nguyện cho ý Người được thể hiện.
Như thế, đã có thể đưa ra một suy tư đầu tiên về những tương hệ giữa sự dữ cùng đau khổ không thể tránh được trong thế giới tạo vật và những gì công trình cứu độ đã mang đến cho toàn thể nhân loại. Trên thập giá, Ðức Kitô đã mang lại phần bổ sung cho tính chất hữu hạn của loài người. Chấp nhận đi vào cuộc khổ nạn với tất cả tự do là Ðức Kitô đã có thể do tự thiên tính của Ngài lấp đầy hố ngăn cách giữa niềm hy vọng của loài người và những thực tại thần linh. Trong phần trên, bài viết đã nhận định rằng ý nghĩa sâu xa của mầu nhiệm Cứu Ðộ (không nằm ở chỗ mua chuộc, bù trừ, thay thế, v.v…) tiềm ẩn trọn ở trong cách biểu lộ tình yêu, một tình yêu thương vô biên, toàn diện và tuyệt đối. Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta cho đến chết và chết trên thập giá. Dù không đi sâu vào các luận chứng của Cha Teilhard de Chardin, thì vẫn có thể nhận ra được rằng thập giá [hiện diện] trong thế giới quả là công cụ thăng hoa vũ trụ.
Một vài trang viết của Bérulle nhắc cho nhớ về điểm ấy.[13] Nếu công trình sáng tạo tự bản chất bất toàn đã đưa vào hiện hữu những tạo vật ở cách xa Thiên Chúa Toàn Hảo, thì mầu nhiệm Cứu Ðộ biểu hiện tình yêu thương vô biên đã đến để lấp đầy hố chia cách giữa những tạo vật bất toàn và Hữu Thể Toàn Hảo, giữa một thế giới khiếm khuyết và một Ý Muốn toàn hảo, giữa một nhân loại cùng khốn và một Ðấng toàn thiện toàn mỹ siêu việt. Ðó là một tư tưởng siêu hình và thần học vô cùng phấn khích, rất đáng ghi nhớ.
Và đây là một điểm đáng lưu ý khác, một điểm đáng lo âu hơn nhiều, sâu thẳm và bí nhiệm hơn nhiều. Quả thật, con người mang theo trong cấu trúccủa bản chất đặc thù mình, một nỗi khổ riêng, và đó mới là nỗi khổ sâu thẳm hơn cả. Ðành là hệt như mọi tạo vật khác, con người phải gánh chịu nỗi khổ do bởi tình trạng hữu hạn của mình, nhưng thêm vào đó, con người còn thấy ở trong chính mình một khả năng chối bỏ tiêu cực và quỷ quyệt hơn: con người có thể tự mình quyết định chọn điều ác, làm cho mình trở nên bỉ ổi đối với chính mình, đối với toàn thể vũ trụ. Tên thường dùng để gọi hành động ấy là tội: Con người có thể gây ra nhiều điều tai ác, khiến vũ trụ đã khốn khổ càng thêm khổ sở hơn nữa. Con người có thể sản xuất những phương sách hủy diệt. Không chỉ yếu đuối, con người còn có thể đâm ra hư đốn, phá hoại. Ðó là tất cả độc tính bi đát của tội lỗi. Vậy thì, qua công trình Cứu Ðộ, Ðức Kitô đã mang lại được liều thuốc nào để chữa trị cái bệnh phong hủi kia của nhân loại? Ðó là vấn đề cần bàn đến và sẽ bàn đến sau đây.
Tội Lỗi Loài Người
Ðây là lúc phải trực diện với một trong những chủ đề then chốt nhất của mầu nhiệm Cứu Ðộ: vấn đề sự dữ luân lý, tức là tội. Như vẫn thường nghe nói: Ðức Kitô đã chết trên thập giá để cứu chúng ta thoát khỏi tội lỗi. Cho chính xác hơn thì phải hỏi: điểm then chốt đó là gì, và mầu nhiệm cứu độ đã xóa bỏ được những gì khỏi cái độc hại của tội lỗi?
Trước tiên, cũng nên nhớ lại: tội là toàn bộ những hành vi ác hại, sai quấy, mất trật tự của con người; đó là hành động ác hại làm đổ máu hoặc xúc phạm đến danh dự, là trộm cướp, vu khống, phẫn nộ, lười biếng, là kiêu căng chà đạp người khác, là nhục dục làm hạ giá nhân phẩm, v.v… mà truyền thống gọi là bảy mối tội đầu. Như mọi người đều biết, các dạng thái này của sự dữ đang tràn ngập thế giới. Nhưng, từ đâu mà có sự dữ như thế? Từ tự do của con người. Tự do: món quà kinh hồn đã được trao ban cho loài người, khiến con người trở nên có thể nói theo kiểu loại suy hầu như ngang hàng với Thiên Chúa, để làm chủ, để khai nguyên một số tư tưởng và hành động của mình.
Con người đã lãnh nhận được hai món quà: trí tuệ và tự do. Ðành rằng lý trí điều khiển tự do vì nó mở đường và cho thấy tầm ảnh hưởng của các quyết định cần lấy, nhưng chính tự do mới tạo ra và khiến các hiện thực lộ diện. Có lẽ đó là món quà vĩ đại nhất. J.P. Sartre gọi đó là món quà kinh hồn các thần linh ban tặng và qua một đoạn rất nổi tiếng trong tác phẩm Les Mouches (Các Con Ruồi), ông còn nói thêm rằng: Một khi tự do đã bùng nổ trong tâm trí một người nào, thì không có gì ngăn cản được người ấy, cả các thần linh cũng không. Theo Sartre, hơn là qua việc sử dụng trí tuệ, con người đã thách thức Thiên Chúa qua việc xử dụng tự do. Tôi có thể tùy ý sáng tạo ra bản thể và hữu thể chăng? Tôi có thể tuỳ ý đặt ra các giá trị, quyết định đâu là thiện và đâu là ác không? Ðó là những đề tài dĩ nhiên xuất phát từ Kinh Thánh (xin xem sách Sáng Thế về cung cách xử sự của con người đầu tiên) là những đề tài J.P. Sartre ưa bàn đến nhiều nhất: có thể nói rằng chúng đã được ghi sâu trong tâm thức (hay trong tiềm thức) của con người ngày nay. Tự do con người hưởng dùng, tưởng chừng như là không có giới hạn. Quan niệm theo kiểu tuyệt đối ấy đang ảnh hưởng rất sâu rộng đến lối suy nghĩ của người ngày nay, nhưng, dĩ nhiên, vẫn còn là đề tài tranh luận, và sẽ mãi mãi là như thế. Tự do con người có thể đi đến đâu? Ðâu là những giới hạn của tự do đó? Vấn đề này sẽ được bàn tiếp sau; bây giờ bài viết xin trở lại với vấn đề tội lỗi.
Tự do con người là khả năng vạch một hướng đi hoàn toàn mới mẻ cho tư tưởng và hành động của con người. Có tự do là con người có trách nhiệm. Vì thế, khả năng này có thể tạo ra hai loại thực thể: điều tốt và điều xấu, và có hai mặt, như con dao hai lưỡi. Ðó là điều dễ dàng nhận ra. Và không ai chối cải được rằng tự do đã đem lại nhiều điều tốt: nhiều tâm hồn quảng đại đã từng làm cho thế giới được thêm phong phú; nhiều chuyên viên, nhiều bác sĩ đã cải tiến điều kiện sinh sống và sức khoẻ của con người; nhiều vị cố vấn tinh thần đã giúp người khác định hướng tốt đẹp cho đời sống; chính họ là những người xây dựng hòa bình. Không ai cãi chối được điều đó. Vì thế, mỗi năm đều có những phần thưởng Nobel được trao tặng. Nhưng rất cũng đáng tiếc, bên cạnh những đóng góp lớn lao như thế cho hòa bình và hạnh phúc, thì ngược lại, tự do con người cũng đã gây ra không biết bao điều độc hại khiến cho cái khổ bẩm sinh bởi bị giới hạn trong thân phận làm người lại càng gia tăng vùn vụt thêm. Khổ đau gia tăng vì các cuộc tra tấn; nghèo đói gia tăng vì nạn trộm cướp; cuộc sống trở nên khó khăn thêm vì vu khống và kiêu căng của con người. Ðó là thế giới u tối của tội lỗi loài người. Xin thử phân tích xem.
Tội Lỗi Là Tình Trạng Hổn Loạn
Có người nghĩ rằng thế hệ này không còn ý thức về tội lỗi nữa. Ðiều này khá đúng. Những tiến bộ trong các ngành khoa học nhân văn có xu hướng cho rằng cần phải thu hẹp phần trách nhiệm trong hành động của con người (kể cả trong lãnh vực điều thiện…). Nhất là bởi quen quan niệm theo kiểu chủ hướng tuyệt đối về tự do, tư tưởng thời nay không còn thấy được điều gì là điều cấm. Hình như có hai tiêu đề đang hướng dẫn tư tưởng đó. Tiêu đề thứ nhất khơi hứng từ quan niệm của Rousseau nhấn mạnh rằng: tự do của tôi dừng lại ở chỗ tự do của người khác bắt đầu, và có thể được hiểu là: tôi được phép làm tất cả những gì tôi muốn, miễn là tôi không quấy rầy đến ai khác (tiêu đề này đã tiếp tay cho việc hợp thức hóa chẳng hạn như là nạn tự tử trong xã hội ngày nay). Thực tiễn hơn, tiêu đề thứ hai cho rằng không thấy, không rầy. Tôi chỉ buộc phải trả lẽ đơn thuần với xã hội mà thôi vì xã hội mạnh hơn tôi nhưng nếu hoặc vì chểnh mảng hoặc vì bất lực, xã hội không can thiệp, thì hành động của tôi được hoàn toàn hợp pháp hóa. Có người còn nói: Tôi không phải trả lẽ với ai cả.
Các cách quan niệm như trên đây kéo theo những hậu quả thật trầm trọng, sẽ được bàn tới trong các bài viết khác; ở đây, chỉ xin nêu lên những đặc nét đại cương của tội lỗi có liên quan đến công cuộc Cứu Ðộ. Không thể hiểu gì về mầu nhiệm Cứu Ðộ, nếu trước đó không có được một khái niệm có cơ sở in re (hiện sự) về tội lỗi.
Cần tránh hết mọi cách giải thích theo khuynh hướng chủ quan về tội lỗi (theo lối hiểu của tư tưởng ngày nay), để chỉ dồn chú tâm ý vào các khía cạnh khách quan của tội lỗi. Quả vậy, có một cách giải thích khách quan đọc thấy chẳng hạn trong định nghĩa cổ điển về tội do thánh Tôma Aquinô đưa ra: tội là thái độ quay mặt đi [thù nghịch] khởi Thiên Chúa để quay về với [chạy theo] thọ tạo (aversio a Deo et conversio ad creaturas).
Dĩ nhiên, định nghĩa trên đây giả thiết hành động con người đã được đặt để trong một trật tự của các sự vật, và trật tự này phát nguyên từ một căn cội siêu việt. Thánh Tôma hiểu về vũ trụ và về nhân loại theo một nhãn quan quy thần cao độ: bởi đều từ Thiên Chúa mà đến, nên mọi sự đều quay về với Thiên Chúa. Ðộng tác song đôi ấy ghi khắc nơi các sinh vật và sự vật một trật tự phân phối và ngôi thứ.[14] Không phải là cố định (khác với những gì, qua bao thế kỷ, nhiều nhà bình luận đã tưởng nghĩ), tự bản chất, việc xếp đặt này là một tiến trình đầy năng động! Vì đây là một trật tự hướng tới cứu cánh, một trật tự ở giữa các hữu thể đang trên đà hoạt động sáng tạo (do đó, lối giải thích về một vũ trụ theo chủ thuyết tiến hóa không đi ngược lại với học thuyết nói chung của thánh Tôma).
Vậy, khi nghĩ về trật tự trong vũ trụ, tất phải hiểu về một trật tự động chứ không phải là tĩnh (để dùng lối phân biệt rất xác đáng trong tư tưởng hiện đại). Dẫu sao đi nữa, cũng cần phải nhìn nhận là có một trật tự theo ngôi thứ. Giai trật (hiérarchie) Aristốt đề ra thời trước vẫn được duy trì với một vài thay đổi cho hợp với những chuyển biến của tư tưởng; giai trật đó là như thế này: dưới cùng là khoáng vật, trên khoáng vật là cỏ cây, trên cỏ cây là thú vật và trên thú vật là con người, trên con người là các thiên thần, và trên chóp đỉnh là Thiên Chúa. Lần lượt, loài người cũng được sắp xếp theo giai trật giá trị và công trạng: lòng kính trọng đối với những người có trách vụ lo cho công ích thì lớn hơn là đối với những người chỉ lo cho lợi ích tư nhân (theo thánh Tôma, công ích thì thánh thiêng hơn là những lợi ích cá nhân riêng tư), đối với những người lo về phần hồn thì hơn là đối với những người phục vụ về phần xác, v.v… Nếu muốn cho thế quân bình được đảm bảo, thì cần phải tôn trọng giai trật kia: đó là điều kiện để có được hạnh phúc, ngắn hạn cũng như dài hạn. Ðó chính là trật tự của Hòa Bình và Công Lý.
Nhưng, quan niệm về giai trật như thế đã nhạt phai nếu không nói là đã hoàn toàn biến mất trong tâm thức con người ngày nay. Ðó là điều giải thích tại sao ý thức về tội cũng đã bị mờ nhạt đi. Ðịnh nghĩa của thánh Tôma về tội (aversio a Deo et conversio ad creaturas) không còn gây được âm hưởng nào nữa trong tâm thức người thời nay, vì họ đã hoàn toàn đánh mất (hoặc hầu như thế)… ý thức về một trật tự trong vũ trụ, và hơn nữa, vì họ sống nhập tâm với một thứ tự do không giới hạn. Việc phục hồi bậc thang giá trị đó là một công tác rộng lớn, vượt ra ngoài tầm nghiên cứu của bài viết. Với cái nhìn hoàn toàn khách quan trên sự vật, khoa học sẽ làm công việc phục hồi ấy. Bởi chính khoa học sẽ cho biết các bí ẩn trong thế giới vật chất (thuyết về các tiểu thể…), trong thế giới các sinh vật (những cuộc khảo sát về di truyền học…) và trong thế giới loài người (khoa nhân chủng học và các định luật của nó…). Chính khoa học sẽ cho biết đâu là giới mức của khả năng con người, và đâu là trật tự phải tôn trọng nếu con người muốn sống hoặc muốn tiếp tục sinh tồn. Khoa học sẽ dạy cho biết ý thức về hiện thực cuộc sống, cũng như về thái độ kính trọng đối với các giá trị. Chỉ xin vắn tắt nêu lên từng ấy điểm.
Thử nhìn lại định nghĩa về tội. Một vũ trụ quan lành mạnh như trình bày trên đây, có thể giúp cho hiểu được tội là hành động làm rối loạn trật tự các sự vật, là thờ bò vàng thay vì tôn thờ Thiên Chúa trong Thần Khí, là gây thương tổn đến con người, cầm con người như thể thú vật, là phá hoại thiên nhiên dưới hết mọi hình thức. Ðó là nguyên tắc. Thử nhìn một cách chi tiết hơn.
Tội Lỗi Dưới Những Hình Thức Khác Nhau
Dựa theo cách phân loại khách quan và đúng với những gì vừa bàn đến trên đây, thì có thể hiểu được rằng mức độ trầm trọng của tội tương ứng với mức độ cao thấp, lớn nhỏ của hành động làm mất trật tự. Tột đỉnh mức độ trầm trọng của tội là thái độ chối từ không nhìn nhận Huấn Quyền tối thượng của Thiên Chúa. Ðó là thái độ chối từ nói lên qua câu: non serviam tôi sẽ không tùng phục tôi sẽ không nhìn nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa. Tôi thách thức ưu vị tuyệt đối, quyền ấn định tối thượng của Ngài trên vạn vật. Dưới dạng thể này, tội trở thành một thứ hành động phạm thượng, khi quân [phạm đến Vua trời đất] khách quan mà nói ghê gớm, quái gở tột bậc. Nhưng dĩ nhiên là mức trầm trọng của tội còn tùy thuộc tầm mức và cách nhận thức của mỗi người về Thiên Chúa cũng như về hành động của mình.
Do đó, đức tin càng yếu kém thì trách nhiệm về tội lỗi càng sút giảm đi. Bởi thế, ý thức về trách nhiệm tội lỗi của đa số dân chúng cũng trở thành ngày càng mờ nhạt. Tuy nhiên, lúc đó trách nhiệm về tội có thể mặc những hình thức thầm kín, kịch liệt, tinh quái và như thế ngay từ trong bản chất: những người có lòng tin vẫn có thể bị cám dỗ bởi thái độ thách thức như thế đầy sáng suốt với thứ ánh sáng của Luxiphe đối với Thiên Chúa. Ðiều này có thể đọc thấy chẳng hạn nơi các nhân vật trong cuốn tiểu thuyết Các anh em Karamazov của Dostoievski, hoặc nơi nhân vật Mouchette trong các cuốn tiểu thuyết của Bernanos.
Không phải chỉ có các thần dữ theo Luxiphe mới nói lên câu non serviam (tôi sẽ không phục tùng), con người cũng có thể nói lên câu này với một lương tâm thật sự sáng suốt. Và đó là câu nói vẫn còn vọng lên trong lương tâm của một số người thời nay. Họ có thể là những người sắc sảo trong giới văn sĩ, trong giới khoa học gia, giữa các nhà chính trị hoặc các thi sĩ, nghệ sĩ. Và ai mà không bị cám dỗ muốn chối từ, muốn loại bỏ hẳn Thực Thể Siêu Việt đang thống trị và cai quản mọi sự. Trong một vài lãnh vực, thái độ thách thức của con người ngày nay đối với Công trình Tạo dựng là một hình thức chối từ đối với Ðấng Tạo Hóa.
Tội còn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác trong các mối quan hệ với đồng loại. Trong xã hội, cũng có một loại trật tự giữa các con người và các giá trị. Có những ân nhân của nhân loại, có những người giữ trách nhiệm lo cho công ích: chẳng phải là tội khi cố tình từ chối không nhìn nhận sứ mệnh của họ, hay tệ hơn nữa, vì muốn tự trị, nên tìm cách đả phá những cố gắng của họ và gây thiệt hại cho công việc họ đang làm vì thiện ích của mọi người. Nếu có những ân nhân của nhân loại thì cũng có những ác nhân trong loài người. Thói kiêu căng phá hủy bậc thang giá trị của con người; tính hà tiện làm sai lệch đi việc phân phối phải lẽ các tài sản trên quả đất này; thái độ đố kỵ ghen tuông làm cho các quan hệ liên bản vị ra hư đốn, đồi bại; trộm cắp lấy mất tài sản chính đáng của người khác, còn vu khống thì lấy mất sở hữu thiêng liêng… đó là bao nhiêu hành động gây hại đến trật tự tự nhiên do ý Chúa an bài.
Nếu không quy chiếu vào ý Thiên Chúa thì mọi sự sẽ sụp đổ; con người sẽ bị phó mặc vào tay các động lực mờ ám của bản năng: đó là thế giới luật rừng. Các giá trị nhân bản sẽ bị tiêu diệt, và tiếp đó còn xảy ra tình trạng rối loạn từ trong chính bản thân mình. Ðôi lúc con người quên mất điều đó. Mỗi một người đều có một chỗ đứng nơi giai trật giữa các cá thể trong nhân loại. Lẽ tất, các người làm cha làm mẹ có mặt đó là để yêu thương nhau, tuy nhiên, họ còn có bổn phận bảo vệ cho các con em đã được ký thác cho họ nữa. Ðược nên thông thái nhờ sự quan phòng của Thiên Chúa, các nhà thông thái phải biết chia sẻ các hiểu biết của mình cho đồng loại. Những kẻ quyền thế có trách nhiệm che chở những ai thuộc quyền mình. Tuyệt đối không một ai là không có một sứ mạng ở trong thế giới này. Con người có thể làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn, nhưng đồng thời cũng có thể phá hủy hoặc để nó hư nát tàn lụi dần mòn đi. Tội ở đây là sống thiếu tinh thần trách nhiệm đối với sứ mạng sứ mạng đặc trưng, không thể thay thế đã được giao phó cho mỗi người. Có thế mới hiểu được ý nghĩa của việc lên án: lên án dâm dục vì đó là hành động giảm thiểu các khả năng thiêng liêng và trí minh mẫn của con người; lên án các tội nóng giận, mê ăn uống, lười biếng… vì làm hại đến tình trạng quân bình của con người và giảm thiểu các khả năng cần cho nỗ lực hoàn thành sứ mệnh đã lãnh nhận.
Cuối cùng trong danh sách liệt kê những lệch lạc của hành vi con người, là việc tự tử (với tất cả ý thức… dù các nhà phân tâm học có phủ nhận điều đó): có lẽ đó là tội trầm trọng hơn cả, bởi nó gồm trọn hết mọi hình thức phá hại trật tự như vừa nêu trên đây. Ðó là hành động thách thức chính Thiên Chúa, Chúa Tể duy nhất có toàn quyền trên định mệnh của con người; đó cũng là hành động thách đố đồng loại, qua việc đào tẩu; và sau hết còn là hành động thách đố chính mình, qua thái độ chối từ, đi ngược lại với chính sự hiện hữu. Ðáng tiếc là thứ tội này đang được ngay cả những người có nghĩa vụ soi sáng người khác về mặt luân lý, nương nhẹ hoặc dung túng một cách sai trái…[15]
Việc suy nghĩ về sự dữ điểm chủ chốt trong công trình Cứu Ðộ về tội lỗi loài người, đã có thể giúp cho thoáng thấy mối liên hệ giữa lễ tế hy sinh của Ðức Kitô trên thập giá và sự dữ luân lý. Và nếu đã có tình trạng mất trật tự (hỗn độn) theo nghĩa mạnh và trọn vẹn của từ này thì cũng đoán biết được rằng lễ hy tế của Ðức Kitô cần phải có để tái lập trật tự đã bị phỉ báng, phá vỡ. Như đã xác định rõ trước đây, không có chuyện dùng đến một hình thức đền bù nào đó, vì ý niệm này chịu ảnh hưởng quá nặng của chủ hướng nhân hình: không thể nào gán cho Thiên Chúa, Ðấng siêu việt, là Tình yêu vô biên, một thứ ý muốn bù trừ… tính toán theo kiểu đổi chác hoặc tệ hơn nữa, theo kiểu mua bán mặc cả. Nếu quả thật đã có một sự bồi thường nào đó, thì việc bồi thường này phải hoàn toàn được hiểu theo ý nghĩa và trong ánh sáng của tình yêu.
Cuộc hy tế của Ðức Kitô là một hành động của Tình Yêu, hành động cao cả nhất có thể tưởng nghĩ ra, bởi đây là cuộc dâng hiến thân mình cho đến chết của Con Người-Chúa để xác minh quyết tâm của Ngài trong việc thiết lập Nước Thiên Chúa. Ngài đến dập vùi những làn sóng hỗn độn vào trong biển tình yêu; đại dương tội lỗi mênh mong của loài người (massa peccati) đã bị nuốt trửng vào trong đại dương còn mênh mông hơn, mênh mông vô biên của Tình Yêu Ðức Kitô. Hận thù đã được thay thế bởi tình yêu. Tình trạng mất trật tự do hành động con người gây ra đã được sắp đặt lại nhờ cuộc phục hồi trật tự Ðấng Cứu Thế đã đem tất cả tình yêu vô biên của mình mà thực hiện. Tình Yêu đó đến để thanh tẩy, để hòa giải nhân loại với chính mình. Tóm lại, có thể nói như bài công bố tin mừng Phục Sinh Exultet rằng: Tội đã hóa thành hồng phúc, nhờ tội, chúng con mới có được Ðấng Cứu Tinh cao cả dường này! Nhưng, trước khi tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của ơn cứu độ đã được trao ban, thì thiết tưởng nên dừng lại để suy nghĩ về một thứ tội còn còn dai dẳng hơn, đã ăn sâu vào trong bản tính loài người, gọi là tội tổ tông (hay: nguyên tội).
Tội Nguyên Tổ
Thần học luôn đặc biệt dành chú tâm để suy cứu về nguyên tội. Liên quan đến nguyên tội, thường vẫn nghe nói: tổ tiên chúng ta là Ađam và Evà đã phạm tội ngay khi lịch sử nhân loại vừa mới bắt đầu (giai thoại quả táo quỷ dữ trao cho), và từ đó tất cả con cháu của ông bà, tức toàn thể nhân loại, phải mang tỳ vết của tội ấy ngay từ khi mới sinh ra, và có thể nói là ngay từ trong cấu trúc bẩm sinh. Cái tội gọi là tội tổ tông ấy, kéo theo nhiều hậu quả, như: tình trạng mất trật tự gần như tự nhiên, khiến cho hành trình hướng về với sự thiện lẽ ra phải thoải mái và dễ dàng (như Aristốt nghĩ, và thiên nhiên cho thấy được), thì trái lại phải thường xuyên bị cản trở và làm như bị đảo lộn. Sau này thánh Phaolô sẽ nói lên rằng: Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm! (Rm 7:19).
Tuyên bố chính thức, Giáo Hội đã nhiều lần khẳng định rõ xác tín về nguyên tội. Suốt hai mươi thế kỷ nay, các công đồng đều nhất trí tán đồng biểu đề đức tin này. Công đồng Trentô đã đưa ra một bản mô tả cho đến nay vẫn còn nổi tiếng về các hậu quả của nguyên tội. Do bởi tội tổ tông, con người bị tước đoạt mất các khả năng được ban cho nhưng không, bị thương tổn trong việc sử dụng các khả năng tự nhiên (spoliatus in gratuitis, vulneratus in naturalibus). Dĩ nhiên là công đồng Vaticanô II đã giữ nguyên các biểu đề giáo lý cổ truyền.[16] Từ khởi thủy nhân loại, cặp vợ chồng đầu tiên đã phạm một tội và tội này truyền di từ đời này qua đời khác; như thế, mọi người đều mắc phải ngay từ lúc được thụ thai (trừ Ðức Trinh Nữ Maria, và lẽ dĩ nhiên Ðức Kitô); kết quả là thế quân bình trong con người cũng như giữa nhân loại đã bị đảo lộn, và đã mọc lên xu hướng nghiêng chiều về điều xấu hơn là điều tốt.
Dĩ nhiên là tư tưởng tân thời mãnh liệt chống đối niềm tin đó. Bởi mục đích các thiên nghiên cứu triết học này là phân tích các phản ứng đáng lưu tâm hơn hết đối với nội dung đức tin, nên bài viết thấy có nhiệm vụ đề nghị một lối suy nghĩ sao cho thỏa đáng. Và như thế, ý nghĩa của công trình Cứu Ðộ nhằm tới việc tẩy xóa đi các hậu quả của nguyên tội sẽ trở nên dễ hiểu hơn. Nhiều công trình nghiên cứu mới về đề tài này đã lại ra mắt trong những năm vừa qua.[17] Gần đây nhất thì có tác phẩm của P. Martelet, tựa đề Libre réponse à un scandale. La faute originelle, la souffrance et la mort,[18] đã làm bùng dậy nhiều cuộc tranh luận sôi nổi. Thử nhận diện cho rõ các dữ kiện của vấn đề bàn luận.
Có một điểm mà tất cả mọi người có chân trong cuộc bàn luận đều chấp nhận, đó là: quả thật bao giờ con người con người mọi thời cũng đều cảm nhận hết sức rõ điều dị thường này trong cuộc sống của mình, mình không thấy dễ dàng và thoải mái để làm điều thiện (về điểm này, các thú vật có những phản ứng lành mạnh hơn). Ðề tài ấy, cuộc tranh luận ấy, không biết bao nhiêu người đã bàn đến, đã phân tích, kể từ các thi sĩ Latinh (Video meliora proboque deteriora sequor: Tôi thấy ra điều tốt phải làm và hơn thế nữa, tôi tán đồng, nhưng tôi lại chạy theo những điều tệ hại), rồi đến thánh Phaolô mà chúng ta đã nhắc tới (Thật khốn cho tôi! Tôi không làm điều phải tôi muốn mà tôi lại làm điều trái tôi không muốn) cho đến các tác giả những thời về sau, chẳng hạn như Pascal, là nhà tư tưởng đã từng miêu trình hết sức sắc bén về những mâu thuẫn gắn liền với thân phận làm người: vừa là cây sậy biết suy nghĩ, có khả năng thông hiểu cả vũ trụ, mà cũng vừa là cái hố bẩn thỉu chứa đầy những đồi phong bại tục; hoặc như các tiểu thuyết gia Dostoevski, Mauriac và Bernanos, v.v… là những tác giả chịu ảnh hưởng tư tưởng Kitô giáo và thường viết về con người tất cả đều cho rằng hết thảy những dị thường và những mâu thuẫn đó là hậu quả của nguyên tội (cả đến triết gia Kant, rất duy lý, cũng phải dựa vào nguyên tội để giải thích các mâu thuẫn nơi con người). Một vài triết gia khác như Kierkegaard, hoặc Graham Green… thì chỉ coi đó là những hậu quả của việc sử dụng tự do và của thực trạng bi thảm gắn chặt với thân phận làm người.
Tuy nhiên, nếu cách chung ai cũng đồng ý cho là có một thực trạng mất trật tự bén rễ sâu nơi chính bản chất con người, thì không phải tất cả đều coi là hợp lý hoặc có thể chấp nhận, cách giải thích của Kitô giáo nói rằng từ đầu đã thực sự xảy ra trong lịch sử loài người, một hành động tội phạm, phá vỡ trật tự nguyên thủy, và sau đó đã xáo trộn cung cách hành sử trong cuộc sống của toàn thể nhân loại.
Ðiều người ta nghi ngờ nhiều nhất dĩ nhiên là tính chất lịch sử của nguyên nhân sơ thủy đó, cũng như tính chất di truyền của nó. Tất cả các thiên khảo luận mới nhất về vấn đề (đặc biệt là của cha Martelet) đều xoay quanh điểm này: dựa vào cái được gọi là tội nguyên thủy, truyền di từ đời này qua đời nọ trong toàn thể nhân loại, đến tận chúng ta (… và sau chúng ta nữa), để giải thích về thân phận con người, phải chăng là dùng đến một lối cắt nghĩa theo kiểu hoang đường, một lối cắt nghĩa do đầu óc con người dựng đứng lên? Hay: quả là hợp lý việc dựa vào một sự kiện hiện thực, một biến cố đã thực sự xảy ra hồi sơ thủy của lịch sử nhân loại, như truyền thống của Giáo Hội hằng xác tín, để hiểu về thực trạng cuộc sống con người? Ðó là điểm chủ chốt trong cuộc tranh luận này: Tội nguyên tổ là một huyền thoại hay là một biến cố đã thực sự xảy ra, một biến cố lịch sử ? Ðâu là sự thật?
Bài viết sẽ trình bày về sự việc biến cố đã thực sự xảy ra, tức về tính chất lịch sử của biến cố, của nguyên tội. Nhưng trước tiên, cần phải hiểu về ý nghĩa của tính chất lịch sử đó. Thành ngữ này có thể mang nhiều nghĩa loại suy (không phải là mập mờ nước đôi). Dĩ nhiên, phải nhận là có nhiều loại lịch sử tính khác nhau (bởi có bao nhiêu trường phái sử gia thì có bấy nhiêu loại lịch sử tính…).
Trước hết là loại lịch sử tính theo thứ tự niên đại: sử gia tìm cách xác định mốc điểm thời gian và cấu lập trở lại được bao nhiêu có thể các sự kiện đã điều khiển diễn tiến của các biến cố có ảnh hưởng đến cộng đoàn nhân loại. Ðây là phương pháp đã được các nhà sáng lập lịch sử nổi tiếng của thời tân đại như: Augustin Thierry, Mommsen, Seignobos và Langlois, Lavisse… dùng đến.
Cũng có thể dùng đến phương pháp lịch sử biến cố: sử gia tìm cách phục hồi các thời điểm quan trọng trong quá khứ, như các cuộc cách mạng, các hiệp ước hoà bình… hoặc giới thiệu trở lại các bộ mặt nổi tiếng trong quá khứ. Madelin, Mathiez, Stephan Zweig … là những sử gia tiếng tăm thuộc trường phái này.
Hoặc dùng đến phương pháp lịch sử suy luận tức là lề lối giải thích các sự kiện bằng cách dựa theo bối cảnh của chúng (nhờ vào khoa xã hội học và nhiều hơn nữa, khoa tâm lý xã hội). Ðang đi theo kỹ thuật của phương pháp này là trường phái tân lịch sử, một trường phái lớn, có những bộ mặt tiếng tăm như các giáo sư Ðại học Sử Biên Niên (Université des Annales), các sử gia như Braudel, Huby, v.v…
Ngoài ra còn có phương pháp gọi là lịch sử số lượng (histoire quantitative). Chú tâm hàng đầu của phương pháp này là cầm cho được những tham số các sự kiện bàn đến: tham số kinh tế, dân số, xã hội (như P. Chaunu).
Như đã thấy, các phương pháp thì không giống nhau, nhưng có thể giúp cho việc tìm hiểu về dữ kiện tinh tế rất khó mà nắm cho được gọi là sự kiện lịch sử.
Vậy, để giải thích cho có giá trị lịch sử về sự kiện nguyên tội, thì xin được dùng đến một phương pháp lịch sử cho đến bây giờ chưa được nhắc tới: đó là phương pháp lịch sử học tâm thức (historiologie conscientielle). Áp dụng phương pháp này, sử gia đi tìm các dữ kiện tâm thức có tính cách quyết định trong quá trình cuộc mạo hiểm của nhân loại. Các phương pháp cấu trúc đã đóng vai mở đường đưa dẫn đến phương pháp luận này: nhiều lựa chọn có tính cách cấu trúc đã điều khiển sinh hoạt cuộc sống trong cả một thời đại (rồi một giai đoạn, để dùng cách phân biệt của nhà văn Péguy). Những sự kiện cấu trúc đó ăn sâu trong tâm thức con người, và cả trong tiềm thức nữa. Nhưng dù có lặn sâu như thế, thì như có thể mục kích được chúng cũng vẫn có sức điều khiển cả trật tự của sự vật lẫn đời sống con người.[19]
Không thể đặt các biến cố ấy vào trong những thời điểm xác định, cũng không thể mô tả bối cảnh của chúng với những chi tiết rõ ràng, chính xác; dù vậy, chúng có đủ hết mọi điều kiện để được gọi là khách quan và phải được coi là hiện thực (chứ không phải là chuyện hoang đường). Thử lấy một ví dụ (tác giả của ví dụ sẽ không phản đối, nếu có mặt ở đây): đó là loại lịch sử tính dùng đến trong học thuyết của Jean-Jacques Rousseau về Khế ước xã hội (Contrat social). Lấy làm ví dụ không có nghĩa là tiếp tay ủng hộ học thuyết này, mà chỉ muốn coi đó là một cách giải thích lịch sử. Có thể tóm lược như sau luận đề của J-J.Rousseau: nhân loại thời sơ khai đã sống trong một thứ Thời đại Vàng son, các nhà nhân chủng học gọi là thời tự do săn bắt, tự do nhặt hái. Nhưng rồi càng ngày nhân loại càng đông số; các cuộc đụng độ cũng bắt đầu xảy ra (có người chiếm hữu một số phần đất: Tai họa bắt đầu xuất hiện giữa loài người khi có người dựng lên một hàng rào chung quanh mảnh đất của mình và nói đây là phần đất của tôi… không còn ai lạ gì với biết bài viết hy hữu này). Từ đó, một loại Khế ước xã hội đã hình thành: mỗi người tự ý trao nhượng một phần tự do của mình vào tay một dạng thể chế quyền hành có nhiệm vụ bảo vệ phần tự do còn lại. Trật tự xã hội được đảm bảo bởi ý muốn chung, v.v…
J-J.Rousseau đã dùng đến loại lịch sử tính nào? Dĩ nhiên, không có chuyện dùng đến huyền thoại: không bao giờ J-J. Rousseau chấp nhận cách giải thích này. Luận đề về Khế ước xã hội không thuần túy mọc lên từ trí tưởng tượng của ông; và chắc hẳn ông cũng không để cho ai đồng hóa nó với các thứ huyền thoại như Prômêthê, Icare, hoặc những thứ tương tự. Ông không ngừng mạnh mẽ bảo vệ lịch sử tính của Khế ước xã hội. Ðiều này đã thực sự xảy ra vào một thời, nhưng là chỉ ở trong tâm thức con người mà thôi. Tất nhiên là không có chuyện hình dung các hoàn cảnh cụ thể đi kèm theo sự kiện kia. Vào một thời điểm nào đó, Khế ước xã hội đã nẩy sinh ở trong tâm thức con người, từ một phản ứng khách quan trước một hoàn cảnh cụ thể. Có thể gọi đó là một sự kiện lịch sử thuộc loại tâm thức (conscienciel). Nhắc đến Khế ước xã hội chỉ là để làm thí dụ đưa dần đến việc hiểu lịch sử tính của nguyên tội.
Thử nhìn vấn đề cho kỹ hơn. Dù có theo thuyết tạo dựng hay thuyết tiến hóa, thì cũng phải nhận là bởi không hiện hữu từ đời đời, tâm thức con người đã có một điểm bắt đầu. Chắc hẳn, việc tâm thức hay ý thức con người xuất hiện là một trong những khúc quanh lớn nhất của lịch sử thế giới, lúc một sinh vật có được khả năng không những hiểu biết mà còn hiểu biết về hiểu biết của mình. Một ngày nọ con người đã biết được là mình biết, mình có những hiểu biết, tức biết suy nghĩ; đà tiến của sự sống quay nhìn chính mình: không chỉ có hiểu biết (science) mà còn có cả ý thức (con-science) nữa. Một luồng ánh sáng vĩ đại đã bừng lên.
Không một ai có thể hình dung ra được biến cố ấy. Trong cuốn Phénomène humain, cha Teilhard de Chardin đã thử gẫm suy về cái lúc đó. Dù có ngưỡng mộ và đánh giá cao những trang viết thâm thúy của tác giả thì vẫn phải nhận rằng cha Teilhard đã không đưa ra được một giải thích khách quan nào về biến cố, hay là về hoàn cảnh hoặc ngày tháng (cách đây 20 ngàn năm như người ta đã thường nghĩ khi hiểu Kinh Thánh theo kiểu văn tự… một triệu năm hoặc nhiều triệu năm…? Không ai biết được). Tác giả Kinh Thánh đã nói lên nỗi kinh ngạc đầy thán phục của mình bằng một câu tuyệt vời: Và Thiên Chúa đã phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.
Chuyện gì đã xảy ra sau biến cố gọi là tội nguyên tổ? Dù trình thuật Kinh Thánh có khúc chiết, thì cũng vẫn khó mà diễn tả cho rõ được. Nhiều lắm thì có thể nói đại để như sau: đã có một tư tưởng đầu tiên giữa loài người (không ai chối cãi điều này), tư tưởng bỡ ngỡ ngưỡng mộ trước vũ trụ, một trí óc minh mẫn hoàn toàn mới mẻ vừa chớm ý thức về một kỳ công vĩ đại đang bao trùm mình: một cảnh bình minh huy hoàng, với muôn vàn cỏ cây xinh đẹp, với vô số muông thú tuy hung tợn nhưng rất ngoan ngoãn, dễ bảo. Lần đầu tiên con người ngắm nhìn thế giới với cặp mắt mới mẻ như thế. Ðiều gì đã xảy ra? Thái độ ngưỡng mộ ấy đã có thể chuyển thành tâm tình tạ ơn: tư tưởng lần đầu tiên có ý thức này của con người đã có thể dẫn đến thái độ thờ lạy Ðấng Tạo Hóa cao cả, Ðấng làm nên hết mọi tạo vật huy hoàng, lộng lẫy trong thế giới. Chuyện gì đã xảy đến? Rất khó mà biết được, nếu chỉ xét theo lối nhìn thuần túy loài người.
Nhưng nếu căn cứ vào văn bản của Mạc Khải, thì sẽ đọc thấy một trình thuật quả là lạ lùng. Thử nhìn lại các dữ kiện chủ yếu. Sau giai đoạn chiêm ngưỡng, thán phục, thờ lạy và phục tùng, con người đã rơi vào cơn cám dỗ kiêu ngạo, muốn dành quyền tự lập và đã đi đến chỗ phản loạn, từ chối không còn chịu quy phục đối với trật tự trong vũ trụ và đối với Ðấng Tạo Hóa vạn vật: Non serviam, Tôi không tùng phục, tôi không sấp mình… trước Ðấng Tối Cao. Và thế là đã xảy ra tình trạng đổ vỡ giữa Ðấng Tạo Hóa và các tạo vật Ngài làm nên. Con người đi vào con đường phản loạn, gây ra cảnh hổn loạn, mất trật tự, và mọi tai họa đã dồn dập ùa vào trong cuộc sống con người.
Các dữ kiện kia nói lên điều gì? Thử suy luận dựa theo cách biểu đạt tương tự của giả thuyết Khế Ước Xã Hội. Ðó là một sự kiện, một sự kiện hiện thực, chứ không phải là một huyền thoại mọc lên từ trong đầu óc của các thi sĩ hay các nhà thần cảm; có thể gọi đó là một sự kiện biến cố (événementiel), thuộc loại lịch sử tâm thức, không xác định được ngày tháng, hoàn cảnh và bối cảnh không-thời gian. Tựa như Khế Ước Xã Hội, đó là biến cố đã xảy ra trong thâm tâm con người, và phải được lưu ý đến trong tiến trình hồi cố của nỗ lực ghi chép lại lịch sử nhân loại.
Vậy, đó là một sự kiện lịch sử và lẽ tất là có những hậu quả đi kèm theo: một sự kiện ghi khắc sâu vào trong suốt dòng định mệnh của con người. Không thoát khỏi, các thế hệ đến sau phải gánh chịu hậu quả. Tóm lại, có thể nói một cách hài hước rằng: nhân loại đã phải bỏ cuộc ngay khi mới bước vào sân khấu. Phản ứng đầu tiên lộ rõ qua câu: Non serviam (tôi không tùng phục). Một cuộc đổ vỡ đã xảy ra ngay giữa nội tại tính của con người và siêu việt tính của Thiên Chúa; do đó, con người phải mang trọn gánh nặng của các hậu quả, trừ phi có một Vị Cứu Tinh có đủ sức năng đến để tu sửa những thiệt hại gây ra cho toàn thể nhân loại; nếu không thì không một ai khác có thể làm gì được để cứu vãn. Và đó chính là ý nghĩa đích thực của Mầu Nhiệm Cứu Ðộ.
Ðó là cách giải thích xin được đề xuất về lịch sử tính của tội nguyên tổ, một dạng lịch sử tính thuộc loại lịch sử tâm thức. Vậy tội nguyên tổ là một sự kiện hiện thực, không phải là một huyền thoại. Nó hiện rõ trong lịch sử nhân loại: là bước sa chân đầu tiên làm con người lạc mất hướng đi. Cách trình bày như thế xem ra không gặp khó khăn cho lắm từ phía tư tưởng hiện đại, và đồng thời phù hợp với toàn bộ nội dung Truyền Thống. Dĩ nhiên là còn nhiều khó khăn cần được giải quyết. Cũng nên lưu ý là cách giải thích trình bày ở đây dựa trên ít nhất là về mặt nguyên tắc học thuyết độc tổ (monogénisme), một giải thuyết nhân chủng.
Tất cả những gì trình bày ở đây chỉ có giá trị khi chấp nhận là vào một lúc nào đó, có một lần, một lần duy nhất tâm thức đã bừng dậy, và do đó đã chỉ có một cuộc thử thách ban đầu duy nhất. Nếu nhận học thuyết độc tổ, thì có thể cắt nghĩa dễ dàng hơn về các hậu quả của tội nguyên tổ. Ngược lại, thuyết đa tổ (polygénisme) giả sử có nhiều cuộc thử thách trong buổi ban đầu, và nhiều giống người đã nói lên thái độ non serviam (tôi không tùng phục), trong cùng một cuộc mạo hiểm giữa loài người. Tìm đâu ra ánh sáng về điểm này? Dĩ nhiên, chỉ có khoa học, đặc biệt là ngành cổ vật học về loài người mới có thể giúp cho thấy. Vậy cứ để khoa học tiếp tục ra sức làm cho sáng tỏ điểm đó. Thực ra, hiện nay, các khoa nhân văn chưa nắm được gì chắc chắn để có thể nghiêm chỉnh bênh vực thuyết đa tổ. Thuyết độc tổ vẫn còn đứng vững trên cơ sở của những dữ liệu chắc chắn hơn: chẳng hạn, hình như chỉ có một mô (tissu) độc nhất và đồng nhất trong toàn thể loài người. Môn sinh vật học, môn phát sinh vật học, môn sinh vật phân tử, môn sinh học về máu, môn sinh học đo thời gian, v.v… tất cả các môn nghiên cứu về sự cấu tạo và về các phản ứng của mô loài người (tissu humain) đều ngiêng về phía giải thuyết cho rằng chỉ có một loại mô duy nhất trong loài người, tức nghiêng về phía giả thuyết độc tổ. Hiện trạng nghiên cứu khoa học khuyên nên khôn ngoan tạm dừng lại đấy.
Ðó là con người một khi đã bị tổn thương đến tận trong các chức năng sinh tồn và tâm thức của mình, như hiện rõ ra trước cặp mắt quan sát của con người hiện đại. Thế nên, không thể không đi đến chỗ nghĩ rằng có một điều gì đó đã xảy ra khiến cho đà phát triển của một loài giống sinh vật mới tiến đến mức ý thức tức loài người bị lệch lạc đi ngay từ lúc ban đầu.
Làm như nơi con người, có một cái gì đó trật khớp (mà không thấy nơi các loài sinh vật khác). Ðó là điều thấy rõ hằng ngày… Có điều chỉnh được các lệch lạc ấy hay không? Có hy vọng nào để sửa chữa lại, để phục nguyên tình trạng ban đầu không? Tiếp theo những phân tích trên đây, đó là câu hỏi cần đặt ra để tìm hiểu giải thuyết về việc cứu độ con người, và về công trình Cứu Ðộ thực hiện qua cái chết của Ðức Kitô trên thập giá.
III – CÔNG TRÌNH CỨU ÐỘ QUA THẬP GIÁ
Trước tiên, cần nhìn kỹ lại khái niệm cứu độ. Ðó là một khái niệm hoàn toàn xa lạ đối với người thời nay. Khái niệm này chỉ mang hết ý nghĩa của nó khi được đặt liền với bối cảnh tình trạng hư mất, bởi có đang bị hư mất thì mới cần được cứu vớt. Người đứng trên đất liền thì không cần phải lo lắng chạy tìm chiếc phao cứu đắm; có bị đắm tàu, mới cần đến chiếc phao như thế. Mà con người ngày nay thì không thấy mình đang gặp nguy hiểm: họ cảm thấy mình đang sống hết sức an toàn trên mặt đất này; họ chỉ tìm cách để hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Chủ nghĩa duy khoái lạc thoả mãn được hết mọi người, dù tiếc thay nó không thực sự tương ứng với thực tế cuộc sống; những ai dám nói lên sự thật, dám quấy rầy cuộc sống nhàn hạ này, bởi tức khắc sẽ bị các nhà phân tâm học cho là mắc phải chứng loạn dâm khoái khổ. Nhưng khốn thay, đó chỉ là một thứ ảo ảnh êm dịu, mê hoặc, là hậu quả của một lối nhìn thiếu sáng suốt. Dù chỉ là để bảo toàn phẩm giá của mình thôi, thì con người ngày nay cũng cần phải sống cho tỉnh táo, sáng suốt, và phải biết nhận cho ra cái tạm bợ, mong manh trong kiếp làm người.
Tính Cách Khẩn Thiết Của Ơn Cứu Ðộ
Tính cách mong manh tạm bợ ấy là hệ quả đi liền với thân phận hữu hạn của con người. Và một khi biết ý thức về tính cách hữu hạn ấy, con người thấy rõ: quả là hết sức hạn hẹp những hiểu biết mình có về các điều bí ẩn trong vũ trụ bao la, sức khỏe mỏng dòn của mình, hướng suy thoái không tránh được của tuổi tác, cuộc đời vắn vỏi kết thúc nhanh với cái chết tất yếu, v.v… Con người tân tiến ngày nay cần đọc lại các tác phẩm cổ điển viết về những chủ đề muôn thuở liên quan đến đời người: thời gian qua nhanh, tuổi tác kéo theo suy thoái, sự vật tàn lụi… cùng suy chiêm trở lại về sự chết đang đứng chờ trước ngưỡng cửa.
Ðành rằng con người tân tiến thời nay cứ cố kiếm cách che đậy với cả chính mình, các thực tại đó: họ bồn chồn tìm cho ra những lối tiêu khiển giết thì giờ để khỏi thấy thời gian qua đi; họ đua nhau đến với các bác sĩ chuyên lão khoa mong có được bí quyết giúp họ cải lão hoàn đồng, xóa sạch đi dấu vết năm tháng hằn rõ trên làn da để mong trẻ mãi không già; và còn lo cho có cách để chết êm dịu. Trong khi đó, các kiến thức có được đã tiến triển nhanh và cao, đến độ đôi lúc lý trí con người tưởng mình đang tiến gần đến chỗ nắm được mức hiểu biết tuyệt đối. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là ảo tưởng, nhằm đánh lừa những ai thiếu sáng suốt. Quả thế, đó là một trong những nét đặc trưng của não trạng con người hiện đại: bị nhồi sọ quá nhiều bởi những hình ảnh kích động mạnh, con người không còn biết tự mình suy nghĩ. Thông tin tiếp thu ngày càng tăng thêm, nhưng óc suy xét tỉnh táo thì ngày càng giảm. Ý thức về chính mình dần dần cũng tiêu rụi theo. Con người tự biến mình thành đối tượng, thành khách thể, và đầu tư con người mình vào nơi các sự vật; họ quên mất đi mình là một thực tại, một chủ thể biết suy nghĩ. Có thể coi là tạm đủ việc đưa ra một số nhận xét tổng quát như thế về tình trạng sống của con người thời nay… bởi còn cần phải trở lại với vấn đề cứu độ con người.
Càng tỉnh táo, minh mẫn thì con người ý thức càng rõ về thân phận bấp bênh, mỏng dòn, và chóng tàn của mình. Do vậy, họ tìm cách tránh né sự thật ấy. Họ sẽ chạy đến với những ủi an nào, cậy nhờ vào những phương thức cứu chữa nào? Có một số phương thức đã được giới thiệu để giúp con người thắng vượt cảnh bấp bênh, mỏng dòn và chóng tàn của sự vật, như tình yêu chẳng hạn. Người thời nay đã được nghe nhắc đi nhắc lại là tình yêu sẽ không chết bao giờ; tình yêu có thể thông xuyên thời gian, vượt qua cái chết, v.v… Cổ điển (đọc thấy trong toàn bộ văn chương loài người), chủ đề trên đây quả phần nào đúng với sự thật. Tuy nhiên, thần thánh hóa tình yêu kiểu ấy thì cũng không thoát khỏi vòng ảo tưởng. Dù sao thì tình yêu cũng chỉ có thể là một phương thức trị liệu tạm thời, làm giảm bớt những lo âu, những cơn đau giữa loài người; ai dám nói rằng tình yêu có thể cất đi tính chất độc hại của các nỗi thương đau.
Ðối với nghệ thuật thì cũng thế. Trong một số trường họp, nghệ thuật hoặc công trình sáng tác mỹ thuật, cũng đã như một liều thuốc, xoa dịu được phần nào những khổ đau. Ðể xóa nổi buồn tương tư và để tự an ủi lấy mình, nhạc sĩ Berlioz đã sáng tác bản Les Nuits (Những đêm đen). Nhà văn Malraux cho rằng sứ mệnh chủ yếu của nghệ thuật là giúp tránh né tử thần một cách khôn khéo. Nơi trang cuối cuốn sách tựa đề Voix du silence (Tiếng của lặng thinh), tác giả kết luận rằng việc sáng tác nghệ thuật là nỗ lực tuyệt đỉnh của người nghệ sĩ để cứu vớt một cái gì đó khỏi bàn tay tiêu hủy của tử thần. Sứ mệnh của nghệ thuật là bất diệt hóa. Nghĩ như thế thì cũng có phần đúng.
Nhưng, dẫu sao con người cũng không thoát khỏi mà không cảm thấy chua xót trước cảnh bấp bênh của đời người qua kinh nghiệm về khổ đau và chết chóc. Thực tế cuộc sống hiện rõ trước mắt, cụ thể, gắn liền với bản tính và thân phận con người. Có muốn lừa dối mình cách nào đi nữa, thì con người cũng không che lấp được hết hiện thực ấy của cuộc sống. Bao giờ con người kể cả con người thời nay cũng phải đối diện với hai thực tại bi thảm, là: khổ đau và chết chóc. Con người luôn tìm cách để thoát cho khỏi hai thực tại ấy, tức là tìm cách để tự cứu thoát, để thực hiện cuộc cứu vớt chính mình. Dù có làm gì, có nói gì đi nữa… thì cứu độ vẫn là vấn đề khẩn trương.
Nhờ Đến Lễ Tế Hy Sinh
(René Girard)
Ngay từ buổi đầu, hình như con người đã nghĩ đến việc dùng sát tế để tìm cách trừ khử sự dữ, bởi tự bảo: một mình lẻ loi mà phải đối diện với sự dữ và khổ đau, thì không thể nào tôi tự vệ cho nổi, cũng không thắng được sự dữ; nhưng có lẽ có một ai đó có thể can thiệp để giúp tôi vượt thắng hay ít ra chế ngự được khổ đau và sự dữ. Trong những năm gần đây, nhà xã hội học René Girard đã tầm cứu trở lại, thái độ lạ lùng kia, và đã dành cho việc tìm hiểu vấn đề hầu như toàn bộ công trình nghiên cứu của ông.[20]
Khi phân tích nhu cầu sát tế, René Girard đã phát hiện được tư tưởng này: để diệt trừ sự dữ, sự dữ vật lý (đau khổ thể xác) và sự dữ luân lý, thì có thể nhờ đến một nhân vật thay thế, một kẻ nào đó có khả năng giữ vai cầu bầu thay cho bên cạnh các Nguyên nhân tối thượng (bất cứ là ai hoặc là gì); nhân vật ấy đóng giữ vai trò của người nói giùm, của vị đại sứ thế lực. Biểu mẫu được nhắc đến ở đây là hình ảnh con dê gánh tội trong truyền thống Do Thái: con vật được coi là mang tất cả tội lỗi, tất cả những vô tài bất lực của mỗi cá nhân và cả cộng đoàn… bị ném đá, đuổi vào vùng xa xôi, mất hút trong sa mạc… và người ta cho rằng làm gì rồi cuối cùng nó cũng sẽ tìm được Tác Giả của vạn vật. Và như thế, viên đại sứ kỳ lạ này sẽ có thể cất đi gánh nặng tội lỗi và những khổ đau chồng chất của cộng đoàn. Tính cách mạnh tay trong nghi thức xua đuổi kia cũng mang một ý nghĩa, ý nghĩa thanh luyện. R. Girard nhận thấy rằng làm như có một quan hệ kỳ lạ được thiết đặt từ bao giờ giữa bạo hành (violence) với cái thánh thiêng (sacré). Sinh vật hy tế phải tiêu mất đi, để rồi xuất hiện trở lại trong thế giới thần thiêng bí nhiệm.
Ðó là cách tiến hành thường tình của con người như thấy được qua dòng lịch sử nhân loại. Nhưng điều làm ngạc nhiên nhà xã hội học là trong Kitô Giáo, cung cách hành sử này hình như đã được thay đổi tận căn, và đo đó, hết mọi sự việc khác cũng đều biến đổi và biến đổi hoàn toàn. R. Girard ghi nhận rằng trong Kitô giáo điều nổi bật nhất là lời mời gọi hiến tế: cuộc hiến tế của Ðức Kitô trên thập giá; nhưng sau đó lời mời gọi làm nghi thức sát tế lại hoàn toàn biến mất. Quả lời Kinh Thánh sau đây đã được thực hiện: Ngài không ưng nhận lễ vật toàn thiêu; vì vậy, này đây con xin đến để làm theo thánh ý Ngài. Trước sự thay đổi hoàn toàn ấy, nhà xã hội học R. Girard đã phản ứng theo cách của mình, tức theo tư thế của một khoa học gia.
Ông tự hỏi: tại sao việc hy tế của Ðức Kitô đã chấm dứt hẳn kỷ nguyên các cuộc sát tế? Dĩ nhiên, ông giải thích theo nhãn quan thuần túy xã hội học (bài viết sẽ có dịp bàn tới sau này). Nếu hy tế của Ðức Kitô đã kết thúc thời kỳ sát tế, thì chính là vì hy tế này mang một tính chất tuyệt đối độc đáo, bởi đó là lần đầu tiên có một sinh vật hy tế đã ưng thuận làm nạn nhân, dù là hoàn toàn vô tội. Ở đây, con người đã sát tế một hữu thể Tình Yêu, một kẻ Công Chính. Kể từ đó mọi sự đều thay đổi. Nơi Ðức Kitô chịu sát tế, con người nhận ra hành động biểu hiện Tình Yêu tuyệt đối. Và René Girard viết:
Khi nói rằng Ðức Giêsu chết không phải là trong một cuộc sát tế, mà là chống lại tất cả các cuộc sát tế, để đừng bao giờ có sát tế nữa, thì cũng có nghĩa như là nhìn nhận chính Lời của Thiên Chúa nói lên ở nơi Ngài: Ta chỉ muốn lòng nhân từ chớ không muốn hy lễ.[21]
Theo René Girard, đó cũng chính là động lực sâu xa của mầu nhiệm cứu độ. Không lúc nào mà thế giới loài người không bị phó mặc cho bạo lực. Nhưng giờ đây, bạo lực lại bị mắc vào bẫy của chính nó; trong cái chết của Ðức Kitô, bạo hành đã được biến cải để trở thành hành động Tình Yêu, Tình Yêu vô biên; ngoại lệ, Ðức Giêsu đã làm cho quyền uy toàn năng của bạo lực phải sụp đổ; và bạo lực lại sinh ra Tình Yêu. Việc biến đổi tuyệt đỉnh ấy đã vạch mặt nạ và một lần cho tất cả, tước hết mọi sức năng của bạo lực. Tóm tắt tư tưởng của mình, René Girard nói như sau:
Chính vì nhất quyết trung thành với nguyên tắc minh xác qua lời rao giảng của mình mà Ðức Giêsu đã bị lên án chết. Không có một nguyên do nào khác đã đưa đến cái chết kia ngoài tình yêu thương đối với tha nhân, tình yêu thương thể hiện cho đến cùng và với một sự nhận thức rõ vô biên về những đòi hỏi của nó. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của kẻ dám chết cho các bạn hữu mình.[22]
Diễn tả theo lối nghịch lý, tác giả đã kết luận: lấy Tình Yêu mà thay thế cho bạo lực, cái chết của Ðức Kitô đã làm cho bạo lực mất đi tính chất nhất quyết của nó, mất đi chính thực thể của nó. Nếu mọi người ai cũng yêu thương kẻ thù mình thì sẽ không còn có kẻ thù nữa.[23]
Các luận đề do René Girard đưa ra đã khơi dậy một làn sóng tò mò rất lớn. Dĩ nhiên, có thể vay mượn một vài yếu tố trong các luận đề ấy, nhưng khó mà có thể chấp nhận được toàn bộ nội dung, bởi lẽ chúng thiên nặng về phía loại bỏ hết mọi giải thích có tính cách siêu nhiên. Thoạt tiên, có thể nghĩ đó là những gì giúp giải thích được điểm chủ yếu mang tính chất mầu nhiệm, trong công trình Cứu Ðộ. Tuy nhiên, rõ ràng là các chiều kích của cuộc hy tế Ðức Kitô đã thực hiện thì vượt hẳn lên trên các kích cỡ đơn thuần nhân loại. Mầu nhiệm diễn ra ở chốn sâu thẳm trong các quan hệ giữa Thiên Chúa với con người: tức là vượt quá tầm hiểu biết của con người. Dù sao thì cũng phải ghi nhận là các luận đề tinh tế René Girard đề xuất đã làm cho thời đại chúng ta chú tâm nhiều hơn về con người của Ðức Kitô, Ðức Kitô chịu đóng đinh… và đó không phải là chuyện nhỏ hoặc không đáng kể. Nhưng trước khi tiếp tục suy nghĩ về ý nghĩa của mầu nhiệm Cứu Ðộ, thì bài viết xin được nói đến một cách kiểu giải thích khác, đã một thời nổi tiếng, dù có nhuốm nặng tính chất duy lý đơn thuần.
Nhờ Đến Luận Đề Triệt Hủy
Thử bước sang một lãnh vực khác, hoàn toàn có tính cách biện chứng. Luận đề chung của tất cả các giải thuyết khác nhau trong lãnh vực này là: đòi hỏi của tính chất đối cách biện chứng cho rằng nếu Thiên Chúa đã tự hủy đi trong con người Giêsu, thì đến lượt mình, con người Giêsu cũng phải chết đi để Giáo Hội được khai sinh. Chẳng phải là như thường nghe nói Giáo Hội đã phát sinh từ vết thương nơi cạnh sườn Ðức Kitô đó sao? Ðó là cách biểu đạt nhiều nhà thần nghiệm đặc biệt ưa chuộng, và là điều cần yếu đối với bước diễn tiến đi từ luận đề qua phản đề đến tổng đề. Sự sống nảy sinh từ cái chết. Ông tổ các tác giả bảo vệ giải thuyết này dĩ nhiên là triết gia Hegel. Một vài thần học gia thời nay vẫn tiếp tục đi theo chủ hướng ấy bởi cho rằng hệt như trong các lãnh vực khác, trong lãnh vực tôn giáo cũng cần phải dùng đến lối giải thích theo phương pháp biện chứng.
Khuôn khổ bài viết không cho phép dấn bước vào cuộc tranh luận để xem việc sử dụng như thế có chính đáng hay không (bởi sẽ phải bàn luận và đi rất xa). Dấu vết chủ hướng kia còn hiện rõ trong tư tưởng thần học của một Bonhoeffer chẳng hạn. Các phân tích ông thực hiện dĩ nhiên là rất hay và thường là có sức minh giải, nhưng cho rằng tư tưởng thần học phải lệ thuộc các cấu trúc của tư tưởng biện chứng thì vẫn là điều khó có thể chấp nhận. Ðó là một vấn đề rất khúc mắc: thuộc về cả lãnh vực phương pháp học lẫn khoa học luận. Không tìm cách giải quyết, bài viết chỉ xin được nhắc qua đến vấn đề.[24]
Cuộc Cứu Độ: Biểu Chứng Tình Yêu Bao La
Luận đề này đã được sơ phác trong một phần trên đây của bài viết. Nhưng, bước vào chặng cuối trong nỗ lực suy chiêm về ý nghĩa cuộc Cứu Ðộ nhờ Ðức Kitô, chính là lúc cần nhìn lại luận đề cho rõ hơn, dưới các khía cạnh khác nhau. Là chính xác quan điểm của tư tưởng hiện đại, đặc biệt là của René Girard, cho rằng công cuộc Cứu Ðộ không thể là gì khác ngoài một câu chuyện Tình. Tạm để xét sau sự việc những khổ đau của Ðức Kitô có thể có một giá trị nội tại; bởi, như đã trình bày trước đây, tự nó, khổ đau chỉ là một thực kiện vô tính, không nhất thiết phải là một giá trị. Quả thế, tất cả đều tùy ở phương hướng hoặc ý nghĩa lồng vào trong nó. Cũng chính vì vậy mà cần phải loại trừ hết mọi dấu vết của thống khổ chủ thuyết, cho dù trong các thế kỷ qua, thuật biện giáo (kitô giáo) đã dùng đến lối biểu đạt này rất nhiều. Bài viết cũng đã lưu ý rằng đau khổ là một trong các quy luật điều hành đà tăng triển của sự sống (tựa như sức hút đối với vật chất…). Chừng ấy là đủ, không cần phải nói thêm gì nữa. Nhưng, đối với khổ đau và cái chết của Ðức Kitô, điều quan trọng là Ngài đã chấp nhận tất cả một cách hoàn toàn tự do. Kinh nguyện Thánh Thể nói rằng Ðức Kitô đã tự do chấp nhận đi vào cuộc khổ nạn (tự hiến chịu khổ hình). Dù có thể tránh khỏi được cảnh nhục hình, Ðức Kitô đã tự nguyện chấp nhận để nói lên lòng Ngài quyết trung thành cho đến cùng đối với sứ mệnh… và để cho thấy rõ giá phải trả lớn lao như thế nào thì con người mới được vào Nước Trời. Có thể nói cách khác: Ngài đã yêu thương con người cho đến độ đã chết vì yêu thương. Hoặc là nói như Phaolô: Ðức Kitô đã vâng lời cho đến chết… và chết trên thập giá.
Ở vào thời nào đi nữa thì cái chết của Ðức Kitô cũng là hành động Tình Yêu cao cả nhất, hành động ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ thế giới. Tình Yêu vô biên ấy lấp đầy tất cả những thiếu hụt tất yếu của thân phận hữu hạn. Ðành là không bao giờ được tách thập giá rời khỏi các biến cố đi liền theo sau: Phục Sinh và cuộc chiến thắng sự chết và sự dữ. Sẽ bàn thêm về vấn đề này. Ðối tượng của nỗ lực suy xét và chiêm ngắm ở đây là hành động hiến dâng xuất phát từ Tình Yêu vô biên. Chiếu tỏa từ thập giá: không phải là khổ đau, nhưng là chính Tình Yêu ấy… Ðừng đi theo con đường và học thuyết khắc khổ. Các vết thương nơi thân xác của Ðấng chịu đóng đinh không phải là dấu vết của giày xéo, phân hủy, mà là những tia lửa, những tia lửa Tình Yêu. Ðó là những gì cần nhìn cho kỹ… và gẫm suy cho thấu.
IV-MẦU NHIỆM CỨU ÐỘ TRONG ÐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG
Một bài Khảo luận triết học cũng có thể kết thúc với những suy tưởng thiêng liêng. Việc chiêm ngắm Ðức Kitô chịu đóng đinh phải giữ vai trò nào trong đời sống người kitô? Hẳn phải là một vai trò quan trọng, vì thập giá bao trùm trọn cả cuộc sống chúng ta, cuộc sống làm người và cuộc sống giữa xã hội. Chính thập giá đã được chọn làm biểu tượng của Kitô giáo, làm tín hiệu tập họp các kitô hữu. Thập giá được đặt trên đỉnh các tháp chuông nhà thờ, trên mộ các thân nhân quá cố, trên thân mình chúng ta mỗi khi chúng ta làm dấu. Thập giá tô điểm cho các nghi phục phụng vụ và các bàn thờ… cho cả những ai muốn có một món đồ trang sức thanh nhã. Tại sao lại chọn thập giá hơn là ánh sáng phục sinh hoặc các lưỡi lửa ngày Hiện xuống? Hẳn phải có một lý do nào đó. Ðể trả lời câu hỏi này cho chính xác, thì nên phân biệt rõ hai khía cạnh: thập giá giữa cuộc sống xã hội và thập giá trong đời sống cá nhân mỗi người.
Thập Giá: Biểu Tượng Kitô Giáo Giữa Lòng Nhân Loại
Kể là khá muộn việc dùng thập giá làm biểu tượng chỉ về Kitô giáo. Lúc đầu, các kitô hữu đã chọn hình ảnh Vị Mục Tử nhân lành (có người cho rằng đó là do ảnh hưởng của biểu tượng về thần Hermès). Sau đó, có hai biểu tượng được dùng đến, đó là tam giác tỏa ánh quang tượng trưng cho Thiên Chúa Ba Ngôi và thập giá. Sau thời Cônxtantinô, biểu tượng thập giá đã dần dần chiếm ưu thế, nhất là trong thế kỷ 5, khi Clovis được cho biết: Với dấu này, ngươi sẽ thắng. Lúc đầu người ta còn do dự, vì, dù sao thập giá vẫn là dụng cụ hành quyết nhục nhã. Nhưng sau đó, việc dùng biểu tượng thập giá đã được phổ biến rộng rãi khắp nơi. Mặt khác, nhờ các giáo phụ đầu tiên, các kitô hữu bắt đầu khám phá ra rằng chính qua sự việc chấp nhận làm của lễ hy sinh trên thập giá mà Ðức Kitô đã mạc khải Tình Yêu Thương bao la của Ngài đối với con người, một Tình Yêu Thương vô biên…
Rồi, dần dần với thời gian, thập giá ngày càng được nêu cao như một thể cách tuyên xưng đức tin kitô giáo, để giới thiệu cho thế giới lương dân: được mang trên ngực Thập tự quân; được ghi qua các thương tích nơi nhiều vị thánh, như thánh Phanxicô thành Assisi chẳng hạn; được giới thiệu cho lương dân bên Ấn Ðộ, qua thánh Phanxicô Xaviê, và cho thổ dân bên miền tân thế giới qua thánh Gioan Brébeuf. Có thể đó là chuyện nghịch lý lạ kỳ: lấy biểu tượng của chiến bại làm dụng cụ chinh phục các tâm hồn… bởi thập giá là dụng cụ hành quyết nhục nhã. Thế nhưng, truyền thống mãi mãi vẫn là thế, không mảy may đổi thay… đối với biểu tượng thập giá.
Cũng chính với thập giá, các công tác truyền giáo kitô quy mô đã được khởi xướng, khai sinh trong khắp thế giới… hồi thời Trung Cổ cũng như lúc bước vào ngưỡng cửa các thế kỷ thời đại mới. Và nghịch lý vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay. Nấp dưới bóng thập giá, Cha de Foucauld đã đi vào sa mạc Sahara, Edith Stein, vị tử đạo thời Ðức Quốc Xã, đã tìm thấy nghị lực thiêng liêng hầu làm chứng cho đến hơi thở cuối cùng. Không có lý do gì để thay đổi biểu tượng ấy. Các tông đồ trong mọi thời vẫn không ngừng hiên ngang đưa cao thập giá, biểu tượng của ô nhục và hy sinh, để giới Tình Yêu vô biến của Thiên Chúa đối với loài người. Tất cả các sự kiện đó cho thấy là các kitô hữu đã hiểu rằng nghĩa cử Ðức Kitô đón nhận nhục hình thập giá để nói lên Tình Yêu, chính là nét độc đáo, điểm cốt lõi trong sứ mệnh của Ngài. Thế mới rõ: kho tàng truyền thống kitô hằng không ngừng cẩn trọng chuyển đạt tới các thế hệ loài người, chính là sứ điệp Tình Yêu mà thập giá là biểu tượng chói ngời…
Thập Giá Trong Đời Sống Cá Nhân Mỗi Người
Dĩ nhiên, Cứu Ðộ không chỉ là một biến cố lịch sử xảy ra cách đây gần 20 thế kỷ. Cứu Ðộ phải có một chỗ đứng trong đời sống cá nhân mỗi người. Chỉ đơn thuần nhìn từ góc cạnh nhân bản (và triết học) không thôi, thì cũng vẫn có thể đưa ra một vài nhận xét như sau về chủ đề:
Một vài trường phái tu đức đặc biệt là trong Giáo Hội Latinh đã đẩy mạnh đến tột đỉnh việc sùng kính mầu nhiệm Cứu Ðộ: một số dòng tu coi đó là điểm quan trọng nhất trong linh đạo của dòng, chẳng hạn như các tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế hoặc dòng Thương Khó và một vài hội dòng nhỏ khác. Mặt khác, một số các vị thánh, cũng thuộc truyền thống Latinh, như Angèle Foligno, Maria Mađalêna Pazzi, Cha xứ họ Ars, v.v… đã chọn mầu nhiệm Cứu Ðộ làm đối tượng biệt ưu cho đời chiêm niệm của mình.
Ngoài ra, còn có những tâm hồn có thể, chủ quan mà nói, là thánh thiện, nhưng lại ở ngoài lề Giáo Hội cũng nuôi một lòng sùng mộ đặc biệt đối với Ðức Kitô chịu đóng đinh; chẳng hạn có cả một trào lưu khổ hạnh bắt nguồn từ thời Trung Cổ (như các tu sĩ đánh tội hành xác) và đã kéo dài cho đến thời Jansêniô và các nữ tu ở Port-Royal. Các hình thức sùng kính như thế triển nở nhiều nhất ở trong thế giới Latinh, nhưng lại ít hoặc không thấy có nơi các luồng tu đức trong các Giáo Hội Ðông Phương có khuynh hướng giảm nhẹ cảnh khổ đau của Ðức Kitô để dồn cả chú tâm vào việc tán tụng cuộc vinh thắng Phục Sinh của Ngài (Chritos anesthi là tiếng reo vui mừng ngày Phục sinh). Các hình thức sùng kính nói trên cũng không thấy xuất hiện trong các Giáo Hội Công Giáo tại Anh Quốc. Bởi đó là những hình thức biểu đạt của tâm tính các dân tộc Latinh (Latinh thời nay… chứ không phải Latinh cổ thời), thường dễ nhạy cảm, ưa các hình ảnh đánh động, thích có hơi ấm tình người.
Liên quan đến vấn đề cảm tính, bài viết xét thấy là cần nói lên một điểm đáng lưu ý: dù lối biểu đạt tâm tình như thấy được trong truyền thống Latinh là lành mạnh, thì cũng phải biết canh chừng để tránh mọi hình thức quá khích theo đà chủ thuyết duy thống khổ như thường thấy. Như đã phân tích sâu rộng trước đây, tự nó, đau khổ chỉ là một dữ kiện trung tính, một đặc tính của sự sống, một sự kiện sinh lý (có thể trở thành một loại kích tố cần thiết để bảo vệ các chức năng sự sống). Ðiều chủ yếu ở điểm này là làm sao để biết sử dụng đau khổ cho đúng cách vào trong lãnh vực tu đức và luân lý, biết khám phá ra ý nghĩa đích thực của đau khổ. Và đó là cả một bộ môn đạo đức học cần được thiết cấu.
Dù có thiên về phía chủ hướng khắc kỷ theo Jansêniô thì qua một tác phẩm rất được biết đến, tựa đề Du bon usage des maladies (Sử dụng tốt các bệnh tật), nhà tư tưởng Pascal cũng đã mở một lối đi giữa cánh rừng khổ đau của loài người. Bệnh tật là chuyện tự nhiên, là thực trạng không sao tránh khỏi, không thể cãi chối theo kiểu biện luận của học thuyết Epicure hoặc khinh khi theo lối hành sử của chủ hướng khắc kỷ. Bệnh tật và đau khổ đi kèm là những yếu tố dính liền với cuộc sống trong thế giới này. Trước thực trạng ấy, duy nhất chỉ có một thái độ, một thái độ khả thể và khôn ngoan là chịu nhận. Có thể biến khổ đau thành phương cách nên thánh? Chính từ điểm này mối quan hệ với mầu nhiệm Cứu Ðộ có thể được thiết lập một cách hữu ích. Trước tiên, khổ đau có thể trở thành cơ hội để chấp nhận ý Chúa: Lạy Chúa, xin cho ý Chúa được thực hiện! Khôn Ngoan Ngài khắc ghi đau khổ vào trật tự thế giới: ai có quyền buộc Ngài phải giải thích tại sao! Sách ông Gióp đã giải thích như thế.
Nhưng hơn thế nữa, còn có thể tận dụng đau khổ làm cho đời sống tâm linh thêm phong phú. Ðau khổ dạy cho biết khiêm hạ: ý thức mình sống trong trật tự các sự vật, mình là thụ tạo giữa các thụ tạo khác, nằm trọn trong lòng tay Thiên Chúa. Mặt khác, khổ đau còn là dịp để lập công về mặt thiêng liêng nếu biết đón nhận một cách tích cực, coi đó là do Thiên Chúa an bài theo thánh ý Ngài. Như thế đau khổ sẽ biến thành cách thế biểu đạt tình yêu, biểu đạt hùng hồn và cao độ. Chỉ về cuộc khổ nạn của mình, Ðức Kitô đã thưa lên với Thiên Chúa Cha rằng: Này đây, lạy Cha, con xin đến để làm theo thánh ý Cha. Mọi người sống trong khổ đau, cũng đều có thể thưa lên như vậy: Lạy Chúa, này đây con đến để làm theo ý Chúa. Và thái độ đón nhận ấy sẽ trở thành tình yêu tinh tuyền, liên tục tiếp nối thái độ quảng đại đón nhận của Ðức Kitô trên đồi Gôngôta.
Các nhà thần nghiệm đã ý thức và cảm nhận rõ điều ấy. Xin được đan cử một vài chứng tá cận đại: như Chân Phước Elisabét Thiên Chúa Ba Ngôi, người có xác tín mạnh mẽ là thực sự mình ghép thêm một phần nhân tính cho Ðức Kitô (Prière à la Trinité), đưa đau khổ của mình hòa lẫn vào trong đau khổ của Ðức Kitô; hoặc như cô Marthe Robin suốt đời sống trong bệnh hoạn và khổ đau chồng chất, nhưng vẫn coi đó là phần tiếp nối của cuộc khổ nạn Ðức Kitô đã chịu (x. tác phẩm của Jean Guitton viết về Marthe Robin).
Khổ đau được hiểu và đón nhận như thế có thể giúp cho có cơ hội để thực sự tham gia vào mầu nhiệm Cứu Ðộ của Ðức Kitô. Ðó cũng là ý nghĩa của các khổ đau tự nguyện, từ các việc hy sinh hãm mình đền tội cho đến việc hành xác nơi các bậc thầy trong đời sống thiêng liêng. Và chính vì thế mà Giáo Hội kêu mời con cái mình thi hành việc hãm xác trường kỳ, định kỳ, đặc biệt là trong Mùa Chay. Làm thế là dùng đến một sự việc tự nhiên mọi sinh vật đều thấy bị ràng buộc, khổ sở khi phải kềm chế việc sử dụng các chức năng sinh tồn của mình để mưu ích cho đời sống thiêng liêng. Do đó, các việc hy sinh hãm mình tự nguyện hoặc vui nhận như thế chỉ có giá trị khi thực hành hoặc đón nhận vì lòng mến Chúa. Nếu việc hy sinh tự nguyện hoặc đón nhận giúp cho biết cởi bỏ chính mình, biết sống thanh thoát, thì chính là để có thể trở nên ngày càng gắn bó hơn với Tình Yêu Thiên Chúa (khỏi phải bàn đến những lối thách thức tự đặt ra cho chính mình như thấy trong cách thực hành của các nhà khổ tu sống trên cột trong các thế kỷ đầu bên Ai Cập). Khổ chế tự nó không phải là một mục tiêu: khổ chế phải đưa đến cảm nhận thần nghiệm. Nếu có từ bỏ thế gian thì chính là để có thể sống gắn bó hơn với Thiên Chúa.
Ý nghĩa có thể tìm thấy ở nơi đau khổ: để sống kết hợp với khổ đau cứu độ của Ðức Kitô trên thập giá. Và như thế, tất cả đều trở thành sáng tỏ trong đà năng động của Tình yêu thương bao la…
Kết Luận: Chúng Ta Là Những Người Được Cứu Độ
Mỉa mai, Nietzche nói rằng: Tôi sẽ tin người kitô, nếu họ sống cho ra vẻ là người được cứu độ hơn một tí. Quả là thâm độc, tuy nhiên câu nói ấy không phải là hoàn toàn sai. Có lẽ trong đời sống mình, người kitô đã không dành một chỗ xứng đáng cho mầu nhiệm Cứu Ðộ. Là môn đồ của Ðấng đã thực hiện trước mắt thế giới loài người nghĩa cử yêu thương to lớn nhất, triệt để và rõ ràng nhất có thể, nhưng chúng ta vẫn cứ thờ ơ, chẳng mấy khi nghĩ đến, không ý thức rằng chính nghĩa cử yêu thương vô biên ấy phải là đèn soi cho toàn bộ cuộc sống người kitô chúng ta: nó dạy cho biết nhẫn nhục chấp nhận trật tự thế giới các sự vật, dù có phải đớn đau đi nữa; nó thanh luyện con tim khỏi mọi tâm tư hằn học, nổi loạn bất chính; và cống hiến cho mọi người một mẫu gương tha thứ có một không hai. Là môn đồ của thập giá, người kitô có bổn phận phải làm sao cho vang dội trong khắp thế giới, lời mời gọi tiếng kêu xé buốt con tim vọng lên từ Tình Yêu khải hoàn… từ Tình Yêu có sức xóa tan hết mọi hận thù, và giải phóng con người khỏi mọi gông cùm của cảnh sống bị khinh bỉ. Bởi, dù là cuộc thử thách quyết định, thì thập giá cũng không phải là điểm chung cục mọi sự, mà là bước đưa dẫn tới Phục Sinh… các cuộc phục sinh.
Cecilia Cảnh và Michael Minh chuyển ngữ
[1] Là tác giả bài viết nguyên văn Pháp ngữ La Rédemption: Problème et Mystère, đăng trong tuần san Esprit et Vie (LAmi du Clergé), các số 28 (9 Juillet1987) 401-412 và 29 (19 Juillet 1987) 418-428, Jean Millet hiện làm giáo sư thần học tại Học Viện Công Giáo Paris (Institut Catholique de Paris),
[2] Công thức mượn từ tác phẩm của Bartmann, Précis de Théologie dogmatique, I, tr. 408.
[3] Dictionnaire de la Foi catholique (P. Oury), tr. 202.
[4] Thánh Tôma Aquinô, Tổng Luận thần học (Sum. Th.), IIIa, q. 49, a. 2.
[5] Ed. Migne, tr. 342 và tt.
[6] Dư luận đang bàn nhiều đến các luận đề của René Girard, nhà xã hội học người Pháp, hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ. Các luận đề này trình bày ý nghĩa của việc Hy Tế trong các nền văn minh khác nhau, cách riêng là trong Kitô giáo.
[7] Một tôn giáo bên nước Iran cổ [tên củ là Ba Tư / Perses cũng gọi là Zoroastrisme ( do Zarathushtra, là người cải cách) theo quan niệm nhị nguyên, cho rằng thế gian là võ đài của trận đấu thường xuyên giữa Lành và Dữ; nhưng cuối cùng thì Lành sẽ thắng. Avesta là sách thánh của đạo này.
[8] Xin xem bài xã luận của Giáo Sư Hamburger trong báo Revue des Deux Mondes (tháng 5, 1987, tt. 312-313).
[9] Về điểm này, xin đọc các thư ngài viết cho người em gái và một người chị họ… bài do Anne-Marie Ernst trưng dẫn trong tập sách nhỏ, Vers une nouvelle catéchèse, do Hiệp Hội các người Bạn của Cha Teilhard de Chardin xuất bản, đặc biệt là trong các trang 136tt.
[10] Hẳn một vài tiểu thuyết gia hoặc văn sĩ phóng tác sẽ cứ đeo chặt lối trình tả theo kiểu nhân hình như thế, và cố vẽ vời, tạo tác ra cái thế giới họ nghĩ là tốt đẹp hơn thế giới Thiên Chúa có thể làm nên. Ormesson chẳng hạn là một trong số các tác giả đó, và gần đây hơn thì có Paul Guth (với tác phẩm: Si j’étais Dieu). Nhưng như ai cũng thấy, đó chỉ là những tác phẩm viết theo lối hài hước.
[11] Gióp 38:2.4.12. 22.
[12] Xin xem cuốn Théodicée của Leinniz hoặc cuốn Monadologie, các đoạn 80-85.
[13] Xin xem Le Discours de l’estat et des grandeurs de Jésus của Bérulle. Khi nói về sự thánh thiện của một vài tâm hồn ưu tú, ông viết: Ðó là điều lớn lao và là con đường khổ đau nội tâm bậc cao, do Thiên Chúa thực hiện trong tâm tủy của linh hồn, và đã khởi đầu nơi Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh trên thập giá (Mss. 467, 74).
[14] Tư tưởng chung biểu đạt trong bộ Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô là: mọi sự đều từ Thiên Chúa mà đến và đều quay về với Thiên Chúa (Phần IIa và Phần IIIa).
[15] Có thể có nhiều câu trả lời khác liên quan đến mức độ trầm trọng của tội. Trong cuốn tiểu thuyết Các Anh Em Karamazov của Dostoevski, có đoạn tả cảnh các nhân vật bàn cải với nhau (sau cuộc chè chén trong quán trọ…) về tính cách trầm trọng của các tội phạm. Một trong các nhân vật hỏi: Tội nào nặng nhất? Sau một lúc do dự, mọi người đều nhất trí cho là tội vu khống. Không có tội nào nặng hơn tội để lên đầu một kẻ vô tội những tội phạm mà người này không gây ra; còn hơn giết thể xác, tội này giết linh hồn.
[16] Có rất nhiều tài liệu bàn về mầu nhiệm Cứu Ðộ trong các văn kiện của Công Ðồng Vaticanô II. Xin xem chẳng hạn cuốn Synopse des textes conciliaires của J. Deretz và Nocent, Editions Universitaires, Paris, nơi từ Rédemption (có hơn 30 tài liệu được trưng dẫn).
[17] Ðây là các tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất: A-M. Dubarle, Le péché originel dans l’Ecriture, Prais, 1958; Le péché originel. Perspectives théologiques, Paris, Cerf 1981. Các quan điểm thần học) Paris, Cerf, 1983; các bài huấn dụ của Ðức Gioan Phaolô II trong các buổi tiếp kiến chung ngày thứ tư trong năm 1986: xin xem Documentation catholique, T. LXXXIII, về vấn đề sự dữ và đau khổ (số 14, tr. 692tt và về nguyên tội, số 20, tt 1025 -1032).
[18] Editions du Cerf, Paris, 1986.
[19] Phương pháp gọi là cấu trúc sẽ được Michel Foucault khai triễn, cách riêng là trong các tác phẩm Les mots et les choses (1966) và L’Archéologie du savoir, (1969).
[20] René Girard (sinh năm 1923) là một nhà xã hội học người Pháp, làm việc tại Hoa Kỳ. Ông đặc biệt nghiên cứu về một số tập tính của tâm thức tôn giáo trong nhân loại, và cách riêng là về việc sát tế. Các tác phẩm chính của ông là: La violence et le sacré (1972), Des choses cachées depuis la fondation du monde (1978), Le bouc émissaire (1982). Vấn đề nghiên cứu xoay quanh thực kiện có một sự tương hợp bí nhiệm giữa bạo hành và cái thánh thiêng; việc sát tế hướng đến chỗ làm phát sinh ra bạo hành. Trường hợp của Ðức Kitô, chết trên Thập Giá là một đặc biệt: đây là một nạn nhân đã tự do đón nhận việc sát tế. Do đó, hy tế của Ðức Kitô đã chấm dứt tất cả các cuộc sát tế: Ngài đã dứt khoát thay thế hận thù và bạo động bằng Tình Yêu. Về tư tưởng này của René Girard, xin xem Jean-Baptiste Fages, Comprendre René Girard, Editions Privat, Toulouse, 1982.
[21] Des choses cachées…, tr. 234.
[22] Ibid., tr. 235.
[23] Ibid.
[24] Chúng tôi đã trình bày sơ lược về vấn đề này trong bài nghiên cứu triết học về La Foi en Dieu, trong Esprit et Vie, 1985, các số 37 và 38.