Hợp Tuyển Thần Học

Vấn Nạn Về Sự Công Bình Của Thiên Chúa Trong Sách Gióp

Vấn Nạn Về Sự Công Bình Của Thiên Chúa Trong Sách Gióp

Mục Lục

1. Đặt vấn đề

“Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”. “Gieo nhân nào gặt quả đó”. Dường như trong tâm thức nền tảng của bất cứ một nền văn hóa hay tôn giáo nào cũng tiềm tàng một niềm tin về Luật công bình. Niềm tin ấy có một giá trị luân lý đặc biệt. Ở bình diện văn hóa, niềm tin ấy được diễn tả ngang qua hình thức những giáo huấn truyền đời, hay được thể chế hóa trong những bộ luật có tác dụng gìn giữ khuôn phép và quân bình xã hội: “Nếu một kẻ nào móc mắt của một người khác, người ta sẽ móc mắt kẻ đó”.[1] Ở bình diện tôn giáo, niềm tin ấy phản ánh sự quan phòng của một Đấng làm chủ và cai quản mọi sự theo lẽ công bình. “Trời cao có mắt”.

Trong văn hóa cổ của Kinh Thánh, niềm tin ấy được cưu mang bởi khung thần học thưởng phạt. Theo đó, Thiên Chúa là Đấng công bình, Ngài quyết định cách phân minh rạch ròi số phận của người gian và kẻ ngay: “Những kẻ gian ác sẽ bị diệt trừ/ còn người trông đợi Chúa sẽ được đất hứa làm gia nghiệp” (Tv 37,9). Có khi, niềm tin ấy được diễn tả theo kiểu nhân quả báo ứng: “Kẻ đào hố sẽ sa xuống hố / người lăn đá sẽ bị đá đè” (Cn 26,27). Niềm tin ấy định hình nên những bộ luật và những giáo huấn, thường được diễn đạt bằng những câu mệnh đề có điều kiện. Chẳng hạn:

“Nếu anh em thật sự nghe theo tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, tuân giữ và thực hành tất cả những huấn lệnh của Người… thì Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ làm cho anh em trổi vượt trên tất cả mọi dân tộc trên mặt đất” (Đnl 28,1-14).

“Nếu anh em không nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, không tuân giữ và thực hành tất cả những huấn lệnh của Người… thì Đức Chúa, sẽ khiến anh em mắc tai họa… sẽ khiến anh em bại trận trước quân thù… (Đnl 29,15-69) .

Tuy nhiên, nếu mở mắt để nhìn và quan sát, không khó để thấy rằng trong bất cứ xã hội nào, bất cứ thời đại nào, bất công luôn là một thực tế không thể phủ nhận. Tại sao có người sống công chính mà vẫn gặp đau khổ? Tại sao kẻ gian ác lộng quyền thường thắng thế, kẻ tiểu nhân thường phát đạt thành công; trong khi có người hiền lành bị áp bức bách hại, có kẻ nghèo khó phải lưu đày tha hương?

Không chỉ đơn thuần là một vấn đề xã hội, với những người có niềm tin, bất công là một vấn đề thần học. Đặt mình vào bối cảnh lịch sử của dân Thiên Chúa, nhất là trong thảm kịch của các cuộc lưu đày, những câu hỏi tương tự là không thể tránh khỏi. Tại sao dân được Thiên Chúa chọn phải lưu vong tứ tán, còn quân ngoại bang thì được hưởng đất đai và của cải? Tại sao có những người hết lòng kính sợ Thiên Chúa bị đánh bại, còn những kẻ bị gọi là quân vô đạo thì chiến thắng? Đẩy tới cùng, câu hỏi đặt ra cho những người có niềm tin vào Thiên Chúa sẽ là: Thiên Chúa có công bình không?[2]

Hơn hai ngàn năm trước, các tác giả của dòng văn chương Khôn Ngoan trong Kinh Thánh, đặc biệt là hai tác giả sách Giảng Viên và Gióp, đã gióng lên hồi chuông đặt lại vấn đề về khả tín của niềm tin truyền thống, đơn sơ và giản lược, về sự công bình của Thiên Chúa.

Bài viết này tập trung vào việc khai triển vấn nạn về sự công bình của Thiên Chúa trong sách Gióp. Bài viết không nhằm tìm kiếm câu trả lời cho vấn nạn, vốn không có câu trả lời nào đáng được gọi là thỏa đáng. Dẫu vậy, bằng đường lối mô tả và tổng hợp, bài viết lược qua những thái độ khác nhau của các nhân vật trong sách Gióp khi đối diện với vấn nạn về sự công bình của Thiên Chúa. Theo chân tác giả sách Gióp, bài viết mời gọi quý độc giả bước vào hành trình của một cuộc tranh biện tự do, can đảm để cho niềm tin của mình bị chất vấn trước sức phản biện đến từ kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Xuyên suốt hành trình ấy, có thể có nhiều bài học được rút ra, nhất là từ phương diện suy tư thần học và chăm sóc mục vụ cho những người là nạn nhân của vấn nạn về công bình.

Để lĩnh hội tốt nội dung của một bản văn, cần hiểu được hoàn cảnh ra đời của bản văn ấy. Điều mà các nhà chú giải gọi là Sitz im Leben sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc cơn khủng hoảng của Gióp nói riêng và của chính dân được chọn nói chung, về sự công bình của Thiên Chúa.

2. “Sitz im Leben” của sách Gióp: từ giữa cuộc khủng hoảng

Có rất nhiều giả thuyết về hoàn cảnh sinh thành của sách Gióp. Tuy nhiên, thuyết phục nhất là giả thuyết đặt Sitz im Leben của sách này, chính xác là phần thơ đối thoại (G 3-42,6), trong thời gian ngay sau cuộc lưu đày thứ nhất, khoảng 585-570.

Năm 587 tr. CN, thành Giê-ru-sa-lem thất thủ và bị tàn phá bởi những người Ba-by-lon. Những người còn sống sót phải đối mặt với tất cả những hậu quả của chiến cuộc tàn: đổ vỡ hoang tàn, nạn đói và bệnh dịch, khổ đau và chết chóc… Một số đông những người ưu tuyển trong dân, như luật sĩ, ký lục, thợ thủ công lành nghề, các nghệ sĩ… bị dẫn bộ về Ba-by-lon. Qua hành trình qua sa mạc và cát nóng, những kẻ đến được đất lưu đày bắt đầu một cuộc sống mới nơi vùng Hạ Lưỡng Hà, một vùng đầm lầy nóng ẩm với nhiều côn trùng và bệnh dịch. Những cư dân lưu vong Giu- đa, theo nghĩa là những người thuộc thể chế chính trị thất trận của vương triều Giu-đa, trở thành Do-thái, theo nghĩa một cộng đồng tôn giáo. Rất dễ để hình dung, tâm trạng đặt trưng của nhóm thứ nhất là thất vọng, mất niềm tin, mặc cảm bị trừng phạt vì tội lỗi,… Vọng lên giữa cuộc lưu đày không chỉ có tiếng khóc thụ động của người đau khổ “Bên sông Babylon, ta ra ngồi nức nở, mà tưởng nhớ Sion” (Tv 136,1); có cả những lời oán than, trách móc, giận dữ, và cả báng bổ của những người đánh mất đức tin (cf. Ed 14). Cộng đoàn thứ hai được sinh ra khi những người còn giữ niềm tin vào Đức Chúa quy tụ lại với nhau. Những lời kinh nguyện có từ thời cha ông được tập hợp lại, gồm những thánh ca, thánh vịnh, và nhất là những khúc ca vãn. Nơi đất khách quê người, niềm tin được vực dậy từ một cộng đoàn trung tín. Có lẽ lần đầu tiên, nơi họ bắt đầu lớn dần tâm thức Thiên Chúa là vua của cả vũ trụ, chứ không chỉ là của một dân nhỏ bé (cf. Is 2,1-5). Thiên Chúa không chỉ ở trong Đền thờ, nhưng Thiên Chúa sống giữa những khổ đau cơ cực của dân (cf. Ed 10,18-22; 11,22-25).

Tác giả sách Gióp là một trong những người vực dậy niềm hy vọng cho cộng đoàn, ngay giữa tình cảnh khổ đau và thất bại. Những đoạn thơ được viết ra, như những lời nguyện được hát lên trong các buổi phụng tự, theo một cách rất khác. Có cung giọng của Gióp, người đau khổ than vãn, lý luận và kêu trách Đức Chúa. Có cung giọng của những người bạn, ra sức bảo vệ cho tiếng nói của thần học truyền thống. Có cung giọng của chính Đức Chúa, người đưa ra tiếng nói phân xử cuối cùng. Ẩn sau đó là tiếng nói của sứ điệp mà chính tác giả sách Gióp muốn gởi gắm. Xuyên qua tất cả những cung giọng này, nền thần học về sự công bình của Thiên Chúa bị đưa vào chất vấn, tranh biện, và được canh tân.

3. Cấu trúc văn chương và thần học của sách Gióp: hai tầng lịch sử biên soạn

Xét từ góc độ văn phong, sách Gióp được chia làm hai phần rõ rệt: trần thuật và thi ca. Phần trần thuật khá ngắn, được xếp ở đầu (1-2) và ở cuối (42,7-17). Phần thi ca rất dài, nằm ở trung tâm (3-42,6).[3] Nhìn từ góc độ lịch sử hình thành bản văn, có thể thấy rằng hai phần này thuộc về hai tầng biên soạn khác nhau, từ hai giai đoạn lịch sử khác nhau, phản ánh hai nền thần học hoàn toàn khác nhau.

3.1. Câu chuyện truyền khẩu về một gương sống niềm tin anh hùng

Có thể hình dung rằng, trước khi sách Gióp được viết ra, trong dân gian vốn đã truyền khẩu chuyện kể về một nhân vật có tên là Gióp. Nhân vật ấy được nhắc đến trong sách Ê-dê-ki-en như một người công chính, được kể tên ngang hàng với Nô-ê và Đa-ni-ên (Ed 14,14).[4] Bất chấp liên tiếp tai ương ập đến cho gia đình và cho chính bản thân mình, Gióp vẫn giữ vững niềm tin tưởng và phó thác tuyệt đối vào Thiên Chúa. Có những câu trả lời đầy tín thác của Gióp trước tai họa, đã trở thành châm ngôn được lưu truyền trong dân gian: “Trần truồng sinh ra từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi. Chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1,21); hoặc “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận sao?” (2,10a). Nhờ trung tín, “trong tất cả những chuyện ấy, ông Gióp không để cho môi miệng thốt ra lời tội lỗi” (2,10b), Gióp được Thiên Chúa tưởng thưởng, mọi mất mát đều được đền bù gấp bội, và Gióp qua đời với tuổi thọ rất cao (42,10-17). Sứ điệp thần học mà câu chuyện dân gian này muốn truyền tải: Thiên Chúa là Đấng công bình, Ngài thưởng công xứng đáng cho những người tôi tớ dù chịu đau khổ nhưng vẫn giữ lòng trung tín cho đến cùng.

Như thế, trong truyền thống, chân dung của Gióp được vẽ lên như người có một niềm tin anh hùng không gì lay chuyển nỗi. Niềm tin ấy đáng được xem là lý tưởng, và đáng để người ta ngưỡng mộ. Nhưng ai có thể bước theo? Ai có thể với tới? Với những người đang khủng hoảng trong tình cảnh lưu đày, mẫu gương sống đức tin ấy có thực sự giúp được gì cho họ không? Trong niềm tin truyền thống về nhân vật Gióp, chừng như còn thiếu yếu tố của sự chiến đấu, của một sự vật lộn hiện sinh, của yếu tố con người.

3.2. Lời thơ vọng lên từ giữa cơn khủng hoảng

Nhà thần học chân chính là người biết suy tư về Thiên Chúa từ chính những thực cảnh hiện sinh của thời đại mình; và đôi khi chính hoàn cảnh hiện tại là căn cứ để người ấy đặt lại vấn đề về những xác tín đã bám rễ rất lâu từ trong truyền thống. Từ góc độ này, tác giả sách Gióp là một nhà thần học đúng nghĩa. Không chấp nhận với việc giam mình trong tháp ngà của khung thần học thưởng phạt, tác giả sách Gióp mở mắt quan sát, và nêu bật lên một vấn đề gai góc: đâu là sự công bình của Thiên Chúa trong trường hợp những người công chính đau khổ?

Được gợi hứng từ câu chuyện tuyệt đẹp về nhân vật Gióp trong truyền thống, tác giả, bằng khả năng thơ phú của mình, đã lồng vào câu chuyện cổ ấy phần đối thoại giữa Gióp và các bạn, giữa Gióp và chính Thiên Chúa. Từ một người có đức tin không gì lay chuyển nỗi trong truyền thống, Gióp trở thành một người như bao người khác, chia sẻ thân phận khốn cùng như một thành viên bình thường trong gia đình nhân loại, bắt đầu “học cho biết thế nào là đau khổ” (cf. Dt 5,8). Những vần thơ vẽ lên dung mạo của một nhân vật Gióp phải chiến đấu rất vất vã để giữ niềm tin vào Thiên Chúa, một Gióp lớn tiếng tranh biện và để vang lên trên môi miệng của mình rất nhiều nghi vấn về những khẳng định của thần học truyền thống, đồng thời chống lại lối áp dụng cứng nhắc của thần học ấy.

Chúng ta thử lượt qua những giả định của thần học truyền thống vào thời của Gióp (tiền đề), những điều mà Gióp lớn tiếng phản đối (phản đề), và sứ điệp (hợp đề) mà tác giả sách Gióp muốn gởi gắm về sự công bình của Thiên Chúa.

4. Tiền đề: những giả định của thần học truyền thống

Sứ điệp được kể bằng văn xuôi trong phần mở đầu và kết thúc, được diễn đạt bóng bẩy bằng thơ qua môi miệng của ba người bạn của Gióp, Ê-li-phát, Bin-đát, và Xô-pha. Họ là biểu tượng của sự trung thành và giáo điều với thần học truyền thống.[5] Hai vế trong giả định thần học của họ là: Thiên Chúa thưởng người lành và Thiên Chúa trừng phạt kẻ dữ.

4.1. Người lành phải được thưởng

Khởi đầu, ba người bạn đến với Gióp với mục đích an ủi. Người mở miệng đầu tiên là Ê-li-phát:

“Chẳng lẽ lòng kính sợ của anh không làm anh tin tưởng,
và cuộc sống vẹn toàn chẳng giúp anh hy vọng sao?
Hãy nhớ lại xem: có ai vô tội mà phải tiêu vong?
Có nơi nào người công chính lại bị hủy diệt” (4,6-7)

Với Ê-li-phát, nếu một người đã sống với lòng kính sợ Thiên Chúa và đã theo đuổi một cuộc đời vẹn toàn ngay thẳng, thì trong bất cứ tình cảnh nào người ấy luôn có lý do để tin tưởng và hy vọng. Vì sao? Vì Thiên Chúa rất công bình. Niềm tin truyền thống dạy rằng Chúa không để cho người công chính bị hủy diệt, không để cho kẻ vô tội phải tiêu vong.

Chia sẻ cùng quan niệm ấy, Bin-đát cũng lên tiếng an ủi Gióp:

“Quả thật, Thiên Chúa chẳng loại bỏ con người toàn vẹn,
chẳng tiếp tay cho phường gian ác”
(8,20)

Đi xa hơn, quan niệm về sự tưởng thưởng mà Thiên Chúa dành cho người lành được Xô-pha vẽ ra với bức tranh về một tương lai rực rỡ:

“Đời anh sẽ huy hoàng hơn chính ngọ,
bóng tối cuộc đời sẽ rạng như bình minh.
Anh sẽ tin tưởng vì có niềm hy vọng
dù phải thẹn thùng, anh vẫn được nghỉ yên.
Anh sẽ nằm thảnh thơi, không kinh sợ
và rất nhiều người sẽ cầu thân với anh.”
(11,17-19).

Như thế, trong nhiệm vụ an ủi, có vẻ như ba người bạn đều muốn gởi đến Gióp lời trấn an mà khôn ngoan truyền thống vẫn thường dành cho những người gặp nạn: can đảm lên, sẽ không sao đâu! Mọi chuyện rồi sẽ qua! Chúa sẽ không bỏ rơi người công chính đâu! Hãy tin tưởng vào sự công bình của Thiên Chúa! v.v…

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở vế đầu tiên, chỉ nói về chuyện Thiên Chúa “thưởng”, ba người bạn của Gióp chưa phải là những phát ngôn viên trung thành của thần học truyền thống vào thời của họ. Hơn nữa, nếu chỉ nói về khía cạnh tích cực, có lẽ họ chỉ có thể là biểu trưng cho những người làm thần học với cặp mắt nhắm nghiền. Thực tế trước mắt họ là Gióp, một người đang bị đè bẹp trong cơn đau khổ, và đang lên tiếng trách móc Thiên Chúa. Từ an ủi, dần dần họ bước vào cuộc tranh biện, và tìm mọi cách để áp dụng triệt để những xác tín truyền thống của mình vào trường hợp của Gióp.

4.2. Kẻ ác phải bị phạt

Với niềm tin truyền thống, Thiên Chúa công bình là một Thiên Chúa không chỉ thưởng cho người lành, nhưng còn phạt kẻ ác. Lẽ Trời không chỉ minh chứng qua việc “thiện giả thiện lai”, nhưng còn phải “ác giả ác báo”, như được khẳng định trong niềm tin bình dân của nhiều dân tộc. [6]

Niềm tin ấy, giờ đây được phát ngôn qua miệng những người bạn của Gióp:

“Bởi lẽ, nỗi bất hạnh không sinh ra từ cát bụi,
và đau khổ chẳng mọc lên đến từ bụi đất”
(5,6)

Lý luận của phát ngôn này là rất rõ: không phải tự nhiên mà có bất hạnh, không thể tự nhiên mà con người đau khổ. Bất hạnh hay đau khổ phải đến từ một nguyên nhân nào đó. Đâu là nguyên nhân?

“Điều tôi thấy rõ ràng:
những ai gieo đau khổ và rắc tai họa
sẽ gặt về điều tương tự mà thôi” (4,8)

Người gieo gặt điều mình gieo. Gặp đau khổ là vì mình đã gây đau khổ. Theo lối giải thích này, người đau khổ là nạn nhân của chính mình, nghĩa là người ấy vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm. Có một Luật, một Lý, hay một Lẽ công bằng nào đó khiến cho kẻ làm điều ác không sao thoát được.

Theo hướng “hộ giáo”, ba người bạn của Gióp không chỉ dừng lại ở những diễn giải về một Luật chung chung nào đó. Họ mời Thiên Chúa công bình vào cuộc, để đảm bảo cho lý luận của họ về nguyên do của sự đau khổ. Càng đi sâu vào phần đối thoại, lời kết tội của họ dành cho Gióp càng lúc càng trở nên rõ ràng:

“Chẳng lẽ vì lòng kính sợ của anh
mà Người sửa trị anh, và lôi anh ra tòa với Người?
Chẳng phải vì điều gian ác của anh đã nhiều
và lầm lỗi của anh đã là không cùng không hạn?” (22,4-5)

Thiên Chúa, dưới mắt của những người này, luôn là một Thiên Chúa công minh và có toàn quyền. Khi con người sai Ngài mới “sửa trị” và đem ra trước tòa để vạch trần tội lỗi. Vì thế, vấn đề cần đặt lại không phải là Thiên Chúa có công bình hay không, mà là con người có thật sự kính sợ Thiên Chúa không, có thật sự công chính không, có thật sự vô tội không? Có làm gì thì Thiên Chúa cũng có lý. Con người “lúc chào đời đã mang lầm lỗi, đã vương tội khi mẹ mới hoài thai” (cf. Tv 51,7) không có quyền gì để khẳng định là mình trong sạch hay vô tội, và do đó, không có quyền gì để chất vấn hay trách cứ Thiên Chúa. Như những người khởi đầu trường phái Calvin, các bạn của Gióp nới rộng lời kết tội đến toàn thể những ai mang bản tính con người:

“Phàm nhân công chính thế nào được,
và đứa con do phụ nữ sinh ra
làm sao dám coi mình là thanh sạch?” (25,4)

Như thế, từ xác tín nền tảng: kẻ ác phải bị phạt, những người bạn của Gióp lý luận theo chiều ngược lại: người bị phạt phải là kẻ ác! Dựa vào những xác tín mà họ đã cưu mang về thần học thưởng phạt, các bạn của Gióp đi đến kết luận: Gióp phải làm điều gì đó sai thì chuyện mới ra như vậy!

4.3. Kết luận: Lời khuyên dành cho Gióp

Là những kẻ kiên quyết bảo vệ sự công bình của Thiên Chúa, ba người bạn của Gióp lý luận theo một khung tam đoạn luận rất rõ:

  1. Đau khổ là hình phạt Thiên Chúa dành cho kẻ có tội
  2. Gióp đang đau khổ
  3. Vậy, Gióp là kẻ có tội, đang bị trừng phạt vì tội của mình.

Kết luận: Thiên Chúa luôn là Đấng công bình (sic). Thiên Chúa không bao giờ sai, chỉ có con người sai. Để bảo vệ Thiên Chúa, ba người bạn từ bỏ niềm tin ban đầu rằng Gióp, bạn mình, người đau khổ, là kẻ vẹn toàn ngay thẳng. Giải pháp họ đưa ra là Gióp phải thú nhận tội lỗi của mình để trở về với Thiên Chúa:

“Nếu anh quẳng xa điều gian ác trong tay,
nếu
anh không để bất công cư ngụ trong lều,
thì bấy giờ
anh sẽ ngẩng mặt lên, không tì vết
anh sẽ trở nên vững vàng, không sợ hãi chi” (11,14-15)

5. Phản đề: kinh nghiệm hiện sinh của người đau khổ

5.1. Thành công của kẻ gian ác

Không khó để nhìn ra tính chính thống nhưng khó thuyết phục trong những lý luận của ba người bạn của Gióp. Sự công bình của Thiên Chúa được họ vẽ ra ở mức lý tưởng, và ảnh hưởng của Luật công bình trong cuộc sống được nhìn ở góc độ tuyệt đối. Tuy nhiên, thực tế thì có thể rất khác. Để tâm theo dõi những chuyện “xảy ra dưới ánh mặt trời”, tác giả sách Giảng Viên, người chia sẻ cùng một hướng quan niệm với tác giả sách Gióp, rút ra một kết luận mỉa mai:

“Tôi thấy ác nhân được nằm yên trong mồ
và được
ra vào những nơi thiêng thánh,
người trong thành quên hết những việc chúng đã làm.
Đó
là một nghịch lý!”[7] (Gv 8,10)

Được nằm yên trong mồ là cách nói ám chỉ cái chết bình an của một cuộc đời được chúc phúc. Người được hưởng cái an và cái phúc ấy không phải là người công chính, như khẳng định của truyền thống, nhưng là kẻ ác nhân. Tất cả những điều ác kẻ ấy đã làm như đã rơi vào khoảng không không, trong vùng quên lãng. Ác giả, nhưng không có ác báo. Thực tế ấy đáng được gọi là “nghịch lý”, “vô lý”, “bất công”. Nhưng thực tế ấy không phải là họa hiếm. Gióp lên tiếng với tất cả sự ngỡ ngàng và đắng cay:

“Lều trại của quân cướp bóc áp bức được bình an
những kẻ gây sự với Thiên Chúa được yên ổn,
và những kẻ lợi dụng Thiên Chúa cũng thế!” (12,6)

Những lời khuyên dạy và răn đe của truyền thống, về việc Thiên Chúa trừng phạt kẻ làm điều ác, có vẻ như đã không còn đúng nữa. Cũng thế, những lời hứa trong truyền thống về một cuộc đời bình an, yên ổn, và thành đạt, có vẻ như đã không còn là phúc lành đến từ Thiên Chúa. Những kẻ không nghe lời răn dạy của Đức Chúa, không kính sợ Đức Chúa, chừng như đã tự tay giành lấy phúc lành ấy về phía mình. Luật, Lý, hãy Lẽ công bình trong truyền thống có vẻ như đã không còn tác dụng; ngược lại, quan sát từ thực tế cuộc sống cho thấy nguy cơ như có một luật khác đang thống trị, luật chiến thắng thuộc về kẻ ác và kẻ mạnh:

“Tại sao kẻ gian ác vẫn sống,
càng sống lại càng thêm mạnh mẽ và quyền lực?
Dòng dõi chúng đứng vững trước mặt chúng
chúng thấy
con thấy cháu ngay trước mắt mình?
Nhà cửa chúng yên ổn, không gì đe dọa,
ngọn roi của Thiên Chúa không hề đụng tới chúng…” (21,7-9)

Nếu những câu đầu của đoạn thơ 27,1-9 mô tả về nghịch lý “kẻ ác thành công” dưới dạng những chất vấn, câu thơ cuối cùng đưa ra lời đáp. Trong truyền thống Kinh Thánh, ngọn roi của Thiên Chúa là biểu tượng của sự trừng phạt (Is 10,5), là khí cụ thể hiện sự công minh “ưa điều chính trực, ghét điều gian ác” (Tv 46,6-7). Ngọn roi ấy giờ như đã không còn chạm đến nơi nó cần phải chạm đến. Làm sao để giải thích về sự vắng bóng ấy? Chẳng phải vì Thiên Chúa đã không còn là một vị thẩm phán chí công?

“Tại sao Đấng Toàn năng không định trước thời gian
và những kẻ biết người lại không thấy ngày Người xét xử? (24,1)

“Những kẻ biết người” là những kẻ công chính và trung tín, những kẻ vẫn hy vọng được nhìn thấy thời điểm mà Đấng Toàn năng đã định trước để xét xử những kẻ làm điều gian ác. Trong thực tế của Gióp, niềm hy vọng ấy đã không thành hiện thực. Thiên Chúa chừng như đã không còn can thiệp, và để mặc cho kẻ ác lộng hành. Giải thích như thế nào? Chúng ta biết rằng trong não trạng Kinh Thánh, ở bất cứ hoàn cảnh lịch sử nào, Thiên Chúa của niềm tin luôn là một Đấng Toàn Năng. Khi Đấng Toàn Năng không thực hiện án phạt dành cho những người đáng bị phạt, theo như não trạng thần học truyền thống, còn lời giải thích nào khác thỏa đáng hơn ngoài suy luận rằng: Đấng ấy toàn năng, nhưng không công bình?

Vấn nạn trở nên gay go hơn khi phải đối mặt với thực trạng người công chính đau khổ.

5.2. Người công chính đau khổ

Xuyên suốt cuộc tranh biện với ba người bạn, thái độ của Gióp luôn luôn rất rõ ràng trong xác tín về sự công chính của mình.

“Cho đến khi trút hơi thở cuối cùng,
không bao giờ tôi từ bỏ sự công chính vẹn toàn của tôi” (27,5)

Với xác tín ấy, Gióp không tìm được một lời giải thích nào thỏa đáng từ nền thần học thưởng phạt của truyền thống, là nơi đức tin của Gióp đã được bén rễ và nuôi dưỡng. Quả vậy, nếu theo thuyết “nhân quả tuần hoàn”, hoặc “ở hiền gặp lành”, làm sao giải thích được sự mâu thuẫn phi lý giữa một bên là cuộc sống tốt lành của mình trong quá khứ và một bên là những gì mình đang phải gánh chịu ở hiện tại.

G 29,1-20: Sự công chính trong quá khứ

G 30,1-31: Cùng khốn của hiện tại

Tôi đã giải thoát cho người nghèo khổ khi họ kêu cứu, và trẻ mồ côi khi không ai giúp đỡ. Tôi được người hấp hối chúc lành, tôi đem lại niềm vui cho quá phụ. Tôi đã mặc lấy đức công chính như áo che thân, lấy lẽ công minh làm mũ đội đầu và áo khoát. Tôi trở nên mắt cho kẻ mù lòa, thành chân cho người què quặt. Tôi là cha của người nghèo túng, tôi xử kiện cho người xa lạ.

Giờ đây, tôi bị những người ít tuổi hơn nhạo cười… họ gớm ghiếc và xa lánh tôi. Bên phải tôi, một đám người trổi dậy, họ làm tôi trượt chân, còn mở đường cho bất hạnh ập tới. Họ phá hủy con đường tôi đi, để tiêu diệt tôi… Tôi bước đi trong tăm tối không ánh mặt trời, giữa lòng đại hội tôi đứng lên cầu cứu

So với thần học “hộ giáo” chính thống của ba người bạn, lý luận của Gióp thực tế và mang tính hiện sinh hơn rất nhiều. Nếu điểm khởi hành của ba người bạn là lý thuyết của truyền thống, điểm khởi hành của Gióp là chính thực tế hiện sinh của đời mình. Thần học truyền thống dạy về một Thiên Chúa luôn phù trợ người công chính, trong khi theo kinh nghiệm của Gióp, Thiên Chúa ấy rất khác:

“Người vùi dập tôi trong cơn giông bão,
lại vô cớ bắt tôi chịu thêm nhiều thương tích” (G 9,17)

Gióp không than vãn vì những giông bão hay thương tích, như là những tai họa mà cuộc sống đập vào đời mình. Điều mà Gióp than vãn và phản đối là tính vô cớ của những tai họa ấy. Nếu Thiên Chúa Toàn Năng là Đấng công bình, sao Người lại để “Người công chính vẹn toàn trở nên trò cười cho thiên hạ” (12,4)? Bám rễ từ trong niềm tin truyền thống, Gióp vật vã để dung hòa niềm tin ấy với thực tế hiện sinh trái ngược. Đằng sau tiếng khóc và những lý luận của người đau khổ luôn là một cuộc khủng hoảng về niềm tin. Nếu xưa, trong cuộc mặc cả với Thiên Chúa, Áp-ra-ham đã từng nại đến sự công bình của Thiên Chúa dưới dạng những câu hỏi tu từ: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người công chính chung với kẻ tội lỗi sao?… Ngài làm như vậy, chắc không được đâu! Giết chết người lành chung với kẻ dữ, xem người lành cũng như kẻ dữ, chắc không được đâu! Lẽ nào Đấng xét xử toàn cõi đất lại không xét xử công minh?” (St 18,25); nay, từ giữa cơn khủng hoảng của mình, Gióp biến những câu hỏi ấy lời khẳng định, lật ngược niềm tin truyền thống về sự quan phòng và công bình của Thiên Chúa:

“Thế nên tôi mới nói: tất cả đều như nhau,
người vẹn
toàn ngay thẳng cũng như đứa tội lỗi gian ác,
Người
tiêu diệt hết.
Nếu thình lình xảy ra tai ương gây chết chóc,
thì Người vẫn thản
nhiên nhạo cười
trước cảnh khốn
cùng của kẻ vô tội!” (9,22)

Chắc chắn, cung giọng này sẽ làm ù tai và phật ý những người theo xu hướng hộ giáo và bảo thủ. Thế nên, không lạ gì khi những người bạn của Gióp gọi đó là “ăn nói ào ào như gió” (8,2), “những lời lẽ ba hoa” (11,3), “những lý lẽ vu vơ”, “những lời vô tích sự” (15,2-3), “những lời độc địa” (18,1),… Phần mình, Gióp cũng theo đuổi đến cùng thái độ bút chiến và khích bác: “Quả thật, các anh chỉ là những con người phàm, và cùng với các anh sự ngôn ngoan sẽ chết!” (12,2). Theo hướng này, cuộc tranh luận giữa Gióp và các bạn dần đi vào ngõ cụt. Từ góc độ trần thuật, câu chuyện sách Gióp cần có một tiếng nói trọng tài để phân xử, cần có một giải pháp nào đó vừa bảo vệ sự vẹn toàn ngay thẳng của Gióp vừa biện hộ cho căn tính tốt lành và công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trước khi đi đến giải pháp, cần đôi dòng kết luận về thái độ của Gióp.

5.3. Kết luận: thái độ của Gióp

Đối diện với những người phát ngôn của thần học truyền thống trong thời đại mình, Gióp nhanh chóng nhận ra vai trò chẳng những vô bổ mà còn phản chứng của họ: “Các anh muốn an ủi, nhưng tất cả chỉ gây thêm đau khổ” (16,2). Những người đến với ý định tốt lành là an ủi, nâng đỡ, soi sáng,… kết cục lại tự biến mình thành quan toà để phân xử và kết án. Kinh nghiệm đắng cay ấy được Gióp đúc kết trong những vần thơ đầy tính ẩn dụ:

“Ai bỏ qua việc xót thương bạn bè,
cũng từ chối kính sợ Đấng Toàn Năng.
Anh em tôi đã phản bội tôi, họ như dòng thác lũ,
như những dòng thác lũ trôi tuột
qua (6,14-15)

Để ví von những người an ủi gây đau khổ này, Gióp dùng một hình ảnh đặc sắc bao hàm trong từ Do-thái נחל (nāḫal). נחל có thể được dịch là wadi, chỉ về những thung lũng nằm sát bên sườn đồi dốc ngược chỉ có cát và đá, thường khô hạn về mùa nắng. Mỗi khi có mưa, các wadi này ngay lập tức biến thành những thác nước khổng lồ. Nước tràn qua các wadi như những dòng thác lũ, nhanh và mạnh, có thể cuốn phăng mọi thứ trên đường, dù là nhà cửa, lều trại, hay những đàn gia súc. Thế nên đặc tính thường được gắn cho các wadi này là bất nhất và khó lường. Vào mùa khô, khi người ta cần nước nhất, các wadi này chẳng cung ứng được gì ngoài sườn đồi với cát và đá. Mưa về, thay vì mang đến an ủi và niềm vui, các wadi chỉ gây thêm tai họa khôn lường. Hết mưa, khi dòng nước đã ào ào trôi qua, còn lại chỉ là sườn đồi cát đá. Dùng hình ảnh ấy để ví von những người bạn của mình, Gióp không còn từ nào khác thích hợp hơn để nói thêm về họ ngoài động từ בגד (bāgad), “phản bội”, “hành động bội tín” (cf. Is 33,1; Gr 5,11; 12,6). Khi bạn bè cần họ nhất, cần đến lòng tốt và lòng thương xót (חסד – ḫesed), thì họ lại đến để tranh biện và dạy dỗ. Kết luận của Gióp: họ không phải là những kẻ thực sự kính sợ Thiên Chúa, lòng đạo đức của họ không chân thật!

Dứt khoát và rõ ràng với những người bạn như thế, nhưng thực sự, với Gióp, câu hỏi về căn tính công bình của chính Thiên Chúa vẫn còn là một nút thắt chưa tháo cởi được.

Một mặt, Gióp vẫn luôn trung thực với những gì mình cảm nhận, rằng chính Thiên Chúa đã đối xử không công bình với mình, và can đảm lớn tiếng nói lên sự bất công ấy:

“Chính ngài tìm bắt lỗi con,
và điều tra tội con đã phạm,
mặc dầu
Ngài biết con không tội lỗi gì (10,6-7)

Khi niềm tin độc thần quy tất cả về một mối, đằng sau tất cả những bất công hiển hiện, Thiên Chúa luôn được nại đến như là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Miền đất có bị trao vào tay kẻ dữ,
thì Người cũng che mặt các quan tòa,
nếu không phải là Người thì ai đây?” (9,24)

Nếu phải minh họa lý luận của Gióp theo một tam đoạn luận, lý luận ấy có lẽ sẽ như sau:

  1. Đau khổ là hình phạt Thiên Chúa dành cho kẻ có tội
  2. Gióp vô tội, nhưng bị trừng phạt như một kẻ có tội
  3. Vậy, Thiên Chúa không công bình!

Mặt khác, cũng cần nhận ra rằng Gióp không phải là kẻ dễ dàng từ bỏ niềm tin truyền thống của mình. Thiên Chúa vừa là Đấng làm Gióp kinh sợ, vừa là Đấng Gióp tìm kiếm trong sâu thẳm tâm hồn mình.[8] Trong những lời tự sự của Gióp, được nhào nặn bởi ngôn từ mang nhiều hàm ý của thơ ca, có những lời mang bóng dáng của hy vọng:

“Ngay giờ đây, trên trời, tôi đã có một nhân chứng,
nơi chốn
cao xanh, tôi đã có một người bảo lãnh” (16,19)

Và có cả những đoạn tuyên xưng niềm tin, rất gần với ngôn ngữ thần bí:

“Tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống,
và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất.
Sau khi da tôi đây bị tiêu hủy,
với tấm thân, tôi sẽ nhìn ngắm Thiên Chúa.
Chính Người, tôi sẽ nhìn thấy,
mắt tôi sẽ nhìn thấy, không phải một người xa lạ…” (19,25-27).

Tóm lại, sự bối rối và mơ hồ trong ngôn ngữ diễn đạt kinh nghiệm của Gióp là biểu trưng cho một cuộc khủng hoảng sâu xa về chính căn tính của Thiên Chúa trong niềm tin của Gióp. Không ai khác, ngoài Thiên Chúa, có thể dẫn con người ra khỏi cuộc khủng hoảng như thế.

6. Hợp đề: sứ điệp về sự công bình của Thiên Chúa

6.1. Thiên Chúa trả lời Gióp

Từ góc độ trần thuật, có thể nói rằng những tình tiết khúc mắc (plot) trong câu chuyện của Gióp chỉ có thể tìm thấy lời giải đáp (resolution) khi Thiên Chúa trực tiếp ngỏ lời với Gióp (chương 38-42). Thiên Chúa chính thức bước vào cuộc đối thoại, sau một loạt những vấn nạn vô phương trả lời mà các nhân vật trong truyện đặt ra. Trong phần đối thoại cuối cùng giữa Thiên Chúa và Gióp, cần lưu ý đến cả cách thức và nội dung.

6.1.1. Cách thức

Cách mà tác giả sắp xếp để đưa Lời của Thiên Chúa vào cuộc rất đặc biệt. “Bấy giờ, Đức Chúa lên tiếng trả lời Gióp từ giữa cơn bão táp” (38,1; 40,6).

Điểm đặc biệt thứ nhất: trong toàn bộ phần thơ đối thoại của sách Gióp, đây là câu dẫn nhập đầu tiên trong đó động từ chính có bổ ngữ (object). Bổ ngữ chỉ về đối tượng mà chủ ngữ nhắm đến trong diễn từ của mình. Tất cả những câu dẫn nhập trong phần đối thoại giữa Gióp và ba người bạn đều bắt đầu theo cùng một mẫu, không có bổ ngữ “Bấy giờ Gióp (Ê-li-phát/Bin-đát/Xô-pha) lên tiếng nói”. Bằng một dấu chỉ ngôn ngữ nho nhỏ này, tác giả ám chỉ rằng cuộc tranh luận giữa Gióp và các bạn thật ra chỉ là những cuộc độc thoại, có người nói nhưng không có người nghe; ngược lại, khi Thiên Chúa ngỏ lời với Gióp, cả hai bước vào một cuộc đối thoại hai chiều, có người nói và có người nghe. Đó là điều kiện tiên quyết để có thể tìm ra một giải đáp khả thể nào đó. Trong khi ba người bạn say sưa nói về Thiên Chúa và ra sức bảo vệ cho nền thần học của họ về sự công bình của Thiên Chúa, Gióp lắng nghe Thiên Chúa nói và nói với Thiên Chúa.

Điểm đặc biệt thứ hai: “nơi” Thiên Chúa ngỏ lời với Gióp là “từ giữa cơn bão táp”. Trong ngôn ngữ Kinh Thánh, סערה(s‘ārāh, “whirlwind”, “storm”) là từ ngữ đặc trưng xuất hiện trong những cuộc thần hiện,[9] qua đó Thiên Chúa vén mở cho con người những điều mà tự sức mình con người không thể vươn tới. Khi khôn ngoan của con người không đủ khả năng để quyết vấn đề, tác giả sách Gióp nại đến chính Thiên Chúa. Ngôn ngữ của tranh biện và lý chứng nhường chỗ cho ngôn ngữ của mạc khải.

6.1.2. Nội dung

Thiên Chúa đáp lời Gióp, khởi đầu bằng một câu quở:

“Ai đây: kẻ làm cho kế hoạch của ta ra tăm tối,
bằng những lời thiếu hiểu biết khôn ngoan?”
(38,2)

Trước rất nhiều những câu hỏi cao xa mang tính thần học, Thiên Chúa dẫn Gióp trở về thực tế bằng một câu hỏi dựa trên nền tảng nhân học. Gióp là ai? Con người là ai? Bằng ngôn từ của con người, liệu có thể hiểu được và diễn giải được kế hoạch[10] của Thiên Chúa không? Hay tất cả những gì con người vùng vẫy, lý luận, và phản kháng, nói cho cùng cũng chỉ là những lời “thiếu hiểu biết và khôn ngoan”[11]? Để chỉ cho Gióp thấy tầm vóc thật sự của mình, Thiên Chúa đặt ra hàng loạt những câu hỏi về kiến thức và khả năng của con người trước tầm vóc cao-sâu-rộng của thời gian và không gian, của trời và đất, của khắp loài tạo vật…, (G 38,4-39,30; 40,6–41,26). Trong bức tranh về thế giới tạo vật mà Thiên Chúa vẽ ra trước mắt Gióp, con người nhỏ nhoi và mất hút như một phần tử vô danh vô phận. Không còn nữa địa vị “thống trị mặt đất” hay “bá chủ cá biển chim trời và mọi giống vật bò trên mặt đất” (St 1,28­29). Cũng không còn nữa xác tín nhân trung luận, đặt con người ở vị trí trung tâm và là thước đo vạn vật. Con người là con người, có một vị trí nhất định và hữu hạn trong toàn bộ công trình (עצה) của Thiên Chúa.

Đặt lại mình đúng ở tầm mức giới hạn của mình là một cách để con người phân định và nhận ra đâu là những câu hỏi thuộc về, và đâu là những câu hỏi vượt quá, khả năng trả lời của con người. Có thể nói đây là một thông điệp rất hay và rất quý. Tuy nhiên, không khó để nhìn ra rằng, Thiên Chúa đã không thực sự bước vào đối chất với những câu hỏi cụ thể của Gióp về đau khổ dành cho người công chính, về sự công bình của Thiên Chúa,… Thiên Chúa trả lời những câu hỏi của Gióp bằng vô số những câu hỏi khác, nhiều hơn và khó trả lời hơn, dồn Gióp đến mức phải thú nhận:

“Con biết rằng việc gì Ngài làm cũng được,
không có kế hoạch nào của Ngài mà không thành tựu…
Con đã tuyên bố, dù chẳng hiểu gì,
những điều kỳ diệu vượt quá sức
con, con không biết chi.” (42,2-3)

Cuối cùng thì Gióp nhượng bộ, khi những câu hỏi đặt ra chưa thực sự được trả lời. Nhưng nếu chỉ như vậy, phải chăng Gióp chấp nhận để cho những câu hỏi của mình bị bóp nghẹt? Nếu chỉ như vậy, phải chăng sứ điệp cuối cùng của sách Gióp cũng chỉ ủng hộ cho một loại thuyết bất khả tri, ignoramus (chúng ta chẳng biết gì) hay thậm chí ignorabimus (chúng ta sẽ chẳng bao giờ biết được)?[12]

Thật ra, lời thú nhận của Gióp không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận sự vô tri của mình. Kinh nghiệm được hòa giải với Thiên Chúa, ngang qua đối thoại, cho Gióp một cái nhìn mới để có thể gọi là mọi sự là “những điều kỳ diệu”, נפלאות (niflā’ôt). Trong Kinh Thánh, נפלאות là thuật ngữ đặc biệt được dùng để chỉ về những kỳ công mà Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử cứu độ và trong thế giới tạo thành, những điều tự bản chất vượt quá tầm hiểu biết của con người, những điều thuộc về mầu nhiệm của Thiên Chúa. נפלאות xuất hiện nhiều nhất là trong các Thánh Vịnh ngợi khen và cảm tạ. Do đó, sự xuất hiện của נפלאות trong những lời cuối cùng của Gióp là một lời hiệu triệu: Gaudeamus! Sau tất cả, Gióp để cho mình được tháp nhập vào dòng truyền thống của một dân tộc gồm những người đau khổ bị áp bức, nhưng chung cục luôn được cảm nếm sự giải phóng và ơn cứu độ đến từ Thiên Chúa cách kỳ diệu. Thiên Chúa, dù gần gũi và luôn đứng về phía dân Người, vẫn luôn là một mầu nhiệm bất khả đạt thấu.[13]

6.2. Sứ điệp về công bình từ tác giả sách Gióp

Sách Gióp không chỉ dạy con người sống với Thiên Chúa, mà còn dạy con người sống với con người. Nếu không thể vì bảo vệ Thiên Chúa mà sẵn sàng kết án con người, như chọn lựa của những người bạn của Gióp, thì người ta cũng không thể vì bảo vệ con người mà sẵn sàng kết án Thiên Chúa, như chọn lựa của Gióp trong những cuộc tranh biện. Nếu ba người bạn của Gióp biểu trưng cho thái độ bảo thủ duy lý, Gióp biểu trưng cho thái độ duy nghiệm chủ quan. Cả hai đều là những cực đoan, và cả hai đều bị nhắm đến trong lời phán xét của Thiên Chúa. Với Gióp: “Phải chăng ngươi muốn phá vỡ sự công bình của ta? Ngươi kết án Ta, để cho mình là công chính?” (40,8) Với ba người bạn: “Ta bừng bừng nổi giận với các ngươi, vì các người đã không nói đúng đắn về Ta” (42,7-8).

Như vậy, có thể thấy rằng, nhân vật chính trong truyện Gióp được tác giả sử dụng như một phương tiện văn chương (literary device), và là một phương tiện bất toàn. Dẫu vậy, tác giả ấy vẫn chọn lựa rất rõ ràng: đứng về phía Gióp. Trong lời phân xử cuối cùng, Thiên Chúa quở phạt ba người bạn của Gióp nặng hơn: “các người đã không nói đúng đắn về Ta như Gióp, tôi tớ của Ta… Gióp tôi tớ của Ta sẽ chuyển cầu cho các ngươi” (42,7-8). Đặt mình vào địa vị của một độc giả trong thời của Gióp, chúng ta sẽ thấy đây là một kết luận gây ngạc nhiên. Nếu Thiên Chúa công bình theo lối hiểu của ngày nay, lẽ ra Thiên Chúa phải tuyên thưởng ba người bạn của Gióp. Họ mới là đại diện cho tiếng nói chính thống của thần học đương thời, và họ là những người trung thành đã ra sức bảo vệ cho Thiên Chúa. Nhưng lối hiểu ấy bị lật ngược. Theo tác giả sách Gióp, người công chính vô tội chịu đau khổ mới là những người có khả năng dâng lễ toàn thiêu trước mặt Thiên Chúa. Và của lễ mà họ dâng là để chuyển cầu cho những “thầy dạy” về đức tin, về giáo lý, về Thiên Chúa!

Cách Thiên Chúa trả lời Gióp đã làm vỡ ra một chân lý thần học quan trọng. Nhìn vào thực trạng đau khổ của Gióp, cả Gióp và ba người bạn đều tưởng Gióp bị phạt, “bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề” (cf. Is 53,4). Khi niềm tin của họ tựa quá nặng vào mối dây liên kết nhân-quả giữa tội và đau khổ, họ không thể tìm thấy một con đường nào khác để giải thích về sự công bình của Thiên Chúa trong trường hợp người công chính đau khổ. Thiên Chúa nhìn nhận sự công chính của Gióp. Thiên Chúa cũng không phủ nhận thực tế Gióp đau khổ. Mối dây liên kết nhân-quả giữa tội và đau khổ bị phá vỡ.

Qua hình ảnh Gióp, tác giả đã vẽ lên hành trình của một đức tin trưởng thành, đó là hành trình ngang qua chiến đấu, khủng hoảng, để được đào sâu và nên vững mạnh. Ở khởi đầu, niềm tin của Gióp vào Thiên Chúa có lẽ không đủ mạnh, nhưng Gióp đã sống niềm tin ấy cách trung thực. Luôn bám chặt vào lý thuyết và giáo điều, như cách của ba người bạn của Gióp, là dấu chỉ của một niềm tin chưa đủ lớn; bởi lẽ bất cứ một nền thần học nào, dù có cao siêu và sâu xa đến đâu, cũng không thể tự cho mình cái quyền đã chạm đến và giải thích trọn vẹn về thực tại mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nghi ngờ và chiến đấu là dấu hiệu của một đức tin trưởng thành, là con đường hiện sinh đưa Gióp đến gần với mầu nhiệm Thiên Chúa.

Khi ba người bạn bỏ qua Gióp, người đau khổ đau kêu cứu trước mắt, để bảo vệ cho Thiên Chúa, thì “Thiên Chúa” mà họ ra sức bảo vệ chỉ còn là một ý niệm trừu tượng và giáo điều. Thiên Chúa khôn ngoan và công bình quở phạt những kẻ vì nhân danh việc bảo vệ một giáo lý hay một học thuyết nào đó về sự đau khổ, vì nhân danh việc bảo vệ cho hình ảnh của Thiên Chúa khỏi bị tì vết trước sự hiện diện của đau khổ, v.v.., mà sẵn sàng sát tế những con người thật, những cảnh đời cụ thể, những nỗi đau đớn khốn cùng. Không có sự đau khổ nếu không có người đau khổ. Mọi lý thuyết về sự đau khổ đều trở nên vô nghĩa, nếu điểm tập trung không phải chính là tiếng kêu và gương mặt hữu hình của những người đau khổ. Thiên Chúa chân thực quở phạt những kẻ ra sức bảo vệ cho đến cùng ý tưởng về một Thiên Chúa công bình theo lối hiểu của con người, đến độ phủ nhận thực tế về sự đau khổ và bất công trên thế giới, đến độ lãng quên nhiệm vụ bảo vệ cho những người là nạn nhân của bất công. Lời hiệu triệu của sách Gióp có thể được phát biểu theo nhiều cách khác nhau: Hãy biết lắng nghe bao tiếng kêu vọng lên từ nỗi bi thương của những người đau khổ. Lắng nghe và cảm thông chia sẻ, chứ đừng lý luận và bóp nghẹt. Hãy ra sức bảo vệ cho những con người đau khổ ở hiện tại, là nạn nhân của bất công, thay vì ra công ra sức bảo vệ cho một lý tưởng công bình nào đó đã thuộc về quá khứ xa xưa.

Thiên Chúa có công bình không? Sự xuất sắc của tác giả sách Gióp thể hiện không chỉ trong việc mở ra những câu hỏi mà còn trong việc để mở câu trả lời. Gióp không nhận được câu trả lời mà mình muốn. Độc giả của sách Gióp cũng không nhận được câu trả lời mà mình mong đợi. Cách Thiên Chúa trả lời con người luôn gây ngạc nhiên như thế!

7. Kết luận

Nếu độc giả gấp sách Gióp lại và tự đặt lại cho mình câu hỏi: Thiên Chúa có công bình không? Câu trả lời có thể là: không. Thiên Chúa không công bình, nếu “công bình” được nhìn từ góc độ của loài người. Thiên Chúa không công bình khi để cho người công chính chết thay cho những kẻ bất chính (Rm 5,6-8; 1Cr 5,14-15; cf. Ga 18,14), khi để cho những ai được gọi là tôi trung của Thiên Chúa phải gánh tội cho muôn người (Is 53). Thế nhưng, nếu nhìn từ góc độ thần học, Thiên Chúa là Đấng công bình theo nghĩa tuyệt hảo nhất. Thiên Chúa “cho mặt trời mọc lên trên người lành và kẻ dữ, cho mưa xuống trên người công chính và kẻ bất lương” (Mt 5,45); Thiên Chúa như ông chủ vườn hoàn toàn tự do trong việc thể hiện lòng tốt của mình khi đối xử với người chỉ làm việc một giờ giống như với người làm việc suốt ngày, vì muốn cho người vào làm sau chót được bằng với người vào làm đầu tiên (Mt 20,12-15).

Theo não trạng truyền thống của Kinh Thánh thì thật không thể hình dung một Thiên Chúa không công bình. Khi để cho nhân vật chính của mình tự do vùng vẫy và đặt lại vấn đề, mục đích của tác giả sách Gióp không phải là đạp đổ xác tín về đức công bình của Thiên Chúa; đúng hơn, tác giả cho thấy rằng sự công bình của Thiên Chúa cần được suy tư và chiêm niệm trong một bối cảnh rộng hơn. Công bình không phải là tiếng nói cuối cùng về Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, tên của Thiên Chúa chưa bao giờ là “Đấng Công Bình”[14]. Chỉ khi nào Thiên Chúa được chân nhận là Đấng Thương Xót, sự công bình của Ngài sẽ được hiểu ở mức trọn vẹn và hoàn hảo nhất, như trực giác của Meister Eckhart, một nhà thần bí thời Trung Cổ:

“Bạn có thể gọi Thiên Chúa là Tình Yêu
Bạn có thể gọi Thiên Chúa là Thiện Hảo
Bạn có thể gọi Thiên Chúa là Công Bình
Nhưng đây mới là tên tuyệt nhất của Thiên Chúa: Thương Xót”.


 

[1] “Šum-ma a-wi-lum i-in mâr a-wi-lim uḫ-tab-bi-it i-in-šu u-ḫa-ap- pa-du”. Trích Bộ Luật Ḫammurabi (năm 1754 tr. CN), 196 XXXIII, 45–49.

[2] Dĩ nhiên, câu hỏi có thể đi theo một hướng hoàn toàn khác. Chẳng hạn, trước vấn nạn sự dữ, David Hume đặt sự Toàn Năng và Toàn Hảo của Thiên Chúa vào thế lưỡng luận (dilemma); theo đó, chỉ có hai lối giải thích: (1) Thiên Chúa Toàn Năng, nhưng không sẵn lòng giải cứu con người, vậy Thiên Chúa không Toàn Hảo, (2) Thiên Chúa sẵn lòng giải cứu con người, nhưng không thể, vậy Thiên Chúa không Toàn Năng (Cf. D. HUME, Dialogues Concerning Natural Religion, New York 1948) part X). Tuy nhiên, cần phân biệt rằng đó là lối suy nghĩ theo não trạng hiện đại, rất khác với não trạng Kinh Thánh. Trong Kinh Thánh, dù ở bất cứ tình huống nào, sự Toàn Năng của Thiên Chúa chưa bao giờ bị đặt thành vấn đề.

[3] Ý hướng của tác giả khi soạn thảo sách Gióp là đặt trọng tâm vào phần đối thoại thi ca. Ý hướng ấy thể hiện rất rõ ngang qua việc tỉ mỉ sắp xếp những yếu tố song đối ở hai phần trần thuật dẫn nhập và kết thúc, để tạo nên một cấu trúc hướng tâm cho toàn sách.

Cấu trúc hướng tâm của Sách Gióp

(A) 1:1-5: Tình trạng khởi đầu của Gióp

(A’) 42:10-7: Tình trạng được phục hồi của Gióp

(a) 1:1

Gióp, vẹn toàn và ngay thẳng

(a’) 42:16-17

Gióp qua đời với tuổi thọ rất cao

(b) 1:2-3

Gióp, cuộc đời được chúc phúc

(b’) 42:12-15

Gióp, cuộc đời được chúc phúc

(c) 1:4

Gia đình và tiệc tùng

(c’) 42:11

Gia đình và tiệc tùng

(d) 1:5

Gióp, người chuyển cầu và dâng lễ toàn thiêu

(d’) 42:10

Gióp, người chuyển cầu và dâng lễ toàn thiêu

(B) 1:6-2:10: Cuộc thử thách của “Gióp, tôi tớ Ta’

(B’) 42:8-9: “Gióp, tôi tớ Ta” được phục hồi

(C) 2:11-13: Ba người bạn của Gióp

(C’) 42:7: Ba người bạn của Gióp

(D) Phần đối thoại thi ca 3-42:6

 

[4] Cả về sau này, trong dòng văn chương Tân Ước, nhân vật Gióp cũng được tác giả thư thánh Gia-cô-bê nhắc đến như là gương mẫu của lòng kiên trì (Gc 5,10).

[5] Thật ra, trong dòng trần thuật của sách Gióp, ba người bạn đã có một khởi đầu rất đẹp. Nghe tin bạn mình gặp nạn, họ lặn lội từ xa đến chia buồn và an ủi. Họ bật khóc và đau đớn khi thấy tận mắt nỗi đau của bạn. Họ ngồi trên đất không, với bạn, thinh lặng suốt bảy ngày bảy đêm, ý thức rằng nỗi đau của bạn mình quá lớn đến độ chẳng lời nào có thể diễn tả được (2,11-13). Vấn đề nảy sinh khi họ bắt đầu mở miệng, tìm cách lý giải nỗi đau khổ của bạn mình từ góc độ thần học.

[6] Một thí dụ nhỏ trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, truyện Tấm Cám, có thể minh họa rất rõ cho đòi hỏi này. Tấm là nhân vật hiền lương, cuộc đời chịu nhiều khổ đau uẩn khúc vì sự độc ác của Cám và

dì ghẻ. Nếu chỉ theo niềm tin “thiện giả thiện lai”, câu chuyện sẽ kết thúc rất đẹp ở tình tiết nhà Vua tìm lại được Tấm từ quán nước bên đường của bà lão têm trầu rồi cho kiệu rước nàng về cung. Sau tất cả, ở hiền thì phải gặp lành! Tuy nhiên, nếu chỉ kết ở đó thì câu chuyện chưa thể làm thỏa lòng một số người nghe thuộc giới bình dân: còn mẹ con Cám thì sao? Chẳng lẽ cứ để cho họ yên lành mà sống sau tất cả những điều độc ác họ đã làm? Phần “ác giả ác báo” phải được thêm vào, qua chi tiết Tấm làm mắm Cám và gởi về cho dì ghẻ ăn. Chi tiết này chắc chắn có thể khiến nhiều độc giả hiện đại khó chấp nhận: hình ảnh một cô Tấm hiền lương, là nhân vật đã hoàn toàn chinh phục cảm tình của người nghe từ đầu đến cuối câu chuyện, bị phá vỡ hoàn toàn; cuối cùng, Tấm lại trở nên độc ác chẳng kém gì mẹ con nhà Cám! Từ phân tích này, có thể đặt ra một giả thiết xuyên đại (diachonical) về hai tầng biên soạn của truyện Tấm Cám: tầng thứ nhất, cổ hơn, được yểm trợ bởi nền “thần học” “thiện giả thiện lai”, kết thúc có hậu khi Tấm được đoàn tụ với nhà Vua sau tất cả những khổ đau sóng gió; tầng thứ hai, là phần thêm vào, được yểm trợ bởi nền “thần học” “ác giả ác báo”, kết thúc với cái chết tức tưởi của mẹ con nhà Cám. Đặt chung vào với nhau, hai tầng biên soạn bổ túc và hoàn tất hai chiều của nền “thần học thưởng phạt”. Thực tế, có thể gọi đây là một sự thỏa hiệp; hậu quả của việc thỏa hiệp này là hình ảnh của nhân vật chính, ở đầu và ở cuối truyện, mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, sự mâu thuẫn này là điều rất dễ hiểu nếu nhìn từ góc độ trần thuật dân gian: mục đích chính của trần thuật dân gian không phải là xây dựng một nhân vật hoàn hảo về tính cách và hình ảnh, nhưng là để truyền tải một sứ điệp nào đó. Nhân vật chỉ là một phương tiện văn chương (literary device) để truyền tải sứ điệp ấy. Nhân vật có thể không hoàn hảo, nhưng sứ điệp phải được truyền tải trọn vẹn.

[7] Thuật ngữ Do-thái הבל (havel) là một từ đặc trưng của sách Giảng Viên. Từ này có nhiều lớp nghĩa khác nhau. Nghĩa gốc của הבל là “hơi”, “hơi thở”. Đây là tên được Ađam đặt cho đứa con thứ của mình, Abel: cái tên tiên báo số phận mỏng manh và ngắn ngủi của con người này! Ở lớp nghĩa thứ hai, từ הבל thường chỉ về những thực tại trống rỗng, về “tính vô ích”, “tính tạm thời, bất định, phù du, chóng tàn” (cf. L. MAZZINGHI, Ho Cercato e Ho Esplorato (Bologna 2001) 365­38). Từ nghĩa này, bản Hy-lạp (LXX) dịch là “ματαιότης”, từ đây ra “vanitas” trong tiếng Latinh của bản Vulgate; “vanitaté” trong tiếng Pháp của La Bible de Jérusalem; và “phù vân” trong bản dịch tiếng Việt của Lm Nguyễn Thế Thuấn và của nhóm CGKPV. Tuy nhiên, từ הבל còn có thể có lớp nghĩa thứ ba, chỉ về “sự vô lý” (absurd), “nghịch lý” (contradict) như một số nghiên cứu gần đây chỉ ra. Cf. M.V. Fox, A Time to Tear Down and a Time to Build Up. A Rereading of Ecclesiastes (Grand Rapids 1999) 1-49; A. SCHOORS, The Preacher Sought to Find Pleasing Words. A Study of the Language of Qoheleth (OrLovAnal 143; Louvain 2004) II, 119-129. Như thế, có thể cùng một gốc từ, nhưng cần phải được dịch theo những lớp nghĩa khác nhau, ở những mạch văn khác nhau. Trong trường hợp Gv 8,10, nghĩa thích hợp nhất của từ הבל là “nghịch lý” hoặc “phi lý”.

[8] Kinh nghiệm này được Rabbi Salomon Ibn Gabirol, một triết gia và một nhà thơ của thế kỷ XI, diễn lại trong bản trường thi nổi tiếng bằng tiếng Do-thái “ֶּכֶתר ַמ ְלכּות” (Keter Malkhut– The Royal Crown). Một câu được lặp lại rất nhiều trong các dòng linh đạo thần bí: “אברח ממך אליך” (‘evraḫ mimmeka eleyka – I shall flee from Thee to Thee).

Ôi lạy Chúa, nếu tội con quá lớn đến độ không mang nỗi,

Danh Chúa cao cả, Chúa sẽ làm gì?

Nếu con không dám hy vọng vào lòng thương xót Chúa, ngoài Ngài ra, còn ai xót thương con?

Nếu Ngài có tận diệt con đi nữa, con vẫn luôn hy vọng vào Ngài.

Nếu Ngài truy tìm tội con đã phạm, con sẽ chạy đến với Ngài để trốn Ngài, Con sẽ ẩn mình dưới bóng của Ngài, để chạy trốn cơn giận của Ngài.

אלהי אם עוני מנשוא גדול מה תעשה לשמך הגדול ואם לא אוהיל לרחמיך מי יחוס עלי חוץ ממך לכן אם תקטלני לך איחל ואם תבקש לעוני אברח ממך אליך ואתכסח מחמתך בצלך

Solomon Ibn Gabirol, Keter Malkhut, XXXVIII (ed. B. LEWIS & A.L. GLUCK) (Indiana 2003) 112.

 

[9] Cf. 2V 2,1; Is 29,6; Gr 23,19; Ed 13,11.13; Dcr 9,14; Tv 50,3; 83,16; v.v.

[10] עצה (‘esah), một từ đậm tính thần học, được dùng để chỉ về kế hoạch hay mục đích của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo (cf. Cn 8,14; Is 11,9) và cai quản vạn vật (cf. Is 5,19; 46,10).

[11] Từ דעת (dā‘at), đến từ gốc động từ ידע (yāda‘), có một vị trí đặc biệt trong dòng văn chương Khôn Ngoan của Kinh Thánh. Nội hàm của từ này thường có nghĩa rộng và sâu, không chỉ giới hạn đơn thuần trong nhận thức tri giác hay lý luận. Đúng hơn, từ này chỉ về một hiểu biết có tính phân định, diễn đạt một kinh nghiệm hiểu biết trong chiều sâu, một hiểu biết có sức nâng đỡ và giải phóng con người. Do đó, “những lời thiếu hiểu biết và khôn ngoan” là cách chỉ ra rằng: những gì mà Gióp biết chỉ là những điều nằm trên bề mặt, không đủ tầm và không đủ chiều sâu.

[12] Cf. R. Gordis, The Book of God and Man (Chicago 1965) 134.

[13] “The living God is not only a self-revealing God, but also a self­concealing God” (M. Buber).

[14] Tên này thực chất chỉ tồn tại trong những bản thánh ca được sáng tác dựa trên những bản dịch, hoặc phóng tác, không chính xác. Chẳng hạn, phổ biến nhất là những bài thánh ca của Mùa Vọng được gợi hứng từ Is 45,8. “Tầng trời hãy đổ sương mai, ngàn mây hãy mưa Đấng Công Bình” (Quang Ánh, Trời Cao Xin Đổ Sương) “Tầng Trời cao hãy đổ xuống sương mai, ngàn mây ơi mau mưa Đấng Công Bình” (Vũ Đình Ân, Tầng Trời Cao), v.v… Bản dịch của nhóm CGKPV cho thấy cách dùng từ chuẩn hơn: “Trời cao hỡi, nào hãy gieo sương, ngàn mây hãy đổ mưa, mưa đức công chính” (ֶצ ֶדק – sedeq).