DẪN NHẬP
“Anh em hãy có lòng thương xót, như cha anh em là Đấng thương xót”. Câu châm ngôn sống của Giáo hội trong Năm Thánh Lòng Thương Xót có nguồn gốc từ lời dạy của Đức Giê-su dành cho các môn đệ: “Γίνεσθεοἰκτίρμονεςκαθὼςὁπατὴρὑμῶνοἰκτίρμωνἐστίν” (Lc 6,36). Theo đó, Thiên Chúa được mô tả như như một người Cha (ὁ πατήρ) có lòng thương xót (οἰκτίρμων). Đó không phải là một người cha chung chung, nhưng là Cha của những kẻ được Đức Giê-su gọi là anh em (ὁ πατὴρ ὑμῶν). Làm môn đệ của Đức Giê-su nghĩa là được làm con của Cha. Con thì phải giống Cha. Các môn đệ được mời gọi trở nên có phẩm chất thương xót như Thiên Chúa.
Đức Giê-su là mẫu gương sống động về lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhìn vào chính Đức Giê-su, người môn đệ học được cách sống lòng thương xót. Các Thánh Sử nhiều lần kể về việc Đức Giê-su chạnh lòng thương. Mt 9,36-38 được chọn vì đây là đoạn văn xuất hiện trong bối cảnh đặc biệt, như một điểm nối giữa lòng thương xót của Đức Giê-su và sứ mạng của các môn đệ. Để chú giải bản văn này, phương pháp chủ yếu được áp dụng là phương pháp phê bình văn chương kết hợp với việc so sánh liên bản văn, nhất là các bản văn Nhất Lãm, nhằm làm rõ ý hướng thần học mà Thánh Sử Mát-thêu muốn gởi gắm qua đoạn văn.
Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của bản văn, trước hết cần đặt bản văn ấy trong bối cảnh văn chương rộng của sách Tin Mừng Mát-thêu; sau phần trình bày bản dịch Việt ngữ của đoạn văn, một cái nhìn tổng quát về cấu trúc là cần thiết để mở đường cho việc phân tích bản văn theo từng phần của cấu trúc đã chia; cuối cùng, cần có một vài suy tư thần học để tóm kết sứ điệp và ý nghĩa của bản văn.
BỐI CẢNH VĂN CHƯƠNG
Theo trình tự sắp xếp của Tin Mừng Mát-thêu, đoạn văn Mt 9,36-38 nằm ở giao điểm của hai khối văn trần thuật: khối những chuyện kể về phép lạ và việc chữa lành (cc.8-9), và khối những diễn từ về sứ mạng (cc.10-11). Tại giao điểm này, một yếu tố mới xuất hiện lần đầu tiên trong Tin Mừng Mát-thêu: “Đức Giê-su chạnh lòng thương” (Mt 9,36). Yếu tố này có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển bản văn của Mát-thêu. Quả vậy, từ chương thứ 5 trở đi, độc giả đã học biết nhiều về lời nói và việc làm của Đức Giê-su; giờ đây, trước khi bắt đầu diễn từ về sứ mạng, Thánh sử Mát-thêu vén mở cho độc giả của mình một góc trong thế giới nội tâm của Đức Giê-su. Nói cách khác, với Mt 9,36-38, chúng ta học biết về động cơ sâu xa bên trong của những hành động và lời nói bên ngoài của Đức Giê-su.
Với việc “Đức Giê-su chạnh lòng thương”, chúng ta đụng chạm đến trái tim của Đức Giê-su, đồng thời chúng ta cũng khám phá ra mối liên kết thiết yếu giữa lòng thương xót của Đức Giê-su và sứ mạng của các môn đệ.
DỊCH BẢN VĂN MT 9,36-38
Mt 9,36-38 | |
36 ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους | 36 Trông thấy đám đông dân chúng |
37 τότε λέγει τοῖς μαθηταῖς αὐτοῦ· | 37 Bấy giờ, Người nói với các môn đệ của mình: |
CẤU TRÚC VĂN CHƯƠNG VÀ TÍNH THỐNG NHẤT CỦA ĐOẠN VĂN[1]
Cấu trúc văn chương của đoạn văn được chọn là khá rõ. Toàn bộ nội dung của đoạn văn được phát triển dựa trên hai động từ chính của cùng một chủ ngữ là Đức Giê-su. (1) Câu 36: “Đức Giê-su trông thấy” (ἰδὼν) và (2) câu 37: “Người nói” (λέγει).
(1) Câu 36: phần trần thuật của tác giả
- Câu 36a: Đức Giê-su chạnh lòng thương khi trông thấy đám đông
- Câu 36b: nguyên nhân khiến Đức Giê-su chạnh lòng thương, được giới thiệu minh nhiên bởi liên từ “ὅτι”: “bởi vì, bởi lẽ, nguyên do là…”
(2) Câu 37-38: lời trực tiếp của Đức Giê-su hướng về các môn đệ
- Câu 37: Đức Giê-su mô tả thực trạng của đám đông, dùng cấu trúc tương phản “ὁ μὲν… οἱ δὲ” để làm nổi bật thực trạng bất cân xứng giữa sự phong nhiêu dồi dào của mùa gặt và sự ít ỏi của số thợ gặt. Đó là sự bất cân xứng giữa nhu cầu lớn lao của đám đông dân chúng lầm than và sự ít ỏi của những người được sai đi.
- Câu 38: Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ cầu nguyện với chủ mùa gặt.
PHÂN TÍCH BẢN VĂN
1. Đức Giê-su và đám đông (câu 36)
Trông thấy đám đông
“Đám đông” là từ thường xuyên được sử dụng trong các Tin Mừng Nhất Lãm[2], để chỉ về nhóm người, phần lớn thuộc giới bình dân, đến từ khắp mọi nơi (cf. Mt 4,25 ), và bước theo Đức Giê-su (cf. Mt 8,1; 12,15; 14,13; 19,2). Họ là đối tượng chính được Đức Giê-su nhắm đến trong sứ vụ rao giảng và chữa lành (cf. Mt 5,1; 13,43; 15,10). Trước những lời rao giảng và việc làm của Đức Giê-su, phản ứng của họ thường là sửng sốt ngỡ ngàng và tôn vinh Thiên Chúa (cf. Mt 7,28; 9,8.33; 12,23; 29,9; 22,33). Trong một số trường hợp, họ có tác dụng như một tấm rào chắn bảo vệ Đức Giê-su khỏi những kẻ muốn bách hại Người (cf. Mt 21,46).
Một vài so sánh liên bản văn có thể giúp chúng ta nhìn thấy rõ hơn vai trò đặc biệt của đám đông dân chúng trong trình thuật Mt 9,36-38.
Trước hết, chúng ta thấy rằng cấu trúc câu “nhìn thấy đám đông” (“ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους”) đã xuất hiện ở Mt 5,1, và được sử dụng lại ở Mt 9,36.[3]
Mt 5,1 | Mt 9,36 |
ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους | ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους |
Trông thấy đám đông dân chúng, | Trông thấy đám đông dân chúng, |
Tuy nhiên, sự khác biệt giữa hai câu này là rất đáng lưu ý. Dựa vào Mt 5,1, chúng ta không rõ phản ứng nội tâm của Đức Giê-su khi nhìn thấy đám đông; đồng thời, vai trò của đám đông dân chúng rất mờ nhạt so với vai trò của các môn đệ. Trong khi đó, theo Mt 9,36, đám đông có một vị trí đặc biệt khởi đi từ cái nhìn của Đức Giê-su. Khởi đi từ chính thực trạng của đám đông dân chúng, Đức Giê-su dạy dỗ các môn đệ của mình. Ngay từ cái nhìn đầu tiên, đám đông dân chúng đã chạm đến lòng thương xót của Đức Giê-su.
Mặt khác, nghiên cứu về các Tin Mừng Nhất Lãm chỉ ra rằng Mt 9,36-37a là đoạn văn được tái biên soạn khởi đi từ Mc 6,34. Đọc hai đoạn văn trong một cái nhìn đối chiếu sẽ giúp chúng ta nhận ra một số thay đổi quan trọng được thực hiện bởi tác giả Mát-thêu, từ đó có thể nhận ra ý hướng thần học của tác giả.
Mt 9,36-37a | Mc 6,34 |
ἰδὼν δὲ τοὺς ὄχλους | (Καὶ ἐξελθὼν) |
Trông thấy đám đông dân chúng [Đức Giêsu] chạnh lòng thương họ bởi vì họ lầm than và tản lạc tựa như chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với các môn đệ của mình | Trông thấy dân chúng đông đảo, Người chạnh lòng thương họ, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều. |
Thứ nhất, chúng ta thấy rằng bối cảnh của hai bản văn khác nhau. Mô tả về đám đông ở Mc 6,34 được đặt trong bối cảnh sau khi Mười Hai Môn Đệ được sai đi rao giảng (Mc 6,6-12) và ngay trước phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mc 6,35-44). Trong khi đó, mô tả về đám đông ở Mt 9,36 được ngay sau một loạt những phép lạ Đức Giê-su đã làm và trước khi Đức Giê-su sai Mười Hai Môn Đệ đi rao giảng. Như thế, với Mát-thêu, việc Đức Giê-su chạnh lòng thương đám đông là yếu tố vừa có vai trò tóm kết những hoạt động và những lời rao giảng của Đức Giê-su, vừa có một ý nghĩa đặc biệt đối với việc khai mạc sứ mạng rao giảng của các môn đệ.
Thứ hai, khác với Mác-cô, việc “nhìn thấy” trong Mát- thêu không được dùng như một động từ chỉ hành động (εἶδεν), nhưng là một phân từ chỉ bối cảnh (circumstantial participle). Động từ chính của câu, theo Mát-thêu, không phải là “nhìn thấy” nhưng là “chạnh lòng thương”. Nói cách khác, trọng tâm mà tác giả Mát-thêu muốn nhắm vào là việc Đức Giê-su chạnh lòng thương.
Thứ ba, để mô tả tình cảnh của đám đông, Mát- thêu sử dụng thêm hai tính từ đặc biệt: “ἐσκυλμένοι” và “ἐρριμμένοι”. Tính từ thứ nhất có nguồn gốc từ động từ “σκύλλω” vốn nghĩa là “sách nhiễu, chèn ép, gây phiền toái” (cf. Mc 5,35; Lc 7,6); tính từ thứ hai có nguồn gốc từ động từ “ῥίπτω” thường được dùng để chỉ hành động “quẳng ném xuống đất, vật ngã xuống đất” (cf. Lc 4,35), động từ ấy còn được dùng để diễn tả hành động ném xuống trong tình trạng tuyệt vọng (cf. Lc 27,5; Cv 27,19)[4]. Cả hai động từ đều được sử dụng ở thể bị động, thì hoàn thành, để diễn tả một tình trạng kéo dài của việc bị từ khước, của tình trạng đau buồn, của tình cảnh đáng thương.[5] Như thế, Mát-thêu muốn vẽ lên một bức tranh thật sự ảm đạm về tình cảnh khốn cùng của đám đông: không chỉ bị bỏ rơi và không được cứu giúp, họ còn bị sách nhiễu và đẩy vào cảnh lầm than.
Chiên không người chăn dắt
Như một phản ứng bình thường nhiều người sẽ đặt câu hỏi: đâu là nguyên do của sự khốn cùng của đám đông? Ai chịu trách nhiệm? Những câu hỏi như thế dễ dẫn đến một lối chú giải có tính bút chiến chống lại các mục tử, những người chăn chiên không hoàn thành trách nhiệm. Quả vậy, hình ảnh “chiên không người chăn dắt” khiến rất nhiều người liên tưởng đến đoạn sấm ngôn nổi tiếng của ngôn sứ Ê-dê-ki-en. Ở chương 34 của sách Ê-dê-ki-en, sấm ngôn của Đức Chúa chống lại các mục tử giả ở Ít-ra-en, đồng thời hứa hẹn sẽ gởi đến một mục tử mới để chăm sóc đoàn chiên. Theo hướng này, các mục tử đương thời là những người bị kết án, và sự xuất hiện của Đức Giê-su được xem như là sự hoàn tất của lời ngôn sứ trong Ê-dê-ki-en.[6]
Tuy nhiên, không thể không nhìn ra rằng lối chú giải bút chiến này là gượng ép. Chắc hẳn, một vài ám chỉ về hình ảnh các mục tử ở Ed 34 là điều không thể chối cãi. Dẫu vậy, cần đủ tỉnh táo trong việc chú giải để đoạn văn Mt 9,36-38 được đọc với một sự độc lập cần thiết, chứ không chỉ như một chiếc bóng mờ của đoạn sách Ed 34.
Theo mạch văn, “chiên không người chăn dắt” không được trình bày trực tiếp như là nguyên do dẫn đến tình trạng lầm than vất vưởng của đoàn dân. Đó là hình ảnh so sánh, với liên từ so sánh “ὡσεί”, được dùng để minh họa tình cảnh của đoàn dân. Điểm nhấn của tác giả là tình cảnh của đoàn dân, tác nhân trực tiếp khơi dậy lòng thương xót của Đức Giê-su, chứ không phải là việc kết án các mục tử trong Ít-ra-en.[7]
Chúng ta biết rằng “chiên không người chăn dắt” là một hình ảnh quen thuộc, được sử dụng nhiều lần trong Cựu Ước, để diễn tả tình cảnh lầm than của dân, gây ra do sự bất tài của các thủ lãnh (cf. Dcr 10,2), do sự bất ổn của chiến tranh (cf. Jd 11,19; Sbn 18,16) hay do thiếu người lãnh đạo (Ds 27,17). Trường hợp cuối cùng có thể là một minh họa tốt để giúp chúng ta hiểu đoạn văn Mát-thêu. Quả thế, theo Ds 27,17, Mô-sê cầu nguyện cùng Đức Chúa để Người gởi đến một vị lãnh đạo mới, để cộng đoàn dân Chúa không trở nên như đoàn chiên không người chăn dắt. Bối cảnh của bản văn ấy là cuộc chuyển đổi sứ mạng từ thời của Mô-sê sang thời của người môn đệ được chọn, Giô- suê. Cuộc chuyển đổi ấy rất gần với bối cảnh của bản văn Mát-thêu mà chúng ta đang xét đến, từ sứ mạng rao giảng của Đức Giê-su đến sứ mạng của các môn đệ của Người.[8]
Đức Giê-su chạnh lòng thương họ
Ἐσπλαγχνίσθη là một động từ đặc biệt, có nguồn từ gốc danh từ “σπλαγχνα” nghĩa là “lòng, lòng dạ, ruột”. Theo văn hóa Do-thái, đó là trung tâm của những cảm xúc tích cực như yêu thương, hiền dịu, sự tốt bụng, sự thương cảm, v.v…[9] Theo văn hóa Hy-lạp, σπλαγχνα là trung tâm của những cảm xúc mạnh mẽ mãnh liệt như giận giữ hay yêu thương cuồng say. Dịch sát nghĩa, động từ σπλαγχνα có nghĩa là “rung động trong ruột”, “lòng dạ khao khát”, hay có thể là “cùng đau khổ với”, v.v… Đó là từ mạnh nhất để diễn tả lòng thương cảm theo văn hóa Hy-lạp. “Chạnh lòng thương” hay “thương xót”, là những tình cảm làm lay động con người ở tầng sâu nhất của hiện hữu người.[10]
Trong Cựu Ước, từ này được dùng để diễn tả tình yêu, thể hiện qua những hành động cứu độ mà Thiên Chúa dành cho dân của giao ước (cf. Hs 11,8). Trong Tân Ước, từ này chỉ xuất hiện trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Ngoại trừ 3 lần được sử dụng để diễn tả thái độ của con người,[11] trong tất cả những lần khác, từ này được dùng để diễn tả thái độ nội tâm của chính Đức Giê-su. Trong tất cả các trường hợp, từ này miêu tả một sự rung động tình cảm từ bên trong, của sự cảm thông và của tình yêu. Tuy nhiên, đó không chỉ là một thứ tình cảm ủy mị và thụ động. Ngược lại, đó là loại tình cảm mạnh mẽ và đầy năng động, luôn được thể hiện bằng những hành động cụ thể bên ngoài. Chạnh lòng thương là điểm khởi đầu của hành động cứu độ của Đức Giê-su. Từ việc chạnh lòng thương, Đức Giê-su chữa lành người bị mù (Mt 20,34), nuôi ăn những người đang đói (Mt 15,32), tẩy sạch người phong cùi (Mc 1,41), dạy dỗ những người bé mọn (Mc 6,34), hay cho người chết sống lại (Lc 7,13), v.v… Do đó, có thể nói rằng, với Đức Giê-su, động từ chạnh lòng thương có một giá trị cứu độ đặc biệt. Chính động từ này minh họa cho căn tính Mê-si-ah của Người (cf. Mc 1,42; 6,34; Mt 14,14; 15,32; 20,34; Lc 7,13, ect.).[12]
Sau động từ ἐσπλαγχνίσθη, có một thay đổi quan trọng giữa hai bản văn Mác-cô và Mát-thêu. Theo Mác-cô, ngay khi chạnh lòng thương đám đông dân chúng, Đức Giê-su “bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”, nghĩa là một mình Đức Giê-su hướng về đám đông. Trong khi đó, theo Mát-thêu, ở thời điểm dạt dào cảm xúc thương cảm đám đông, Đức Giê-su hướng về các môn đệ của mình. Như vậy, theo Mát- thêu, Đức Giê-su có các môn đệ là những người thân cận nhất của mình, là những kẻ mà Đức Giê-su muốn chia sẻ rung cảm thâm sâu nhất của lòng mình, trước Người khi bắt tay làm một việc gì đó.
Đây là cách mà Mát-thêu muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng đặc biệt của sứ mạng của các môn đệ. Các môn đệ có thể tháp nhập vào sứ mạng của Đức Giê-su khi và chỉ khi họ đã có thể tháp nhập vào tâm tình sâu thẳm của Đức Giê-su, cùng chia sẻ lòng thương xót của Người. Đồng cảm thức với Đức Giê-su là điểm khởi đầu cho bất cứ sứ mạng nào của người môn đệ. Hơn nữa, chính nhu cầu của đám đông là điều định hình nên sứ mạng của người môn đệ. Không nhạy cảm về tình huống thực tế và những nhu cầu của con người, và không có lòng thương cảm dành cho họ, người môn đệ sẽ đánh mất yếu tố nền tảng nhất thuộc về căn cội ơn gọi và hiện hữu của một người môn đệ.[13]
2. Đức Giê-su và các môn đệ (cc.37-38)
Mùa gặt đã dư đầy, mà thợ gặp lại ít
Khi Đức Giê-su mở lời với các môn đệ, trình thuật của bản văn rẽ sang một bước chuyển đột ngột. Hướng đến độc giả của mình, tác giả Mát-thêu đã sử dụng cặp hình ảnh ẩn dụ về đàn chiên và người chăn chiên để mô tả những gì Đức Giê-su thấy về đám đông; trong khi đó, hướng đến các môn đệ của mình, chính Đức Giê-su lại dùng một cặp hình ảnh khác: mùa gặt và thợ gặt. Nói cách khác, từ câu 36 sang câu 37, người đọc đứng trước một đổi thay về góc nhìn: từ góc nhìn trần thuật của người kể là thánh sử Mát-thêu, sang góc nhìn của nhân vật trong truyện kể là chính Đức Giê-su. Bức tranh ảm đạm về “đàn chiên không người chăn dắt” không làm bật lên một lời phê phán hay kết án tiêu cực nào từ miệng Đức Giê-su; ngược lại, Đức Giê-su sử dụng một hình ảnh ẩn dụ khác, tích cực và tươi sáng hơn rất nhiều: mùa gặt đã dư đầy.
Theo ngôn ngữ truyền thống của Kinh Thánh, hình ảnh mùa gặt có một giá trị cánh chung, được sử dụng trong bối cảnh ẩn dụ của cuộc phán xét (cf. Ge 3,13; Is 18,4) trong đó những người trung tín sẽ được quy tụ vào Vương Quốc của Thiên Chúa (cf. Is 27,12; Mt 13,41-43). Trong một bản văn khác, hình ảnh “thợ gặt” và “mùa gặt” được chính Đức Giê-su giải thích cách minh nhiên: “ὁ δὲ θερισμὸς συντέλεια τοῦ αἰῶνός ἐστιν· οἱ δὲ θερισταὶ ἄγγελοί εἰσιν – “Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ” (Mt 13,39). Ý nghĩa cánh chung của hình ảnh này có thể vén mở cho chúng ta điều Đức Giê-su muốn nói: Đây chính là thời điểm có tính quyết định để hành động. Đây chính là thời cánh chung, để thu nhặt những gì đã được chuẩn bị sẵn sàng, nhưng vẫn còn trong tình trạng bị phân tán. Như thế, dưới cái nhìn của Đức Giê-su, tình trạng lầm than của đám đông dân chúng không phải là cái cớ để chỉ trích phê phán, nhưng là “cơ hội” cho sứ mạng của các môn đệ, là cơ hội mời gọi trách nhiệm của những người muốn lao tác cho Nước của Thiên Chúa.
Lời mô tả của Đức Giê-su được diễn đạt bằng một cấu trúc sóng đôi. Cặp tính từ đối nghĩa “πολύς” và “ὀλίγοι” được sử dụng để nêu bật thực trạng bất cân xứng giữa sự dồi dào phong nhiêu của mùa gặt và sự ít ỏi thiếu thốn của thợ gặt. Ấn tượng về sự bất cân xứng ấy có thể truyền đi cách hiệu quả sứ điệp về tính cấp bách của nhu cầu về thợ gặt. Như chiên phải lầm than vất vưởng vì thiếu người chăn dắt, mùa gặt phong nhiêu đang phải đối mặt với nguy cơ bị thất đoạt vì thiếu thợ gặt. Hai hình ảnh ẩn dụ được sử dụng kết hợp có thể cung ứng một nền tảng vững chắc để suy niệm về mục đích và đường hướng trong sứ mạng của các môn đệ, như được mô tả trong phần tiếp theo của đoạn văn.
Hãy cầu nguyện cùng chủ mùa gặt
Được mời nhận ra tình huống khẩn cấp của tình huống, thật ngạc nhiên khi các môn đệ không được sai để ngay lập tức lao mình dấn thân nhằm cải thiện tình huống ấy. Trước hết, các môn đệ được mời hướng về người chủ mùa gặt, bằng việc cầu nguyện (δεήθητε οὖν τοῦ κυρίου τοῦ θερισμοῦ). Nói cho đúng, đó là mùa gặt của ông chủ mùa gặt (θερισμὸν αὐτοῦ), chứ không phải của các môn đệ.[14]
Có một chi tiết nhỏ đáng lưu ý về việc sử dụng động từ trong câu cầu khiến này. Trong toàn bộ Tin Mừng Nhất Lãm, đây là lần duy nhất động từ “δέomaι” được sử dụng cho ngôi thứ hai số nhiều. Vậy nên có thể nói “Hãy cầu nguyện cùng chủ mùa gặt!” là một lệnh truyền đặc biệt. Sự đặc biệt của lệnh truyền ấy được minh họa rõ nét hơn nữa nếu chúng ta xét câu văn từ góc độ cấu trúc. Quả vậy, tầm quan trọng trung tâm của lệnh truyền “hãy cầu nguyện” được nhấn mạnh và làm nổi bật bởi một cấu trúc đồng tâm của hai câu 37-38:
ὁ μὲν θερισμὸς πολύς, | A |
οἱ δὲ ἐργάται ὀλίγοι· | B |
δεήθητε οὖν τοῦ κυρίου τοῦ θερισμοῦ | C |
ὅπως ἐκβάλῃ ἐργάτας | B’ |
εἰς τὸν θερισμὸν αὐτοῦ. | A’ |
Theo đó, các từ “mùa gặt” được đặt song song ở đầu (“θερισμός” – A) và cuối (“θερισμόν” – A’), đồng thời các từ “thợ gặt” cũng được đặt song song ở gần đầu (“ἐργάται” – B) và gần cuối (“ἐργάτας” – B’), còn lại ở vị trí trung tâm là câu diễn tả lệnh truyền “δεήθητε οὖν τοῦ κυρίου τοῦ θερισμοῦ”. Cấu trúc này làm nổi bật tầm quan trọng của việc cầu nguyện trong bối cảnh sứ mạng của các môn đệ. Từ đây chúng ta có thể học được nhiều điều về căn tính của một người môn đệ và về ý nghĩa của việc bước theo Đức Giê-su.
Một mặt, môn đệ là người bước đi sát gót theo hành trình nội tâm của Đức Giê-su: nhìn thấy đám đông, chạnh lòng thương, và cầu nguyện cho họ. Đồng cảm thức với Đức Giê-su là biểu hiện thiết yếu của một người môn đệ.
Dẫu vậy, chúng ta cũng thấy rất rõ giới hạn mà Đức Giê-su đặt ra cho một người môn đệ. Khác với kinh nghiệm về ơn gọi của ngôn sứ I-sa-a, người môn đệ không được dạy để lên tiếng xung phong “Dạ, con đây, xin sai con đi!” (Is 6,8). Đức Giê-su phân biệt rất rõ giữa người môn đệ và điều mà người môn đệ phải cầu nguyện cùng chủ mùa gặt. Người môn đệ cầu nguyện để có thêm thợ gặt được sai đến trong cánh đồng của Thiên Chúa. Tự mình, không ai có quyền đặt mình như một người thợ gặt. Tự mình, không ai có quyền phong cho mình làm mục tử. Thiên Chúa là chủ mùa gặt. Chính người chọn và sai đến trên cánh đồng của Người những ai Người muốn (cf. Mt 20,1; Ga 15,16). Bước đầu tiên trong hành trình sứ mạng của một người môn đệ là tôn trọng tự do tuyệt đối của người sẽ sai mình đi.
Mặt khác, cũng cần nhắc lại rằng Mt 9,36-38 là dạo khúc dẫn vào diễn trình về sứ mạng của các môn đệ ở chương 10. Trong diễn trình ấy, chính Đức Giê-su là người sai đi, và kẻ được sai đi không ai khác chính là các môn đệ của Người.[15] Trở lại với so sánh của Ds 27,17 chúng ta sẽ thấy được tầm quan trọng của Đức Giê-su trong việc sai đi của các môn đệ. Như Mô-sê cầu nguyện cùng Đức Chúa về một người kế vị sứ mạng của mình, Đức Giê-su dạy các môn đệ cầu nguyện cùng chủ mùa gặt để những người thợ gặt sẽ được gởi đến. Dẫu vậy, còn hơn Mô-sê, chính Đức Giê-su là người xác chuẩn cho sứ mạng của các môn đệ. Chính Người gởi họ đi và ban cho họ quyền năng để phục vụ dân của Thiên Chúa (cf. 10,1.8). Bằng việc gởi các môn đệ đi, Đức Giê-su cho thấy mình không chỉ là Mục Tử mới mà đoàn dân đang ngóng đợi; đúng hơn, chính Người đảm nhận vai trò của Đức Chúa trong Cựu Ước, Đấng đã chạnh lòng thương đoàn dân như đàn chiên không người chăn dắt; và không ai khác, chính Người sai các mục tử mới đến với đoàn chiên.[16]
Như thế, mặc dù các môn đệ không phải là những người khởi đầu trong việc được sai đi vào sứ mạng, việc được sai đi ở chương 10 cho thấy chính các môn đệ là những người có trách nhiệm hiện thực hóa lệnh truyền về cầu nguyện để có thêm nhiều thợ gặt.[17] Nói cách khác, các môn đệ phải trở nên chính điều họ đã cầu nguyện, hầu họ có thể được sai đi như một diễn tả hữu hình về lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho dân của Người.[18]
KẾT LUẬN
Đoạn văn ngắn vén mở cho chúng ta nhiều điều về chính Đức Giê-su, về căn tính của người môn đệ, đồng thời gởi gắm nhiều sứ điệp thần học quan trọng đến độc giả.
Về Đức Giê-su
Mọi sự bắt đầu với cái nhìn của Đức Giê-su. Đó là một lối nhìn đầy chiều sâu. Đức Giê-su nhìn thấy không chỉ một tập hợp đông đảo của dân chúng, Người nhìn ra tình cảnh đáng thương của họ: lầm than vất vưởng, không lối thoát, không thể tự cứu mình. Lối nhìn ấy là khởi điểm của lòng thương xót của Đức Giê-su. Tóm lại toàn bộ hoạt động rao giảng và chữa lành của Đức Giê-su, trước khi bắt đầu việc Đức Giê-su sai các môn đệ vào sứ vụ, Thánh sử Mát-thêu trình bày Đức Giê-su như một mẫu gương điển hình cho các môn đệ: từ lối nhìn của Người, từ những rung động trong tâm hồn của Người, và từ cách Người hành động khởi đi từ lòng thương xót đám đông dân chúng. Chính Đức Giê-su là hiện thực hóa của mối phúc về lòng thương xót của Bài Giảng Trên Núi (Mt 5,7) và của chọn lựa nền tảng mà Người đã rao giảng: hành động vì tình yêu và vì lòng thương xót chính là hoàn tất của lề luật (cf. Mt 9,13; 12,7).[19]
Về người môn đệ
Đức Giê-su không hành động một mình. Người hướng đến các môn đệ của mình, chia sẻ với họ điều Người bận tâm, chuẩn bị cho họ trong viễn tượng về sứ mạng cho nước Thiên Chúa. Chính Đức Giê-su là người đi bước đầu tiên và mời gọi sự cộng tác từ phía các môn đệ. Các môn đệ được chọn và được sai đi, không phải vì họ tốt hơn các “mục tử giả” trong Ít-ra-en, nhưng bởi vì họ đã được mời gọi để thông dự vào lòng thương xót của Đức Giê-su dành cho đám đông, và nhờ đó, thông dự vào sứ mạng của Người. Nếu các môn đệ được sai đi như những người thợ gặt, đó là bởi vì Thầy của họ đã là Người Gieo Giống (cf. Mt 13,3). Làm môn đệ là bước đi chính xác theo lối đường mà Thầy mình đã đi, cùng lao tác với người theo cùng một cách thức và trên cùng một cánh đồng. Bám rễ từ sứ mạng của Đức Giê-su, ơn gọi và sứ mạng của một người môn đệ luôn luôn là một ân sủng. Ân sủng ấy hướng người môn đệ đến với đám đông dân chúng. Lệnh truyền cầu nguyện của Đức Giê-su tại thời điểm khởi đầu của diễn trình về sứ mạng cho thấy rõ rằng việc cầu nguyện chính là nền tảng của mọi hiện hữu tông đồ của người môn đệ.
Về độc giả
Qua đoạn trình thuật ngắn Mt 9,36-38, độc giả được dẫn đến một hiểu biết mới về Đức Giê-su, không chỉ về những việc làm bên ngoài mà còn về rung cảm trong nội tâm của Người. Những miêu tả về sự cấp bách của sứ mạng là lời mời gọi không chỉ dành cho các môn đệ, nhưng còn là cho mọi độc giả ở mọi thời điểm của lịch sử. Ở mọi thời, độc giả được mời gọi bước theo cùng chuyến hành trình, từ việc tập một cái nhìn nhạy cảm với tình huống của đám đông dân chúng trong hoàn cảnh lịch sử của mình, có lòng thương xót đối với họ, cưu mang họ trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Đó là cách để tháp mình vào sứ mạng của Đức Giê-su và để sống căn tính môn đệ của người tín hữu trong bối cảnh sống hiện tại của mỗi người.
Một hướng đi cho thần học Châu Á
Khảo sát cho thấy, trong 4,427 tỉ dân của Châu Á, con số Ki-tô hữu chỉ chiếm khoảng 12,6%.[20] Những gì Đức Giê-su đã mô tả về đoàn dân cách đây hơn 2000 năm vẫn còn chính xác cho ngày nay: “mùa gặt đã dư đầy, mà thợ gặt thì ít”. Sự cấp bách của việc cần có thêm những thợ gặt mới chưa bao giờ là một câu chuyện cũ. Thế nên rất nhiều những câu hỏi, tưởng như đã cũ, về sứ mạng truyền giáo ở Châu Á vẫn còn cấp bách và mới nguyên: Hình ảnh nào của Đức Giê-su để có thể trình bày cho người dân Châu Á? Nền triết học nào có thể hậu thuẫn cho những suy tư thần học xứng hợp trong bối cảnh đa văn hóa và đa tôn giáo của Á Châu? Có khi nào bức tranh ảm đạm của đám đông dân chúng, lầm than vất vưởng, vẫn còn phản ánh rất chính xác diện mạo của Châu Á ngày nay? Có chắc là những lối suy tư triết lý theo hệ thống triết học Hy-lạp, được du nhập từ não trạng Châu Âu, không có trách nhiệm gì trong việc biến những người có đức tin bình dân của Châu Á thành “đàn chiên không người chăn dắt” trong lãnh địa của thần học?
Chúng ta biết rằng suy tư trừu tượng là điều vốn xa lạ với phần lớn não trạng Á Châu. Bởi lẽ, với người dân Châu Á, cơ quan quan trọng nhất của hiện hữu con người không phải là lý trí, như là trung tâm của những ý tưởng và suy nghĩ trừu tượng, nhưng là con tim, như là trung tâm của những cảm xúc và tình yêu. Trong bối cảnh ấy, lòng thương xót là một lối nẻo tuyệt diệu để mở đường vào một nền thần học cho người dân Châu Á. Nếu lòng thương xót của Đức Giê-su là một trong những biểu hiện dễ nhận thấy nhất của tình yêu Thiên Chúa, lòng thương xót phải là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất để lượng giá căn tính môn đệ của những người theo Đức Giê-su. Từ lòng thương xót của Đức Giê-su đến sứ mạng của các môn đệ là một trong những lối nẻo thích hợp nhất cho nền thần học của Châu Á.
THƯ MỤC THAM KHẢO
BARCLAY, William, The Gospel of Matthew, vol. 1 (The New Daily Study Bible; Edinburgh, 2001), 407-413.
BARKER, Kenneth L., ed., The Zondervan NIV Bible Commentary, Vol 2 (Grand Rapids, 1994), 43-48.
BARTON, John, ed., The Oxford Bible Commentary (New York, 2001), 858-859.
BROMILEY, Geoffrey W., Theological Dictionary of the New Testament (Grand Rapids, 1985), 1067-1069.
BUTTRICK, George A., The Interpreter’s Dictionary of the Bible vol 3 (An Illusrated Encyclopedia; New York, Abingdon, Nashville, 1962), 352-354.
CARTER, Charles W., ed. The Wesleyan Bible Commentary: Matthew to Acts (Peabody, 1986), 48-50.
DUNN, James D.G., ed., Eerdmans Commentary on the Bible, (Grand Rapids, 2003), 1022-1023.
FARMER, William R., The International Bible Commentary. A Catholic And Ecumenical Commentary for the Twenty-first Century (Minnesota, 1998), 1287-1288.
FRIEDRICH, Gerhard, ed., Theological Dictionary of the New Testament, Vol. 6 (Grand Rapids, 1968), 991-993.
GARLAND, David E., Reading Matthew (New York, 1993), 109-119.
HAMILTON, Mark W., ed., The Transforming Word (Abielen, 2009), 740-741.
HOWELL, David B., Matthew’s Inclusive Story (JSNT 42; Sheffield, 1990), 249-259.
KECK, Leander E., ed., The New Interpreter’s Bible, Vol. 8 (Nashville, 1995), 250-253.
LUZ, Ulrich, Vangelo di Matteo (Commentario Paideia 2; Brescia, 2010), 91-112.
MORRIS, Leon, The Gospel according to Matthew (Grand Rapids, 1992), 237-240.
WILKINS, Michael J., Matthew (The NIV Application Commentary; Grand Rapids, 2004), 374-384.
[1] Có thể có nhiều người đặt câu hỏi: tại sao lại chọn giới hạn bản văn từ Mt 9,36-38 chứ không phải là Mt 9,35-38 như nhiều tác giả vẫn thường chọn (cf. J. BARTON and J. MUDIMAN, The Oxford Bible Commentary (New York 2001) 858; J. D.G. DUNN, ed., Eerdmans Commentary on the Bible, (Grand Rapids 2003) 1022-1023; M. W. HAMILTON, ed., The Transforming Word (Abielen 2009) 741; W. R. FARMER, The International Bible Commentary. A Catholic And Ecumenical Commentary for the Twenty-first Century (Minnesota 1998) 1287-1288; K. L. BARKER and J. KOHLENBERGER, The Zondervan NIV Bible Commentary, Vol 2 (Grand Rapids 1994) 47, etc.). Một mặt, có hai yếu tố minh nhiên cho thấy có sự liên kết chặt chẽ giữa Mt 9,36-38 và Mt 9,35. Thứ nhất, câu 36 bắt đầu với liên từ δέ, yếu tố chuyển tiếp để tiếp tục dòng trần thuật bắt đầu từ câu số 35. Thứ hai, cả trong ba câu 36-38 đều không có sự hiện diện minh nhiên của chủ ngữ “Đức Giê- su”, vì chủ ngữ ấy đã được nhắc đến trong câu 35. Mặt khác, có thể nhận ra chức năng đặc biệt của Mt 9,35 trong một bối cảnh rộng hơn. Quả vậy, cả về mặt nội dung và cấu trúc ngữ pháp, Mt 9,35 rất giống với Mt 4,23. Hai câu này lập thành một cấu trúc bao gồm (inclusio) cho toàn khối trần thuật kể về sứ mạng của Đức Giê-su tại Ga-li-lê (cc. 5-9): bắt đầu từ Mt 4,23 và kết thúc với Mt 9,35. Như thế, chúng ta hoàn toàn có quyền xem Mt 9,3638 là đoạn độc lập và khởi đầu cho một phần mới, một khúc dạo đầu dẫn vào diễn trình về sứ mạng. Tóm lại, Mt 9,36-38 độc lập nhưng không hoàn toàn tách biệt khỏi Mt 9,35.
[2] Từ này xuất hiện 48 lần trong Mát-thêu, 35 lần trong Mác-cô và 41 lần trong Lu-ca.
[3] Sự sao lặp này tạo nên một cấu trúc bao hàm cho cả phần trình thuật từ chương 5 đến chương 9: Lời (cc.5-7) và Hành Động (cc.8-9) của Đấng Mê- si-ah. Cf. L.E. KECK, ed., The New Interpreter’s Bible, Vol. 8 (Nashville 1995) 252.
[4] Cf. BIEDER “ῥίπτω, ἐpirίptω, ἀporίptω”, in G. FRIEDRICH, ed., Theological Dictionary of the New Testament, Vol. 6 Pe -P (Grand Rapids 1968) 991-992.
[5] Cf. C. W. CARTER, ed. The Wesleyan Bible Commentary: Matthew to Acts (Peabody 1986) 49.
[6] Cf. Nhóm Phiên Dịch CGKPV, Tân Ước. Bản dịch và chú thích có hiệu đính (Hà Nội 2008) 87. Footnote k).
[7] Quả thế, cần giới hạn để thấy rằng trong Mt 9,36-38 thực trạng được đề cập đến là việc “thiếu mục tử” chứ không phải là phẩm chất không tốt của các mục tử; do đó, chú giải theo hướng bút chiến chống các mục tử trong Ít-ra- en là lối chú giải đi hơi xa so với nội dung của bản văn. Hơn nữa, như U. Luz, [Vangelo di Matteo (Commentario Paideia 2; Brescia 2010) 111], đã chỉ ra: từ “mục tử” hay “người chăn dắt” (ποιμένα), được Mát-thêu (9,36) sử dụng ở số ít, không thể nào là một ám chỉ trực tiếp theo hướng bút chiến chống lại toàn bộ thế hệ các thủ lãnh Do-thái thời ấy.
[8] Cf. J. D.G. Dunn (2003) 1022-1023.
[9] E.R. Achtemeire, “Mercy, Merciful; Compassion; Pity”, trong G. A. Buttrick, ed. The Interpreter’s Dictionary of the Bible, vol 3 (An Illusrated Encyclopedia; New York, Abingdon, Nashville 1962) 353.
[10] Cf. W. Barclay, The Gospel of Matthew, vol. 1 (NDSB; Edinburgh 2001) 409.
[11] Mt 18,27: nhà vua chạnh lòng thương tên đầy tớ mắc nợ; Lc 10,33: Người Sa-ma-ri nhân hậu chạnh lòng thương người bị nạn bên đường; Lc 15,20: Người cha chạnh lòng thương đứa con đi hoang trở về.
[12] H. KOSTER, “spláchnon, splanchnízomai”, trong G. W. BROMILEY, Theological Dictionary of the New Testament (Grand Rapids 1985) 1068.
[13] Một chi tiết đặc biệt thú vị và ý nghĩa: cụm từ “ὡσεὶ πρόβατα” (“như bầy chiên”, “như chiên”) lại xuất hiện trong một bối cảnh rất gần của diễn từ về sứ mạng của Đức Giê-su: “Ἰδού, ἐγὼ ἀποστέλλω ὑμᾶς ὡς πρόβατα ἐν μέσῳ λύκων” (“Này, Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói”) (Mt 10,16). Đức Giê-su gởi các môn đệ đi để họ có thể trở thành “chiên” giữa những người “lầm than vất vưởng như chiên không người chăn dắt”. Người môn đệ được gởi đi để chung chia cùng một thân phận với những người mà họ được gởi đến!
[14] U. LUZ (2010) 112, ghi nhận rằng “chủ mùa gặt” là yếu tố định hình nên khung văn chương của diễn từ về sứ mạng của Đức Giê-su. Từ ấy vừa xuất hiện ở đầu (Mt 9,38) vừa xuất hiện ở cuối diễn từ (Mt 10,40).
[15] Trong diễn trình về sứ mạng, để chỉ về các môn đệ của mình, Đức Giê-su đã sử dụng một cách có chủ ý từ “ἐργάτης” (Mt 10,10: “Làm thợ thì đáng được nuôi ăn”), số ít của “ἐργάται” (9,37), và “ἐργάτας” (9,38). Việc sử dụng cùng một danh từ như thế có thể chỉ ra cho chúng ta rằng: những người “thợ gặt” mà các môn đệ được yêu cầu cầu nguyện, trong ý định của Đức Giê-su, không ai khác chính là các môn đệ sẽ được Người gởi đi.
[16] K. L. BARKER and J. KOHLENBERGER (1994) 47.
[17] D. B. Howell, Matthew’s Inclusive Story (JSNT 42; Sheffield 1990) 254.
[18] Quả thế, động từ được sử dụng cho việc sai đi (v.38), mục đích của lời cầu nguyện của các môn đệ hướng về người chủ mùa gặt, là “ἐκβάλῃ” (aor. subj. của động từ ἐκβάλλω). Nguyên nghĩa của động từ này là “trục xuất, đẩy ra”. Lối sử dụng ấy vừa diễn tả một một sự mạnh mẽ dứt khoát, vừa nêu bật sự bó buộc và thôi thúc, đến từ cảm thức sứ mạng trước thực trạng cấp thiết của đám đông dân chúng. Cf. Carter (1986) 49.
[19] D. B. Howell (1990) 254.
[20] Cf. Britannica Book of the Year 2014.