Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. | Tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. |
Đức tin công giáo đạt tới mức thành tựu với đức cậy. Lòng tin hy vọng sẽ được trọn vẹn thỏa mãn trong đời sống vĩnh cửu; đó là nội dung của niềm trông cậy, là mục đích của kiếp sống mọi người, mục đích của kế hoạch cứu độ, mục đích của sứ mệnh Đúc Kitô. Nhưng “nội dung” ấy chỉ được mạc khải dưới dạng mầu nhiệm, làm đối tượng của hy vọng. Vì thế, ngôn ngữ loài người phải dùng đến ẩn dụ mà diễn tả; Kinh Thánh thường gọi đó là việc “kẻ chết sống lại”; còn Đức Giêsu thì dùng ẩn dụ “Nước Trời”; cụ thể hơn, qua tín biểu, Giáo hội tuyên xưng chân lý “xác thịt sống lại”, v.v. Tất cả các cách nói ấy đều chỉ về mầu nhiệm cuối cùng, về mục đích tối hậu, về chung điểm của lịch sử loài người và của thân phận mỗi cá nhân.
Một công thức ngắn trong phụng vụ bên Ai cập (thế kỷ 3) ghi rằng:
“Tôi tin vàoThiên Chúa là Cha toàn năng, và vào Con Một Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và vào Thánh Thần, cũng như tin sự việc xác thịt sống lại (eis sarkós anástasin) trong Giáo hội thánh thiện công giáo” (DS 1).
Có lẽ Giáo hội dùng đến từ “xác thịt” (sarx, caro) là vì muốn nêu rõ lập trường chống lại lạc giáo ngộ đạo tỏ thái độ khinh bỉ vật chất, cách riêng là thể xác, và chỉ đơn thuần lo “cứu rỗi linh hồn.” Để nêu bật lòng quý trọng đối với thân thể, Kinh Tin Kính các tông đồ thời xưa kết thúc với câu: “tôi tin xác thịt sống lại”; sau này mới ghi thêm hai chữ vitam aeternam, tức “hằng sống” ở đằng cuối như đọc thấy bây giờ. Dường như cụm từ “hằng sống” khởi phát từ Bắc Phi để phân biệt giữa việc “sống lại” trong cõi sống vĩnh cửu với việc “sống lại” trong cõi đời này, tức là để chết lại như thấy trong trường hợp của con bà góa Naim, của cô bé con ông Giaia hay của Ladarô. Ngày tận thế, kẻ chết sống lại “vĩnh viễn” với xác thể mang tính chất thần thiêng, một cách sống vượt quá sức tưởng tượng loài người, đặc biệt là đối với kẻ lành; thánh Phaolô gọi đó là: “điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới; đó là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai yêu mến Người” (1Cr 2:9). Tín biểu Nixê dùng cách nói: “kẻ chết sống lại” là một thành ngữ cổ xưa hơn, như đọc thấy trong Tân Ước; thành ngữ “xác thịt sống lại” không có mặt ở trong Kinh Thánh.
Tín điều cuối cùng này đưa trở về với tín điều đầu tiên: “Đức Chúa Trời… dựng nên trời đất,” tức trở về với cuộc sống trong Thiên Chúa, đánh dấu hồi hoàn tất công cuộc sáng tạo và việc ứng nghiệm những lời Người đã hứa: bấy giờ sẽ tỏ hiện “trời mới đất mới”, thiên đàng vĩnh phúc, nơi không còn có sự chết, không còn hờn ghét, không còn có tội lỗi… Và như thế, lòng tin và niềm hy vọng hướng về hồi chung cục, khi chỉ còn một mình đức ái tồn tại (x. 1Cr 13:13).
Sống Lại
Tín điều này Kitô giáo có chung với Do thái chính thống và Hồi giáo. Các tôn giáo quan niệm khác nhau về số phận cánh chung của con người: một số tin vào luân hồi, một số tin ở vong linh, một số khác thì tin là bản ngã con người hòa tan vào trong Đấng Tuyệt đối, hoặc cho rằng các linh hồn sống ở một thứ lạc viên hay địa ngục, v.v. Các cách quan niệm này đều nắm được sự thật căn bản là sau lúc chết, con người vẫn còn tồn tại một cách nhiệm mầu, điều mà loài người chỉ tin chứ không hiểu được. Quả thế, nhu cầu cơ bản và khát vọng chủ yếu của con người là tồn tại; vậy, đã tin vào một Đấng tạo hóa toàn năng nhân hậu, thì con người tất dám hy vọng Người cũng sẽ an bài số phận mình cho hợp với lòng thương vô biên của Người.
Lòng tin và niềm hy vọng kitô giáo dựa vào tình thương của một Thiên Chúa đã vén mở cho biết mình là Cha. Kinh Thánh mạc khải tín điều này một cách tiệm tiến. Như các dân tộc chung quanh, thời xưa, dân Ítraen tin là các người chết đều xuống “Sheol” (âm phủ) không phân biệt tốt xấu, như đọc thấy qua lời phàn nàn của sách Giảng viên. Về sau, họ quan niệm số phận người tốt và kẻ xấu thì khác nhau, như thấy được trong dụ ngôn về Ladarô nghèo và ông phú hộ bất nhân (x. Lc 16:19tt). Thánh vịnh 16 cho thấy những người sùng đạo tin vào Chúa Giavê cả khi đã nằm trong mồ. Lúc phải chịu khổ chịu chết vì đạo, người Do thái bắt đầu ý thức về sự sống lại, như Đanien 12:12, hoặc rõ hơn, 2Macabê 7:9.14; 11:22; 14:46 cho thấy. Từ thế kỷ 1 trước CN, Do thái giáo, đặc biệt là giới biệt phái, tin vào sự sống lại, dù phe Sađóc vẫn không tin.
Đức Giêsu nói rõ: sống lại không phải là kẻ chết trở về với cuộc đời như trước, nhưng là đi vào một cuộc sống khác hẳn, “giống như các thiên thần” (Mt 22:30), nghĩa là họ sẽ sống thần kỳ, nhờ Thần Khí. Hơn nữa, sự sống kỳ diệu ấy bắt đầu nơi Đức Giêsu; vì thế, thánh Phaolô gọi Ngài là “trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1:18); còn Kinh Tin Kính thì tuyên xưng: “Ngày thứ ba Ngài bởi trong kẻ chết mà sống lại” như đã thấy ở trên. Khi bàn về vấn đề kẻ chết sống lại, thánh Phaolô viết rằng: “Nhờ liên đới với Ðức Kitô, mọi người đều được Thiên Chúa cho sống lại; nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Ðức Kitô, rồi khi Ðức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Ngài” (1Cr 15:23).
Ðức Kitô đã nói rõ: “Mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án” (Ga 5:28-29). Lời này tóm tắt giáo lý kitô giáo ngay từ ban đầu. Con người chỉ là một với hồn và xác; số phận con người thành toàn cũng chỉ là một; con người trở thành thế nào là do hoạt động của chính mình; nói cách khác, việc làm xác định cách thể con người trở thành; vậy, đã trở thành thế nào thì sẽ sống lại thể ấy.
Sống lại lúc nào? Thánh Gioan cho biết là “vào ngày sau hết” (Ga 6:39-54), và đó cũng là niềm tin của dân Do thái, như Mácta thưa với Đức Giêsu (x. Ga 11:24). “Ngày sau hết” được quan niệm hai cách: ngày tận thế và ngày tận thế này. Khi Đức Kitô đến là lúc “thời gian đã mãn” (Mc 1:15) và một “thế giới mới” bắt đầu, lúc mà thư Do thái gọi là “thời sau hết ” (Dt 1:2); theo nghĩa này “thời sau hết” là thời của Đấng Mêsia, tức bây giờ. Một cách nào đó chúng ta đang sống trong “thời cánh chung,” tức trong giai đoạn cuối cùng của lịch sử cứu độ. Sách Công vụ nói về “thời phục hồi vạn vật” (3:21) Thiên Chúa đã hứa qua các ngôn sứ; chẳng thế mà công đồng Vaticanô II lưu ý: “Sự phục hồi Chúa đã hứa và chúng ta đang mong đợi, đã khởi sự nơi Chúa Kitô… và đang tiếp diễn trong Giáo hội” (LG 48).
Tận Thế
Nhưng thường thì “tận thế” được hiểu như là lúc thế giới tiêu tán hẳn. “Thế giới” nói ở đây không phải là vũ trụ (đối tượng của khoa học), mà là “thế giới loài người,” đối tượng của kế hoạch cứu độ. Kinh Thánh nói nhiều về chủ đề này. Trong Cựu Ước, ngôn sứ Isaia đã tiên báo Thiên Chúa sẽ tạo thành một trời mới và đất mới (x. Is 65:17); trong Phúc âm, chính Đức Giêsu đã nói: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi” (Mc 13:31), và Ngài phóng tả về những biến cố cuối cùng (x. Mc 13). Nội dung của sứ điệp ấy mang tính cách cứu độ hơn là vũ trụ quan; vì thế, tâm điểm chính là biến cố “quang lâm” được nói lên trong Kinh Tin Kính: “Ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.” Giáo hội sơ khai có một niềm tin kiên vững về sự việc Đức Kitô sẽ trở lại: 22 trong 27 “văn kiện” của Tân Ước đề cập tới biến cố quang lâm.
Về phương diện vũ trụ quan, thiên văn học cho biết là sự sống trên trái đất rồi sẽ biến mất… trong mấy triệu năm tới, khi mặt trời trở thành một ngôi sao đỏ. Đức tin chỉ nói về tiến trình lịch sử loài người: như đã có lúc đầu (do Thiên Chúa khởi động) thì cũng sẽ có lúc cuối (do Thiên Chúa kết thúc). Thánh Phêrô viết: “Ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm; ngày đó, các tầng trời sẽ ầm ầm sụp đổ, ngũ hành bốc cháy tiêu tan, mặt đất và công trình trên đó sẽ bị thiêu…” (2Pr 3:10). Trong đoạn này cũng như trong nhiều đoạn văn khác, Kinh Thánh dùng thứ ngôn ngữ gọi là “khải huyền”, tức là dùng những hình ảnh lạ thường để truyền đạt một giáo lý; thế nên, cần phải được hiểu theo nghĩa bóng. Chúa sẽ đến, nhưng lúc nào? — Không ai biết được, như Đức Giêsu đã chia sẻ: “Còn về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13:32). Không biết bao nhiêu giáo phái đã tiên báo về ngày tháng tận thế… ngày tháng họ tiên báo đã qua, nhưng thế giới vẫn còn đó! Các dấu báo hiệu như chiến tranh, động đất, các cuộc bách hại, việc rao giảng Tin mừng trong khắp thế giới, các ngôn sứ giả, v.v… đã và đang thường xuyên xảy ra trong lịch sử (xem về những dấu báo hiệu ấy trong Sách Giáo Lý, số 673-677) mà thế giới cũng vẫn còn. Như thánh Máccô nhấn mạnh, những lời ấy của Chúa chỉ muốn nói là: “phải canh thức” (x. Mc 13:33-37), phải sẵn sàng để đón Ngài bất cứ lúc nào; đó là điều Giáo hội hằng làm qua việc cử hành Thánh Lễ “cho tới khi Chúa lại đến.” “Ngày ấy” sẽ xảy đến như thế nào? — Các hình bóng như lửa cháy, vòm trời sụp đổ, v.v… cũng đều muốn nói đó là việc vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Những tai biến vũ trụ có thể xảy đến cách tự nhiên, nhưng chưa chắc đó là “khí cụ” Chúa dùng để phán xét loài người. Khoa học cho biết là chắc chắn trái đất sẽ tiêu tán, và điều đó có thể xảy ra bằng nhiều cách: tự nhiên hay nhân tạo; còn Thiên Chúa, Đấng tạo hóa nhân từ, thì không hủy phá các tạo vật Người mến thương (x. Kn 11:23-26), mà chỉ đưa dẫn công trình sáng tạo đến chỗ hoàn tất: như cá nhân kết thúc cuộc đời cách tự nhiên, thì nhân loại cũng vậy. Cuối cùng, “ngày ấy” không phải là một ngày trong lịch loài người: cũng như “lúc khởi đầu” của công trình sáng tạo vũ trụ không phải là giây đầu tiên của thời gian, nhưng là ở ngoài thời gian, là nguyên nhân của thời gian, thì cũng vậy, “ngày cuối cùng” không phải là ngày sau hết của lịch sử, nhưng là điểm “sau”, điểm kết thúc thời gian, nằm ở phía “vũ trụ mới” do Thiên Chúa sáng tạo.
Sách Khải huyền ám chỉ đến một vương quốc của các thánh trước khi tận thế: những người công chính “sẽ sống lại và hiển trị với Đức Kitô một ngàn năm” (Kh 20:4); từ đó đã xuất hiện những giả thuyết thiên niên. Giáo hội phủ nhận các giả thuyết ấy vì nhiều lý do: trước hết, những con số chỉ mang tính cách biểu tượng, chứ không muốn nói theo nghĩa đen; thứ hai, nếu Đức Kitô hiển trị một ngàn năm trong thế giới, thì sau đó sẽ phải trở lại một lần thứ ba cho cuộc phán xét chung và cuối cùng; hơn nữa, giả thuyết ấy mang quá nặng “não trạng Do thái” (thuyết thiên sai quốc gia), nghĩa là quan niệm vương quyền của Đức Kitô theo thể dạng vật chất, xã hội hoặc chính trị. Những thành ngữ “sự chết thứ nhất” và “sự chết thứ hai” đọc thấy trong sách Khải huyền, thần học hiểu là sự chết của thân thể và sự chết của linh hồn, hoặc sự chết trong đời dương thế và sự chết vĩnh viễn ở đời sau.
Những vấn nạn
Các vấn đề trên đây khơi dậy nhiều câu hỏi trí khôn khó mà giải đáp cho nổi. Trước hết giáo lý khẳng định căn tính trước khi chết và sau khi sống lại của một cá nhân chỉ là một: chính người đã sống, đã làm điều tốt hoặc xấu, đã sống an nhàn hay chịu khổ… chính người ấy sống lại chứ không phải là một người khác. Và như vậy, có một số phận liên tục giữa đời này và đời sau, nêu rõ trách nhiệm của kẻ sống đối với vận mệnh của chính mình sau khi sống lại. Căn tính hệ tại ở những gì? Hẳn là ở bản ngã, linh hồn, thân thể cùng với các hành vi; các yếu tố ấy làm nên con người và phải tồn tại thì con người mới tồn tại.
Bản ngã và linh hồn được quan niệm như là bất khả phân ly, dù cách giải thích quan hệ ấy có khác nhau. Vấn đề là thân thể; thánh Phaolô đã phải giải đáp vấn nạn của người Côrintô:
“Kẻ chết chỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác… gieo xuống thì hư nát, mà chỗi dậy thì bất diệt… gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có Thần Khí… chúng ta sẽ được biến đổi. Cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt…” (1Cr 15:35-53).
Trong vấn đề này, lý luận theo hóa học hoặc sinh học không thôi thì chỉ thấy phi lý, bởi đó là một “tạo vật mới” do Thiên Chúa dựng nên, nhưng không phải “từ hư vô” song từ thân thể đã từng hiện hữu trước đây trong đời sống dương thế của con người.
Thân thể mới ấy thuộc về một thế giới khác, không còn bị ràng buộc bởi các luật vật lý. Mẫu tiên khởi của thân thể sống lại ấy là xác thể của Ðức Kitô phục sinh. Thần học thường kể ra bốn đặc tính của thân xác phục sinh: bất khả thụ nạn, tinh diệu, linh hoạt và quang diệu. Xác ‘thần thiêng” ấy không còn có thể chịu khổ, bệnh tật hay hư nát; không bị giới hạn do không gian hay vật chướng ngại; có thể hiện diện ngay ở nơi mình muốn; tham dự vào vinh quang của Ðức Kitô. Tuy nhiên, trí khôn ta không nắm rõ được thế nào là tình trạng sống lại. Vì vẫn là tạo vật, liên đới với các tạo vật khác, thân xác phục sinh vẫn còn giữ quan hệ với vũ trụ, nhưng như thế nào thì chúng ta không biết. Thần học nghĩ là xác thể phục sinh giữ nguyên giới tính nam hay nữ, và khác với trạng huống ở kiếp này, ở đời sau xác thể chẳng những không gây trở ngại mà còn giúp cho tinh thần sống mật thiết hơn mối quan hệ đối với Thiên Chúa và đối với mọi người.
Kinh Thánh thường nói về các thánh sống lại, vì thế có người – xem ra đó là trường hợp các người 2Mcb 4:17 nhắc đến – nghĩ rằng các kẻ dữ không sống lại; và Đức Giêsu cũng nói về “ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14:14). Tuy nhiên, Tân Ước xác định rõ hết mọi kẻ chết sẽ sống lại. Đức Giêsu đã nói là những kẻ dữ cũng sẽ sống lại “để bị kết án” (Ga 5:29), như thấy rõ qua dụ ngôn về cuộc phán xét chung (x. Mt 25:31tt). Thánh Phaolô làm chứng cho lòng tin pharisêu (biệt phái) “là người lành và kẻ dữ sẽ sống lại” (Cv 24:15). Nhưng số phận người lành kẻ dữ thì khác hẳn nhau: “Họ sẽ ra đi, kẻ dữ để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 25:46). Lý giải dông dài về “xác sống lại” thì cũng chẳng ích gì, vì loài người có biết gì thêm hơn đâu!
Tôi Tin Hằng Sống Vậy
Đức tin về ‘tứ chung’ tức về bốn chân lý cuối đời người, là sự chết, phán xét, hỏa ngục và thiên đàng. Kinh Tin Kính kết thúc với niềm hy vọng tuyệt đối là được sống đời đời trong nhà Cha trên trời. Kitô hữu ra sức sống đạo tốt để đạt cho được mục tiêu ấy, bởi – như đã được nói lên trong lời kinh sau đây – có: “tin thật vững vàng và giữ cẩn thận các điều trước này – các chân lý nêu lên trước đây – thì mới được hưởng phúc thanh nhàn đời đời kiếp kiếp.” Thái độ lạc quan kitô giáo phát nguyên từ niềm hy vọng ấy.
Nói “hằng sống” là muốn ám chỉ đến “sống tạm” qua cuộc đời ở dưới đất này. Mượn ý của 1Cr 5:1, Lời Tiền tụng Thánh Lễ an táng tóm gọn như sau thái độ của kitô hữu đối với sự chết: “Đối với chúng tôi là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi trú ngụ dưới trần gian bị tiêu hủy, chúng tôi được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời.” Dù là một biến cố coi như tự nhiên, cái chết vẫn mãi là điều bí ẩn đối với thân phận con người: khát mong được trường tồn, nhưng con người lại phải đi qua kinh nghiệm giới hạn bi đát này. Kinh Thánh cho biết sự chết đi ngược lại với ý Thiên Chúa, là hậu quả của tội lỗi, là “kẻ thù” lợi hại nhất (x. Kn 2:23-4; 1Cr 15:26). Khi chết là tôi chết, chứ không chỉ một mình thân xác chết; dẫu linh hồn vẫn tồn tại, nhưng đó không phải là tôi, mà là một yếu tố của tôi, một thành tố trong bản tính con người tôi. Về phương diện siêu nhiên, kitô hữu tin rằng đã cùng chết với Đức Kitô cách bí nhiệm qua Phép Rửa, mình cũng sẽ được sống lại với Ngài. Do vậy, đối với tín hữu sự chết mang một ý nghĩa tích cực; chẳng thế mà thánh Phaolô đã nôn nóng “ao ước… ra đi để được ở với Đức Kitô” (Pl 1:23). Bởi “con người chỉ chết một lần” (Dt 9:29), nên Kitô giáo tin “cuộc đời trần thế duy nhất này” (GS 48) có giá trị vĩnh viễn, vì lẽ đời này là giai đoạn chuẩn bị cho đời sau. Có thế sách Khải huyền mới mạnh dạn nói: “Phúc thay những người đã chết trong Chúa… vì các việc họ làm vẫn theo họ” (Kh 14:13). Thần học thời nay quan niệm sự chết như là trọng điểm của cuộc đời, lúc mà con người tự do có thể “tổng hợp” toàn bộ cuộc đời, lúc con người có thể mở rộng lòng đón nhận tình thương của Thiên Chúa hoặc khép kín con người mình lại, khước từ ơn cứu độ.
Kinh Thánh cho thấy là có thưởng/phạt trong đời sau: Thiên Chúa phán xét mỗi người, ngay khi chết, và còn có cuộc phán xét chung vào hồi thế mạt. Quả thế, Phúc âm Luca kể dụ ngôn về Ladarô được hưởng hạnh phúc trong “lòng Abraham” còn kẻ giàu phi nhân thì phải chịu hình phạt trong âm phủ (x. Lc 16:22); chính Đức Giêsu cũng đã hứa với người trộm lành: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23:43). Thư Do thái ghi rằng: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét” (9:27). Sách Giáo Lý tóm tắt:
“Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời; tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Kitô, linh hồn hoặc phải trải qua một cuộc thanh luyện hoặc được hưởng phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn” (số 1022).
Khái niệm “hằng sống” tóm gọn niềm hy vọng kitô giáo. Trong Cựu Ước, lúc đầu dân Chúa chỉ hy vọng vào hạnh phúc ở đời này; Abraham, Môsê, Đavít… đã không trông đợi một thiên đàng. Lần đầu tiên Cựu Ước nói đến đời sau là trong sách Đanien (thế kỷ 2 trước CN): “Nhiều người sẽ thức dậy: người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm ghiếc muôn đời” (Đn 12:2). Tân Ước nhắc đến thực trạng “hằng sống” nhiều lần (trong các bản văn của một mình thánh Gioan thôi thì đã có 96 lần!), với ý nghĩa là tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa nhờ và trong Đức Kitô phục sinh. Để diễn tả mầu nhiệm này, ngôn ngữ phải nhờ đến các ẩn dụ, như lễ cưới, bữa tiệc thiên sai, lạc viên, v.v., hoặc gọi đó là vương quốc hay hưởng kiến Thiên Chúa. Trong cuộc phán xét, Chúa Kitô sẽ nói với người công chính: “Hãy đến thừa hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mt 25:34), nghĩa là hưởng không chỉ tình thương của Thiên Chúa không thôi, mà cả những “của cải” trong nhà Người, được tượng trưng bằng hòa bình, hạnh phúc, tình huynh đệ, hiệp thông, tức cả một cuộc đời đời trọn vẹn sung mãn.
Truyền thống đã nhấn mạnh đến việc “nhìn thấy Thiên Chúa tận mắt, diện đối diện” (1Cr 13:12), “nhìn thấy tôn nhan Người” (Kh 22:4), hoặc như thánh Gioan viết: “Người thế nào ta sẽ được thấy như vậy” (1Ga 3:2). Ý là sống gần gũi với Thiên Chúa như con với cha , vì đã được “thần hóa”: con người “sẽ nên giống Thiên Chúa”; thần học gọi đó là “thị kiến vĩnh phúc.” Tuy nhiên, cả đến ở trên trời Đức Kitô cũng vẫn còn và mãi mãi là trung gian. Quả thật, phúc nhân là chi thể của Đức Kitô, bởi “nhờ Ngài chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (Ep 2:18), và vì chính Ngài là sự sống đời đời (x. Ga 14:7).
Sống vĩnh cửu không có nghĩa là sống trong một thời gian dài vô cùng tận… “Thời gian” là một chiều kích của vũ trụ vật chất này; trong “đất mới trời mới” người công chính sinh tồn một cách khác. “Vĩnh cửu” có nghĩa là “giống như Thiên Chúa”, được tham dự vào sự sống của Người, dĩ nhiên là trong một mức độ giới hạn, chứ không phải hoàn toàn như Người.
Tình trạng con người mới ấy là trạng thái cuối cùng của con người vì đã đạt được mục đích Thiên Chúa an bài cho. Nếu xét theo phương diện biến hóa, thì đó là tình trạng con người hoàn tất, nghĩa là hết các khả năng của nhân tính đều được thỏa mãn; lẽ dĩ nhiên, trạng thái ấy không phải là kết quả của đà biến hóa tự nhiên, mà là ơn nhưng không Chúa ban. Ngoài ra, còn được Thiên Chúa ban cho khả năng tuyệt diệu này nữa – khả năng mà thần học gọi là “thiên phục siêu năng” (potentia oboedientialis) – khả năng làm cho con người có thể tiếp nhận và thực hành những điều vượt quá khả năng tự nhiên của một tạo vật.
Tình trạng ấy cũng được gọi là“vinh quang”; thánh Phaolô viết: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4:17). “Vinh quang” là thuộc tính của Thiên Chúa, muốn nói lên tính chất uy nghi, hiển hách, trọng đại, rạng rỡ, v.v. và dù thế, Người vẫn hiện diện với con người. Đó là những ẩn dụ chỉ về “những gì rất quý báu và trọng đại Chúa đã hứa, để nhờ đó… được thông phần bản tính Thiên Chúa, sau khi đã thoát khỏi cảnh hư đốn do dục vọng gây ra trong trần gian” (2Pr 1:4). Thông thường mà nói, “vinh quang” đồng nghĩa với “thiên đàng”, nhưng trong khi vinh quang làm cho liên tưởng đến trạng thái phúc nhân được hưởng, thì thiên đàng được hình dung như là một nơi chốn, một thứ lạc viên. Kể lại kinh nghiệm huyền nhiệm sống qua, thánh Phaolô nói mình được “nhắc lên tới tầng trời thứ ba… tận thiên đàng” (2Cr 12:2-3). Thiên đàng là ẩn dụ để chỉ về “nơi” (theo nghĩa bóng) các phúc nhân ở với Thiên Chúa, hoặc – như thánh Âugutinô diễn tả – “sống trong Thiên Chúa và nhờ Thiên Chúa, hưởng hạnh phúc và cực lạc tâm thần tuyệt vời con người không sao lãnh hội và biểu đạt cho được.”
Kinh Tin Kính cũng ghi: “triều đại Người sẽ vô cùng vô tận” để nói lên cùng một ý nghĩa như thành ngữ “hằng sống”, nhưng là để chỉ về Đức Kitô. Các phúc nhân thì “sống” và Đức Kitô thì “trị vì”. Phúc nhân sống nhờ Đấng Phục sinh, còn Đức Kitô thì trị vì nhờ Chúa Cha. Ẩn dụ “thiên đàng” đồng nghĩa với “vương quốc vô tận”. Vương quyền tuyệt đối thuộc về Chúa Cha; nhưng Đức Kitô “ngự bên hữu”, tức chia sẻ quyền toàn năng ấy. Theo nghĩa bóng, sách Khải huyền trình tả “Giêrusalem mới”, một thành phố không cần Đền Thờ, không cần mặt trời mặt trăng, “vì đã có vinh quang Thiên Chúa tỏa rạng và Con Chiên [Đức Kitô] là ngọn đèn chiếu soi”… (Kh 21:23), với nguồn sống là “con sông có nước trường sinh chảy ra từ ngai của Thiên Chúa và của Con Chiên…” (Kh 22: 1). Khi ấy, nơi ấy, Đấng ngự trên ngai phán: “Xong cả rồi!”; Khởi Nguyên và Tận Cùng gặp nhau (x. Kh 21:6) và Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả (x. 1Cr 15:28).
* * *
Đức tin về “kẻ chết sống lại” và “hằng sống” gợi lại hình ảnh Thiên Chúa tạo dựng “lúc đầu”. Phẩm giá con người vẫn tồn tại nguyên vẹn, dù con người có sa lầy trong tội lỗi; thân thể – xác thịt – không phải là mồ mả hay kén nhộng của linh hồn, mà là cấu tố trong bản chất của con người, có chung cùng một mệnh vận vĩnh cửu với linh hồn, là “đền thờ của Thần Khí” (1Cr 6:19), là cho Chúa, chứ không phải để gian dâm (x. 1Cr 6:13), và vì thế, đáng được quý trọng; tuy nhiên, phẩm cách của thân thể chỉ lộ hiện rõ trong ánh sáng của sự sống lại. Còn cuộc đời phàm, xem ra hèn mọn và vô lý này, thì được giáo lý về việc phán xét sau khi chết, về đời sống vĩnh phúc hay đọa đày trong hỏa ngục, nêu bật giá trị trường cửu tiềm ẩn dưới những việc làm hằng ngày bình dị, tầm thường. Có hướng về với cùng đích và cân nhắc đời sống vất vả này trong ánh sáng của Thiên Chúa, thì mới nhận ra ý nghĩa cao đẹp của mọi sự… Tựu trung, tất cả đều là ân sủng.
Sau cuộc lữ hành, con người về tới quê; sau tuần dài làm việc vất vả, mới tới ngày Sabát nghỉ ngơi, lúc tín hữu được an nghỉ ngàn thu. Thánh Âugutinô kết thúc như sau cuốn Những Lời Trần Tình: “Sau cuộc đời chúng con trông đợi sẽ nghỉ ngơi trong sự thánh hóa vĩ đại của Chúa; nhưng Chúa, vì là Đấng Thiện không cần sự thiện gì, nên hằng tĩnh hòa; thật ra sự tĩnh hòa của Chúa là chính bản thân Chúa. Nhưng con người nào sẽ làm cho con người hiểu điều này? Thiên thần nào cho thiên thần? Thiên thần nào cho con người? Phải xin Chúa, phải tìm ở Chúa, phải gõ cửa Chúa: vậy, vậy chúng con mới nhận được, mói được thấy, mới được mở cho.”
AMEN
Tín hữu kết thúc lời tuyên xưng với từ Amen. Trong phụng vụ, Amen thường được dùng để kết thúc các lời nguyện. Các công thức Kinh Tin Kính thời xưa không biết đến từ Amen; nhưng, chịu ảnh hưởng các kinh khác, Kinh Tin Kính cũng kết thúc với từ Amen.
Trong Kinh Thánh, từ “amen” có cùng gốc với từ “tin” và biểu thị thái độ quả quyết, vững chắc, niềm tin cậy, lòng trung tín. Người Do thái thưa amen để chấp nhận một khẳng định, một lời chúc phúc hay nguyền rủa (x. Ds 5:22; Nkm 5:13), và đó cũng là cách kết thúc một câu kinh, một lời tán tụng (x. 1Sb 16:36), chẳng hạn Tv 41:14: “Chúc tụng Giavê là Thiên Chúa Ítraen, từ muôn thuở cho đến muôn đời. Amen, amen!” Trong Tân Ước, từ amen cũng mang ý nghĩa như thế và được dùng trong cộng đoàn phụng vụ để tỏ rõ sự tán đồng của mọi người đối với lời kinh, lời cầu đã được nói lên (x. 1Cr 14:16) hoặc để kết thúc các vinh tụng ca, như trong trường hợp của Rm 1:25 hoặc Dt 13:21: “Kính dâng Đức Kitô vinh quang đến muôn thuở muôn đời, Amen.”
Vì “amen” tượng trưng cho lòng trung tín, nên ngôn sứ Isaia gọi Chúa Giavê là “Thiên Chúa của amen” (Is 65:16), còn thánh Gioan thì gọi Đức Giêsu là “amen”: “Đây là lời của Đấng Amen, là Chứng nhân trung thành và chân thật” (Kh 3:14). Thay vì đặt “amen” ở đằng cuối như thường thấy, Đức Giêsu bắt đầu với “amen”; Ngài làm thế là để nhấn mạnh một khẳng định: “Amen Thầy bảo anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2.5.16); “Amen, amen tôi bảo các ông…” (Ga 5:19). Vì thế, khi nói lên “amen” Giáo hội không chỉ đơn thuần làm theo truyền thống Do thái, mà còn để tưởng nhớ đến Đức Kitô.
Trong phụng vụ bên Đông cũng như bên Tây phương, tín hữu thưa amen nhiều lần, thường là để kết thúc các lời cầu và để nói lên lòng hiệp thông với chủ sự; để tỏ ra đồng ý. Chẳng hạn, trong Lễ Quy của thánh Basiliô (Đông phương), sau mỗi câu trong công thức truyền phép, tín hữu thưa: Amen! Phụng vụ Môdarabê (Tây ban nha) thì thưa amen sau mỗi câu của kinh Lạy Cha. Trong phụng vụ theo nghi thức Latinh, bao giờ các lời cầu cũng kết thúc với câu: “Chính nhờ Ðức Kitô…” và giáo dân hiệp ý với lời: Amen! Và tất cả các kinh đọc riêng cũng kết thúc với lời Amen, tức: “đúng là vậy”, “xin cho xảy ra như thế”, “ước chi được như vậy”, v.v.
Vậy, khi thưa “Amen!” để kết thúc Kinh Tin Kính, là biểu thị rõ mình đón nhận các chân lý vừa kể làm của mình. Qua lời tuyên xưng công khai ấy, tín hữu đảm nhận sứ mạng làm chứng cho đức tin và làm chứng cho Thiên Chúa trong Hội thánh, giữa thế gian. Amen là một dự án cho cả cuộc đời tín hữu: đối với quá khứ, kiên cường làm chứng cho sự thật của các chân lý và các biến cố vừa nhắc đến, gắn liền với quá trình lịch sử; đối với hiện tại, ra sức dấn thân sống đúng đường hướng của đức tin; đối với tương lai, quyết tâm đạt cho được cùng đích tối hậu của đời mình. “Amen” không có nghĩa là “xong rồi”, trái lại, muốn nói là bắt đầu nhìn mọi sự trong ánh sáng của đức tin, để đức tin soi đường chỉ lối, và tiến bước theo đức tin ấy.
“Amen” mang ý nghĩa tương tự như lời fiat (xin vâng) của Đức Maria: thưa amen không phải là chỉ đơn thuần chấp nhận một danh sách chân lý, mà chủ yếu là chấp nhận thánh ý Thiên Chúa. Thưa amen là Đức Giêsu muốn nói: “Abba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con; nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn” (Mc 14:36). Và Đức Maria cũng thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1:38). Đây là hai mẫu mực nổi bật nhất của “thái độ amen”. Mọi tín hữu đều được mời gọi để trở nên “con người của amen”: trung tín với lời hứa như Chúa Giavê, phục tùng ý Cha như Đức Giêsu, và vui lòng đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa dành cho mình như Đức Maria.
Trở nên amen là tín hữu trở nên “người cho người khác,” một con người mở rộng cho Thiên Chúa (tuyệt đối) và cho tha nhân (tương đối), làm khí cụ xây dựng vương quốc tình thương giữa xã hội loài người, luôn sẵn sàng củng cố và cổ vũ những tương quan đang cấu tạo nên chính mình: tương quan chiều đứng, nối liền với Thiên Chúa (đón nhận sáng kiến từ Người), và tương quan chiều ngang, nối liền với tha nhân (đảm nhận trách nhiệm Thiên Chúa trao phó đối với công cuộc sáng tạo). Hiện thân của amen là người biết sẵn sàng phục vụ, như Đấng “đã đến không phải để được người ta phục vụ, mà là để phục vụ…” (Mt 20:28). Và như thế, tín hữu hằng không ngừng mạnh dạn tiến bước trên đường đời, trong niềm cậy trông: “Amen! Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến!” (Kh 22:20).