Hợp Tuyển Thần Học

Tôi Tin Phép Tha Tội

Tôi Tin Phép Tha Tội

Mục Lục
Tôi tin phép tha tộiTôi tuyên xưng có một phép rửa duy nhất để tha tội.

Kinh Tin Kính các tông đồ coi việc tha tội như một khía cạnh của niềm tin vào Thần Khí đang thánh hóa Giáo hội. Tiêu đích tín biểu xưa nhất nhằm tới là “phép Rửa để tha tội”, vì thế mà được tuyên xưng trong nghi thức phụng vụ khai tâm; tín biểu Nixê vẫn còn giữ công thức ấy. Sau này việc tha tội được quan niệm trong khung vi của “các thánh thông công” với ý nghĩa là tha tội thường xuyên, như đọc thấy qua lời cầu xin trong kinh Lạy Cha, mà thánh Âugutinô gọi là “phép Rửa hằng ngày”.

Kitô giáo hiểu rằng con người là một tạo vật tội lỗi, cần được tha thứ, và, là Cha nhân từ, Thiên Chúa hằng ban ơn thứ tha. Ai mà không cảm thấy mình đầy những thiếu sót, chưa hoàn hảo, cần phải tinh luyện thường xuyên, v.v. Tôn giáo nào cũng ra sức cung cấp những lễ nghi tẩy uế, nghi thức hòa giải với trời đất, với chính mình. Truyền thống Dothái-Kitô đã tin vào một Thiên Chúa hằng sẵn sàng tha thứ, và không ngừng cử hành những nghi lễ cầu xin cho được ơn tha thứ và hòa giải với Người. Tín khoản này biểu thị lòng tin vào Thần Khí của Cha đang linh động hóa làm cho Giáo hội mãi mãi là môi trường hòa giải giữa loài người, nhờ công đức của Chúa Kitô.

Kinh Thánh cho thấy là ngay từ đầu, con người đã phạm tội, mất tình bạn với Đấng Tạo Hóa (sa ngã: St 3:1tt): anh giết em (Cain và Aben), ghen ghét (Lamec: St 4:23-24) và kiêu ngạo (tháp Babel: St 11). Rồi trong hoang địa, dân Chúa đã trở lòng rối đạo, chạy theo ngẫu tượng (x. Xh 32) và cả “người xức dầu của Chúa” tức vua Đavít, cũng phạm tội (x. 2Sm 11). Trong Tân Ước, trưởng đoàn tông đồ là Phêrô, cũng đã chối Thầy, Giuđa đã bán Thầy, và tông đồ Phaolô chính là người đã từng giết hại Đức Giêsu. Trong Hội Thánh có tội nhân (x. 1Cr 5), nhưng đồng thời cũng có “chức vụ hòa giải” (2Cr 5:18).

Thiên Chúa chúng ta thờ là một “Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34:7), “Người không cứ tội ta mà xét xử” (Tv 103:10), song “lấy lòng thương xót và mở lượng hải hà xóa tội” (Tv 51:3), vì “Chúa là Thiên Chúa luôn sẵn sàng thứ tha” (Nhm 9:17). Các tiên tri miêu tả Người như là Đấng “vất bỏ sau lưng mọi lỗi lầm” (Is 38:17), “chịu đựng lỗi lầm, bỏ qua tội ác… tội lỗi chúng ta, Người chà đạp dưói chân” (Mk 7:18-19), “tẩy rửa mọi gian tà” (Gr 4:14) và “xóa bỏ các tội phản nghịch” (Is 43:25). Vì chỉ một người công chính, Người sẵn sàng “dung tha cho cả thành” (Gr 5:1), v.v.

Hẳn là tội nhân phải sám hối, nhưng tôn giáo cũng cống hiến cơ hội qua những nghi thức phụng tự: có “nước tẩy uế, cho nghi thức tạ tội” (Ds 19:10), có “ngày xá tội” cho toàn dân (Lv 16), có những “lễ tạ tội” (Lv 4:1tt) và “lễ đền tội” (Lv 5:4tt), v.v. Như thế, giữa Ítraen, Thiên Chúa đã dùng những cơ cấu tôn giáo và hàng tư tế làm trung gian tha tội.

Trong Tân Ước, Đức Giêsu đã tha tội: cho kẻ bại liệt ở Caphácnaum (x. Mc 2), cho phụ nữ tội lỗi (x. Lc 7:36tt) hoặc cho người gian phi sám hối (x. Lc 23:43). Mà nhất là Ngài đã dạy giáo lý về ơn tha thứ khi trình tả lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha qua các dụ ngôn về con chiên lạc mất, về người cha nhân hậu và đứa con hoang đàng (x. Lc 15), v.v. Cuối cùng, Ngài ban cho các tông đồ Thần Khí với quyền tha tội: “Hãy chịu lấy Thánh thần. Các con tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các con cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ” (Ga 20:23). Sau khi từ cõi chết sống lại, Ngài phái gửi các tông đồ đi “rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24:47), và thiết lập phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần (x. Mt 28:19).

Tuyên xưng đức tin đối với ơn tha tội, là kitô hữu biểu hiện lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, bởi đã làm cho mình trở thành tạo vật mới, bởi đã đón nhận mình làm nghĩa tử và kẻ thừa kế Đức Kitô, cũng như thú nhận mình là kẻ bất trung trưóc mặt Thiên Chúa trung thành. Thiên Chúa đã an bài kế hoạch cứu độ cho nhân loại tội lỗi, và trọng tâm kế hoạch ấy là ơn tha thứ. Vì “nếu Chúa không khoan dung – như ngạn ngữ Đức nói – thiên đàng sẽ trống rỗng”: không ai tự xóa tội cho mình và tự cứu lấy mình được. Trong Giáo hội, tội lỗi có thể trở nên cơ hội để loan báo tin mừng: Thiên Chúa đã yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con Một “làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4:10), làm “con chiên xóa tội trần gian” (Ga 1:29), con chiên đã “đổ máu… cho muôn người được tha tội” (Mt 26:28); “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5:5). Có kinh nghiệm được tha thứ, kitô hữu mới có được cảm thức về tội lỗi.

Tha Thứ

Lập Giáo hội là Đức Kitô muốn cống hiến cho loài người một lãnh vực tha thứ. Nếu Gioan Tẩy Giả đã kêu gọi chịu “phép rửa hầu tỏ lòng thống hối để được ơn tha tội” (Mc 1:4), thì Đức Giêsu đã lập một phép rửa “trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3:11) để tha thứ và ban cho đời sống mới, cũng như để làm lối ngõ gia nhập Hội Thánh. Là gia đình của Chúa Cha, giáo hữu làm nên một cộng đồng biết tha thứ cho lẫn nhau, không ngừng khẩn xin: “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha…” Trong đời này, không làm sao tránh hết được những xung đột, những mếch lòng, xúc phạm; nên phải biết sẵn sàng tha thứ. Đức Giêsu nói: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù nó xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh: ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17:3-4). Trong Hội Thánh của Đức Kitô lòng tha thứ không có biên giới; môn đồ Phêrô tưởng mình đại lượng vì sẵn sàng tha thứ đến bảy lần, nhưng Đức Giêsu bảo: “Không phải bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18:21), tức là đến mấy cũng tha. Không chỉ là để tuân thủ một thủ tục hay hình thức xã hội mà phải tha thứ, nhưng, như Đức Giêsu đã nói rõ, là phải thành thực tha thứ hết lòng (x. Mt 18:35).

Kitô hữu tha thứ không chỉ vì đó là điều kiện cần thiết để sống chung, nhưng nhất là vì đó là ý muốn của Chúa Cha ở trên trời. Người muốn con cái mình tha cho nhau đến nỗi đã cảnh cáo cho biết là nếu không chịu tha thứ cho kẻ khác thì sẽ không nhận được ơn tha thứ (x. Mc 11:25); đó là điều nói lên trong kinh Lạy Cha (x. Mt 6:12-15). Vốn là kẻ được tha (nhờ phép Rửa), kitô hữu có bổn phận trả nghĩa bằng cách tha lỗi cho người khác: “Chúa đã tha thứ cho anh em, thì cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau” (Cl 3:13); hoặc để bắt chước Chúa Cha đã tha thứ cho mình (x. Ep 4:32). Nguồn của mọi hành động tha thứ là lòng thương của Thiên Chúa, vì thế tha thứ là thông dự vào lòng thương xót và quảng lượng của Người. Chúa dung thứ là vì Người toàn năng: “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự (x. Kn 11:23). Thiên Chúa không bị ai hoặc cái gì bắt buộc phải tha thứ, nhưng chính vì yêu thương và tự do yêu thương mà Người thứ tha. Thế thì, chính qua hành động tha thứ, con người trở nên tự do và nếm hưởng được tự do; trả thù là chưa biết tự chủ, là chưa tự do thực sự.

Tội Lỗi

Không hiểu được tầm quan trọng của sự tha thứ, nếu không hiểu – ít là phần nào – tội là gì. Cách chung, trong truyền thống các dân tộc, chẳng thấy có ý niệm thần học về tội lỗi; nếu có chăng nữa thì chỉ là một ý niệm đạo đức học và thường là lờ mờ. Từ điển định nghĩa: “tội là hành vi phạm pháp, đáng bị xử phạt”, tức một thực tại xã hội học. Quả vậy, phạm luật là kinh nghiệm đầu tiên của một thành viên trong cộng đoàn về tội phạm; luật là tiêu chuẩn tương giao, mang tính cách khách quan và có mục đích bảo toàn công ích. Chính quyền có thể lượng định tội phạm và ấn định hình phạt theo công bình.

Khởi điểm là quan niệm về tội như là hành động phạm pháp chống trật tự xã hội; nhưng trật tự ấy được Trời phê chuẩn, cho nên đó là hành động phạm đến trật tự thần thiêng. Thời xưa, ngay cả trong Cựu Ước, người ta quan niệm trật tự ấy cách may móc, như là điều cấm kỵ, khiến họ tưởng là có thể phạm tội một cách vô ý thức, cả với thiện chí, như đọc thấy trong 2Sm 6:6. Rồi dần dần ý thức con người tiến đến chỗ biết nhấn mạnh đến chiều kích nhân bản và tôn giáo. Các từ Kinh Thánh dùng để diễn tả những khía cạnh khác nhau của hành vi tội lỗi thì bao giờ cũng giả thiết quan hệ con người có đối với Thiên Chúa. Tội là hành động lệch lạc, đi trật ra ngoài mục đích, là hành động chống lại Thiên Chúa, phản bội tình thương của Người. Để chỉ về tội lỗi, Tân Ước dùng nhiều nhất là các từ Hylạp hamartia, tức “lỗi,” và anomía, “bất chính,” cũng có nghĩa là “vấp ngã” hoặc “vi phạm” hay “bất tuân” (Rm 5:14-19). Như vậy, khía cạnh nhân bản và liên vị được nêu bật, để cho thấy tội lỗi là hành vi tự do xúc phạm đến Thiên Chúa.

Suy tư thần học đã phân loại và phân biệt nhiều chiều kích khác nhau của tội: hiện tội và nguyên tội, tội trọng và tội nhẹ, tội cá nhân và xã hội, tội xét theo khách quan hoặc chủ quan, tội vì hành động hay vì thiếu sót, tội xúc phạm đến mình, đến tha nhân hay đến Thiên Chúa, tội trong tư tưởng, lời nói hay việc làm, v.v. Các tác giả đã thử định nghĩa tội lỗi; theo thánh Âugutinô: “tội là làm, nói hay ước muốn điều gì nghịch với luật vĩnh cửu” (“luật” là trật tự do Thiên Chúa Tạo hóa an bài), hoặc: “tội là tách xa khỏi Thiên Chúa mà hướng về với tạo vật.” Sách Giáo Lý viết:

“Tội là lỗi phạm đến lý trí, chân lý, lương tâm ngay chính, là thiếu tình yêu đích thực đối với Thiên Chúa và tha nhân, vì quyến luyến lệch lạc với thụ tạo. Tội làm tổn thương bản tính con người và vi phạm đến tình liên đới giữa nhân loại. Vì thế, tội được định nghĩa như: ‘một lời nói, một hành vi, một ước muốn trái với lề luật vĩnh cửu’” (số 1849)

Thánh vịnh 51 nêu bật nhiều khía cạnh của tội:

“Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,
mở lượng hải hà xóa tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài…”

Tội là hành động phạm đến chính Thiên Chúa, một Thiên Chúa – như đã thấy ở trên – Tạo hóa, Cứu tinh, và là Cha nhân hậu… một Thiên Chúa Ngôi Con đã làm người, sống và chết vì tôi… một Thiên Chúa Thần Khí hằng yêu thương tôi đến nỗi đã biến tôi thành đền thờ, thành dưỡng tử… Đúng ra, tội chẳng có thể làm hại gì đến Thiên Chúa; tuy nhiên, một cách nào đó, Người đau đớn vì lòng thương của Người bị tội nhân coi thường, vì thấy tội nhân làm hại cho chính mình, vì thấy hình ảnh Thiên Chúa ra méo mó, hoen đục.

Khách quan mà nói, con người được Thiên Chúa dựng nên với mục đích là làm vinh danh Thiên Chúa qua việc thông dự vào chính vinh quang ấy; trời đất muôn vật đều được tạo dựng và xếp đặt cho mục tiêu ấy: đó là trật tự “luật vĩnh củu”. Công đồng Vaticanô II giải thích: “Khuôn mẫu tối thượng của đời sống con người là chính luật vĩnh cửu… nhờ lương tâm, con người nhận thức và hiểu biết những mệnh lệnh của luật Thiên Chúa” (DH về tự do tôn giáo, 3). “Quả thật, con người có lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn; phẩm giá con người là ở chỗ tuân theo lề luật ấy, và cũng theo lề luật ấy mà con người sẽ bị xét xử” (GS 16); đó cũng là luật vĩnh cửu quy định công ích cho xã hội loài người (x. GS 78a). Có một trật tự luân lý khách quan mà con người phải theo nếu muốn thành tựu hoàn hảo. Con người có khả năng biết “luật” ấy và “nghe” tiếng nói của lương tâm: “hãy làm lành, lánh dữ” (x. Rm 1:18-22). Phạm tội là làm trái lương tâm, là tự do từ chối những gì Thiên Chúa đã hoạch định cho công ích loài người và cho lợi ích riêng của chính tội nhân: bất lương là vô nhân (phá nhân phẩm). Tội lỗi là hành vi đóng kín, ích kỷ, không nghĩ gì đến Thiên Chúa đến tha nhân, làm trái ý Thiên Chúa, tức là phạm đến Người, phá hoại nhân phẩm, phá hoại công ích.

“Lưật vĩnh cửu” là tiêu chí của lý trí, vì thế tội là hành động phi lý, đi ngược lại với lý trí. Kitô hữu biết Thiên Chúa là ai và yêu mến mình đến chừng nào; thế nên, phạm tội là chà đạp tình thương ấy; nhờ phép Rửa, kitô hữu đã trở nên chi thể Đức Kitô, tức của Hội Thánh; cho nên phạm tội là gây thương tổn đến Nhiệm thể, là làm hại Giáo hội.

Tự bản tính, ý chí loài người không thể ước muốn sự ác, nhưng luôn luôn ước muốn sự thiện, hoặc sự thiện tuyệt đối (Thiên Chúa) hoặc sự thiện tương đối (tạo vật); thế nên, tội là ước muốn quá đáng cái tốt thọ tạo đến nỗi bỏ đi sự thiện tuyệt đối. Con người thường bị cái tốt thọ tạo hoặc tương đối mê hoặc, cuốn hút đi theo, không còn chú ý đến “luật vĩnh cửu”, đến tiếng của lương tâm, đến trật tự hợp lý, v.v. Thí dụ: khoái lạc, tiền của, quyền bính, v.v., là những điều tốt, nhưng cần được sử dụng theo trật tự Thiên Chúa an bài.

Tội được gọi là trọng hay nhẹ tùy một số yếu tố quan liên đến hành vi. Tội trọng giả thiết ba điều kiện: “Phạm một điều nặng (sự việc trầm trọng), với đầy đủ ý thức (hiểu biết) và cố tình (chấp nhận)” (Sách Giáo Lý 1857). Cụ thể mà nói, chất liệu của tội lỗi là mười Điều răn: “Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ” (Mc 10:19). Cũng có nhiều mức độ trong tính chất nặng, nhẹ của tội lỗi; chẳng hạn: giết người thì trọng hơn là trộm cắp; ăn cắp một ngàn đồng VN thì nhẹ hơn gian lận một tỷ, v.v. Ý thức và việc chấp nhận cũng có mức độ khác nhau: rõ ràng hoặc mù mờ, cố tình hay chỉ một phần… và do đó mà mức độ trách nhiệm cũng có thể nhiều hay ít, hoàn toàn hay chỉ một phần… Thật ra, chỉ Thiên Chúa mới biết được đích xác tội nặng hay nhẹ như thế nào.

Hành vi tội lỗi phát xuất từ chính bản ngã (tự do); nhưng hành vi nhân bản thì có tính nội tại, tức ảnh huởng đến chủ thể hành vi, khiến con người trở thành như thế này hay như thế nọ: hành vi tốt làm cho con người nên tốt, hành vi xấu làm cho con người ra xấu. Tội làm hại cho chính bản thân con người và cho xã hội. Vì thế, Kinh Thánh cho thấy là cần phải “tẩy uế”, “rửa sạch” sự ác nơi tội nhân, hoặc phải quay “trở lại” với Thiên Chúa, phải từ bỏ thái độ và ý hướng bất chính để trở nên con người mới. Những khuynh hướng hoặc bản tính xấu, những cảm giác, những ấn tượng về điều xấu, những cám dỗ đều không phải là tội; bởi tội là hành vi tự do, là cái nằm trong phạm vi trách nhiệm. Bảy “mối tội đầu”: kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng là những căn nguyên, những khuynh hướng đưa đẩy đến chỗ phạm tội, nếu cứ nhường bước, không chống trả lại.

Cuối cùng, tội mang một chiều kích siêu nghiệm, khiến tội nhân rơi vào tình trạng “thông đồng” với Sự ác, với Ác quỷ, với “những quyền lực tối tăm.” Trong tông huấn Reconciliatio et Poenitentia, (2.12.1984), Đức Gioan Phaolô II nhận định: “Trong nơi sâu thẳm của đáy lòng con người, một số yếu tố tác dụng, đặt tội lỗi ở bên kia bờ thuần túy nhân bản, nơi lương tâm, ý chí và tình cảm con người chạm trán với những quyền lực tối tăm, mà theo thánh Phaolô, đang hoạt động giữa thế gian và hầu như đang thống trị thế giới (x. Ep 2:2; 6:12).” Vì thế, Kinh Thánh nói về “mầu nhiệm tội ác” mà chỉ Thiên Chúa mới tiêu diệt được.

Phép Tha Tội

Đối ngược với “mầu nhiệm tội ác” thì có “mầu nhiệm xót thương.” Tin mừng kết tinh ở điểm loan báo cho biết Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến nỗi “không gì – cho dầu là thiên thần hay ma vương quỷ lực… hoặc bất cứ sức mạnh nào khác – có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Người, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39). Đức Kitô đã thiết lập Giáo hội như một cơ chế tha thứ; giáo hoàng Gêlasiô (năm 495) đã viết: “Không có tội nào mà Giáo hội không cầu nguyện cho được tha thứ; và nhờ quyền năng Thiên Chúa đã ban cho, Giáo hội có thể tha cho bất cứ lỗi tội nào, nếu tội nhân biết trở lại, lánh bỏ tội lỗi, hoặc xá tội cho những kẻ thống hối” (DS 349). Chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội; nhưng kitô hữu tin rằng Thiên Chúa dùng Giáo hội làm khí cụ ban ơn tha thứ.

Đức Giêsu sai các tông đồ rao giảng Tin mừng cho muôn dân và ban Phép Rửa (x. Mt 28:19) để họ được cứu độ (x. Mc 16:16); vì thế, khi giảng xong, trả lời cho đồng bào hỏi phải làm gì, thánh Phêrô khuyên: “Anh em hãy sám hối và mỗi người hãy chịu Phép Rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội” (Cv 2:38). Tội lỗi được đồng hóa với sự chết, nên Phép Rửa được hiểu như là cuộc tái sinh (x. Ga 3:5); viết cho Titô, thánh Phaolô giải thích: “Nhờ Phép Rửa [Thiên Chúa] ban ơn Thánh Thần để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3:5). Khai triển ý niệm về Phép Rửa qua nhiều đoạn viết, vị tông đồ tóm tắt như sau trong thư gửi giáo đoàn Rôma: “Khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài; vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài; bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:3-4).

Như thế có nghĩa tha tội là khía cạnh tiêu cực của Phép Rửa; còn khía cạnh tích cực là gắn bó mật thiết với Chúa Kitô, tức là “cùng chết” với Ngài (bỏ những gì xấu xa, bỏ tội lỗi, bỏ ‘con người cũ’, v.v.) và “cùng sống lại” với Ngài (được ‘sinh khí’ thần thiêng, được ghép vào Ngài như nhành vào thân cây hoặc như chi thể vào thân thể, trở nên ‘con người mới’, v.v.). Kinh Thánh nhấn mạnh đến ơn Thần Khí và ơn nghĩa tử. Thần Khí ban sự sống, trái với tội là nguồn sự chết (x. Rm 8:2); thần học hiểu rằng tội là sự chết của linh hồn, còn Thần Khí thì ban sự sống siêu nhiên. Vậy nếu sống nhờ Thần Khí thì kitô hữu trở nên nghĩa tử của Chúa Cha và kẻ thừa tự cùng với Con Một, Con ruột, là Đức Kitô (x. Rm 8:15-17). Khi nói về các mầu nhiệm thì phải dùng đến phép ẩn dụ, vì ngôn ngữ loài người không có khái niệm để diễn tả thích đáng nội dung theo nghĩa đen; mà nội dung ấy lại là thực tại cần được ý thức của cuộc sống chúng ta. Cũng theo nghĩa bóng, tội được gọi là tối tăm; vì thế, Phép Rửa được hiểu như là ánh sáng chiếu soi (x. Dt 6:4), hoặc như là cuộc “giải thoát khỏi quyền lực tối tăm để đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; trong Ngài ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi” (Cl 1:13-14). Phép Rửa là bí tích thứ nhất, là điều kiện để nhận được các bí tích khác và là cửa mở lối đưa vào Hội Thánh.

Trong Hội Thánh thì sao? Đáng tiếc là trong “không gian thánh” này cũng gặp thấy những tội nhân. Sách Giáo Lý miêu trình:

“Chúa Giêsu Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Ngài đã từng tha tội và phục hồi sức khỏe thể xác cho người bại liệt. Ngài muốn Hội Thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần, tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Các chi thể của Hội Thánh rất cần điều này. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: bí tích Thống Hối và bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân” (số 1421).

Kitô hữu cũng bị cám dỗ, cũng sa ngã, cũng phạm tội. Vì thế, Đức Giêsu đã khuyên các môn đồ không chỉ nên sửa lỗi anh em mà còn phải tha thứ khi họ phạm đến mình (x. Mt 18). Nhưng khi họ phạm đến Chúa thì sao? Đức Kitô đã trao phó cho Phêrô và các tông đồ “quyền chìa khóa” Nước Trời (x. Mt 16:19; 18:18), nghĩa là nhờ Thần Khí, Giáo hội có được quyền tha tội: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:23). Vậy Thiên Chúa muốn nhờ con người tha tội cho con người. Trong Giáo hội quyền ấy được thể hiện rõ trong các bí tích Rửa tội, Giải tội (hoặc Thống hối, Hoán cải, Thú tội, Tha tội, Giao hòa…) và Xức dầu. Tội lỗi không chỉ là sự ác vô hình, mà còn điều gây hại cho anh chị em, cho Giáo hội, vì thế tội nhân phải hòa giải không những với Thiên Chúa vô hình mà còn với cả Giáo hội hữu hình nữa. Nói theo kiểu dụ ngôn, nhờ phép Giải tội, chiên lạc được trở về trong chuồng chiên của Chúa. Nếu biết thống hối về lỗi lầm quá khứ, quyết chí tự hậu sẽ tuân hành ý Chúa và thú tội với Giáo hội, thì Thiên Chúa sẽ tha hết mọi tội lỗi và biến tội nhân thành người công chính. Nguồn suối phát sinh năng quyền này là chính Đức Kitô, Đấng “đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để chúng ta trở nên công chính” (Rm 4:25); trong bí tích Thánh Thể, Máu Ngài “đổ ra cho mọi người được tha tội.” Ơn tha tội hằng theo sát tín hữu từ khi chào đời (Thánh tẩy), qua suốt trong cuộc sống (Giải tội) cho đến giờ phút cuối đời (Xức dầu). Vì thế, tin phép tha tội là Kitô giáo tuyên xưng niềm hy vọng, cậy trông vào nơi lòng nhân hậu của Thiên Chúa, cũng như nói lên lòng biết ơn Người đã để lại trong Giáo hội những khí cụ hữu hình giúp cho các tín hữu gặp được dễ dàng ơn cứu độ qua tác vụ của những anh em đã được cắt đặt.