Hợp Tuyển Thần Học

Tôi Tin Kính Đức Giêsu Kitô

Tôi Tin Kính Đức Giêsu Kitô

Mục Lục
Tôi tin kính Đức Giê-su Kitô. Là Con Một Đức Chúa Cha cùng là Chúa chúng tôiTôi tin kính một Chúa duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, Con một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời: Ngưởi là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha. Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành.

Tín điều thứ hai trong Kinh Tin Kính là tâm điểm của Kitô giáo. Niềm tin vào Đức Kitô là nét đặc thù của kitô hữu, nói lên điểm khác biệt độc đáo so với tín hữu các tôn giáo độc thần khác. Nói “tin” là đặt cả niềm tín thác vào Thiên Chúa; vì thế câu này giả thiết đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi. Phẩm tính của niềm tin vào Đức Kitô và vào Chúa Cha là như nhau. Vấn đề đặc biệt của Kitô giáo chính là ở đây: một con người – vì không ai nghi ngờ Đức Giêsu là một con người! – mà kitô giáo lại tuyên xưng là Thiên Chúa! Xác tín ấy xem ra như là điên rồ, gây chướng ngại. Sao mà một cá nhân lại có thể có tầm quan trọng quyết định cho toàn bộ lịch sử? Làm sao một hữu thể bất tất lại có thể có giá trị tuyệt đối? Tại sao duy chỉ một người Do thái ấy chứ không phải là ông Phật, ông Khổng, hoặc bất cứ ai khác? Tính nghịch lý của Kitô giáo lộ hiện rõ nhất ở điểm này.

Về Chúa Giêsu Kitô, Kinh Tin Kính tuyên xưng hai điều: Ngài là ai và Ngài làm gì, tức là nói về căn tính và nhiệm vụ hoặc sứ mạng của Ngài; nói về Đức Kitô trong chính bản thân Ngài và đối với loài người. Thử tìm hiểu về điểm thứ nhất.

Giêsu-Kitô

Trước hết là tên gọi của Ngài: là một tên ghép bởi hai từ “Giêsu” và “Kitô”. “Giêsu” trong tiếng Aram của Ngài là Yehoshua, hoặc Yoshua, ghi ra trong tiếng Hy lạp là Iesous và trong tiếng Latinh là Iesus. Trong văn hóa Do thái, đó là một tên thông thường dùng để chỉ người, như đọc thấy trong trường hợp của nhiều nhân vật Kinh Thánh, chẳng hạn như của ông Giôsuê. Sinh thời Đức Giêsu, có nhiều người mang tên này, như sử gia Giôsêphô thuật lại cho biết; thánh Phaolô cũng có một bạn đồng hành tên là Giêsu (x. Cl 4:11). Từ Giêsu có nghĩa là “Giavê cứu giải” như thiên thần đã giải thích cho thánh Giuse (x. Mt 1:21). “Kitô” tức là khristós trong tiếng Hy lạp, có nghĩa là “(được) xức dầu” và đó là tước hiệu dịch ra của từ mêsia trong tiếng Do thái. Mêsia là đấng Giải phóng dân Ítraen mong chờ theo lời Chúa hứa trong Cựu Ước. Kitô giáo đã ghép Giêsu lại với Kitô để làm thành công thức biểu đạt một tín điều. Quả vậy, “Đức Giêsu là Kitô” và đó là tín biểu xưa nhất trong Kitô giáo. (x. Sách Giáo Lý số 430-440).

Chính Đức Giêsu không bao giờ tự xưng là Kitô; Ngài thưòng dùng danh hiệu “Con Người”. Trong bốn Phúc Âm, Đức Giêsu được gọi là “Con Người” 81 lần; điều lạ là chính Giêsu tự xưng như vậy, chứ không bao giờ các môn đệ hoặc người khác gọi Ngài như thế. Thường danh hiệu ấy chỉ giản dị có nghĩa là “tôi”; cách nói như vậy trong tiếng Aram tương đối dễ hiểu; nhưng nhiều khi cũng ám chỉ đến sách Ðaniên, 7:13tt, nói về một “Con Người” từ trời xuống để thống trị muôn dân. Sau biến cố phục sinh, các tông đồ không dùng tước hiệu này vì nó mang ý nghĩa nước đôi trong tiếng Hy lạp.

Giêsu Kitô đã trở thành tên riêng của một nhân vật lịch sử, của Đấng được kính yêu bậc nhất trong Kitô giáo. Từ thế hệ kitô hữu thứ hai, Giáo hội đã bắt đầu hiểu như thế. Các kitô hữu không Do thái ít khi để ý đến hậu cảnh mêsia của danh hiệu Kitô, bởi khristós có thể là một tên gọi thông thường, như chẳng hạn onésimos (“hữu ích”) là tên của một nô lệ được thánh Phaolô rửa tội và trở thành cộng sự viên của ngài. Dân ngoại đã hiểu như vậy, nên mới gọi các môn đồ của Đức Kitô là khristianós, “kitô-hữu” (Cv 11:26). Vì thế, trong khi các danh hiệu khác, như Con Người, Con vua Đavít, Lời Thiên Chúa, Tiên Tri, Chiên Thiên Chúa, v.v. vẫn mãi là những tước hiệu, thì “Giêsu-Kitô” đã trở thành tên riêng của Đức Giêsu. Như thế, có lẽ là vì khi Đức Giêsu hỏi: các con nghĩ Thầy là ai? thì trong câu trả lời, ông Simon Phêrô đã nói lên đúng căn tính của Ngài: Thầy là Đấng “Kitô” (x. Mc 8:29). Tên ghép Giêsu-Kitô xuất hiện ít là 136 lần ở trong Tân Ước, nơi tất cả các bản văn, trừ Lc và 3Ga ra, và Kitô-Giêsu 86 lần, chỉ trong văn bộ Phaolô, trừ một lần ở trong Cv 24:24, nhưng cũng là câu ghi lại lời của Phaolô. Có thể nền tảng của giai đoạn khai tâm kitô là việc tuyên xưng tín điều: Đức Giêsu Nadarét là Đấng Xức dầu của Thiên Chúa, Đấng Cứu thế. Do đó, thần học nghĩ rằng thánh danh “Giêsu-Kitô” là mẫu thu gọn của kitô học, là hạt giống làm nẩy sinh toàn bộ thần học kitô.

Thánh danh Giêsu-Kitô cũng nói lên tính chất đặc thù của đức tin kitô: vừa lịch sử mà cũng vừa siêu nghiệm. Đức Giêsu là một nhân vật lịch sử, cụ thể, đã sống thời hai hoàng đế Rôma: Augustus và Tiberius, như sử gia Do thái Giôsêphô ghi chép, và như các sử gia Rôma: Tacitus, Suetonius và Plinius nhất trí xác nhận. Đức Kitô cho thấy sứ vụ của Ngài là làm cho các lời tiên tri nói với Ítraen ứng nghiệm, là hiện thực hóa mối hy vọng của dân tộc này. Vì vậy, muốn hiểu Đức Giêsu-Kitô là ai, thì phải suy luận với ánh sáng của lịch sử cũng như với ánh sáng của đức tin; còn nói về Ngài thì cùng lúc có nghĩa là thông báo biến cố, mà cũng vừa là tuyên xưng đức tin. Thành ra thần học kitô được dệt bằng sợi ngang là văn hóa và bằng sợi dọc là mạc khải. Trong Tân Ước, các Phúc âm tập trung chú ý vào lịch sử của con người Giêsu, còn văn bản của các tông đồ thì nêu bật sứ vụ của Đức Kitô; tuy nhiên, tất cả đều nhất trí làm chứng về Đức Giêsu-Kitô. Tựu trung, bởi vì Ngài là thần-nhân, nên tâm điểm của kitô học là thực trạng tương quan trong bản thân Đức Giêsu-Kitô, giữa con người với Thiên Chúa (nói cách cụ thể), giữa nhân tính với thiên tính (nói cách trừu tượng), và nắm vững sự hiệp nhất (của một bản ngã) trong hai thực tại (hai bản tính).

Nhân vật lịch sử Giêsu Nadarét có sức thu hút nhiều người; họ giống như Hêrôđê hồi xưa, tò mò muốn biết về Ngài. Giới trí thức Tây phương đã đặc biệt để ý đến Đức Giêsu, như I. Kant, hoặc tỏ lòng cung kính đối với Ngài như Voltaire, hoặc lấy Ngài làm trọng tâm cho tư tưởng của mình như G.W.F. Hegel; trong làng Karl Marx cũng không thiếu chi kẻ tôn trọng Ngài như F. Engels, K. Kautsky, và đặc biệt là E. Bloch, người đã coi Đức Giêsu là nhân vật số một trong lịch sử nhân loại, hoặc như M. Manchovec, là tác giả của một cuốn sách đáng kể viết về Ngài.

Còn đối với kitô hữu, danh hiệu “Giêsu-Kitô” là tên gọi cao quý nhất. Ngay từ đầu, tên “Giêsu-Kitô” đã trở thành “Thánh Danh” thay thế yhwh, Danh Giavê. Khi Luca trích lời sứ ngôn Gioen nói về việc “kêu cầu danh Chúa” (Cv 2:21), thì “Chúa”có nghĩa là Giavê; và sau này các kitô hữu được gọi là “những ai kêu cầu danh Chúa” (Cv 9:14), tức là kêu cầu Danh Đức Giêsu Kitô. Thánh Danh này là nguồn phát sinh “năng lực tông đồ”: Phêrô làm phép lạ đầu tiên “nhân danh Đức Giêsu-Kitô” (Cv 3:6; x. 4:30), và Phaolô được chọn “để mang danh Ta đến trước các dân ngoại” (Cv 9: 15); thay vì nói rao giảng Tin mừng, thì dùng thành ngữ “nói nhân danh ấy” (Cv 4:17; 5:28, v.v.). Vinh dự của các kitô hữu là được “chịu khổ nhục vì danh” (Cv 5:41), vì “nhờ danh Ngài mà họ được ơn tha tội” (x. Cv 10:43). Kinh nghiệm đã đưa Giáo hội đến chỗ có được niềm tin vững chắc rằng “không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại để chúng ta phải nhờ danh đó mà được cứu độ” (Cv 4:12).

Danh xưng thay thế cho bản thân con người. Chịu khổ vì danh Ta là khịu khổ vì Ta; lời khen thủ lãnh giáo hội Pergamô nói là: “Ngươi gắn bó với danh Ta” (Kh 2:13) có nghĩa là ‘con trung thành với Ta.’ Danh hiệu nói lên căn tính của người mang danh hiệu, như Simon trở thành Phêrô là Đá; ban cho ai một tên mới (x. Kh 2:17) là cùng lúc Chúa ban cho một căn tính mới. Thánh Danh Giêsu-Kitô nói lên bản thân của Ngài, sứ mạng của Ngài, công đức của Ngài, và bởi Thánh Danh ấy cao trọng nhất, nên “khi nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật đều phải bái quỳ” (Ph 2:10). Đó là ý nghĩa tiềm ẩn trong câu tuyên tín “Tôi tin kính Đức Giêsu-Kitô”: trí khôn đón nhận, tâm lòng kính yêu.

Cụ thể, Giáo hội luôn dựa vào danh thánh này mà cầu nguyện; chính Đức Kitô đã cho biết: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16:23); chính vì thế, bao giờ phụng vụ cũng kết thúc các lời cầu với công thức: “Nhờ Đức Giêsu-Kitô…” Các hình thức sùng kính bình dân thì có nhiều, từ ký hiệu jhs cho đến kinh cầu danh thánh Giêsu trong Giáo hội Latinh, hoặc hình thức gọi là Jesus Prayer trong Giáo hội chính thống. Noi gương thánh Bécnácđinô († 1444), tín hữu công giáo có thói lành kêu tên Giêsu ở cuối kinh Kính mừng; một thói lành khác là xướng tên “Giêsu” như là một lời nguyện ngắn; có rất nhiều nhà thờ và tổ chức công giáo mang tước hiệu “Thánh Danh Giêsu”, rồi còn có hội Danh Thánh (sáng lập sau công đồng Lyon, 1274), và Dòng Tên là dòng mang chính tên Giêsu. Phụng vụ lại có lễ trọng mừng kính Thánh Danh Giêsu vào ngày mồng một tháng giêng.

“Danh xưng Giêsu cho thấy chính danh thánh Thiên Chúa hiện diện trong con người Chúa Con, Đấng làm người để cứu chuộc mọi người khỏi tội cách dứt khoát. Danh xưng Giêsu là danh xưng thần linh, danh xưng duy nhất mang lại ơn cứu độ. Từ nay mọi người có thể kêu cầu Danh Giêsu, vì nhờ mầu nhiệm Nhập Thể, danh xưng ấy đã kết hiệp với tất cả mọi người, đến nỗi “dưới gầm trời này không danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Giáo Lý… số 432).

Kinh Thánh giới thiệu Đức Giêsu-Kitô với nhiều tước hiệu khác nhau; Kinh Tin Kính chỉ chọn ba tước hiệu: Kitô, Con Thiên Chúa và Chúa chúng ta.

Tước hiệu Kitô giúp cho hiểu bản thân Đức Giêsu về mặt sứ mệnh. Nhưng nơi Ngài sứ mệnh là căn tính thọ tạo (nhập thể) của Ngài. Vì thế, rất thường khi thánh Phaolô gọi Ngài bằng danh hiệu Kitô-Giêsu. Kinh Tin Kính Rôma trong dạng xưa nhất, cững dùng cách gọi này, như thấy được trong thư của Clêmentê (khoảng năm 98). Vì tên “Giêsu” là tên tiếng Do thái, nên đối với người không Do thái, tên “Kitô” – trong tiếng Hy lạp dễ nhận hơn – đã trở thành tên gọi của vị sáng lập Kitô giáo”; do vậy, sứ giả Plinius (năm 112) viết như sau trong bản phúc trình lên hoàng đế Trajanus: “Họ (các kitô hữu) hát ca vịnh tán tụng ‘Đức Kitô’ như một thần linh.” Tên gọi Kitô (khristós) có nghĩa là “được xức dầu”; nhưng trong Ítraen lại được hiểu theo nhiều cách khác nhau: có một vị xức dầu “chính trị”, cũng gọi là con cháu Đavít (x. 2Sm 7:1-16), được mong chờ nhiều nhất là giữa đám dân chúng; có một “vị xức dầu của Aaron” (x. Xac 40:15) mà cộng đoàn Qumrân mong chờ; rồi có một vị sứ ngôn (x. Đnl 18:15-18) được mong đợi nhiều nhất sau cuộc đi đày (năm 586 tr.c.n.); và cuối cùng, sau bao nhiêu là cuộc thất bại, sách Đaniên 7:13-14 giới thiệu một nhân vật từ trời xuống, gọi là “Con Người”. Nhưng, có được giới thiệu dưới hình thức nào đi nữa, thì Đấng Mêsia (Kitô) vẫn là hiện thân niềm hy vọng của Ítraen.

Đức Giêsu xuất hiện và tự xưng là Con Người; dân chúng gọi Ngài là tiên tri, và Simon Phêrô tuyên xưng Ngài là Đấng Mêsia (Kitô). Vậy thì, có phải là vì do dự hay là vì muốn giới thiệu với các môn đồ mình mà Gioan Tẩy giả đã sai một nhóm đến hỏi: “Thưa Thầy, Thầy có đúng là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Và Đức Giêsu cho họ thấy mình đang thực hiện những điều các tiên tri đã nói trước (x. Mt 11:3-6). Ngài là Đấng ấy, nhưng trong một cách thức khác hẳn: là Kitô, là Con Người, nhưng phải chịu đau khổ nhiều (x. Mc 8:31). Đấng Kitô-Giêsu không giải phóng dân khỏi ách đô hộ Rôma, nhưng là khỏi ách tội lỗi; Ngài không xây dựng một nước Ítraen cho thành siêu cường, song là lo thiết lập Nước trời; Ngài không chỉ là con của Đavít, mà hơn nữa, là Con của Chúa Trời. Đó là những điều xem ra ảo tưởng, nhất là khi Ngài bị giới lãnh đạo tôn giáo Do thái kết án và nhà cầm quyền chính trị Rôma đóng đinh: thế là hoàn toàn thảm bại!?

Tính nghịch lý của Kitô giáo cốt tại đấy. Ngài bị giết chết nhưng rồi sống lại, và tất cả đều có ý nghĩa: các chứng nhân đã hiểu và đã tuyên xưng: “Vậy, toàn thể nhà Ítraen phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36).

Thiên Chúa đã xức dầu Đức Giêsu “bằng Thánh Thần và quyền năng” (Cv 10:38), và sai Ngài đi “loan báo Tin mừng cho kẻ nghèo hèn… trả tự do cho người bị áp bức, và công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4:18-19): đó là sứ vụ của Đấng Kitô. Đức Kitô này là đối tượng của đức tin, và mục đích sứ vụ ấy là niềm hy vọng của chúng ta: tự do và hồng ân. Thánh Phaolô chào môn đồ Timôthê nhân danh Đức “Kitô-Giêsu, niềm hy vọng của chúng ta” (1Tm 1:1). Tự do! Niềm hy vọng của thời nay. Nhân loại đã tiến bộ nhiều: không còn thuộc địa, mức độ giáo dục đã tăng cao, tưởng như đã vào tới “địa đàng”… Chao ôi! Khi mở mắt nhìn rõ, con người mới thấy mình đang là nô lệ: ngoài xã hội, là tôi đòi của công ty, của đẳng cấp, của thị trường, v.v.; trong nội tâm, là nô lệ của tham lam, của dục vọng… hoặc là nạn nhân của bệnh tật không tránh được và cuối cùng, làm mồi cho sự chết. Lúc sinh thời, Đức Kitô “đi tới đâu là Ngài thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế…” tức là cho kẻ bệnh tật (x. Cv 10:38) lành mạnh, có sức khỏe; là con vua Đavít, Ngài giải thoát khỏi ách quỷ dữ và tội lỗi, cùng trả tự do cho đồng bào mình và dân ngoại (x. Mt 15:21-28). Sau biến cố phục sinh, niềm hy vọng là chính bản thân Ngài, bởi “chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2Tm 1:10). Niềm hy vọng của kitô hữu không nằm ở tương lai, nhưng hiển hiện rõ ngay nơi Ngài: kết hiệp với Ngài là được tự do cùng với Ngài: “Chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta” (Gl 5:1). Kinh nghiệm của các kitô hữu đầu tiên là thấy mình được sống trong tự do: tự do “khỏi luật của tội và sự chết” (Rm 8:2), khỏi các cấm kị văn hóa hay tôn giáo (x. 1Cr 10:23-30), khỏi mọi thứ chủ nhân (x. 1Cr 3:21-23), cho dù vẫn còn có chủ ở dưới đất (x. 1Pr 2:18).

Nhắc đến tước hiệu “Kitô” là nói tới niềm hy vọng cánh chung; “cánh chung” có nghĩa là tuyệt đối bây giờ và sau này, lịch sử và siêu sử. Qua Kinh Tin Kính, tín hữu thành thật tuyên xưng: Tôi tin tưởng ở Đức Giêsu-Kitô, tức tôi trông cậy ở Ngài, tôi nương nhờ Ngài, v.v. Niềm hy vọng này mang tính chất năng động: một đàng, đã hoàn toàn thành tựu nơi Ngài; đàng khác, còn đang trên đường hình thành nơi “Kitô toàn thể” (Christus totus) như thánh Âugutinô nhận định. Thân thể Đức Kitô đang lớn lên, Hội thánh đang tăng số và ngày càng thánh thiện thêm, lịch sử đang tiến theo chiều hướng hoàn mỹ, v.v… cho đến khi đạt “tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4:13). Quả thế, Đức Kitô là khía cạnh nhiệm mầu của mọi sự; qua Nhập thể, Ngài đã mặc lấy tính chất tạo vật, liên đới với mọi tạo vật, vì Ngài không chỉ là đầu của Hội thánh (x. Ep 1:22; Cl 1:18), mà còn là đầu của “các quyền lực thần thiêng” (Cl 2:8), và là cùng đích của mọi sự (x. Cl 1:15-20). Vì thế, trong Kitô giáo, không thể có chỗ cho thuyết định mệnh. Đức Kitô là ý nghĩa trọn vẹn của toàn bộ lịch sử; về điểm này, công đồng Vaticanô II giải thích:

“Quả thực, Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành, đã nhập thể. Là con người hoàn hảo, Ngài cứu rỗi mọi người và kết thâu vạn vật nơi Ngài. Đức Kitô là cùng đích của lịch sử nhân loại, là điểm quy tụ mọi ước vọng của lịch sử và văn minh, là trung tâm của nhân loại, là niềm vui của mọi tâm hồn và lời ứng đáp cho mọi niềm khao khát. Chính Ngài là Đấng Chúa Cha đã phục sinh từ kẻ chết, đã tôn vinh và cho ngự bên hũu, đặt làm thẩm phán kẻ sống và kẻ chết. Được sống động và tụ hợp trong Thánh Thần Ngài, chúng ta đang hành trình hướng về chung cục lịch sử nhân loại, đúng với ý định yêu thương của Ngài: ‘kết thâu tất cả trong Chúa Kitô: mọi sự trên trời dưới đất’.” (GS 45b).

Khẳng định như thế xem ra lố bịch, tự phụ; nhưng đó quả là kết luận thần học rút tỉa được một khi đã sống qua kinh nghiệm với Chúa phục sinh và Thần Khí. Đó là ý nghĩa của lời Kinh Thánh nói rằng Đức Kitô là Α và Ω: khởi nguyên và chung điểm của muôn vật. Khẳng định này mang ý nghĩa không phải là vũ trụ quan (có thể giả thuyết của P. Teilhard de Chardin đã gợi ý theo chiều hướng này), song là cứu độ luận, như thư Êphêsô viết: “Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới một Đầu là Đức Kitô…” (Ep 1:10), hoặc như thư Côlôxê cho biết: “Thiên Chúa muốn nhờ Ngài mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình; nhờ máu Ngài đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và trên trời” (Cl 1:20). Đức Kitô đang hằng giây hằng phút tác động qua Hội thánh, qua mỗi tín hữu, qua mọi người thiện chí… Đó là điều chúng ta tin: “Thiên Chúa cho ta biết thiên ý nhiệm mầu, là kế hoạch yêu thương…” (Cl 1:9); nhiệm vụ mọi thời và hiện nay của Hội thánh là làm cho mọi loài chấp nhận Ngài là thủ lãnh của mình, nhận biết khôn ngoan thần thiêng này, dù có lẽ họ cho đó là điên rồ (x. Ep 3:10). Đó cũng chính là nguồn phát sinh thái độ lạc quan trong Kitô giáo, cũng như quyết tâm tích cực hoạt động để làm cho thế giới nên tốt đẹp hơn.

Con Một Đức Chúa Cha

Câu này gợi ý về Thiên Chúa Ba Ngôi và đặt Đức Giêsu trong quan hệ với Ngôi Cha. Tước hiệu “Con Thiên Chúa” xuất hiện nơi những tín biểu xưa nhất; thật ra, nhiều lần Tân Ước nhắc đến tước hiệu này, và đặt dính liền với “Kitô” như đọc thấy chẳng hạn trong lời Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Tước hiệu cũng đã có mặt trong Cựu Ước với nhiều ý nghĩa khác nhau. Trước hết, nó mang ý nghĩa đối lập với danh hiệu của vua Aicập, Pharaô, cũng tự xưng là con Thiên Chúa: Môsê nói với Pharaô: “Đức Chúa phán thế này: ‘Con đầu lòng của Ta là Ítraen’.” (Xh 4:22). Vua Ítraen cũng được gọi với tước hiệu như thế, như đọc thấy trong Thánh vịnh 2: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” (Tv 2:7), ý nói về ngày đăng quang. Cuối cùng, văn chương khôn ngoan áp dụng tên gọi này cho các tôi tớ Chúa, cả thiên thần lẫn con người: Tv 29:1 gọi chư thần là “con Thiên Chúa” (x. Job 1:6), và sách Khôn ngoan 2:18 cũng gọi người công chính như vậy. Ý muốn nói Thiên Chúa mến yêu họ cách đặc biệt. Do thái giáo không bao giờ gọi Đấng Mêsia (Kitô) là con Thiên Chúa.

Trong Tân Ước, không bao giờ Đức Giêsu tự xưng là “Con Thiên Chúa”, nhưng cư xử như Con thật của Thiên Chúa. Trong Phúc âm nhất lãm, Đức Giêsu được gọi là “Con Thiên Chúa” do người bị quỷ ám (Mt 8:29) và do các môn đồ (x. Mt 14:33), với ý nghĩa tương tự như: “người của Thiên Chúa” hoặc “đấng thánh của Thiên Chúa” (Mc 1:24), hoặc đấng Kitô (x. Lc 4:41). Trên núi Sọ, viên sĩ quan Rôma cũng gọi Đức Giêsu là “con Thiên Chúa” (Mt 27:45), với ý nghĩa là “người công chính” (Lc 23:47). Sâu xa hơn thì có lời của sứ thần báo cho Đức Maria: “Ngài sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao…” vì sẽ là Mêsia và do Thần Khí mà sinh ra (x. Lc 1:32). Ý nghĩa chỉ về Con đích thực của Thiên Chúa xuất hiện trong các trình thuật về phép rửa và cuộc biến hình: lời của Thiên Chúa gọi Đức Giêsu là “Con yêu dấu” (Mt 3:17; 17:5). Nếu đối chiếu với messiah thì lời này muốn nói rằng Đức Giêsu là Kitô vì là Con, chứ không phải là Con vì là Kitô.

Phúc âm nhất lãm cho thấy rõ: qua các việc Ngài làm, Đức Kitô ý thức được mình là Con Thiên Chúa. Ngài đánh bại Satan (x. Mc 3:27); Ngài tha tội, là hành động thuộc quyền đặc thù của Thiên Chúa (x. Mc 2:5-7); lời Ngài tồn tại mãi như là lời của Giavê vậy (x. Mc 13:31→ Is 40:8), và Ngài giảng dạy có uy thế (x. Mc 1:21) đến nỗi lời Ngài thay thế lời Chúa trong Cựu Ước (x. Mt 5:21-48). Ngài lớn hơn đền thờ (x. Mt 12:6), và là chủ ngày sabát (x. Mt 12:8). Như thấy trong Phúc âm theo Luca, từ lời đầu (x. Lc 2:49) cho đến lời cuối (x. Lc 23:46), Ngài gọi Thiên Chúa bằng Cha; Ngài dùng cách xưng hô abba, “bố” như con thân thiết; và, cách tuyệt đối, Ngài tự xưng là Con, ý thức rằng mình biết Thiên Chúa như con biết cha mình, và Cha ấy đã giao phó mọi sự cho mình (x. Mt 11:25-27).

Sau biến cố phục sinh, những “hạt giống đức tin” này đã chín muồi. Tuyên tín Đức Kitô là Con Thiên Chúa đi liền với Phép rửa; khi Philiphê rửa tội cho viên thái giám Êthióp, ông này tuyên xưng: “Tôi tin Đức Giêsu-Kitô là Con Thiên Chúa” (Cv 8:37). Và sau khi chịu Phép rửa, “Saulô lập tức bắt đầu rao giảng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa” (Cv 9:20). Trong các thư ngài viết, Phaolô gọi Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa” 18 lần. Chính Phaolô đã khai triển thần học về “Con Thiên Chúa”: Đức Giêsu là Con Một, Con do bởi bản tính; còn các kitô hữu là nghĩa tử, vì được thông phần vào tính chất làm con của Ngài. Con Một này của Thiên Chúa hiện hữu “trong thân phận Thiên Chúa” (Pl 2,6) trước khi sinh ra, nhưng “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ…” (Gl 4:4). Tín khoản này xuất hiện rõ nhất trong văn bộ Gioan; Phúc âm thứ tư cho thấy luôn luôn Đức Giêsu tự xưng mình là Con và nói Thiên Chúa là Cha mình. Gioan gọi Ngài là monogenés, “Con duy nhất” (Ga 1:14,18, v.v.), sống trong vinh quang thần thiêng trước khi thế giới được tạo thành (x. Ga 17:5). Đối với Ngài, sống là làm ý của Cha, và chết là trở về với Cha; tựu trung, Cha và Con chỉ là một (x. Ga10:30). Tính nghịch lý nơi con người Đức Giêsu xuất hiện rõ: dù vốn là Thiên Chúa (x. Ga 1:1), Ngài đã trở nên xác phàm (x. Ga 1:14); vì thế, Ngài được sai, và phải vâng lời Cha, vì Cha lớn hơn mình (x. Ga 14:28); tuy nhiên, vì là Thiên Chúa, Ngài có toàn quyền, Ngài là nguồn sự sống đời đời, Ngài ngang hàng với Chúa Cha (x. Ga 10:30). Vì vậy, Gioan đã có thể viết:

“Chúng ta biết rằng Con Thiên Chúa đã đến và ban cho chúng ta trí khôn để biết Thiên Chúa thật; chúng ta ở trong Thiên Chúa thật, ở trong Con của Người là Đức Giêsu-Kitô. Đức Giêsu-Kitô là Thiên Chúa thật và là sự sống đời đời” (1Ga 5:20).

Về phương diện tri thức, cả một chuỗi vấn nạn dấy lên chung quanh tính chất làm Con của Đức Kitô. Các giáo phụ nói về tính chất làm con theo hai mặt: con của Chúa Cha và của Đức Maria. Từ đó xuất hiện vấn nạn về bản tính: bởi Cha thì có thiên tính, bởi mẹ thì có nhân tính. Sau nhiều thời gian dài tranh luận, Kinh Tin Kính của công đồng Nixê và Côngxtăntinốp xác định rằng:

“Con một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời: Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, Ánh sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật; được sinh ra mà không phải tạo thành, đồng bản tính với Đức Chúa Cha.”

Công thức này kết án một quan điểm của lạc giáo Ariô, bởi lạc giáo này chủ trương Đức Kitô thì hơn con người nhưng thua Thiên Chúa. Ba khẳng định đầu có nghĩa: hẳn Đức Giêsu là Thiên Chúa, nhưng vì sinh bởi Chúa Cha, nên là Con. Ariô nghĩ Đức Giêsu chỉ là một tạo vật vì bởi Chúa Cha mà ra; nhưng công đồng lại dạy rằng sinh ra thì khác với tạo thành; “sinh ra” là một lối nói ẩn dụ theo ngôn ngữ loài người; vì thế khẳng định cuối này có tính cách triết lý hơn, cho nên cũng chính xác hơn: Cha và Con có bản tính như nhau; ở giữa nhân loại, người con đâu có kém người cha về mặt bản tính, tức nhân tính, thì cũng vậy Chúa Con (Đức Giêsu) là Thiên Chúa hệt như Chúa Cha vậy, chứ không kém thua gì. Trong Thiên Chúa, giữa Ba Ngôi: Cha, Con, Thánh Thần thì có trật tự chứ không có trật bậc. Không thể chấp nhận chủ trương của lạc giáo cho rằng đã có một thời có Cha mà không có Con, bởi Cha và Con thì như hình với bóng. Còn xét về phía mẹ, Đức Giêsu là con người như chúng ta, như sẽ bàn dưới đây.

Sau khi tuyên xưng: “Đồng bản tính với Đức Chúa Cha” để cho thấy tự bẩm sinh Đức Kitô là gì, là ai, Kinh Tin Kính tiếp tục giải thích: “Nhờ Người mà muôn vật được tạo thành” để nói về phía ngoại tại của con người Ngài; về mặt này, Ðức Kitô là “trung gian sáng tạo”. Câu này xác định rõ Ðức Kitô cao hơn các tạo vật, tựa như tác giả thì cao hơn tác phẩm. Ở đây, Giáo hội chỉ nhắc lại lời của Phúc âm Gioan: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có chi được tạo thành” (Ga 1:3). Sở dĩ dùng cách nói như thế là sửa sai lạc giáo Ariô, là lạc giáo khởi sinh từ cách Ariô suy luận về ý niệm “Lời” trong triết lý Hy lạp, cũng như do bởi ông đã quên mất câu đầu trong Phúc âm thứ tư: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1:1). “Lời” không phải là một sự vật, một điều, mà là một “Ngôi vị”, không phải là tạo vật, mà là Tạo hóa. Đó là đức tin kitô đã được xác định và biểu đạt rõ từ thời sơ khai.

Có hai mặt trong nỗ lực suy tư về Chúa Con: xét về phía Ngài, trong cõi vĩnh cửu, Đức Giêsu-Kitô là Thiên Chúa toàn năng, v.v… như đã thấy trên đây khi nói về Thiên Chúa; xét về phía chúng ta, ở giữa lòng lịch sử, Ngài là Đấng làm trung gian. Trước hết, Con là hình ảnh (hữu hình) của Cha (vô hình), tức là trung gian mạc khải. Thư Do thái viết rõ: “Trước xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử… Ngài là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa…” (Dt 1:1-3). Hệ quả đầu tiên là chúng ta chỉ đích thực biết được Thiên Chúa qua Đức Giêsu-Kitô. Ngài nói với các môn đồ: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11:27); tất cả giáo huấn của Đức Giêsu là một bài dạy về Chúa Cha; vì thế, lúc cuối đời Ngài đã thưa: “Lạy Cha, Con đã cho (các môn đồ) biết danh Cha” (Ga 17:6). Nhưng, còn hơn lời Ngài, chính bản thân và sinh hoạt của Ngài mạc khải Chúa Cha. Vì là bộ mặt hữu hình của Chúa Cha, nên Đức Giêsu đã có thể nói với Philipphê: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14:9). Vì Đức Giêsu là Con, nên mới biết được Thiên Chúa là Cha. Và Ngài nói với người Do thái: “Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi; còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó” (Ga 10:37-38). Vì thế, muốn biết Thiên Chúa thì phải nhìn vào Đức Giêsu; chẳng ai thấy, biết được diện mạo của Thiên Chúa trừ ra qua bộ mặt Đức Giêsu, Emmanuel, Thiên Chúa-ở-với-ta: Thiên Chúa toàn năng là Đức Giêsu bất lực; Ðấng Sáng tạo vũ trụ là Đức Giêsu đang phục vụ dân đen…

Con Thiên Chúa cũng là trung gian của ơn làm nghĩa tử: trong Con Một, chúng ta trở nên con cái Chúa Cha. Thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ… hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5). “Bẩm sinh chúng ta là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Ep 2:3), vì là con cái của nhân loại tội lỗi; nhưng hiện giờ “để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Abba, Cha ơi!” (Gl 4:6). Thánh Phaolô dùng cụm từ “trong Đức Kitô” để chỉ tình trạng hiệp thông mật thiết giữa kitô hữu với Ðức Kitô, như chi thể với thân thể, như nhánh với thân cây. Ðã trở nên một với Con Một, kitô hữu được Chúa Cha đoái nhìn và yêu mến, bởi mang trong mình những gì Người nhìn thấy và yêu mến nơi Con Một của Người là Ðức Kitô. Điều đó giúp cho hiểu tầm quan trọng của giáo lý về hình ảnh Thiên Chúa: được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, quả con người phải trở thành hình ảnh thực sự của Con Một, Đức Giêsu: “hình ảnh” ấy là cùng đích của đời người. Như thánh Phaolô viết: “Thiên Chúa đã tiền định cho [tín hữu] nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đức” (Rm 8:29). Ðức Kitô là mục đích của Thiên Chúa Tạo hóa, vì Con Một là hình ảnh bản thể Thiên Chúa, đã hóa thành tạo vật, đã làm người, là nguồn phẩm giá cho loài người và là tạo vật duy nhất Thiên Chúa yêu mến vì chính phẩm giá nội tại của tạo vật ấy (x. GS 22); công đồng Vaticanô II quả quyết rằng kẻ nào nên giống Đức Giêsu, “con người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ trở nên người hơn” (GS 41a). Các giáo phụ đề cập nhiều về cuộc “trao đổi kỳ diệu” trong mầu nhiệm Nhập thể: Con Thiên Chúa trở thành con người, để cho con người được trở thành con Thiên Chúa. Mục đích của mạc khải rốt cuộc cũng chỉ là thế, như thánh Gioan nêu rõ trong câu kết phúc âm thứ tư: “Nhũng điều được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài” (Ga 20:31).

Chúa Chúng Tôi

Tuyên xưng: “Tôi tin kính Đức Giêsu-Kitô là Chúa chúng tôi” là Kitô giáo muốn nêu rõ mối quan hệ cá nhân cũng như tập thể mà cộng đoàn tín hữu có với Ngài. Dường như lời tuyên xưng: “Đức Giêsu là Chúa” (Rm 10:9) là tín biểu xưa nhất, là lời tóm tắt mầu nhiệm về Ngài, là Con Người và Con Thiên Chúa.

Trong Tân Ước, danh tước “Chúa” xuất hiện 719 lần, với nhiều ý nghĩa khác nhau: có thể là cách gọi lịch sự như: quý vị, thưa ngài, hoặc để chỉ về “ông chủ”, hoặc được coi là tương đương với rabbi, nghĩa là “thầy”; nhưng cũng có thể mang ý nghĩa trọn vẹn hơn chỉ về Đấng Kitô hoặc Thiên Chúa. Thánh Phaolô dùng nhiều đến các danh tước sau đây: “Đức Giêsu-Kitô, Chúa chúng ta” 44 lần, “Chúa Giêsu” 24 lần, và “Chúa Giêsu-Kitô” 18 lần. Tuớc hiệu “Chúa” đã trở thành tước hiệu quan trọng nhất dùng để chỉ về Đức Giêsu.

Trong tiếng Hylạp, Chúa có nghĩa tương tự như ông hoặc ông chủ; và trong lãnh vực chính trị, đó là danh hiệu dùng cho vua chúa, nhất là cho các hoàng đế Rôma; nhưng trong ngôn ngữ tôn giáo, đó là tên gọi các thần linh. Vì thế, bản LXX (Kinh Thánh bằng tiếng Hy lạp) dùng từ Chúa (Kyrios) để dịch hai từ Hypri Ađonay và yhwh, chỉ về Thiên Chúa. “Chúa” không ám chỉ tới bản thể, nhưng tới chức năng; vì thế, Đức Giavê được gọi là “Thần các Thần và Chúa các Chúa” (Đnl 10:17). “Giavê là vua, đất hãy nhảy mừng” (Tv 97:1), và như thế Người không chỉ là Chúa của Ítraen, mà của toàn cầu, như các tiên tri thường nhấn mạnh (x. Mk 4:13)[[=tiên tri Mi-kha]]. Khi người Do thái không còn dám gọi thánh danh Giavê, thì họ gọi là “Chúa”, khiến “Chúa” đã trở thành tên riêng của Thiên Chúa Ítraen.

Tân Ước dùng danh hiệu “Chúa” với ý nghĩa trọn vẹn cho Đức Giêsu. Chính Đức Giêsu cũng đã áp dụng cho chính mình câu Tv 110:1: “Chúa [tức Giavê] đã nói cùng Chúa tôi [tức Mêsia]…” (Mt 22:43tt); cho đến sau biến cố phục sinh, các tông đồ mới hiểu đầy đủ về danh hiệu ấy. Thuyết giảng cho đồng bào mình, ngày Hiện Xuống, sau khi trích dẫn Tv 110:1, Phêrô đã kêu gọi: “Vậy xin toàn thể nhà Ítraen hãy biết chắc điều này: Đức Giêsu mà các anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). Vì môn đệ đã chứng kiến Ngài lên trời và hiểu là Ngài đang “ngự bên hữu Thiên Chúa,” nên Giáo hội sơ khai mới kêu cầu “Chúa Giêsu” như thấy được trong lời nguyện của Têphanô: “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con” (Cv 7:59): Chúa Kitô phục sinh nắm trọn số phận đời đời của con người. Danh hiệu này đã bắt đầu ở chính nơi quê nhà nói tiếng Aram của Ngài, như biết được qua lời khẩn cầu Marana tha! “xin Chúa hãy đến!” mà Phaolô trích dẫn nguyên văn (x. 1Cr 16:22), cũng như qua lời kinh phụng vụ theo cuốn Đidakhế 10.6 (thế kỷ 1).

Đức Giêsu là Chúa vì đã lên trời và nhận được toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28:18); bởi thế, Ngài đã hành sử vương quyền qua việc phái gửi Thần Khí đến với Giáo hội (x. Cv 2:33) và nhận chức “làm thẩm phán, để xét xử kẻ sống và kẻ chết” (x. Cv 10:42). Đối với loài người, Đức Giêsu thay thế Thiên Chúa, vì như thánh Phêrô nói: “Đức Giêsu-Kitô là Chúa của mọi người” (Cv 10:36); hơn nữa, là Chúa của các quyền lực thần thiêng (x. Cl 2:10.15). Có thế, thánh Phaolô mới long trọng tuyên báo:

“Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu-Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11).

Đã đặt hết tin tưởng vào Chúa (Kitô) của mình, kitô hữu cảm thấy tự do lạ lùng đối với các chủ khác. Vì dù có nhiều thần nhiều chúa, thì thật sự Chúa tuyệt đối chỉ có một, và kitô hữu thuộc về Đức Chúa ấy (x. 1Cr 8:5tt). Trong lãnh vực chính trị, ngày xưa các hoàng đế Rôma và ngày nay các chế độ chuyên quyền tự phụ mình là chúa tể của nhân dân; nhưng tín hữu biết chúng chỉ là cát bụi, không có quyền và không thể hành sử quyền gì được trên lương tâm mình; vì chỉ có một “Chúa Kitô được tôn lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả duới chân Đức Kitô…” (Ep1:21-22). Cả đến sự chết nữa cũng nằm dưới quyền của Đức Chúa phục sinh (x. 1Cr 15:24tt). Vì vậy, dù có ở trong cảnh bi đát chính trị, kinh tế hoặc luân lý nào đi nữa – chẳng hạn như trong cảnh huống hiện nay – kitô hữu vẫn yên tâm bền chí giữ vững niềm lạc quan; và dù phải chịu khổ thì cũng vẫn kiên trì hy vọng.

Giáo hội mừng kính “Chúa nhật” là để không ngừng tưởng nhớ ngày toàn thắng của Đức Giêsu, ngày Ngài sống lại. Nếu khi bắt đầu Thánh Lễ, kitô hữu quay về Đức Chúa toàn năng mà khẩn cầu ba lần: “Xin Chúa thương xót chúng tôi” (Kyrie eleison), và sau đó hát lên: “Thật chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Đức Chúa, chỉ có Chúa là Đấng Tối cao, lạy Chúa Giêsu-Kitô!” thì chính là vì Kinh Thánh xác quyết rằng: “Chỉ có một Chúa là Đức Giêsu-Kitô” (1Cr 8:6). Dựa vào niềm tin này, Giáo hội đã thành lập lễ kính mừng Đức Giêsu-Kitô vua vũ trụ, và nêu cao niềm hy vọng vào “một vương quốc vĩnh cửu và vô biên, vương quốc tràn đầy sự thật và sự sống, tràn đầy ân sủng và thánh thiện, tràn đầy tình thương, công lý và bình an” (Kinh tiền tụng). Đành rằng đó là lý tưởng, nhưng đó cũng là động lực cụ thể thúc đẩy Giáo hội mạnh tiến trên đường lịch sử nhằm tới việc xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn cho thế giới, cho nhân loại.

Từ khi Đức Giêsu-Kitô bắt đầu công khai rao giảng, vào khoảng năm 27, “cho đến khi Chúa lại đến,” sứ điệp được liên tục loan đi, là: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng” (Mc 1:15). Xã hội lý tưởng nằm trong tầm tay, nhưng phải qua vào cửa hẹp: sám hối, từ bỏ đường lối cũ và sống Phúc âm. Các vị sáng lập dòng tu đã cố hiện thực hóa Nước Trời ngay ở dưới đất, và tổ chức những cộng đoàn vị tha – vì Chúa, vì tha nhân – nơi đó mọi phần tử đều sống cho người khác, như là dấu chỉ, là bí tích của Nước Chúa. Trong thời gian lịch sử, Hội Thánh không hoàn toàn trùng khít với Nước Trời, nhưng giữa trần thế, Hội Thánh là “mầm mống và là bước khai nguyên của Nước Chúa” (LG 5b); vì vậy, khi Giáo hội lớn lên là cùng lúc Nước Trời được mở mang. Phải không ngừng nguyện xin cho: “Nước Cha trị đến!” vì đó là nài xin cho có một thế giới hoàn hảo hơn. Phần nào, Nước Chúa đã đến rồi, vì Thiên Chúa “đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa chúng ta vào vương quốc Thánh Tử chí ái” (Cl 1:13); chịu phép rửa là được gia nhập vào Thân mình Chúa Kitô, tức là được thông phần vào vương quyền Ngài. Tuy nhiên, Đức Kitô cũng đã nói rõ: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18:36); Ngài không cạnh tranh với những quyền uy chốn này; thật vậy, Ngài đội vương miện bằng gai, và thần dân cũng chẳng nuôi tham vọng gì khác ngoài ước muốn được đón nhận cùng một thân phận như Chúa mình. Khía cạnh hữu hình của vương quốc Thiên Chúa sẽ thành tựu do công lao và đời sống thánh thiện của tín hữu cũng như của mọi người thiện chí. Cũng chính vì thế, Giáo hội cầu nguyện cho giới cầm quyền chính trị, đúng theo lời nhắn nhủ của tông đồ Phaolô: “Tôi khuyên ai nấy dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp, mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh” (1Tm 2:1). Dù có tận lực làm việc cho công tác xây dựng xã hội lý tưởng ấy, thì cũng đừng quên đó vẫn là ơn trên. Đức Giêsu đã ban cho Phêrô “chìa khóa Nước Trời” để giữa lòng lịch sử, Ngài thực sự hành sử vương quyền qua Hội Thánh, vì “Chúa các chúa” là Đầu của Giáo hội.

Toàn quyền của Chúa Kitô và ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa là cơ sở và là động lực của sứ mạng truyền giáo được trao phó cho Giáo hội. Tin Đức Giêsu là Chúa là Giáo hội tin vào Nước của Ngài. Toàn thể nhân loại được mời gọi bước vào Nước này; và nếu có biên giới vạch ra thì đó là do những con tim từ chối bước vào. Dù là mầu nhiệm, Nước Trời cũng có chiều kích hữu hình: đó là Giáo hội, là những tín hữu công khai gắn bó với Chúa, là những người công chính, là những công tác thánh thiện; hơn nữa, Giáo hội tin rằng “tuy cần phân biệt rõ những tiến bộ trần thế với đà triển phát của Vương quyền Chúa Kitô, nhưng những tiến bộ này vẫn đóng giữ một tầm quan trọng đối với Nước Thiên Chúa tùy theo mức độ chúng có thể góp phần vào việc tổ chức xã hội loài người cho tốt đẹp hơn” (GS 39).

Nước Trời là của người nghèo khó, thấp hèn (x. Mt 5:3tt); chính Chúa đã được sai đến để loan báo tin mừng ấy cho họ (x. Lc 4:18). Chúa của mọi sự muốn mọi sự tới tận tay mọi người ngõ hầu mọi người hưởng được hạnh phúc. Nếu người giàu có chia sẻ tài sản thì người nghèo vui sướng; nhưng người giàu lại có được niềm vui to lớn hơn nữa, vì như Chúa phán: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:35). Các chính quyền có thiện chí muốn dựa vào nhân quyền để xây dựng nước dưới đất; Nước Trời thì trái lại: không ai tự mình có quyền vào, bởi có nhận được ơn mới được vào. Thật ra, mọi người đều có bổn phận bước vào. Nhưng cần phải chọn: hoặc dựa vào bổn phận hay là dựa vào quyền bính: bổn phận thì vị tha, quyền bính thì vị kỷ; bổn phận thì phân phát, quyền bính thì phung phí; bổn phận thì nhìn ra kẻ khác, quyền bính thì chỉ biết quy về mình; bổn phận thì từ bỏ, quyền bính thì tích lũy, v.v. Quyền bính của Chúa là quyền bính tình thương, dành ưu tiên cho việc chăm lo cho những ai đáng thương giữa xã hội, cho những ai bị gạt ra ngoài lề, như Chúa đã cho thấy qua dụ ngôn về bữa tiệc: “Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (Lc 14:21). Niềm tin vào Nước Trời là nguồn an ủi cho các tín hữu.

Cuối cùng, vương quốc Thiên Chúa còn mang cả một chiều kích cánh chung nữa – một chiều kích đầy tính chất nghịch lý – vì dù đang hiện diện giữa lòng lịch sử, thì đồng thời cũng vẫn nằm trọn trong thế giới mầu nhiệm, như Vaticanô II đã nêu rõ. Để nói cho đúng hơn thì nên mượn lời của Ôrigênê: bản thân Đức Kitô chính là vương quốc Thiên Chúa (autobasileia); sinh thời, Đức Giêsu đã cho thấy số phận của mình và số phận của Nước Trời chỉ là một; hiện giờ, tìm thấy Nước Trời là gặp được Đức Kitô, gia nhập Nước Trời là được ghép vào nhiệm thể của Ngài, mở rộng vương quốc Thiên Chúa là lớn lên “tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4:13). Chính vì thế Gioan Tẩy Giả đã nói lên nỗi niềm khao khát của mình: “Ngài phải lớn lên!” Đức Kitô, Chúa chúng ta, lớn lên có nghĩa là chúng ta kết hiệp với Ngài mật thiết hơn, và những người tin vào Ngài, thuộc về Ngài càng đông số hơn, cho đến khi “Thiên Chúa đặt mọi sự dưới chân Đức Kitô” (Ep 1:22). Và “lúc mọi loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Ngài, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Ngài, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (1Cr 15:28). Sống trong lịch sử, chúng ta tin vào Đức Kitô Vua, làm việc cho vương quốc Đức Kitô; một khi lịch sử kết thúc, thì chỉ còn vương quốc vĩnh viễn của Thiên Chúa.