Hợp Tuyển Thần Học

Tôi Tin Có Hội Thánh

Tôi Tin Có Hội Thánh

Mục Lục
Tôi tin có Hội Thánh
hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công.
Tôi tin có một Hội Thánh duy nhất,
Thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Tôi tuyên xưng có một phép rửa duy nhất để tha tội.

Từ rất xa xưa, công thức này đã được đưa vào tín biểu, đặt dính liền với công thức tuyên xưng đức tin vào Chúa Thánh Thần. Như đức tin vào Ngôi Lời đã được khai triển với một số biến cố lịch sử, thì đức tin vào Ngôi Ba cũng đưa đến một hệ quả to lớn trong lịch sử là Giáo hội. Trong lòng tin của Kitô giáo, Thần Khí và Hội thánh đi đôi không gì tách rời nổi, tương tự như xác với hồn. Ðiều này giúp cho ý thức ra rằng Giáo hội có một chiều kích thần linh.

Không dùng riêng lẻ một mình, danh từ “Giáo hội” luôn đi liền – ngay từ lúc đầu – với một số tĩnh từ chỉ rõ các thuộc tính của Hội Thánh. Tín biểu các tông đồ chỉ ghi ra hai thuộc tính: “thánh thiện” và “công giáo”; còn tín biểu của Nixê-Côngxtăntinốp thì ghi cả bốn thuộc tính cổ điển, đó là: “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.” Thuộc tính xưa nhất gắn liền với Giáo hội là “thánh”, bởi vì luôn luôn đi theo “Thánh Thần” và là tạo vật của Thánh Thần. Công thức bằng tiếng Latinh ghi là: “credo… Spiritum Sanctum et sanctam Ecclesiam”, “Thánh Thần và Hội thánh”.

Tin vào Hội Thánh ư?

Ðối tượng của niềm tin là Thiên Chúa, vì thế, đúng đắn mà nói thì Kitô giáo chỉ tin vào Thiên Chúa, tức là vào mầu nhiệm tuyệt đối mà thôi. Những Kinh Tin Kính xưa nhất – ít là những công thức biết được – không đề cập đến Hội Thánh. Nhưng khoảng năm 170, văn kiện gọi là “Bức thư các tông đồ” có ghi câu: “tin vào Giáo hội” (DS 1). Thế kỷ 4, bên Tây phương thì có tín biểu các tông đồ, còn bên Đông phương, công đồng Côngxtăntinốp (năm 381) công bố Kinh Tin Kính như hiện đang dùng trong phụng vụ: cả hai công thức đều có ghi: “Hội Thánh công giáo…” Trong tiếng Latinh, dùng hai thành ngữ khác nhau, văn bản nêu rõ điểm khác biệt giữa hai thái độ trong niềm tin: “credo in unum Deum… và “credo unam sanctam… ecclesiam,” tức muốn phân biệt đức tin với tín ngưỡng: đức tin là động lực vượt quá mọi công thức mà hướng về Thiên Chúa (xa hơn vô tận tầm trí lực thụ tạo); tín ngưỡng là thái độ chấp nhận có thật một sự kiện, như tin có một phép Rửa, tin có Hội Thánh. Vì vậy, tin ở đây nghĩa là tin có Hội Thánh là nơi “nảy sinh” lòng tin vào Thần Khí; nói khác đi, đức tin vào Thánh Thần mang tính chất giáo hội (ecclesial character). Sách Giáo Lý công đồng Trentô cắt nghĩa như sau:

“Phải tin có Hội Thánh chứ không tin vào Hội Thánh, vì chúng ta tin vào Ba Ngôi Thiên Chúa thế nào để đặt nơi Tam Vị ấy trọn niềm tin của ta. Sau đó, [tín biểu] đổi cách nói và tuyên xưng “tin có Giáo Hội thánh thiện” chứ không phải “tin vào Giáo hội thánh thiện” ngõ hầu hai cách nói khác nhau phân biệt rõ Tạo Hóa với các tạo vật” (I, ch.10, số 23).

Tuy nhiên, nêu Giáo hội lên ở trong Kinh Tin Kính là đức tin kitô muốn nêu bật đặc tính siêu nhiên của Giáo hội, và vì thế mà để gắn liền với đối tượng của đức tin. Chỉ về mối liên hệ ấy thánh Phêrô Chrisôlôgô nói: “Ai tin vào Thiên Chúa, thì cùng lúc cũng tuyên xưng về Hội Thánh.” Lòng tin vào Thiên Chúa hướng tới hiệp thông với Ba Ngôi mà Giáo hội là bí tích (LG 1). Giáo hội không phải là đối tượng của đức tin, nhưng là chủ thể, là phẩm chất và là môi trường của đức tin kitô, một đức tin công và tập thể trong niềm hiệp thông với Thiên Chúa ở trên và với anh chị em ở dưới. Giáo hội là một yếu tố bản chất, một chiều kích bẩm sinh của đức tin kitô.

Người ngoài có thể nói: “tôi biết có Giáo hội”; nhưng người tín hữu thì nói: “tôi tin có Giáo hội”, và cả hai đều nói đúng. Biết là hành vi tự nhiên có đối tượng tự nhiên; vì Giáo hội có chiều kích tự nhiên, có những khía cạnh tự nhiện, có những yếu tố tự nhiên, v.v., nên có thể biết được cách tự nhiên. Hồng y Bellarmino cũng đã nêu bật khía cạnh hữu hình của Giáo hội và nói là người ta có thể nhận ra Giáo hội như họ nhìn thấy vương quốc Pháp hoặc cộng hòa Venezia vậy. Khi nghiên cứu và so sánh các tôn giáo, thì thường các học giả chỉ lưu tâm đến những yếu tố họ biết, họ hiểu được, như cơ cấu tổ chức (xã hội học), giáo lý (họ coi như một chủ nghĩa, chủ thuyết), linh đạo (họ đánh giá về phương diện tâm lý học hoặc may lắm là siêu hình học), các nghi thức, v.v., nghĩa là những khía cạnh tự nhiên. Nhiều tín đồ các tôn giáo – nhất là giữa giới trí thức – cho rằng chỉ có thế thôi, chẳng có yếu tố siêu nhiên hoặc mầu nhiệm nào khác nơi các tôn giáo. Người ta có thể phân tích Giáo hội như một tổ chức xã hội: có lịch sử cụ thể và đà mở mang theo các luật biến hóa, có mục đích và dùng phương tiện tương tự như các tổ chức khác, với những thành tích lẫy lừng cả những việc làm đáng hổ thẹn, với những nhân vật tốt có xấu có, v.v.

Còn giáo hữu thì tin là nơi Giáo hội còn có thêm một khía cạnh siêu nhiên, bởi Hội Thánh cũng là một mầu nhiệm. Mẫu mực là Ðức Giêsu: nhìn Ngài với con mắt của Phôngxiô Pilatô thì chỉ thấy được một người Do thái tầm thường; nhìn với con mắt của Phêrô mới nhận ra đuợc Ngài là Ðấng Thiên sai. Và mãi mãi vẫn là vậy: kẻ ghét Ngài thì chỉ thấy một “tên bịp bợm” (Mt 27:62), còn người đã nhận biết Ngài là ai thì lại thưa: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” (Ga 20:28). Nhiều khi lập trường của dư luận đối với Giáo hội cũng có vẻ mẫu thuận như thế. Ðức tin đi thâu qua vẻ bên ngoài để đến chỗ chấp nhận mầu nhiệm Hội Thánh. Công đồng Vaticanô II đã bắt đầu Hiến chế tín lý về Giáo hội với một chương bàn về mầu nhiệm ấy và giải thích rằng: “Mầu nhiệm Hội Thánh được biểu lộ trong chính việc thành lập; thực vậy, Chúa Giêsu đã khai sinh Giáo hội” với trọn cả con người của Ngài: lời nói và việc làm… (LG 5).

Nội dung mầu nhiệm Giáo hội tiềm tích trước hết ở nơi sự việc Giáo hội là đích điểm mà hoạt động của Thiên Chúa nhằm tới ở trong lịch sử, thể theo chương trình do khôn ngoan Thần Linh của Ngài an bài và do lòng nhân hậu vô bờ của Ngài mong muốn. Vì thế, Giáo hội mang bản chất thần nhân (theandric). Tiến trình cứu độ khởi nguồn từ Thiên Chúa, rồi tiếp tục trãi dài giữa lòng lịch sử nhân loại và cuối cùng đạt đến mức thành tựu nơi Giáo hội. Chính ở trong Giáo hội, Thiên Chúa đã thực hiện ý định cứu độ phổ quát của Ngài, để làm cho hết thảy mọi người được hiệp nhất trong một gia đình duy nhất của con cái Thiên Chúa: một mối hiệp nhất vượt quá và bao trùm hết mọi mối hiệp nhất khác. Nó còn chặt chẽ, mật thiết và bền chắc hơn cả mối hiệp nhất gia đình hay chủng loại.

Vậy, có thể nhận ra được tầm trọng yếu của sự việc này là: Giáo hội được sinh ra để quy tụ tất cả mọi người thuộc bất cứ chủng tộc hay là nền văn hóa nào, và để mang đến cho họ một nguyên lý hiệp nhất siêu việt là: tình huynh đệ trong Ðức Kitô. Thế nên, Giáo hội không phải là xã hội của những kẻ tôn thờ Thiên Chúa tự ý muốn của riêng mình và tự cứu độ mình do chính sức riêng của mình. Giáo hội là gia đình Thiên Chúa đã chọn để kết hiệp với mình, và qua đó, thông hiệp với mọi người. Giáo hội không nảy sinh từ dưới lên do ý muốn của nhân loại, nhưng là phát xuất từ trên xuống do tình yêu của Thiên Chúa. Trước khi xuất hiện ở trong lịch sử, Giáo hội đã có mặt ở trong chương trình của Thiên Chúa. Giáo hội vừa ở trong thế giới vĩnh cửu, vừa ở ngay giữa lòng lịch sử; là công cuộc của loài người, nhưng lại vượt quá mọi khả năng của nhân loại; mang tính chất vừa nhân loại mà vừa thần linh. Do đó, trong Giáo hội có những yếu tố và những cơ cấu nữa, không tùy thuộc con người: đức tin làm cho giáo hữu nhận ra rằng chính Giáo hội đã được cấu tạo đúng theo mô mẫu như Chúa Kitô đã muốn.

Những yếu tố của mầu nhiệm Giáo hội có thể tóm gọn vào khái niệm Bí tích và Nhiệm thể. Công đồng Vaticanô II miêu tả: “Giáo hội ở trong Ðức Kitô như là bí tích hoặc dấu chỉ và là khí cụ của dây kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, và giữa toàn thể nhân loại…” (LG 1a). Hiến chế về Phụng vụ khẳng quyết: “Từ cạnh sườn Chúa Kitô chịu chết trên thập giá, đã phát sinh bí tích nhiệm lạ là Giáo hội” (SC 5). Danh xưng này được Hiến chế Lumen gentium dùng như một cách định nghĩa Giáo hội. Hiến chế ghi rõ là: “Khi bị treo lên khỏi đất, Chúa Kitô đã kéo mọi người đến với mình. Khi từ kẻ chết sống lại, Ngài đã phái gửi Thánh Thần ban sự sống đến với các môn đệ, và nhờ Thánh Thần thiết lập thân thể Ngài là Giáo hội, như là bí tích cứu độ phổ quát” (LG 48). “Bí tích phổ quát” này cũng được gọi là “bí tích hữu hình của sự hiệp nhất cứu độ cho toàn thể và cho mỗi người” (LG 9).

“Bí tích” là gì? Thần học định nghĩa: “bí tích là dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng,” hoặc theo Vaticanô II, là “dấu chỉ và dụng cụ của việc kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa.” Bí tích tính không nói lên bản chất, song là chức năng của Giáo hội. Giáo hội không phải là một mục đích song là một phương tiện: đó là đặc tính cá biệt của Giáo hội. Mục đích là vinh quang của Thiên Chúa trong Ðức Kitô, hoặc nói cách khác làm khí cụ cứu rỗi cho nhân lọai. Thật ra, bí tích cội nguồn là Ðức Kitô: Nơi Ðức Kitô, vật chất trở nên dụng cụ cứu độ; nơi Ðức Kitô, những cử chỉ và hoạt động của con người trở nên những cử chỉ và hoạt động của Thiên Chúa cứu độ; nơi Ðức Kitô, thần tính cứu rỗi chúng ta qua nhân tính; thì Giáo hội cũng tương tự như vậy.

Dẫu rằng, tuyệt đối mà nói, “chế độ bí tích” không nhất thiết là cần cho bản tính loài người được cứu rỗi; nhưng nếu dựa theo con người cụ thể, với bản chất vật thể và xã hội mà nói, thì quả phải nhận là chế độ bí tích rất thích hợp với bản chất loài người. Vì thế Thiên Chúa nhân từ đã muốn thần hóa con người qua con người (Ðức Kitô) và thiết lập vương quyền của Người qua một xã hội (Hội Thánh).

Giáo hội là một Bí tích trong Ðức Kitô, tùy thuộc Đức Kitô, theo mẫu Đức Kitô. Về một số khía cạnh, Giáo hội giống như mầu nhiệm Nhập thể (LG 8). Trong thông điệp Satis cognitum (1896), Ðức Lêô XIII viết rằng: “Như Ðức Kitô, là Ðầu và là Mẫu mực của Giáo hội, sẽ không phải là toàn vẹn nếu chỉ được nhận biết đơn thuần qua nhân tính hữu hình của Ngài… hoặc qua thần tính vô hình của Ngài mà thôi,… vì Ngài là một trong và từ hai bản tính, hữu hình cũng như vô hình; thì cũng thế, Nhiệm thể của Ngài sẽ không phải là Giáo hội thật nếu không có sự việc các yếu tố hữu hình kín múc sức sống và năng lực từ những ân huệ siêu nhiên vô hình…” (DS 3301). Mặt vô hình của Giáo hội hệ tại ở sự hiện diện của Ðức Kitô và Thần Khí, như Ðức Piô XII viết: “Ðức Kitô hoạt động trong Giáo hội mật thiết đến độ có thể coi Giáo hội như là một ‘ngôi vị khác’ của Ngài;” và trích dẫn thánh Âugutinô, Ðức Piô XII viết tiếp: trong Giáo hội “Ðức Kitô rao giảng Ðức Kitô.” Bí tích tính của Giáo hội được thể hiện, về mặt đối nội, qua niềm hiệp thông, tức là qua thái độ chia sẻ trong tình yêu thương; và về phía đối ngoại, qua công tác truyền giáo, tức là hành vi chia sẻ ơn cứu độ với muôn dân. Muốn nhận ra và hiểu những khía cạnh này phải có đức tin.

Chúng ta tin có Hội Thánh vì xã hội tôn giáo này cũng là Nhiệm Thể của Dức Kitô, chứ không chỉ là một tổ chức trần thế. “Chúa Kitô đoàn tụ cách mầu nhiệm các em Ngài, từ muôn dân muôn nước thành thân thể Ngài, qua việc thông truyền Thánh Thần cho họ. Trong thân thể ấy, sự sống Chúa Kitô tràn lan trên các tín hữu” (LG 7a). Thành ngữ thân thể Ðức Kitô nói lên ba điều: thân xác thể lý của Ðức Giêsu, Thánh Thể và Giáo hội; ở đây chỉ để ý đến Giáo hội.

Ðức Piô XII giải thích khái niệm Nhiệm thể như sau:

“Bằng hạn từ ‘mầu nhiệm’ chúng ta có thể phân biệt thân thể xã hội của Giáo hội mà Ðức Kitô là Ðầu và là chủ, với thân thể vật lý của Ngài… và với mọi thân thể tự nhiên khác, dầu là thể lý hay luân lý. Trong một thân thể tự nhiên, nguyên lý hiệp nhất phối hợp mọi thành phần đến nỗi chúng không còn có sự tồn hữu riêng biệt nữa. Trái lại, trong Nhiệm thể năng lực kết hợp các chi thể, dầu rất thâm sâu, mà vẫn để cho mỗi chi thể có một cá vị riêng… Khó mà so sánh nhiệm thể với pháp thể [pháp nhân]: chúng ta thấy cả hai khác nhau một trời một vực. Vì trong cái mà người ta gọi là pháp nhân, nguyên lý hiệp nhất là cùng đích chung và sự cộng tác chung nhằm đến cùng đích ấy dưới quyền bính xã hội. Trong khi đó, nơi nhiệm thể mà chúng tôi đang đề cập đến, ngoài sự cộng tác chung này còn có một nguyên lý nội tại… đó là Thánh Thần.”

Nguồn gốc quan niệm này là tư tưởng của thánh Phaolô. Trong 1Cr 6:12-20, ngài gọi các kitô hữu là chi thể của Ðức Kitô, và do đó hành vi của họ có thể làm vinh dự hoặc gây ô nhục cho chính Chúa. Trong Giáo hội, các bộ phận chỉ là “một” trong Ðức Kitô: “Anh em là thân thể Ðức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1Cr 12:27; x. Rm 12:3-8). Trong các ngục trung thư (Philipphê, Côlôxê, Êphêsô), nhiệm thể mang một ý nghĩa bí nhiệm hơn: “Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Ðức Kitô và đặt Ngài làm đầu toàn thể Hội thánh” (Ep 1:22). Có thể tóm tắt ý nghĩa như sau: Ðức Kitô là sự viên mãn của Thiên Chúa; Giáo hội là sự viên mãn của Ðức Kitô; vũ trụ là sự viên mãn của Giáo hội. Nói cách khác: Ðức Kitô là Ðầu của Giáo hội, Giáo hội là thân thể Ngài; vũ trụ phục tùng Ðức Kitô qua Giáo hội. Chúa Kitô là Đầu: “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội thánh; Người là khởi nguyên, là trưởng tử trong số những người từ cõi chết sống lại” (Cl 1:18). Như thế Chúa Kitô là thủ lãnh và nguồn sống của Giáo hội, chính vì “Ngài là đầu mọi quyền lực thần thiêng và anh em được viên mãn trong Ngài” (Cl 2: 10). Vì vậy, muốn hiểu Giáo hội (và chúng ta) thì cần phải tìm hiểu về Ðức Kitô trước đã. Vì Ðức Kitô vừa là đầu của vũ trụ vừa là đầu của Giáo hội, nên dây liên kết của Giáo hội với thế giới phải đi qua Ðức Kitô. Ðầu làm cho Thân thể sống động: Mọi năng lực trong Giáo hội đều từ Ðầu mà phát xuất: mọi ân sủng đều là ân sủng của Ðức Kitô Ðầu và có tiềm lực “kitô-hóa”. Chủ thể của các bí tích là Ðức Kitô; Chủ chăn duy nhất là Ðức Kitô, v.v… Giáo hội cũng là niềm “viên mãn” (plerôma) của Ðức Kitô: Ðức Piô XII viết: “Một cách nào đó, có thể nói rằng Giáo hội là phần bổ túc của Ðức Kitô, và Ngài tự hoàn thành chính mình về mọi phương diện trong Giáo hội.” Thánh Âugutinô cũng đã quan niệm tương tự như vậy: “Chúa Kitô toàn diện (totus Christus), Ðầu và các chi thể trong sự viên mãn của Giáo hội… sự viên mãn của một ‘con người’…”

Nếu Giáo hội là một “thân thể” thì đâu là “linh hồn”; công đồng trả lời: “Ðể chúng ta không ngừng canh tân trong Ngài (x. Ep 4: 23), Đức Kitô đã cho chúng ta thông dự vào Thánh Thần của Ngài, là chính Ðấng duy nhất hiện hữu nơi Ðầu cũng như trong các chi thể, và hằng làm cho sống động, liên kết cũng như thúc giục toàn thân, khiến các thánh Giáo Phụ đã ví tác động của Thánh Thần với công việc mà linh hồn, nguyên lý của sự sống, thực hiện nơi thân xác con người” (LG 7g). Dĩ nhiên, phải hiểu “linh hồn” theo lối ẩn dụ.

Tóm lại, thần học về Nhiệm thể giúp cho hiểu khía cạnh nhiệm mầu của Giáo hội. Tuy nhiên, đừng quên rằng Nhiệm thể thì rộng lớn hơn Giáo hội hữu hình, và còn tiếp tục lớn lên mãi cho đến khi đạt đến mức viên mãn Chúa Cha đã ấn định từ muôn thuở.

Các Danh Hiệu Khác

Còn có nhiều tên gọi khác được dùng cho Giáo hội, dưới dạng tước hiệu hoặc là ẩn dụ, để bổ túc cho ý nghĩa của “mầu nhiệm” và giúp cho hiểu tại sao trong tín biểu từ tin lại đi liền với từ Giáo hội. Tân Ước gọi các cộng đoàn kitô sơ khai là ekklesia, tức tập họp hay là đoàn hội, nghĩa là một cộng đoàn phụng vụ (x. 1Cr 11:18) hay cộng đoàn tín hữu địa phương (x. 1Cr 1:2), hoặc toàn thể Giáo hội phổ quát (x. 1Cr 15:9); đó là một từ mang ý nghĩa tôn giáo. Hội Thánh phổ quát hiện thân trong các cộng đoàn địa phương, nhất là trong cộng đoàn phụng vụ.

Công đồng Vaticanô II đã nêu bật danh hiệu Dân Thiên Chúa, để nhấn mạnh tính chất xã hội và lịch sử của Hội Thánh. Giáo hội là Dân không chỉ vì là một nhóm tập họp có tổ chức, mà nhất là vì “Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng lẻ, thiếu liên kết, mà lại muốn quy tụ họ thành một dân tộc…” (LG 9). Nói cách khác, Giáo hội là kết quả của dự án Thiên Chúa, là hiện thân của ơn cứu độ trong chiều kích xã hội. Trên bình diện siêu nhiên, con người – tín hữu – liên đới với nhau cả lúc làm điều thiện lẫn khi gây điều ác. Tất cả đều cùng nhau hướng tới một mục tiêu, vì thế công đồng nói về Giáo hội lữ hành: đối với kitô hữu, lịch sử chất chứa ý nghĩa, thời gian cho thấy rõ hướng đi (chẳng phải là cứ mãi xoay quanh một chu kỳ bất tận). Kế tiếp Ítraen xưa như giai đoạn hai của cùng một Dân Chúa duy nhất, Giáo hội có sứ mệnh thánh hóa mọi sự, hầu đem mọi sự làm lễ vật dâng lên Chúa theo bản chất tư tế của mình. Dân Chúa hành sử chức tư tế trước hết qua các bí tích, với việc cử hành nghi thức và lãnh nhận ơn ích; rồi tiếp đến là qua việc làm chứng cho Chúa bằng lời nói (chia sẻ niềm tin); và cuối cùng, qua việc đem hết mọi hoạt động trong cuộc sống mà dâng hiến cho Chúa. Cơ cấu của Dân Chúa thì có phẩm trật: mỗi người sống theo chức năng mà các bí tích đã lãnh nhận trao ban. Hết thảy đều chịu phép Rửa tội, nên tất cả đều ngang nhau theo tư thế là con cái Thiên Chúa; tất cả đều lãnh nhận phép Thêm sức, cho nên tất cả cũng đều là chứng nhân của Chúa Kitô nhờ Thần Khí. Một số được nhận Chức thánh theo ba bậc là giám mục, linh mục và phó tế, và do đó họ có chức năng lãnh đạo trong Dân Chúa. Một số cử hành và lãnh nhận bí tích hôn phối để giúp nhau trong đời sống gia đình, để chu toàn chức vụ làm cha mẹ. Tình trạng khác biệt này trong Dân Chúa là một yếu tố trong “công giáo” tính của Giáo hội. Cuối cùng, Dân Chúa là một Dân thiên sai, nghĩa là đã kế thừa và đang tiếp tục sứ mạng của Ðấng Thiên sai là Ðức Giêsu; như Ngài, Dân này phải “thi ân giáng phúc” (Cv 11:38) cho toàn thể nhân loại, và gắng sức xây dựng Nước Trời ở giữa lòng xã hội loài người cho tới hồi cánh chung.

Nếu vậy, Nước Thiên Chúa có phải là tên gọi của Giáo hội hay không? Hỏi như vậy là vì Ðức Kitô đã làm việc cho vương quốc khi rao giảng Tin mừng về Nước Trời, khi giảng dạy về “mầu nhiệm Nước Trời”, khi trừ quỷ hoặc làm phép lạ, v.v… tức là Ngài đã chu tất sứ mệnh của mình để đạt tới thành quả là Giáo hội. Khi Ðức Giêsu hứa sẽ xây dựng Giáo hội của mình trên Phêrô thì đồng thời cũng hứa sẽ trao cho Phêrô chìa khóa Nước Trời (x. Mt 16:18.19). Nói về các kitô hữu, thư Côlôxê miêu tả như là họ đang ở trong “vương quốc của Thánh Tử (Chúa Kitô) chí ái” (Cl 1:13), và tác giả của sách Khải huyền coi mình và anh em mình – tức là thành phần của Giáo hội – như “đang hưởng vương quốc” (Kh 1:9).

Đức Giêsu không định nghĩa “vương quốc” là gì, có lẽ vì dân Do thái đã hiểu rõ, ít là một cách khái quát: là tổng hợp các lời hứa ở trong Cựu Ước. Hiện nay người ta nói nhiều về vương quốc, nhưng chưa hẳn đã có thể trình bày chính xác và đầy đủ về khái niệm ấy; dù sao thì đó cũng là tổng hợp của hết mọi niềm hy vọng ở đời này và đời sau. Đành rằng Giáo hội không phải là hiện thân của thực tế ấy. Tuy nhiên, phải chấp nhận là Nước Thiên Chúa và Giáo hội có quan hệ mật thiết với nhau, nhưng đồng thời, cũng có nhiều điểm khác biệt nhau. Trong lịch sử, Giáo hội Rôma vẫn “tiếp tục nối dài” Nước Thiên Chúa mà Ðức Giêsu đã rao giảng; Vương quốc Ðức Kitô đã khai mở vẫn còn tồn tại trong Giáo hội, và vẫn tiếp tục phát triển trong và qua Giáo hội. Giáo hội (hữu hình hay cơ cấu) khiêm tốn thú nhận là vẫn có tội lỗi ở trong cộng đồng của mình, và nhìn nhận là vẫn có ân sủng ở ngoài cơ cấu tổ chức của mình. Giáo hội không hoàn toàn đồng nhất với Nước Thiên Chúa, nhưng lại trung thành phục vụ Nước ấy. Công đồng Vaticanô II gọi Giáo hội là bí tích của Vương quyền Thiên Chúa.

Dù vương quốc đã hiện diện cách nhiệm mầu ở trong Giáo hội, thì cũng còn như là một mầm giống; thế nên, dân Thiên Chúa được trao cho quyền năng cùng nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng cho hoàn tất bằng hai cách: truyền giáo và đổi mới thế gian

Trong giai đoạn tiến phát tại thế, Nước Trời bao gộp cả người lành kẻ dữ (x. Mt 13:24.30.37.44); trái lại, trong vương quốc Chúa Cha đã sửa soạn, thì chỉ còn lại số những người công chính (x. Mt 13:43; 25:34.41). Nước Thiên Chúa vừa vô hình mà cũng vừa hữu hình (x. Lc 17:20-21). Vô hình vì mang chiều kích thiêng liêng, nội tâm: một khi có được kinh nghiệm về Thiên Chúa là Cha, ấy là lúc đã thực sự tiến vào trong lãnh vực Nước Trời. Còn tính hữu hình thì lộ hiện qua chiều kích xã hội. Theo các dụ ngôn, Nước Chúa là một cộng đoàn loài người: “lưới bắt mọi thứ cá” (Mt 13:47), ruộng có lúa mì và cỏ lùng (x. Mt 13:24tt), tiệc cưới có nhiều loại khách (x. Mt 22:1tt). Phúc âm Gioan thì giới thiệu Nước Trời qua hình ảnh của một đoàn chiên (x. Ga 10:1-16), và nói rõ là cần phải đón nhận ơn Chúa qua Thánh tẩy thì mới được gia nhập Nước ấy (x. Ga 3:3).

Dân thiên sai lữ hành, tức Giáo hội, sẽ về tới vương quốc cánh chung, lúc mà Thiên Chúa hoàn tất việc đổi mới mọi sự. Tuy nhiên, công đồng dạy rằng cuộc canh tân vũ trụ không chỉ là một việc của tương lai, mà còn là của hiện tại nữa, vì đã được khởi đầu ở trong Giáo hội (LG 48c) và sẽ kéo dài suốt dòng lịch sử. Nghĩa là Giáo hội cấu thành với những yếu tố nhất nhất dứt khoát xác định, và sẽ tồn tại mãi cho đến thời đại cuối cùng ấy; vì thế, sẽ không có một Giáo hội nào khác kế tiếp thay thế Giáo hội này cả.

“Khi gia nhập Dân Thiên Chúa bằng đức tin và Phép Rửa, chúng ta dự phần vào ơn gọi vô song của Dân ấy: ơn gọi tư tế. Ðức Giêsu Kitô được cất nhắc làm thượng tế giữa loài người, đã làm cho Dân mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha Ngài. Thực vậy, những người đã lãnh Phép Rửa, nhờ việc tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành đền thờ thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh” (LG 10).

Giáo hội có quan hệ vừa trực tiếp với thế giới trong tác vụ đưa dẫn thế giới vào trong Vương quốc siêu việt; mà cũng vừa gián tiếp – vì lẽ trong khi thúc dục con người tiến về với tiêu đích cánh chung – Giáo hội cũng không ngừng xây dựng hòa bình, phát triển công bằng và hạnh phúc ở giữa xã hội loài người, tức là ở giữa những thực tại trần thế.

Phúc âm và công đồng Vaticanô II nói rằng vương quyền Thiên Chúa đang giao tranh với một vương quyền đối thủ, là Satan; Matthêu thường nhắc đến sự kiện này (x. Mt 4:1tt; 13:36-43, v.v.). Giáo hội cũng sẽ phải đối đầu với kẻ thù ấy; vì thế, nên lưu ý là Ðức Kitô khử trừ ma quỷ nhân danh chính mình, còn các giáo sĩ Do thái thì chỉ có thể làm như thế nhân danh Giavê (x. Mt 12:27); hơn nữa, Ðức Giêsu cũng dùng quyền này ở miền dân ngoại (x. Mc 5:1-20; 7:24-30). Có lẽ câu “Ta thấy Satan như chớp nhoáng từ trời xuống” (Lc 10:18) có nghĩa là các môn đệ cũng có thể trừ quỷ nhân danh Ðức Kitô, để chứng tỏ là “nước Satan” đang sụp đổ. Bây giờ Giáo hội tiếp tục trừ khử nhiều thứ quỷ, như: ích kỷ, nhục dục, tham lam, tham nhũng, thù ghét, kỳ thị, áp bức, giả dối, v.v. và v.v. Giáo hội càng diệt trừ các thứ “quỷ” ấy thì Nước Trời càng lộ hiện rõ ở giữa loài người.

Hiến chế tín lý về Giáo hội của Vaticanô II (số 6) trình bày nhiều hình ảnh về Hội Thánh, như thường gặp thấy ở trong Kinh Thánh. Thí dụ ẩn dụ cây nho: Thánh Gioan ghi lại một tên gọi đơn sơ là “cây nho” (Ga 15:1-11). Qua ẩn dụ này, Ðức Giêsu đã giải thích cho các môn đệ hiểu thế nào là kết hợp với Ngài, bằng cách nào sự sống nơi Ngài chuyển lưu qua họ, và sẽ sinh hoa quả như thế nào ở nơi họ. Thí dụ cây nho làm cho hiểu rõ mối dây mật thiết kết hợp tất cả kitô hữu (những nhánh) với Ðức Kitô (thân cây), và với nhau. Các tín hữu sống như Ðức Kitô, và nhờ Ðức Kitô: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Kinh Thánh lẫn truyền thống gọi Giáo hội là vườn nho của Chúa; tên gọi này bắt đầu từ trong Cựu Ước, dùng để áp dụng cho Ítraen (thí dụ điển hình là Isaia 5) và tiếp tục với những dụ ngôn của Ðức Giêsu (chẳng hạn như Mt 20). Ý nói là Giáo hội tựa như thửa ruộng của riêng Thiên Chúa, nơi Người gieo lời và sai thợ làm lụng cho có lợi lộc. Thế nên, nếu Giáo hội không lo sinh hoa kết quả (bình an, công bằng, tương trợ tương yêu, v.v.) thì sẽ trở thành vô dụng và đáng bị Chúa rủa như cây vả không sinh trái (x. Mc 11:12-14). Mọi giáo hữu đều có trách nhiệm làm việc trong vườn nho của Chúa, tùy khả năng của mình.

Hiền thê là tên gọi Giáo hội, một tên gọi rất trìu mến vì gợi lên rõ tình thương của Ðức Kitô, một tình thương to lớn đã thúc đẩy Ngài tự hy sinh chính mình vì Hội Thánh và trang điểm Giáo hội bằng mọi ân huệ, làm cho trở thành một Hiền thê “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5:25-27). Là lý tưởng đã đành nhưng cũng là mục đích và tác vụ chung. Sách Khải huyền miêu tả lễ cưới cánh chung của Chiên Con trong Giêrusalem thiên quốc, và vị Hiền thê chính là Giáo hội (x. Kh 19:7-8; 21:2-9). Hiến chế tín lý về Giáo hội của Vaticanô II dùng hình ảnh này trong số 6e và 7h để bổ túc hình ảnh nhiệm thể. Hình bóng này ám chỉ đến mầu nhiệm hiệp nhất của Ðức Kitô với Giáo hội. Thật vậy, theo thánh Phaolô, định chế tự nhiên của hôn nhân đã báo trước mầu nhiệm kết hiệp trong tình yêu giữa Ðức Kitô và Giáo hội. Ám chỉ đến lời sách Sáng thế nói là vợ chồng trở nên một xương một thịt, ngài viết: “Mầu nhiệm này thật là cao cả, tôi muốn nói về Ðức Kitô và về Giáo hội” (Ep 5:31-32). Một mầu nhiệm cộng tác: Phép Rửa là việc tắm gội tinh luyện vị Hôn thê; nhờ đó, chính Ðức Kitô chuẩn bị sẵn cho mình một Giáo hội tinh luyện, không tì ố, không vết nhăn… Qua Giáo hội, Ðức Kitô dùng phép Rửa để tái sinh những con cái Thiên Chúa. Thánh Âugutinô đã so sánh Ðức Maria với Giáo hội như sau: “Như Ðức Maria, Giáo hội cũng được đồng trinh vĩnh viễn và được phong nhiêu vô tận. Ðiều mà Ðức Maria nhận được theo xác thịt thì Giáo hội lại nhận được theo Thần Khí. Ðức Maria sinh một Con duy nhất, Giáo hội sinh nhiều con cái, nhưng nhờ người Con duy nhất này, họ sẽ trở nên một.” (Sermo 195.2, PL 38.1018). Một mầu nhiệm từng thuộc: Ðức Kitô đã cứu chuộc hôn thê Ngài (x. Ep 5:23), vì thế Ngài là “chủ” của Giáo hội; Ðức Kitô là Ðầu, nên Ngài chi phối thân thể. Một mầu nhiệm hy vọng: Sống giữa lịch sử, Giáo hội hằng chờ đợi Ðức Kitô tái hồi; đặt biệt là phải cử hành Lễ Tạ ơn “cho đến khi Chúa lại đến.” Tương lai không phải là một mối đe dọa, mà là một niềm hy vọng. Từ thời sơ khai, Giáo hội đã từng nguyện cầu: Maranatha! Xin Chúa hãy đến! (x. 1Cr 16:22); và Kinh Thánh kết thúc với lời kêu lên của Thần Khí và Hôn thê: “Xin hãy đến!” (Kh 22:17). Là Hôn thê của Ðức Kitô, Giáo hội phải lo sao cho niềm hy vọng này hằng mãi sống động giữa lòng thế giới.

Song song với Hiền thê có tước hiệu Mẹ Giáo hội. Thánh Phaolô nói về “Giêrusalem thượng giới là mẹ chúng ta” (Gl 4:26). Vaticanô II ca tụng các cha mẹ công giáo vì họ “cộng tác vào việc sinh sản của Giáo hội, Mẹ chúng ta” (LG 41); thật vậy, tên “mẹ” gợi lên tư tưởng về sức sinh sản và về tình thương mến. Nhờ phép Rửa, tín hữu tái sinh thành con cái Chúa trong Giáo hội. Thánh Xyprianô, thế kỷ 3, đã nhấn mạnh: “Không ai có thể được Thiên Chúa làm cha nếu không có Giáo hội làm mẹ.” Suốt dòng truyền thống, có biết bao người sùng kính Hội Thánh và cổ vỡ tình thương mến đối với Giáo hội như con thương mến mẹ, cùng dấn thân hoạt động cho Giáo hội được thịnh vượng và ngày càng xinh đẹp thêm… Hợp lời với các thánh, các thi sĩ đem hết tài năng ca tụng Mẹ Hội Thánh. Những thiếu sót và lỗi lầm của các con cái làm cho bộ mặt của Mẹ mờ đục đi, làm cho dấu chỉ của bí tích cứu độ – là Giáo hội – bị che khuất, ra vô hiệu. Vì thế, công đồng nêu bật như sau một trong những nỗ lực thường xuyên của Hội Thánh: “Được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ Giáo hội không ngừng khuyên giục con cái thanh tẩy và canh tân, để dấu chỉ của Chúa Kitô chiếu sáng rạng ngời hơn trên khuôn mặt Giáo hội” (GS 43).

Sách Giáo Lý Công Giáo (số 753-757) còn kể ra nhiều tước hiệu khác của Hội Thánh, gặp thấy trong Kinh Thánh: Hội Thánh được gọi là ràn hay đàn chiên của Chúa Kitô (x. Ga 10), cánh đồng hoặc ngôi nhà của Thiên Chúa (x. 1Cr 3:9; 1Tm 3:15), hoặc đền thánh của Thiên Chúa, v.v.

“Hội Thánh cũng thường được gọi là ‘tòa nhà của Thiên Chúa’ (x. 1Cr 3:9). Chính Chúa Kitô đã tự ví Ngài như viên đá mà các thợ xây nhà loại bỏ, nhưng đã trở nên viên đá góc tường (x. Mt 21:42). Trên nền móng này, các tông đồ đã xây dựng Hội Thánh (x. 1Cr 3:11) và Hội Thánh được bền vững, liên kết nhờ nền móng đó. Tòa nhà này còn được gọi bằng nhiều tên khác: Nhà Thiên Chúa (x. 1Tm 3:15), nơi Gia đình Người cư ngự, nơi Thiên Chúa cư ngụ trong Chúa Thánh Thần (x. Ep 2:19-22); ‘Lều Tạm của Thiên Chúa giữa loài người’ (Kh 21:3) và nhất là Đền Thánh, tiêu biểu bằng các đền thờ bằng đá đã từng được các thánh Giáo phụ ca tụng, và được phụng vụ sánh ví rất đúng với Thành Thánh, thành Giêrusalêm mói. Thật vậy, trong Hội Thánh tại thế, chúng ta là những viên đá sống động dùng vào việc xây cất (x. 1Pr 2:5). Thánh Gioan đã chiêm ngưỡng Thành Thánh ấy từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống trong ngày canh tân vũ trụ, ‘sẵn sàng như hôn thê trang điểm để đón tân lang mình’ (Kh 21:1-2).” (Giáo Lý, số 756).

Những tên gọi ấy nêu bật một quan hệ đặc biệt của Giáo hội với Thiên Chúa trên bình diện cứu độ, nghĩa là Người hằng có mặt ở trong Giáo hội cách đặc biệt, Người tác động cách đặc biệt, ban ơn cứu độ cách đặc biệt v.v. Đành là Thiên Chúa không chỉ hoạt động ở trong Giáo hội mà thôi, nhưng chắc hẳn ở trong Giáo hội Người hoạt động một cách đặc biệt, đặc biệt hữu hiệu.

Đặc Tính Của Giáo Hội

Kinh Tin Kính Nixê-Côngxtăntinốp – tức kinh hiện dùng trong phụng vụ – nêu rõ bốn đặc tính của Hội Thánh là: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; theo các Giáo phụ, đó là những yếu tố cấu thành bản chất Giáo hội như Chúa Kitô đã thiết lập.

Duy Nhất

Công tuyên chân lý về Hội Thánh, các tín biểu Đông phương – là nơi Giáo hội đã phải chịu nhiều đợt phân ly, chia rẽ – dùng đến từ “một” – tôi tin… có một Giáo hội…– tức là “duy nhất” với hai ý nghĩa chỉ về “duy nhất tính” và “hiệp nhất tính” của Giáo hội.

Căn cứ vào nguồn gốc, Hội Thánh phải duy nhất: ‘Mẫu mực tối cao và nguyên lý của mầu nhiệm này là sự hiệp nhất trong Ba Ngôi của một Thiên Chúa duy nhất: Chúa Cha và Chúa Con trong Chúa Thánh Thần’ (x. UR 2). Căn cứ vào Ðấng Sáng lập, Hội thánh phải duy nhất: ‘Vì chính Chúa Con nhập thể đã dùng thập giá để hòa giải mọi người với Thiên Chúa, tái lập sự hiệp nhất mọi người thành một dân tộc và một thân thể’ (x.GS 78c). Căn cứ vào Thánh Thần, Hội thánh phải duy nhất: ‘Chúa Thánh Thần ngự nơi lòng các tín hữu, hiện diện và chi phối trong toàn Hội thánh, thực hiện sự thông hiệp kỳ diệu ấy nơi các tín hữu và liên kết tất cả trong Chúa Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài là nguyên lý hiệp nhất của Hội thánh’ (x.UR 2). Vì vậy, theo bản chất Hội thánh là duy nhất.

“Chúa Kitô đã thiết lập một Giáo hội duy nhất…” (UR 1). Anh em Chính thống và Tin lành cũng nhận thức vấn đề: Sự kiện có nhiều Giáo hội phân ly là một tội lớn của các kitô hũu. Chia rẽ là từ chối niềm hiệp nhất. Chia nhiều phe phái là chia năm sẻ bảy chính Ðức Kitô (x. 1Cr 1:12-13), vì Giáo hội là thân thể, là hiền thê của Chúa Kitô. Ðức Kitô đã tỏ rõ ý muốn của mình: các môn đồ phải nên một (x. Ga 17:11) trong đàn chiên duy nhất mà họ đã đi qua cửa duy nhất để vào, với chủ chiên duy nhất (x. Ga 10:1-18; 21:15-17). Cũng như duy nhất đối ngược với đa bội (nhiều), thì hệt vậy, hiệp nhất đối nghịch với chia rẽ. Sự hiệp nhất của Giáo hội là đối tượng của lời cầu Ðức Giêsu thưa lên với Chúa Cha trong bữa Tiệc ly: “Lạy Cha… xin cho chúng trở nên một như chúng ta” (Ga 17: 11). Một dân tộc không thể hiệp nhất được nếu không có những quan hệ xã hội nối kết những thành phần lại. Do đó, mối hiệp nhất trong Giáo hội gồm hàm hai khía cạnh: nhiệm mầu và hữu hình, dù vẫn chỉ là một thực tại duy nhất, tựa như trong trường hợp của thân thể và linh hồn vậy.

Mối hiệp nhất ấy phải hữu hình vì là dấu chỉ cho muôn dân thấy và tin vào Đức Kitô. Vaticanô II không ngừng nhắc lại giáo lý này: Giáo hội là “một bí tích hữu hình của mối hợp nhất cứu độ” (LG 9c); mà cũng không quên nhấn mạnh đến đa dạng tính: “Các Giáo hội địa phương tuy khác nhau, nhưng đều quy về với hiệp nhất, nên các Giáo hội ấy càng xác nhiên minh chứng đặc tính công giáo của một Giáo hội không phân chia” (LG 23d). Vì Giáo hội “nhập thể” vào trong những môi trường xã hội cá biệt, nên cần mặc lấy những hình thức sinh sống và hoạt động khác nhau, và qua đó, nêu bật những giá trị khác nhau của từng địa phương, từng dân tộc, cũng như của mọi nền văn hóa, v.v.

Tiêu chuẩn của hiệp nhất:

— Đức tin chung: “Duy một Chúa, duy một đức tin, một phép rửa” (x. Ep 4:5): đó là lý do tại sao thánh Phaolô nhấn mạnh nói là Phúc âm chỉ có một (x. Gl 1:6tt). Ðức tin ấy được biểu đạt cách hữu hình qua các “tín biểu” hay các công thức tuyên xưng đức tin, và qua các “bí tích” đức tin,” nhất là bí tích Thánh thể, vì “phép Thánh thể biểu thị và thực hiện sự hiệp nhất của các tín hữu” (LG 3).

— Thứ hai là hiệp nhất trong phụng tự: đức tin kitô mang tính chất xã hội loài người, nên phải được thể hiện qua việc phụng thờ chung và công khai. Ðối ngoại, phụng thờ chung là việc công khai tuyên xưng đức tin; đối nội, đó là hành động thể hiện tình nghĩa tử đối với Thiên Chúa (chiều kích thăng hướng) và tình huynh đệ giữa gia đình Giáo hội (chiều kích hoành huớng). Trước hết là Thánh tẩy: Thánh Phaolô nhấn mạnh là phép Rửa chỉ có một (x. Ep 4:5), có sức năng làm cho kitô hữu được “mặc lấy Ðức Kitô” (Gl 3:7), được kết hợp với Ngài, trở nên chi thể của “một thân thể duy nhất” (1Cr 12:3), tức là làm cho hết thảy, dù khác nhau về các phương diện khác, thì cũng đều trở thành một trong Ðức Kitô (x. Gl 3:8). Tiếp đến thì có Lễ Tạ ơn; như sách Điđakhê viết: “Cũng như tấm bánh mà chúng con bẻ đây, đã nằm rải rác trên các triền đồi và đã được gom góp lại để làm thành một tấm bánh, cũng vậy, xin Chúa triệu tập Giáo hội Chúa từ khắp nơi trên mặt đất vào trong Nước Chúa.” Vì thế, dấu chỉ “hữu hình” rõ nhất của Giáo hội là Thánh Lễ (x. SC 47, 48; LG 3, 11; UR 2): dân Chúa tụ họp chung quanh bàn thờ, có chủ chăn chủ tọa; họ cầu nguyện cho “giám mục” (đầu của Giáo hội địa phương), và giáo hoàng (đầu của sự “hiệp thông” và của Giáo hội phổ quát); dân Chúa tuyên xưng đức tin chung, thông phần vào Mình và Máu Ðức Kitô, trong thứ tự “phẩm trật” . Tuy nhiên, hiệp nhất phụng tự có thể được biểu đạt qua nhiều lễ chế và nghi thức khác nhau.

— Thứ ba là hiệp thông: Nếu đức tin không chết thì phải biểu hiện qua việc làm (x. Gcb 2:7) phát xuất từ đức ái (x. Gl 5:6). Ngoài “hiệp thông” trong phụng tự, còn phải biết chia xẻ đời sống cộng đoàn; cộng đoàn sơ khai được mô tả như một xã hội huynh đệ, đoàn kết chặt chẽ và đồng tâm nhất trí trong yêu thương cùng hân hoan (x. Pl 2:2), cũng như thường chia xẻ của cải cho nhau tựa như một dạng “xã hội cộng sản hữu thần” (x. Cv 2:42-47; 4:32-37). Hỗ trợ là bề mặt thực tiễn của tình yêu hỗ tương.

— Hiệp nhất trong việc cai quản: Ðây là tiêu chí rõ ràng nhất của sự hiệp nhất. Một dân tộc (xã hội) mà có nhiều đầu, thì không sao tránh cho nổi cảnh đối đầu, chia rẽ. Trong Giáo hội địa phương, một “giám mục” duy nhất là dấu hiệu và là nguyên lý của hiệp nhất, như đầu đối với thân thể. “Mỗi lần giám mục cử hành mầu nhiệm thánh với cộng đoàn tụ họp chung quanh bàn thờ, là mỗi lần biểu hiệu đức ái và hiệp nhất của Nhiệm thể lại tỏ hiện rõ, và nếu thiếu sự hiệp nhất ấy, thì không thể có ơn cứu rỗi” (LG 26a). “Nhờ liên kết với vị chủ chăn của mình và qua ngài, giáo phận [Giáo hội địa phương] được quy tụ trong Chúa Thánh Thần nhờ Phúc âm và Thánh Thể, làm thành một Giáo hội cá biệt, trong Giáo hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền của Ðức Kitô…” (CD 11a). Thánh “Cyprianô” († 258) giám mục Carthagô, đã đưa ra những lý chứng rõ ràng và sắc bén để giải thích về điểm giáo lý này: “Bạn nên biết rằng giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong giám mục, và nếu ai không ở với giám mục, thì kẻ ấy không ở trong Giáo hội.” Trong Giáo hội phổ quát cũng phải có sự hiệp nhất về mặt cai quản. Thể chế của Giáo hội có thể biến đổi, có thể mang nhiều hình thức khác nhau; nhưng ai cũng thấy rõ dấu chỉ minh nhiên và nổi bật nhất của sự hiệp nhất là “tác vụ của Phêrô.” Ðức Kitô xây dựng Giáo hội duy nhất của Ngài trên tảng Ðá (Phêrô: x. Mt 16,16tt), và trao phó cho Simon nhiệm vụ “củng cố các anh em” trong cơn thử thách (x. Lc 22,32) cùng chăn dắt toàn thể đoàn chiên của Ngài (x. Ga 21:15), một đoàn chiên duy nhất dưới sự hướng dẫn của một chủ chăn duy nhất (x. Ga 10:15). Giải thích sự kiện ấy, Vaticanô II viết rằng: “Ðể chức giám mục được duy nhất và không bị phân chia, Ðức Giêsu Kitô đã đặt thánh Phêrô làm thủ lãnh các “tông đồ” khác, và nơi ngài Chúa đã đặt nguyên lý nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của hiệp nhất đức tin và của sự hiệp thông.” (LG 18b; 23a).

Giáo hội tin ở sự hiệp nhất của Hội Thánh duy nhất; tuy nhiên hiện tượng chia rẽ với không biết bao nhiêu là bè phái đố kỵ hình như đang che khuất lòng tin ấy. Sự hiệp nhất Giáo hội là một hồng ân của Thánh Linh và chính Người đã gầy dựng nên phong trào đại kết đang nỗ lực hoạt động nhằm hoàn tất tình trạng hiệp nhất. Tóm lại, hiệp nhất gồm có nhiều yếu tố: trong toàn bộ “kho tàng” mạc khải của Kinh Thánh và “Truyền thống” ; qua bảy phép “bí tích” ; nhờ các thừa tác vụ của “phẩm trật” tông truyền: phó tế, linh mục, giám mục; sau cùng và bao quát, qua người kế vị thánh Phêrô với tư cách là thủ lãnh của Giáo hội. Và tất cả những yếu tố ấy được gói ghém ở trong tình yêu. Ðấy là lý tưởng các Giáo hội có bổn phận nhắm tới và theo đuổi thực hiện.

Thánh Thiện

Có một công thức đức tin cổ xưa ghi rằng: “Tôi tin ở một Giáo hội thánh thiện…” Đồng ý với Đức Lêô Cả, thánh Tôma khuyên nên bỏ chữ “ở” và cho là cần phải hiểu là “Tôi tin vào Thánh Thần đang thánh hóa Giáo hội” (TH, 2-2, q.1, a.9, ad 5). “Thánh thiện” chỉ chính bản tính của Thiên Chúa, cho nên khi được áp dụng cho một tạo vật thì phải cẩn trọng trong hiểu cách: Giáo hội là lãnh vực dành riêng của Chúa, thuộc về Thiên Chúa, được tham dự vào sự thánh thiện của Chúa, v.v. Sách Giáo Lý giải thích rằng: “Chúng tôi tin Hội Thánh… mãi mãi thánh thiện. Thật vậy, Chúa Kitô, Con Thiên Chúa, Ðấng cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, được ca tụng là ‘Ðấng Thánh duy nhất,’ đã yêu dấu Hội thánh như Hiền thê của mình và đã hiến thân để thánh hóa Hội thánh. Ngài kết hiệp với Hội thánh như Thân thể mình, và ban cho dư đầy ơn Thánh Thần để làm vinh danh Thiên Chúa’ (x. LG 39). Vì thế Hội thánh là ‘Dân thánh của Thiên Chúa’ (x. LG 12) và các thành viên của Hội thánh được gọi là ‘thánh’ (Cv 9:13)” (số 823).

Trong Truyền thống, thánh là thuộc từ đầu tiên được gán cho danh từ “Truyền thống”. Từ đầu thế kỷ 2, trong thư gửi cho cộng đồng Tralles, thánh Inhã Antiôkia († 107) đã gọi Giáo hội là “thánh.” Bản Martyrium Polycarpi († 155) cũng vậy. Còn cuốn Pastor của Hermas (khoảng 150) gọi Giáo hội là “ba lần thánh.” Trong các Kinh Tin Kính, “thánh” cũng là đặc tính thứ nhất được áp dụng cho Giáo hội. “Thánh” là biệt hiệu đặc trưng của Thần Khí: “Thánh Thần.” Không được Thần Khí thánh hóa, thì chẳng có gì và không một ai là “thánh” cả.

Giáo hội biểu lộ sự thánh thiện qua các thành viên “tinh tuyền thánh thiện” (Ep 1:4) của mình, vì họ được sống đời sống phục sinh của Ðức Kitô (x. Rm 6:4), như con cái Thiên Chúa trong Con Một. Không chút do dự, thánh Phaolô gọi các kitô hữu là “thánh:” “Kính gửi tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa thương yêu và được gọi là thánh” (Rm 1:7). Ðức Giêsu đã nói: dù vẫn ở trong thế gian, nhưng các tín hữu không thuộc về thế gian (x. Ga 17:14). Tông đồ dạy rằng người kitô chính là “đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (1Cr 3:16-17; 2Cr 6:16), là “đền thánh trong Chúa” (Ep 2:21), là “đền thờ của Thánh Thần” (1Cr 6:19). Với một tình yêu thương cá biệt, Thiên Chúa Ba Ngôi đoái thương cư ngụ trong lòng các tín hữu trung thành (x. Ga 14:23).

Lý tưởng ấy là một mặt; mặt khác là thực tế đời sống Giáo hội lữ hành; thế nên sự thánh thiện ấy còn bất toàn (LG 48). Giáo hội “thánh thiện cách bất khả khuyết” vì tình yêu của Ðức Kitô trung thành (LG 39); nhưng “vì ôm ấp vào trong lòng mình cả những kẻ có tội, nên Giáo hội vừa thánh thiện mà cũng vừa phải không ngừng thanh luyện chính mình” (LG 8c). Tóm lại, Giáo hội thánh, nhưng các giáo hữu thì cũng còn là những tội nhân.

a. Theo thần học, nếu Giáo hội là thánh thì trước hết là do chính cơ cấu của mình. Các yếu tố cấu tạo Giáo hội thành công cụ cứu độ đều là thánh: 1) ý định của Chúa Cha muốn dành cho công cụ ấy một vai trò đặc thù ở trong kế hoạch cứu độ, là thánh và đó chính là nguồn gốc phát sinh Giáo hội. 2) Ðức Kitô, Ðấng sáng lập Giáo hội, là thánh. 3) Thánh Thần, Ðấng truyền sức sinh động cho Giáo hội, là thánh. 4) Thiên Chúa đã đặt trong Giáo hội kho tàng mạc khải của Người, tức là Lời Chúa, nhằm tới đức tin, tức là thái độ đáp ứng của con người. 5) Ðức Kitô đã trao phó cho Giáo hội những phương tiện thánh hóa là các bí tích. 6) Chúa Thánh Thần hằng ban xuống trên Giáo hội, tràn đầy những đoàn sủng, những hình thức phục vụ hay thừa tác vụ.

b. Giáo hội thánh vì là Dân Thiên Chúa hình thành từ những thành viên thánh. Con người trở nên chi thể Giáo hội với bí tích Thánh tẩy, tức là với việc thánh hóa các tội nhân và hiến thánh làm cho họ trở thành “tư tế vương giả” (x. 1Pr 2:5-9; Kh 1:5-6; 5:9-10; LG 10). Thật ra, gọi kitô hữu là “thánh” là muốn nói họ “được thánh hóa,” vì vốn là tội nhân, nhưng nay họ được công chính hóa. Vaticanô II nhấn mạnh đến sự việc: “…tất cả các kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, cũng đều được kêu gọi tiến đến mức viên mãn của đời sống kitô giáo và mức trọn hảo của đức ái” (LG 40b).

c. Giáo hội là thánh vì hướng về “thành thánh” cánh chung (x. Kh 21:2), là phần thưởng của kitô hữu trung thành (Kh 22,19). Ðời sống kitô hữu luôn luôn ở trong sự thế căng thẳng: là thánh nhưng phải thánh hóa thêm mãi (x. Kh 22:11). Tình trạng này chỉ kết thúc khi Chúa tái lâm. Sự kiện này là nội dung của niềm hy vọng sống động của Giáo hội và là đối tượng của cầu nguyện (x. Tt 3:7).

Công Giáo

“Công giáo” là thuộc từ được áp dụng cho Giáo hội từ thời rất xa xưa; thánh Inhã Antiôkia (khoảng năm 107) đã viết: “Ở đâu có Đức Kitô Giêsu thì ở đó có Hội Thánh công giáo.” Lúc đầu Giáo hội được gọi là “công giáo” để phân biệt Giáo hội phổ quát với các giáo hội “địa phương”. Cuối thế kỷ 2, thuộc từ “công giáo” đã có mặt trong các công thức tín biểu. Trong tiếng Hy lạp, tĩnh từ ấy có nghĩa là “tổng quát” hoặc “đại cương”, tức ngược với “riêng tư” hay “từng phần”; kath’olou nghĩa là “hoàn toàn, toàn diện.” Khi tín biểu tuyên xưng “Giáo hội công giáo” là có ý phủ nhận những giáo phái “quốc gia” hoặc “bản xứ” tự lập, hoặc các lạc giáo và các nhóm ly khai khước mối hiệp thông hoặc đức tin chung mà vẫn tự xưng là Hội Thánh. Vì thế, Giáo hội công giáo có nghĩa là Giáo hội phổ quát dành cho mọi người, ở khắp thế giới, bao gồm đúc tin toàn vẹn và mọi phương tiện thánh hóa Đức Kitô để lại (các bí tích) cùng cơ cấu tông truyền. Từ thế kỷ 4, “công giáo” trở thành tên riêng của Hội Thánh Đức Kitô.

Thánh Xyrillô Giêrusalem (năm 348) viết:

“Giáo hội được gọi là “công giáo” vì phổ quát khắp thế giới từ bên này tới bên kia trái đất. Và vì truyền dạy toàn diện, không cắt giảm, hết thảy mọi chân lý con người phải biết, cả những điều hữu hình lẫn vô hình, cả những điều dưới đất lẫn trên trời. Hơn nữa, vì dẫn đưa hết mọi người – lãnh tụ cũng như thường dân, trí thức cũng như mù chữ – đến với việc thờ phượng chính thực. Cuối cùng, vì Giáo hội ấy cứu chữa mọi thứ lỗi tội con người phạm hoặc trong linh hồn hoặc ngoài thể xác, và vì thật sự có hết mọi nhân đức, trong lời nói cũng như trong việc làm, cùng hết mọi ân sủng thiêng liêng” (Giáo lý 18. 23).

Vaticanô II đã cắt nghĩa công giáo tính như sau: “Mọi người được mời gọi gia nhập Dân của Thiên Chúa. Vì thế, Dân mới này, một Dân hiệp nhất và duy nhất, có bổn phận phải lan rộng khắp thế giới trải qua mọi thế hệ, hầu hoàn tất kế hoạch của thánh ý Thiên Chúa… Đặc tính phổ quát này là một ân huệ do chính Thiên Chúa ban…” (LG 13). Bởi bản tính Hội Thánh là “công giáo” (dù có lẽ số lượng ít hoặc chỉ có mặt tại một số ít nơi) vì Thiên Chúa đã ban cho khả năng và sứ mệnh đón nhận cùng thánh hóa mọi người cũng như mọi giá trị nhân bản. Nói cách khác, Giáo hội là bí tích phổ quát ơn cứu độ, bởi vì Giáo hội là thân thể của Đầu, Đức Kitô, là “con người phổ quát”. Tính công giáo là khía cạnh hữu thể, chứ không chỉ xã hội học. Các yếu tố cấu tạo Hội Thánh đều mang tính phổ quát: đức tin và Phúc âm, các bí tích, phụng vụ, cơ cấu căn bản, thừa tác vụ, v.v. ; bởi vậy, không thể nào Hội Thánh chịu nổi được cảnh bị giới hạn vào trong một quốc gia, một văn hóa, một chủng tộc, v.v.

Về phương diện thời gian, Giáo hội bao gồm mọi người công chính, từ Abel tôi trung của Chúa, qua Menkixêđê thầy cả thượng phẩm, cho đến người cuối cùng được cứu độ hồi thế tận. Về không gian, Giáo hội hoặc đang sinh hoạt ở mọi nơi hoặc đang cố gắng mang ơn cứu độ đến cho mọi người; do vậy, Vaticanô II dạy rằng tự bản tính Giáo hội có bổn phận phải truyền giáo (AG 2), “vì thế, mọi con cái của Giáo hội phải đảm nhận trách nhiệm sống động đối với thế giới, cổ vũ trong môi trường sống của mình một tinh thần thật sự công giáo và dấn thân hết sức vào việc rao giảng Tin mừng” (AG 36).

Giáo hội phổ quát cũng như địa phương đều là công giáo, bởi có thế mới thực là Giáo hội. Công giáo tính hiện thể qua hai mặt: đối nội và đối ngoại. Ðối nội, một giáo phận là công giáo bởi sống tinh thần hiệp thông, bởi biết đón nhận và đồng hóa những giá trị địa phương. Cụ thể mà nói, đó chính là công cuộc hội nhập văn hóa. Tự bản tính, đức tin không thể không mang một màu sắc văn hóa, bởi cuộc sống đạo chỉ trở thành hiện thực trong một môi trường văn hóa cụ thể. Ðối ngoại, là công giáo vì a) sống hiệp thông với các Giáo hội khác, và b) vì đảm nhận nhiệm vụ truyền giáo. Về điểm này, Ðức Gioan Phaolô II nhận định: “Giữa các Giáo hội cá biệt có một tương quan bản thể là bao gồm lẫn nhau: là hiện thân của Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô, một cách nào đó, mỗi Giáo hội địa phương đều có mặt trong tất cả các Giáo hội cá biệt khác…” Về truyền giáo, công đồng nhắn nhủ “các giám mục phải hết sức trợ giúp việc truyền giáo cả về con số ‘thợ gặt’ lẫn về mặt phương tiện thiêng liêng cũng như vật chất” (LG 23c).

Công giáo tính nổi bật rạng rỡ nhất trong Giáo hội có giám mục Rôma làm đầu, đến nỗi “Giáo hội Công giáo” đã trở thành tên riêng. Giáo hội công giáo vừa hiệp nhất mà cũng vừa đa dạng phong phú với nhiều nền thần học, nhiều dạng phụng vụ, kỷ luật, di sản linh đạo, v.v. với nhiều sắc thái khác nhau. Càng thu nạp những giá trị bản địa mà hằng hướng về với hiệp nhất, thì các Giáo hội địa phương “càng minh chứng rõ đặc tính công giáo của một Hội Thánh không thể phân chia” (LG 23d).

Tông Truyền

Ðặc tính này nêu bật mối liên hệ giữa Giáo hội hiện tại và Giáo hội các tông đồ. Thần học thường nêu ra ba khía cạnh của “tông truyền tính” (apostolicitas ): 1) nguồn gốc: các tông đồ là nguồn gốc của Giáo hội hiện tại; 2) giáo lý: Giáo hội bảo toàn giáo lý (đức tin) các tông đồ để lại; 3) thừa tác vụ: sứ mạng và các thừa tác vụ hiện có đều phát nguyên từ các tông đồ. Có lời Đức Giêsu hứa là Giáo hội Ngài xây trên đá là Phêrô thì “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16:18). Do lời hứa ấy, kitô hữu tin rằng Hội Thánh sẽ mãi tồn tại với một đức tin tông truyền bất khả khuyết (LG 12a). Còn về giáo phẩm, thì công đồng vững tin rằng “Chúa Thánh Thần hằng duy trì thể thức cai quản do Chúa Kitô đã thiết lập trong Giáo hội” (LG 27b). Giáo lý này thuộc nội dung đức tin của Hội thánh.

Lịch sử cho thấy rõ Đức Giêsu đã kêu gọi nhiều môn đồ, đặc biệt là nhóm mười hai, và cho họ hợp tác trong sứ mệnh của Ngài (x. Mc 3:13-14). Sau khi sống lại, Ngài sai họ đi vào giữa thế gian như Cha đã sai Ngài (x. Ga 20:21). Các ngài đã rao giảng Tin mừng và sáng lập tại nhiều nơi, những cộng đoàn của Hội Thánh duy nhất ấy, để dần dần lan rộng khắp nơi trong thế giới như hiện đang thấy. Lịch sử cũng đã chứng kiến những cuộc ly khai của nhiều nhóm tách rời khỏi thân thể Hội Thánh đi theo con đường riêng ngoài mối dây hiệp thông; trong khi Giáo hội vẫn một mực trung thành với sứ mệnh Đức Kitô trao phó. Các tông đồ truyền lại cho những người kế vị các ngài những chân lý sống động mà sau này kết tinh thành Tân Ước và Truyền thống. Trong phụng vụ, như thánh Giuxtinô giải thích, Giáo hội đọc lại “những kỷ niệm của các tông đồ” và tuyên xưng: “Ðó là Lời Chúa.” Từ lời ấy phát sinh đức tin mà các Giáo phụ đã biểu đạt qua các tín khoản hay công thức tuyên tín, từ công đồng Nixê (năm 325) cho đến Kinh Tin Kính của Ðức Phaolô VI hoặc giáo huấn của Đức Bênêđictô XVI.

Các bí tích cũng nằm trong toàn bộ những gì các tông đồ đã truyền giao lại cho Giáo hội. Phúc âm minh nhiên nói đến Phép rửa (x. Mt 28:19), đến Thánh Thể (x. Lc 22:19), và quyền tha tội (x. Ga 20:23). Bí tích Thêm sức lúc đầu được quan niệm như là thành phần của phép Thánh tẩy; nhưng sau đó, dựa theo Cv 8:14tt, huấn quyền đã nhận ra đó là một bí tích cá biệt do các tông đồ truyền lại, và việc ban phát được dành riêng cho thừa tác vụ giám mục (DS 785). Truyền thống coi bí tích xức dầu là nghi thức các tông đồ đã truyền lại. Không ai phủ nhận nghi thức đặt tay, tức phong chức, đã được các tông đồ sử dụng và để lại (x. 1Tm 4:14; 5:22; 2Tm 1:6). Bí tích hôn phối hằng được quan niệm như một điều thánh (x. Mc 10:9; Ep 5:32), và được gọi là bí tích một khi ý niệm bí tích đã thành rõ ràng.

Trọng tâm của “tính tông truyền” là việc “kế nhiệm các tông đồ.” Theo nghĩa rộng, “kế nhiệm các tông đồ” muốn nói là toàn thể Giáo hội hiện đang đảm nhận và tiếp tục sứ mạng của các tông đồ: Giáo hội không ngừng bảo toàn Phúc âm nguyên vẹn như các tông đồ đã để lại. Các tông đồ là “mầm giống” cho cả giáo dân lẫn giáo sĩ (AG 5); vì thế, Ðức Phaolô VI đã có thể nói: “Giáo dân cũng như giám mục đều kế vị các tông đồ.” Theo nghĩa hẹp, “kế nhiệm các tông đồ” chỉ về nhiệm vụ của các giám mục; Vaticanô II dạy:

“Sứ mệnh thần linh đã được Chúa Kitô trao phó cho các tông đồ phải tồn tại cho đến tận thế… Vì thế, các tông đồ đã quan tâm đặt người kế vị mình trong xã hội có phẩm trật này… Thế nên, thánh công đồng dạy rằng chính Chúa đã lập các giám mục làm người kế vị các tông đồ, làm chủ chăn Giáo hội. Bởi vậy, ai nghe lời các ngài là nghe lời chính Chúa Kitô, còn ai khinh thường các ngài là khinh thường chính Chúa Kitô và Ðấng đã phái Ngài đến” (LG 20).

Có điều đặc thù các tông đồ chẳng thể truyền lại: làm chứng trực tiếp cho Đấng Phục Sinh và làm nền móng của Giáo hội. Trong những thế hệ đầu của Giáo hội, các tông đồ đã chọn nhiều hợp tác viên, và khi các ngài thấy mình không thể lo cho tất cả, cho mọi việc, hoặc sẽ phải từ trần thì đã trao phó cho họ nhiệm vụ tiếp tục sứ mạng. Tân Ước kể lại việc tông đồ Phaolô khuyên người hợp tác với mình là Timôthê, hãy cẩn trọng bảo toàn kho tàng đức tin (x. 1Tm 4:20) và tiếp tục truyền đạt cho những người hợp tác với mình (x. 2Tm 2:2). Nguyên tắc và thể thức kế nhiệm được ghi lại rõ: Tông đồ Phaolô thiết lập các Giáo hội tại Êphêsô và Crêta, rồi phó thác trách nhiệm cai quản cho Timôthê (x. 1Tm 1:3) và Titô (x. Tt 1:5); tông đồ đặt tay trên ứng viên (x. 1Tm 4:14; 2Tm 1:6) như Nhóm 12 đã làm khi đặt một người vào chức vụ mới (x. Cv 6:6). Khoảng cuối thế kỷ thứ 1, thánh Clêmentê, giám mục Rôma viết như sau:

“Các tông đồ đã giảng Tin mừng của Chúa cho chúng ta. Ðức Giêsu Kitô từ bởi Thiên Chúa mà đến. Vậy, Thiên Chúa đã sai Ðức Kitô đến và Ðức Kitô đã sai các tông đồ; nghĩa là cả hai hành động phái gửi đều do ý muốn của Thiên Chúa. Các tông đồ nhậm lệnh… đi giảng đạo qua thôn quê và thị thành và, sau khi thử thách tinh thần họ, các ngài đã chọn những quả đầu mùa làm giám mục và phó tế cho những ai sẽ đón nhận đức tin… Các tông đồ cũng biết… họ sẽ tranh giành nhau về bậc giám mục; vì thế các ngài đã xếp đặt trước cho thời gian sau, để một khi các ngài qua đời, thì sẽ có những người khác đầy kinh nghiệm, kế nhiệm hầu tiếp tục thừa tác vụ của các ngài.”

Quả vậy, khi các tông đồ qua đời, các Giáo hội địa phương đều được những thừa tác viên có đủ thẩm quyền, tiếp tục sứ mệnh của các ngài, hướng dẫn. Mục đích chủ chốt và trọng yếu của việc kế nhiệm tông đồ là bảo toàn đức tin (x. 2Tm 2:2). Ðể nêu bật điểm này, các Giáo phụ đã bàn đến “Huấn quyền” (magisterium) và “Ngôi tòa” (cathedra). Thời thế kỷ 2, biểu trưng duy nhất của chức giám mục là tòa giảng. Trong các thế kỷ 2 và 3, các giáo phụ (Irênêô, Téctullianô, Ôrigênê, Xyprianô…) đã dựa vào tính tông truyền mà phân biệt Giáo hội thật với các phe lạc giáo hoặc ly khai.

Việc kế nhiệm tông đồ cũng mang tập thể tính, nghĩa là không phải mỗi giám mục kế vị một tông đồ, nhưng là giám mục đoàn kế vị tông đồ đoàn. Vì thế, hiệp thông với giám mục đoàn, và đặc biệt với Ðầu của giám mục đoàn, tức Giáo hoàng, là điều tất thiết trong Giáo hội.

“Cũng như, theo sự ấn định của Chúa, thánh Phêrô và các Tông đồ khác làm thành một tông đồ đoàn duy nhất; thì cũng vậy, Giáo hoàng Rôma, đấng kế vị thánh Phêrô, cùng với các giám mục là những người kế vị các Tông đồ, liên kết với nhau thành một tổng thể” (LG 22a).

Tính tập thể của giám mục đoàn xuất hiện rõ nhất trong công đồng chung; và dù có rải rác trong khắp thế giới, thì đó là tập thể có uy thế cao nhất trong Giao hội: “Hiệp nhất với thủ lãnh, tức giáo hoàng Rôma, và không bao giờ tách rời khỏi thủ lãnh ấy, giám mục đoàn giữ quyền bính trọn vẹn và tối cao trên toàn thể Giáo hội” (LG 22b).

Tắt một lời, tông truyền tính cốt tại việc kế tiếp sứ mệnh của các tông đồ, để sống nhờ Thần Khí các tông đồ đã lãnh nhận, mà làm chứng cho Đức Kitô như các tông đồ, và như các tông đồ chuyển ơn cứu độ qua đức tin cùng các bí tích đến cho mọi người, cũng như để dùng quyền bính Đức Kitô đã trao cho các tồng đồ mà hướng dẫn, quản lý Dân Chúa theo đường lối của Chúa.

Các Thánh Thông Công

Ðược tuyên xưng qua Kinh Tin Kính ít nhất là từ thế kỷ 4, tín điều này làm chứng cho sự thánh thiện của Giáo hội. Trong công thức này, từ các thánh cùng lúc chỉ về những điều thánh và những người thánh. Ý nghĩa đầu tiên từ “thông công” muốn nói đến, không phải là chia sẻ, song là “hiệp thông” nhờ một nguyên tắc thánh, tức là nhờ dây liên đới siêu việt nối kết các chi thể sống động của Giáo hội trong Thánh Thần. Nhưng thực trạng thông phần vào ‘của cải’ siêu việt của nhau, đòi hỏi phải có việc chia sẻ của cải đời này cho nhau.

Giáo hội gồm có “các thánh” ở dưới đất, ở trong luyện ngục và ở trên Trời. Giáo hội là “Bí tích, GH” cứu độ, và thực trạng “các thánh thông công” chính là nội dung (res sacramenti) của bí tích ấy, là mối liên kết làm cho các thánh thành một thân thể duy nhất. Nếu nhìn thâu qua thực trạng của các thánh ở trên Trời, thì sự thánh thiện của Giáo hội quả là bất khả khuyết, ngay cả về phương diện nhân loại. Tình trạng hiệp thông thánh này phát sinh từ mối thông hiệp với Ðức Kitô và với Chúa Cha (x. 1Ga 1:3) trong Thánh Thần. Niềm hiệp thông này thánh hóa các tín hữu và khiến họ hiệp thông với nhau. Như ở trong Thiên Chúa “Ba Ngôi”, Thánh Thần là “dây nối kết” Chúa Cha và Chúa Con trong tình yêu, thì ở trong Giáo hội cũng vậy. Vì thế thánh Phaolô đã dùng một công thức hoa mỹ để nói rằng: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn thông hiệp của Thánh Thần” (2Cr 13:13). Sách Giáo Lý mới (năm 1994) trích lời của Sách Giáo Lý Rôma (năm 1566) nói rằng: “Giáo hội được cai quản bởi một Thánh Thần duy nhất, thế tất những gì tốt lành Giáo hội nhận được, thì đều trở thành cái vốn chung” (số 847). Thánh Linh “cai quản” Giáo hội như một nguyên lý nội tại; vì thế, tín điều “thông công” muốn nói rằng trong Giáo hội, hiệp thông bởi một nguyên lý thánh duy nhất, những người thánh cùng chia sẻ với nhau những kho tàng thánh thiêng đã được để lại làm của chung.

Ý thức rõ về mối liên đới siêu việt này, thánh Phaolô đã “cầu nguyện cho anh em hết thảy” (Pl 1:3), và xin cộng đoàn Êphêsô “cầu cho toàn thể các thánh” cũng như cho ngài (x. Ep 6:18-19). Vì đặt nền móng nơi chính Ðức Kitô và Thánh Thần, nên mối liên đới này không giới hạn ở trong đời này mà thôi, nhưng vẫn mãi tiếp tục ở đời sau (x. LG 49-50). Ðó là điều đã giúp Giáo hội sơ khai nhận ra việc cần phải kính các vị tử đạo và dâng lễ cầu nguyện cho các tín hữu đã qua đời: mối liên đới thánh này quả là mạnh hơn sự chết vậy. Thực trạng “Các Thánh thông công” không ngừng ảnh hưởng sâu đậm đến đời sống của các tín hữu, như Sách Giáo Lý viết: “Các tín hữu học được nơi Giáo hội gương sáng của sự thánh thiện: họ nhận ra khuôn mặt và nguồn mạch của sự thánh thiện nơi Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh; họ thấy được bằng chứng trung thực của sự thánh thiện nơi những người sống thánh thiện; họ khám phá ra sự thánh thiện trong truyền thống tinh thần cũng như trong lịch sử lâu dài của các vị thánh đã đi trước họ và được phụng vụ kính mừng trong chu kỳ Các Thánh” (số 2030).

Cuối cùng, thực trạng“các thánh thông công” – tức chia sẻ của cải thiêng liêng – phải đưa đến việc “thông chia tài sản” – tức chia sẻ của cải vật chất – như Vaticanô II đã lưu ý: “Các thành phần khác nhau trong Giáo hội liên kết với nhau bằng mối dây hiệp thông mật thiết về của cải thiêng liêng, về nhân sự tông đồ và về sự trợ giúp vật chất. Quả thực, mọi phần tử Dân Thiên Chúa đều được kêu gọi chia sẻ của cải mình, thế nên, lời nói sau đây của vị tông đồ cũng ứng hiệu đối với mỗi Giáo hội: ‘Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa’” (LG 13c; x. GS 69).

Tựu trung, “các thánh thông công” nghĩa là các tín hữu hiệp thông trong đức tin, nhờ các bí tích và đặc sủng, nhờ đức ái, khiến (ít là lý tưởng) họ để mọi sự làm của chung. Như gia đình duy nhất của Thiên Chúa, Giáo hội ở đời này và ở đời sau vẫn mãi liên kết với nhau: “Sự hiệp nhất giữa những người còn sống trên dương thế với các anh em đã yên nghỉ trong bình an Chúa Kitô không hề bị gián đoạn. Hội Thánh xưa nay luôn tin rằng sự hiệp nhất đó còn được tăng cường nhờ việc thông truyền cho nhau những của cải thiêng liêng” (LG 49).