Hợp Tuyển Thần Học

Tìm Hiểu Về Ơn Gọi Chính Trị Của Giáo Hội

Tìm Hiểu Về Ơn Gọi Chính Trị Của Giáo Hội

Mục Lục

Dẫn nhập

Chính trị là một trong những chủ đề được quan tâm và được đề cập rất thường xuyên trong những cuộc nói chuyện ngày nay. Không chỉ giới hạn trên bàn hội nghị của các nhà lãnh đạo quốc gia, chủ đề này còn xuất hiện trong các cuộc nói chuyện bình dân, nơi góc chợ, quán cà phê, quanh bàn ăn, v.v. Có thể nói rằng thuật ngữ “chính trị” càng lúc càng thu hút được nhiều sự quan tâm của công chúng trong xã hội hiện đại, và các chủ đề về chính trị đã là một phần không thể né tránh của cuộc sống.

Tuy nhiên, đây có lẽ cũng là một trong những thuật ngữ bị hiểu lầm nhiều nhất và tạo ra nhiều bối rối nhất. Dưới ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nhất là truyền thông bị sử dụng một chiều, người ta rất dễ có một sự nối kết tự động giữa chính trị với các hiện tượng ồn ào nhiễu nhương như các cuộc vận động tranh cử, các bài diễn thuyết của các chính trị gia, các cuộc biểu tình của dân chúng, v.v. Ở một số quốc gia có nền dân chủ chậm và kém phát triển, chính trị có thể còn bị xem là một trong những đề tài cấm kỵ.

Thế nhưng chính trị là gì? Liệu có thể có nhiều lối hiểu khác nhau về thuật ngữ này? Việc làm rõ nghĩa bao hàm của thuật ngữ này là bước đầu tiên cần thiết để có thể trực tiếp bàn về ơn gọi chính trị của Giáo Hội. Đồng thời, cũng cần thiết phải làm rõ nghĩa của những thuật ngữ có vẻ như đã quen thuộc là “ơn gọi” và “Giáo Hội”. Mục đích của phần phân tích từ ngữ này sẽ là xét xem ba thuật ngữ “ơn gọi”, “chính trị” và “Giáo Hội” liệu có chung đụng với nhau được không? Nếu được, thì được tới mức nào, và đâu là những nguy cơ? Nếu không, thì điều gì sẽ bị đánh mất trong căn tính của Giáo Hội? Tiếp đến, bài viết sẽ lượt qua một số điểm quan trọng trong các văn kiện của Giáo Hội Công giáo về tương quan của Giáo Hội với lĩnh vực chính trị. Bài viết kết thúc với một suy niệm có tính gợi mở xoay quanh câu hỏi: tại sao chính trị không phải và không thể là tất cả?

Vấn đề từ ngữ

Chính trị theo nghĩa đảng phái

Từ Điển Bách Khoa Việt Nam định nghĩa: chính trị là “toàn bộ những hoạt động có liên quan đến các mối quan hệ giữa các giai cấp, giữa các dân tộc, các tầng lớp xã hội, mà cốt lõi của nó là vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước, sự tham gia vào công việc của nhà nước, sự xác định hình thức tổ chức, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của nhà nước.” [1]

Nếu hiểu chính trị theo nghĩa này, nhất là khi đặt cốt lõi của chính trị nằm ở “vấn đề giành chính quyền, duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước”, chắc hẳn ai cũng phải ngạc nhiên và e dè với đề tài bàn về ơn gọi chính trị của Giáo Hội. Khi chính trị được gắn liền với quyền lực, bao hàm việc đấu tranh giữa các giai cấp… đó là một loại chính trị được hiểu theo nghĩa rất hẹp, xin tạm gọi là nghĩa đảng phái.[2] Cần nói ngay rằng bài viết này không muốn bàn về chính trị theo nghĩa ấy. Bởi lẽ, nếu thật sự cốt lõi của chính trị là “giành chính quyền”, đó quả thật không phải là ơn gọi của Giáo Hội. Nếu chính trị chỉ được hiểu theo nghĩa những hoạt động xoay quanh việc “duy trì và sử dụng quyền lực nhà nước”, thật không thích hợp để bàn về ơn gọi chính trị của Giáo Hội.

Một nghiên cứu tầm nguyên sẽ mang đến cho chúng ta một lối nhìn rộng hơn và những tầng nghĩa đang dạng hơn của thuật ngữ này.

Chính trị theo nghĩa tầm nguyên

Từ “chính trị”, như được sử dụng trong tiếng Việt ngày nay, hầu chắc được mượn dùng từ gốc tiếng Hán.[3] Có nhiều Từ Điển Hán Việt uy tín có thể giúp chúng ta hiểu hơn về gốc từ này.[4] Trong thực tế, cả hai từ “chính” và “trị” đều được dùng khá nhiều trong các thư tịch cổ của Trung Hoa như Thượng Thư,[5] Châu Lễ, [6] đa phần là được sử dụng tách riêng.[7]

Trong tiếng Hán, “chính trị” là một từ ghép được lập thành bởi hai từ đẳng lập mang nghĩa động từ, 政 治. Từ thứ nhất 政, được ghép từ hai chữ: chữ 正 (zhèng) thuộc bộ chính, có nghĩa là phải, ngay thẳng, ở ngay giữa, sửa cho ngay,[8] và chữ 攵 (pū), thuộc bộ phộc, có nghĩa là đánh khẽ, đánh nhẹ, tác động nhẹ.[9] Như thế “chính”, 政, trong “chính trị” có thể hiểu là một cách tác động để làm cho tình hình, sự vật, hay con người trở nên ngay thẳng, phải lẽ, chính đáng. Trong khi đó, từ thứ hai 治 có nghĩa là sửa, trừng trị, cai quản. Từ này được sử dụng rất phổ thông trong việc quản trị xã hội phong kiến. [10] Đặt chung lại với nhau, hai từ “chính” và “trị” bổ trợ cho nhau để làm nên lớp nghĩa chung và đa dạng của từ “chính trị”.

Trước hết, có thể thấy rằng, từ nguồn gốc từ “chính trị” được sử dụng đặc biệt trong bối cảnh của một xã hội được tổ chức theo cơ cấu và phẩm trật. Chính trị chỉ về một loại hoạt động của người trên đối với kẻ dưới, của người chịu trách nhiệm dành cho những kẻ thuộc quyền, của một số ít những người có quyền trên một số đông những người khác. Hoạt động này nhằm kiến tạo và duy trì một xã hội đúng đắn, ngay thẳng, chính đáng.

Thứ đến, cần lưu ý rằng tầm hoạt động của chính trị không chỉ bao hàm trong việc quản trị (cai quản) và kỷ luật (trừng trị), nhưng còn nhắm đến việc giáo dục con người (sửa), nhằm tạo ra những con người sống ngay thẳng và đúng đắn. Bất cứ một cơ cấu nào theo đuổi những chính sách hay ý thức hệ làm tha hóa con người và tạo ra những con người không ngay chính, thì đó không phải là “chính trị” đúng nghĩa.[11]

Hơn nữa, mặc dù từ ngữ “chính trị” có thể có một chút ám chỉ nào đó về quyền lực, nhưng quyền lực không phải là điểm nhấn và càng không phải là nghĩa quan trọng nhất của từ này. Cũng vậy, phân tích tầm nguyên của từ này không hỗ trợ cho một lối hiểu thiên về đảng phái, hay đấu tranh giành chính quyền giữa các giai cấp.

Như thế, hiểu theo nghĩa tầm nguyên, chính trị có thể gọi cách tóm lược là đạo lý an dân trị quốc. Chính trị có một mục đích cao đẹp là xây dựng một xã hội ổn định và trật tự. Lối hiểu này đặc biệt phù hợp với xã hội có cơ cấu phẩm trật, nhất là theo kiểu xã hội phong kiến. Từ một góc độ nào đó, có thể nói chính trị là một nghệ thuật. Những người làm chính trị tốt là những người cần có cả thực tâm lẫn thực tài.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng lối hiểu này không hỗ trợ cho một nền dân chủ thật sự. Quả thế, mặc dù đối tượng mà cả hai động từ “chính” và “trị” nhắm đến đều là con người, là dân, là đối tượng chính làm nên xã hội… Dẫu vậy, đối tượng này không phải là chủ thể của cả hai động từ trên. Cả “chính” và “trị” đều quy về hoạt động của những người cầm quyền. Theo đó, dân chúng chỉ là những người thụ nhận chứ không phải là những người kiến tạo. Chính trị, như được cưu mang trong nghĩa từ Hán Việt, diễn tả một nền văn hóa tập quyền, trong đó quyền hành chỉ thuộc về một thiểu số và đa số còn lại là những người đứng ngoài cuộc. Lối hiểu này tiềm ẩn nguy cơ đẩy đa số người dân trong xã hội vào lối sống an phận và thiếu trách nhiệm trong những lãnh vực dấn thân xã hội, không dám đụng đến những vấn đề được xem là “chuyện của nhà nước”.[12]

Phải chăng chính trị là lãnh địa chỉ dành riêng cho những người có quyền, là sân chơi của một thiểu số? Có lối hiểu nào khác tích cực hơn chăng? Có lối giải thích nào khác có thể mang đến cho từ “chính trị” một sắc thái dân chủ và công bằng hơn chăng?

Chính trị theo nghĩa rộng

Trong các nền văn hóa chịu ảnh hưởng từ Triết học Tây Phương, thuật ngữ “chính trị” bắt nguồn từ một từ Hy-lạp, πόλις, có nghĩa là “thành phố”, “thành thị”. Thuật ngữ này xuất hiện lần đầu tiên là trong các bản văn của Aristotle. Trong tác phẩm Πολιτικά (Thế kỷ IV a.C.), Aristotle định nghĩa “ἐκ τούτων οὖν φανερὸν ὅτι τῶν φύσει ἡ πόλις ἐστί, καὶ ὅτι ὁ ἄνθρωπος φύσει πολιτικὸν ζῷον” (Politica I.1-2). Tạm dịch: “Do đó, tổ chức thành thị là một điều tất yếu, và con người tự bản chất là một sinh vật chính trị”. [13] Thế nào là “πολιτικὸν ζῷον”, một sinh vật chính trị? Việc gắn liền bản chất con người với tổ chức thành thị có ý nghĩa gì với căn tính chính trị của con người?

Trong tác phẩm của mình, khởi đi từ quan sát thực tiễn, Aristotle đi đến kết luận rằng con người luôn có xu hướng vươn đến những con người khác để lập nên một cộng đồng xã hội (πόλις). Con người nào cũng cần đến những con người khác để sống và triển nở trọn vẹn những tiềm năng của mình. Như thế, tính từ πολιτικὸν phản ánh đặc tính xã hội và chỉ ra rằng con người tự bản chất gắn với cộng đoàn xã hội và có xu hướng xây dựng nên những thành thị văn minh. Việc sống trong thành thị không chỉ phân biệt con người với các quần thể sinh vật khác mà còn phân biệt con người văn minh với những người không có khả năng xây dựng một thành thị, những người man di mọi rợ.

Từ phân tích của Aristotle, có thể rút ra một vài điểm quan trọng.

Đâu là yếu tố lập thành của một πόλις? Đó là bản chất tạo vật của con người. Không con người nào có thể tự đủ với chính mình trong những nhu cầu về vật chất, xã hội, tâm linh. Con người nào cũng có xu hướng mở ra với những con người khác. Xu hướng nền tảng của bản chất con người là hướng đến việc thành lập những cộng đồng con người, xây dựng những thành thị và những xã hội văn minh. Xu hướng ấy là nguồn gốc ý nghĩa của thuật ngữ “chính trị”.

Hơn nữa, mục tiêu tối hậu của πόλις là hướng đến những điều tốt đẹp cho con người, ở cả mức độ cá nhân lẫn tập thể. Nói cách khác chính trị sinh ra từ con người, và có đích nhắm là những lợi ích tốt đẹp cho đời sống của con người. Con người là khởi điểm và là cùng đích của chính trị. Quyền lợi và nghĩa vụ về chính trị là chuyện của mọi người, chứ không phải là chuyện dành riêng của bất cứ một nhóm đặc quyền đặc lợi nào.

Như thế, theo văn hóa phương Tây, thuật ngữ chính trị được hiểu theo một nghĩa rất rộng, mang màu sắc triết lý và có một giá trị nhân sinh sâu xa. Chính trị sinh ra từ đặc tính xã hội của con người, gắn liền với bản chất và thân phận con người. Nhờ có chính trị, con người mới là người trong một xã hội tiến bộ và văn minh. Tách chính trị khỏi con người nghĩa là đẩy con người trở về với thế giới của một loài sinh vật giữa những loài sinh vật khác.

Hiểu theo nghĩa rộng này, có thể thấy rằng rất dễ để liên kết giữa thuật ngữ “chính trị” và hai thuật ngữ còn lại là “ơn gọi” và “Giáo Hội”.

Chiều kích chính trị trong ơn gọi của Giáo Hội

Ơn gọi gì?

Từ ngữ “ơn gọi”, như được sử dụng theo nghĩa tôn giáo ngày nay, đến từ tiếng La-tinh vocātiō, và có nguồn gốc từ Kinh Thánh, với động từ Hy-lạp καλέω và Do-thái קרא (qara’). Thuật ngữ này được sử dụng trong trường hợp của những người đặc biệt được chọn và được gọi bởi chính Thiên Chúa (Xh 3,4; 1 Sm 3,4ss; Mt 2,15; Rm 1,1; 1Cr 1,1). Như thế, từ ngữ “ơn gọi” diễn tả một ơn đặc biệt dành cho những người được Thiên Chúa ghé mắt nhìn đến. Đối tượng của ơn gọi (người được gọi) là những con người cụ thể, nhưng chủ thể của ơn gọi (người gọi) là chính Thiên Chúa. Do đó, trong bất cứ một ơn gọi nào cũng có một chiều kích siêu vượt trên những giới hạn tạm bợ trần thế.

Tuy nhiên, bất cứ một con người nào được gọi và được chọn cũng là vì một trách nhiệm hay một sứ mạng nào đó cụ thể. Không thể hiểu rõ nghĩa của từ ơn gọi nếu không nhìn từ viễn tượng của sứ mạng. Đó là những sứ mạng được thực hiện trong thế giới của con người và cho con người. Do đó, bàn về ơn gọi trong Giáo Hội không chỉ là những luận bàn giới hạn trong chiều kích thuần thiêng liêng, nhưng còn là những diễn đạt của chiều kích ấy trong việc dấn thân xã hội và trong mọi chiều kích nhân loại của ơn gọi ấy.

Giáo Hội là gì?

Từ Giáo Hội mà chúng ta sử dụng ngày nay đến từ một từ gốc Hy-lạp, ἐκκλησία. Để hiểu được trọn vẹn nghĩa của thuật ngữ này, cần xét đến ý nghĩa tầm nguyên và bối cảnh lịch sử mà thuật ngữ ấy được sử dụng, đồng thời cũng phải xét đến những ý nghĩa bao hàm khi thuật ngữ này được dung nạp và sử dụng trong bối cảnh tôn giáo.

Ἐκκλησία theo nghĩa tầm nguyên và lịch sử

Ἐκκλησία là một từ ghép, được lập thành bởi gốc động từ καλέω và tiếp đầu ngữ ἐκ. Gốc động từ καλέω có nghĩa chính là “gọi”, “kêu gọi”. Tiếp đầu ngữ ἐκ là một giới từ có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng nghĩa phổ thông nhất là “ra khỏi”, diễn tả một sự tách mình hay một sự dịch chuyển nào đó về nơi chốn, hướng ra ngoài.[14] Như thế, diễn theo sát nghĩa, Ἐκκλησία là từ chỉ về những người được gọi ra khỏi, được tách ra khỏi. Tuy nhiên, sẽ là quá vội, và không đủ căn cứ, nếu chỉ dừng lại ở đây và kết luận ngay rằng Giáo Hội là cộng đoàn của những người được gọi ra khỏi thế giới, tách riêng khỏi mọi sinh hoạt trần thế.

Trong thực tế, Ἐκκλησία không phải là một từ được sinh ra từ chính truyền thống Kitô giáo, nhưng đã tồn tại và được sử dụng khá phổ biến trong thời kỳ hoàng kim của Đế Quốc Hy-lạp. Từ này có nguồn gốc từ cộng đồng dân sự của thành Athen, được dùng để chỉ về một hội đồng địa phương gồm những công dân được bầu chọn theo đường lối dân chủ. Những công dân thuộc hội đồng này là những người có quyền nhóm họp và quyết định những vấn đề quan trọng cho thành phố của mình. Với thời gian, từ ngữ này cùng với mô hình Ἐκκλησία, tương tự như một hội đồng thành phố, được sử dụng rộng khắp trong toàn Đế Quốc Roma. [15]

Như vậy, có thể thấy rằng giới từ ἐκ, khi được sử dụng như một tiếp đầu ngữ, không nhằm chỉ về chính hành động “ra khỏi” cho bằng nhằm nhấn mạnh đến mục đích của việc ra khỏi.[16] Ngay từ nguyên nghĩa, tiếp đầu ngữ ἐκ trong Ἐκκλησία chỉ về việc ra khỏi một cộng đồng dân chúng chung chung để bước vào một cộng đồng được kêu gọi, được nhóm họp, được tuyển chọn, để mang lấy một trách nhiệm hay một sứ mạng nào đó. Cũng thế, từ Ἐκκλησία, khi được dùng cho Giáo Hội, chỉ về cộng đoàn của những người được gọi ra khỏi thế giới của mình, được tách ra khỏi vị thế của riêng, với mục đích lập thành một cộng đoàn Giáo Hội, hướng đến một sứ mạng.

Tóm lại, việc phân tích nghĩa tầm nguyên và lịch sử chỉ ra rằng thuật ngữ “Giáo Hội” cưu mang nơi mình cả hai tầng nghĩa, dân sự và tôn giáo. Đó là một cộng đồng của những người được gọi để đảm nhận một vai trò xã hội đặc biệt. Thuật ngữ này được tiếp nhận và sử dụng như thế nào trong Kinh Thánh và trong thời buổi sơ khai của Kitô giáo?

Ἐκκλησία trong Kinh Thánh

Chính Đức Giêsu là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ Ἐκκλησία để chỉ về Giáo Hội mà mình muốn thiết lập. Theo tường thuật của Thánh sử Mát-thêu, sau khi thánh Phêrô tuyên xưng niềm tin tại Xê-da-rê Phi-líp-phê, Đức Giêsu tuyên bố: “…Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

Đây là lần đầu tiên thuật ngữ Ἐκκλησία xuất hiện trong Tân Ước.[17] Có một số điểm đặc biệt cần lưu ý trong trình thuật này.

Thứ nhất, thuật ngữ Ἐκκλησία không được sử dụng tách biệt một mình, nhưng xuất hiện liền sau một đại từ sở hữu “οἰκοδομήσω μου τὴν ἐκκλησίαν” – “Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy” (Mt 16,18). Đại từ sở hữu này giúp xác định rất rõ rằng Giáo Hội mà Đức Giêsu thành lập không phải là một cộng đoàn theo nghĩa của bất cứ một Ἐκκλησία nào, nhưng là “Giáo Hội của Thầy”, nghĩa là Giáo Hội của Đức Kitô, Giáo Hội của Thiên Chúa.[18]

Thứ hai, đối cực với cộng đoàn Giáo Hội ấy không phải là bất cứ một cộng đồng dân sự, một nhóm đảng phái, hay một quyền lực trần thế nào. Đối cực ấy là πύλαι ᾅδου, có thể dịch là “cửa địa ngục”, hay “quyền lực tử thần”, chỉ về những thực tại vượt qua thực tại trần thế.

Thứ ba, có một sự nối kết rất đáng lưu ý giữa Giáo Hội và Nước Trời. Mạch văn chỉ ra rằng Giáo Hội mà Đức Giêsu muốn xây dựng trên tảng đá Phêrô là một thực tại “dưới đất”, phân biệt với thực tại “trên trời”.[19] Tuy nhiên có một sự liên tục và gắn kết rất rõ giữa hai thực tại này, đến độ bất cứ một chuyển biến nào của thực tại Giáo Hội dưới đất, dù là “tháo cởi” hay “cầm buộc”, đều góp phần định hình nên dung mạo của thực tại Nước Trời.

Phân tích này hỗ trợ cho lối hiểu rằng Giáo Hội là một cộng đoàn tôn giáo nhưng đảm nhận một chức năng và trách nhiệm xã hội nhất định. Điểm này được minh họa rõ hơn nữa trong hai lần xuất hiện còn lại của thuật ngữ Ἐκκλησία trong Tin Mừng Mát-thêu. Quả vậy, Mt 18,15-19 tường thuật lời dạy của Đức Giêsu trong trường hợp muốn sửa lỗi một người anh em. Theo đó, Giáo Hội được giới thiệu như một cộng đoàn có tiếng nói phân xử cuối cùng cho trường hợp của một cá nhân cá biệt: “Nếu kẻ ấy (người phạm lỗi) không nghe, thì hãy trình với Giáo Hội. Nếu đến cả Giáo Hội mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 8,17). Rõ là chuyện mà Giáo Hội can thiệp vào không chỉ là chuyện tôn giáo, nhưng còn là là chuyện của tương quan đời sống thường ngày. Giáo Hội không chỉ chăm lo chiều kích thiêng liêng, nhưng còn quan tâm và thể hiện trách nhiệm của mình trên chiều kích xã hội của những cá nhân thuộc về cộng đoàn Giáo Hội.

Chiều kích chính trị trong ơn gọi của Giáo Hội

Từ những phân tích trên, có thể kết luận rằng Giáo Hội là cộng đoàn có một căn tính sóng đôi. Tự nguồn gốc, Giáo Hội là một ơn gọi, nghĩa là một công trình của Thiên Chúa chứ không phải sản phẩm của con người;[20] dẫu vậy, Giáo Hội là công trình được xây dựng trên những con người cụ thể. Mục đích của Giáo Hội là ơn cứu độ cho con người; mục đích ấy vượt ngoài giới hạn của không gian và thời gian, tuy nhiên được thực hiện trong không gian và thời gian sống của con người. Có thể nói rằng căn tính sóng đôi này bắt nguồn từ chính Mầu Nhiệm Nhập Thể: một Thiên Chúa làm người và là Thiên Chúa ở giữa con người. Với căn tính ấy, Giáo Hội không đồng nhất và không lẫn với một cộng đồng chính trị dân sự nào, nhưng đồng thời Giáo Hội cũng không tách rời và xa lạ với những thực tại ấy. Tách rời Giáo Hội khỏi những thực tại trần thế và xã hội nghĩa là làm rỗng đi sự hiện hữu của Giáo Hội, và chỉ còn giữ lại một khái niệm không có nội dung. Ngược lại, đồng hóa Giáo Hội với bất cứ một phe nhóm hay một cộng đồng dân sự và chính trị nào nghĩa là cắt đứt Giáo Hội khỏi cội rễ và nguồn sống thiêng liêng của mình.

Theo ngôn ngữ ngày nay, Giáo Hội được diễn tả như một “sự tương nhập giữa đô thị trần thế và đô thị thiên quốc”.[21] Một khi đã khẳng định rằng Giáo Hội gồm những người được gọi ra khỏi thế giới của riêng mình để lập nên một cộng đoàn và để cùng chia sẻ một sứ mạng, cũng có thể khẳng định Giáo Hội gồm những người được gọi để lập thành một “πολίς”.[22] Tự bản chất, Giáo Hội đã là một cộng đoàn có tính xã hội và chính trị. Xin nhắc lại, chính trị ở đây không hiểu theo nghĩa đảng phái, nhưng phát xuất từ bản chất nhân loại và xã hội của những con người là thành viên làm nên Giáo Hội.

Hơn nữa, nếu Giáo Hội được diễn đạt như là “dấu chỉ và khí cụ cho sự hợp nhất mật thiết giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại”[23], sứ mạng và con đường của Giáo Hội chính là con người. Việc phục vụ và chăm lo cho con người là mục đích và trách nhiệm tối hậu của Giáo Hội. Quan trọng hơn, “con người” không phải là một khái niệm trừu tượng, nhưng là những con người cụ thể;[24] không phải chỉ là một phần nào đó của con người, nhưng là trọn vẹn đời sống của con người toàn diện, sống trong những tình cảnh xã hội và chính trị cụ thể.[25] Chỉ khi đó, Giáo Hội mới thực sự được gọi là Giáo Hội của Chúa Kitô, một Thiên Chúa nhập thể làm người và ở giữa con người.

Với xác tín như thế, chúng ta có thể tự hỏi: vậy thì Giáo Hội thực thi ơn gọi chính trị của mình như thế nào? Trong kho tàng của Giáo Hội, có gì có thể soi dẫn và giúp đào sâu suy tư về chiều kích chính trị trong ơn gọi của Giáo Hội như là một cộng đoàn, cũng như trong ơn gọi của những thành viên thuộc về Giáo Hội như là những tín hữu và là những công dân trong xã hội?

Giáo Hội thực thi ơn gọi chính trị

Trong kho di sản của huấn quyền Giáo Hội, có rất nhiều tài liệu quý giá giúp suy tư và hướng dẫn người tín hữu trong việc dấn thân xã hội.[26] Rất khó để có thể khai thác tất cả các khía cạnh trong phạm vi của một bài viết ngắn trên một tạp chí nhỏ. Tuy nhiên, có một số điểm đáng lưu ý, có thể soi sáng rất nhiều cho chúng ta trong việc suy tư và bàn luận về ơn gọi chính trị của Giáo Hội, nhất là về vai trò của Giáo Hội trong tương quan với những cộng đoàn chính trị, về việc thực thi chiều kích ngôn sứ của Giáo Hội giữa những cộng đồng chính trị, và về trách nhiệm của Giáo Hội trong việc huấn luyện lương tâm chính trị cho các Kitô hữu.

Xác tín của Giáo Hội trong tương quan với các cộng đồng chính trị

Hiến Chế Gaudium et Spes của Công Đồng Vatican II đã thực hiện một động thái chính trị xuất sắc khi gióng lên tiếng nói của Giáo Hội về các vấn đề nóng bỏng của thế giới trong các lãnh vực liên quan đến đời sống kinh tế xã hội. Tiếng nói này liên quan đến việc thăng tiến hoàn bình và việc chung sống giữa các dân tộc, và nhất là khi dành trọn một chương để bàn về tương quan và việc đối thoại giữa Giáo Hội với các cộng đoàn chính trị (73-76). Có thể tạm tóm lược chương này trong ba điểm chính như sau.

Thứ nhất, khởi đi từ nhìn nhận nền tảng rằng “những thực tại trần thế và những thực tại đức tin đều có nguồn gốc từ Thiên Chúa” (n. 36), Hiến Chế nhìn nhận và biểu dương quyền chính đáng của những cộng đoàn chính trị hợp pháp, đồng thời không ngại dùng những từ ngữ cao quý để chỉ về những người dấn thân trong lãnh vực chính trị, như là việc dấn thân “đáng biểu dương và trân trọng”, như là “một hình thức thể hiện đặc biệt của đức bác ái” (n. 75). Dẫu vậy, Hiến Chế này cũng đã không ngại chỉ ra rằng luôn có nguy cơ của việc lạm dụng quyền bính chính trị để đàn áp những người thấp cổ bé họng và để phục vụ cho lợi ích cá nhân và phe nhóm thay vì phục vụ cho công ích. Hiến Chế cũng kết án những thể chế chính trị tước đi những quyền tự do chính đáng về dân sự và tôn giáo của con người, đồng thời khẳng định rằng để xây dựng một cộng đồng chính trị đầy tính người, không gì quan trọng hơn là việc vun đắp cảm thức về công bằng và ngay chính trong xã hội.

Thứ hai, Hiến Chế mời gọi các tín hữu ý thức về sứ mệnh đặc biệt của mình để có thể tham gia tích cực và đảm nhận những trách nhiệm chính đáng trong việc tổ chức những cộng đoàn chính trị (n. 73). Qua đó, Giáo Hội xác tín rằng việc cộng tác và dấn thân trong lãnh vực chính trị là một nhiệm vụ không thể lãng lánh của bất cứ một Kitô hữu nào, để qua đó họ sống ơn gọi làm người và làm Kitô hữu của mình trong chiều kích xã hội và liên đới giữa thế giới hiện đại.

Thứ ba, Hiến Chế cũng nhấn mạnh rằng luôn cần có một sự phân biệt rõ ràng giữa Giáo Hội và những cộng đồng chính trị. Giáo Hội không chủ trương và không dính bén với một thể chế chính trị nào, cũng không đặt mình cậy nhờ một quyền bính chính trị nào. Hơn nữa, Giáo Hội và cộng đồng chính trị dù theo những hướng khác nhau, nhưng đều nhắm đến mục đích chung là phục vụ cho con người. Vì thế, Giáo Hội khẳng định quyền của mình trong việc tự do nói lên nhận định của mình về những vấn đề luân lý và chính trị khi thấy những quyền lợi chính đáng của con người bị đe dọa (n. 76).

Tóm lại, tương quan giữa Giáo Hội và các cộng đồng chính trị là mối tương quan độc lập và tự trị, với mưu cầu hướng đến công ích, nhằm phục vụ con người. Với Giáo Hội, phục vụ con người là con đường để làm vinh danh Thiên Chúa.

Chiều kích ngôn sứ của Giáo Hội trong lãnh vực chính trị

Bàn về hành động bác ái của Giáo Hội, chương thứ II của thông điệp Deus Caritas Est nhấn mạnh đến sự dấn thân cụ thể của Giáo Hội vào giữa lòng xã hội, đặc biệt là việc thực thi vai trò ngôn sứ của mình trong tương quan với các cộng đồng chính trị.

Trước hết, Thông Điệp này khẳng định rằng công bằng là mục đích và cũng là tiêu chuẩn nội tại cho mọi thứ chính trị. Một nhà nước nếu không được tổ chức theo tiêu chuẩn công bằng thì chẳng khác gì một băng trộm cướp, trích theo lời thánh Augustinô.[27] Vậy thì làm thế nào để Giáo Hội đóng góp phần của mình vào việc xây dựng một xã hội công bằng?

Theo ngôn ngữ khái quát của Thông Điệp, đóng góp lớn nhất của Giáo Hội cho thế giới hiện đại hệ tại ở việc “thanh luyện lý trí và huấn luyện đạo đức” (n. 29). Đức tin giúp giải phóng lý trí khỏi những mù quáng và thiên lệch. Từ góc nhìn đức tin, Giáo Hội được trình bày như là tiếng nói ngôn sứ, là người trông nom và gìn giữ những giá trị luân lý và nhân văn. Ngôn sứ là người được sai đi để loan báo sứ điệp của Thiên Chúa giữa lòng một xã hội đang gặp nhiều vấn đề và đang cần được cứu vớt. Giáo Hội là cộng đoàn của những người được sai đi để thông phần vào ơn gọi ngôn sứ của Đức Giêsu giữa lòng xã hội hiện đại.[28] Một Giáo Hội rút lui vào ẩn trú để thoái thác việc sống chiều kích ngôn sứ là một Giáo Hội phản bội lại chính sứ mạng của mình.[29] Nhất là giữa những xã hội đa chiều và biến loạn, Giáo Hội luôn được mời gọi trở nên một sự hiện diện mang đầy tính ngôn sứ để gióng lên tiếng nói theo những đòi buộc của đức tin và lương tâm Công giáo.

Để làm như thế, Giáo Hội không thể không đảm nhận vai trò là tiếng nói phê bình xã hội, nhất là trong những trường hợp của bất công và vi phạm nhân quyền. Vai trò này đòi hỏi một sự hiện diện rõ ràng và dấn thân can đảm giữa lòng xã hội. Giáo Hội là tiếng nói kêu gọi lương tâm hướng đến những nhóm đặc quyền đặc lợi.[30] Giáo Hội là cung giọng minh định những giá trị luân lý nền tảng của con người để làm điểm tựa cho những quyết định chính trị. Giáo Hội là sức mạnh chiến đấu để những giá trị về nhân phẩm, về quyền con người, về tự do của con người được tôn trọng.

Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là Giáo Hội có nghĩa vụ làm thay những phận vụ của các cộng đoàn chính trị. Thông Điệp Deus Caritas Est rất rõ ràng trong khẳng định rằng Giáo Hội không thể và cũng không được phép tham gia vào những cuộc tranh chấp chính trị để thực hiện một xã hội công bằng nhất. Dù không thể và không được phép đứng bên ngoài cuộc đấu tranh cho công bằng, Giáo Hội không thể và không được phép thay thế vị trí của Nhà nước (n. 29). Thực thi ơn gọi ngôn sứ trong lãnh vực chính trị hoàn toàn không có nghĩa là chính trị hóa Giáo Hội, và càng không có nghĩa là Giáo Hội muốn đóng thay vai trò của những cộng đồng dân sự chính trị và lèo lái những cộng đồng ấy.[31]

Tóm lại, nói về việc sống chiều kích ngôn sứ giữa lòng xã hội là nói về sứ mạng chung của tất cả những người đã chịu phép rửa. Sống chiều kích ngôn sứ không chỉ là phận vụ của những người khôn ngoan, những người có đủ can đảm và mạnh mẽ, nhưng còn là đòi buộc dành cho tất cả những ai đã chịu phép rửa và cùng chia sẻ căn tính của Đức Kitô, một Đức Kitô là tư tế, vương đế và ngôn sứ.[32] Trong tương quan với các cộng đoàn chính trị, Giáo Hội cần có một sự dấn thân nhiệt thành và can đảm để cổ võ cho sự thật và công bằng trên thế giới (“una attinenza politica”).[33] Đồng thời, Giáo Hội cũng luôn lưu tâm đến một sự tiết chế về chính trị, biết từ khước những phương tiện chính trị cực đoan và những lối diễn tả đức tin cực đoan (“una astinenza politica”).[34] Để thực thi sứ mạng của mình giữa thế giới, Giáo Hội chỉ có thể sử dụng những phương tiện tương thích với giá trị của Tin Mừng.

Huấn luyện lương tâm chính trị

Chúng ta biết rằng, trong thực tế có rất nhiều tình huống và những hoàn cảnh chính trị khó khăn, trong đó quyền quyết định tối thượng chỉ có thể tùy thuộc vào lương tâm của mỗi người. Điều quan trọng là làm thế nào để huấn luyện cho lương tâm ấy những tiêu chuẩn luân lý và thần học thích hợp để có thể hành động tương thích trong những hoàn cảnh chính trị xã hội khác nhau.[35] Ngày nay, việc dạy dỗ và huấn luyện lương tâm Công giáo trong những vấn đề chính trị đã trở thành một đòi buộc đối với Giáo Hội. Nhạy cảm về chính trị là một yếu tố lập thành trong lương tâm và trong căn tính xã hội của mỗi con người.[36]

Khởi từ Hiến Chế Gaudium et Spes cho đến Thông Điệp Deus Caritas Est, Giáo Hội không ngừng đề cập đến việc giúp đỡ và huấn luyện lương tâm chính trị của những người Kitô hữu. Hiến Chế Gaudium et Spes viết:

“Muốn cho mọi công dân xứng đáng nắm giữ vai trò của họ trong đời sống của cộng đoàn chính trị, cần phải hết sức quan tâm đến việc giáo dục họ cả về dân sự và về chính trị. Việc giáo dục này ngày nay rất cần thiết cho mọi người nhất là cho giới trẻ. Những ai có khả năng hoặc có thể có khả năng làm chính trị, một nghệ thuật khó khăn nhưng đồng thời rất cao cả cần phải được chuẩn bị trước và họ phải hăng hái hoạt động và không màng tới tư lợi hay lợi lộc vật chất. Họ phải đem đời sống thanh liêm và sự khôn ngoan chống lại bất công và áp bức, chống độc tài và ngoan cố của một cá nhân hay một đảng phái chính trị. Họ phải đem lòng chân thành và chính trực, hơn nữa tình thương và lòng dũng cảm phải có trong hoạt động chính trị để tận tâm phục vụ ích lợi của mọi người” (n. 75).

Thông Điệp Deus Caritas Est thì khẳng định:

“Giáo huấn này nhằm phục vụ và giúp đỡ việc giáo dục lương tâm trong chính trị, giúp nhận thức rõ ràng những đòi hỏi đích thực của công bằng, đồng thời sẵn sàng để hành động, cả khi điều này có nghịch lại với những lợi ích riêng tư” (n. 26).

Như thế, việc huấn luyện lương tâm chính trị cho các Kitô hữu là một nhiệm vụ không thể lãng tránh trong việc thực thi ơn gọi chính trị của Giáo Hội ngày nay. Đích nhắm của việc huấn luyện này là một sự trưởng thành trong đức tin, để mỗi người tín hữu có thể hội nhất giữa việc sống đức tin theo chiều kích thiêng liêng và việc dấn thân xây dựng xã hội ở chiều kích chính trị.[37] Sự trưởng thành này được thể hiện trong việc mỗi tín hữu có khả năng dấn thân xã hội cách hăng say và quân bình, vừa không chính trị hóa tôn giáo vừa đồng thời không tôn giáo hóa chính trị.

Quan trọng hơn, việc huấn luyện lương tâm chính trị còn hướng đến việc tạo ra một không gian tự do cho lương tâm của mỗi con người, được hướng dẫn bởi đức tin Công giáo, hướng đến việc nên thánh trong lãnh vực chính trị. Quả vậy, chúng ta biết rằng việc nên thánh trong Giáo Hội luôn có nghĩa là nên thánh trong một môi trường xã hội nhất định. Chúng ta cũng biết rằng trong Giáo Hội, không có khái niệm về việc sống tình yêu Thiên Chúa một cách lý thuyết và hời hợt, nếu tình yêu ấy không được cụ thể hóa ngang qua hành động, nhất là trong những hoàn cảnh khó khăn, trước những người anh chị em nghèo khổ bị áp bức bất công.[38] Một lương tâm chính trị được huấn luyện theo đức tin Công giáo là một lương tâm có khả năng thể hiện tình yêu dành cho anh em đồng loại ngay chính trong môi trường xã hội và chính trị cụ thể. Lương tâm ấy có thể tạo nên những vị thánh sống đạo, như Mẹ Têrêsa thành Calculta, có thể dành cả cuộc đời cho việc dấn thân phục vụ những người cùng khổ; lương tâm ấy cũng có thể tạo nên những vị thánh tử đạo, như Tổng Giám Mục Romero của San Salvador, vì bảo vệ quyền làm người và nhân phẩm của con người giữa một thể chế độc tài và bạo lực. “Không có tình yêu nào quý hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Tóm lại, nhiệm vụ nền tảng của Giáo Hội không phải là xây dựng một nền chính trị, nhưng là huấn luyện cho con người trong đời sống đức tin. Tuy nhiên, đức tin ngày nay luôn là một đức tin không chỉ giới hạn và tách biệt trong lãnh vực tôn giáo, nhưng luôn cần được diễn đạt cụ thể ngang qua việc dấn thân xã hội và chính trị. Chiều kích cụ thể và hữu hình của tình yêu dành cho Thiên Chúa là việc sống và thực thi tình yêu dành cho những người anh em đồng loại, nhất là những người nghèo khổ và là nạn nhân của những thể chế chính trị xã hội bất công.

Kết luận

Không thể bàn về ơn gọi chính trị của Giáo Hội nếu không khởi đi từ hành động chính trị của Thiên Chúa.[39] Hành động vươn đến với con người, quy tụ con người thành một cộng đoàn xã hội và tôn giáo, thành một πόλις của những người được gọi và được chọn, tự nguồn gốc đã là một hành động chính trị. Tình yêu mầu nhiệm của Thiên Chúa luôn thể hiện một cách cụ thể, ngang qua những dòng lịch sử cụ thể với những con người cụ thể, trong những hoàn cảnh xã hội cụ thể. Tình yêu ấy luôn có một chiều kích chính trị nhất định. Từ tình yêu ấy, con người được hiện hữu và Giáo Hội được khai sinh.

Như thế, toàn bộ ơn gọi và sứ mạng của Giáo Hội đều xoay quanh tình yêu. Và giới răn yêu thương trở thành lý do hiện hữu của Giáo Hội: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27). Tình yêu Thiên Chúa là nguồn mạch làm phát sinh tình yêu người thân cận.[40] Đồng thời, tình yêu dành cho người thân cận là biểu hiện rõ nét nhất của tình yêu dành cho Thiên Chúa.[41] Chiều kích chính trị của tình yêu sóng đôi này luôn đòi hỏi một sự dấn thân xã hội, một sự dấn thân cho người khác và vì người khác. Tình yêu ấy không chỉ thể hiện dưới dạng thức thần bí, ngang qua việc chiêm niệm và cầu nguyện nội tâm. Trong những hoàn cảnh đặc biệt, có khi tình yêu ấy đòi hỏi phải được thể hiện dưới dạng thức đặc biệt, ngang qua những cuộc chiến mang đầy tính ngôn sứ. [42]

Dẫu vậy, cho tới nay vẫn chưa có một tài liệu nào của Giáo Hội chỉ dành riêng để bàn về chủ đề chính trị, dù đó là chiều kích chính trị của cá nhân hay của Giáo Hội như một cộng đoàn. Sự vắng bóng này cưu mang một ý nghĩa chính đáng. Bởi lẽ, chiều kích xã hội và chính trị dẫu là một phần thiết yếu của con người và của đời sống Giáo Hội, nhưng không phải là tất cả. Con người, dưới cái nhìn của đức tin Công giáo, không thể bị giản lược và giới hạn chỉ trong chiều kích xã hội và chính trị. Ơn gọi chính trị của Giáo Hội là một chiều kích cần được xét trong một bức tranh tổng thể và phổ quát hơn. Bất cứ một thể chế chính trị nào cũng có những vấn đề của con người. Những giải pháp chính trị tạm thời và ngắn hạn không bao giờ có thể được đặt ngang tầm và chẳng bao giờ có thể thay thế cho kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Do đó, Giáo Hội không bao giờ để cho mình bị cuốn xoáy và chìm hút vào trong lãnh vực hoạt động chính trị.

Bởi lẽ Giáo Hội không bao giờ đồng nhất với một πόλις của con người. Giáo Hội là một πόλις của Thiên Chúa.


 

[1] Trung Tâm Biên Soạn Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, vol. 1 A-Đ (Hà Nội 1995) 478.

[2] Nghĩa đảng phái này còn được minh họa rõ hơn ở đoạn tiếp theo của cùng một mạch văn: “Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói tới chính trị thì trước hết là đảm bảo vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, hiệu lực quản lý của nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả mọi lãnh vực của đời sống xã hội”. Cf. Từ Điển Bách Khoa Việt Nam, 479.

[3] Một thí dụ về việc sử dụng từ “chính trị” trong dòng văn chương Việt Nam: năm 1225, Lý Chiêu Hoàng (Lý Phế Hậu) ra chiếu nhường ngôi (“Thiện Vị Chiếu” – 禪位詔) cho Trần Cảnh (Trần Thái Tông). Trong Chiếu có đoạn viết: 每念求賢良君子,同輔政治。 Tạm dịch: “những mong tìm bậc hiền nhân quân tử, cùng giúp chính trị.”

[4] Có thể kể ra ở đây ba bộ Từ Điển tiêu biểu: (1) Thiền Chửu, Hán-Việt Từ Điển (nhà in Đuốc Tuệ, 1942); Ấn bản mới nhất có thể tham khảo: Thiền Chửu, Từ Điển Hán Việt (Nxb Văn Hóa – Thông Tin, 2009); (2) Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt Từ Điển (Nxb Đại Nam 1960); (3) Viện Ngôn Ngữ Học, Từ Điển Hán-Việt (Nxb Tổng Hợp TP HCM, 2007).

[5] 尚書, sách ghi chép các truyền thuyết và biến cố có từ thời Thượng Cổ,
còn có tên khác là “Kinh Thư”, là một trong bộ sách Ngũ Kinh.

[6] Một trong ba sách thuộc bộ Tam Lễ (Chu Lễ, Nghi Lễ và Lễ Ký), được biên tập và san định qua nhiều thời kỳ khác nhau.

[7] Có lý thuyết cho rằng từ ghép “chính trị” có được như hiện tại là nhờ công của người Nhật, khi họ tiếp xúc với văn minh phương Tây vào thế kỷ XVII-XVIII, và dịch từ “politics” của phương Tây qua tiếng Hán. Tuy nhiên, lý thuyết này còn cần được xác minh và chứng thực.

[8] Thiền Chửu, Từ Điển Hán – Việt (Nxb Văn Hóa – Thông Tin, 2009) 385.

[9] Cf. Ibid., 304.

[10] Chẳng hạn Từ Điển Thiền Chửu chỉ ra: chỗ quan chánh chủ địa phương đóng gọi là “trị”, như “tỉnh trị” 省治, “huyện trị” 縣治. Dân đối với quan gọi là “trị hạ”, 治下, dưới quyền cai trị. Cf. Ibid., 403.

[11] Từ góc nhìn này, chúng ta có thể không hoàn toàn đồng ý với định nghĩa của tác giả Nguyễn Văn Khôn, khi tác giả này định nghĩa chính trị là: “Việc sắp đặt và thi hành chủ quyền trong một nước; tất cả hoạt động của quyền lực nhà nước” (Nguyễn Văn Khôn, Hán Việt Từ Điển, 178). Lối định nghĩa như thế không hoàn toàn sai, nhưng quá bó hẹp và không khai thác được trọn vẹn ý nghĩa hàm chứa trong các từ thành phần như đã phân tích.

[12] Khởi đi từ lối hiểu này, không lạ gì khi mãi cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại những câu truyền miệng đùa mà như thật: “Đồng bào đừng lo, để đảng và nhà nước lo!”

[13] Có thể tìm đọc thêm từ bản dịch Anh ngữ và chú thích cho tác phẩm Πολιτικά của Aristotle: B. Jowett, The Politics of Aristotle (Oxford; Clarendon Press 1885).

[14] Chẳng hạn, trong tiếng Hy-lạp cổ có động từ εκφωνώ, nghĩa đen là “nói ra”, để chỉ về việc “phát âm”, “tuyên cáo”, “tuyên bố”; hoặc các giới từ ghép ἐκτός hay ἐχθός nghĩa là “bên ngoài”. Ngoài ra, có thể thấy giới từ này được dùng như tiếp đầu ngữ trong nhiều từ hiện đại, như external, exterior, expand, extend, extract, ect.

[15] Cf. Encyclopedia Britanica, https://www.britannica.com/topic/Ecclesia- ancient-Greek-assembly

[16] Chẳng hạn, từ cổ ἔξοδος (éxodos), được lập thành từ tiếp đầu ngữ ἐκ và danh từ ὁδός (con đường), không có nghĩa là “ra khỏi con đường”, nhưng là “ra khỏi để lên đường”, “hướng đến con đường”, “xuất hành”.

[17] Trong các Tin Mừng, thuật ngữ Ἐκκλησία chỉ xuất hiện 3 lần, tất cả đều trong Tin Mừng Mát-thêu: một lần trong Mt 16,18 và 2 lần trong Mt 18,17. Cả ba trường hợp đều sẽ được xét đến ở đây.

[18] Lối sử dụng này được lặp lại rất nhiều lần trong Tân Ước, nhất là trong các Thư Phaolô. Cf. Ep 3,10; 1Cr 11,22; Ep 2,3; 1Tm 3,5, etc.

[19] Một trong những dấu chỉ rõ nhất trong lối hiểu về đặc tính “trần thế” của Giáo Hội thời sơ khai đó là tính địa phương. Đa số những lần xuất hiện của thuật ngữ “Giáo Hội” trong sách Tông Đồ Công Vụ và trong các Thư Phaolô đều gắn liền với tên của một địa phương nhất định. Ví dụ: Giáo Hội tại Giê-ru-sa-lem (Cv 11,22), Giáo Hội tại An-ti-ô-khia (Cv 13,11), Giáo Hội tại Ken-khơ-rê (Rm 16,1), Giáo Hội tại Mác-cê-đô-nia (2Cr 8,11); Giáo Hội tại Péc-ga-mô (Kh 2,2), tên của 7 Giáo Hội địa phương được đề cập trong các chương 2-3 của sách Khải Huyền, ect.

[20] Cf. Hiến Chế Lumen Gentium, 8-9.

[21] Cf. Hiến Chế Gaudium et Spes, 40.

[22] Thực ra, việc nối kết giữa Giáo Hội và một πολίς không phải là một ý tưởng gì mới mẻ. Ý tưởng này đã xuất hiện từ sớm, rải rác trong tác phẩm của các Giáo Phụ. Chẳng hạn, Thánh Gioan Kim Khẩu (344-407), trong tác phẩm Περι Ιερωσυνης (bàn về chức Linh mục, quyển IV, chương V), đã nhìn về Giáo Hội như một Đô Thị thần bí bị vây hãm và chống đối bởi nhiều kẻ thù khác nhau; hay Thánh Augustinô (354-430) thì nhìn Giáo Hội như một Thành Đô của Thiên Chúa (De Civitate Dei).

[23] Hiến Chế Lumen Gentium, 1.

[24] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Centesimus Annus, 53.

[25] ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sollicitudo Rei Socialis, 7.

[26] Có thể kể ra đây một số tài liệu căn bản. Trước Công Đồng Vatican II: Đức Lêô XIII, Rerum Novarum (1891); Đức Pio XI, Quadragesimo Anno (1931 – nhân kỷ niệm 40 năm của Thông Điệp Rerum Novarum); Đức Gioan XIII, Mater et Magistrai (1961) và Pacem in Terris (1963). Công Đồng Vatican II với hai Hiến Chế quan trọng về Giáo Hội trong xã hội hiện đại là Lumen Gentium (1964) và Gaudium et Spes (1965). Sau Công Đồng Vatican II: Đức Phaolô VI, Popolorum Progresio (1967); Đức Gioan Phaolô II, Solecitudo Rei Socialis (1987) và Centesimus Annus (1991 – nhân kỷ niệm 100 năm của Thông Điệp Rerum Novarum); Đức Biển Đức XVI, Deus Caritas Est (2005).

[27] “Remota itaque iustitia quid sunt regna nisi magna latrocinia?”, St. Augustino, De Civitate Dei, IV, 4: CCL 47, 102.

[28] Hiến Chế Lumen Gentium, 35.

[29] Karl Rahner, Dimensione Politiche del Cristianesimo. Testi scelti e commenti da Herbert Vorgrimler (Città Nuova 1992) 78.

[30] Cf. Ibid., 82.

[31] Cf. Ibid., 83.

[32] Cf. Ibid., 88.

[33] E. Schillebeekx, Perché la Politica non è Tutto. Parlare di Dio in un mondo minacciato (C. M. Guzzetti, trad.) (Queriniana 1987) 98.

[34] Karl Rahner, Dimensione Politiche del Cristianesimo, 79.

[35] Cf. Ibid., 88.

[36] Cf. R. Glei, “Politica”, in Dizionario Comparato delle Religioni
Monoteistiche
(A. T. Khoury, ed.; G. Benzi, trad.) (Piemme 1991) 548.

[37] Cf. Pontificio Consiglio della Giustizia e della Pace, Dizionario di Dottrina

Sociale della Chiesa (G. Crepaldi & E. Colom, ed.) (Roma 2006) 612.

[38] E. Schillebeekx, Perché la Politica non è Tutto, 91-93.

[39] Cf. G. Jossa, “Politica”, in Nuovo Dizionario di Teologia Biblica (P. Rossano, ed.) (Paoline 1988) 1174.

[40] Cf. L. Ladaria, “Amore di Dio e del Prossimo, Aspetti Teologici e Spirituali”, Gregorianum 91.2 (2010) 220.

[41] Cf. K. Rahner, Nuovi Saggi (Roma 1986) 409.

[42] E. Schillebeekx, Perché la Politica non è Tutto, 91.