Hợp Tuyển Thần Học

Thánh Lễ Không Lời Truyền Phép

Thánh Lễ Không Lời Truyền Phép

Mục Lục

Ít lâu trước đây, Tòa Thánh Vatican đã chính thức công nhận tính chất thành sự của Kinh nguyện Thánh Thể (anaphore ) Addaї và Mari cổ xưa, dùng trong Giáo hội Asxyri bên Đông phương.[2] Quyết định vừa phụng vụ vừa đại kết này có một tầm trọng yếu rộng lớn hơn người ta tưởng lúc mới nghe qua; đơn giản là vì Kinh nguyện Thánh Thể đó[3]– được dùng trong các Giáo hội Asxyri-Canđê từ thời các tông đồ – không có phần trình thuật về việc lập phép Thánh Thể, tức là không có ‘lời truyền phép’.[4] Vậy thì có thể có một dạng Thánh Lễ không lời truyền phép?

I – CÁC KITÔ HỮU ASXYRI-CANĐÊ

Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari là nét tiêu biểu của các cộng đồng kitô giáo cổ xưa, phát sinh phía bên bờ đông con sông Euphrate.[5]Đó là các Giáo hội Xyri-Miền Đông, thuộc văn hóa sêmít và ngôn ngữ aram; là những Giáo hội đã từng có nhiều thần học gia nổi tiếng, như Aphraate và Êphrem. Hẳn là vì những lý do chính trị và ngôn ngữ hơn là thần học, mà các Giáo hội này đã không thừa nhận các quyết định của công đồng Êphêsô (431).[6] Từ đó, các Giáo hội Xyri-Miền Đông đã phải sống tách biệt khỏi Giáo hội hoàn vũ, và tình trạng tách biệt này càng trở thành sâu đậm hơn với các cuộc bách hại từ phía các người Ba tư, cũng như tiếp đó, từ phía các người Ảrập Hồi giáo. Tuy nhiên, các khó khăn kia đã không chặn đứng nổi các Giáo hội này trong đà nhiệt huyết truyền giáo phi thường đã thúc đẩy họ mang Tin Mừng đến tận vùng Trung Á, Tây tạng, Trung Quốc và Mông Cổ. Cho tới ngày nay, các Giáo hội vùng Nam Ấn (Kerala) vẫn tự coi là thuộc truyền thống Xyri- Miền Đông.

Năm 1553, dưới quyền điều khiển của thượng phụ giáo chủ Gioan Sulaqa, một phần Giáo hội Ba tư đã sáp nhập vào số các Giáo hội thuộc quyền lãnh đạo Rôma. Song song với nhánh công giáo ấy – gọi là “Canđê” kể từ năm 1830 – thì vẫn có một Giáo hội Asxyri không thuộc quyền Rôma. Các tín hữu Asxyri Canđê đã phải chịu đau khổ rất nhiều trong thế kỷ 20, cách riêng là trong vụ diệt chủng hồi năm 1915 tại Thổ nhỉ kỳ, và trong các cuộc tàn sát hồi năm 1933 tại Irak. Hiện nay, Giáo hội Canđê – với trụ sở trung ương đặt tại Bagdad – có lối 700 ngàn giáo dân sống rải rác trong thế giới (550 ngàn sống tại Irak, và 150 ngàn ở nước ngoài, nhiều nhất là tại Hoa kỳ và Canada). Tháng 9 năm 2003, Đức Emmanuel III đã được các giám mục trong hội đồng canđê bầu làm thượng phụ giáo chủ Babylone. Giáo hội này giữ quan hệ tốt đẹp với Giáo hội Asxyri. Dưới quyền lãnh đạo của Đức Mar Dinkha IV, Giáo hội Asxyri Đông phương có lối 250 ngàn giáo dân, 80 ngàn trong số sống tại Hoa kỳ.[7] Mới đây, hai Giáo hội này đã ký kết với nhau một thỏa ước về việc thông dự Thánh Thể giữa hai phía.

II –KINH NGUYỆN THÁNH THỂ KHÔNG CÓ PHẦN TRÌNH THUẬT VỀ VIỆC THÀNH LẬP THÁNH THỂ

Các Giáo hội thuộc truyền thống xyri này đã cẩn trọng bảo toàn như một gia sản đặc biệt quý báu, một kinh nguyện thánh thể cổ xưa, gọi là “Kinh Thánh hóa (Quddasha ) của các Tông đồ Addaї và Mari”.[8] Chắc hẳn Kinh nguyện Thánh Thể này là một trong các kinh nguyện thánh thể xưa nhất còn được gìn giữ và được thường xuyên sử dụng cho tới ngày nay. Và đó cũng là Kinh nguyện làm đối tượng cho nhiều nỗ lực tầm cứu liên quan tới một điểm chuyên biệt: nếu trong đó có nói đến Mình và Máu Đức Kitô, và nếu trong đó có nêu rõ việc hồi niệm về cuộc tử nạn và biến cố sống lại của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, thì trong đó lại không đọc thấy trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể.

Ngày trước, các nhà phụng vụ học nổi tiếng đã từng bào chữa cho sự có mặt của trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể trong nguyên bản ban sơ của Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari. Ngày nay, lập trường ấy đã bị bác bỏ: Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari đã không bao giờ biết tới một trình thuật như vậy; thực vậy, không đọc thấy trình thuật này cả trong những văn bản cổ xưa của kinh nguyện.[9] Như thế, rõ ràng Kinh nguyện Thánh Thể này là một chứng từ về thời mà các Kinh nguyện Thánh Thể chưa ghi trình thuật về bữa Tiệc Ly vào bản văn như là phần kết của lời kinh tạ ơn (tương ứng với kinh Tiền tụng ngày nay).

Về điểm này, Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari không phải là trường hợp duy nhất. Có thể đọc thấy những bằng chứng về cấu trúc sơ khởi trong các kinh nguyện hoặc trong các mảnh kinh nguyện cổ xưa.[10] Chẳng hạn, trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể không có mặt ở trong Kinh nguyện Thánh Thể của sách Didachè (9-10), ở trong kinh nguyện của các Hiến quy tông đồ (Constitutions apostoliques , VII, 25, 1-26,6) cũng không. Cũng hệt như thế đối với truyền thống ‘văn chương phụng vụ’ thời xưa tại Alêxănđria và đối với một số các phụng vụ gốc xyri. Có thể là cả trong Lễ quy (Canon ) Rôma, trình thuật về bữa Tiệc Ly – bắt đầu với các từ Qui pridie – được đưa thêm vào trong một toàn thể mà trước đó cấu trúc đã hình thành hoàn chỉnh. Xem ra việc thêm vào như thế đã xuất hiện hồi cuối thế kỷ 3, tại Xyri, và “trước công đồng Nixêa (325), không một Kinh nguyện Thánh Thể nào có thể chứng minh cho thấy sự có mặt – trong các kinh nguyện ấy – của các lời trình thuật về việc thành lập Thánh Thể.”[11]

Cấu trúc Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari cũng đáng được lưu ý đặc biệt, bởi nó không tương ứng với mẫu thường gặp, tức là loại các Kinh nguyện Thánh Thể thuộc mẫu dạng Antiôkia (kinh tạ ơn, trình thuật thiết lập, phần hồi niệm (anamnèse ), kinh khẩn nguyện Thánh Linh (épiclèse ), phần khẩn xin bầu cử,[12] và được tổ chức như sau:

– Phần đối thoại dẫn nhập.

– Kinh tạ ơn vì công trình tạo dựng và công cuộc cứu độ. Sanctus.

– Kinh tạ ơn vì chương trình cứu độ và vinh tụng ca.

– Kinh tưởng nhớ các Tổ phụ, kinh cầu bình an, phần nhắc lại mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Chúa, kinh khẩn nguyện Thánh Linh và vinh tụng ca.

Và đây là những đoạn chính của Kinh nguyện – rút ra từ gehantha thứ ba – là những đoạn bao hàm việc nêu lên các yếu tố thánh thể, việc nhắc lại mầu nhiệm phục sinh, và lời kêu cầu Thánh Thần:

Lạy Chúa, xin lấy lượng nhân từ hải hà mà dủ lòng khoan dung cùng quảng đại nhớ đến tất cả các Tổ phụ ngay lành và công chính […] trong cuộc tưởng niệm mình và máu Đức Kitô của Chúa, mình và máu mà chúng con dâng lên Chúa trên bàn thờ tinh tuyền và thánh thiện, như Chúa đã truyền dạy chúng con […].

Và lạy Chúa, cả chúng con nữa, là các tôi tớ của Chúa […], đang tụ họp và đang ở trước nhan Chúa, chúng con đã nhận được truyền thống mẫu gương đến từ Chúa […] để tưởng niệm và cử hành mầu nhiệm lớn lao cùng uy linh về cuộc khổ nạn, chịu chết và sống lại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.

Và Lạy Chúa, xin Thánh Thần Chúa đến, và xin Ngài ngự xuống trên lễ vật của các tôi tớ Chúa đây, để lễ vật ấy trở thành ơn tha thứ các lỗi lầm của chúng con, ơn xá giải các tội lỗi của chúng con, và mang lại ơn sống lại từ cõi chết cùng sự sống mới trong nước trời […].[13]

III – LỜI TRUYỀN PHÉP

Để trả lời cho câu hỏi về tính chất thành sự (validité ) của Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari, thì “sau khi tầm cứu lâu dài và sâu rộng”, ngày 17 tháng giêng năm 2001, Bộ Giáo lý Đức tin Tòa thánh Rôma đã nhìn nhận Kinh nguyện Thánh Thể ấy thành sự. Thế nhưng, phải biện giải thế nào về một quyết định đưa tới việc đảo lộn đến tận gốc rễ truyền thống được coi là phổ quát bên Tây phương, và làm như coi thường một ý niệm đã ăn rất sâu vào tâm khảm các tín hữu? Vì vậy, cần phải tìm hiểu cho kỹ hơn công thức thường được gọi là lời truyền phép (paroles de la consécration ).

Có thể nghĩ rằng ngay từ những thời khởi thủy, trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể – trình thuật về bữa Tiệc ly Đức Giêsu đã dùng với các môn đồ Ngài – như là giây phút truyền phép, tức là lúc bánh và rượu trở thành mình và máu Đức Kitô. Quả thế, hồi cổ thời kitô giáo cũng như ở thời đầu Trung cổ, không bao giờ có vấn đề xác định rõ thời khắc của việc truyền phép. Thông thường thì Kinh Nguyện Thánh Thể được đơn thuần chỉ định một cách chung, như là một toàn bộ.[14] Ý niệm về việc truyền phép như thấy lưu chuyển cho tới ngày nay, đã xuất hiện và triển phát theo nhịp các cuộc bàn cãi giáo lý diễn ra trong các thế kỷ 10-12,[15] khi mà các nhà thần học thảo luận về “sự hiện diện thật”, và khi mà đà suy tư đặc biệt dồn chú tâm vào các lời truyền phép.

Theo thần học kinh viện – là dạng thần học dùng các phạm trù của Aristốt – “mô thức” của Thánh Thể nằm ở các lời linh mục đọc nhân danh và trong chính bản thân Đức Kitô (in persona Christi ), và chính lúc linh mục lặp lại các lời của Đức Giêsu (Này là mình Ta, Này là máu Ta ), bánh và rượu biến thể thành mình và máu Đức Kitô. Công thức kinh điển của nền thần học này được nói lên qua cách biểu đạt uy tín của thánh Tôma Aquinô. Hơn ai hết, thánh Tôma nhấn mạnh đến “virtus ” (năng hiệu) của các lời truyền phép, cũng như đến năng quyền linh mục hành sử khi đọc các lời ấy. Nói cho cùng, hễ, không đọc bất cứ lời kinh nào khác, linh mục chỉ đọc các lời của Đức Kitô “Này là mình Ta… ” mà thôi, thì cũng đã thực sự cử hành Thánh Lễ (dù mắc tội nặng…)![16]

Từ thế kỷ 14, giữa bầu khí tranh luận, hai phía Latinh và Hy lạp bắt đầu tỏ thái độ đối lập nhau (phía Hy lạp cho rằng): không phải các lời trình thuật việc thành lập Thánh Thể làm nên công thức truyền phép, nhưng là hành động cầu khẩn Thánh Thần qua lời kinh khẩn nguyện Thánh Linh (épiclèse ). Tuy nhiên, việc cố xác định cho được thời khắc các yếu tố thánh thể biến thể – dù là với các lời của Đức Kitô hay là với lời khẩn nguyện Thánh Linh, thì cũng đều – dẫn vào những ngả đường lạc lối. Đó là một cuộc tranh cãi không đáng.[17] Cách suy luận kia vận hành theo lối thuần túy ‘thể thức’ mà không lưu ý cho đủ đến giới hạn của những hiểu biết thần học, đến những quy luật của việc cử hành phụng vu, và tính chất nhất thống nhất quán của kinh nguyện thánh thể.

Không thể chối cãi: cách hiểu – theo đó kinh nguyện truyền phép được tạo nên do bởi tâm điểm (phần cốt lõi) kinh nguyện thánh thể, chứ không phải do bởi việc đọc từng chữ (ad litteram ) các lời của Đức Kitô – là hoàn toàn trung thành với lề lối của những thời sơ khai, với truyền thống nguyên khởi của các Giáo hội bên Đông lẫn bên Tây phương. Quyết định giáo quyền Rôma đưa ra liên quan đến Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari, nói lên việc nhìn nhận tính chất thành sự của truyền thống ấy, và xác nhận rằng toàn bộ kinh nguyện thánh thể – chứ không phải chỉ một công thức riêng lẻ, tách rời ra khỏi toàn bộ – làm nên kinh nguyện truyền phép.

Chẳng phải đó là ý nghĩa mà Lời giới thiệu tổng quát của Sách Lễ Rôma [LGTTQSLR ] đã muốn nêu lên khi viết như thế này về kinh nguyện thánh thể: “Chính bây giờ là lúc bắt đầu những gì làm nên tâm điểm và chóp đỉnh của toàn bộ việc cử hành nghi lễ (và đó là): kinh nguyện thánh thể, kinh nguyện tạ ơn và truyền phép” (LGTTQSLR § 78 [54])? Chẳng phải tầm nhìn bao quát đó cũng chính là nhãn quan mà Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo cho thấy rõ khi khẳng định rằng: “Kinh Nguyện Thánh Thể, gồm lời Kinh Tạ Ơn và lời Truyền Phép, làm nên trung tâm và cao điểm của toàn bộ nghi thức cử hành” (GLHTCG § 1352)?

IV – TÍNH CHẤT “TRUYỀN PHÉP” CỦA TRÌNH THUẬT VỀ VIỆC THIẾT LẬP THÁNH THỂ

Phải chăng khẳng định trên đây muốn ám chỉ rằng những lời chúc tụng Đức Kitô nói lên trong bữa Tiệc ly không mang tính chất ‘truyền phép’ (consécratoire )? Thưa ngay là có: những lời ấy mang tính chất truyền phép, nhưng không phải như là một công thức tự nó và bởi nó mang lại được hiệu lực, qua việc đơn thuần được đọc lên. Quả thế, theo trình thuật kinh thánh về việc thiết lập Thánh Thể (1Cr 11:24-25; Lc 22:19), Đức Giêsu đã không chỉ thị phải “lặp lại” (đọc lại) các lời Ngài nói, mà chỉ truyền rõ là phải cử hành việc mừng kính mầu nhiệm Vượt qua để tưởng nhớ đến Ngài, trong viễn cảnh công trình cứu độ Ngài đã thực hiện. Đức Giêsu đã quy định một hành động (“Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy ”), chứ không dạy phải đọc lên một công thức. Đó là điều các kitô hữu – chuyên cần tham dự “lễ bẻ bánh” (1Cr 10:16; Cv 2:42) – vẫn làm kể từ thời các Tông đồ. Dù nội dung ngôn từ của các lời Đức Giêsu nói (để dâng lời tạ ơn trên bánh và trên chén) là gì đi nữa, và dù vấn đề đặt ra để xem bữa Tiệc ly có phải là bữa tiệc Vượt qua (như các Phúc âm nhất lãm xác nhận) hay không (theo như cách hiểu của Phúc âm của Gioan) có được giải quyết thế nào đi nữa, thì cũng vẫn phải trở lại với truyền thống giáo phụ để nhận rằng các lời nói về việc thiết lập Thánh Thể là những lời ‘truyền phép’, bởi lẽ chúng là những lời muôn đời có hiệu lực do Đức Kitô đã nói lên.

Giáo thuyết kinh điển trong Giáo hội Latinh xuất hiện từ thời Ambrôdiô thành Milanô. Đối với thánh nhân, “việc truyền phép diễn ra qua các từ (mots ) và các lời (paroles ) của Đức Chúa Giêsu”.[18] “Bí tích mà bạn đón nhận đây, đã được tác tạo nên do lời của Đức Kitô”.[19]

Tuy nhiên, thánh Ambrôdiô cũng không quan niệm lời của Đức Kitô như là một công thức để lặp lại. Các lời ấy có hiệu lực bởi vì đó là những lời của chính Ngôi Lời:

Chính là lời của Đức Kitô, Đấng làm nên bí tích. Lời của Đức Kitô là lời nào? Thì đây: chính là lời nhờ đó mọi sự đã được làm nên. Đức Chúa đã ra lệnh, và trời đã được làm nên. Đức Chúa đã ra lệnh, và đất đã được làm nên […]. Bạn thấy đó, lời của Đức Kitô hiệu lực là chừng nào. Vậy, nếu trong lời của Đức Chúa Giêsu có một hiệu lực lớn lao đến độ làm cho hiện hữu những gì trước đó không có, thì lời đó càng hiệu lực hơn biết mấy để làm cho những gì đã sẵn có, hiện hữu và biến thể thành sự vật khác.[20]

Có thể đọc thấy một giáo huấn tương tự trong các tác phẩm của thánh Gioan Chrysostôm. Dù vẫn thường nêu bật tác động của Chúa Thánh Thần, vị thánh này cũng đã – ít ra là một lần – nhận các lời thuật lại việc thiết lập Thánh Thể là công thức truyền phép:

Không phải là một con người (thường) làm cho các lễ phẩm biến thành mình và máu Đức Kitô, nhưng là Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta, là chính Đức Kitô. Thay mặt Đức Kitô, linh mục đọc các lời ấy, nhưng hiệu lực và ân huệ của chúng là của Đức Chúa. Ngài nói: ‘Này là mình Ta’. Lời ấy biến thể các lễ phẩm đặt trước mặt chúng ta. Lời một lần được nói lên: ‘Hãy nẩy nở, hãy sinh sôi’, trải dài qua muôn thế hệ và mang lại cho thiên nhiên khả năng sinh sôi; thì cũng thế đối với lời ‘Này là mình Ta’. Được nói lên một lần, nhưng từ thời ấy cho tới bây giờ, cũng như cho tới lúc Đức Kitô tái lâm, lời ấy làm cho mọi lễ hy tế tồn tại và có được hiệu lực như chúng có.[21]

Chẳng khác gì Ambrôdiô, Gioan Chrysostôm không đặt hiệu lực truyền phép ở nơi việc đơn thuần lặp lại các lời của Đức Giêsu, nhưng là ở nơi biến cố lịch sử của bữa Tiệc ly và việc thiết lập Thánh Thể do chính Đức Giêsu. Những lời do Đức Kitô nói lên trong bữa Tiệc ly trải dài hiệu lực của chúng đến hết mọi hy lễ Tạ Ơn diễn ra sau đó. Theo các giáo phụ, các lời thiết lập Thánh Thể, những lời Đức Giêsu nói trong bữa Tiệc ly, chính các lời ấy mới có hiệu lực truyền phép, dù không được đọc lên, như trong trường hợp Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari. “Sinh nên từ việc Đức Kitô thiết lập, thánh lễ không bao giờ là gì khác ngoài những cấu tố tạo nên nó ngay từ nguồn gốc; tuy nhiên, qua các thế kỷ, dù không động tới cấu trúc cơ bản, những nghi thức hoặc những kinh nguyện đã, tùy nơi tùy thời, mang lại cho nghi thức cử hành thánh lễ những dạng thái khá khác nhau.”[22] Quyết định của thẩm quyền Rôma nhắc cho nhớ rằng vẫn có thể coi những khác biệt đó như là những cách thức biểu đạt khác nhau của cùng một đức tin duy nhất. Trong việc cử hành Lễ Tạ ơn, các lễ vật bánh và rượu được biến thể và thánh hiến bởi một kinh nguyện (quddasha , anaphore , canon / lễ quy, prière eucharistique / kinh nguyện thánh thể) có khả năng hiện thực hóa lời của Đức Kitô và ứng áp cho các lễ vật hiến dâng những gì Đức Giêsu đã truyền chuyển cho chúng ta. Những cách thức có thể thay đổi qua các thời đại, nhưng điều cốt yếu là chủ tâm (intention ) của linh mục hành động nhân danh và trong bản thân của Đức Kitô, chủ tâm cử hành thánh lễ theo nghi thức Giáo hội mình. Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari không ghi lại các lời trình thuật việc thiết lập Thánh Thể, nhưng lại tỏ rõ chủ ý cử hành Thánh Thể, Lễ Tạ Ơn “theo sát dòng tiếp diễn của bữa Tiệc ly và theo ý hướng của Giáo hội”[23] Vì thế, Kinh nguyện Thánh Thể này được nhận là thành sự.[24]

V – MỘT VÀI NHẬN ĐỊNH MỤC VỤ

Quyết định trên đây của Ban cố vấn Tòa thánh đặc trách về Hiệp nhất kitô đã không gây tiếng vang cũng như đã không được bàn tới nhiều. Đó là điều dễ hiểu. Bởi nói cho cùng, quyết định ấy chỉ liên hệ tới tín hữu các Giáo hội Canđê và Asxyri mà thôi. Tuy nhiên, xét về mặt giáo lý, nó lại mang một tầm ý nghĩa hết sức sâu rộng, và kéo theo những hệ luận thực sự quan trọng. Cha Robert Taft, nguyên giáo sư Giáo Hoàng Học Viện Đông Phương tại Rôma, đã đi đến chỗ khẳng định cho đó là “văn kiện quan trọng nhất của Huấn quyền kể từ công đồng Vaticanô II”.[25]

Trong thực tế, thiết nghĩ quyết định kia sẽ làm thay đổi lề lối suy nghĩ của nhiều tín hữu công giáo, và sẽ mời gọi họ tìm hiểu Kinh nguyện Thánh Thể cho sâu sắc, đầy đủ hơn. Cụ thể mà nói, quyết định của Ban Cố vấn Tòa thánh sẽ ảnh hưởng về mặt mục vụ, tới hai lãnh vực:

Dù đối với các trẻ em hay là người lớn, thì trong cách trình bày giáo lý, cũng không thể tiếp tục đơn thuần tập trung chú ý vào các lời thiết lập Thánh Thể – tức là lúc truyền phép – khi giới thiệu Kinh nguyện Thánh Thể; trái lại, cần lưu tâm khai triển cho đủ các yếu tố khác nhau nằm trong cấu trúc của kinh nguyện ấy:

– chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về tất cả những gì tốt và đẹp trong công trình tạo dựng và giữa lịch sử loài người;

– chúng ta hồi tưởng những gì Đức Giêsu đã làm trong bữa Tiệc ly;

– chúng ta tưởng nhớ mầu nhiệm vượt qua và dâng hiến lễ chính Đức Kitô đã thiết lập;

– chúng ta khẩn xin Thánh Thần dùng quyền năng của Ngài mà thánh hiến các lễ vật và thánh hóa cộng đoàn tham dự buổi lễ.

Biết được sự việc có một kinh nguyện Thánh Thể – thuộc một truyền thống khác trong Giáo hội – đúng chuẩn tắc dù không ghi lại trình thuật về việc thiết lập Thánh Thể, là điều giúp mở rộng tầm hiểu hầu tránh lối quan niệm có tính cách ‘phù phép’ về các lời truyền phép, cũng như để lưu tâm đúng mức hơn tới những chiều kích khác nhau trong bí tích Thánh Thể: ngoài sự việc Đức Kitô hiện diện thật dưới các hình bánh và rượu, còn có kinh tạ ơn dâng lên Thiên Chúa Cha, và việc hồi niệm mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô. Không mảy may phủ nhận bất cứ điều gì liên quan đến sự việc Đức Kitô hiện diện thật sự trong bí tích, thì cũng không thể bỏ qua hai chiều kích kia: cùng với Đức Kitô dâng lời nguyện cầu lên Cha Ngài, làm lễ tế tán tụng và tạ ơn, và mặt khác, tái phát hiện Lễ Tạ Ơn như là cuộc “hồi niệm” – theo nghĩa mạnh – mầu nhiệm Vượt qua của Đức Kitô và của Giáo hội.

Trong Lễ Tạ Ơn, chúng ta tham dự vào cuộc dâng hiến của Giáo hội, cách riêng là Giáo hội hiện diện trong buổi lễ. Khi nhân danh và trong bản thân của Đức Kitô để hành sự, linh mục không hành động riêng lẻ một mình: “Chúng con… tạ ơn Cha đã cho chúng con được đến trước tôn nhan và tế lễ phụng thờ” (Kinh nguyện Thánh Thể II); “Cha không ngừng quy tụ một dân riêng, để từ đông sang tây cùng dâng lên Cha một hiến lễ tinh tuyền” (Kinh nguyện Thánh Thể III). Quả vậy, toàn thể cộng đoàn cùng tiến dâng bánh và rượu qua một thái độ, cử chỉ mà có cụ thể nối liền với đời sống các tín hữu thì mới mang trọn được ý nghĩa. “Đời sống, lời ca ngợi, đau khổ, kinh nguyện, công việc của các tín hữu đều được kết hợp với Đức Kitô và với lễ dâng toàn hiến của Người; nhờ đó tất cả có được một giá trị mới”.[26]

Có phải là một cách gián tiếp, quyết định nói trên dẫn tới chỗ đặt câu hỏi đối với việc đặc cách nêu bật giây phút truyền phép? Từ cuối thế kỷ 12, trình thuật thiết lập Thánh Thể đã được đặt vào trong một bầu khí đặc biệt tôn nghiêm trang trọng: giữ thinh lặng hoàn toàn, nâng cao mình thánh và chén thánh, đổ chuông, xông hương. Châm ngôn giáo thuyết thường nói: lex orandi, lex credendi (nguyện luật tức tín luật). Trong vấn đề này, chẳng phải đây là thời điểm thích hợp để giới thiệu một dạng giáo lý hoàn chỉnh hơn về phụng vụ?

Rồi, càng ngày càng thấy có nhiều tín hữu ngồi xuống sau khi linh mục đọc xong các lời truyền phép,[27] làm như phần tiếp sau đó của kinh nguyện Thánh Thể chỉ là thứ yếu. Dù sao thì cũng có thể hỏi xem: các tín hữu – và cả các mục tử của họ – có thực sự ý thức về tầm quan trọng cùng ý nghĩa của các lời kinh hồi niệm (anamnèse ) và khẩn nguyện Thánh Linh (épiclèse ) hay không? Chẳng phải lúc tham dự kinh nguyện Thánh Thể, cần giữ thái độ bên ngoài sao cho phù hợp với lòng tôn kính bên trong thì mới hợp lẽ đó sao?[28] Tư thế đứng được coi như là có thể tượng trưng cho sự sống lại, cho thái độ tạ ơn, cho lòng mong đợi Đức Chúa sẽ lại đến trong hồi cánh chung. Trong thời Giáo hội sơ khai, các kitô hữu tham dự phụng vụ được mời gọi giữ tư thế đứng trong ngày Chúa Nhật và suốt trong Mùa Phục Sinh. Cũng nên khuyên tín hữu làm như vậy lúc tham dự kinh nguyện Thánh Thể.[29]

* * * * *

Văn kiện của Ban cố vấn Tòa thánh đặc trách về Hiệp nhất kitô phản ánh các kết quả thu lượm được từ những gì quý hóa nhất trong nỗ lực tầm cứu phụng vụ. Cùng với các anh chị em kitô hữu Đông phương, chúng ta vui mừng nhận thấy rằng quyết định của Ban cố vấn đã tỏ rõ một lòng tôn trọng cao độ đối với các truyền thống Đông phương. Cùng với tất cả anh chị em đã chịu phép rửa, cách riêng là với những ai có trách nhiệm cùng tác vụ huấn luyện giáo lý và đời sống kitô, chúng ta hân hoan chào mừng một văn kiện có khả năng giải phóng khỏi não trạng duy văn tự (littéralisme ) câu nệ trong lãnh vực phụng vụ, và qua đó, mời gọi hướng tới nỗ lực đào sâu mầu nhiệm chúng ta cử hành trong mỗ Lễ Tạ Ơn.

Nguyễn Thế Minh trình dịch


[1] G. Vanhoomissen, linh mục Dòng Tên, làm việc tại Viện Lumen Vitae , Bruxelles, Bỉ, là tác giả bài bình luận tựa đề “Une Messe sans paroles de consécration? À propos de la validité de l’anaphore,” đăng trong tạp chí Nouvelle Revue Théologique , bộ 127, số 1 (2005) 36-46.

[2] Ban cố vấn Tòa thánh đặc trách về Hiệp nhất kitô (Conseil pontifical pour l’Unité des Chrétiens), “Admission à l’Eucharistie entre l’Église chaldéenne et l’Église assyrienne d’Orient. Notes et orientations,” trong Documentation Catholique 2265 (99, 2002) 213-214. Bản văn đã được phê chuẩn ngày 20 tháng 7, 2001, và công bố ngày 25 tháng 10, 2001. Có thể tham khảo văn kiện ở trên mạng của Vatican: http://www.vatican.va/roman_curia/pontifical_councils/christuni/sub-index/index_east-assyrian_fr.htm

[3] Một trong 3 kinh nguyện Thánh Thể được dùng trong Giáo hội Asxyri Đông phương.

[4] Xin xem Alvarez L. F., “La anáfora de Addaї y Mari, verdadera plegaria eucarística,” trong Phase 257 (2003 409-417; Giraudo C., “Addaї e Mari, l’anafora della Chiesa d’Oriente: ‘ortodossa’ anche senza le parole istituzionali,” trong Rivista Liturgica 89 (2002) 205-215; Hofrichter P., “L’anaphore d’Addaї et Mari dans l’Église de l’Orient. Une eucharistie sans récit d’institution?” trong Istina XL (1995) 95-105; Jammo S., “Le Quddasha des Apôtres Addaї et Mari. Un lien avec l’époque apostolique,” dans Istina XL (1995) 106-120; Smyth M., “Une avancée oecuménique et liturgique. La note romaine concernant l’Anaphore d’Addaї e Mari,” trong La Maison-Dieu 233 (2003) 137-154; Sull’Anafora dei Santi Apostoli Addaї e Mari , éd. B. Gherardini, numéro spécial de Divinitas 47 (2004) tr. 296; Taft R., “Mass without the Consecration? The Historic Agreement on the Eucharist between the Catholic Church and the Assyrian Church of the East Promulgated 26 October 2001,” trong Worship 77 (2003) 482-509.

[5] Xin xem Le Coz R., Histoire de l’Église d’Orient. Chrétiens d’Irak, d’Iran et de Turquie , Paris, Cerf, 1995. Ít có phân biệt giữa các tên gọi Giáo hội Ba tư cổ (tên địa dư từ thời phát sinh), Giáo hội Xyri bên đông (tên lấy từ ngôn ngữ dùng trong phụng vụ, một phương ngữ aram), hoặc Giáo hội néttôriô (tên gọi cộng đoàn các kitô hữu Ba tư từ chối công nhận việc các công đồng Êphêsô và Canxêđôn lên án Néttôriô).

[6] Các sử gia ngày nay nhận rằng lập trường của Néttôriô, giáo chủ Conxstăntinốp, không mang tính chất “néttôriô” dù không thừa nhận các quyết định của công đồng Êphêsô. Một thỏa hiệp mới đây về kitô học (1994) chứng tỏ cho thấy đức tin chung giữa Giáo hội công giáo và Giáo hội Asxyri Đông phương.

[7] Nguyên giám mục Têhêran, được bầu làm thượng phụ giáo chủ năm 1976, Đức Mar Dinkha IV ở tại nhiệm sở bên Hoa kỳ.

[8] Addaї hoặc Addée có thể là một biến dạng của Thađêô; còn Mari thì có thể là một môn đồ của vị tông đồ.

[9] Khi đi vào hiệp thông với Rôma, các kitô hữu công giáo thuộc nghi thức canđê và xyrô-malabar bắt đầu dùng một bản của Kinh nguyện Thánh Thể Addaї và Mari có ghi thêm trình thuật về bữa Tiệc Ly.

[10] Xin xem Smyth M., “Une avancée oecuménique et liturgique” (trưng dẫn supra, ghi chú số 3), tt. 142-144.

[11] Taft R., “Mass Without the Consecration?” (trưng dẫn supra , ghi chú số 4), tr. 493.

[12] Có thể tìm thấy một cấu trúc tương tự nơi Kinh nguyện Thánh Thể IV trong Sách Lễ Rôma

[13] Văn bản hiện đang được dùng, y hệt văn bản cổ (thế kỷ 3) được phục nguyên bởi Gelston A., The Eucharistic Prayer of Addaї and Mari , Oxford, Clarendon Press, 1992, tt. 121-123

[14] Xin xem Jungmann J.-A., Missarum Sollemnia , Paris, Aubier-Montaigne, 1953, t. 3, tt. 120-121, ghi chú 9.

[15] Chuẩn tắc trong vấn đề vẫn là cuốn sách của de Lubac H., Corpus mysticum. L’eucharistie et l’Église au Moyen Âge , Paris, Aubier-Montaigne, 1949

[16] “Nếu linh mục nói lên chỉ các lời kia mà thôi, với chủ ý làm bí tích này [Thánh Thể], thì bí tích đã được thực hiện”: Tôma Aquinô, S. Th. IIIa 78, 1,4. Dĩ nhiên, không đủ để trở thành bí tích việc đơn thuần lặp lại các lời truyền phép một cách máy móc mà không có chủ ý cử hành bí tích nhân danh và trong chính bản thân Đức Kitô.

[17] Xin xem Congar Y., Je crois en l’Esprit Saint , tập 3, Paris, Cerf, 1980, tt. 294-319 (“Sur l’épiclèse eucharistique”); Lamberts J., “Quelques réflexions sur l’épiclèse” trong Questions liturgiques 84 (2003) 226-243

[18] Ambroise de Milan, Des Sacrements. Des mystères. Explication du Symbole , éd. B. Botte, Sources chrétiennes 25 bis, Paris, Cerf, 1950; Des sacrements IV, 4.

[19] Ibid. Des mystères IX, 52

[20] Ibid. Des sacrements IV, 14-17; xin cũng xem V, 21-23 và Des mystères IX, 52.

[21] Jean Chrysostome, Homélie sur la trahison de Juda 1, 6; PG 49, 380

[22] Cabié R., L’Eucharistie , cuốn II trong bộ L’Église en prière , éd. A. G. Martimort, Paris, Desclée, 1983, tr. 16.

[23] Văn kiện trưng dẫn của Ban cố vấn… (“Orientations” § 3); trong khoản này, có đoạn ghi: “Các lời trình thuật việc thiết lập Thánh Thể thực sự hiện diện ở trong Kinh nguyện Thánh Thể Addaї et Mari, không phải dưới hình thức tường thuật cố kết và theo từng chữ (ad litteram ), nhưng là theo dạng ‘kinh phụng tự’ (eucologique ) và một cách phân tán (disséminée ), tức là được hòa nhập vào các kinh tạ ơn, ngơi khen và khẩn nguyện đi tiếp nhau” (ibidem ).

[24] Thực ra, một cách chính thức, bên Đông cũng như bên Tây phương, không bao giờ có chuyện nghi ngờ, đặt vấn đề về tính chất thành sự của Kinh nguyện Thánh Thể này (x. Văn kiện (25.10.2001) của Ban cố vấn Tòa thánh đặc trách về Hiệp nhất kitô § 3).

[25] Taft R., “Mass Without the Consecration?”, op. cit., tr. 483

[26] Giáo lý Hội thánh Công giáo , § 1368

[27] Tôi muốn nói đến trường hợp các cộng đoàn giáo xứ, chứ không phải các nhóm cử hành “tại gia” hoặc các nhóm tín hữu tuổi tác, ốm đau…

[28] Xin xem Grayland J., “Standing, the Posture of Participation in the Eucharist Prayer”, trong The Australasian Catholic Record 81 (2004) 336-350.

[29] Dù sao thì cũng phải tôn trọng truyền thống văn hóa bản địa; chính vì thế mà cần phải để tùy quyết định của Hội đồng giám mục địa phương (cf. PGMR § 43 và 392).