Hợp Tuyển Thần Học

Thần Học Giải Phóng Đi Về Đâu?

Thần Học Giải Phóng Đi Về Đâu?

Mục Lục

Tác giả là một linh mục Dòng Tên, đang dạy triết học tại Đại Học Công Giáo thành phố Asunción bên Paraguay. Đây là bài viết nguyên văn tiếng Anh, tựa đề “Liberation Theology and the New World Order'” đăng trong tạp chí America 16 (Nov.1990)389-393.

Giải Phóng Hay Giải Hòa

Hiện nay, tại Châu Mỹ Latinh cũng như tại Bắc Mỹ và Châu Âu, đang đọc thấy một số sách báo đưa ra những lời giải thích cho thái độ thắc mắc hỏi rằng: “Thần học giải phóng đã sẩy chân những bước lầm lỡ nào?”

Phần đông các tác giả cứ đinh ninh rằng vì chủ nghĩa Mác Lê đã sụp đổ, thì thần học giải phóng cũng phải sụp đổ theo, và họ đang ra sức chứng minh như thế. Họ thường nhắc đến các biến cố như: nhân dân các nước Đông Âu khởi nghĩa chống cộng sản; nhà cầm quyền Trung Quốc tàn sát sinh viên chống đối đòi phải thực thi dân chủ; nhân dân xứ Nicaragua bỏ phiếu tẩy chay cách mạng xã hội chủ nghĩa Sanđinô; xứ Cuba ngày càng bị cô lập và thất thế. Họ cho rằng tất cả những sự kiện đó hẳn phải làm cho thần học giải phóng mất hết uy tín và ảnh hưởng.

Cũng có những tác giả còn lên án thần học giải phóng, cho rằng nền thần học này là nguyên nhân chính làm cho Giáo hội Công giáo phải rơi vào tình trạng thoái bộ, và đồng thời còn làm cho đà tiến phát của các giáo phái cuồng tín tăng lên rất nhanh khắp nơi trong Châu Mỹ Latinh.

Các lời phê bình nói trên, thường dựa vào những lý lẽ có tính cách giả định, chứ không bao giờ được chứng minh cho chỉnh cả; và nếu xét kỹ, thì sẽ thấy rõ đó là những lý lẽ hoàn toàn vô căn cứ. Đáng lo hơn nữa là gần đây, văn phòng Hội Đồng Tư Vấn Các Giám Mục Châu Mỹ Latinh (CELAM) đã bắt đầu ủng hộ và cổ vũ một trào lưu gọi là “thần học hòa giải,” vì cho rằng con đường hòa giải thì chắc chắn hơn con đường giải phóng, và không đòi hỏi phải đổi mới xã hội tận gốc rễ, như thần học giải phóng thường đòi hỏi. Đối với nhiều người, thần học hòa giải chỉ nhằm mục đích chống lại, chứ không phải là tiếp nối con đường của thần học giải phóng: không biết nhận định như thế có chính xác hay không.

Những Thiếu Sót Của Thần Học Giải Phóng

Phải nhìn nhận rằng chính các nhà thần học giải phóng thực đã làm dấy lên những phản ứng chống lại thần học giải phóng, và làm cho nền thần học này phải lâm vào tình trạng như đang thấy hiện nay. Ngay từ trước khi các biến cố bên Đông Âu xảy ra, thần học giải phóng cũng đã cho thấy những triệu chứng kiệt sức và đang đi xuống. Cách đây 20 năm, đó là một trào lưu thần học đầy nhựa sống, muốn đương đầu với thách đố đem Tin Mừng hội nhập vào trong những cảnh trạng đói khổ và bạo lực; nhưng nay thì tỏ ra là đã lỗi thời, sa lầy vào trong một thứ vòng luẩn quẩn: không có thêm được một bộ mặt mới mẻ trẻ trung nào, và những người đi trước, của thời cách đây 20 hay 15 năm, thì hình như không còn nghĩ ra được gì mới mẻ đáng viết lên, mà chỉ lặp lại những tư tưởng cũ của ngày xưa không thôi.

Các nhà thần học giải phóng lãnh đạo về mặt tư tưởng đã biến thành những nhân vật tiếng tăm, nhưng họ lại mãi bận bay đi khắp nơi trên thế giới để thuyết trình, để hội thảo, đến độ làm cho nhiều người phải đặt câu hỏi nghi ngờ không biết chính bản thân họ có thực sự quan tâm đến dân nghèo hay không? và nếu có, thì tới mức độ nào? Mỉa mai nhất là trong chuyến viếng thăm Liên Xô và một số nước Đông Âu vài ba tháng trước khi các dân tộc vùng này khởi nghĩa lật đổ các chế độ xã hội chủ nghĩa, một nhà thần học giải phóng người gốc Brazil, lớn tiếng tuyên bố rằng quả là tại những nơi ấy, mình đã được tận mắt nhìn thấy thiên đàng của giới lao động! Tuy nhiên, không phải luôn luôn và tất cả đều như vậy; chẳng hạn như trường hợp sau đây: mùa hè năm 1990, linh mục Gustavo Gutiérrez, được coi là cha đẻ của thần học giải phóng, đã viết thư đến người tổ chức đại hội thần học quốc tế nhóm họp tại Louvain (Bỉ) để long trọng cáo lỗi vì không đến tham dự được bởi bận tổ chức một cuộc phát thực phẩm khẩn cấp cho giáo dân đói kém trong họ đạo của mình, tại Perù.

Có một hiện tượng khác còn đáng quan ngại hơn và còn trọng yếu hơn hẳn cái ngốc nghếch ngớ ngẩn của một thiểu số các nhà trí thức (hiện tượng đó cũng chẳng có gì là mới mẻ cả!), đó là: đã vô phương cứu chữa, tình trạng của đa số dân nghèo tại Châu MỸ Latinh lại còn sa sụp thê thảm hơn nữa trong vòng 20 năm vừa qua. Những trận đấu khẩu hiệu giữa phe tả và phe hữu đã biến thành những trận đánh bằng súng bằng đạn; và thành quả duy nhất trông thấy được là số xác chết của người dân cứ chồng chất thành đống ngày càng cao hơn.

Một điều đáng tiếc là tệ nạn chia rẽ ngày càng lan dần sang cả bên phía Giáo hội: mối xung khắc giữa “giáo hội nhân dân” và “giáo hội phẩm trật” ngày một căng thẳng thêm, làm cho cộng đoàn tín hữu suy yếu dần đi, không còn có sức để góp phần hữu hiệu vào trong công tác đổi mới xã hội. Ngôn ngữ đôi bên dùng để đấu tố nhau, nghe ra ngày càng chướng tai. Phái “bảo thủ” và phe “cấp tiến” kết án coi nhau là “bù nhìn thối nát của đế quốc,” là “khí cụ ngu xuẩn của chủ nghĩa Mác Lê.” Tại xứ Colombia, một đơn vị du kích, do một linh mục người Tây Ban Nha chỉ huy, đã hãnh diện lãnh trách nhiệm ám sát một vị giám mục! Trong bầu khí cố chấp, không đội trời chung như thế, khó mà nói lên được những lời khôn lẽ phải, bởi vì hễ ai nói như vậy, thì sẽ tức khắc bị kết án là người bỏ cuộc, đầu hàng, trốn chạy. Và rồi cứ như lệ thường, phải chịu thiệt thòi và thiệt hại lớn nhất là người dân nghèo.

Tuy nhiên, ngay cả thần học giải phóng cũng bị thiệt hại. Một khi đã đòi phải chấp nhận hoặc phủ nhận vô điều kiện, một lập trường, một quan điểm, thì không còn bàn cãi, đắn đo gì được nữa. Sự việc xảy ra như cơm bữa, là: những khi hai bên thảo luận với nhau, dù đã đề xuất những tư tưởng khá tốt đẹp, thì rồi cũng chẳng đi được tới đâu, vì chỉ biết lặp đi lặp lại những khẩu hiệu phe đảng trống rỗng. Có người lại chỉ biết nhìn thực tế theo những nhãn quan quá khích để chỉ thấy là hoàn toàn đen hoặc là hoàn toàn trắng, chứ không biết lưu ý đến toàn bộ các khía cạnh phức tạp trong cuộc sống. Không thiếu chi những người dù chưa bao giờ đọc hoặc biết đến tác phẩm của các nhà thần học giải phóng và dù chỉ mới biết qua “nghe nói,” thì cũng đã hết lời ca tụng họ; thế là vì đối với những người này, hình như điều quan trọng hơn cả là việc đứng về phe của mình, và thuộc lòng tất cả những khẩu hiệu bè đảng của phe mình.

Nếu đã có những lực lượng gian ác ngấm ngầm gây thêm chia rẽ trong Giáo hội để mọi người quên đi các vấn đề cụ thể của dân nghèo, thì chắn chắn bây giờ họ hết sức bằng lòng và có thể tự hào là đã thành công rực rỡ. Nhiều lúc, các tín hữu phân vân không hiểu được nổi tại sao các nhà trí thức trong Giáo hội lại đi đánh đấm lẫn nhau. Ngay cả báo chí quốc tế cũng bị lừa: các nhà báo thường viết những bài báo nói là các nhà thần học giải phóng bị “Tòa Thánh bách hại,” chứ không ai nói chi tới những cuộc vật lộn, nhiều khi vô vọng, của dân nghèo để sống còn. Trường hợp xứ El Salvador: chỉ sau vụ 6 linh mục Dòng Tên bị thảm sát, các phương tiên truyền thông quốc tế mới bắt đầu để ý tới tình trạng của xứ này, cho dù trong các năm trước đó, đã có hơn 70 ngàn người dân vô danh phơi thây làm nạn nhân của cuộc nội chiến tại xứ ấy. Hầu như không một ai trong giới truyền thông quốc tế, đã để ý tới số người bất hạnh này.

Bất cứ phong trào nào rồi cũng hưởng được một thời kỳ “trăng mật vàng son,” lúc mà ai ai cũng cảm thấy hãnh diện và hứng khởi được góp phần vào trong những công tác mới mẻ, lý tưởng, vĩ đại, và tạm gác lại đàng sau những vấn đề, những kế hoạch thực tế, dài hạn. Trong trường hợp các phong trào chính trị và tôn giáo, thời kỳ hồ hởi vừa nói, thường kết thúc khi thế hệ đế xướng và sáng lập, qua đi. Có thể nói là thời “vàng son” của thần học giải phóng đã kéo dài quá lâu rồi, và hiện nay, thì rõ ràng là đã chấm dứt. Không ai tìm được một giải pháp thần diệu nào có đủ sức để giải quyết các vấn đề khổng lồ của dân nghèo; không ai đã động viên được nhân dân vùng dậy tham gia cách mạng; các cơ cấu bất công của xã hội hình thành trong những thế kỷ qua, vẫn thành công trong đà phản pháo chống cưỡng lại những nỗ lực đưa ra để tức khắc loại trừ chúng đi. Nói chung, các nhà thần học giải phóng đã thất bại, không tìm ra được những giải pháp thần diệu hầu tức tốc thanh toán cho xong các vấn đề chính trị, xã hội và kinh tế của vùng Châu Mỹ Latinh, như họ đã từng dự kiến. Đứng trước một thực tại phủ phàng như thế, tất các nhà trí thức lâm vào thế bị buộc phải xét lại các lý thuyếết và các phương án của họ. Thần học giải phóng không còn có thể dựa vào tính cách mới mẻ hấp dẫn từng có ngày trước, hoặc là vào những khẩu hiệu giật gân thuở nào được nữa. Trong lúc này, thần học giải phóng đang phải đối phó với một thách đố lớn, đó là làm sao để duy trì cho được những thành quả tích cực dồi dào đã thu đạt được trong 20 năm qua, và để chuẩn bị cho ổn con đường sẽ đi trong tương lai trước mắt.

Những Thử Thách Mới

Trong những năm 1988, 1989, đâu đâu người ta cũng tỏ ra nhàm chán, không còn muốn nghe tới những khẩu hiệu trống rỗng nữa, và không còn muốn thấy bạo lực vô bổ diễn ra nữa, nhưng lại muốn cũng như sẵn sàng mở con đường đối thoại để thử xây dựng một nền dân chủ. Hiện nay, hầu hết các nước Châu Mỹ Latinh đều đang sống qua cuộc thử nghiệm xây dựng thể chế dân chủ ấy. Nhưng muốn đạt cho được kết quả cụ thể tốt đẹp, thì các cơ cấu dân chủ cần phải được trao về cho và thiết đặt bởi các đại diện của nhân dân, cũng như cần phải tạo điều kiện để đại đa số nhân dân từ xưa đến nay hằng bị bịt miệng câm nín, có được cơ hội nói lên tiếng nói chính đáng của mình. Nếu không được như vậy, thì các thành phần cực đoan sẽ tiếp tục thao túng, lấy cớ rằng con đường đối thoại và xây dựng dân chủ chỉ là thủ đoạn do một thiểu số có tiền và có quyền đưa ra nhằm ngăn chặn, bóp chết mọi cuộc đổi mới căn bản về mặt chính trị và kinh tế. Đại đa số nhân dân Châu Mỹ Latinh đều nghèo túng, nhưng không dễ gì lừa bịp họ được; và nếu cuộc thí nghiệm dân chủ kia thất bại, thì khó mà có được một cuộc thử nghiệm thứ hai.

Quả vậy, trong quá khứ, một số nhà thần học giải phóng đã vì bốc đồng và cố chấp mà từ chối không muốn nghe nói đến việc thí nghiệm dân chủ như thế, quan niệm rằng cách mạng là niềm hy vọng duy nhất cho các dân nước Châu Mỹ Latinh cũng như cho cả toàn thể Thế Giới Thứ Ba. Lập trường này đúng hay sai về mặt luân lý thì hẳn không phải là chuyện cần phải bàn đến ở đây; có điều chắc chắn là nhân dân không chấp nhận đường lối cách mạng. Dù sao thì hoàn cảnh của Châu Mỹ Latinh vào lúc thần học giải phóng xuất hiện, cũng có thể giúp cho hiểu được một phần nào lý do tại sao một số nhà thần học giải phóng đã khư khư chủ trương cách mạng vũ trang.

Lịch Trình Thần Học Giải Phóng

Thời đó, nhiều nhà trí thức Châu Mỹ Latinh nghĩ rằng cách mạng Cuba là tia hy vọng duy nhất bừng lên trong con đường hầm đen tối của nghèo nàn và bóc lột. Chẳng phải Fidel Castro và “Chê” Guêvara cùng những người tiếp sau đó, như linh mục du kích xứ Colombia, Camilo Torres, đã nghiễm nhiên và chớp nhoáng trở thành những vị anh hùng dân tộc đó sao!

Dĩ nhiên, dù muốn dù không thì Châu Mỹ Latinh cũng không tránh được cảnh làm nạn nhân của tình trạng “chiến tranh lạnh.” Và cũng dĩ nhiên là không thể hoàn toàn quy trách sai lầm cho duy một bên mà thôi, để cho bên kia là hoàn toàn đúng; nhưng cũng phải nói rằng chủ thuyết tồi tệ gọi là “an ninh quốc gia” do Bắc Mỹ phác họa ra và mạnh mẽ ủng hộ bằng tiền bạc hầu ngăn chặn đà phổ biến của chủ nghĩa cộng sản đã làm cho nhiều người tại Châu Mỹ Latinh xác tín thêm là thay vì lo giữ đúng các nguyên tắc căn bản của hiến pháp mình, thì Hoa Kỳ cứ cố xuất cảng các nguyên tắc ngoại lai và không mấy thích hợp ấy ra cho vùng Nam Mỹ. Nếu nhân dân Châu Mỹ Latinh có chán ghét Hoa Kỳ, thì đó không phải là chuyện lạ, bởi họ đã nhìn thấy sự việc Hoa Kỳ nhúng tay vào âm mưu lật đổ các chính quyền xã hội chủ nghĩa do nhân dân bầu lên, để đi ủng hộ các chính thể độc tài tại các nước Guatêmala (1954) và Chilê (1973). Việc Hoa Kỳ trợ giúp các phương án từ thiện và phát triển cũng đã không thay đổi được hình ảnh tiêu cực trên đây, bởi vì phần lớn các ngân khoản tài trợ như thế đã ung dung lọt hẳn vào túi của một thiểu số người thối nát và bất lương có thế thần trong tay.

Cũng nên nhớ là không phải chỉ tại Châu Mỹ Latinh mới có những hạng trí thức đặt trọn niềm tin của mình vào nơi chủ nghĩa Mác Lê ảo tưởng thôi đâu: phần lớn các người đầu tiên chủ trương thần học giải phóng, đều đã du học tại các đại học “cấp tiến” ở Châu Âu, đặc biệt là ở Paris, lúc mà chủ thuyết Mác Lê được nhiều người sống ngoài thế giới cộng sản, hâm mộ và ca tụng. Trong bầu khí đổi mới của thời tiếp hậu Công Đồng Chung Vaticanô II, các vị lãnh đạo Giáo hội cũng đã hoặc khuyến khích, hoặc ít ra không chống đối việc đối thoại giữa các tín hữu và người theo chủ thuyết Mác Lê. Đồng thời, lại có chiến tranh Việt Nam và thái độ cương quyết chống Mỹ tại Châu Âu cũng như tại Châu Mỹ nữa.

Có thể nói rằng ngọn sóng đầu tiên của trào lưu thần học giải phóng là một giữa vô số những phương án không tưởng dồn dập xuất hiện trong thập kỷ 60, nhằm vào việc đổi mới thế giới. Một thời gian sau, hầu hết các kế hoạch không tưởng ấy đều trở thành lỗi thời; tuy nhiên, không hoàn toàn đúng không có nghĩa là hoàn toàn sai: các lập trường, các học thuyết và các phong trào thì cũng thế. Trong các lần đại hội tại thành phố Medellin (Colombia) vào năm 1968, và 10 năm sau tại thành phố Puebla (Mêhicô), dù không theo chủ thuyết Mác Lê, các giám mục trong vùng cũng đã công khai nhận định là Châu Mỹ Latinh cần phải được triệt để đổi mới, và coi đó là một công tác hết sức khẩn trương.

Tuy nhiên, loại thần học giải phóng thiên về chủ thuyết Mác Lê không phải là thể loại duy nhất, cũng chẳng phải là thể loại quan trọng nhất của trào lưu thần học giải phóng nói chung. Đối với đa số các nhà thần học Châu Mỹ Latinh, giai đoạn chuyển tiếp đang sống qua hiện nay là dịp thuận tiện cho việc thanh lọc mà thần học giải phóng cần đến, hầu vứt bỏ đi gánh nặng của một ý thức hệ đã hóa ra lỗi thời, vô hiệu và nguy hại, rồi lại còn làm cho những người từng tin theo phải hổ thẹn nữa. Trong giai đoạn mới hiện nay, thần học giải phóng bắt đầu đóng giữ một vai trò ở giữa xã hội, tức là gia công cổ động các từng lớp đại đa số dân nghèo tích cực tham gia vào cuộc sống chính trị của xứ sở mình.

Có một điểm mà những người chống thần học giải phóng có lẽ chưa nhận thức rõ hoàn toàn, đó là: nền thần học này không chỉ là một phong trào đặt cơ sở trên các tác phẩm của một số nhà trí thức, mà còn là một nỗ lực để ứng đáp nguyện vọng đổi mới của nhân dân nữa. Kết án thần học giải phóng cho đó là khí cụ của chủ thuyết Mác Lê, lắm khi chỉ là một cớ thoái thác để tránh cho khỏi phải đối diện với các vấn đề kinh tế và chính trị gai góc mà cuộc sống cụ thể hằng nêu lên. Do đó, càng bàn cãi, thì càng đi xa thực trạng đau thương của dân nghèo. Nhiều lúc xem ra các vụ tranh luận thần học đã được coi là quan trọng hơn tình trạng bi đát của người dân, để quên bẳng đi rằng chính tình trạng này là khởi điểm của nền thần học kia: một phần nào đó, các nhà thần học phải chịu trách nhiệm về hành động lệch lạc này.

Lúc đầu, các nhà thần học giải phóng đã hiểu rằng nhiệm vụ của họ là nói lên và quảng diễn cho rõ ra nguyện vọng cùng niềm tin của các tầng lớp thứ dân; tuy nhiên, sau đó, rõ ràng là một số thần học gia giải phóng đã vượt ra xa khỏi phạm vi vừa nói, và đề ra thêm những chủ thuyết xa lạ do chính họ đã nắn óc nghĩ ra; vì vậy, thần học của họ đã biến dạng để trở thành một thứ lý thuyết xa vời, tách rời khỏi cuộc sống thực tế, y hệt như các nền thần học cổ thời mà chính họ đã cực lực chỉ trích.

Tình trạng khốn khổ của dân nghèo và nỗ lực họ đưa ra để lướt thắng cho được tình trạng đó, là những sự kiện cụ thể, chứ không phải là những lý thuyết cần phải chứng minh hay biện giải. Vấn đề căn bản không phải là “có nên đổi mới hay không,” mà là “cần phải đổi mới thế nào cho có lợi ích nhất.” Cần đến một nền thần học giải phóng đích thực, chân chính là điều nhiều người đã nhìn nhận, và giữa những người đó, có cả Đức Phaolô IV và Đức Gioan Phaolô II, cũng như hầu hết các Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh. Bất cứ ai đã từng chứng kiến cuộc sống kinh hoàng của người dân nghèo tại các khu nhà ổ chuột trong các thành thị, hay tại các vùng nông thôn, thì cũng đều hiểu rõ tại sao cần phải bức thiết đổi mới. Thế thì, đế quốc Xô Viết có sụp đổ, thần học giải phóng (một nền thần học giải phóng đích thực, chân chính), cũng vẫn là một đóng góp hợp thời và cần thiết. Muốn đạt tới hòa giải thực sự, thì trước đó, cần phải giải phóng người dân khỏi những điều kiện sống vô nhân đạo.

Từ Bỏ Chủ Nghĩa, Nhìn Vào Thực Tế

Vấn đề căn bản không nằm ở chỗ phải chọn chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản, mà là ở chỗ phải làm thế nào để đảm bảo hữu hiệu cho sự sống còn của hàng triệu mạng sống con người. Dù là chủ thuyết nào đi nữa, thì việc đánh giá thành công hay thất bạại cũng đều tùy thuộc ở chỗ chủ thuyết ấy có giúp cải tiến được tình trạng bi đát của người dân nghèo hay không.

Trong thời gian 20 năm gần đây, đã bức thiết, vấn đề kia lại càng trở thành bức thiết và sôi bỏng hơn nữa. Đã là một nhà suy tư chân chính, thì không một thần học gia nào có thể tránh né mà không lưu tâm đến vấn đề giải phóng, chẳng những tại Châu Mỹ Latinh, mà còn tại cả khắp nơi trong Giáo hội hoàn vũ nữa.

Ngay từ khi mới thành hình, tức là với thông điệp: Những thực tại mới (Rerum Novarum ), của Đức Lêô XIII bàn về “quyền lợi và nhiệm vụ của tư bản và lao động” (1891), học thuyết xã hội của Giáo hội công giáo đã không ngừng lên tiếng chỉ trích nền tảng triết lý và hậu quả không thể chấp nhận được của chủ thuyết tự do tư bản. Dù thế, lâu nay người ta đã phải đặc biệt lưu tâm đến một mối đe dọa được coi là cấp bách hơn, tức là cộng sản vô thần. Bây giờ chủ nghĩa này đã sụp đổ, nên có thể nhận ra rõ hơn được rằng mối xung khắc trong thế giới không còn phải là mối xung khắc cũ giữa Đông và Tây nữa, nhưng rồi đây sẽ bùng lên một mối xung khắc mới giữa các giới giàu và các tầng lớp nghèo, giữa Bắc và Nam. Trong bối cảnh đó, Giáo hội đã tỏ rõ lập trường của mình, là đứng về phía dân nghèo. Và tự hậu, không một ai còn có thể viện cớ nói rằng thái độ phẫn nộ của đại đa số dân nghèo chỉ là một thủ đoạn trong âm mưu do Mátkhơva hay Cuba nghĩ ra để làm cho “nền văn hóa Kitô giáo Tây phương” phải lâm dần vào cảnh sụp đổ.

Thần học giải phóng là trước hết và quan trọng hơn hết, một thái độ phản kháng bắt nguồn từ niềm tin kitô, thái độ phản kháng chống lại tình trạng một thiểu số chiếm giữ độc quyền thụ hưởng hết mọi tiện nghi, và đày đọa đại đa số suốt đời phải sống kiếp sống cùng cực, vô vọng. Trong giai đoạn lịch sử này, nếu còn có ai vẫn giữ thái độ mù lòa đến độ chưa hiểu ra được thực trạng như thế kia của thế giới loài người, thì ắt người đó đang mang phải tội cố chấp, không muốn hiểu. Một phần tư thế kỷ đã trôi qua kể từ khi Đức Phaolô VI dùng lời lẽ thông điệp Phát triển các dân tộc (Populorum Progressio , năm 1967) mà công khai lên án “những cảnh trạng bất công tầy trời” (số 30) trong xã hội; và Đức Gioan Phaolô II còn dùng những ngôn từ mạnh mẽ hơn nữa trong thông điệp Mối quan tâm đối với vấn đề xã hội (Sollicitudo Rei Socialis , năm 1987) để lưu ý mọi người về vấn đề “công bình xã hội.” Ngoài những lời Giáo hội gióng lên và gióng lên nhiều lần để làm cho thấy rõ là cần phải đổi mới tận gốc, còn có vô số những công trình nghiên cứu, phân tích, những hội nghị quốc tế và những bản tuyên bố; nhưng rồi tình trạng chênh lệch vẫn càng ngày càng tồi tệ trầm trọng hơn, và mức phẫn nộ của các tầng lớp người nghèo đã tăng hầu như lên đến tột đỉnh.

Lắm lần, thần học giải phòng còn bị chỉ trích là nuôi ảo vọng, là cứ muốn làm chuyện vô ích: cứ lo xây thiên đàng ở dưới cõi đất; nhưng cần phải nói cho đúng hơn: điều mà thần học giải phóng muốn làm là loại trừ cho được tình cảnh địa ngục ở trên trần thế; và đó chính là kinh nghiệm hằng ngày mà hàng triệu con người đang sống qua. Hiện nay, những lời lẽ nói lên tình trạng nghèo đói cùng khốn trong Thế Giới Thứ Ba, có vẻ như là đã cũ kỹ, lỗi thời và vô nghĩa; nhưng có nói hay không nói, thì những sự kiện về nghèo đói, bất công… vẫn còn sờ sờ ngay đó, không thể chối cãi hay bóp méo đi được.

Sớm muộn gì rồi “công tác giải phóng” cũng sẽ trở thành một vấn đề chung, chứ không còn phải là của riêng Thế Giới Thứ Ba nữa; đó là một ức đoán có cơ sở. Cho tới nay, ảnh hưởng của thần học giải phóng đối với cuộc sống Giáo hội tại các nước giàu thật hết sức nhỏ, cùng lắm cũng chỉ được nghiên cứu qua loa trong một số phân khoa thần học mà thôi; cho tới nay, ít có người suy nghĩ kỹ về ý nghĩa và tầm hưởng thần học của các cơ cấu tổ chức bất công trong thế giới, bởi lẽ đa số những người có cơ hội suy tư, đều đang được hưởng thụ những lợi lộc do chính các cơ cấu ấy đưa lại. Có thể nói là Giáo hội đang bị chia đôi từ trong nội bộ, và tình trạng chia đôi ấy ảnh hưởng đến hết mọi người trong chúng ta: giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân.

Trong chúng ta, có người đang phung phí những tài nguyên quý báu, giữa lúc đó có những người đang chết đói. Các tín hữu sống trong những khu ổ chuột tại các thành phố Lima hay São Paulo không cần phải đọc đến sách của các nhà thần học Gustavo Gutiérrez hay Leonardo Boff thì mới biết được rằng tình trạng chênh lệch quá mức giữa các giới giàu và các tầng lớp dân nghèo là một điều hoàn toàn lệch lạc sai trái, cần phải khẩn trương đổi mới, hoặc mới biết được rằng con đường đổi mới chính con đường Phúc Âm đã đề ra. Chỉ có những tín hữu, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, sống sung túc ở trong các thành thị Bắc Mỹ và Tây Âu, thì mới cảm thấy khó mà ý thức được vấn đề và khó mà nhận ra rõ hết được tất cả những gì một đức tin đích thực đòi hỏi.

Những hình ảnh trên màn truyền hình cho thấy các trẻ em đang chết đói tại xứ Êtiôpia, Suđan, Ruanđa… hay các xác chết của những người bị đánh đập, tra tấn tàn ác tại El Salvador cũng vẫn chưa có sức đủ để thối thúc làm cho tín hữu sống trong các nước giàu thức tỉnh và gia công đề xướng những phương án cụ thể, quy mô và dài hạn nhằm giải quyết vấn đề. Thật ra, cũng chẳng cần phải nhìn vào màn ảnh truyền hình mới thấy vấn đề, bởi vì ngay giữa lòng các nước giàu cũng nhìn thấy được hàng vạn, hàng triệu người bị bỏ rơi, sống ngoài lề xã hội, không có được một mái ấm nương thân, y hệt như những lớp dân nghèo tại Thế Giới Thứ Ba.

Hơn nữa, càng ngày người ta càng ý thức rõ hơn về sự kiện này, là: chính thiểu số những người sung túc ấy cũng cần được giải phóng, cũng cần thoát cho khỏi nạn hưởng thụ quá mức và nhiều tệ đoan khác, như ma túy, ly dị, phá thai, tự tử, v.v. Những thứ ấy hẳn không phải là phản ánh của một cuộc sống an bình hạnh phúc. Ngay cả các giáo hội tại những nước giàu cũng để lộ cho thấy một số triệu chứng phản ánh tình trạng thiếu lành mạnh, như bầu khí xung khắc giữa các phe nhóm, thái độ cực đoan, tâm trạng chán nản, v.v.: có khác chi mấy những gì thấy được tại Châu Mỹ Latinh!

Bởi hằng ý thức rõ về sứ mệnh chung và dấn thân thực thi nhiệm vụ thiêng liêng là bảo vệ phẩm giá của mọi con người, nên chỉ có Giáo hội toàn cầu mới hội đủ sức năng và ý chí để xây dựng một liên minh với tầm cỡ hoàn vũ nhằm kiến tạo một trật tự mới cho các lãnh vực chính trị, xã hội và kinh tế của cuộc sống trong thế giới loài người. Sứ mệnh này không dựa lên trên cơ sở của bất cứ một chủ nghĩa chính trị nào, nhưng bắt nguồn từ chính mệnh lệnh Chúa Kitô đã đưa ra là cần phải “chỉ giáo cho muôn dân” và giúp cho mọi người biết đón nhận các giá trị thiêng liêng của Nước Thiên Chúa.

Trong sứ mệnh toàn cầu này, thần học giải phóng đóng giữ một vai cốt cán, bởi vì công tác tìm hiểu và nêu cho thấy rõ những đòi hỏi cụ thể của đức tin kitô đích thực là một giữa các nhiệm vụ chính của nền thần học này. Việc dùng từ để đặt tên không phải là vấn đề chính: có thể lấy danh xưng “thần học chính hành” (orthopraxis ) hay một danh xưng nào khác để thay thế cho tên gọi “thần học giải phóng” thì cũng được; điều chính yếu là làm sao để có thể biểu đạt được rằng đức tin hằng không ngừng đòi hỏi người tín hữu phải biết làm cho niềm tin của mình biến thành hành động cụ thể: từ xưa tới nay chứ không phải chỉ riêng trong thời đại thần học giải phóng đức tin đích thực luôn luôn đòi hỏi phải được thể hiện ra trong hành động của cuộc sống cụ thể, tức là: tin làm sao,thì phải sống làm vậy.

Sesto Hoàng Văn Lục chuyển ý