Hợp Tuyển Thần Học

Linh Đạo Truyền Giáo

Linh Đạo Truyền Giáo

Mục Lục

1. LINH ÐẠO

Linh đạo là đường lối sống kinh nghiệm về Thiên Chúa (hoặc về Thực Thể Tuyệt đối). Linh đạo Kitô giáo là cách sống kinh nghiệm về Chúa Cha qua Ðức Kitô trong Thần Khí. Trong Kitô giáo, có nhiều cách thể sống – và cả chỉ giáo phương thức sống – kinh nghiệm này, thường thì dõi theo gót của một vị thánh, một vị sáng lập dòng tu, một vị linh hướng, v.v.[1] Từ đó phát sinh những trường linh đạo khác nhau. Linh đạo là sức vận động thần nhân, có khả năng linh hoạt cuộc đời, mở rộng chân trời thiêng liêng và thúc dục hướng lòng lên cùng Thiên Chúa và về với tha nhân.[2] Có tác giả khác lại viết: “Linh đạo là sức sống nội tâm của con người, qua đó con người có khả năng nắm được thực tại và biểu đạt chính mình qua những hình thái và biểu tượng phức tạp của văn hoá. Người biết suy tư, cầu nguyện, chiêm niệm, bỡ ngỡ, ao ước, trù liệu, đặt phương án, quyết định và hoàn thành, là người sống đời tinh thần, nội tâm.”[3] Linh đạo nào cũng có một số yếu tố cổ võ và phối hợp sinh hoạt của chủ thể: một quan niệm về quan hệ với Thiên Chúa, một thang giá trị đặc thù, một phương pháp cầu nguyện (chiêm niệm, đọc kinh, khổ luyện, v.v.), một cách thể hoặc một lãnh vực sinh hoạt (việc tông đồ, từ thiện, v.v.), một cách quan niệm và một lề lối thực hành trong cuộc sống riêng tư cũng như tập thể, và một số điều khác.

Như chúng ta đã thấy ở trên, tùy hoàn cảnh và khả năng, mọi kitô hữu đều có bổn phận lo cho công tác truyền giáo (x. TG 36); do vậy, linh đạo kitô nào cũng đều phải thấm đượm tinh thần truyền giáo. Hơn nữa, có người – như thánh Têrêsa Hài Ðồng Giêsu – lấy sứ mệnh mở rộng Nước Chúa làm đối tượng đặc thù cho đời cầu nguyện của mình. Dù không phải là thừa sai, thì đó là một dạng linh đạo truyền giáo. Hoặc có người dấn thân vào việc thúc dục dân Chúa góp phần tích cực cho việc truyền giáo bằng cách sáng lập hoặc cổ võ những tổ chức có mục đích vận động cho công tác truyền giáo, như cô Pauline Jaricot ngày trước và như những người đang hoạt động trong các Hội (giáo hoàng hoặc giáo phận) truyền giáo trong thời nay. Còn có dạng linh đạo của những thừa sai xả thân sống giữa lương dân hoặc cho lương dân với mục đích giúp họ gặp gỡ Ðức Kitô.[4]

2. ƠN GỌI TRUYỀN GIÁO LÀ NGUỒN SUỐI CỦA MỘT DẠNG LINH ĐẠO ĐẶC THÙ

Nhận được một ơn gọi đặc biệt thì cũng nhận được “ơn sứ mệnh” giúp cho đạt được mục đích sứ mệnh nhắm tới. Ðặc ân này tương tự như lời Chúa hứa “ở với.” Kinh Thánh kể lại nhiều trường hợp người được gọi cảm thấy bất tài, bất lực. Ðiển hình là Giêrêmia. Chúa đặt ông làm ngôn sứ cho chư dân; ông khiếp sợ và phàn nàn: “Con không biết ăn nói!” Nhưng Ðức Yavê hứa: “Ðừng sợ, Ta ở với ngươi” (Gr 1:5-8), và tiên tri nhận được khả năng thi hành sứ vụ. Trường hợp tương tự là Giôsuê (x. Gs 1:9), Gêđêôn (x. Tl 6:17), cả Ítraen (Is 43:5), hoặc Ðức Maria (x. Lc 1:28), Phaolô (x. Cv 18:10) và các thừa sai (x. Mt 28:20).[5]

Con người đón nhận và đồng hoá với sứ mệnh trao phó, biến sứ mệnh thành nhân tố của đời mình: cách sống như thế là một dạng linh đạo. Ngoài ơn gọi làm kitô hữu, tín đồ kitô còn có thể nhận được ơn gọi đời tu, chẳng hạn: sống đời tu là đi theo một linh đạo riêng. Rồi còn có ơn gọi làm tu sĩ Dòng Phanxicô, đan sĩ Xitô, hoặc nữ tu Mến Thánh Giá, v.v.; mỗi ơn gọi ấy sẽ được hiện thực trong một dạng linh đạo đặc thù. Trong Giáo Hội, có nhiều dạng linh đạo đặc thù như thế, chẳng hạn: linh đạo Cát minh, linh đạo Phanxicô, linh đạo Ða minh, linh đạo Inhã, v.v. Còn ơn gọi thừa sai thì sao? Trong những hội dòng thuần tuý thừa sai – thí dụ như Dòng Ngôi Lời (SVD), Hội Thừa Sai Paris (Missions Étrangères de Paris), v.v. – ơn gọi tu trì và ơn gọi thừa sai quy hợp thành một. Ngoài các trường hợp trên đây, nếu giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân nhận được ơn gọi thừa sai, thì ơn gọi này làm cho ơn gọi chung có thêm một khía cạnh đặc thù. Ân huệ hữu thể chỉ có một là ơn trở thành kitô hữu do bí tích Rửa tội ban cho; các ân huệ khác chỉ có tính cách chức năng. “Ơn gọi thừa sai” sẽ được cấy trồng vào ơn Phép rửa, rồi vào ơn gọi tu trì, vào linh đạo Phanxicô, Ða minh hoặc Inhã, v.v. Vì vậy, linh đạo thừa sai cũng có nhiều loại.

Ðức Gioan Phaolô II giải thích:

“Bởi bản tính, ơn gọi thừa sai phát sinh từ ơn gọi nên thánh. Một thừa sai chỉ đích thực là thừa sai nếu biết cố gắng tiến bước trên đường thánh thiện. Thánh thiện là điều kiện tiên quyết, cơ bản và không thay thế được để thực hiện sứ mạng cứu độ của Giáo hội. Ơn gọi phổ quát để nên thánh có quan hệ chặt chẽ với ơn gọi thừa sai… Linh đạo truyền giáo của Giáo hội là một đường lối dẫn đến thánh thiện. Nhiệt huyết truyền giáo cho lương dân đòi hỏi phải có những thừa sai thánh… Vì thế, cần phải gợi lên giữa các thừa sai và trong toàn cộng đồng kitô một lòng hăm hở mới, hăm hở trở nên thánh” (Sứ Mệnh…, 90).

Vậy, ơn gọi truyền giáo là hạt giống trổ sinh “tinh thần truyền giáo.” Tinh thần này là linh hồn, là động cơ của mọi hoạt động truyền giáo. Ðòi hỏi đầu tiên của tinh thần này là phải trở lại với Ðức Kitô, cởi bỏ hết mọi thứ ý thức hệ, mọi quan niệm thần học hoài nghi, cả chính mình, mà theo Ðức Kitô trong sứ mệnh của Ngài: “Không thể mời gọi người khác trở lại nếu chính chúng ta không trở lại mỗi ngày” (Sứ Mệnh…, 47). Lịch sử nêu cho thấy rõ một đặc tính của tinh thần truyền giáo, đó là lòng “khát khao phần rỗi các linh hồn,” coi việc mở rộng Nước Chúa là “cái cần thiết duy nhất” và sẵn sàng bỏ mọi sự vì mục đích ấy. Ðồng thời, phải có cái nhìn rộng lớn bao trùm toàn bộ kế hoạch cứu độ và nhìn việc riêng của cá nhân mình trong nhãn giới ấy. Thừa sai là người sống cho lý tưởng, vì thế, trước mắt người khác có thể xem ra là người mơ mộng, thiếu thực tế. Ðức ông Giuse Ðinh Ðức Ðạo nhận định:

“Cuộc đời của anh cũng lớn như ước mơ anh ấp ủ trong lòng. Với quyết định đáp lại lời mời gọi của Chúa trong cuộc đời tận hiến và phục vụ tông đồ, nhà thừa sai truyền giáo nói lên lòng mong ước hiến dâng cuộc sống để làm đẹp, làm tốt cho đời, ‘để cho thế giới được sống và được sống sung mãn’ (Ga 10:10). Ước vọng này thâm sâu và mãnh liệt đến độ đã trở thành nguồn gợi hứng cho bao giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân trong cuộc đời tông đồ truyền giáo và làm cho họ trở nên quảng đại và có khả năng sẵn sàng chấp nhận mọi thứ hy sinh và thiếu thốn gây ra do cuộc đời tông đồ truyền giáo, để có thể phục vụ và hiến thân.”[6]

Tinh thần này kết tinh ở trong linh đạo truyền giáo, tức linh đạo đặc thù của thừa sai. Thành ngữ linh đạo truyền giáo xuất hiện ở trong TG 29c và được khai triển ở trong TG 23-25. Sau đó, các giáo hoàng Phaolô VI (ở trong Evangelii nuntiandi, 75-82) và Gioan Phaolô II (qua thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Ðộ, 87-92) cũng đã giải thích về chủ đề này. Không có văn kiện nào về dạng đặc biệt này của việc tông đồ mà không đề cập đến chiều kích thiêng liêng của đời thừa sai, vì linh đạo truyền giáo tựu trung chỉ là đời sống trong Thần Khí của vị thừa sai, tức như Thánh Phaolô nói: “Tiến bước nhờ Thần Khí” (Gl 5:25), “sống trong Thần Khí” (Rm 8:4.9), hoặc là để Thần Khí dẫn dắt mình (x. Lc 4:1.14.18; 10:21; Cv 10:38, v.v.).[7]

3. LINH ĐẠO BIÊN GIỚI

Linh đạo truyền giáo đặt tâm điểm nơi Ðức Kitô, Ðấng đã được Chúa Cha sai đến trong thế gian, và lấy sứ mệnh của Ngài làm “vũ trụ quan” của mình. Có thể nói sinh hoạt truyền giáo là hoạt động diễn ra ở “khu biên giới,” vì thế đôi lúc có thể đòi hỏi một thái độ xem ra phóng khoáng, với những sáng kiến mới mẻ mà kẻ ở xa hoặc ngoài cuộc có thể cho là quá táo bạo. Thánh Phaolô thừa sai đã sẵn sàng “vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của mình vì các linh hồn…” (2Cr 12: 15). Rao giảng Tin Mừng thì phải sống theo Tin Mừng, có thế thừa sai mới được nhìn nhận là hiện thân của Phúc Âm, mới có được sức thu hút người khác đến với Tin Mừng, với Ðức Kitô.

Biên giới phân cách “ta” với “người” và đứng ở giữa, người thừa sai phải ý thức rõ mình có sứ mạng làm chiếc cầu nối kết hai bên. Biên giới chỉ cho thấy giới hạn, nhưng đồng thời cũng mời gọi vượt quá để tiến xa hơn. Có thể nói làm thừa sai là dấn thân vào con đường mạo hiểm; mạo hiểm không phải vì thích chơi trò rủi may, nhưng vì xác tín là ở bên kia một kho tàng quý giá đang chờ. Linh đạo truyền giáo không tiến bước trên những con đường rãi nhựa, có lằn mức rõ ràng; trái lại, nhiều lúc phải dấn bước vào những khu thâm u xa lạ, phải khai mở những con đường mới, với nguy cơ lạc hướng. Vì thế, cần phải táo bạo, mà cũng cần phải nghiêm túc cẩn trọng, và cả khiêm nhường nữa để sửa sai. Thật ra, biên giới là chân trời: được thúc bách, thừa sai tìm cách đi xa hơn mãi, không bao giờ mãn nguyện với kết quả đạt được. Là người tiên phong, là nhà thám hiểm thiêng liêng, thừa sai cần sống ‘linh đạo ham biết, ưa thử nghiệm,’ cố đi tìm cái mới nơi lương dân, và tìm cách trao cho họ cái mới của Phúc Âm. Chính vì tinh thần và trạng huống ấy mà thừa sai có thể bị cám dỗ coi “khu biên giới” là một thứ “miền hoang dã,” một thứ “vùng luật rừng” trong đó mình muốn làm gì thì làm: không giáo luật, không thần học chính thống, không quy tắc phụng vụ, v.v. Hẳn là phải thường xuyên “đặt trước mắt luật tối cao trong Giáo hội là phần rỗi các linh hồn” (đk 1752); tuy nhiên, dù ở xa, bề trên cũng vẫn là bề trên, nghĩa là vẫn có thẩm quyền, và thừa sai vẫn là đại diện cùng là bộ mặt của Giáo hội ở giữa lương dân. Linh đạo biên giới giả thiết là người được sai đi có tinh thần tự giác cùng trách nhiệm cao độ, để dù có sống một mình ở một nơi xa lạ thì cũng vẫn mang theo trong lòng cộng đoàn của mình, và biết ý thức đến mục đích của sứ mệnh và đến cương vị của mình là môn đệ của Ðức Kitô.

Linh đạo này mang tính chất hướng ngoại, nhìn sang “bên kia,” sẵn sàng đi đến với “tha nhân,” nhưng không coi một ai là “người xa lạ,” tiếp đón tất cả như là bạn hữu, thậm chí như là anh chị em trong Ðức Kitô. Nếu thần học mục vụ lưu ý rằng bác ái là ‘hồn của mọi hoạt đồng tông đồ’ (the soul of all apostola­te), thì ‘linh hồn’ của linh đạo này là ‘bác ái thừa sai” (apostolic charity). Ðối chiếu với các thừa tác viên khác trong Giáo Hội, thừa sai suy niệm như sau về dụ ngôn ‘con chiên lạc’: làm quản xứ chẳng hạn, thì để 99 con chiên ở trong chuồng, mà ra ngoài đi tìm và dẫn con chiên lạc trở về, còn làm thừa sai thì chỉ có được một chiên ở trong chuồng, trong khi 99 con lang thang ở ngoài… Trạng huống này đòi phải có một thái độ mục vụ khác hẳn.

Nếu đan sĩ có thể ‘trốn khỏi’ thế gian, thì ngược lại, thừa sai phải dìm mình vào trong những môi trường không kitô, hoặc là thù nghịch hoặc là thờ ơ. Nhiều lúc phải sống một mình, cô đơn, ở giữa những người không hiểu mình và không chia sẻ các giá trị của mình. Dù không có ác ý, nhiều người cũng có thể coi sứ mệnh của thừa sai như là một hình thức xâm lăng, một thứ thực dân thiêng liêng… hoặc là một việc làm phi lý. Vì vậy, thừa sai cần phải giữ vững tinh thần, kiên trì dựa vào một mình Ðức Kitô mà thôi.

Thế nên, linh đạo truyền giáo cũng phải nêu rõ những đường nét cần có trong tâm lý của người thừa sai: một tính tình quân bình hài hoà, mềm dẻo, biết rằng trừ Thiên Chúa ra, tất cả đều tương đối, vì thế sẵn sàng nhường bước trong những gì phụ tùy để có thể giữ kỹ những gì cần thiết; không cực đoan trong quan niệm, lập trường (chủ nghĩa), không cuồng tín trong giáo thuyết, hành động; đầy can đảm, nhưng không thách thức, lo giảng hoà, quyết chịu đựng thay vì gây hại; không khoe khoang, mà chỉ khiêm tốn nói lên sự thật; biết đối thoại, dễ cởi mở đón nhận ý kiến người khác, có tài làm cho người khác cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với mình; biết nhạy cảm trước thực trạng xã hội, văn hoá, tôn giáo, v.v., cũng như biết lưu ý tới “dấu chỉ thời đại” mà Thần Khí dùng để tỏ cho thấy hướng Giáo hội phải đi; biết hài hước, và không ngả lòng khi gặp thất bại, hoặc kết quả trái với ý muốn. Linh đạo thừa sai cũng là “linh đạo đối thoại,” linh đạo của nhận định qua cầu nguyện và suy tư thần học, nhằm tới việc đào sâu tầm hiểu biết về vai trò quan trọng của các “tôn giáo địa phương” trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đặc biệt là về ý nghĩa của kinh nghiệm thần nghiệm những ai được nuôi dưỡng bởi các truyền thống thiêng liêng ấy, đã sống qua.

Ngày nay, linh đạo truyền giáo lại còn phải ý thức rõ hơn về chiều kích hội nhập văn hóa. Thừa sai phải biết sống đạo trong lối sống của người dân địa phương (ít nhất là được bao nhiêu có thể). Nguyên tắc định hướng là mầu nhiệm nhập thể: như Ngôi Lời đã trở nên người Do thái, thì thừa sai cũng phải cố gắng trở nên người dân nước nơi mình hoạt động truyền giáo. Mẫu gương là thánh Phaolô: “Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số. Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng” (1Cr 9:22-23). Do vậy, thừa sai sẵn sàng thực hành cầu nguyện theo một kiểu khác, làm việc phụng tự theo cách thức của người dân, chấp nhận một thang ưu tiên khác với truyền thống của mình, v.v. Lấy văn hóa khác làm “nhà thiêng liêng” của mình, thừa sai cũng lấy những giá trị địa phương làm bậc thang tiến lên cùng Chúa, làm ngõ cửa đi vào tâm hồn của dân chúng. Có trở nên “đồng bào,” anh chị em của dân tộc ấy, thừa sai mới có thể trở nên cho họ bộ mặt của Ðức Kitô, Anh Cả của họ. Không dễ, linh đạo truyền giáo đòi hỏi phải bỏ mình tận tuyệt như Ðức Kitô (x. Pl 2:7-8).

4. LINH ĐẠO KINH THÁNH

Linh đạo truyền giáo phải được nuôi dưỡng bằng của ăn Kinh Thánh, không chỉ vì Kinh Thánh nuôi dưỡng đức tin, mà cách riêng là vì thừa sai là “người của Lời,” là người báo tin, là người chuyên nghiệp nói lên Lời Chúa. Tất nhiên Kinh Thánh phải là sách cẩm nang của thừa sai. Trong Kinh Thánh, thừa sai gặp được chính Lời mà mình có sứ mạng chuyển đạt, mà mình là tiếng vọng. Lời ấy là ánh sáng soi đường đi, là bánh nuôi sống cho đời thiêng liêng, là suối dẫn nước đến cho tâm hồn khát uống, là nguồn ủi an mọi kẻ sầu khổ, v.v. Hơn bất cứ kitô hữu nào khác, thừa sai là môn đệ và, vì thế, phải biết lắng nghe, như Người Tôi tớ Giavê: “Ðức Chúa đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50:4). Nếu việc tông đồ là contem­pla­­ta aliis tradere, chia sẻ cho người khác những gì thu lượm được từ trong chiêm niệm, thì thừa sai cũng phải biết kín múc từ Kinh Thánh nội dung của cầu nguyện, của chiêm niệm, biết ‘nghe’ Chúa nói và ‘thấy’ Chúa làm, để có thể ‘làm chứng’ về Người trước mặt muôn dân. Có nghiền ngẫm Kinh Thánh để cho Lời Chúa thấm nhập tâm can thì mới có thể tự phát nói lên Lời Chúa.

Linh đạo Kinh Thánh dĩ nhiên là mang tính chất đại kết, vì giúp thừa sai công giáo biết dựa trên một căn bản chung mà gặp gỡ anh em kitô giáo khác, cầu nguyện với họ, trao đổi với họ, cùng với họ làm chứng cho Lời Chúa, v.v.

Trong Kinh Thánh, thừa sai sẽ gặp được nhiều mẫu gương cho đời sống mình. Thí dụ như Abraham: ông đã rời bỏ gia đình, dân nước và văn hoá mình, để đi theo Lời Chúa, dấn bước vào trong một tương lai mịt mờ. Như Abraham, thừa sai là một người đầy lòng tin, sinh hoạt giữa dân nước xa lạ, không ngại hiểm nguy để cứ tiến bước theo đức tin “như thể xem thấy [Ðấng] vô hình” (Dt 11:27). Như Môsê, thừa sai đã nghe lời Chúa trao phó sứ mệnh giải phóng dân Người, kết bạn mật thiết với Giavê và, giữa bao nhiêu là gian truân, dẫn đưa dân đến đất hứa, không hề mong được thưởng công. Như các ngôn sứ, thừa sai đã nghe một lời, đã nhận một sứ mệnh, miệt mài loan báo một sứ điệp mà chẳng mấy ai muốn đón nhận, lại còn bị ruồng rẫy, tẩy chay như A­mốt: “Thầy chiêm ơi, hãy lui về đất Giuđa đi, về đó mà kiếm ăn, về đó mà tuyên sấm…!” (Am 7:12) còn ở đây thì chẳng ai cần đến ngươi. Như Giêrêmia, thừa sai có thể thở than phàn nàn: “Tôi không cho ai vay, cũng chẳng mượn của ai, thế mà vẫn cứ bị nguyền rủa” (Gr 15:10; x. 20:7tt), hoặc như Phaolô (x. Rm 10:16), như chính Ðức Giêsu (x. Ga 12:38), thừa sai phải kêu lên: “Lạy Ðức Chúa, ai đã tin lời chúng tôi rao giảng?” Tuy vậy, những ủi an cũng không thiếu, như Kinh Thánh cho thấy: “Ðẹp thay trên đồi núi bước chân người loan báo Tin Mừng!” (Is 52:7).

Càng làm quen với Kinh Thánh, thừa sai càng nắm vững thuật kể chuyện: dụ ngôn của Ðức Giêsu, cử chỉ biểu tượng của các tiên tri… là bao nhiêu mẫu dạng phong phú. Chính ‘lịch sử thánh’ chỉ cho thừa sai cách thức thông đạt sứ điệp cứu độ.[8]

5. ÐƯỢC THẦN KHÍ LINH HOẠT

Thừa sai phải là “người của Thần Khí.” Việc truyền giáo tựu trung chỉ là tiếp tục trong thời gian lịch sử, mầu nhiệm nhập thể của Lời Chúa. Nhập thể là công trình của Thần Khí (x. Lc 1:15. 35.41.7.80; 2:25-7; Cv 1:2.5.8; 2:1-4.14-24.38, v.v.), sứ mệnh truyền giáo cũng vậy (x. Cv 13:1-13).[9] Thừa sai là hợp tác viên của Thần Khí, để Thần Khí xức dầu và dẫn dắt như Ðức Giêsu (x. Lc 4:18-19). Khi Ðức Kitô sai các tông đồ (các thừa sai) đi thì Ngài thở Thần Khí vào họ (x. Ga 20:21-22), khiến họ – là những thừa sai – và Thần Khí trở thành như một để cùng chung sức làm chứng cho Ðức Kitô (x. Ga 15:26-27; Cv 1:8). Do đó, thừa sai cần ý thức đặc biệt đến sự việc Thần Khí đang hiện diện nơi chính mình, đang hoạt động nơi mọi người, cũng như đang tác động trên văn hoá và lịch sử để hướng tất cả về với Ðức Kitô. Giữa môi trường hoạt động ngày nay, thừa sai cần được Thần Khí ban cho một lòng can đảm đặc biệt – parresia – để bạo dạn rao truyền Tin Mừng, như các tông đồ ngày xưa (x. Cv 2:29; 4:13.29.31; 9:27.28; 13:46; 14:3; 18:26; 19:8.26; 28:31).

Có thể nói là linh đạo truyền giáo đòi hỏi nhiều đức tính hơn các linh đạo khác. Ðức Gioan Phaolô II nhận định: “Các thừa sai phải suy nghĩ về bổn phận nên thánh mà ơn gọi của họ đòi hỏi, phải không ngừng cải thiện tinh thần, cùng canh tân kiến thức về giáo lý và mục vụ. Thừa sai phải là người ‘chiêm niệm giữa hoạt động’.” Ðức Giáo hoàng lưu ý tiếp: “Nhất là tại Châu Á, thừa sai mà không phải là người chiêm niệm thì không thể loan báo Ðức Kitô cho đáng tin được. Thừa sai là chứng tá về kinh nghiệm Thiên Chúa, và phải có thể nói như các Tông đồ: ‘Ðiều chúng tôi đã chiêm ngưỡng… về Lời sự sống… thì chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa (1Ga 1:1-3)’” (Sứ Mệnh…, 91). Và tông huấn Ecclesia in Asia nhắc lại rằng: “Việc truyền giáo là hoạt động trong chiêm niệm và là chiêm niệm giữa hoạt động. Do đó, đi truyền giáo mà không có kinh nghiệm sâu sắc về Thiên Chúa qua cầu nguyện và chiêm niệm, thì ảnh hưởng được rất ít về mặt thiêng liêng, hoặc chẳng thành công được bao nhiêu về mặt truyền giáo” (số 23).

Khác với các kitô hữu khác, thừa sai không có căn cứ cố định (như xứ đạo, đan viện, truyền thống, v.v.), bởi luôn sẵn sàng để tùy theo nhu cầu và hoàn cảnh, đến những nơi được phái gửi đi. Vì vậy, thừa sai phải sẵn sàng mở lòng để cho Thần Khí dẫn dắt: đi khỏi nơi này hay ở lại nơi khác, tiếp tục tại chỗ dù xem ra vô ích, thử nghiệm phương pháp mới trong cung cách tiếp xúc với dân chúng, v.v. Trong tất cả chỉ chú tâm đến một điều là “trở nên con người của Thần Khí” theo gương các tông đồ và các ngôn sứ, theo gương của chính Ðức Giêsu, ý thức rằng Thần Khí là tác viên chính của sứ mệnh (Sứ Mệnh…, 21tt), Người “linh hứng” hoạt động tuyên báo Tin Mừng và “thúc giục chúng ta để ý tới những đoàn sủng truyền giáo khác nhau, những hoàn cảnh và dân tộc khác nhau” (Sứ Mệnh…, 23).

Thừa sai phải cố gắng làm sao để thực sự trở nên “người của Thiên Chúa”; có thế thì mới – như Ðức Giêsu ngày trước – thu hút được mọi người đến với sứ điệp Tin Mừng. Một cha Dòng Tên hỏi một người Nhật bản – đã từng học giáo lý với cha Arru­pe để chịu phép rửa – cho biết vì lý do nào ông theo đạo; ông trả lời: ‘Tôi không hiểu gì nhiều về những điều cha ấy nói, nhưng cha tốt quá!’ Thế nên, cần lưu ý là lương dân gặp Ðức Kitô qua con người của thừa sai, bởi đối với họ, thừa sai là hình ảnh, là hiện thân của Ðức Kitô. Vậy, nếu không đích thực giống Ðức Giêsu thì thừa sai trở thành “hình ảnh giả hiệu” của Ðức Kitô, trở thành một kẻ bịp bợm.

Sống theo tác động của Thần Khí, thừa sai phải là một người cầu nguyện.[10] Trong thế giới đa tôn giáo, thừa sai là chứng nhân của một kinh nghiệm đặc thù về Thiên Chúa. Nhờ Thần Khí, kitô hữu mới cảm nghiệm được Chúa Kitô hiện diện nơi mình và giữa xã hội. Thừa sai phải sống đời cầu nguyện để có thể khẳng định mà không sợ nói dối, như thánh Gioan (x. 1Ga 1: 1.3), về kinh nghiệm gần gũi với Chúa. Người thông thái tài cao học rộng hẳn phải có, tổ chức bác ái từ thiện cũng thật cần, nhưng lãnh vực ‘chuyên nghiệp’ của thừa sai là nội tâm, là chiều kích siêu nhiên của đời người. Giả dụ thừa sai có nhiều tài, sẵn sàng dấn thân hữu hiệu cho công tác mở mang cùng tiến bộ về mặt kinh tế và văn hoá, mà thiếu đi chiều kích siêu nhiên, thì e rằng việc làm của thừa sai “chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng” (1Cr 13:1). Có đời sống thiêng liêng đâm rễ sâu trong Thần Khí, thừa sai mới tránh được cám dỗ đi làm bung xung múa rối như thế.[11]

6. LẤY ÐỨC KITÔ LÀM TRUNG TÂM

Ðã là chứng nhân của Ðức Kitô, tất thừa sai phải sống linh đạo “quy kitô,” lấy Ðức Kitô là trung tâm đời mình, sống kinh nghiệm về Ðức Kitô là Thầy, là Bạn đồng hành…[12] Nói thế cóù vẻ như mâu thuẫn với điểm bàn trên đây; nhưng không: chẳng bao giờ Thần Khí tách rời khỏi Ðức Kitô, trái lại hằng không ngừng làm chứng về Ngài. “Có ở trong tình liên kết với Ðức Ki­tô thì mới hiểu và sống được sứ vụ truyền giáo” (Sứ Mệnh…, 88). Thật vậy, duy chỉ tình yêu say mê đối với Ðức Kitô mới có sức thúc giục người yêu mến Ngài gia công làm cho người khác yêu mến Ngài; ai không yêu thì cũng không hiểu được tại sao phải làm cho người khác yêu Ngài. Ðức Giáo hoàng giải thích: “Hiệp thông ngày càng sâu xa hơn với tình thương mục vụ của Ðức Kitô… là hiệp thông với tâm tình và thái độ của Ðức Kitô, Người chăn chiên lành.”[13] Ai thực sự yêu mến Ðức Giêsu thì sẽ không bị lung lay bởi những giả thuyết thần học về việc truyền giáo, vì tình yêu thì không là giả thuyết về tình yêu! Vậy, trọng tâm của linh đạo truyền giáo là “nhận biết tình thương của Ðức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết” (Ep 3:19) của cả các nhà thần học và chú giải nữa! Vì sứ vụ truyền giáo rốt cuộc chỉ là nỗ lực “thông đạt cho người khác kinh nghiệm của mình về Ðức Ki­tô” (Sứ Mệnh…, 24). Thiếu kinh nghiệm ấy, thì lời giảng của thừa sai chỉ là não bạt lẻng xẻng.

Người được Ðức Kitô sai đi để tiếp tục sứ mệnh của Ngài, ắt phải là người sống linh đạo môn đệ, nghĩa là luôn luôn để tâm lắng nghe lời Chúa mà làm theo. Ðối với Chúa, thừa sai là tôi tớ, là chứng tá; như thế có nghĩa: sứ điệp mình mang theo là sứ điệp của Chúa, vườn nho mình vun trồng là vườn nho của Chúa luôn; mình chỉ là tôi tớ vô dụng, không đáng kể. Từ đó phát sinh thái độ khiêm nhường và an bình phó thác: nếu thành công là nhờ ơn Chúa, nếu thất bại thì… Chúa cũng hiểu cho, cũng có cách bù chì; nhiệm vụ mình là gieo giống, chỉ mình Chúa làm cho trổ sinh hoa trái (x. 1Cr 3:6).

Có làm môn đồ, có trở thành bạn chí thiết của Ðức Giêsu, thừa sai mới có thể mặc lấy những cảm nghĩ của Mục tử hiền lành và của “Sứ giả và Thượng tế của đức tin” luôn luôn trung thành… (Dt 3:1-2), để xót thương trước hết là những đàn chiên không có người chăn dắt (x. Mc 6:34), sau đó và một cách đặc thù hơn, những “chiên khác không thuộc ràn này – và phải xác tín: Tôi có bổn phận đưa chúng về… – và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10:16). Lòng thương ấy cũng phải biết noi gương người Samari tốt lành – biểu tượng chi về Ðức Kitô – để: cởi bỏ thành kiến, đến bên kẻ đau khổ, hy sinh thì giờ, công lao tiền của… hầu cứu giúp một người xa lạ vô danh. Chúa phán: “Cứ làm như vậy và sẽ được sống” (Lc 10:37). Lịch sử truyền giáo cũng đã ghi lại nhiều mẫu gương tương tự (tạ ơn Chúa!).

Còn “muôn dân” đã được Chúa cứu chuộc, nhưng còn sống xa Chúa, thì cũng bằng cách này hay cách khác, ra hiệu kêu gọi thừa sai đến với họ vì họ cần nhận được ơn cứu độ. Nhưng thừa sai đến để phục vụ chứ không phải để thống trị; thế nên, phải biết lắng nghe… tức đáp ứng nhu cầu của họ, chứ không phải là nhu cầu của mình hay của dòng mình v.v. Có khi thừa sai bị cám dỗ làm việc cho tiếng tăm, cho vinh quang của dòng mình!

Cuối cùng, tình bạn với Ðức Giêsu là nguồn an ủi, mang lại can đảm và kiên chí cho thừa sai. Lúc cô đơn ủ rũ, thừa sai sẽ cố nhớ lại lời hứa: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Lúc nản chí vì công việc xem như vô ích, vì trở ngại quá lớn, người môn đồ vẳng nghe: “Can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). Ðã kết hiệp với Ðức Kitô đến độ có thể cảm nhận: “Ðức Kitô sống trong tôi” (Gl 2:20), thì dù yếu đuối đến đâu đi nữa cũng có thể dám nói như thánh Phaolô: “Với Ðấng ban sức mạnh cho tôi, tôi có thể làm được mọi sự” (Pl 4:13).

Nằm trong linh đạo quy-Kitô là lòng sùng kích đặc biệt đối với sự hiện diện cụ thể của Ðức Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Thừa sai linh mục cử hành Thánh Lễ để làm vinh quang Thiên Chúa ở những nơi thánh Danh Người không được kêu lên. Và không thể quên được “Thánh Lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo” (GH 10a); “nhờ Thánh Thể, Giáo hội sống mạnh và tăng triển” (GH 26a). Thừa tác viên của Nước Thiên Chúa phải nắm cầm lòng rằng đặc biệt “Thánh thể thông ban cùng nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa cũng như đối với loài người, và đức ái chính là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ” (GH 33b). Nhiều khi, hoạt động truyền giáo duy nhất thừa sai có thể tiến hành là việc thờ phượng qua bí tích Thánh Thể, tột đỉnh chiêm nghiệm trong Kitô giáo. Nơi đó, quả thật, thừa sai xuất hiện như một chứng tá của Ðức Kitô, như một người sống đời thiêng liêng. Sống mật thiết với Ðức Kitô, thừa sai mới có thể tránh được hai thái cực: thái độ dung hoà nhân nhượng trong đối thoại, dẫn đến lập trường dửng dưng coi tất cả các tôn giáo đều tốt như nhau, hay là óc cuồng tín không chịu kiên nhẫn đợi giờ của Chúa, giờ Người đến với mỗi cá nhân, với mỗi dân nước.

Riêng phía công giáo, linh đạo quy-Kitô nào cũng mang tính chất ‘giáo hội’. Giáo hội là thân thể hữu hình của Ðức Kitô-Ðầu vô hình. Ðối với thừa sai cũng như đối với thánh Phaolô, Ðức Kitô và Giáo hội luôn đi đôi với nhau (x. chẳng hạn Ep 1:22-23; 3:6.21; 5:32, v.v.), và hơn nữa, là một. Nhưng Giáo hội của thừa sai đôi khi là ‘Giáo hội tiềm ẩn’ trong niềm hy vọng của mình. Chính vì thế, họ phải sống niềm hiêïp thông phổ quát, để tránh cảnh cô độc: dù ở đâu, thừa sai cũng còn ở trong nhà cha chung! Hơn bất cứ ai, thừa sai xây dựng Giáo hội, vì thế, hơn bất cứ ai, thừa sai phải yêu mến Giáo hội, Giáo hội của Ðức Kitô, Hiền thê của Ðức Kitô, Ðền thờ của Thánh Thần, Nhà của Cha… (x. Sứ Mệnh…, 89). Do đó, thừa sai phải là người biết ‘trìu mến’ các tân tòng, để họ thấy thoải mái ở trong Giáo hội và cảm nghiệm được tình khuynh đệ trong cộng đoàn mới.

Gắn bó với Ðức Giêsu, môn đồ cũng phải thường xuyên ở bên cạnh Mẹ Ngài.[14] Ðức Maria đã có ảnh hưởng lớn trong lịch sử truyền giáo, nhất là ở Châu Mỹ, Philippines, Việt Nam, v.v. Ðức Maria đã ở với các tông đồ khi Thần Khí hiện xuống khai mạc công cuộc truyền giáo trong lịch sử loài người. Ngài có mặt ở trong nội dung của Tin Mừng: “sinh bởi Trinh nữ Maria” (Kinh tin kính). Như đã từng hợp tác để sinh Ðấng Cứu thế ra cho nhân loại, thì Ngài cũng tiếp tục hợp tác để mang ơn cứu độ đến với mọi người. Như một người Mẹ, Ngài giúp thừa sai trình thuật về Ðức Kitô trong một cách thức thực sự nhân bản, vì “những gì Họâi Thánh công giáo tin về Ðức Maria đều đặt nền tảng trên những gì Hội Thánh tin về Ðức Kitô”.[15] Ðối với bản thân thừa sai, Ðức Maria dạy cho biết sống mật thiết với Ðức Kitô; đối với lương dân, Ngài đưa dẫn họ về với Con mình. “Maria cũng là gương sáng của tình mẫu tử thắm thiết. Tình mẫu tử ấy phải là động lực cho tất cả những ai cộng tác vào sứ mệnh tông đồ của Giáo hội để tái sinh nhân loại” (MV 65, Sứ Mệnh…, 92); chẳng thế mà Ecclesia in Asia gọi Ngài là “mẫu gương của tất cả các môn đệ và là Sao sáng của việc rao giảng Tin Mừng.” (số 51). Trong linh đạo kitô, yếu tố “maria” nêu bật những đặc điểm sau đây: mở rộng lòng ra cho kế hoạch của Thiên Chúa và cho tác động của Thần Khí, sống đời chiêm niệm Ngôi Lời, dấn thân phục vụ mầu nhiệm cứu độ, cầu thay nguyện giúp. Một số tôn giáo (Hồi giáo, Ấn giáo, Phật giáo…) cũng tỏ lòng sùng kính đặc biệt đối với Ðức Maria; các thừa sai sống giữa tín đồ các tôn giáo ấy nên lưu ý tới sự kiện đó.

7. TỰ HỦY

Trong viễn cảnh các yếu tố bàn đến trên đây, linh đạo truyền giáo cho thấy rõ tính cách tự hủy (kenotic) nơi đời sống thiêng liêng của thừa sai. Thừa sai là người hiến thân hy sinh cho sứ mệnh, trong một miền xứ xa xôi, trong những hoàn cảnh xa lạ, và trong một công việc lắm khi xem ra vô ích, uổng công. Hiện nay, việc truyền giáo đang bị ngay cả các anh chị em công giáo chỉ trích. Ngày xưa, thừa sai được coi như là anh hùng; nay thì ít được thông cảm, lại còn bị nhiều người chế giễu cho là thuộc loại ‘bảo thủ,’ ‘phản đại kết’ hoặc chủ trương chính sách ngu dân… Thánh Phaolô cũng đã sống qua kinh nghiệm ấy: ngài đã chẳng bị coi như hạng rốt chót, như rác rưởi của thế gian, như phế vật trước mắt mọi người… (x. 1Cr 4:9-13) đó sao. Nguồn an ủi của thừa sai duy chỉ có một, là Ðức Kitô: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Ðức Kitô sống trong tôi… Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2:20-21).[16]

Tự hủy có nghĩa là phải đón nhận tình trạng cụ thể của cuộc với tất cả những giới hạn trong môi trường truyền giáo xa lạ, theo mẫu gương Ngôi Lời nhập thể.[17] Cũng có nghĩa là phải cởi bỏ chính mình cùng với những nhân tố cấu tạo căn tính của mình: cởi bỏ thân phận (ông tây, “quý cha,” ông chủ, v.v.), các thứ thành kiến đủ loại, cởi bỏ văn hoá, cởi bỏ lề lối đã quen, cởi bỏ ý riêng, dự án, phương pháp sẵn có, v.v. để đi theo đường lối của Thần Khí.

Như Ðức Kitô, môn đồ cũng phải “hoàn toàn trút bỏ thân phận mà mặc lấy thân tôi tớ” (x. Pl 2:6tt), để trở nên giống “họ” như Ðức Kitô đã trở nên người phàm. Như Thầy mình, thừa sai “không đến để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu độ muôn người” (Mt 20:28). Vì lý do khôn lường, theo kế hoạch của Chúa Cha, việc cứu độ con người phải trả một giá rất cao… Trong lãnh vực phúc âm hoá, cũng phải đi qua ngõ hẹp, những đường thênh thang không đưa đến sự sống (x. Mt 7:13-14): “lời thập giá” thì bao giờ cũng khó nghe, chướng tai, nhất là đối với dư luận ngày nay, cả đến trong Giáo hội. Trong “văn minh của thành công,” Ðức Giêsu bị coi như là một kẻ thất bại. Người được sai đi giảng Tin Mừng, phải luôn luôn suy niệm về lời báo trước của Thầy mình: trò không hơn Thầy, họ đã làm cái gì với Thầy thì cũng sẽ làm với các con như vậy (x. trọn ch. 10 của Mt). Nhưng nếu thừa sai đảm nhận sứ mệnh của Ðức Kitô, thế tất cũng phải nhận lấy cùng một số phận của Ngài.

Ðức Giêsu và thánh Phaolô gọi “phuơng pháp” ấy là đường thập giá.[18] Linh đạo của Phaolô nêu bật điểm này qua lời ngài viết cho giáo dân Galata: “Nhờ Chúa Giêsu Kitô bị đóng đinh, thế gian đã bị đóng đinh vào thập giá đối với tôi, và tôi đối với thế gian” (Gl 6:14). Trong tinh thần ấy, ngài đến Côrintô và “không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Ðức Giêsu Kitô, mà là Ðức Giêsu Kitô chịu đóng đinh vào thập giá” (1Cr 2:2). Trong đời sống cụ thể, điều đó có nghĩa là phải chịu khổ đủ cách như ngài kể trong đoạn 2Cr 11:23-29. Vì thập giá là đường qua đó Ðức Kitô cứu chuộc chúng ta, và là đường qua đó chúng ta chuyển trao ơn ấy đến muôn dân.

Linh đạo tự hủy biến thừa sai thành một người biết vâng phục, tức “có tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu” (Pl 2:5). Trút sạch chính mình để được đầy Thần Khí, bỏ ý mình để làm ý Chúa, bỏ lợi ích riêng để tìm lợi ích người khác, v.v. Ðó là luật của hữu hiệu tính siêu nhiên: hạt giống phải chết để sinh hoa trái (x. Ga 12:24); từ bỏ mình thì mới có thể đồng hoá với người khác, mới có thể trao ban trọn con người mình cho người khác.

* * *

Linh đạo là sức sống. Cây càng mạnh thì sinh hoa trái càng nhiều. Toàn thể Hội thánh cũng như mỗi kitô hữu có sống mạnh linh đạo như thể ấy, thì sứ mệnh Giáo hội mới được chu tất, mới đạt đến chỗ thành tựu trọn vẹn.

(Kết thúc thiên khảo luận về Truyền Giáo Học của linh mục Felipe Gómez, SJ)


[1] Jordan Aumann, OP, Spiritual Theology, Manila: Santo Tomás Univ. 1989; Eugene H. Peterson, The Contemplative Pastor: Returning to the Art of Spiritual Direction, Grand Rapids: Eerdmans, 1994; Simon Chan, Spiritual Theology: A Systematic Study of the Christian Life, Downers Grove: InterVarsity Press 1998.

[2] Xin xem James H, Kroeger, Living Mission: Challenges in Evangelization Today, N.Y.: Orbis Books 1994, tr. 22.

[3] Michael C. Reilly, Spirituality for Mission, Manila 1976, tr. 22.

[4] Về linh đạo truyền giáo, xin xem Redemptoris Missio 87 tt. Sau đây là một số sách viết về chủ đề này: Raguin, Yves, Missionary Spirituality, Manila: EAPI 1972; Collins Reilly M., Spirituality for mission, Manila: Loyola Press. 1976; Esquerda-Bifet, J. Espiritualidad misionera, Madrid: BAC 1982. AA. VV., Lecciones de espiritualidad misionera, Buenos Aires: Edit. Claretiana 1984. Monchanin J., Théologie et spiritualité missionnaires, Paris: Beauchesne 1985. AA.VV., Spiritualità della missione, Roma: Teresianum 1986. Ðạo Ðinh Ðức J., “Spiritualità missionaria,” in: Cristo, Chiesa, Missione, Urbaniana Univ. Press 1992, 381-397; Anthony J. Gittins, CSSp, Reading the Clouds. Mision Spirituality for New Times, Liguori Publication.

[5] Rodríguez Melgarejo G., “Una mística de la evangelización?”, Teología 24 (Buenos Aires, 1987) 59-93.

[6] Xin xem Internet= http://ciam.org/index/index-viet.html.

[7] Yves M. Raguin, “I am sending You” Spirituality for the Missionary, Mani­la: EAPI 1973; Takeo Okada, P., The Missionary Spirituality of the Incarnation According to the Teaching of Paul VI, Roma: Pont.Univ.Greg. 1978; Esquerda-Bifet, J., Spirituality for a Missionary Church, Roma: Urbaniana Press 1994.

[8] Kathleen M. O’Connor, The Wisdom Literature, (Message of Biblical Spiri­tua­lity, Vol 5); Carlos Vallés, Models of Faith: Biblical Spirituality for Our Time, Loyola Press 1990.

[9] Xin xem Evangelii nuntiandi 75; Redemptoris missio 21, 30.

[10] Xin xem Patrick J. St. G. Jonnstone, Operation World: Day-by-Day Guide to Praying for the World, Zondervan Publ. House 1993.

[11] Sau đây là những cảm nhận của thượng phụ Athenagoras:

“Without the Holy Spirit –
God is far away,
Christ stays in the past,
the Gospel is a dead letter,
the Church is simply an Organisation,
authority, a matter of domination,
mission, a matter of propaganda,
the liturgy no more than an evocation,
Christian living a slave morality.

But in the Holy Spirit – the cosmos is resurrected

But in the Holy Spirit – the cosmos is resurrected

and groans with the birthpangs of the kingdom,

the risen Christ is there,

the Gospel is the power of life,

the Church shows forth the life of the Trinity,

authority is a liberating service, mission is a Pentecost,

the liturgy is both memorial and anticipation,

human action is deified”

Theo Kroeger, James H., Sign-posts of the Spirit for Mission (no date), p. 18. Xin tạm dịch:

“Vắng Thánh Linh, Thiên Chúa bổng xa vời,

Ðức Giêsu Kitô hút mất vào dĩ vãng,

Phúc Âm thành chữ chết, Giáo Hội: một tổ chức đơn thuần;

Quyền bính thành thống trị, sứ mệnh hóa tuyên truyền;

Phụng tự không gì ngoài gợi lại,

Ðời kitô: chỉ một kiếp nô dân luân lý.

Và ngược lại:

“Với Thánh Linh, mọi sinh linh hứng khởi,

Cả hoàn vũ mãi khắc khoải chờ Nước Chúa sinh ra,

Ðức Kitô sống lại đang đứng đấy,

Tin Mừng là sức sống giữa muôn dân,

Giáo Hội là hiệp thông trong Ba Ngôi,

Sứ mệnh ư? một kỳ Hiện Xuống mới,

Còn phụng vụ? là tưởng niệm và cũng là mừng trước;

Kiếp làm người? cả một cuộc thần hóa cao siêu!”

[12] Federation of Asian Bishops’ Conferences Fourth Plenary Assembly: Final Statement September 16-25, 1986. Tokyo, Japan.

[13] Pastores dabo vobis, số 57, áp dụng được cho mọi linh mục, nhưng đặc biệt là cho thừa sai.

[14] J. Esquerda-Bifet, “Mary and Evangelization,” trong Karotemprel, S. (ed), Following Christ in Mission, Manila: Paulines 1995, tt140-145.

[15] Giáo lý Công giáo, số 487.

[16] “Mission dans la faiblesse. La kénose du missionaire,” Spiritus số 142 (1996) chuyên đề về chủ đề này.

[17] Heriban, J., Retto fronèin e kénosis. Studio esegetico su Fil 2,1-5.6-11, Ro­ma 1983; Ven. Dr. Rewata Dhamma, “Sunyata, Emptiness and Self-emptying, Kenosis”, trong The Los Angeles Buddhist-Catholic Dialogue, 27th March 1993.

[18] James W. Heisig, “East-West Dialogue: Sunyata and Kenosis,” trong Spirituality Today, 39 (1987) 137-147; 211-224.