Hợp Tuyển Thần Học

Kitô Học Trong Ánh Sáng Thánh Linh

Kitô Học Trong Ánh Sáng Thánh Linh

Mục Lục

Bày tỏ nguyện vọng, đôi lúc khẩn thiết, muốn thấy có được một khoa Kitô học đượm nhuần bản sắc “thần khí” và gồm hàm những yếu tố cần cho việc tìm hiểu về Đức Kitô trong tương quan với Thánh Linh, là một sự kiện thường gặp thấy trong thời đại ngày nay.[2] Bởi vì, hễ đã đọc Kinh Thánh, thì không ai mà không nhận ra ngay rằng đó là một mối tương quan cốt tủy; tuy thế, thần học cũng vẫn chưa quan tâm cho lắm đến việc khai triển mầu nhiệm của nó. Theo thánh Baxiliô, thì Thần Khí là “người bạn keo sơn của Đức Kitô”[3] ; dù vậy, cho đến nay, Kitô học và Thánh Linh học thường tiến theo những đường hướng trái ngược nhau, không quan tâm đối chiếu với nhau, gây thiệt thòi cho cả đôi bên.

I. Một Khoa Kytô Học Vắng Bóng Thần Khí

Có một thời, suốt nhiều thế kỷ dài, đã từng thấy thịnh hành một nền thần học về ơn cứu độ trong đó, không một vai trò nào đã được dành cho Thần Khí. Công trình cứu độ chỉ được coi như là tác phẩm của một con người- Chúa, có sức tự bởi thiên tính của mình, mang lại cho mỗi một hành động mình làm, một giá trị vô cùng. Và như thế, con người-Chúa có khả năng đền đáp thỏa đáng cho những gì công lý của Thiên Chúa đòi hỏi, và mang lại cho loài người, ơn tha thứ tội lỗi cũng như quyền được hưởng sự sống vĩnh cửu.

Nếu nhận thức như vậy, thì công trình cứu độ không còn được hiểu như là một mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa được giới thiệu qua diện mạo của một nền công lý vô biên, cần phải được giảng hòa, chứ không phải với diện mạo của một người Cha đã sinh Con mình ra trong thế gian cho chúng ta, qua Thánh Linh, cũng như đã đưa dẫn người Con ấy đi qua con đường sống và chết để tiến bước vào trong niềm viên mãn vĩnh phúc của đạo làm Con. Và theo nhãn quan ấy, Đức Giêsu được giới thiệu như là một con người mang thiên tính, có khả năng trả đủ giá để “tậu” ơn cứu độ, chứ không phải là như người Con đã được thụ thai trong Thánh Linh, và đã hướng theo tác động của Thần Khí mà ưng thuận đi qua con đường sống và chết đúng theo tôn ý của người Cha sinh mình ra. Thần Khí đã không được đích danh nhắc tới.

Nặng nề với tính chất pháp lý khe khắt và quá nặc mùi lý tính, nền thần học kia đã không thể mở lối đưa đường hầu dẫn tới gần mầu nhiệm cứu độ hơn được. Vì không biết nhận ra cho đúng mức vai trò của Thần Khí, nên nền thần học kia cũng đã lãng quên luôn tầm trọng yếu cứu độ của sự việc sống lại; mà không có sống lại, thì như Phaolô đã từng khẳng định, việc chết đi cũng chẳng có được một ý nghĩa cứu độ nào cả (1Cr 15, 17).

Nếu không được đính chính lại để hiểu cho đúng, thì nền thần học kia có thể trở thành nguyên cớ gây ra nhiều sai lạc. Bởi vì, nếu mọi sự đều được giải quyết bằng sự chết có đủ sức đền đáp thỏa đáng cho công lý, thì tại sao lại cần phải có Giáo Hội với các bí tích, tại sao lại cần phải có nổ lực dấn thấn của từng cá nhân qua “các việc lành” (xem Ep 2, 10) làm chi? Chẳng phải chỉ cần tin rằng Đức Kitô đã trả xong hết nợ cho chúng ta, và chỉ cần tín thác vào công lý của Thiên Chúa đã được giảng hòa nhờ giá chuộc ấy, là đã đủ lắm rồi đó sao? Tại sao còn phải nhất thiết cần đến việc sống hiệp thông với Đức Kitô?

Khi chỉ được nhận thức một cách riêng lẻ, tách rời ra khỏi mối tương quan với Thánh Linh, thì chẳng những công trình của Đức Giêsu không thôi, mà cả mầu nhiệm về cá nhân con người-Con Thiên Chúa cũng sẽ không được nhận thức cho đầy đủ theo toàn bộ chiều kích ba ngôi (trinitaire) của nó. Để lên án lạc thuyết Nestôriô (cho là trong Đức Giêsu Kitô, có hai chủ thể) và lạc giáo nhất tính (monophysisme : chủ trương rằng Đức Giêsu Kitô chỉ có một bản tính duy nhất là thiên tính), thì Công đồng chung Canxêđônia chỉ cần khẳng định rằng nơi Đức Kitô, có hai bản tính — tức là nhân tính và thiên tính — phối kết chặt chẽ với nhau trong cùng một ngôi vị Thiên Chúa duy nhất, tức là Ngôi Hai. Cho dù có dùng những khái niệm không mấy quen thuộc đối với Kinh Thánh, lời minh định ấy cũng hoàn toàn phù hợp với các dữ liệu tìm thấy trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, ai cũng biết rằng không một tín điều nào có thể gói trọn hết mọi chiều kích phong phú của mầu nhiệm vào trong công thức có tính cách khái niệm của mình được. Tín điều do Công đồng chung Canxêđônia minh định, cũng không thể thoát khỏi vòng giới hạn của định luật ấy được.

Đúng thế, nếu để ra ngoài vòng liên hệ với Thần Khí, thì tín điều về một ngôi vị duy nhất trong hai bản tính vừa nhắc tới trên đây, chỉ mang được có một tính chất tĩnh định, tức là không nói rõ lên vị trí của Đức Kitô ở trong lịch sử, không mở đường cho tâm tư nghĩ tới tình trạng khác biệt — dĩ nhiên là chủ yếu– giữa cuộc sống dương thế và cuộc hiện hữu trong vinh quang của Đức Giêsu, cũng như không hấp thu được đà năng động đã từng thúc đẩy Đức Kitô bước vào cuộc sống và đi qua con đường chết để đạt tới niềm viên mãn của những gì làm nên bản chất của Người ngay từ đầu: làm Con Thiên Chúa, làm Đấng mang lại ơn cứu độ cho nhân thế. Và như thế, tín điều không nêu rõ khía cạnh cứu độ của mầu nhiệm Đức Kitô. Cho dù Công đồng có tuyên bố rõ là Đức Kitô “đồng bản tính với Thiên Chúa Cha theo thiên tính”,[4] thì công thức minh định cũng không nêu rõ tính chất “làm Con” của Đức Giêsu, tức là mối tương quan cốt tủy Ngài có đối với Thiên Chúa xét theo tư cách “làm Cha.” Và do đó, công thức tín điều không nói gì tới tính chất ba ngôi của mầu nhiệm Nhập Thể, mà chỉ nhắm bắn cho trúng vào đích, tức là vào các lạc thuyết cần phải triệt hạ, chứ không nhằm biểu đạt trọn vẹn toàn bộ mầu nhiệm cứu độ.

Còn các học tuyết thịnh hành nhất về Thiên Chúa Ba Ngôi trong thần học, thì không soi sáng được gì nhiều cho mối tương quan giữa Đức Kitô và Thần Khí. Thậm chí, còn có thể ngờ là chính chúng đã thực sự tiếp tay để đào cho sâu thêm hố ngăn cách giữa Kitô học và Thánh Linh học. Học thuyết chủ trương cho rằng Thiên Chúa Cha một đàng sinh ra Chúa Con, và đàng khác “thở ra/thổi nên” (spire) Thần Khí, không nhất thiết phải giả định bất cứ một mối liên hệ nào ở giữa sự việc sinh ra Ngôi Con và sự việc nhiệm xuy (spiration)nên Thần Khí. — Theo một học thuyết khác, thì Thần Khí nhiệm xuất (procéder) từ Ngôi Cha và Ngôi Con như thể là từ cùng một nguyên lý duy nhất không phân hóa (indifférencié ), cũng không nhất thiết đòi phải có một mối liên hệ cốt tủy nào giữa Ngôi Con xét theo tư thế cá thể, và Thánh Linh cả, bởi lẽ Ngôi Cha và Ngôi Con “thổi nên” (nhiệm xuy) nên Thần Khí, không phải theo tư thế riêng là Cha và là Con (mà là theo địa vị làm nguyên lý duy nhất không phân hóa).[5] — Trong cách thức diễn dịch bằng biểu đồ đường thẳng, theo đó, Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con, và qua Ngôi Con, “thổi nên” Thần Khí, cũng chẳng nhận ra được hoặc là cũng chẳng nhận ra được mấy bản chất của mối liên hệ giữa Ngôi Con xét theo tiến trình phát sinh, và Thánh Linh xét theo tiến trình nhiệm xuất.

Các học thuyết trên đây đều hiểu rằng theo suy luận lôgíc của trí tuệ con người, thì sự việc sinh hạ Ngôi Con xảy ra Àtrước’ hành động nhiệm xuy nên Thần Khí. Rồi, cả ở nơi Ngôi Cha trong chính tư thế là Cha, lẫn ở nơi Ngôi Con trong chính tư thế là Con, đều không thấy ghi dấu vết ấn tín của Thần Khí. Còn tiến trình hoạt động trong Thiên Chúa Ba Ngôi thì làm như đã đạt tới cùng đích ở nơi Thần Khí, và ngừng lại ở đó. Và như thế, người ta đã không mấy lưu tâm tới mầu nhiệm về thực trạng Ba Ngôi ở trong nhau (périchorèse/circumincession= tương tại tính ), cho dù đó chính là mầu nhiệm mà mọi khoa thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi có bổn phận phải coi trọng; theo mầu nhiệm ấy, những gì nằm ở nơi cùng đích — tức là Thánh Linh — thì cũng có mặt ngay cả ở nơi khởi điểm. Các nổ lực tổng hợp và các cuộc tranh cãi đối chọi lẫn nhau giữa các học thuyết thần học kia cho thấy rằng để minh chứng cho tính chất chính đáng và chính thống của mình, hình như các học thuyết này cũng chẳng có thể tìm ra được những yếu tố cần thiết ở trong các dữ liệu Kinh Thánh liên quan đến Thánh Linh,[6] cũng như trong mầu nhiệm mà Kinh Thánh xác nhận là chủ yếu: tức là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, trong đó, Thiên Chúa Cha sinh ra Con của mình trong Thánh Linh.[7]

II. Đức Kitô Trong Quan Hệ Với Thần Khí

Giáo Hội đã, đang và không ngừng được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô; rồi cũng chính từ đó, đức tin kitô đã được sinh ra, và đó chính là cội nguồn phát xuất sự hiểu biết về mầu nhiệm của Thiên Chúa. Các văn bản Tân Ước đã truyền lưu lại cho chúng ta những biểu đề đức tin cổ cựu hơn cả chính các văn bản ấy; mà các tín biểu (symboles de la foi) lại tổng kết toàn bộ chân lý đức tin bằng lời xác quyết về sự kiện Đức Giêsu đã chịu chết và đã sống lại: “Nếu anh em tin thật rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại” (1Tx 4,14; xem 1Cr 15,3-5).[8] Hoặc là bằng một tổng lược đơn giản hơn với lời đơn thuần tuyên xưng Đức Kitô đã sống lại: “Nếu bằng miệng, bạn tuyên xưng rằng Đức Giêsu là Chúa, và nếu tự trong đáy lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ” (Rm 10, 9). Hay là ngay cả bằng cách tuyên xưng quyền chủ tể của Đấng Phục Sinh: “Không có thể tuyên xưng: Đức Giêsu là Chúa’ mà lại không phải bởi sức Thánh Linh” (1Cr 12,3; xem Cv 2,36; Pl 2,11). Lời xác quyết Đức Kitô đã sống lại, thu tóm trọn cả toàn bộ nội dung đức tin.

Vậy, nếu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô là mầu nhiệm trung tâm, chủ yếu, thì làm sao mà thần học lại không có bổn phận phải lấy đó làm khởi điểm cho tiến trình suy tư của mình? Mà Đức Kitô, Đấng đã tự mạc khải mình ra qua cuộc tử nạn và phục sinh, lại được ghi dấu ngay ở trong con người và ở nơi công trình của mình, bằng ấn tín của chính Thần Khí.

1.  Khi làm cho Người sống lại, Thiên Chúa đã trao ban cho Đức Kitô “danh tước trổi vượt mọi danh tước,” danh tướcKyrios, tức là Chúa : một danh tước chỉ được dành riêng cho một mình Thiên Chúa quyền năng vô biên (xem Pl 2,9-11) mà thôi. Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được trao ban cho Người (xem Mt 28,18). Nhưng khi làm cho sống lại, Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại trong Thánh Linh. Tông đồ Phaolô xác định điều đó một cách mặc nhiên mà chắc chắn qua những gì viết ở trong câu Rm 8,11. Ngài cũng nói lên điều đó trong một cách thức tương tự khi viết: “Đức Kitô đã chịu đóng đinh vào thập giá vì lẽ xác phàm yếu đuối, nhưng Người đang sống bởi quyền năng Thiên Chúa” (2Cr 13,4), bởi vì, đâu đâu trong toàn bộ Kinh Thánh, Thần Khí cũng xuất hiện dưới hình thái quyền lực toàn năng không ngừng hoạt động của Thiên Chúa: “Anh em sẽ nhận được quyền lực của Thần Khí đến trên anh em” (Cv 1,8; Lc 24,49). Thánh Phaolô cũng nói đến sự kiện đó ở trong Rm 6,4: “Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết nhờ bởi vinh quang Thiên Chúa Cha,” vì lẽ, vinh quang của Thiên Chúa mà Kinh Thánh nói tới, tức là sự “tỏa rạng chói lọi của bản thể Thiên Chúa”,[9] hay là tình trạng biểu hiện của quyền lực toàn năng trong Thiên Chúa — “Vào buổi sáng, các ngươi sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa” (Xh 16,7) — được gắn liền với Thần Khí Thiên Chúa ngay từ trong Cựu Ước (xem Is 63,8-14); còn trong Tân Ước, thì vinh quang ấy được đồng nhất hóa với Ngôi Ba Thiên Chúa; thực vậy, Thần Khí chính là quyền lực tỏ hiện của Thiên Chúa, là “Thần Khí vinh quang, Thần Khí của Thiên Chúa” (1Pr 4,14). Thánh Linh, quyền lực và vinh quang cấu thành một nguyên lý duy nhất qua đó, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại. Cũng hệt như vậy đối với việc các tín hữu sống lại: “trong quyền năng” và “trong vinh quang,” họ sống lại “với xác thần thiêng (khí)” (1Cr 15,43…).

Với cuộc sống lại, Đức Kitô nắm giữ quyền lực của Thiên Chúa: Ngài là “Chúa Tể vinh quang” (1Cr 2,8), là Chúa Tể-thần khí (2Cr 3,18), là “thần khí tác sinh” (1Cr 15,45), bởi vì Ngài sống bằng Thần Khí của quyền lực và vinh quang; chính trong Thần Khí ấy, Ngài đã sống lại.[10]

Nếu thế, thì không thể đề cập đến Đức Kitô-Chúa Tể mà không bàn tới Thần Khí, bởi vì, chính ở trong Thần Khí ấy, Đức Kitô Sống Lại sinh tồn và hoạt động. Nếu không có quyền lực và vinh quang, nghĩa là nếu không có Thánh Linh, thử hỏi làm sao Đức Kitô có thể làm Chúa Tể của quyền lực và vinh quang được? Mà cuộc sống lại chính là sự kiện vén mở cho thấy rằng qua sự chết, Đức Kitô đã được biến đổi từ trong gốc rễ của bản thể mình. Chúa Tể vinh quang, Đức Kitô-thần khí chính là Đức Giêsu muôn thuở ở trong trạng thái triển dương trọn vẹn của ân sủng Ngài vốn có từ ban sơ.

Cho dù tông đồ Phaolô có nhấn mạnh đến thực trạng khác biệt giữa sự yếu đuối xác phàm nơi Đức Giêsu tại thế, và quyền lực vinh quang của Ngài, thì ngay trong cuộc sống dương thế của Ngài, Thần Khí cũng đã biểu dương sự có mặt đầy quyền lực của mình ra: Đức Giêsu hành động với “quyền lực của Thần Khí” (Lc 4,4.18); Ngài trừ quỷ bằng ngón tay của Thiên Chúa (Lc 11,20): theo Matthêu 12,28, ngón tay ấy là không gì khác hơn ngoài chính Thánh Linh. Có nhờ Thần Khí thì mới cắt nghĩa và thấu hiểu được cuộc sống của Đức Giêsu (xem Cv 10,38), vì Thần Khí đã được ban xuống cho Ngài một cách khôn lường vô hạn (Ga 3,34).

2. Với cuộc sống lại, cùng với danh xưng Chúa Tể, Đức Giêsu cũng nhận được danh tước Mêsia: “Thiên Chúa đã đặt Đức Giêsu mà các ngươi từng đóng đinh, làm Chúa Tể và làm Đấng Mêsia” (Cv 2,36). Cuộc tiến bước vào trong vinh quang là “một cuộc xức dầu hoan lạc” (xem Dt 1,9). Nhưng, Đức Giêsu có được hiển vinh, là hiển vinh trong Thánh Linh. Cuộc xức dầu tấn phong làm Đấng Mêsia qua sự việc sống lại là do Thần Khí thực hiện. Từ thời sống nơi dương thế, Đức Giêsu đã được “xức dầu bằng Thần Khí và quyền năng” (Cv 10,38); bắt đầu rao giảng công khai, là Ngài tuyên bố ngay rằng: “Thần Khí Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi” (Lc 4,18).

Là Chúa Tể, Đức Giêsu cũng là Đấng Mêsia, bởi lẽ Ngài đã được xức dầu bằng Thánh Linh. Không thể nào có được Đấng Mêsia (Đấng được Xức dầu, Đấng Kitô) mà lại không có việc xức dầu, mà lại không có Thánh Linh.

3. Bản chất làm Con Thiên Chúa và quyền Chúa Tể theo chức vụ Mêsia thì chặt chẽ gắn liền với nhau (Mt 16,16; 26,63; Lc 4,41; Ga 1,49). Một công thức cổ cựu, có trước các văn bản của Phaolô, ghi rằng: “Tin mừng (Phúc âm) của Thiên Chúa… (quan hệ đến) Con của Ngài, Đấng xuất thân tự dòng giống Đavít theo xác phàm, và đã được đặt làm Con Thiên Chúa trong quyền năng, theo Thần Khí (hay là: thần trí) thánh thiện, qua cuộc sống lại từ cõi chết” (Rm 1,3tt). Đã có một thời, nhiều tác giả quan niệm một cách sai lầm rằng “thần trí thánh thiện” ấy chỉ về bản tính Thiên Chúa nơi Đức Kitô, tương ứng với bản tính loài người nơi con người xuất thân từ dòng giống Đavít.[11] . Phần đông các tác giả hiện đại đều cho là từ ngữ ấy chỉ về Thánh Linh; có tác giả lại nghĩ là từ ngữ ấy muốn nói đến sự thánh thiện “tinh thần” (thiêng liêng) của Đức Kitô, một sự thánh thiện thuộc tầm tác động của Thánh Linh.[12] Dù sao, sự việc đưa Đức Giêsu lên ngôi làm “Con Thiên Chúa trong quyền năng” đã thành hiện thực trong Thánh Linh: việc ấy là kết quả của “cuộc sống lại từ cõi chết” nhờ Thánh Linh như chúng ta đã biết (xem Rm 8,11).

Hành động Thiên Chúa làm cho Đức Giêsu sống lại là một hành động mang tính chất phụ tử, vì nó “đặt Ngài làm Con Thiên Chúa trong quyền năng”; theo Cv 13,33, thì hàng động ấy là hành động sinh hạ: “Thiên Chúa đã cho Đức Kitô sống lại, như lời đã chép trong Thánh vịnh thứ hai rằng: Ngươi là Con Ta; hôm nay, Ta sinh ra ngươi’.” Thánh vịnh này cũng có thể được hiểu về một vì vua trần thế, hệt như lời của tiên tri Natan (2Sm 7,14): “Ta sẽ là Cha nó, và nó sẽ là con Ta.” Tuy nhiên, khi áp dụng lời tiên tri này vào trường hợp của Đức Giêsu, đức tin kitô đã hiểu câu 2Sm 7,14 theo nghĩa làm Con theo thiên tính, làm Con Một (Dt 1,5), và đã giải thích Tv 2,7 theo ý nghĩa của một hành động sinh hạ thực sự ở trong nội giới của chính bản tính Thiên Chúa (Dt 5,5). Hành động sinh hạ này đạt đến mức hoàn thành vẹn toàn ở trong cuộc Đức Giêsu sống lại từ cõi chết.

Là công trình của Thiên Chúa theo bản chất làm Cha, và là công trình được thực hiện trong Thánh Linh, cuộc Đức Giêsu sống lại vén mở cho thấy rằng Thiên Chúa sinh ra Con của mình vào giữa thế gian, trong Thánh Linh, và rằng Đức Giêsu là Người Con đã được sinh ra trong quyền năng Thiên Chúa, tức là trong Thánh Linh, vì quyền năng ấy chính là Thánh Linh.

Không thể có chuyện làm Con Thiên Chúa mà lại không được vinh hiển giống như Thiên Chúa Cha[13] “Chúng tôi đã được ngắm nhìn vinh quang của Ngài, vinh quang như của Con Một tự nơi Cha” (Ga 1,14). Danh tước Con đã được dùng đến trong các đoạn trình thuật về những lần Đức Kitô hiển linh (christophanie): khi Ngài chịu phép rửa (Mt 3,17, và các đoạn song song), lúc Ngài biến hình trên núi Tabor (Mt 17,5, và các đoạn song song), trong cuộc thánh Phaolô trở lại, “khi Người (Thiên Chúa) đã có nhã ý mạc khải Con của Người cho…” (Gl 1,16) thánh nhân. Đó cũng là danh tước dành cho Đức Giêsu trong giây phút Ngài tái giáng ngày cánh chung: “Chúng ta trông đợi Con của Người từ trời đến, Đấng mà Người đã làm cho sống lại từ cõi chết” (1Tx 1,10); “Thiên Chúa… đã đã kêu gọi chúng ta đến chung phần hiệp thông với Con của Người, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” trong Ngày của Người (1Cr 1,9).[14] “Con Thiên Chúa” là một danh tước vinh quang. Mà Thần Khí là vinh quang của Thiên Chúa; chính trong Người, Đức Giêsu đã sống lại — “Ngài đã được vinh quang của Thiên Chúa Cha làm cho sống lại” (Rm 6,4). Trong Thánh Linh, mầu nhiệm làm Con đạt tới mức hiển vinh của niềm viên mãn phục sinh; nhưng, cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu không gì khác hơn là mầu nhiệm làm Con muôn thuở được triển khai và vén mở đến tột độ: cuộc Vượt Qua ấy xác chứng rằng Đức Giêsu là Người Con trong Thánh Linh, và Thiên Chúa là Cha của Ngài.

Được soi chiếu bởi Đức Kitô vinh quang, không chút chần chừ, các tín hữu đã tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa ngay từ giây phút bắt đầu cuộc sống làm người, và từ thuở đó, đã được Thiên Chúa sinh hạ ra trong quyền năng của Thần Khí: “Thánh Linh sẽ đến trên bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà; vì thế , trẻ sắp sinh sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Con trẻ sẽ mang danh tước ấy, bởi vì được sinh ra do tác động của Thần Khí. Thần Khí là quyền lực toàn năng đầy công hiệu của Thiên Chúa, là vinh quang — đám mây chiếu sáng — rợp bóng trên Đức Maria. Và như thế, Đức Giêsu là con người có chính Thiên Chúa làm Cha.

Là thế nào lúc còn trong bào thai, thì Con Thiên Chúa trong Thánh Linh cũng vẫn mãi mãi là như vậy. Lúc chịu phép rửa, tiếng của Thiên Chúa Cha tuyên bố công nhận con người được Thần Khí hiện xuống với, chính là Con của Thiên Chúa (Mt 3,17, và các đoạn song song); Gioan Tẩy Giả đã nhận ra Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, bởi vì Thần Khí đã lưu lại trên Ngài (Ga 1,32-34). Dĩ nhiên là cũng nên nhắc tới đám mây sáng chói đã “rợp bóng” trên Đức Giêsu và hai vị tiên tri, Êlia và Môsê, đám mây mà Kinh Thánh gọi là “vinh quang của Thiên Chúa.” Từ trong đám mây, một tiếng nói đã vang lên, phán rằng: “Ngài là Con chí ái của Ta” (Mt 17,5, và các đoạn song song). Địa vị làm Con Thiên Chúa và vinh quang thì không thể nào tách rời khỏi nhau được; còn đám mây vinh quang thì thế tất làm cho liên tưởng tới Thánh Linh. Các đoạn trình thuật trên đây về Truyền Tin, về phép rửa chịu từ tay Gioan Tẩy Giả, và về biến cố biến hình trên núi, đều quy hướng về với mầu nhiệm Vượt Qua mà chúng tiên báo: tức là mầu nhiệm về sự việc Thiên Chúa Cha làm cho Đức Giêsu sống lại trong Thánh Linh, đưa dẫn Ngài đạt tới niềm viên mãn của địa vị làm Con.

Thế mới rõ là nếu cứ đứng ngoài vòng quan hệ đối với Thánh Linh, thì không thể nào quan niệm nổi về bản chất làm Con Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Hệt như mối tương quan với Thiên Chúa Cha, bản chất ấy là cốt tủy đối với con người Ngài, bởi vì, Đức Giêsu là Con Thiên Chúa trong Thần Khí. Và chính vì là Con, nên Đức Giêsu mới là Chúa Tể-Mêsia. Vì vậy, câu hỏi sau đây đã được đặt ra: Thần Trí liên hệ như thế nào với bản chất làm Con Thiên Chúa trong Đức Kitô?

III. Thánh Linh Trong Quan Hệ Với Con Thiên Chúa

Do bởi liên hệ với Ngôi Cha trong tư cách là Cha và với Ngôi Con trong tư cách là Con, Thần Khí hằng mang tính chất cá biệt đặc trưng thế nào, thì trong địa vị làm Con Thiên Chúa, Đức Kitô cũng mang ấn tín của Thần Khí như vậy.

1. Thần Khí của tính chất làm Cha và của tính chất làm Con

Trong “sách ghi lại nguồn gốc của Đức Giêsu Kitô” theo thánh Mátthêu (1,1), vai trò của các người cha trong chuỗi gia phả được diễn tả bằng động từ “sinh hạ/sinh ra”; còn vai trò của các bà mẹ thì được biểu đạt bằng kết từ (giới từ) “bởi” (ek ):

Giuđa sinh Pharê và Dara bởi Thamar…

Sanmôn sinh Booz bởi Rahab;

Booz sinh Giôbed bởi Ruth…

Đavít sinh Xalômôn bởi vợ của Uria…

Bởi Maria, Đức Giêsu đã được (Thiên Chúa) sinh ra.

Trong khi đó, vai trò của Thần Khí trong việc sinh hạ Đức Giêsu, đã được nói lên hai lần với cùng một kết từ ” bởi ” (Mt 1,18.20).

Luca 1,35 ghi là: “Thánh Linh sẽ đến trên bà…Vì thế , trẻ sắp sinh sẽ là thánh, sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Vai trò của Thần Khí không phải là vai trò của một người nam đối với bạn đời của mình: cũng như Mátthêu, Luca cho thấy là con trẻ đã được chính Thiên Chúa sinh hạ, và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa, chứ không phải là Con của Thần Khí. Thần Khí và Đức Maria đóng giữ cùng một vai trò trong cùng một công trình hiệp lực tuyệt hảo: một bên là theo cách thức thiên giới, còn bên kia thì theo cách thức nhân thế. Qua cách thức ấy, một con người đã sinh ra, và người đó chính là Con của Thiên Chúa , vì lẽ Thiên Chúa đã sinh hạ con người ấy ra từ bởi Thần Khí và bởi lòng dạ của Đức Maria.

Có người sẽ bảo: cần chi phải dồn dập chất đống những khối ý nghĩa thần học nặng trĩu lên trên những đoạn trình thuật hết sức đơn giản như thế! Có thể là đúng thế. Tuy nhiên, các văn đoạn ấy chiếu phóng ra cho thấy trước, cho thấy ánh sáng sẽ bừng lên từ mầu nhiệm Vượt Qua, là một mầu nhiệm hàm súc những ý nghĩa phong phú bất tận. Biến cố Đức Giêsu sống lại, cho thấy rằng: Thiên Chúa là Cha; Đức Kitô được sinh ra trong niềm viên mãn của địa vị làm Con; và chính trong Thánh Linh, Thiên Chúa đã dùng quyền năng (2Cr 13,4) — tức là Thần Khí — cùng vinh quang của mình (Rm 6,4) — cũng lại là Thần Khí — mà làm cho Đức Giêsu sống lại. Thần Khí là tựa như “lòng dạ” (ai mà lại không cần dùng đến hình ảnh để diễn đạt cho rõ ràng?), trong đó, Thiên Chúa Cha đã làm cho Đức Giêsu sống lại, tức là trong đó, Ngài đã sinh hạ Con của mình ra.

Vậy, mầu nhiệm Vượt Qua là mầu nhiệm đời đời muôn thuở, nhưng đã được tháp nhập vào trong nội cục của công trình tạo dựng, được mạc khải và đồng thời đã được thực hiện ra ở giữa thế giới loài người. Tự hậu, con người được biết rằng Thiên Chúa là Cha, đã theo một cách thức vô tận, sinh ra trong quyền lực của Thánh Linh, một Người Con vô biên. Tựa như mặt gương sáng, biến cố Phục Sinh phản ánh tỏ mầu nhiệm về Thiên Chúa ra trước mắt loài người.[15]

Kể từ đó, Thiên Chúa mới được nhận biết là Cha của Con Một; và các môn đồ mới bắt đầu tán dương rằng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (2Cr 1,3). Họ dành danh xưng Thiên Chúa để chỉ về Đấng mà thần học sẽ gọi là Ngôi Nhất trong Thiên Chúa Ba Ngôi (xem 1Cr 8,6)[16] là Ngôi Vị mà bản thể nhiệm mầu đặc trưng tiềm ẩn ở trong sự việc sinh hạ Ngôi Con ra. Trong tư thế là Ngôi Cha, Ngài không có sinh hoạt nào khác ngoài hành động sinh hạ Ngôi Con (các hoạt động trong công cuộc tạo dựng là thuộc lãnh vực của mối quan hệ giữa Ngôi Cha và Ngôi Con). Thực thế, trong cuộc Vượt Qua của Đức Giêsu, bản chất làm Cha trong Thiên Chúa đã tự hiện thực hóa và biểu hiện ra trong Thánh Linh. Chính ở trong Thần Khí, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô sống lại (Rm 8,11), “đúng như lời đã viết trong thánh vịnh thứ hai: Ngươi là Con Ta; hôm nay, Ta đã sinh ra ngươi” (Cv 13,33).

Vì mầu nhiệm Vượt Qua là cánh cửa mở ra cho thấy mầu nhiệm có từ đời đời trong Thiên Chúa, thế nên, thần học có quyền căn cứ vào đó mà kết luận rằng trong mầu nhiệm về Ngôi Cha sinh hạ, và Ngôi Con được sinh ra, Thần Khí là quyền lực sinh hạ trong Thiên Chúa. Ngài là Thần Khí của Ngôi Cha trong tư thế làm Cha, và là Thần Khí của Ngôi Con trong địa vị làm Con. Trong Ngài, được biểu đạt ra “những gì (nơi Ngôi Cha) là chính Ngôi Cha nhất,[17] và đối với Ngôi Con, thì Thần Khí cũng giữ một vai trò y hệt như thế.

Quyền lực của Thiên Chúa Cha là một tình yêu vô biên. Là quyền lực ấy, nên Thần Khí chính là tình yêu (xem Rm 5,5). Ngài là sức mạnh của khai mở (ouverture),của lưu toả (effusion) chính mình.[18] Yêu thương vô hạn, Ngôi Cha sống trong thể trạng xuất thần chính mình trong Con của mình.[19] Ngài sinh ra bằng con đường yêu thương: “Ngôi Lời phát sinh từ con tim của Thiên Chúa Cha”.[20] Do đó, thánh Âugutinô đã có thể viết rằng: “Thế là có Ba Vị: Đấng yêu thương, Đấng được yêu thương và Đấng là tình yêu”.[21] Chính trong Thần Khí tình yêu ấy, Ngôi Cha (hiện hữu theo bản chất đặc thù) là Ngôi Cha, và Ngôi Con (hiện hữu theo bản chất đặc thù) là Ngôi Con.

Tuy có tùy theo mức độ riêng của mỗi cá nhân, thì cũng vẫn giống như Đức Giêsu trong cuộc Vượt Qua của Ngài, các tín hữu kitô tựa như mặt gương sáng, phản ánh rạng ngời mầu nhiệm có từ đời đời trong Thiên Chúa. Là Con Một, nhưng Đức Kitô lại có đông đảo anh chị em (xem Rm 8,29) mà Thiên Chúa đã ôm trọn vào trong cuộc sinh hạ duy nhất, bằng cách làm cho họ được trỗi dậy trong “quyền năng sống lại của Ngài ” (Pl 3,10). Thiên Chúa làm cho họ được sinh ra trong cuộc sống làm con (xem 1Pr 1,3), không phải bằng cách mãi mãi tái diễn hành động truyền sức sống lại, nhưng là bằng cách làm cho họ “cùng sống lại với” Đức Kitô (Cl 2,12), “cùng hồi sinh với” Ngài (Ep 2,5…), và giữ vững họ lại ở trong quyền năng của Thần Trí; chính trong cùng một Thần Trí ấy, Đức Kitô đã sống lại. Trong Thần Trí, các tín hữu kitô được “nghĩa tử hóa”: “Những ai được Thần Khí Thiên Chúa ban sinh khí cho, thì đều là con cái của Thiên Chúa” (Rm 8,14); chính nhờ Ngài mà họ được thuộc về Đức Kitô (Rm 8,9), để cùng với Đức Kitô, họ làm nên một thân thể trong Thần Khí duy nhất (1Cr 12,13.27). Họ sinh ra từ Thiên Chúa “bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5; Tt 3,5): nước là biểu tượng của nữ và mẫu tính, cũng như tượng trưng cho Thánh Linh.[22] . Đối với các tín hữu kitô cũng như đối với Đức Kitô, Thần Khí là sức mạnh của Thiên Chúa Cha: bởi sức mạnh ấy, Ngôi Cha sinh hạ ; và có thể ví Thần Khí như là lòng dạ từ đó con cái Thiên Chúa được sinh ra. Và như thế, Giáo Hội sum họp trong Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ giúp cho thấy rõ hơn về mầu nhiệm cao cả này.[23] .

Vậy, không thể quan niệm về mầu nhiệm Ba Ngôi theo một lược đồ song cực được, tức là quan niệm rằng một đàng, Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con, còn đàng kia, thì nhiệm xuy nên Thần Khí. Nếu thế, thì hoặc là Thiên Chúa sẽ cùng lúc là Cha cả của Ngôi Con lẫn của Thần Khí — bởi lẽ theo bản chất cá thể đặc trưng của mình, Ngôi Nhất là Cha, là Thiên Chúa trong cương vị đặc thù làm Cha — : điều đó đi ngược hẳn lại với chân lý đức tin về Con Một ; hoặc là Thiên Chúa sẽ là Cha trong hành động sinh hạ Ngôi Con, và sẽ không phải là Cha trong hành động nhiệm xuy nên Thần Khí — cho dù theo bản chất đặc trưng của mình, Ngôi Cha vẫn là Cha — : nhưng, suy luận như vậy là tương phản, là tự lao mình vào ngõ cụt phi lý. Đà sinh động trong Thiên Chúa Ba Ngôi đi từ Ngôi Cha đến Ngôi Con, và đà sinh động ấy chính là Thần Khí. Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con trong Thần Khí; Thần Khí nhiệm xuất từ Ngôi Cha trong tư thế là Cha, mà vẫn không phải là Con: vì Ngài là quyền lực trong đó Ngôi Cha sinh hạ.

Suốt dòng lịch sử, Thần Trí đã luôn luôn biểu hiện như thế: như là hành động, như là quyền lực hằng hoạt động. Ngài không phải là chủ thể, và cũng chẳng phải là kết quả của hành động; không phải là chủ thể phát ngôn, và cũng chẳng phải là Lời nói ra: Ngài là hơi thở/hơi thổi (xuy phất: souffle ) mang Lời phát ra; Ngài là tiếng, là giọng qua đó, Lời biểu đạt chính mình ra. Ngôi Cha mạc khải, và Ngôi Con là hình ảnh được mạc khải ra của Ngôi Cha (2Cr 3,18; Cl 1,15); còn Thần Khí là hành động mạc khải (xem Ga 16,13). Thần Trí không phải là Đấng làm cho vinh hiển, và cũng khộng phải là Đấng được vinh hiển; Ngài là niềm vinh hiển trong đó, Đức Giêsu đã được sống lại.[24] Ngài không phải là Đấng xức dầu, cũng chẳng phải là Đấng được xức dầu; nhưng là hành động xức dầu.[25] Thiên Chúa là thánh, Ngôi Con là thánh, và các tín hữu là thánh trong Đức Kitô; còn Thần Khí là hành động thánh hóa các tín hữu. Thiên Chúa “công chính hóa” Đức Kitô bằng cách làm cho Người sống lại (1Tm 3,16), và làm cho Người sống lại “nhằm công chính hóa chúng ta” (Rm 4,25); còn Thần Khí chính là niềm công chính đầy sức năng công chính hóa. Theo Kinh Thánh, kinh nguyện không trực tiếp ngỏ lời lên cùng Thần Khí, bởi chính Ngài là tiếng kêu lên của kinh nguyện (Rm 8,15; Gl 4,6), là tiếng rên rỉ khôn tả. Ngôi Cha là Đấng yêu thương, Ngôi Con là Đấng được yêu thương, và Thần Khí là tình yêu (xem Rm 5,5). Luôn luôn Thần Khí được miêu tả bằng những từ ngữ biểu thị hành động, sức năng động. Mà sức năng động chủ yếu của Ngôi Cha là sinh hạ: Ngài sinh hạ bằng cách yêu thương, và sinh hạ ra trong tình yêu là Thần Trí.[26]

Vậy, thiết tưởng cũng có thể uốn nắn lại cách thánh Âugu-tinô diễn đạt, mà chúng tôi vừa trưng dẫn trước đây, để nói rằng: “Thế là có Ba Vị: Đấng Sinh Thành, Đấng Phát Sinh, Công Tác Sinh Hạ.” Thần Khí là sức mạnh, trong đó Ngôi Cha (hiện hữu theo bản chất đặc thù) là Ngôi Cha, và Ngôi Con (hiện hữu theo bản chất đặc thù) là Ngôi Con. Thần Khí chẳng những là “người bạn keo sơn” của Ngôi Con không thôi, mà còn là Đấng ở trong chính nội cục của mầu nhiệm về Ngôi Con nữa, giống hệt như đối với mầu nhiệm về Ngôi Cha vậy. Ngài là con tim của Ngôi Cha và của Ngôi Con.[27]

Trong Thần Khí ấy, Cha là Ngôi sinh hạ, Con là Ngôi làm con: Thần Khí luôn đóng giữ vai trò ngôi vị hóa (personnali-sant). Ngay từ đầu, Ngài đã đóng giữ vai trò ấy trong công trình tạo dựng, và đã từ từ đưa nó lên đến tột đỉnh của công trình ấy, tức là ngôi vị con người, là nhân vị. Và cũng chính ở trong Ngài, nhân tính nơi Đức Giêsu đã được nâng lên đến mức thần linh do sự việc được ngôi vị hóa qua Ngôi Con.

Cách quan niệm như thế có thể làm dấy lên những nghi vấn nhiều loại. Trước hết, thứ tự (taxis) trong Ba Ngôi có vẻ như bị rối loạn đi: Thần Khí đã không được đem đặt chắn ngang ở giữa Ngôi Cha sinh hạ và Ngôi Con phát sinh đó sao? Thần Khí cũng được đem đặt ngay ở đầu, vì chủ trương cho rằng Ngôi Cha sinh hạ trong Thần Khí!

Đây là câu trả lời cho vấn nạn đó: cũng không nên coi Thần Khí là Ngôi Vị cuối cùng, làm như Ngài là Kẻ đến sau, làm như Ngài chẳng khác chi là ngõ cụt trong đà sinh động nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài không phải là Ngôi Vị “cằn cỗi”; trong khi đó, Ngôi Cha sinh ra Ngôi Con, và Ngôi Cha cùng Ngôi Con nhiệm xuy ra Thần Khí.[28] Đã đành, Thần Khí không phải là ban sơ: danh dự này thuộc về Ngôi Cha; tuy nhiên, Thần Khí cũng chẳng phải là chung cục của đà sinh động trong Thiên Chúa, vì trong đà sinh động ấy, Ngôi Cha hướng về với Ngôi Con: cả ở nơi bước đầu lẫn ở nơi điểm kết, đều có mặt Thần Khí, bởi lẽ chính ở trong Ngài, Ngôi Cha sinh hạ, và Ngôi Con được sinh ra. Không Ngôi Vị nào khác phát xuất từ Ngài, nhưng, chẳng những không son sẻ, Ngài chính là sức năng sinh sản trong Thiên Chúa. Ngôi Cha và Ngôi Con dù là một, thì cũng vẫn diện đối diện nhau trong một tư thế khác biệt vô biên (altérité infinie ): một bên là Cha vô biên, và bên kia là Con, là Đấng thu nhận chính bản thể của mình một cách vô biên; Còn Thần Khí thì không đứng ở tư thế diện đối diện với Ngôi Cha, hay là với Ngôi Con như thế: Ngài là ở chính trong nội giới của Hai Vị , là Thần Khí của bản chất làm Cha của Ngôi Cha, và là Thần Khí của bản chất làm Con của Ngôi Con.

Trong thứ tự xướng danh Ba Vị, Thần Khí thường được đặt sau hai Ngôi Cha và Con. Cũng có thể nói đến Ngôi Cha và Ngôi Con mà không nêu danh Thần Khí, như Kinh Thánh thường làm. Bởi vì, Ngài không phải là Đấng yêu thương, cũng chẳng phải là Đấng được yêu thương; không phải là Đấng Sinh Thành, cũng chẳng phải là Đấng Phát Sinh: Ngài là tình yêu, là sức năng sinh sản. Ngài cũng được miêu tả như là lòng khiêm hạ của Thiên Chúa,[29] và được hiểu như là Đấng hằng sẵn sàng phục vụ Ngôi Cha và Ngôi Con. Vì vậy, trong thứ tự xướng danh, Ngài đứng ở hàng ba, ở hàng sau cùng: bản chất làm Cha của Ngôi Cha quy hướng trọn về với Ngôi Con, trong Thánh Linh.

Ngoài ra, không phải là Kinh Thánh (xem Kh 1,4…) cũng như Thánh Truyền đã không biết tới đồ hình Cha-Thần Khí-Con.[30] Có một hình thái thần học mà tôi xin tạm gọi là thần học tranh ảnh, đọc thấy ở trong trình thuật về cuộc Đức Giêsu chịu phép rửa và trong những ảnh tượng; trong đó, Thần Khí được minh họa như là xuất phát từ Thiên Chúa Cha và lưu lại ở trên Ngôi Con. Phụng vụ, đặc biệt là phụng vụ nghi thức Hy Lạp, cho thấy là có nền tảng rất vững chắc khi ca ngợi Chúa Cha và Chúa Con trong Thần Khí. Khi chúng ta làm dấu thánh giá, động tác đi từ Ngôi Cha đến Ngôi Con, còn Thần Khí thì được biểu thị bằng đường đi ngang qua đường dọc chạy từ Ngôi Cha đến Ngôi Con. Thứ tự (taxis) không đồng nghĩa với loạt nối tiếp. Trọng yếu hơn taxis ,còn có perikhoresis (tính chất ở trong nhau/tương tại tính), theo đó, những gì có ở chung cục thì cũng có ở ban sơ và trong khắp tiến trình. Chính vì thế mà Thần Khí cùng hiện hữu từ đời đời và ngang hàng với Ngôi Cha cũng như với Ngôi Con; bởi lẽ, Ngôi Nhất có là Cha, thì cũng chỉ là Cha ở trong Thần Khí, và cũng thế, Ngôi Hai có là Con, thì cũng chỉ là Con ở trong Thần Khí.

Cũng còn có thể hỏi vặn lại như thế này: lối nhìn trên đây áp dụng khái niệm ngôi vị cho Thần Khí, theo một cách thức khác với trường hợp của Ngôi Cha và Ngôi Con. Chính thế, khái niệm ngôi vị được áp dụng cho Thần Khí theo một cách thức khác, bởi vì, mỗi một Ngôi trong Ba Vị là ngôi vị theo một cách riêng biệt, đặc thù: Ngôi Cha là ngôi vị sinh hạ; Ngôi Con là ngôi vị làm Con, có sức năng thu nhận vô cùng; Thần Khí là ngôi vị-sức năng sinh hạ, ngôi vị-tình yêu. Trong Thiên Chúa, mỗi Ngôi mang một tính chất đặc thù, vô cùng khác biệt so với hai Ngôi kia; và chính ở trong niềm khác biệt vô biên ấy, Ba Ngôi là Một. Làm sao có thể quan niệm về một mối hiệp nhất tuyệt đối được, nếu mỗi Ngôi chỉ là ngôi vị theo một cách thức giống hệt nhau?

Có lẽ có người lại vặn hỏi rằng: chính khái niệm về ngôi vị đã không được tôn trọng đối với trường hợp của Thánh Linh. Mọi ngôi vị đều mang một diện mạo: chính từ Hy Lạp prosopon cũng hàm súc ý nghĩa đó; vậy, nói rằng Thần Khí là hành động, là tình yêu, là công tác sinh hạ, tức là không để cho Thần Khí có được một diện mạo nào cả. Chính thế, trong Kinh Thánh, Thần Khí “đã không mang một diện mạo nào cả; ngay đến danh xưng, Thần Khí cũng chẳng có một danh xưng nào khả dĩ gợi lên được một diện mạo nhân dạng”.[31] . Ngài không phải là Đấng phát ngôn, cũng chẳng phải là Lời, nhưng là “Hơi thở/Xuy phất,” là điều không nói ra, là những gì khôn tả: là những gì làm nên mầu nhiệm trong Thiên Chúa; nhưng đồng thời cũng chính Ngài là Đấng mà qua đó, Thiên Chúa tự mạc khải mình ra. Ngôi Cha là diện mạo mà phản ánh là chính Ngôi Con (Dt 1,3), nhưng những đặc nét của hai Ngôi Cha và Con lại được hiện rõ lên ở trong Thần Khí.

Người ta cũng sẽ hỏi rằng: một ngôi vị thì luôn ở vị thế đối diện với một tha vị, trong quan hệ với một đối cực. Vậy, nếu chủ trương theo cách thức trên đây, thì Thần Khí không thể là một ngôi vị thuộc nội giới của mầu nhiệm Ngôi Cha và Ngôi Con được. Nhưng, dù Kinh Thánh không bao giờ đặt Thần Khí ở trong vị thế đối diện với Ngôi Cha và Ngôi Con, và cũng chẳng bao giờ vén mở cho thấy Ngài như là chính nội giới của hai Ngôi ấy, thì thử hỏi thần học chẳng có bổn phận phải nhận rằng tuy ở trong nội giới của hai Ngôi kia, Thần Khí vẫn có thể là một ngôi vị thứ ba: ngôi vị liên kết hai Ngôi Vị ấy ngay tại trong những gì làm cho hai Ngôi này ở vào hai đối cực khác nhau, hay sao? Không gì bí nhiệm cho bằng Thần Khí của Thiên Chúa!

Tóm lại: nếu đúng Thần Khí chính là hiện thân của quyền lực trong đó, Ngôi Cha sinh hạ, và của tình yêu qua đó, Thiên Chúa xuất phát ra khỏi chính mình trong Con của mình, thì ắt từ đó phải suy ra rằng Thần Khí có một mối quan hệ toàn diện với Ngôi Cha trong bản chất đặc thù làm Cha, và với Ngôi Con trong bản chất đặc thù làm Con.[32]

2. Thần Khí và thiên tính của Đức Giêsu, Con Thiên Chúa

“Thần Khí sẽ ngự xuống trên bà… Chính vì thế mà con trẻ sinh ra bởi bà sẽ là thánh, được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Thiên Chúa là Thánh (1Sm 2,2); Is 6,3; 57,15; Tv 99,3.5). Đức Giêsu là “Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; Cv 3,14; Kh 3,7): “Chúng tôi đã tin và nhận biết chính Ngài là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (Ga 6,69). Có lẽ danh tước ấy là biểu thức cố cựu nhất nói lên niềm tin vào thiên tính của Đức Giêsu; nó có liên hệ về ý nghĩa với danh tước Con Thiên Chúa.[33] Theo Luca 1,35, cả hai danh tước ấy đều là danh tước riêng của Đức Giêsu, vì lẽ Thánh Linh đã ngự xuống trên Đức Maria. Đức Kitô là thánh bởi đã được Thần Khí xức dầu: “Người Tôi Tớ thánh mà Ngài đã xức dầu” (Cv 4,27), mà Ngài đã “xức dầu bằng Thánh Linh” (Cv 10,38).

Để nói về thiên tính của Đức Giêsu, thần học thường dùng khái niệm bản tính Thiên Chúa , được coi như là một thứ khí cụ không thể thiếu được. Kinh Thánh cũng cho phép và hợp thức hóa lối dùng từ như thế, dù không đích thân dùng tới từ ngữ ấy trong văn bản của mình.[34] Nhưng Kinh Thánh thừa nhận những gì thần học nói về bản tính Thiên Chúa, và thừa nhận với một danh nghĩa đặc biệt: với danh nghĩa của Thánh Linh, là sự thánh thiện của chính Thiên Chúa.

Thiên Chúa thánh thiện ngự trên cõi trời cao: “Đây là lời của Đấng cao vời thăm thẳm, Đấng ngự trị muôn đời, Danh Người là thánh: ÀTa ngự cao vời chí thánh'” (Is 57,15). Thần Khí là thể cách biểu đạt của tính chất siêu việt ấy. Để biểu hiện chính mình ra, Ngài đã ngự xuống: Ngài đã đến trên các anh hùng dân tộc Ítraen (Tl 3,10; 11,29; 14,6.9…), trên Sa-un (1Sm 10,6), trên Đavít (1Sm 16,13), và từ đó về sau sẽ lưu lại trên vị vua này (Is 11,2). Ngài “ngự xuống trên” Đức Maria (Lc 1,35), trên Đức Giêsu (Mc 1,10, và các câu song song). Đức Giêsu cần phải đi lên (cùng Cha) ngõ hầu ban Thánh Linh xuống (Ga 16,7; 15,26). Thần Khí được gửi từ trên cao xuống (Lc 24,49; 1Pr 1,12) và đã ngự xuống trên các Tông đồ (Cv 1,8) “như thể tiếng gió cuồng phong từ trời thổi đến” (Cv 2,2). Sinh ra từ Thần Khí là sinh ra từ trên cao, và là trở thành phần tử của Nước Trời (Ga 3,5) theo cách thể của Đức Giêsu là Đấng thuộc thượng giới (Ga 8,23). Thánh Linh và tất cả những gì là “tinh thần” đều thuộc thiên giới.

Là thượng giới, Thần Khí ở thế đối lập với “xác phàm.” Không hẳn là không có lý do — tuy làm thế là không đúng — để thỉnh thoảng người ta đồng nhất hóa nhị thức tinh thần và xác phàm với hai bản tính trong Đức Kitô, tức là thiên tính và nhân tính ; như là khi giải thích đoạn Rm 1,3-4 chẳng hạn.[35] Xác phàm chỉ về hữu thể thụ tạo xét theo tư thế tách rời ra khỏi mối quan hệ đối với Thiên Chúa, và theo cương vị khép kín ở trong vòng tự trị của riêng mình, ngụp lặn trong yếu đuối và trong cả tội lỗi nữa. Đối lại với thân phận phù du mong manh ấy, Thần Khí (và tất cả những gì là “tinh thần”) biểu dương rõ quyền lực và sự thánh thiện của mình. Ngài là thực tại thiên giới: chân chính có một không hai, và duy nhất sung mãn ý nghĩa. “Xác phàm thì chẳng ích gì,” còn “những lời” của Đức Giêsu, tức là các thực tại mà Ngài nói đến, “là thần khí và là sự sống” (Ga 6,63). Các việc phụng tự trần thế, nông cạn, sẽ nhường chỗ cho việc phụng thờ “trong thần khí và sự thật,” bởi vì “Thiên Chúa là thần khí” (Ga 4,24), là bản thể siêu việt thần linh.

Thể đối ngẫu thánh Phaolô dùng để so sánh giữa văn tự và thần khí là một thí dụ minh họa cụ thể về thực trạng đối chọi giữa xác phàm và Thần Khí (tinh thần). Người đọc Kinh Thánh với cặp mắt mờ đục nhìn qua màn che, sẽ dừng lại ở nơi văn tự, ở nơi những thực tại nông cạn mặt ngoài, chóng tàn. Nhưng khi đã biết quay về với Chúa (Kitô), thì màn che rơi xuống, người đọc sẽ nhận ra được thần khí, chiều sâu vững chãi của lịch sử thánh, “vì Chúa (Kitô) là thần khí”.[36] Tiếp theo đó, tông đồ Phaolô đã lập luận dây chuyền, bắt đầu từ Đức Kitô là thần khí, để đi tới cho đến Thánh Linh: chiếc màn đã được vén lên, tầm nhìn được tự do phóng rộng, vì “Thần Khí Chúa (Kitô) ở đâu, thì tự do có ở đó” (2Cr 3,14-17). Do vậy, các từ ngữ như: thần khí, thực tại vững chãi của lịch sử, (tức là Đức Kitô) làm cho nghĩ ngay đến Thánh Linh. Đức Kitô chính là thực tại sâu thẳm ấy, bởi vì Ngài là “con người thuộc thiên giới,” “thần khí tác sinh” (1Cr 15,45-47); trong Ngài, có hiện diện niềm vinh quang rạng ngời của Thiên Chúa (2Cr 3,18; 4,4-6), tức là Thánh Linh.

Theo Thư gửi tín hữu Côlôxê (1,19; 2,9), Thiên Chúa làm cho “niềm viên mãn lưu ngụ trọn vẹn (ở trong Đức Kitô),” “niềm viên mãn trọn vẹn của thiên tính.” Có thể coi đó là cách chỉ về “bản tính Thiên Chúa”; tuy nhiên, như bản dịch đại kết TOB chú cước, niềm sung mãn (plérôma ) là một khái niệm có liên hệ rất gần với khái niệm Pneuma (Thần Khí).[37]

Đối với Đức Giêsu, “con người theo xác phàm trước kia, và nay toàn diện là Thiên Chúa”,[38] cuộc sống lại là một cuộc “thiên chúa hóa” toàn diện. Từ nay, các tín hữu nhìn nhận Ngài là “Chúa và là Thiên Chúa” của mình (xem Ga 20,28). Chính ở trong Thần Khí, Đức Đức Giêsu đã được biến đổi — “Ngài đã trở thành thần khí tác sinh” (1Cr 15,45); và cũng chính Thần Khí đã mạc khải Ngài ra trong thiên tính của Ngài. Thần Khí là cách thể biểu đạt bản chất siêu việt của Thiên Chúa.[39]

Thần học kể ra nhiều đặc tính của “bản tính Thiên Chúa,” và coi chúng là chung của cả ba Ngôi. Kinh Thánh cho thấy là các đặc tính cố hữu ấy của Ngôi Cha và của Ngôi Con, thì cũng đều thuộc về Thần Khí theo một danh nghĩa đặc biệt, đó là: chúng làm như được ngôi vị hóa (hóa thành ngôi vị) ở trong Ngài.[40]

Thiên Chúa là thánh , ba lần thánh; Thần Khí Thiên Chúa là Thánh Linh; trong Ngài, sự thánh thiện của mầu nhiệm Thiên Chúa chí thánh được biểu đạt ra. Ngài được gọi “là sự thánh thiện đã hóa thành ngôi vị”.[41]

Thiên Chúa là Đấng Quyền năng ; đó là Tên của Ngài: “Đấng quyền năng đã làm cho tôi những điều cao cả lạ lùng” (Lc 1,49); “Các ngươi sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Quyền năng” (Mt 26,64). Không bao giờ Thần Khí được gọi là Đấng Quyền năng, nhưng Ngài chính là quyền năng hiện thân của Thiên Chúa Quyền năng, là hoạt động thần tính qua đó Thiên Chúa thực hiện mọi công trình của mình.

Thiên Chúa là Đấng Hằng sống . Ngài nói: “Ta hằng sống” (Tl 8,19; 1Sm 17,26.36; 1V 17,1; 2V 19,16; Ed đây đó). Thần Khí là sự sống của Thiên Chúa hằng sống; Ngài được gọi là “Thần Khí sự sống” (Rm 8,2). Đức Kitô đã được tác sinh bởi Thần Khí (1Pr 3,18), bởi quyền lực (2Cr 13,4) và vinh quang (Rm 6,4) của Thần Khí. Nhờ bởi Thần Khí, Đức Kitô Phục Sinh cũng đã trở thành “thần khí tác sinh” (Cr 15,45). Các tín hữu sống và tiến bước trong Thần Khí (Gl 5,25).

Thiên Chúa là Đấng Vĩnh hằng (Vạn đại: St 21,33; Đn 6,26; Rm 6,4), và chính “nhờ Thần Khí vĩnh hằng,” mà Đức Kitô đã tự hiến thân mình dâng lên Thiên Chúa Cha” (Dt 9,14).

Thiên Chúa là Tình yêu (1Ga 4,8.16), Thần Khí cũng thế: “Tình yêu Thiên Chúa đã được tuôn đổ xuống tâm lòng chúng ta bởi Thần Khí từng được trao ban cho chúng ta” (Rm 5,5). Theo một cách nói luôn luôn được Kinh Thánh dùng tới, thì chính Thần Khí là Đấng đã được “đổ xuống” (Ge 3,1-2; Is 32,15; 44,3; Dcr 12,10; Cv 2,18; 10,45; Tt 3,6); nhờ có tình yêu ấy hiện diện trong tâm lòng, “lòng cậy trông sẽ không trở thành tủi hổ” (Rm 5,5) cho chúng ta; và ấn tín Thần Khí ghi sâu trong tâm lòng chúng ta chính là bảo chứng của ơn cứu độ (Ep 1,13-14; 4,30). Còn nhiều đoạn khác trong Kinh Thánh, tuy không nói rõ hẳn, nhưng cũng đều gợi ý cho thấy tình yêu là một đặc tính cá thể của Thần Khí: các cách nói: “trong Thần Khí” và “trong tình yêu/lòng mến” có thể được dùng đổi lẫn nhau;[42] các tín hữu Côlôxê đã được ban khen vì họ có “lòng mến trong Thần Khí” (1,8); lòng mến ấy là hoa trái của Thần Khí (Gl 5,22); Thần Khí là quyền lực của thông hiệp (2Cr 13,13) liên kết Giáo Hội lại với Đức Kitô (Rm 8,9), để cùng với Ngài làm nên một thân thể duy nhất (1Cr 12,13.27); mà trong ngôn ngữ nhân loại, sức mạnh ấy được gọi là tình yêu. Thần Khí thì chống lại xác phàm, hệt như tình yêu đối ngược lại với hận thù (Gl 3,17-23). Đức Giêsu, chết cho xác phàm yếu đuối (xem Rm 8,3), đã trở thành “thần khí tác sinh” (1Cr 15,45), thành con người được thần thiêng hóa, sống trong tình trạng tự hiến trọn vẹn: Thần Khí là tình yêu; Ngài ban cho Đức Kitô được trở thành tình yêu.[43]

Cuối cùng, Thiên Chúa là Một , là Duy nhất . Việc phân biệt giữa các Ngôi Vị và bản tính Thiên Chúa cho phép kết luận rằng Ngôi Cha và Ngôi Con và Thần Khí là một do bởi bản chất duy nhất của bản tính Ba Vị. Tuy nhiên, vì tính chất tam thể giữa các Ngôi vị là thực tại huyền bí sâu thẳm trong mầu nhiệm Thiên Chúa, cho nên bản chất duy nhất của thiên tính cũng phải có nền tảng ngay ở trong các Ngôi Vị. Không dùng đến từ ngữ “bản tính Thiên Chúa/thiên tính,” Kinh Thánh chỉ nói đến “mối thông hiệp của Thánh Linh” (2Cr 13,13); phụng vụ thì chúc tụng Ngôi Cha và Ngôi Con “trong niềm hiệp nhất với Thánh Linh”;[44] các Giáo phụ và các thần học gia ca ngợi Thần Khí với tước hiệu là “mối giây hiệp nhất.” Trong Đấng là Thần Khí chung của mình, Ngôi Cha và Ngôi Con liên kết với nhau trong mối hiệp nhất đặc thù của một ngôi vị duy nhất: mối hiệp nhất của Thần Khí, là “một Ngôi Vị ở trong hai Ngôi Vị kia”.[45] . Mối kết liên nên một này là mối hiệp nhất tuyệt đối, vì lẽ, ngôi vị thì bất khả phân liệt.

Các đặc tính ấy thuộc về Ngôi Cha cũng như Ngôi Con;[46] tuy nhiên, chúng được quy ủy cả cho Thần Khí theo một danh nghĩa đặc biệt, và chúng nói lên bản chất đặc trưng của Ngôi Vị Ngài. Đồng nhất hóa Thần Khí với thực thể mà người ta gọi là bản tính Thiên Chúa là một việc làm phản lý, bởi vì theo định nghĩa, thiên tính thì phi ngôi vị (impersonnel).Nhưng, việc các dữ liệu trên đây đồng quy về một mối, cũng gợi ý cho hiểu rằng trong Thần Khí, những gì được ngôi vị hóa cũng là những gì mà thần học quy về cho bản tính Thiên Chúa. Vì vậy, không lạ gì thánh Âugutinô đã tỏ ra có nhiều thiện cảm đối với một ý tưởng do các tư tưởng gia thời ngài đưa ra như thế này: “Một vài người đã có can đảm nghĩ rằng mối hiệp thông giữa Ngôi Cha và Ngôi Con, mà các tác giả Hy Lạp gọi là Theotês , là chính Thần Khí…: Vậy, họ chủ trương rằng thiên tính ấy — thiên tính mà họ cũng muốn hiểu đối với tình yêu và tình mến hỗ tương giữa hai Ngôi Cha và Con — được gọi là Thần Khí”.[47]

Có một lãnh vực (lãnh vực cuộc sống các tín hữu) trong đó, các Giáo phụ và thần học gia nhất trí với nhau để nhận rằng được ban cho ân huệ lãnh nhận Thần Khí là được thông dự vào thực thể họ gọi là bản tính Thiên Chúa: “Làm thế nào để tạo vật của Thiên Chúa được thông dự vào chính bản tính của Thiên Chúa? Bằng cách lãnh nhận Thánh Linh.” “Họ thông dự vào bản tính (Thiên Chúa của Đức Kitô) vì đã nhận lãnh Thần Khí.” “Ngôi Lời…dẫn nhập vào trong các thánh một hình thái quan hệ thân tộc đối với bản tính của Người bằng cách ban Thần Khí cho họ”.[48] Lời khẳng định ấy đã được nói lên trong câu Ga 3,6, theo một cách diễn đạt có hơi khác: “Những gì sinh bởi xác phàm là xác phàm, và những gì sinh bởi Thần Khí là thần khí,” tức là mang bản chất thiên giới, và thông dự vào bản tính Thiên Chúa; đó là điều phù hợp với lời thánh Phaolô phát biểu nói rằng: “Anh em không sống trong xác phàm, mà là trong Thần Khí, nếu thực có Thần Khí Thiên Chúa cư ngụ trong anh em” (Rm 8,9).

Trong những thế kỷ đầu, từng có một truyền thống dựa trên cơ sở các chứng cứ vững chắc, đã song song đối chiếu Thần Khí với thiên tính của Đức Giêsu: “Thần Khí thường được quan niệm như là thực thể vô hình, tiền hiện hữu, và một cách nào đó như là phương diện thần linh trong Đức Kitô”.[49] Có một thời, người ta cũng đã nói rằng: “Đối với Inhã (Ăntiôkia) cũng như đối với các tác giả trong những thế kỷ đầu, pneuma (thần khí) trong Đức Kitô chỉ về bản tính Thiên Chúa của Ngài”.[50] Thánh Irênê viết rằng: “Ngài (Ngôi Con) đã hiện ra giữa dương thế và đã sống giữa loài người, bằng cách hòa nhập và nhào trộn Thần Khí Thiên Chúa Cha với xác thể do Thiên Chúa nắn nên…”.[51] Cũng còn nhiều chứng từ tương tự đọc thấy ở trong các bài giảng về Phục sinh; thí dụ: “Nhờ máu đã đổ ra, chúng ta được nhận Thánh Linh: bởi vì, máu và Thần Khí đã được kết hợp với nhau ngõ hầu, nhờ máu của bản tính chúng ta, chúng ta có thể nhận được Thần Khí là Đấng trước đó, hằng xa lạ đối với chúng ta”.[52] Thánh Atanaxiô hẳn đã lấy lại lối dùng ngôn ngữ như thế, khi viết: “Vì thế, Ngôi Lời và Con của Thiên Chúa Cha kết hợp với xác thể, đã trở thành xác thể, con người toàn vẹn, để nhờ đó, những ai kết hợp với Thần Khí thì cũng được trở thành thần khí. Thiên Chúa đã hóa thành kẻ mang xác phàm (sarcophoros) để con người có thể trở thành người mang thần khí (pneumatophoros )”.[53]

Truyền thống ấy có thể được coi là đã đặt cơ sở trên tính cách biểu trưng của máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giêsu trên thập giá. Đối với phúc âm gia, biến cố ấy có một tầm hưởng trọng yếu đến độ ngài đã cảm thấy cần phải nói lên một lời long trọng đoan thệ nhằm xác minh về tính chất trung thực của nó: “Người ấy (Đức Kitô) biết là người viết nói thật để cả anh em nữa cũng tin như thế” (Ga 19,34…), ngõ hầu anh em có được đức tin. Thật thế, Phúc ân theo thánh Gioan đã được viết ra “ngõ hầu anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa” (Ga 20,31).

Đức Giêsu là Ngôi Lời đã hóa thành xác phàm (Ga 1,14); máu xác minh cho bản chất thực sự nhân loại của con người Đức Giêsu. Nhưng Ngài cũng là một hữu thể thiên giới: “Ta thuộc thiên giới” (Ga 8,23), nước xác minh cho điều ấy, vì nước là biểu tượng của thế giới trên cao; bởi phép rửa, con người được sinh ra từ trên cao (Ga 3,5); nước mà Đức Giêsu trao ban, sẽ trào phún đến sự sống đời đời thuộc thiên giới (Ga 4,14). Tuy nhiên, trong Kinh Thánh, nước cũng là biểu trưng của Thần Khí Thiên Chúa: được sinh ra từ trên cao là được cùng một trật sinh ra từ Thần Khí, và nước tượng trưng cho Thần Khí (Ga 3,6; Tt 3,5). Đoạn Ga 7,37-39 cho thấy rằng nước hằng sống, nước sẽ phún trào từ cung lòng Đức Kitô, đã được hiểu là chính Thần Khí mà các tín hữu sẽ lãnh nhận được, một khi Đức Giêsu đã được tôn vinh. Và đây, Đức Giêsu đã được cất lên khỏi đất, treo trên thập giá; đó là lúc, theo biểu trưng, Ngài được tôn vinh trước tôn nhan Thiên Chúa: nước chảy ra từ cạnh sườn, chỉ về Thần Khí sắp được ban ra, cũng như chỉ về phương diện thiên giới của mầu nhiệm Đức Giêsu, “ngõ hầu anh em tin.” Câu kết của đoạn trình thuật tương ứng rất chỉnh với lời khẳng định ban đầu: “Chính Ngài là Đấng thanh tẩy trong Thánh Linh ; còn tôi, tôi đã xem thấy và xin đoan chứng rằng: chính Ngài là Con Thiên Chúa ” (Ga 1,34).

Trong khi Phúc âm thứ tư đặc biệt nhấn mạnh đến thiên tính của Đức Giêsu, thì Thư thứ nhất của cùng một tác giả Gioan lại lưu tâm thật nhiều tới bản chất đích thực nhân loại của Ngài (xem 1Ga 4,2): “Chính Ngài là Đấng đã đến bởi nước và máu: Đức Giêsu Kitô; không chỉ với nước mà thôi, nhưng là với nước và máu” (1Ga 5,6). Nước và máu nói lên tính chất đặc thù của sự việc Đức Giêsu đến trong thế gian, và như thế cũng nói lên bản tính của con người Ngài. Ngài không chỉ đến như một Đấng xuống từ thiên giới mà thôi, nhưng còn đến ở trong thân xác của một con người nữa. “Thần Khí chứng giám về điều ấy, vì Thần Khí là sự thật” (1Ga 5,6). Ngài làm chứng ở giữa lòng Giáo Hội (Ga 15,26) và giúp cho mọi người nhận ra rằng đó chính là sự thật. Nhưng, theo Luật Môsê, cần phải có lời khai ăn khớp nhau của hai hoặc ba nhân chứng thì mới đủ. Vì vậy, tác giả Gioan đã xuất trình thêm hai nhân chứng khác: “Vì có ba nhân chứng (về sự việc Đức Giêsu đến bởi nước và máu): Thần Khí, nước và máu, và cả ba đều nhất trí với nhau trong cùng một lời chứng” (1Ga 5,8). Và lần này, nước và máu không còn phải đơn thuần là những ẩn dụ nữa — những ẩn dụ gợi lên sự việc đến từ hai phía đất và trời — vì chỉ các thực tại mới có uy tín để làm chứng: máu và nước đã lên tiếng khi tuôn trào ra từ cạnh sườn của Đức Kitô, “ngõ hầu anh em tin” vào Đức Kitô, là Đấng đã từng đến bởi nước và máu.

Vậy, nước chảy ra từ cạnh sườn Đức Giêsu chỉ về Thần Khí, là Đấng mà Ga 7,37-39 nói là sẽ phun trào ra như nước, từ lòng Đức Kitô; nhưng nước ấy cũng vén mở cho thấy phương diện thiên giới của mầu nhiệm Đức Kitô. Thánh Linh và tính chất siêu việt của Đức Giêsu đã được biểu đạt bởi cùng một biểu tượng![54]

Tuy nhiên, cũng đừng nên lẫn lộn. Một khi đã xác định về sự việc Đức Giêsu đến bởi nước và máu, như là Đấng vừa thuộc thiên giới vừa thuộc địa giới, thì ngay sau đó, bức thư của Gioan cũng đã viện dẫn chứng từ của Thánh Linh (1Ga 5,6-8). Như vậy, Thánh Linh là khác với Đức Kitô xét theo phương diện tính chất thiên giới. Thánh Phaolô cũng làm hệt như thế: sau khi đã công bố “Chúa (Kitô) là thần khí,” thánh nhân nhận định tiếp ngay là: “Ở đâu có Thần Khí của Chúa (Kitô), thì ở đó có tự do” (2Cr 3,17). Ngôi Con xét về mặt thiên tính, và Thần Khí thì không rời khỏi nhau được (bất khả phân ly), nhưng vẫn là hoàn toàn khác biệt nhau.

Ngày nay, không còn có vấn đề trở lại đằng sau với lối dùng ngôn ngữ thần học thời sơ khai, không thể bỏ qua một bên được những giải thích chính xác và rõ ràng về việc dành từ Pneuma để chỉ riêng về Ngôi Vị Thần Khí. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý tới sự kiện này là từ ấy đã từng được dùng để chỉ về Thần Khí, cũng như về tính chất thần linh của mầu nhiệm Đức Giêsu. Nếu từ ấy đã được dùng như thế, thì chính là vì giữa hai Vị, hằng có một mối tương quan mật thiết kết chặt.

Vậy, Kitô học có bổn phận phải chú trọng đến mối quan hệ kia đối với Thánh Linh, cần phải coi đó là một nhân tố cốt tủy trong mầu nhiệm Đức Giêsu. Chỉ cần lưu ý đến sự kiện này không thôi, thì cũng đủ thấy việc lưu tâm kia là điều tất yếu, đó là: mầu nhiệm Đức Giêsu mang bản chất Thiên Chúa Ba Ngôi, nghĩa là liên hệ đến cả Ngôi Cha lẫn Thần Khí. Đức Giêsu sống trong một mối tương nhập tương tác lẫn (osmose /thấm nhập vào nhau và có ảnh hưởng đối với nhau) với Thần Khí, cũng như Ngài sống làm một với Thiên Chúa Cha. Ngài là Con trong Thần Khí, và cũng trong Thần Khí, Ngài là Thiên Chúa, vì Thần Khí là sức năng sinh hạ trong Thiên Chúa, và tất cả những gì lý trí con người có thể hiểu biết về bản tính Thiên Chúa thì đều được ngôi vị hóa trong Thần Khí, thì đều là chính Ngôi Vị Thần Khí. Được sinh hạ trong cung lòng Thần Khí ấy, Ngôi Con được Ngôi Cha đem tất cả sự phong phú vô biên của thiên tính mà bảo dưỡng cũng tại trong cung lòng ấy. Có ở trong cung lòng ấy, Đức Giêsu mới là Ngôi Con, mới là Thiên Chúa.

Đối với Đức Kitô, mối quan hệ với Thần Khí cốt tủy đến độ có thể gọi Thần Khí là “Thần Khí của (Ngôi) Con” (Gl 4,6), “Thần Khí của Chúa (Kitô)” (2Cr 3,17), “Thần Khí của Đức Kitô” (Rm 8,9), “Thần Khí của Đức Giêsu Kitô” (Pl 1,19). Gọi như thế là Phaolô muốn khẳng định về thiên tính của Đức Giêsu; nếu không, thì sẽ hết sức tương phản, vì lẽ, cứ nói Thần khí là của Đức Giêsu, mà lại không chịu tin nhận Ngài có “niềm viên mãn trọn vẹn của thiên tính ở trong Ngài” (Cl 2,9). Quả thế, Thần Khí là niềm viên mãn trọn vẹn của thiên tính. Nhưng trong Đức Kitô, niềm viên mãn ấy mang tính chất làm Con trong Thần Khí: vì lẽ chính trong Thần Khí ấy, Đức Kitô đã được sinh hạ.

Những gì vừa nhận định trên đây, có thể giúp soi sáng để thấu hiểu thêm về chính Thiên Chúa. Nếu Thần Khí là sức năng sinh hạ của Thiên Chúa, và nếu tất cả những gì thần học nói về bản tính Thiên Chúa đều được ngôi vị hóa, đều thuộc về Ngôi Vị Thần Khí, thì theo bản thể, Thiên Chúa (chủ yếu) là Cha. Bản thể của Ngài là thế, là ở trong việc sinh hạ vô tận khai sinh ra Ngôi Con vô biên. Thần học gia Eckhart đã nhận định rằng: “Khát vọng tuyệt đỉnh của Thiên Chúa là sinh hạ”.[55] Không thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa chỉ như là “một điều cao cả hơn tất cả những gì con người có thể suy tưởng ra được”; Thiên Chúa là Đấng tự trao ban chính mình, và đó chính là hành động vĩ đại hơn tất cả những gì có thể suy tưởng ra được. Ngài là Cha trong hành động sinh hạ vô tận khai sinh ra Ngôi Con vô biên. Thiên tính của Ngài là cốt tại ở nơi bản chất làm Cha, hệt như thiên tính của Đức Kitô là cốt tại ở nơi bản chất làm Con.

IV. Đức Kitô và Thần Khí Trong Công Trình Cứu Độ

Một mối thông hiệp mật thiết như thế với Thần Khí — mối thông hiệp đặc trưng của bản thể thần linh và bản chất làm Con nơi Đức Kitô — tất sẽ làm cho tiên lượng được rằng công trình cứu độ dù chủ yếu là thuộc về Đức Kitô, thì cũng đã được thực hiện do một sự hợp lực chặt chẽ của cả hai Ngôi.

1. Thần học theo mô hình pháp lý, quan niện rằng nếu Đức Kitô đã thủ đắc được ơn cứu độ cho loài người, thì chính là nhờ Người đã dâng hiến các khổ đau của mình để đền bù tội lỗi, chứ Thần Khí không có can thiệp hay can dự gì vào đó cả. Nhưng, Đức Giêsu không những đãthủ đắcơn cứu độ cho chúng ta mà thôi, Ngài còn “ trở thành … chính sự cứu độ của chúng ta” (1Cr 1,30) nữa. Không những Ngài đã chịu chết, mà Ngài còn sống lại cho chúng ta nữa (xem 2Cr 5,15); một mình cuộc tử nạn không thôi sẽ không có hiệu năng mang lại ơn cứu độ: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại…thì anh em vẫn còn ở trong tội lỗi của mình” (1Cr 15,17). Cuộc tử nạn của Đức Giêsu chỉ có được hiệu năng cứu độ khi được gắn chặt vào với cuộc sống vinh quang: “Ta trao ban mạng sống của Ta, để rồi lấy lại” (Ga 10,17). Thánh Âugutinô đã giải thích về câu ấy như thế này: “Ta chết để mà sống lại”.[56] Đức Giêsu đã nguyện xin cho mình được vinh hiển, vì có thế, Ngài mới có thể chu toàn sứ mạng “ban sự sống cho mọi xác phàm” (xem Ga 17,1-3); “một khi đã thành hoàn hảo (tôn vinh), thì Ngài trở nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời” (Dt 5,9). Qua cuộc tử nạn để được tôn vinh nhằm mưu cầu vinh quang cho mọi người, Ngài thật là Đấng Cứu độ của toàn thể nhân loại: công cuộc cứu độ là mầu nhiệm của cá nhân Đức Giêsu trong hành trình vượt qua, đi từ thế gian này mà về với Thiên Chúa Cha.

Mà chính trong Thánh Linh, Đức Giêsu đã chết để đi về cùng Thiên Chúa Cha, “đã hiến dâng mình trong Thần Khí vĩnh cữu” (Dt 9,14); và cũng chính trong Thần Khí ấy, Ngài đã được làm cho sống lại (Rm 8,11) nhờ bởi vinh quang Thiên Chúa Cha (Rm 6,4), tức là Thần Khí, nhờ bởi quyền năng Thiên Chúa (2Cr 13,4), cũng lại là Thần Khí. Cuộc sống và cuộc tử nạn của Đức Giêsu đều quy hướng trọn về với niềm sống lại: “tất cả đều gia công để nhằm tới biến cố sống lại của Ngài,”[57] bởi vì “Ngài là Đấng được xức dầu bằng Thần Khí và quyền năng” (xem Cv 10,38).

Công trình cứu độ là công trình của Ba Ngôi; trong đó, mỗi Ngôi đóng giữ vai trò đặc thù của mình. Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con ra trong thế gian, và đưa dẫn Con mình đi qua sự sống và sự chết để đạt tới tình trạng viên mãn của bản chất làm Con: “Ngài đã làm cho Con mình sống lại, như đã viết trong thánh vịnh thứ hai rằng: Ngươi là Con Ta, hôm nay Ta sinh hạ ra Ngươi” (Cv 13,33). Vai trò của Đức Kitô là làm Con, để sử dụng tự do con người của mình mà ưng nhận Thiên Chúa làm Cha mình, và để nhờ đó mà được Ngôi Cha đón nhận trọn vẹn: đó là điều mà Kinh Thánh gọi là lòng vâng phục cho đến chết; theo thánh Gioan, thì lòng vâng phục ấy là cách thức biểu đạt bản chất làm Con của Đức Giêsu. Trong cuộc tử nạn, Đức Giêsu đã đồng ý là không tiếp tục sống (hiện hữu) nữa, nếu không phải là nhờ bởi Cha mình; thực vậy, Ngài đã phó trọn con người mình vào trong tay Cha mình, là Đấng đã xác nhận rằng: “Ngươi là Con Ta, Ta sinh hạ ra Ngươi.” Vai trò của Thần Khí là làm sức năng sinh hạ của Thiên Chúa trong Ngôi Cha; và trong Ngôi Con, thì làm “Thần Khí vĩnh hằng” trong đó, Đức Giêsu tự hiến toàn thân cho Thiên Chúa Cha (Dt 9,14), cũng như bởi đó, Ngôi Cha làm cho Đức Giêsu sống lại.

Đức Giêsu đã được Ngôi Cha sinh ra trong Thần Khí ngay từ đầu (Lc 1,35), nhưng Ngài còn cần phải trở thành thực thể trọn vẹn của con người mình trong quyền năng của Thần Khí; cũng tương tự như trong trường hợp của người kitô: suốt trong cả cuộc đời, người kitô cần phải trở nên ngày càng đầy đủ trọn vẹn hơn, những gì cấu thành bản chất của mình ngay từ khi chịu phép thanh tẩy. Thật vậy, chính Thần Khí, tác nhân của lịch sử thánh,[58] là sức năng động trong đà diễn biến của tiến trình cứu độ. Hơn nữa, bước đường tự hiện thực hóa của con người Đức Giêsu — bước đường đi ngang qua sự sống và sự chết như thế — là một tiến trình ngôi vị hóa, trong đó, với tất cả tự do của một con người dương thế, Đức Giêsu sẳn sàng để cho mình được ngôi vị hóa toàn vẹn theo tư thế là Con của Ngôi Cha, cho đến trạng thái viên mãn của bản chất làm Con, tức là cho đến chết và sống lại. Nhưng chính Thần Khí lại là nguyên lý của mọi công trình ngôi vị hóa.[59] Trong Thiên Chúa, Thần Khí là thực thể trong đó, Ngôi Cha hiện hữu theo ngôi vị làm Cha, và Ngôi Con hiện hữu theo ngôi vị làm Con.

Không gì khác hơn là chính mầu nhiệm Đức Giêsu trong cương vị làm Con, công cuộc cứu độ là công trình của Ngôi Cha sinh hạ Ngôi Con ra trong thế gian, là công trình của Ngôi Con ưng nhận Ngôi Cha làm Cha mình, và là công trình được thực hiện do Thần Khí là sức năng sinh hạ trong Thiên Chúa.

2. Dù là thuộc riêng về Đức Kitô, mầu nhiệm ấy cũng có hiệu năng mang ơn cứu độ đến cho toàn thể loài người; bởi vì, ngay ở trong cách thức thực hiện nó, Đức Kitô đã mở rộng mình ra và đã tự trao ban chính mình cho hết cả thế giới loài người: “Vì mọi người, Ngài đã chết và đã sống lại” (2Cr 5,15) trong quyền năng của Thánh Linh.

Công thức “vì chúng ta” muốn nói rằng Đức Kitô đã chết và đã sống lại nhằm mang lại ân huệ, nhằm mưu ích cho chúng ta. Nhưng công thức ấy còn hàm súc những ý nghĩa sâu rộng hơn nữa. Ý nghĩa của nó biểu hiện rõ nhất là trong bối cảnh của việc lập bí tích Thánh Thể: “Này là mình Ta, (sắp chịu hy sinh) vì các ngươi” (1Cr 11,24). Để chỉ về sự việc mình sắp chết, Đức Giêsu bẻ bánh ra và trao ban ; Ngài đã chịu hiến tế chính mình nhằm mưu ích cho loài người, và trong cuộc hiến tế ấy, nhân loại đã được đón nhận: “Bánh mà Ta sẽ cho, chính là thịt Ta (hiến tế) vì sự sống thế gian” (Ga 6,51). Loài người được nuôi dưỡng và sống mạnh nhờ chính thịt ấy.

Được thực hiện qua cuộc tử nạn và phục sinh, nên công trình cứu độ thuộc riêng về cá nhân Đức Kitô: chính Ngài đã chết, và cuộc sinh ra trong thiên tính là của riêng Ngài. Tuy nhiên, cũng như, nếu không phải là một cuộc tiến vào trong vinh quang, thì cuộc tử nạn sẽ không có ý nghĩa gì cho Ngài cả; cũng thế, nếu trong công cuộc cứu độ được thực hiện nơi con người Ngài, nghĩa là trong sự chết đưa tới quang vinh, Đức Kitô đã không được trao ban cho chúng ta, thì cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài sẽ không có được một hiệu lực nào đối với chúng ta. “Vậy, hãy cầm lấy mà ăn,” ngõ hầu các ngươi được trở thành cùng một thân thể với Ta, qua việc chia sẻ công ơn cứu độ đã được thực hiện trong Ta. Trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Đức Kitô là-vì-chúng-ta ; chính vì thế, Ngài thực sự là ơn cứu độ của chúng ta: là Đấng đã chết và đã sống lại vì chúng ta .

Tự bẩm sinh, Đức Giêsu là một con người vì người khác, được dành, tự trong chính bản thân của mình, để mưu cầu ơn cứu độ cho thế gian. Trong Ga 10,36, Ngài tự giới thiệu mình là: “Người đã được Cha thánh hiến và phái gửi đi .” Ngài là Người Con đã được sinh ra trong thế gian và cho thế gian. Nhưng, cần phải đi qua cuộc tử nạn đưa tới vinh quang, Ngài mới toàn vẹn trở thành Người Con được phái gửi đi, Đấng “tiền hiện hữu” ngay từ đầu. Trước tiên, Ngài đã sống một cuộc sống “trong xác phàm,” mang thân phận tôi đòi (xem Pl 2,7), theo điều kiện giam hãm gò bó cố hữu của “xác phàm”; Ngài đã làm người như mọi người, sống giữa mọi người, tựa như một hạt giống (lúa mì) đơn độc (xem Ga 12,24). Rồi Ngài đã chết và đã sống lại theo bản chất trọn vẹn của địa vị làm Con, trong niềm viên mãn của Thần Khí, và đã đi qua một trạng thái triển dương vô biên, theo kích thước của Thần Khí. Từ nay, Ngài được mệnh danh Là vì ơn cứu độ của thế gian này , và đã trở thành Chúa của vũ trụ (Pl 2,9-11), Đấng hướng-hiện hữu phổ quát (pro-existant universel ), Con Thiên Chúa cho mọi người.[60]

Bởi vì, Thần Khí mà Đức Kitô nhận được tràn đầy, là tình yêu, là tự hiến. Vì thế, đã từng được sinh ra từ Thiên Chúa, trong Thần Khí ấy (Lc 1,35), đã từng được hướng dẫn bởi Thần Khí (Lc 4,1.14.18), và không mảy may khép kín vị kỷ, thì bây giờ Đức Giêsu được biến đổi trong Thần Khí để “trở thành thần khí tác sinh” (1Cr 15,45), trở thành một hữu thể-cội nguồn có sức năng ban sự sống mà mình đang sống, bằng cách tự trao hiến chính toàn thân mình. Trong Thần Khí với sức năng khai phát vô biên ấy, Đức Kitô có đủ năng lực để tiếp nhận người người hằng hà vào tận trong cõi lòng sâu thẳm của con người mình. Được chính Ngài tác động một cách “thần khí,” người kitô cũng mở lòng ra để đón nhận Ngài vào tận trong con người (cái Tôi/bản ngã) sâu kín của mình, đến độ có thể xác quyết được rằng: “Đức Kitô đang sống trong tôi” (Gl 2,20). Thần Khí, trong đó Ngôi Cha và Ngôi Con làm một và hiện diện ở trong nhau, là chính Đấng ban cho Đức Kitô và các kitô hữu thực hiện được điều mà lòng mến của họ mong ước, đó là tình đoàn kết trong cùng một mối hiện diện hỗ tương ngay nơi tâm lòng mỗi người: “Trong ngày ấy, các ngươi sẽ biết được là… các ngươi ở trong Ta, và Ta ở trong các ngươi” (Ga 14,20; 17,23). Để chỉ về cùng một thực tại ấy, Thánh Phaolô đã có thể tự do dùng thay thế cho lẫn nhau, các công thức: “Anh em ở trong Đức Kitô,” và “Đức Kitô ở trong anh em.” “Trong một Thần Khí duy nhất,” hết thảy các tín hữu cùng làm nên một thân mình duy nhất với Đức Kitô (xem 1Cr 12,13, giống như Ngôi Cha và Ngôi Con là một trong Thánh Linh.

Bằng cách thức ấy, ơn cứu độ lan rộng dần ra. Không phải là bằng cách “áp dụng” công trạng, hoặc là “phân phát” những ân huệ đã được thu tích, mà là bằng cách nhờ vào Đấng Cứu Thế, là Đấng đã trao tặng chính con người mình. Đức Kitô-thần khí tự thông truyền chính mình, và thông truyền Thần Khí lai láng ra, vì trong Thần Khí, chính Đức Kitô được thông truyền ra.[61] Các tín hữu thuộc về cả hai Vị: thuộc về Đức Kitô và đồng thời cũng thuộc về Thần Khí: “Ai không có Thần Khí Đức Kitô, thì kẻ ấy không thuộc về Ngài” (Rm 8,9); và họ vừa được thần khí hóa vừa được làm cho trở thành những người con (Gl 4,4-6). “Trong Đức Kitô” và “trong Thần Khí” là hai cách nói đi liền, không tách rời nhau, tuy vẫn khác nhau và không thể thay thế cho nhau được, vì Phaolô không mảy may đồng nhất hóa Đức Kitô vinh hiển với Thần Khí. Còn các khí cụ của ơn cứu độ –như: Giáo Hội, lời dạy các tông đồ, các bí tích… — hết thảy, chúng đều mang ấn tín của Đức Kitô và của Thần Khí.

Đức Kitô tự trao hiến chính mình và đồng hóa loài người với chính mình ngay trong cuộc tử nạn qua đó, Ngài được tôn vinh, nghĩa là ngay trong tiến trình thực hiện công cuộc cứu độ . Chính tại đó, ở trong sự chết dẫn đưa tới quang vinh, Ngài đã cùng một trật, được vĩnh cữu hóa (éternisé) và trao hiến, trong niềm viên mãn của Thần Khí: trong niềm viên mãn ấy, Ngài đã đi qua cảnh chết hướng về với Thiên Chúa Cha, và đã sinh ra trong Ngôi Cha. Còn các tín hữu kitô thì được cùng-chết-với và cùng-sống-lại-với (Đức Kitô) (Rm 6,3-8; Ep 2,5-6; Cl 2,12) “nhờ bởi quyền năng sống lại của Ngài ” (Pl 3,10), tức là nhờ bởi Thần Khí.

Còn có một vấn nạn khác: làm sao con người có thể thông hiệp với Đức Giêsu trong cảnh chết, để rồi sinh ra cùng với Ngài được? Không gì khó có thể chia sẻ được với người khác cho bằng sự chết. Tuy nhiên, sự chết của Đức Giêsu chính là Đức Giêsu “được hiến dâng trong Thần Khí vĩnh tồn” (Dt 9,16) (= cuộc Ngài tự hiến thân mình trong Thánh Linh); chính là Người Con đang quy hướng về với Cha mình trong quyền năng vô biên của Thần Khí mình, để nên đơn thuần là một với Cha mình. Thần Khí sự sống, Thần Khí quyền năng vô biên, Thần Khí sức năng của việc sinh hạ hằng hữu: chính Thần Khí ấy là Thần Khí của sự chết mà Đức Kitô đã ưng nhận trải qua, là hành động Ngài chết-quy-về-với-Thiên Chúa Cha . Trong Thần Khí sự chết của Ngài, Đức Giêsu đã sinh ra giữa niềm viên mãn của bản chất làm Con; Ngài là Chúa-Cứu Tinh của mọi người,có sức năng ôm trọn vào trong hành động chết toàn năng của mình, hết thảy mọi người mang thân phận làm-người-phải-chết , để làm cho họ được cùng với Ngài, sinh ra trong sự sống của Thiên Chúa.

Như vậy, Đức Kitô và Thần Khí khắng khít kết hợp với nhau trong tiến trình hoạt động không thể nào phân cách được, nhằm mang ơn cứu độ đến cho nhân thế.[62] Mối liên kết trong hành động như thế là hệ quả của mối thông hiệp đâm rễ từ trong nội giới sâu thẳm của ngôi vị, trong đó, Ngôi Con và Thần Khí kết hợp keo sơn với nhau và không thể nào rời nhau được: không làm sao quan niệm được về Ngôi Con và Thần Khí, mà không phải nhận là có một mối tương quan cốt tủy giữa hai Ngôi Vị.

Đức Giêsu là người mà Thiên Chúa Cha sinh hạ trong quyền lực vĩnh cữu của sức năng sinh hạ là chính Thần Khí, và được Cha Ngài đưa dẫn đi qua cuộc sống dương thế và cuộc tử nạn, để đạt tới tình trạng viên mãn của bản chất làm Con, cũng trong chính quyền lực Thần Khí ấy, ngõ hầu mọi người trong nhân loại được thông phần vào địa vị làm Con Thiên Chúa của Người (Đức Giêsu). Nhận định như thế là xác nhận thiên tính của Đức Giêsu và nhân tính của Người, xác nhận thiên tính làm Con của Người và mầu nhiệm cứu độ, là mầu nhiệm làm nên lý do cốt tủy trong cuộc hiện hữu của bản thân Người. Vậy thì, Kitô học cần phải nhận rằng Thần Khí thông hiệp chính là nguyên lý của công tác tổng hợp mà mình ra sức tiến hành.

Gầy dựng lên cho được một khoa Kitô học dựa theo Thánh Linh, không phải là chuyện dễ. Vì trong đó, lý trí sẽ thường xuyên đối đầu với những thách đố hằng hà, bởi lẽ, chìa khóa mở đường dẫn lối cho trí tuệ là Thần Khí; mà Thần Khí là môi trường hiện hữu cho Đức Giêsu, để trong đó, Ngài có được bản chất làm Con và làm Đấng Cứu Thế; và hơn nữa, Thần Khí là mầu nhiệm sâu thẳm trong Thiên Chúa. Như thế, làm công tác nói trên có nghĩa là cố gắng để suy giải về mầu nhiệm Đức Kitô bằng mầu nhiệm sâu kín nhất trong các mầu nhiệm! Không ngơi, lý trí sẽ văng vẳng nghe vọng lại lời nhắn nhủ hãy sống thái độ khiêm hạ; bởi vì có thế, mới thấy rõ rằng chỉ khi có được một lòng tin cúi đầu tôn thờ để bước theo Thần Khí hướng dẫn, thì mới có điều kiện mà tiến tới trên đường tìm kiếm. Cũng có thể có lý để quan niệm như thế này: cứ bắt tay vào làm công tác gầy dựng nói trên, rồi, nhờ ơn Chúa giúp và nhờ được động viên bởi những đòi hỏi do tiến trình nghiên cứu đặt ra, thần học sẽ tiến đến chỗ biết để tâm chiêm niệm hơn là chỉ lý luận suông, tiến đến chỗ hoàn thành được công tác dựng xây nên một khoa Kitô học (mang bản sắc) thần khí thực sự.

Bài viết này không nhằm chủ đích trình bày về một “khoa Kitô học dựa theo Thần Khí” (Kitô học Thần Khí), mà chỉ muốn nêu lên vấn đề và khai mở một vài hướng đi cho việc tìm tòi nghiên cứu. Mong rằng những trang khảo luận này sẽ giúp hé mở cho thấy là suy tư của trí tuệ có thể kín múc ra được không biết bao nhiêu là ánh sáng soi dẫn, từ nguồn phong phú bao la của việc chiêm ngắm Đấng mà Gioan Tẩy Giả đã chỉ về, khi đoan chứng rằng: “Tôi đã trông thấy Thần Khí tựa như chim câu đáp xuống từ trời và đã lưu lại trên Ngài… Tôi đã được xem thấy và xin đoan chứng: chính Ngài là Con Thiên Chúa” (Ga 1,32.34).

Nguyễn Thế Minh phiên dịch


[1] Đây là bài viết nguyên văn Pháp ngữ của linh mục F.X. Durrwell, Dòng Chúa Cứu Thế, mang tựa đề Pour une christologie selon l’Esprit Saint , đăng trong tạp chí Nouvelle Revue Théologique , tập 114 (1992) 653-677. Tác giả hiện đang làm giáo sư thần học tại Strasbourg, Pháp. Xin lưu ý: từ Esprit Saint sẽ được dịch bằng từ Thánh Linh ; còn từ Esprit/esprit thì bằng từ Thần Khí/thần khí

[2] Năm 1979, qua một loạt “Các câu hỏi chọn lọc về Kitô học “( Questions choisies de christologie ),đăng trong tập Văn bản và Văn kiện (Textes et Documents ), Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã nói lên ước vọng muốn thấy “chiều kích Thánh Linh học trong Kitô học” được đặt nặng nhiều hơn và coi trọng hơn nữa; trong cuốn Jésus le Christ , Paris, Cerf, 1976, W. Kasper cũng đã đề cao và cổ xúy cho chiều kích thần học ấy; còn H.U. Von Balthasar thì đã bàn rộng về chiều kích ấy trong tác phẩm Theologik, III Der Geist der Wahrheit , Einsiedeln, Johannes Verlag 1987.

[3] Th. Baxiliô, Traité du Saint-Esprit , XVI, 39, SC 17, tr. 180.

[4] Denzinger-Schonmetzer=Dz-Sch 301

[5] Điểm nhận định phê bình này không nhằm gì tới hoạt động của Ngôi Cha và Ngôi Con trong hành động nhiệm xuy nên Thần Khí, mà chỉ nhằm tới tính chất không phân hóa của hoạt động ấy, trong đó, theo chủ trương của một số học thuyết, cả Ngôi Cha lẫn Ngôi Con đều không hành động theo tư thế cá thể của mình, tức là theo tư thế làm Cha và làm Con

[6] Có những thần học gia đã phải thú nhận rằng cả đến Kinh Thánh, họ cũng không tham khảo tới, ít nhất là đối với những gì liên quan đến lãnh vực chủ yếu ấy của thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là liên quan đến mối tương quan giữa Thần Khí và Chúa Con; xin xem P. Evdokimov, Présence de l’Esprit dans la tradition orthodoxe , coll. Foi Vivante, Paris, Cerf, 1977, tr. 49. M. A. Chevallier cũng đã lấy làm tiếc mà ghi nhận như vậy; xem L’Evangile de Jean et le Filioque , trong RSR 57(1963)93.

[7] Xin cho tôi được phép trích dẫn tác phẩm của tôi : L’Esprit du Père et du Fils , Paris, Médiaspaul, 1989, và bài viết của G. Rémy, Une théologie pascale de l’Esprit Saint. À propos d’un ouvrage récent , đăng trong NRT 112 (1990) 731-734

[8] Các nhà chú giải Kinh Thánh nhận định rằng 1Tx 4,14 là một trong những tín biểu cổ cựu nhất. Đó là một biểu đề đức tin có trước thời Phaolô viết các thư, cổ xưa hơn bức thư 1Tx

[9] D. Mollat, từ Gloire trong Vocabulaire de théologie biblique, Paris, Cerf, 1971, cột 505.

[10] J. Guillet, từ Esprit de Dieu , ibid. cột 399: Thần Khí là “Àvinh quang của Chúa Tể’ phục sinh (2Cr 3,18). Ân huệ của Thánh Linh chính là sự hiện diện của vinh quang Chúa Tể, Đấng biến đổi chúng ta nên hình ảnh của Ngài”

[11] M.-J. Lagrange, Épitre aux Romains , coll. Études Bibliques, Paris, Gabalda, 1916, tr. 8 (một cách uyển chuyển tinh vi); J. Huby, Saint Paul. Épitre aux Romains , coll. Verbum Salutis, Paris, Beauchesne, 1940, tr. 46

[12] Thường thì khó mà xác định cho rõ được ý nghĩa của từ Thần Khí/thần trí (Esprit/esprit), và khó mà phân biệt được giữa ý nghĩa chỉ về chính Thánh Linh hay là chỉ về một thực tại tinh thần/thiêng liêng thuộc lãnh vực hoạt động của Thần Khí. “Ngôi vị Thần Khí hay là phạm vi thần linh của Thần Khí…: không phải lúc nào cũng có thể xác chỉ rõ giới mức của một ngôn từ được; hay là cũng chẳng có ích gì mà làm chuyện đó” (L. Cerfaux, Le Christ dans la théologie de saint Paul , Paris, Cerf, 1951, tr. 223).

[13] Tuy nhiên, niềm vinh quang và tình trạng giống nhau ấy không khuôn rập theo tiêu chí “xác phàm”; cả thập giá Đức Kitô nữa cũng chính là quyền năng và vinh quang (1Cr 1,24). Như thế là vì cuộc tử nạn và cuộc phục sinh là hai bề mặt của cùng một mầu nhiệm duy nhất

[14] L. Cerfaux, Le Christ …, trưng dẫn trên kia, tr. 330: “Khái niệm về tái giáng kéo theo danh tước Con Thiên Chúa.

[15] “Nhiệm cuc,” lịch sử cứu độ đã thực sự mở lối dẫn con người tới chỗ nhận biết mầu nhiệm sâu kín trong Thiên Chúa. Ai không đồng ý về điểm đó, hoặc chủ trương ngược lại, tất có bổn phận phải chứng minh làm sao để cho thấy là người kitô có thể đạt tới chỗ tin nhận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, bằng một con đường khác với lối ngõ vừa nói. Chúng ta nhận biết Thiên Chúa là Thiên Chúa Ba Ngôi, và nếu chúng ta được biết như vậy, thì chính là nhờ Đức Kitô Phục Sinh, Đấng làm trung gian cho đức tin chúng ta (xem G. Rémy, Une théologie pascale …, trưng dẫn trên kia, tr. 735).

[16] Trừ một vài trường hợp: tức là những khi họ gọi Đức Kitô bằng danh xưng Thiên Chúa; tuy nhiên, các trường hợp này không làm cho luật chung nói trên mất bớt giá trị đi; sở dĩ Đức Giêsu được gọi bằng danh xưng ấy, là vì Ngài cùng thông phần vào một thiên tính duy nhất của Thiên Chúa-Cha Ngài; xem K. Rahner, Dieu dans le Nouveau Testament, Écrits théologiques , cuốn 1, Paris, DDB, 1959, tt. 11-111. Cũng xin xem F.X. Durrwell, Le Père, Dieu en son mystère , Paris, Cerf, 1987, tt. 13-18.:

[17] Ở đây, tôi xin lấy lại một câu của J. Guillet viết trong bài giải thích về từ Esprit de Dieu , ở cột 388 của cuốn Vocabulaire de théologie biblique , trích dẫn trước đây; tác giả đã thử đưa ra một cách hiểu về ý nghĩa tổng quát của từ esprit như sau: “Luôn luôn, từ < khí nhằm tới ý nghĩa chỉ về yếu tố cốt tủy và không thể nắm chắc được ở trong một hữu thể… chỉ về những gì là chính hữu thể đó nhất.” Phụ chú của người dịch: chúng tôi cố tránh những cách nói như là: những gì làm nên…cấu thành … và chỉ dùng từ là , xét vì ở đây đang nói về Thiên Chúa, là Đấng Ta có , là Đấng tự hữu/hằng hữu (Xh 3,14), là Đấng Ta chính là Ta, Ta là Đấng có (Đnl 32,39), là Đấng Chính là Ta (Ga 8,24). Tác giả bài viết cũng dùng động từ est.

[18] H. Schlier,Der Roemerbrief , Freiburg, Herder, 1977, tr. 268: tác giả giải thích về Thánh Linh như thế này: “Die Kraft der Selbsterschliessung Gottes”, quyền lực khai mở của Thiên Chúa.

[19] Th. Tôma, Tổng Luận Thần Học , cuốn II, tập I, câu hỏi 28, đoạn 3 sed contra ; thánh nhân đã lấy lại tư tưởng của Điônixiô Mạo Danh, và viết: “Bởi yêu thương, nên Ngài xuất thần.”

[20] Th. Ambrôxiô, De Fide , IV, 10, 132, CSEL 78, tr. 204.

[21] Th. Âugutinô,De Trinitate , 8, 14, CCSL 50, tr. 2

[22] Cựu Ước cũng đã dùng nước để tượng trưng cho Thần Khí: Is 32,15; 44,3; Ed 36,25-27; Ge 3,1…; Dcr 12,10

[23] Xem Th. Xyprianô, De Orat. Dom ., 23, CCSL tập IIIa, tr. 10

[24] Th. Atanaxiô, Thư thứ nhất gửi cho Xêrapiôn , 19 , SC 15, tr. 116…: “Ngôi Cha là ánh sáng, Ngôi Con là ánh chói… Thần Khí là hành động qua đó chúng ta được soi sáng” (được Y. Congar trích dẫn ở trong cuốn Je crois en l’Esprit Saint , tập III, Paris, Cerf, 1980, tr. 52). Ximêôn (với biệt danh) Nhà Thần Học Mới, Catéch ., 33. SC 113, tr. 257: “Cửa ra vào: là Ngôi Con…chìa khóa của cửa ấy: là Thần Khí”.

[25] Th. Irênê,Adv. haer ., III, 18, 3 SC 211, tr. 350: “Chính Ngôi Cha là Đấng xức dầu; chính Ngôi Con là Đấng được xức dầu trong Thần Khí, là chính hành động xức dầu… Như Ngôi Lời đã nói lên điều ấy qua miệng của tiên tri Isaia là: ÀThần Khí Thiên Chúa ở trên tôi, bởi Người đã xức dầu cho tôi’; vì nói thế có nghĩa là cùng một lúc muốn chỉ về Ngôi Cha là Đấng xức dầu, và Ngôi Con là Đấng được xức dầu, và Thần Khí là hành động xức dầu”.

[26] Dù có hướng theo một viễn ảnh hơi khác, thì những hàng viết sau đây cũng nói lên cùng một ý nghĩa như thế: “Tình yêu dịu hiền ấy -lòng dạ Thiên Chúa Cha – trong đó, Ngài đặt Ngôi Con của mình nằm, chính là Thần Khí… Chỉ có một Cha sinh ra Con mình trong tình yêu, rồi lấy tình yêu mà vấn bọc Con mình, và làm cho Con mình lưu ngụ ở trong chính mình” (M.-J. Le Guillou,Le mystère du Père , Paris, 1973, tr. 267). Tác giả cũng đã nói đến “vai trò làm mẹ của Thần Khí”.

[27] L. Bouyer, Le Consolateur , Paris, Cerf, 1980, tr. 439: “Chính vì thế, Thần Khí là, như danh xưng cho thấy, hơi thở/hơi thổi của sự sống trong Thiên Chúa, hoặc, – nếu muốn và cũng không có gì là khác cả, – là như con tim của thiên tính: con tim của Ngôi Cha cũng như của Ngôi Con.”

[28] Về “nỗi son sẻ hiếm hoi – chí thánh, thần linh ấy – của Thánh Linh”, thử hỏi còn có gì mà người ta đã không nói? Xem P. De Bérulle, Grandeurs de Jésus,IV, 2; M. Dupuy, l’Esprit Saint et Marie dans l’École francaise , trong Études mariales 26(1969) 2

[29] Theo tôi biết, thì người đầu tiên nói tới lòng khiêm hạ của Thần Khí là Th. Preiss, Le témoignage intérieur du Saint-Esprit, bài đăng trong Cahiers de l’actualité protestante 13(1946) 26.

[30] B. Bobrinskoy, Le Mystère de la Trinité , Paris, Cerf, 1925, tr. 78; tác giả viết rằng: “Giáo Hội luôn giữ thái độ ngập ngừng do dự , đặc biệt là trong kinh nghiệm sống của mình và trong khoa bí tích học, không biết phải chọn đồ hình nào trong hai đồ hình về Thiên Chúa Ba Ngôi, tức là đồ hình Cha-Con-Thần Khí, và đồ hình Cha-Thần Khí-Con” (chính tác giả đã cố ý nhấn mạnh đến những điều ghi bằng chữ xiên).

[31] J. Guillet, từ Esprit de Dieu , trong tác phẩm trưng dẫn trên kia, tr. 390

[32] Quan niệm này xem ra đang ngày càng được giá trong giới các thần học gia. Đây là một vài dẫn chứng: J.-M. Garrigues, La théologie du Saint Esprit dans le dialogue oecuménique; Document Foi et constitution, số 103, Paris, Centurion et Presses de Taizé, 1981, tr. 168: “Ý nghĩa duy nhất thực sự có tính cách tín lý, mà từ ngữ Filioque có thể muốn nói lên trong lời tuyên xưng đức tin của Giáo Hội dựa trên cơ sở của Kinh Thánh cũng như của đoàn ngũ các Giáo Phụ, là Thánh Linh xuất phát… từ Ngôi Cha trong tư thế là Cha, nghĩa là trong tư thế là Đấng sinh hạ Ngôi Con duy nhất ”( chính tác giả đã cố ý nhấn mạnh đến những gì ghi bằng chữ xiên); B. Bobrinskoy, ibid, tr. 158: “Ngôi Con (là)… Đấng trong Ngài, Ngôi Cha và Thần Khí nghỉ ngơi”; trong cuốn Le Mystère de la Trinité , tác giả còn nói rõ hơn rằng: “Vậy, Ngôi Con sẽ là lý do hiện hữu của việc nhiệm xuy Thần Khí, là Thần Khí của Ngôi Cha và cùng lúc, cũng là Thần Khí của Ngôi Con” (tr. 298). “Dù chỉ là thuộc lãnh vực quan niệm hoặc là khái niệm, thì mọi hình thức du nhập tính chất có trước (antériorité) của sự việc Ngôi Con sinh ra vào trong quan hệ so sánh với sự việc Thần Khí nhiệm xuất, cũng đều đưa tới tình trạng biến mầu nhiệm Thiên Chúa Ban Ngôi trở thành một đối tượng nằm trong tầm khả năng nhận thức của lý trí con người…” (tr. 305).

[33] Xin thử so sánh các câu: Mc 1,24 và 3,11; cũng như Ga 6,69 và Mt 16,16.

[34] Từ ấy chỉ được dùng tới ở trong một văn bản thuộc thời cuối trong tiến trình hình thành Tân Ước (2Pr 1,4), và rất có thể là do ảnh hưởng của tư tưởng Hy Lạp; xin xem Grundmann, TWNT II, tr. 310; Koster. TWNT IX, tt. 264-269.

[35] M.-J. Lagrange, Épitre aux Romains , bộ Études Bibliques, Paris, Ga-balda, 1916, tr. 8; J. Huby, Saint Paul. Épitre aux Romains, bộ Verbum Salutis, Paris, Beauchesne, 1940, tr. 46. Người ta cũng đã từng nghĩ rằng “thần khí vĩnh hằng” nhờ đó Đức Kitô đã tự hiến tế chính mình (Dt 9,14), là từ ngữ dùng để chỉ về bản tính Thiên Chúa

[36] Trong câu Cl 2,17, Đức Kitô chính là thân thể đã phóng xuất bóng hình của mình trước xa, vào tận trong giao ước thứ nhất

[37] Xem chú cước của bản dịch đại kết Traduction Oecuménique de la Bible về câu Cl 1,19. B. Bobrinskoy, Le mystère de la Trinité , trưng dẫn trên kia, tr. 73 (cũng xin xem các trang 77-81); tác giả viết: “Khi Phúc Âm và các Giáo Phụ nói rằng Thần Khí lưu lại trên Đức Kitô, thì điều đó cùng một lúc muốn chỉ về sự hiện diện theo ngôi vị (hypostatique ) của Thánh Linh cũng như về niềm viên mãn của thiên tính. Có một quan hệ tương ứng sâu xa ở giữa các cách thức diễn đạt vừa nói của Phúc Âm trong đó, Thần Khí được nêu đích danh, và câu của Phaolô viết rằng: ÀCó ở trong Ngài niềm viên mãn trọn vẹn của thiên tính'” (Cl 1,19; 2,9). Về mối quan hệ tương ứng giữa Thánh Linh và “bản tính chung của Ba Ngôi Vị”, xin đọc V. Lossky, À l’image et à la ressemblance de Dieu , Paris, Aubier-Montaigne, 1967, tr. 70.

[38] Th. Ambrôxiô, De excessu fratris sui Satyri , 91, CCSL 73, tr. 299: “Tunc secundum carnem homo, nunc per omnia Deus.”

[39] Tôi xin được phép trưng dẫn đoạn sau đây, trích từ cuốn La Résurrection de Jésus, mystère de salut , Le Puy-Paris, Mappus, 1950, tr. 152: “Vì là người-thần khí, nên Đức Giêsu tỏ rõ mình là Người-Chúa. Để biểu đạt bản tính Thiên Chúa, Kinh Thánh dùng các từ Pneuma (Thần Khí) thánh, và doxa (vinh quang) của Đức Kitô; thực ra, doxa cũng mang ý nghĩa giống hệt như Pneuma .”

[40] E. Jacob, La Théologie de l’Ancien Testament, Neuchâtel, Delachaux et Niestlé, 1955, tr. 100; tác giả nhận thấy rằng trong Kinh Thánh, “Thần Khí làm nổi rõ đặc tính của tất cả những gì mà từ Thiên Chúa hàm súc.”

[41] P. Evdokimov, Le mystère de l’Esprit Saint , Paris, Mame, 1968, tr. 92; B. Bobrinskoy, Le mystère de la Trinité ,trưng dẫn trước đây, tr. 282: “Thánh Basiliô cho rằng sự Thánh thiện là đặc tính cá thể của Thần Khí”.

[42] Xin Thử so sánh Rm 8,4.14 và Ep 5,2; Rm 15,16 và Ep 1,4.

[43] Người Ta thường chất vấn rằng: tình yêu không thể là một đặc tính thuộc riêng ngôi vị Thần Khí được, bởi vì Thiên Chúa toàn thể là tình yêu, như đã viết trong câu 1Ga 4,8. Nhưng, nên lưu ý là trong câu sau đây, thánh Gioan cho thấy lời khẳng định vừa nói có nghĩa là Thiên Chúa yêu thương thế gian cho đến nỗi đã ban Con Một của mình cho thế gian (xem Ga 3,16). Vậy, nếu Thiên Chúa yêu thương dường ấy, thì câu văn trên đây vẫn có thể cho phép hiểu rằng Thần Khí, con tim của Thiên Chúa yêu thương, chính là tình yêu hiện thân trong một ngôi vị.

[44] Vinh tụng ca trong Kinh nguyện Thánh Thể.

[45] Đó là lối diễn đạt xem ra hơi lạ thường, nhưng lại được H. Muehlen, ưa chuộng: Der Heilige Geist als Person, Muenster, Aschendorff, 1963, tr. 164. Trong Thần Khí, mối hiệp nhất được hiện thực, nhưng đồng thời tính chất khác biệt cũng thành tựu: chính ở trong Thần Khi, Ngôi Cha sinh hạ, và Ngôi Con hiện hữu trong tư thế là Con. Cũng như tình yêu loài người đặt các nhân vị ở những cương vị đối diện, nhưng đồng thời cũng liên kết chúng lại

[46] Th. Âugutinô, De Trinitate , XV, 19, CCSL 50 A, tr. 523…

[47] Th. Âugutinô,De fide et symbolo , 1, 19 , CSEL 41, tr. 23.

[48] Th. Xyrilô thành Alêxanđria, Commentaire de l’évangile de Jean , 14, 17; 15, 1, PG 74, tr. 260, 333. – Thánh Irênê đã chẳng phát biểu tương tự như thế đó sao, khi ngài viết: “Cũng chính vì thế mà Chúa (Kitô) đã hứa phái gửi Đấng Bào Chữa Ủi An đến, là Đấng sẽ làm cho chúng ta nên thích hợp với Thiên Chúa” (Adv. haer ., III, 17, 2, SC 211, tr. 332)?

[49] F. Bolgiani, La théologie de l’Esprit Saint de la fin du premier siècle après Jésus-Christ au concile de Constantinople (381), trong Les quatre fleuves,9, Paris, Beauchesne, 1979, tr. 91. – Ngay cả nền thần học thời hậu tông đồ cũng đã từng bị nghi ngờ là “có tính cách thiên về nhị vị nhiều hơn là tam vị,” vì đã đồng nhất hóa Ngôi Lời với Thần Khí, làm như thể là chính Thần Khí đã nhập thể. L. Bouyer, Le Consolateur, trưng dẫn trên kia, tt. 137-140, trích dẫn những đoạn văn thật không ngờ nổi, nhưng đã biết đặt chúng vào trong bối cảnh chung của tư tưởng các tác giả, và bối cảnh này cho thấy họ là những người tin vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì thế, L. Bouyer đã có thể kết luận rằng: “Vậy, tuyệt nhiên không phải là Ngôi Con không khác biệt và không được phân biệt rõ với Thánh Linh, nhưng đơn thuần là, như chúng tôi đã nói trước đây, Đức Giêsu chính là “thiên tính” nhập thể, hay là “bản tính Thiên Chúa,” hoặc nói một cách mơ hồ hơn, là Àsự sống Thiên Chúa’ nhập thể”.

[50] Th. Camelot, Ignace d’Antioche, SC 10, tr. 29. Xem Magn. 1, 2; Smyrn. 3, 2.

[51] Th. Irênê,Démonstration , 97, SC 62, tr. 167

[52] Th. Irênê, In Pascha. Sermo 2, PG 59, 726.

[53] Th. Atanaxiô, De Incarnatione, 8, PG 26, 996.

[54] Xem cước chú 39 trước đây: La Résurrection de Jésus …, tr. 105.

[55]Sermo 11. Impletum est tempus Elisabeth : “Gottes hoechstes Streben ist gebaeren”; xem Meiter Eckhardts Predigten , cuốn 1, Stuttgart, Kohlhammer, 1958, tr. 177 và 472.

[56] Th. Âugutinô, In Joh. Tract. 47, 7, CCSL 36, tr. 407

[57] Th. Âugutinô, Sermo Guelferb . XII, nhà xuất bản G. Morin, cuốn I, tr. 479.

[58] Baumgaertel, TWNT IV, tr. 354: “Ruah [tiếng Hy bá, giống như từ pneuma trong tiếng Hy lạp=Thần Khí] của Giavê làm nên lịch sử”; xem F.-X. Durrwell, L’Esprit Saint de Dieu, Paris, Cerf, 1983, tt. 33-36.

[59] Xem ibid . tr. 54, 86, 109, 122, 139, 146, 151-153, 160…; Le Père, Dieu en son mystère , trưng dẫn nơi cước chú 18, tt. 73, 87, 91, 102, 121…, 145, 155, 158, 246

[60] M. Deneken, Pour une christologie de la pro-existence , đăng trong RSR 62(1988) 266-290; tác giả quan niệm rất hợp lý, cho là khoa Kitô học có thể được canh tân, nếu biết nhìn theo nhãn quan của tính chất hướng-hiện hữu nơi Đức Kitô. Nhưng tính chất ấy chỉ tìm thấy được một lối minh giải thích đáng ở trong một khoa Kitô học theo Thánh Linh (một khoa Kitô học Thần Khí).

[61] Mầu nhiệm Phục sinh mang tính chất quang lâm: đó là mầu nhiệm của việc phái gửi vào trong thế gian (Cv 3,25…), của việc đến (Ga 14,28) và hiện diện trong thế gian (Mt 28,20); xin xem bài viết Mystère pascal et parousie , của chúng tôi, đăng trong NRT 95(1973) 253-278

[62] Ngoài lịch sử cứu độ ra, thần học cũng còn cần phải thăm dò về mầu nhiệm công trình tạo dựng, trong đó, Thiên Chúa hành động bằng Lời và hơi thở của mình, như là bằng “hai bàn tay”: tức là bằng Ngôi Con và Thần Khí; xem Th. Irênê, Adv. haer ., IV, Praef. 4; 20,1; V, 1,3; 6,1; Dem ., 11, SC 100, tt. 391, 627; 153, tt. 29,73; 62, tr. 48.