Hợp Tuyển Thần Học

Khoa Học Mới Đòi Quan Niệm Triết-Thần Mới

Khoa Học Mới Đòi Quan Niệm Triết-Thần Mới

Mục Lục

Những phát minh ở thế kỷ XVI-XVII về thiên văn của Copernic, Kepler, Galilei, và ở thế kỷ XIX về sinh vật học của Lamarck, Darwin đã làm chao đảo niềm tin thiếu sáng suốt của bao kẻ và khởi đầu cho một cuộc ly thân kéo dài đáng buồn của Kytô-giáo với khoa học. Cũng chỉ vì cách hiểu Kinh Thánh quá “nghĩa đen” xưa kia, kèm với sự chai cứng trong thái độ bảo thủ, thiếu cởi mở và mềm dẻo trong cách nhìn thế giới và cuộc sống.

Từ mấy thập kỷ nay, khoa học lại bước vào kỷ nguyên của những phát hiện hoàn toàn mới, chúng làm chao đảo chính những xác tín khoa học của mới đây thôi. Nhưng cùng lúc, Tòa thánh cũng có những cơn đau đầu với bao vấn đề đặt ra cho luân lý, cho phẩm giá con người. Có những vấn đề thấy rõ, như tác biến (manipulation) con người, nhưng chìm sâu phía dưới còn bao vấn đề khác liên quan đến những quan niệm xưa cũ của chúng ta về không gian và thời gian, về vật chất và bản thể, cũng như về sự liên đới của chúng với vĩnh cửu, với các mầu nhiệm đạo, với Thiên Chúa, v.v… Không những đức tin có thể bị thử thách, mà còn bị thử thách chính niềm tin vào khoa học, vào tương lai của nhân loại chúng ta.

QUAN NIỆM VỀ CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHÚA

Mất niềm tin vào khoa học ư? Chỉ mới đây thôi, người ta tưởng như khoa học đang thế chỗ Thiên Chúa để biến đổi tất cả và mở ra trước mắt chúng ta viễn ảnh huy hoàng về một thiên đường tại thế. Thế nhưng rồi vào thập niên 70, dấu hiệu về sự cạn kiệt không xa của nguồn năng lượng lỏng khiến khoa học phải giật mình khựng lại. Kế đó, việc phát hiện tầng ozone bị thủng và trái đất nóng dần do sản xuất dồn dập và bừa bãi khiến phải đặt chấm hỏi trên sự toàn năng của chúng ta. Chiếc đũa thần khoa học hình như đang trở thành đũa quỷ để ta tiêu diệt chính mình mà không hay biết.

Không chỉ tiêu diệt mình ở chỗ là sinh vật, con người có thể tiêu diệt mình ở chỗ là người nữa. Với khoa Di truyền học mới, người ta đang hoàn thiện bản đồ gen và xác định tính năng mỗi gen, nhờ đó cải thiện và biến đổi các giống loại sinh vật. Biết đâu rồi chẳng đến lượt giống người chúng ta? Thử hình dung những ngân hàng giống (cho người), chuyên chế biến và bảo quản các phôi thai để cung cấp theo đơn đặt hàng những mẫu người khỏe để đánh nhau hay thông minh để nghiên cứu. Con người không còn là mục đích của mình nữa, nó thành công cụ và đồ vật mất rồi!

Thật ra, trước khi sản xuất con người, người ta đã và đang biến chất nó. Không gian phủ ngập sóng thông tin hướng về tiêu thụ và lợi lộc đang làm công tác này. Nó muốn nhào nặn cùng một mẫu người mà với họ, ông Trời là cái bụng và xe đưa là những bản năng hạ đẳng. Mà một kiểu người như thế liệu có còn là người hay không ?

Khoa học chắc rồi sẽ có thể làm nên chất liệu bán sinh học và sinh học cho các bộ điện tử, nhờ đó dễ nối mạng máy tính với óc người, qua đó sai khiến con người hoặc tạo ra thứ dây chuyền sản xuất mới với bộ ba Máy-Máy tính-Óc người-Máy, v.v…Ô hô con người! Khoa sinh thái học hôm nay chưa giải quyết được gì cho môi trường sống của thân xác, thì nay lại đến lượt môi trường sống của tinh thần bị đe dọa.

***

Nếu ý thức giới hạn của mình, khoa học thấy cần phải khép mình vào một kỷ luật luân lý nào đó, thì chính sự nhìn nhận thất bại ấy của khoa học cũng đặt ngược lại cho ông chủ của nó câu hỏi về giá trị của cái mà ông ta dựa vào xưa nay để lên mặt với đời. Tôi có ý nói đến lý trí với những khả năng nó mở ra cho chúng ta.

Vâng, vào lúc mà Ðông phương còn yêu tự nhiên đến nỗi coi kỹ thuật là Xảo, thì Tây phương vốn thích phát minh và sáng tạo, đã phát triển nhanh về cả kỹ thuật lẫn khoa học. Theo một nhà tư tưởng Tây phương, thì bởi coi yếu tính của Thiên Chúa là sự toàn năng, nên muốn thành Thiên Chúa, Tây phương đã cố trở nên toàn năng như Ngài. Thế nhưng, để làm chi cũng được, thì cái gì cũng phải biết. Toàn năng và toàn tri đi đôi với nhau.

Từ rất xa xưa, Hy lạp đã đề cao cái biết lý tính. Học Hy lạp, Tây phương cũng say mê cái mà thầy mình đã mê say. Quả thế, Hy lạp thần thánh hóa ý tưởng (idea). Với Platon, thì chỗ ở của ý tưởng là Thiên giới cơ. Không phải ý tưởng phát sinh từ thực tại, mà trái lại, chính ý tưởng mới cung cấp phản ảnh của mình là hình dạng (eidos) cho vật chất, khiến nó thành cái gì, để được biết và hiện hữu. Với Platon, ý tưởng là đối tượng chiêm ngưỡng của Trí (Noũs) khi Trí còn ở Thiên giới. Với Aristote, ý tưởng là đối tượng trực tri của Trí năng (Intellect agent). Còn với Plotin, ý tưởng (=noêton, cái khả tri) vừa là đối tượng trực tri của Trí, vừa là một với Trí, mà Trí này là Hupostasis thứ hai, hay sự bắt đầu hiện thể tí ti từ Nhất thể (En) vốn là Hupostasis thứ nhất, còn u u minh minh, chưa thành chi cả. Cái Trí thần linh nói đó là chi vậy? Ý tưởng, cũng được gọi là cái khả tri, là đối tượng trực tri hay chiêm ngưỡng của nó, là một với chính nó, mà ý tưởng thực ra là sản phẩm của lý trí, nên cái Trí, Noũs hay Logos, chẳng qua là lý trí được thần thánh hóa đó thôi.

Không ai chối cãi rằng, do đề cao Lý trí, ý tưởng phổ biến, tri thức khách quan, mà Tây phương đã đưa chúng ta vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học và kỹ thuật nó đổi mới tất cả. Thế giới đã thành thế giới thực sự của loài người, mang đầy dấu ấn của bàn tay con người. Con người đã “đặt tên” cho hết thảy (St. 2:20), nghĩa là làm chủ, là đổi thay và quyết định về cái thế giới đã thành nhà của nó. Có điều khoa học (cùng với lý trí) phải nhìn ra giới hạn của mình. Khoa học không giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống, cũng như cái biết lý tính không phải là đỉnh cao nhất của tri thức đâu. Vâng, lý trí không phải là tất cả tinh thần, do đó cũng không phải là một với tinh thần, như Descartes, Kant và Hegel tưởng.

Trung quốc xưa không đặt tinh thần ở cái biết khách quan, nhưng ở một thứ trực giác nội tâm nó làm nên không phải những triết gia cho bằng những hiền triết (sage). Ấn độ không phủ nhận giá trị của lý trí, nhưng họ cho lý trí chỉ là hạ trí, mà họ gọi là manas. Trí ở chỗ cao nhất của họ là buddhi, hay tuệ trí. Chính buddhi mới vượt nổi chiều sâu nội tâm để đạt tới một thứ tri thức huyền bí không khách quan vì không đối tượng, nó giải thoát chúng ta. Vâng, trí giả phương đông không thích cái biết nó hướng ta ra ngoài cho bằng cái biết nó làm phong phú bên trong.

Sự cần thiết nhưng thiếu sót của khoa học và tri thức lý tính đòi chúng phải được bổ túc và dung hòa với những gì sâu xa hơn. Ðây không chỉ là vấn đề đặt ra cho cuộc sống, mà còn là vấn đề đặt ra cho suy tư triết-thần. Sự toàn tri (biết mọi điều, dễ được hiểu như một thứ biết khách quan) hướng Thiên Chúa ra ngoài, và toàn năng (làm được mọi cái) hướng Ngài về mặt phức đa của thế giới, đều không phải là đặc tính cốt yếu của Thiên Chúa Kytô-giáo. Vâng, Thiên Chúa đúng Kytô-giáo không phải là Thiên Chúa toàn tri toàn năng và hướng ngoại, cho bằng Thiên Chúa của đức Ái và bề sâu Cha-Con-Thần khí! Và con đường Ðức Kytô mở ra không phải là sự ngược dòng ý tưởng để đạt tới ý tưởng cao nhất: Agathon (Hảo thiện), mà là vét rỗng những ý tưởng đó để thành bé thơ như chẳng biết gì, nhờ đó Chúa thông đạt cho ta một thứ biết hoàn toàn khác, thứ biết thiên phú của đức tin, mà sự phát triển tối đa sẽ thành huyền kiến (vision) ở đời này và trực tri Thiên Chúa ở yếu tính Ngài trong Cõi thọ. Con đường ấy cũng không phải là lớn lên với sự toàn năng, nhưng là thấp xuống, và Chúa sẽ đợi ta ở đáy sâu thung lũng. Lại nữa, ta chẳng cần ngước mắt lên để tìm Chúa, khi mà ta chỉ tiếp cận bề sâu của Chúa bằng chính bề sâu của lòng mình.

***

Nói thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận sáng tạo theo Ấn, do đó không nhìn nhận công lớn của khoa học-kỹ thuật, không nhìn nhận những giá trị thế trần chúng là phản ảnh mặt ngoài của Mỹ-Hảo viết hoa. Có điều những giá trị nói trên không thể khép lại trên mình mà không mất luôn ý nghĩa. Do đó, vừa thừa nhận chúng, ta vừa phải có thái độ bất cần đối với chúng. Ðồng thời, trong khi khai triển cái biết lý tính của mình, ta cũng hướng căng về một thứ biết trầm sâu hơn.

Ðây cũng là lúc nên đặt lại vấn đề, xem đâu mới là biểu hiện lớn nhứt của tinh thần, biểu hiện ấy có phải là khả năng tri thức của chúng ta hay không? Quả là người Tây trước kia và thế giới hôm nay thường nghĩ như thế đấy. Lấy tri thức làm niềm tự hào của con người, nay chính con người lại phải nhường ngôi cho máy vi tính cũng vì thứ tri thức xem ra giống thế. Vâng, trí thông minh cực đại của kiện tướng cờ vua Kasparov đã thua máy Deep Blue!

Hẳn là anh có thể bảo: Sự thông minh của cái máy, dù là của siêu máy vi tính trong tương lai, không thể cùng loại cấp với trí thông minh của con người được. Thế nhưng đồng ý với nhau được về một tiêu chuẩn để phân biệt như thế không phải là chuyện dễ đâu. Theo tôi, sự phân biệt rõ nhất giữa con người với cái máy và con khỉ phải tìm ở chỗ khác. Vả nữa, đâu phải chỉ có trí năng mới làm nên tinh thần, nhất là thứ trí năng rất khiếm khuyết là lý trí của chúng ta.

Như chúng ta thấy, hễ là vật chất thì không thể không bị điều khiển từ ngoài bởi quy luật, dù đó là quy luật lý hóa hay sinh lý, tâm sinh lý. Do đó cơn bão, con cọp hay robot không hề có trách nhiệm về những phá hoại của mình. Cả cảnh sát và Tòa án đều thấy rõ như vậy. Vâng tác giả thực của công việc khi ấy là quy luật, là bản năng, là kẻ lập trình cho máy vi tính cơ. Cũng vì thế, nắm được quy luật, con người có thể điều khiển tất cả dù nó không mạnh bằng con voi và “suy nghĩ” nhanh như máy tính.

Sở dĩ chỉ con người mới làm chủ được sự vật, là vì nó làm chủ được chính mình và hành động của mình. Ở chỗ là thân xác, con người bị vây bọc bởi cả một mớ bòng bong những quy luật, nhưng không ai dám chắc, trước một biến cố nào đó, anh nhất định sẽ phản ứng ra sao. Bởi lý do rất đơn giản, là anh có khả năng cưỡng lại sức ép của cả quy luật lẫn bản năng bên trong. Hơn thế, anh còn có thể nương theo sức đẩy của bản năng và quy luật để lái con thuyền buồm cuộc sống theo hướng đi đã chọn.

Sở dĩ con người là Chủ, vì nó bắt đầu từ chính mình (tức từ quyết định của mình), chứ không bắt đầu từ ngoài mình (tức bị quyết định bởi cái không phải là mình). Nghĩa là con người nắm được mình bằng tự thức (auto-conscience), bằng cân nhắc suy tư, và bằng tự định (auto-détermina­tion). Sở dĩ được như thế, là vì con người có riêng một không gian nội tâm, và nó — vâng, một mình nó — làm chủ trong ngôi nhà của mình. Người khác có thể tác động vô đó từ ngoài, chứ không thể thay thế tôi trong đó. Trong đó, do rối loạn tâm thần, tôi có thể lầm tôi với một người khác (lầm về bản tính, quen gọi nhân cách), nhưng tôi vẫn còn đó, ở thế đối diện với tất cả những gì không phải tôi.

Chính vì nắm được mình từ trong bằng tự thức, nên tôi mới bẻ gập được mình (re-flectere) để nhìn mình đang tri, hành, cảm. Thấy được mình đang tri thức, tôi cũng tách riêng được ý tưởng (nhờ nó tôi tri thức) để làm việc với nó, và đây là tư duy, suy luận (ré-flexion). Tư duy hay suy luận chính là bẻ gập mình để làm việc trong nội tâm mình với những ý tưởng (hoàn toàn trừu tượng) của mình. Chính nhờ khả năng suy luận này, mà từ (ý tưởng về) một thực tại khả giác, tôi có thể vượt tới những gì siêu giác, như thực tại siêu hình, những quy luật và nguyên tắc vốn tổng quát, thậm chí những thể thiêng liêng. Và đó là giải thích cho khả năng khoa học, kỹ thuật, giải thích cho văn hóa và văn minh, giải thích cho đặc tính rất dễ nhận thấy của con người: đặc tính tiến bộ và tiến bộ không ngơi nghỉ. Mà nguồn gốc và nền tảng là đặc tính Làm chủ nói trên!

Vâng, chỉ có con người là Chủ, là Chủ thể hay Chủ vị (le sujet, âtman, tức chính mình). Một mình nó xưng Tôi và đứng thẳng lên, đối diện với tất cả. Chứ máy vi tính, dù nhớ nhanh, tính chuẩn và lô dích đến đâu, cũng vẫn là công cụ, chỉ vận hành theo lập trình của con người. Tất cả chỉ vì, dù xem như “suy tính,” nó không thể gập mình nhìn vô trong mình được: nó không có không gian nội tâm! Bởi không có bề sâu như thế, nên nó chỉ hướng ra ngoài về phía “đối tượng” là công việc và đường đi là lô dích thôi. Dẫu sau này nó có thể trở nên vạn năng, thành con thú xổng chuồng mà ông chủ là con người không khống chế nổi nữa, thì nó vẫn là máy, một cái máy hay nhưng bất kham, như con ngựa hay và bất kham. Máy điện toán là cái “vị tha” (pro-alio, cái hiện hữu vì cái khác), chỉ con người do bề sâu và tư cách Chủ mới là cái vị thân (pro-se, le pour-soi) thôi.

***

Chẳng những vượt trên máy vi tính, con người cũng vượt hẳn những sinh vật khác. Sự vượt loại này phải chăng chỉ là do tiến hóa bằng những bước nhảy vọt? Nghiên cứu sự phát triển giải phẫu học từ chủng thấp lên chủng cao, đặc biệt nơi hệ thống gen và khối óc, nghiên cứu bước tiến rút gọn ấy từ nòng nọc sang cóc, và ở một vài dấu vết còn sót nơi bào thai con người, khoa học có tạm đủ lý do để nói tổ tiên chúng ta là khỉ vượn. Vâng, ít là về thân xác, chúng ta không ngồi lên trên thế giới, bởi chúng ta cũng thuộc về thế giới ấy. Và nếu nhìn nhận tôi cũng là thân xác (chứ xác không chỉ là chiếc áo khoác của tôi), thì tôi không thể coi vạn vật là công cụ suông, nhưng bạn đồng hành nữa. Vâng, đồng hành trên cùng một chuyến tàu. Ðồng hành cả trong cuộc sống tại thế lẫn trong hành trình hướng về Trời đất mới (x. Rom 8:21; 2P 3:13…). Một vũ trụ quan đầy tính sinh thái, phải không?

Cả con đường tiến hóa, đang được hầu hết công nhận, từ Quantum sơ thủy tới con người hôm nay, cũng phải làm thay đổi cách chúng ta quan niệm xưa nay về sáng tạo, về phương thức sáng tạo của Thiên Chúa.

Theo Kinh Thánh, thì Thiên Chúa đã sáng tạo bằng Lời. Phải chăng Lời đóng vai trò nguyên nhân tác thành của thế giới? Phải chăng Thiên Chúa là Ðộng cơ đầu (pri­mum movens) như Aristote nghĩ và thánh Tôma nghĩ theo?

Thật ra, nếu lấy cái Quantum thô sơ thời ấy mà đặt bên thế giới muôn mầu hôm nay, ắt là ta phải ngỡ ngàng không sao hiểu nổi, không thể tin rằng cái quả lớn kia lại do cái cây tí teo này. Thứ nhất vì xem ra “không ai cho cái mình không có” (Nemo dat quod non habet). Chính khoa học cũng được xây trên nguyên tắc: Mỗi hiện tượng (quả) phải có nguyên nhân tương xứng cơ mà. Thứ hai, vì đây là một Tiến hóa về phía…, mà chỉ tinh thần mới thực sự nhắm trước, nghĩa là hành động vì một mục đích đặt ra. Thứ ba vì, như giáo sư Trịnh xuân Thuận quả quyết, ngoại trừ Thiên Chúa (vốn là Tinh thần tuyệt đối), không một thiện xạ nào có khả năng bắn trúng hồng tâm 1cm của cái đích đặt xa 15 tỷ năm ánh sáng. Vì chỉ cần lập trình hay tính sai tí ti ở bất cứ điểm nào trên đường dài vô tận ấy — vâng, chỉ cần chút xíu đổi thay như ở một trong những hằng số (thí dụ hằng số tốc độ ánh sáng) — thì đã chẳng có gì chuyển tiếp, chẳng có thế giới tuyệt vời này cùng với sự sống ở giữa, với con người là cái hồng tâm.

Và như thế, sự kỳ diệu của nguyên nhân (tác thành) đã chuyển sang cho cái đích: từ sự hướng đích trong thiên nhiên đến sự nhắm đích thần kỳ của một Tinh thần. Sự vật có làm gì cũng bị đẩy (từ sau lưng) mà làm, đẩy bởi nguyên nhân và đẩy bằng quy luật mà nó không thể cưỡng. Ðộng vật xem như tự do hơn, nhưng thực ra có làm gì nó cũng làm do sức ép của bản năng cả. Chỉ con người mới đứng thẳng để nhìn về phía trước, nghĩa là làm gì cũng làm vì một mục đích nhắm trước. Vâng, chính vì mục đích có nhà để ở, tôi mới tìm người vẽ mẫu, tìm thợ xây nên, nghĩa là tìm những trung gian, đặt những nguyên nhân (tác thành). Như thế, mục đích đúng là nguyên nhân và nguyên nhân lớn nhất, bởi chính nó tác động trước và mạnh vào các nguyên nhân trên vốn chỉ được coi như phương thế thôi. Có điều con người là tinh thần khiếm khuyết, nên với mục đích suông, nó không thể thực hiện ước mơ của mình. Nó không thật sự sáng tạo. Chỉ Thiên Chúa mới từ không làm ra có, mà chẳng cần phương tiện, trung gian. Muốn có vũ trụ, Ngài có liền nếu muốn. Nghĩa là chỉ cần đích nhắm (mục đích) thôi. Có điều Ngài đã muốn dùng trung gian, chứ không trực tiếp làm nên từng loại một, như tác giả Sáng thế thư nghĩ.

Tuy dùng trung gian, tạo nên những nguyên nhân tác thành, nhưng: “không phải do quân nhiều mà trận thắng, chiến thắng là do sức mạnh từ Trời,” Thiên Chúa đã dùng cái chẳng đáng gì để làm nên điều vĩ đại. Vâng, Thiên Chúa đã tạo nên vũ trụ vô cùng lớn và muôn màu này chỉ từ một Quantum sơ thủy chưa nên dạng nên hình. Thiên Chúa chỉ đặt vô đó một ý muốn, cũng là một đích nhắm và một tiếng gọi. Tôi nói tiếng gọi, vì với cái đích mà Ngài làm chủ, Ngài chỉ cần gọi ra từ hư vô. Và cũng vì cái đích cuối là con người có ý thức và tự do, nên Thiên Chúa chờ ở đó một lời đáp (nhân danh tất cả) để hoàn thành tác phẩm và hoàn tất công việc. Nghĩa là đến con người rồi, thì chưa phải là bức họa đã vẽ xong. Con người có sứ mệnh hoàn thiện nó bằng việc làm và đời sống của mình. Làm và sống theo cái thiên mệnh đã chiếu in thành Tính nơi lương tri ấy.

Chính do tiếng gọi và sự nhắm đích toàn năng nói trên, mà có những bước nhảy vọt, để cái cực bé đẻ ra cái cực lớn. Vì cùng đẻ, không phải chỉ có nguyên nhân tác thành, mà trước hết và trên hết còn có nguyên nhân mục đích của đấng mà ý muốn là nguồn gốc duy nhất của thực tại. Ý muốn ấy không chỉ có mặt ở lúc khởi động, mà trong suốt tiến trình. Và như thế phép lạ diễn ra trong suốt tiến trình, khi mà ở mỗi bước của tiến trình, không chỉ có nguyên nhân gọi là tự nhiên. Vâng, nơi nguyên nhân, đã có cái vượt trên nguyên nhân là ý Chúa, cũng là cái đích mà Chúa nhắm.

Cách giải thích sáng tạo bằng mục đích hơn là bằng nguyên nhân này tránh được cái nhìn về con người như một liên minh giữa hồn và xác. Kytô-giáo xưa nay miệng thì nói: Con người là một bản tính dù với xác chất và hồn linh, nhưng trong thực tế, họ mặc nhiên nghĩ khác khi chủ trương: Linh hồn là do Thiên Chúa sáng tạo trực tiếp mỗi lần. Như thế có khác chi bảo rằng: Thiên Chúa chờ cho cơ thể phát triển đến một mức nào đó, rồi mới tạo từ ngoài một linh hồn để đút vô. Ðể rồi khi chết, lại nghĩ “hồn lìa khỏi xác,” chờ sau “phán xét” mới có xum vầy. Thánh Tôma chỉ chỉnh tí ti khi cho rằng, tuy lìa đấy, mà hồn vẫn giữ một “liên hệ siêu việt (relation transcendantale)” nào đó với xác thân.

Vậy muốn giữ cho con người đúng một thể, một tính, thì phải giải thích tạo, sinh và tử sao đây? Nếu Chúa trực tiếp can thiệp lần đầu (với nguyên tổ), Chúa sẽ phải tiếp tục làm thế, cả triệu lần mỗi ngày, mỗi khi có ai sinh ra. Nhưng nếu Chúa không tạo sinh linh hồn để đút vô, chả hóa con người là con của chú khỉ? Quả thật, nếu nhìn sáng tạo như sự đun đẩy (từ phía sau) của những “động cơ” hay nguyên nhân (tác thành), thì có lẽ ta phải cam phận với tư cách thấp hèn ấy đấy. Chứ nếu nhìn sáng tạo dưới ánh sáng của nguyên nhân mục đích, do sức hút và tiếng gọi từ phía trước bởi một Tinh thần, thì ta sẽ là “con” của Tinh thần ấy hơn là của nguyên nhân (con khỉ) kia. Mà nhìn như thế là đi vào đúng hướng nhìn của khoa học hôm nay. Với khoa học hôm nay, sự tiến hóa từ bình diện sinh vật đã mở bung đến tất cả, vâng, từ cái Quantum duy nhất ấy. Nơi cái Quantum này, Thiên Chúa đã đặt vô một ý định, cái ý định hay Thiên mệnh nó biến thành đích nhắm của Quantum, hay, nói cho đúng hơn, đích nhắm của nhà Thiện xạ nơi Quantum. Mà cái đích nhắm ấy là con người. Và con người ấy là xác-thần (tinh thần) hai mặt. Kinh thánh đã nói đúng khi nói Thiên Chúa sáng tạo con người vừa bằng bùn đất vừa bằng thần khí hay hơi sống (ruah) của mình.

Nếu con người là một dưới hai mặt xác-thần, thì thần không thể hiện hữu mà không còn xác. Nhưng nếu vậy, giải thích sao đây cái chết như một “hồn lìa khỏi xác?” Thật ra, không có “hồn lìa khỏi xác,” như Karl Rahner nghĩ.[2] Nghĩa là khi con người còn ở dương gian, xác nó bị giới hạn trong một khối nhỏ vật chất, trong vật chất dưới mặt số lượng và phức đa của nó. Nhưng vật chất không chỉ có mặt phức đa, mà còn mặt nhất tính nữa. Khi xác chết, hồn chỉ lìa xác dưới mặt phức đa, do đó biến dịch đó thôi. Hồn vẫn là sự hiển định (entéléchie, entelekheia) của xác, nhưng bây giờ thì sự hiển định hướng về vật chất dưới mặt nhất tính của nó. Có nghĩa là hồn mô thức hóa (informer) (toàn) vật chất thành xác riêng của mình, để rồi xác vinh phúc sẽ là “biểu hiện tinh thuần của tương quan với toàn vũ trụ mà bản vị được vinh phúc hóa có.[3]

Ðể chứng minh vật chất có diện Nhất nói trên, Rahner phải nại đến hiện tượng Thần giao cách cảm: hai kẻ cách cảm được với nhau thì dù ở kế bên hay xa ngàn dặm vẫn hiểu được ý nghĩ của nhau. Thế mà ở thế giới phức đa này thì cường độ sóng (dù sóng đàn hồi hay sóng điện từ) luôn tỷ lệ nghịch với khoảng cách. Ngày nay, với khoa vật lý mới, chúng ta thừa hiểu rằng vật chất có một gốc nguồn và nền tảng vô cùng đơn, cái mà biểu hiện của nó vừa là sóng vừa là hạt, khi năng lượng khi khối lượng (masse) bất phân. Vậy nếu con người chết chỉ là xác chết về mặt phức đa, thì tận thế cũng chỉ diễn ra với mặt phức đa của vật chất đó thôi. Còn Trời mới đất mới, theo tôi nghĩ, sẽ là sự ăn theo của vật chất đã được thiêng liêng hóa cách nào đó, để thành cái Chất “một” vĩnh cửu và sáng láng mà mỗi hồn hiển định thành xác riêng, tùy độ lành thánh và bản sắc của mình. Vật chất khi ấy không còn là nguồn gốc của sự phân cách giữa chúng ta nữa, nhưng nền tảng của sự hiệp thông giữa chúng ta.

QUAN NIỆM VỀ BẢN THỂ

Với khoa vật lý mới, quan niệm xưa về Bản thể (Ousia của Aristote theo ý nghĩa Căn bản, hay Substantia của kinh viện) cũng bị lung lay.

Hãy nhìn một đống cát, nó vừa là cát vừa đống cát. Thử hỏi cái gì là gốc (bản) của cái gì đây: gốc là cát hay đống cát? Ai cũng biết cát chỉ thành đống do con người vun lại, và do trái đất hút lấy (thật ra trái đất và cát cùng hút lẫn nhau) khiến cát có trọng lực và đè lên nhau. Nên nếu đưa cát ra khỏi hấp lực (trái đất), thì cũng hết đống luôn. Hấp lực chỉ đặt cát bên nhau, chứ chúng không nên một với nhau từ bên trong. Do đó, gốc của đống là ở các hạt cát: đống không có gốc ở nơi mình.

Chính hạt cát cũng không có gốc ở nơi nó. Cát chỉ thành hạt do nhiều phân tử khoáng dính kết, nén lại với nhau: sức mạnh thống nhất nằm ở ngoài hạt, và mỗi phân tử khoáng độc lập hoàn toàn nơi mình. Vậy xem như chỉ có bản thể và cá thể ở phân tử thôi.

Thế nhưng, xin mời bạn hãy nhìn vào bên trong phân tử. Phân tử là do một số nguyên tử họp thành. Họp như thế nào? Họp qua trung gian của những electron, mà cách làm trung gian của electron lại có hai cách; do đó sinh ra hai loại phân tử: loại giả và loại thực. Trong phân tử giả, các nguyên tử trao chuyển với nhau một số electron, nghĩa là có bên mất electron và bên thêm electron. Do đó thiếu quân bình, sinh phân cực (polar, polarisé) và kém ổn định. Phân tử thật thì ổn định hơn, bởi các nguyên tử trong đó có chung với nhau một số electron. Electron này tác động như một sợi xích nó thắt buộc các nguyên tử lại với nhau. Như thế, phải chăng đây là một xâu tù nhân trong đó chỉ từng tù nhân mới là cá thể và bản thể? Thực ra, chính phân tử mới làm nên các thực thể trong điều kiện vật lý của trái đất chúng ta. Nên chúng không thể không là bản thể một cách nào đó, dầu các thành phần của chúng vẫn độc lập, vẫn còn tư cách cá thể. Vâng, nguyên tử và phân tử là những bản thể chồng chéo nhau. Mỗi cái là bản thể về một mặt nào đó và trong tương quan với một cái gì đó. Như phân tử hữu cơ tinh bột, chúng là bột bánh hay thức ăn đối với loài người chúng ta. Và đấy là trên bình diện trung mô, chứ trên bình diện siêu vi mô hay siêu vĩ mô, thì vấn đề lại khác. Y như người trên trái đất sống một trăm tuổi, trong khi người trên phi thuyền bay nhanh (với tốc độ gần bằng của ánh sáng) có thể chưa đọc xong một bản tin. Vũ trụ này tương đối mà! Mà đã tương đối, thì mỗi cái chỉ là gì đó trong tương đối (hay tương quan) với một cái gì khác.

Và cũng thế nếu từ nguyên tử ta đi xuống những nguyên tố cấu thành. Và đây là hạt nhân với những electron xoay quanh. Electron thì điện âm, nên nhân điện dương hút nó và đặt nó trong quỹ đạo. Thật ra điện dương của nhân là do proton, mà bên cạnh proton thường có cả neutron nữa. Proton là gì và neutron là gì? Gần như chúng chẳng đáng là gì, khi mà ta có thể biến một neutron thành proton hay nguợc lại chỉ bằng cách thêm vào nó hay bớt đi từ nó chỉ một electron. Lại để cho hai thứ hạt trung tính và dương tính ấy dính lại với nhau thành nhân, chúng chỉ việc “chi ra” ít nhiều năng lượng để làm công tác đó. Những sự nối kết từ ngoài và những ràng buộc quả là rất hời hợt. Và đấy là bản thể hay cá thể của nguyên tử, của hạt nhân, của những nguyên tố làm nên hạt nhân!

Xem như thế, cái bản thể hay cá thể trong khoáng chất, cái mà triết học định nghĩa là “vô phân nơi mình và phân với mọi cái khác” chỉ là những cái MỘT rất mờ nhạt, tương đối. Phân tử và những hạt trong đó không hiện hữu nơi mình (in-se) bằng nơi cái khác (in-alio). Hơn thế, cái gốc (bản, sub-strat, substantia) cuối cùng của chúng lại là cái chẳng ra…gì, lấp lửng giữa hạt và sóng, giữa khối (masse) và năng lượng.

Với thứ bản thể như vậy, chúng ta phải hiểu thế nào về những khái niệm như Biến thể (trans-substantiatio) của thần học (kinh viện) đây? Trước đây, khái niệm ấy chỉ gặp khó khăn với triết học, nay lại thêm khó khăn về phía triết-khoa học nữa.[4] Nếu bản thể bánh rượu khó xác định, thì sao nó mất chỗ được khi mà gần như nó chẳng là gì cả. Một thần học gia kia đã đề ra một cách giải quyết: Nếu bánh rượu không là bản thể xét về phía chúng (quoad se), thì chúng vẫn là bánh rượu bản thể đối với con người (quoad me, hominem).

Theo tôi nghĩ, vấn đề không phải là từ ngữ, mà nội dung cũa niềm tin Thánh Thể, cũng là cái mà Giáo hội muốn chỉ qua những từ ngữ nói trên. Nội dung ấy là mầu nhiệm, khiến những giải thích lý tính chỉ tiếp cận thôi, chứ đạt tới thì không thể bao giờ. Tuy tiếp cận, mà vẫn tiến tới mãi, nghĩa là điều được xác định hôm nay, mai ngày có thể được chỉnh lại bằng một lối diễn tả khác, ít là bằng một cách hiểu sâu xa hơn từ những từ ngữ cũ xưa.

Tất cả đã diễn ra như vậy với phép Thánh Thể.

Ngay thời các tông đồ, ai nấy đều hiểu rằng bánh và rượu, đó là chính mình và máu Chúa (1Cor 10:16). Sự thật ấy rồi sẽ được triết lý hóa một tí trong tiếng Praesentia realis, mà lm. Hiến Minh dịch là Thực diện. Thực ra, Prae­sentia realis có nghĩa Praesentia rei, sự có mặt của chính thực thểû, tức Hiện diện hữu tính (présence ontique). Hiện diện thực thể rồi sẽ được giải thích thêm bằng khái niệm Conversio và Transformatio, tức Biến đổi.

Vào thời trung cổ, niềm tin bị chao đảo giũa hai luồng học thuyết cực đoan: một đằng giải thích thực diện một cách thô thiển, vật chất; đằng kia lại quá thiêng liêng, kiểu như nghĩa bóng vậy. Tiêu biểu về loại này có Bérenger vào thế kỷ XI. Thần học kinh viện (théologie scholastique, thần học nhà trường) với việc khám phá Aristote và Mười phạm trù của ông, đã đưa ra một khái niệm mới: Trans-substantiatio, Biến thể hay chuyển đổi bản thể, để đưa vấn đề sang lãnh vực thuần túy siêu hình, và giải thích tại sao vẫn còn bề ngoài (tùy thể) của bánh rượu, mà bên trong và nền tảng đã là Mình Máu Chúa Yêsu.

Tiếng Substantia này, người ta dùng để dịch tiếng Ousia của Aristote theo ý nghĩa thứ nhất: cái chủ thể hay nền tảng (hupokeimenon) nó đón nhận cái Ousia theo ý nghĩa thứ hai là yếu tính, cũng như đón nhận các thuộc thể tùy phụ. Khái niệm Chuyển đổi bản thể, một sáng tạo thời đó để giải quyết nhiều khó khăn và đưa thực diện thoát ra khỏi cách hiểu thuần hình lý (physique); nhưng theo Peter Eicher trong Dictionnaire de Théologie, nó cũng “tạo ra nhiều vấn đề; những vấn đề này phát sinh không từ thực tại tính của mầu nhiệm đức tin, nhưng từ một hệ thống triết học nào đó” (tr. 215a).

Sau thánh Tôma, sự phân ly hình lý với siêu hình lý không được giữ vững nữa, và sự chống đối khái niệm Biến thể của khối Tin lành khiến công đồng Trentô càng kiên giữ khái niệm đó của thánh Tôma. Gần đây, giáo phái Luther đã chính thức xích lại với Công giáo khi họ nhìn nhận rằng, trong lễ Tạ Ơn, Chúa Yêsu quả có mặt “vere et substantialiter” (thật sự và bằng bản thể) bên dưới hình thức bánh và rượu (CA 10; Ap 10). Như thế hẳn đã đủ. Vì hẳn đây là điều mà Kytô-hữu từ muôn xưa vẫn tin, mà huấn quyền có ý nhắm dù trong khái niệm Biến thể.

Ngày nay, khoa vật lý mới cho ta thấy tính mờ nhạt và chồng chéo nhau của các bản thể khoáng chất. Biết đâu vì thế mà Chúa Yêsu đã chọn bánh rượu thay vì sinh vật, nơi mà bản thể tính hay cá thể tính đã rõ và vững rồi. Vả lại, con người vinh phúc của Chúa có còn là bản thể như mọi bản thể tự nhiên khác hay không, hay phải được quan niệm như một siêu bản thể? Theo K. Rahner, những phạm trù của một triết lý chỉ giúp hiểu phần nào các mầu nhiệm của đạo thôi. Và chính công đồng Trentô cũng nhìn nhận: “từ ngữ của chúng ta chỉ diễn đạt được phần nào” về “hiện diện huyền tích của Chúa trong lễ Tạ Ơn” (DS 1636).

Ngoài ra, quá nhấn vào Hiện diện và quá khách quan hóa Hiện diện đó, chúng ta dễ rơi vào một quan niệm tĩnh (static) về lễ Tạ Ơn,[5] cũng tĩnh như khi trong cầu nguyện, lắm người thờ kính Thánh Thể ngoài thánh lễ mà không quy hướng về thánh lễ. Thánh lễ ấy là một hành vi về phía chúng ta: tưởng niệm (anamnêsis) và hiệp thông (koinô­nia). Và một hành động về phía Chúa: tự hiến tế mình và tự hiến thân làm thức ăn nuôi dưỡng. Tự hóa bánh thành mình như thế, Ngài đang biến đổi ta trong Ngài, đồng thời biến đổi cả thế giới, về hướng cánh chung.[6]

Thêm vào đấy, tiếp theo thần học gia Tin lành F. Leen­hardt, Schoonenberg đưa vô Thực diện một cái nhìn sinh động hơn nữa: Chính tương quan và ý nghĩa làm phát sinh sự Thực diện này. Tương quan và ý nghĩa mà làm nên hiện hữu ư? Thì những khám phá vật lý mới cũng cho thấy như thế đó. Thực tại thiên hình vạn trạng của thế giới mà ta thấy hôm nay chỉ là do hơn trăm nguyên tử giao đan với nhau (bằng những cách giao đan khác nhau) mà làm nên tất cả. Và nền tảng hơn nữa, do sự giao đan của vài chục hạt cơ bản, nặng hadron và nhẹ lepton. Và điều này, các triết gia cổ đại như trong Sâmïkhya đã thoáng thấy: mọi thực tại vật chất chỉ từ ba phẩm chất (tri-gunïa): âm (ta­mas), dương (sattva), lực (rajas) chúng liên kết trong những tỷ lệ khác nhau mà thành. Hay như trong Kinh Dịch với học thuyết âm dương và tám quẻ.

Vậy theo Schoonenberg, bởi lẽ tương quan quyết định hiện hữu, nên dù bản thể cũng không phải là cái vững mãi nơi mình. Mỗi biến cố hay sự vật đều ngỏ cửa sẵn cho những tương quan định ý (de signification) mới, mà qua đó chúng được biệt định lại, và thế là có Biến thể. Vâng, không phải chỉ có Biến ý (trans-signification) suông trong thánh lễ, mà cùng với Biến ý cũng diễn ra một Biến thể nữa,[7] khi mà bữa ăn Chúa mời dự đã nên “dấu hiệu hữu hiệu” của hiệp thông với Chúa và hiệp thông với nhau. Sự trao ban bánh rượu trong một tương quan hoàn toàn mới như thế, đã chuyển sang một ý nghĩa mới cùng với chức năng mới của ký hiệu, nhờ đó diễn ra trong pháp lực Thánh Thần một chuyển biến tận gốc (substantialiter).[8]

QUAN NIỆM VỀ THỜI GIAN VÀ VĨNH CỬU

Không một ý tưởng nào xuất hiện mà không có một ảnh tượng tâm lý nâng đỡ. Và không một cái gì được hình dung mà không cùng với vị trí của nó trong không gian và thời gian. Không gian và thời gian, đó là hai mô thức (form), khuôn thước cần thiết thuộc cảm năng (sensibility). Chúng có tên trong danh sách Mười phạm trù (kategorias) của Aristoteles. Chúng được E. Kant gọi là hai ý niệm (concept) của cảm năng.

Không gian và thời gian được con người hình dung thế nào? Không gian được hình dung như một thứ hộp rỗng, tĩnh, mà thành hộp lùi xa đến vô tận. Trong cái khoảng không rỗng, tĩnh và cố định ấy, mỗi sự vật đến chiếm một vị trí và trương độ (étendue, extension) nhất định. Còn thời gian là đường thẳng một chiều, kéo dài đến vô tận cả về quá khứ lẫn tương lai. Ðể rồi mỗi hiện tượng sẽ ghi dấu của nó ở điểm không bề dày là hiện tại, và xuôi dòng bó buộc về phía sau. Vâng, con đường một chiều ấy là không thể lật ngược đối với đầu óc chúng ta. Nghĩa là không ai quan niệm nổi một thời gian chạy ngược.

Không gian và thời gian kiểu ấy được gọi là Không gian tuyệt đối (absolute, absolu) và Thời gian tuyệt dối. Tuyệt đối, nghĩa là không tùy thuộc (tương đối với) bất cứ gì.

Thế nhưng khoa vật lý lượng tử, hạt cơ bản và thiên văn đã đánh bật cái nhãn Tuyệt đối ấy để thay bằng nhãn Tương đối. Tương đối, nghĩa là Tùy: tùy quan sát viên và tùy vận tốc.

Chúng ta hãy bắt đầu với thời gian. Thời gian ấy được tính lại theo công thức của Einstein.

Như thế, khi vận tốc v của anh và tôi quá nhỏ so với vận tốc c của ánh sáng, thì thời gian t của anh và tôi coi như thời gian chung, bởi lẽ chúng bằng nhau. Chứ nếu tôi di chuyển quá nhanh (trên một phi thuyền siêu tốc chẳng hạn), thì khi trở về tôi chưa đọc xong tờ báo đã thấy anh già đi cả mấy năm. Vâng, thời gian không phải bên ngoài những biến đổi của mỗi thực tại. Nó không có hiện hữu riêng, bên ngoài những biến đổi ấy.

Tuy khám phá được tính tương đối của thời gian, các nhà khoa học vẫn tưởng như thời gian là một thực thể, giống con sông, để người ta ngược dòng bằng cách vượt qua tốc độ ánh sáng. Các phim như Star trek đã “viễn tưởng” điều ấy. Ðạt tốc độ siêu ánh sáng ư? Ðó là điều có thể, trước hết nhờ “Hiệu ứng đường hầm,” theo đó thì khi một nắm hạt cơ bản được phóng xuyên một vật thể, một số (rất ít) hạt thực sự xuyên như qua một đường hầm, và khi ấy vận tốc của chúng vượt ngưỡng (cửa) ánh sáng. Có điều đây là hạt cơ bản, và chỉ một số hạt thôi, chứ không phải con người anh để anh ngược dòng (thời gian). Và cũng thế đối với trường hợp các “lỗ đen,” mà khi đến gần, dù ánh sáng cũng bị hút vô vớt tốc độ siêu ánh sáng (khiến lỗ thành đen vì không có ánh sáng từ đó tới được chúng ta). Vâng, nếu muốn chui qua lỗ đen bằng phi thuyền, thì dù cho phân tử, nguyên tử cũng tan rã, nói chi phi thuyền với những ai đi trên đó.

Giả như mai ngày anh đủ kỹ thuật để vượt an toàn ngưỡng ánh sáng, hỏi dòng thời (gian) có để anh bơi ngược hay không? Bơi ngược, có nghĩa là đang già hóa trẻ, sắp chết thành mới sinh ra. Ừ thế cũng được đi, chứ con mà sinh trước bố, cháu đẻ trước ông bà, thì ôi thôi! Nói gì thì nói, liệu có hợp lý khi hiệu quả đi trước nguyên nhân hay không, nghĩa là cứ ăn trái đi, rồi sau mới trồng cây ăn trái?

Phản chứng minh rõ nhất có thể tìm thấy ở giây phút liền sau tiếng nổ Bigbang, lúc mà sóng và hạt bung ra với tốc độ siêu siêu quang, khiến ánh sáng hôm nay chỉ còn là hóa thạch (fossile), không tăng vận tốc nghĩa là không còn sức. Vâng, với tốc độ siêu siêu quang ấy, sóng và hạt hẳn phải siêu siêu giật lùi, về phía bắt đầu, nghĩa là về phía… không có gì cả, chứ tiếp tục tiến hóa về phía các con người muốn ngược dòng hôm nay sao được. Phản chứng minh tiếp theo là ở chính ánh sáng. Theo đúng công thức Einstein, thì chính ánh sáng, bởi di chuyển bằng tốc độ ánh sáng, sẽ khiến thời gian di chuyển bị triệt tiêu. Thế có nghĩa là ánh sáng không mất một giây nào để đi bất cứ đoạn đường nào, điều ấy mâu thuẫn với hằng số: 300.000 km/giây tốc độ của nó. Và cũng thế khi anh di chuyển với tốc độ ánh sáng, anh sẽ đồng thời có mặt ở cả điểm tới lẫn điểm ra đi, do đó có mặt ở mọi nơi nếu anh muốn. Mà như thế, thì từ trái đất xuất phát, anh vẫn ở nguyên trên trái đất bên cạnh những người thân không đi: anh thì yên đấy, còn người thân lại cứ đổi thay và di chuyển, kết cuộc thì chính họ đi, chứ anh không đi.

Những nghịch lý nêu trên khiến phải nhận ra rằng, nếu vũ trụ vĩ mô của Einstein đẩy các công thức vật lý cũ xuống thành trường hợp đặc biệt cho mấy công thức của ông,[9] thì công thức của ông vốn dựa vào những định đề, như tốc độ ánh sáng là tuyệt đối và giới hạn, cũng không còn đứng vững khi tốc độ đạt tới ngưỡng (seuil) hay vượt ngưỡng đó, để trở thành trường hợp đặc biệt của những công thức bao quát hơn.

***

Việc tìm hiểu và phân tích thời gian tương đối của Einstein rất hữu ích để giúp ta thoát ra khỏi cái quan niệm thâm căn cố đế về thời gian. Thật ra, thì thời gian dù tương đối cũng chẳng có, khi mà chẳng có thời gian như một thực thể riêng biệt, thậm chí như một bản thể. Cái có thực chỉ là từng con người và từng sự vật cùng với những biến đổi liên tục của chúng. Biến đổi, đó là có gì đó đang mất đi, và có gì đó đang hiển định. Nghĩa là chỉ có Ðang được kêu là Hiện tại, Không còn bị xếp vô ngăn quá khứ, Chưa có đặt vô nhóm Tương lai. Với quá khứ tồn tại đây bằng hậu quả và kỷ niệm, với tương lai đã có đây trong ý định, sắp đặt hay nguyên nhân. Tất cả chỉ có thế, nghĩa là có nền tảng cho ý niệm thời gian ở thực tại, chứ chính thời gian thì không, không cho thời gian tuyệt đối của vật lý cũ, không cho cả thời gian tương đối của Einstein. Còn ý niệm tiên nghiệm (a priori, transcendantal) Thời gian của Kant? Không có ý niệm hay khuôn khổ sẵn có của cảm năng tự nhiên đâu, chắc thế. Nghĩa là do bản tính xác-thần quy nhất, mà con người có sẵn trong cảm năng một khả năng, để với kinh nghiệm ngàn vạn đời tích góp, nó hình thành cho mình một ý niệm, ý niệm về một thời gian tuyệt đối như ta có hôm nay. Và như thế, Thời gian là vấn đề thuộc văn hóa hơn bản tính.

Nắm được Thời gian như thế rồi, ta sẽ hiểu dễ hơn Vĩnh cửu. Vĩnh cửu không phải Thời gian, cũng chẳng Không-thời gian, bởi lẽ với định nghĩa như thế, ta đã dựa vào thời gian để hiểu và đo lường Vĩnh cửu. Ngay những từ Vĩnh và Cửu cũng nói lên điều ấy. Nếu thời gian chẳng qua là Biến đổi, thì Vĩnh cửu thực ra chỉ là bên trên những biến đổi, thế thôi. Bên trên nbững biến đổi cũng không thể hiểu là Tĩnh hay một Hiện tại kéo dài được. Vâng, tích cực đó là gì, thì sao ta hiểu nổi, huống nữa hình dung.

Nằm giữa vĩnh cửu và thời gian, còn ý niệm Huyền nhiệm (mystique). Là huyền nhiệm, cái vừa ở trong thời gian vừa vượt trên thời gian. Như Thập giá vừa là biến cố lịch sử, vừa không chấm hết với quá khứ, để thành hiện tại trong thời gian bất cứ đâu và lúc nào có người “làm cái này mà tưởng nhớ Thầy” thích hợp. Nhờ khoa học mà thoát ra khỏi thời gian ở chỗ nó là thực thể và thực thể chung, ta dễ hiểu hơn cái đang có đó cũng là cái đã có rồi.

QUAN NIỆM VỀ KHÔNG GIAN VỚI TOÀN TẠI

Cũng như thời gian, không gian Euclide và Newton là tuyệt đối, một ý niệm trừu tượng nhưng với nền tảng nào đó ở thực tại. Không gian Einstein trái lại, là không gian hình cầu và đóng kín, không phải ba chiều nhưng bốn, và đó là liên khối không-thời gian (space-time continuum). Do đó không có đường thẳng thật, và mọi chiều kích đều biến đổi với vận tốc, chứ chẳng gì cố định và xác định cả.

Như thế, cũng như thời gian, không gian không phải là một thực thể riêng. Nó là một với trương độ và vị trí của mỗi vật, mà cả hai đều tương đối hết. Và nếu thời gian nói lên đổi thay, thì không gian lại làm nên bởi nhiều đơn vị; do đó cả hai đều diễn tả cái mặt phức đa và số lượng của vật chất, ít là vật chất dưới bộ mặt phức đa và số lượng của nó. Cho nên, dưới bộ mặt đơn nhất của nó nếu có như K. Rahner nghĩ, thì không gian và thời gian cũng tiêu luôn. Ðây hẳn là trường hợp của Trời mới đất mới. Và ở đây không còn thay đổi, cũng chẳng có bên dưới bên trên tuy rằng người ta vẫn nói lên Trời và xuống Ðịa ngục. Thật thế, ngay cả một số trí giả vô tín cũng rêu rao: Hỏa tiễn lên trời rồi, mà Thiên chúa chẳng thấy đâu. Thật ra, Trời của tôi đâu phải một không gian, Trời của tôi là Thiên Chúa Ba Ngôi đó.

Còn tính Toàn tại của Thiên Chúa? Thiên Chúa toàn tại không phải Ngài ở khắp mọi nơi, cũng như Thiên Chúa hằng cửu không hề thuộc mọi thời. Ngài có mặt với mỗi cái và tất cả từ điểm quy nhất của thế giới. Ngài có mặt như nguồn và đích của mọi hiện hữu, như Chúa của mọi thụ tạo. Với tạo thế, Ngài cho tất cả “hiện hữu và sống động trong (Ngài),” nhưng vẫn ngoài nội tâm của Ngài. Nội tâm ấy, với mầu nhiệm Ba Ngôi, chỉ những con người được tái tạo siêu nhiên mới được gọi vô để chia sẻ.


[1] Tác giả là học giả chuyên nghiên cứu về các luồng tư tưởng Phương Ðông, đã từng làm giáo sư triết Ấn, và là nguyên chủ bút tạp chí Phương Ðông. HTTH đã nhiều lần giới thiệu các bài viết của tác giả, như bài “Một nguyên tắc tu thân: Con đường nước” số 11 (1994) 65-88, hoặc thiên khảo luận “Hội nhập văn hóa và tầng tâm hệ VN” số 16 (1996) 43-110.

[2] Ecrits théologiques 3, tt.113-121.

[3] Ibidem, tr. 121.

[4] Phải chăng vì những khó khăn đó mà Vatican II đã tránh tiếng Biến thể.

[5] Sacramentum Mundi II, tr. 260a: “…the bodily person of Jesus is present in the supper, not however in a static manner of being a thing…” (Johannes Betz).

[6] Xin xem thêm Dict. de théologie, tt. 216a, 214a, 213a.

[7] Rõ ràng Schoonenberg không cùng phe với những người chủ trương chỉ có Biến ý hay Biến đích, nghĩa là chỉ có Hiện diện theo nghĩa bóng thôi.

[8] Xin xem Dict. de théologie, tr. 216b.

[9] Như thời gian của chúng ta trên mặt đất, với di chuyển tương đối chậm, thì t nào cũng bằng t0, t thành thời gian chung cho tất cả, thời gian này là trường hợp đặc biệt (khi v quá nhỏ so với c) của t tính theo công thức Einstein.