Hợp Tuyển Thần Học

Khái Niệm Công Bình Trong Thần Học: Khái Quát, Vấn Nạn Và Suy Tư

Khái Niệm Công Bình Trong Thần Học: Khái Quát, Vấn Nạn Và Suy Tư

Mục Lục

Công bình là một đề tài ít sôi nổi nhưng khá rộng trong thần học. Tuỳ vào lãnh vực và bối cảnh, mà các bàn luận thần học có thể đi theo nhiều hướng khác nhau khi nói về công bình, từ luân lý cá nhân, luân lý xã hội đến phẩm tính của Thiên Chúa. Bài viết ngắn này sẽ đề cập khái quát đến các hướng khai triển đó, sau đó đề cập đến một vấn nạn có liên quan đến mối tương quan giữa sự công bình của Thiên Chúa và lòng thương xót của Ngài. Cuối cùng bài viết kết thúc bằng một số suy nghĩ có tính thời sự và mục vụ về việc thực thi công bình trong đời sống hiện tại của Giáo Hội và xã hội Việt Nam.

Khái quát về khái niệm công bình trong thần học

Khi nói về công bình, thường các từ điển thần học phân biệt hai lãnh vực khác nhau: a) sự công bình giữa người với người thuộc lãnh vực của thần học luân lý; b) sự công bình nơi Thiên Chúa thuộc lãnh vực của thần học tín lý và gần đây là của thần học Thánh Kinh.

a) Khi bàn về sự công bình của con người, thần học luân lý truyền thống thường vẫn sử dụng định nghĩa (“công bình là trao cho mỗi người điều thuộc về họ, hay điều họ đáng được hưởng”) và sự phân biệt trong triết học giữa các hình thức khác nhau của công bình (giao hoán, phân phối, v.v.). Tuy nhiên, luân lý Kitô giáo đặt những diễn tả triết học đó trên nền tảng của đức tin, làm cho chúng có lý do và động lực thần học: Kitô giáo cho rằng con người cần đối xử công bình với nhau vì xác tín rằng con người là đáng giá đối với Thiên Chúa, được Ngài yêu thương nâng niu cách cá vị, được đi vào tương quan Giao Ước với Ngài và được Ngài cứu thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lối sống và hành xử công bình đơn giản là lối sống phù hợp với Giao Ước, là biểu hiện của sự tôn trọng phẩm giá cao quý ấy của con người, cũng như là biểu hiện của lòng biết ơn trước ân sủng vô biên ấy. Như thế, nguyên lý và động lực quan trọng của đời sống công bằng trong xã hội là lòng biết ơn trước ân sủng vô biên được Thiên Chúa yêu thương cứu độ. Có một sự đan quyện mật thiết và hài hoà giữa công bình và yêu thương, vốn phát xuất ngay từ trong phẩm tính của Thiên Chúa, nay được thể hiện và nối dài ra trong đời sống xã hội của con người.

Luân lý Kitô giáo cũng phân biệt những cách thức hành xử công bình như là những phương thế có tính cơ chế thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn đó. Những cách thức này thường được gọi là ba loại hay ba hình thức của công bình: giao hoán, phân phối và xã hội[1].

Công bình giao hoán đòi hỏi việc điều hoà mối tương quan giữa các cá nhân hay các nhóm với nhau. Một số ví dụ điển hình trong lãnh vực kinh tế, thương mại (phản ánh tương quan chủ-chủ, hay chủ-thợ; bảo đảm sự cân bằng hợp lý trong hoạt động mua bán hay trao đổi hàng hoá): luật chống độc quyền, chống phá giá giữa các công ty, luật chống đầu cơ, nâng giá sản phẩm, luật bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ quyền công nhân, v.v.

Công bình phân phối đòi hỏi việc phân phối các tài nguyên xã hội cho cân bằng hợp lý, vừa phải bình đẳng nhưng cũng vừa phải xét những khác biệt giữa người với người (Ví dụ: trong bữa cơm gia đình, sự bình đẳng không có nghĩa là già trẻ lớn bé ai cũng được ăn hay phải ăn cùng số lượng chén cơm và thức ăn giống y chang nhau). Việc phân phối tài nguyên hợp lý đòi hỏi những tính toán rất phức tạp dựa trên nhiều mặt: sự đóng góp, giá trị hay sự xứng đáng và nhu cầu của từng người đối với xã hội.

Công bình xã hội là khái niệm mới nổi lên (khoảng năm 1931) trong học thuyết xã hội của Giáo Hội, khi Giáo Hội bớt chú ý đến các tính toán số học dựa trên đóng góp, giá trị và nhu cầu của từng người, nhưng nhấn mạnh nhiều hơn đến nhu cầu và quyền tư hữu của công nhân. Khái niệm này đòi hỏi sự nhìn nhận rằng xã hội và cá nhân có bổn phận qua lại lẫn nhau: cá nhân có bổn phận đóng góp cho xã hội bằng cách tham gia vào đời sống xã hội; và xã hội có bổn phận thiết chế sao cho cá nhân có thể tham dự vào đời sống xã hội tích cực nhất.

b) Khi bàn về sự công bình nơi Thiên Chúa, thần học tìm cách giải trình, dựa vào các dữ kiện của Thánh Kinh, Thiên Chúa công bình có nghĩa là gì. Ý nghĩa phong phú của sự công bình của Thiên Chúa được thể hiện qua việc nhiều từ được dùng để dịch những nghĩa khác nhau của cùng một gốc từ trong ngôn ngữ của Thánh Kinh (sedeq/ sedaqa theo tiếng Hipri và dikaiosune theo tiếng Hy Lạp). Trong tiếng Việt, các từ “sự công minh”, “sự chính trực”, “sự công bình”, “công lý”, “sự công chính”, v.[2] đều là dịch từ gốc từ ấy, và vì thế, chỉ là những biến thể khác nhau của sự công bình của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự công bình của Thiên Chúa có thể nói là bao gồm hai khía cạnh chính: yêu thương và công thẳng. Thiên Chúa công bình hay công chính khi Ngài yêu thương cứu độ con người tới cùng như đã hứa trong Giao Ước, cũng như khi Ngài xét xử để thưởng kẻ lành phạt kẻ dữ[3]. Như vậy, khi xét mối tương quan giữa sự công bình của Thiên Chúa với lòng thương xót của Ngài – vốn là một đề tài lớn và phổ biến trong thần học – chúng ta có thể nói rằng lòng thương xót là một nghĩa được bao hàm trong trường ý nghĩa của sự công bình. Sự công bình của Thiên Chúa không chỉ không mâu thuẫn mà còn giả định lòng thương xót của Ngài.

Khi nói về khía cạnh yêu thương cứu độ của sự công bình của Thiên Chúa, các tác giả D.M. Crossan và T.G. Weinandy[4] cho rằng sẽ không phù hợp với Thánh Kinh nếu chúng ta nghĩ rằng Thiên Chúa công bình theo nghĩa thông thường của công lý toà án (với những cơ chế của hình phạt, đền bù, bồi thường, v.v.) hay của sự công bình trong tương quan giữa người với người trong xã hội (công bình phân phối, công bình giao hoán, v.v.).

Cả Cựu Ước lẫn Tân Ước đều dùng từ sedeq hay dikaiosune song song và như đồng nghĩa với từ ngữ diễn tả sự trung thành của Thiên Chúa trong Giao Ước và trong việc cứu độ (X. Tv 97; Tv 98,2-3; Đnl 32,4; Rm 1,17; 3,5.21-22.25-26; 10,3).

Albert Descamps cũng cho rằng trong Thánh Kinh, sự công bình của Thiên Chúa là biểu hiện của lòng thương xót của Ngài cũng như sự thuỷ chung của Ngài trong việc cứu độ con người[5].

Tuy nhiên, khi bàn đến khía cạnh công thẳng của sự công bình của Thiên Chúa, vấn nạn đặt ra là chúng ta cần hiểu thế nào về một Thiên Chúa công thẳng. Liệu Ngài có phạt chăng? Hình phạt có ý nghĩa gì trong chương trình cứu độ của một Thiên Chúa yêu thương đến cùng và vô điều kiện? Vấn nạn này dẫn ta đến phần thứ hai của bài viết.

Vấn nạn về sự công thẳng của Thiên Chúa

Trong Năm Thánh vừa qua, chúng ta đã nói và viết nhiều về lòng thương xót của Thiên Chúa. Một trong những điều cần nhấn mạnh là lòng thương xót của Thiên Chúa không đối nghịch nhưng luôn giả định và hàm chứa sự Công Bình của Ngài. Thiếu ý thức về điều đó sẽ dẫn đến việc hiểu sai về lòng thương xót, đặc biệt trong mối tương quan với tội và tội nhân, làm nảy sinh những vấn nạn như: Liệu khi nói về Thiên Chúa như Đấng hay xót thương tội nhân chúng ta có đang cổ võ cho một thái độ ỷ lại và lạm dụng sự tha thứ (mà chúng ta cho rằng) quá dễ dãi của Ngài chăng? Liệu có cần phải quan niệm hay rao giảng về phán xét hay hình phạt chăng?

Hiểu thiên lệch như thế về lòng thương xót không chỉ gây những vấn nạn nhất thời về mặt luân lý và mục vụ, mà còn đặt ra những vấn đề thần học mang tính lâu dài hơn liên quan đến những chân lý khác của đức tin Kitô giáo. Chẳng hạn, người ta sẽ không còn thấy ý nghĩa thần học của Thập Giá nữa, bởi khó có thể hiểu được sự tàn khốc đó lại là kế hoạch của một Thiên Chúa “hay mủi lòng” và khó có thể “dằn mình” trước những đau khổ của con người. Nếu Thiên Chúa hay xót thương (theo cách cảm tính và “uỷ mị” như thế) thì sao Ngài không “tha bổng” hoặc cứu con người cách nào đó mà không nhất thiết phải để cho Đức Kitô chịu như thế. Mà nếu Thập Giá không phải là một phần trong nhiệm cục cứu độ hay trong kế hoạch Thiên Chúa cứu độ thì biến cố đó thuần tuý chỉ là hậu quả do con người tội lỗi gây nên, một tai nạn cho Đức Kitô, và vì thế, chẳng có giá trị cứu độ. Tương tự, tín điều Giáo Hội công bố về thực tại và sự vĩnh cửu của Hoả Ngục[6] cũng không thể hiểu được nếu nơi Thiên Chúa chỉ có lòng xót thương mà không có công bình.

Hồng Y thần học gia Hans Urs von Balthasar đã nêu bật chiều kích công bình của tình yêu Thiên Chúa khi cho rằng lịch sử cứu độ và lịch sử mặc khải là (và có thể được kể lại như là) một tấn kịch trong đó diễn ra phiên xử án giữa Thiên Chúa và con người. Ngôn ngữ và hình ảnh toà án trong thần học bàn về sự cứu độ thường được cho là khởi đầu với thánh Anselmo và đã lỗi thời, nếu không muốn nói là sai lạc vì khách quan hoá thái quá thực tại cứu độ và giảm nhẹ vai trò của chủ thể tính trong tương quan với thực tại đó. Tuy nhiên, cùng với học giả Thánh Kinh Markus Barth (khi ông phân tích chiều kích pháp lý của khái niệm công chính hoá của thánh Phaolô), thần học gia Balthasar cho rằng:

Khi các biến cố ân sủng diễn ra, rõ ràng chúng mang một cấu tố có tính pháp lý. Điều này phù hợp với bản tính thần linh của Thiên Chúa và trách nhiệm của con người, vốn được xem là xứng đáng đi vào Giao Ước với Thiên Chúa. Cấu tố pháp lý chiếm một vị trí vững chắc và hợp lệ trong tấn kịch thần linh và diễn tả thần học của tấn kịch đó. Không một thần học nào phải bị dán nhãn là không phù hợp với Thánh Kinh hay kém tính thiêng liêng chỉ vì thần học đó sử dụng các phạm trù pháp lý.[7]

Đây chính là luật của ân sủng được ghi dấu trong Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người: khi con người tội lỗi vi phạm lề luật thì họ kéo cơn thịnh nộ của Thiên Chúa xuống như là phán quyết trên họ. Học giả Markus Barth cho rằng “cơn giận của Thiên Chúa là sức nóng của tình yêu của Ngài”[8]. Trong lịch sử cứu độ, sự phán xét của Thiên Chúa luôn bao hàm hai mặt tiêu diệt và thiết lập, chúc dữ và chúc lành; cái này theo sau cái kia; cái trước xảy ra để dẫn đến cái sau[9].

Thần học gia Balthasar thì cho rằng Thiên Chúa đưa ra phiên toà xử án chống lại dân đã được tuyển chọn mà bất trung. Sự phán xét này luôn được các ngôn sứ loan báo và diễn ra cách đỉnh điểm nơi cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô Giêsu. Tương tự, cũng với hình ảnh toà án, Markus Barth cho rằng, theo thánh Phaolô và dựa trên các ngôn sứ, chương trình cứu độ (cụ thể là công chính hoá) có thể được diễn tả như một tấn kịch gồm năm màn[10]: (1) Thiên Chúa phán xét và trút cơn thịnh nộ mà không con người nào thoát được (mà nếu thế thì Thiên Chúa sẽ thất bại trong công trình sáng tạo của Ngài; Ngài tạo nên con người để bị diệt vong sao?); (2) nên Thiên Chúa đã gởi Con của Ngài xuống như luật sư bào chữa cho con người tội lỗi; Ngài (với tư cách là Con của Thiên Chúa và đại diện của loài người) đã chịu sự công bình của luật giao ước trong tình yêu và vâng phục; như thế phiên toà xử án bây giờ được mang vào trong chính Thiên Chúa, diễn ra giữa Ngài và chính Ngài; (3) Đức Kitô phục sinh, chuyện lạ lùng không ai có thể ngờ tới đã diễn ra, đưa phiên xử sang một bước ngoặt mới; Ngài hoàn thành việc bào chữa cho tội nhân; (4) Thần Khí được ban xuống, cho con người tham gia vào đời sống của Con Thiên Chúa, hiện tại hoá biến cố phiên toà (đã xảy ra nơi Đức Kitô) nơi cuộc đời chính mình; (5) ơn cứu độ tỏ tường sẽ được thể hiện trong ngày phán xét cuối cùng.

Như vậy, cả hai tác giả đều cho rằng lịch sử cứu độ thể hiện điều mà thánh Tôma Aquinô đã suy tư rất chí lý: “Vì thế, rõ ràng là lòng thương xót không phá vỡ sự công bình, nhưng theo một nghĩa nào đó, là sự tròn đầy của công bình”[11]. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa không xoá bỏ hay miễn trừ phán xét và luận phạt cho con người. Tuy nhiên, sự luận phạt này lại được thực hiện trong bối cảnh và với cách thức của lòng thương xót: chính Thiên Chúa đã mang lấy sự phán xét và luận phạt để thực hiện và đưa con người vào trong tiến trình của sự tha thứ và giải thoát.

Một số suy nghĩ và liên hệ thực tế

Hoạt động của Giáo Hội cho công bình

Việc xem công bình như là một chủ đề lớn trong thần học luân lý, cũng như việc phổ biến học thuyết xã hội gần đây cho thấy Giáo Hội, trong khi hướng về Nước Trời, không hề lơ là mà rất mực quan tâm và hết sức dấn thân vào việc xây dựng thế giới hiện tại cho tốt đẹp hơn. Cộng đoàn của những người được Thiên Chúa yêu thương cứu độ không chỉ có tương quan với Đấng Siêu Việt, mà còn với anh chị em đồng loại. Giao ước giữa Thiên Chúa và con người được thể hiện và kéo dài trong mối tương quan giữa người với người.

Tuy nhiên, việc dấn thân này mang một nét rất đặc thù, bởi phát xuất từ một động lực có tính thần linh. Hiểu được động lực thần học của công bình xã hội sẽ giúp chúng ta hiểu được lý do và các cách thức mà Giáo hội tham gia xây dựng một đời sống xã hội công bình hơn. Việc tham gia này không nhắm tạo áp lực cho các đảng phái chính trị hay nhà cầm quyền, cũng không nhằm tạo ảnh hưởng qua việc tìm cách định hướng đời sống xã hội theo ý mình, nhưng chỉ có một động lực duy nhất là lệnh truyền và gương mẫu của Thiên Chúa, Đấng đã làm đủ mọi cách để yêu thương và cứu độ con người với tư cách là những nhân vị, để họ sống và sống dồi dào. Cách thức mà Giáo Hội đấu tranh cho công bình cũng vì thế mà mang một dấu ấn đặc thù: vì tình yêu và với sự tôn trọng chứ không vì hận thù hay ghen tương như thường diễn ra trong các cuộc đấu tranh giai cấp hay đấu tranh giữa các nhóm lợi ích. Sự công bình mà Giáo Hội nhắm đến cũng không phải là sự “cào bằng” máy móc và vô nhân, nhưng gắn liền với phẩm giá, lợi ích và nhu cầu của từng cá nhân. Sự công bình này cũng không chỉ mang khía cạnh vật chất và còn có khía cạnh văn hoá, tinh thần nữa, tức những giá trị làm nên đời sống toàn bộ của con người.

Các vi phạm về công bình trong xã hội Việt Nam hiện tại

Khi xét hoàn cảnh xã hội thực tế ở Việt Nam ngày nay, chúng ta không thể không thấy những bất cập rất rõ nét liên quan đến những hình thức của công bình.

Trong đời sống hàng ngày, công bình giao hoán chưa thực sự đi vào ý thức trách nhiệm của người dân. Điển hình, hiện tại, ở Việt Nam, ý thức về sự công bình trong mua bán rất yếu, hoặc không có một cơ chế trợ giúp cho ý thức này: thường hay diễn ra tình trạng “ép giá” mua rẻ, bán “cắt cổ”, nhồi hay trộn tạp chất vào hàng hoá để tăng cân, dùng hoá chất độc hại để hàng hoá được tươi đẹp, thi hành dịch vụ qua loa, chăm sóc khách hàng kém, v.v. Những hành vi này không quan tâm đến việc cung ứng hàng hoá sao cho phù hợp với số tiền mà người mua bỏ ra, cũng là chính công lao mồ hôi nước mắt của họ.

Công bình phân phối trong xã hội Việt Nam hiện nay cũng chưa được thực thi thoả đáng. Xã hội đã cố gắng áp dụng một số cơ chế mà bất kỳ xã hội hiện đại nào cũng phải có như trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm y tế xã hội, chính sách trợ giúp người thu nhập thấp, v.v. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo rõ rệt, không chỉ giữa các tầng lớp người dân (lái buôn – người sản xuất; thương gia – nông dân, công nhân) mà còn giữa các khu vực (thành thị – nông thôn), cho thấy sự phân phối các tài nguyên xã hội chưa thực sự công bằng và hợp lý. Tình trạng tham nhũng tràn lan và sâu rộng ở mọi cấp độ dẫn đến việc đầu tư lãng phí, làm thất thoát quỹ chung là những biểu hiện của việc vi phạm nghiêm trọng công bình phân phối.

Công bình xã hội bị vi phạm bởi những quy định pháp lý ngăn cản một số công dân và tổ chức tham gia vào việc xây dựng đời sống xã hội: chỉ những đảng viên Cộng sản mới được lãnh đạo, các tôn giáo không được tham gia vào các hoạt động an sinh xã hội như giáo dục và y tế, v.v. Những điều như thế dẫn đến thói quen nơi người dân chỉ lo mưu sinh và làm giàu cho cá nhân và gia đình, chứ không nghĩ đến việc tích cực tham gia vào xây dựng đời sống chung. Có nhiều câu chuyện trên báo hay trên các mạng xã hội kể rằng ông Tây đi gom rác, làm sạch những bức tường trong khu phố hay đứng ra cản một chiếc xe đi vào phố đi bộ, v.v. trong khi người địa phương dửng dưng như không phải việc của mình. Đó là những minh chứng đơn sơ cho thấy hệ luỵ nghiêm trọng trên tâm thức và thói quen người dân, làm tan rã sự cố kết của đời sống chung, một khi công bình xã hội bị vi phạm.

Thập Giá – điểm hội tụ của công bình và tình yêu

Suy tư cũng như cách đọc hiểu Thánh Kinh của hai tác giả Markus Barth và Hans Urs von Balthasar nêu bật Thập Giá (luôn được nhìn cùng với Phục Sinh như hai mặt của một biến cố) như lời giải thích và bằng chứng cho sự đan quyện diệu kỳ giữa tình yêu thương cứu độ của Thiên Chúa và sự công thẳng của Ngài.

Theo cả hai tác giả, trong khi chương trình cứu độ của Thiên Chúa bao hàm cách thiết yếu chiều kích phán xét và luận phạt, chiều kích này được kết tinh và đạt đỉnh điểm nơi biến cố Thập Giá và Phục Sinh của Đức Kitô – Đấng là Con Thiên Chúa. Nhìn lên Thập Giá, chúng ta thấy được sự phán xét và luận phạt trên tội lỗi nhân loại, điều mà Đức Kitô – Đấng vô tội đã mang lấy trên mình. Nhưng nhìn lên Thập Giá, chúng ta cũng thấy được tình yêu hiến thân của Thiên Chúa và Đức Kitô dành cho nhân loại. Sự công thẳng của Thiên Chúa vẫn được thực thi, nhưng là thực thi giữa các tương quan nội tại (Ba Ngôi) trong chính Hữu Thể của Thiên Chúa và để mang lại kết quả là ơn cứu độ cho con người. Phán xét và luận phạt là để cứu độ: đây là điều mà chỉ Thiên Chúa làm được và chỉ có thể diễn ra nơi Thập Giá của Đức Kitô mà thôi.

Lời giải đáp cho vấn nạn về mối tương quan giữa sự công bình và lòng thương xót của Thiên Chúa không nằm trong những lập luận logic, mà chỉ có thể được tìm thấy nơi Thập Giá của Đức Kitô. Chính nơi đây, chúng ta gặp được Thiên Chúa đến với con người như là một Thiên Chúa công bình, đồng thời cũng như là một Thiên Chúa thương xót.

Chính vì thế mà hoạt động của Giáo Hội cho công bình của thế giới luôn là một hoạt động dưới bóng Thập Giá và theo cách thức của Thập Giá.

Công bình và thương xót trong đời sống Giáo Hội

Trong Tổng hội 36 của Dòng Tên diễn ra vào tháng 10.2016, có một khoảnh khắc đáng nhớ, đó là buổi trình bày “ngoại khoá” (ngoài giờ chính thức làm việc của Tổng hội, vào giờ cơm trưa) của cha giám tỉnh vùng Cận Đông, chia sẻ về hoàn cảnh hiện tại của người dân và các tu sĩ Dòng Tên trong “vùng nóng” nơi chiến tranh đang diễn ra, đặc biệt là ở Syria. Cuộc nói chuyện đã gây xúc động nơi các thính giả tình nguyện và đã có hiệu ứng ngay trong các kỳ họp chính khoá của Tổng hội. Từ một đề nghị bộc phát rằng Tổng hội có thể gởi một bức thư gởi cho các tu sĩ Dòng Tên đang sống và làm việc trong vùng chiến tranh, Tổng hội đã biểu quyết đồng ý thành lập một uỷ ban soạn bức thư.

Sau khi uỷ ban hoàn thành việc phác thảo bản văn, một cuộc họp khoáng đại diễn ra xoay quanh nội dung bức thư đó. Bầu khí diễn ra rất sôi nổi, tập trung và sâu lắng. Đây là một dữ kiện đáng chú ý, đặc biệt khi so sánh với vài cuộc họp khoáng đại, mà nhiều đại biểu cho rằng thiếu sự sâu lắng trong bầu khí và thiếu tập trung trong nội dung thảo luận. Tại sao một đề tài không được dự liệu trước, cũng như không có trong các thỉnh nguyện thư, lại trở thành một đề tài mang ý nghĩa lớn mà cuộc thảo luận về nó là một khoảnh khắc điển hình cho tinh thần và cách thức tiến hành Tổng hội thành công nhất?

Có lẽ bởi vì đây là một khoảnh khắc đã đụng chạm đến con tim hay chỗ sâu nhất của tâm hồn các đại biểu Tổng hội 36 nói riêng và của toàn Dòng Tên thời nay nói chung, một khoảnh khắc của kinh nghiệm Thập Giá trong thế giới ngày nay. Đây là một đề tài vừa phản ánh tôn chỉ của Tổng hội 32: “Phục vụ đức tin và thăng tiến công bình”, vừa đụng chạm đến nỗi đau của nhân loại ngày nay: chiến tranh và bạo lực. Phục vụ công bình vẫn còn đó, nhưng trong bức thư này, điều đó được thực hiện bằng ngôn ngữ của con tim. Tổng hội thể hiện ước vọng chống lại chiến tranh, bạo lực và bất công qua việc diễn tả sự đồng cảm, chia sẻ nỗi đau con người và lời cầu nguyện. Cách thực thi công bình độc đáo này, được gợi hứng bởi Chúa Thánh Thần qua những rung động của con tim của các đại biểu Tổng hội 36, có lẽ là cách thức phù hợp cho thời đại ngày nay, khi Dòng Tên và Giáo Hội nói chung đang cảm thấy mình ngày càng nhỏ bé trước những vấn nạn lớn lao của thế giới.

Một bằng chứng nữa cho sự đan quyện hài hoà và không thể thiếu giữa công bình và tình thương.

Kết luận

Chủ đề là về công bình, nhưng thực chất bài viết xoay quanh điểm nhấn vào sự kết hợp, thậm chí là đồng nhất giữa công bình và lòng thương xót. Quả đúng như thần học Kinh Viện đã khẳng định: không có sự phân biệt nơi Thiên Chúa, nơi Ngài mọi phẩm tính là như nhau và là chính Ngài. Nơi Thiên Chúa, lòng thương xót là công bình và ngược lại. Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất, Đấng vừa yêu thương vừa công thẳng.

Đây chính là nguồn gốc và nguyên lý cho công bình cũng như các hình thức của nó trong xã hội loài người. Ý thức điều này, Giáo Hội dấn thân cho công bình trong xã hội, nhưng luôn với con mắt nhìn sâu vào trong tim sau khi đã ngước cao lên Đấng chịu treo trên Thập Giá vì công bình và vì yêu thương.


 

[1] Phần này dựa trên bài viết của tác giả Todd D. Whitmore, “Justice”, trong Richard P. McBrian (ed.), Encyclopedia of Catholicism (New York: HarperCollins, 1995), 726-727.

[2] Một số ví dụ theo bản dịch của nhóm CGKPV: Tv 65,6 (công minh); 85,11-12.14 (công lý); 97,2.6 (chính trực).11.12 (công chính); 98,2.9 (công chính). Ngoài ra: Tv 51, 21 (luật truyền); 52,5 (sự thật). Về ý nghĩa của các từ tiếng Việt: “Công bình” nói lên việc đối xử bình đẳng, không thiên vị giữa người với người; “công minh” nói lên tính rõ ràng, sáng suốt không thiên tư thiên vị, đặc biệt trong phán quyết; “chính trực” nói lên thái độ và cách hành xử ngay thẳng, đúng đắn, trung thực; “công lý” nói lên sự rõ ràng, công thẳng giữa thưởng và phạt, phù hợp với đạo lý và lợi ích chung; “công chính”, theo ngôn ngữ Công giáo, nói lên tính thánh thiện và cứu độ của sự công bình của Thiên Chúa, vượt trên sự tính toán của công lý nhân loại. Độc giả có thể xem thêm Nguyễn Như Ý (ed.), Đại từ điển Tiếng Việt (Hà Nội: NXB Văn Hoá – Thông Tin, 1998), 454-456.

[3] X. N.T. Wright, “Righteousness”, trong David F. Wright, Sinclair B. Ferguson, J.I. Packer (eds.), New Dictionary of Theology (Downers Grove: InterVarsity Press, 1988), 590-592; Albert Descamps, “Justice”, trong Xavier Léon-Dufour et al. (eds.), Vocabulaire de Théologie Biblique (Paris: Les Éditions du Cerf, 19702), 636-645.

[4] X. “Justice of God. In the Bible”, trong Berard L. Marthaler et al. (eds.), New Catholic Encyclopedia, vol.8 (Detroit: Gale & Catholic University of America, 20032), 70-71.

[5]    Sđd, 643-645.

[6] X. GLHTCG 1035 và chú thích 632.

[7] Phỏng dịch từ Hans Urs von Balthasar, Theo-drama. Theological Dramtic Theory. II: Dramatis Personae: Man in God; dịch giả Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1990), 152.

[8] Markus Barth, Justification, dịch giả A.M. Woodruff III (Oregon: Wipf and Stock, 2006), 25.

[9] X. sđd, 18.

[10] X. sđd.

[11] Summa Theologiae I, q.21, a.3.