James F. Keenan: Nhà Đạo Đức Nhân Đức Học Đương Đại
Trần Như Ý Lan, CND, MD, S.T.D.
Học Viện Dòng Tên Thánh Giuse
[email protected]
Trò chuyện với các nhà đào tạo của chủng viện Milano nhân kỷ niệm 150 năm ra đời của tạp chí Trường học Công giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi họ suy tư về ba khía cạnh của thần học: phục vụ đức tin sống động của Giáo Hội, đào tạo các chuyên gia về lòng nhân đạo và gần gũi, và phục vụ loan báo Tin Mừng[1]. Trong số các nhà thần học luân lý đương đại đáp ứng được cả ba khía cạnh này, tôi nghĩ ngay đến James F. Keenan, S.J., được biết đến trong nhiều châu lục, vị thầy kính yêu đã hướng dẫn tôi viết luận án tiến sĩ thần học luân lý, là người đã ảnh hưởng lớn đến phương pháp suy tư, tư tưởng, và cả lối giảng dạy của tôi. Keenan còn đang sống, thật khó nói hết những đóng góp quan trọng và ảnh hưởng của Keenan đối với nền thần học luân lý. Tuy nhiên, bài viết ngắn này cố gắng nêu vài điểm đóng góp quan trọng của Keenan, và vài ảnh hưởng của Keenan trên suy tư và việc giảng dạy thần học luân lý của tôi trong bối cảnh Việt Nam.
I. Giới Thiệu Con Người và Tác Phẩm
Năm 2019, James F. Keenan nhận được giải thưởng John Courtney Murray, giải thưởng danh giá nhất của Hội thần học Công giáo Hoa Kỳ (Catholic Theological Society of America, CTSA), nhìn nhận thành tựu thần học nổi bật trọn đời. CTSA là Hiệp hội nòng cốt của các thần học gia Công giáo Bắc Mỹ, và là một hội chuyên nghiệp lớn nhất thế giới của các thần học gia.
Keenan, Viện trưởng Đại học Dòng Tên tại Boston College (BC), và đồng-giám đốc của Gabelli Presidential Scholars Program, là một giáo sư được đánh giá cao bởi từ các sinh viên đại học đến các nghiên cứu sinh tiến sĩ. Keenan còn nhận giải thưởng Phi Beta Kappa Teaching, được bầu chọn hằng năm của các sinh viên BC. Keenan giảng dạy các môn luân lý như: Thân xác con người, Các vấn đề đạo đức của HIV/AIDS, Thần học Luân lý nền tảng, Đạo đức nhân đức, Thần học Luân lý Công giáo thế kỷ XX, Tân Ước và đạo đức, Giáo Hội và Đạo đức: Những trường hợp Lịch sử và hiện đại, Đạo đức học của Thomas Aquinas, Thần học Luân lý Công giáo từ thế kỷ XII đến thế kỷ XVIII, Thánh Gioan và Đạo đức nhân đức…[2] Keenan là Cố vấn cho Liên Minh các Tôn giáo Toàn cầu về Vấn đề AIDS từ năm 2000, là người tổ chức nhóm nghiên cứu AIDS, Hội Đạo đức Kitô giáo (1996-2001),[3] và nhiều chức vụ khác[4].
Keenan là một học giả uyên bác, cần cù, tác giả hay đồng tác giả của nhiều sách giá trị, như: Higher Education in a Time of HIV/AIDS: Catholic Ethicists on HIV/AIDS Prevention (2000, nhờ sách này mà Keenan được giải thưởng Alpha Sigma Nu National Book năm 2002 ), Moral Wisdom: Lessons and Texts from the Catholic Tradition (2004, ấn bản thứ hai 2009), Virtues for Ordinary Christians (1996), Paul and Virtue Ethics (đồng tác giả với Daniel Harrington, 2010), Goodness and Rightness in Thomas Aquinas’ Summa Theologiae (1992)… Vài bài viết mang tính học thuật cao như “A Reconciling Work in the AIDS Century”, “HIV/AIDS: The Expanding Ethical Challenge”, “Theological Ethics out of the United States”, và “Ethics After Augustine”. Keenan cũng đóng góp nhiều bài viết cho các sách báo như Commonweal, Church, và America– phần lớn liên quan đến đạo đức hay đạo đức sinh học.[5] Trong10 năm, Keenan là biên tập cho Chuỗi Truyền thống luân lý của Báo chí của Georgetown University, và xuất bản khoảng 50 đề tài. Một số sách mà Keenan là biên tập hoặc cùng biên tập với tác giả khác như: Amoris Laetitia: A New Momentum for Moral Formation and Pastoral Practice (2018); The Bible and Catholic Theological Ethics (2017); A History of Catholic Theological Ethics (2022); Building Bridges in Sarajevo: The Plenary Papers of Sarajevo 2018, (2019); Street Homelessness and Catholic Theological Ethics (2019); The Bible and Catholic Theological Ethics (2017); Doing Catholic Theological Ethics in a Cross Cultural and Interreligious Asian Context, (2016); Shaping the Moral Life: An Approach to Moral Theology (2000); Jesus and Virtue Ethics: Building Bridges between New Testament Studies and Moral Theology (2002)[6]…
II. Phương Pháp Suy Tư Thần Học Luân Lý của James F. Keenan
1. Xây dựng nền luân lý dựa trên nhân đức:
Keenan đã cống hiến đặc biệt về đạo đức Nhân đức (virtue ethics). Trong một số tác phẩm của mình, Keenan điều nghiên nền luân lý dựa trên các câu hỏi căn bản của đạo đức nhân đức: Tôi là ai? Tôi muốn trở thành loại người nào? Làm sao tôi đạt được điều đó? Ý định của Keenan không phải là cung cấp những quy luật nghiêm khắc, nhưng là khơi dậy ý thức khám phá và khuyến khích đối thoại. Các tác phẩm trước hết xem xét khái niệm về đạo đức nhân đức, một phương pháp tiếp cận luân lý nhấn mạnh đến tính cách luân lý.[7] Keenan tập trung vào các nhân đức của đức tin, đức mến, và đức hy vọng như Thánh Phaolô và Thomas Aquinas đã khai triển, và một số nhân đức nhân bản.
Phương pháp tiếp cận của Keenan về nhân đức và tính môn đệ thách thức chúng ta mở ra với tiếng gọi của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta và đáp trả trong tình yêu. Keenan quan niệm con đường của người môn đệ như là một tiến trình tiếp diễn ngang qua đó đời sống chúng ta được biến đổi qua việc phát triển các nhân đức. Tại sao lại là nhân đức? Bởi vì là môn đệ của Đức Giêsu Kitô, mục tiêu của chúng ta là trở nên giống như Ngài và Đức Giêsu là mẫu mực của nhân đức. Với ân sủng mà Đức Kitô ban cho chúng ta, chúng ta cần bước đi trên con đường của người môn đệ khởi đi từ con người hiện tại của chúng ta, trở thành người môn đệ tốt lành mà chúng ta nhắm đến.[8]
2. Kết nối với Kinh Thánh: lắng nghe tiếng Chúa để loan báo Lời Chúa
Trong nhiều năm, nhiều thần học gia luân lý và các nhà chú giải nhìn nhận nhu cầu kết nối khoảng cách giữa chú giải Kinh Thánh và thần học luân lý, nhưng ít người làm công việc này. Trong tác phẩm “Paul and Virtue Ethics”, Daniel Harrington và James F. Keenan đã xây dựng dựa trên hợp tác thành công của họ “Jesus and Virtue Ethics” để thảo luận về các giáo huấn của Thánh Phaolô như là một hướng dẫn để giải thích thần học và đạo đức ngày nay. Harrington và Keenan đã cung cấp một hướng dẫn thật tốt về Thánh Phaolô và đạo đức nhân đức qua tác phẩm của mình. Bằng cách dùng đạo đức nhân đức để đọc Phaolô và bằng cách dùng Phaolô để hiểu đạo đức nhân đức, hai tác giả đã kết nối tuyệt vời Kinh Thánh và luân lý, với sự đối thoại phân định, mà vẫn không làm mất đi nét riêng của từng lãnh vực. Kết thúc cuốn sách với phản tỉnh về các nhân đức (và thói xấu) khác, trong đời sống cá nhân cũng như cộng đồng Kitô hữu, hai tác giả thảo luận nhiều vấn đề khác trong đạo đức xã hội, đạo đức tính dục như các điều này đã được thảo luận trong các thư Thánh Phaolô.[9] Đây là cuốn sách dành cho các sinh viên thần học, và cả các thần học gia, các mục tử, để khai triển xu hướng thần học luân lý trong đạo đức nhân đức. Nó cũng là cuốn sách dành cho những ai muốn sống cách đạo đức thật nghiêm túc, như Chúa Giêsu muốn. Công trình này cung cấp một mẫu mực cho việc khai triển thần học luân lý dưới ánh sáng của Kinh Thánh, đồng thời giải thích Kinh Thánh dưới ánh sáng hiểu biết của thần học luân lý đương thời. (Frank J. Matera, The Andrew-Kelly- Ryan Professor of Biblical Studies, The Catholic University of America). Hai tác giả cũng cung cấp vài ánh sáng về vấn đề ý nghĩa của đức ái, vai trò của Thánh Thể khi xây dựng nhân đức, các vấn đề thực tế của đạo đức xã hội và đạo đức tính dục. (M. Cathleen Kaveny, Darald and Juliet Libby Professor of Law and Theology, Boston College.)
Phương pháp của James F. Keenan có thể mô tả như là revisionist[10]-Thomist.[11] Một phương pháp như vậy phát triển một thần học luân lý bằng cách đan dệt trào lưu nhân vị của triết học đương thời cùng với quan tâm mục vụ, và tập trung vào vai trò chính yếu của nhân vị với đạo đức nhân đức. Keenan khai thác các nhân đức khác và nhiều bối cảnh khác nhau trong đó giá trị tương quan của đạo đức nhân đức thích hợp tương ứng. Keenan đặt các nhân đức công bình, trung tín, và tự chăm sóc trong các bối cảnh giống như tính môn đệ để kiến tạo mẫu mực tương quan.[12]
III. Đóng Góp Quan Trọng của Keenan về Đạo Đức Nhân Đức: Bốn Nhân Đức Trụ
Luân lý truyền thống Công giáo, tiếp nối luân lý của Thánh Thomas Aquinas, vẫn hằng dạy có bốn nhân đức nhân bản cột trụ: khôn ngoan (prudence), công bình (justice), tiết độ (temperance) và can đảm (courage). Tuy nhiên, Keenan đề nghị bốn nhân đức trụ thời đại: Khôn ngoan, Công bình, Trung tín (fidelity), và Chăm lo bản thân (self-care). Nghĩa là Keenan đề nghị nhân đức trung tín và nhân đức chăm lo bản thân, thay cho hai nhân đức trụ cổ điển tiết độ và can đảm.
1. Lý Do Bốn Nhân Đức Trụ Thời Đại[13]
Cuộc sống con người được đan dệt bằng các mối tương quan. Chúa Giêsu chỉ rõ: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy. Là chúng con yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Tình thương này được diễn tả cụ thể trong các mối tương quan.
Theo Keenan, cách nào đó, trong bốn nhân đức trụ cổ điển, đã chỉ thực sự có hai nhân đức trụ mà thôi, vì đức tiết độ và đức can đảm là phụ trợ cho chủ thể để có thể thực thi đức công bình. Về đức khôn ngoan, nó dùng để xác định trong cái cụ thể, ở đây và bây giờ, phương thế cụ thể để sống công bình, quyết định tiết độ và hành động can đảm.
Keenan lý luận khá thuyết phục rằng đức công bình không phải là nhân đức duy nhất có liên quan đến các mối tương quan trong đời sống. Chính đức khôn ngoan phải dẫn dắt chúng ta trong các mối tương quan với tha nhân (đức công bình), với người thân (đức trung tín) và với chính mình (đức chăm lo bản thân).
Keenan lý luận một nhân đức trụ có ba chức năng. Thứ nhất, nó diễn tả các nhiệm vụ luân lý nền tảng của chúng ta. Khi gọi bốn nhân đức này là “cột trụ”, người ta muốn nói rằng hành xử với tư cách là hữu thể luân lý giả thiết rằng ta phải khôn ngoan, công bình, trung tín và chăm lo bản thân. Có một, hai hay thậm chí là ba cũng không đủ. Thứ hai, bốn nhân đức này là đủ. Như từ ngữ cardo diễn tả, tất cả những đòi hỏi luân lý khác đều tùy thuộc vào đó. Với người nào muốn biết trở nên luân lý nghĩa là gì, người ta có thể nói: “Đó là người yêu thương, nghĩa là người tìm kiếm đức khôn ngoan, công bình, trung tín và chăm lo bản thân”. Tất cả những đòi hỏi luân lý khác tìm thấy nguồn mạch của chúng nơi một trong bốn nhân đức này. Thứ ba, mỗi nhân đức trụ được nhắm đến vì chính nó. Điểm cuối cùng này chứng thực rằng việc chỉ rõ chăm lo bản thân như là một nhân đức trụ là điều quan trọng. Nếu chúng ta nghiên cứu các nhân đức khác vì nhiều lý do, thì chúng ta tìm hiểu các nhân đức trụ vì chính chúng. Chính vì thường quên điều đó mà chúng ta khó khăn thủ đắc được đức chăm lo bản thân (bao gồm lòng tự trọng).
Rất thường, chúng ta chỉ chăm lo đến chính mình để cho người khác thấy rằng chúng ta có khả năng như thế. Khi chúng ta trau dồi đức chăm lo bản thân theo cách để cho người ta tôn trọng mình, thì trên thực tế, chúng ta nại đến một sự mặc cả ấu trĩ, như thể giá trị của bản thân chúng ta trước hết tùy thuộc vào sự tôn trọng mà những người khác mang đến cho chúng ta. Người ta không thể đạt nhân đức chăm lo bản thân, nếu người ta tìm kiếm nó ở chỗ nào khác hơn là nơi bản thân. Chính bản thân ta là một tuyệt tác của Thiên Chúa Tạo Thành, và chính ta xứng đáng được chăm lo đúng mực vì Ngài muốn ta được “sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Nhân đức chăm lo bản thân bày tỏ những yêu sách hạnh phúc của riêng mình – không phải tuỳ thuộc vào đức công bình hay đức trung tín, nhưng như các nhân đức trụ khác, bởi vì nó phải được tìm kiếm vì chính nó.
Đức công bình đòi hỏi chúng ta xem mỗi người là như nhau; đức trung tín đòi hỏi chúng ta coi các bạn bè và gia đình của chúng ta cách ưu tiên; đức chăm lo bản thân đòi hỏi chúng ta tự coi mình là độc nhất. Chăm lo cho tha nhân, người thân và chăm lo cho bản thân đều quan trọng. Khi ba nhân đức này xung đột nhau, thì tùy hoàn cảnh, theo đức khôn ngoan phân định và đức ái thúc bách mà nhân đức nào sẽ được chọn lựa vượt trội hơn nhân đức nào. Những đòi hỏi của ba nhân đức này có thể được thực hiện cách đồng thời và dẫn đến nhân đức thứ tư: chính đức khôn ngoan tìm kiếm các ưu tiên cách thích hợp trong mỗi hoàn cảnh.
Đức khôn ngoan không chỉ xác định đòi hỏi tương ứng với mỗi nhân đức: nó cũng phải vạch rõ mức độ ưu tiên cần thiết cho mỗi đòi hỏi trong trường hợp có xung đột giữa các nhân đức. Đức công bình hệ tại đối xử với mọi người bình đẳng. Đức công bình không cho phép bất kỳ đối xử riêng tư hay ưu đãi hơn với một ai. Đức trung tín trái lại: đòi hỏi đối xử những người có tương quan gần gũi cách ưu tiên hơn… Sự căng thẳng của đời sống luân lý hệ tại những gì chúng ta phải chọn lựa, và nhờ đức khôn ngoan, giữa sự ưu tiên của đức trung tín so với đức công bình hay sự ưu tiên của đức công bình so với đức trung tín, trong mỗi trường hợp. Nhiều khi điều này tạo nên những thế lưỡng nan to lớn.
Nhưng cũng theo cách thức mà chúng ta có những trách nhiệm thuộc trật tự chung đối với mọi người (đức công bình), và những trách nhiệm đặc thù đối với một số người (đức trung tín), thì chúng ta cũng có một trách nhiệm độc nhất đối với chính chúng ta. Trong các tác phẩm đầu tiên của mình, Keenan đã gọi nhân đức này là lòng tự trọng (self-esteem). Nay Keenan gọi nó là chăm lo bản thân (self-care), vì phạm vi mà từ ngữ này bao phủ là rộng lớn hơn.
Trong lược đồ bốn nhân đức trụ của Keenan, bởi thế, đức tiết độ và đức can đảm chỉ là các nhân đức phụ trợ. Và, đức tiết độ và đức can đảm không chỉ giúp chúng ta hành động khôn ngoan và công bình, nhưng còn giúp hành động trung tín và chăm lo cho bản thân nữa.
2. Đức Trung Tín
Theo Keenan, các bậc cha mẹ, là các thầy dạy luân lý đầu tiên, giáo dục đức trung tín cho con cái. Nó sẽ rất quan trọng đối với chúng. Chính nhờ đức trung tín mà những mối liên hệ tình cảm, được chứa đựng trong mọi quan hệ, ngày càng tăng trưởng và tốt đẹp lên, dù đó là với người phối ngẫu, các bạn bè, các thành viên trong gia đình hay cộng đoàn, các đồng nghiệp hay các đồng bào.
Thế nhưng, cho đến thời gian gần đây, đức trung tín đã ít khơi lên mối quan tâm nơi các thầy dạy luân lý. Chắc chắn ai nấy đã biết rằng “bất trung” là xấu. Nhưng khi nào thì các nhà giáo dạy cho chúng ta cách tích cực thực hiện những hành vi củng cố đức trung tín? Keenan đặt câu hỏi rằng Có khi nào chúng ta đã nghĩ rằng tham dự một lễ sinh nhật, xem phim, dạo công viên hay du lịch cùng nhau là đã thuộc về đời sống luân lý? Chúng ta ít khi coi chúng như thuộc phạm vi luân lý. Cách nhìn như thế làm cho chúng ta mất đi tác động của những tập luyện luân lý đầu tiên mà cha mẹ của chúng ta đã dạy dỗ chúng ta. Keenan xem đức trung tín như là nhân đức trụ đầu tiên của các nhân đức trụ, mà mọi Kitô hữu đều được kêu gọi rèn luyện.
3. Nhân Đức Chăm Lo Bản Thân
Tựa đề một cuốn sách của John Mason “Sinh Ra Là Một Bản Thể, Đừng Chết Như Một Bản Sao”, nói lên được tính độc đáo của cá vị. Mọi việc đều bắt đầu từ bạn. Nếu yêu những gì thuộc về mình, bạn sẽ nhìn mọi thứ theo chiều hướng tích cực. Chỉ khi yêu chính mình đúng đắn, bạn mới có thể chấp nhận được tình yêu người khác dành cho bạn.[14]
Để Yêu Chúa và Tha Nhân, Phải Biết Yêu Mình
Vì yêu nhân loại, Ðức Kitô đã đến trần gian và chịu chết để cứu độ nhân loại tội lỗi. Tình yêu theo nghĩa Tin Mừng đã được diễn tả bằng biến cố tử nạn trên thập giá. Trong Tin Mừng Mt 22, 37 Chúa Giêsu trích sách Ðệ Nhị Luật (Ðnl 6, 5) để trả lời người thông luật trong nhóm Pharisêu về điều răn quan trọng nhất: Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Điều răn thứ hai được trích từ sách Lêvi (Lv 19, 18) cũng quan trọng không kém điều răn thứ nhất: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình (Mt 22, 39). Một luận lý tất yếu: yêu mến Chúa thì cũng phải yêu mến tha nhân. Yêu Chúa và yêu tha nhân là hai điều răn quan trọng nhất, gắn liền với nhau, như lời Chúa phán: Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy (Mt 22, 40).
Lý do ta phải yêu mến tha nhân vì tha nhân, thân phận giống chính ta, có cùng phẩm giá vì được tạo thành theo hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô đổ máu ra để cứu độ. Đáng lưu ý ở đây là “chính mình” được dùng làm điểm quy chiếu cho tình yêu tha nhân: yêu tha nhân như chính mình. Chúa dạy ta phải yêu tha nhân như chính mình như Thánh Phaolô suy tư: Không ai ghét thân xác mình bao giờ (Ep 5, 29). Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (GLHTCG) khẳng định: “Tình yêu đối với chính mình vẫn luôn là nguyên tắc cơ bản của luân lý” (s. 2264), “Mỗi người chịu trách nhiệm về sự sống của mình trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sự sống cho mình” (s. 2280). Mỗi người phải chăm sóc bản thân cách hợp lý, dù vẫn phải quan tâm đến những nhu cầu của tha nhân và của công ích (s. 2288).
Để chính mình có thể trở nên điểm quy chiếu chính đáng, cần biết yêu mình cách đúng đắn, và như thế, biết chăm lo bản thân cách đúng đắn. Keenan có lý khi nhận định rằng để có thể chăm lo bản thân, trước hết, phải có lòng tự trọng (self-esteem). Nếu chính mình không tôn trọng mình thì còn mong ai tôn trọng mình? Để có thể tôn trọng chính mình, cần ý thức và trân trọng về những ân ban nhận từ Thiên Chúa: món quà sự sống, khả năng, trí tuệ, sức khoẻ, của cải, nhan sắc… Học biết tôn trọng chính mình, ta sẽ học được cách tôn trọng tha nhân.
Khi người ta không yêu mình, người ta cũng khó có thể thực sự yêu ai. Khi người ta không thoải mái đón nhận chính mình, với tài năng, của cải mình có, với tầm thước, vóc dáng, diện mạo và điệu bộ của mình, thì người ta khó có thể dành thời giờ lưu ý đến tha nhân. [15]
4. Bốn nhân đức trụ thời đại: Sự gặp gỡ giữa văn hóa Phương Đông và Kitô giáo
Trong tiếng Trung, từ Gia (家) trong “Gia đình” (家庭), cũng chính là từ Gia (家) trong “Quốc gia” (国家). Mối liên kết giữa gia đình và quốc gia có nội hàm sâu sắc, bởi vậy thánh nhân mới giảng phải “tề gia” rồi mới “trị quốc” và “bình thiên hạ”. “Tề gia” là xây dựng gia đình mình, gia tộc mình, làm cho gia đình mình tốt đẹp, có nề nếp gia phong. Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, mỗi gia đình đều có vai trò quan trọng đối với xã hội, với quốc gia. Trị quốc là chăm lo việc nước, điều hành đất nước cho có kỷ cương, phép tắc, như thế dân mới được an vui.[16]
Người phương Đông thời xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ chảy xuống lâu ngày có thể xói mòn đá tảng, “góp gió thành bão”, “kiến tha lâu đầy tổ”, mỗi ngày một việc tốt có thể kết thành đời sống thiện lương. Không ai có thể một phút trở thành anh hùng, hành trình vạn lý xa xôi bắt đầu từ từng bước chân nhỏ bé. Chính vì thế, tư tưởng phương Đông chủ trương rằng con người muốn thay đổi thế giới thì trước hết phải thay đổi chính mình, phải bắt đầu từ việc tu thân, sau đó mới đến tề gia, trị quốc, rồi mới bình thiên hạ được. Một người không xây dựng được chính bản thân mình, gia đình nhỏ bé của riêng mình an hòa thì làm sao nói đến đem bình an cho xã hội, cho thế giới.
Vì thế, Nho gia khi bàn về chuyện “tu thân” thì đặt nó xếp sau “cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm”. “Cách vật” và “trí tri” nghĩa là tìm kiếm nguyên lý của sự vật để thấu đáo đến tận cùng. “Thành ý” là trung thực với chính mình và với tha nhân, khi sống với người khác phải như thế, và khi sống một mình cũng phải như thế, nội tâm và bên ngoài như nhất. “Chính tâm” là dạy con người đề phòng dục vọng cá nhân, khắc chế những điều xấu, luôn giữ vững lương tri và chuẩn mực làm người. “Tu thân” là tu dưỡng, sửa đổi, nghiêm khắc với lời nói và hành vi của mình. “Tu kỷ dĩ kính, tu kỷ dĩ an nhân, tu kỷ dĩ an bách tính”, một người có thể tu dưỡng chính mình thì sẽ có được sự tôn trọng của người khác, lại có thể mang lại sự bình an cho người khác và cho mọi người trên thế giới này.[17]
Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ tương ứng với bốn nhân đức trụ Công giáo thời nay như Keenan khởi xướng: chăm lo bản thân, trung tín, công bình, và cả ba nhân đức đó được đức khôn ngoan điều phối. Trong đó, ba nhân đức công bình, trung tín và chăm lo bản thân có vị trí ngang nhau, tùy từng trường hợp cụ thể mà nhân đức nào chiếm ưu thế. Tuy nhiên, nói cho cùng, nhân đức chăm lo bản thân là cơ bản và trước hết, vì như đã đề cập đến trong các phần trên, không biết chăm lo bản thân thì làm sao có thể chăm lo gia đình và tha nhân. Có chăm lo chính mình đúng đắn, bản thân mới có thể trở thành quy chiếu chính đáng để yêu tha nhân, “yêu tha nhân như chính mình”. Điều quan trọng là cách thức chăm lo bản thân phải đúng đắn, đúng mực. Không thái quá hay bất cập, vì nếu vậy, chăm lo bản thân không còn là một “nhân đức” nữa. Đây là điểm mà đức khôn ngoan phải can thiệp. Chính ở điểm này, bốn nhân đức trụ thời đại gặp gỡ với văn hóa phương Đông. Như thế, văn hóa phương Đông là mảnh đất phong nhiêu để gieo trồng bốn nhân đức trụ thời đại cho mọi người, cách riêng giới thanh thiếu niên bất kể tôn giáo tại Việt Nam.
IV. Vài Ảnh Hưởng và Đóng Góp Khác của Keenan
1. Đạo đức Nhân đức
© Nhân đức trụ trung tín
Chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng luân lý là những vấn đề to lớn như chung thủy vợ chồng, sống khiết tịnh, phá thai, ngừa thai, sống thử, tham nhũng, giết người… Nhưng Keenan nhìn đời sống luân lý như là nhân bản hơn nhiều, lôi cuốn và sống động hơn nhiều. Keenan giúp chúng ta hiểu rằng luân lý liên quan đến đời thường.
Keenan nhấn mạnh một khía cạnh thường không được người ta chú ý đến trong đời sống của Chúa Giêsu. Ngài không bằng lòng với việc đơn thuần dạy bảo và chữa lành những ai bước theo Ngài. Ngài còn làm cho họ trở thành bạn hữu của Ngài, quy tụ họ, giải trí, vui cười và ăn uống với họ. Giá trị mà Ngài dành cho những cuộc gặp gỡ với các bạn hữu của Ngài là rõ ràng đến độ các bậc thầy của Lề Luật đã cảm thấy đó là gương xấu. Tuy nhiên, đó lại là các sinh hoạt luân lý. Cũng như cuộc đời của Chúa Giêsu đã thiết lập một chuẩn mực mới – chẳng hạn, trở nên công chính như Ngài là công chính –, cũng thế, chúng ta được kêu gọi bước theo Ngài trong lãnh vực này, tức là sống tình bằng hữu theo cách của Ngài.
Do đó, đặt nhân đức trung tín là một trong bốn nhân đức trụ của đời sống luân lý sẽ mời gọi chúng ta mở đầu những thực hành và thực hiện những luyện tập cụ thể cho phép hiểu tốt hơn và sống tốt hơn những gì mà Chúa Giêsu và các bậc cha mẹ của chúng ta đã dạy cho chúng ta: cùng nhau lớn lên. Bởi thế, có lẽ sẽ phải gọi điện thoại thường xuyên hơn, viết thư nhiều hơn, làm bếp thường xuyên hơn, sẵn lòng đi dạo hơn, ngồi lại lâu hơn với một người thân, người bạn, lắng nghe nhiều hơn… Có lẽ cũng sẽ phải vứt bỏ thói quen tính toán và đo lường những gì mà “người khác” làm hay không làm. Cách thức sống này phù hợp với đường lối sống mà Đức Thánh Cha Phanxicô đang mời gọi và cổ vũ Giáo Hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
© Giáo hội và nhân đức chăm lo bản thân
Trong một phát biểu, Keenan nhận định đúng đắn rằng trong số các tài liệu quan trọng nhất được viết bởi các vị hữu trách của Giáo Hội Công giáo trong suốt thế kỷ XX, có lẽ tám trên mười tài liệu này liên quan đến đức công bình. Các bài giảng về đức trung tín – thường liên quan đến gia đình, hôn nhân, ly dị. Khi người ta nghĩ đến sự kiên trì của Chúa Kitô, đến sự hiện diện vĩnh hằng của Thiên Chúa, đến giao ước, đến sự dấn thân của Giáo Hội, thì người ta hiểu được tại sao đức trung tín là nhân đức được viện dẫn thường xuyên nhất trong các bài giảng lễ Chúa Nhật. Nhưng có thông điệp nào đã khuyên xem bản thân mình cách khoan dung, chăm lo bản thân hay đón nhận cách biết ơn giá trị riêng của mình ? Có bài giảng nào mang lại những lời khuyên để thủ đắc hay giữ gìn đức chăm lo bản thân, lòng tự trọng ? Đâu là những nỗ lực được thực hiện để làm nổi bật trong Tin Mừng những lời an ủi mà Chúa Kitô đã không ngừng nói với những ai đến nghe Ngài giảng?
Thật vậy, khi viết bài này, tôi cũng làm cuộc “điều tra” nho nhỏ là tìm kiếm các bài viết, bài giảng, bài nói chuyện Công giáo về chăm lo bản thân. Kết quả là “số cực nhỏ”! Rất nhiều bài phân tích lời dạy của Chúa Giêsu “yêu tha nhân như chính mình”, nhưng hầu như tất cả các bài đều dừng lại ở vế đầu “yêu tha nhân” mà thôi! Có lẽ các vị hữu trách e ngại nói đến chăm lo bản thân sẽ dễ dẫn đến “chủ nghĩa cá nhân” chăng? Lo ngại cũng có chút hợp lý trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân. Nhưng điều quan trọng là cần sự quân bình giữa các chăm lo cho tha nhân, cho gia đình và cho bản thân. Trung dung là nhân đức. Hay các vị xem như chăm lo bản thân là điều đương nhiên, xuất phát từ bản năng, không cần đề cập? Cũng đôi chút có lý, tuy nhiên, điều cần thiết là làm sao dạy người trẻ biết chăm lo bản thân đúng mực? Nếu người trẻ biết chăm lo bản thân đúng mực thì sẽ không để mình bị rơi vào tình trạng nghiện xì-ke ma túy, cờ bạc, ngục tù, gây đau khổ cho gia đình, gây rối loạn cho xã hội. Nếu người phụ nữ biết chăm lo bản thân đúng mực thì không để ông chồng vũ phu tiếp tục bạo hành đối với mình, đến nỗi đứa con phải phản kháng cha mình để bảo vệ mẹ, và vô tình gây ra cái chết của cha, rồi đứa con phải ngồi tù![18] Đáng chú ý là các bài tâm lý hiện đại lại nhắc nhiều đến tình yêu bản thân, chăm lo bản thân đúng mực.
Keenan thật có lý khi nhấn mạnh các thầy dạy luân lý, các nhà giáo dục phải suy nghĩ hơn nữa về đức chăm lo bản thân, lòng tự trọng và cần nhớ rằng đó là một nhân đức trụ; luân lý đòi hỏi người ta tôn trọng bản thân cách mạnh mẽ như người ta nỗ lực đấu tranh chống bất công. Lời mời gọi làm cho đức chăm sóc bản thân, lòng tự trọng lớn lên của luân lý cũng cấp bách như lời mời gọi sống công bình và trung tín.
2. Nhân đức học Kitô Giáo
Keenan chủ trương một nền thần học luân lý các nhân đức mời gọi chúng ta tái khám phá các nhân đức này như là một sự trợ giúp quý báu, trong chừng mực chúng ta tìm kiếm một nghệ thuật sống đích thực. Nghệ thuật sống này đã được truyền đạt cho chúng ta bằng những thái độ nền tảng. Bằng cách kết nối Kinh Thánh (cụ thể là Tân Ước) với thần học luân lý, Keenan làm sáng tỏ vai trò của đức tin Kitô giáo trong việc tái khám phá vai trò nhân đức trong đời sống cá nhân và cộng đồng. James F. Keenan, một trong những thần học gia đã đóng góp nhiều nhất cho việc suy nghĩ lại các nhân đức, như chúng được đề nghị sống trong thời đại chúng ta đang sống. Như lời tựa trong sách Virtues for Ordinary Christians đã nhận định: “Cái nhìn tích cực mà tác giả bàn về đời thường, với những thăng trầm của nó, có gì đó đổi mới lối quan niệm của chúng ta về luân lý”. Bằng cách thế này, thần học luân lý không còn xa lạ với người Kitô hữu bình thường, mà còn gần gũi, thân quen, như cách thức Đức Giêsu rao giảng mầu nhiệm nước Trời bằng các dụ ngôn đời sống. Khi ấy, Đức Kitô Giêsu trở thành người bạn thiết thân, người Thầy của người tín hữu trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo Keenan, nhân đức học cho ta cái khung, ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô là đích ta hướng đến. Để trả lời ba câu hỏi của nhân đức học: Tôi là ai? Tôi muốn trở thành loại người nào? Làm sao tôi đạt được điều đó? thì Keenan sẽ trả lời lần lượt cho ba câu hỏi:
– “Chúng ta là tín hữu sống ở thế kỷ XXI”, với bao thách đố, ngôi nhà chung trái đất yêu dấu và đang bị tàn phá bởi chiến tranh, bạo lực, khủng hoảng môi sinh, chia rẽ các tôn giáo, bè phái, ý thức hệ, nhiều vấn nạn xã hội như di dân, HIV/ AIDS, nhân loại đang hứng chịu hậu quả toàn diện sau hai năm đại dịch thế giới kinh hoàng COVID-19…
– “Chúng ta cần trở thành cộng đoàn môn đệ của Chúa Kitô”: Là môn đệ của Đức Kitô, thì con đường của Đức Kitô phải trở thành con đường của chúng ta. Để biết được con đường của Thầy Giêsu, chúng ta phải lắng nghe lời Chúa qua Kinh Thánh. Để từ đó, chúng ta nâng đỡ nhau trong nỗ lực xây dựng hòa bình, đối thoại tôn giáo, xây dựng tình hiệp nhất với nhau, như một gia đình duy nhất, có trách nhiệm liên đới với nhau. Để được như thế, chúng ta được mời gọi để làm việc, như Đức Giêsu vẫn đang làm việc “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5, 17) Vì Chúa Giêsu muốn chúng ta trở thành “những người kiến tạo hòa bình” (Mt 5, 9). Người muốn Giáo Hội của Người không chỉ là dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, mà còn là sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại (x. Lumen gentium, 1). Chúa Kitô “là bình an của chúng ta” chính bởi vì Người tái lập sự hiệp nhất: Người là Đấng “làm cho cả hai nên một, phá đổ những bức tường ngăn cách, thù hận” (x. Ep 2, 14).[19]
– “Để trở thành cộng đoàn môn đệ, chúng ta cần tập luyện các nhân đức”: trước hết, cầu nguyện xin các nhân đức tin, cậy, mến, tập luyện các nhân đức công bình, trung tín, chăm lo bản thân, tiết độ, can đảm, quảng đại, hiếu khách, khiêm nhường, hòa nhã, tha thứ… Cần nhấn mạnh, là môn đệ của thầy Giêsu, chúng ta phải tập trước hết nhân đức trung tín với Thầy Giêsu, sống thân thiết với Giêsu, mà để làm được điều đó, phải trở về nguồn Kinh Thánh.
3. Nối kết và xây dựng nhịp cầu (Bridge building – connection):
Keenan thúc đẩy nối kết giữa các lãnh vực khác biệt của học thuật và mục vụ; nối kết giữa những con người khác biệt với nhau. Xây dựng nhịp cầu thông cảm vượt qua hàng rào văn hoá, chủng tộc, quốc gia, chính trị, và tư tưởng cấp tiến hay bảo thủ. Keenan quan tâm vai trò mạng lưới kết nối, và làm thế nào để sự nối kết giúp dân chúng tìm thấy được tiếng nói của mình, và chính mỗi thần học gia cũng tìm kiếm tiếng nói của mình. Keenan mời gọi “Chúng ta hãy kết nối với nhau, và giúp nhau như chúng ta cố gắng hình dung và diễn tả một thế giới yêu thương hơn và một Giáo Hội yêu thương hơn”.[20] Đối lập với các chính trị gia muốn xây các bức tường ngăn cách, thì các thần học gia xây dựng các chiếc cầu nối kết tình huynh đệ.
4. Quy tụ và hợp tác (Gathering-Collaboration) trong giới thần học luân lý
Việc này giúp ích rất nhiều cho thần học luân lý Kitô Giáo, vì nó giúp đem lại gần nhau những nhãn quan và kinh nghiệm sống khác nhau, giúp các nhà tư tưởng tránh được sự khiếm diện một chiều. Năm 2002, Keenan thành lập “Catholic Theological Ethics in the World Church” (CTEWC), một mạng lưới toàn cầu của các thần học gia luân lý, đã kết nối hàng ngàn thần học gia luân lý Công giáo từ hơn 70 quốc gia để học hỏi lẫn nhau, và lên tiếng về các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, di dân và tị nạn, vấn nạn trong đạo đức y sinh học và tính dục, huấn quyền và lương tâm, vai trò của thần học gia luân lý… Điển hình, với sự lãnh đạo của James F. Keenan, tháng 7/2018 tại Sarajevo, thành phố của những chiếc cầu, Bosnia-Herzegovina, khoảng 500 thần học gia từ 80 quốc gia đã tụ họp hội nghị liên châu lục với tiêu đề “A Critical Time for Bridge-Building: Catholic Theological Ethics Today.”[21]
5. Khích lệ những người ít có tiếng nói (Empowering Marginal Voices)
Keenan khích lệ và ưu tiên cho các học giả nữ giới, các học giả đến từ các nước thu nhập thấp để họ có tiếng nói, có cơ hội phát triển tài năng và đóng góp cho học thuật, cho Giáo Hội và xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Keenan, CTEWC khởi động chương trình học bổng nâng đỡ các thế hệ thần học gia luân lý, đặc biệt là việc đào tạo nữ thần học gia luân lý cho châu Á và châu Phi – hai lục địa nghèo.
6. Thần học luân lý nhập thể và tiếp cận những phức tạp của đời thường (Engaged and embodied ethics)
Một vài ví dụ là Keenan dạy và viết về AIDS and Ethics (khoá học có rất đông học viên tại Boston College); văn hoá và những tệ nạn của các trường Đại học Hoa Kỳ (university ethics).
CTSA nói về Keenan “là kẻ khổng lồ trong việc xúc tiến một lịch trình toàn cầu cho các yêu cầu về thần học”, và xem sự thành lập và lãnh đạo CTEWC là một thành tựu thần học tỏa sáng. CTEWC đã khám phá những con đường mới đối thoại đa chiều trong các tương tác của luân lý vươn lên trên quan điểm Âu Mỹ và đón nhận các tư tưởng, kinh nghiệm, và văn hóa của các tôn giáo khác, đặc biệt ở Nam bán cầu. CTSA mô tả thành tựu của Keenan hài hòa “chiều sâu của tính học giả, sự dấn thân mở ra với các nhu cầu nhân loại, thật sự vô đối trong thời đại hiện nay”.[22]
V. Ảnh hưởng của Tư tưởng và phương pháp của Keenan trên chính tôi trong bối cảnh Việt Nam
Với sự đào tạo của các giáo sư tại Weston Jesuit School of Theology, MA, USA, cách riêng của James F. Keenan, năm 2014 tôi được vinh dự là nữ giáo sư thần học đầu tiên của Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn trong lịch sử 150 năm của Đại chủng viện, và năm 2019 là nữ giáo sư thần học đầu tiên tại Đại Chủng Viện Xuân Bích Huế.
Qua các tư tưởng và đóng góp của Keenan, tôi thấy được, như Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nhấn mạnh:
Thần học giúp cho đức tin sống động của Giáo Hội: Thần học nói với chúng ta về Chúa và trả lời các câu hỏi về ý nghĩa đi kèm với cuộc sống của con người.
Thần học soi sáng hành trình cuộc sống: thần học khơi dậy và hướng dẫn nghiên cứu, soi sáng cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta cần luôn tự hỏi mình làm thế nào để có thể truyền đạt các chân lý đức tin ngày nay, trước những thay đổi về ngôn ngữ, xã hội, văn hóa, và sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại nhưng không bao giờ làm suy giảm nội dung được truyền tải.
Thần học đào tạo những chuyên gia đầy tình người và gần gũi. Mỗi con người là một huyền nhiệm với lịch sử gia đình, cá nhân, thiêng liêng của riêng họ. Tiến trình đào tạo nhắm đào tạo các linh mục và tu sĩ trưởng thành, nhân bản và gần gũi chứ không phải là các chức sắc thánh cao vời xa lạ.
Thần học phục vụ loan báo Tin Mừng
Thần học phải thu hút con người đến với Chúa Kitô, giúp gặp gỡ Người và biến đổi cuộc sống, mang lại hạnh phúc và là dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa. Keenan đã làm được “giảng dạy và nghiên cứu thần học có nghĩa là sống ở nơi mà Tin Mừng đáp ứng nhu cầu thực sự của dân chúng.”[23]
Immanuel Kant đã lý luận một cách đúng đắn rằng nhân đức mà không nguyên tắc là mù tối, và các hành động xuất phát từ nhiệm vụ và nguyên tắc mà không có nhân đức là bất lực cho thăng tiến đời sống luân lý. Không có nhân đức, chúng ta có thể chỉ đơn giản làm nhiệm vụ chỉ vì chúng ta được lệnh làm như vậy, hoặc chúng ta đang ở dưới ánh mắt quan sát của ai đó đang nắm quyền lực trên chúng ta. Nhưng với nhân đức chúng ta hoàn thành các đòi hỏi đạo đức với một dấn thân nội tâm, tự hướng đến những giá trị mà chúng ta theo đuổi. Keenan đã cung cấp cho con người đương thời cả hai: con người môn đệ Đức Kitô phấn đấu trở thành đồng hình đồng dạng với Ngài bằng cách tập luyện và thực thi nhân đức dưới ánh sáng đức tin Công giáo, trên nền tảng các nguyên tắc được rút từ Kinh Thánh.
Theo mẫu gương giảng dạy của James F. Keenan, tôi thường nhắc học trò, việc đào tạo tri thức quan trọng nhưng không phải là tất cả. Người sinh viên cần có được “critical mind, compassionate heart, and acting hands- trí suy, tâm cảm, và đôi tay hành động”.[24] Thái độ học tập cần luôn mở ra, khiêm tốn đối thoại đi tìm chân lý và sẵn sàng tuân phục chân lý khi tìm thấy được. Các tu sĩ, linh mục cần có lòng yêu Giáo Hội, yêu con người, và cách cụ thể, yêu Giáo Hội trên quê hương hình chữ S này, với bao thách đố khủng hoảng môi sinh, khủng khoảng một triết lý giáo dục, một niềm tin, một lý tưởng sống, một nền nhân bản đạo đức, một lòng nhân ái vị tha…
Tôi thường chia sẻ với học trò ước mơ của tôi về người linh mục của Chúa. Đức tin và nguồn nhân bản là hai chiều kích thiết yếu cấu thành nền đạo đức. Cộng đoàn có quyền trông đợi người linh mục sẽ suy tư đầy đủ về cả đặc quyền và giới hạn của sứ vụ của họ. Linh mục có bổn phận đặc biệt là đạo đức trong cả tính cách và hành động. Tôi nhấn mạnh đến đào luyện các nhân đức là điều cơ bản trong mọi huấn luyện. Mặt khác, như những người chuyên nghiệp, linh mục có các trách nhiệm thêm vào, ngoài những đòi hỏi luân lý, thiêng liêng thông thường.
Trong suốt thời gian học ở Hoa Kỳ, tôi đánh giá cao sự đòi hỏi nghiêm túc về rèn luyện tri thức, đã cảm nghiệm được sự dấn thân yêu thương quảng đại của các thầy giáo, đặc biệt là Keenan, đối với các học trò. Đối với Keenan: thành công của trò là thành công của thầy, thất bại của trò là thất bại của thầy. Nay điều này cũng trở thành một châm ngôn cho sứ vụ giáo dục của mình. Tôi mang ơn và “mắc nợ” các thầy giáo của tôi, đặc biệt là Keenan. Sự đóng góp nhiệt thành của tôi cho Giáo Hội Việt Nam là một diễn tả lòng biết ơn của mình đối với Chúa, Ba Mạ tôi, các thầy giáo của tôi, đặc biệt là James F. Keenan, các ân nhân, và nhà Dòng.
Như Keenan, tôi dựa trên đạo đức nhân đức khi bàn về con đường làm môn đệ của Chúa Giêsu. Tính “mới mẻ” của việc suy tư thần học luân lý của tôi là bên cạnh “tứ trụ”: Kinh Thánh, truyền thống, Huấn quyền, Luật tự nhiên, tôi dựa vào các sự kiện khoa học, kinh nghiệm thực hành y khoa. Tôi cố gắng suy tư, phản tỉnh các vấn đề luân lý trong cách thức đối thoại, các lập luận đức tin kết hợp lý trí với các lý luận thuyết phục. Chắc chắn, kiến thức khoa học chỉ cung cấp hiểu biết về nhân vị, hành vi con người, và dựa trên suy tư thần học dưới ánh sáng đức tin, nhà luân lý phân định, đánh giá điều gì thật sự tốt cho con người tư cách là cá nhân, cho nhân loại và toàn thể các loài thụ tạo.[25]
Những người Công giáo Việt Nam ngày nay, cách riêng là giới trẻ, đòi hỏi Giáo Hội và các nhà thần học luân lý nói với họ, bên cạnh ngôn ngữ của đức tin, còn phải là thứ ngôn ngữ dễ hiểu, ngôn ngữ của lý trí, khoa học, lương tâm, và của kinh nghiệm. Đối với tôi, thuật ngữ của các nhân đức, của nhân bản, sự thăng tiến nhân bản đích thực, có thể xây dụng cầu nối giữa Kitô giáo và các tôn giáo khác. Cách thức Keenan tiếp cận thần học luân lý như là con đường môn đệ đích thực của Đức Giêsu, có thể đáp ứng các yêu cầu này.
Khủng hoảng sinh thái là một vấn nạn lớn toàn cầu, cách riêng cho Việt Nam ngày nay. Khi nói chuyện với các học viên, các tu sĩ, tôi khơi gợi nơi người nghe tình yêu đối với quê hương, phẩm giá của nhân vị, nhân đức tôn trọng sự sống của các loài thụ tạo. Đó là các nhân đức chung cho mọi người Việt Nam bất kể tôn giáo hay lập trường chính trị.
Một công việc khác mà tôi đang làm hiện tại là giáo dục luân lý tính dục cho các bạn thanh thiếu niên. Thật là một thách thức cho tôi để tìm ra một thư ngôn ngữ kết hợp khía cạnh đức tin, luân lý và khoa học, hòa hợp với lứa tuổi này. Tôi áp dụng cách nói về luân lý của Keenan một cách nhẹ nhàng, đối thoại trong đời thường, nhấn mạnh phẩm giá nhân vị, xây dựng các mối tương quan lành mạnh trong đời sống, tập luyện nhân đức, nhất là nhân đức tự trọng, nhân đức tự chăm sóc bản thân.
Nhìn về tương lai
Trong tình hình thực tế của Việt Nam, chính thể cộng sản, những điều tôi có thể đồng hành với dân tộc là gây ý thức và chứng tá bằng chính đời sống rằng chúng ta có Thiên Chúa Đấng là Tình Yêu, Toàn năng, Quan phòng; Ngôi lời Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm, đã vượt qua cái chết và Phục sinh, gần gũi con người, luôn đồng hành với con người trong mọi biến cố buồn vui cuộc sống; Nhờ đó, con người có thể vươn lên hiệp thông với Thiên Chúa Ba ngôi. Thần học luân lý không còn là điều chi xa vời, mà chính là cuộc sống hằng ngày thiết thân với Chúa. Như Keenan, là một thần học gia luân lý, tôi làm việc tìm kiếm sự hòa hợp, đối thoại, gieo hạt giống hy vọng, hòa bình, và niềm vui, và xây các cầu nối của sự tha thứ, của đối thoại, hiệp thông, tiến đến xây dựng Giáo Hội hiệp hành: Hiệp thông, tham gia, sứ vụ.
[1] Hồng Thủy – Vatican News, “ĐTC Phanxicô: Thần học phải nói về Chúa và gần gũi với cuộc sống”, <https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022- 06/dtc-phanxico-chung-vien-milano-tap-chi-truong-hoc-cong-giao.html> (18/06/29022).
[2] “James F. Keenan, S.J.” <https://www.bc.edu/bc-web/schools/mcas/ departments/theology/people/faculty-directory/james-keenan-sj.html>, (lấy từ internet ngày 26/12/2022).
[3] “James F. Keenan”, <https://en.wikipedia.org/wiki/James_F._Keenan> (lấy từ internet ngày 25/12/2022).
[4] Gasson Chair – Boston College; Tuohy Chair – John Carroll University; Board of Directors – Society of Christian Ethics; Grant and Faculty Fellowship – Association of Theological Schools; Editorial Board Member of Theological Studies (1991 -); Chair – Catholic Theological Coalition on HIV/AIDS Prevention (1997 -); Fellow – Center of Theological Inquiry, Princeton University.
[5] “John Courtney Murray Award”, <https://www.bc.edu/bc-web/bcnews/
faith-religion/theology/keenan-wins-ctsa-award.html> (13/12/2022).
[6] <https://www.bc.edu/content/dam/bc1/schools/mcas/theology/pdf/CV/ vita2021.pdf>.
[7] X. James F. Keenan, Virtues for Ordinary Christians (Sheed & Ward, 1996).
[8] Nicola Jane Borg, “The Role of the Virtues in Christian Discipleship in James Keenan S.J. and William Spohn: A Comparative Investigation William Spohn”, (2011) <https://researchonline.nd.edu.au/cgi/viewcontent. cgi? article= 1059&context=theses>, (tải ngày 9/3/2022).
[9] X. Daniel J. Harrington SJ, James F. Keenan S.J., Paul and Virtue Ethics: Building Bridges Between New Testament Studies and Moral Theology (Rowman &Littlefield Publishers Inc. 2005).
[10] Từ này được sử dụng đầu tiên bởi David Tracy, Blessed Rage for Order, (New York, Seabury, 1975). Nó được dùng để chỉ một chủ trương xem xét lại và một số thay đổi cần thiết trong thần học luân lý và các thần học gia luân lý thực hành lập trường này.
[11] Một đạo đức theo lý thuyết của Thánh Thomas bắt đầu tử ý tưởng rằng làm điều tốt nghĩa là thực hành những gì đem lại sự phát triển, thăng tiến con người toàn vẹn, dựa trên thực hành các nhân đức. Thánh Thomas Aquinas được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong tặng danh hiệu Doctor Humanitatis, Tiến sĩ về nhân bản/nhân vị vào năm 1980. Nhân bản ở đây hiểu theo nghĩa tập luyện các nhân đức. Nhân đức nổi bật của Tôma là sự hòa nhã, đức đối thoại. Tôma nhấn mạnh đến yếu tố tranh luận trong giáo dục, tranh luận nghĩa là có sự đối thoại, đối thoại cách hòa nhã.
[12] Zaggi, Douglas John (2016) An exploration of virtue ethics and its relational value: A comparative study in the Light of Romanus Cessario, James F. Keenan, and Joseph J. Kotva. (PhD thesis, St. Patrick’s College, Maynooth), < https://mural.maynoothuniversity.ie/14394/>.
[13] X. James Keenan, Virtues for Ordinary Christians (Sheed & Ward, 1996).
[14] Kim Ngân, “11 cách đơn giản giúp bạn thêm yêu bản thân”, <https:// hellobacsi.com/tam-ly-tam-than/moi-quan-he/11-cach-don-gian-giup-ban- them-yeu-ban-than/#gref>, (200/7/2021).
[15] Trần Bình Trọng, “Để Yêu Chúa và Tha Nhân, Phải Biết Yêu Mình”, <https://www.giaoly.org/vn/d%E1%BB%83-yeu-chua-va-tha-nhan- ph%E1%BA%A3i-bi%E1%BA%BFt-yeu-minh/>, (21/10/2020).
[16] Hạnh Thi, “Chính tâm tu thân’ mới có thể ‘tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’”, <https://etviet.com/giao-duc-va-doi-song/chinh-tam-tu-than-moi-co-the-te- gia-tri-quoc-binh-thien-ha.html>, (21/10/2020).
[17] An Hòa, “Muốn thay đổi thế giới, trước hết hãy thay đổi chính mình”, <https://trithucvn.org/van-hoa/thay-doi-the-gioi-thay-doi-chinh-minh. html>, (25/04/2022).
[18] Hiếu Trung, “Bênh mẹ, con vô tình giết chết cha”, <https://thanhnien.vn/
thoi-su/benh-me-con-vo-tinh-giet-chet-cha-59651.html>, (5/8/2012).
[19] x. Diễn văn của Đức Thánh Cha tại buổi Cầu nguyện đại kết Juba, Lăng “John Garang”, <https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2023-02/ dtc-phanxico-cau-nguyen-dai-ket-lang-john-garang-nam-sudan.html> (04/02/2023).
[20] John Courtney Murray Award, <https://www.bc.edu/bc-web/bcnews/faith-religion/theology/keenan-wins-ctsa-award.html>, (13/12/2022).
[21] Joshua McElwee, “500 theologians to gather in Sarajevo to talk ethics, action” <https://www.ncronline.org/spirituality/500-theologians-gather-sarajevo-talk-ethics-action>, (13 /07/2018).
[22] “John Courtney Murray Award”, <https://www.bc.edu/bc-web/bcnews/ faith-religion/theology/keenan-wins-ctsa-award.html>, (lấy từ internet ngày 13/12/2022).
[23] “Đức Thánh Cha Phanxicô: Thần học phải nói về Chúa và gần gũi với cuộc sống” <https://www.vaticannews.va/vi/world/news/2022-06/dtc-phanxico- chung-vien-milano-tap-chi-truong-hoc-cong-giao.html>, (18/06/2022).
[24] Một “khẩu hiệu” của một trường Đại học Công Giáo Dòng Tên tại Hoa Kỳ.
[25] Cf. Roman Globokar, “A European Perspective on the Role of the Moral Theologian in Church & Society,” <http://catholicmoraltheology.com/a- european-perspective-on-the-role-of-the-moral-theologian-in-church- society/>.