Hợp Tuyển Thần Học

Hướng Về Sự Thật Toàn Vẹn. Đồng Hành Tri Thức Như Một Cách Thức Dấn Thân Xã Hội

Hướng Về Sự Thật Toàn Vẹn. Đồng Hành Tri Thức Như Một Cách Thức Dấn Thân Xã Hội

Mục Lục

Những diễn biến gần đây của thời sự chính trị thế giới, và nhất là trong tương quan với thế giới truyền thông mở lại đề tài tranh luận về tính xác thực của thông tin, giá trị sự thật, định nghĩa tri thức và vấn đề truyền tải tri thức. Niềm tin vào một nội dung dữ liệu nào đó, vốn là cơ sở ban đầu[1] cho bất kỳ việc xây dựng tri thức nào, đã bị lung lay triệt để. Sự phát tán thần tốc của dữ liệu khiến tiến trình kiểm chứng và xác chuẩn tri thức bị chậm lại, và hệ quả tiếp theo là tiến trình xây dựng tri thức khả tín, đúng và có giá trị ít nhiều bị mất định hướng. Và từ đó ta chứng kiến trong kho từ vựng của một số ngôn ngữ sự ra đời của một khái niệm mới, mô tả hiện tượng này: Chúng ta đang sống trong một “post-fact society,” một xã hội hậu dữ kiện; hay bi quan hơn: Cảm tính đã “bù lỗ” cho sự thiếu hụt hay chần chừ trong phán đoán lý trí.

Bên cạnh đó, nhìn từ góc độ xã hội, hiện tượng vừa nói diễn tả một đàng sự gắn bó càng lúc càng sâu đậm của chủ thể tri thức với các phương tiện truyền thông, biểu hiện qua số người dùng khổng lồ các tiện ích liên mạng, đàng khác đi kèm theo đó một sự khinh miệt không kém dành cho các phương tiện này. Thậm chí nó được mệnh danh trong tiếng Đức là Lügenpress, – nền báo chí dối trá, hoặc trong tiếng Anh fake media – truyền thông giả tạo, hay những kẻ lạm dụng quyền tư hữu thông tin cá nhân, như trường hợp vụ bê bối vì tiết lộ thông tin cá nhân của facebook gần đây. Nói cách khác, phần đông dân số địa cầu càng lúc càng đói thông tin nhưng đồng thời càng lúc càng khó nhận ra thực sự mình đang cần những thông tin nào, tiếp nhận và đánh giá chúng ra sao; và phản ứng có tính hệ quả là một sự bị thu hút đến độ nghiện ngập và cùng lúc cảm giác bất an trước truyền thông.

Tình trạng lưỡng nan này của chủ thể mở ra một đàng, ít nhất trong lĩnh vực tri thức luận, vấn đề căn bản giữa mối liên hệ cổ điển giữa niềm tin và sự hoài nghi, bởi nói theo Descartes, chính sự hoài nghi thông thái vốn sẽ dẫn chúng ta đến những tri thức chắc chắn. Đàng khác, tình trạng mất định hướng này cũng là cơ hội mới để nhận định lại cảnh quan tri thức luận triết học một cách rộng hơn, từ nhiều khía cạnh: từ phương pháp luận tri thức, từ vai trò của các yếu tố để cấu thành tri thức đúng. Có thể lấy ví dụ như vai trò của chủ thể, dữ liệu xây dựng niềm tin hay thậm chí như vai trò của một phạm trù siêu hình then chốt nào đó, để nhờ những vấn đề này, chúng ta mong mở ra một cơ hội mới canh tân tiến trình xây dựng “sự thật toàn vẹn” mà nhân loại cách chung mong mỏi. Nói theo khởi hứng của Tin Mừng: chính Thánh Thần sẽ dẫn nhân loại đến sự thật trọn vẹn (Ga 16,13).

Trong khi không hoàn toàn theo đuổi một suy tư thuần túy tri thức luận triết học, bài viết này có chủ ý nhắm đến việc trình bày một vài phân tích căn bản, giúp bạn đọc, đặc biệt các tín hữu và những ai làm công tác đồng hành mục vụ cũng như công tác xã hội, tiếp nối những suy tư và tìm cho mình một hướng đi khả dĩ trong việc giúp đỡ tha nhân hôm nay, vốn đang đối diện với vấn đề nóng bỏng giữa truyền thông và chân lý. Nói như thế cũng có nghĩa là một sự móc nối liên nghành giữa tri thức luận, xã hội học và linh đạo trong bài này là một cách tiếp cận khả dĩ và hợp pháp. Bên cạnh cách đặt vấn đề mang tính triết học và xã hội, bài viết sẽ đưa ra một vài suy tư thiêng liêng, sử dụng những suối nguồn từ linh đạo Kitô giáo. Phần đầu của bài viết có chút màu sắc chẩn đoán, trình bày vài nét về vấn đề của chủ thể trong vấn đề nhận thức với bối cảnh xã hội hiện đại, và qua đó chú ý hơn đến chiều kích xã hội của tri thức. Phần tiếp theo của bài viết cố gắng mở rộng đặc điểm của tri thức qua chiều kích “thiêng liêng” của chúng. Phần cuối phác thảo vài ý tưởng căn bản cho việc đồng hành tri thức như một dạng dấn thân xã hội của từng cá nhân.

Những vấn đề của tri thức và chủ thể tri thức

Trong chương đầu của tác phẩm “Hoàn cảnh hậu hiện đại” ngay từ thập niên 1970, triết gia người Pháp Jean- François Lyotard đã bàn đến tình trạng của “tri thức trong các xã hội điện toán hoá.” Ông cho rằng các tri thức, nhờ qua những thay đổi của khoa điện toán sẽ kiến tạo một loạt các kênh lưu chuyển thông tin mới và thông tin trở thành những sản phẩm có thể lưu thông theo dạng hàng hóa. Nói cách khác, thông tin sẽ được thương mại hoá theo quy luật cung cầu và từ đó kiến tạo trở lại mối quan hệ sản xuất. Nó sẽ mất dần những giá trị tự tại để trở thành những sản phẩm trao đổi, nghĩa là trở nên có giá trị thương mại. Những tiên đoán của ông gần 50 năm về trước liên quan đến hệ quả kinh tế, sự trồi sụt giữa giàu và nghèo, vốn phát sinh từ những biến đổi của việc điện toán hoá trên mức độ toàn cầu về tri thức đã ít nhiều được chứng minh, đặc biệt qua sự thống trị của các tập đoàn kỹ thuật viễn thông và vi tính toàn cầu:

Tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất chính yếu trong vài thập niên vừa qua, điều này đã có những tác động đáng chú ý trong cấu trúc các lực lượng lao động ở các nước phát triển cao và tạo ra những đình trệ lớn lao (của việc ứng dụng tri thức vào nền sản xuất mới) cho các quốc gia đang phát triển. Trong thời hậu kỹ nghệ và hậu hiện đại, khoa học sẽ tiếp tục duy trì và tăng cường tính vượt trội của nó như là nguồn cung cấp khả năng sản xuất cho quốc gia – nhà nước. [2]

Nói cách đơn giản, nền kinh tế nào đẩy mạnh cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực kỹ thuật truyền thông và điện toán sẽ có tiềm năng chinh phục thế giới nhanh hơn. Thật vậy, trong khi các tập đoàn xuyên quốc gia đang dần dần chiếm lĩnh việc nắm giữ các kênh chuyển lưu thông tin, thì cách gián tiếp nó cũng kiến tạo một đàng sự thụ động và lệ thuộc của các quốc gia sử dụng những dịch vụ ấy; ngược lại, nó cũng là vận hội hội nhập, thậm chí còn biến thành một sự đòi buộc khiến các nền kinh tế nhỏ không có chọn lựa nào khác là phải tham gia vào hệ thống toàn cầu ấy.

Mặt khác, Lyotard cũng nói đến một sự khủng hoảng của các “đại tự sự” về tri thức. Các định chế từng nắm giữ các phát biểu về tri thức như quốc gia, các đảng phái cầm quyền, các nhóm chuyên môn ưu tú, các phân khoa đại học, những tổ chức và truyền thống tôn giáo khả kính không còn khả tín để hợp thức hoá, tức để xác chuẩn các giá trị, các “chuyện kể” về tri thức nữa. Trong thời số hóa, tri thức trở thành một tài sản có thể tích lũy và mua bán được, lưu chuyển theo một sự phân phối xem chừng rất dân chủ về mặt cơ hội. Nhưng hệ quả của cuộc khủng hoảng này kéo theo, như lời của Lyotard, là “một cuộc tan rã xã hội” trong đó “đám đông bị ném vào một vòng xoáy phi lý của những chuyển động ngẫu nhiên,” không chỉ liên quan đến chân lý mà còn toàn bộ các giá trị diễn dịch từ đó. Nói nôm na là tính lợi ích kinh tế đã ảnh hưởng không nhỏ lên quy trình tiếp nhận và đánh giá chân lý.

Thật vậy, ngày nay các mối liên kết xã hội phi định chế hay chống định chế (anti-establissments) đều được hình thành bởi những sự kiện thoạt đầu mang tính ngẫu nhiên. Nó lan rộng và vượt ra ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chế tài và kiểm duyệt. Ví dụ, phong trào #MeToo gần đây vốn mang dáng dấp và bản chất của một chủ nghĩa nữ quyền “cổ điển” nhưng nhanh chóng biến thành một chuyển động toàn cầu, châm ngòi từ một sự kiện đơn lẻ ở Hollywood và lan sang đến tận Ấn Độ chẳng hạn, và vượt ra ngoài mong đợi của các tổ chức hay các chuyên gia cho vấn đề này. Hoặc các đảng phái chính trị được gán nhãn “dân tuý” như có thể thấy qua phong trào “Năm Sao” ở Ý hay Đảng UKIP ở Anh hay Đảng AfD ở Đức đã có thể khuynh đảo và tác động lên bầu khí chính trị không chỉ ở các quốc gia này mà còn kéo theo cục diện xã hội và kinh tế toàn Âu châu.

Sự thương mại hoá thông tin, sự khủng hoảng của các đại tự sự về tri thức và sự giải thể thẩm quyền của các định chế nắm giữ thông tin đã định nghĩa lại vai trò của chủ thể trong tương quan với tri thức. Trong xã hội điện toán hoá, chủ thể gia nhập vào “một mạng lưới các quan hệ phức tạp và linh động.” Họ trở thành một “internaut,” theo lời Lyotard, tức trở thành một “mối nối” vừa đóng vai trò thu và phát, cung và cầu các thông tin cũng như có quyền tự do thẩm định và diễn dịch các nguồn thông tin ấy. Ông viết:

Trẻ hay già, nam hoặc nữ, nghèo hay giàu, một con người luôn luôn được đặt vào những “mối nối” của những mạch thông tin đặc thù, nhưng những điểm này rất nhỏ bé. Hoặc rõ hơn một chút, cá nhân luôn luôn được đặt vào một vị trí, để qua đó những loại thông điệp khác nhau truyền đi. Không có ai, ngay cả những người ít đặc quyền nhất trong chúng ta, là hoàn toàn không có quyền hạn trên một thông điệp đã truyền qua và đặt hắn ta vào vị trí của người gởi, người nhận hay vật đối chiếu.[3]

Thí dụ, sự biến tấu từ việc viết các trang blog, thịnh hành cách đây hơn một thập kỷ, đến việc tự mở các trang mạng riêng, phát triển kinh doanh qua facebook hoặc các dạng tài khoản thông tin tương tự dường như đã phổ thông hoá và dân chủ hoá việc sở hữu thông tin. Một thế hệ “guru” trên mạng ra đời, đảm nhận mọi dạng thức của “triết học cuộc sống“ thậm chí “tham chính“ mà không cần những tụ họp hoành tráng và tốn kém, chỉ cần một camera để “live stream” và qua đó “tậu” được một lượng tín đồ đi theo mình. Ban đầu người ta sử dụng các phương tiện này để bày tỏ các mối quan tâm cá nhân và xã hội, dần dà chúng cũng trở thành phương tiện thương mại và giao dịch. Cơ hội truyền và tải thông tin đều mở ra cho tất cả mọi người và biến thành cơ hội kinh tế và xã hội. Với hoàn cảnh “phẳng” hiện nay, cơ hội được truy cập của một trang mạng cá nhân hay một hãng thông tấn lớn gần như bằng nhau. Ít là ban đầu người ta đã có cảm giác như vậy!

Thật vậy, nhận định trên của Lyotard một đàng tái khẳng định lại cho ta vị trí mới của chủ thể tri thức trong tương quan với xã hội, nhưng đồng thời chỉ ra nguy cơ “toàn trị” trong chức năng tri thức của chủ thể. Chủ thể phải tự quyết định nguồn, cách thức và nội dung của việc đón nhận, diễn dịch và truyền đạt tri thức của mình. Vấn đề “toàn thể tính” của tri thức vì thế cũng trở nên một đòi hỏi khắc khe hơn, nhất là giúp tránh sai lệch về mặt sự thật, sự thiện và giá trị thẩm mỹ. Thêm vào đó, tình trạng quá tải về dữ liệu liên mạng dẫn đến sự báo động về một chủ thuyết hoài nghi tri thức hay một biến thể đang lan rộng của nó như thuyết nguy cơ; chúng cho thấy chủ thể cá nhân đang bị thử thách cách triệt để trong việc sử dụng tư duy lý trí của mình. Vì thế, trong tác phẩm xuất bản năm 1976 của ông, dù không khai triển đề tài này cách rốt ráo, Lyotard đã mở ra một vấn đề giờ đây đang trở nên cấp thiết: Đâu là những giới hạn hay những nguyên tắc, mà ông gọi là “trò chơi ngôn ngữ” để chủ thể có thể áp dụng cho mình trong việc tiếp nhận, chủ giải và truyền đạt tri thức. Tương tự, trong tác phẩm Lý thuyết về hành vi tương giao, Jürgen Habermas cũng coi “ngữ pháp học” tương giao là một phương thức nền tảng giúp thành công trong các hành vi tương giao liên vị.

***

Cho đến nay, tri thức luận vẫn lấy gốc cá nhân làm cơ bản trong tiến trình nhận thức về sự vật, kể cả các tri thức có đối thể trừu tượng. Thậm chí việc truy tìm nền tảng, quy tắc và phương pháp để giúp chủ thể tri nhận vẫn dựa trên cá nhân tính của nó, cho dù mối liên hệ của nó với thế giới ngoại quan là một điều hiển nhiên. Điều này cũng đồng thời giúp chủ thể nhận ra những năng lực của mình, như trí năng hay lý tính và đồng thời giúp phát biểu những kinh nghiệm tri thức ấy. Nói như Kant, phán đoán tri thức có hai chiều kích: xác định và phản tư. Thậm chí quy trình tri thức này, cũng theo Kant, cũng có khả năng xây dựng cho mình những cơ chế phê phán để giúp đạt đến tri thức đúng, điều chỉnh và truyền thông điều gì là hợp lý điều gì phi lý, tức khả năng phổ quát hóa của một phán đoán về sự vật. Nhưng những gì diễn ra trong lịch sử thế giới hiện đại, nhất là sau hai đại thế chiến cùng với những phê bình của Nietszche và Freud, nếu không kể sự nới rộng tri thức luận hiện tượng học theo Husserl, chúng ta đã chứng kiến sự sụp đổ của một chủ thể tự tin và cả quyết về lý tính của mình.

Giờ đây, với những hiện tượng mới của việc lưu chuyển thông tin thời hiện tại, người ta đã bắt đầu để ý hơn đến một yếu tố khác, một yếu tố liên vị, và còn được gọi là “khúc quanh xã hội” của tri thức luận (social turn in epistemology). Chủ thể tri thức đi vào trong một tương tác bất tận với môi trường xung quanh, trong đó có đồng loại, qua việc thu chuyển các tín hiệu mang ý nghĩa. Tri thức không thể và không còn là sản phẩm của một “chủ thể cô đơn” nữa. Trong khi tri thức vẫn được tìm kiếm theo những cơ chế vừa nói, ngày nay, người ta ý thức nhiều hơn về môi trường hay hoàn cảnh mà cá nhân chủ thể thực hiện hành vi tri thức ấy. Hay nói cách khác, đó là những phương thức mà cá nhân dựa vào các mối quan hệ với những người khác để đạt đến tri thức riêng của mình. Trong bài viết về tri thức luận xã hội gần 20 năm về trước, Frederick Schmitt đã cho biết:

Vấn đề trọng tâm của xã hội học tri thức là liệu chăng, và theo mức độ nào mà các điều kiện việc hình thành tri thức có thể bao gồm các yếu tố xã hội. Nên hiểu tri thức như là một sở hữu của chủ thể tri thức, tách biệt hoàn toàn với bối cảnh xã hội hay ta phải bàn đến mối tương quan giữa chủ thể này với các hoàn cảnh xã hội của họ?[4]

Sự phát triển các hệ thống liên mạng (internet) sau đó cho thấy sự liên kết hoặc tuỳ thuộc của cá thể vào trong một cộng đồng hay môi trường, hoặc theo chiều ngược lại, những yếu tố xã hội có tác động lên việc hình thành những niềm tin, tức cơ sở ban đầu dẫn đến hiểu biết và hình thành tri thức của cá nhân ấy là một điều càng cần được nhìn nhận một cách đầy đủ. Một cách tích cực, trên cơ sở đó, chúng ta có thể nói đến cách thức mà các cá nhân liên kết với nhau để xây dựng cho họ tri thức chung, như các diễn đàn chia sẻ thông tin, từ hàn lâm cho đến những mẹo vặt đời thường. Ví dụ của hình thái này có thể thể hiện qua các nhóm cùng chia sẻ một dạng loại sở thích hay cùng nhau thực hiện một nghiên cứu nào đó, cách thức họ cộng tác để đưa ra những kết luận khả tín và hợp lý. Và như thế, tri thức đạt được là một tri thức của cả nhóm, được xây dựng một cách hữu cơ như một tập thể, chứ không phải chỉ đơn thuần là sự cộng hưởng của các cá nhân. Nó không tuyệt đối nhưng có tính “tích hợp” và có thể giúp “đi xa hơn” trong việc truy tầm chân lý. Điều đó là một cơ hội để có thể giúp chúng ta, một đàng để đối diện với tình trạng “bất cập”, ít là tạm thời, của tri thức cá nhân hiện nay, đàng khác mở lối giải pháp cho chủ thể, đưa vai trò xã hội thành một yếu tố khả hữu vào việc xây dựng tri thức đúng cho chính mình. Dĩ nhiên, khi nói đến điều này, chúng ta ý thức ngay nguy cơ “đám đông bị thao túng về sự thật”. Chúng ta sẽ nói đến điều nay trong phần sau.

***

Từ mục tiêu xây dựng tri thức như thành quả của một cấu trúc tập thể ta có thể tái khám phá lại vai trò mới của chủ thể trong mối tương quan giữa và xã hội trong tiến trình xây dựng tri thức. Đứng trước sự hỗn loạn của dữ liệu, chủ thể phải làm thế nào để có thể tham gia vào hành trình tri thức này? Hay đâu là thái độ mà chủ thể tự đặt cho mình để có thể tương tác một cách đúng đắn? Sự tương tác với xã hội trong tiến trình xây dựng tri thức cá nhân giả định một đòi hỏi đạo đức, tức là một thái độ chủ thể tự xây dựng cho mình trong cách thức tương tác với cộng đồng. Đến đây, ta đụng chạm đến một vấn đề cũ nhưng rất có ý nghĩa của đạo đức học trong tri thức: sự khiêm tốn tri thức. Nói theo ngôn ngữ thiêng liêng Kitô giáo, chủ thể tri thức cần một cuộc “hoán cải” về khả năng tư biện của mình, như một tiền đề để đi vào một dạng nhận thức tập thể.

Trong bối cảnh của kinh nghiệm tri thức, sự khiêm tốn ở đây nhắm đến việc nhìn nhận rằng tri thức đạt được không chỉ được xây dựng quanh bản ngã tri nhận của mình, nhưng nằm trong mối liên hệ với các cá thể khác. Và đồng thời mối liên kết này, trong khi là một tình trạng “ở trong thế giới” của hữu thể, theo cách nói của Heidegger, thì các chủ thể tri thức cùng nhau xây dựng một cộng đồng tri thức tích cực, hướng tới những vấn đề chung được nhìn nhận là quan trọng. Trong thái độ này, trí năng của một chủ thể không chỉ tự mình đánh giá khả năng riêng, tự đủ và có khả năng nhận biết hoàn toàn tri thức. Ngược lại, như vừa nói, sự khiêm tốn tri thức là tiền đề căn bản cho việc thực hành nhận thức, vốn coi bản thân không phải là cá thể vượt trội, quy ngã, hay triệt để hợp lý trong phán đoán trí năng. Bởi nếu không, những giả định “không khiêm tốn” và tự đủ sẽ dẫn đến hình thành một niềm tin chủ quan cố tìm sự hợp thức hoá từ bên ngoài như một phương tiện. Một dạng hợp thức hóa bề ngoài tuy khách quan nhưng thực ra, nhìn theo kiểu biện chứng Hegel, là một sự tự áp đặt, cho dù có nghiêm nhặt, về cơ sở tư biện của lý trí chủ quan. Ngược lại, người khiêm tốn trong tri thức thì tiệm cận dần dần với sự thật chứ không hoàn toàn chiếm hữu nó.

Một hình ảnh có tính điển cố có thể được nhắc lại ở đây là ẩn dụ về cái hang trong tác phẩm Cộng Hoà của Platon. Chúng ta không cần nhắc lại toàn bộ câu chuyện mà Platon đã trình bày, cho bằng tập trung vào chi tiết quan trọng ở cuối cuộc đối thoại giữa Socrate và Glaucon, khi mà người tù vốn đã được giải thoát, đã bước lên trên mặt đất và đã nhận ra được tri thức về mọi sự và giờ đây phải trở vào hang để cùng chia sẻ những kinh nghiệm tri thức với những bạn tù của mình (x. Cộng Hoà 517a).

  • Hãy tưởng tượng thêm là người này quay trở lại hang động và phải ngồi lại chỗ trước kia, và khi bước xuống anh phải đối diện với bóng tối và vì thế mắt anh ta sẽ trở nên mù?
  • Đúng vậy.
  • Và trong khi mắt của anh còn rối loạn, chưa quay trở lại tình trạng ổn định và quen dần với bóng tối, vốn là việc cần thời gian lâu dài, thì anh được yêu cầu phải phát biểu về những hình bóng kia và theo đó tranh luận với những người chưa bao giờ ra khỏi hang, thì liệu anh có sẳn sàng cười nhạo những người kia không? Nào những người kia sẽ lại nhạo anh rằng để leo lên trên kia, anh đã phải trả giá là bị mù mắt, và việc cố leo lên trên nào có ích chi và nếu có ai đó muốn nắm kéo họ lên trên thì họ sẽ xúm lại túm lấy kẻ ấy và giết chết anh ta, nếu điều ấy có thể.
  • Chuyện này rất có thể lắm.

Chi tiết này trong ẩn dụ cái hang chỉ ra một phần ảnh hưởng của xã hội với việc truy tầm tri thức của cá nhân, thể hiện trong mối quan hệ giữa chủ thể tri thức với nhóm người ngồi trong hang. Trong khi tư duy chủ quan có thể tự cho mình hoàn toàn hợp lý thì việc đặt mình trong cộng đồng tri thức sẽ không thể tránh khỏi một tình trạng “mờ mịt” “choáng váng”, và nếu có tương tác, sẽ dẫn đến một xung khắc trong các phát biểu. Hiển nhiên, tình trạng chênh lệch về mức độ tiếp cận tri thức vốn là “bình thường” giữa từng cá thể trong cộng đồng, nhưng dầu sao, các cá thể ấy đều phải chia sẻ cùng một không gian cảm quan chung. Và kết quả là ở đây chúng ta thấy được những khả thể khác nhau của hiệu ứng cộng đồng trong việc xác lập tri thức.[5]

Platon đã kết thúc câu chuyện bằng hình ảnh bi quan khi bàn đến mối nguy cơ một người bị “đánh hội đồng” đối với những phát biểu trái chiều với họ về tri thức. Nhưng một cách gián tiếp, Platon cũng đồng thời phê bình hay ít nhất đặt lại vấn đề tri thức mang tính duy cá nhân. Bản thân người “đã được giải phóng khỏi hang” cũng phải đối diện với một đàng sự mù loà của bối cảnh xung quanh và đàng khác phải tìm cách để phát biểu về sự vật vốn giờ đây trở nên đa nguyên trong kinh nghiệm của anh ta. Truy tầm tri thức giờ đây mang bộ mặt của một khoa sư phạm, có tính giáo hóa, nằm giữa đòi buộc nghiêm cẩn của tri thức cá nhân và sự dịch chuyển tri thức chung của cộng đồng. Tri thức cá nhân vẫn có chỗ đứng trong khả năng của chủ thể, nhưng nó có nhiệm vụ phải khéo léo tham gia vào “trò chơi” phát biểu của cộng đồng. Nói trong ngôn ngữ Kitô giáo, truy tầm tri thức không chỉ là “vị tri thức” nhưng là một sứ mạng phục vụ trong xã hội. Và như thế, trong bối cảnh cộng đồng, chân lý không chỉ được định nghĩa như một niềm tin đúng có kiểm chứng, mà còn phải đi vào tương thông với người khác.

Chiều kích “thiêng liêng“ của tri thức

Ba quan sát trên: (1) sự “phẳng” hoá của hệ thống thông tin toàn cầu, (2) đóng góp rõ rệt của xã hội trong sự đánh giá tri thức cá nhân, (3) và thái độ khiêm tốn cần có của chủ thể, thoạt đầu cho chúng ta ấn tượng khó bác bỏ về khuynh hướng duy tương đối trong tri thức. Theo lối nghĩ này, một quan niệm về tính bất di bất dịch, tính đơn nhất trong chân lý hay sự cần thiết của một nền tảng siêu hình tuyệt đối đã không còn phù hợp, bởi lý trí đã cho thấy giới hạn của nó và sự trung gian hoá giữa truyền thông và tri thức ngày càng được rút ngắn. Tính tức thời của việc truyền tải thông tin khiến cho tri thức bị giản lược thành sự kiện và thậm chí người ta còn nhân danh việc “trung thành với sự kiện” để thoái thác trách nhiệm “định hướng và đánh giá” để giúp định hình một tri thức mang lại một sự tương thông xác đáng cho cộng đồng.

Có thể nhờ qua “khúc quanh xã hội của tri thức luận”, chúng ta không chỉ bằng lòng với việc đặt lại vấn đề tri nhận một sự vật, một hiện tượng hay một vấn đề, đặt nó trong bối cảnh, mà còn để ý đến chính tiến trình tri nhận ấy. Có thể việc tri nhận một cái bàn, một cái nhà hay một hiện tượng vật lý như mưa gió, ngày hay đêm không cần nhiều đến đóng góp xã hội, bởi nó gắn với khả năng căn bản và chính xác của kinh nghiệm. Tuy nhiên, trong một số đối tượng tri nhận phức tạp, như một hiện tượng xã hội hay một đề tài chính trị, thần học hay luân lý, vốn đòi hỏi chủ thể tri thức hình thành một thái độ hoặc một trường quan sát rộng lớn, thì bối cảnh cộng đồng mà người đó thuộc về hoàn toàn trở nên một điều cần quan tâm, như vừa nói, nhất là trong các đề tài liên quan đến tập thể và siêu nhiên.

Trong lĩnh vực tôn giáo và trong tương quan của tôn giáo với truyền thông, chúng ta không thể xem nhẹ vai trò của hoàn cảnh mà nội dung niềm tin, tín lý được xây dựng và phát biểu. Ví dụ, trong vấn đề tôn giáo, người ta có những mức độ kinh nghiệm khác nhau về Thiên Chúa. Có những người nói rằng lúc nào họ cũng cảm thấy hay trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa, trong khi có những người khác họ phát biểu rằng đối với họ Thiên Chúa không hiện diện. Thậm chí, kinh nghiệm đa dạng này còn xảy ra trong chính trải nghiệm của một con người. Nhưng nếu chúng ta đặt kinh nghiệm của họ trong môi trường họ sống và trải nghiệm thì chúng ta có thể chấp nhận sự khác biệt này.

Trong một cấp độ khác, những chân lý được phát biểu trong các định chế tôn giáo, như các Giáo Hội hay giáo quyền, vốn sẽ có giá trị phổ quát cho các tín đồ, sẽ lại là những ví dụ đòi hỏi sự quan sát và cân nhắc từ nhiều khía cạnh. Điều này xem ra hiển nhiên trong địa vị của những người mang trọng trách nhưng trong hoàn cảnh của đòi hỏi chớp nhoáng của thông tin cho đại chúng, các phát biểu tri thức từ nơi họbị đứng trước sức ép phải từ bỏ tiến trình suy tư cẩn trọng và lâu dài của nó. Làm thế nào để các cá nhân, mỗi người trong hoàn cảnh của mình, có thể có được sự trợ giúp để một đàng bảo toàn khả năng phán đoán chủ quan, đàng khác tích hợp sự kiện trong bối cảnh cộng đồng.

Thật vậy, trong khi luôn tái khẳng định tính phổ quát của lý trí và lương tri, như theo quan điểm của Descartes, thì mỗi người chúng ta đều lớn lên trong một môi trường mà mức độ lĩnh hội tri thức rất khác nhau. Đó là phần đóng góp của xã hội trong việc dìu dắt và huấn luyện kinh nghiệm tri thức của chúng ta. Vì vậy, những khẳng định tri thức của chúng ta cũng cho thấy mức độ ảnh hưởng của môi trường sống lên khả năng tri thức. Vì thế, một lần nữa, khía cạnh đồng hành trong việc dẫn đến tri thức, như đã được nhắc qua trong ẩn dụ cái hang của Platon, trở thành một phần thiết yếu không thể thiếu trong một lý thuyết triết học về tri thức trong tương lai.

Trở lại với sự khác biệt của quan niệm về chân lý giữa các chủ thể, một cách hiển nhiên chúng ta không thể nói rằng có nhiều chân lý cho một sự vật. Nhưng sự khác biệt về quan điểm cho chúng ta thấy được cách mà mỗi chủ thể phản ánh từng đặc nét của môi trường mình sống. Quan điểm của một cá nhân về một vấn đề nào đó, chính trị, xã hội hay đạo đức đều ghi khắc môi trường mà người ấy được giáo dục và trưởng thành. Nếu trong quá khứ, chủ thể theo kiểu Descartes có thể tạo lập được niềm tin và tri thức của mình nhờ khám phá ra cái vô biên nơi mình thì trong “tri thức luận xã hội,” chính sự khác biệt vô cùng của các bản ngã tri thức sẽ làm điều kiện nền cho một tri thức mang tính tương tác và cộng đồng. Có thể nói chính sự đa đạng và dị biệt đến vô biên của xã hội con người về tri nhận tri thức làm nên một nền tảng “siêu hình”, hoặc nói khác đi, là cơ sở cho chiều kích “thiêng liêng” của tri thức.

***

Chiều kích thiêng liêng của tri thức ở đây không có ý nói đến tính tôn giáo hay thánh thiêng của tri thức, vốn gắn liền với những phát biểu giáo lý hay tín điều trong các tôn giáo. Ví dụ câu phát biểu “Thiên Chúa là nguồn của mọi sự thông hiểu” hay “Lạy Chúa, xin ban sự thông hiểu của Ngài cho chúng con” không được bàn đến trong bối cảnh này bởi chúng là một phát biểu tôn giáo và vì thế, cần một dạng loại “ngữ pháp” đặc thù đến từ thần học. Sự thánh thiêng của tri thức ở đây thật ra chỉ cần được hiểu căn bản như hành vi nhận biết thông minh của tinh thần con người. Dầu vậy, hành vi của tinh thần này cần được nhấn mạnh ở một số đặc điểm sau.

Trước hết, sự khác biệt về diễn đạt tri thức trong xã hội nhân loại có thể được coi như một chân trời. Nói theo ngôn ngữ cổ điển của Kant, chân trời ấy là một dạng “điều kiện khả hữu” cho mọi dạng tri thức cụ thể. Nhưng sự tái khẳng định về một chân trời tri thức, về mặt chủ quan, không thể được đồng hoá bằng một tái khẳng định về tính tự lập tự tồn của lý tính nào, như đã trình bày ở trên. Đàng khác, về mặt khách quan, ta cũng không cần thiết phải đồng hoá chân trời ấy với một hữu thể tuyệt đối với những thuộc tính thần linh vốn gần với một thần học tự nhiên. Nói một cách mạnh bạo hơn, chính chiều kích xã hội của nhân học mới là chân trời cho một tri thức luận tương lai. Nhưng như đã nói trên, một nhân học xã hội nhắm đến ở đây là một cá nhân hay cộng đồng có một thái độ khiêm tốn về khả năng lý tính của mình.

Tiếp theo, tính thiêng liêng của tri thức còn hệ tại ở cách thức mà một cộng đồng quy tụ những chủ thể tri thức cùng tiến hành và xây dựng những dự án tri thức của mình. Điều cần thiết là làm sao để trong tiến trình tương tác, cộng đồng vẫn ở trong chân trời thiêng liêng mà họ cùng đón nhận như căn bản của mình. Như đã đề cập từ Lyotard và Habermas, điều quan trọng để duy trì việc này là khả năng xây dựng những hệ thống, vốn thoả mãn một “ngữ pháp học” và “thực dụng học” trong phát biểu tri thức của tập thể, để một đàng các chủ thể có thể giao tiếp tri thức một cách sáng tạo và ngăn trừ những lệch lạc hoặc thao túng của một số phương tiện nào đó.

Và cuối cùng, tính thiêng liêng không chỉ nhắm đến kết quả tri thức mà một cá nhân trong cộng đồng thủ đắc được, cho bằng việc tự quan sát cách thức mà họ đạt được kết quả ấy. Theo cách hiểu này, một đàng người ta hẳn nhiên không bác bỏ tri thức mà tập thể đạt được, nhưng điều quan trọng hơn là mỗi cộng đoàn tri thức khám phá ra cách thức mà họ được dẫn đến kết quả ấy. Trong tiến trình trên, mỗi chủ thể nhận ra cách mà họ được dẫn dắt và tương tác để xác nhận, chỉnh sửa và cải thiện khả năng tri thức của mình.

***

Henri Laux, trong tác phẩm nhỏ có tựa đề “Hướng tới một hiện hữu thiêng liêng” đã vẽ cho chúng ta một vài nét của một chủ thể bị cuốn vào tính lập tức và chóng vánh của dòng chảy tri thức:

“Điều đối nghịch với thiêng liêng không phải là vật chất, thân xác, cũng không phải là những quan niệm chung, những dạng loại đam mê hay khắc khoải hiện sinh. Cái đối nghịch của thiêng liêng đúng hơn là cái “tức thời”, cái “ngay lập tức” của quyết định, của phản ứng hay của các dạng tương quan. Với tính tức thời này, ta thấy được mọi kiểu của sự “nhanh nhảu đoản.” Người ta không còn chọn lựa nữa: cứ thế mà theo một hướng, bởi không có cái gì khá hơn hay bởi chính cái hoành tráng giật gân của sự việc, ta hành động và phản ứng theo cái cảm giác tức thời hiện tại mà không đặt chút viễn cảnh nào đối với những yếu tố dẫn đến một quyết định. Vì sợ hay vì lười mà người ta tự đặt cho mình những giới hạn và qua đó đóng luôn các chân trời.”[6]

Nếu “kẻ thù” của tri thức thiêng liêng là do tính “lập tức” của đòi hỏi truyền thông thì điều cần được đề cao ở đây không gì khác hơn là sự đào sâu tính “tiến trình” mà trong đó chủ thể tri thức có thể “kháng cự” trước sự lôi cuốn của cơn lốc truyền thông và qua đó gìn giữ “chân trời tri thức” của mình. Do đó, việc giả định một chân trời tri thức vốn được đổ nền trên sự đón nhận tính khác biệt triệt để của tri thức con người, sự tìm tòi để xây dựng một “ngữ pháp học” tương giao cho cộng đồng tri thứ của mình, và cuối cùng là tiến trình tự quan sát năng động riêng của một cộng đồng ấy là những yếu tố biểu lộ tính “thiêng liêng” của tri thức luận trong xã hội điện toán hoá.

Chúng ta có thể nói lại ý tưởng của mục này bằng một nhận định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong tài liệu làm việc cho Thượng Hội Đồng về Giới Trẻ 2018 “Giới trẻ, đức tin và nhận định ơi gọi” (Instrument laboris). Bằng ngôn ngữ mục vụ, ngài đã tóm lược và chỉ ra nhu cầu của việc đồng hành tri thức, đứng trước thách đố của tình trạng “thế giới phẳng” hôm nay:

Ngày nay, thế hệ trẻ hơn có đặc điểm là liên hệ nhiều với các kỹ thuật truyền thông hiện đại và điều thường được gọi là “thế giới ảo”, nhưng có tác dụng rất thực tế. “Thế giới ảo” giúp ta lui tới một loạt cơ may mà các thế hệ trước chưa bao giờ được hưởng, nhưng không phải là không có rủi ro. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là chú tâm vào vấn đề sau: việc cảm nghiệm các mối liên hệ do kỹ thuật làm trung gian rồi sẽ cấu trúc hóa quan niệm của ta về thế giới, về thực tại và về các mối liên hệ liên ngã. Dựa trên cơ sở này, Giáo Hội được yêu cầu đánh giá sinh hoạt mục vụ của mình, một việc cần để phát triển một nền văn hóa thích đáng.

Đồng hành tri thức như một cách thức dấn thân xã hội

Như đã đề cập ở trên trong ẩn dụ cái hang của Platon, mỗi chủ thể tri thức một đàng có nhiệm vụ “sapere aude”, – nhiệm vụ vận dụng cách thỏa đáng trí năng của mình, như kẻ đã có kinh nghiệm “ra khỏi hang và chiêm ngưỡng mặt trời” để có tri thức thật về sự vật, thì đàng khác và cùng lúc, chủ thể ấy có nhiệm vụ “catharsis”, – nhiệm vụ “thanh tẩy” hay “giáo hoá” sự lưu chuyển tri thức của mình và của người khác trong và cho cộng đồng, như Aristotle trong tác phẩm Thi Luận (Poetik) đã đề xướng. Tri thức cá nhân được trình bày trong cộng đồng không chỉ như những tuyên ngôn hay phát biểu chủ quan về sự việc, nhưng còn phải sẳn sàng đi vào trong tương tác với xã hội với ý hướng xây dựng một sự thật được chia sẻ và phân định rõ ràng bao nhiêu có thể. Phần cuối của bài viết này muốn phác thảo vài nét của nhiệm vụ thứ hai trong tiến trình tri thức ấy.

Việc thực thi nhiệm vụ này dẫn chúng ta tới một hình thức dấn thân xã hội cho tri thức mà chúng ta tạm gọi là “đồng hành tri thức”. Và cốt lõi của việc đồng hành này là thao tác “nhận định.”

Chúng ta nói trước hết về hạn từ đồng hành. Việc đồng hành, đặc biệt là đồng hành thiêng liêng, vốn là một thực hành truyền thống rất đáng kính của các tôn giáo, và dĩ nhiên là chúng cũng có mặt trong đời sống tu đức Kitô giáo. Sự đối thoại trong tin tưởng và mở ra giữa người đồng hành và người được đồng hành được giả định bởi một chân trời vô biên, khơi nguồn cho những giá trị và cơ hội mà chủ thể nhận thức ra về mình và những chuyển động của tinh thần nội tại nơi mình. Trong bối cảnh của tôn giáo thì đồng hành thiêng liêng mang thêm chiều kích đối thần, nhìn thấy sự thật tối hậu của cuộc sống cá nhân mình ở nơi Đấng Tối Cao. Nhưng ở đây, chúng ta chỉ nói đến đồng hành thiêng liêng như một tiến trình đối thoại để xây dựng tri thức trong bối cảnh cộng đồng.

Như đã nói trên, tri thức thường nhật không cần lắm một sự đồng hành phức tạp, nhưng đối với những vấn đề quan trọng, hiện sinh căn bản và liên quan đến việc xây dựng một thế giới quan, thì việc đồng hành, tức hình thành một cộng đồng tri thức, ít là giữa cá nhân và người đồng hành, là một thực hành và một đòi buộc có ý nghĩa. Tri thức lúc này trở thành một tiến trình tương tác và điều chỉnh nhận thức. Tài liệu Instrument laboris cũng đề cập đến tính hữu hiệu và cấp thiết của nhận định trong đồng hành để nhắm đến một nhận thức đúng:

Trong các phương tiện trên, truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội nhấn mạnh tới sự quan trọng của việc đồng hành cá vị (accompagnement personnel). Khi đồng hành với một người khác, việc am tường các lý thuyết về nhận định thôi không đủ; người ta cần nội tâm hóa kinh nghiệm giải thích các chuyển động của trái tim ngõ hầu nhận ra hành động của Chúa Thánh Thần; vì Người nói với từng cá nhân theo cách rất riêng. Việc đồng hành cá vị này đòi ta không những trau dồi sự nhạy bén của ta đối với tiếng nói của Chúa Thánh Thần và dẫn ta tới chỗ khám phá ra kho tàng phong phú nơi đặc nét của từng người.

Tiếp theo, một trong những khái niệm then chốt làm nên giá trị đồng hành thiêng liêng chính là khả năng “nhận định[7] (discernment) các loại năng động của tinh thần” vốn là nguyên nhân dẫn đến một sự “thiên hình vạn trạng” trong tưởng tượng, nhận thức và phát biểu của các cá nhân về sự việc. Như vậy, việc nhận định tri thức không chối bỏ hay thoái thác mệnh lệnh chân lý về sự vật, nhưng trong tiến trình của nó, để ý hơn tới bối cảnh của các chủ thể tri nhận cũng như ngôn ngữ mà họ sử dụng.

Khi chúng ta chấp nhận tính “thiêng liêng” của tri thức, thì việc đồng hành tri thức không chỉ tồn tại dưới dạng thoả mãn một “niềm tin đúng được kiểm chứng” như đã đề cập ở đầu bài viết, nhưng đúng hơn là nhận ra là hoa trái của một tiến trình tương tác, đối thoại và phản tỉnh. Gần đây, để cố gắng cải thiện tình trạng hỗn loạn về sự thật trên các phương tiện truyền thông, bên cạnh việc đưa tin, các hãng thông tấn lớn đều mở các trang phụ để “kiểm chứng các dữ kiện” hoặc tạo những diễn đàn mời gọi những người có tiếng nói trái chiều về cùng một vấn đề đến đối thoại với nhau trong khuôn khổ của sự minh bạch và lễ độ trong ngôn ngữ. Nhưng việc đồng hành tri thức, hiểu như một dạng dấn thân trong truyền thông trong xã hội, không chỉ hài lòng với việc giúp các chủ thể tri thức tái khám phá tính chân xác của sự kiện hay tạo lập cho họ một kỷ luật trong truyền thông, mà còn mời gọi họ đi đến chọn lựa những tri thức vốn sẽ tạo lập ý nghĩa cho cuộc sống của họ. Nói khác đi, nếu tri thức luận hiện đại nhắm tìm một cơ sở niềm tin xác đáng để kiểm chứng thì tri thức luận mang tính nhận định trong bối cảnh đồng hành thiêng liêng này lại duy trì sự khác biệt của các nội dung niềm tin ấy và giúp họ đi đến một chọn lựa có ý nghĩa. Và tiến trình kiểm chứng (justify) sẽ được thay thế bằng tiến trình của việc đón nhận và xác chuẩn (reception and confirmation) những gì đã được tri nhận, giải thích và đồng thuận.

Trước khi đi vào kết luận, chúng ta cũng nhắc lại những hạn chế của đề tài tri thức luận xã hội này. Vì nhấn mạnh đến bối cảnh và đóng góp của cộng đồng xã hội vào hành vi tri thức của chủ thể, cũng như nhìn nhận giá trị cộng thể của tri thức cá nhân, chúng ta cũng ý thức về nguy cơ bị lèo lái của chủ thể trong khối chuyển động chung và đôi khi khó cưỡng lại của cộng đồng xã hội. Sự lầm lẫn cá nhân có thể dẫn đến ảnh hưởng cho cộng đồng và ngược lại. Vì thế sự phân định và đồng hành đối thoại không đóng vai trò nào khác hơn là để giảm thiểu nguy cơ này. Nó sẽ giúp cá thể, trong khi tiếp tục gìn giữ sự mở ra trong việc truy tầm tri thức với những người khác, duy trì sự dị biệt ấy trong tư duy nội quan của mình, mở ngõ cho những bổ sung hoặc phản tỉnh liên lục về sau.

Ngoài ra, chính sự phức tạp và dày đặc của bối cảnh cá nhân và cộng đồng người đó thuộc về đòi buộc chủ thể phải tận tâm đối với môi trường mà mình sống, tri nhận và truyền thông. Việc hiểu biết đa chiều về một đề tài và khả năng tổng hợp các góc nhìn này đòi buộc chủ thể tri thức đôi khi phải từ bỏ tính lập tức của sự kiện để mài dũa óc phân tích và nhận ra các chuyển động đa dạng của vấn đề. Điều đó cũng có nghĩa là nó đòi buộc chủ thể một sự chìm sâu, và xét về mặt thời gian, một sự chiêm nghiệm và suy tư lâu dài trước khi ưng thuận và đón nhận một đánh giá nào đó như tri thức đúng và có ý nghĩa cho mình. Đó là một cách nói khác của sự khiêm tốn tri thức mà chúng ta đã làm quen ở phần trên. Sau khi nhìn nhận sự khác biệt về cảm nhận, tưởng tượng và tri nhận, khám phá ra những năng động làm nên chúng, cố gắng tìm những sự giải thích hợp lý và chọn lựa một cách phát ngôn mang lại ý nghĩa, sự khiêm tốn này được trải nghiệm nơi chủ thể tri thức là một sự thanh thản trong tâm hồn, điềm tĩnh trước mọi khác biệt và đồng thời tích cực hơn trong những thực hành xã hội của mình.

***

Có thể trong đồng hành tri thức và đặc biệt trong khuôn khổ dấn thân xã hội, mục tiêu của việc đồng hành không dẫn đến một sự tuyên xưng đức tin hay đón nhận một lời ngỏ tôn giáo như tri thức đích thật cho hiện hữu nhân sinh của mình. Nhưng việc dấn thân này ít ra, như đã nói, trong nhiệm vụ căn bản của nhân học, là giúp chủ thể gặp gỡ con người sống động, có một kinh nghiệm nền tảng về nhân loại, trong đó lương tâm của chủ thể nhìn thấy nơi mình hoa trái của tiến trình nhận định, là sự “thanh thản” “bình an” trong những chọn lựa tri thức của mình. Và như thế, sự thật trọn vẹn mà chúng ta hướng tới, tuy không mang bận tâm phổ quát hoá của mình, thì khám phá ra một di sản tinh thần chung của nhân loại, một dạng loại Weltgeist, – một Tinh Thần ở trong thế giới, vừa chân thật vừa thánh thiện.


 

[1] Nếu chúng ta coi tri thức được hình thành từ định nghĩa căn bản của tri thức luận: một niềm tin thật được kiểm chứng (justified true belief).

[2] Xem bài viết ngắn của Lyotard, J.-F., Điều kiện hậu hiện đại. Bản tường trình về tri thức, (bản dịch của Nguyễn Minh Quân), truy cập ngày 15.09.2018, từ http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/vhh-cac- truong-phai-trao-luu/1900-jean-francois-lyotard-dieu-kien-hau-hien-dai- ban-tuong-trinh-ve-tri-thuc-.html. (hoặc tác phẩm dài hơn của ông với bản dịch của Ngân Xuyên, Hoàn cảnh hậu hiện đại, NXB Tri Thức, 2007.

[3] Ibid.

[4] Xem Schmitt, Frederick: Social Epistemology in Greco, John và Ernest Sosa: The Blackwell Guide to Espitemology, 1999, 354.

[5] Câu chuyện gần đây về phản ứng của người dân, đặc biệt trên mạng xã hội, về giáo trình thử nghiệm mới của việc dạy và học Tiếng Việt cho học sinh lớp 1 là một minh họa điển hình.

[6] Laux, Henri, Pour une existence spirituelle, Edition facultés jésuites de Paris, 2017, 5.

[7] Tài liệu này cho ta thấy việc phân định, vốn là một hành vi của tinh thần, có thể được áp dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau: “Đưa ra quyết định và hướng dẫn các hành động của mình trong các hoàn cảnh bất trắc và trước các sức mạnh nội tâm trái ngược nhau chính là chỗ để thực thi việc nhận định, một hạn từ cổ điển trong truyền thống Giáo Hội áp dụng vào các hoàn cảnh khác nhau. Thực vậy, ta có việc nhận định các dấu chỉ thời đại; nó sẽ dẫn ta tới việc nhận ra sự hiện diện và hành động của Thánh Thần trong lịch sử. Nhận định luân lý, ngược lại, là phân biệt điều tốt khỏi điều xấu. Một hình thức nhận định khác nữa là nhận định thiêng liêng, nhằm nhận ra cơn cám dỗ để bác bỏ nó và tiếp tục bước trên hành trình tiến tới sự viên mãn của đời sống. Sự nối kết giữa các ý nghĩa khác nhau của những hình thức này khá hiển nhiên, một nối kết không bao giờ có thể hoàn toàn tách rời nhau được.” Từ quan điểm này, chúng ta cũng có thể áp dụng chúng cho vấn đề tri thức.