Hợp Tuyển Thần Học

Hội Thánh: Hiệp Thông Các Giáo Hội

Hội Thánh: Hiệp Thông Các Giáo Hội

Mục Lục

HIỆP THÔNG

Nói đến Hiệp thông là nói đến trọng tâm của mầu nhiệm Giáo hội. Cách chung, Hiệp thông mang ý nghĩa chỉ về quan hệ của tín hữu với Thiên Chúa, cũng như giữa các tín hữu với nhau trong Ðức Kitô nhờ Thánh Thần.

Từ koinonia trong tiếng Hy lạp có nghĩa là “liên hiệp,” “thông phần,” “tương quan” của con người với các thần linh hoặc giữa con người với nhau. Trong Bản Cựu Ước LXX, koinonía , từ phiên dịch của từ khabar trong tiếng Hypri, không mang ý nghĩa tôn giáo. Tân Ước dùng từ koinonía 19 lần (14 lần trong văn bộ Phaolô ) với một số ý nghĩa chỉ về: dây liên lạc bác ái của một cộng đoàn, thể hiện qua việc quyên góp để giúp một cộng đoàn khác (x. 2Cr 9: 13); mối hiệp thông với Ðức Kitô (x. 1Cr 1: 9) qua việc thông phần những khổ đau của Ngài (x. Pl 3: 10), cùng qua lễ bẻ bánh, bởi đó là hành động “dự phần vào Thân thể Ngài” (x. 1Cr 10: 16); và mối “hiệp thông” với Thần Khí (x. 2Cr 13: 13). Trong Cv 2: 42, ý nghĩa Giáo hội học hiện rõ qua từ koinonía: các kitô hữu hiệp thông với nhau về cả tinh thần lẫn vật chất, qua việc cùng nhau cầu nguyện, chia sẻ cho nhau giáo huấn của các tông đồ, và cả của cải. Trong văn bộ Gioan, koinonía là kết quả của đức tin đích thực, sống động, làm cho các kitô hữu hiệp thông với Cha và Con, cũng như với nhau ở trong Ngài (x. 1Ga 1: 1-4).[1]

Ðể diễn đạt Hiệp thông, các Giáo phụ Hy lạp đã dùng từ koinonía, bởi muốn ám chỉ bữa tiệc Thánh Thể;[2] còn bên Tây phương, nhất là thánh Augustinô, thì dùng từ communio , có ý liên tưởng đến chính Giáo hội.[3] Sau này từ ngữ ấy tổng hợp cả hai ý nghĩa, tức hiệp lễ và cộng đồng Hội thánh; vì vậy, “tuyệt thông” có nghĩa là bị dứt quan hệ với Giáo hội và đồng thời bị cấm chịu lễ. Cho nên, Hiệp thông mang ý nghĩa vừa bí tích vừa cứu độ.[4] Từ thời thánh Hiêrônimô († 420), đã có thành ngữ communio sanctorum , – các Thánh thông công – nghĩa là các tín hữu cùng dự phần vào những sự thánh (như: các bí tích, Kinh thánh, cầu nguyện, v.v.), và hiệp thông với nhau ở dưới đất cũng như trên trời và trong luyện ngục.

HỘI THÁNH NHƯ HIỆP THÔNG

“Họ để mọi sự làm của chung” (Cv 4:32). ‘Kitô hữu chân chính phải coi tất cả những gì mình có như là tài sản chung của mọi người, luôn sẵn sàng và nhiệt thành cứu giúp kẻ khốn cùng’ (Sách Giáo lý Ro^ma, 1.10.27). Kitô hữu là người quản lý tài sản của Chúa.”[5]

Suy tư về Giáo hội như là một niềm hiệp thông sống động, tất sẽ liên tưởng đến cộng đồng kitô sơ khai tại Giêrusalem như đọc thấy trong trình thuật của sách Công vụ Tông đồ. Vaticanô II đã khai triển nhiều khía cạnh của ý niệm “Giáo hội như hiệp thông;” nhưng đáng tiếc là bộ Giáo luật mới đã không ứng dụng những sáng kiến ấy vào trong thực tế. Hai chiều kích thầnnhân của Hội Thánh đều đòi phải có hiệp thông tính.

Phát sinh từ Thiên Chúa Ba Ngôi (như đã bàn đến trong chương hai), Hội thánh là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông tuyệt đối: như Tam Vị thần linh vừa hiệp nhất mà vừa khác biệt, thì cũng thế, duy nhất tính của Giáo hội lại hiện diện trong những khác biệt đa dạng của công giáo tính kỳ diệu. Dù Mỗi Vị có khác nhau, thì Ba Ngôi cũng có chung cùng một thần tính, một sức sống, một trí lý, một ý chí, một dự án cho lịch sử loài người; cũng vậy, dù gồm nhiều phần khác nhau, thì Giáo hội cũng chỉ là “một thân thể,” bởi “chỉ có một Thần Khí, và bởi tất cả “đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng” (Ep 4: 4). Vì cùng có một niềm tin vào Lời của Con, và nhờ nhận được tình thương của Thánh Thần, các tín hữu trở nên con cái của cùng một Chúa Cha. Nhờ phép Rửa nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, cả cá nhân các tín hữu lẫn tập đoàn Hội thánh đều trở thành tạo vật mới (x. Gl 6: 15), bởi được chia sẻ sự sống mới trong Thần Khí của Chúa. Và nhờ được thông hiệp với Thiên Chúa, các phần tử của Hội thánh mới có thể hiệp thông với nhau thực sự. Thánh Gioan viết: “Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người” (1Ga 1:3). Vaticanô II viết: “Chúa Kitô… đã thiết lập Giáo hội thánh thiện như một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến, một cơ cấu hữu hình giữa trần gian…” (LG 8a); và chính Thánh Thần “thống nhất Giáo hội trong niềm thông hiệp và trong công tác phục vụ” (LG 4).

Tự bản tính, con người là hiệp thông: nhân vị chỉ trưởng thành như nhân vị trọn vẹn trong đối thoại với một nhân vị khác; bỏi nhân vị mang tính chất “tương quan” như các Ngôi Vị Thiên Chúa; đó là hệ quả của sự việc con người là hình ảnh Thiên Chúa. Con người mới tất phải có một mối tương quan mới ở trong một xã hội mới là Giáo hội. Ơn cứu độ là hiệp thông, là trở nên thân thể – một tập đoàn – của Ðầu ban sự sống là Ðức Kitô. Như cành cắt khỏi thân nho, như chi thể lìa khỏi thân thể thì khô héo đi, cũng vậy bị tuyệt thông thì sự sống siêu nhiên lâm nguy. Thiên Chúa đã lập Hội thánh nên môi trường cứu độ; vì thế, Tân Ước cho thấy là sự sống của Giáo hội cốt ở hiệp thông. Ðây là một số đoạn điển hình: Cv 2: 42-47; 4: 32-34; 5: 12-14. Gioan lồng hiệp thông tính vào trong điều răn mới là “hãy yêu thương nhau” (Ga 13: 34), gắn liền với tình yêu Thiên Chúa như bóng với hình: “Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?” (1Ga 3: 17). Như con người, hiệp thông có vật thể tính. Hiệp thông là cộng đồng, cộng sinh, cộng tác, cộng sự…

1. Giáo Hội Hiệp Thông Như Thân Thể

Lý do sâu xa nhất của hiệp thông trong Giáo hội nằm ở nơi sự kiện các kitô hữu là thân thể Chúa Kitô, và vì thế, là chi thể của nhau.[6] Thâït vậy, Hội thánh là hiện thân của “mầu nhiệm” cứu rỗi: Chúa Cha giải hòa tất cả mọi người với nhau trong một thân thể nhờ Thần Khí (x. Ep 2: 11-18); Ðầu của tất cả là Ðức Kitô (x. Ep 1: 22). Vì sống chung trong một thân thể, nên mọi chi thể đều tương thuôïc. Theo thánh Phaolô, những bổn phận đối với tha nhân đều phát sinh từ đó; ngài nói: “Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; nếu một phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung” (1Cr 12: 26). Thái độ thành thật với nhau (điều răn thứ tám) là hệ quả của sự việc cùng có một thân phận chung: “mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau” (Ep 4: 25), và vì thế, cần phải sống ý nghĩa tích cực của điều răn thứ bảy: “Ai quen trộn cắp, đừng trộn cắp nữa, trái lại, hãy chịu khó dùng đôi tay của mình mà làm ăn lương thiện để có gì chia sẻ với người túng thiếu” (Ep 4: 28). Mối hiệp thông này không chỉ là một thực kiện “xã hội,” mà còn hơn nữa, là một “thực tại siêu nhiên” phát sinh từ Thân thể Ðức Kitô và được biểu thị rõ nhất ở trong lễ Tạ Ơn: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, vàø tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10: 17).[7] Chính vì thế, tín hữu có thể tham dự phụng vụ của các Giáo hội hiệp thông với nhau và lãnh nhận bí tích từ bất cứ một linh mục chính thực nào, không xét tới lễ điển.

2. Giáo Hội Hiệp Thông Như Bí tích

“Trong mọi hoạt động Phụng vụ, Chúa Thánh Thần được cử đến để giúp chúng ta hiệp thông với Chúa Kitô nhằm hình thành Thân thể Ngài. Như nhựa sống trong cây nho của Chúa Cha, Chúa Thánh Thần trổ sinh hoa trái nơi các nhánh (x. Ga 15: 1-17). Sự hợp tác thâm sâu nhất giữa Chúa Thánh Thần và Hội thánh được thực hiện trong Phụng vụ. Chúa Thánh Thần là Ðấng ban ơn thông hiệp, luôn ở trong Hội thánh. Nhờ đó, Hội thánh là bí tích cao cả hiệp thông con người với Thiên Chúa và tập họp con cái Thiên Chúa tản mát khắp nơi về một mối. Hiệu quả của Chúa Thánh Thần trong Phụng vụ gắn liền với ơn hiệp thông con người với Ba Ngôi Chí Thánh và hiệp thông huynh đệ (x. 1Ga 1:3-7).”[8]

Vaticanô II định nghĩa Giáo hội là “Bí tích … của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất giữa toàn thể nhân loại” (LG 1), tức là một bí tích hiệp thông. Công đồng muốn nói là Giáo hội xuất hiện như một dấu hiêïu giúp cho thế gian hiểu được hiệp nhất là gì, hòa giải là gì, v.v., hầu đưa nhân loại đang bị chia rẽ đi đến chỗ trở thành gia đình con cái Thiên Chúa. Sống theo sự duy nhất và theo tinh thần công giáo, “nhóm người kitô” hòa giải dân Do thái với các dân tộc khác (x. Cv 10: 44-48), và cả các nền văn hóa, các giai cấp xã hội cũng như các khác biệt giới tính nữa (x. Gl 3: 28). Những thực tại này phải hữu hình mới làm nên bí tích được. Vốn là tội nhân – các cá nhân cũng như các nền văn hóa – các tín hữu kitô đã được Rửa tội, được tha thứ để đoàn hợp thành Hội thánh. Vì thế, Giáo hội là một xã hội biết thứ tha, và các thành phần phải biết sống tình hòa giải với nhau và với mọi người, hầu xây dựng một xã hội huynh đệ. Trong cộng đoàn kitô sơ thời, các tín hữu đã sống hòa hợp, thương mến nhau cao diệu đến độ các dân ngọai phải bỡ ngỡ nhìn nhau nói: “Hãy coi, họ yêu thương nhau tận tình thế đó!”[9]

Ngày xưa, các cộng đồng kitô thường hội họp với nhau để dùng “bữa tình thương ” (agapê ), qua đó, họ có được dịp cảm nghiệm niềm hiệp thông kitô đến một mức có thể nói là tột bực. Buổi đầu, những bữa ăn như thế cũng là những bữa Thánh Thể (x. 1Cr 11: 17-34); nhưng chẳng bao lâu sau, các bữa ăn tình thương không còn đi liền với Thánh Lễ.[10] Trong thế kỷ thứ hai, những bữa tiệc thường được tổ chức tại nhà thờ,[11] nhưng dần dần đã được dời đi nơi khác. Lề lối sinh hoạt ấy biểu thị rõ niềm hiệp thông giữa các phần tử trong cộng đoàn: mỗi người góp phần và chia sẻ những gì mình có, đồng thời làm chứng và cổ võ cho tình huynh đệ, tức là sống chức năng “bí tích.” Hiệp thông phải trở thành cơ chế tương trợ, cơ quan chia sẻ trong một cách thức mới mẻ, cụ thể và hữu hiệu, trở thành bí tích thống nhất, nếu không thì chỉ là chuyện hữu danh vô thực, hoàn toàn vô ích, hoặc tựa như là làm Phép Rửa mà không liệu cho có nước.

3. Giáo Hội Hiệp Thông Như Dân Chúa

Ðã là Dân mới của Thiên Chúa, tất Giáo hội thu họp hết mọi người thuộc mọi chủng tộc, mọi dân nước, văn hóa, giai cấp, thời đại… thành một nhờ “luật tình thương,” như Lumen gentium dạy (LG 9b). Ðiều mới mẻ của Dân này là sức sống của Thần Khí, vượt lên trên mọi khác biệt, có sức hòa giải mọi tương kị, san bằng mọi bức tường ngăn cách giữa loài người, làm cho tín đồ cởi bỏ “con người cũ” ích kỷ (x. Ep 4: 22; Cl 3: 9) mà mặc lấy “con người mới” với một “căn tính” mới để trở nên “người đồng hương với các thánh” (x. Ep 2: 19) trong Nước Chúa. “Thành đô Thiên Chúa hằng sống” (x. Dt 12: 22) hoặc Dân mới này có một gia nghiệp chung: các “công dân” cùng chia sẻ một đức tin, một Phép Rửa và các bí tích, một truyền thống chung. Ðó là những gì làm nên “văn hóa và phong tục” công giáo, v.v… và làm cho các tín hữu nhận ra nhau ở bất cứ nơi nào trên thế giới: dù nghi thức có khác nhau, nhưng tất cả đều có quyền – “quyền công dân” trong Dân mới – tham dự phụng vụ, rước Lễ, và lãnh nhận các bí tích, vì tất cả đều thông hiệp với nhau.

Giáo lý Công Giáo đã nêu rõ xác tín kitô trong các vấn đề: hiệp thông trong niềm tin, các bí tích, các đặc sủng và của cải trần thế. Trong các lãnh vực này, cộng đồng Giêrusalem sơ khai đã thực sự nêu cao gương sáng cho hết thảy các cộng đoàn địa phương (x. Cv 2: 42-47; 4: 32).[12] Phaolô đã cẩn trọng chu toàn nhiệm vụ xây dựng và củng cố mối hiệp thông liên Giáo hội: ngài lo quyên góp giữa các cộng đồng dân ngoại để cứu trợ Giáo hội Giêrusalem đang túng thiếu (x. Rm 15: 26; 1Cr 17: 1-4; 2Cr 8: 4).[13] Và ngày nay, Giáo hội có nhiều tổ chức cứu trợ trong khắp thế giới, như là: Caritas tại các nước, MisereorAdveniat trong Giáo hội Ðức, USCC ở Hoa Kỳ, Cor Unum của Tòa thánh, v.v.

QUYỀN BÍNH VÀ LÃNH ÐẠO TRONG GIÁO HỘI HIỆP THÔNG

Từ vài ba thế kỷ nay, Giáo hội Công giáo đã được tổ chức theo thể chế “quân chủ ;” đó là kết quả cuối cùng của vụ cải cách do Ðức Grêgôriô VII (1021-1085) khởi sự. “Tình hiệp thông” đã bị giảm sút đi nhiều. Trong thiên niên đầu, niềm hiệp thông đã tỏ ra sống động hơn; vì thế, thần học thường nhìn về những thời đại ấy để học lại cho đầy đủ hơn những gì truyền thống đã dạy về hiệp thông trong Giáo hội. Thực ra, truyền thống là hiệp thông trải dài ra trong thời gian.[14]

Trong Giáo hội, hành sử “quyền bính” là tác vụ hết sức tế nhị: một đàng, Chúa muốn phải có người chủ tọa; đàng khác, tất cả đều là anh chị em của nhau. Ðức Giêsu căn dặn rõ là không được hành sử quyền bính “như vua chúa” thế gian, và người lớn phải phục vụ người nhỏ (x. Lc 22: 24-27). Nhưng Tân Ước cũng nhấn mạnh đến giá trị của đức vâng lời (x. 1Cr 16: 16; Dt 13: 17; 1Tx 5: 12). Vì thế, trong Giáo hội quyền bính và vâng lời được Thần Khí điều phối vào trong bầu khí hài hòa của tình huynh đệ. Quyền bính, hoặc uy quyền, và vâng phục là đặc sủng phát sinh từ tình yêu Ðức Giêsu; chẳng thế mà hễ được trao cho quyền bính càng lớn càng cao, thì càng phải yêu mến nhiều hơn (x. Ga 21: 15tt). Sau Vaticanô II, “quyền bính” đã trở thành vấn đề then chốt trong Giáo hội học.[15]

Thời xưa, Giáo hội được tổ chức theo cung cách nêu vật chế độ công nghị (synodality, synodalité)[16] . Trong mỗi Giáo hội, các linh mục và phó tế làm thành một tập thể chung quanh giám mục. Giám mục tuyên bố các quyết định sau khi đã bàn luận với hội nghị. Ðời sống của cộng đoàn tiến hành dưới sự chỉ đạo của một dạng cơ chế tập thể. Các linh mục và phó tế có “đầu” là giám mục; ngài giữ uy thế hàng đầu trong địa phận như là vị đại diện của Ðức Kitô và của dân Chúa. Ngài chủ tọa Thánh Lễ, bí tích hiệp thông của toàn dân. Qua niềm hiệp thông với các giám mục khác, Giám mục làm dây nối kết cộng đồng của mình với các cộng đồng khác, và như thế, niềm hiệp thông công giáo được thành tựu. Khi cần, thì các vị cùng nhau họp mặt để bàn luận hầu giải quyết các vấn đề phức tạp hơn.

Nhưng, vì những khó khăn thì thường lớn rộng, vượt hẳn ra ngoài biên giới của một cộng đoàn, nên từ thế kỷ hai, các giám mục trong một miền đã có thông lệ họâi họp để tìm cách đối phó với những khó khăn chung. Bắt đầu tại Tiểu Á, nhân vụ khủng hoảng Montanista (chừng năm 165 hoặc 175), các công đồng đã trở thành một hình thức sinh hoạt của đời sống Giáo hội trên khắp thế giới. Các giám mục tụ họp như thế, vì ý thức mình có trách nhiệm gìn giữ truyền thống của các tông đồ; khi có những quyết định chung, các vị thường gửi văn thư cho các giám mục vùng khác.[17] Tinh thần “tập đoàn” đã được thể hiện như vậy. Thánh Augustinô phân biệt các công đồng toàn cầu, công đồng miền và công đồng tỉnh. Còn các công đồng địa phận thì xuất hiện trong thế kỷ 4, và được coi là có sức mang lại nhiều ích lợi đến nỗi công đồng chung Trentô đã ra quyết định là các giám mục phải triệu tập công đồng địa phận mỗi năm một lần. Giáo hội chính thống một giữ thái độ kính trọng đối với các công đồng; còn bên phía Tin lành và Anh giáo thì có nhiều Giáo hội được tổ chức theo chế độ hội đồng.

Quyền bính cũng đặt ra nhiều vấn đề gai góc mà then chốt cho nỗ lực đại kết. Nếu nhìn Giáo hội theo nhãn quan hiệp thông – tức là nhận một dạng Giáo hội học hiệp thông[18] – ắt là phải thay đổi nhiều trong cách xử dụng quyền bính; cần phải: áp dụng đúng mức nguyên tắc phân quyền; để các tín hữu tùy khả năng tham dự vào công tác hành sử quyền bính; thiết lập những cơ cấu làm sao để Hội thánh thực sự trở thành mọât “Giáo hội rộng mở cho tham gia” (participatory Church ).[19] Thừa tác vụ (tức quyền bính) vốn là để phục vụ:

“…Ðặc tính tập đoàn phát xuất từ bản tính bí tích của thừa tác vụ Hội thánh… Ðược tuyển chọn chung với nhau [các tông đồ] cùng được sai đi chung với nhau và tình hiệp nhất huynh đệ của họ sẽ giúp cho mọi tín hữu được hiệp thông huynh đệ; sự hiệp thông này sẽ phản ảnh và làm chứng cho sự hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa (x. Ga 17:21-23). Vì thế, mỗi giám mục thi hành thừa tác vụ của mình trong lòng Giám mục đoàn, hiệp thông với Giám mục Rôma, người kế nhiệm thánh Phêrô và là thủ lãnh Giám mục đoàn. Các linh mục thi hành thừa tác vụ của mình trong lòng Linh mục đoàn giáo phận, dưới sự chỉ đạo của vị giám mục.”[20]

Trong nhãn quan của Vaticanô II, các giám mục là một “cộng đoàn.” Các ngài có potestas collegialis : “quyền cộng đoàn ” hay “đoàn thể” trên toàn thể Giáo hội (LG 22b), và thi hành quyền ấy trong công đồng hoặc hội đồng. Cộng đoàn tính ấy là do ý muốn của Ðức Kitô mà có, và thuộc về bản chất của Giáo hội; vì thế, không thể bãi bỏ đi được.[21] Như Phêrô và các tông đồ là một “tông đồ đoàn,” thì người nối nghiệp Phêrô và các giám mục nối nghiệp các tông đồ cũng là một “giám mục đoàn.” Nhiệm vụ rao giảng Tin mừng khắp thế giới là trước hết, nhiệm vụ của “cộng đoàn các chủ chăn” (LG 23c). Thế nên, mỗi giám mục có bổn phận lo cho Giáo hội toàn thể, lo cho: “sự hiệp nhất đức tin và kỷ luật chung… [lo] phát huy mọi sinh hoạt chung trong toàn thể Giáo hội.” Ðối với thần học ngày nay, giám mục đoàn là một thực tại hiển nhiên trong Giáo hội. Bây giờ chỉ còn có việc là Giáo luật phải cụ thể hóa thực tại đó vào trong lãnh vực hành chánh. Chính công đồng đề cập đến những Giáo hội do các thượng phụ lãnh đạo – với lề luật riêng – và gợi ý là “cũng thế, ngày nay, các hội đồng giám mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách, để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn” [ấy] (LG 23d).

Trước hết, Giáo luật cần phải áp dụng và dành rõ một chỗ đứng thích đáng cho nguyên tắc phân nhiệm hay phân quyền (subsidiarity principle ): những gì cấp dưới có thể và được quyền làm, thì cấp trên không nên can thiệp vào. Hơn cả thế kỷ nay, Giáo hội đã từng lấy nguyên tắc này làm tâm điểm của học thuyết về xã hội, và yêu cầu các chính quyền đem thực hành vào trong xã hội dân sự; thế thì bây giờ giáo quyền cũng cần phải lập luật mà áp dụng nguyên tắc ấy vào công tác nội trị Giáo hội. Ðức Piô XI nhận định: “Là điều bất công việc trao cho một cấp xã hội lớn hơn hoặc cao hơn cái mà những cấp nhỏ hơn hoặc thập hơn có thể làm được; đó là tai họa làm cho trật tự đúng đắn trong xã hội ra lộn xộn, vì mục đích của chính quyền khi can thiệp, là để bổ trợ cho sinh hoạt của những thành phần xã hội, chứ không để gây phá hoại.”[22] Sau đó, Ðức Piô XII đã dựa theo nguyên tắc này mà kết án những chế độ độc quyền, quan liêu và kỹ trị. Nhưng, nếu áp dùng nguyên tắc này một cách quá khích, thì có thể rơi vào cá nhân chủ nghĩa; vì thế, nên dung hòa nguyên tắc ấy với “nguyên tắc liên đới,” để ích lợi riêng và chung được hòa hợp. Nếu hai nguyên tắc này được thi hành trong Giáo hội, trong tương quan giữa Rôma và các giám mục đoàn, cùng với những Giáo hội địa phương (cũng như trong mỗi địa phận), ắt dung mạo của Hội thánh sẽ thực sự đổi mới, để phản ánh trung thực hơn gương mặt của chính Ðức Kitô.

Trong bối cảnh ấy, thần học đặt vấn đề về việc tổ chức cơ cấu của Giáo hội theo mẫu chế độ dân chủ.[23] Như ngày xưa, Giáo hội đã dựa theo chế độ của xã hội thời bấy giờ mà hình thành cơ cấu tổ chức của mình, thì ngày nay cũng có thể làm như vậy. Những yếu tố Ðức Kitô để lại cũng vẫn có thể tồn tại trong một chế độ dân chủ. Lý do sâu xa là vì vẫn sống trong thông hiệp nhờ các bí tích: tất cả vừa liên đới với nhau vừa có trách nhiệm đối với thân thể Giáo hội, dù mỗi người trong một cách khác nhau, tùy những đoàn sủng và bí tích đã lãnh nhận. Ðã đành là Giáo hội không thể nào hoàn toàn rập khuôn theo những chế độ của xã hội được; tuy nhiên, vẫn có thể lấy lại nhiều yếu tố tốt, hoặc có khi còn phải chấp nhận nữa. Cũng có thể áp dụng theo cách loại suy, học thuyết của thông điệp Centesimus Annus cho việc tổ chức cơ cấu Giáo hội. Nhìn vào giáo triều Rôma, nhiều người, nhất là những người ngoại Kitô giáo, có thể cảm tưởng như là nhìn thấy những hình thức và thủ tục của những triều đình vua chúa; đôi khi những phủ giáo phận cũng không tránh khỏi bầu khí quan cách. Muốn có uy thế lúc nói, thì phải biết lắng nghe; một lời nói ra mà không được đón nhận, thì vô hiệu. Thần Khí hoạt động trong tất cả, và lắm khi một cách hết sức lạ lùng. Vì vậy, giáo quyền phải biết để Thần Khí dẫn dắt mình đi, qua những trung gian bất ngờ như thế. Hễ đã có nhiệm vụ dạy dỗ, thì nên chú ý đến những người cùng có nhiệm vụ như thế trong Giáo hội. Giáo phẩm cai quản một “gia đình” trưởng thành. Quyền bính nào cũng phải có giới hạn và phải biết đặt mình dưới sự kiểm soát của luật. Thời xưa, chính dân Chúa bầu cử lấy giám mục của mình, và nếu tỏ ra bất xứng thì cũng chính dân Chúa triệt khứ đi.[24] Truyền thống dạy rằng giám mục là “đại diện” của Ðức Kitô và của Giáo hội:[25] đại diện của Ðức Kitô là nhờ bí tích truyền chức thánh; đại diện của cộng đoàn là do luật; mà ngày nay, các đại diện thường là chỉ định qua các cuộc bầu cử. Vậy, Giáo hội cũng có thể dùng phương thức ấy một phần nào, mà thực hiện giáo lý về “quyền bình đẳng trong Dân Chúa” và thực trạng hiệp thông trong trách nhiệm của tất cả đối với tất cả.

GIÁO HỘI ÐỊA PHƯƠNG

Giáo hội học hiệp thông nêu bật ý nghĩa của Giáo hội địa phương.[26] Vaticanô II quả đã có công phục hồi hướng suy tư ấy, dù ngôn ngữ công đồng dùng vẫn còn mập mờ, không bao giờ định nghĩa cho rõ “Giáo hội địa phương” là gì: khi thì nói về “các Giáo hội riêng biệt hay các lễ chế” (OE 2); khi thì cho hiểu danh xưng ấy đồng nghĩa với giáo phận (CD 6), tức là một phần của dân Thiên Chúa thuộc quyền chỉ đạo của một giám mục (LG 23); hoặc khẳng định là “Hội thánh Ðức Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hũu địa phương hợp pháp… mà trong Tân Ước được gọi là Giáo hội” (LG 26a).[27] Nhưng đồng thời cũng gọi một cộng đoàn do một linh mục hướng dẫn là “Giáo hội Thiên Chúa” (LG 28d). Nếu bộ Giáo luật đã dùng từ ngữ “Giáo hội riêng biệt” thay vì “Giáo hội địa phương,” thì có thể là vì “Giáo hội riêng biệt” được quan niệm như một nhóm của Dân Thiên Chúa (LG 23, CD 11; Giáo luật đ 369, 370, 371), tức như là một đơn vị tòng nhân hơn là tòng thổ, nhưng thường thì Giáo hội ấy có một lãnh thổ xác dịnh (đ. 372). Ngày nay, từ ngữ “Giáo hội địa phương” mang ý nghĩa chỉ về hoặc là một giáo phận hoặc là Giáo hội sống trong một môi trường văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, v.v… nào đó.

Cấu thành từ những yếu tố thần linh, nhưng đồng thời cũng mang bản chất nhân loại, tất Giáo hội phải chịu những điều kiện của không và thời gian, tức là phải: hiện diện tại một nơi; sinh hoạt trong một thời, cần đến những cơ quan hữu hình, như là các bí tích. Và vì thế, hệt như mọi đoàn thể xã hội loài người, Giáo hội cũng sống trong thời gian, phát triển, biến đổi, v.v. giữa dòng lịch sử. Hơn nữa, như một cơ quan sống động, Giáo hội có khả năng “địa phương hóa” chính mình một cách tích cực và ý thức, nghĩa là đồng hóa các giá trị của địa phương mình sinh sống và hoạt động: đó chính là công tác hội nhập văn hóa.

Thật ra, Giáo hội địa phương cũng được cấu thành bằng chính những yếu tố làm như Hội thánh phổ quát: ơn của Chúa Cha gọi, lời của Ðức Kitô triệu tập, ơn Thánh Thần đoàn tụ hiệp thông trong tình yêu, đức tin duy nhất vào Ðức Kitô và Phúc âm của Ngài, các bí tích, lề luật tình yêu, truyền thống về thừa tác vụ, những giá trị đặc thù kitô giáo. Giáo hội tại một địa phương cũng là hiện thân của mầu nhiệm Ðức Kitô, là bí tích cứu rỗi, và cũng mang trọn bản chất công giáo vì là hiện thân của Hôïi thánh phổ quát duy nhất, và được trao phó cho tất cả những phương tiện thánh hóa của Chúa Kitô, với khả năng tiếp tục sứ mệnh của các tông đồ. Thế nên, Giáo hội địa phương cũng là Giáo hội tông truyền. Chẳng thế mà Vaticanô II lưu ý là: “Giáo hội Ðức Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp và hợp nhất với các chủ chăn của mình, mà Tân Ước gọi là ‘Giáo hội’” (LG 26a). Cụ thể mà nói, giám mục là hiện thân của tông truyền tính ấy.

Giám mục là “đầu” của Giáo hội mình và, một cách nào đó, còn là nguồn sống cho cộng đoàn: “Giám mục phải được xem như thượng tế của đoàn chiên; có thể nói rằng sự sống trong Chúa Kitô của các tín hữu ngài phát xuất từ ngài và một cách nào đó, tùy thuộc vào ngài” (SC 41a). Lý do là vì giám mục là đại diện của Ðức Kitô; và vì thế, truyền thống gọi ngài là vicarius Christi.[28] Nhờ giám mục, cộng đồng địa phương được vinh dự “kế nhiệm” Giáo hội của các tông đồ, như thánh Irênêô đã nhận định.[29] Giám mục và Giáo hội địa phương liên kết với nhau mật thiết đến độ tuy hai mà chỉ là một: Inhaxiô Antiôkia không ngừng khuyên rằng đừng làm một điều gì nếu không phải là với giám mục. Và Cypria nô thì thường dùng công thức: “ngươi phải biết rằng giám mục ở trong Giáo hội và Giáo hội ở trong giám mục.”[30] Cả hai kết liền với nhau tựa vợ và chồng vậy, như công đồng Nicêa nói trong điều khoản 15; đến nỗi công đồng Alêxanđria (năm 339) đã so sánh việc một giám mục tự ý bỏ giáo phận mình để qua một giáo phận khác, với tội ngoại tình;[31] đó cũng là ý nghĩa của chiếc nhẫn giám mục.

Giáo hội địa phương xuất hiện rõ, hữu hình và cụ thể, khi giám mục cử hành Thánh lễ với dân mình tại nhà thờ chính tòa (SC 41). Giám mục cư xử theo tư thế là đầu, tức vừa như là nguồn sống vừa như là hiện thân của uy quyền. Inhaxiô Antiôki a nhận thức rằng giám mục là vị “thay mặt Chúa Cha,” và cùng với tập thể các linh mục, ngài “thay mặt nghị viện các tông đồ,” để chủ tọa thánh lễ hiệp thông.[32] Trong lễ tế ấy, tư tế tính của cộng đoàn Giáo hội được thể hiện: giám mục ngồi tòa để truyền thông đức tin các tông đồ, để cử hành trong thông hiệp với Ðức Kitô, với anh em mình trong hàng giám mục – qua việc xướng danh cầu cho giám mục Rôma và các giám mục hiện diện – và với toàn thể dân Chúa – qua việc nhận lời cộng đoàn cùng thưa “amen.”

Mối hiệp thông giữa cộng đoàn và giám mục xuất hiện rõ qua việc tuyển chọn giám mục địa phương.[33] Ðiển hình là việc chọn giám mục Rôma : “vì có nhiệm vụ bầu cử giám mục Rôma, nên cử tri đoàn giáo hoàng phải gồm những thành viên thực sự liên kết chặt chẽ với Giáo hội Rôma.”[34] Thời xưa, cộng đoàn có vai trò tích cực trong thể thức chọn giám mục. Nổi tiếng hơn cả là câu nói của Ðức Cêlestinô I († 432): “Ai không được ưng thuận thì đừng đặt làm giám mục.”[35] Ðức Lêô Cả cũng phát biểu tương tự như thế: “nên đặt làm đầu cho tất cả, người được giáo dân và giáo sĩ đồng tâm nhất trí đề nghị… đừng truyền chức cho ai mà họ không muốn và không xin, kẻo kinh thành khinh miệt hoặc ghét bỏ giám mục họ không tha thiết…”[36] Sau này, trách nhiệm tuyển chọn giám mục đã được trao cho giáo sĩ địa phận hoặc kinh sĩ đoàn. Cho đến thời các thế kỷ 13-14, tòa Rôma mới bắt đầu giữ riêng quyền ấy cho mình. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn giữ những lề luật riêng, và các vua công giáo thường có quyền đề đạt. Những lý do của việc tòa Rôma giữ quyền chỉ định vào chức giám mục, thì nhiều: để tránh tranh giành phe phái trong Giáo hội; để bảo đảm thế độc lập của Giáo hội đối với các chính quyền; để tránh những hình thức mại thánh… Một khi Rôma đã lập luật về điểm này thì khó mà đổi được, nhất là khi coi đó như là điều cần để bảo toàn sự hiệp nhất của Hội thánh. Có lẽ Giáo hội học hiệp thông rồi sẽ từng bước góp phần để đổi mới lề luật về điểm này.

1. Giáo Hội Ðịa Phương Và Giáo Hội Phổ Quát

“Các Giáo hội địa phương được thành lập theo hình ảnh Giáo hội phổ quát: chính nhờ và trong các Giáo hội ấy mà Giáo hội công giáo duy nhất thực sự hiện diện” (LG 23a).

Nói cách khác, Giáo hội địa phương không phải là một “phần,” một “tỉnh” của Hội thánh toàn cầu, nhưng là chính Giáo hội công giáo toàn vẹn. Mặt khác, Giáo hội phổ quát không phải là một “liên bang” do các Giáo hội địa phương cấu thành. Tương quan giữa Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương không phải như tương quan giữa “toàn bộ và các thành phần,” nhưng là một tương quan đặc thù. Giáo hội địa phương thông dự vào bản chất của Giáo hội phổ quát cách hữu thể: không có hai loại Giáo hội – phổ quát địa phương – mà chỉ có một Giáo hội duy nhất nhập thế tại trong Giáo hội địa phương. Nhiều nhà thần học cho rằng Giáo hội phổ quát có ưu tiên hữu thể (prioritas ontologica), và hoạt động như nguyên nhân kiểu mẫu và cứu cánh của Giáo hội địa phương; có tác giả khác lại nghĩ rằng Giáo hội phổ quát và Giáo hội địa phương “tương tại” trong nhau.[37] Hội thánh phổ quát “hiện thể” trong Giáo hội địa phương, và ngoài Giáo hội địa phương thì không có Hội thánh.[38] Tuy nhiên, Giáo hội địa phương không phải là Hội thánh toàn thể; và duy chỉ Hội thánh phổ quát mới là Nhiệm thể Chúa Kitô và mới bất khả khuyết, cũng như duy chỉ Hội thánh phổ quát mới gồm toàn thể “các thánh thông công” (ở trần gian, ở trên trời và trong luyện ngục).[39] Một Giáo hội có thể có những đặc nét hoặc biệt sủng mà các Giáo hội khác không có; đó là chưa xét đến những thời đại khác nhau trong tiến trình lịch sử. Duy chỉ Giáo hội phổ quát mới bao gồm toàn bộ tiến trình thời gian từ lúc Chúa giáng sinh cho tới hồi Ngài quang lâm.

2. Công Giáo Tính

Giáo hội địa phương là công giáo, bởi có thế mới thực là Giáo hội. Công giáo tính hiện thể qua hai mặt: đối nội và đối ngoại:

Ðối Nội.— Là công giáo vì sống tinh thần hiệp thông, Giáo hội đón nhận và đồng hóa những giá trị địa phương. Cụ thể mà nói, đó chính là công cuộc hội nhập văn hóa.[40]

Vaticanô II định nghĩa “văn hóa” như là “tất cả những gì con người dùng để trau dồi và phát triển các năng khiếu đa diện của tâm hồn và thể xác mình” (GS 53), tức là gồm có những yếu tố trí thức và lao động, nhũng tập tục và định chế. Ðức Phaolô VI đã phàn nàn rằng thế kỷ này đang sống qua một tấn bi kịch não nùng, đó chính là thảm trạng phân ly giữa Phúc âm và văn hóa; vì thế ngài đã mạnh mẽ cổ vũ công cuộc hội nhập văn hóa.[41] Có nhiều nền văn hóa khác nhau, và đang không ngừng biến hóa; những yếu tố bản xứ hài hòa kết hợp với những yếu tố ngoại nhập, để hỗ tác vào nhau và bổ túc cho nhau, thì có thể làm cho cả hai phía nên phong phú hơn; tuy nhiên, nếu không khéo thì cũng có thể làm cho một số giá trị bị hư hỏng đi. Thế nào rồi các nền văn hóa cũng phải đi đến chỗ chấp nhận lối sống cộng sinh với nhau. Vì vậy, cần phải biết nhận định ảnh hưởng hay dỡ của các nền văn hóa; bởi, nói cho cùng, chẳng có một nền văn hóa nào là mười mươi hoàn hảo cả. Các Giáo hội phải lấy ánh sáng Phúc âm mà thanh lọc chính nền văn hóa của mình (x. EN 18). Chúa muốn có môn đồ xuất thân từ mọi nền văn hóa (x. Mt 28: 19).

Tự bản tính, đức tin không thể không mang một màu sắc văn hóa, bỏi cuộc sống đạo chỉ trở thành hiện thực trong một môi trường văn hóa cụ thể. Vốn là người “địa phương,” tất tín hữu sẽ đáp ứng lời Thiên Chúa mời gọi với phạm trù, ngôn ngữ, phong tục… mình đã hấp thụ từ môi trường sinh trưởng. Vấn đề là mỗi tín hữu, mỗi Giáo hội, đều lãnh nhận đức tin qua trung gian của một hay các Giáo hội khác. Ðiều đó muốn nói rằng cùng với Phúc âm, lúc nào cũng thu nhận kém theo nhiều yếu tố của các nền văn hóa khác. Muốn có một Tin mừng “thuần túy” hoặc một Giáo hội mang tính chất và những đặc nét “thuần túy” của nền văn hóa mình, là chuyện ảo tưởng. Dù sao, cũng vẫn phải cố gắng sống đạo theo văn hóa của mình.[42] Ðó là nỗ lực trường kỳ của công tác bản xứ hóa. Như hạt giống, Phúc âm được đem trồng vào trong các nền văn hóa; rồi nên để cho hạt giống tự nhiên mọc lên trong các môi trường ấy để làm đâm chồi nẩy lộc thành Giáo hội địa phương: cùng lúc thực sự kitô giáo và thực sự bản xứ, đúng như những gì Chúa muốn nói qua dụ ngôn người gieo giống (x. Mc 4: 26-29).

Chủ thể của cuộc hội nhập văn hóa là toàn thân Giáo hội: mỗi cá nhân cũng như cộng đồng toàn thể đều có bổn phận dấn thân vào trong đời sống văn hóa bản xứ với cả lòng tin sáng suốt của mình. Phải tìm biết và thấu hiểu những giá trị tích cực, những biểu tượng và cơ chế của văn hóa mình, đồng thời phải biết giải thích những “dấu chỉ thời đại” xem những gì sẽ tồn tại, những gì sẽ biến đổi trong tiến trình văn hóa ấy, để có đầy đủ dữ kiện mà đối thoại với nhau trong Giáo hội, cũng như với tín đồ các tôn giáo khác, ngõ hầu giúp cho những hoài bảo hằng ấp ủ của dân mình trở thành hiện thực.

Dù chỉ là tạm thời – bởi văn hóa luôn biến chuyển theo nhịp cuộc sống – thì thành quả mà những nỗ lực hội nhập văn hóa mang lại không phải là chuyện lý thuyết ảo tưởng. Thành quả ấy hiện rõ nơi các Giáo hội địa phương, mang đậm sắc thái bản xứ, có khả năng: dùng những phạm trù của nền văn hóa bản xứ để truyền bá Phúc âm; dùng ngôn ngữ và nền triết học của mình mà kiến tạo một nền thần học thực sự bản xứ; cử hành các mầu nhiẹâm thánh tức là các bí tích, trong tiếng nói và qua những biểu tượng phổ dụng tại địa phương mình;[43] tổ chức cộng đồng theo tập tục bản địa; sáng lập thừa tác vụ mới cho những nhu cầu riêng, cũng như tiến hành những thừa tác vụ cổ truyền theo cách kiểu văn hóa mình, v.v. Và dĩ nhiên là phạm vi ảnh hưởng của một nền văn hóa thì rộng lớn và bao trùm lãnh thổ của nhiều giáo hội địa phương. Thế nên, tác vụ bản xứ hóa là công việc chung của tất cả các Giáo hội sống trong cùng một nền văn hóa.

Kinh nghiệm cho thấy là có một số não trạng, quan niệm hoặc học thuyết thường gây chướng ngại làm cản đường tiến của công tác hội nhập văn hóa; chẳng hạn như là: thuyết hỗn hợp (syncretism ) mà AG 22 đã đề cập đến; chủ nghĩa duy bản địa (nativism ), hoặc óc chủng tộc cực đoan (ethnocentrism ). Hiện nay, nhiều Giáo hội địa phương sinh hoạt giữa nhiều môi trường văn hóa khác nhau; và xã hội cũng đã quen sống lối sống hợp chủng, tức là nhiều nhóm chủng tộc khác nhau cùng chung sống và hoạt động với nhau trong cùng một quốc gia, một tổ chức. Vì thế, Giáo hội địa phương cũng phải ôm trọn các nền văn hóa của thiểu số vào trong niềm hiệp thông công giáo. Lịch sử cho thấy rằng đa số các vụ ly khai là do “đầu óc chuyên nhất” hoặc “chủ nghĩa đặc thù” (particularism) gây ra.

Ðối Ngoại.— Là công giáo vì a) sống hiệp thông với các Giáo hội khác, và b) vì đảm nhận nhiệm vụ truyền giáo.

a) Ðời sống của một Giáo hội địa phươngbao giờ cũng ở trong thế biện chứng giữa hai chiều kích: phổ quát và bản xứ. Ðức Gioan Phaolô IInhận định:

“Giữa các Giáo hội cá biệt có một tương quan bản thể là bao gồm lẫn nhau: là hiện thân của Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô, một cách nào đó, mỗi Giáo hội địa phương đều có mặt trong tất cả các Giáo hội cá biệt khác… Tương quan bản thể ấy phải được cụ thể hóa trong đời sống hằng ngày, kẻo cộng đồng kitô mâu thuẫn với chính mình: những điều tín hữu chọn lựa cho Giáo hội mình phải là những gì có thể hòa hợp được với những lựa chọn của tín hữu các cộng đoàn khác, ngõ hầu mối hiệp thông tâm trí, mà Ðức Kitô nguyện ước trong bữa tiệc ly được thật sự thành tựu.”[44]

Mỗi Giáo hội đều liên hệ đến hết thảy và mỗi một Giáo hội khác bằng những mối hiệp thông đa dạng: hữu thể, tinh thần hay thiêng liêng, hành chính, văn hóa, v.v., và như vậy theo tư thế vừa cá nhân vừa tập thể; tức là cùng nhau chia sẻ trách nhiệm về đức tin, và cơ cấu tông truyền: một Giáo hội cô lập là một điều mâu thuẫn, vì hiệp thông là yếu tố cấu thành của “giáo hội tính.” Thế nên, một khi đã tách ra khỏi các Giáo hội khác, thì không một Giáo hội nào còn có được bản chất công giáo . Những điều xẩy ra trong một Giáo hội tất có ảnh hưởng đến các Giáo hội khác. Thư của Clêmentê là thí dụ đầu tiên về việc một Giáo hội (Rôma) trợ giúp một Giáo hội anh em (Côrintô). Tác giả của thư này không phải là giám mục Rôma, song là cộng đoàn: “Giáo hội của Thiên Chúa cư ngụ tại Rôma gửi cho Giáo hội Thiên Chúa ở Côrintô…” Ðộng lực của mối hiệp thông này là đức tin tông truyền mà tất cả cùng nhau chia sẻ trong những cách thể hệt như nhau, và như thế ngay cả trước khi văn bản chính lục Kinh thánh thành hình (khoảng năm 382). Ngày nay mối quan liên này càng nổi bật hiển nhiên hơn nữa.

Ðã có thể thấy được mối hiệp thông giữa các Giáo hội hiện rõ ngay trong buổi lễ tấn phong giám mục, khi mà – theo lệnh của công đồng Nicêa (khoản 4) – nghi thức truyền chức được cử hành với việc “đồng phong” của ba giám mục. Không phải các vị tấn phong chuyển thông “giám mục tính” của mình cho một tín hữu khác, song là làm dụng cụ của Thánh Thần ban đoàn sủng “giám sát” cho người được chọn. Như vậy, Giáo hội địa phương đón nhận “đầu” của mình từ Ðức Kitô, trong Hội thánh công giáo, với sự thuận nhận của các Giáo hội khác trong niềm hiệp thông công giáo: để có thể trở thành Giáo hội, thì một cộng đồng phải đi vào trong niềm hiệp thông và sống trong mối quan hệ tương tác tương tùy với các Giáo hội khác. Còn giám mục thì nhận ra giám mục tính của mình trong tương quan với các giám mục khác.

Ngay từ thời các tông đồ đã có sự hỗ trợ giữa các Giáo hội. Vaticanô II nhắc nhở các giám mục về nhiệm vụ sống và đẩy mạnh niềm hiệp thông: “Xin các giám mục nhớ rằng khi dùng của cải của Giáo hội, không phải chỉ quan tâm đến nhu cầu của riêng giáo phận mình không thôi, mà còn của cả các Giáo hội cá biệt khác nữa, bởi lẽ tất cả đều là thành phần trong Hội thánh duy nhất của Ðức Kitô” (CD 6c).

Còn có một phương cách hỗ trợ khác giữa các Giáo hội, là “chia sẻ” thừa tác viên; trường hợp điển hình là “các linh mục Fidei Donum ” đi giúp Phi châu, và đó là chưa nói đến những trường hợp các tu sĩ của một địa phận đến làm việc tại các địa phận khác. Những công tác liên địa phận như các đại chủng viện miền, các cơ sở đào tạo tu sĩ hoặc giáo lý viên, v.v… cũng cho thấy rõ niềm hiệp thông giữa các Giáo hội.

b) Ðã là công giáo và tông truyền, thì “tự bản tính” Giáo hội địa phương cũng “là truyền giáo” (AG 1-2), tức là có sứ mạng rao giảng Tin mừng, đặc biệc là cho những ai chưa bao giờ nghe nói đến Ðức Kitô, ở trong cũng như ngoài lãnh địa giáo phận mình. Hiến chế về Giáo hội nhắc nhở cho các giám mục về bổn phận của mỗi vị – trong tư cách là thành viên của giám mục đoàn – đối với các công tác phổ quát, nhất là đối với công cuộc loan truyền chân lý: “thế nên, các ngài phải hết sức trợ giúp việc truyền giáo cả về con số ‘thợ gặt’ lẫn về mặt phương tiện thiêng liêng cũng như vật chất” (LG 23c). Trong số 6, Sắc lệnh Christus Dominus đã đề ra một số điểm cụ thể trong cách thức chu toàn nhiệm vụ phổ quát vừa nói. Không chỉ dành riêng cho trách vụ các giám mục, công tác truyền giáo là bổn phận của mỗi tín hữu và của toàn thể cộng đồng Giáo hội địa phương.

Từ buổi đầu, các Giáo hội địa phương đã hăng hái đảm trách việc rao giảng Tin mừng. Sách Công vụ Tông đồ cho thấy gương sáng của cộng đồng Antiôkia: đã chọn và phái gửi Barnaba và Saolô (Phaolô) đi (x. Cv 13: 2-3). Vaticanô II nhắc lại sự kiện một số các Giáo hội ngày trước “đã sinh thành nhiều Giáo hội khác như con cái mình…” (LG 23c).

Ðức tin kitô bao giờ cũng đến với con người từ người khác, từ nơi khác: bắt đầu từ Giáo hội địa phương Giêrusalem, rồi lan rộng ra khắp xứ Palestina; từ đó, được chuyền đến các dân nước khác, và từø giữa lương dân, đã gầy dựng nên những cộng đoàn Giáo hội mới; rồi đến lượt mình, các Giáo hội này đã phái gửi thừa sai sang đến các vùng gần xa để tiếp tục thành lập nhiều Giáo hội khác, và mãi như thế cho đến bây giờ, cho đến hồi thế mạt. Ðã là tông truyền, tất các Giáo hội kế vị và kế nhiệm các tông đồ để tiếp nối sứ mệnh của các ngài. Ðã là chi thể của Ðức Kitô, tất tín hữu nào cũng có sứ mạng lo cho toàn bộ thân thể lớn lên. Và vì muôn loài phải được quy tụ dưới quyền Ðức Kitô (x. Ep 1: 10), nên Giáo hội địa phương có bổn phận mang tất cả những giá trị bản xứ góp phần vào trong niềm viên mãn của Ngài. Qua công tác truyền giáo, công giáo tính của Giáo hội, của các Giáo hội địa phương đang từng bước đạt tới mức thành tựu sung mãn. Thế mới rõ là tự bản chất, Giáo hội cũng như mọi Giáo hội địa phương đều mang chiều kích hay sứ mạng “đối ngoại,” tức là phải nhìn về các dân ngoại, các miền xứ ngoại Kitô giáo, các giá trị, mọi nền văn hóa và văn minh trong nhân loại, mọi lãnh vực sinh hoạt trong loài người, cũng như mọi âu lo và hoài bảo của lòng con người… để gia công hoạt động nhằm đưa dẫn tất cả về với Ðức Kitô, ngõ hầu Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự (x. 1Cr 15: 28).

3. Hiệp Thông Trong Giáo Hội Ðịa Phương

Bản chất hiệp thông của Hội thánh tỏ hiện rõ ở trong Giáo hội địa phương. Biểu tượng đầu tiên của mối hiệp thông ấy là giám mục. Dù chỉ có một và ở riêng tại địa phận mình, thì do chính bí tích chức thánh, giám mục cũng sống kết liên với đoàn thể các giám mục (LG 22). Là “gương sáng cho đoàn chiên,” như đại diện của “Mục tử tối cao” (1Pr 5: 3-4), giám mục gìn giữ hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo hội địa phương, cũng như đối với Giáo hội phổ quát. Ngài bảo toàn hiệp thông bằng cách gìn giữ và giảng dạy giáo lý tông truyền nhờ “đoàn sủng chân lý ” đã lãnh nhận, như thánh Irênêô đã nhận định (Adv. Haer. 4.26.2). Ngài phụng sự cộng đoàn như “tôi tớ của các tôi tớ Thiên Chúa.”[45]

“Công nghị tính ” (synodality ) của Giáo hội biểu hiện rõ qua việc tín hữu tự chọn lấy giám mục cho cộng đồng mình, như thường thấy trong thời xưa; đôi khi, còn có cả đại diện của các Giáo hội lân cận đến chung vui trong những dịp tuyển cử như thế, để rồi cùng nhau tham dự Lễ Tạ Ơn kết cuộc. Lễ Misa biểu hiện sống động mối hiệp thông trong Giáo hội: thời xưa, tại một thị xã, chỉ có một Lễ duy nhất là Thánh Lễ do giám mục cử hành, với linh mục đoàn và dân Chúa quây quần chung quanh. Ở Rôma, những khi phải cử hành nhiều Lễ, giám mục gửi tấm fermentum (miếng bánh thánh) đến cho các linh mục đặt vào trong chén thánh để nói lên là họ cử hành Thánh Lễ trong niềm hiệp thông với giám mục.[46] Trong Giáo hội Bidănxiô thì dùng bức antimensium – tức khung vải đựng thánh tích các vị tử đạo, do giám mục làm phép – làm biểu tượng cho sự hiệp thông giữa các bàn thờ. Và trong lễ quy, linh mục đọc tên của giám mục sở tại (hiệp thông đối nội) và của giám mục Rôma (hiệp thông phổ quát). Theo truyền thống, mỗi Giáo hội chỉ có một Lễ, một bàn thờ, một ngôi tòa, một giám mục.[47]

Những khi gặp phải khó khăn, gian truân, Giáo hội họp mặt chung quanh giám mục để tìm cách giải quyết. Từ đó phát sinh các công đồng hay công nghị địa phận, với những thăng trầm sôi động như đọc thấy trong lịch sử Giáo hội.[48] Theo Giáo luật hiện hành, công nghị phải được nhóm họp mỗi khi hoàn cảnh đòi hỏi (đ 461), gồm có giáo sĩ và giáo dân, đặt dưới quyền điều khiển của giám mục (đđ 460, 463.5, 466).[49]

Tập đoàn tính được thể hiện qua nhiều cách. Linh mục đoàn là tập thể hợp tác với giám mục trong công tác mục vụ, chăm lo cho đoàn chiên của Chúa (LG 28); các vị thông hiệp với giám mục trong cùng một chức tư tế và thừa tác vụ (PO 7).

“Do việc thụ phong để được gia nhập hàng tư tế, tất cả các linh mục đều liên kết mật thiết với nhau bằng một tình huynh đệ bí tích; nhưng do việc được chỉ định để phục vụ dưới quyền giám mục trong một giáo phận, các vị hợp thành theo một cương vị đặc biệt, một Linh mục đoàn duy nhất” (PO 8a).

Trong giáo xứ, linh mục là thừa tác viên điển hình; trong giáo phận, linh mục chia sẻ trách nhiệm với giám mục. Thể theo ý muốn của Vaticanô II, Ðức Phaolô VI đã thiết lập hội đồng linh mục,[50] là cơ chế có nhiệm vụ góp phần tích cực vào việc quản trị Giáo hội địa phương (đđ 461.1; 515.2; 531, v.v.). Ngoài ra, còn có hội đồng tư vấn (đ 502) mà dù nhiệm vụ có khác hoặc đặc thù,[51] thì cũng nhằm tới cùng một mục đích là hợp tác vào việc điều hành giáo phận.

Các thừa tác vụ khác cũng biểu hiện không kém hùng hồn tình hiệp thông trong cộng đồng: với giám mục và giữa anh chị em với nhau trong dân Chúa. Chức phó tế vốn là thừa tác vụ có mục đích phục vụ cho cộng đoàn chứ không phải bên bàn thờ. Phó tế là như “cánh tay phải” của giám mục trong công tác phục vụ người nghèo. Trong nhiều thế kỷ, các phó tế đã giữ vai phụ tá trực tiếp của giám mục, và làm sứ giả của ngài bên cạnh các Giáo hội khác; giám mục thường được chọn giữa nhóm các phó tế. Năm 1967, Ðức Phaolô VI đã phục hồi chức phó tế, và nhờ đó mà tính chất thánh chức của phó tế được nhận thức rõ hơn.[52]

Lịch sử cho thấy là còn có nhiều thừa tác vụ khác không thuộc loại “được đặt tay” như các tác vụ: đọc sách, giúp lễ, giữ cửa, trừ quỷ, phụ phó tế, dạy giáo lý, nữ trợ tá và phụ nữ góa bụa tận hiến. Ngày nay, chỉ còn các tác vụ đọc sách và giúp lễ; tác viên các chức vụ này không thuộc hàng giáo sĩ (đ 230). Ðức Phaolô VI cũng đã thiết lập những “tác vụ giáo hội,”[53] và Giáo luật nói đến các tác vụ được ủy thác cho tác viên không có chức thánh (đ 517.2). Họ cũng tham dự vào chức tư tế của Ðầu là Ðức Kitô, cũng như của giám mục là đầu Giáo hội; đó là vấn đề đặc biệt đang làm cho thần học phải lưu tâm nghiên cứu.[54]

Từ xưa đã có những hội đoàn trong Giáo hội, quy tập tu sĩ, giáo sĩ, cũng như giáo dân. Giáo luật nhìn nhận nhiều loại hiệp hội công (đđ 312tt): địa phương hay toàn quốc cũng có mà toàn cầu hay quốc tế cũng có. Những hiệp hội này làm cho mối hiệp thông càng thêm sống động hơn.[55] Các phong trào tông đồ hoặc đổi mới cũng đóng góp theo chiều hướng ấy. Chẳng hạn như các phong trào: Công giáo tiến hành, Legio Mariae, Thiếu nhi Thánh Thể, Thánh linh, Fôcôlare, Liên minh Thánh Tâm, Tân dự tòng, các nhóm học hỏi và sống Kinh Thánh, v.v. Nhờ các phong trào này, xứ đạo sinh hoạt linh động hơn. Chỉ có việc là đừng bao giờ quên mất đi công giáo tính, mà phải ý thức rõ mình là phần tử của Giáo hội phổ quát và địa phương, của một giáo xứ, hiệp thông với hết thảy các tín hữu khác.

Trong lịch sử Giáo hội, các dòng tu và các đan viện đã góp một phần đặc sắc cho sống và củng cố mối hiệp thông địa phương cũng như toàn vũ trong Giáo hội. Các tu sĩ xuất tục tu hành làm chứng cho Ðấng Tuyệt Ðối giữa một thế giới phù du tạm bợ, mải mê theo đuổi những ảo tưởng hư không.

Như thế, một Giáo hội địa phương là một cộng đồng của nhiều cộng đoàn, hiệp thông với nhau trong Ðức Kitô và với giám mục. Gần đây, còn thấy xuất hiện những “cộng đồng cơ bản” nhằm mục đích sống đạo một cách hiệp thông hơn, cả về mặt tôn giáo lẫn về mặt công dân xã hội, tức là chia sẻ đức tin và cả những gì liên quan đến cuộc sống cụ thể mỗi ngày, trong tinh thần tương trợ lẫn nhau.[56]

CÁC HỘI ÐỒNG GIÁM MỤC

Hiệp thông giữa các giám mục được thể hiện theo dạng thường cách trong các hội đồng giám mục. Vaticanô II giới thiệu như sau về cơ chế này:

“Hội đồng giám mục là như một hội nghị trong đó, các vị lãnh đạo Giáo hội trong một quốc gia hay một địa phương, liên đới thi hành phận sự mục vụ nhằm nâng cao lợi ích Giáo hội cống hiến cho con người, đặc biệt là qua các hình thức và phương pháp hoạt động tông đồ thích hợp với hoàn cảnh hiện đại” (CD 38.1).

Trước Vaticanô II, từ giữa thế kỷ 19, tại một vài nơi, đã có hội đồng giám mục; nhưng Vaticanô I và Bộ Giáo luật cũ (năm 1917) đã không chú ý đến.[57] Còn Vaticanô II thì phấn khởi nhận định rằng Chúa Quan phòng đã khôn ngoan xếp đặt cho nhiều Giáo hội trong những thời xưa, tụ hợp thành nhóm dưới quyền lãnh đạo của một giáo chủ. Công đồng cũng ca ngợi sự việc có nhiều truyền thống, nghi thức phụng vụ, dạng thể giáo luật v.v. cá biệt; rồi phát biểu tiếp: “Cũng thế, ngày nay các hội đồng giám mục có thể góp phần phong phú bằng nhiều thể cách để cụ thể hóa tinh thần cộng đoàn (affectus collegialis )” (LG 23d). Là thành quả phát sinh từ tác động của Thiên Chúa, hội đồng giám mục không phải là cơ quan hành chánh đơn thuần, song là cơ cấu sống động biểu hiện, một cách cụ thể, mối hiệp thông và tập thể tính công giáo. Như các Giáo hội địa phương liên đới với nhau, thì các giám mục là “đầu” của các Giáo hội, thay mặt cho các Giáo hội, cũng liên đới với nhau trong đoàn thể giám mục. Không có quyền khép kín, bởi làm thế là đi ngược lại với bản chất của mình: mọi Giáo hội phải rộng mở ra cho các Giáo hội khác, chung quanh Giáo hội Rôma. Các hội đồng giám mục cũng rộng mở đối với nhau hệt như vậy, chung quanh giáo hoàng. Trong giám mục đoàn, hội đồng giám mục thi hành công tác giám sát nơi một nhóm Giáo hội, tương tự như toàn bộ giám mục đoàn thi hành tác vụ êpiscopê của mình trên Giáo hội toàn cầu.[58] Tự sắc Ecclesiae sanctae (1966) và bộ Giáo luật (1983) đặt hội đồng giám mục giữa các giám mục và tòa thánh.

Ngày xưa, “tinh thần tập đoàn” tác động mạnh nhất là trong các công đồng địa phương, như tại Bắc Phi (thế kỷ 4-5), tại Tôlêđô (Tây ban nha, thế kỷ 6-7), và nhiều nơi khác thời Trung cổ. Gần đây hơn, được nhắc đến nhiều hơn cả là các công đồng: Baltimore (1884), Sydney (1905), Thượng Hải (1924). Riêng tại Việt Nam thì có các công đồng Ðàng Ngoài (1670), Ðàng Trong (1672), và toàn vùng (1795)… Hội đồng giám mục ngày nay cũng có thẩm quyền tương tự khi hội họp và hoạt động chính thức. Thông thường thì các hội đồng giám mục chỉ gồm các giám mục trong cùng một nước, và vì thế có tính cách quốc gia. Nhưng cũng có những hội đồng giám mục bao gồm các giám mục của nhiều nước, hoặc những hiệp hội các hội đồng giám mục (đđ 447; 448), như: CELAM bên Châu Mỹ Latinh, SCAM bên Châu Phi, FABC ở Châu Á, và một vài nhóm khác với thẩm quyền đặc thù. Về điểm này, thần học còn đang tranh luận. Theo Sắc lệnh Christus Dominus, các quyết nghị của hội đồng giám mục chỉ có hiệu lực pháp lý khi đã được Tòa thánh duyệt y (CD 38.4; đđ 455,2; 456). Thực ra, các quyết nghị ấy là những hành động đích thực giám mục, tuy nhiên cần phải được lồng vào trong khuôn khổ quy định của luật pháp chung trong Giáo hội, tức là giáo luật. Bỏi, dù là do thần luật, mối hiệp thông giữa các giám mục và sứ mệnh tập thể của giám mục đoàn cũng phải đi qua con đường quy định của giáo luật để mà “nhập thể” vào trong thực tế cuộc sống Giáo hội. Cụ thể mà nói là vào trong các cơ chế “công đồng” và “hội đồng giám mục,” là những cơ chế nằm trong khuôn khổ của giáo luật.

Ðôi lúc, những cơ quan điều hành công tác trong các hội đồng giám mục cũng có thể ít nhiều mang phải thói thư lại với những sổ sách giấy tờ quá rờm rà; tuy nhiên, cũng phải công nhận là trong thời nay, càng ngày các vấn đề càng trở thành phức tạp, và thường đòi hỏi những cuộc nghiên cứu sâu rộng và lâu dài… cần đến các ngành chuyên môn cũng như chuyên gia có tầm nhận thức và hiểu biết bao quát, vượt rộng ra ngoài biên giới của một nước, ra ngoài lãnh thổ của một hội đồng giám mục.

Thành viên của hội đồng là các giám mục giáo phận, các giám mục phó, các giám mục phụ tá, và cả các giám mục hiệu tòa nếu đang thi hành một chức vụ trong lãnh thổ. Các vị bản quyền thuộc lễ điển khác chỉ có quyền tư vấn, trừ khi hội đồng quyết định cách khác (đ 450, CD 38.2).

Quyền hạn của hội đồng giám mục: dù không phải là cơ quan lập pháp, nhưng nếu được 2/3 thành viên phê chuẩn, thì các quyết định của hội đồng có hiệu lực bắt buộc; và trong một số lãnh vực, một khi được tòa thánh duyệt y, thì lại có hiệu lực lực luật pháp và các giám mục có bổn phận phải thi hành.[59] Giáo luật phân biệt giữa công đồng địa phương và hội đồng giám mục: công đồng địa phương có quyền lập pháp (đ 445), còn hội đồng giám mục thì chỉ có nhiệm vụ điều hành công tác mục vụ (đ 447). Nhưng có “quyền cai trị thông thường” (đ 131) và có thể ban bố những sắc luật chung (đ 29) và sắc luật chấp hành (đ 31); tuy nhiên, cần phải được tòa thánh duyệt y. Hội đồng có thể đưa ra những quyết định quy phạm trong các lãnh vực: đào tạo giáo sĩ; giáo dục công giáo (đ 804.1); điều hành các hội đồng linh mục và cố vấn; cũng như thiết kế phương án cho hoạt động đại kết (đ 755.2). Ðặc biệt, hội đồng có nhiệm vụ thiết định những quy tắc phụng vụ cho việc cử hành các bí tích và cách xếp đặt niên lịch. Như vậy, hội đồng giám mục là định chế có tính cách thông tin và phối hợp hơn là cơ cấu cai quản. Theo Vaticanô II (LG 23, AG 31 và 38), các hội đồng giám mục còn có trách nhiệm đối với công tác truyền giáo, nhưng bộ giáo luật lại không đề cập gì đến điểm này.

Nhiều nhà thần học và giáo luật hiện đang tranh luận về quyền hạn giáo huấn của các hội đồng giám mục.[60] Uỷ ban thần học quốc tế giữ một thái độ khá tiêu cực đối với các hội đồng giám mục; lý do có lẽ là vì dựa quá nhiều vào phạm trù pháp luật và phủ nhận tập thể tính (collegialitas ) của các hội đồng này.[61] Còn phía ai bênh vực huấn quyền của các hội đồng giám mục thì dựa vào đ 753, ghi rằng:

“Các giám mục hiệp thông với vị thủ lãnh và các thành viên của giám mục đoàn, hoặc riêng rẽ hoặc hợp nhau trong các hội đồng giám mục hay trong các công đồng địa phương, thì dù không được hưởng quyền giáo huấn vô ngộ, các ngài vẫn là thầy dạy và tôn sư đích thực về đức tin đối với các tín hữu đã được giao phó cho các ngài coi sóc. Các tín hữu hãy lấy lòng kính cẩn vâng nghe giáo huấn chân chính của giám mục mình.”

Có tác giả cho rằng tập thể tính là đặc tính độc đáo của giám mục đoàn trong tư thế là một toàn thể, và duy chỉ như thế mà thôi;[62] song có nhiều nhà thần học khác lại cho rằng hiệp thông tính và tập thể tính có thể có ở những mức hơn kém, và hội đồng giám mục có quyền giáo huấn đích thực, dù không phải là vô ngộ.[63] Xin kết thúc với lời viết sau đây của linh mục Urrutia: “Khi hội đồng dạy, thì dạy theo tư thế là đoàn thể, chứ không theo tư cách cá nhân riêng rẽ của từng giám mục… Vì thế, cả chính giám mục lẫn các tín hữu thuộc các địa phận [nằm trong lãnh thổ của hội đồng giám mục] ấy, phải đón nhận những ý kiến của hội đồng với một lòng vâng phục kính cẩn (obsequium religiosum ).”[64] Nhưng, vì đó không phải là tín điều, nên các tín hũu vẫn còn có thể bàn luận về các giáo thuyết ấy, khi theo lương tâm, thấy có những lý lẽ vững chắc.

Vai trò các hội đồng giám mục đóng giữ thì quả là quan trọng cho tương lai. Vaticanô II coi “hội đồng giám mục” là cơ chế hiệp thông do Chúa quan phòng xếp đặt, và đã so sánh các hội đồng giám mục với các lãnh thổ thượng phụ ngày xưa. J. Ratzinger và nhiều nhà thần học khác cũng đã đề nghị một vai trò tương tự.[65] Nếu quả là vậy thì việc phân quyền trong Giáo hội sẽ trở thành dễ dàng hơn. Ngoài luật chung, những lãnh thổ này có thể: có giáo luật riêng, có quyền bổ nhiệm các giám mục, và tự đảm nhận lấy công tác bản xứ hóa.[66] Một mặt, cần phải quy chiếu theo tòa trung ương là Rôma (CD 38), nhằm bảo toàn và cổ võ hiệp thông công giáo; và mặt khác, cũng phải ý thức là trong thế giới phức tạp ngày nay, đức tin và việc đào tạo các thừa tác viên cần mặc lấy những hình thức thích hợp với môi trường văn hóa địa phương (x. OT 1, chú thích). Cơ chế “hội đồng giám mục” là khí cụ – có thể nói là – thích hợp nhất Ðức Kitô dùng để thực hiện những công tác ấy.

HỘI THÁNH: HIỆP THÔNG CỦA CÁC GIÁO HỘI

Như đã thấy, Hội thánh chỉ thực sự hiện hữu nơi các Giáo hội cụ thể, tức là các Giáo hội địa phương. Nhờ chịu cùng một Phép rửa, hết thảy các kitô hữu đều nhận được ơn hiệp thông và cảm nhận ra niềm thông hiệp ấy ở trong đời sống cụ thể của cộng đồng. Mối hiệp thông ấy có thể thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, rộng hay hẹp, hơn hay kém: trước hết là trong một nhóm, một cộng đoàn nhỏ, trong đó mọi người đều quen biết nhau, khiến “tinh thần hiệp thông” trở thành “thực tế hiệp thông”; rồi những cộng đoàn này hiệp thông với nhau thành một cộng đoàn rộng lớn hơn… rồi cứ như thế mà tiếp tục tiến tới trong hiệp thông để giáo phận hình thành… để các giáo khu, các lãnh thổ hội đồng giám mục, hoặc các lãnh phận thượng phụ hình thành… và để cuối cùng tất cả đều hiệp thông với nhau làm nên Hội thánh công giáo. Các cơ cấu này phát sinh từ ơn hiệp thông Chúa ban, và từ kinh nghiệm lịch sử, được Giáo luật chính thức hóa.

Ngày nay, Giáo hội công giáo ở khắp nơi trong hoàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản, bởi cơ cấu Giáo hội phải ở trong thế biện chứng giữa hiệp nhất và khác biệt; tức là vừa phải củng cố sứ mệnh đặc thù của Giáo hội Rôma là bảo toàn dây hiệp nhất, mà vừa phải thực thi nguyên tắc phân quyền nơi các Giáo hội địa phương trong niềm hiệp thông. Vì có thế, Giáo hội mới thực sự là hiệp thông của mọi thông hiệp, là Giáo hội của mọi Giáo hội.[67] Trong Giáo hội học hiệp thông, chức năng của “tòa đứng đầu” sẽ được nhìn theo một nhãn quan khác; và vai trò chính yếu của Rôma sẽ được hiểu theo mẫu phạm trù của hiệp thông hơn là của thẩm quyền: giáo luật sẽ dành ưu vị và ưu quyền cho chức thánh, thế nào để hai truyền thống Ðông và Tây đạt đến chỗ hòa hợp.[68] Tương quan giữa giáo hoàng và các giám mục không phải là như giữa quân vương và quần thần, giữa người cầm quyền và những người thừa hành, v.v., song là như giữa anh em trong một gia đình vậy. Còn giám mục không phải là giám mục của một Giáo hội, song là của Giáo hội tại một nơi. Hiệp thông của tất cả với tất cả chỉ có được nhờ hiệp thông với tòa Rôma.

Hiệp thông tính biểu hiện qua nhiều cách thể và trong nhiều trường hợp, như: khi tín hữu tham dự phụng vụ tại bất cứ nơi nào trong tinh thần liên kết công giáo; khi các giáo sĩ hoặc tác viên đi công tác tại một Giáo hội khác; khi một Giáo hội trợ giúp một Giáo hội khác; khi các giám mục nhiều nước cùng đồng tế, hoặc các linh mục, tu sĩ từ nhiều chủng tộc hội họp, v.v. Quả thế, đó là bao nhiêu dấu chỉ hùng hồn nói lên niềm hiệp thông công giáo. Là hiện thân của Hội thánh phổ quát duy nhất, mỗi Giáo hội địa phương đều có đủ mọi yếu tố cứu rỗi để thi hành sứ mệnh của mình. Có lẽ cũng nên có thêm những yếu tố pháp luật khác thích hợp hơn cho việc giữ cân bằng giữa niềm hiệp thông và quyền tự trị. Như thế những khác biệt sẽ làm cho hiệp nhất công giáo nên phong phú hơn.

Hội thánh bao gồm hết thảy các Giáo hội công giáo Rôma, cùng với các “Giáo hội Chính thống chị em;”[69] bởi thực ra, mối hiệp thông không bao giờ bị cắt đứt hoàn toàn. Còn các Giáo hội và cộng đoàn kitô tại Tây phương thì gìn giữ mối hiệp thông ở mức độ hơn hay kém, nhiều hay ít, là tùy theo những yếu tố tông truyền cấu tạo nên chúng. Nhưng khi Thần Khí đoái thương hòa giải tất cả với nhau, thì mỗi Giáo hội sẽ có thể bảo toàn truyền thống cá biệt của mình trong cùng một niềm hiệp thông chung.


[1] Ý nghĩa phức tạp này khiến bản dịch Latinh của Kinh thánh dùng nhiều từ khác nhau, như communio, societas, participatio, communicatio, tùy văn mạch.

[2] Xem Gioan Kim Khẩu, In Joannem homilia 47, 3-4.

[3] Augustinus, De unitate ecclesiae contra donatistas, 20, 56.

[4] Xem Bori, P., Koinonia, Brescia 1970; xem thêm tạp chí Communio số 1 (1972) và số 97 (1988).

[5] Giáo lý công giáo số 952; Panikulam, G., Koinonia in the New Testament, Roma: Analecta Biblica 85, 1979; Bacht, H., và Sieben, H.J., “Koinonia” trong Dictionnaire de Spiritualité, cột 1750-1758; Bộ Giáo Lý Ðức Tin, “Giáo hội như hiệp thông,” Hợp Tuyển Thần Học số 5, 1992, 1-18.

[6] Xem th. Âugustinô, Sermo 341.11-13, PL 39.1499-1500.

[7] Xem Léon-Dufour, X., Le Corps et le Corps du Christ, Paris: Cerf 1983, trg. 225-255.

[8] Giáo lý Công Giáo, số 1108.

[9] Tertullianus, Apologia, 39.7; PL 1. 471.

[10] Xem Gđ 12; Inhaxiô Antiôkia, Ad Smyrn. 8,2.

[11] Xem Tertullianô, Apologia 39; Clementê Alexanđria, Paeđagogus 2.1; Hippolytus, Traditio Apostolica 26.1.2.

[12] Cerfaux, L., La communauté apostolique, Paris 1953; Rasco, A., Actus Apostolorum: Introductio et exempla exegetica, II, Roma 1968, 271-330.

[13] George, A., “La communion fraternelle des croyants dans les épýtres de saint Paul,” Lumière et Vie 16 (1967) 3‑20.

[14] Nichols, Terence L., The All May Be One. Hierarchy and participation in the Church, Michael Glazier 1997.

[15] Xem Celeghin, A.