NHẬP ÐỀ
Nhân dịp mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Ishvani Kendra (Trung Tâm Truyền Giáo và Truyền Thông, do cha Engelbert Zeitler, SVD, sáng lập), đã có hơn 80 thừa sai và thần học gia tụ họp tại Pune (Ấn độ) trong các ngày từ 24 tới 27 tháng 10, 2001, để trao đổi ý kiến về chủ đề “Giáo Hội với việc truyền giáo: Sứ mệnh phổ quát và sứ vụ địa phương.” Mục đích cuộc nhóm họp là nhằm thu thập kinh nghiệm và suy tư từ nhiều môi trường và hoàn cảnh truyền giáo khác nhau, để thử tìm ra những đường hướng mới qua đó Giáo Hội có thể làm chứng cho Tin Mừng một cách hữu hiệu hơn, cũng như để nhận ra những nhu cầu sứ vụ đòi hỏi tại những môi trường hoạt động khác nhau trong thế kỷ 21 này.
Họp nhau để trao đổi, mà lòng chúng tôi cảm thấy vừa đầy ước mơ, hy vọng, mà cũng vừa nặng trĩu âu lo, e sợ. Thiên niên mới ló rạng với chín tháng đầu mang lại biết bao mơ ước về một cuộc sống mới cho thế giới và cho Giáo Hội. Tuy thế, làm sao khỏi đau lòng trước tai ương chiến tranh và cảnh chết chóc tại Aphganixstan: tất cả chỉ để trả miếng cuộc tấn công vào Trung Tâm Thương mại quốc tế ở New York và Ngũ giác đài ở Washington DC ngày 11 tháng 9, 2001.
Chỉ nhìn qua chủ đề của cuộc nhóm không thôi thì cũng đã thấy hiện lên cả hàng loạt những vấn đề tạo nên tình trạng căng thẳng trong Giáo Hội, vì một đàng phải nhấn mạnh chiều kích phổ quát, và đàng khác không thể bỏ quên những đòi hỏi của các môi trường sinh hoạt địa phương. Quan tâm đến những lo âu của cộng đồng toàn cầu, chúng tôi cũng không thể không lưu tâm đến những ước mong chính đáng dâng lên từ các Giáo Hội địa phương, muốn có được một nền thần học bản xứ. Nhiều thành viên cũng đã nêu bật sự việc trong nỗ lực bản xứ hóa sứ điệp của Ðức Kitô, các Giáo Hội trẻ hiện đang phải vất vả cực nhọc đối diện với những thách đố vô số mọc lên từ những bối cảnh phức tạp khác nhau, đòi phải được giải đáp. Vì vậy, vẫn giữ lập trường liên đới mà phê bình đối với Giáo Hội, chúng tôi cố thành tâm và trung thực đối thoại với nhau trong Giáo Hội, về những vấn đề vừa nhắc đến trên đây, mong tìm thấy được phương thức ứng đáp.
Tình trạng sôi động, đầy thách đố như đọc thấy trong thế giới và trong Giáo Hội hiện nay, thúc giục chúng tôi suy nghĩ lại về tầm trọng yếu then chốt của Phúc âm trong thế giới ngày nay, để từ đó mọi người chúng ta ra sức trở thành ánh sáng ở giữa tối tăm. Thời đại này mời gọi hết thảy chúng ta phải hối cải, phải đổi mới não trạng cùng lề lối hành động. Từng bước, chúng tôi đã tập trung nỗ lực vào bốân vấn đề then chốt cần được canh tân; đó là: Công bằng và Hoà giải; Ðức Kitô, Ðấng Giải phóng tự hủy; Cộng đoàn môn đệ bình đẳng, và Sứ mệnh theo nghĩa là một cuộc Ðối thoại tiên tri.
I. CÔNG BẰNG VÀ HOÀ GIẢI
Ngày nay …
Ðã vọng lên rõ những tiếng nói nhân danh người bị áp bức,
Sống trên những đống rác, trong các khu nhà ổ chuột;
Những trẻ nít xới giẻ ránh mong kiếm được gì ăn,
Bị thất học, bị tước hết nhi quyền!
Nữ giới quần quật lo việc nhà, bên những chiếc cối xay;
Ðời sinh dưỡng nào có ai đếm xỉa, biết ơn!
Lại còn bị hành hung! Buộc phải đem thân bán!
Óc phụ quyền: kể chi đến nữ quyền và phẩm giá phụ nữ.
Những thuyền máy! Tàu đánh cá đồ ngoại,
Ðoạt cướp hết tài nguyên của đất liền và biển cả!
Thủy sản nghiệp phá hại đất đai lẫn mầm sống,
Gây họa đến di dân, đến quyền lợi ngư dân.
Công nhân di trú, dân tộc hàng khối cũng di trú
Kiếm việc làm trong các siêu đô thị …và vẫn mãi đô thị!
Bỏ làng quê, bị bóc lột bởi công ty siêu quốc.
Dân đấu tranh đòi cho được quyền sống!
Lắng nghe đi: họ kêu nài cứu mệnh!
Nào bị áp bức trong địa nghiệp, nào bị cướp mất quyền chủ đất:
Thân phận lớp tiện dân miền quê, cũng như các bộ tộc miền núi
Ðây, đau thương bị khai trừ: thảm cảnh từ ngàn xưa,
Ðó, đà bóc lột cứ tăng dần lên mãi!
Chúng tôi từng rên rỉ, ngẫm suy và tự hỏi
Trả lời sao – là Giáo Hội – cho thực quyền sống còn!
Cố sức tìm lối ngõ nhằm tung ra với cả lòng xót thương
Hầu trông vào sự sống mà vượt quá mọi lực lượng chết chóc!
Ðấy: tiếng gọi cho địa cầu tái sinh, cho bình minh mới tỏ hiện!
MỘT THẾ GIỚI TOÀN CẦU HOÁ
Kinh nghiệm cho chúng tôi nhận ra rằng trong giới tiện dân cũng như giữa tầng lớp lãnh tụ, đâu đâu trong các lãnh vực cuộc sống – xã hội, kinh tế, chính trị, văn hoá và tôn giáo – cũng đều thấy có những người khốc liệt tranh giành để chiếm hữu cho được quyền bính và của cải sao cho ngày càng nhiều hơn; trong khi đó, ít thấy có ai kháng cự từ chối. Thêm vào đó, các thành phố là nơi quyết định phúc lợi xã hội cho cả nước. Nửa thế kỷ nay, vô số người từ các thôn trang và vùng xa xôi hẻo lánh đã lũ lượt kéo đến các thành thị, khiến bây giờ một nửa dân số Châu Á tập trung sống chen chúc ở trong các thành phố. Ða số không kiếm đủ được thu nhập để có được đời sống an toàn. Phải chịu khổ nhiều nhất là phụ nữ và trẻ con. Thêm vào đó, các nước nghèo trở thành đối tượng khai thác của các công ty siêu quốc, bởi nhân công – cả nam lẫn nữ – đều phải chịu nhận đồng lương rẻ như bèo, và như thế, bị bán đứng qua các khế ước lao động, và dưới hình thức công nhân di trú theo diện kinh tế.
XUNG ĐỘT GIÁ TRỊ
Việc toàn cầu hoá các lãnh vực kinh tế và truyền thông khiến thế giới ngày nay phải thay đổi mau lẹ về mặt xã hội, văn hoá và kinh tế. Trong khi những bước tiến bộ kỹ thuật được nhiệt hoan nghênh, thì những giá trị nhân bản và tôn giáo căn bản đã từng nuôi dưỡng các văn hóa Châu Á từ nhiều thiên niên cho tới nay lại bị chế độ kinh tế mới ăn mòn và làm cho tiêu tán dần đi. Quả vậy, các nền văn hóa này đang bị, tùy mức độ, rạn vỡ dưới áp lực của các mối lợi vật chất. Trào lưu tục hoá và thói tiêu thụ đang chiếm dần quyền kiểm soát cuộc sống tựa như hai ngẫu tượng được thời đại này tôn thờ. Kết quả do lối sống tiêu thụ của giới trung lưu đang tăng dần, gây ra, là cảnh bần cùng khốn khổ của không biết bao nhiêu triệu người trong các dân tộc Châu Á.
Hàng ngàn năm qua, lòng quý mến đối với ruộng đất đã từng thường xuyên cẩn trọng giữ gìn địa cầu trong lành cho các thế hệ về sau. Ðất đai và rừng rú đã được ủy thác cho gia tộc bảo toàn như là những nguồn tài nguyên dành cho công ích. Ngày nay, những tập quán sinh thái của văn hoá người thượng bị xói mòn. Ngư dân các nơi đang vận động chống những thuyền đánh cá nước ngoài dùng lưới rà; Phong trào Cứu sống [sông] Narmada (Narmada Bachao Andolan) ở Ấn độ, với bao nhiêu là cuộc đấu tranh ở Châu Á và vùng Thái Bình Dương, nêu bật cho thấy là các nạn nhân đã ngày càng ý thức hơn về những gì là tốt đẹp và phong phú thiên nhiên dành cho họ. Phản kháng liên tục và hoạt động phối hợp nhằm gây ý thức như thế đã tạm chận đứng được một phần nào đó những ảnh hưởng tác hại. Nhiều người đã tỏ ra can đảm cũng như cho thấy khả năng lãnh đạo qua lập trường ủng hộ và đứng về phía các nhóm bị áp bức. Dù vậy, tiếc thay, thế lực vận động của phía dân giàu đã bóp chết mất đi rất nhiều cố gắng.
Tư bản toàn cầu hỗn loạn đang tạo ra một xã hội trong đó, “sống [hiện hữu] là tiêu thụ”; trong đó, đại đa số người dân bị tước hết mọi quyền chính trị, hết mọi khả năng kinh tế; trong đó, mọi người và mọi sự, kể cả tôn giáo, đều trở thành những mặt hàng để mua để bán, hoặc bị coi như là những món đồ dùng vào việc giải trí riêng tư. Dù có khoa trương cho rằng dân chúng được hưởng mọi quyền, thì thật ra, đâu đâu cũng thấy tình trạng mất cân bằng dân số và đà thoái hóa hủy hoại văn hoá. Giữa bầu khí ấy, các thế lực thị trường là nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng bất ổn chính trị, cũng như làm nẩy sinh ra thái độ cuồng tín trong các lãnh vực tôn giáo và văn hoá. Chán chường, cuộc sống xã hội đang đẻ ra một thế hệ hằn học, chỉ biết đến loại văn hoá của bạo lực, sợ hãi và căm thù.
THỪA TÁC VỤ CÔNG BẰNG VÀ HÒA GIẢI
Không phải là không quan tâm đến tình trạng xã hội, song vì nhiều lý do, chẳng hạn như vì là thiểu số hoặc vì còn mang đậm hình dáng Tây phương, Giáo Hội Châu Á xem ra còn giữ thái độ lẩn tránh, không dấn thân hoạt động cho tích cực. Quả vậy, Giáo Hội thường để cho giới nắm quyền coi như thuộc về phía họ, bởi muốn bảo toàn những cơ sở tầm cỡ của mình trong lãnh vực xã hội và giáo dục. Sứ mệnh tiên tri và tự hủy đòi hỏi chúng ta phải lượng định lại vị trí cùng vai trò của các cơ sở ấy.
Là ngôn sứ và là tôi tới, Giáo Hội phải ứng đáp như thế nào trước trạng huống ấy?
Các cộng đồng kitô có khả năng dấn thân hoạt động tích cực và làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng hay không?
Cuộc giải phóng và đấu tranh cho quyền lợi của những người bị gạt ra ngoài lề xã hội – tức là của hơn một nửa dân số trong các dân nước chúng ta – cũng như nỗ lực xây đắp lại hành tinh từng bị tàn phá này, phải được đặt lên hàng đầu giữa các công tác Giáo Hội đang quan tâm đến. Giáo Hội được mời gọi ôm trọn vào lòng tất thảy những người sầu khổ với một lòng thương bao quát mênh mông, biểu hiện rõ dung mạo của Ðức Giêsu, là Ðấng đã cho hàng ngàn người đói ăn (x. Lc 9:12-17), đã làm cho kẻ câm nói được và cho kẻ mù thấy rõ (x. Lc 7:21-22). Những hoạt động như thế sẽ làm cho nhận biết được sứ mạng của Ðức Giêsu, là xây dựng nước Thiên Chúa ở giữa thế giới. Phúc Âm dồn thúc chúng ta đứng về phía người nghèo và thách đố chúng ta dấn bước theo Ðức Giêsu trên con đường tình yêu tự hủy và trong thân phận liên đới bền chặt với những nạn nhân của lịch sử.
Thừa tác vụ hoà giải của Ðức Giêsu cho thấy rõ một nét đặc thù, đó là bao giờø Ngài cũng đứng bên phía các kẻ bị áp bức, các nạn nhân trong thế giới, như được nêu bật qua lời tán tụng Ðức Maria đã thốt lên trong bài Magnificat (x. Lc 1:46-55) cũng như qua các mối phúc thật đọc thấy trong Phúc Âm Luca (x. Lc 6:20-26). Trong kế hoạch cứu độ, Ðức Giêsu đã không loại trừ người giàu ra khỏi Nước Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng cho biết rằng chúng ta sẽ chỉ được vào Nước Chúa trong niềm liên đới với người nghèo. Nói thế, Ðức Giêsu không những vén mở cho thấy rằng con đường dẫn đến cùng Thiên Chúa đòi hỏi phải biết sống từ bỏ, không dính bén đối với của cải, mà còn cho thấy quả Thiên Chúa đã đi vào trong thế giới các nạn nhân, và chúng ta chỉ gặp được Ngài ở tại đó qua mối đồng tâm nhất trí với họ.
Nếu đối với Ðức Giêsu, chọn lựa như thế có nghĩa là chấp nhận tự hủy, thì cũng phải như vậy đối với Giáo Hội. Con đường tự hủy ấy đòi hỏi phải có một thái độ năng động, kháng cự bất bạo động, tức thành thực đấu tranh cho công bằng và chân lý (satyagrapha). Ðó là cuộc sinh hạ thật đau đớn nhưng cũng thật cao quý: cuộc hạ sinh một thế giới mới. Tự hủy cũng có nghĩa là không thì hành sứ mệnh từ một địa vị quyền uy hoặc từ trên một bục cao. Ðức Giêsu đã sai các môn đệ ra đi, không mang theo bất cứ một thứ gì, ngoài một cây gậy (x. Mc 6:8).[2] Gương mẫu của Ðức Giêsu là một tiếng gọi gióng lên trong ngày này, kêu mời chúng ta làm một cuộc trở lại, quay về với người nghèo, là những người sẽ biến đổi chúng ta thành một Giáo Hội của dân nghèo, một Giáo Hội ghi đậm đặc nét sáng ngời của tình liên đới với các nạn nhân. Sống sứ mệnh tự hủy là giữ mình cho khỏi mọi thứ kiêu căng, và đem hết lòng kính nể mà đi đến với người khác. Tự hủy là trút bỏ mọi tiên kiến tiêu cực, phát sinh từ tín ngưỡng hoặc thành kiến sẵn có, là biết để cho người khác khác với mình, biết để cho họ sống như họ là [sống trọn bản chất con người của họ].
Hành động phải đi đôi với nhận định phê bình của lập trường kitô giáo đối với việc toàn cầu hóa chạy theo đà tiêu thụ. Kitô hữu nên nghĩ đến việc cần phải gia nhập các nhóm hoạt động, chẳng hạn như các nhóm gây ý thức soi sáng cho người tiêu dùng, các nhóm cổ vũ nhân quyền, và dấn thân vào các cuộc đấu tranh tích cực của họ. Việc gia nhập các phong trào liên tôn chống văn hóa hư hỏng nhằm tỏ rõ lập trường kiên quyết loại trừ những hậu quả khốc hại của trào lưu toàn cầu hóa, sẽ làm cho những hoạt động tham gia của chúng ta trở nên ngày càng trong suốt và dễ được chấp nhận hơn.
Bởi tình trạng bóc lột các dân tộc đã từng bị gạt ra ngoài lề xã hội vẫn còn liên tục kéo dài dưới nhiều hình thức bức chế và đàn áp, cho nên cần phải tỏ rõ thái độ ahimsa (bất bạo động) đầy sáng kiến với một lòng xót thương triệt để. Ðiều đó đòi hỏi tất cả chúng ta phải quyết dấn thân hết sức mình cho vương quyền Thiên Chúa, với một ý thức đổi mới về linh đạo kitô, tức coi đó là cách thức sống cương vị người môn đệ chính thực qua việc tham gia hoạt động tích cực, cũng như qua viện tỏ rõ lập trường phản kháng có tính cách tiên tri trước những cơ cấu bất công. Việc kháng cự không chút nhân nhượng và hữu hiệu này có thể là kết quả của dạng đối thoại giải phóng (satyagraha, sức mạnh của chân lý) và của một vài phương cách kháng cự khác, đầy năng động mà vẫn không thiếu tính chất an hoà. Ðó là điều giúp cho chúng ta ý thức về việc cần phải nhờ đến các cách thức kháng cự thường được dùng đến tại các địa phương, như gặp thấy trong trường hợp của Phong trào Chipko ở Ấn độ.[3] Nguyên tắc hướng đạo của một phong trào kháng cự theo cách thức như thế phải là lòng thương xót; bởi chính lòng xót thương này sẽ làm cho phong trào vượt quá lên trên mọi thứ ranh giới ngăn cách.
Lớn lên từ các làng mạc, thành phố phải gánh chịu hai cực đoan: giàu có và nghèo khổ. Cần phải cấp bách thiết lập một kế hoạch kinh tế quân bằng, biết quan tâm đến mức an sinh của các vùng quê ngõ hầu chận đứng đà di dân quá trớn tuốn về các thành phố, cũng như để giữ cho được một mức cân bằng thích đáng giữa hai khu vực thôn quê và thành thị. Giáo Hội phải có mặt và sống tình liên đới giữa tầng lớp tiện dân sống trong các khu ổ chuột, trong các xóm nghèo của thành phố, và phải gióng lên tiếng nói tiên tri để đòi bình đẳng cùng công bằng cho tất cả. Một chiều kích chủ chốt trong sứ mệnh của chúng ta là thức tỉnh lương tri của giới giàu sang quyền quý để họ nhận ra nghĩa vụ của họ đối cộng đồng xã hội.
Chúng tôi xin khiêm tốn khẳng định rằng Giáo Hội thừa sai là một Giáo Hội gồm các tội nhân. Như lịch sử cho thấy, nhiều lần Giáo Hội đã cấu kết với những cơ chế thế lực bạo quyền và áp bức. Vậy, muốn phục vụ vương quyền của Thiên Chúa, thì cần phải có thái độ thành thực thống hối và sẵn sàng xin những ai đã bị xúc phạm tha thứ cho. Niềm thống hối ấy được thể hiện qua nỗ lực cải thiện chính bản thân mình, để nhờ đó, đi đến chỗ loại trừ hết các nguyên nhân đẻ ra các cơ cấu áp bức tội lội ấy, và như thế, một kiểu mẫu đổi mới sẽ xuất hiện trong đời sống cá nhân cũng như của Giáo Hội.
Chúng tôi nhận thấy rằng không những cần phải có công bằng và hòa giải, mà còn phải làm sao để giữ cho hai mục tiêu ấy ở mãi trong thế tương tác năng động. Ðã là môn đệ của Ðức Kitô tiên tri, tất chúng ta phải tìm cho có được công bằng; đã là môn đệ của Ðức Kitô tự hủy, tất chúng ta phải ra sức cổ võ hoà giải. Nỗ lực đi tìm công bằng phải được tiến hành và chỉ đạo bởi nỗ lực cổ võ hòa giải.
II. ĐỨC KITÔ: ĐẤNG GIẢI PHÓNG TỰ HỦY
Cuộc đời tiên tri tự hủy của Ðức Giêsu là mẫu mực của sứ mệnh kitô. Cách thức quan niệm về Giáo Hội và Sứ mệnh phải được thấm nhuần bởi một nền kitô học vừa tiên tri vừa tự hủy. Ðức Giêsu Tiên tri kêu mời chúng ta đứng về phía người nghèo và những người bị ruồng bỏ; còn Ðức Giêsu Tôi tớ thì kêu mời chúng ta cố tìm cho được công bằng không phải là với bạo lực, nhưng là qua việc phục vụ tự hiến và công cuộc đối thoại. Theo Ðức Giêsu Tiên tri, chúng ta tố giác bất công; theo Ðức Giêsu Tôi tớ tự hủy, chúng ta học biết được rằng ‘tố giác’ không thể có nghĩa là thù ghét hoặc loại trừ những kẻ bức hiếp ra khỏi quan hệ liên đới và đối thoại.
SỨ MỆNH XÂY DỰNG CÔNG BẰNG CỦA LÒNG TRẮC ẨN
Nếu tình thương (agape) của Thiên Chúa là tình thương phổ quát, thì sứ mệnh Thiên Chúa (missio Dei) trao phó cũng vậy, tức bao gồm toàn thể thế giới, vượt quá và lên trên mọi ranh giới chủng tộc, văn hóa, thời đại và địa dư. Thánh sử Gioan nói rõ: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3:16). Hiển nhiên là thế: từ Ðức Giêsu, qua một mệnh lệnh, Giáo Hội đã lãnh nhận sứ vụ tự bản chất, mang phổ quát tính. Ðức Giêsu truyền lệnh cho Giáo Hội đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng (x. Mc 16:15). Thế nên, tiếp tục thi hành mệnh lệnh phổ quát này, chúng ta cũng phải theo sát gương Ðức Giêsu để thực thi sứ mệnh phổ quát của Ngài trong khi tiếp xúc với các cá nhân, với các dân tộc, môi trường và bối cảnh.
Sứ mệnh phổ quát của Ðức Giêsu cũng là sứ mệnh “nhập thể.” Ngôi Lời vĩnh cửu đã trở thành Ðức Giêsu Nadarét, một người Do Thái, làm thợ mộc, sống tại một làng nhỏ bị bỏ quên, ở trong miền Galilê. Ngài giới hạn sứ mệnh dương thế của Ngài vào một lãnh thổ, một thời gian, một dân tộc. Nhưng chính Ngài là vị Cứu tinh phổ quát, bởi vì – vốn là Thiên Chúa – Ngài đồng nhất hóa chính mình với mỗi một con người, mỗi một dân tộc và mỗi một nền văn hóa mà vẫn tôn trọng, bảo toàn căn tính của mọi đoàn thể, của mọi cá thể.
Mẫu gương sứ mệnh Ðức Giêsu giúp chúng ta nhận ra bổn phận cần phải biết hằng giây phút lắng nghe lời Thần Khí kêu mời các Giáo Hội và mọi người thiện chí. Không có một mẫu mực hoặc hoạt động chung nào nhất định, khả dĩ giải trình cho thấy sứ mệnh là gì trong mỗi một lúc, tại mỗi một nơi cụ thể. Bao giờ những chỉ thị chung cũng đều phải được thi hành qua một nỗ lực nhận định sáng suốt. Vượt quá những văn kiện và bộ luật, tiêu chuẩn và nguồn suối cuối cùng của sứ mệnh phổ quát là chính Thiên Chúa; Người đã dựng nên một thế giới hết sức đa dạng và tốt đẹp; Người cư ngụ trong cuộc đời của mọi dân tộc: sinh động hóa, nuôi dưỡng, thúc dục và ban cho khả năng sống vững niềm cậy trông, hy vọng; vì từ nguyên thủy và suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa hằng không ngừng mạc khải ý của Người (x. MK 3). Và như thế, sứ mệnh cũng hằng không ngừng lộ hiện từ mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, mọi khía cạnh của cuộc đời.
ĐẤNG GIẢI PHÓNG TỰ HỦY
Quyết tâm dấn thân chúng ta có đối với sứ mệnh là một quyết tâm bén rễ sâu vào trong và được hướng đạo bởi tầm nhận thức của chúng ta về tính cách đặc thù của Ðức Giêsu Kitô, và nỗ lực theo sát gót Ngài. Ðào sâu ý nghĩa của các tước hiệu cổ truyền chỉ về Ðức Giêsu, chẳng hạn như: Con Thiên Chúa, Ðấng Cứu Tinh, chúng ta mới thấy ra và cảm nhận được tính cách đặc thù ấy; cách riêng là trong hai khía cạnh đời sống Ngài: thái độ đặc biệt ưu ái quan tâm đối với các nạn nhân và lòng thương tự hủy hằng rộng mở ra cho người khác. Ðức Giêsu Tiên tri ‘thách thức’ đã bênh vực và đứng về phía những người bị áp bức và bị gạt ra ngoài lề xã hội; Ðức Giêsu Tôi tớ tự hủy đã tỏ ra luôn luôn sẵn sàng tiếp xúc và trò chuyện với bất cứ ai, cả đến những kẻ áp bức. Là Ðấng Giải phóng tự hủy, Ðức Giêsu đã loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, đã tỏ rõ lập trường cương quyết chống lại mọi thứ cơ cấu tội lỗi, và đã khởi động một phong trào giải phóng. Chính Ðức Giêsu ấy đang chuyền ban hứng khởi và chỉ lối cho quyết tâm dấn thân của chúng ta vì sứ mệnh. Chính vì đã sống qua thân phận tôi tớ khổ đau, Ðức Giêsu đã trở thành Ðức Chúa. Lên án mọi hình thức đàn áp, nhưng bao giờ Ðức Giêsu cũng yêu thương những kẻ đàn áp. Bởi thế, sứ mệnh mưu cầu công bằng chúng ta theo đuổi, phải được thi hành qua con đường tình thương tự hủy, qua nỗ lực phục vụ và đối thoại.
Lịch sử cho thấy điều này: tính chất phổ quát và chiều kích địa phương là hai đặc nét thường bị Giáo Hội bỏ qua, không lưu ý đến cho đủ trong sứ mệnh của Ðức Giêsu, đến độ đã bị cuốn hút vào trong vòng ảnh hưởng của đế quốc chủ nghĩa xét về mặt chính trị, của chính sách chuyên chế xét về mặt văn hóa, của một dạng chủ thuyết thực dân xét về mặt tôn giáo, và của một thứ lập trường cứng nhắc trong lối thiết cấu cơ chế tổ chức. Và cũng vì thế, một phần nào đó, Giáo Hội cũng đánh mất đi khả năng cảm nhận nhạy bén, không còn có thể dễ dàng liên kết sứ mệnh phổ quát với những vấn đề địa phương, với những hoàn cảnh cá biệt cùng căn tính văn hóa đặc thù của các dân tộc, cũng như với những cuộc đấu tranh của người dân bị gạt ra ngoài lề xã hội. Thế nên, ngày nay, điều thiết yêu cần phải làm là đặt sứ mệnh phổ quát của Ðức Giêsu vào trở lại trong mối liên hệ với những gì, với những vấn đề các địa phương đang quan tâm đến.
III. CỘNG ĐOÀN MÔN ĐỆ BÌNH ĐẲNG
Ðức Giêsu, Ðấng Giải phóng tự hủy, đã mời gọi mọi phần tử trong gia đình nhân loại đi theo con đường Ngài đã vạch ra, tức trở thành môn đồ của Ngài. Ðiều này giả thiết là những ai theo Ðức Giêsu đều có những quyền lợi và bổn phận như nhau. Do ảnh hưởng của lịch sử, Giáo Hội đã thiết đặt giai cấp, trật bậc ở trong cộng đoàn kitô; hậu quả trực tiếp là đã thể chế hóa “phong trào nguyên thủy” của Ðức Giêsu.
Mặt khác, tệ trạng cư xử hung bạo đối với nữ giới đang ngày càng lan rộng, là một sự kiện rất đáng lo ngại vàø đặt vấn đề đến một mức hết sức trầm trọng, về chỗ đứng và vai trò của tôn giáo trong các xã hội đa tín ngưỡng tại Châu Á. Ðịa vị của nữ giới ở trong Giáo Hội công giáo và trong các Giáo Hội Kitô khác chưa chắc đã khá hơn gì so với chỗ đứng của nữ giới trong các truyền thống tôn giáo khác hoặc giữa xã hội loài người nói chung. Một đàng Giáo Hội Công giáo nói đến việc giải phóng nữ giới, nhưng đàng khác, Giáo Hội lại lơ là đối với số phận của họ trong cộng đoàn mình. Những nhận thức của các học giả và các nhà thần học nữ quyền về nam nữ bình quyền trong các tôn giáo cũng như giữa xã hội, đang còn cần phải được đưa thấm nhập vào trong quan niệm và cách lý luận chung.
CÔNG GIÁO TÍNH THEO MẦU DẠNG MỚI
Giáo Hội Công giáo khẳng quyết về “công giáo tính” của mình; nhưng “công giáo tính” ấy sẽ không vẹn toàn bao lâu một nửa số thành viên bị coi như là “thành phần hạng hai” đơn thuần chỉ vì là phụ nữ. Việc nữ giới bị loại ra khỏi giới cấp và tiến trình hành sử quyền quyết định trong Giáo Hội là kết quả của một hệ thống kỳ thị phát sinh từ những cơ cấu phụ quyền, nhưng lắm khi lại được biện minh trong Giáo Hội bằng những lý sự đủ loại cho dù không mấy vững chắc. Nếu loại trừ phụ nữ ra, làm cho họ mất đi tiếng nói chính đáng và tùy ý lèo lái điều khiển họ, v.v. thì chẳng khác chi là dùng bạo lực đàn áp họ. Có những tác giả nữ quyền cho rằng công giáo tính trong Giáo Hội còn mang nặng tính chất kyriarchal, chúa tể (tiếng lóng họ dùng – rút ra từ chữ kyrios = “chúa” – để chỉ về quan hệ “chúa tể-thần dân,” “chủ-nô,” “phụ-tử,” “phu-thê,” “quý-tiện,” “giàu-nghèo,” “trí thức-thất học,” v.v.), và thiên về – nếu không nói là chủ trương – chế độ nam giới trị.
Công giáo tính của Giáo Hội bị thương tổn do kiểu lý luận Lamã, với việc đặt ra luật lệ xét duyệt và kiểm soát, với thái độ chuyên nhất cho rằng chỉ mình mới có chân lý tuyệt đối và đòi mọi người phục tòng quyết định do mình đưa ra mà không được quyền nhận định phê bình. Giáo Hội vẫn còn tìm cách kiểm soát qua việc kiểm duyệt và cấm không cho nói. Vậy, cần phải tiến đến chỗ lý luận theo cung cách thật sự công giáo, tức theo cung cách bao gồm, biết cậy nhờ đến những ân huệ thiên hình vạn trạng do Thần Khí Khôn Ngoan Thiên Chúa ban xuống, và hiểu rằng trong đó, tất thảy mọi người, không trừ một ai, đều có nghĩa vụ đối với sứ mạng chung.
Chúng tôi hiểu “công giáo tính” theo nghĩa là toàn thể, đại kết, toàn cầu, bao gồm tất cả. Công giáo tính toàn vẹn của Giáo Hội, như thần học xác định, chỉ thành tựu được khi tất cả đều có thể tham dự – theo mức độ khả năng và trách vụ của mình – vào tất cả những luận đàn đưa đến chỗ nắn đúc nên căn tính và sứ mệnh của Giáo Hội. Ðiều đó giả thiết các phụ nữ được công nhận là thành viên chính thực của Giáo Hội, tức được trọn vẹn dự phần vào hết mọi nghĩa vụ, quyền lợi và đặc ân. Với nỗ lực sống trọn công giáo tính của mình, “Giáo Hội nam nữ bình đẳng” sẽ nêu cao tinh thần ‘dân chủ,’ công bằng, và như thế sẽ thích ứng, hòa hợp dễ dàng hơn với những trào lưu dân chủ trong khắp thế giới hiện đang cổ võ cho công bằng, tự do và bình đẳng (x. Cv 2:17tt). Phong trào phụ nữ đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ trong Giáo Hội cũng như giữa xã hội, là một lời yêu cầu Giáo Hội đổi mới cách nhận thức về sứ mệnh của mình trong những gì liên quan đến công bằng, tự do và cách tổ chức công đoàn: làm sao để cộng đoàn Giáo Hội thực sự là một cộng đoàn môn đồ bình đẳng.
Cần phải tránh mọi mưu đồ đặt Châu Âu làm điểm quy chiếu cho toàn thể nhân loại. Do đó, cách trình bày về sứ mệnh kitô giáo cần phải được xét kỹ lại, xem có còn mang nặng sắc thái đế quốc về mặt chính trị, chuyên đoán về mặt văn hóa, và thực dân về mặt tôn giáo hay không. Ðiều đó sẽ tiếp diễn cho đến khi các Giáo Hội địa phương đạt đến mức tự trị trong mối thông hiệp toàn cầu của các Giáo Hội Công giáo.
Cần phải khai triển một linh đạo bình đẳng – tuyệt đối bình đẳng – mang tính chất đại kết và liên tôn cũng như toàn cầu, có khả năng giúp mở lòng đón nhận cảm thức cùng sáng kiến của “Giáo Hội nữ giới”: một lòng hiếu khách nhạy bén hơn, một thái độ cởi mở nới rộng hơn trong việc chia sẻ quyền bính, và thực tâm nhận chân rằng những khác biệt tựu trung chỉ là một cách biểu hiện công giáo tính. Và như thế, chúng ta ca tụng những ân huệ muôn hình thái Thần Khí-Khôn Ngoan ban xuống: Ngài tạo thành và gìn giữ các quan hệ mang lại công bằng và hạnh phúc trong toàn cầu; Ngài dệt nên cảnh phong phú của thực trạng đa dạng tôn giáo và văn hoá. Ý thức mới này tất sẽ giúp cho thấy là cần phải đổi mới ngôn ngữ, đổi mới cung cách biểu đạt; đó là một việc làm quan trọng, bởi vì những giới hạn ngôn ngữ [tôn giáo] chúng ta dùng chính là những hạn mức làm cho thế giới sống đạo của chúng ta bị thu hẹp lại. Chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh thêm rằng đòi công bằng cho nữ giới là một vấn đề nhân bản, là vấn đề liên quan đến tất cả chúng ta.
Sau nhiều năm đặt vấn đề và cố gắng giải quyết, tình trạng kỳ thị nữ giới trong Giáo Hội vẫn chưa thấy có gì thay đổi đáng kể. Còn thay đổi trong xã hội thì chỉ diễn ra từng bước, qua tác dụng của một số hành động tiên tri và cách giải thích chúng. Vậy, muốn làm cho Giáo Hội tái sinh thành một cộng đồng bình đẳng và làm cho nữ giới có quyền chia sẻ trách nhiệm trong mọi bình diện đời sống Giáo Hội, thì xem ra phải cần đến cả hành động biểu tượng lẫn nỗ lực giải thích chúng, mới đạt được kết quả. Tiến hành theo phương sách như thế sẽ là một bước khởi đầu rất đáng hoan nghênh.
Chúng ta rao giảng Tin Mừng không chỉ như những cá nhân riêng lẽ, mà còn và hơn nữa, như là thành phần của một cộng đoàn đức tin – tức ecclesia, Giáo Hội – đang thường xuyên đối thoại với các cộng đoàn và những người thiện chí khác. Lịch sử Giáo Hội cho thấy nhiều lần chúng ta đã không trung thành cho đủ với Ðức Kitô: đó là những khi chúng ta để cho bị lôi cuốn bởi ảnh hưởng của những lề thói phản phúc âm, như quyền bính, óc thống trị và não trạng phụ quyền… Muốn cho được khả tín và hữu hiệu, thì sứ mệnh của chúng ta phải thực sự xuất phát từ một ecclesia, một cộng đoàn môn đồ bình đẳng, biết nhìn đến những cộng đồng và dân tộc khác không phải như là đối tượng để chinh phục, song như là những anh chị em, những người bạn đồng hành trong missio Dei (sứ mệnh Thiên Chúa trao phó), cùng đi với chúng ta trong nỗ lực tìm kiếm vương quyền công bằng và bình đẳng của Thiên Chúa. Bởi vậy, thể cách thực thi sứ mệnh là sống tình bạn đồng hành trong đối thoại.
IV. SỨ MỆNH THEO THỂ DẠNG ÐỐI THOẠI TIÊN TRI
Hiện nay, bản chất của sứ mệnh ngày càng được quan niệm như là một tiến trình đối thoại. Ðối thoại ở đây được hiểu không phải theo nghĩa là một khí cụ sư phạm, song theo nghĩa là một thái độ, một lối sống. Cung cách đối thoại này có tính chất tiên tri vì đòi hỏi phải thực sự dấn thân – tất nhiên là với thái độ phê bình – vào những tiến trình phát triển xã hội. Ðối thoại đích thực giả thiết một thái độ cởi mở, một ý hướng trong lành muốn giúp nhau đạt đến mức cao hơn trong nỗ lực tìm biết chân lý để nhờ đó mà trở thành phong phú hơn. Cuộc Ðức Giêsu nói chuyện với phụ nữ Samari là một chuẩn mẫu của đối thoại đích thực (x. Ga 4).
CUỘC ĐỐI THOẠI TIÊN TRI BỐN HƯỚNG
Chúng tôi nghĩ rằng thành ngữ “đối thoại tiên tri” biểu đạt đầy đủ được tầm nhận thức sâu xa nhất về lời mời gọi đặc thù, lời mời gọi dấn thân cho sứ mệnh. Chúng ta được mời gọi rộng mở tâm hồn để, qua thái độ đối thoại tiên tri, đi đến gặp gỡ với những ai đang đi tìm niềm tin, với những ai không có được một cộng đoàn tín ngưỡng; với người nghèo và với những ai bị gạt ra ngoại lề xã hội, đang tìm cách để cổ động một cuộc giải phóng nhân bản toàn vẹn; với những người thuộc các nền văn hoá khác nhau nhằm tìm hiểu cùng chia sẻ với nhau những ân huệ vạn trạng Thiên Chúa Sự sống ban cho; với tín đồ các truyền thống tôn giáo khác cũng như với cả những người đang hoạt động tích cực cho các ý thức hệ. Cùng với tất cả các bạn đồng nghiệp đến dự kỳ hội họp này, chúng tôi hy vọng nghe ra được lời Thần Khí Khôn Ngoan mời gọi chúng tôi tiếp tục tiến tới trên con đường phục vụ.
ĐỐI THOẠI TIÊN TRI VỚI NHỮNG AI ĐANG ĐI TÌM NIỀM TIN
Giáo Hội đang có mặt khá rộng rãi giữa ‘xã hội dân sự,’ tức là giữa môi trường sống của những người cùng nắm tay kiến tạo phúc lợi chung, cùng nhau bàn thảo trao đổi về những vấn đề liên hệ đến đời sống chung, và khi cần, thì vận động đòi hỏi Nhà nước tôn trọng những quyền chính đáng của mình. Ðể bảo phòng cho môi trường ấy tránh khỏi những xung đột phá hoại, chúng tôi nghĩ phải noi theo cung cách ứng xử của đức Gandhiji, tức theo lời khấn về satya (sự thật) và ahimsa (bất bạo động chủ động) và theo con đường cầu nguyện cùng ăn chay trong cách sống đạo của ngài. Satya và ahimsa đã mang lại sức năng cho lớp người bị áp bức, làm cho họ có nghị lực kháng cự lại kẻ đàn áp, nhưng là với một lòng thương thắm đượm hòa giải và hòa hợp, khiến cho tia lửa thần thiêng tiềm ẩn nơi đáy lòng kẻ áp bức có được cơ hội bừng sáng lên.
Trong tiến trình đối thoại này, chúng tôi lưu tâm cách riêng đến các hiện tượng và ý thức hệ đang gặp thấy trong xã hội như thái độ cuồng tính tôn giáo, công xã chủ nghĩa, chủ thuyết văn hóa ái quốc, và dạng hiện thân (avatar) cuối cùng của tư bản chủ nghĩa là hiện tượng toàn cầu hóa. Dù có phê bình các hiện tượng ấy trong tinh thần tiên tri, chúng ta cũng vẫn phải dấn bước vào con đường đối thoại hợp tác với mọi phong trào cổ võ nhân quyền, cùng hoạt động nhằm xây dựng một xã hội công bằng, và phải trở thành một lực lượng hòa giải trong các vụ căng thẳng, xung đột do các nhóm quá khích gây ra giữa cộng đoàn xã hội. Trong bối cảnh như thế, việc thành lập các cộng đồng liên tôn là một việc làm hết sức hữu ích và quan trọng.
ĐỐI THOẠI TIÊN TRI VỚI NHỮNG NGƯỜI BỊ GẠT RA NGOÀI LỀ XÃ HỘI
Tại Châu Á, nếu có một môi trường nào Giáo Hội hiện diện nhiều nhất là ở giữa những thiểu số sắc tộc. Riêng tại Ấn độ, thì ở giữa giới Ðalít (dân vô giai cấp, cùng đinh, untouchables: tiện dân) và các bộ lạc. Nếu muốn có một thái độ, một sự hiện diện rộng mở hơn nữa trong khi sống giữa tiện dân, các sắc tộc và những kẻ bị áp bức, thì chắc hẳn Giáo Hội sẽ phải biến đổi lối sống và cung cách hoạt động của mình. Một khi đã hội nhập vào trong xã hội tiện dân và các sắc tộc, tất Giáo Hội cần lưu tâm kỹ hơn đến những giá trị và biểu tượng có tính chất giải phóng tiềm ẩn trong các nền văn hóa ấy: chúng là một thách thức lớn dựng lên sừng sững trước những truyền thống và tín ngưỡng phủ nhận sự sống. Ðến với những kẻ bị gạt ra ngoài lề xã hội và với những nạn nhân của mọi hành động tàn ác là một yếu tố cấu tạo trong sứ mệnh của chúng ta. Chấp nhận Phúc Âm không có nghĩa là hạ thấp giá trị hoặc hủy tiêu văn hoá của các sắc tộc. Thường thì các sắc tộc gia nhập một Giáo Hội không theo cơ cấu bộ lạc. Ðã đến lúc Giáo Hội cần phải hội nhập vào trong các nền văn hóa sắc tộc và triển khai cơ cấu của mình sao cho thích hợp với căn tính các sắc tộc. Các Giáo Hội sắc tộc sẽ giúp toàn thể Giáo Hội biết nhạy cảm hơn trước những vấn đề sinh thái. Bởi lẽ ngày nay, công tác bảo toàn Mẹ Ðất và Ðại Dương phong phú là một khía cạnh chủ yếu trong sứ mệnh của chúng ta. Và như thế, việc đối thoại với thiên nhiên sẽ trở thành một nhân tố trọng yếu trong hiện trạng sứ mệnh chúng ta, tức trong lúc nạn phá hoại sinh thái đang tăng dần.
Trong khắp Châu Á, các tầng lớp xã hội đã từng bị qua bao thế hệ, gạt ra bên lề cuộc sống, hiện đang ý thức ngày càng rõ hơn về nhân phẩm và nhân quyền của mình. Họ bắt đầu kháng đối chống lại những thế lực thống trị không ngừng tìm cách đặt gông cùm đô hộ lên trên họ. Những nhóm bị gạt bỏ như nữ giới, lớp tiện dân, các bộ lạc, ngư dân, công nhân lẻ loi nằm ngoài các tổ chức, những nhóm lo về môi sinh và các sắc tộc đang tổ chức đội ngũ và đang trở thành những phong trào mạnh mẽ, nhằm tới nỗ lực thiết cấu nên một chế độ xã hội mới. Ðó hẳn là những dấu chỉ đầy hy vọng.
Bổn phận không tránh né được của Giáo Hội là nhìn nhận Thiên Chúa hằng hiện diện và tích cực hoạt động ở trong các phong trào kia, và phải tỏ rõ tình liên đới tiên tri với họ bằng cách cùng họ đồng hành trong những cuộc đấu tranh giải phóng đang tiến hành. Cùng suy tư trong đối thoại với các nạn nhân về các cuộc đấu tranh của họ, sẽ giúp cho Giáo Hội hiểu mình và sứ mệnh giải phóng của mình rõ ràng hơn. Và đó là cách thức tốt nhất để Giáo Hội phục hồi ‘chiều kích phong trào’ nguyên thủy của mình, mà trong quá khứ đã bị đánh mất đi bởi cứ rập khuôn theo một tiến trình thể chế hóa cứng nhắc.
ĐỐI THOẠI TIÊN TRI VỚI NHỮNG NGƯỜI THUỘC CÁC NỀN VĂN HÓA KHÁC NHAU
Mầu nhiệm Nhập thể và Phục sinh của Ðức Giêsu Kitô quả là khuôn mẫu của cuộc đối thoại giữa đức tin và văn hóa. Cuộc đối thoại thường xuyên và sống động này là kết quả của việc đức tin lớn lên trong một địa phương cụ thể: nó mọc lên từ cuộc sống và sinh hoa kết quả thành những cung cách thiết thực trong đời sống và việc phụng tự kitô. Vì thế, cuộc đối thoại này phải phản ánh thực tại đa văn hóa tại Châu Á, chứ không chỉ giới hạn vào trong một dạng văn hóa xuất chúng, hay một lãnh vực ‘tiểu văn hoá’ cô lập nào đó. Việc hội nhập văn hóa sẽ thu nạp hết tất cả những gì tốt đẹp trong các nền văn hóa khác hoặc trong các dạng văn hóa cấp dưới, để rồi nêu bật những giá trị ấy, những ahimsa đầy sáng tạo, như: lòng thương mến vũ trụ, tình liên đới tiên tri, thái độ khoan dung đối với tha nhân, quyền sở hữu chung về ruộng đất, lòng tôn trọng đối với mọi hình thức của sự sống và đối với những người cao niên. Cả đến những chương trình kinh tế và giáo dục cũng cần được thiết kế lại theo cách nhìn đi từ cấp thấp lên.
ĐỐI THOẠI TIÊN TRI VỚI TÍN ĐỒ CÁC TÔN GIÁO KHÁC
Có người chủ trương rằng trong thế giới ngày nay, sống đạo là sống đời sống liên tôn; đó hẳn là chủ hướng ảnh hưởng hết sức sâu rộng đến sứ mệnh của chúng ta. Ðại kết và đối thoại liên tôn giả thiết không những phải biết lắng nghe người khác mà còn phải biết chân thành trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Ðiều đó có nghĩa là hai phía chịu sẵn sàng đón nhận thách đố của nhau trong ánh sáng những giá trị nhân bản và tôn giáo. Trong cuộc đối thoại này, cần phải lưu ý đến việc lắng nghe ý kiến và kinh nghiệm của các hiệp hội liên-kitô và liên-tôn, cũng như ủng hộ họ trong lãnh vực mục vụ. Ðể được như thế thì Giáo Hội cần mở rộng việc thu nạp di sản của các tôn giáo khác vào trong đời sống của Giáo Hội.
Việc đối thoại với các tôn giáo khác phải được khởi phát từ trong nơi sâu thẳm của tâm lòng. Vì thế, cần phải biết đi sâu vào trong kinh nghiệm tôn giáo của nguời khác, tức đi sâu vào trong di sản tinh thần, đạo đức được biểu đạt qua Sách thánh, phụng vụ, các khúc ca, vũ điệu, nghệ thuật và các kiểu mẫu kiến trúc của họ. Thái độ sẵn sàng tiếp nhận như vậy phát sinh từ kinh nghiệm sống với những người thuộc các tín ngưỡng và tôn giáo khác. Tuy nhiên, đối thoại tiên tri đòi hỏi chúng ta không chỉ đón nhận sự phong phú mà còn phải phát hiện và ứng đối với những bóng tối ẩn khuất trong các truyền thống tôn giáo khác, nhưng lại thường lộ diện nơi các hiện tượng đồi bại như thể chế đẳng cấp, óc kỳ thị nữ giới. Ðối thoại đích thực và hội nhập văn hoá đúng nghĩa của nó chỉ xảy ra khi chúng ta sẵn sàng “chịu phép rửa trong sông Giođan của tinh thần tôn giáo Châu Á” và “chịu đóng đinh vào thập giá của cảnh cùng khốn tại Châu Á.”[4]
Một khi đã nhận thức được rằng thái độ quan tâm đặc biệt đối với các nạn nhân và đối với công bằng là yếu tố chủ yếu trong đặc thái tính (distinctiveness) của Ðức Giêsu, tất chúng ta sẽ phải ra sức mang công bằng vào trong nội dung của công tác đối thoại với tín đồ các truyền thống tôn giáo khác. Có thể nói rằng phần đóng góp đặc thù của người kitô vào trong công cuộc đối thoại qua mối quan tâm lo cho công bằng xã hội, bình đẳng giới tính và môi sinh, đóng giữ một vai trò quan trọng ở trong tất cả các sáng kiến hoạt động liên tôn. Dựa vào sự việc Thượng Hội đồng Giám mục năm 1971 coi công bằng là yếu tố cấu tạo trong toàn bộ sứ mệnh kitô, chúng ta có thể nhận định rằng đối thoại cũng làm nên yếu tố cấu tạo trong việc dấn thân cho sứ vụ thừa sai của chúng ta, đặc biệt là tại những khu vực có nhiều tôn giáo khác nhau, như tại các vùng Nam và Ðông Nam Châu Á.
Một phương cách cụ thể để phối kết công bằng với đối thoại là khuyến khích việc thành lập những cộng đồng nhân bản cơ bản. Các nhóm nhỏ này thường cho thấy có hai đặc tính: thứ nhất, quyết hoạt động xây dựng cho công bằng và lợi ích của con người cũng như của môi sinh; thứ hai, dựa vào kinh nghiệm lòng tin của mình để hiện thực hóa quyết tâm kia. Những cộng đồng liên tôn này đều có chung cùng một đường lối hoạt động xã hội, và dựa vào phương thức hành động chung này, họ ra sức chia sẻ cho nhau những giá trị, những xác tín và huấn chỉ tôn giáo. Công cuộc đối thoại liên tôn này được xây dựng trên và được năng động hóa bởi những hoạt động đạo đức chung. Trong dạng thể đối thoại này, thành viên của các cộng đồng liên tôn có thể có những giây phút cùng nhau “thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật” (x. Ga 4:24).
HY VỌNG CHO TƯƠNG LAI
Những lực lượng mới xuất hiện gần đây, hùng hậu, đang tác động mạnh trên con người, và đang tạo ra những biến đổi hết sức nhanh chóng, không lường nổi, trong mọi lãnh vực cuộc sống xã hội. Và dĩ nhiên, nạn nhân bao giờ cũng là những người yếu thế nhất trong xã hội. Ðà toàn cầu hóa ngang nhiên dâng cao lan rộng, dồn dập, vũ bão, không mảy may đếm xỉa gì đến số phận của tiện dân và giới vô sản, lại còn làm cho trào lưu đô thị hóa trầm trọng thêm lên. Cần làm gì, nếu không phải là cương quyết kháng cự và tỏ rõ lập trường phê bình? Những tình trạng căng thẳng, dễ bén nổ như hiện thấy trong các phạm vi kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo, đòi chúng ta phải thường xuyên có mặt ngay giữa trận tuyến, một sự có mặt thắm đượm hoà bình, công bằng và chân lý, theo tư thế của “đàn chiên nhỏ” (x. Lc 12:32).
Quả thật, Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn suối cuối cùng và là nền tảng của bản chất và sứ mệnh Giáo Hội. Ba Ngôi đã muốn chuyển thông cho nhân loại chính nguyên lý của căn tính Người là cộng đoàn liên đới trong tình yêu. Phát sinh từ nguồn tình yêu ấy, nên giữa mọi môi trường, hoàn cảnh, Giáo Hội phải biết thực thi sứ mệnh của mình theo sự hướng dẫn của Khôn ngoan Thần Khí Thiên Chúa và trong sự hiện diện không ngơi ngừng của Ngôi Lời (x. Mc 16:20). Có như thế, sứ mệnh của Giáo hội mới trở thành một nỗ lực sống thực sự, nỗ lực sống sứ mệnh của mình trong mọi bối cảnh địa phương cho đến khi ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa được thể hiện (x. 1Tm 2:4) và Thiên Chúa Thiên Chúa là tất cả trong tất cả (x. 1Cr 15:28).
Nhận thấy rõ các thách đố những bối cảnh khác nhau đặt ra cho mình, và đồng thời được cổ võ bởi những nhận định cùng sáng kiến rút tỉa được qua nỗ lực cùng nhau tìm hiểu trong cuộc hội họp này, một lần nữa, chúng tôi xin cam kết sẽ cẩn trọng chú tâm đến lời thúc giục của Thần Khí Khôn Ngoan Thiên Chúa để ra đi thi hành sứ mạng với một đà nhiệt tâm, với một lòng hăng say mới. Chúng tôi thâm tín rằng Giáo Hội thừa sai thực sự là thừa sai qua Giáo hội địa phương thừa sai, và hễ càng biết ứng đáp các thách đố địa phương cho đầy đủ, cho thích đáng theo tư thế là kitô hữu, thì chúng tôi càng trở thành hữu hiệu hơn trong sứ mạng thừa sai của chúng tôi. Chúng tôi quyết sẽ ra sức thực tình chia sẻ lối nhận thức mới này về sứ mạng thừa sai, với tất cả những người chúng tôi sẽ gặp.
Felipe Gómez lược dịch
[1] Conclusions of the Ishvani Kendra Silver Jubilee Colloquium “The Church in Mission: Universal Mandate and Local Concerns” (Pune, 24-27 October, 2001): Internet: http://sedos.org/english/colloqstate.htm.
[2] Theo Mt 10:10, thì một cây gậy cũng không.
[3] “Chipko” nghĩa là “ôm” trong một phương ngữ Ấn độ bắc. Khi năm 1730 tiểu vương của Jodhpur sai tôi tớ cắt gỗ ở rừng Bishnoi, thổ dân mà tránh làm hại cho mọïi ai, cả đến cây cối nữa, thì họ đổ xô đi bênh vực cây bằng ôm thân. Cho đến 363 người (thường là phụ nữ và trẻ con) bị giết, nhưng cuối cùng các kẻ cắt cây đành phải bỏ việc. Rồi năm 1973, in Gopeshwar (Uttar Pradesh) chuyện đã nhắc lại: khi một công ty đi cắt cây, thổ dân ôm cây mà hét: “Chipko!” và không cho chúng cắt những cây. Như vậy phong trào bất bạo động để bảo toàn môi trường sinh thái đã khởi sự ở Ấn độ.
[4] Aloysius Pieris, SJ (xuất xứ ?).