Hợp Tuyển Thần Học

Giáo Hội, Nước Thiên Chúa Và “Những Người Khác”

Giáo Hội, Nước Thiên Chúa Và “Những Người Khác”

Mục Lục

Có một dạng từ vựng kỳ cựu trong thần học ngày trước hiện đang kéo dài ảnh hưởng qua việc tiếp tục dùng đến những từ ngữ không còn ứng đáp thích đáng được cho phương cách nhận thức của thần học ngày nay. Nếu không lưu ý đủ thì khó mà tránh hẳn được mối nguy do việc dùng những từ ngữ như thế gây ra: mối nguy dựng lên những ràng rào hiểu lầm ngăn cách giả tạo giữa người kitô và “những người khác”; trái lại, nếu biết dùng ngôn ngữ thần học cho cẩn thận hơn, thì sẽ dễ dàng tránh được mối nguy ấy. Vì thế, trong bài khảo luận đoản thiên này, từ “những người khác” sẽ được dùng để thay thế cho thuật ngữ “những người không-kitô.” Bởi lẽ, từ ngữ này kéo theo một điều bất lợi, là gọi những người khác bằng một danh xưng tiêu cực, hoặc dùng cái không phải là họ – tức là bản chất kitô, – để chỉ định và xác định về họ; tệ hơn nữa, từ ngữ ấy gióng theo tư thế hay bản chất của người kitô để mà xác định về những người khác: như vậy có nghĩa là đặt cộng đồng kitô làm trung tâm của suy tư thần học, coi đó là điểm quy chiếu tất thiết cho hết mọi người.

Nếu cần dẫn chứng bằng cách liệt kê ra một danh sách các từ ngữ đang mang phải không nhiều thì ít, chứng tật nói trên, thì hẳn đó không phải là việc làm đòi nhiều công sức. Nhưng ở đây, chỉ xin được đan cử một vài trường hợp làm thí dụ, và như thế thì cũng đã đủ; chẳng hạn như là các thuật ngữ liên quan đến mối giao hảo giữa Kitô giáo và Do thái giáo, tức là đến công cuộc đối thoại giữa các tín hữu hai phía: Giáo hội được gọi là “dân mới của Thiên Chúa.” Ðiều đó hàm ngụ ý nghĩa nói rằng dân mới đã thay thế dân “cũ” của Thiên Chúa là Ítraen. Ngay cả Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium=LG) cũng đã không tránh khỏi được mối nguy nói trên khi gọi Giáo hội là “dân mới của Thiên Chúa,” dân đã được Thiên Chúa kết nghĩa bằng một “giao ước mới” (LG 9). Tương tự như thế, trong văn kiện tựa đề Những Chủ Ðề Ðặc Biệt về Cánh Chung Học (1985), Ủy Ban Thần Học Quốc Tế cũng đã lấy tiêu đề “Giáo hội, ‘dân mới của Thiên Chúa’” làm tên gọi của chương hai. Ngụ ý chỉ về LG 9, văn kiện viết: “Dân mới của Thiên Chúa tự biểu trình như là một ‘cộng đồng đức tin, đức cậy và đức ái’ (LG 9), phát sinh từ Thánh Thể.” Vậy, nếu Kinh Thánh đã dùng đến từ “tân ước” (Gr 31,31-34; 2Cr 3,6; Dt 9,15; 12,14), và nếu Tân Ước đã miêu tả Giáo hội như là “Dân Thiên Chúa” (1Pr 2:9-10), thì Kinh Thánh cũng đã không gọi Giáo hội là “dân mới.” Và gần đây, khoa chú giải đã làm đúng khi phản ứng chống lại lối biểu đạt quá ngôn cho rằng sự kiện Giáo hội hình thành hàm ngụ việc Ítraen bị khai trừ ra khỏi dân Thiên Chúa. Phương pháp chú giải này còn minh xác thêm rằng vấn đề ở đây không phải là một dân khác được Thiên Chúa chọn để thay thế cho dân Thiên Chúa, nhưng là chính dân duy nhất của Thiên Chúa sẽ lớn rộng, vượt hẳn ra ngoài giới hạn của mình qua sự việc Giáo hội, – thuộc về dân duy nhất ấy, – tăng triển rộng lớn đến giữa các dân tộc.

Cũng cần lưu ý như đã nhận định trên đây, đối với cách phân biệt quen dùng giữa CựuTân Ước, bởi nó có thể làm cho ngộ nhận để nghĩ rằng Tân Ước đã thế chân Cựu Ước, tức là “Giao Ước Mới” Thiên Chúa thiết lập trong Ðức Giêsu, bãi bỏ những gì xưa kia Ngài đã giao kết với Ítraen qua Môsê, mà nay bị coi như là đã “cũ kĩ.” Nhưng thực ra, có biết nhìn Tân Ước qua mối quan hệ với Cựu Ước, thì mới hiểu được lý do hiện hữu và ý nghĩa của Giao Ước Mới. Hơn ai hết, thánh Âuguti-nô đã miêu tả một cách tài tình mối tương quan giữa hai giao ước: “Novum in Vetere latet; Vetus in Novo patet” (Tân Ước tiềm ẩn trong Cựu Ước; còn Cựu Ước thì hiển hiện ra trong Tân Ước.” Tân Ước không thế chân mà cũng chẳng bải bỏ giao ước có trước mình. Ðó là lý do tại sao các nhà chú giải ngày nay ưa dùng cách nói giao ước “thứ nhất” và giao ước “thứ hai” để chỉ về Cựu Ước và Tân Ước. Hơn nữa, chính thánh Phaolô cũng đã xác minh là Giao ước đính kết qua Môsê không hề bị bãi bỏ đi bởi những gì Thiên Chúa thiết đặt trong Ðức Kitô. Ðã đành, thánh Phaolô không giải thích dứt khoát về mối liên hệ giữa Ítraen và Giáo hội; nhưng ngài đã minh bạch nói lên thâm tín của mình đối với tính chất trường tồn của việc Ítraen được Thiên Chúa tuyển chọn và ban ân huệ cho: “Họ là người Ítraen, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa; họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Ðức Kitô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ” (Rm 9,4-5). Trả lời cho câu hỏi “Phải chăng Thiên Chúa đã ruồng bỏ dân Người ?” (Rm 11,1), thánh Phaolô khẳng định là: “Không phải thế!” (Rm 11,1), và minh giải thêm rằng: “Quả thế, một khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì chẳng bao giờ Người đổi ý” (Rm 11,29). Vì thế, nhiều văn kiện gần đây của huấn quyền đã mạnh mẽ khẳng định rằng Giao ước thiết lập qua Môsê vẫn hiện hành và hữu hiệu cho dù Thiên Chúa quả đã thiết lập một “Giao Ước Mới” trong Ðức Giêsu Kitô. Vậy thì, Giao Ước “thứ nhất” vẫn còn hiện hành trong thời Tân Ước. Giải nghĩa như thế tất sẽ gây được ảnh hưởng tích cực và sâu đậm đến cuộc đối thoại giữa Do thái giáo và Kitô giáo.

Ngoài ra, ngôn ngữ thần học cổ truyền cũng tích chứa nhiều cách nói có thể gây ngộ nhận và phương hại đến mối quan hệ giữa Kitô giáo và các truyền thống tôn giáo khác, còn trầm trọng hơn so với quan hệ giữa Kitô giáo và Do thái giáo. Xin lấy từ ngữ “Dân Thiên Chúa” nói trên đây làm tỷ dụ. Thử hỏi có thỏa đáng hay không việc dùng từ ngữ này để bao gồm chỉ về – dù là bằng những cách thức khác nhau, – dân Do thái và Giáo hội mà thôi, và vẫn tiếp tục gạt bỏ “các dân tộc khác” ra ngoài? Có phải vì không phủ nhận sự việc Thiên Chúa đã đặc tuyển dân Ítraen, và đã mở rộng cũng như kiện toàn qua Ðức Kitô, tình trạng đặc tuyển ấy ở trong Giáo hội, mà phải nhất thiết chủ trương là Thiên Chúa đã không tuyển chọn các dân tộc khác? Hay ngược lại, cần phải nhận là bằng một cách nào đó, Thiên Chúa đã tuyển chọn hết mọi dân tộc, và như thế là khẳng định rằng mọi dân tộc đều là “dân đặc tuyển”? Nhận xét chí lý sau đây thường được nêu lên: sự việc công đồng đặt chương II bàn về “Dân Thiên Chúa” vào trong Hiến Chế tín lý về Giáo hội Lumen Gentium, đã đánh dấu bước quá độ đi từ dạng giáo hội học hình tháp chóp (pyramidical) của thời tiền công đồng, qua dạng giáo hội học đồng tâm (concentric) hay vòng tròn của chính công đồng. Tuy nhiên, không mấy ai đã để ý đến những bất lợi mà tính cách chuyên nhất và đắc thắng còn tiềm tàng ở trong dạng giáo hội học kia về “Dân Thiên Chúa,” có thể gây ra cho mối quan hệ giữa Kitô giáo và các truyền thống tôn giáo khác. Vaticanô II đã không tiên liệu cho đủ để mà ứng phó với mối nguy ấy. Dù các nghị phụ có công nhận là Thần Khí Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong các con dân của mọi dân tộc cũng như trong các truyền thống của họ, thì cũng không hề thấy công đồng chính thức khẳng định về sự việc những dân tộc thuộc các truyền thống tôn giáo khác cũng được Thiên Chúa tuyển chọn, và như thế, họ cũng là “những dân tộc đặc tuyển.” Vì vậy mà một thần học gia đặc chuyên về đối thoại liên tôn đã thốt lên rằng: “Ôi dân Thiên Chúa: làm sao mà có cho được!”

Dùng vào trong bối cảnh thần học về các tôn giáo và về đối thoại, từ ngữ “Nước Thiên Chúa” thông dụng trong thần học cổ điển, cả trong những thời gần đây, cũng đặt ra nhiều vấn đề. Nước ấy chỉ đơn thuần ngụ ý hiểu về nỗi chờ mong của Ítraen và về Kitô giáo cùng Giáo hội như là thể trạng thành tựu ở trong lịch sử của nỗi niềm chờ mong ấy mà thôi hay sao? Còn “những người khác” thì đều bị loại ra ngoài hết thảy hay sao? Hay, ngược lại, dù có ở ngoài Giáo hội, thì họ cũng là phần tử có trọn quyền trong Nước Chúa? Hoặc là “một cách nào đó” – có thể gọi là mặc nhiên hay vô hình, – họ thuộc về Nước Thiên Chúa? Tóm lại, có phải Kitô giáo và Giáo hội chính là Nước Thiên Chúa xét theo tư thế là một thực thể đang hiện diện ở trong trần gian và ở giữa lòng lịch sử, hay không? Nước Thiên Chúa sẽ như thế nào trong giai đoạn thành toàn cánh chung ở bên kia giới mức của lịch sử? Nước ấy quan hệ như thế nào với Giáo hội và với “những người khác”? Người kitô và “những người khác” có thuộc về Nước thành toàn của Thiên Chúa như nhau hay không?

Có nhiều cách giải đáp khác nhau đã được đề ra để trả lời cho các câu hỏi nêu trên đây. Dĩ nhiên là trong thời tiền công đồng, thần học về Nước Thiên Chúa đã được suy cứu và khai triển; chính công đồng cũng đã rút tỉa được nhiều hoa trái từ công trình suy tư ấy; tuy nhiên, công đồng đã không giải đáp hết các vấn nạn kia. Chủ đích mà các trang viết sau đây nhằm tới là lần bước theo giáo huấn của huấn quyền mà giới thiệu quá trình phát triển trong thời trước và sau công đồng, của thần học về Nước Thiên Chúa.

I. NHÌN LẠI LỊCH SỬ CỦA NHỮNG THỜI GẦN ÐÂY

Trong những thời trước đây không lâu, thần học về Nước Thiên Chúa đã được biểu trình qua dạng cách của hai đặc nét chính sau đây: trước hết là lập trường cho rằng không hơn không kém, Giáo hội chính là Nước Thiên Chúa; rồi tiếp theo đó là chủ hướng đơn thuần đồng nhất hóa Giáo hội Công giáo với chính Giáo hội. Trong thông điệp Mystici Corporis (1943/=MC), khẳng định rõ về tính chất đồng nhất này, Ðức Piô XII đã viết: “Nếu muốn định nghĩa và miêu tả Giáo hội thật của Ðức Giêsu Kitô – tức là Giáo hội Rôma thánh thiện, công giáo và tông truyền – thì sẽ không tìm thấy được một công thức nào cao nhã hơn, tuyệt vời hay thánh thiêng hơn là danh hiệu ‘Nhiệm Thể Ðức Giêsu Kitô’.” Vậy là Nhiệm Thể Ðức Kitô, mầu nhiệm của Giáo hội được đồng nhất hóa làm một với Giáo hội Công giáo Rôma. Cũng giống như việc đồng nhất hóa Giáo hội với Nước Thiên Chúa, chủ hướng đồng nhất hóa Giáo hội Công giáo Rôma là lập trường chung được giới thần học gia thời đó, – tức là thời mà khoa giáo hội học đã không quan tâm gì nhiều đến những phân biệt mà sau này các cuộc tầm cứu sâu rộng hơn trong các khoa ngành cánh chung học đã cho thấy là cần phải nêu lên cho rõ hơn, – tán đồng và coi như là đương nhiên. Hậu quả chính là chủ hướng đồng nhất hóa song đôi nói trên, tức là đồng nhất hóa Giáo hội với Nước Thiên Chúa, và đồng nhất hóa Giáo hội Công giáo Rôma với Giáo hội. Xin đan cử một thí dụ: một vài năm trước công đồng Vatica-nô II, T. Zapelena đã viết như thế này trong bộ giáo trình De Ecclesia Christi của ông: “Có thể tóm gọn toàn bộ giáo hội học để lồng tất cả vào trong khung chữ nhật như sau: Nước Thiên Chúa = Giáo hội Ðức Kitô = Giáo hội Công giáo Rôma = Nhiệm Thể tại thế của Ðức Ki-tô.”

Dựa theo thông điệp Mystici Corporis, bản phác thảo văn kiện về Giáo hội mà ủy ban dự bị đệ trình lên công đồng Vaticanô II, vẫn một mực giữ nguyên lập trường đồng nhất hóa mầu nhiệm Giáo hội với Giáo hội Công giáo Rôma. Các nghị phụ từ chối không nhận văn bản phác thảo ấy, và vì thế mà bản văn đã phải trải qua nhiều đợt tu chính, – đặc biệt là trong những gì liên quan đến chủ hướng đồng nhất hóa nói trên, – trước khi được chính thức chấp nhận để trở thành văn kiện cuối cùng. Tuy nhiên, những cuộc bàn thảo trong thời gian họp công đồng và những điểm tu chính lần lược đề ra, đã từng bước đưa Vaticanô II đến chỗ nhận thức được là cần phải đứng xa ra khỏi chủ hướng đồng nhất hóa mầu nhiệm Giáo hội với Giáo hội Công giáo Rôma. Thái độ tránh đồng nhất hóa đó hiện rõ mồn một qua công thức biểu đạt sau đây: “Giáo hội ấy… tồn tại ở trong Giáo hội Công giáo” (LG 8). Dù ý nghĩa của từ “tồn tại” (“subsistit”) có khơi dậy nhiều cuộc tranh luận sôi nổi, thì Biên bản của công đồng cũng cho thấy rõ là nếu các nghị phụ đã chọn từ này, thì chính là để tránh dây dưa với chủ hướng đồng nhất hóa nói trên. Công thức mới này cho phép nhìn nhận là trong các Giáo hội Kitô khác cũng có “nhiều yếu tố thánh hóa và chân lý” (LG 8), và do đó, còn có cả nhiều khía cạnh chân thực của mầu nhiệm Giáo hội nữa. Dĩ nhiên là mầu nhiệm ấy hiện diện ở trong Giáo hội Công giáo, nhưng cũng còn hiện diện ở các nơi khác nữa.

Rồi còn phải nghĩ như thế nào về việc thần học cổ truyền đồng nhất hóa Nước Thiên Chúa với Giáo hội? Công đồng Vaticanô II có chấp nhận lập trường này hay không, hay là đã dựa theo đà phát triển mới của khoa cánh chung học mà cố tránh cho khỏi dây dưa với chủ hướng đồng nhất hóa ấy? Cần phải cẩn thận cũng như cần phải biết phân biệt khúc chiết khi trả lời cho các câu hỏi này, bởi có thế mới tránh khỏi được cạm bẫy của lối giải thích theo kiểu đơn giản hóa ngây ngô.

1. Nước Thiên Chúa và Giáo hội trong nhãn quan Công đồng Vaticanô II

Trong những thời gần đây, thần học đã nhận thức rõ được rằng Nước Thiên Chúa là một thực tại cánh chung. Kết quả là từ nay, không thể bỏ qua mà không phân biệt giữa hai thái trạng của Nước Thiên Chúa: thái trạng thành tựu viên mãn trong thời cánh chung, và thực trạng hiện thế trong lịch sử; tức là giữa cái “sẵn có” và cái “chưa đến.” Nơi Ðức Kitô, Thiên Chúa đã thiết lập Nước của Người ở trong thế giới và ở giữa lòng lịch sử. Lẽ ra phải nói là Thiên Chúa thiết lập Nước của Người theo hai giai đoạn; bởi vì, qua cuộc đời tại thế, qua lời nói và hành động của Ðức Giêsu, Thiên Chúa quả đã thực sự thiết lập Nước của Người rồi, và Nước ấy còn được thiết lập một cách hoàn toàn đầy đủ qua Mầu nhiệm Phục sinh, tức là qua cuộc chịu chết và sống lại của Con Một Người. Tuy nhiên, dù đã được thiết lập ở giữa lòng lịch sử, trong Ðức Giêsu Kitô, thì Nước Thiên Chúa cũng chưa thành tựu trọn vẹn, và như thế, còn cần phải tiến phát cho đến mức viên mãn cánh chung, lúc mà thời gian kết thúc. Vậy, trong khi niềm hy vọng cánh chung của Ítraen hướng trọn về với một tương lai nhất định dù là chưa rõ, thì lòng tin kitô sống niềm hy vọng ấy theo nhịp thể hiện qua hai thái trạng: thái trạng đã sẵn có mặt ở trong lịch sử “rồi,” và thái trạng “chưa” thành tựu viên mãn như sẽ đạt tới trong hồi thế mạt. Ðó là dữ kiện được cánh chung học ngày nay coi như là đương nhiên, cho dù liên quan đến điểm này, có thể gặp thấy nhiều giả thuyết khác nhau ở chỗ đặc biệt nhấn mạnh đến một khía cạnh nào đó của vấn đề.

Dĩ nhiên, công đồng Vaticanô II đã thâu dụng cách thức phân biệt thiết yếu này. Khi bàn về việc Thiên Chúa thiết lập Nước của Người trong Ðức Giêsu Kitô, Hiến chế tín lý Lumen Gentium khẳng định rõ rằng Nước ấy hiện đang tiến phát để hướng tới mức thành tựu viên mãn trong ngày thế mạt (LG 8). Công đồng nói rõ về “Nước Thiên Chúa đã được chính Người khai nguyên giữa trần thế, và cần phải được mở rộng ra hơn nữa cho đến lúc được Người hoàn thành trong ngày thế mạt…” (LG 9). Tuy nhiên, từng ấy cũng chưa trả được hết mọi câu hỏi, bởi có thể tự hỏi không biết Vaticanô II có đồng nhất hóa, hay ngược lại vẫn phân biệt giữa Nước Thiên Chúa và Giáo hội. Trước hết, có thể đặt câu hỏi đó cho trường hợp của Nước Thiên Chúa hiện đang ở giữa lòng lịch sử: có nhất thiết phải đồng nhất hóa Nước ấy với Giáo hội lữ hành hay không? Hay Nước ấy làø một thực thể rộng lớn hơn và vượt hẳn ra ngoài ranh giới của Giáo hội? Tiếp đó, còn có thể đặt câu hỏi thêm về thái trạng cánh chung của Nước Thiên Chúa: có cần phải đồng nhất hóa dạng thái thành tựu cánh chung của Nước ấy với Giáo hội hay không? Hay lại một lần nữa, cần phải nhận Nước ấy là một thực thể rộng lớn hơn, bao gồm Giáo hội và cả những người khác nữa?

Muốn trả lời cho các câu hỏi nêu trên đây, thì cần phải phân tích kỹ các văn bản của công đồng, cũng như đối chiếu cho chính xác các lời khẳng định ở trong Hiến chế tín lý Lumen Gentium. Trước hết, công đồng đã nhắc lại rằng để thực thi ý định của Thiên Chúa Cha, “Ðức Kitô đã khai sáng Nước Trời ở giữa trần thế” (LG 3). Nói cho chính xác hơn nữa: lúc Nước Thiên Chúa đến trong Ðức Giêsu Kitô cũng chính là lúc Giáo hội sinh ra. Thực vậy, công đồng khẳng định là: “Ðức Giêsu đã khai sáng Giáo hội với việc rao giảng Tin Mừng, tức là loan báo sự việc Nước Thiên Chúa đang đến… ” (LG 5). Nước Thiên Chúa “chiếu sáng trước mặt mọi người qua lời nói, hành động và sự hiện diện của Ðức Kitô” (LG 5). Nước ấy hiển hiện qua lời nói của Ðức Giêsu: nghe theo lời Ngài tức là đón nhận chính Nước của Thiên Chúa (LG 5). Nước ấy hiển hiện qua hành động của Ðức Giêsu: các phép lạ Ngài làm, “minh chứng là Nước Thiên Chúa đã thực sự hiện diện ở giữa trần thế” (LG 5). Vàø “hơn hết” Nước ấy hiển hiện ở nơi “con người của chính Ðức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa và là Con Người” (LG 5).

Thế thì, công đồng nghĩ gì về mối quan hệ giữa Nước Thiên Chúa thiết lập trong Ðức Kitô và Giáo hội đang sống giữa lòng lịch sử? Xem ra Hiến chế tín lý Lumen Gentium đã đồng nhất hóa làm một hai thực thể ấy; bởi khi nói đến sứ mạng Giáo hội nhận lãnh để loan báo Nước của Ðức Kitô và của Thiên Chúa, cũng như để thiết lập Nước ấy ở giữa mọi dân tộc, công đồng xác quyết rằng Giáo hội “là mầm giống và là giai đoạn đầu của Nước ấy ở nơi trần thế” (huiusque Regni in terris germen et initium constituit) (LG 5). Rồi tiếp đó, công đồng nhận định thêm là: “Ðang lúc từng bước phát triển để lớn dần cho tới mức độ trưởng thành, Giáo hội hằng ngóng trông mong đợi giờ phút Nước ấy trọn vẹn thành tựu…” (ibid.). Thế thì, xem ra văn bản công đồng đồng nhất hóa “mầm giống” hay “giai đoạn khởi đầu” của Nước Thiên Chúa với Giáo hội đang trên đường lữ hành tại thế, và hiểu cuộc Nước Thiên Chúa tiến bước hướng tới mức thành tựu cuối cùng như là cuộc Giáo hội đang bước đi giữa trần thế để tiến về thiên đàng, trở thành Giáo hội thiên quốc. Hiến chế Lumen Gentium xác nhận điều đó khi viết như sau về cùng đích của “dân thiên sai,” tức là Giáo hội lữ hành: “cùng đích của dân thiên sai là Nước Thiên Chúa đã từng được chính Người khai sáng giữa trần thế, và cần phải phát triển rộng lớn cho đến khi được Người đưa tới mức thành tựu trọn vẹn trong ngày thế mạt…” (LG 9). Cả trong đoạn này nữa, xem ra việc Nước Thiên Chúa “phát triển” kéo dài cho đến hồi thành tựu chung cục, cũng được đồng nhất hóa với đà tiến phát của Giáo hội hướng tới mức trọn hảo viên mãn. Cũng nên lưu ý là trong Chương VII với nội dung bàn về “Tính chất cánh chung của Giáo hội lữ hành và mối hiệp nhất giữa Giáo hội này và Giáo hội thiên quốc,” Hiến chế Lumen Gentium đã nói đến mức “trọn hảo viên mãn” (LG 48) của Giáo hội thiên quốc mà không hề ám chỉ gì đến tình trạng thành tựu viên mãn của Nước Thiên Chúa. Như thế là làm như muốn nói rằng mức trọn hảo viên mãn của Giáo hội với tình trạng thành tựu trọn vẹn của Nước Thiên Chúa cũng chỉ là một.

Thế thì phải hiểu thế nào về câu này: “Giáo hội – hoặc là Nước Ðức Kitô đang hiện diện một cách nhiệm mầu (Ecclesia seu Regnum Christi iam praesens in mys-terio) – và hiện đang phát triển ở giữa trần thế một cách nhãn tiền, nhờ thần lực của Thiên Chúa” (LG 3)? Cả trong đoạn này nữa, xem ra Giáo hội tại thế cũng được đồng nhất hóa với Nước Thiên Chúa đang hiện diện ở trong thế giới. Nếu sự hiện diện ấy được gọi là “nhiệm mầu,” thì chính là vì Nước Thiên Chúa – hoặc là Giáo hội được đồng nhất hóa với Nước ấy, – còn cần phải tăng triển lên cho tới mức viên mãn cánh chung cho dù đã thực sự hiện diện ở trong thế giới. Làm sao mà tránh cho khỏi gượng ép ý của công đồng, nếu giải thích cho rằng từ in mysterio có nghĩa là “mầu nhiệm” hoặc là mang ý nghĩa chỉ về thực tại Nước Thiên Chúa hiện diện trong Giáo hội tại thế, với một sự hiện diện theo dạng bí tích, cùng đang hoạt động giữa lòng thế giới và lịch sử, nhưng lại vượt quá ranh giới của Giáo hội, dù vẫn cho rằng Giáo hội là bí tích (dấu chỉ) đặc thù của Nước ấy. Sẽ cần phải trở lại với cách giải thích vừa nói, là một cách giải thích có thể chống đỡ được, nhưng lại đi quá ý của công đồng. Vậy có thể tạm kết luận rằng theo Hiến chế tín lý Lumen Gentium, thì Giáo hội và Nước Thiên Chúa vẫn còn được đồng nhất hóa làm một, trong tiến trình hiện thực hóa giữa lòng lịch sử cũng như trong mức độ thành tựu viên mãn cánh chung.

2. Nước Thiên Chúa và Giáo hội trong nhãn quan Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế

Năm 1985, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế đã xuất bản một tài liệu tựa đề “Nhìn lại một số chủ đề chọn lọc về cánh chung học, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Công Ðồng Vaticanô II bế mạc” Chương 10 tài liệu mang tiểu đề “Tính chất cánh chung của Giáo hội: Nước Thiên Chúa và Giáo hội.” Ðiều người ta chờ mong là được thấy văn kiện của Ủy Ban lấy lại cách công đồng phân biệt giữa Giáo hội dương thế và Giáo hội thiên quốc; và thực sự văn kiện đã nhấn mạnh đến cách phân biệt này khi ám chỉ đến công đồng qua lời viết như sau: “Ðóng khung Giáo hội vào trong khuôn khổ đơn thuần dương thế và hữu hình là việc làm không thể hiểu nổi.” Tiếp theo đó, tài liệu giải thích thêm rằng tiêu đích mà Thánh Thần hằng giục thúc Giáo hội tại thế nhằm tới – tức là Giáo hội thiên quốc ở trong thái trạng trọn vẹn kết hiệp với Ðức Kitô, lang quân của mình, – “là nhân tố xác định và quyết định trong một mức độ cơ bản nhất, đời sống của Giáo hội lữ hành tại thế;” “mầu nhiệm Giáo hội hệ tại một phần ở sự việc tiêu đích ấy hiện đang thực sự có mặt một cách kín ẩn ở giữa lòng Giáo hội lữ hành.” Quả thế, “xét theo bản chất, Giáo hội vẫn là một trong hết mọi giai đoạn khác nhau của cuộc sống mình: đúng là vậy đối với Giáo hội dưới thể biểu dạng (prefiguration) trong cuộc sáng tạo, dưới dạng chuẩn bị trong Cựu Ước, hay dưới dạng lập thành như thấy trong những thời đại cuối cùng này, hoặc như lúc được Thánh Thần uy linh giới thiệu, và cuối cùng là dưới dạng thể thành tựu viên mãn trong vinh quang vào hồi chung tất mọi thời đại (xin xem LG 2).”

Sau khi nêu rõ dây liên hệ – dị biệt cũng như đồng nhất, – giữa Giáo hội dương thế và Giáo hội thiên quốc, tài liệu đã tìm hiểu về mối tương quan giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa. Văn kiện nhận định rằng công đồng đã không bàn đến vấn đề này một cách minh nhiên, dù vẫn có thể phác họa ra được giáo huấn của công đồng về điểm này bằng cách đối chiếu các văn đoạn khác nhau trong Hiến chế Lumen Gentium. Tài liệu cũng lưu ý là đừng nên “bằng một cách nào đó, nhấn mạnh một chiều hoặc là đến thể trạng cánh chung của Nước Chúa, hay là đến thực trạng lịch sử của Giáo hội” (tr. 302).

Tiếp đó, Ủy Ban Thần Học Quốc Tế nhận định thêm rằng có tìm hiểu các văn kiện công đồng, thì, xét về mặt hoàn tất cánh chung, cũng “không đọc thấy được một sự khác biệt nào giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa,” cho dù một số công thức biểu đạt trong tài liệu của Ủy Ban vẫn còn mập mờ, như: “Rõ ràng là trong giáo huấn của công đồng, không đọc thấy về mặt thực tại cánh chung, một sự khác biệt nào giữa dạng thái thành tựu cuối cùng của Giáo hội (tức là consummata) và mức thành tựu viên mãn của Nước Thiên Chúa (tức là consummatum)” (tr. 302).

Còn mối tương quan giữa hai phía là như thế nào trong bước đường hiện thế ở giữa lòng lịch sử? Ủy Ban coi đó là một mối quan hệ “tế nhị.” Theo Hiến chế tín lý Lumen Gentium (số 5), thì “Trong giai đoạn khởi đầu, thiên mệnh của Giáo hội và của Nước Thiên Chúa xem ra không thể tách rời khỏi nhau được… Những bước khai nguyên của Giáo hội và những giai đoạn tỏ lộ ban đầu của Nước Thiên Chúa đã được Hiến chế giới thiệu theo một trình tự hoàn toàn đồng bộ về thời gian” (tr. 302). Ðối với quá trình tiến phát của hai phía thì cũng vậy; bởi lẽ, đón nhận Nước Thiên Chúa qua thái độ tin nhận lời của Ðức Kitô, có nghĩa là trở thành phần tử của Giáo hội. “Và như thế, có thể dùng cùng một loại từ ngữ để miêu trình về đà tăng triển của cả hai phía, tức là của Giáo hội cũng như của Nước Thiên Chúa. Quả thế, chính nhờ nhìn vào trình tự tiến phát của Giáo hội mà công đồng nhận ra được tiến trình tăng triển của Nước Thiên Chúa” (tr. 302). Ðúng là cả hai quá trình tăng triển ấy trùng hợp nhau. Như công đồng đã nói, Giáo hội lữ hành là “Nước Thiên Chúa đang hiện diện một cách nhiệm mầu giữa lòng lịch sử” (LG 3); trình tự tiến phát của Giáo hội là không gì khác ngoài cuộc hành trình tiệm tiến mà – qua con đường Giáo hội thi hành sứ mạng của mình, – Nước của Ðức Kitô và của Thiên Chúa đang thực hiện, vì Giáo hội là “mầm giống và là giai đoạn khởi đầu tại thế” của Nước ấy (LG 5). Theo tài liệu, thì “việc biểu trình Giáo hội như là ‘mầm giống’ và như là ‘giai đoạn khởi đầu’ của Nước Thiên Chúa, nói lên tính chất vừa đồng nhất mà vừa khác biệt giữa hai thực tại đó” (tr. 303). Và tài liệu đã kết luận như thế này: “Thuộc về Nước Thiên Chúa thì không thể nào không thuộc về Giáo hội, ít nhất là một cách mặc nhiên” (tr. 303).

Như thế, xem ra tính chất cả đồng nhất lẫn dị biệt giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa cần phải được hiểu theo cách thức tương quan giữa hạt giống và cây đã mọc, giữa buổi khởi đầu và hồi chung tất, giữa Giáo hội lữ hành tức là Nước Thiên Chúa đang trên đường hình thành, và Giáo hội thiên quốc tức làø thể trạng thành tựu viên mãn của Nước Thiên Chúa. Từ viễn ảnh đó, Ủy Ban Thần Học đã đặt câu hỏi để xem là có thể hiểu – và cho đến mức nào, – Giáo hội như là “bí tích của Nước Thiên Chúa,” theo cách biểu đạt mà một số thần học gia thường đề nghị. Trả lời câu hỏi, Ủy Ban đã nói rõ đó là một công thức biểu đạt chính đáng, miễn là cần phải lưu ý đến một số điều kiện, đặc biệt là cần hiểu rằng:

1. Công thức ấy nhằm tới việc bắc cầu liên hệ giữa một đàng là Nước Thiên Chúa trong dạng thái thành tựu chung tất, và đàng khác là Giáo hội đang tiến bước trên đường lữ hành.

2. Ở đây từ “bí tích” được hiểu theo nghĩa toàn diện của từ ngữ jam praesens in mysterio (đã thực sự hiện diện cách nhiệm mầu, LG 3), – tức là thực thể thực sự có mặt ở trong bí tích (Giáo hội lữ hành), – là chính Nước Thiên Chúa.

3. Giáo hội không phải là một dấu chỉ đơn thuần (sa-cramentum tantum), mà là một dấu chỉ hàm dung thực thể được biểu trưng và thật sự hiện diện (res et sacra-mentum): thực thể đó chính là Nước Thiên Chúa (tt. 303-304).

Vậy, có thể kết luận rằng: trung thành với giáo huấn công đồng, và lưu tâm phân biệt rõ giữa lịch sử và thời cánh chung, Ủy Ban xác quyết là ở cả hai mức độ, Nước Thiên Chúa và Giáo hội đều trùng hợp nhau.

3. Nước Thiên Chúa và Giáo hội theo thông điệp Redemptoris Missio

Văn kiện đúc kết của Thượng Hội Ðồng Giám Mục nhóm họp đặc biệt để nhìn lại công đồng Vaticanô II, đã không đề cập gì đến mối quan hệ giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa. Nhưng chủ đề đã được bàn đến theo một phương cách mới, ở trong thông điệp Redemptoris Missio (1990/RM) của Ðức Gioan Phaolô II, viết về hữu hiệu tính hằng tồn của sứ mệnh truyền giáo. Chương II của thông điệp viết về “Nước Thiên Chúa.” Ðề cương của chương hai này đã được nêu rõ ngay từ đầu: tức là sẽ bàn về Nước Thiên Chúa “đã được chuẩn bị ở trong Cựu Ước, đã được khai nguyên do và trong Ðức Kitô, rồi đã được Giáo hội công bố cho muôn dân; và Giáo hội hằng không ngừng hoạt động cùng cầu nguyện để Nước ấy chung tất trong thành tựu toàn hảo” (số 12).

Thông điệp nêu rõ là trong Ðức Giêsu, Nước Thiên Chúa đã khởi sự có mặt: “Công bố và thiết lập Nước Thiên Chúa chính là tiêu đích mà sứ mạng Ngài nhằm tới… Tuy nhiên, đó chưa phải là hết. Ðức Giêsu chính là ‘Tin Mừng’… Bí quyết của hiệu năng trong cách thức Ngài hành động, là ở chỗ Ngài hoàn toàn đồng nhất hóa chính mình với sứ điệp mình loan báo: Ngài công bố ‘Tin Mừng’ không chỉ bằng những gì Ngài nói hay Ngài làm, nhưng hơn nữa, là bằng chính con người của Ngài (tức là bằng chính những gì Ngài là” (số 13). Như vậy, tác vụ của Ðức Giêsu hàm dung một điều gì đó, mới mẽ và có một tầm trọng yếu chủ chốt trong quan hệ với Nước Thiên Chúa: “Không xếp mình ở một thời ‘thế tận’ xa xôi, thực tại cánh chung đang thực sự hiện diện gần kề và tác động cụ thể ở giữa chúng ta. Nước Thiên Chúa đang ở sát bên cạnh con người” (số 13). Từng bước, Ðức Giêsu đã vén mở cho thấy “những đặc tính và những đòi hỏi” của Nước Thiên Chúa, là Nước dành để cho hết mọi người trong nhân loại: “Ðể nêu bật thực kiện ấy, Ðức Giêsu đã đặc biệt sống gần những người kéo lê cuộc sống bên lề xã hội, và đã dành cho họ một lòng ưu ái đặc đãi…” “Ơn giải phóng và cứu độ mà Nước Thiên Chúa mang lại, tác động con người về cả hai mặt, tinh thần cũng như thể lý. Sứ mạng của Ðức Giêsu bao gồm cả hai dạng hoạt động: chữa lành bệnh tật và tha thứ tội lỗi” (số 14). “Nước Thiên Chúa nhắm đến việc biến cải các tương quan giữa loài người; Nước Thiên Chúa lớn lên từng bước, theo nhịp con người tiến dần đến chỗ biết yêu thương, tha thứ và phục vụ lẫn nhau.” “Quả vậy, bản chất của Nước Thiên Chúa là bản chất hiệp thông: hiệp thông giữa mọi người – với nhau và với Thiên Chúa” (số 15). Sau đây, xin trưng dẫn một đoạn văn đáng đạëc biệt lưu ý vì tầm trọng yếu của nó, đoạn văn miêu tả về Nước Thiên Chúa, được hiện thực hóa ở trong Ðức Giêsu Kitô:

“Nước Thiên Chúa là thực tại liên quan tới mọi người: các cá nhân, toàn bộ xã hội cũng như toàn thể thế giới. Hoạt động cho Nước Thiên Chúa có nghĩa là nhìn nhận và cổ xúy cho tác động của Thiên Chúa, hằng hiện diện giữa lịch sử loài người và đang biến cải lịch sử ấy. Xây dựng Nước Thiên Chúa có nghĩa là hoạt động nhằm giải phóng con người cho khỏi hết mọi sự dữ xuất đầu lộ diện dưới bất cứ bộ mặt nào. Tắt một lời, Nước Chúa là chính công trình biểu hiện và thực hiện trọn vẹn mỹ mãn, phương án cứu độ của Thiên Chúa (số 15).

Hiện diện ở trong cuộc đời và tác vụ của Ðức Giêsu, Nước Thiên Chúa đã nên trọn và đã được loan báo qua con người của Ðấng Phục Sinh. “Khi làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, là Thiên Chúa… đã dứt khoát khai mở Nước của Người… Giáo hội ban sơ tập trung nội dung giáo huấn mình tuyên giảng, vào việc công bố về con người Ðức Giêsu Kitô, và đã đồng nhất hóa Nước Thiên Chúa với Ngài.” (số 16).

Như vậy, mối tương quan giữa Ðức Kitô và Nước Thiên Chúa quả đã tỏ lộ rõ. Nếu thông điệp đã nhấn mạnh đến điểm này, thì chính là để phản ứng ngược lại với quan niệm “quy-vương quốc” (Kingdom-centered) mà một dạng thần học các tôn giáo chủ trương: bỏ qua và không nhắc gì đến mối tương quan kia, dạng thần học này cố thay thế cách hiểu cổ truyền về Nước Thiên Chúa, tức là cách nhận thức quy-kitô (christocentric), bằng một kiểu nhìn khác, tức là kiểu quan niệm thuần túy quy-thần (theocentric), đặt Thiên Chúa làm trung tâm. Theo chủ hướng này, thì người kitô và các người khác đều được mời gọi để cùng nhau xây dựng Nước Thiên Chúa ở giữa lòng lịch sử, bằng cách làm cho lịch sử thấm nhuần dần “những giá trị của Nước Chúa” mà Ðức Giêsu đã công bố. Ðành rằng quan niệm như thế là có phần đúng – và bài khảo luận sẽ bàn rộng hơn về điểm này trong một phần viết sau đây, – nhưng cũng còn khiếm khuyết không phải là ít, bởi đã bỏ sót mối tương quan giữa Ðức Giêsu Kitô và Nước Thiên Chúa. Mặt khác, quan niệm như thế là làm cho mối tương quan giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa ra lỏng lẻo, rời rạc đi. “Rốt cuộc, để phản ứng đối lại điều được gọi là ‘khuynh hướng quy-giáo hội’ (eccelesiocentrism) của thời trước, quan niệm ấy chủ trương hoặc là thu hẹp chỗ đứng của Giáo hội, hoặc là coi nhẹ vai trò của Giáo hội,” và coi Giáo hội đơn thuần như là “một dấu chỉ: một dấu chỉ không phải là không mập mờ nước đôi đối với vấn đề đang bàn đến đây” (số 17).

“Ðó không phải là Nước Thiên Chúa biết được qua mạc khải. Không thể tách rời Nước Thiên Chúa ra khỏi Ðức Kitô hay Giáo hội được” (số 18). Tách rời Nước Thiên Chúa ra khỏi Ðức Kitô tức là thay đổi hẳn ý nghĩa của Nước ấy, và rơi vào mối nguy biến Nước ấy thành một thứ mục tiêu đơn thuần nhân loại hay ý thức hệ, cũng như sẽ phải đi đến chỗ biến đổi hẳn căn tính của chính Ðức Kitô. Ðàng khác, cắt rời Nước Chúa ra khỏi Giáo hội có nghĩa là sẽ đi dần đến chỗ giảm thiểu tầm trọng yếu của Giáo hội và của sứ mạng Giáo hội. Sau đây là một đoạn viết trích từ Thông điệp, đề cập đến mối tương quan giữa Nước Thiên Chúa và Giáo hội:

“Ðành rằng Giáo hội không phải là mục đích của chính mình, bởi lẽ Giáo hội được thiết đặt để quy hướng về với Nước Thiên Chúa, và là mầm giống, là dấu chỉ cùng là khí cụ của Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, dù có khác biệt với Ðức Kitô và với Nước Thiên Chúa, thì Giáo hội cũng kết liên một cách không thể phân ly được với cả hai. Ðức Kitô đã cung ứng cho Giáo hội, Thân Thể của mình, tràn đầy những ân lộc và phương tiện cứu độ. Thánh Thần cư ngụ ở giữa Giáo hội, làm cho Giáo hội nên linh hoạt với các ân huệ và đoàn sủng, thánh hóa, chỉ đạo và thường xuyên canh tân Giáo hội (LG 4). Kết quả là từ đó phát sinh ra một mối tương quan độc đáo và đặc thù, và dù không phủ nhận hoạt động của Ðức Kitô và Thần Khí ngoài biên giới hữu hình của Giáo hội, thì mối tương quan độc đáo này cũng đặt vào trong sứ mạng của Giáo hội một vai trò đặc biệt và thiết yếu; vậy, chính vì kết liên với Nước Thiên Chúa bằng một mối tương quan mật thiết đặc biệt như thế mà đối với Nước Thiên Chúa, Giáo hội có “sứ mạng loan báo và khai mở giữa hết mọi dân tộc” (LG 5) (số 18).

Thông điệp giải thích tiếp rằng Giáo hội hằng “phục vụ Nước Thiên Chúa một cách hữu hiệu và cụ thể,” “đặc biệt là qua lời rao giảng kêu mời hoán cải,” qua việc thiết lập các cộng đoàn và các Giáo hội địa phương, cũng như qua việc phổ biến rộng rãi trong khắp thế giới “những giá trị của Phúc Âm, là những giá trị biểu hiện Nước Thiên Chúa và giúp cho con người biết đón nhận kế hoạch của Thiên Chúa” (số 20). Thông điệp còn viết tiếp:

“Ðành rằng dưới dạng hình thành sơ khởi, Nước Thiên Chúa cũng có thể có mặt ngoài ranh giới của Giáo hội, giữa các dân nước ở khắp nơi trong thế giới, theo nghĩa là họ sống thật ‘những giá trị của Phúc Âm’ và biết mở lòng đón nhận tác động của Thần Khí, là Ðấng muốn bao giờ thổi và thổi ở đâu thì thổi (xem Ga 3,8). Nhưng cần phải nói thêm ngay là bao lâu chưa được kết liên với Nước Ðức Kitô hiện diện ở trong Giáo hội, và chưa gia công để tiến tới mức viên mãn cánh chung, thì bấy lâu dạng thể trần thế đó của Nước Thiên Chúa vẫn là chưa đầy đủ (xem Evangelii Nuntiandi số 34)” (số 20).

Cuối cùng, trong chương II, thông điệp đã giải thích về chức năng của Giáo hội trong tương quan với Nước Thiên Chúa thời cánh chung: “Giáo hội là bí tích cứu độ cho toàn thể nhân loại, và hoạt động của Giáo hội không chỉ giới hạn ở nơi những người tin nhận sứ điệp Giáo hội thông truyền mà thôi. Giáo hội là sức năng động ở giữa cuộc hành trình mà nhân loại đang theo đuổi để tiến về Nước Thiên Chúa của thời cánh chung, là dấu chỉ và là cổ vũ viên của những giá trị Phúc Âm” (số 20).

Các văn đoạn trưng dẫn trên đây quả đã nêu rõ một lập trường dứt khoát đối với chủ đề chúng ta đang tìm hiểu. Chúng minh nhiên công nhận là xét về mặt hiện thực lịch sử, Nước Thiên Chúa trải rộng ra ngoài biên giới của Giáo hội, đến tận hết thảy mọi người trong nhân loại, và có mặt tại bất cứ nơi nào mà các giá trị của Phúc Âm tác đôïng hữu hiệu được vào trong cuộc sống, và con người biết mở rộng lòng ra để đón nhận Thần Khí. Hơn nữa, các văn đoạn cũng xác định rằng Nước Thiên Chúa trong thể dạng lịch sử hiện thế, hằng không ngừng hướng tới mức viên mãn cánh chung, và rằng suốt trong tiến trình lịch sử, Giáo hội tại thế hằng không ngừng phục vụ Nước Thiên Chúa. Như vậy, dù vẫn giữ nguyên lập trường về tình trạng hiệp nhất, thì các văn bản cũng đã nêu rõ tính cách khác biệt một đàng là giữa Nước Thiên Chúa trong thời gian lịch sử, và Nước Thiên Chúa trong tình trạng viên mãn cánh chung; và đàng khác là giữa Nước Thiên Chúa và Giáo hội.

II. NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ “NHỮNG NGƯỜI KHÁC”

Việc nhìn nhận sự kiện Nước Thiên Chúa trong lịch sử không chỉ thu hẹp vào trong khuôn khổ hay kích thước của Giáo hội, nhưng còn trải rộng ra xa hơn nữa, cho tới toàn bộ thế giới, không phải là không mang lại một nhân tố lý thú và quan yếu đối với nền thần học công giáo về các tôn giáo. Công đồng Vaticanô II đã công nhận sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí ở trong thế giới và ở nơi tín hữu thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Công đồng cũng đã nói đến “hạt giống của Lời” ở giữa muôn dân. Còn đối với Nước Thiên Chúa thì dù có phân biệt rõ giữa hai thái trạng lịch sử và cánh chung, công đồng cũng vẫn tiếp tục đồng nhất hóa Nước Thiên Chúa trong dòng thời gian của lịch sử, làm một với Giáo hội. Nếu lối phân tích của bài viết là đúng, thì thông điệp Redemptoris Missio chính là văn kiện qua đó, lần đầu tiên, huấn quyền Rôma, tuy vẫn giữ vững mối kết liên nối chặt hai phía, cũng đã phân biệt rõ giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa trong thời gian cả hai còn đang tiến bước trên đường lữ hành giữa dòng lịch sử: Nước Thiên Chúa hiện diện ở trong thế giới là một thực thể lớn rộng hơn Giáo hội, vượt quá ra ngoài biên giới của Giáo hội, và bao gồm, – bằng những cách thức khác nhau, – không những các phần tử trong Giáo hội không thôi, mà còn cả “những người khác” nữa.

Những gì đến giờ này thông điệp (Redemptoris Mis-sio) về nhiệm vụ truyền giáo của Giáo hội, mới chính thức nhìn nhận, thì trước đó, đã từng thấy xuất hiện trong các cách thức biểu đạt khác được huấn quyền giáo hội dùng đến: xuất hiện như là một sự kiện cần phải được khẳng định, không chút do dự. Ðể có một thí dụ cụ thể về điểm vừa nói, xin được ghi ra đây một đoạn viết trong văn kiện của Liên Hiệp các Hội Ðồng Giám Mục Châu Á (FABC), công bố tháng 11 năm 1985 (tức là 5 năm trước thông điệp RM):

“Nước Thiên Chúa chính là lý do hiện hữu của Giáo hội. Giáo hội có hiện hữu, thì chính là để hiện hữu cho và trong Nước Thiên Chúa. Là hồng ân và là sáng kiến của Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa đã thực sự khởi đầu và hằng được hiện thực hóa cùng thể hiện qua hoạt động của Thần Khí. Nơi nào biết đón nhận Thiên Chúa, khi nào các giá trị Phúc Âm được thực thi ở trong cuộc sống, nơi nào biết tôn trọng con người… thì tại đó, thì lúc đó Nước Thiên Chúa có mặt. Nước Thiên Chúa thì lớn rộng hơn hẳn khuôn khổ của biên giới Giáo hội. Thực tại đã sẵn có mặt ấy đang được quy hướng về với thể trạng khải hiện chung tất và mức độ thành tựu viên mãn của Nước Thiên Chúa (II.1).

Công tác còn cần phải làm, là dùng ngôn ngữ thần học mà biểu đạt mối tương quan giữa Nước Thiên Chúa, Giáo hội và những người khác, sao cho xác đáng và phù họp với bối cảnh của một nền thần học kitô về các tôn giáo.

1. Ðức Giêsu với Nước Thiên Chúa

Không thể nghi ngờ gì được về sự việc Nước Thiên Chúa là trọng tâm của tác vụ giảng huấn và sứ mệnh, của tư tưởng và cuộc sống, của lời nói và hành động Ðức Giêsu. Các văn kiện nhắc đến trước đây, đều dựa theo Phúc Âm mà xác minh về điều đó. Cũng không thể nghi ngờ gì được về sự việc này là Nước mà Thiên Chúa bắt đầu thiết lập ở trong thế giới, qua cuộc đời tại thế của Ðức Giêsu, quả đã thành hiện thực và thực sự hiện diện qua mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ngài. Thế nên, tuyệt nhiên không có một sự gián đoạn nào trong trình tự liên tục giữa công cuộc giảng huấn mang tính chất “quy-Vương quốc” (Kingdom-centered) mà Ðức Giê-su đã tiến hành và hoạt động loan báo Tin Mừng (ke-rygma) theo chiều hướng “quy-Kitô” (christocentrism) mà các tông đồ đã thực hiện. Hơn nữa, Phúc Âm chứng thực rằng theo Ðức Giêsu, thì Nước Chúa mà Ngài loan báo và xác nhận là đã thực sự hiện diện, còn cần phải tiếp tục tiến phát cho tới mức thành tựu viên mãn.

Vậy, có phải chính Ðức Giêsu lịch sử đã bắc cầu nối kết Nước Thiên Chúa với Giáo hội hay không? Và nếu thực sự đã nhắc đến mối liên hệ giữa Nước Thiên Chúa và Giáo hội, thì Ngài có coi hai thực thể đó như là một hay không? Hay trái lại, Ngài đã phân biệt rõ giữa hai phía? Ðã sẵn khó, việc trả lời cho các câu hỏi này càng trở thành khó hơn nữa trong bối cảnh cuộc đời của Ðức Giêsu, bởi lẽ trong những lần ám chỉ về Giáo hội, Ngài chỉ nói một cách gián tiếp mà thôi. Như đã biết, trong Phúc Âm, từ ekklesia chỉ xuất hiện có hai lần: nơi các câu Mt 16,18 và Mt 18,18. Câu Mt 16,18 là một “lời tiên báo về Giáo hội,” và đã được tu soạn lại dưới ánh sáng của biến cố Phục Sinh; còn câu Mt 18,18 thì dùng từ ekklesia để chỉ về cộng đoàn địa phương, chứ không nhất thiết là để hàm ngụ một ý nghĩa gì chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn còn có sự kiện này nữa, là: Ðức Giêsu đã chọn “nhóm mười hai” và đã ủy thác cho họ, – như là cho những người có bổn phận hàng đầu, – trách vụ tiếp tục sứ mạng rao giảng Tin Mừng của Ngài, nhằm mở rộng Nước Thiên Chúa. “Nhóm mười hai” sẽ trở thành “Tông đồ” qua biến cố Ðức Kitô sống lại và Thần Khí hiện xuống trong ngày lễ Ngũ tuần. Ðã từng khởi đầu với Ðức Giêsu để sau này trở thành Giáo hội, và đã được Ngài trang bị đầy đủ quyền bính cần thiết, “phong trào” ấy có được Ðức Giêsu quan niệm như là đồng nhất với Nước Thiên Chúa mà Ngài loan báo hay không? Hay trái lại, đối với Ðức Giêsu, Nước Thiên Chúa là một thực thể lớn rộng hơn, và nếu trước đó Ngài đã sáng lập Giáo hội thì chính là để Giáo hội phục vụ Nước ấy?

Có điều ai cũng nhìn nhận, đó là sứ mạng lịch sử của Ðức Giêsu chủ yếu – nếu không nói là chuyên nhất, – nhằm vào Ítraen. Trong câu Mt 15,24, Ðức Giêsu đã nói rõ là Ngài “chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ítraen.” Khi phái gửi “nhóm mười hai” đi công tác, Ngài dặn họ “đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samari. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ítraen” (Mt 10,5-6). Các dữ kiện này hội đủ mọi điều kiện để được nhận là xác thực, ít là về về mặt nội dung chủ yếu. Tuy nhiên, Ðức Giêsu cũng đã tỏ lòng thán phục cao độ trước lòng tin của viên sĩ quan Rôma: “Tôi bảo thật các ông: tôi không thấùy một người Ítraen nào có lòng tin như thế” (Mt 8,10). Quả thật, lòng tin ấy, đọc thấy ở nơi một “người lương,” đã nên cơ hội để Ðức Giêsu công bố rằng: “từ phương đông phương tây nhiều người sẽ đến [và sẽ được nhận vào] dự tiệc… trong Nước Trời” (Mt 8,11). Sự việc “những người khác” gia nhập Nước Thiên Chúa không mang tính chất đơn thuần cánh chung, tức là không chỉ xảy đến trong thời cuối cùng mà thôi; nhưng trước hết, đó là thực kiện hiện đang diễn ra ở giữa lòng lịch sử. Hơn nữa, trong những dịp “xuất du” đi vào các miền Samari và Syrophênixi (Liban), Ðức Giêsu đã gặp gỡ cùng tiếp xúc với những người không thuộc “dân đặc tuyển.” Như thế, lại một lần nữa, Ngài đã có dịp tỏ ra ngạc nhiên trước lòng tin của những “người lương” ở các miền ấy, và khi được họ thỉnh cầu, Ngài đã làm phép lạ để chữa bệnh cho họ (xem Mc 7,24-30; Mt 15,21-28). Nhưng cũng đừng ngộ nhận mà quên đi rằng: các phép lạ làm cho các “người xứ ngoài” như thế, cũng mang cùng một ý nghĩa như tất cả các phép lạ khác mà Ngài làm, tức là có ý muốn chỉ về sự việc Nước Thiên Chúa đã thực sự hiện diện và đang hoạt động hữu hiệu ở giữa loài người (xem Mt 11,4-6; Lc 4,16-22; Mt 12,25-28). Vậy là những phép lạ chữa bệnh và trừ quỷ mà Ngài đã làm cho “những người khác” như thế, đều ngụ ý cho thấy rằng Nước Thiên Chúa cũng hiện diện và hoạt động cả ở giữa họ nữa; Nước ấy trải rộng đến tận tất cả những ai biết lấy lòng tin và quyết tâm hoán cải mà dấn thân gia nhập (xem Mc 1,15). Do đó, không thể nói rằng Ðức Giêsu đã đồng nhất hóa Nước Thiên Chúa với “phong trào” Ngài khai sáng để sau này trở thành Giáo hội. Lẽ ra phải nói rằng khi phái gửi “nhóm mười hai” đi loan báo sự việc Nước Trời đã đến (Mt 10,5-7), là Ðức Giêsu đã bắt đầu đặt Giáo hội vào trong tư thế phục vụ Nước Thiên Chúa. “Tin Mừng” mà Giáo hội có nhiệm vụ công bố sau biến cố Phục Sinh (xem Mc 16, 15), cũng chính là Tin Mừng mà sinh thời, Ðức Giêsu đã rao giảng (Mc 1,15). Nếu Giáo hội có hiện hữu và tồn tại, thì chính là để tuyên giảng về Nước Thiên Chúa, chứ không phải là về chính mình.

Thần học Tân Ước có tiếp tục đi theo đường hướng ấy hay không, hay là ngược lại, đã đồng nhất hóa Nước Thiên Chúa với Giáo hội? Thành ngữ “Nước Thiên Chúa” mà theo Phúc Âm nhất lãm, Ðức Giêsu thường dùng đến, đã biến mất nếu không phải là hoàn toàn, – bởi còn đọc thấy chẳng hạn như là ở trong câu cuối của đoạn sách Công Vụ Tông Ðồ thuật lại sự việc thánh Phaolô rao giảng về Nước Thiên Chúa tại Rôma (Cv 28, 30-31), – thì cũng là phần lớn, ở trong các sách khác của Tân Ước. Nhưng lúc đó, ý niệm về Nước Thiên Chúa lại mang một dạng thái mới, dạng thái vương quyền của Ðức Kitô Phục Sinh, và Nước Thiên Chúa tiếp tục hiện diện qua dạng thái này. Vậy, vương quyền của Ðức Ki-tô không chỉ có hiệu lực (phổ trương) ở trong Giáo hội mà thôi, nhưng còn cả trên toàn thế giới nữa. Chỉ xin đan cử một thí dụ: theo các thư (thứ Phaolô) gửi cho giáo đoàn Êphêsô và giáo đoàn Côlôsê, vương quyền của Ðức Kitô trải rộng trên Giáo hội và trên toàn thế giới: Ðức Kitô cũng là Ðầu của thế giới (Cl 2,10; Ep 1, 10), hệt như Ngài là Ðầu của Giáo hội vậy; nhưng duy một mình Giáo hội mới là thân thể của Ngài (Cl 1,18. 24; Ep 1,22; 4,15; 5,23). O. Cullmann đã khéo léo nêu bật điểm này. Tác giả giải thích rằng biểu họa Giáo hội và thế giới như là hai vòng tròn đặt kề bên nhau mà không hề có chung cùng một tiếp điểm hay tiếp diện nào, là việc làm không thể chấp nhận được; tốt hơn là nên dùng “hai vòng tròn đồng tâm có Ðức Kitô là tâm điểm” mà minh họa thế đứng của hai thực thể. Nói cách khác, vương quyền Ðức Kitô, tức là Nước Thiên Chúa hiện diện ở giữa lòng lịch sử, trải rộng ra trong toàn thế giới, hữu hình cũng như vô hình. Còn Giáo hội thì đóng giữ một vai trò đặc ưu trong tiến trình tiến phát của Nước Thiên Chúa ở giữa lòng lịch sử. R. Sch-nackenburg đã nhận định rất rõ như sau về điểm này:

“Vậy, ‘Vương quốc Ðức Kitô’ là chuyên ngữ bao hàm một nội dung ý nghĩa rộng hơn là từ ‘Giáo hội.’ Lúc sống tại thế, người kitô tìm thấy được mức thành tựu viên mãn của việc dự phần vào vương quốc Ðức Kitô và của niềm mong đợi vương quốc cánh chung (xem Pl 3, 20), ở trong Giáo hội, là môi trường trong đó, các ân huệ của Ðức Kitô thiên quốc hoạt động và tác động (Cl 1,18-24). Nhưng quyền bính của Ðức Kitô thì vượt rộng ra ngoài biên giới của Giáo hội… và một ngày kia Giáo hội sẽ hoàn tất tác vụ tại thế của mình, rồi sẽ được hấp thu vào trong vương quốc cánh chung của Ðức Kitô và của Thiên Chúa.”

Tác giả luận giải tiếp:

“Nói thế không… có nghĩa Giáo hội và vũ trụ là đồng nhất hay chỉ là một, mà có nghĩa là nhận rõ thêm được một chiều kích khác của Giáo hội, chiều kích vũ trụ. Giáo hội và vũ trụ không phải là hai lãnh vực tách biệt khỏi nhau hay đối nghịch với nhau, làm như là không có được một điều gì gọi là chung cả, ngoài việc quy phục Ðức Kitô hiển dương. Trái lại, chính nhờ và qua Giáo hội mà vũ trụ được Ðức Kitô chinh phục – bởi được hấp thu hay thúc bách. Do tự bản chất, Giáo hội có trách vụ đối với thế giới.”

Thế thì phải hiểu như thế nào về vai trò của Giáo hội trong trình tự tiến phát của Nước Thiên Chúa ở giữa lòng thế giới và lịch sử?

2. Giáo hội, Bí tích của Nước Thiên Chúa

Theo Hiến chế tín lý Lumen Gentium, Giáo hội là “một dạng (veluti) bí tích, tức là dấu chỉ và là khí cụ của mối hiệp thông với Thiên Chúa, và của dây hiệp nhất giữa mọi người” (LG 1). Hiến chế xác định rõ rằng Giáo hội là “bí tích cứu độ phổ quát” (LG 48), và rằng nơi dương thế, Giáo hội là “mầm giống và là giai đoạn khởi đầu” của Nước Thiên Chúa (LG 5), hoặc là “vương quốc Ðức Kitô đang thực sự hiện diện cách nhiệm mầu” giữa lòng lịch sử (LG 3). Có hai câu hỏi được nêu lên liên quan đến vấn đề vai trò và bí tích tính của Giáo hội trong nhiệm cục cứu độ:

1. Có thể đồng nhất hóa thực tại ơn cứu độ với thực thể Nước Thiên Chúa – theo nghĩa là tất thảy những ai đã nhờ đức tin mà được cứu độ trong Ðức Kitô, cho dù họ không được biết một cách minh nhiên Ngài là ai, thì đều thuộc về Nước Chúa, – hay không?

2. Và nếu đúng như thế, thì thử hỏi có thể đi xa hơn văn bản của công đồng để hiểu bí tích tính của Giáo hội như là bao gồm ý nghĩa chỉ về thực tại ơn cứu độ đang hiện diện cùng hoạt động trong thế giới, và vượt hẳn ra ngoài ranh giới của Giáo hội, hay không?

Hình như qua một vài dấu chỉ, thông điệp Redemp-toris Missio (RM) cho thấy là nên đi theo chiều hướng đó. Thông điệp viết rằng thực tại Nước Chúa dưới dạng hình thành sơ khỏi (inchoate), đã thực sự hiện diện cả ở ngoài biên giới của Giáo hội, trong toàn thể nhân loại, và rằng tất cả những ai biết mở rộng lòng đón nhận Thần Khí cùng biết thực thi các giá trị của Nước Thiên Chúa, thì đều thuộc về Nước ấy (RM 20). Tuy nhiên, không thể coi Giáo hội đơn thuần như là “một dấu chỉ” (RM 17); bởi Giáo hội thực là “hạt giống, dấu chỉ và là khí cụ” của Nước Thiên Chúa, và hằng quy hướng về với Nước Chúa (RM 18). Ðức Kitô đã cung ứng cho Giáo hội “đầy đủ những ân huệ và phương tiện cứu độ.” Vì thế, giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa có “một mối tương quan độc đáo và đặc thù, và dù không chối bỏ sự việc Ðức Kitô và Thần Khí hoạt động ngoài biên giới hữu hình của Giáo hội, thì mối tương quan này cũng đặt vào trong trách vụ của sứ mạng Giáo hội một vai trò đặc thù và thiết yếu” (RM 18).

Phải hiểu như thế nào về vai trò đặc thù và thiết yếu ấy? Hay để nói cho rõ hơn, làm sao để có thể hiểu được rằng giữa lòng lịch sử, Giáo hội là bí tích của Nước Thiên Chúa đã thực sự hiện diện? Học thuyết về bí tích có thể giúp được rất nhiều trong việc giải quyết vấn đề câu hỏi nêu lên. K. Rahner đã thành công tốt đẹp khi học thuyết này áp dụng vào trong nỗ lực minh trình về mối tương quan giữa Giáo hội tại thế và Nước Thiên Chúa đang hiện diện giữa lòng lịch sử. Tác giả viết:

“Giáo hội không đồng nhất với Nước Thiên Chúa. Giáo hội là bí tích của Nước Thiên Chúa trong giai đoạn cánh chung của lịch sử thánh khởi đầu với Ðức Kitô, tức là giai đoạn hiện thực hóa Nước Thiên Chúa. Bao lâu lịch sử còn tiếp diễn, thì bấy lâu Giáo hội vẫn chưa đồng nhất với Nước Thiên Chúa, bởi Nước Thiên Chúa chỉ chung tất và trọn vẹn hiện diện khi lịch sử chấm dứt với cuộc Ðức Kitô quang lâm và cuộc phán xét cuối cùng [chung]. Dĩ nhiên, Nước Thiên Chúa hẳn không phải là một tổ chức nào đó sẽ đến sau này nhằm thay thế cho thế giới, cho lịch sử và các thành quả của lịch sử thế giới. Nước Thiên Chúa đang hình thành hiện thực ngay ở giữa lòng của lịch sử thế giới (chứ không chỉ ở trong lịch sử của Giáo hội mà thôi), tại bất cứ ở đâu nhờ ân sủng, con người biết tuần phục Thiên Chúa bằng thái độ đón nhận chính Người qua sự việc Người tự thông ban chính mình cho… Bởi lẽ chính Giáo hội – là thành phần của Nước Thiên Chúa ở giữa thế gian, mà không bao giờ trùng lẫn với bất cứ một thực thể thế tục nào, – cũng ở trong thế gian và các phần tử của Giáo hội thế tất cũng là những người đang viết nên lịch sử thế giới. Tuy nhiên, trước hết, Giáo hội chính là bí tích độc đáo và cơ bản của Nước Thiên Chúa, nghĩa là dấu chỉ cánh chung và hữu hiệu biểu hiện qua lịch sử cứu độ, sự việc Nước Thiên Chúa đã đến gần kề dưới dạng thể của tinh thần hiệp nhất, của nỗ lực hoạt động phục vụ con người, của tình huynh đệ, v.v. đang hiển hiện ở giữa thế giới loài người. Thế nên, hệt như trong từng bí tích [theo nghĩa hẹp] cá biệt, thì trong trường hợp [Giáo hội là bí tích] này cũng vậy, không bao giờ được tách rời dấu chỉ và nội dung biểu đạt [ơn bí tích] ra khỏi nhau, hay đồng nhất hóa chúng lại với nhau.”

Cách phân biệt cổ điển trong thần học bí tích, giữa dấu chỉ và thực chất được chỉ về – hay đúng hơn: giữa sacramentum tantum, res et sacramentum, và res tan-tum, – đã được áp dụng cho mối quan hệ trong lịch sử giữa Nước Thiên Chúa và Giáo hội, cũng như cho vai trò của Giáo hội trong tương quan với Nước Thiên Chúa hiện diện giữa lòng lịch sử. Về mặt hữu hình, Giáo hội là bí tích [đơn thuần] (sacramentum tantum); thực thể được chỉ về (res tantum) mà Giáo hội vừa chứa đựng vừa ban phát, là sự việc thuộc về Nước Thiên Chúa; thực tại môi giới (res et sacramentum) là mối kết liên với Giáo hội, được hiện thực hóa nơi các phần tử trong cộng đoàn giáo hội, nhờ đó họ được thông phần vào trong thực thể của Nước Thiên Chúa. Dù vậy, theo học thuyết bí tích, thì Thiên Chúa không phải bó tay vì các bí tích ràng buộc (Deus non tenetur sacramentis). Ðiều đó muốn nói là có thể đến được với thực thể của Nước Thiên Chúa mà không nhờ đến bí tích của Giáo hội, và cũng chẳng thuộc thân mình của Giáo hội. Như thế, “những người khác” có thể trở thành phần tử của Nước Thiên Chúa mà vẫn không phải là thành phần của Giáo hội, và cũng chẳng nhờ đến vai trò trung gian [hữu hình] của Giáo hội (without recourse to her mediation). Dù vậy, Giáo hội vẫn là dấu chỉ hữu hiệu do chính Thiên Chúa đặt định nhằm biểu dương thực thể của Nước Người đang hiện diện ở trong thế giới và ở giữa lòng lịch sử. Giáo hội có bổn phận phải làm chứng và phục vụ cho Nước ấy.

Thế thì, có nhờ ánh sáng mới này soi dẫn để nhận thức rõ về các công thức của công đồng, thì mới có thể thấu đạt được lý do tại sao Giáo hội là bí tích của Nước Thiên Chúa ở giữa lòng lịch sử. Công đồng dạy rằng trong Giáo hội, Nước Ðức Kitô “đã thực sự hiện diện cách nhiệm mầu” (LG 3). Theo học thuyết bí tích, câu này không chỉ muốn nói về sự việc Nước Thiên Chúa hiện diện ở trong Giáo hội theo dạng sơ khởi, và đang hướng tới thái trạng chung tất viên mãn; nhưng, đúng hơn, là còn muốn hàm ngụ ý nghĩa chỉ về sự hiện diện “cách nhiệm mầu” hay bí tích (in mysterio) của thực tại Nước Thiên Chúa đã thực sự có mặt trong thế giới và giữa lòng lịch sử. Giáo hội là “bí tích của vương quốc.” Dựa theo công thức Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Châu Mỹ Latinh dùng trong văn kiện đúc kết Kỳ Họp Khoáng đại tại Puebla (1979) mà giải thích, thì điều đó có nghĩa là trong Giáo hội “chúng ta thấy được cách thể biểu lộ hữu hình của phương án mà Thiên Chúa đang âm thầm tiến hành ở trong khắp thế giới. Giáo hội là nơi chúng ta gặp thấy được hoạt động của Thiên Chúa Cha ở mức tập trung tối đa… Giáo hội cũng là khí cụ đưa dẫn Nước Thiên Chúa vào giữa lòng nhân loại hầu thúc đẩy con người hướng lên với cứu cánh tối hậu của mình” (số 227).

Vì thế, ở giữa lòng thế giới, Giáo hội-dấu chỉ làm chứng cho sự kiện này là trong Ðức Giêsu, Thiên Chúa đã thiết lập Nước của Người ở giữa thế gian. Hơn thế nữa, là dấu chỉ hữu hiệu, Giáo hội chứa đựng và công hiệu hóa thực tại mình biểu thị, tức là dùng lời nói và hành động của chính mình mà đưa đường mở lối dẫn tới với Nước Thiên Chúa. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn còn thuộc lãnh vực bí tích, tức là lãnh vực của tương đối. Vai trò thiết yếu của Giáo hội không đạt tới mức thiết yếu đến độ nhất thiết phải qua Giáo hội thì mới có thể đến được với Nước Thiên Chúa. “Những người khác” cũng có thể trở thành phần tử của Nước Thiên Chúa, mà vẫn không phải là phần tử của Giáo hội, và cũng chẳng nhờ đến vai trò trung gian [hữu hình] của Giáo hội. Tuy nhiên, sự hiện diện của Nước Thiên Chúa ở trong Giáo hội là một sự hiện diện đặc ưu, bởi Giáo hội đã được Ðức Kitô trao ban cho “đầy đủ mọi ân huệ và phương tiện cứu độ” (RM 18). Giáo hội là “bí tích phổ quát” (LG 48) của Nước Thiên Chúa. Ðiều đó cho thấy tại sao tất cả những ai, dù là qua những phương cách khác chứ không nhờ đến Giáo hội, và dù là không gia nhập Giáo hội như là phần tử, mà vẫn đón nhận được ơn cứu độ và vào được Nước Thiên Chúa, thì cũng đều được “hướng định” (ordinantur) về với Giáo hội, như Hiến chế tín lý Lumen Gentium (số 16) đã nhắc lại với hàm ý phủ nhận học thuyết chủ trương coi những người như thế là những “phần tử do bởi ao ước” của Giáo hội.

3. Nước Thiên Chúa trong Thần học về các Tôn giáo

Như đã nêu rỏ là qua thái độ tuần phục Thiên Chúa nhờ lòng tin và tinh thần hoán cải, “nhũng người khác” cũng có thể đến được với Nước Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa lòng lịch sử. Bài viết cũng đã có dịp nhận định trước đây là bất cứ ở đâu trong thế giới “các giá trị của Nước Trời” được thực thi và cổ vũ, thì ở nơi ấy Nước Thiên Chúa có mặt. Theo thông điệp Redempto-ris Missio, thì dưới thể dạng hình thành sơ khởi, Nước Thiên Chúa có mặt khắp trong nhân loại, “theo nghĩa là con người biết sống thật ‘những giá trị Phúc Âm’ và biết mở lòng đón nhận tác động của Thần Khí” (RM 20).

Thần học giải phóng đã nhấn mạnh đến vai trò mà “các giá trị Phúc Âm” hay “các giá trị của Nước Trời” đóng giữ trong công cuộc dọn đường cho Nước Thiên Chúa đến giữa các dân tộc. Như Jon Sobrino đã nêu rõ, đối với Ðức Giêsu, Nước Thiên Chúa là “thực tại thật sự tối hậu” làm nên ý nghĩa cho cuộc đời, cho hoạt động và cho thiên mệnh của Ngài. Chính thực tại tối hậu ấy – thực tại mà tất cả những gì khác đều phải tùy thuộc vào, – hiện đang tác động và tiến đến gần kề tất cả những ai, dù là ở đâu, biết bước theo Ðức Giêsu Kitô mà cùng sống những giá trị của Nước Trời, tức là lòng yêu thương và đức công bằng.

Còn thần học về các tôn giáo thì cần phải trình bày rõ lý do tại sao khi biết mở lòng mình ra cho tác động của Thần Khí, thì “những người khác” cũng được thông phần vào thực tại Nước Thiên Chúa đang hiện diện ở trong thế giới và ở giữa lòng lịch sử. Ðể đạt mục tiêu này, thì cần phải dùng đến mô biểu “quy-vương quốc” (kingdom-centered). Như đã dựa theo thông điệp Re-demptoris Missio mà nhận định trong một phần trước của bài viết, nói thế không có nghĩa là có thể bỏ rơi lối nhìn theo viễn ảnh “quy-Kitô” (christocentric). Quả thế, không thể tách rời Nước Thiên Chúa trong lịch sử ra khỏi Ðức Giêsu lịch sử là Ðấng đã khai sáng Nước ấy, hoặc là ra khỏi Ðức Kitô, bởi trong thời gian lịch sử, vương quyền của Ngài quả là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Qua việc dự phần vào thực tại cứu độ, tức là Nước Thiên Chúa, và nhờ bởi chính sự kiện ấy, “những người khác” tiếp nhận được – hoặc là được đưa vào trong ảnh hưởng – tác động cứu độ của Ðức Kitô, bởi vì trong Ngài, Nước Thiên Chúa đã được thiết lập. Không loại trừ lẫn nhau, hai mô biểu “quy-vương quốc” và “quy-Kitô” cần phải được phối kết hài hòa với nhau.

Loan báo Nước Thiên Chúa mà bỏ quên vai trò chủ yếu của Ðức Kitô, thì không thể được coi là hành động theo đúng bản chất của Kitô giáo. Chủ trương là có thể loan báo Nước Thiên Chúa mà không phải tuyên báo về Ðức Giêsu Kitô, thì, theo giáo huấn của Phúc Âm và thần học của Tân Ước mà nói, cũng chẳng khác gì là làm cho Nước Thiên Chúa mất hẳn đi phần cốt lõi cụ thể nhất của mình. Lúc đó, không hơn không kém, Ðức Giêsu sẽ bị coi mhư là một trong các tiên tri đã từng loan báo về việc Nước Thiên Chúa sẽ đến trong vị lai như là một sự việc “khách quan,” tức như là một thực thể nằm tách biệt ngoài lề cuộc đời của mình, không trực tiếp nối liền gắn chặt với bản thân mình. Nước Thiên Chúa mà không có Ðức Kitô thì không phải là Nước Thiên Chúa Tân Ước miêu trình. Cũng thế, Ðức Giêsu mà không có Nước Thiên Chúa thì không còn phải là Ðức Giêsu lịch sử mà đến cả truyền thống Phúc Âm vững chắc nhất về mặt phê bình lịch sử, cũng đang tiếp tục hùng hồn làm chứng.

Thế thì, Nước Thiên Chúa mà trong thời gian lịch sử, tín hữu các truyền thống tôn giáo khác có thể dự phần vào, là chính Nước đã được Thiên Chúa khai mở trong Ðức Giêsu Kitô. Ðó chính là Nước mà khi làm cho Ðức Giêsu sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa đã đặt vào trong tay của Ngài; và phương án Thiên Chúa đã an bài là để Nước của Người tiến phát dưới vương quyền của Ðức Kitô, cho đến mức chung tất viên mãn. Khi tín hữu các tôn giáo khác nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa qua truyền thống đạo đức của họ, và đáp trả qua việc chân thành thực thi truyền thống ấy, thì dù không ý thức rõ về sự kiện ấy, họ cũng thật sự trở thành những phần tử đích thực và tích cực của Nước Trời. Xét cho cùng, một nền thần học về các tôn giáo dù có cấu trúc theo mô biểu “quy-vương quốc,” thì cũng không thể bỏ quên hay tránh né mà không lưu ý tới tính chất “quy-kitô” của Nước Thiên Chúa được.

Vậy, chính nhờ thông phần vào mầu nhiệm cứu độ, mà tín đồ các truyền thống tôn giáo khác trở thành phần tử của Nước Chúa đang hiện diện dưới dạng thực thể lịch sử. Nếu thế, thì thử hỏi có thể kết luận là các truyền thống tôn giáo khác cũng góp phần vào trong công cuộc xây dựng Nước Thiên Chúa ở giữa loài người, hay không? Ðể thấy rõ thực sự là như thế, thì cần nhìn lại những gì đã trình bày trên kia, liên quan đến đời sống đạo của tín hữu các tôn giáo khác; tức là không tách rời cuộc sống cá nhân khỏi niềm tin, họ cần phải sống một cuộc sống thực sự phù hợp với truyền thống tôn giáo của mình; bởi qua thực tế cuộc sống như thế, họ mới cụ thể hóa đầy đủ thâm tín tôn giáo của mình. Cũng còn cần phải xác định rằng nếu họ ứng đáp lời mời gọi của Thiên Chúa theo những cách thể riêng của truyền thống tôn giáo mình, cũng như được giúp đỡ bởi những yếu tố khách quan đóng giữ vai cấu tố trong các truyền thống ấy – chẳng hạn như là các Sách Thánh, các nghi thức “bí tích,” – thì còn phải nhận là các truyền thống tôn giáo ấy thực sự có chứa đựng “những yếu tố siêu nhiên nẩy sinh từ ân sủng,” mang lại lợi ích cho tín đồ các truyền thống tôn giáo ấy. Chính nhờ biết đáp trả thích đáng đối với tác động của các yếu tố ân sủng ấy mà họ nhận được ơn cứu độ và trở thành phần tử của Nước Thiên Chúa hiện diện ở giữa lòng lịch sử. Thế thì, một cách nhiệm mầu, các truyền thống tôn giáo khác cũng góp phần xây dựng Nước Thiên Chúa giữa và nơi các tín đồ của mình cũng như trong thế giới. Nếu ở giữa thế gian, Giáo hội là “bí tích phổ quát” của Nước Thiên Chúa, thì đối với tín đồ của mình, các truyền thống tôn giáo khác cũng đóng giữ một vai trò trung gian nào đó trong công tác đưa dẫn họ đến với Nước ấy; và dù thần học có chưa xác định rõ được điểm này, thì cũng không phải vì thế mà không thể hiểu ra được rằng vai trò trung gian ấy tất khác hẳn và dĩ nhiên là không thể nào đầy đủ được, so với vai trò của Giáo hội.

4. Nước Thiên Chúa và Cánh chung học

Còn một vấn đề khác cần phải giải quyết, đó là: Phải hiểu như thế nào về quan hệ giữa hai thể trạng của Nước Thiên Chúa, tức là giữa thực trạng lịch sử tại thế và tình trạng viên mãn thời cánh chung? Có thể hiểu mức viên mãn của công trình cứu độ như là tình trạng thành tựu chung tất của Giáo hội vào hồi thế mạt hay không? Hay phải hiểu Giáo hội thiên quốc như là thành phần trong một Vương Quốc cánh chung rộng lớn hơn Giáo hội hồi chung tất? Hoặc là có thể quan niệm theo một cách khác nữa: mức viên mãn cánh chung của Vương Quốc sẽ đưa Giáo hội đến hồi kết thúc một khi đã hoàn tất vai trò của mình, là làm bí tích? Các nhà thần học không nhất trí về điểm này.

Dựa theo giáo huấn của công đồng Vaticanô II về “Giáo hội thiên quốc” (LG 49-53), A. Dulles quan niệm mức viên mãn của Nước Trời như là tình trạng thành tựu toàn vẹn của mầu nhiệm Giáo hội. Có tác giả khác như G.B. Mondin, thì cho rằng “thực tại chung tất [của Nước Thiên Chúa] trong tình trạng thành tựu hoàn toàn và tối hậu” sẽ “cùng lúc bao gồm cả Giáo hội lẫn thế giới.” Lập trường này có thể tìm thấy cơ sở cho quan niệm của mình ở trong những gì hiến chế tín lý Lumen Gentium (LG 49-53) miêu tả về “Giáo hội thiên quốc’” cũng như trong những gì hiến chế mục vụ Gau-dium et Spes (GS 39) nhận định về Vương Quốc cánh chung. Sau hết, cũng có những tác giả đặc biệt nêu bật vai trò bí tích của Giáo hội giữa lòng lịch sử, – hệt như công đồng đã làm (LG 1 và 48), – để đi đến kết luận nói rằng tự bản chất, vai trò ấy mang tính cách lâm thời, và vì thế sẽ chấm dứt một khi Vương Quốc đã đạt đến mức thành tựu viên mãn, bởi lẽ, là một thực tại bí tích, Giáo hội phụ tùy vào Nước Thiên Chúa. Khi thực tại toàn hảo đã thành tựu, thì dấu chỉ không còn có lý do để tiếp tục tồn tại. Về điểm này, K. Rahner đã nhận định như sau:

“Nếu hiểu như thế này là đúng, thì phải nói rằng bao giờ Giáo hội cũng sống với lời tuyên bố về tư cách lâm thời của mình, và về sự việc mình đang tiến dần giữa dòng lịch sử để đi đến chỗ tan biến vào trong Nước Thiên Chúa đang đến gần, là đích điểm mà lòng hằng ngóng trông, Giáo hội hăm hở hướng tới, tựa như lữ khách đi trên đường hành hương, bởi vì chính Thiên Chúa cũng đang đến để đón gặp Giáo hội trong ngày quang lâm, và bởi vì có nhờ vào sức mạnh của Ðức Ki-tô tái giáng, Giáo hội mới có thể thực hiện cuộc hành hương ấy. Bản chất của Giáo hội cốt tại ở chỗ sống đời hành hương hướng tới một tương lai đã được hứa hẹn.”

Liên quan đến mối liên hệ giữa Nước Thiên Chúa và các truyền thống tôn giáo khác trên thế giới, quan điểm cuối cùng vừa trình bày trên đây, được coi là sáng giá và đáng được chọn nhất. Như thế là vì quan điểm đó có khả năng giải thích cho thấy lý do tại sao dù vào hồi chung tất, họ không ở trong tình trạng kết liên với “Giáo hội cánh chung” và trong thời gian lịch sử họ đã không phải là phần tử của Giáo hội, mà chỉ là thành phần trong Nước Thiên Chúa ở giữa lòng lịch sử, thì tín đồ các truyền thống tôn giáo khác cũng được dự phần vào mức viên mãn của Nước Chúa. Vả, quan điểm này cũng phù hợp với lập trường của R. Schnackenburg như đã trưng dẫn trên đây: “Quyền bính của Ðức Kitô vượt rộng ra ngoài biên giới của Giáo hội… và một ngày kia Giáo hội sẽ hoàn tất tác vụ tại thế của mình, rồi sẽ được hấp thu vào trong Vương quốc cánh chung của Ðức Kitô và của Thiên Chúa.” Chắc hẳn, Teilhard de Char-din cũng đã quan niệm theo cùng một cách kiểu như thế, tức là hiểu tình trạng viên mãn vào hồi thế mạt như là thời điểm chung tất của công cuộc “Kitô hóa toàn vũ.”

III. HỆ QUẢ MỤC VỤ ĐỐI VỚI SỨ MỆNH CỦA GIÁO HỘI: ÐỐI THOẠI VÀ CÔNG BỐ

1. Thánh Linh và công tác rao giảng Tin Mừng

Những gì vừa trình bày trên đây sẽ kéo theo những hệ quả mục vụ có tầm trọng yếu lớn đối với sứ mạng của Giáo hội. Khi viết về chủ đề “Thánh Linh và công tác rao giảng Tin Mừng,” tác giả thiên tiểu luận này đã có dịp nhận định rằng “nếu chịu nghiêm túc chấp nhận là Thánh Linh của Thiên Chúa đang hoạt động nơi các truyền thống [tôn giáo] sinh động trong thế giới, thì việc nhìn nhận đó tất sẽ ảnh hưởng sâu đậm đến cách Giáo hội hiểu về sứ mạng phúc âm hóa mình đã lãnh nhận.”

Trước hết, sứ mạng phúc âm hóa ấy sẽ không chỉ giới hạn ở trong khuôn khổ đơn thuần của công tác rao giảng Tin Mừng, nhưng hơn nữa, còn có nhiệm vụ tìm cho ra cung cách thích đáng để mà tiến hành hữu hiệu qua công cuộc đối thoại liên tôn. Bởi lẽ, cùng một Thần Khí duy nhất – Thần Khí của Ðức Kitô, – hiện diện và hoạt động trong các kitô hữu cũng như trong “những người khác.”

Dấn thân vào cuộc đối thoại, người kitô ý thức rằng Thần Khí không những đã tác động trên kinh nghiệm mình có về Thiên Chúa trong Ðức Kitô, nhưng còn trên cả kinh nghiệm tôn giáo của phía bên kia nữa, tức là của phía tín đồ các tôn giáo khác. Cùng một Thần Khí của Thiên Chúa và của Ðức Kitô đã được ban xuống cho cả đôi bên, và cả hai phía đều ứng đáp, đều cảm nghiệm về Ngài, dù chỉ có người kitô, nhờ được Ðức Kitô mạc khải, mới nhận rõ ra Ngài và biết đúng tên Ngài mà gọi. Niềm thâm tín về sự việc mình với phía đối đàm, đều thông phần vào cùng một Thần Khí, sẽ dẫn đường chỉ lối cho người kitô biết cách cư xử thỏa đáng đối với phía bên kia. Không những xác tín là cần phải đánh giá cao kinh nghiệm tôn giáo của phía đối đàm, người kitô còn tin rằng nhờ tiếp xúc và chia sẻ kinh nghiệm cá nhân với phía mình đối thoại, chính bản thân mình sẽ khám phá ra được những cách thức tác động khác nhau của Thần Khí Thiên Chúa mà trước đó mình chưa bao giờ biết đến, hoặc là chúng vẫn còn xa lạ đối với mình. Trong cuộc đối thoại liên tôn, người kitô không chỉ là phía cho ra, nhưng cũng còn là phía nhận vào nữa. Khi muốn chia sẻ với người khác kinh nghiệm mình có về Ðức Giêsu Kitô và về Thần Khí của Ngài, thì đồng thời người kitô cũng phải biết sẵn sàng đón nhận qua kinh nghiệm của người đối đàm, những khía cạnh mới, còn tiềm ẩn đối với mình, trong mầu nhiệm Ðức Kitô.

Ðối thoại liên tôn là phương cách đặc ưu của công tác phúc âm hóa, theo nghĩa là cả hai phía đối tác đều đưa tin mừng cho nhau; hay còn hơn thế nữa, bởi vì chính Thánh Linh, tác nhân chủ yếu trong công cuộc phúc âm hóa, sẽ dùng đến hoạt động của mỗi bên để đưa tin mừng cho phía bên kia. Cả hai phía đều ý thức rằng qua việc trao đổi kinh nghiệm cho nhau, họ được Thiên Chúa mời gọi để trở về với Người một cách trọn vẹn hơn; tuy nhiên chỉ có phía kitô mới nhận thức rõ được là lời mời gọi kia Thiên Chúa đã gửi đến cho mình qua Ðức Giêsu Kitô, trong Thần Khí của Người. Thần Khí thực hiện việc cải tạo tâm lòng của mỗi phía, và đó là điều kiện tất yếu của mọi cuộc trở về với Thiên Chúa [trở lại về mặt tôn giáo]. Chỉ một mình Thần Khí mới có khả năng thực hiện điều đó, nhưng Ngài lại muốn thực hiện cuộc hoán cải trở về như thế nơi mỗi bên qua việc gặp gỡ với phía bên kia. “Hạt giống Lời Chúa” hiện diện ở trong kinh nghiệm và truyền thống các tôn giáo khác, là hiệu quả mà bàn tay tác động của Thần Khí Thiên Chúa đã mang lại, là “một dạng hiện diện tiềm ẩn của Thiên Chúa” (Ad Gentes/AG 9). Xét cho cùng, đó chính là lý do tại sao các phần tử trong Giáo hội được khuyến khích để, qua công cuộc đối thoại, “nhìn nhận, bảo toàn và cổ xúy” (Nostra Aetate/NA 2) những giá trị thiêng liêng gặp thấy ở nơi các tôn giáo khác.

Thứ đến, cần phải dựa vào quyền năng của Thần Khí mà loan báo về Ðức Giêsu Kitô cho “những người khác,” như thánh Phaolô đã dạy (1Cr 2,1-5). Nhưng, hệt như mọi hình thức phúc âm hóa khác, công tác loan báo này chỉ hiện thực được khi hội đủ những điều kiện thiết yếu, tức là cần phải có tác động đi trước của Thần Khí Thiên Chúa trong tâm lòng của những người nghe, cũng như phải có Ngài hiện diện trong đời sống của họ. Công tác rao giảng Tin Mừng tiến hành trên cơ sở của sự việc Thần Khí hiện diện và tác động như thế trên người nghe; vậy, cần phải biết nhận dạng cho đúng và nói lên cho rõ các thực kiện tinh thần hay thiêng liêng ấy. Có thế, thì mới thấy rõ là việc công bố Tin Mừng không phải là để tiến hành và cũng không thể tiến hành giữa mông lung hư vô được. Ðể người nghe có thể hiểu được sứ điệp, thì sứ điệp phải nói với họ bằng chính ngôn từ của kinh nghiệm cá nhân họ; để người nghe có thể tin vào sứ điệp, thì sứ điệp phải nói rõ lên một điều nào đó đã từng được con tim nguời nghe nghiệm cảm, cho dù điều đó, họ không diễn đạt ra được hay không biết được phải gọi làm sao. Việc công bố sứ điệp hay rao giảng Tin Mừng không thể bỏ qua mà không nhờ đến tác động của Thần Khí trong tâm lòng của những người nghe; những tác động này chính là điểm tựa lấy đà cho việc đón nhận Ðức Giêsu Kitô với thái độ tuần phục của lòng tin. Hành động tin nhận ấy có nảy sinh nên được là nhờ tác động của Thần Khí; bởi, như thánh Phaolô đã nói, “không ai có thể tuyên xưng ‘Ðức Giêsu là Chúa’ mà lại không nhờ đến ơn tác động của Thần Khí” (1Cr 12,3).

Như thế, Thánh Thần có mặt khắp nơi trong công tác công bố sứ điệp Tin Mừng, cũng như trong thái độ đón nhận với lòng tin. Ngài gợi hứng và tiếp tay cho tín hữu trong công tác công bố mầu nhiệm Ðức Giêsu Kitô; Ngài cũng khơi dậy và đưa dẫn lòng tuần phục tin nhận của người nghe cho đến lúc đạt tới mức thành tựu mỹ mãn. Trong công tác công bố sứ điệp, cả người thông truyền lẫn người đón nhận Tin Mừng đều phải được Thần Khí tác động. Còn cơ bản hơn nữa: những gì, dựa vào kinh nghiệm đức tin của mình, người tín hữu chia sẻ, không nhất thiết là hoàn toàn mới mẽ đối với người nghe, nhưng có thể gợi lên một âm hưởng vang vọng làm cho người nghe nhận ra được rõ điều mà mình đã thầm nghiệm cảm từ đáy tâm tư hay trong cuộc sống của mình. Kinh nghiệm về Thần Khí Ðức Kitô chính là căn cội của việc công bố cũng như của việc đón nhận Tin Mừng: kinh nghiệm hiển nhiên đối với một phía, và mặc nhiên đối với phía bên kia.

Bởi vậy, đưa dẫn một cá nhân đến chỗ đón nhận đức tin kitô, – công tác mà các Giáo phụ gọi là mystagogy, tức là khai tâm, – là cốt tại ở việc hướng lối cho người ấy đi qua một tiến trình chỉ đạo nhằm tới thái độ minh nhiên nhìn nhận rằng – dù là bằng một cách thầm kín và ẩn danh, thì – Ðức Giêsu Kitô và Thần Khí của Ngài cũng đã diện hiện và đang hoạt động thực sự nơi chính bản thân của mình. Công bố không nhất thiết là phải nói lên một điều hoàn toàn mới mẽ, cho bằng đưa ra (e-ducere)[giữa] ánh sáng [của ý thức minh nhiên] những gì đã sẵn có [ở dạng mặc nhiên], để giúp nhận ra rõ, thấu hiểu chính xác và gọi cho đúng tên. Tuy nhiên, việc dẫn nhập vào đức tin không chỉ thu hẹp ở trong giới mức của công tác “đưa ra ánh sáng” theo nghĩa vừa nói mà thôi, nhưng còn hàm dung ý nghĩa “đưa dẫn” (e-ducere) đi từ một điều gì đó đến một điều gì khác, tức là đưa dẫn ra khỏi một thể chế cứu độ trung gian để đi vào một thể chế cứu độ hoàn chỉnh. Có thể đi đến được với Mầu nhiệm Ðức Kitô qua nhiều dạng thể trung gian hay môi giới khác nhau, nhưng cũng lại với nhiều mức độ nhận thức và thông hiệp khác nhau. Trở thành tín hữu kitô không chỉ đơn thuần có nghĩa là nhìn nhận Thần Khí Ðức Kitô đã bằng một cách nào đó, làm cho nhận ra dấu chứng tác động mà Ngài để lại ở trong đời mình, mà còn bao hàm cả việc đón nhận mầu nhiệm như đã được giới thiệu cho, qua đời sống của cộng đồng kitô, nhờø trung gian của Tân Ước và các bí tích trong Giáo hội. Con người và cuộc sống của Ðức Giêsu chính là mức viên mãn của mạc khải mà Thiên Chúa thông truyền cho con người; mầu nhiệm phục sinh của Ngài, tức là cuộc tử nạn và biến cố sống lại vinh hiển, chính là hành động qua đó Thiên Chúa quyết liệt can thiệp vào trong lịch sử nhân loại để mà tự thông chia chính mình cho loài người với một thái độ đón nhận luôn luôn rộng mở và vô cùng đại lượng. Thiên Chúa dùng Giáo hội làm trung gian và môi trường để nhờ ngôn từ và bí tích mà tỏ lộ và tự trao ban chính mình cho loài người qua Ðức Kitô và trong Thần Khí của Ngài, tức là bằng một cách thức độc đáo trổi vượt hẳn mọi hình thức môi giới hay trung gian khác. Ðưa đường dẫn lối cho một cá nhân đến với đức tin kitô qua việc rao giảng Tin Mừng, có nghĩa là đưa đường cho người ấy đi vào trong thể chế trung gian của mầu nhiệm Ðức Giêsu Kitô, là thể chế mà chính Ngài đã thiết lập trong quyền lực của Thần Khí; vẫn là một, nhưng trong thể chế này, mầu nhiệm được ý thức rõ ràng và được tiếp xúc cụ thể qua những dấu chỉ và biểu tượng chính Ðức Kitô đã chọn mà ủy thác cho Giáo hội của Ngài. Mục đích của việc rao giảng Tin Mừng là đưa dẫn đến chỗ nhận biết rõ được Ðấng Cứu Tinh của mình; và việc nhận biết này là thành quả phát sinh từ chính hành động thông dự vào trong niềm tin cùng đời sống của cộng đồng kitô.

Vậy, công tác phúc âm hóa hay sứ mạng kitô, mang nhiều thể dạng và cách thức tiến hành khác nhau tùy theo những hoàn cảnh khác nhau người kitô gặp thấy trong cuộc sống chứng tá của mình. Dù mang dạng thể nào đi nữa, thì công tác phúc âm hóa cũng phải được khơi hứng từ và thúc đẩy bởi Thần Khí Ðức Kitô, cũng như phải được thực hiện trong thần lực của Ngài. Bao giờ tác động của Thần Khí cũng đều đi trước chứng cử của Giáo hội, và chính vì vậy mà cộng đồng kitô được kêu gọi để làm chứng cho tác động tiên phát (preve-nient) của Thần Khí ở trong thế giới và ở giữa loài người. Giáo hội có sứ mạng biểu thị và công bố cho mọi người thấy rõ rằng Ðức Giêsu Kitô, Chúa của lịch sử, là Ðấng hiện đang sống giữa thời đại hôm nay, và rằng qua hoạt động của Thần Khí, là “tác nhân chính trong công cuộc phúc âm hóa,” Ngài đang dẫn bước cho thế giới và loài người tiến tới tiêu đích đã được an bài. Dù có làm chứng qua công tác phục vụ, qua công cuộc đối thoại hay là qua tác vụ rao giảng, thì bao giờ sứ mạng phúc âm hóa của Giáo hội cũng phải giữ đúng tư thế phụ tùy vào tác động có mặt khắp nơi của “Thần Khí Thiên Chúa, là Ðấng, qua con đường quan phòng nhiệm mầu kỳ diệu, hằng không ngừng hướng dẫn dòng tiến của thời gian và đổi mới bộ mặt của trái đất” (GS 26,4).

2. Nước Thiên Chúa và công tác Phúc âm hóa

Việc nhìn nhận Nước Thiên Chúa – Nước mà Giáo hội có bổn phận phục vụ theo tư thế là phụ tùy, – đang có mặt ở khắp nơi trong thế giới, và đang rộng mở cho người kitô cũng như cho “những người khác” thông dự vào, cũng kéo theo những hệ quả tương tự, ảnh hưởng sâu rộng đến sứ mạng phúc âm hóa của Giáo hội, tức là đến công tác rao giảng Tin Mừng và công cuộc đối thoại liên tôn.

Cuộc đối thoại liên tôn là cuộc trao đổi diễn ra giữa những người cùng thuộc về Nước Thiên Chúa đã được Ðức Giêsu khai mở ở giữa dòng lịch sử loài người. Theo những tín ngưỡng khác nhau, nhưng những người ấy đã thực sự hiệp thông với nhau qua thực thể (res) của mầu nhiệm cứu độ, cho dù họ còn khác biệt hẳn nhau về phương diện bí tích (sacramentum), tức là phương diện của chức năng làm trung gian cho mầu nhiệm. Nhưng, thông hiệp vào trong res (thực thể) thì cơ bản và trọng yếu hơn là những khác biệt về phương diện dấu chỉ. Ðiều này giúp cho hiểu rõ tại sao khi được tiến hành một cách chân thành và trung thực, thì công cuộc đối thoại liên tôn sẽ tạo nên được một mối hiệp thông sâu thẳm giữa người kitô và các tín đồ khác. Sự kiện đó cũng cho thấy rõ công cuộc đối thoại liên tôn quả là một cách thức chia sẻ, có nhận vào mà cũng có trao ra; tắt một lời: đó không phải là tiến trình một chiều, không phải là độc thoại, song là “đối thoại.” Lý do là vì thực tại Nước Thiên Chúa đã được dự tiên thể hiện ở trong cuộc cùng nhau trao đổi giữa người kitô và những người khác. Ðối thoại minh nhiên hóa mối hiệp thông ấy, mối hiệp thông sẵn có ở ngay trong thực tại cứu độ, tức là Nước Thiên Chúa đã từng được Ðức Giêsu khai mở cho mọi người.

Như đã nhận định trước đây, điều vừa trình bày sẽ giúp cho thấy là người kitô và “những người khác” đều được mời gọi để cùng nhau xây dựng Nước Thiên Chúa ở giữa lòng thế giới, qua mọi thế hệ. Ðã cùng được dự phần vào Nước ấy, nhưng tất cả đều có thể và cần phải tiếp tục xây dựng bằng cách trở về với Thiên Chúa và cổ xúy những giá trị của Phúc Âm, cho đến lúc Nước ấy đạt đến mức viên mãn cánh chung, nằm ở phía sau của thời gian lịch sử (xem GS 39).

Hơn nữa, công tác xây dựng như thế còn vượt hẳn ra ngoài kích thước của Nước Thiên Chúa, về cả chiều dọc lẫn chiều ngang, như người ta thường gọi. Khi biết nhất trí dấn thân để bảo vệ các quyền con người, khi biết nỗ lực hoạt động cho công cuộc giải phóng toàn diện mỗi người và mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người bị áp bức, khi biết hăng say cổ vũ những giá trị tôn giáo và thiêng liêng, là người kitô và những người khác đang cùng nhau gia công xây dựng Nước Thiên Chúa. Trong công cuộc xây dựng Nước Chúa, không thể tách rời hai chiều kích nhân bản và tôn giáo ra khỏi nhau được. Thực ra, chiều kích nhân bản là dấu chỉ của chiều kích tôn giáo. Ngoài niềm thâm tín này ra, – niềm thâm tín xác quyết rằng dù còn có những dị điểm phân biệt họ, thì tín đồ của các truyền thống tôn giáo khác nhau, tức là những đồng thành viên trong Nước Thiên Chúa ở giữa lòng lịch sử, cũng đang cùng nhau tiến bước trong cuộc lữ hành hướng tới mức viên mãn của Nước Thiên Chúa, hướng tới nhân loại mới mà họ được mời gọi để cùng với Thiên Chúa “tạo dựng” nên, như chính Người đã dự kiến cho lúc thời gian kết thúc, – có lẽ không tìm thấy được một điều gì khác có sức mang lại cho công cuộc đối thoại liên tôn một nền tảng thần học sâu vững hơn, một niềm khích lệ mạnh mẽ và chân thực hơn.

Cuối cùng, cũng như Nước Thiên Chúa là trọng tâm của sứ điệp Ðức Giêsu mang lại, thì cũng thế, Giáo hội có bổn phận loan báo không phải là chính mình, mà là Nước Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa lòng lịch sử, và làm chứng với những bằng chứng thực sự khả tín, cho Nước ấy. Là bí tích của Nước Thiên Chúa ở trong thế giới, Giáo hội có trách vụ thông truyền cho những người khác Tin Mừng về Nước Chúa đã được Ðức Giêsu Kitô khai mở ở giữa lòng lịch sử. Ðể thực hiện điều đó, thì Giáo hội cần được Thần Khí Thiên Chúa truyền ban năng quyền cùng sinh lực cho. Nhưng khi loan báo về Nước Chúa, Giáo hội cần phải nhớ nằm lòng là Nước Thiên Chúa thì lớn rộng hơn chính mình và vượt hẳn ra ngoài hết mọi giới mức của mình. Giáo hội không độc chiếm Nước Thiên Chúa, dù Giáo hội có sứ mạng loan báo về Nước ấy. Nhiệm vụ của Giáo hội là vén mở cho thấy sự hiện diện ẩn tàng mà thực sự của Nước Thiên Chúa ở ngay giữa những người nghe sứ điệp mình loan báo, cũng như giúp họ nhận chân được rằng Ðức Giêsu Kitô chính là “con đường” qua đó Thiên Chúa đã thiết lập Nước của Người trên trái đất, và rằng Ngài cùng với Thần Khí chính là nguồn cội, là động lực của Nước ấy. Giáo hội sẽ dựa vào thực tại Nước Thiên Chúa đã sẵn hiện diện giữa những người nghe – ngay cả trước khi họ có dịp tiếp xúc với Giáo hội, – mà trình bày sứ điệp mình có sứ mạng loan báo, thậm chí với xác tín là Thần Khí Thiên Chúa đã thực sự ra tay hoạt động ở trong họ. Có thế, lời Giáo hội nói lên mới gặp được âm hưởng rung động tận trong đáy lòng của “những người khác.” Trong tác vụ loan báo Tin Mừng về Nước Thiên Chúa, Giáo hội còn phải vượt xa ra ngoài khuôn khổ công cuộc đối thoại liên tôn; tuy nhiên, bao giờ tác vụ ấy cũng tiến hành theo quy trình đối thoại, trong đó Giáo hội phải biết lắng nghe trước khi tuyên bố, phải biết phát hiện sự có mặt của Thiên Chúa trước khi dùng từ để mà biểu đạt về thực kiện ấy.

Kết Luận

Qua các phần trình bày trên đây, bài viết đã có dịp trưng dẫn một số văn kiện của FABC, nêu bật tính chất ưu tiên của Nước Thiên Chúa so với Giáo hội, và giúp cho thấy rõ tính chất phụ tùy của Giáo hội trong tương quan với Nước Thiên Chúa, tức cho thấy là Giáo hội có bổn phận phục vụ Nước Thiên Chúa. Gần đây, trong các ngày 3-10 tháng 11, 1991, Văn phòng đặc trách công tác phúc âm hóa của FABC đã tổ chức tại Hua Hin (Thái Lan), một cuộc họp để tham khảo về các vấn đề thần học. Cuộc họp này đã có dịp khai triển một cách khúc chiết và sâu rộng hơn, điều được gọi là “viễn cảnh quy-Vương quốc” (Kingdom-perspective), cũng như đã từ đó rút ra những hệ quả quan liên đến Giáo hội và sứ mạng của Giáo hội, quan liên đến công cuộc đối thoại và tác vụ rao giảng Tin Mừng. Sau đây, xin được trích dẫn từ văn kiện đúc kết của hội nghị Hua Hin, một số đoạn viết về: Nước Thiên Chúa, vai trò của Giáo hội và sứ mạng rao giảng Tin Mừng của các Giáo hội tại Châu Á.

Nước Thiên Chúa

Nước Thiên Chúa… hiện diện và hoạt động ở khắp mọi nơi. Ở đâu con người biết mở rộng lòng để đón nhận mầu nhiệm siêu việt của Thiên Chúa tác động trên họ, và biết vượt ra khỏi bản thân cá nhân mình để yêu mến cùng phục vụ anh chị em đồng loại, thì ở đó Nước Chúa đang thực sự hoạt động. Như BIRA IV/2 đã nhận định: “Nơi nào có người đón nhận Thiên Chúa, có người sống thật những giá trị của Phúc Âm, nơi nào biết tôn trọng phẩm giá con người, thì nơi đó Nước Thiên Chúa có mặt” (II, 1, FABC II, 423). Trong những trường hợp như thế, con người ứng đáp xứng đáng nghĩa cử Thiên Chúa ban tặng ân sủng qua Ðức Kitô trong Thần Khí, và bước vào Nước Thiên Chúa qua hành vi đón nhận của lòng tin. Văn kiện “Ðối thoại và Rao giảng” (Dialogue and Proclamation = DP) giải thích rằng “cụ thể mà nhận định, thì qua việc thành tâm thực thi những gì tốt lành trong các truyền thống tôn giáo của họ, và sống theo tiếng lương tâm cá nhân mình, tín đồ các tôn giáo khác tích cực đáp ứng lời Thiên Chúa mời gọi và nhận được ơn cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô, dù họ chưa nhận biết hay chưa nhìn nhận Ngài là Ðấng Cứu Ðộ của mình (xem AG 3,9,11; DP 29). Như vậy, dù không hay biết, họ cũngï trở thành những người được dự phần vào Nước Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô.

Ðiều đó cho thấy rằng Nước Thiên Chúa là một thực thể phổ quát, trải rộng hẳn ra ngoài biên giới của Giáo hội. Nước ấy chính là thực tại của ơn cứu độ trong Ðức Giêsu Kitô, – thực tại mà người kitô và những người khác đều cùng được thông dự vào, – và là “mầu nhiệm hiệp nhất” cơ bản có một sức nối kết bền sâu kiên vững hơn là lực phân rẽ mà những khác biệt về tín ngưỡng có thể khơi dậy để chia cắt chúng ta xa khỏi nhau. Nếu được hiểu như thế, thì dù có mang tính chất “quy-Vương quốc” (regnocentric), phương pháp nghiên cứu thần học truyền giáo cũng tuyệt nhiên không kéo theo một mối nguy nào cho viễn cảnh quy-Kitô của đức tin chúng ta; trái lại, tính chất “quy-Vương quốc” đòi phải có sự hiện diện của tính chất “quy-Kitô” và ngược lại, bởi lẽ chính ở trong Ðức Giêsu Kitô và qua biến cố Kitô, Thiên Chúa đã thiết lập Nước của Người ở trong thế giới và ở giữa lòng lịch sử nhân loại (xem RM 17-18).

Vai trò của Giáo hội

Trong thực thể phổ quát ấy của Nước Thiên Chúa, Giáo hội đóng giữ một vai trò độc đáo, không thay thế được. Ủy Ban Cố Vấn Thần Học của FABC đã đề cập rõ đến điểm này khi viết như sau trong tài liệu “Luận đề về Công cuộc Ðối thoại Liên tôn” (1987) do chính Ủy Ban đề xuất: “Trọng tâm của sứ mạng rao truyền Phúc Âm mà Giáo hội đã lãnh nhận, là xây dựng Nước Thiên Chúa và xây đắp Giáo hội cho mãi có đủ khả năng mà phục vụ Nước Thiên Chúa. Do đó, Nước Thiên Chúa thì quảng bác mênh mông hơn Giáo hội bội phần. Giáo hội là bí tích của Nước Thiên Chúa, tức là làm biểu trưng, làm động lực cổ xúy cho Nước ấy, cũng như hằng quy hướng về với Nước ấy; nhưng, không bao giờ Giáo hội đặt mình ngang hàng với Nước ấy.”

Thông điệp Redemptoris Missio giải thích lý do tại sao trong tương quan với Nước Thiên Chúa mà mình được thiết đặt để phục vụ, Giáo hội lại đóng giữ một vai trò độc đáo và không thay thế được như vậy: “Ðành rằng Giáo hội không phải là cùng đích của chính mình, bởi lẽ Giáo hội đã được thiết đặt ở trong thế quy hướng về với Nước Thiên Chúa, và vì Giáo hội là hạt giống, là dấu chỉ và là khí cụ của Nước ấy. Tuy nhiên, dù có khác biệt với Ðức Kitô và Nước Thiên Chúa, thì Giáo hội cũng hằng liên kết một cách bất khả phân ly, với cả hai. Ðức Kitô đã cung ứng cho Giáo hội, Thân Thể của Ngài, đầy đủ những ân huệ và phương tiện cứu độ. Thánh Thần cư ngụ ở giữa Giáo hội, làm cho Giáo hội nên linh hoạt với những ân huệ cùng đoàn sủng đặc biệt, thánh hóa, chỉ đạo và thường xuyên canh tân Giáo hội (LG 4). Kết quả là giữa Giáo hội và Nước Thiên Chúa có một mối tương quan đặc thù độc đáo, và dù không phủ nhận hoạt động của Ðức Kitô và Thần Khí ngoài biên giới hữu hình của Giáo hội, thì mối tương quan này cũng đặt vào trong sứ mạng của Giáo hội một vai trò đặc thù và thiết yếu” (RM 18).

Vậy, như đã thấy rõ, nếu Giáo hội là bí tích của Nước Thiên Chúa, thì chính là vì Giáo hội là bí tích của Ðức Giêsu Kitô, mầu nhiệm cứu độ: Giáo hội có sứ mạng làm chứng và loan báo về Ngài. Ðối với Giáo hội, phục vụ Nước Thiên Chúa có nghĩa là loan báo về Ðức Giêsu Kitô. Ðể có điều kiện mà thi hành tác vụ ấyï, thì Giáo hội đã được Thần Khí ban cho những ân huệ cùng đoàn sủng đặc biệt. Do đó, Nước Thiên Chúa hiện diện cách đặc biệt ở trong Giáo hội như là thực thể ở trong bí tích; “Giáo hội là mầm giống, là dấu chỉ và là khí cụ” của Nước Thiên Chúa, và hằng quy hướng về với Nước ấy (RM 18).

Giáo hội theo tư cách là tôi tớ

Tuy nhiên, Giáo hội lữ hành đang tiến bước giữa dòng lịch sử, là một thực tại thuộc thể loại “dấu chỉ” và, như thế, cần phải sống và hành động đúng theo mẫu gương của Ðức Giêsu và Vương quốc Ngài: có vậy thì Giáo hội mới bảo toàn được phẩm chất của tác vụ làm chứng đã được trao phó, và mới có thể giữ cho sức năng làm dấu chỉ của mình khỏi bị suy suyển lu mờ đi. Vì thế, Giáo hội có bổn phận phải tự rập khuôn mình đúng theo mẫu gương của Thầy mình, là Ðấng đã tự ý trở thành nghèo để làm cho chúng ta nên giàu. Theo thần học, thì việc “tự hủy” ấy của Con Thiên Chúa nơi bản thân Ðức Giêsu Kitô, chính là lý do sâu xa cho thấy tại sao Giáo hội phải là một Giáo hội nghèo; còn việc Ngài đã nhận lấy thân phận “tôi đòi của Thiên Chúa” thì giải thích cho hiểu tại sao Giáo hội cần phải sống trọn thân phận làm tôi tớ để phục vụ. Thái độ đặc đãi mà bối cảnh xã hội Châu Á đòi hết thảy các Giáo hội địa phương phải có đối với người nghèo, là hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo hội, xét vì Giáo hội là bí tích chỉ về Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã tự biến mình trở thành nguời nghèo và đã mang lấy thân phận tôi đòi. Ðể có thể hoàn thành nhiệm vụ làm dấu chỉ hữu hiệu và làm chứng tá có sức thu phục, thì Giáo hội lữ hành, – không những xét theo tư thế của từng phần tử cá thể trong Giáo hội, mà còn theo cả tư cách “là một toàn bộ cơ cấu tổ chức loài người sống giữa trần thế nữa” – phải không ngừng canh tân và cải tạo chính mình (xem UR 6; DP 39).

Ðối thoại

Công cuộc đối thoại liên tôn mang một tầm trọng yếu đặc biệt tại Châu Á, bởi tại đây, các truyền thống tôn giáo lớn đang làm nguồn hứng tác động mạnh và gây ảnh hưởng lớn trên đời sống của hàng triệu người. Các tôn giáo Châu Á đã và đang làm cho mọi người phải kính phục, vì những giá trị thiêng liêng và nhân bản mà các tôn giáo ấy bảo toàn và cống hiến. Các giá trị ấy là những dấu chứng nói lên sự kiện lời Chúa và tác động phổ quát của Thần Khí hiện diện sống động ở trong các tôn giáo ấy. Do đó, các Giáo hội Châu Á ý thức rõ rằng việc lấy tinh thần tích cực xây dựng mà bắc nhịp cầu giao hảo với các cá nhân cũng như với các cộng đoàn thuộc các truyền thống tôn giáo ấy, là một phần cấu thành trong sứ mạng phúc âm hóa mình đã lãnh nhận. Ngoài ra, việc đối thoại như thế với các tôn giáo khác, sẽ dọn đường cho những hoạt động các tôn giáo cùng nhau tiến hành nhằm cổ xúy cho công bằng và hòa bình giữa xã hội; và đó là điều sẽ giúp cho các Giáo hội tại Châu Á chu toàn hữu hiệu hơn, vai trò tiên tri của mình.

Loan báo Tin Mừng

Qua những đường lối mà chỉ một mình Thiên Chúa biết, Thánh Thần ban cho hết mọi người cơ hội gặp gỡ với Mầu nhiệm Phục sinh của Ðức Giêsu Kitô, để nhờ thế mà có thể nhận được ơn cứu độ (xem GS 22). Là dấu chỉ hữu hình và là bí tích của mầu nhiệm cứu độ, Giáo hội có khả năng độc đáo trong việc tạo cho con người cơ hội dự phần vào mầu nhiệm cứu độ theo một cách thức hoàn toàn [phù hợp với bản tính] con người. Chỉ một mình Giáo hội mới có khả năng giúp cho con người biết rõ được về Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ và là Chúa của loài người, và mời gọi họ đến để cùng nhau hân hoan kính mừng mầu nhiệm Vượt qua nơi bàn tiệc Thánh Thể với trọn cả tâm lòng tạ ơn. Ðời sống Giáo hội là môi trường duy nhất trong đó mầu nhiệm ơn cứu độ xuất hiện rõ ràng và trọn vẹn. Và chỉ ở trong đời sống ấy, các con cái Thiên Chúa mới có thể ý thức trọn vẹn được ý nghĩa của việc thông dự vào địa vị làm con của Con Thiên Chúa. Do vậy, công cuộc loan báo Tin Mừng mà Giáo hội tiến hành, quả là lời đáp lại những ước vọng và hoài bảo thâm sâu nhất của tâm lòng con người hằng mong sớm được giải phóng và hưởng được sự sống toàn vẹn. Nơi môi trường Giáo hội, hạt giống Lời Chúa sẵn có mặt trong các truyền thống tôn giáo khác sẽ mọc lên cho đến hồi chín muồi và cho đến độ sung mãn. Ðó là cách thức Giáo hội chia sẻ với những người khác “các ân huệ và phương thế cứu độ dồi dào phong phú” (RM 18) đã được Ðức Chúa, là Thầy của mình, ban cho.

Quả thế, động lực thúc đẩy Giáo hội loan báo về Ðức Giêsu Kitô, phát sinh từ thái độ sẵn sàng tuân hành mệnh lệnh của Ðức Chúa phục sinh (Mt 28,18-20). Tuy nhiên, việc nhận thức rõ hơn về sứ mạng của Giáo hội trong bối cảnh Châu Á, cũng giúp khám phá ra được những động lực có thể nói là sâu xa hơn nữa. Một cách nào đó, tín hữu các tôn giáo khác quả đã được thông phần vào trong mầu nhiệm cứu độ. Nếu tha thiết yêu thương Thầy mình, thì Giáo hội sẽ cảm thấy cần phải chia sẻ với họ những gì mà chỉ một mình Giáo hội mới có để cống hiến: Tin Mừng thông báo cho biết rằng ở nơi Ðức Giêsu Nadarét, con người tìm thấy được gương mặt người của Thiên Chúa và ơn cứu độ Người ban ra. “Trọng tâm của mầu nhiệm tình yêu là đấy” (DP 83).

Trong phần cuối văn kiện đúc kết, khóa tham khảo thần học Hua Hin đã nói lên giấc mơ về một “Giáo hội tôi tớ” như sau:

Chúng tôi mơ về một Giáo hội tôi tó: tôi tớ của Thiên Chúa, tôi tớ của Ðức Kitô, tôi tớ phục vụ phương án cứu độ, tôi tớ của cả các dân tộc Châu Á nữa, tôi tớ của biết bao hoài bảo, ước mơ và khát vọng mãi ấp ủ sâu trong đáy lòng họ, tôi tớ phục vụ tín đồ các tôn giáo khác, tôi tớ của mọi người vì lợi ích của tất cả. Giáo hội tôi tớ là Giáo hội không tự phụ, không yêu sách. Giáo hội tôi tớ là Giáo hội không khăng khăng đòi cho được quyền lợi của mình, biết sẵn sàng giúp đỡ mà không mếch lòng khi gặp thái độ thờ ơ chối từ. Giáo hội tôi tớ là Giáo hội biết lặng thinh khi bị bỏ quên, khi bị gạt ra một bên hay là bị ngược đãi.

Trong một Giáo hội tôi tớ, ngay cả các cơ cấu tổ chức cũng chỉ là để phục vụ Tin Mừng và con người… Ðó là Giáo hội lữ hành đang trên đường hướng tới Nước Trời, và trước hết, đó là một cộng đồng đức tin, có sức biểu đạt cùng công bố các giá trị của Nước Trời mà không hề tự đặt mình làm trung tâm. Như thế, trong phạm vi thần học, không tự coi mình là trọng tâm, Giáo hội ấy đặt Ðức Kitô ở tâm điểm. Trong giáo huấn, Giáo hội ấy phân biệt minh bạch giữa Tin Mừng và giáo lý mình đưa ra nhằm giải thích Tin Mừng. Trong đời sống hằng ngày, Giáo hội ấy đặt việc sống sự thật lên trước các công thức giáo lý, chăm lo nêu cao các giá trị của Nước Trời hơn là để tâm đến những giá trị gặp thấy nơi các tầng lớp tinh hoa trong xã hội địa phương. [Trong Giáo hội ấy] không có tình trạng phân cách tách biệt giữa vai trò công vụ và đức tin cá nhân, cũng như không có cảnh chia rẽ đố kỵ giữa hàng lãnh đạo có chức thánh và tổng thể cộng đồng Giáo hội.

Vậy, dù quan điểm về Nước Thiên Chúa mà bài viết đề xuất, và viễn ảnh do Hội nghị Hua Hin gợi lên về Nước Thiên Chúa, không hoàn toàn nhất trí với nhau, thì cả hai cũng đều hướng về cùng một phía. Như thế, có thể kết luận rằng đó đúng là con đường cần phải đi trong nỗ lực canh tân các ngành thần học về các tôn giáo và về hoạt động truyền giáo, về công cuộc đối thoại liên tôn và về tác vụ loan báo Tin Mừng.

Felipe Gómez Ngô Minh chuyển ngữ