Hợp Tuyển Thần Học

Giáo Hội Dấn Thân Vào Đời Sống Xã Hội – Nền Tảng Thần Học Theo H.U. Balthasar Và Hệ Luận Mục Vụ

Giáo Hội Dấn Thân Vào Đời Sống Xã Hội – Nền Tảng Thần Học Theo H.U. Balthasar Và Hệ Luận Mục Vụ

Mục Lục

Trong Phúc Âm theo thánh Matthêu, khi bị người Do-thái chất vấn để gài bẫy Người, Chúa Giêsu đã trả lời như sau: “Trả cho Caesar cái gì thuộc về Caesar, trả cho Thiên Chúa cái gì thuộc về Thiên Chúa” (Mt 22,21). Câu nói này có hàm nghĩa rất lớn và mang tính định hướng khi áp dụng vào mối tương quan giữa Giáo Hội và xã hội dân sự. Nhưng câu này có ý nghĩa gì? Một cách trực tiếp, nó gây bối rối và nêu vấn đề về việc Kitô hữu có nên phục tùng quyền bính dân sự hay không, và tới mức độ nào. Liệu Chúa Giêsu có khuyến khích các môn đệ phải phục tùng quyền bính dân sự của Caesar? Hay Ngài nói họ có thể phản kháng Caesar, thực hiện việc “bất tuân dân sự”, vì phải phục tùng Thiên Chúa?

Hơn nữa, một cách gián tiếp, câu nói trên còn đặt ra vấn đề về khả thể và mức độ dấn thân của Kitô hữu vào trong xã hội dân sự. Câu nói này thực chất có thể được hiểu và diễn giải theo cả hai hướng, tạo ra một sự quân bình vốn là nguyên lý của thái độ và mối tương quan của Giáo Hội với xã hội dân sự. Nhưng trong thực tế cuộc sống, nguyên lý quân bình này lại là một điểm cân bằng mong manh khó nhận ra và khó đạt được đối với nhiều Kitô hữu. Họ có thể bị phân vân giữa hai quan điểm sau.

Một mặt, họ có thể nghĩ rằng Giáo Hội là hình ảnh của Nước Trời, vốn không thuộc thế giới này (x. Ga 18,36) nhưng lại mở rộng đón nhận tất cả mọi người (x. Lc 14,15-24), nên Giáo Hội không nên can dự vào đời sống dân sự, một việc vốn rất dễ bị chi phối bởi các động lực chính trị hay lợi ích phe nhóm. Khi can dự vào đời sống xã hội, Giáo Hội rất dễ bị xem là có động cơ chính trị, đứng về một phe, một đảng phái hay thế lực chính trị nào đó, và vì thế bị các nhóm dân khác coi là thù địch hay loại trừ. Điều này đánh mất tính phổ quát, Công giáo và cánh chung của Giáo Hội.

Mặt khác, họ cũng có thể nghĩ rằng đức tin phải được thể hiện trong cuộc sống, mà Kitô hữu không chỉ sống trong nhà thờ, họ còn sống trong mọi môi trường xã hội dân sự như bao người khác. Đức tin không chỉ là thái độ của tâm trí, mà còn phải được thực thi bằng hành động trong toàn bộ đời sống Kitô hữu (x. Gc 2,14-26), trong đó có đời sống công cộng và dân sự. Thờ phượng Thiên Chúa nhất thiết phải bao hàm và đi đôi với việc yêu thương và phục vụ anh chị em đồng loại. Như vậy, Giáo Hội không thể tách mình hay khoanh tay đứng nhìn khi xã hội dân sự lâm nguy, gặp khó khăn hay cần giúp đỡ, mà cần phải tham dự, can thiệp và nâng đỡ xã hội dân sự về mọi mặt, đặc biệt là trong việc định hướng đạo đức cho người dân và cho những thiết chế của xã hội.

Cả hai quan điểm đều có phần đúng và có nền tảng trong Thánh Kinh cũng như trong giáo huấn của Giáo Hội. Cụ thể, trong Thánh Kinh, chúng ta nhận thấy điều đó nơi chính gương sống của Chúa Giêsu, vốn đã thể hiện điểm cân bằng tinh tế, bao hàm những mặt tích cực của cả hai quan niệm nêu trên. Một mặt, Ngài đã tích cực tham gia vào đời sống cộng đồng, cả ở chiều kích xã hội lẫn tôn giáo. Ngài không chỉ thờ phượng Thiên Chúa trong hội đường hay Đền Thờ; Ngài không chỉ cầu nguyện riêng tư với Chúa Cha; Ngài thực thi Ý Cha qua việc gặp gỡ, tiếp xúc và đối thoại với con người. Ngài quan tâm tới việc ăn uống của họ (x. Mc 8,1-10), việc họ cưới vợ gả chồng (x. Mc 10,1-12) và bệnh tật của họ (x. Mc 1,32-34). Ngài phát biểu những điều liên quan tới vua Hêrôđê và giới lãnh đạo tôn giáo (x. Mc 8,15; 12,38-40; Lc 13,32). Mặt khác, khi được tôn làm vua, Ngài đã từ chối và trốn đi (x. Ga 6,15); Ngài không thuộc về hay ủng hộ một phe phái chính trị hay tôn giáo nào. Như thế, qua cách hành xử và lối sống của Ngài, chúng ta thấy Ngài chính là hiện thân của Nước Trời vốn không thuộc thế giới này mà lại đi vào và nảy mầm trong thế giới này. Lối sống đó của Chúa Giêsu trở nên kim chỉ nam cho Giáo Hội và từng cá nhân Kitô hữu trong việc dấn thân xã hội.

Đâu là ý nghĩa thần học của cách hành xử đó của Chúa Giêsu? Trong bài viết này, chúng ta, dựa vào cách diễn tả của thần học gia Hans Urs von Balthasar, cùng tìm hiểu nền tảng thần học rút ra từ lối sống của Chúa Giêsu, làm nguyên lý cho việc phân định, thái độ và cách thức Kitô hữu dấn thân vào xã hội.

Để phân định đúng đắn cách thức dấn thân của Giáo Hội vào xã hội, chúng ta cần hiểu đúng bản chất của Giáo Hội như Nước Thiên Chúa giữa trần gian; rồi từ đó hiểu đúng mối tương quan của Giáo Hội với thế giới; chúng ta cũng cần tìm hiểu quan niệm của Giáo Hội về thế nào là sự tiến bộ đích thực của thế giới. Nhưng trước khi đi vào tìm hiểu những điều đó, chúng ta cùng lắng nghe thần học gia Balthasar[1] nói gì về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, cũng như về mối tương quan giữa trời và đất, là hai hình ảnh mà Thánh Kinh dùng khi nói về tương quan giữa Thiên Chúa và con người.

Phạm trù “tấn kịch”

Trước hết, để hiểu hơn mối tương quan của Giáo Hội với thế giới, chúng ta thử tham khảo cách thần học gia Balthasar hiểu mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người. Đối với ông, mối tương quan đó là một thực tại phong phú, phức tạp, mà chỉ khái niệm “tấn kịch” mới có thể diễn tả cách khá chân thực. Chính Thánh Kinh cũng đã trình bày chương trình cứu độ như một tấn kịch, tức có sự tương tác qua lại giữa các “vai” hay “hành viên” hay “tác viên”, đó chính là Thiên Chúa, con người, và trung gian giữa hai “vai” đó – Đức Kitô Giêsu. Nếu không quan niệm thực tại cứu độ như một tấn kịch, và các vai đều có những vai trò tác động cũng như đón nhận, thì chúng ta sẽ rơi vào những khúc mắc thần học và quan niệm sai về vai trò của Thiên Chúa cũng như của con người: chẳng hạn như, hoặc chúng ta sẽ gán cho Thiên Chúa mọi trách nhiệm trên những gì diễn ra trong lịch sử, bao gồm cả tội lỗi con người; hoặc chúng ta sẽ không thể trình bày đúng đắn và đầy đủ Ngài là chủ tể của lịch sử thế nào. Phạm trù tấn kịch giúp chúng ta vừa có thể quan niệm Thiên Chúa là chủ tể, tác giả duy nhất của thế giới và lịch sử vừa có thể quan niệm đúng đắn về sự tự do và vai trò của con người[2].

Thực vậy, chính phạm trù tấn kịch mới lột tả được hết tính phức tạp và ý nghĩa năng động, sâu xa của mối tương quan giữa Thiên Chúa với con người. Một mối tương quan không có kịch tính là một mối tương quan không có gì để kể lại, và vì thế có thể nói là nhạt nhoà, vô nghĩa. Mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người thì ngược lại, có rất nhiều điều đáng để nói về. Đó là mối tương quan không êm xuôi, bình lặng, nhưng được đánh dấu bởi những mong chờ bị thất đoạt, những lấy ân báo oán, v.v. từ phía Thiên Chúa và bởi những vong ân bội nghĩa, những lấy oán báo ân, v.v. từ phía con người. Đó có thể nói là một mối tương quan đầy kịch tính.

Trong phạm trù tấn kịch, chúng ta có các khái niệm như sân khấu, kịch bản, vai hay hành viên/tác viên. Chỉ riêng khi nói về sân khấu của tấn kịch cứu độ, vốn diễn ra trong trời đất này, mối tương quan mang kịch tính giữa trời và đất cũng có thể soi sáng cho ta hiểu về mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới.

Tương quan kịch tính giữa trời và đất[3]

Trời và đất, hai hình ảnh được dùng trong Thánh Kinh, có một mối tương quan bao hàm những mặt nghịch lý. Một mặt, trời và đất cùng thuộc về một trật tự sáng tạo, là công trình thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên (x. St 1–2). Khác với quan niệm thần hoá trời trong các tôn giáo khác, Thánh Kinh cho rằng trời vẫn bao gồm các vật thụ tạo, dưới quyền Thiên Chúa, Đấng siêu vượt trên cả trời lẫn đất (x. Tv 113,6; 148,13). Mặt khác, trời cũng được quan niệm như là ngai của Thiên Chúa, nơi Ngài ngự trị (x. Tv 115,16) và từ đó ban phước lành cho đất và con người cư ngụ trên đó (x. Tv 78,23tt; 105,40), cũng như phán xét hay trừng phạt họ (x. Tv 14,2; St 19,24). Như vậy, một mặt, trời thuộc cùng một trật tự, bình diện với đất; mặt khác, trời cũng trổi vượt hơn đất và là trung gian qua đó, Thiên Chúa ban phúc lành cho đất.

Còn có một nghịch lý khác trong mối tương quan này: một mặt, đất phải trông chờ và đón nhận mọi phúc lộc từ trời (x. Ep 1,3); mặt khác, đất cũng nỗ lực để trổ sinh hoa trái. Đất được ban cho khả năng cưu mang và sinh hoa trái (x. St 1; Is 61,11), đến nỗi mà phúc lộc cũng có thể được coi là nở ra từ đất và trời lệ thuộc cách nào đó vào đất trong tiến trình làm cho hoa trái trổ sinh. Chính trời đã tự hoá ra không, tự gắn mình lệ thuộc vào đất. Nhưng đây không phải là dấu hiệu của sự giới hạn của trời, mà là một sự tự huỷ thuộc về bản chất của trời và chính là cách thức qua đó trời tuôn đổ phúc lộc xuống cho đất.

Từ những suy tư trên của thần học gia Balthasar, chúng ta có thể rút ra một số hệ luận về cách Thiên Chúa tương tác với thế giới trong đó có con người: 1) Ngài tuy siêu việt, nhưng đã chọn ở gần và tương tác với thế giới loài người qua trung gian; trung gian này vừa thuộc cùng một bình diện với thế giới vừa trổi vượt vì là nơi Thiên Chúa chọn ngự trị. 2) Ngài là tác giả duy nhất của mọi phúc lộc mà thế giới có được; tuy nhiên, Ngài cũng chờ đợi nơi thế giới một sự “tự lập” hay “tự lực cánh sinh” nhất định, để qua đó, Ngài làm cho những phúc lộc đó sinh hoa trái.

Chúng ta cũng có thể nói thêm rằng mối tương quan bao hàm những mặt nghịch lý này giữa trời và đất được kết tinh và thể hiện cách rõ nét nơi một nhân vật, Đấng vừa thuộc về trời, vừa thuộc về đất; Đấng từ trời xuống, nhưng rong ruổi trên đất. Ngài sống trên mặt đất này nhưng ý thức và luôn hướng về nguồn gốc của mình nơi trời cao. Ngài giống như chúng ta mọi đàng, nhưng đồng thời Ngài cũng trổi vượt hơn mọi người gấp bội và là Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Ngài là kết quả của sự giao thoa giữa trời và đất: là hiện thân của hoa trái mỹ mãn của trái đất này, được sinh ra bởi một người phụ nữ – con cháu Adam – như bao người trên mặt đất, nhưng cũng là phúc lộc có một không hai do Thiên Chúa từ trời ban xuống.

Bản chất của Giáo Hội trong tương quan với thế giới

Diễn giải như trên về mối tương quan kịch tính giữa trời và đất, vốn là sân khấu của mối tương quan kịch tính giữa Thiên Chúa và thế giới, soi sáng cho ta thấy bản chất của Giáo Hội cũng như của mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới. Vì là hiện thân của Nước Trời hay Nước Thiên Chúa giữa trần gian này, nên Giáo Hội chính là nơi mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa bắt đầu và diễn ra giữa thế giới này. Nói cách khác, Giáo Hội chính là sân khấu diễn ra mối tương quan kịch tính giữa Thiên Chúa và con người. Chính trong lòng Giáo Hội mà tấn kịch cứu độ được diễn ra, nơi đó Thiên Chúa luôn đi tìm và cứu độ con người qua mầu nhiệm Thập giá của Đức Kitô, mặc dù bị họ chối từ và phản bội.

Nhưng mặt khác, Giáo Hội cũng là “trời”, vốn thuộc cùng bình diện thụ tạo như “đất” là thế giới này, nhưng được Thiên Chúa chọn làm nơi Ngài ngự, và vì thế mà trổi vượt và tách biệt khỏi thế giới, đồng thời trở nên trung gian qua đó mà Thiên Chúa ban ơn giáng phúc cho thế giới.

Là Thân Mình của Đức Kitô – Đấng kết tinh nơi mình mối tương quan giữa trời và đất – Giáo Hội cũng mang những nét nghịch lý của mối tương quan kịch tính đó. Giáo Hội thuộc về Thiên Chúa (vì là Dân của Thiên Chúa, Thân Mình của Đức Kitô và Đền Thờ Chúa Thánh Thần), nhưng cũng đang rong ruổi giữa thế giới. Giáo Hội sống giữa thế giới, phải dấn mình vào thế giới, nhưng luôn ý thức và hướng về nguồn gốc của mình nơi Trời cao. Giáo Hội là công trình của Thiên Chúa, là phúc lộc của Ngài ban cho trần gian, nhưng cũng bao gồm những con người đầy giới hạn và tội lỗi mà nỗ lực đáp lời của họ luôn được Thiên Chúa chờ đợi để nhờ đó Ngài có thể giáng phúc cho trần gian.

Như vậy, sự tương tác của Thiên Chúa với thế giới diễn ra ngay bên trong Giáo Hội, và nối dài ra trong mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới. Vì thế, đặc tính của mối tương quan giữa Giáo Hội và thế giới bị quy định bởi chính cách thức mà Thiên Chúa tương tác với thế giới. Nói cách khác, cách thức dấn thân bao hàm những mặt nghịch lý mà Giáo Hội thực hiện khi đi vào thế giới phải đến từ chính Thiên Chúa, từ cách thức mà Ngài tương tác với thế giới, chứ không phải do tính toán hay sự cẩn trọng mang tính chính trị hay xã hội thuần tuý. Sứ mạng của Giáo Hội chỉ đơn thuần là sự nối dài và xuất phát từ bản chất của Giáo Hội như là nơi Thiên Chúa hoạt động giữa trần gian. Sứ mạng đó mang nét tinh tế của một sự cân bằng mong manh là bởi vì chính bản chất của Giáo Hội bao hàm một sự nghịch lý nơi mình trong tương quan với thế giới.

Sự tiến bộ đích thực của thế giới

Thần học gia Balthasar phân biệt giữa phát triển và tiến bộ. Phát triển là sự triển nở của cái có sẵn, mang tính cách nhân rộng về lượng chứ không phải làm xuất hiện cái mới về chất, vốn là đặc tính của sự tiến bộ. Việc phát minh ra máy tính là điển hình của sự tiến bộ; việc sản xuất nhiều máy tính để nó trở nên phổ biến, đó là ví dụ của sự phát triển.

Tác giả cho rằng thế giới nếu có tiến bộ thì cũng không phải do sự nhân rộng về của cải vật chất hay của sự làm chủ trên thiên nhiên bằng khoa học kỹ thuật, vốn là hiện tượng của sự phát triển, mà là do những đột phá của tinh thần[4]. Nói cách khác, vì là thế giới của con người và chỉ có thể được thúc tiến bởi con người, vốn là tinh thần nội thể, thế giới tiến bộ chỉ do tinh thần chứ không do vật chất. Khoa học kỹ thuật có thể giúp con người làm chủ thiên nhiên và tạo ra nhiều của cải nhưng không hẳn làm cho con người tiến bộ, mà trái lại, có thể làm cạn kiệt tài nguyên và biến thế giới thành nơi chứa những bộ máy chứ không còn là thế giới của những chủ thể tự do và ý thức. Đó chính là ngày tàn của con người như là tinh thần nội thể và của thế giới như là hệ sinh thái hay cơ thể sống động vậy.

Thật vậy, ta có thể nói, sự tiến bộ có thể mang lại và đi đôi với sự phát triển, nhưng sự phát triển chưa hẳn là dấu hiệu của sự tiến bộ. Một dân tộc văn minh có thể sẽ xây dựng và phát triển đất nước họ cách vững bền, nhưng việc ồ ạt xây dựng những cơ sở hạ tầng vĩ đại chưa hẳn là dấu chỉ cho sự tiến bộ của một cộng đồng dân cư, nhất là khi việc xây dựng đó phá vỡ môi trường sống cân bằng và lành mạnh, cả về mặt sinh thái lẫn xã hội.

Sở dĩ ta có thể nói rằng tiến bộ là kết quả của hoạt động của tinh thần, đó là vì tự bản chất, tinh thần luôn ở trong năng động vươn lên mãi, hướng tới Chân Thiện Mỹ. Năng động này luôn thúc đẩy tinh thần vượt lên trên chính mình, và vì thế phát sinh cái mới; đó chính là nguyên lý của sự tiến bộ. Như vậy, nếu quan niệm Chân Thiện Mỹ là những khái niệm siêu nghiệm, vượt lên trên mọi kinh nghiệm cụ thể của tinh thần, thì ta cũng có thể nói thêm rằng, sự tiến bộ thực sự, điều mà tinh thần nhắm đến cách tận cùng, nằm ở chiều dọc, chứ không phải chiều ngang của hành trình của tinh thần. Nói cách khác, đích nhắm thật sự của sự tiến bộ không thể được tìm thấy trong hành trình lịch sử (chiều ngang), mà chỉ ở thế giới của Siêu Việt mà thôi, nơi tinh thần đang hướng tới theo chiều dọc. Trong lịch sử, tinh thần có thể sẽ luôn tiến triển, nhưng vẫn chỉ là tiệm cận chứ không bao giờ đạt được chính Chân Thiện Mỹ, điều mà nó hướng tới. Hay nói cách khác, sự tiến triển trong lịch sử thực chất là dấu chỉ của sự tiến bộ của tinh thần hướng về Siêu Việt. Chính Siêu Việt là nguyên lý, động lực và cứu cánh cho sự tiến triển của tinh thần trong chiều dài lịch sử.

Giáo Hội dấn thân vào thế giới

Từ những suy tư và hệ luận thần học nêu trên, trong phần này chúng ta sẽ rút ra những kết luận cụ thể về động lực và cách thức của việc Giáo Hội dấn thân vào thế giới trần thế.

Động lực của việc dấn thân

Từ sau công đồng Vatican II, có một sự đồng thuận cách chung trong quan điểm cho rằng Giáo Hội cần và phải dấn thân vào thế giới, cụ thể là vào xã hội dân sự. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có sự rõ ràng trong quan niệm về lý do hay mục đích của việc dấn thân đó. Giáo Hội dấn thân vì mình hay vì thế giới? Để tạo ảnh hưởng về chính trị và xã hội hay để góp phần làm cho thế giới này tốt đẹp hơn? Tất cả những mục đích được đề cập trong các câu hỏi nêu trên đều không chính xác: những điều thuộc vế thứ nhất của từng câu hỏi thì hoàn toàn sai lạc, những điều thuộc vế thứ hai thì cũng chưa rõ ràng chắc chắn. Thế nào là vì thế giới? Thế nào là làm cho thế giới tốt đẹp hơn? Đâu là tiêu chuẩn xác định hay đo lường sự tốt đẹp đó?

Những suy tư ở các phần trên cho chúng ta thấy được nền tảng thần học của việc Giáo Hội dấn thân vào thế giới trần thế: Chỉ Thiên Chúa, chứ không phải bản thân Giáo Hội hay thế giới, mới là nguyên lý, lý do và động lực cho việc dấn thân của Giáo Hội. Giáo Hội dấn thân không vì lý do gì khác hơn là thực hiện và tiếp diễn chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như là một tấn kịch của sự tương tác giữa Ngài với con người. Như vậy, việc dấn thân là đương nhiên, vì nó thuộc về chương trình cứu độ của Thiên Chúa và thuộc về bản chất của Giáo Hội, nơi mà từ đó và qua đó, Thiên Chúa bắt đầu chương trình cứu độ thế giới.

Giáo Hội dấn thân không vì một tính toán cho riêng mình, cũng không phải chỉ theo đòi hỏi của thế giới, mà đơn giản là để phúc lộc của Thiên Chúa được trổ sinh hoa trái, theo đúng bản chất của phúc lộc ấy (x. Is 55,10-11).

Hơn nữa, vì là công trình của Thiên Chúa, Giáo Hội phải tương tác với thế giới theo cách thức mà Thiên Chúa tương tác với con người trong tấn kịch cứu độ, một thực tại phong phú bao hàm những mặt nghịch lý. Vì bản chất Giáo Hội là tuy thuộc về thế giới nhưng đã được tách ra khỏi thế giới, tuy thuộc về Thiên Chúa mà vẫn được gieo vào trong thế giới, nên sứ mạng của Giáo Hội đối với thế giới cũng mang những nét nghịch lý như vậy. Cách thức đặc thù của sứ mạng này có thể được tóm gọn trong những điểm cụ thể sau:

Hiện thân của Nước Trời giữa trần gian

Vì Thiên Chúa đã chọn đi vào và ở giữa trần gian, vì Nước Trời phải được hiện thực hoá ở đây trong thế giới này, Giáo Hội sẽ không rút mình một cách tiêu cực ra khỏi thế giới. Cụ thể, Giáo Hội không cho phép mình vô cảm trước những khắc khoải, mong đợi, lo âu và hy vọng của con người thời đại. Giáo Hội không cho phép mình nhát đảm hay viện cớ để thoái lui, mà phải cùng đồng hành và cổ võ con người thời đại trong hành trình đi tìm và đấu tranh cho Chân Thiện Mỹ.

Như Thiên Chúa luôn kiên nhẫn đợi chờ thế giới đáp lời và trổ sinh hoa trái, Giáo Hội cũng sẽ tôn trọng và tin tưởng để con người thời đại, trong tự do và ý thức, nhận ra, đón nhận và hiện thực hoá ân sủng tốt lành mà Thiên Chúa dành cho mình. Giáo Hội sẽ tôn trọng quy chế tự lập của các định chế xã hội hay văn hoá của con người trong khi vẫn đồng hành, hướng dẫn và định hướng các quy chế đó theo đúng tinh thần của Đức Kitô. Trong khi dấn thân, Giáo Hội sẽ học hỏi và sử dụng những tri thức và phương tiện trần thế hữu ích về khoa học, chính trị, xã hội, kinh tế, tâm lý, v.v. để mang lại lợi ích thiết thực và bền vững cho con người.

Trong khi đồng hành với thế giới, Giáo Hội chắc chắn sẽ gặp phải những hiểu lầm, nghi kỵ, chống đối. Vì Thiên Chúa chọn dấn thân với con người trong mối tương quan kịch tính, Giáo Hội cũng không cho phép mình thất vọng nản chí, nhưng phải là biểu hiện của lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa, luôn chấp nhận yêu thương, chờ đợi và đi tìm con người, dù bị từ chối và phản bội.

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Giáo Hội dấn thân một cách thiết thực, vào những vấn đề cụ thể của thế giới và xã hội loài người, nhưng sẽ không bao giờ được trở thành hay vận hành như một đảng phái hay thế lực trong số những đảng phái hay thế lực trần thế khác. Cũng vậy, Giáo Hội quan tâm đến con người và nhu cầu của họ, nhưng không chỉ thuần tuý cậy dựa vào những phương tiện và công cụ trần thế trong khi tìm cách thoả đáp cách sâu xa và thiết thực những nhu cầu đó. Giáo Hội sẽ nại đến các phương thế thiêng liêng và cuối cùng là đến chính Thiên Chúa như là giải pháp tối hậu cho các vấn đề của con người hôm nay. Cầu nguyện và phượng tự là những phương cách không thể thiếu trong quá trình dấn thân của Giáo Hội. Vì dấn thân xã hội thực chất là việc của Thiên Chúa làm ngang qua Giáo Hội, việc đó chỉ được thi hành các đúng đắn khi Giáo Hội rút hứng khởi và nguồn lực dấn thân của mình từ Thiên Chúa, bằng việc tiếp xúc với Ngài trong cầu nguyện và qua các bí tích.

Chúng ta sẽ càng nhận thấy tầm quan trọng của cầu nguyện và phượng tự hơn khi xét một trong những vấn nạn phổ biến hiện nay: đứng trước một hiện trạng xã hội tiêu cực, làm sao Giáo Hội biết có cần lên tiếng hay can dự hay không, lúc nào và với cách thức nào? Đối với trường hợp nào thì Giáo Hội nên can thiệp, trường hợp nào thì không nên? Đây là những câu hỏi không thể có câu trả lời đại trà cách máy móc, mà liên quan đến khả năng phân định, là khả năng nhận biết và thực thi Ý Chúa muốn trong từng trường hợp cụ thể. Khả năng này chỉ có thể có được qua cầu nguyện và các phương cách luyện tập tu đức để nhạy bén với sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa.

Vì sự tiến bộ đích thực của nhân loại và thế giới

Việc dấn thân của Giáo Hội không chỉ mang tính cổ võ, khích lệ hay nêu gương nhưng phải mang lại lợi ích đích thực và sự tiến bộ thực chất cho nhân loại, vốn là ý nghĩa căn bản của ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho họ nơi Đức Kitô. Như đã nói trên, sự tiến bộ đích thực có được là do năng động của tinh thần vươn lên tới Chân Thiện Mỹ. Sự tiến bộ này chắc chắn bao hàm chiều kích thể lý và những gì liên quan về mặt kinh tế, xã hội, tâm lý, và một số phương diện khác, nhưng chủ yếu hệ tại ở chiều kích tinh thần, vốn chính là mối tương quan của con người với Thiên Chúa.

Giáo Hội dấn thân chính yếu không phải là để làm gia tăng của cải vật chất cho thế giới, cũng không chỉ là để con người có môi trường sống tốt hơn về mọi mặt, mà là để đưa con người đến với Thiên Chúa, Đấng vẫn đang đi tìm và chờ đợi họ đáp lời. Chỉ như thế, nhân loại mới thực sự tiến bộ và, cùng với họ, thế giới mới thực sự tiến bộ mà không bị khai thác đến độ cạn kiệt.

Kết luận

Nền tảng thần học rút ra từ lối sống của Chúa Giêsu cho thấy Giáo Hội đương nhiên và nhất thiết cần phải dấn thân vào trong đời sống và các hoạt động của xã hội, vì đây là điều thiết yếu thuộc về bản chất của Giáo Hội như là nơi Thiên Chúa chọn tại trần gian để hiện diện và hoạt động cứu độ con người. Mặt khác, Giáo Hội cũng ý thức căn tính đặc thù của mình, và cùng với điều ấy là cách thức dấn thân đặc thù của mình, theo gương mẫu của chính cách thức mà Thiên Chúa, qua Đức Kitô, tương tác với con người.

Những quyết định liên quan đến những tình huống cụ thể sẽ được thực hiện bằng thái độ và phương thế phân định thiêng liêng, cá nhân cũng như tập thể, để tìm ra, trong cầu nguyện và qua việc lãnh nhận các ân sủng bí tích, đâu là Ý Chúa muốn chúng ta thực hiện ở đây và lúc này.


 

[1] Ở đây, chúng tôi không có ý trình bày một khảo luận đầy đủ hay toàn bộ về tư tưởng của tác giả liên quan đến những vấn đề trên, mà chỉ nại đến một số trình bày của tác giả ở một số bản văn nhất định, để từ đó rút ra những suy tư về chủ đề của bài viết.

[2] Đây là quảng diễn của điều tác giả nói trong Theo-drama: Theological Dramatic Theory, Vol I: Prologomena, trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1988), 48-50. Quý độc giả cũng có thể xem các trang 25-48, trong đó tác giả nói các vấn đề khác của thần học cũng được thâu tóm và giải đáp bằng phạm trù “tấn kịch” thế nào.

[3] X. Hans Urs von Balthasar, Theo-drama: Theological Dramatic Theory, Vol II: The Dramatis Personae: Man in God, trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1990), 173-188.

[4] X. Theo-drama: Theological Dramatic Theory, Vol IV: The Action,
trans. Graham Harrison (San Francisco: Ignatius Press, 1994), 87-94.