Hợp Tuyển Thần Học

Đức Mến, Không Phải Công Lý, Là Yếu Tố Tạo Thành Của Sứ Mạng Giáo Hội

Đức Mến, Không Phải Công Lý, Là Yếu Tố Tạo Thành Của Sứ Mạng Giáo Hội

Mục Lục

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI thường nói rằng ngài mong muốn trình bày Giáo Hội và Tin Mừng mà Giáo Hội rao giảng không như những phủ định, nhưng như những khẳng định về nhân loại và về dấu chỉ của niềm hy vọng. Đồng thời, ngài cũng khẳng định rằng Giáo Hội và Tin Mừng phải được minh họa như một sự thể hiện của tình yêu Thiên Chúa cho con người cách nhưng không và huyền nhiệm. Đức Thánh Cha hoàn thành những điều ngài mong ước trên trong một thông điệp quan trọng: Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est).[1]

Phần 1 của thông điệp này đề cập đến tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội. Trong khi đó, bằng những cách nói cụ thể, phần 2 mô tả sự phục vụ của đức mến mà Giáo Hội phải thực hiện để đáp lại tình yêu mà Giáo Hội nhận được từ Đức Kitô. Trong phần 2 này, Đức Thánh Cha tái sử dụng một thuật ngữ đến từ giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Thuật ngữ này đã bị lãng quên kể từ khi Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới vào năm 1971 lần đầu tiên sử dụng nó. Thuật ngữ này được gọi là “yếu tố tạo thành”[2] (constitutive). Các giám mục hiện diện tại Thượng Hội Đồng đó đã tuyên bố rằng: “Đối với chúng tôi, hành động vì công lý và tham gia vào việc biến đổi thế giới có thể được xem như là một chiều kích thiết yếu của việc loan báo Tin Mừng hoặc của sứ mạng Giáo Hội nhằm cứu độ nhân loại, và giải phóng con người khỏi những áp bức.”[3] Điều đáng lưu ý là đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, đức mến, chứ không phải công lý, là yếu tố tạo thành của sứ mạng Giáo Hội. Ngài sử dụng khái niệm đức mến như là yếu tố tạo thành hai lần trong số 20 của thông điệp Deus caritas est. Khái niệm này mô tả diakonia (sứ vụ của đức mến), như là một trong những yếu tố tạo thành của bản chất Giáo Hội, cùng với kerygma-martyria (loan báo và làm chứng cho Lời Chúa), và leitourgia (cử hành các bí tích).

Trong bài viết này, trước hết, tôi sẽ trình bày giáo huấn của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào năm 1971 liên quan đến cụm từ công lý xét như yếu tố tạo thành của Tin Mừng, và mô tả lịch sử của thuật ngữ này. Tôi sẽ nói đến “việc chỉnh sửa” cụm từ này trong tông huấn Evangelli nuntiandi của Đức Thánh Cha Phaolô VI vào năm 1975, và sự vắng mặt của nó trong thủ bản về Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội được Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình ấn hành năm 2004. Sau đó, tôi sẽ tóm tắt nội dung phần hai của thông điệp Deus caritas est, trong đó thuật ngữ “yếu tố tạo thành” được sử dụng. Tôi cũng sẽ khảo sát nguồn gốc của thuật ngữ này trong thần học của Joseph Ratzinger, một đàng khi ngài khám phá thuật ngữ này từ tác phẩm Vương Quốc của Thiên Chúa của thánh Augustinô, và đàng khác từ đối thoại của ngài với thần học giải phóng, lúc còn là tổng trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin. Vào phần cuối của bài viết, tôi sẽ trình bày một vài lượng giá liên quan đến yếu tố tạo thành của sứ mạng Giáo Hội.

Đức Hồng Y Ratzinger đã chủ tọa Hội Đồng các Hồng Y trong thánh lễ khai mạc Cơ Mật Viện, vốn sau đó bầu chọn ngài làm Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI. Trong bài giảng, ngài đề cập đến sự thống trị của chủ nghĩa tương đối và lưu ý đến một vài làn sóng ý thức hệ đang manh nha đánh đắm con thuyền nhỏ chở các tín hữu là Giáo Hội.[4] Trong khi tái khẳng định hoạt động cho công lý và giải phóng đối là thẩm quyền của nhà nước, ngài duy trì quan điểm rằng đức mến là yếu tố tạo thành căn tính của Giáo Hội. Những xác tín vào thời điểm còn là hồng y lúc đó cho thấy đối với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI sau này, Giáo Hội phải chống lại “những ý thức hệ thế tục,” và bảo vệ sứ mạng siêu nhiên mà Giáo Hội đã nhận được từ Đức Kitô.

Công Lý Như là Yếu Tố Tạo Thành Sứ Mạng của Giáo Hội

Từ sau thông điệp Rerum novarum năm 1891 của Đức Thánh Cha Lêô XIII về quyền của người lao động, những giáo huấn liên quan đến huấn quyền xã hội của Giáo Hội của các Đức Giáo Hoàng kế nhiệm thường được ban hành vào những dịp kỷ niệm thông điệp quan trọng này. Năm 1971, Đức Phaolô VI viết tông thư Octogesimo adveniens (Vào Năm Thứ Mười Tám). Lúc đó, có một khuynh hướng trong Giáo Hội nhằm trả lời cho những vấn đề đầy thách đố đến từ những quốc gia thuộc thế giới thứ ba. Trong thông điệp Populorum progressio vào năm 1967, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI dạy rằng sự phát triển là một danh xưng mới của hoà bình, và rằng nếu thế giới muốn được an bình, thế giới phải hành động vì công lý.[5] Vì vậy, trong tông thư Octogesimo adveniens, Đức Phaolô VI diễn tả điều mà ngài hy vọng là những Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp đến có thể cung cấp những hỗ trợ trong việc nghiên cứu sứ mạng đặc thù của Giáo Hội liên quan đến vấn đề về công lý.

Sự mô tả về công lý xét như yếu tố tạo thành sứ mạng của Giáo Hội và của việc rao giảng Tin Mừng xuất hiện trong phần giới thiệu văn kiện của Thượng Hội Đồng Giám Mục vào năm 1971. Tác giả của nó là Vincent Cosmao, O.P., một thần học gia chuyên viên của thượng hội đồng. Theo Cosmao, thuật ngữ “yếu tố tạo thành” sẽ làm cho sự dấn thân của Giáo Hội đối với công lý không chỉ như những diễn dịch đạo đức đến từ đức tin, nhưng như là một điều kiện của chân lý. Trong bài trình bày của mình cho hàng giáo phẩm Pháp trước khi diễn ra Thượng Hội Đồng Giám Mục, Cosmao đặt vấn đề như sau:

Phải chăng việc tham gia vào tiến trình biến đổi thế giới, một thế giới đầy những bất công, được xem như một đòi hỏi đến từ đức tin và việc diễn tả đức tin bằng những công việc của đức mến, hoặc việc tham gia vào sự biến đổi thế giới này phải được xem xét như là yếu tố tạo thành của Cuộc Vượt Qua của Đức Kitô. Cuộc Vượt Qua này được quan niệm trong cùng một mức độ với lịch sử nhân loại, lịch sử của sự giải phóng con người?[6]

Nếu hành động cho công lý và sự giải phóng con người là yếu tố tạo thành của Tin Mừng, thì khi đó, theo Cosmao, việc rao giảng Tin Mừng “được thực hiện” bởi những hành động đặt trên nền tảng của công lý.

Sau khi Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 kết thúc, thuật ngữ “yếu tố tạo thành” được chuyển vào bản văn của Thượng Hội Đồng. Tuy vậy, nó không được giải thích rõ ràng, và thường được diễn giải với nhiều nghĩa khác nhau. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, người đã tìm kiếm một cách thức để quân bình những đòi hỏi công lý trong sứ mạng của Giáo Hội, nói rằng chủ đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục kế tiếp sẽ là loan báo Tin Mừng. Ngài diễn tả một sự thất vọng với văn kiện của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971. Ngài hy vọng rằng Thượng Hội Đồng Giám Mục kế tiếp sẽ trình bày một định nghĩa “tốt hơn và tinh tế hơn” về tương quan giữa việc loan báo Tin Mừng và hành động cho công lý.[7]

Đức Giám Mục Ramon Torella Cascante, thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971, đã nói rằng: “Điều quan trọng là trong Thượng Hội Đồng sắp đến, chủ đề về hành động cho công lý và hoà bình cần được tái xem xét trong viễn tượng của việc loan báo Tin Mừng. Cần tránh những mơ hồ, những hiểu lầm, những tương phản, và những lẫn lộn.”[8] Đối với Đức Giám Mục Torella, “yếu tố tạo thành” được chú giải như là một “phần hội nhất” của Phúc Âm, nhưng “yếu tố tạo thành” không có nghĩa là một “thành phần thiết yếu.” Ngài giải thích rằng thuật ngữ này (yếu tố tạo thành) nói đến “những điều đồng hành với, nhưng không nhất thiết phải hiện diện. Ví dụ, loan báo Tin Mừng có thể xảy ra cùng với những hoạt động cho công lý, nhưng loan báo Tin Mừng không nhất thiết cần đến những hoạt động cho công lý.”[9]

Juan Alfaro, S.J., thần học gia từ đại học Gregoriana chịu trách nhiệm chính về chủ đề công lý tại Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971, cho rằng giải thích của Đức Giám Mục Torella về “yếu tố tạo thành” gây nên một “sự phức tạp không cần thiết,” và có thể làm yếu đi ý hướng của cụm từ này. “Yếu tố tạo thành” và “sự hội nhất” không mang cùng một nghĩa. Cũng như thể xác và linh hồn hội nhất với nhau, và là những yếu tố tạo thành của cùng một con người. Nếu không có những yếu tố tạo thành như linh hồn và thể xác kết hợp nên một với nhau, một người không thể được xem xét như là một con người. Như thế, theo thần học gia Alfaro, Đức Giám Mục Torella đã sai khi đồng hóa “yếu tố tạo thành” với “phần hội nhất.” Alfaro kết luận rằng: “Đây không phải là suy tư của nhóm soạn thảo bản văn. Điều cần thiết là giới thiệu một thuật ngữ khác.”[10]

Diễn tiến lịch sử tiếp theo của khái niệm “yếu tố tạo thành”

Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971 là Thượng Hội Đồng cuối cùng được phép ấn hành tuyên bố chung của mình khi Thượng Hội Đồng kết thúc. Sau đó, kể từ Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1974 với chủ đề loan báo Tin Mừng, các Đức Giáo Hoàng sẽ nhận kết quả thảo luận từ các Giám Mục của Thượng Hội Đồng, và ngài ấn hành những văn kiện với thẩm quyền của Giáo Hoàng. Trong những văn kiện của Đức Thánh Cha Phaolô VI, tông huấn Evangelii nuntiandi là một trong những tông huấn quan trọng và được trích dẫn nhiều nhất. Trong tông huấn này, Đức Thánh Cha tuyên bố rằng “nhiệm vụ loan báo Tin Mừng cho muôn dân hình thành sứ mạng thiết yếu của Giáo Hội.”[11]

Trong phần 2, 3, và 4 của tông huấn Evangelii nuntiandi, Đức Phaolô VI định nghĩa nội dung và những phương pháp của việc loan báo Tin Mừng. Đức Kitô chính là Tin Mừng. Người là Đấng đến từ Thiên Chúa để loan báo ơn cứu độ cho con người và giải phóng họ khỏi tội lỗi và sự chết. Theo Đức Phaolô VI, loan báo Tin Mừng là “một tiến trình phức tạp được tạo thành từ những yếu tố khác nhau: việc canh tân nhân loại, trở nên chứng nhân, loan báo công khai, mời gọi người khác gia nhập vào cộng đoàn, đón nhận những dấu chỉ, sáng kiến tông đồ. Những yếu tố này dường như tương phản hoặc loại trừ lẫn nhau. Nhưng thực ra, chúng hỗ tương cho nhau và nuôi dưỡng lẫn nhau.”[12]

Trong phần 3 của tông huấn, Đức Phaolô VI mô tả nội dung thiết yếu và “những yếu tố thứ yếu” của việc loan báo Tin Mừng. Nền tảng thiết yếu và trọng tâm của việc loan báo Tin Mừng chính là rao giảng về Đức Kitô, Đấng đã mang ơn cứu độ đến thế giới này. Ơn cứu độ này không thể chỉ là những gì “nội tại, và bị giới hạn bởi sự hiện hữu trần thế. Ơn cứu độ siêu vượt và mang tính cánh chung.” Đức Phaolô VI viết rằng: “loan báo Tin Mừng sẽ không thể hoàn tất nếu nó không bước vào trong tương quan liên lỉ giữa Tin Mừng và cuộc sống của con người.” Có những “kết nối sâu sắc” giữa loan báo Tin Mừng và thăng tiến phẩm giá con người. Những kết nối này bao gồm những khía cạnh của nhân học, thần học, và truyền giáo. Ngài giải thích rằng người được đón nhận Tin Mừng không phải là một đối tượng trừu tượng nào đó, nhưng họ là chủ thể của những thực tại kinh tế và xã hội. Trong thần học, chúng ta không thể tách rời giữa kế hoạch tạo thành của Thiên Chúa khỏi kế hoạch cứu chuộc của Người. “Kế hoạch cứu chuộc liên quan đến tranh đấu chống lại những bất công và phục hồi công lý.” Loan báo Tin Mừng được định nghĩa như một hoạt động của đức mến. Nhưng “làm thế nào chúng ta có thể loan báo lệnh truyền của Chúa nếu chúng ta không thăng tiến công lý và hoà bình như là sự thăng tiến đích thực của cuộc sống con người?”[13]

Vào năm 2004, Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình ấn hành Thủ Bản Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội. Với dụng ý cung cấp một tổng quan gồm những giáo huấn từ Đức Giáo Hoàng Lêo XIII đến thời điểm hiện tại, thủ bản này trình bày “những nguyên lý cho việc suy tư, tiêu chuẩn phán đoán, và những hướng dẫn hành động; chúng đóng vai trò khởi điểm cho việc thăng tiến một tinh thần nhân bản hội nhất và liên đới.”[14] Bởi vì thủ bản này chỉ bao gồm huấn quyền của các Giáo Hoàng, của các Công Đồng, và của các Thánh Bộ của Giáo Triều Rôma, nên không một tài liệu nào của các Thượng Hội Đồng Giám Mục được trích dẫn. Vì vậy, thuật ngữ “yếu tố tạo thành” được sử dụng tại Thượng Hội Đồng Giám Mục 1971 đã không xuất hiện trong thủ bản này.

Tuy nhiên, trong phần “Học Thuyết Xã Hội, Truyền Giáo và Thăng Tiến Con Người” của thủ bản, ba kết nối giữa việc truyền giáo và thăng tiến con người mà Evangelii nuntiandi đã trình bày được đề cập đến với mục đích hỗ trợ cho luận đề rằng học thuyết xã hội của Giáo Hội là “một phần hội nhất” và là “một phần thiết yếu”[15] của sứ điệp Kitô giáo. Một phần khác của thủ bản này nói rằng những nguyên lý căn bản của học thuyết xã hội của Giáo Hội được hình thành từ “sự gặp gỡ giữa sứ điệp Tin Mừng và những đòi hỏi của nó được tóm tắt trong lệnh truyền yêu mến Thiên Chúa và tha nhân trong những vấn đề công lý vốn đến từ đời sống xã hội.”[16] Trong những cụm từ này, kết nối thiết yếu giữa công lý và loan báo Tin Mừng, giữa đức mến và việc thực hành công lý, được duy trì và nhấn mạnh.

Đức mến như là yếu tố tạo thành của sứ mạng Giáo Hội

Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu (Deus caritas est) có một kết cấu rất mạch lạc. Phần đầu nghiêng về suy tư, phần sau nghiêng về thực hành. Trong phần 1, Đức Bênêđictô XVI nhấn mạnh đến tình yêu nhưng không và huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã dành cho mỗi người chúng ta. Đây là một tình yêu, giống như tình yêu của con người, vừa mang nghĩa của tình bạn (philia), của tình yêu (eros), và của đức mến (agape). Đây là ba chiều kích của cùng một thực tại duy nhất và của cùng một tình yêu. Trong phần 2, Đức Thánh Cha Bênêđictô kêu gọi một “sự đổi mới và dấn thân của con người để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa.”[17] Khi cấu trúc thông điệp theo cách thức này, ngài muốn nhấn mạnh rằng sự phục vụ yêu thương của người Kitô hữu không nên được đồng hóa với những phục vụ mang tính xã hội thuần túy, nhưng là một sự diễn tả đặc thù, và là một sự đáp lại của mỗi người đối với tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.

Đức Thánh Cha Bênêđictô khởi đầu phần 2 với một trích dẫn từ thánh Augustinô: “Nếu anh em nhìn thấy đức mến, anh em nhìn thấy Thiên Chúa Ba Ngôi.”[18] Từ viễn tượng Thiên Chúa Ba Ngôi này, Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta yêu thương anh chị em mình như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Với sức mạnh mà Chúa Thánh Thần ban cho, chúng ta có thể loan báo Lời Chúa, thực hành các Bí Tích, và hoàn thành sứ vụ của đức mến.

Theo sách Công Vụ Tông Đồ, Giáo Hội tại thời điểm khởi đầu được tạo thành bởi ba yếu tố sau: trung tín với những lời giảng dạy của các Tông Đồ, tham dự vào việc cầu nguyện, bẻ bánh, và “hiệp thông,” nghĩa là đặt mọi sự làm của chung, để không còn phân biệt giữa người giàu và người nghèo (Cv 2,42; 4,32-37). Để hoàn thành sự hiệp thông này, bảy phó tế đã được chọn. Sứ vụ của họ, diakonia – sứ vụ của đức mến, đã trở nên một trong những yếu tố tạo thành cấu trúc căn bản của Giáo Hội. Đức Bênêđictô kết luận rằng: “Giáo Hội không thể chểnh mảng trong việc phục vụ của đức mến cũng như không thể chểnh mảng đối với các Bí Tích và Lời Chúa.”[19] Ngài viết rằng: “Đối với Giáo Hội, việc phục vụ của đức mến không phải là một hoạt động có thể chuyển giao cho một ai đó thực hiện. Việc phục vụ này thuộc về bản chất của Giáo Hội, là sự biểu lộ không thể thiếu của bản chất Giáo Hội.”[20]

Trong đoạn kế tiếp của phần 2 với tựa đề “Công Lý và Đức Mến,”[21] Đức Thánh Cha Bênêđictô mô tả giáo huấn xã hội của Giáo Hội khởi đi từ Đức Giáo Hoàng Lêô XIII cho đến thời điểm hiện tại như một đóng góp của Giáo Hội đối với việc xây dựng một xã hội công bình dựa trên nền tảng của lý trí và luật tự nhiên. Không như sứ vụ của đức mến, trách nhiệm của Giáo Hội trong vấn đề này là gián tiếp hơn là trực tiếp. Gìn giữ trật tự xã hội và nhà nước trong công bình là trách nhiệm chính yếu của chính trị, không phải của Giáo Hội.[22] Giáo Hội hướng dẫn lương tâm và thúc đẩy người tín hữu hành động với sự soi sáng của lý trí trong tương quan với Tin Mừng. Đức Thánh Cha trích dẫn khẳng định của thánh Augustinô trong tác phẩm Thành đô của Thiên Chúa,[23] và nhận định rằng quốc gia phải được đặt nền tảng trên công lý, nếu không nó không thể là một quốc gia. Ngài cũng trích dẫn sự phân biệt của Đức Giêsu giữa những gì thuộc về Caesar và những gì thuộc về Thiên Chúa (Mt 22,21). Ngài cũng trích dẫn Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới ngày nay (Gaudium et Spes) để nhấn mạnh đến tính tự trị của những lãnh vực thế tục trước ảnh hưởng của Giáo Hội.[24] Người giáo dân, trong tư cách công dân của mình, “có trách nhiệm trực tiếp để hành động vì xã hội công bình và ổn định.”[25]

Nguồn Gốc của Deus Caritas Est

Tư tưởng của thánh Augustinô đã định hướng cho Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI trong đời sống tri thức của ngài, và như chúng ta đã thấy, trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu. Để hiểu tường tận những nền tảng trong tư tưởng của ngài, tôi sẽ xem xét những suy tư của ngài trong tương quan với tư tưởng của thánh Augustinô, và đối thoại của ngài với thần học giải phóng trong thời gian ngài là tổng trưởng của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Tác phẩm Thành đô của Thiên Chúa của thánh Augustinô được soạn thảo trong nhiều năm như một cách giải thích sự sụp đổ của đế quốc Rôma vào năm 410 bởi sự xâm lăng của Alaric và các bộ tộc man di Gothic. Phải chăng Kitô giáo là nguyên nhân của tai họa này? Luận đề của thánh Augustinô trong tác phẩm này là vương quốc của con người đặt nền tảng trên sự ham muốn tiền bạc và sở hữu sẽ bị sụp đổ. Những Kitô hữu thuộc về Vương Quốc của Thiên Chúa, đặt nền tảng trên đức mến, và không thuộc về vương quốc trần thế. Vương Quốc thực sự của những Kitô hữu là Thiên Quốc, vương quốc cuối cùng của con người. Chúng ta là những kẻ lữ hành trên trái đất này và là những người xa lạ với trần thế.

Trong tác phẩm Những Giá Trị trong một Thời Đại Biến Động được viết trước khi ngài được bầu chọn Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Ratzinger dựa trên những tư tưởng từ Thành đô của Thiên Chúa của thánh Augustinô, và ngài trình bày nhận định sau: “Khi định hướng nền tảng này được tôn trọng, Giáo Hội nhận biết rằng nó không phải là một vương quốc trên trái đất. Giáo Hội ý thức tình trạng sau cùng của nó, và nhận ra rằng nó không thể thiết lập một Vương Quốc của Thiên Chúa trên trái đất này. Giáo Hội tôn trọng những quốc gia như là những cơ chế thuộc về một giai đoạn lịch sử, với quyền lợi và luật pháp mà Giáo Hội thừa nhận.”[26] Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu nói với các môn đệ của ngài rằng họ phải ở trong thế gian này. Tuy vậy, họ không thuộc về nó (Ga 17,11-16). Thần học gia Aidan Nichols đánh giá khẳng định trên của Ratzinger như sau: “Với thời gian, tư tưởng này sẽ trở thành điệp khúc càng lúc càng nặng ký trong phê bình của Ratzinger trước nỗ lực tự cải tổ của Giáo Hội Công giáo.”[27]

Đối với thánh Augustinô, vương quốc của con người là một yếu tố tương phản nhưng quan trọng cho việc kiến tạo Vương Quốc của Thiên Chúa. Theo thần học gia Nichols, thánh Augustinô “từ chối sự tương thích giữa những hoạt động cho công lý và sự công chính đạt được do ân sủng trong quan niệm của ngài về vương quốc trên trần thế (civitas terrena).” Người ta thường hiểu sai khi đọc Thành đô của Thiên Chúa như là một bản vẽ (blueprint) cho việc xây dựng một vương quốc trên trần thế. Trong phần giới thiệu tác phẩm này, học giả Étienne Gilson viết rằng, “Nếu chúng ta đọc kỹ những tư tưởng của thánh Augustinô, chúng ta sẽ hiểu tại sao khái niệm một xã hội trần thế với sự hiệp nhất của nó và bao gồm toàn nhân loại không thể là Vương Quốc của Thiên Chúa mà thánh Augustine đã hình dung trong tư tưởng của ngài.”[28]

Như là môn đệ trung thành của thánh Augustinô, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã trình bày một cách thuyết phục những sự phân biệt giữa đức mến và công lý, giữa Giáo Hội và quốc gia, giữa Vương Quốc trên Quê Trời và vương quốc trên trần thế. Tuy vậy, ngài viết rằng, “Giáo Hội không thể và không được đứng bên lề cuộc chiến cho công lý. Giáo Hội phải thực hiện phần của mình, với những lập luận hợp lý và Giáo Hội phải đánh thức những năng lực thiêng liêng, mà nếu không có nó, công lý, vốn đòi hỏi sự hy sinh, không thể được thực thi. Thành công của chính trị, không phải của Giáo Hội, là mang đến một xã hội công bình. Tuy vậy, Giáo Hội quan tâm đến sự thăng tiến cho công bình qua những nỗ lực của Giáo Hội để mang lại sự đối thoại và ước muốn đối với những đòi hỏi của lợi ích chung.”[29]

Theo Heinz-Joachim Fischer, người viết tiểu sử của Ratzinger: “Một trong những khẩu hiệu thần học của Joseph Ratzinger cả thời trẻ lẫn thời già, là hãy để Giáo Hội là những gì nó là, nếu không Giáo Hội không thể tiếp tục hiện hữu.”[30] Khi vừa mới được chọn làm tổng trưởng Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Ratzinger phải đối diện với những thách đố từ một cách hiểu mới về Kitô giáo mang màu sắc chính trị đến từ thần học giải phóng. Để trả lời những vấn đề của thần học giải phóng, Ratzinger và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin đã ấn hành hai văn kiện mang tính hướng dẫn. Văn kiện thứ nhất được xuất bản năm vào năm 1984 và văn kiện thứ hai vào năm 1986. Hai bản văn này cho thấy xác tín của Đức Hồng Y Ratzinger rằng Giáo Hội phải gìn giữ căn tính của Giáo Hội nếu Giáo Hội muốn tiếp tục hiện diện. Nội dung của hai văn kiện này cung cấp một nền tảng thiết yếu giúp chúng ta hiểu những tư tưởng của Đức Bênêđictô XVI trong phần 2 của Deus caritas est.

Để khởi đầu văn kiện thứ hai về ý nghĩa của tự do và giải phóng theo Kitô giáo, một bản văn Kinh Thánh quan trọng được ngài sử dụng là Gioan 8,32: “Sự thật sẽ giải phóng anh em.” Theo văn kiện này, đòi hỏi cho tự do và giải phóng khỏi mọi sự áp bức tìm thấy nguồn gốc của nó trong Kitô giáo.[31] Kitô giáo đề cập đến giới răn mới, đó là yêu mến Thiên Chúa và yêu mến tha nhân.[32] Bởi vậy, không có một khoảng cách nào giữa tình yêu đối với tha nhân và khao khát cho công lý. Tương phản giữa hai điều này dẫn đến một sự lẫn lộn của cả tình yêu và công lý.[33]

Theo văn kiện đầu tiên của Ratzinger và Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin liên quan đến vấn đề này, những giải thích mới về Kitô giáo, được trình bày bởi thần học giải phóng, đã dẫn đến một cách đọc Kinh Thánh mang màu sắc chính trị. Cách đọc này có khuynh hướng giản trừ nội dung thiêng liêng của Kinh Thánh.[34] Văn kiện này viết rằng: Khi dành một sự ưu tiên đối với chiều kích chính trị, chúng ta sẽ từ chối một sự mới mẻ tận căn của Kinh Thánh Tân Ước, và trên hết, chúng ta sẽ hiểu lầm về Đức Kitô và đặc tính của ơn cứu độ mà Ngài đã mang lại để giải phóng con người khỏi tội lỗi, là nguồn gốc của mọi sự dữ. Văn kiện của Thánh Bộ kết luận rằng: “Giáo Hội, được hướng dẫn bởi Phúc Âm của lòng thương xót và bởi tình yêu đối với nhân loại, lắng nghe tiếng kêu cho công lý và tìm cách đáp trả lại tiếng kêu này với tất cả những gì trong khả năng của Giáo Hội.”[35]

Theo thời gian, ý thức hệ Karl Marx được sử dụng để diễn tả một vài khuynh hướng của thần học giải phóng đã dần dần phai mờ đi. Tuy vậy, việc đối thoại của Đức Thánh Cha Bênêđictô với thần học giải phóng đã giúp ngài làm sắc bén những ý tưởng trong thông điệp Deus caritas est. Một phần nào đó, thần học giải phóng là một phản ứng chống lại khuynh hướng của những người theo tư tưởng thánh Augustinô trong Giáo Hội, khi khuynh hướng này hạ thấp tầm quan trọng của đời sống trần thế và sự kết nối thiết yếu giữa việc thăng tiến công bình trong thế giới và tình yêu của Thiên Chúa. Đức Bênêđictô XVI đã cố gắng duy trì một sự quân bình thích hợp giữa thực thi công lý và đòi hỏi của đức mến. Ngài nói rằng đức mến thánh thiêng, không phải nhân đức công lý của con người, là trung tâm điểm của Tin Mừng.

Lượng Giá: Một Sự Quân Bình Mới

Nhiều năm sau, Joseph Ratzinger vẫn duy trì quan điểm của mình về những khủng hoảng xảy ra trong Giáo Hội. Trong một phỏng vấn của Vittorio Messori với Đức Hồng Y Ratzinger được ấn bản trong Tường Thuật Ratzinger vào năm 1985, ngài nói rằng Giáo Hội không cần phải trở lại với quá khứ theo nghĩa “phục hồi.” Đúng hơn, Giáo Hội “phải tìm kiếm một sự quân bình mới sau những “quá đà” trong sự cởi mở thiếu cẩn trọng với thế giới, sau những cách hiểu quá tích cực về một thế giới ngộ giáo và vô thần.” Ngài kết luận rằng đích nhắm của Giáo Hội là “một sự quân bình cần phải được tái khám phá, của những định hướng và những giá trị trong Giáo Hội Công giáo xét như là một toàn thể.”[36]

Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2006 mà tôi thực hiện với Đức Tổng Giám Mục Paul Cordes, chủ tịch Cor Unum, Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Phát Triển Con Người và Kitô Giáo, ngài xác nhận rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô, trong một bài diễn văn của ngài tại Đại Học Regensburg vào ngày 12 tháng 9 năm 2006, mong muốn một sự quân bình giữa lý trí và đức tin, giữa đức mến và công lý. Đức Giáo Hoàng nói rằng nếu đức tin không được quân bình bởi lý trí, kết quả có thể là một thái độ cuồng tín tôn giáo (religious fanaticism).[37]

Theo Đức Giám Mục Cordes, vào cuối triều đại của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Đức Gioan Phaolô II đã yêu cầu soạn thảo một thông điệp về đức mến. Một bản thảo được hoàn thành và đã được gởi đến cho ngài. Tuy vậy, sức khỏe suy yếu của Đức Gioan Phaolô II đã không cho phép ngài hoàn thành thông điệp này. Có lẽ vì sự tôn trọng đối với vị tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã chọn chủ đề đức mến cho thông điệp đầu tiên của mình. Tuy nhiên, Đức Bênêđictô đảo ngược cách tiếp cận đối với thông điệp này. Bản thảo chưa hoàn tất của Đức Gioan Phaolô II được trình bày theo lối quy nạp, đề cập đến tất cả những sáng kiến trợ giúp do các tổ chức hành động vì đức tin cũng như những yếu tố thuận lợi cá nhân và trích dẫn vô số những hoạt động bác ái của Giáo Hội. Từ những điều này, người ta có thể kết luận rằng chính tình yêu của Thiên Chúa đã thúc đẩy mọi hoạt động của Giáo Hội.

Tuy nhiên, Đức Bênêđictô đảo ngược cách tiếp cận của bản thảo, và trình bày nó theo kiểu diễn dịch. Ngài khởi đầu thông điệp Deus caritas est với phần 1 về bản chất của Thiên Chúa như là tình yêu và ân sủng đến từ tình yêu của Thiên Chúa để hoàn thành những công việc của đức mến. Ngài nhấn mạnh những chân lý chính yếu của đức tin như Thiên Chúa, Đức Kitô, và tình yêu. Sau đó, ngài kết hợp bản thảo chưa được xuất bản của Đức Gioan Phaolô II, và biến bản thảo này thành phần 2 của thông điệp Thiên Chúa là tình yêu. Theo Đức Giám Mục Cordes, sự kiện thông điệp này được tiếp nhận cách tích cực cho chúng ta thấy rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô đang nói những điều mà nhiều người đang suy nghĩ, nghĩa là Giáo Hội phải trình bày những sứ điệp của nó theo nghĩa tích cực, đặc biệt sứ điệp về tình yêu của Thiên Chúa.[38]

Vào ngày 23 và 24 tháng 01 năm 2006 trước khi thông điệp Thiên Chúa là tình yêu được ban hành, Hội Đồng Giáo Hoàng về Sự Phát Triển Con Người và Kitô Giáo, Cor Unum, đã tài trợ một hội nghị quốc tế quanh thông điệp này. Diễn văn khai mạc hội nghị này của Đức Bênêđictô XVI là một diễn văn quan trọng. Thay vì lặp lại những gì được viết trong thông điệp, Đức Thánh Cha trình bày sâu hơn những chủ đề của nó, cho thấy những ý tưởng ẩn chứa trong thông điệp. Ngài tái sử dụng một hình ảnh đến từ Kinh Thánh được tìm thấy trong thông điệp, đó là người Samaritanô nhân hậu, để chỉ ra sự hiện hữu liên tục giữa đức tin Kitô giáo và việc kiếm tìm tình yêu của con người, trong khi nhấn mạnh sự mới mẻ mà đức tin có thể mang đến cho sự kiếm tìm này. Ngài nói rằng, “Tình yêu của Thiên Chúa không chỉ là một sức mạnh nguyên thủy tại thời điểm khởi đầu của vũ trụ, tình yêu của Người còn là một tình yêu đã tạo thành con người và cúi xuống trên con người. Tình yêu này đã đến với con người, như người Samaritanô cúi xuống với người bị thương và bị trộm cướp đang nằm trên đường … Chúng ta cần một Thiên Chúa hằng sống, Đấng yêu thương chúng ta cho đến chết.”[39]

Trong khi thông điệp phân biệt rõ thẩm quyền của Giáo Hội với thẩm quyền của nhà nước, thông điệp này cũng trình bày mong đợi của quốc gia đối với Giáo Hội. Giáo Hội, xét như là một “sức mạnh sống động” trong xã hội, cung cấp một số điều quan trọng hơn những hỗ trợ vật chất, như chăm sóc các linh hồn và sứ vụ của đức mến qua sự quan tâm yêu thương.[40] Theo Đức Giám Mục Cordes, Đức Bênêđictô chống lại hình thái mà ngài gọi là “nhà nước bảo mẫu”, làm thay mọi sự cho mọi người. Khi đối đầu với những nhà nước duy thế tục, Giáo Hội phải nhấn mạnh sự độc đáo mà đức tin mang đến cho những công việc bác ái của Giáo Hội.

Theo Đức Giám Mục Cordes, thông điệp Thiên Chúa là tình yêu đòi buộc những giáo sĩ của Giáo Hội phải thực hiện bổn phận đức mến của họ. Công Đồng Vatican II và đặc biệt bộ Giáo Luật mới của Giáo Hội, khi nói về hàng giáo sĩ, đã không đề cập đến nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này. Công Đồng và Giáo Luật đã giả định rằng mọi người đều biết đến đòi buộc của đức mến. Trong lễ nghi thụ phong của một giám mục, ứng viên giám mục sẽ được hỏi rằng ngài có sẵn lòng nhận trách nhiệm chăm sóc cho người nghèo. Từ kinh nghiệm mục vụ của tôi trong tư cách người phụ trách huấn luyện những phó tế vĩnh viễn, tôi tìm thấy trong Deus caritas est một tuyên bố rằng sự phục vụ của đức mến (diakonia) là yếu tố hình thành bản chất của Giáo Hội. Phó tế Lôrenxô đã minh họa cách thức mà Giáo Hội sơ khai thực hiện sứ vụ của đức mến. Sứ vụ mà thánh nhân đã thực hiện là một khẳng định quan trọng cho việc nhìn nhận đức mến như yếu tố tạo thành bản chất của Giáo Hội.[41]

Để đạt được sự quân bình đúng đắn giữa công lý và tình yêu trong những giảng dạy và hoạt động của Giáo Hội, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã chọn nhấn mạnh đến tình yêu trong thông điệp Deus caritas est của ngài. Khi thực hiện điều này, ngài khẳng định những gì tôi đã kết luận trong nhận xét mà tôi đã trình bày về giá trị của công lý xét như là yếu tố tạo thành đến từ Thượng Hội Đồng Giám Mục vào năm 1971. Walter J. Burghardt, S.J., trích dẫn nhận xét của tôi trong tác phẩm Rao Giảng Lời của Công Lý như sau:

Murphy, vào thời điểm là viện trưởng của Học Viện Bắc Mỹ tại Rôma, đã kết luận rằng: “trọng tâm của những mơ hồ về ý nghĩa của yếu tố tạo thành … dường như nằm ở trong những khái niệm khác biệt về loại công lý được quy chiếu đến. Nếu công lý được hiểu chỉ trên bình diện của nhân đức con người như đã từng được giải thích trong những lý luận triết lý, khi đó, công lý có thể được quan niệm như là một phần hội nhất, nhưng không phải là yếu tố thiết yếu của việc rao giảng Tin Mừng. Nhưng nếu công lý được quan niệm theo nghĩa Tin Mừng như một hành động giải phóng của Thiên Chúa, đòi hỏi một sự trả lời của con người. Khái niệm công lý này gần với nghĩa của từ đức mến (agape) hơn là gần với nghĩa của công lý theo quan niệm của triết lý. Khi đó, công lý được quan niệm theo nghĩa sự giải phóng của Thiên Chúa phải được định nghĩa như là yếu tính của Tin Mừng. Ý nghĩa này của công lý dường như giúp chúng ta suy tư tốt hơn về học thuyết xã hội của Giáo Hội trong thời gian gần đây.[42]

Hai bài giảng mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã trình bày, một bài trước khi ngài được bầu chọn làm Giáo Hoàng, và một bài khác sau đó, có thể giúp chúng ta hiểu được sự xác tín cá nhân ngài khi viết thông điệp Deus caritas est.

Tại nhà thờ chính tòa Milan ngày 25 tháng 3 năm 2005, Đức Hồng Y Ratzinger giảng thuyết trong một thánh lễ cầu nguyện cho Luigi Giussani, người thành lập phong trào giáo dân Hiệp Thông và Giải Phóng (Communione e Liberazione). Trong một phần trọng tâm của bài giảng này, Đức Hồng Y Ratzinger mô tả “một thời gian khó khăn, đầy những cám dỗ và sai lầm,” vào năm 1968, trong thời gian ngài là giáo sư tại Đại Học Tübingen:

Một nhóm đầu tiên các thành viên trong phong trào của Giussani đến Brazil. Khi đến nơi, họ nhận ra rằng mình phải \đối diện với một sự nghèo khó tột cùng. Chúng ta có thể làm gì, họ tự hỏi? Làm thế nào chúng ta đáp lại với những thách đố? Có một cám dỗ lớn đối với nhóm này để khẳng định rằng: “Chúng ta phải đặt Đức Kitô và Thiên Chúa sang một bên, vì có những nhu cầu khẩn thiết hơn. Chúng ta phải thay đổi những cấu trúc xã hội, và những yếu tố bên ngoài. Trước hết, chúng ta phải thay đổi trái đất này. Sau đó, chúng ta mới có thể tìm thấy thiên đàng một lần nữa.” Đây là một cám dỗ lớn vào thời điểm đó đối với một số người theo phong trào Hiệp Thông và Giải Phóng. Họ muốn biến Kitô giáo thành một chủ nghĩa luân lý, và mang luân lý vào chính trị. Họ muốn thay thế niềm tin bằng hành động. Bởi vì niềm tin có thể mang lại điều gì? Chúng ta có thể nói: “Trong thời điểm này, chúng ta cần thiết phải làm một điều gì đó.” Nhưng đồng thời, nếu đi theo cách thức này, thay thế luân lý cho đức tin, hành động thay vì tin tưởng, chúng ta sẽ rơi vào chủ nghĩa đặc thù, chỉ để ý đến những chi tiết. Chúng ta đánh mất phần lớn những tiêu chí và định hướng. Sau cùng, chúng ta không xây dựng, nhưng chúng ta chia rẽ.

Đức ông Giussani, với một niềm tin can đảm và bất khuất, nhận thức rằng thậm chí trong tình huống này, Đức Kitô và việc gặp gỡ của những môn đệ Chúa với Người vẫn là trọng tâm. Bất cứ ai không trao ban cho Thiên Chúa, hoặc trao ban cho Người quá ít, hoặc bất ai không hướng dẫn người khác tìm thấy Thiên Chúa trong Sự Kiện của Đức Kitô, thì người ấy không xây dựng, nhưng phá hủy. Người ấy lấy hoạt động của con người làm trung tâm, và đánh mất chính mình trong những chủ nghĩa giáo điều sai lầm và ý thức hệ. Giussani đã đón nhận Đức Kitô làm trung tâm. Và chính bởi điều này, cùng với những hoạt động xã hội, với sự phục vụ, Giussani đã giúp nhân loại trong một thế giới đầy khó khăn này, nơi mà trách nhiệm của Kitô hữu đối với người nghèo là rất lớn và cấp thiết.[43]

Vào ngày 24 tháng 4 năm 2005, trong bài giảng lễ thụ phong Giáo Hoàng của mình, Đức Bênêđictô nói về ý nghĩa biểu tượng của dây pallium được làm từ lông cừu. Ý nghĩa của dây pallium mang trên vai của người mục tử nhắc nhớ họ về “những con chiên bị lạc, những con chiên đau yếu, mà người chủ chăn cần đặt chúng trên đôi vai của mình, và mang chúng tới nguồn nước hằng sống.” Ngài nói tiếp, “biểu tượng của con chiên còn mang một ý nghĩa sâu hơn.” Những vị vua trong quá khứ đã từng nói đến dân của họ như là những con chiên mà họ có thể sử dụng chúng theo như những điều mà họ mong muốn. “Khi người chủ chăn của toàn thể nhân loại, Thiên Chúa hằng sống trở nên một con chiên, Người đứng bên cạnh những con chiên.” Đức Bênêđictô XVI giải thích như thế, và ngài kết luận:

Không phải quyền lực, nhưng chính tình yêu cứu độ chúng ta. Đây là dấu chỉ của Thiên Chúa: chính Người là tình yêu. Chúng ta luôn luôn mong muốn rằng Thiên Chúa thể hiện Người như là kẻ mạnh hơn, rằng Người chiến thắng sự dữ, và kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Tất cả mọi ý thức hệ của quyền lực đều tìm cách biện minh cho chính nó trong cùng một cách thức này. Những ý thức hệ này biện minh việc nó sẽ triệt hạ bất cứ điều gì ngán đường phát triển và giải phóng nhân loại. Chúng ta thường khổ sở vì sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta cần sự kiên nhẫn của Người. Thiên Chúa, Đấng đã trở nên một con chiên, nói với chúng ta rằng thế giới này được cứu độ bởi Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải bởi những kẻ đã đóng đinh Người vào thập giá. Thế giới này được cứu độ bởi sự kiên nhẫn của Thiên Chúa, và nó bị hủy hoại bởi sự thiếu kiên nhẫn của con người.”[44]

Không có một tóm tắt nào tốt hơn bài giảng trên của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI để làm rõ những điều mà ngài muốn diễn tả trong thông điệp Thiên Chúa là tình yêu. Đức Giáo Hoàng mong muốn Giáo Hội hiện diện công khai, nhưng không phải là một sự hiện diện mang màu sắc chính trị. Giáo Hội phải hướng dẫn lương tâm và thúc đẩy người tín hữu thực thi những lời dạy của Tin Mừng. Tuy vậy, hình thành một sự quân bình giữa Giáo Hội như là một sức mạnh chính trị và Giáo Hội chỉ như là một sự diễn tả tôn giáo của những cá nhân thực hành đức tin là một điều khó khăn và đầy thách đố để có thể đạt được trong thế giới hôm nay.


 

[1] Xem Pope Benedict XVI, Deus caritas est (December 25, 2005) no. 25, http:// www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/encyclicals/ documents/hf_ben-xvi_enc_20051225_deus-caritas-est_en.html (accessed February 17, 2007).

[2] Charles M. Murphy sử dụng tính từ “constitutive” trong bài viết của mình. Đây là một thuật ngữ khó chuyển dịch hoàn toàn nghĩa của nó từ Anh ngữ sang Việt ngữ. Người dịch dùng khái niệm “yếu tố tạo thành” để chuyển ngữ của tính từ “constitutive.” Khi tính từ này đi kèm với những danh từ khác, nó có thể được chuyển nghĩa như “yếu tố thiết yếu,” “yếu tố nền tảng,” hoặc “yếu tố căn bản.” Ví dụ, theo tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ, những yếu tố thiết yếu hay yếu tố căn bản hình thành Giáo Hội sơ khai đó là trung tín với lời dạy của các Tông Đồ, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, hiệp thông với nhau, và cầu nguyện (Cv. 2:42).

[3] Xem Philip S. Land, S.J., Justice in the World: Synod of Bishops: An Overview (Vatican City: Pontifical Commission Justice and Peace, 1972), 74-75.

[4] Trích dẫn trong Heinz-Joachim Fischer, Pope Benedict XVI: A Personal Portrait (New York: Crossroad, 2005), 88-89.

[5] Xem Pope Paul VI, Populorum progressio (March 26, 1967) no. 76, http:// www.vatican.va/holy_father/paul_vi/encyclicals/documents/hf_p- vi_enc_ 26031967_populorum_en.html (accessed February 17, 2007).

[6] Xem Vincent Cosmao, O.P., “Justice dans le monde? Théologie sous- jacente au document du travail du Synode episcopale,” Documentation catholique 1589 (July 4, 1971) 638-40, trang 639.

[7] Xem Pope Paul VI, Insegnamenti di Paolo VI (Vatican City: Tipografia
Poliglotta Vaticana, 1974) 979, bản dịch của Charles M. Murphy.

[8] Xem “Evangelization of the Modern World: Contribution of the Pontifical Commission Justice and Peace to the Synod of 1974,” February 1974, trang 1.

[9] Xem Bishop Ramon Torella Cascante, conversation with the author, Fall 1980, Rome.

[10] Trích trong bài viết của Charles M. Murphy, “Action for Justice as Constitutive of the Preaching of the Gospel: What Did the 1971 Synod Mean?” Theological Studies 44 (1983), 298-311.

[11] Xem Pope Paul VI, Evangelii nuntiandi (December 8, 1975) no. 14, http://www.vatican. va/holy_father/paul_vi/apost_exhortations/ documents/hf_p-vi_exh_19751208_evangelii-nuntiandi_en.html (accessed February 19, 2007).

[12] Ibid., số 24.

[13] Ibid., số 31.

[14] Xem Pontifical Council for Justice and Peace, Compendium of the Social Doctrine of the Church (Washington: United States Conference of Catholic Bishops, 2004).

[15] Ibid., số 66 và 67.

[16] Ibid., số 160.

[17] Deus caritas est, số 1.

[18] Ibid., số 19.

[19] Ibid., số 22.

[20] Ibid., số 25.

[21] Ibid., số 26-29.

[22] Ibid., số 28.

[23] Xem Augustine, City of God, 4.4 (ed. Vernon J. Bourke, intro. Etienne Gilson, trans. Gerald Walsh et al. [New York: Image, 1958]).

[24] Xem Gaudium et spes,no.36,http://www.vatican.va/archive/hist_councils/ ii_vatican_council/documents/vat-ii_cons_19651207_gaudium-et- spes_en.html (accessed February 19, 2007).

[25] Deus caritas est, số 29.

[26] Xem Joseph Ratzinger, Values in a Time of Upheaval, trans. Brian McNeil (New York: Crossroad, 2006), 71.

[27] Xem Aidan Nichols, O.P., The Thought of Benedict XVI (New York: Burns & Oates, 2005), 50.

[28] Xem Étienne Gilson, dẫn nhập vào tác phẩm City of God.

[29] Deus caritas est, số 28.

[30] Xem Heinz-Joachim Fischer, Pope Benedict XVI: A Personal Portrait, trans. Brian McNeil (New York: Crossroad, 2005), 41.

[31] Xem Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction on Christian Freedom and Liberation (March 22, 1986) no. 5, http://www. vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_ doc_19860322_freedom-liberation_en.html (accessed February 19, 2007).

[32] Ibid., số 55.

[33] Ibid., số 57.

[34] Xem Congregation for the Doctrine of the Faith, Instruction on Certain Aspects of the “Theology of Liberation” (August 6, 1984) no. 27, http:// www.vatican.va/ roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_ cfaith_doc_19840806_ theology-liberation_en.html (accessed February 19, 2007).

[35] Ibid., số 29.

[36] Trích dẫn trong Fischer, Pope Benedict XVI, 33.

[37] Xem Benedict XVI, Papal Address at the University of Regensburg, September 12, 2006, http://www.vatican.va/holy_father/benedict_xvi/ speeches/2006/september/ documents/hf_ben-xvi_spe_20060912_university -regensburg_en.html (accessed February 28, 2007).

[38] Đức Giám Mục Paul Cordes, phỏng vấn bởi tác giả của bài viết tại Rôma, ngày 11 tháng 10 năm 2006.

[39] Pontificium Consilium “Cor Unum,” Deus caritas est: Acts of the World Conference on Charity (January 23-24,2006) no. 8, http://www. vatican.va/roman_curia/ pontifical_councils/corunum/documents/rc_ pc_corunum_doc_20060707_ Pubblicazioni_Doc_AttiCMC2006_ en.html (accessed February 19, 2007).

[40] Deus caritas est, số 28.

[41] Deus caritas est, số 23.

[42] Xem Walter J. Burghardt, S.J., Preaching the Just Word (New Haven: Yale University, 1996), 128-129.

[43] Xem bài giảng lễ của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger trong thánh lễ an táng của Đức Ông Luigi Giussani vào ngày 24 tháng 3 năm 2005, http://www.clonline.org/funerale/ratzing240205_eng.html, with a few corrections of the translation in the first paragraph of the quotation; for the Italian original, see http://www.clonline.org/funerale/ratzing240205. html (accessed February 17, 2007).

[44] Được trích dẫn trong Fischer, Pope Benedict XVI, trang 142.