“Lý do hiện hữu của nhiệm cuộc cứu rỗi thời Cựu Ước là để chuẩn bị và tiên báo ngày xuất hiện của Ðức Kitô, Ðấng Cứu độ muôn loài (x. Lc 24:44; Ga 5:39; 1Pr 1:10), và ngày khai nguyên Vương quốc của Ðấng Mêsia, cũng như để biểu thị các biến cố ấy với nhiều hình ảnh tiên trưng khác nhau (x. 1Cr 10: 11)” (MK 15).
1. NHẬP ÐỀ
Tại sao bắt đầu với chủ đề này? Kitô học vốn là lời đáp trả cho một câu hỏi. Vì thế, cần phải khởi đầu với việc đi tìm cho ra “câu hỏi” ấy: câu hỏi về Ðức Kitô. Tin rằng “mọi sự đều tồn tại trong Ðức Kitô” (Cl 1:17) và “đang ngong ngóng trông chờ ngày được giải phóng” (Rm 8: 19-22), nên chúng ta có thể đi vào thiên nhiên, vũ trụ, để tìm cho thấy, để nhận cho ra “vết tích” của Lời Tạo Hóa hoặc của Ðấng Cứu chuộc. Tự bởi bản tính, con người là một câu hỏi; thế nên, có tác giả đã lấy nhân chủng học làm khởi điểm cho Kitô học. Hoặc để nói cho đúng hơn, lịch sử là một chuỗi những câu hỏi với muôn vàn biến cố xảy ra làm như dệt nên lời giải đáp cho các câu hỏi đặt ra. Giữa bao nhiêu hy vọng, bao nhiêu câu hỏi và lời giải đáp như thế, bóng dáng Ðức Kitô có lộ hiện ở một nơi nào đó không? Lịch sử từng phần thì có nhiều, vì mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, v.v… đều có một lịch sử riêng. Nhưng, còn có một lịch sử “đặc biệt” và toàn bộ, mang theo nhiều câu hỏi và nhiều câu trả lời không chỉ do một số cá nhân hay một dân tộc nêu ra, mà còn do chính Thiên Chúa vấn và đáp nữa: đó là lịch sử của Dân Thiên Chúa, như được ghi chép lại trong Kinh Thánh. Trong phần đầu của Kinh Thánh – gọi là Cựu Ước – những biến cố và những lời viết đều tiềm ngụ một niềm hy vọng, một nỗi chờ mong hướng về một Ðấng sẽ đến trong tương lai để giải đáp mọi câu hỏi đặt ra cho cuộc sống loài người, cho bao nhiêu câu hỏi hiện sinh như thường thấy.[1]
a. Thật ra,nỗi niềm chờ mong cũng là một câu hỏihiện sinh. Chính Thiên Chúa đã đặt niềm chờ mong ấy vào trong lòng con người, vì Người biết nhân loại khó có thể đón nhận những gì, những ai mình không mong muốn. Tâm lý loài người không thể nhận ra cái “hoàn toàn mới mẻ,” cái “hoàn toàn khác lạ” được. Phải có sẵn cây đinh thì mới treo “cái mới” lên được; phải có sẵn chiếc khuôn thì mới có thể đổ “cái mới” vào để mà đúc. Cái “hoàn toàn mới” nằm xa ở bên ngoài chân trời của trí khôn và của ý chí loài người. Nỗi trông chờ, niềm ước mong, cảm thức tội lỗi, v.v… chính là cây “đinh,” là chiếc “khuôn” ấy.
b. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa duy chỉ có một, trong đó công cuộc sáng tạo vàcông trình cứu độ là hai khía cạnh.Vì thế, Các giáo phụ thường nói đến những “hạt giống của Ngôi Lời” trong thiên nhiên, và nêu bật sự việc con người được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài. Trong vạn vật, muôn vàn dấu chỉ biểu lộ cho thấy sự hiện diện của Ðấng Tạo Hóa; còn giữa loài người thì Người đã nắn đúc nên hình tượng của Ðức Kitô. Nhưng tội lỗi đã xảy đến. Kế hoạch của Thiên Chúa cho thấy một yếu tố mới: việc “phục hồi” hình ảnh đã ra méo mó, “khôi phục” tình trạng hòa hợp giữa các cấu tố trong thiên nhiên và trong nhân loại đã bị tội lỗi xáo trộn thành rối loạn: thiên nhiên “bị chúc dữ do tội con người,” nhân loại đâm ra chia rẽ trăm ngàn bè mối từ trong nội tâm ra đến ngoài xã hội, con người bị đày xa khỏi nhà Chúa (x. St 3:16-24). Nhưng ngay từ đầu, lòng xót thương thứ tha của Thiên Chúa đã qua những hình bóng, ngầm mở ra viễn cảnh người con của một phụ nữ sẽ thắng ác quỷ – ơn tha thứ của Ðức Kitô – (x. St 3:15), và thiên nhiên vẫn sống trong hy vọng sẽ có ngày được giải phóng (x. Rm 8:19-22). Trong Thiên Chúa, tất cả đều nằm trong một chương trình duy nhất, chương trình của lòng nhân ái xót thương (x. Ep 1:4-9).
Thế nên, mục đích của con người cũng chỉ là một: không có chuyện có một mục đích tự nhiên và một mục đích siêu nhiên. Cũng vậy, không có chuyện có một lịch sử loài người (phàm tục) và một “thánh sử công cuộc cứu độ” tách rời khỏi nhau; nhưng chỉ có một lịch sử nhìn dưới hai góc cạnh. Trong bất cứ biến cố nào, Ðức Kitô cũng đều có mặt. Cuộc biến hóa xã hội loài người cũng như đà tiến bộ văn minh, tất cả đều từng bước đưa dẫn loài người ngày càng đến gần với Nước Trời hơn. Còn vấn đề mỗi cá nhân thành công hay thất bại trong việc đón nhận ơn Chúa thì lại là một chuyện khác. Ðức tin cho biết rằng dù con người có biết hay không, thì bao giờ Ðức Kitô cũng vẫn là cùng đích của toàn bộ tiến trình lịch sử nhân loại. Về mặt tín ngưỡng, các tôn giáo làm công tác chuẩn bị mở đường cho đức tin; về mặt giáo thuyết, các tôn giáo tiến hành cuộc gieo giống Chân Thiện Mỹ là Ðức Kitô; việc tôn thờ, nguyện cầu tiềm ẩn ý nghĩa chỉ về một Ðấng Trung gian; việc cúng tế nói lên tâm thức về bổn phận cần phải đền bù tội lỗi; các nghi thức phụng tự gợi lên ý niệm bí tích, v.v…: tất cả các hành vi tôn giáo ấy đều giả thiết là hằng có một Ðấng “Thiên Chúa ở giữa [loài người] chúng ta.”
c. Từ những sự kiện vừa nêu trên đây,Kitô học xác tín mạnh mẽ hơn để khẳng định rằng Ðức Kitô đã không đi vào trong một thế giới “thuần túy tự nhiên,” song là đến giữa một thế giới đã được tổ chức sẵn theo “khuôn thước” nhất định để đón Ngài. Phúc Âm thánh Gioan viết: “Ngài đã đến nhà Ngài” (Ga 1:11). “Nhà Ngài” đặc biệt là Ítraen, vì Thiên Chúa đã chọn dân này làm Dân Người, cũng như đã chuẩn bị họ qua lời mạc khải với lời hứa của Người. Suốt trong tiến trình lịch sử dân mình, Ítraen đã hy vọng vào ơn Thiên Chúa hứa và hằng trông đợi một Ðấng Mêsia. Do vậy, thánh Luca đã có thể gọi Ðức Giêsu là Ðấng muôn dân đợi trông (x. Lc 2:29-32).
2. CỰU ỨỚC NÓI VỀ ÐỨC GIÊSU
“Các ông truy tầm Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời; ấy mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi” (Ga 5:39).
Trong Phúc Âm, Ðức Giêsu nêu lên câu hỏi căn bản của Kitô học (x. Mt 16:15); trong Cựu Ước, suốt bao thế kỷ, Thần Khí cũng đã từng gợi lên nhiều câu hỏi nhằm dẫn dần đến câu hỏi chung quyết sẽ phải đặt ra. Những câu hỏi ấy đều ngầm chỉ về Ðức Kitô. Tân Ước giả thiết về một Cựu Ước (x. Dt 9:15; 12: 24), vì thế ai muốn thấu hiểu cái “tân,” cái mới ấy, thì trước đó, cần phải am tường về cái “cựu,” cái cũ này đã. Các giáo phụ thường nói rằng Ðức Kitô ẩn tiềm ở trong Cựu Ước; hoặc nói cách khác với lời của thánh Âugutinô: “Tân Ước được Cựu Ước tiên trưng, và Cựu Ước được Tân Ước mạc khải.”[2] Ðiều đó đã xảy ra như thế nào?
a. Trên đường đi Emmau, chính Ðức Giêsu đã “bắt đầu từ Môsê và tất cả các ngôn sứ, [để] giải thích cho hai ông những gì viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh” (Lc 24:27), vàcụthể hơn, là về sự việc Ðức Kitô phải đi qua cuộc tử nạn để sống lại vinh quang (x. Lc 44–46). Thư gửi tín hữu Do thái viết rằng: “Thuở trước, nhiều lần và bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ” (Dt 1:1). Thánh Phêrô cũng đồng thanh nói rằng Thần Khí của Ðức Kitô hoạt động trong các ngôn sứ và đã mặc thị về “những thống khổ Ðức Kitô phải chịu và vinh quang đến tiếp sau đó” (1Pr 1:10-12). Còn thánh Phaolô thì cho biết rằng “cùng đích của Lề Luật (tức Kinh Thánh Do thái) là Ðức Kitô” (Rm 10:4; x. 16:25-26). Phúc Âm Matthêu đã đặc biệt dùng đến công thức “để lời Kinh Thánh được ứng nghiệm” lối 10 đến 14 lần; Luca ít dùng đến công thức đó, tuy nhiên, cũng nói lên cùng một ý nghĩa và rất rõ ràng ở trong câu 22:37; còn, theo thể văn riêng, Gioan đã tiềm chỉ 5, 6 lần về sự việc ứng nghiệm ấy.[3]
b. Ðức Giêsu là nội dung của Cựu Ước theo nhiều cách.[4] Ở đây, chỉ xin lưu ý đến một vài cách kiểu:
– Như là Ðấng sẽ đến: tiến trình Cựu Ước là một dòng trông chờ trường kỳ, khởi đầu với sứ ngôn chúc phúc của Giacóp (x. St 49:10) và với sấm ngôn phán cho Môsê (x. Ðnl 18:18), tiên báo về một vị sẽ xuất hiện để “giải phóng” Ítraen và mang ơn cứu độ đến cho nuôn dân.
– Như là Ðấng được hứa, theo lời Ðức Chúa Giavê phán bảo với Abraham (x. St 12:13), hoặc theo lời ngôn sứ Nathan nói với vua Ðavít (x. 2Sm 7:12-14). Còn thánh Phaolô thì đã nhận ra “dòng dõi Abraham” ấy chính là Ðức Kitô (x. Gl 3:16). Vì thế, Gioan Tẩy giả hỏi Ðức Giêsu: “Thầy có đúng là Ðấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3).
c. Kế hoạch cứu độ diễn tiến qua hai giai đoạn: giai đoạnchuẩn bị,và giai đoạn thực hiện. Ðầu tiên là mầu nhiệm giữ kín (x. Cl 1:26), rồi đến mầu nhiệm được mạc khải (x. Ep 3:4-5). Ðã có một thời Thiên Chúa chờ đợi “nhẫn nại” (Rm 3:25), nhưng cuối cùng, “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ” (Tt 2:11; x. Ga 1:17). Cựu Ước ghi lại giai đoạn một là giai đoạn làm nền tảng cho giai đoạn hai: nếu không biết về giai đoạn đầu thì khó mà hiểu rõ được giai đoạn sau.
d. Cụ thể hơn: Cựu Ước giúp cho hình dung ra được Ðức Kitôlà gì;còn Tân Ước thì tỏ rõ cho thấy Ðức Kitô là ai. Thí dụ: những tước hiệu Tân Ước áp dụng cho Ðức Kitô đều được lấy từ Cựu Ước. Kinh Thánh Do thái nói về một “Con Người” (Dn 7:13). Các ngôn sứ và các ca vịnh thường nhắc đến Ðấng Mêsia (Thiên sai, Xức dầu, “kitô”); rồi hình bóng chỉ về vua Ítraen cũng cho thấy chiều kích thánh thiêng, siêu nhiên. Ngôn sứ Isaia miêu tả về người Tôi Trung của Giavê (x. Is 42:53), còn Sách Ðệ nhị Luật thì chép lại sự việc Môsê nói lại cùng “toàn thể Ítraen” về lời Thiên Chúa hứa ban cho một vị Ngôn sứ [đặc biệt]. Tân Ước áp dụng Ðnl 18:15-18 cho Ðức Giêsu (x. Ga 1:17.21; 6:14; 7:40; Cv 3:22-24; 7:37). Gọi Ðức Kitô bằng danh xưng Ađam mới (x. 1Cr 15:22.45) là Tân Ước muốn so sánh Ngài với Ađam cũ (x. St 2–3). Muốn hiểu Ðấng chăn chiên lành là gì thì phải biết “mục tử xấu” là như thế nào (x. Ed 34). Cần phải dựa theo Cựu Ước để hiểu các danh xưng dùng trong Tân Ước: danh xưng “chàng rể” phải được hiểu theo ánh sáng của Hs 2 hoặc của Sách Diễm ca; muốn biết ý nghĩa của cách gọi “con Chiên” tất phải biết đến biến cố dân Do thái xuất Ai cập (x. Xh 12). Quả thế, toàn bộ Tân Ước giả thiết về sự kiện và ý niệm “giao ước” đọc thấy ở trong Cựu Ước (x. Xh 24), v.v…[5]
Những “hình bóng” này là những mẫu “tiên trưng” (types) về Ðức Giêsu Kitô và về “mầu nhiệm” của Ngài (x. 1Cr 10). Bàn về các con vật làm lễ vật thời xưa, thánh Âugutinô giải thích: “Ý nghĩa của những hình bóng ấy là Ðức Kitô, vì máu Ngài đã chuộc lại và cứu độ chúng ta.”[6] Thánh Irênêô nhận định rằng suốt trong dòng lịch sử, Ngôi Lời đã học tập cho biết nói tiếng nói của loài người; những “bài học” ấy là những biến cố ghi lại trong Cựu ước.[7]
e. “Ứng nghiệm” là một ý niệm căn bản để hiểu vai trò của Cựu Ước trong Kitô học.[8]Cựu Ước miêu trình kế hoạch Thiên Chúa đề ra nhằm cứu độ loài người, một kế hoạch đã được trọn vẹn ứng nghiệm, thành tựu nơi Ðức Kitô (x. Cv 2:23). Hơn 10 lần, khi trình thuật về các biến cố trong đời Ðức Giêsu, Phúc Âm Matthêu đã lưu ý cho thấy là “điều đó” xảy ra “để ứng nghiệm lời Kinh Thánh” (chẳng hạn như trong các câu 1:22; 2: 15.23, v.v…). Bao quát, sâu rộng hơn nữa, Gioan xác định rằng “mầu nhiệm phục sinh” là bằng chứng cho thấy toàn bộ Kinh Thánh (Cựu Ước) đã ứng nghiệm (x. Ga 19:28; Lc 12:50; 18:31; v.v…). Vì thế, thánh Phaôlô đã có thể khẳng định rằng: “mọi lời hứa của Thiên Chúa đều là ‘có’ (naì) nơi Người [Ðức Giêsu Kitô]” (2Cr 1:20). Các động từ thường được dùng đến: pleroun, telein, teleioun, đều là những động từ mang nội dung khái niệm xuất xứ từ Cựu Ước. Hệt như đối với chúng ta, đức tin Ítraen xác tín rằng việc ứng nghiệm các sấm ngôn của Giavê Thiên Chúa nơi một người nào đó, là bằng chứng đích xác cho thấy người đó là ngôn sứ chính thực (x. Ðnl 18:22), vì bao giờ Lời Chúa cũng có hiệu lực chắc chắn, không sai chậy (x. Is 48:3; 55:11; Ed 6:10; Dcr 1: 6; v.v…). Nhưng, sự ứng nghiệm tuyệt đỉnh ấy còn phải xảy ra đúng vào thời điểm ấn định (x. Gr 25:12), tức là vào “thời gian viên mãn” (Gl 4:4; x. Mc 1:15): “Thiên ý là kế hoạch yêu thương Thiên Chúa đã định từ trước trong Ðức Kitô; đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn, là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô” (Ep 1: 9-10).
Tuy nhiên, “ứng nghiệm” đâu phải chỉ là việc một biến cố xảy ra đúng như lòi tiên báo mà thôi; bao giờ cũng còn có một cái gì hơn nữa, vượt quá, theo quy trình biện chứng: giống như – khác với – vượt quá. Thí dụ: Ðức Giêsu là “con của Ðavít” (2Sm 7:12; Lc 1:32tt, v.v…), nhưng vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này (x. Ga 18:36tt). Ðấng Thiên Sai là vua vinh hiển (x. Tv 110; Mt 26:64); song Ngài cũng là tôi tớ (x. Is 53; 1Pr 2: 24tt). Uy quyền Ngài đặt các kẻ thù dưới chân Ngài (x. Tv 45), nhưng, sau khi sống lại, Ðức Kitô mới được toàn quyền trên trời dưới đất (Mt 28:18). Trong Cựu Ước, kế hoạch cứu độ xem ra chỉ dành riêng cho dân Do thái; nhưng bây giờ thì đã quá rõ là kế hoạch ấy bao trùm hết mọi dân nước, không phân biệt màu da, chủng tộc, văn hóa, v.v… (x. Rm 11:25tt; 16:26; Ep 3:6; Cl 1:27). Không những đã làm cho ứng nghiệm (x. Mt 5:17), Ðức Giêsu còn đưa Lề Luật lên một bình diện cao hơn (x. bài giảng trên núi), đến độ thánh Phaolô đã có thể kết luận rằng những cơ cấu bất toàn ấy, Ðức Kitô đã bãi bỏ (x. 1Cr 13: 10).
Vì những lý do trên, Kitô học cần phải khởi đầu với Cựu Ước. Nhưng, vì còn có yếu tố “vượt quá” như đã thấy, nên Cựu Ước không có đủ khả năng để giúp cho am tường mầu nhiệm Ðức Kitô mới được mạc khải về sau – trong thời viên mãn – cho Hội Thánh (x. Rm 16:25; Ep 3:5-9; Cl 1:26).
3. CỰU ƯỚC: CUỐN SÁCH CỦA NHỮNG NỖI NIỀM CHỜ MONG
Các Giáo phụ đã thường đọc Cựu Ước theo nhãn quan tiên trưng, và đã trình bày cho thấy ở trong các nhân vật và biến cố của Cựu Ước có những dấu tiên biểu chỉ về mầu nhiệm Ðức Kitô. Phaolô đọc thấy ở nơi tảng đá phun nước trong sa mạc (x. Xh 17:1-6) một hình bóng chỉ về Ðức Kitô (x. 1Cr 10: 4). Phêrô coi đại hồng thủy như là tiên triệu của phép Rửa tội (1Pr 3: 21), còn Giáo hội thì nhận ra nơi nhiều nhân vật và biến cố trong Cựu Ước những ý nghĩa tiên trưng ngầm chỉ về Ðức Kitô, tức là về con người, sứ mạng và hành động của Ngài. Thí dụ:
Ađam – “Ađam” trong tiếng Hypri có nghĩa là “con người,” như thấy chẳng hạn ở trong câu Tv 8:5; và con người là tạo vật mà Con Thiên Chúa đã trở thành khi Ngài bước ra từ cung lòng Thiên Chúa Cha vĩnh cửu để đi vào trong thời gian.[9] “Ađam” cũng có nghĩa là tổ tiên loài người như đọc thấy trong các đoạn St 4:1.25; 5:1; 1Sb 1:1 và Tb 8:6. Trong Tân Ước, Ađam được hiểu như là ông tổ của toàn thể nhân loại (x. Cv 17:26), và thánh Phaôlô gọi ông là “hình ảnh của Ðấng sẽ đến” (Rm 5:14; x. VMHV 22). Thực ra, Phúc Âm so sánh Ðức Giêsu với Ađam theo nhiều cách: Mc 1:13 cho thấy Ðức Giêsu ở giữa dã thú và bị Satan cám dỗ (như Ađam); Mt 1:1 gợi lại nội dung của St 5:1; còn Lc 3:38 thì nói Ngài là con của Ađam. Pl 2:6-11 ngầm chỉ về sự việc không như Ađam muốn bằng Thiên Chúa, Ðức Kitô “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ.” Phaolô minh nhiên so sánh tổ tiên loài người là “Ađam đầu tiên” với Ðức Kitô là “Ađam cuối cùng” (1Cr 15:45) và những hậu quả mà hai vị “tổ tiên” mang lại cho loài người (x. Rm 5:12-21).[10] Mặt khác, Thiên Chúa cũng đặt tổ tiên loài người – Ađam và êvà – làm mẫu mực cho tương quan vợ chồng theo ý Người (x. Mt 19:4tt; 1Tm 2:13tt); hơn nữa, hai vị còn tiên trưng biểu thị cho mối hiệp nhất giữa Ðức Kitô và Hội thánh Ngài (x. Ep 5: 25-33). Như thế, dựng nên con người là Thiên Chúa đã chuẩn bị (“hứa”) sẵn mầu nhiệm Nhập thể.[11]
Tuy nhiên, tội lỗi đã xảy đến, làm hư hỏng đi những gì tốt đẹp Thiên Chúa đã dọn sẵn cho con người, ảnh hưởng sâu đậm đến toàn bộ tương lai của loài người bị đè nặng dưới sức ép của tội ác; “tội phạm” là thân phận đắng cay của dòng dõi Ađam (x. Tv 51:7; Ed 28:13-19, v.v…). Nhưng, giữa tình trạng bi đát ấy, đã vang vọng lên một lời hứa cứu độ (x. St 3:15), mà tương lai sẽ thấy thành tựu trong Ðức Kitô. Dòng dõi của người nữ là niềm hy vọng lớn lao và độc nhất cho con người sống giữa những hậu quả tràn lan và khốc liệt của tội lỗi: ghen ghét, chia rẽ, hận thù, chiến tranh, đau khổ, chết chóc, v.v… Vì tội vốn là bất phục tùng, kiêu ngạo, không tin tưởng vào Thiên Chúa, là coi Thiên Chúa như là kẻ ích kỷ, không để tâm lo cho con người, v.v… (x. St 3: 3tt), với hậu quả là chia rẽ (x. St 3:16), huynh đệ tương tàn (x. St 4:8), hung dữ tàn bạo (x. St 4:24) và cuối cùng là đi đến chỗ diệt vong (x. St 6:5tt).[12] Ðể cứu chuộc loài người, Thiên Chúa dùng phương sách “lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21); vì vậy, Ðấng Cứu thế sẽ phải là hiện thân của thái độ nhân hậu ấy.
Abraham.– Kinh Thánh có chép về ông: “Vinh quang của ông chẳng ai sánh tày” (Hc 44:19), bởi vì ông là “bạn của Thiên Chúa” (Is 41:8), và ông được gọi là “cha của mọi tín hữu [các kẻ có lòng tin]” (Rm 4:11).[13] Lịch sử cứu độ đã “đăïc biệt”[14] bắt đầu với ông; ông được xem như là mẫu phác thảo của kế hoạch cứu độ: người được chọn, được lãnh nhận lời hứa, và lập giao ước với Chúa Giavê. Thiên Chúa hứa ban cho ông một dòng dõi đông đảo và qua đó Người sẽ ban phúc lành cho muôn dân (x. St 22: 17-18; 12:2; 16:10). Ítraen đã trung thành giữ vững niềm cậy trông vào lời hứa ấy (x. Lc 1:73-74). Abraham lập giao ước với Thiên Chúa; tuy nhiên đó chỉ là một giao ước đơn phương, vì chỉ một mình Thiên Chúa bước qua giữa những mảng tế vật (x. St 15:17; 17:7): từ đầu và mãi mãi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa bao giờ cũng là ân sủng nhưng không! Thiên Chúa chấp nhận danh xưng “Thiên Chúa của Abraham” (x. St 26:24; 28:13, v.v…), như thể Người thuộc về ông. Ông bị thử thách hệt như một “ngôn sứ” (x. St 20:7), nhưng đã thắng cuộc: việc tế hiến con một là Isaac (x. St 22) đã trở thành sự việc “tiên báo” về Ðức Kitô (x. Dt 11:19; 2:14-17; Rm 8:32). Thật ra, chính Abraham đã hưởng được Tin Mừng và được mừng rỡ về Ðức Kitô (x. Ga 8:56).
Trình thuật về Abrahan cho thấy rõ lời Chúa đã nhập thế vào trong một dân tộc; và hơn nữa, chính lời hứa của Thiên Chúa đã sáng tạo nên dân tộc ấy. Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử loài người như là Ðấng hoàn toàn tự do trong chọn lựa của mình, không bị ràng buộc bởi bất cứ một điều kiện nào, cũng chẳng mảy may dựa vào công đức của người được chọn. Người Do thái hãnh diện tự xưng là “con cái của Abraham” và coi ông là người bạn của Thiên Chúa, thường can thiệp bên Người để cứu giúp kẻ khác (x. St 18 về thành Sôđôma, và Lc 16:20tt với dụ ngôn về Ladarô).
Việc lựa chọn này cho thấy rõ tính chất đặc thù của kế hoạch Thiên Chúa, được biểu đạt qua điều mà thần học gọi là “phổ niệm cụ thể” (universal concrete), tức là một thay thế cho tất cả: một người đại diện cho toàn dân, cho toàn thể nhân loại; điều xảy ra chỉ một lần, nhưng lại có ảnh hưởng mãi mãi (x. Dt 10:2). Abraham chỉ sinh có một người con, nhưng đã trở nên cha của hết thảy mọi tín hữu. Dù có ban cho mọi người đủ những gì cần thiết, thì Thiên Chúa cũng không cư xử đổng loạt như nhau đối với mọi người, nhưng có quyền ưu đãi và ban đặc ân cho những ai Người muốn (x. Rm 9); tuy nhiên, ân huệ nào ban ra cũng là để giúp cho việc thực thi sứ mạng và chu toàn trách nhiệm trao phó được tốt đẹp, nhằm mưu ích chung.
Trong Tân Ước Abraham xuất hiện nhiều lần: tới 26 lần trong bốn Phúc Âm. Ðức Giêsu là con của Abraham (x. Mt 1:1), như người Do thái; nhưng “vinh dự” đó đòi hỏi phải biết sống theo mẫu gương của vị tổ tiên thì mới mang lại được lợi ích (x. Ga 8: 31tt). Thánh Phaolô đã nhắc đến Abraham tới 18 lần, qua những dịp nêu lên lòng tin của ngài, một đức tin mà nhờ đó con người được kể là công chính. Ðặc biệt, vị tông đồ nhấn mạnh rằng Thiên Chúa hứa ban cho Abraham hai điều: một người thừa kế và một di sản; Ðức Kitô là cả hai (x. Gl 3:16; 2Cr 1:20). Dòng dõi đông đảo ấy tụ hội vào trong chỉ một con người, và như thế trở nên phổ quát: mọi dân tộc được thông phần vào phúc lành của Abraham (x. Gl 3:14; 4:21-31; Rm 8:31). Những người theo lòng tin của tổ phụ Abraham, là “cha của mọi kẻ tin” (Rm 4:11-12), – hoặc là tín hữu Kitô giáo, Do thái giáo, hay Hồi giáo –[15] thì đều có thể hưởng phần thưởng của Thiên Chúa ở trong “lòng ông Abraham” (Lc 16:22). Như thế có nghĩa là những người được cứu rỗi đều có một mối quan hệ phụ tử với ông tổ của đức tin.[16]
Xuất hành.– Cuộc di xuất khỏi ai cập là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Cựu Ước.[17] Ðối với Do thái giáo, cuộc xuất hành chẳng những là chuyện của quá khứ, mà còn là một biến cố được hiện thức hóa hằng năm trong những ngày lễ lớn. Ðó là khởi điểm của lòng tin, của niềm hy vọng, của chính dân tộc Do thái. Trước hết là sự việc Thiên Chúa mạc khải: Chúa Giavê vén mở cho biết Tên của Người (x. Xh 3:14-15); điều đó có nghĩa Người là “Ngôi vị,” Người sẵn sàng tự đặt mình trong tay của con người, để cho các tín hữu kêu cầu. Thiên Chúa để cho con người có kinh nghiệm về mình, trước hết như là Ðấng Cứu Ðộ (x. Xh 15:2; Ðnl 26:6-8), như là một Thượng Ðế gần gũi với con người (x. Ðnl 4:7), cư ngụ giữa con dân (x. Ds 35: 34): sự việc mà sau này Ngôi Lời sẽ thực hiện một cách trọn vẹn (x. Ga 1: 14). Vị Thượng Ðế này không phải là Ðấng thờ ơ, xa vời, ở trên trời cao, mà chính là Ðấng hằng quan tâm từng giây phút đến số phận của con người, can thiệp vào trong lịch sử loài người, và không ngừng lắng tai nghe tiếng thở than của đoàn dân kham khổ (x. Xh 3:7-10). Qua hành động can thiệp ấy, Thiên Chúa “sáng tạo” một dân riêng (x. Is 43:15) mà Người yêu thương như “con đầu lòng” (x. Xh 4:22).[18] Sở sĩ Thiên Chúa đã can thiệp như vậy là vì Người trung thành giữ lời Người hứa (x. Xh 2: 24), và lời hứa ấy chính là nguồn hy vọng được đặt vào giữa lòng lịch sử.
Như vậy, hành động Thiên Chúa can thiệp vào trong lịch sử quả đã tạo ra những cơ cấu chính trị: một giao ước, một bộ lề luật, một nền phụng tự (x. Xh 19 – 20; 24). Phần lớn những khái niệm, dữ liệu và biến cố trong Tân Ước đều bắt nguồn từ đó: chính kinh nghiệm xuất hành đã làm phát sinh ý niệm cứu độ, cứu thoát (x. Tv 130: 8; Gr 3:21tt; 24:7; 32:37tt; Ed 17:20, v.v…),[19] cũng như các ý niệm “Vượt qua” và “Con Chiên [Thiên Chúa],” v.v… (1Cr 5:7; 1Pr 1:18tt). Chẳng thế mà Tân Ước đã nhắc đến biến cố Xuất hành nhiều lần: trong bài giảng trên núi (x. Mt 5–7), trong cuộc biến hình trên núi Tabor (x. Lc 9:31), trong bữa tiệc ly, trên đường Emmau (x Lc 24:26), v.v… Chính Ðức Giêsu sẽ đích thân thực hiện cuộc xuất hành (x. Lc 9:31) và vượt qua ấy (x. Ga 13:1). Thánh Phaolô giải thích về cuộc xuất hành ở trong 1Cr 10:1-10; còn thánh Phêrô thì áp dụng những đặc điểm của Dân Thiên Chúa (x. Xh 19:6) cho dân kitô (x. 1Pr 2:9t). Thư Do thái là một thiên suy niệm về cuộc xuất hành. Tác giả đã đề cập đến chủ đề này nhiều nhất là thánh Gioan: ngài gọi Ðức Giêsu là “chiên Thiên Chúa” (Ga 1:29), so sánh manna (x. Xh 16) với “bánh bởi trời” là Thánh Thể (x. Ga 6), nước bởi tảng đá (x. Xh 17:1-7) với Thần Khí và các bí tích phát sinh từ cạnh sườn Ðức Kitô (x. Ga 7:37tt; 19:34), con rắn treo trên cây cột (x. Ds 21:8-9) với Ðức Giêsu chịu treo trên thập giá (x. Ga 3:14t), và nhất là áp dụng cho Ðức Giêsu Danh Thánh Chúa Giavê “Ta Là” (Xh 3:14; x. Ga 4:26; 6:20; 8:24.28.58; 18:5), v.v…
Trong trình thuật về xuất hành, hành động của Thiên Chúa tỏ lộ rõ. Người chọn một dân tộc và tuyên bố đó “là sở hữu riêng của Ta giữa hết thảy mọi dân, vì toàn cõi đất đều là của Ta” (Xh 19:5); nhưng, lý do của việc đặc tuyển này tuyệt đối không phải là công đức của Ítraen, song là chính lòng thương nhưng không của Thiên Chúa (x. Ðnl 7:7-8). Công cuộc cứu độ cũng thế: duy chỉ vì yêu thương, Thiên Chúa tuyển chọn một dân hay một cá nhân nào đó và đòi hỏi trung thành sống theo thánh ý Người, tức là hợp tác với Người ở giữa lịch sử loài người, hầu qua đó, các biến cố lịch sử mang lại được một tầm cỡ siêu việt cho vận mệnh cuối cùng của nhân loại.
Ðavít.– Vai trò vua Ðavít đóng giữ nói lên nhiều ý nghĩa đặc biệt: một đàng, vì ngài là khởi điểm của niềm chờ mong về một Ðấng Thiên sai vương giả, và đàng khác, vì Ðức Giêsu [thuộc dòng dõi cũng như] được gọi là “con của Ðavít.” Trong lịch sử cứu độ, vua Ðavít là một nhân vật điển hình: được Thiên Chúa tuyển chọn khác hẳn với “lẽ thường” (được chọn dù là con út trong gia đình), được xức dầu, bị thử thách khốn đốn trăm bề, đã trở nên người lý tưởng bởi một mực trung thành với Thiên Chúa, nhưng lại bị sa ngã.
Là người quảng đại, Ðavít muốn thực hiện một công trình lớn lao cho Thiên Chúa: xây ‘một nhà’ – đền thờ – cho Giavê. Thế nhưng, Thiên Chúa còn quảng đại hơn: sẽ gầy dựng ‘một nhà’ – dòng dõi – cho Ðavít (x. 2Sm 7:8.12). Ðó là một dạng minh ước giữa Thiên Chúa và triều đại Ðavít,[20] qua đó, “Thiên Chúa ban cho ông vương mệnh, và cho ngai ông được vững bền trên nhà Ítraen” (Hc 47:11). Từ lúc ấy, giao ước của Chúa Giavê với Ítraen và những lời hứa đều quy tụ vào ‘nhà’ Ðavít. Nhà vua trở thành biểu trưng của ân sủng và khí cụ của ơn cứu độ (x. Tv 89:20-38). Hậu thế sẽ ngẫm suy nhiều về giao ước này và sẽ rút ra những ý nghĩa thần học (x. 2Sm 23:5; 1V 2:45; Tv 89, 110, 132, v.v…).
Nhân vật lý tưởng hóa này đã làm nẩy sinh niềm hy vọng về Ðấng Thiên sai. Các ngôn sứ đã ghi lại các sấm ngôn tiên báo về “con của Ðavít” và cho thấy người con này sẽ thâu tóm ở nơi mình, tất cả những gì Thiên Chúa hứa và Ítraen đang đợi trông (x. Is 9:6-7; 11:1-9; Gr 23:5; Mk 5:1-5; Dcr 9:9tt). Thật ra, những lời hứa ấy, Thiên Chúa đã cho ứng nghiệm nơi Ðức Kitô phục sinh (x. Cv 13:32-37), và làm nên ý nghĩa của lịch sử nhân loại (x. Kh 5:5). Trong Do thái giáo, niềm hy vọng này được nuôi dưỡng và cổ vũ qua phụng vụ cũng như kinh nguyện (như là các “Thánh vịnh thiên sai”: Tv 2; 72; 110), và biểu hiện qua nhiều hình sắc khác nhau:[21] “Mầm non từ gốc rễ Giêsê” (Is 11: 1) sẽ là “Ðấng Xức dầu” (Tv 2:2; Is 61:1; Dn 9:25-26, v.v…), là “Chúa” (Tv 110:1), là “Con Người” (Ðn 7:13-14), v.v…
Tân Ước cũng xác định rõ Ðức Giêsu là “Con của Ðavít” (Mt 1:1), là “Ðấng xức dầu của Ðức Chúa” (Lc 2:26). Ngài trọng lớn hơn Ðavít (x. Mt 22:42-45), nhưng lại dựa vào mẫu gương của Ðavít để giải thích Lề Luật (x. Mc 2:25). Cho đến ngày này, âm vang tên của Ðavít vẫn còn tiếp tục vọng lên qua các Thánh vịnh và phụng vụ của Giáo hội.
Giao ước.– Giao ước là khái niệm căn bản trong mạc khải Do thái giáo cũng như Kitô giáo, vì đó là thể thức minh biểu ý định của Thiên Chúa tiếp nhận con người vào sống trong mối hiệp thông với Người. Kinh Thánh là không gì khác ngoài “câu truyện” kể về tiến trình giao ước đã diễn ra trong lịch sử, giữa Thiên Chúa và con người, qua đó Người muốn cho con người hợp tác vào trong kế hoạch cứu độ loài người.[22] Từ berit trong tiếng Hy bá mang ý nghĩa chỉ về một dạng kinh nghiệm chính trị và xã hội là các khế ước, minh ước (x. St 14:13; 21:22, v.v…). Hai phía có thể ngang nhau, hoặc thuộc những trật bậc cao thấp khác nhau; như giao ước giữa các đế vương, hoặc giữa các đế vương với các chư hầu hay tương tự (x. Gs 9:11-15; 1Sm 11:1; 2Sm 3:12tt; v.v…). Phía mạnh thường áp đặt điều kiện buộc phía yếu phải theo (x. Ez 17:13tt), qua một nghi thức cọng với một lời thề chấp nhận những điều kiện cùng những hậu quả (x. Gr 34: 18); rồi tiếp đó, còn có việc dựng lên một lưu vật hay một công trình kỷ niệm đánh dấu biến cố (x. St 21:23).
Nhưng trên Sinai, Chúa Yavê uy linh đã không xuất hiện như là đế vương, song như là người cha đầy yêu thương, như là đấng giải phóng (x. Xh 3:7-10. 16tt,v.v.). Tuy nhiên, Người đòi hỏi phải tin tưởng vào Người (x. Xh 14:31) và đặt những điều kiện (x. Xh 20:3tt; Ðnl 5:7tt). Nếu dân tuân theo Lề Luật thì Chúa Giavê sẽ ban cho những điều Người hứa (x. Xh 19:5tt: 23:20-33); nếu họ bất trung thì sẽ phải lãnh chịu hậu quả (x. Ðnt 31: 16tt). Trong Cựu Ước, giao ước này được quan niệm trong nhiều cách khác nhau, tùy thời đại và hoàn cảnh. Dù sao, lịch sử Ítraen cũng cho thấy là dân tộc và các triều đại đã không một mực trung thành với giao ước: họ đã bội thề, thờ ngẫu tượng, sống như các dân ngoại,… Tiến trình lịch sử Ítraen đã sống qua kinh nghiệm đau thương của những biến cố đổ vỡ to tát: trước hết là sự việc ly khai Nam Bắc, làm cho Ítraen không còn là một nước thống nhất; kế đến là cuộc lưu đày, bắt đầu là miền Bắc, vào năm 722 trước công nguyên, rồi đến miền Nam vào năm 581 trước công nguyên. Như thế, triều đại Ðavít đã bị tiêu hủy; vì vậy, cần phải tìm cho ra ý nghĩa mới – còn tiềm ẩn – của những lời Chúa Giavê hứa (thí dụ 2Sm 7:13). Ðất hứa đã mất, thì lời Thiên Chúa hứa (x. Xh 32:13) sẽ mang ý nghĩa như thế nào?
Ngôn sứ Giêrêmia đã công bố lời Chúa nhắc nhở: “Chúng đã hủy bỏ giao ước của Ta” (Gr 31: 32), điều mà ngôn sứ Hôsê gọi là hành động “ngoại tình,” bởi Giavê yêu thương Ítraen như chồng thương yêu vợ mình (x. Hs 2:4: Ed 16:15-43). Dẫu thế, Giavê vẫn luôn trung thành với ý định cứu độ của Người (x. Gr 31:35tt; 33:20tt). Vì vậy, cần phải lập lại giao ước, nhưng là trong một cách thức khác, thiêng liêng hơn, nội tâm hơn. Trong thời đại mới, sau một cuộc xuất hành mới, Thiên Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới, mà Hôsê trình tả như là một cuộc “hôn ước vĩnh cửu” (Hs 2:18-21). Sấm ngôn truyền qua miệng ngôn sứ Giêrêmia đã miêu tả giao ước mới này như sau: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng Lề Luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31:33). Ngôn sứ Êdêkien khai triển thêm: “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi” (Ed 36:26tt). Giao ước này đổi mới giao ước lập trên Sinai (x. Ed 16:60) cũng như giao ước lập với Ðavít (x. Ed 34: 23). Giao ước nhiệm mầu này làm như tập tụ tất cả vào một nhân vật được chỉ danh là Người Tôi Trung: “Ta đặt ngươi làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn dân” (Is 42:6; 49:6), tức sẽ gồm cả “dân ngoại” nữa.
Dù khi trở về quê hương, dân Do thái đã tái thiết thành phố Giêrusalem cũng như Ðền thờ, thì dân nước họ cũng không còn là một quốc gia độc lập nữa: đầu tiên là bị Ba tư đô hộ, rồi tới Hy lạp, và cuối cùng là Rôma; tình trạng quả là thảm hại như đọc thấy qua lời cầu – vẫn đượm đầy hy vọng – của ngôn sứ Ðanien (x. Ðn 9: 5-19).
Niềm hy vọng ấy đã được trọn vẹn mãn nguyện nơi Ðức Kitô. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã hiến dâng “máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14:24). Cuộc khổ nạn là lễ tế vượt qua hiến dâng ngày xưa, nhưng vẫn còn tồn tại và mãi mãi tái diễn trong Thánh Thể (x. 1Cr 11:25). Thư Do thái trình bày suy tư về giao ước mới này (x. Dt 8:8-12; Gr 31:31t), coi đó là một giao ước hoàn hảo hơn (x. Dt 8:6; 12:24), vì được ký kết bằng máu của Ðức Kitô (x. Dt 9:20; 12:24; Xh 24:8); và như vậy là những hình ảnh tiên trưng trong Cựu ước đã ứng nghiệm (x. Dt 10:1-22).[23]
Số còn sót.– Khái niệm này Kinh Thánh thường dùng để chỉ số dân [Do thái] còn lại sau một cuộc thảm họa, và có khả năng làm mầm giống cho cộng đoàn mới.[24] Trong các cuộc chiến thời xưa, thường chỉ một nhóm nhỏ sống sót (x. 1V 19:15-18). Thiên Chúa lưu ý trước cho Ítraen biết rằng nếu bất trung, không giữ giao ước, thì chỉ còn một nhóm nhỏ trong dân được tồn tại (x. Ðnl 4:27tt). Các nhà chú giải phân biệt ba loại “số còn sót”: 1) là nhóm sống sót sau những thảm họa lịch sử (x. Am 5:15; Is 37:4, v.v…); 2) là cộng đoàn sẽ hưởng được ơn cứu độ cánh chung (x. Mk 5:6tt; Is 10:20t; 44; v.v…); 3) là số nhỏ trung thành giữa dân tộc hờ hững (x. Kg 1:12; Dcr 8:6). Sau cuộc lưu đày trở về, loại thứ hai và thứ ba kể trên đây, coi mình như là những kẻ thừa kế lời hứa. Họ sẽ quây quần chung quanh Ðấng Mêsia, mà các ngôn sứ gọi là “cái gốc” còn sót lại, là “mầm giống thánh” (Is 6:13; 11:1t) sẽ mang hoa trái của ân huệ Thiên Chúa đến cho muôn dân (x. Mk 5: 6). Người Tôi Trung trong Isaia là hiện thân của số còn sót trung thành trong dân Ítraen (x. Is 49:3; 52:13; 53:12), và được ủy thác cho sứ mạng đóng giữ vai trò của Vị Thiên Sai (x. Is 49: 6; 53:11).
Trong Tân Ước, chủ đề này xuất hiện rõ qua lời nói và việc làm của Ðức Giêsu; chẳng hạn như khi Ngài chọn mười hai tông đồ, đại diện cho mười hai chi tộc Ítraen, hoặc khi Ngài nói về “đàn chiên nhỏ bé” (Lc 12:32), và về sự việc “kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22:14); tóm lại, chính Ngài là Số còn sót, là Người Tôi Trung. Thánh Phaolô áp dụng ý niệm “số còn sót” cho số ít người Do thái đã tin vào Ðức Kitô trong Hội Thánh (x. Rm 11:5): họ là bằng chứng Thiên Chúa trung thành sẽ cứu độ toàn thể Ítraen (x. Rm 11:26).[25]
4. NHỮNG HÌNH ẢNH CHÍNH CHỈ VỀ ÐẤNG CỨU THẾ ÍTRAEN MONG CHỜ
Niềm chờ mong cứu độ.– Ítraen chờ mong Ðức Chúa sẽ giải cứu dân Người. Kinh nghiệm cho thấy rằng Ítraen không thể cậy dựa vào sức loài người được. Giêrêmia cảnh cáo: “Ðáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời” (Gr 17:5).
“Cứu độ” là gì?[26] Theo nghĩa đen, từ Hibá yesa, hoặc từ Hy lạp sôtêria, muốn nói là: giải phóng, sửa chữa, cứu vớt, v.v… Lúc đầu, “cứu độ” có nghĩa là giải cứu dân cho khỏi kẻ thù (x. Ðnl 22:27), với kinh nghiệm căn bản là việc Thiên Chúa giải phóng Ítraen khỏi ách Ai cập (x. Xh 14:30): Ðức Chúa là Ðấng cứu tinh duy nhất. Ítraen hiểu rằng các cuộc chiến thắng đều là công trình do Thiên Chúa thực hiện; con người chỉ hãnh diện vì được hợp tác với Người (x. Tl 6:36; 1Sm 11:13; v.v…). Ý nghĩa lịch sử này dần dần được mở rộng ra hơn và được áp dụng cho những hành động cứu giải có tính cách toàn diện và chung quyết, sẽ diễn ra vào “thời gian cuối cùng,” tức là trong thời đại của Ðấng Thiên sai. Ðó là ơn cứu độ Ítraen trông chờ, với một niềm hy vọng tôn giáo đích thực, là nội dung chủ yếu của lời Chúa hứa, và là đối tượng của niềm cậy trông (x. Tv 50:6; 67: 3; Is 45:8; v.v…).
Trong Cựu Ước, Chúa Yavê được gọi là: “Ðấng cứu vớt Ítraen” (x. 1Sm 14:39), “Ðá tảng cứu độ” (x. Tv 68:20-21, v.v…). Ngôn sứ Giêrêmia đã khơi dậy một niềm hy vọng mới, không những cho riêng cá nhân mình (x. Gr 15:20), hoặc đối với việc cứu trợ Giuđa (x. Gr 4:14t), mà còn cho cả việc khai mở triều đại của một Ðavít mới – tức Ðấng Thiên sai – khi Ðức Chúa, “sự công chính của chúng ta,” ra tay cứu thoát Ítraen (x. Gr 23: 5-6). Niềm hy vọng này được diễn tả qua nhiều cách khác nhau, như đọc thấy ở trong Hb 3 hay ở trong Ed 36:29 chẳng hạn. Niềm chờ mong cứu độ đạt đến đỉnh cao trong phần hai Sách ngôn sứ Isaia, gọi là Isaia đệ nhị (từ chương 40 cho đến 55): đề tài này đã được nêu lên 21 lần. Tác giả kết liên việc cứu độ với cuộc hồi hương sau thời gian lưu đày (x. Is 41:17-20, v.v…), cách riêng là với ý niệm về một “cuộc tạo dựng mới” (x. Is 49:10-15). Ðó là tin mừng báo cho biết: “Yavê là vua hiển trị” (Is 52:7). Ơn cứu độ mang tính chất thật sự phổ quát (x. Is 45:22; 49:6; 51:5) và vĩnh viễn (x. Is 45:17; 51:6.8). Trong thời Ðền thờ thứ hai, hai ngôn sứ Dacaria và Isaia đệ tam (từ chương 56 cho đến hết) đã phải đối phó với tình trạng khủng hoảng về niềm hy vọng, vì chờ mong đã mòn mỏi mà dân vẫn không thấy “ơn cứu độ” đến. Từ đó mới đi thêm được một bước để nhận ra rằng công cuộc cứu độ mang tính chất “cánh chung” và “khải huyền” (x. Is 59:1-15; 63:1-6), với một nhân tố mới: “tử thần sẽ bị tiêu diệt” (Is 25: 8). Niềm trông chờ được nuôi dưỡng qua các Thánh vịnh: khi thì có tính cách quân sự (x. Tv 108), khi thì thể hiện qua hoài bão tái thiết Giêrusalem (x. Tv 69:36), hoặc qua ước mong được giải thoát cho khỏi tay kẻ thù (x. Tv 7:2; 12:6, v.v…), cho khỏi bệnh tật (x. Tv 6:5), v.v… Ðôi lúc, niềm chờ mong lại hướng tới một tiêu đích cao quý, siêu việt hơn (x. Tv 50:23; 62; 119:123, v.v…), thiêng liêng hơn (x. Tv 145:18-19; 149:4, v.v…).
Tân Uớc khẳng tín rằng niềm chờ mong kia đã được trọn vẹn ứng nghiệm nơi Ðức Giêsu (x. Lc 2:29-32); vì thế, đã gọi Ngài là Ðấng Cứu tinh (x. Lc 2:11; Ep 5:23, v.v…). Và bây giờ sự việc đã lộ hiện rõ: ơn cứu độ là được thông phần vào đời sống của Thiên Chúa (x. Ep 2:5; 2Tm 4:18), ân huệ nhận được nhờ đức tin (x. Rm 10:9) và là ân huệ Thiên Chúa muốn ban cho hết thảy mọi người (x. 1Tm 2:4).
Ðấng Cứu tinh được biểu trình trong nhiều dung mạo khác nhau. Xin nêu lên đây một số:
Vua.– Bởi, qua sấm ngôn Nathan chuyển lại, Thiên Chúa đã hứa ban cho Ðavít một dòng dõi “tồn tại mãi mãi” (x. 2Sm 7:11-16), nên Ítraen coi nhà vua như là hiện thân của ơn cứu độ. Ðược Thiên Chúa chọn (x. 1Sm 10:24; 16:8.9.12,v.v…) và được xức dầu (x. 1V 1:32-48), nhà vua “ngự ngai vàng của Ðức Chúa mà cai quản Ítraen” (x. 1Sb 28:5). Ðấng Ítraen mong đợi thường được hình dung như là một vì vua cứu tinh.[27] Kinh nghiệm về các vua chúa thường là tiêu cực; nhưng, vị được hứa này hẳn là một vì vua siêu trác, đặc loại, bởi lẽ Thần Khí của Giavê sẽ ngự trên Ngài (x. Is 11:2), và trong thời Ngài trị vì, sẽ có một ‘địa đàng mới’ (x. Is 11:1-9). Niềm trông chờ vì vua lý tưởng này phát nguyên từ nhiều sự kiện ghi lại trong Cựu Ước: sấm ngôn phán qua lời chúc phúc của Giacóp trong câu St 49: 10, sấm ngôn phán qua miệng Balaam trong câu Ds 24:17, và đặc biệt là trào lưu ngưỡng vọng về Ðấng Mêsia xuất thân từ triều đại Ðavít như sấm ngôn truyền qua lời Nathan nói với Ðavít (x. 2Sm 7), cũng như từ cách giải thích các Thánh vịnh 2, 72, 110 và 132.[28] Rồi, các ngôn sứ còn lý tưởng hóa nhân vật này nhiều thêm nữa, như đọc thấy trong “Sách Emmanuel” (x. Is 6–12), hoặc trong Hs 3:5; Am 9:11-15, v.v…
Do thái giáo đã cẩn trọng bảo toàn niềm chờ mong này cho đến thời Ðức Giêsu và cả về sau nữa: thực kiện này lộ hiện qua các “Thánh vịnh của Salômon” (17; 18:7-9) và trong văn liệu của các rabbi,[29] cũng như ở nhiều nơi trong Tân Ước, mãnh liệt nhất là trong Sách Khải huyền và Phúc Âm về thời thơ ấu của Ðức Giêsu.
Ngôn sứ.– Dựa vào lời Ðnl 18:15-22, Ítraen cũng chờ mong một Môsê mới – căn cứ vào đó, người xứ Samaria trông chờ vị Thiên sai của họ – hoặc xác tín vào lời Ml 3:23-24 để đợi ngày Êlia trở lại. Các văn bản của Qumrân cũng nói về một “tiên tri sẽ đến”: xác tín đó chính là nhân vật lý tưởng, nên họ đã dùng danh xưng “Thầy công chính” để gọi. Nhiều nhà chú giải cũng đã áp dụng cho vị “tiên tri cánh chung” này những lời của Isaia 61:1-3, mà sau này Ðức Giêsu áp dụng cho chính mình trong buổi ‘chia sẻ’ Kinh Thánh tại hội đường Nadarét (x. Lc 4:18-19). Dân Do thái đã tưởng Gioan Tẩy giả là nhân vật lý tưởng ấy (x. Ga 1:19tt). Trình thuật về biến hình trên núi Tabo (x. Mt 17:1-8), cũng như Cv 3:22-3, và 7:37tt, đều cho thấy Ðức Giêsu chính là Môsê mới, là Vị Ngôn sứ mới.
Tôi trung của Giavê.– Ðó là nhân vật huyền bí thâu tóm tư tưởng của Cựu Ước về người công chính phải gánh chịu khổ đau thay cho toàn dân, lộ hiện qua hình ảnh mà các bài ca của Isaia (42:1-4; 49:1-6;50:4-9; 52:13–53:12) gợi lên nhằm miêu tả vị ngôn sứ cánh chung: ngài được sai đến với “dân rã rời kiệt sức đi trong bóng tối” (50:4.10), đến cả với dân ngoại nữa (49: 6), để rao giảng lời Thiên Chúa (49:2; 50:4). Ngài sẽ chịu khổ nhục vì thất bại (49: 4), vì bị bách hại (50:6), và sẽ bị giết chết (53:6). Nhờ vậy, ngài “sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ” (53:11).
Với hình ảnh ấy, một khái niệm mới khác xuất hiện ở trong Cựu Ước: giá trị cứu độ của khổ đau và của việc bị giết chết một cách bất công mà người công chính gánh chịu. Những khổ đau ấy không vượt ra ngoài tầm tay quan phòng của Thiên Chúa (53: 6.10), và nếu ngài đã phải gánh chịu như thế vì tội lỗi kẻ khác (53:9), thì chính là để thục tội thay cho họ (53:6.12). Thần học thời Trung cổ gọi hành động đó là “thục tội thay” (satisfactio vicaria). Khổ đau gánh chịu như thế chính là phương tiện cứu độ: “Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành” (53:5). Hơn nữa, những khổ đau ấy sẽ làm cho ngài được suy tôn vinh hiển (52:13; 53: 12).
Tân Ước áp dụng các bài ca kia của Sách ngôn sứ Isaia cùng với Thánh vịnh 22, cho Ðức Giêsu.[30]
Con Người .– Ðó là danh xưng ben ađam trong tiếng Hipri, có nghĩa là một thành phần trong loài người. Trong sách Êdêkien, “con người” (được dùng đến 93 lần) chỉ có nghĩa là “ngươi,” danh xưng để chỉ về chính ngôn sứ. Nhưng, nêu lên danh xưng ấy ở đây, là muốn chỉ về “Con Người” mà ngôn sứ Ðanien nhắc tới ở trong câu Ðn 7:13: giữa một cảnh tượng “khải huyền,” nhân vật này đã từ trời mà xuống để giải cứu dân Chúa. Sách ngôn sứ Ðanien đã được viết vào khoảng những năm 170-165 trước công nguyên, trong một trạng huống khó khăn. Qua thị kiến, ngôn sứ đã nhìn thấy bốn con thú, tượng trưng cho bốn đế quốc là Babylônia, Mêđia, Ba tư và Hy lạp; rồi lại thấy “có ai như một ‘con người’ đang ngự giá mây trời mà đến,” và “Ðấng Lão thành trao cho Người quyền thống trị, vinh quang và vương vị; muôn người thuộc mọi dân tộc, quốc gia và ngôn ngữ đều phải phụng sự Người” (Ðn 7:13-13). Vương quyền này sẽ mang tính chất “con người” chứ không phải “con thú.” Như vậy, Ðanien đem mối chờ mong Ðấng Thiên sai vương vị hòa lẫn với viễn ảnh khải huyền.[31] Thời đó, có nhiều nhóm Do thái đã chờ mong một vị giải phóng từ trời đến. Vấn đề các nhà chú giải đặt ra là “Con Người” này chỉ về một tập thể hay một cá nhân?[32] Có lẽ cả hai, vì cách suy tưởng Do thái quen lấy một cá nhân để tượng trưng cho một dân tộc.
Sau này, trong Tân Ước, Ðức Giêsu sẽ tự xưng mình là “Con Người” và do vậy, truyền thống kitô hiểu rõ là thị kiến của Ðanien quả đã ứng nghiệm ở nơi Ngài.
Thiên Chúa đến.– Ðức Giavê là Ðấng Thiên Chúa “du cư.” Không có Ðền thờ cố định, Người đi trước con dân, dẫn dắt họ băng qua hoang địa hướng tới đất hứa. Suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa không ngừng “xuống” cứu trợ dân Người. Ítraen đã từng nghi ngờ về thể chế quân chủ (x. 1Sm 8:10-12); thực ra, những vị “cứu tinh” vương quyền ấy đã thất bại. Vì thế, Ítraen quay về với Chúa Giavê là “tảng đá” không bao giờ để tôi tớ Người phải thất vọng. Những “Thánh vịnh vương giả” (Tv 93; 96–99) biểu trình Ðức Giavê như là “vị Chúa đang đến để xét xử nhân trần” (Tv 96:13). Trở về sau cuộc lưu đày, các ngôn sứ cũng đã xác định như vậy: “Thiên Chúa của tôi sẽ đến và sẽ là vua cai trị toàn cõi đất” (Dcr 14:5tt). Tưởng như họ hình dung ra một cuộc xuất hành mới, trong đó “Ðức Chúa, Vua của chúng [của số còn sót của nhà Ítraen], đi qua trước, chính Người sẽ dẫn đầu” (Mk 2:13). Biến cố cánh chung này chính là “tin mừng” mà Isaia đã tiên báo (Is 52:7-8).
Nỗi ngóng chờ ấy xem ra thật là ngớ ngẩn: làm sao Thiên Chúa có thể đến và hành động như vậy với một ‘đám dân’? Tuy nhiên, sau này, Tân Ước sẽ cho thấy quả thật sự việc xẩy đến còn lạ lùng hơn nữa, vượt quá sức tưởng tương! Và bao nhiêu đợt chờ mong ấy hẳn là những bước chuẩn bị xa gần cho mầu nhiệm Nhập Thể, dù không bao giờ Ítraen đã tin rằng Ðấng Mêsia sẽ là Thiên Chúa. Ðược nuôi dưỡng trong cầu nguyện, niềm hy vọng ấy đã mạnh mẽ nâng đỡ, giúp cho Ítraen vượt qua không biết bao nhiêu gian truân. Làm như để thâu tóm nỗi chờ mong dài đằng đẵng của Ítraen vào trong lời nguyện ước một ngôn sứ thuộc trường phái Isaia đã thốt lên: “Phải chi Người xé trời mà ngự xuống!” (Is 63:19).[33]
* * *
Giữa các nhóm phái khác nhau trong Ítraen, nỗi chờ mong còn hướng về với những hình ảnh khác nữa. Thí dụ: các ngụy thư Di Chúc của 12 Tổ Phụ có nói về một Ðấng Xức dầu (Mêsia) phát xuất từ chi tộc Lêvi, tức là một vị tư tế sẽ đến dẫn đưa các người công chính vào địa đàng. Các văn bản, văn liệu Qumrân cũng đề cập đến một “Ðấng Mêsia của Aaron và của Ítraen” (1QS 9, 11). Trong thế kỷ thứ nhất trước công nguyên, dân Do thái đã chờ đợi “một ngôn sứ” (1Mcb 4:40t; 14:41), hoặc “Ðấng ngôn sứ” (Ga 1:21; 6:14; 7:40). Không rõ ràng và còn lẫn lộn thực hư, niềm hy vọng kia hình dung ra nhiều mẫu dạng hình ảnh mâu thuẫn với nhau: đó là kết quả của óc tưởng tượng khi suy nghĩ về lời Chúa giữa những khổ đau gian truân trong xã hội, giữa cảnh thất vọng ê chề về mặt chính trị. Kỹ thuật chú giải các văn bản của Cựu Ước không có đủ dữ liệu cần thiết để hình dung ra được “Ðấng phải đến” là như thế nào. Khi Ðức Kitô đến, Thần Khí mới bắt đầu chiếu soi đầy đủ ánh sáng vào trong cõi tối tăm ấy, giúp cho hiểu rõ về kế hoạch của Thiên Chúa.
5. NIỀM CHỜ MONG TRONG CÁC TÔN GIÁO KHÔNG KITÔ
Nguyên tắc thần học.– Khởi điểm là hiệp nhất và duy nhất tính của cộng đồng nhân loại, như công đồng Vaticanô II đã có dịp nhận định: “Mọi dân tộc đều thuộc về cùng một cộng đoàn, cùng có chung một nguồn gốc,… và hướng tới cùng một mục đích tối hậu” (NKTG 1b). Tiếp đến là kế hoạch cứu độ duy nhất được hiện thực hóa qua sự việc Ðức Kitô nhập thể, chịu chết và sống lại hầu cứu chuộc mọi người, đúng theo tôn ý của Thiên Chúa Cha (x. 2Cr 5:14-15; 1Tm 2:4). Và thứ ba là sự việc Thần Khí luôn luôn hoạt động trong mọi người:
“…ơn thánh hoạt động một cách vô hình trong tâm hồn của tất cả những ai có thiện chí. Thực vậy, vì Chúa Kitô đã chết cho mọi người và vì ơn gọi cuối cùng của con người thực ra là duy nhất, tức là ơn gọi đi về với Thiên Chúa, thế nên ta phải tin vững rằng Chúa Thánh Thần hằng ban cho mọi người khả năng tham dự vào mầu nhiệm Phục sinh, theo một cách mà duy chỉ Thiên Chúa mới biết” (VMHV 22e).[34]
Kết luận: nhờ ơn sáng tạo, mọi người đều có khả năng được đồng hóa với Ðức Kitô; rồi, vì Ðức Kitô là Ðấng Cứu độ duy nhất, nên mọi ơn thánh đều là ơn của Ngài, và tất cả những ai được công chính hóa thì đều do bởi được thông hiệp với Ngài; cuối cùng, vì Thần Khí hoạt động cho Ðức Kitô và dẫn đưa tất cả đến với Ðức Kitô, thế nên mọi người đều có ở trong mình một yếu tố bí nhiệm hằng thôi thúc quy hướng về với Ðức Kitô.[35]
Yếu tố siêu nhiên này xuất hiện trong mọi hành vi tốt lành của con người, chẳng hạn như lòng ao ước được biết chân lý, xu hướng về hạnh phúc, cảm thức về tội lỗi và nỗ lực tìm phương cách thanh tẩy, v.v… Mọi chân lý đều là phản ánh của Chân lý toàn vẹn là Ngôi Lời (x. Ga 14:6). Ngôi Lời vốn ở ngoài tầm trí lực của loài người, nhưng lại luôn luôn thu hút lòng trí con người về với tuyệt đối. Thánh Giustinô (thế kỷ 2) viết: “Hễ biết sống phù hợp với Lời (Lógos), thì bất cứ ai cũng đều là người kitô, kể cả những người gọi là vô thần, chẳng hạn như Sôcrát, Hêraclitus và nhiều ngưòi khác như họ trong dân Hylạp.”[36]
Nếu được đón nhận thì ơn Chúa cũng thâm nhập các cơ xã hội, bởi chẳng có gì là hoàn toàn thuần túy nội tâm, vô hình nơi con người cả. Những yếu tố trên đây, thường lộ hiện ra trong các hành vi tôn giáo nói chung, và trong các tôn giáo nói riêng.
Các tôn giáo là hiện thân ý định cứu độ của Thiên Chúa, và là dấu chỉ nhu cầu của loài người cần được cứu rỗi. Nghi thức phụng tự của các tôn giáo cho thấy rõ là con người đang dò dẫm tìm đến với Thiên Chúa, và bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa luôn dủ lòng thương ứng đáp nỗ lực tìm kiếm ấy bằng cách đến gặp con người. Vì những yếu tố nhân loại, các tôn giáo có nhiều khiếm khuyết, cả đến tội lỗi. Trong rất nhiều điểm, các tôn giáo lớn trong thế giới giống với tôn giáo của Cựu Ước: các tín đồ đi tìm và trông mong cho được ơn Trời, ơn trên cứu giúp; họ nhờ cậy đến các vị trung gian, v.v…. Các yếu tố này làm phát sinh những nghi thức, giáo thuyết, chỉ nam đạo đức, v.v…; rồi còn có những sách thánh, có niềm hy vọng vào đời sau, có những người thánh thiện, v.v… Vì vậy, tương tự như Do thái giáo, các tôn giáo ấy cũng có thể “trở thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Ðức Kitô” (Gl 3:24).
Các tôn giáo biểu lộ thiên hướng quy về như thế với Ðức Kitô qua các truyền thống, giáo lý, nghi lễ, v.v…, trong đó, Giáo hội kêu mời chúng ta cố công “khám phá hạt giống Lời Chúa đang tiềm ẩn” (HÐTG 11b), mà Chúa Thánh Thần dùng để kêu gọi lương dân về với Ðức Kitô (x. HÐTG 15a). Công đồng Vaticanô II còn đề cập đến “những sáng kiến tôn giáo” có khả năng trở thành những con đường dẫn tới Phúc Âm (x. HÐTG 3a). Thật ra, nếu Cựu Ước là hình bóng chuẩn bị cho tương lai là Ðức Kitô (x. Cl 2:17; Dt 10:1), thì – dù là trên một bình diện khác – các tôn giáo khác cũng đóng một vai trò tương tự như vậy:
— Những chân lý về Thiên Chúa, về con người, về tội lỗi và ơn cứu độ, v.v…, là những dạng phản ánh của Chân lý là Ðức Kitô:
— Các Ðạo dẫn đến Ðường là Ðức Kitô, qua “luật ghi khắc trong lương tâm” (x. Rm 2:15).
— Những thần thoại về sáng tạo, về nhập thế (Avatara trong ấn độ giáo), về cánh chung (như luân hồi chẳng hạn), v.v… đều có thể chuẩn bị tâm trí con người để sẵn sàng đón nhận mạc khải của Thiên Chúa: tín ngưỡng dọn đường cho đức tin.
— Các nghi lễ tôn giáo cho thấy con người cần được xá tội, cần đến một người trung gian trong quan hệ với thực thể (Ðấng) Siêu việt, cần đến một nền phụng tự công chế, v.v…
— Về kinh nguyện, chiêm niệm và phương cách tu đức: công đồng nói rõ là “có thể đón nhận những truyền thống khổ hạnh và chiêm niệm đôi khi đã được Thiên Chúa gieo mầm trong các nền văn hóa cổ xưa” (HÐTG 18b).
— Những “ngẫu tượng,” tức là những hình ảnh dùng để miêu họa Thượng đế, cũng có thể một cách nào đó, gợi lên Hình ảnh của Chúa Cha, là Ðức Kitô.
— Ðối với chúng ta, những dấu hiệu như thế và còn nhiều hơn nữa, làm như đang nói bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ: chúng ta không hiểu. Thế nên, cần phải cố gắng tìm hiểu cho tường tận các hành vi, các nghi lễ, các tín ngưỡng v.v… để có thể gửi trao đến họ nỗi chờ mong và niềm hy vọng của chúng ta, ngõ hầu họ nhận ra được dung mạo của Ðức Kitô, khi Ngài đến gặp gỡ họ.
6. NIỀM CHỜ MONG CỦA CON NGƯỜI THỜI NAY
Thông thường, nói về “con người thời nay” là ám chỉ về xã hội hiện đại đang chịu ảnh hưởng sâu đậm của các trào lưu tư tưởng và chủ nghĩa của Tây phương. Khuynh hướng duy lý xuất hiện hồi thế kỷ 18, đã chuyển mình trong các thế kỷ 19 và 20 để trở thành chủ hướng “duy khoa học” ngày nay. Trong bối cảnh của một nền văn minh như thế, dường như không còn có chỗ đứng cho Thiên Chúa. Dĩ nhiên là triết học vẫn tiếp tục bàn đến “vấn đề Thiên Chúa” với những kết luận khác hẳn với nhau.[37] Nhiều tác giả đã đi đến chỗ nói về một thời đại “hậu kitô giáo.” Trong lúc đó thì mỗi năm lại có hàng ngàn cuốn sách ra mắt, viết về Ðức Kitô, có nhiều phim ảnh và những chương trình phát thanh, truyền hình nói về Ngài. Vậy, phải nghĩ sao? Không thể nào con người bỏ quên Ðức Kitô được cả. Nếu Ðức Giêsu là “con người [Ađam] cuối cùng” (1Cr 15:45), thì mọi nỗ lực tìm kiếm “con người mới,” “nhân loại viên mãn,” “chủng tộc hoàn hảo,” v.v… đều một cách nào đó, quy hướng về với Ngài, dù người ta không hay biết.
Lê gót từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, con người thời nay đang giẫy giụa cố tìm cho ra cách giải đáp không biết bao nhiêu vấn nạn cũ và mới chồng chất trước mắt (x. VMHV 1). “Con người sung túc” đã đánh mất mình đi ở trong đống rác chính mình sản xuất ra; “con người lao động” đã trở thành nô lệ của một hệ thống kinh tế khắc nghiệt, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của nó; còn “con người bần cùng” thì sống mà như là chết giữa cảnh lo âu kinh hoàng không biết rồi sẽ tồn tại được bao lâu nữa trong một xã hội đang nhẫn tâm xô bỏ nó ra ngoài lề. Ðã là người thì ai cũng muốn được đối xử xứng với nhân phẩm và thỏa mãn được những ước vọng chính đáng của mình. Tìm ở đâu để được như vậy? Nhờ ở ai đây để ước vọng được thỏa mãn, hoài bão được thành tựu? Các thứ chủ nghĩa đã ‘rầm rộ’ dẫn đến ngõ cụt của thất bại; khoa học, kỹ thuật, kinh tế,… đang đặt con người trước những hậu quả và những chọn lựa kinh hồn. Nhiều người tìm về với tôn giáo; có những kẻ khác lại làm như quẫn trí, chẳng biết đi về đâu, chỉ cứ nhắm mắt đưa chân bước những bước vô nghĩa… Nơi lỗ hổng văn hóa và tâm lý ấy, hình ảnh của Ðức Kitô có thể hiện lên như là “Ðấng mang lại hy vọng” cho mọi người.
Nếu thế hệ của thời quá độ giữa thế kỷ 20 và 21 có một điểm gì đặc biệt thì đó chính là kinh nghiệm về khủng hoảng văn minh. Các học giả uyên thâm cho rằng cuộc khủng hoảng này đã bắt đầu từ thời Phục hưng (thế kỷ 16), hoặc từ “thế kỷ ánh sáng” (thế kỷ 18), rồi tiếp diễn qua những trào lưu duy lý, duy khoa học, cho đến “thời đại các cuộc cách mạng” (thế kỷ 19-20) với kết quả khủng khiếp là hai thế chiến và vô số nội chiến giết chết hàng triệu người, làm cho bao nhiêu triệu người khác phải tàn phế, lưu đày, rời bỏ quê hương. Quả đó là những thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người. Những người sống vào thế hệ quá độ này đã nhìn thấy tận mắt cảnh tan rã của nhiều đế quốc, cảnh sụp đổ – với bao lý tưởng bổng chốc trở thành ảo tưởng – của các chủ nghĩa từng nắm chặt trong tay hàng tỷ người dân… Ðã có những mối hy vọng to lớn về “công bằng,” “giải phóng,” “tình huynh đệ”… và rồi con người cũng đã phải ngậm đắng mà nuốt những nỗi thất vọng vĩ đại không kém. Liệu con người có còn dám hy vọng thêm nữa không? Về mặt tôn giáo, Tây phương đã trải qua một quá trình tục hóa. ảnh hưởng của Giáo hội (và của cả tôn giáo) trên đời sống của xã hội ngày càng giảm sút. Các lãnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, v.v… tách rời khỏi đức tin, trở thành tự trị, độc lập. Trên nguyên tắc, tình trạng tục hóa vẫn có khía cạnh tốt của nó, bởi đó là dấu chỉ cho thấy con người đã đạt đến mức trưởng thành. Tuy nhiên, nơi các “thành thị tục hóa”[38] nhãn quan và hoài bão của con người chỉ giới hạn ở thế giới vật chất này, không còn khả năng để nhận ra và tìm đến với thế giới siêu việt. Nhưng, cả đến “thời tân đại” rồi cũng sa lầy khủng hoảng, và thế hệ trẻ đã sớm nhận ra là loại “chủ nghĩa tân thời” này cũng chẳng có gì mới hơn. Một nhà xã hội học chuyên về tôn giáo đã nhận định: “Hiện tượng hiển nhiên nhất đọc thấy về thế giới ngày nay không phải là tính chất thế tục nó đang mang nặng, cho bằng nỗi niềm khát mong hướng tới viễn cảnh được cứu chuộc và thế giới siêu việt.”[39] Trái với thế kỷ trước, khoa học ngày nay quả đã biết mở rộng nhãn quan để nhìn về tôn giáo và thế giới siêu việt.[40]
Các quốc gia nuôi mộng biến đổi xã hội của họ thành những “địa đàng.” Tự nó, cảnh không tưởng cũng có sức thúc đẩy nhiều người gia công hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nếu không trở thành một kế hoạch thực tế về mặt chính trị và xã hội, cảnh không tưởng kia cũng chỉ đơn thuần là ảo ảnh mở lối dẫn tới thất vọng. Sau thế chiến thứ hai, “tín ngưỡng” dành cho khoa học và kỹ thuật làm như đã thế chân tôn giáo. Liên tục, đà tiến bộ dâng lên kỳ lạ. Hơn nữa, một hiện tượng khác xuất hiện, hiện tượng “toàn cầu hóa”: khắp nơi trong thế giới, các trào lưu tư tưởng, những cách kiểu làm việc, ăn mặc, giải trí, v.v… đều đồng loạt giống hệt nhau. Các nền văn hóa gặp gỡ nhau và ảnh hưởng đến lẫn nhau; các nền kinh tế lệ thuộc vào nhau, hoặc trở thành đa quốc gia; các tôn giáo “đối thoại” với nhau, v.v… Lần đầu tiên, lịch sử loài người làm như có dịp thấy được cảnh “tứ hải giai huynh đệ.” Ảo tưởng đã hết hẳn chưa?[41]
Nơi chân trời bát ngát này, con người hiện đang mong đợi điều gì? Trong nhân loại, đại đa số là người nghèo; họ mong có được những gì thấy xuất hiện trên màn ảnh quảng cáo: đời sống phong phú, tự do, hạnh phúc. Còn trong những xã hội giàu có, khi con người tưởng rằng mình đã thoát khỏi ách của những nhu cầu căn bản, của tôn giáo, của chủ nghĩa, thì lại thấy mình vẫn còn ở trong vòng nô lệ của những cơ chế xã hội, chính trị và kinh tế bất công, khắc nghiệt, thấy đời mình vẫn vô nghĩa, vẫn thiếu cùng đích; thế nên, họ bắt đầu hồi tâm suy nghĩ, tìm lại hướng đi: có người làm như đi kiếm những thứ mình cần trong “siêu thị các tôn giáo” và chọn nhanh lấy những gì mình thích; có người lại chạy theo các dạng loại guru, những ông thầy tinh thần hành nghề theo kiểu bói toán, phù thủy, pháp saman, v.v… hoặc gia nhập những tôn phái kỳ quặc. Tuy nhiên, cũng không thiếu chi người trở về với tôn giáo chân chính, ao ước thực hành cầu nguyện và dấn thân phụng sự Thiên Chúa cũng như tha nhân. Hiện nay, các tôn giáo, các ý thức hệ, và cả đến khoa học cùng kỹ thuật đang thi đua nhau đề xuất những “dự án phục vụ con người.” Trong lãnh vực này, Tin Mừng, tức Ðức Kitô, sẽ có cơ hội gặp gỡ với những người đang bơ vơ đi tìm lẽ sống, và biến họ thành những “con người mới” đích thực. Cũng khó mà tránh cho hết được mọi nguy hiểm: họ có thể thỏa mãn với một “ông trời con” nắn đúc nên theo quan niệm của họ. Dù sao thì sự việc họ đang đi tìm sự thật và sự thiện cũng là dấu hiệu cho thấy họ đang khao khát nhận ra cho được bóng dáng của tuyệt đối, tức là, rốt cuộc, của chính Thiên Chúa. Là con người thì ai cũng ít nhiều nghiệm thấy một cách ‘khôn tả,’ điều mà thánh Âugutinô đã cảm nhận: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng chúng con nên cho Chúa, vì thế tâm hồn chúng con hằng khắc khoải cho đến khi được nghỉ an trong Chúa.”[42]
[1] Xin xem MK 14-16; Dodd, C. H. According to the Scriptures, N.Y.: Scribner 1953; Grelot, P., Sens chrétien de l’Ancien Testament, Paris 1962; Moioli, G., Cristologia, Milano 1978 (đặc biệt tt. 223-255); Sabourin, L., The Bible and Christ. The unity of the two Testaments, New York: Alba House 1980; Juel, D., Messianic Exegesis: Christological Interpretation of the Old Testament in Early Christianity, Philadelphia: Fortress 1988. Simian-Yofre, H., La “Chiesa” dell’Antico Testamento. Costituzione, crisi, esperanze della communità credente dell’Antico Testamento, Bologna: EDB 1997.
[2] Contra adversarios legis et prophetarum 1.17, PL 42.623; xin xem De Lubac, H., Catholicisme, Paris: Cerf 1947, ch. VI “L’interprétation de l’Écriture”, tt. 133-178.
[3] Soares Prabhu, G. M., The Formula Quotations in the Infancy Narrative of Matthew, Roma: Bibl. Institute 1976; Van Segbroeck, F., “Les citations d’accomplissement dans l’Évangile selon Saint Matthieu d’après trois ouvrages récents,” in Didier, M., L’Évangile selon Matthieu: Rédaction et théologie, Paris: Gembloux-Duculot 1972, 107-130.
[4] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 134: “Toàn bộ Thánh kinh chỉ là một cuốn sách duy nhất, và cuốn sách duy nhất ấy chính là Đức Kitô, vì toàn bộ Thánh kinh nói về Ðức Kitô và được hoàn tất trong Ðức Kitô,” Hugues de St. Victor, De Arca Noe 2,8; PL 176, 642: xem ibid. 2, 9: PL 176, 642-643.
[5] Xin xem Childs, B.S., Biblical Theology of the Old Testament, Minneapolis: Fortress 1993.
[6] Contra Faustum Manichaeum 18.6, PL 42.346.
[7] Xin xem Daniélou, J., Sacramentum Futuri. Études sur les origines de la typologie biblique, Paris: Beauchesne 1950.
[8] Beade, P., L’accomplissement des Écritures. Pour une histoire critique des systèmes de représentation du sens chrétien, Paris 1980; P. Beauchamp, “Lecture christique de l’Ancien Testament,” Biblica 81 (2000) 105-115.
[9] Xin xem Barret, C. K., From First Adam to Last Adam, A. & C., Black 1962; Dunn, James D. G., Christology in the Making, Philadelphia: Westminster 1980, ch. IV.
[10] Xin xem Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 504-505.
[11] Stulmueller, C. Creative Redemption in Deutero-Isaiah, Roma 1970.
[12] Giáo lý… , 399-406.
[13] Jeremias, J., “Abraham”, trong Kittle, G. (ed), Theolog. Dict. Of the N.T. I, 8tt; Martin-Achard, R., Actualité d’Abraham, 1969; Giáo lý…, 59- 61; 144-147; 2570-73.
[14] Các học giả gọi “lịch sử cứu độ phổ quát” lịch sử khởi đầu từ Ađam, còn “lịch sử cứu độ đặc biệt” là lịch sử bắt đầu từ Abraham trở về sau.
[15] Xin xem Vaticanô II, ASMD 16 và NKTG 3-4.
[16] Xin xem Byrne, B., ‘Sons of God’–‘Seed of Abraham’: A Study of the Idea of the Sonship of God of All Christians in Paul against the Jewish Background, Roma: Bibl. Institute 1979.
[17] Xin xem Auzou, G., De la servitude au service. Étude du livre de l’Exode, Paris 1961.
[18] Xin xem Pixley, G. V., On Exodus. A Liberation Perspective, NY: Orbis Books 1987.
[19] Lyonnet, S., “De notione salutis in Novo Testamento,” Verbum Domini 36 (1958) 3-15.
[20] Xin xem Calderone, Ph. J., Dynastic Oracle and Suzerainty Treaty. 2Samuel 7, 8-16, Logos 1, Manila: Ateneo University Publ. 1966; Kaiser, W. C., “The Blessing of David: The Charter for Humanity,” in Skilton, J. H. (ed), The Law and the Prophets, Nutley 1974, 298-318.
[21] Charlesworth, J. H. (ed), The Messiah. Developments in Earliest Judaism and Christianity, Minneapolis: Fortress 1987.
[22] Buis, P., La notion d’Alliance dans l’Ancien Testament, Paris 1976; McCarthy, D. J., Treaty and Covenant: A Study in Form in the Ancient Documents and the Old Testament, Roma 1978; McCormiskey, T. E., The Covenants of Promise: A Theology of the Old Testament Covenants, Grand Rapids: Eerdmans 1985.
[23] Vanhoye, A., “La Nuova Alleanza nell’epistola agli Ebrei,” trong La Nuova Alleanza: Anualli Adoratori 79 (1974) 147-164; 205-214.
[24] Deyfus, F. “La notion de Reste d’Isrặl chez le prophète Isạe,” RSPT 1955, 351-386; Hasel, G. F., The Remnant, Berrien Springs, Mi: Andrew Univ. 1974; Carena, O., Il Resto d’Israele, Bologna 1985.
[25] Xin xem Refoulé, F., Et ainsi tout Isrặl sera sauvé (Romains 11,25-32), Paris 1984.
[26] Dalton, W. J., Salvation and Damnation, Dublin 1977; Durken, D. (ed), Sin, Salvation and the Spirit, Collegeville 1979.
[27] Mowinkel, S., He That Commeth, Oxford 1959; Mettinger, T. N. D., King and Messiah. The Civil and Sacral Legitimation of the Israelite Kings, Coroner Books [Con. Bi. bOT 8], 1976; Cazelles, H., Le Messie de la Bible, Paris 1978.
[28] Coppens, J., Le messianisme royal, Paris: Cerf 1968. Scholem, G., The Messianic Idea in Judaism, New York 1971.
[29] Laperrousaz, E. M., L’attente du Messie en Palestine à la veille et au début de l’ère chrétienne à la lumière des documents récemment découverts, Paris 1982.
[30] Xin xem Mt 12:18-21; 27:35,43,46; Mc 15:34; Ga 19:24; Dt 2:12; 1Pr 2:22tt; v.v… và Cerfaux, L., “Saint Paul et le ‘Serviteur de Dieu’ d’Isạe,” Recueil Lucien Cerfaux, II, Paris: Gembloux 1954, 439-54; Hooker, K., Jesus and the Servant, London 1959; Grelot, P., Les poèmes du Serviteur. De la lecture critique à l’herméneutique, Paris 1981.
[31] Coppens, J., La relève apocalyptique du messianisme royal. II. Le Fils de l’Homme vétéro- et intertestamentaire, Leuven 1983.
[32] Caragoumis, C. C., The Son of Man, Tübingen 1986.
[33] Xin xem Wright, N. T., “The Return of the King,” trong Jesus and the Victory of God, Minneapolis: Fortress 1996, tt. 612-653
[34] Kunnumpuram, K., Ways of Salvation: the salvific meaning of non-Chistian Religions according to the Teaching of Vatican II, Poona 1971; Dupuis, J., Jésus-Christ à la rencontre des religions, Paris: Desclée 1989; Mondin, B . “Ơn cứu độ trong các tôn giáo không Kitô,” Hợp Tuyển Thần Học, số 5 (1992) 71-84; Ruokanen, M. , The Catholic Doctrine of Non-Christian Religions according to the Second Vatican Council, New York: Leiden 1992.
[35] Một số nhà thần học nói về một yếu tố hiện sinh siêu nhiên (supernatural existential), là một “yếu tố thuộc về Ðức Kitô” (christic existential).
[36] Apologia I, 46.
[37] Xin xem Colins, J., God in modern philosophy, Greenwood, Cn 1978; Tilliette, X., Le Christ des philosophes, Namur 1993.
[38] Xin xem tác phẩm điển hình: Cox, H., The Secular City, New York: Macmillan 1965.
[39] Peter Berger, The Heretical Imperative, Anchar Books 1979, tr. 184.
[40] Xin xem Meyer, Ch., Religious Belief in a Scientific Age, Chicago: Thomas More Press 1980; O’Murchu, D., Quantum Theology, NY: Crossroad 1997.
[41] Xin xem sách [hơi bi đát] của Raymon Aron, Les désillusion du progrès, Paris: Calmann Levi 1994, nouvelle édition (Progress and Disillusions. The Dialectics of Modern Society, NY: Praeger 1968).
[42] Confessiones, I, i, 1.