Hợp Tuyển Thần Học

Dấn Thân Xã Hội, Chiều Kích Đặc Trưng Của Ơn Gọi Ngôn Sứ

Dấn Thân Xã Hội, Chiều Kích Đặc Trưng Của Ơn Gọi Ngôn Sứ

Mục Lục

Dẫn nhập

Bàn về việc dấn thân xã hội, không thể không đề cập đến vai trò của các ngôn sứ. Đường lối và cách thức dấn thân đầy nhiệt huyết của các ngôn sứ vào giữa lòng xã hội là một trong những nét rất đặc trưng của dòng lịch sử và văn hóa Kinh Thánh.

Để có thể có một cái nhìn đủ rộng và đủ sâu về ơn gọi và sứ mạng của các ngôn sứ, nhất là trong chiều kích dấn thân xã hội, tác giả bài viết chọn phương pháp tổng hợp và miêu tả khi làm việc với nguồn tư liệu dồi dào từ các sách ngôn sứ trong Kinh Thánh. Đồng thời, việc đối chiếu với những dữ liệu lịch sử ngoài Kinh Thánh cũng được xem là hữu ích để cung ứng một cái nhìn rộng hơn về bối cảnh lịch sử, văn hóa, xã hội thời các ngôn sứ. Bài viết sẽ lượt qua các điểm như sau: trước hết là một tìm hiểu sơ lược về (1) tầm quan trọng của tước hiệu “ngôn sứ” trong dòng lịch sử và văn hóa Kinh Thánh, sau đó là phần (2) phân tích tầm nguyên về các thuật ngữ được sử dụng trong Kinh Thánh để chỉ về các nhân vật ngôn sứ. Ở phần trung tâm, bài viết tìm hiểu về (3) những chọn lựa dấn thân xã hội của các ngôn sứ, đặc biệt là (4) lập trường của các ngôn sứ trước vấn nạn những cuộc xâm lăng của ngoại bang. Tiếp đến, bài viết sẽ duyệt xét những đóng góp cụ thể của các ngôn sứ trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử dân Chúa, nhất là nỗ lực (5) xây dựng tình liên đới và hợp nhất dân tộc, cũng như việc (6) khơi dậy niềm hy vọng và hướng toàn dân đến một tương lai mới. Bài viết sẽ kết thúc với một thảo luận nhỏ về (7) vai trò chính trị của các ngôn sứ.

Ngôn sứ, một tước hiệu cao quý

Ngôn sứ là một trong những tước hiệu cao quý nhất mà dòng lịch sử Kinh Thánh có thể dành tặng cho một con người. Mô-sê, nhà lập quốc và lập pháp của Ít-ra-en, với tất cả những kỳ công vĩ đại đã làm cho dân tộc mình, đã không được gọi là vua nhưng là ngôn sứ, ngôn sứ vĩ đại nhất trong tất cả các ngôn sứ (Dt 34,10). Giô-suê, người lập nên bao chiến công hiển hách trong hành trình đưa dân Chúa vào Đất Hứa, được gọi là người kế nghiệp Mô-sê, không phải trong vai trò một người lãnh đạo hay một thủ lãnh chính trị nhưng là trong sứ mạng ngôn sứ (Hc 46,1). Cũng vậy, theo truyền thống Do-thái, sau bộ sách Ngũ Thư, tất cả các sách lịch sử (Giô-suê, 1-2 Sa-mu-en, 1-2 các Vua), vẫn thường được gọi là Sách Các Ngôn Sứ[1], mặc dù phần lớn các sách ấy kểvề cuộc đời và những chiến công của các nhân vật lịch sử trổi trang. Chẳng hạn, các sách kể lại lịch sử khởi đầu của nền quân chủ Ít-ra-en đã không được gọi là “sách Sa­un”, hay “sách Đa-vít”, theo tên những vị vua đầu tiên của nền quân chủ, nhưng là “sách Sa-mu-en”, tên của nhân vật được toàn dân nhìn nhận là ngôn sứ của Thiên Chúa (1Sm 3,20).[2] Cách gọi này phản ánh rất rõ lối nhìn của người Do- thái khi đọc lại lịch sử: các nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử Ít-ra-en không phải là những bậc quân vương hay những thủ lãnh chính trị, mà là các ngôn sứ.

Như chúng ta biết, lịch sử nền quân chủ của Ít-ra-en đã có một kết thúc đầy bi kịch. Khi đọc lại lịch sử, các tác giả Sách Thánh cho rằng lỗi lầm thuộc về các nhà cai trị quân chủ. Các thủ lãnh của Ít-ra-en không phải là những minh quân và đã theo những đường lối chính trị sai lầm. Nhiệm vụ đầu tiên của bậc quân vương là bảo vệ cho dân, nhưng các quân vương Ít-ra-en lại là nguyên nhân khiến dân Chúa bị huỷ diệt. Ngược lại, chính các ngôn sứ mới là những người cứu vớt Ít-ra-en trong nhiều tình huống ngặt nghèo. Họ thường lên tiếng phản đối những đường lối chính trị sai lầm của các quân vương, bởi họ là những người có cái nhìn xa và chuẩn về những hậu quả đã được hàm chứa trong chính đường lối chính trị sai lầm mà các quân vương theo đuổi.[3]

Như thế, có thể nói rằng những người được gọi là ngôn sứ chính là những nhân vật quan trọng bậc nhất và là những người làm nên lịch sử của dân Chúa. Nhưng ngôn sứ là ai? Đặc trưng sứ mạng của họ là gì?

Ngôn sứ, tên là người

Có nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để chỉ về các nhân vật ngôn sứ trong Kinh Thánh Do-thái.[4] Khi Kinh Thánh được dịch sang tiếng Hy-lạp, các tác giả của bản LXX nhất quán gọi tất cả các nhân vật ngôn sứ trong Kinh Thánh với cùng một thuật ngữ riêng: προφήτης.

Προφήτης là một từ ghép, được cấu thành bởi hai yếu tố: gốc động từ φημί, và tiếp đầu ngữ πρό. Động từ φημί có nghĩa khá rõ, chỉ về hành động “nói”, “phát ngôn”, “truyền đạt bằng ngôn ngữ”. Trong khi đó tiếp đầu ngữ πρό là một giới từ đa nghĩa, tạo nên những sắc thái ý nghĩa khác nhau cho thuật ngữ προφήτης. Có thể kể ra ba lớp nghĩa như sau.

Thứ nhất, πρό có thể có nghĩa là “trước”, theo nghĩa thời gian, quy chiếu về thời điểm của việc phát ngôn. [5] Theo đó, προ-φήτης là danh từ được dùng để chỉ về những người có khả năng nói về một điều gì đó trước khi điều ấy xảy ra. Để được như vậy, những người ấy phải có khả năng tiên liệu và biết trước. Lớp nghĩa này phù hợp với lối hiểu phổ thông của tiếng Việt khi dịch προφήτης là “tiên tri”.

Thứ hai, πρό có thể có nghĩa là “trước”, theo nghĩa không gian, quy chiếu về vị trí của người phát ngôn. Theo đó, προ-φήτης được dùng để chỉ về những người đứng trước một đám đông thính giả, những người xuất hiện trước những nơi công cộng, những người hoạt động công khai với lối ăn nói và diễn từ long trọng.[6]

Thứ ba, πρό có thể có nghĩa là “đại diện cho”, “thay cho”,[7] hoặc còn có thể có nghĩa “ủng hộ cho”, “thiên về”, quy chiếu về cách thế hay tư cách của người phát ngôn.[8] Theo đó, προ-φήτης chỉ về những người đóng vai trò đại diện để nói thay cho một ai đó, người đứng về phía một người nào đó để làm kẻ phát ngôn, người nói với xu hướng ủng hộ hay thiên về một điều gì đó.

Từ những phân tích trên, chúng ta có thể rút ra một vài kết luận khởi đầu về ơn gọi và sứ mạng của một người được gọi là ngôn sứ trong dòng văn hóa Kinh Thánh.

Trước hết, ngôn sứ là người có ơn đặc biệt. Về mặt thiêng liêng, có thể nói rằng ngôn sứ là người được linh hứng, theo nghĩa họ có một kinh nghiệm ‘đụng chạm’ trực tiếp với Thiên Chúa, nhất là ở thời điểm được gọi. Chính kinh nghiệm ấy làm nền cho toàn bộ cuộc đời của vị ngôn sứ. Về phẩm chất con người, có thể nhìn thấy nơi các ngôn sứ những khả năng đặc biệt, nhất là việc biết phân tích để có thể nhìn thấy tương lai khởi từ giây phút hiện tại. Ngôn sứ là người biết nhìn xa và có viễn tượng.

Thứ đến, ngôn sứ là người của Lời. Ngôn sứ thực thi sứ mạng của mình ngang qua việc nói, việc loan báo, để truyền tải sứ điệp đến mọi người. Sứ mạng chính yếu của ngôn sứ là công bố Lời của Chúa. Sứ mạng ấy đặt ngôn sứ trên đường, trong tương quan với dân Chúa, hướng đến những người cần được hướng dẫn bởi Lời Chúa. Như thế, chính sứ mạng ngôn sứ quyết định rằng mỗi ngôn sứ là một người của công chúng. Ngôn sứ được chọn vì dân Chúa. Tự bản chất, ơn gọi ngôn sứ có tính tông đồ. Vì thế ngôn sứ thường được miêu tả như là người có nhạy cảm và có hiểu biết rõ về hoàn cảnh xã hội, về tình hình chính trị, về thái độ những người cầm quyền, về sự bất mãn của dân chúng, về những vấn nạn của đời sống hiện tại. Không có khái niệm về một ngôn sứ dửng dưng và trung lập. Đứng ở vị thế trung gian giữa Thiên Chúa và con người, ngôn sứ vô cảm là kẻ đánh mất căn tính ơn gọi của mình.

Hơn nữa, ngôn sứ không phải là người nói cho chính mình, nhưng là người nói nhân danh một người khác, vì lợi ích của một người khác. Trong bối cảnh là trung gian giữa Thiên Chúa với con người, ngôn sứ có thể là cung giọng của Thiên Chúa, để loan báo và dạy dỗ con người, nhất là những lúc con người sai lạc và xã hội con người bị lũng đoạn bởi tội lỗi; ngôn sứ cũng có thể là cung giọng của con người, để cầu xin và khẩn nguyện Thiên Chúa, nhất là trong những tình cảnh ngặt nghèo của cuộc sống.

Thế nhưng các ngôn sứ sống ơn gọi đặc biệt của mình như thế nào? Họ thường thực thi sứ mạng Lời như thế nào trong bối cảnh tôn giáo – chính trị – xã hội cụ thể của thời đại mà họ đang sống? Chiều kích dấn thân xã hội của của các ngôn sứ có gì đặc biệt, đến độ họ đã lưu lại dấu ấn sâu đậm trong suốt dòng lịch sử Kinh Thánh?

Các ngôn sứ và chọn lựa dấn thân xã hội

Bối cảnh

Phân tích của tác giả Jean-Louis Ska, S.J., giáo sư Chú Giải Kinh Thánh tại Biblicum, về xã hội Ít-ra-en và Cận Đông vào thời Kinh Thánh, có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về vai trò của các ngôn sứ trong thời của họ.[9] Theo tác giả này, trong xã hội Ai-cập và Lưỡng Hà cổ đại, với hệ thống chữ viết là ngôn ngữ tượng hình Ai-cập, Sumerian và Akkadian, số lượng người biết đọc biết viết chỉ chiếm xấp xỉ 1%. Ở Hy-lạp cổ đại, với hệ thống chữ viết đơn giản hơn và hệ thống giáo dục cũng phát triển hơn, con số này lên đến gần 5%. Chắc chắn con số những người biết đọc biết viết trong xã hội Ít-ra-en cổ không thể vượt qua con số này. Thế nên không ngạc nhiên nếu các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đa số người Ít-ra-en thuộc giới bình dân trong thời Kinh Thánh là những không biết đọc biết viết. Trong bối cảnh đó, không lạ gì khi số ít những người biết đọc biết viết là những người có nhiều ảnh hưởng trong xã hội. Họ thuộc về giai cấp lãnh đạo và tầng lớp thượng lưu. Các ngôn sứ, những người đã chứng thực khả năng phân tích xã hội và khả năng văn chương ngang qua các bản văn còn lưu lại, chắc hẳn không phải là những người có nguồn gốc xuất thân bình dân, nhưng thuộc tầng lớp thế giá và có thể có nhiều ảnh hưởng trong xã hội.[10] Tuy nhiên, chọn lựa của họ rất rõ ràng khi họ đặt mình đứng về phía dân chúng. Họ thường đưa ra những ý kiến xác đáng và loan báo cho dân về những biến cố có thể xảy đến.

Lập trường của các ngôn sứ

Trong xã hội của mình, các ngôn sứ thường làm gì và nói gì? Có thể nói rằng, quan tâm chính yếu của các ngôn sứ là việc phân tích hiện tại, để có thể đọc được những diễn biến của tương lai. Lãnh vực phân tích của các ngôn sứ là xã hội theo nghĩa rộng, nghĩa là bao hàm rất nhiều lãnh vực tôn giáo, chính trị, xã hội, kinh tế… vốn là những vùng lãnh vực không hề tách biệt khỏi nhau trong các xã hội cổ đại cũng như hiện tại.

Chẳng hạn, ngôn sứ Hô-sê suy niệm về những vấn đề tôn giáo trên diện rộng, bao hàm nhiều vấn đề xã hội của dân Chúa. Ngôn sứ A-mốt thì tập trung quan tâm nhiều hơn về những vấn đề công bình xã hội, dưới nhãn quan tôn giáo. I-sa-ia và Giê-rê-mi-a trực tiếp phê phán những quan điểm và đường lối chính trị của các vua và những nhà cầm quyền trong thời đại của mình trước bối cảnh các cuộc xâm lăng và chinh phạt của các đế quốc Át-sua và Tân Ba-by-lon. Mi-kha lên tiếng bảo vệ quyền lợi của những địa chủ vùng quê của Giu-đa, chống lại tầng lớp lãnh đạo ở Giê-ru-sa-lem. I-sa-ia Đệ Nhị bao gồm những bản văn lượng giá tình huống quốc tế và những ảnh hưởng có thể xảy đến cho vận mệnh của Giê-ru-sa-lem. Ê-dê-ki-en thì phân tích việc sụp đổ của Giê-ru-sa-lem vào năm 587 để có thể rút ra bài học và lập kế hoạch cho việc tái thiết và phục hồi thành Thánh sau đó. Các ngôn sứ nhỏ là những người thường lên tiếng can thiệp trong những bối cảnh đặc thù và khó khăn của xã hội. Chẳng hạn sách Giô-en là một bản văn phụng vụ dài theo nghi thức sám hối, và các đoạn suy gẫm về những tai ương xảy đến. Na-khum là tập hợp những lời sấm về Giu-đa trong bối cảnh sụp đổ của Ni-ni-vê, thủ phủ của đế quốc Át-sua. Ô-va-đia gồm những lời sấm tuyên cáo tội của Ê-đôm từ Giê-ru-sa-lem, bởi Ê-đôm đã trực tiếp tham dự vào việc tàn phá thành thánh Giê-ru-sa-lem trong biến cố 587. Kha-ba-cúc bao gồm những sấm ngôn về nỗi lo sợ của Giê-ru-sa-lem bị đe doạ bởi quân Can-đê, tức là đế quốc Tân Ba-by-lon. Xô-phô-ni-a thì rất gần với Giê-rê-mi-a trong việc lên tiếng hạch tội cư dân Giu-đa và Giê-ru-sa-lem về việc thờ thần ngoại bang và thiếu khôn ngoan trong những đường lối chính trị; đồng thời, Xô-phô-ni-a cũng bao gồm rất nhiều sấm ngôn chống lại các dân ngoại, là một trong những yếu tố đặc trưng của dòng văn chương ngôn sứ (chẳng hạn Xo 2,4-15; Is 13–23; Gr 46–51; Ed 25–32; Ge 4; Am 1–2). Khác-gai nhắc nhớ những người lưu đày hồi hương tại Giê-ru-sa-lem về trách nhiệm của họ trong việc tái thiết và xây dựng lại Đền Thờ. Da-ca-ri-a chứa đựng những suy niệm về tình huống xung đột và khó khăn của những người trở về từ cuộc lưu đày. Mi-kha chỉ trích và phê phán đặc biệt giới tư tế trong bối cảnh hậu lưu đày, đồng thời loan báo về những can thiệp và những án phạt của Đức Chúa sẽ xảy đến trong một thời gian ngắn.[11]

Những thông tin trên, dù ngắn gọn và tóm lược, cũng đủ để cho thấy rằng lãnh vực hoạt động của các ngôn sứ chính là môi trường công cộng của xã hội mà họ đang sống. Họ thường là những người thuộc về tầng lớp trí thức, xuất thân từ những gia đình truyền thống danh giá. Có những người còn thường có liên lạc đặc biệt với môi trường hoàng tộc, là những người cố vấn cho nhà vua, thường xuyên hoặc vào những dịp đặc biệt. Họ cũng là những người được huấn luyện đặc biệt về trí thức và văn hoá. Di sản mà họ để lại là những áng văn chương có giá trị đặc biệt, chất chứa bầu nhiệt huyết và thao thức của họ trước những vấn đề xã hội.

Ngôn sứ trước những cuộc xâm lăng của ngoại bang

Bối cảnh

Một trong những đề tài luôn nóng bỏng mà các ngôn sứ rất thường phải đối diện là vấn nạn xâm lăng của ngoại bang. Trong thực tế, Ít-ra-en và Giu-đa, từ ngày lập quốc cho đến lúc lụi tàn, chỉ là hai vương quốc nhỏ, luôn bị điều kiện hoá bởi những biến động chính trị của các nước lớn lân cận như Ai-cập, Át-sua, Ba-by-lon, xa hơn là Ba-tư, Hy-lạp và Rô-ma. Trong thế kỷ thứ IX, tr. CN., tình hình của hai nước lớn, Ai-cập ở phương Nam và Át-sua ở phương Tây Bắc, tương đối còn trầm lặng. Hai đế quốc này chưa đủ mạnh để can thiệp vào những vấn đề chính trị của cả vùng Levante.[12] Vương quốc Aram ở Đa-mát chỉ vừa đủ mạnh để nhiễu loạn và bá chủ khu vực biên giới phía Bắc Ít-ra-en. Cục diện thay đổi hoàn toàn kể từ năm 745, khi Tiglat-Pileser II (Pulu) (cf. 2V 15,19.29; 16,9; 1Sbn 5,26; 2Sbn 28,20) bắt đầu lên ngôi cai trị toàn vương quốc Át-sua. Tiglat-Pileser theo đuổi chính sách bành trướng về chính trị và quân sự hướng về vùng Địa Trung Hải để dành quyền kiểm soát toàn bộ đường thương mại hàng hải của vùng Levante. Chính sách bành trướng của Đế Quốc Át-sua ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của Ít-ra-en và Giuđa. Kết quả để lại là sự sụp đổ hoàn toàn của Vương Quốc Miền Bắc (722) và những tổn hại nặng nề lưu lại trên Vương Quốc Miền Nam.

Lập trường của các ngôn sứ

A-mốt, bắt đầu hoạt động vào thời Giơ-róp-am II (787-747; cf. Am 1,1), là một trong những ngôn sứ đầu tiên gióng lên lời tiên báo về cuộc xâm lăng sẽ đến từ phương Bắc (Am 3,11; 6,14; 7,9; 9,1-4) cũng như về viễn ảnh của những cuộc lưu đày có thể xảy ra (Am 7,11.17). Đưa dân xứ bị chinh phạt đi lưu đày là đòn trừng phạt thường thấy của đế quốc Át-sua, và A-mốt có thể thấy trước viễn cảnh ấy với chính dân tộc của mình. Mặc dù những lời loan báo như thế thường xuyên bị phản bác bởi chính những nhân vật có thế giá của Đền Thờ và cung điện nhà vua, các ngôn sứ vẫn không ngại liên tục gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh. Cần lưu ý rằng mục đích chính của những lời loan báo của các ngôn sứ không chỉ nhằm thông cáo cho mọi người về những chuyển biến chính trị sắp đến. Quan trọng hơn, việc đe doạ từ các cuộc xâm lăng của ngoại bang là cơ hội để các ngôn sứ lên tiếng cảnh tỉnh dân chúng với hy vọng kéo họ ra khỏi lối sống ù lì thờ ơ, kêu gọi họ đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa chứ không phải vào bất cứ một liên minh chính trị nào, đồng thời tạo ra trong dân một cảm thức liên đới và hợp nhất của dân tộc.

Kêu gọi toàn dân tỉnh thức

Các ngôn sứ là những người đầu tiên ý thức được sự mong manh của cục diện đất nước trước những biến động của tình hình chính trị quốc tế. Bất chấp cái bình lặng và an toàn bề ngoài, bất chấp việc lãnh thổ còn được bảo toàn và độc lập vẫn còn được duy trì, các ngôn sứ nhìn ra những đe doạ ngấm ngầm đang nổi lên và đang đến gần. Dân chúng, và những người đại diện dân chúng, thì ngược lại: tiếp tục sống và vui hưởng trong sự an toàn tạm bợ và không muốn nhìn ra những đe doạ ấy. A-mốt nhìn thấy rất rõ tình cảnh nghịch lý này: “Mọi kẻ tội lỗi trong dân Ta sẽ chết vì gươm hết thảy, những người cứ nói: ‘Tai hoạ sẽ không đến gần, không đổ ập xuống trên chúng ta đâu!” (Am 9,10).

Cũng thế, Giê-rê-mia cũng ca vãn về tình trạng hững hờ và vô cảm trong dân của mình, vì họ là những người không có khả năng hiểu và không muốn hiểu tình huống hiện tại, cứ nghĩ rằng mình có thể an toàn mà sống và không cần phải lo lắng chi nhiều. Lời của Giê-rê-mi-a trở thành lời khó nghe với tất cả những ai chỉ mong đợi nghe những lời về an toàn và bình lặng. Ngược lại, lời của nhiều ngôn sứ giả lại được lắng nghe: “Chúng dám nói với những kẻ khinh miệt Ta: ‘Đức Chúa đã phán: anh em sẽ được bình an!’ Chúng lại phán với những người lì lợm bước theo chỉ dẫn của con tim chai đá: ‘Tai hoạ sẽ chẳng bao giờ đổ ập xuống trên anh em!’” (Gr 23,17). Tương tự, lời quở trách của I-sa-ia cũng diễn đạt rất rõ về thái độ của dân: “Con bò còn biết người đã chuộc nó về, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Ít-ra-en thì không biết, dân ta không hiểu điều chi!” (Is 1,3). Giê-rê-mi-a thì dùng một hình ảnh khác, để diễn tả cùng một sứ điệp: “Đến như giống chim trời còn biết được mùa di chuyển của mình; chim cu chim én và chim hạc còn biết theo thời tiết mà về; nhưng dân Ta thì chẳng hiểu pháp luật Đức Chúa đã truyền ban” (Gr 8,7). Tóm lại, việc thiếu khôn ngoan, thiếu khả năng đọc ra những “dấu chỉ của thời đại” để có thể thực hiện những quyết định đúng đắn cho hợp với tình huống… chính là những sai lầm chết người của Ít-ra-en. Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc sụp đổ của Sa-ma-ri và Giê-ru-sa-lem.

Chống lại việc cầu cạnh ngoại bang

Một khi một số bộ phận trong dân đã bắt đầu ý thức được rằng những biến động của bối cảnh quốc tế có ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, ngay lập tức nổ ra những tranh luận gay go về việc tìm ra một giải pháp chính trị thích hợp. Những tranh luận như thế thường tạo ra một sự chia rẽ nghiêm trọng giữa tầng lớp lãnh đạo của dân. Câu hỏi luôn thường trực đó là: “có nên liên minh với một thế lực nào khác để chống lại nạn ngoại xâm hay không?” Nếu câu trả lời là nên, câu hỏi tiếp theo sẽ là: “Với ai?”. Trước những câu hỏi ấy, câu trả lời của các ngôn sứ thường rất rõ ràng. Các ngôn sứ là những người nhất quyết chống lại việc liên minh và đi cầu cạnh ngoại bang.

Chẳng hạn, I-sa-ia dùng chính hình ảnh nguồn nước để truyền đạt sứ điệp của mình: “Bởi dân này xem thường nước hồ Si-lô-ác, và rụng rời vì sợ Rơ-xin con của Rơ-man-gia-hu. Bởi thế, Đức Chúa sẽ làm cho dâng lên dòng nước lũ sông Cả chảy cuồn cuộn trên vua Át-sua và tất cả vinh quang của vua ấy. Dòng nước sẽ dâng lên khỏi lòng sông, sẽ chảy tràn bờ bãi” (Is 8,6-8). Si-lô-ác là nguồn nước chính của cả thành Giê-ru-sa-lem, trong khi Rơ-sin và Rơ-man-gia-hu là tên hai vua thù nghịch của Đa-mát và Sa-ma-ri. Bản văn này nằm trong bối cảnh vẫn thường được gọi là “cuộc chiến Si-rô – Éph-ra-im” (736-732), khi liên minh Đa-mát và Sa-ma-ri tấn công Giu-đa để ép vua Giu-đa là A-khát-gia nhập liên minh chống lại hoàng đế Át-sua là Tiglat-Pileser III. Vua A-khát từ chối, nhanh chóng chạy sang cầu cạnh vua Át-sua để ký hiệp ước nhằm chống lại Đa-mát và Sa-ma-ri. Trước quyết định ấy, I-sa-ia cáo giác các thủ lãnh của Giê-ru-sa-lem về tội khinh dễ những nguồn lực của chính dân mình, chỉ biết chạy theo để cầu cạnh giúp đỡ từ bên ngoài. Giá trị khôn ngoan và tầm vóc chính trị của lời khuyên này là không thể chối cãi: I-sa-ia đã nhìn thấy trước nguy cơ xâm lăng đến từ phương Bắc. Đi cầu cạnh và làm thân với Át-sua lúc này chẳng khác gì rước giặc vào nhà.[13] Như thế, quan điểm của I-sa-ia là giữ một khoảng cách với cả hai liên minh chính trị, dù đó là với liên minh Đa-mát – Sa-ma-ri hay với Át-sua. I-sa-ia luôn nhất quán trong chủ trương này, cả khi Giu-đa phải đối diện với cuộc xâm lăng của Đa-mát và Sa-ma-ri (Is 7,1-9) lẫn khi thành Giê-ru-sa-lem bị bao vây bởi Xan-khê-ríp (Is 37,32-35). I-sa-ia cũng phản đối việc liên minh với Ai-cập (Is 38,7-22; 30,1-17; 31,1-3; 36,6), hay với cả Ba-by-lon (Is 39).

Hô-sê, một ngôn sứ đương thời với I-sa-ia, cũng không ngần ngại lên tiếng tố giác rằng nguyên do sự điêu tàn của Ít-ra-en đến từ ảo vọng đi cầu cứu ngoại bang: “Ép-ra-im chung đụng với chư dân, Ép-ra-im như ổ bánh cứ nghiêng về một bên. Ngoại bang ngốn hết sức lực của nó, nó cũng chẳng hay […] Ép-ra-im ngây ngô khờ dại tựa bồ câu. Chúng cầu cứu Ai-cập, chúng cầu cạnh Át-sua.” (Hs 7,8-12). Theo Hô-sê, việc liên minh với những thế lực ngoại bang là một chiếc bẫy, chỉ những loài chim trời kém thông minh, như bồ câu, mới dễ dàng rơi vào đó mà thôi. Ít-ra-en chẳng khác nào những con bồ câu ngu ngốc. Một đoạn khác: “Ép-ra-im bầu bạn với không khí, ngày nào cũng chạy theo gió Đông; nó cứ gia tăng giả dối và bạo lực, nó lập giao ước với Át-sua và liên minh chở dầu cho Ai-cập” (Hs 12,2). Phía đông của Ít-ra-en là sa mạc. “Gió Đông” là loại gió khô và nóng, thổi xuyên qua đất liền, ra đến tận biển mà vẫn còn sức mạnh có thể phá tan những chiếc tàu trên biển cả (cf. Tv 48,8; Ed 27,26). Tất cả những đe doạ và xâm lăng của Ít-ra-en thời Kinh Thánh đều đến từ Phương Đông, với Át-sua, Tân Ba-by-lon, Ba-tư. Thế mà vẫn có những nhà lãnh đạo khờ dại của Ít-ra-en cứ muốn ve vãn và vọng ngóng về hướng đó. Với đoạn văn này, có thể ngôn sứ Hô-sê ám chỉ về hiệp ước mà vua Hô-sê, vua cuối cùng của vương quốc miền Bắc, ký kết với Salmanasar V, vua Át-sua; rồi sau đó cũng chính vua Hô-sê chạy đến với Shô, Pha-ra-ô của Ai-cập (2V 17,4). Chính chính sách lập lờ nước đôi này của Hô-sê là nguyên do trực tiếp dẫn đến việc hoàn toàn sụp đổ của vương quốc Miền Bắc dưới tay Át-sua (2V 17,4-6).

Gần một thế kỷ sau Hô-sê, Giê-rê-mi-a cũng gióng lên tiếng chuông chống lại chiến lược đi cầu cạnh và liên minh với ngoại bang. Vị ngôn sứ đặt mình lý luận với Ít-ra-en: “Vậy thì bây giờ, sao ngươi cứ ép mình bước theo nẻo đường của Ai-cập để uống nước Sông Nil? Sao ngươi phải bước theo nẻo đường của Át-sua để uống nước Sông Cả?” (Gr 2,18).

Như thế, nếu phải dùng ngôn ngữ hiện đại để mô tả các ngôn sứ, thì họ là những người theo chủ trương trung lập về chính trị. Không thiên tả cũng không khuynh hữu, không theo bên này cũng không ngả bên kia. Trong hoàn cảnh nhiễu nhương, sống giữa những thế lực chính trị đầy tham vọng, ngả về bên nào cũng có nghĩa là tự sát. Nhưng chọn lựa trung lập về chính trị có phải là một chọn lựa khôn ngoan và khả thi? Đâu mới thực sự là nền tảng sâu xa của chọn lựa ấy?

Kêu gọi đặt tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa

Sứ điệp mà các ngôn sứ muốn gởi gắm về căn bản là một sứ điệp tôn giáo: “hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa”. Với I-sa-ia, quan điểm chính trị của một ngôn sứ có thể được tóm gọn trong xác tín sâu xa này: “Nếu các ngươi không vững tin, thì các ngươi sẽ không đứng vững” (Is 7,9). Trước tình hình nhiễu nhương của đất nước, các ngôn sứ nhắc nhớ mọi con dân Ít-ra-en về chính nguồn cội của dân tộc mình. Họ là một dân được Thiên Chúa chọn, dân của Thiên Chúa. Nếu trước hết không đặt niềm tin vào Thiên Chúa, thì có khác gì tự đoạn tuyệt với nguồn sống của mình. Âm hưởng chính trị trong những lời loan báo tôn giáo của I-sa-ia là rất rõ: “Đức Chúa là Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: ‘Giả như các ngươi trở lại và ở yên, hẳn các ngươi đã được cứu thoát. Giả như các ngươi bình tĩnh và tin tưởng, ắt các ngươi đã nên hùng mạnh. Thế nhưng các ngươi đã không muốn!” (Is 30,15).

Cũng vậy, hình ảnh nguồn nước của Is 8,6 lại được Giê-rê-mia tái sử dụng: “Vì dân Ta đã phạm hai tội: chúng đã bỏ Ta là mạch nước hằng sống, để làm những bể chứa, những bể nứt rạn không giữ được nước” (Gr 2,13). Với Giê-rê-mi-a, chính Thiên Chúa của Ít-ra-en mới là mạch nước hằng sống, còn tất cả những thứ khác chỉ là những bể chứa rạn nứt. Mạch nước vọt lên như ân huệ từ lòng đất, còn bể chứa nước là công trình của những bàn tay con người. Công trình nào rồi cũng rạn nứt và cạn kiệt. Giê-rê-mi-a mời Giê-ru-sa-lem trở về uống nơi mạch nước của chính mình, kín múc sức mạnh từ nguồn cội của mình, đặt trọn vẹn tin tưởng vào Thiên Chúa của mình. Bởi lẽ, cái mất lớn nhất là mất niềm tin. Với Ít-ra-en, không đặt niềm tin nơi Thiên Chúa đồng nghĩa với việc tự đánh mất chính mình, và tự thua trước khi bắt đầu bất cứ cuộc chiến nào.

Ngôn sứ, người đi ngược dòng

Tóm lại, các ngôn sứ thường có lập trường nào trước những cuộc xâm lăng của ngoại bang? Câu trả lời từ Kinh Thánh có thể khiến nhiều người thất vọng. Các ngôn sứ không phải là những “anh hùng của dân tộc”. Họ không phò một chủ nghĩa dân tộc quá khích để có thể khích động toàn dân lao vào những cuộc chiến anh hùng. Họ không bao giờ quên đi việc phân tích tình cảnh hiện tại, để biết dân mình đang ở đâu, và có thể làm gì. Họ không ngại làm người đi ngược dòng, thậm chí chấp nhận mang tiếng là người gây nhiễu loạn lòng dân và gánh cả tội danh phản bội. Một trong những trường hợp điển hình là câu chuyện bi kịch về ơn gọi và cuộc đời của Giê-rê-mia trong biến cố sụp đổ của thành Giê-ru-sa-lem.

Giê-rê-mia bắt đầu ơn gọi ngôn sứ vào năm thứ XIII dưới triều vua Giô-si-gia (640-609) (Gr 1,2; 25,3) tiếp tục dưới triều Giơ-hô-gia-kim (609-598) và Xít-ki-gia-hu (597-587) cho đến khi thành Giê-ru-sa-lem bị san thành bình địa. Giê-rê-mia luôn là một ngôn sứ đi ngược dòng. Vị ngôn sứ cảnh cáo toàn dân về tục tế tự cho các thần ngoại, đồng thời loan báo về một cuộc xâm lăng có thể sẽ đến từ “kẻ thù phương Bắc” như là hình phạt mà Thiên Chúa sẽ gởi đến để trị tội bất trung. Vị ngôn sứ lên án vua Giơ-hô-gia-kim vì không đi theo đường nẻo ngay lành của Giô-si-gia (22,13-19); lên án liên minh các tư tế, các thủ lãnh và các ngôn sứ giả, vì không những đã không giúp cho dân hiểu rõ tình cảnh thực sự, lại còn nuôi họ bằng những ảo vọng và những cảm giác an toàn sai lầm; lên án cả toàn dân vì quá ngây ngô trong niềm tin phó mặc cho Thiên Chúa việc bảo vệ Đền Thờ và Thành Thánh của Người (7,1–8,3; 26), trong khi chính mình thì không làm gì cả. Thế nên không lại gì khi Giê-rê-mia là ngôn sứ liên tục bị ghét bỏ và bị bách hại. Cả những người đồng hương A-na-thốt cũng ngược đãi và muốn giết chết Giê-rê-mia (11,18–12,6).

Giê-ru-sa-lem thất thủ trước Ba-by-lon vào năm 597 kéo theo cuộc lưu đày thứ nhất, đã chứng tỏ lời tiên báo của Giê-rê-mia là đúng đắn. Tình hình ở Giê-ru-sa-lem hoàn toàn thay đổi. Thành phố và Đền Thánh còn chưa bị tàn phá, nhưng nhà vua và một lượng lớn cư dân đã bị bắt đi lưu đày, đồng thời Giê-ru-sa-lem phải nộp một khoảng tô thuế khổng lồ (2V 24,10-16). Giê-ru-sa-lem được kể như một phần thuộc về đế quốc Tân Ba-by-lon. Xít-ki-gia-hu, người được hoàng đế Na-bu-cô-đô-no-xo đặt làm vua ở Giu-đa, đã tuyên thệ sẽ trung thành với Ba-by-lon… Trước tình hình ấy, Giê-rê-mi-a thấy rằng nổi loạn chống lại Ba-by-lon chẳng những là việc vô ích mà còn có thể gây thêm một tai hoạ mới, còn tệ hơn tai hoạ của năm 597. Vì thế, vị ngôn sứ ra sức thuyết phục Xít-ki-gia-hu và các nhà lãnh đạo của Giu-đa hãy chấp nhận ách đô hộ của Ba-by-lon, và đừng nổi loạn chống lại đế quốc đang hồi cực thịnh này. Kết quả, Giê-rê-mia bị những người chống đối xếp vào nhóm “phò Ba-by-lon”. Trong suốt thời gian Giê-ru-sa-lem bị bao vây, Giê-rê-mia bị những người lãnh đạo Giê-ru-sa-lem xem như một kẻ phản bội, bị quẳng vào hầm nước và bị tính bỏ đói cho đến chết, nhưng được cứu nhờ một thái giám người Ê-ti-ô-pia (Gr 37–38). Sau khi đã triệt hạ thành Giê-ru-sa-lem, những người Ba-by-lon đối đãi tử tế với Giê-rê-mia. Tuy nhiên, vị ngôn sứ từ chối lời mời sang Ba-by-lon (40,3-4) và chọn ở lại Giu-đa với Giê-ru-sa-lem đã hoang tàn đổ nát.

Khi dòng lịch sử dân Chúa nhận một kết thúc đầy bi kịch, phải chăng chính sứ mạng của các ngôn sứ cũng thất bại bi kịch như thế? Nói cho cùng, các ngôn sứ đã có thể làm gì cho đất nước và dân tộc của mình trong những tình huống thật sự bi thảm và khó khăn? Họ có đóng góp cụ thể và thiết thực gì không?

Xây dựng tình liên đới và hợp nhất dân tộc

Có thể nói rằng, một trong những đóng góp quan trọng và thiết thực nhất của các ngôn sứ chính là những nỗ lực không mệt mỏi nhằm xây dựng tình liên đới và hợp nhất dân tộc, đặc biệt là trong những thời điểm khó khăn nhất của lịch sử dân Chúa. Các ngôn sứ là những người rất nhạy cảm với chiều kích xã hội của cộng đồng. Họ không ngừng nỗ lực xây dựng dân tộc bằng việc đặc biệt quan tâm đến vấn đề công bằng xã hội và xây dựng sự hợp nhất.

Đấu tranh cho công bằng xã hội

Cần lưu ý rằng việc bảo vệ cho những người yếu đuối và dễ bị tổn thương trong xã hội, như cô nhi và quả phụ, khách ngoại kiều và những người nghèo khổ túng thiếu, vốn là một phẩm chất phải có của các bậc minh quân trong xã hội Cận Đông cổ đại. Thế nên không lạ gì khi đề tài ấy thường xuyên được nhắc đến trong Kinh Thánh, như một phẩm chất đáng được ca tụng của một vị vua lý tưởng: “Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương kẻ đói nghèo yếu đuối. Mạng sống kẻ nghèo hèn Người ra tay cứu độ, giải thoát họ khỏi áp bức bạo tàn, từng giọt máu họ Người đều coi là quý” (Tv 72,12-14).

Các ngôn sứ thường xuyên nhắc nhở các nhà cai trị về bổn phận của họ. I-sa-ia quở trách giới lãnh đạo Giê-ru-sa-lem vì đã không quan tâm xét xử công bình cho cô nhi và quả phụ (Is 1,23). Cùng một nội dung, Giê-rê-mia nhắm đến đối tượng là các vua thuộc dòng dõi Đa-vít: “Hãy thực thi lẽ công bằng và điều chính trực; hãy giải thoát người bị bóc lột khỏi tay kẻ áp bức; đừng ngược đãi và bạo hành với khách ngoại kiều, đừng cưỡng bức trẻ mồ côi và người goá bụa; đừng đổ máu người vô tội nơi đây […] Nếu các ngươi không nghe những lời này, sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: nhà này sẽ nên chốn hoang tàn đổ nát” (Gr 22,3-5). Theo mạch văn, việc bảo vệ những người thấp cổ bé miệng chính là một trong những điều kiện tiên quyết để xây dựng xã hội và ổn định một chế độ. Chính các ngôn sứ chọn đứng về phía những người nghèo để xét xử đường lối hành xử của các vua và những bậc chức quyền.

A-mốt, một trong những biểu tượng đặc trưng nhất của các ngôn sứ trong việc lớn tiếng bảo vệ người thấp cổ bé miệng chống lại những kẻ áp bức, thì tuyên cáo trong một bản văn đặc biệt nổi tiếng của mình: “Nghe đây, hỡi những kẻ chuyên nuốt chửng người nghèo và tiêu diệt những ai bần hàn trong xứ! Các ngươi thường nhủ: „Khi nào tháng mới qua đi, để ta còn bán lúa? Khi nào ngày ngày sa-bát mới qua đi, để ta bày thóc ra? Để ta sẽ làm cái đấu nhỏ lại, tăng quả cân nặng thêm. Để ta bẻ cong cán cân mà đánh lừa thiên hạ. Để ta dùng tiền bạc mà sắm kẻ nghèo hèn, đem đôi dép mà mua tên cùng khổ. Để ta rao bán thứ lúa gạo đã hư nát.“ ĐỨC CHÚA đã lấy thánh danh là niềm hãnh diện của Gia-cóp mà thề: Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8,4-8). Theo đó, A-mốt kết án não trạng buôn bán phổ biến trong giới thượng lưu của thời đó. Giống như trường hợp của vua A-khát trong câu chuyện vườn nho Na-vốt (1V 25), những kẻ có quyền có của nghĩ rằng hầu như mọi thứ đều có thể đem ra buôn bán đổi chác. Kể cả những người nghèo khổ cơ bần cũng có thể trở thành món hàng đểhọ mua và bán. A-mốt không chỉ phê phán những vi phạm luân lý như thói mua gian bán lận, nhưng đặc biệt hơn, còn lớn tiếng kết án việc buôn bán người nghèo và biến họ thành nô lệ.

Tóm lại, tại sao các ngôn sứ chiến đấu cho công bằng xã hội? Tại sao các sách ngôn sứ lại đầy những trang hạch tội và kết án thói bất công với những lời lẽ rất nặng nề? Các ngôn sứ thường được gọi là những nhà phê bình. Nhưng bất cứ một sự phê bình nào, để có thể mang tính ngôn sứ, cần luôn hướng đến mục đích xây dựng chứ không phải là đạp đổ, càng không phải là phê bình chỉ để phê bình. Các ngôn sứ lớn tiếng về những vấn đề công bằng xã hội, bởi lẽ xác tín của họ rất rõ: một xã hội không công bằng thì tự nó sẽ đổ, không cần phải chờ đến sự dòm ngó của ngoại xâm hay của bất cứ một tác động nào từ bên ngoài. Công bằng là điều kiện xây dựng một xã hội ổn định. Tuy nhiên, công bằng xã hội cần có một cái nền vững chắc. Với các ngôn sứ, cái nền ấy chính là sự liên đới và hợp nhất dân tộc.

Xây dựng tình liên đới dân tộc

Không thể đòi hỏi một sự công bằng xã hội nếu mọi thành viên của xã hội ấy không chia sẻ cùng cảm thức về một căn tính chung. Căn tính chung này có thể mờ nhạt trong những thời khắc hòa bình, khi cuộc sống dễ dàng. Thế nhưng khi mọi sự trở nên hỗn loạn, đất nước bị đe dọa và số phận của cả dân tộc đứng trước nguy cơ bị xóa xổ, ấy là lúc mọi người dễ ý thức về sự liên đới và tình đoàn kết. Như thế, việc đe doạ của các cuộc xâm lăng ngoại bang, là cơ hội để các ngôn sứ lên tiếng nhằm tạo ra trong dân một cảm thức thuộc về nhau, khơi dậy trong họ ý thức về những giá trị của truyền thống cha ông, của giống nòi, của dân tộc, của truyền thống văn hóa và tôn giáo.

Trong những lời loan báo đả kích việc cầu cạnh ngoại bang, chúng ta đã đọc thấy rất rõ sứ điệp của các ngôn sứ trong việc mời gọi mọi người trước tiên hãy trở về tìm lại nguồn lực của chính mình, với sức mạnh của dân mình, thay vì cứ cắm cúi chạy theo những ảo vọng từ bên ngoài. Những lời loan báo với nội dung tương tự càng có ý nghĩa và giá trị hơn nữa, nhất là trong thời gian lưu đày và hậu lưu đày. Trường hợp được kể trong Nơ-khe-mia 5,1-13 có thể là một trong những thí dụ điển hình của lời loan báo về tình liên đới và sự hợp nhất dân tộc.

Nơ-khe-mia 5,1-13 cho thấy cả trong thời gian hậu lưu đày, khi mọi người đã được tự do về lại cố quốc để xây dựng lại cuộc sống, vẫn còn tình cảnh người nghèo bị áp bức bởi chính những người anh em đồng bào của mình. Nơ- khe-mia can thiệp để bảo vệ cho những người nghèo khổ trong dân. Trong bản văn của Nơ-khe-mia, có một từ quan trọng được lặp lại nhiều lần là “ָאח” (āḫ), “anh em”. Từ này còn có thể được dịch là “đồng bào”, “đồng hương”, “đồng tộc” (Nkm 5,1.5.7.8.10). Đây là từ thường được dùng để chỉ những người cùng là thành viên thuộc về một cộng đoàn. Theo ngôn ngữ Kinh Thánh, là anh em đồng bào có nghĩa là những người bình đẳng nhau, không một người nào có quyền thống trị hay tước đoạt tự do của người khác. Nguyên tắc này bám rễ lâu đời từ trong bộ luật Lê-vi: “Các ngươi không được thống trị cách hà khắc anh em của các ngươi là con cái của Ít-ra-en” (Lv 25,46). Cũng theo ngôn ngữ của Kinh Thánh, “anh em” thường đi liền với “ruột thịt” (“ָבָׂשר” (bāsār), theo nghĩa đen là “thịt”, “xác thịt”).[14] Theo đó, “anh em ruột thịt” nghĩa là thuộc về cùng một gia đình. Nơ-khe- mia dùng lại chính khái niệm ấy để bảo vệ nhân phẩm và tự do của những người Do-thái nghèo đã bị bán làm nô lệ, nới rộng khái niệm “gia đình” cho tất cả những ai thuộc về cùng một dân. Đó là cách chung của tất các ngôn sứ. Cũng giống như Nơ-khe-mia, mục tiêu của các ngôn sứ là bảo vệ những quyền chính đáng của người nghèo và những người cô thân cô thế, đồng thời duy trì mối dây liên đới trong toàn dân.

Như vậy, có thể nói rằng các ngôn sứ là những người canh gác và bảo vệ cho công bình. Họ thường không ngại lên tiếng chỉ trích giới bạo quyền, để bảo vệ quyền lợi cho những người cùng khổ, và để đảm bảo rằng luật lệ của truyền thống được tôn trọng và tuân thủ. Quan trọng hơn, các ngôn sứ là những người dạy dỗ và cổ võ mọi người sống tình liên đới và đoàn kết dân tộc. Theo cách này, có thể thấy các ngôn sứ chính là những tác nhân từ bên trong giúp mọi người sống trọn vẹn và chính thực hơn căn tính dân tộc của mình.

Ngôn sứ, người thắp lên hy vọng

Điểm cuối cùng cần nhìn nhận, như là một trong những đóng góp quan trọng và ý nghĩa bậc nhất của các ngôn sứ trong dòng lịch sử dân tộc Ít-ra-en, đó là vai trò an ủi và thắp lên hy vọng. Không thể phủ nhận rằng, nói cho cùng, trong dòng lịch sử đầy thăng trầm của dân tộc mình, khả năng của các ngôn sứ cũng chỉ có giới hạn. Sau khi họ đã làm hết sức những gì họ có thể làm, lịch sử vẫn diễn tiến theo con đường của lịch sử. Xuyên suốt dòng lịch sử Kinh Thánh, thời nào cũng có sự hiện diện của các ngôn sứ, nhưng không ai thực sự cứu được dân của mình khỏi những thảm họa đã được thấy trước. Những lời tiên báo của các ngôn sứ cứ lần lượt thành hiện thực… Tuy nhiên, các ngôn sứ không chỉ là những người biết lớn tiếng rao giảng và phê bình. Sự hiện diện đẹp nhất của các ngôn sứ chính là việc đồng hành với dân của mình trong những thời khắc tăm tối nhất. Các ngôn sứ tìm cách đọc ra ý nghĩa của những thăng trầm lịch sử, để thắp lên những niềm hy vọng mới và mở ra những cánh cửa mới cho tương lai của toàn dân.

Giải nghĩa lịch sử

Trong thời gian lưu đày, cống hiến quan trọng nhất của các ngôn sứ về mặt thần học là việc giải nghĩa lịch sử. Trong thực tế, biến cố lưu đày đẩy toàn dân vào một cơn khủng hoảng sâu xa của niềm tin, của căn tính dân tộc và tôn giáo. Quả vậy, mọi thứ đều thay đổi. Nền quân chủ sụp đổ không thể vãn hồi. Vị vua được chọn của Thiên Chúa bị dẫn độ đi lưu đày. Đền Thờ của Thiên Chúa bị làm cho ô uế và bị tàn phá. Đất mà Thiên Chúa đã hứa rơi vào tay người Ba-by-lon. Việc nghiên cứu các di tích khảo cổ còn cho thấy hầu hết tất cả các thành phố của Giu-đa đều bị phá huỷ trong những năm cai trị của Ba-by-lon. Phố phường thành bình địa. Ruộng đồng bị bỏ hoang. Ở những nơi Ba-by-lon đi qua, còn sót lại chỉ là đổ nát và hoang phế. Hơn nữa, các bản văn ngôn sứ sinh ra trên đất lưu đày, như Ê-dê-ki-en và I-sa-ia đệ nhị, nhiều lần phản ánh rằng đã có rất nhiều người từ bỏ niềm tin vào Thiên Chúa. Nhiều người tìm đến với việc thực hành đồng bóng, ma thuật cũng như tin theo thần ngoại, với hy vọng có thể tìm biết và làm chủ được một tương lai vẫn còn mờ mịt và bất ổn (Cf. Is 47, Ed 13). Giữ được niềm tin trên đất lưu đày là một thách đố, dường như chỉ dành cho những người có đức tin thật sự trung tín và kiên vững.

Trong bối cảnh ấy, vai trò của các ngôn sứ là thiết yếu, và lời giải thích của họ trở thành điểm tựa quan trọng nhất cho cộng đoàn trong đời sống đức tin. Các ngôn sứ đã tỏ ra có lý khi những tai họa mà họ loan báo đã thành hiện thực. Việc quan trọng hơn lúc này là họ không chỉ dừng lại ở việc loan báo, nhưng còn diễn nghĩa những tại hoạ ấy. Theo ngôn ngữ của các ngôn sứ, tất cả những tai hoạ xảy ra đều không ngoài ý muốn của Thiên Chúa. Tất cả đều là những cách thức để Thiên Chúa sửa dạy đoàn dân (Is 48,10). Thành Giê-ru-sa-lem bị vỡ, Đền Thánh bị tàn phá, dân bị bắt đi lưu đày, đó là những tai họa kinh hoàng nhất; và theo ngôn ngữ thần học của các ngôn sứ, tất cả đều là đòn trừng phạt của Thiên Chúa dành cho sự bất tín bất trung của dân Người. Dẫu vậy, Thiên Chúa vẫn là một Thiên Chúa Toàn Năng và Tối Cao. Tai hoạ xảy ra không có nghĩa là các thần của Át-sua và Ba-by-lon thì quyền năng hơn Thiên Chúa. Ngược lại, chính Thiên Chúa đã gọi những người Át-sua và Ba-by-lon đến, dùng họ như roi đòn để dạy dỗ dân mình (Is 13,5). Điều quan trọng là tất cả những trừng phạt của Thiên Chúa đều có mục đích dạy dỗ, và Thiên Chúa luôn có thể tái lập lại mối tương quan với dân Người. Sau tất cả, chính Người là Đấng tha thứ và mở ra cho dân một tương lai mới (Is 43,52).

Tóm lại, nhờ có lời của các ngôn sứ mà lịch sử tìm thấy một ý nghĩa thực thụ. Phần lớn lời loan báo của các ngôn sứ đều là những lời khơi dậy và nuôi dưỡng niềm hy vọng, khi mà dân đang phải đối mặt với vô vàn những khó khăn trong việc trở lại và tái thiết Giê-ru-sa-lem sau cuộc lưu đày. Cung giọng chính của những lời ngôn sứ thời hậu lưu đày là cung giọng tích cực, như các phần sách của Ê-dê-ki-en (40–48), I-sa-ia (40–55; 56–66), sách Khác-gai và Da-ca-ria. Nỗ lực của các ngôn sứ là đọc ra ngay chính trong tình cảnh hiện tại kế hoạch của Thiên Chúa và tìm một con đường hướng đến tương lai cho dân Chúa.

Hướng đến tương lai

Dễ thấy rằng, đứng trước tình cảnh của một Giê-ru-sa-lem đổ nát hoang tàn, rất nhiều người chọn con đường than khóc. Tác giả sách Ai-ca là một thí dụ điển hình: “Làm sao đô thị dân đông đúc/ lại ngồi trơ, tủi nhục một mình/ Xưa lệnh bà giữa muôn dân nước/ nay khác chi quả phụ tội tình” (Ac 1,1 ). Giê-ru-sa-lem được ví như người quá phụ không con cái: hình ảnh ẩn dụ thường được dùng để chỉ sự bế tắc và tuyệt vọng về tương lai.

Tuy nhiên, đó không phải là thái độ lựa chọn của các ngôn sứ. Các ngôn sứ là người có khả năng chân đứng trên đống hoang tàn đổ nát, nhưng lòng lại hướng đến một tương lai tươi sáng và tốt đẹp.

Có thể nói rằng niềm hy vọng mà các ngôn sứ loan báo là kết quả của việc biết nhìn lại lịch sử đúng cách và biết phân tích hiện tại cách quân bình, nhờ đó giúp Ít-ra-en hiểu được vận mệnh đặc biệt của mình. Và họ có lý do để có niềm tin vào tương lai. Bởi lẽ, nói cho cùng, Ít-ra-en vẫn là những người đã sống sót được qua những thử thách kinh hoàng của lịch sử, đã có thể gìn giữ được đức tin và căn tính của dân tộc mình trong bối cảnh mà hầu như tất cả các dân tộc khác đều đã bị xoá tên trước những sức mạnh khủng khiếp của các đế quốc thống trị.

Hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc giải thích tình cảnh hiện tại như là kết quả của sự bất trung trong quá khứ của dân, đi xa hơn, các ngôn sứ còn mang đến những lời loan báo vui mừng về một tương lai gần sẽ đến và mọi chuyện sẽ nên khác. Thế nên các ngôn sứ trong thời gian lưu đày và hậu lưu đày đã không ngần ngại loan báo rất nhiều viễn ảnh về một tương lai tươi sáng. Bởi lẽ Đức Chúa muốn thay đổi tình cảnh đau thương của dân Người và của thành Giê-ru-sa-lem (Is 44,26.28; 51,3; 52,5). Người muốn quy tụ đoàn dân tản mác từ khắp muôn phương (Is 43,5-6; 49,12), và đặc biệt là dẫn Ít-ra-en ra khỏi chốn lưu đày (Is 48,2).

Từ góc độ thiêng liêng, ngôn sứ Ê-dê-ki-en thì nhìn biến cố lưu đày và tất cả những tai họa xảy đến như là một cuộc thanh tẩy, để qua đó Thiên Chúa lặp lại lời hứa và làm mới lại Giao Ước của Người với dân được chọn: “Bấy giờ, Ta sẽ lấy các ngươi ra khỏi các dân tộc, sẽ quy tụ các ngươi lại từ khắp các nước, và sẽ dẫn các ngươi về đất của các ngươi. Rồi Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi các ngươi sẽ được thanh sạch […] Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. […] Các ngươi sẽ cư ngụ trong đất Ta đã ban cho tổ tiên các ngươi. Các ngươi sẽ là dân của Ta. Còn Ta, Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi” (Ed 36,24-28).

Như thế, nhờ biết cách đọc lại lịch sử, cả bằng cặp mắt tỉnh táo của con người và cặp mắt thiêng liêng của những người có đức tin, các ngôn sứ mở ra cho dân Chúa một chân trời hy vọng hướng đến tương lai.

Ngôn sứ, những nhà hoạt động chính trị?

Như chúng ta đã thấy, ảnh hưởng của các ngôn sứ là rất rộng. Thao thức của họ cũng rất nhiều. Giữa lòng xã hội, vào bất cứ thời đại nào, cung giọng ngôn sứ luôn là cung giọng có một âm vang và một sức nặng nào đó nhất định… Vậy thì vẫn còn một câu hỏi quan trọng cần phải đặt ra trước khi đóng lại bài viết: Với tất cả những ảnh hưởng của mình, các ngôn sứ có phải là những nhà hoạt động chính trị không? Với những dấn thân xã hội hăng say như thế, bước chân của một vị ngôn sứ có đan xen lẫn lộn giữa hai lãnh địa chính trị và tôn giáo? Có một sự lập lờ nào đó giữa tôn giáo và chính trị trong thái độ dấn thân của các ngôn sứ chăng?

Nhìn từ một mặt, với tất cả những phân tích từ khởi đầu bài viết, có thể thấy rằng địa hạt dấn thân và hoạt động của một vị ngôn sứ là rất rộng. Không chỉ giới hạn trong những lời rao giảng thiêng liêng, những bài giáo lý, những bài học luân lý, những giáo điều tín lý, các ngôn sứ còn vươn đến cả những lãnh địa gai góc như công bình xã hội, đấu tranh cho quyền con người, bảo vệ những người cô thân cô thế. Ngôn sứ là tiếng nói cho những người không có tiếng nói, là niềm hy vọng cho ai bị chèn ép bất công. Đặc biệt, khi các quyền lợi và nghĩa vụ tôn giáo bị làm ngơ, bị lạm dụng, bị chèn ép, chính các ngôn sứ là những người tố giác và đòi cho bằng được việc trả lại cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa. Hơn thế nữa, các ngôn sứ không ngại vạch trần những sai lầm của giới cầm quyền, nhất là những sai lầm làm tổn hại nghiêm trọng đến sự an nguy của đất nước và của toàn dân tộc. Họ thường là những người dám lên giọng phản đối khi thấy những nhà cầm quyền chỉ có thể có cái nhìn ngắn hạn và để cho mình bị hoa mắt bởi những cái lợi trước mắt mà quên đi những mối hại lâu dài. Cả những chiến lược trị quốc an dân và những quyết định trong tương quan chính trị quốc tế của nhà cầm quyền cũng bị đưa lên bàn cân xét xử và phê phán.

Nhìn từ một mặt khác, có thể thấy rằng các ngôn sứ là những người vô cùng độc lập. Cuộc đời và sứ mạng của một vị ngôn sứ không hề gắn liền với và cũng không bị bó buộc bởi một thể chế chính trị nào. Sứ mạng ấy không bị khuôn định trong một hoàn cảnh chính trị cụ thể nào. Bởi lẽ, trong bất cứ hoàn cảnh nào và bất cứ xã hội nào ngôn sứ cũng sống ơn gọi và thực thi sứ mạng của mình: dù là thời bình hay thời chiến, khi hoàn cảnh sống của toàn dân thăng hay trầm, vinh hay nhục, thành công hay thất bại. Nói cách khác, những bất ổn chính trị chẳng những không điều kiện hóa được ơn gọi của ngôn sứ, mà còn trở thành cơ hội để cung giọng và những sứ điệp của Thiên Chúa được vang lên và đến với đoàn dân qua môi miệng của các ngôn sứ. Dưới cái nhìn của ngôn sứ, chính trị chỉ là một phương tiện con người và là một phương tiện tạm thời trong việc tổ chức xã hội. Không có một phương tiện nào là lý tưởng. Vì thế, không có một cơ cấu chính trị nào thoát khỏi sự quan tâm và phê bình của các ngôn sứ.

Như thế, có thể thấy rằng sẽ là đi quá xa nếu chúng ta xem các ngôn sứ như là những nhà chính trị hay những nhà hoạt động trong lãnh vực chính trị. Chuyện gì xảy ra nếu các ngôn sứ làm chính trị, hoặc một người làm chính trị theo phong cách của các ngôn sứ? Thất bại sẽ là điều chắc chắn! Các ngôn sứ là những người dám lên tiếng bình luận và phê phán thời đại của mình. Tuy nhiên, ảnh hưởng của họ đến từ chính sự can đảm và sự chính xác trong những phân tích của họ, chứ không phải đến từ những quyết định chính trị. Họ có viễn tượng về những biết cố sẽ xảy đến. Họ ưu tư về tương lai của dân chúng, khởi đi từ mối quan tâm rất chân thật với vận mệnh của toàn dân. Ảnh hưởng của những lời rao giảng và hoạt động của các ngôn sứ trên lãnh vực chính trị là không thể chối cãi. Thế nhưng so với sứ mạng cao cả được trao cho một vị ngôn sứ, chính trị chỉ là một lãnh vực quá nhỏ.

Kết luận

Ngôn sứ là người của Lời. Sứ mạng chính yếu của ngôn sứ là sứ mạng về Lời. Nhưng chỉ rao giảng bằng lời nói thôi thì làm được gì? Trong dòng lịch sử chú giải Kinh Thánh, từ khởi đầu cho đến thời hiện đại, đã có rất nhiều bình luận bi quan về vai trò và giá trị thực tiễn trong việc dấn thân xã hội của các ngôn sứ. Nhiều người cho rằng tất cả các nỗ lực của các ngôn sứ nói cho cùng cũng chẳng thay đổi được gì. Trong suốt dòng lịch sử, sứ điệp mà các ngôn sứ loan báo có thể đã lưu lại chút ảnh hưởng gì đó trên người nghe, nhưng chẳng ích gì với dân tộc Ít-ra-en.[15]

Từ những phân tích của bài viết, có thể kết luận rằng những bình luận bi quan như thế là không thỏa đáng. Ngôn sứ là người của Lời. Lời của các ngôn sứ được gieo vào giữa lòng xã hội tựa như những hạt giống. Những hạt giống một khi đã được gieo xuống, trước sau gì cũng bén rễ, nảy mầm, và vươn lên theo một cách thức mầu nhiệm nào đó. Sức mạnh âm thầm và kỳ diệu của lời ngôn sứ được xác tín và diễn đạt cách mạnh mẽ bởi một tác giả người Guatemala. Trong bài thơ “LA BATALLA DEL VERSO”, tạm dịch là “Cuộc chiến của một câu nói”,[16] tác giả viết:

 Một câu nói, thật ra, chẳng thổi bay được kẻ độc tài.
Một câu nói, chẳng đủ mang lại cửa nhà và cơm bánh
cho những đứa trẻ lang thang,
cũng chẳng thể đem về thuốc men
cho những người cùng nông bệnh tật.
Ngay bây giờ, cũng vậy thôi,
bạn chẳng thể làm gì với một câu nói.
Nhưng rồi chúng ta sẽ thấy:
một câu nói được sinh ra đúng thời
và cưu mang một bầu nhiệt huyết,
sẽ đốt lên thêm một câu nói khác
thêm một câu nữa sẽ bung ra
thêm một câu nữa, chính đáng và mạnh mẽ
sẽ mang lại sự sống
cho những ước mơ ủ ấp và nung nấu.
Khi ước mơ được nuôi dưỡng,
sẽ lớn dần lên thành ý thức
và ý thức sẽ trở thành lý tưởng
lý tưởng thành đam mê và khao khát.
Rồi sẽ đến một ngày:
ý thức, lý tưởng, đam mê, khao khát,…
sẽ hội tụ và gắn kết cùng nhau
sẽ vỡ ra thành tiếng thét
thành cú đấm, thành sự chinh phạt.
Và con nhân sư ngủ yên sẽ thức giấc
rực ánh hào quang của vòng vương niệm
được làm thành từ một câu nói…

Đương nhiên, “tiếng thét”, “cú đấm” và “sự chinh phạt” không phải là nguyện ước và càng không phải là đích nhắm trong lời rao giảng của các ngôn sứ. Dẫu vậy, cái hồn của bài thơ truyền tải thật tốt sức mạnh và ảnh hưởng của lời ngôn sứ trong lãnh vực dấn thân xã hội. Ngôn sứ là người của Lời. và Lời của ngôn sứ là lời mang lại sự sống. Quả thật, Lời ấy “như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cho cây cối sinh mầm, cho người gieo hạt giống, cho con người cơm banh để ăn” (Cf. Is 55,10).


 

[1] Hay “Sách Các Ngôn Sứ Tiền”, pre-classical, thuật ngữ được sử dụng đồng thuận rộng rãi giữa các nhà chuyên môn.

[2] Sách 1-2 Các Vua, như tên gọi ngày nay, thực tế trong truyền thống vẫn được gọi là sách 3-4 Sa-mu-en (cf. Bản LXX).

[3] Chẳng hạn, suy gẫm về sự suy tàn của vương quốc Ít-ra-en, Sách Các Vua ghi lại: “Đức Chúa đã cảnh báo Ít-ra-en và Giu-đa ngang qua tất cả các ngôn sứ và các thầy chiêm […] nhưng họ đã không nghe lời, đã cứng đầu cứng cổ như cha ông họ, những người không tin vào Đức Chúa là Thiên Chúa của họ” (2V 17,13-15). Sứ điệp của đoạn suy gẫm này khá rõ: các ngôn sứ đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo Ít-ra-en và Giu-đa, nhưng cả hai vương quốc đều bỏ ngoài tai. Thế nên trách nhiệm đối với những tai hoạ xảy đến không thuộc về các ngôn sứ, nhưng thuộc về những người đã không tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa.

[4] Nghiên cứu về nguồn gốc các ngôn ngữ Semit chỉ ra rằng từ Do-thái נבא, gốc từ được dùng phổ biết nhất để chỉ về các ngôn sứ trong Kinh Thánh, hầu chắc có nguồn gốc từ tiếng Akkadian, «> fr- (nābû), với nghĩa căn bản là “nói”, “phát ngôn”, “gọi”, “kêu gọi”. Những danh từ được lập thành từ gốc từ nābû có thể mang cùng một lúc hai lớp nghĩa: (1) nghĩa chủ động: chỉ về người kêu gọi, người công bố, người loan báo, (2) nghĩa thụ động: chỉ về người được gọi, người được sai đi loan báo. Từ gốc từ này, trong Kinh Thánh Do-thái thường xuất hiện các từ נָ ִביא(nābî’): ngôn sứ, נְ ִביָאה(nebî’āh): nữ ngôn sứ, נְ ִבי ִאים(nebî’îm): các ngôn sứ. Ngoài ra, một số thuật ngữ khác cũng thường được sử dụng, chẳng hạn רֶֹאה (rō’eh) và רִֹאים (rō’ îm): kẻ nhìn thấy, người có thiên nhãn, người có thị kiến (1Sam 9; 5x: 1-2Sb; Isa 30,10); חֹזֵה (ḫōzēh): người có thị kiến, thầy chiêm (2Sam 24,11; 2V 17,13; 1Sb 21,9); ִאיׁש ָה ֱאֹל ִהים (‘îš hā’ӗlōhîm): người của Thiên Chúa (2V 5,15), người có khả năng làm phép lạ và chữa lành (2V 4-8), etc.

[5] Có rất nhiều từ vựng của một số ngôn ngữ hiện đại, có nguồn gốc từ La- tinh và Hy-lạp, sử dụng tiếp đầu ngữ biến thể của πρό, pre-, theo nghĩa thời gian. Chẳng hạn: predict, prepare, presume, prejudice, precursor, etc.

[6] Phần nhiều các từ vựng của một số ngôn ngữ hiện đại, có nguồn gốc từ La-tinh và Hy-lạp, khi sử dụng tiếp đầu ngữ πρό, đều có nghĩa là “trước”, theo nghĩa không gian. Chẳng hạn: proceed, proclaim, progress, project, propose, profess, professor, prolepsis, propulsion, etc.

[7] Chẳng hạn, ngày nay “profile picture” được gọi là “ảnh đại diện”, “profile documents” được gọi là “hồ sơ cá nhân”, etc. Trong lối sử dụng của tiếng La-tinh, nghĩa “đại diện” này rất rõ. Chẳng hạn, trong công thức kinh cầu các Thánh dùng cho các buổi phụng vụ long trọng, sau khi tên của một hoặc một nhóm các vị Thánh được nêu lên bởi người lĩnh xướng, cộng đoàn tham dự thường đáp lại “ora/orate pro nobis”. Tiếng Việt thường dịch công thức này là “cầu cho chúng con”. Ở đây, “cầu cho” không chỉ có nghĩa đơn giản là “có ý cầu nguyện cho”, hoặc “chuyển cầu cho”, nhưng đúng hơn và sâu xa hơn có nghĩa là “đại diện cho”. Lời đáp “cầu cho chúng con” khi hướng đến một vị Thánh, hàm nghĩa nhờ các vị Thánh đứng vào vị trí của người cầu nguyện, nói thay cho người cầu nguyện, đại diện người cầu nguyện, để dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa.

[8] Chẳng hạn trong các từ pro, propitious, propitiation, propaganda, etc. (Cf. “ego vobis romae propitius ero”).

[9] Cf. J.-L. SKA, S.J., L’Ancien Testament Expliqué à Ceux Qui n’y Comprennent Rien ou Presque (Cedex 2012) 119-154.

[10] Có thể có người phản đối lập luận này, viện dẫn trường hợp của ngôn sứ A-mốt “người chăn cừu tại Tơ-cô-a”. Tuy nhiên, lối dịch này không thật sự chuẩn xác và dễ gây hiểu lầm. Từ ngữ “người chăn cừu” dễ khiến người ta liên tưởng đến người có nguồn gốc xuất thân tầm thường và nghèo hèn. Trong thực tế, có hai từ Do-thái được dùng để chỉ về nguồn gốc xuất thân của ngôn sứ A-mốt. Từ thứ nhất là נֵֹקד (nōqēd) (Am 1,1), là một từ đặc biệt. Trong Kinh Thánh, từ này chỉ xuất hiện thêm một lần nữa ở 2V 3,4, chỉ về một nhân vật tên là Mê-sa, vua của Mô-áp, và còn thêm: “Mỗi năm ông thường cống nộp cho vua Ít-ra-en một trăm ngàn con chiên và một trăm ngàn con cừu” (2V 3,5). Trong trường hợp này, נֵֹקד chắc hẳn không chỉ về một người nuôi chiên cừu nghèo khó và bình thường, nhưng là một người chủ sở hữu giàu có! Từ thứ hai được sử dụng ở Am 7,14 là בֹו ֵקר (bōqēr), phân từ được lập thành từ gốc danh từ ָב ָקר (bāqār). Trong Kinh Thánh, từ này thường được dùng để chỉ về những đàn súc vật mà chỉ những người giàu có và được chúc phúc như Áp-ra-ham (St 13,2), Lót (St 13,5), I-sa-ac (St 26,14), Gióp (G 1,3), v.v… mới có thể sở hữu. Từ những dữ kiện trên, và thêm nữa là những dự kiện về chất lượng văn chương của các bản văn trong sách A-mốt, có thể kết luận rằng ngôn sứ A-mốt không phải là một người có nguồn gốc xuất thân tầm thường và nghèo hèn. Chi tiết này quan trọng, vì cho thấy rằng không nên đọc những lời phê bình và chỉ trích của A-mốt, cũng như của nhiều ngôn sứ khác, như thể là lời phản kháng của những người nghèo bị áp bức. Đúng hơn, A-mốt là người có thể có đời sống khá giả, nhưng có tâm với những người nghèo và dám lên tiếng cho những người bị áp bức. Từ Tơ-cô-a, một ngôi làng gần Giê-ru-sa-lem, A-mốt bị Thiên Chúa “chộp giữ” và gởi đi để làm ngôn sứ loan báo cho những người thuộc cung đình miền Bắc.

[11] Tóm lược từ J.-L. SKA, S.J., L’Ancien Testament, 121-123.

[12] “Levante” là một thuật ngữ hiện đại, được dùng lần đầu tiên trong tiếng Anh (1497) để chỉ vùng lãnh thổ rộng lớn thuộc Tây Nam của châu Á từ thế kỷ X tr.CN.: phía Nam được giới hạn bởi dãy núi Toros Dağlari thuộc phương Nam của Thổ Nhĩ Kỳ; phía Bắc là sa mạc Rub’ al-Khali thuộc bán đảo Ả-rập; phía Tây là Biển Địa Trung Hải; và phía Đông là vùng Lưỡng Hà, Mesopotamia. Thuật ngữ “Levante” bắt nguồn từ tiếng La-tinh “levare”: vươn lên, trỗi dậy; để chỉ về vùng đất nơi mặt trời mọc lên, nhìn từ phía Biển Địa Trung Hải. Hiện tại, vùng lãnh thổ này trải dài qua các quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Li-băng, Palestin, Israel, Giordan và đảo Síp.

[13] Lời tiên báo của I-sa-ia nhanh chóng thành sự thật, khi năm 701 Xan-khê-ríp đem quân Át-sua bao vây và công phá thành Giê-ru-sa-lem.

[14] Chẳng hạn, trong câu chuyện Giu-se bị bán sáng Ai-cập, để thuyết phục các anh mình không giết em, Giu-đa đã nói: “nó là anh em của chúng ta, là ruột thịt của chúng ta” (37:27).

[15] Cf. Phê bình của tác giả J. L. SICRE, S.J., El Clamor de los Profetas en
Favore de la Justicia
(Curso Fe y Justicia 5; Madrid 1988) 65.

[16] J.F. Aguilera, Poesía Revolutionaria Guatemalteca (Madrid 1971) 92.