Hợp Tuyển Thần Học

Cuộc Hành Trình Tinh Thần Ngang Qua Châu Á Trong Thập Kỷ

Cuộc Hành Trình Tinh Thần Ngang Qua Châu Á Trong Thập Kỷ

Mục Lục

Tài liệu gợi ý cho các cuộc thảo luận trong kỳ Đại Hội Khoáng Đại lần thứ năm của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Châu Á (FABC)

Adolfo Nicolás, S.J.[1]

1. DẪN NHẬP

Những biến cố xảy ra trong mấy tháng gần đây đã mang lại đủ chất liệu cho công tác suy tư về những năm sắp tới. Những biến cố đó cũng đã đảo lộn tình hình trong một số lãnh vực, đã làm nhiều vị “tiên tri” bối rối, và còn mở ra cả một chuỗi những vấn nạn hầu như về hết mọi khía cạnh trong cuộc sống cá nhân cũng như tập thể. Những người nông nổi đã vội vã chạy theo các nhà giảng thuyết rẻ tiền nhất thời, để đi bán dạo những viên ngọc khôn ngoan có liền, rất hào nhoáng nhưng thuộc loại đồ giả. Những bậc hiền nhân thì đã cuốn gọn những bản đồ cũ và thu mình vào một góc mà suy nghĩ, mong làm sao hiểu lại cho đúng hầu ghép thêm một trang vào trong bộ sử còn cần phải xét lại. Còn người kitô, giống như Đức Maria, họ giữ tất cả những điều ấy lại trong lòng. Trong cõi thâm sâu, những biến cố mới xảy ra phối hợp làm một với những biến cố cũ, và với Thiên Chúa hằng sống, là Đấng nói lên qua cả cái cũ lẫn cái mới… cho những ai biết lắng nghe.

Qua các biến cố bi thảm xảy ra gần đây, chúng ta cũng nhận ra được những đổi thay và những diễn biến khác, đang ảnh hưởng đến tận gốc rễ cuộc sống của Châu Á. Người kitô chấp nhận và hội nhập những hiện tượng đó cách chậm chạp, âm thầm không thấy được, và bằng rất nhiều đường lối khác nhau, đến độ không bao giờ có ai dám cho là mình đã biết, đã hiểu rõ được. Khám phá ra những con đường đó có thể là một trong những thành quả của cuộc họp này. Và đồng thời, việc đó cũng sẽ cho thấy rõ là những suy tư này chỉ có tính cách tương đối, đưa ra chỉ nhằm đóng góp một tay mà thôi. Thực trạng của những hoàn cảnh tinh thần, tôn giáo, văn hóa, xã hội rất khác nhau tại Châu Á, là một thách đố thường xuyên đập vào mắt cả hai thái độ: kinh ngạc về tính cách phong phú khác thường của chúng, và khiêm tốn trước bất kỳ một cố gắng nào nhằm suy nghĩ về toàn thể vùng này. Là một bản đề cương dùng để thảo luận, những trang này rồi sẽ hòa tan vào các phiên họp và sẽ mãn nguyện chìm sâu vào trong sự khôn ngoan mới sẽ nẩy lên các phiên họp đó.

2. MỘT THẾ GIỚI VỚI NHỮNG ĐỔI THAY KHÁC THƯỜNG

Để tránh lặp lại và dẫm chân lên các tài liệu gợi ý khác, thì xin chỉ nêu vắn tắt ra đây một số những biến đổi đang ảnh hưởng đến Châu Á, đến cuộc sống và cảnh trạng tinh thần tại đây. Từ lâu nay, có một điều mới mẻ nào đó đang xảy ra tại lục địa này. Hình như những đổi thay chúng ta đang trải qua, có một sức mạnh vượt xa ngoài những kinh nghiệm từng sống qua trước đây của chúng ta. Dù về mặt văn hóa và tôn giáo, về mặt tổ chức xã hội và hệ thống chính trị, có những điểm khác biệt lạ thường, thì cũng có những chiều hướng và những đổi thay được xem như là nhất thiết phải xảy đến, không thể tránh được, hệt như tứ thời bát tiết trong năm. “Cái ngôi làng toàn cầu” (the global village) càng ngày càng hiện rõ như một thực tại sống động trong cuộc sống loài người, và những bước tiến phát mới trong thị trường quốc tế làm như bao giờ cũng khai mở được một lối ngõ để thâm nhập xuyên qua các bức tường dày nhất của văn hóa và tôn giáo, đi vào trong cuộc sống của dân chúng, bất kể họ có mức sống cao hay kém thấp hơn. Ngay cả những người nghèo, – tức là ngay cả những người có lẽ không bao giờ hưởng được những hứa hẹn về một “Thế giới Mới”, – cũng đang cảm thấy chán chường thất vọng vì không đạt tới được nơi ấy.

Không thể chối cãi được là đối diện với các thực tại mới mẻ ấy trong thế giới hiện nay (được miêu tả qua các tài liệu khác của Đại Hội này), không ai mà không cảm thấy kinh ngạc thán phục và hân hoan phấn khởi. Những tiến bộ thì thường có sức chữa lành, mang lại sinh lực, đào tạo con người, và mở ra trước mắt những chân trời mới lạ đầy mộng mơ. Còn những tâm hồn sống cầu nguyện thì thường đi đến chỗ cảm tạ và kính phục, để cho lòng mình hướng theo đà tự phát của thái độ niềm nở đón nhận những gì phát hiện được như là một phúc lành, và ca tụng ghi ơn Chúa của mọi ân phúc.

Nhưng những thập kỷ vừa qua cũng làm cho ta cảm thấy phải biết thận trọng và đánh dấu hỏi đối với những ơn lành bất ngờ và lạ lùng ấy. Thế kỷ con người đang sống đây, đã dồn dập mục kích tận mắt những kinh nghiệm thất vọng chồng chất với đầy dẫy ảo tưởng mơ theo những hứa hẹn hấp dẫn về cái mới điều lạ. Càng ngày con người càng cảm nhận ra rõ hơn tính chất nhất thời của những gì thường được gọi là phát minh, là tiến bộ, và mất dần tin tưởng đối với chúng. Dần dần con người khiêm tốn học biết được là trong bất cứ một thế hệ nào, cũng có thể gặp thấy lối suy luận thuần lý hạn hẹp như thế cả. Hiện tượng thường thấy tái diễn là thái độ lạc quan của thập kỷ trước đã biến thành tai ương cho thập kỷ kế sau. Và như thế, đã có thời tân đại (modernity), rồi tiếp đó là thời hậu tân đại (post-modernity); trong khi đó, thì càng ngày dân chúng càng cảm thấy bị cô lập hơn. Hiện tượng tục hóa đã tiếp tay để gây ra “tình trạng vô gia cư” về mặt tinh thần và nhân bản, cũng như tình trạng thiếu khả năng hội nhập những chiều kích thường đi liền với nhau của bản chất loài người. Kỹ thuật đã thâm nhập vào trong cõi lòng con người, và từ đó nắn gò nên những bản sao mang hình dạng “chúa tể máy móc” (machine-god) hay “chúa tể chất dẻo” (plastic-god). Tiến bộ đã đến và đã ra đi để rồi đến trở lại trong thế kỷ này mà mê hoặc mọi người cho đến lúc có người lên tiếng vạch ra cho thấy giá cao tiến bộ đòi cộng đồng nhân loại phải trả, cũng như cho thấy những giấc mơ xinh đẹp và Trái Đất Mẹ mà nó hứa hẹn chỉ là những ảo ảnh viễn vông. Trong những thập kỷ vừa qua, tinh thần dân chúng đã bị thử thách rất nặng nề. Vì vậy, “thị trường tinh thần” tất phải bị xáo trộn, và trong những tháng năm cuối của thế kỷ này, đang thấy nhan nhản vô số những sản phẩm quen thuộc nhưng lại mang nhãn hiệu ngoại quốc. Những con đường Kitô giáo đưa dẫn đến “Núi Thiên Chúa” đã bị tắc nghẽn lối đi bởi những cỏ hoang gai dại mọc đầy. Tìm cho ra Con Đường là việc làm đã trở thành khó khăn hơn nhiều.

3. CẢNH HUỐNG CHÂU Á

Cho dù tại Châu Á, các quốc gia, dân tộc, và các tín ngưỡng có rất khác biệt nhau, thì ở vào bất cứ thời điểm nào, không ai mà không khỏi kinh ngạc trước sức sinh động hằng tiếp tục tồn tại của những truyền thống và những nền văn hóa lớn lao đã có từ lâu đời và đã làm kim chỉ nam cùng truyền thông sinh lực cho lục địa này suốt hàng ngàn năm nay. Các truyền thống và các nền văn hóa ấy đã ảnh hưởng và tiếp tục ảnh hưởng sâu đậm đến bản chất, đến các giá trị, đến thái độ xử sự và đến các mối quan hệ giữa các dân tộc khác nhau. Bằng cách này hay cách khác, ảnh hưởng của chúng đã tỏa đến và làm cho mọi nơi trong lục địa này nên phong phú. Cần phải đi từ chính sự kiện này mà suy nghĩ và tiên liệu cho tương lai. Có thể trình bày tóm tắt về trạng huống ấy qua bốn điểm sau đây.

A. Di sản tinh thần của Châu Á là một di sản khôn ngoan tích lũy , tức là một kho tàng khôn ngoan đã được phát hiện, thu thập, đào sâu, truyền đạt qua hàng ngàn năm dài, và đã đâm rễ sâu vào trong những giá trị tinh thần đạo đức làm nên bản chất đặc trưng của đời sống lục địa này: khôn ngoan trong cuộc sinh tồn giữa những dân nước, những điều kiện thời tiết và những quá trình lịch sử rất đỗi khác nhau; khôn ngoan đã từng làm nẩy sinh nên những tư tưởng, những vũ trụ quan, những giá trị nói lên mức độ đặc biệt sâu sắc của kinh nghiệm, thể cách suy tư, khả năng thấu suốt và phán đoán vững chắc. Rồi mặt khác, khôn ngoan ấy cũng thường chan chứa thấm nhuần ý thức tôn giáo về “Sự Hiện Diện” của Đấng nhiệm mầu trong toàn bộ thực tại; và đồng thời, lại giữ được cả một truyền thống kiên cố về Đấng siêu việt, Đấng khôn tả và khôn đạt. Đối với Châu Á, lặng thinh cũng quan trọng không kém gì cuộc mừng và lễ hội; siêu việt tính cũng toàn diện hệt như nội tại tính; phía bên phải của bộ não cũng được trau dồi như phía bên trái.

B. Nhưng không bao giờ có khôn ngoan nào là an toàn và khỏi phải trả giá cả. Nó luôn luôn bị đe dọa bởi thái độ thiên kiến, hành vi vô nghĩa, và bởi vô vàn động cơ ích kỷ và tư lợi phe nhóm. Cuộc tấn công vũ bão như thế vào khôn ngoan còn trở thành đặc biệt tàn bạo hơn trong giai đoạn cuối của thế kỷ này. Và như mọi người thấy rõ trước mắt, khôn ngoan hiện đang gặp phải nguy cơ bị đè bẹp dưới sức ép khuynh đảo của các trào lưu thời nay:

— ” Bị đe dọa bởi đời sống tân tiến và bởi những đòi hỏi lệch lạc của lối suy luận một chiều. ” Bị kỹ thuật và toàn bộ những huyền thoại khoa học thách đố, vì chúng hứa hẹn những điều chắc chắn với những yếu tố bí ẩn mà trước đây hằng được quần chúng luôn luôn tôn trọng. Và đến khi nhận ra những hứa hẹn kia chỉ là chuyện hư không, thì đã quá muộn để có thể tìm lại cho được những huyền thoại đã mất.

— ” Bị quấy rối bởi hàng loạt những dữ kiện mới ồ ạt xâm nhập vào từ bên ngoài, mà không có những phương thế hoặc nhịp độ cần thiết để giúp chúng hội nhập cho tốt đẹp, theo tinh thần xây dựng. Điều đó đã làm cho trọn cả hàng khối người dân phải đứng trước “thực trạng đa dạng” phát sinh ra không phải là từ nổ lực sáng tạo và sức năng phong phú của cuộc sống, nhưng là từ một hành động áp đặt cách giả tạo, dựa theo những quy luật của thị trường.

— ” Những cuộc chiến ý thức hệ bên Tây phương cũng đã lan rộng tới bến bờ của Châu Á, và đã giành quyền kiểm soát trí óc tưởng tượng cũng như thiện chí của cả giới trẻ lẫn người già. Tính cách toàn thể và đóng kín của các ý thức hệ này đã phương hại nặng nề đến di sản khôn ngoan thu tích từ nhiều thế kỷ, cũng như đã tiếp tay để làm cho cả”những người tin theo” lẫn những người vỡ mộng bị mất gốc.

— ” Tình trạng kém phát triển, cảnh bất công và hình thái nghèo đói kiểu mới của những thời thuộc địa và hậu thuộc địa, của thời công nghiệp kỹ thuật, vẫn tiếp tục đe dọa trầm trọng đến di sản khôn ngoan vốn là nguồn mạch đã từng mang lại hứng khởi và ánh sáng cho công tác xây dựng nên mối hòa hợp, cuộc chung sống hỷ hoan và niềm hy vọng giữa cộng đồng các dân nước.[2]

C. Những đe dọa ấy không chỉ là một mớ suy diễn lý thuyết, hoặc chỉ thoáng hiện lờ mờ ở cuối chân trời. Chúng đã thâm nhập vào trong cuộc sống Châu Á, và đã biến đổi tâm trạng nơi nhiều người. Những thiệt hại thì to lớn, và đã làm cho mất mát đi những điều kiện rất quan trọng và thiết yếu để có thể thực hiện được một cuộc hành trình tinh thần đầy ý nghĩa qua những thập kỷ sắp tới. Thử nêu ra sau đây một số những mất mát ấy:

— ” Tận căn nhất có lẽ là tình trạng đánh mất những niềm trung thành cố hữu . Ở đây, không có ý nói đến lòng trung thành gắn liền với lịch sử chế độ phong kiến và những thời áp bức trong quá khứ. Những hình thái trung thành này chỉ giới hạn ở nơi một phạm vi nhỏ trong đời chúng ta. Quan trọng hơn nhiều là lòng trung thành gắn bó có từ hàng ngàn năm đối với Mẹ Đất, đối với ruộng vườn và sức năng của nó, đối với những chu kỳ và nhu cầu của thiên nhiên hầu giữ cho khả năng sáng tạo của nó được mãi sinh động. Cũng phải lưu ý đến những dạng thể khác của lòng trung thành: niềm trung thành đối với đại gia đình các dân tộc, đối với gia đình rộng lớn đã nâng đỡ chúng ta qua những nạn đói kém, lũ lụt, nghèo khổ và bệnh tật; rồi còn những thái độ trung thành bao gồm trọn các mối quan hệ với các dân nước, các chủng tộc, các làng xã láng giềng, cũng như bao gồm lòng ngay thật cùng tín nhiệm đối với nhau giữa các nhóm và các cộng đồng, v.v…

— “ Mất đi lương tri (common sense) sống động mà mọi người có chung . Cuộc sống tân tiến với thực trạng đa dạng đã tiếp tay hữu hiệu để làm cho các giá trị cố hữu và những chờ mong trong đời sống hằng ngày của người dân thường, biến mất đi một cách mau chóng. Khoảng cách giữa các thế hệ đang ngày càng lớn rộng dần đến độ nguy ngập. Cả đến việc giao tế liên hệ giữa những người cùng xứ sở với nhau cũng đã trở thành khó khăn, xa lạ: có học lại thì mới sử dụng được.

— “ Mất đi ý thức về nguồn gốc (sense of belonging ): là tình trạng mất mát đặc biệt thấy rõ ở nơi các phong trào và các nhóm mới đang đua nhau mọc lên như nấm để tiếp cứu các số dân vô gia cư ở khắp nơi.

— ” Còn có một tình trạng mất mát rất quan trọng khác nữa, đó là việc đánh mất đi những phương pháp trị liệu cổ truyền cố cựu được dùng để chữa cho những chứng bệnh thể xác và tâm hồn. Những nghi thức có khả năng chữa lành ” theo nghĩa rộng nhất của từ ấy ” đã biến mất đi hoặc đã biến thành những dịp quảng cáo cho giới làm chính trị hoặc cho các xí nghiệp. Các mối quan hệ và các sinh hoạt trong các nhóm chữa trị cũng đang biến dạng để biến chúng thành những nhóm “cầu lợi.” Việc viện dẫn giáo lý và thực hành tôn giáo đã bị mất uy tín và bị tước mất hết khả năng chữa lành và xoa dịu các khổ đau trong tâm hồn cũng như nơi con người toàn diện.

” Có thể gói trọn những mất mát kia vào trong tình trạng thiếu khả năng phối hợp chính mình, cuộc sống, các mối liên hệ, trách nhiệm xã hội, và những thực tại đầy đe dọa của viễn ảnh tương lai lại thành một tổng thể thống nhất. Còn các nền văn hóa và các bộ môn thần học thì đã đánh mất đi nhiều sức năng tiếp trợ từng có trước đây.

D. Tất cả những điều đó cho thấy cả một loạt những nhu cầu đang hiện lên trước mắt, đòi phải được ứng đáp nhằm xây dựng một cuộc sống tinh thần lành mạnh tại Châu Á trong thập kỷ 90. Những nhu cầu ấy có tính cách bao quát, và vì thế, nếu muốn góp một phần “tinh thần” vào trong công cuộc xây dựng tương lai, thì không thể phớt lờ chúng đi được. Chủ yếu, những nhu cầu đó là:

— ” Nổ lực phục hồi lòng trung thành căn cội, vì niềm trung thành này sẽ hội nhập những thế hệ sắp tới vào trong trào lưu cơ bản nhất của cuộc sống, vào trong thực tại của trái đất, vào trong nhân loại với những chiều kích quảng mạc hơn, tức là vào trong những giá trị có sức nâng cao cuộc sống, lòng tin tưởng, niềm hy vọng, khả năng trị liệu, niềm vui và an bình.

— ” Một ý thức mới về sự việc mình là thành phần của một nền văn hóa, của một cộng đồng, của những thực thể tự tại-siêu việt.

— ” Một hệ thống giá trị vững mạnh và nhất quán, khả dĩ giúp cho ta nhận ra rõ những gì sẽ xảy đến trong thời đại sắp tới, và góp phần xây dựng trong tinh thần trách nhiệm đầy sáng tạo đối với xã hội.

— ” Một nền công lý mới cho hết thảy mọi người, không phân biệt tuổi tác, chủng tộc, giới tính, khả năng thể lý, tài chánh hay xã hội. Nhưng cũng cần một nền công lý mới cho trái đất, cho tất cả mọi sinh vật và môi trường sống của chúng. Nói cách khác, điều đó biểu đạt rõ một nền công lý mới ra trước mắt những thế hệ sắp tới của các dân tộc Châu Á, là những thế hệ sẽ thấy cần phải gặp gỡ cho được Thiên Chúa hằng sống và công trình tạo dựng kỳ diệu của Ngài, trong những gì là xinh đẹp huy hoàng mà Ngài đã tỷ mỷ gia công sáng tác nên qua một tiến trình kéo dài hàng tỷ năm trời; chứ không phải đành chịu chấp nhận một cuộc tìm kiếm chán ngấy để nhận cho ra bóng Ngài nơi những vùng đất đã trở thành hoang phế vì bị tàn phá và lạm dụng khai thác, như vẫn thấy ngày càng nhiều, trong thời đại này.

— ” Càng ngày càng cần đến chiều sâu nhiều hơn, vì có đi vào chiều sâu thì mới góp phần xây dựng được cho những khả năng mới trong các công tác chữa trị, hội nhập, hòa hợp, dựa trên thái độ kính trọng và nâng đỡ lẫn nhau. Cũng còn cần phải đi vào chiều sâu thì mới có thể thắng vượt được những huyền thoại nông nổi và ngọn sóng thần của “những sấm ngôn đầy hứa hẹn về một tương lai hưng thịnh hạnh phúc” đang ùn ùn kéo tới. Và cũng chính chiều sâu sẽ lại vén mở cho thấy Lời hằng sống của Thiên Chúa với trọn bản chất tươi sáng và sức sinh động nguyên thủy của nó.

— ” Cuối cùng, là cần phải làm cho người dân của chúng ta có được một ý thức mới về giá trị riêng của cá nhân mình, và về sứ mạng của họ trong công tác góp phần xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho Châu Á, rồi từ Châu Á, cho toàn thế giới.

4. CHỐNG LẠI TÌNH TRẠNG CHÊNH LỆCH KHÔNG LÀNH MẠNH

Đời sống tâm linh luôn luôn tiến phát ở giao điểm giữa một bên là tâm lòng con người với những cảm thức của nó, và bên kia là lịch sử của dân tộc với những biến cố (tích cực hoặc tiêu cực) quan trọng trong tiến trình lịch sử ấy. Mối liên hệ ấy vốn là nguồn phát sinh tình trạng căng thẳng cũng như thái độ đối thoại xây dựng. Thiên Chúa mà Kinh Thánh theo truyền thống Do Thái-Kitô miêu tả, là một Thiên Chúa ngỏ lời với con người từ trong cõi thâm sâu của con tim, trong yên lặng và cô tịch; nhưng đồng thời, cũng nói với con người qua các biến cố và các giai đoạn thăng trầm trong lịch sử nhân loại. Đời sống tu đức không chỉ dành riêng cho giới “nhà nghề” chuyên thực hành chiêm niệm và sống đời trực nghiệm huyền nhiệm (thần bí). Có những vị vua chúa, những người hành khất, những đấng lập dòng, những người y tá, những bậc học giả đã từng sống trọn ơn gọi kitô ngay ở giữa cuộc sống bận rộn của mình. Ngôn sứ là nhân vật biểu hiện chỉnh nhất và cùng một trật, cả mối căng thẳng lẫn việc hội nhập: hoàn toàn dấn thân vào giữa cuộc sống thực tế, mà vẫn trọn vẹn chìm sâu vào trong sự sống thần linh. “Giữ kỹ mọi điều ấy (những cuộc viếng thăm, những lời nói, những biến cố, những lời hứa…) trong lòng” là, nhân danh Giáo hội, Đức Maria đề xuất một thể dạng tổng hợp mới.

Có thể phát biểu khác đi để nói rằng đời sống thiêng liêng cũng như tác động qua lại giữa tinh thần và thực tại thì luôn luôn là một động tác từ bên trong , từ đức khôn ngoan nội giới . Vì thế, việc nhận định thiêng liêng vốn là phương thức mà người kitô thường ứng dụng để “được thôi thúc và chỉ đạo từ bên trong, theo đúng đường hướng của Thần Linh Thiên Chúa tác động trong tâm hồn và trong cuộc sống của cá nhân hay của cộng đoàn.” Đó là cuộc sống đặt nền móng trên niềm thâm tín về hồng ân Thánh Linh mình đã nhận được và về sự việc Ngài hằng hiện diện đồng hành bên cạnh. Sự sống ấy phún trào lên từ sức năng nội tâm phong phú của trạng thái hiệp thông với Thiên Chúa. Sức phong phú nội tâm này hằng không ngớt tăng cường thêm lên nhờ biết tận dụng di sản khôn ngoan chung quanh môi trường sống: khôn ngoan của trái đất và của văn hóa hay của cộng đoàn; di sản khôn ngoan ấy dần dần sẽ được nội tâm hóa và trở thành của riêng mỗi cá nhân. Ngoài ra, nó còn được di sảnkhôn ngoan tôn giáo làm cho cường thịnh hơn nữa, bởi lẽ đó là di sản đã được các truyền thống tôn giáo cố cựu của Châu Á biểu đạt và lưu chuyển cho đến ngày nay.

Đồng thời, các Giáo hội và các cộng đoàn hằng luôn luôn chăm chú lắng nghe tiếng Thiên Chúa nói qua những niềm vui và những ước vọng, qua những khổ đau và những lắng lo sợ hãi của nhân loại. Những gì đang xảy đến trong thế giới, đó là chính những gì làm nên đấu trường thử thách mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa. Vấn đề là ở chỗ những hoàn cảnh trong thế giới bên ngoài có thể trở thành một thử thách quá lớn đối với những khả năng tinh thần của chúng ta, và như thế, chúng ta gặp phải cơ nguy lạc mất hướng đi nội tâm. Lúc đó, chúng ta trở thành như những người đã bị xao động ngay khi mới gặp luồng gió đầu tiên thổi lên; dĩ nhiên, bao giờ cũng có phản ứng, nhưng họa hiếm mới xích lại gần sự sống nội tâm và ân sủng bên trong.

Ngay từ buổi đầu cuộc sống con người, đã gặp thấy tình trạng giằng co căng thẳng đó. Và cuộc đối đầu đấu tranh với tình trạng ấy lại vẫn xảy đến mỗi khi con người cảm nhận ra là mình được mời gọi để sống cho Tin Mừng. Thế nhưng, trong thời đại này, tình trạng căng thẳng ấy đã trở thành đặc biệt nguy kịch. Lịch sử ngày nay thì diễn tiến mau lẹ, những phát minh thì nhiều, những thách đố thì triệt để, những khả năng thì hứng thú, đến độ ngay cả đến những người sống đời chiêm niệm cao nhất cũng cảm thấy hụt hơi, mất đi bớt thân tình gần gũi với thực tại bên trong. Thế nên, trong những năm tới đây, rồi sẽ gặp phải cơ nguy bị lèo lái điều khiển từ bên ngoài và mất hẳn đi cái cốt lõi của tâm linh, là nơi mà khôn ngoan đích thực tỏa sáng rạng ngời.

Bởi vậy, có một mối nguy đang đe dọa chúng ta; mối nguy đó là đà đổi thay đường hướng, lấy “lối chỉ đạo bên ngoài” thế cho “cách chỉ đạo bên trong,” và đi từ chỗ làm những người cùng với Thánh Linh sáng tạo nên cuộc sống mới, đến chỗ hóa thành những kẻ đối kháng chống lại tất cả những gì xảy ra chung quanh mình. Có thể là tình trạng căng thẳng đó là một lời nhắc nhở xây dựng cho nhớ lại rằng Thiên Chúa thì vĩ đại hơn những con tim bé nhỏ của chúng ta nhiều. Vấn đề là ở chỗ tình trạng căng thẳng có thể làm cho óc bén nhạy mất đi, và có thể là lúc đó chúng ta sẽ bị thông tin, chuyển động và tiếng ồn làm cho tê bại đi, để không còn biết lưu tâm gì tới sứ mạng hợp tác với Thiên Chúa hầu xây dựng Nước Ngài.

Ngày nay, đà đổi thay “hướng ngoại” mất quân bình kia đã dẫm tới mức đặc biệt nguy kịch, bởi lẽ những tiếng nói liên tục vọng lên và những biến cố không ngừng xảy ra giữa cuộc sống chúng ta, thường thì không phải là những tiếng nói hay những biến cố tự phát, có sức sáng tạo, khôn ngoan, khả dĩ xây dựng tốt đẹp cho con người hay cho cộng đồng xã hội, qua khổ đau hoặc niềm vui. Hầu hết những tiếng nói thường nghe ngày nay, đều bị kiểm soát, đều do khiêu khích mà nói lên, đều đã được xếp đặt trước và chỉ là sản phẩm do thế giới đồng tiền làm ra. (Chính thế, ông thần tài cũng có dư sức để gây ra cảnh đại náo.) Thế giới đồng tiền sẽ tiếp tục công bố tin mừng về thị trường toàn cầu, hoặc về các phương tiện truyền thông, hay là về các ý thức hệ đang tranh giành nhau kiểm soát trí não của người thời nay. Thường xuyên, chúng ta phải đối diện với những thách đố nêu lên từ phía các khả năng mới thuộc lãnh vực nhân bản và kỹ thuật, đòi chúng ta phải tán đồng và ủng hộ. Trong khi đó, chúng lại giấu bặt đi những vấn đề thực sự đi kèm theo, chẳng hạn: Những khả năng kia sẽ được phát triển và hưởng dùng theo một mô mẫu nào của cuộc sống con người hoặc của cuộc sinh tồn trái đất? Có phải mô mẫu đó là mô mẫu của chia sẻ toàn cầu (cho mọi người được hưởng dùng) trong niềm tôn trọng sự sống và trong lối sống bình dị hay không? Hay đó chỉ là một mô mẫu khuôn rập theo lối xử dụng và lạm dụng tài nguyên cách ích kỷ và bất nhân? Chúng ta có đang gia công xây dựng một thế giới nhân bản thấm đặm tình người cho các thế hệ ngày mai hay không? Hay là đang chồng chất lên vai cháu chắt chúng ta những món nợ phải trả cho kiểu sống tiêu thụ cẩu thả hiện nay của chúng ta? Ngoài ra, những tiếng nói vọng lên như thế, cũng có thể là những phát ngôn tôn giáo đưa ra để hứa hẹn mang lại cho một “cuộc sung mãn thiêng liêng” có ngay tức khắc (hưởng liền/instant “spiritual fulfillment “);nhưng làm thế là thủ tiêu mất đi con đường tập luyện lâu dài của mọi cuộc trở lại đích thực.

Chúng ta cần phải dành nhiều chú tâm hơn cho con tim và cho sự sống, cho phía phải (lẽ phải) lý của trí não và cho việc nẩy sinh an bình mà đớn đau của lòng trắc ẩn từ bên trong. Còn có những tiếng nói khác cần phải được lắng nghe, luôn được Thiên Chúa để ý lắng nghe, và chỉ có thể nhận ra cho đúng được khi biết lắng chìm vào trong cõi thâm sâu của tâm hồn. Linh đạo Kitô giáo dành cho thời đại chúng ta, có sứ mạng phải mở rộng những cặp tai liệt cóng của chúng ta ra lại để chúng ta có thể nghe được những gì Thiên Chúa đang làm (Ephatha , Mc 7, 34), và nhận ra những gì Ngài đang nhìn thấy. Linh đạo là ý thức, là lắng nghe, là được tác động và tăng cường sinh lực, là được Thánh Linh hướng dẫn đến chỗ dấn thân sống theo Tin Mừng. Nhưng trước tiên, cần phải biết bắt đầu lắng nghe tiếng nói lặng thinh của những người mà cả cuộc sống là không gì khác ngoài một lời phán ra từ miệng Thiên Chúa.

— “ Người nghèo , mà dưới rất nhiều dạng thái khác nhau, chúng ta thường gặp thấy trong thế giới tiên tiến ngày nay, một thế giới giống một cuộc chạy đua hơn là một ngôi làng toàn cầu; những người đó là: ” Những người ốm yếu, bệnh tật, không có gì ngoài hai bàn tay trắng…những kẻ thiếu ngay cả sức để đặt chân vào cuộc đua, vì ngay từ đầu, tình cảnh thiếu thốn về tài chánh hoặc về mặt tâm thể lý đã loại họ ra mất rồi. Những “người thua” của cuộc đấu. Những người như thế cứ thấy càng ngày càng tăng nhiều hơn, và xem ra họ còn tiếp tục tăng thêm nhiều hơn nữa. ” Những “người làm công bị áp bức”: hầu hết những người đó không bao giờ có được phần thắng, và cũng không bao giờ được coi là thua cuộc cả. Người ta cần giữ cho họ khỏe đủ để còn tiếp tục chạy mãi ở trong cuộc đua không bao giờ cùng.

— ” Những người già , các trẻ em , những người trẻ , tức là những người đã bị mất đi mối tương liên giữa các thế hệ, là yếu tố đã từng giữ cho cộng đồng toàn thể được lành mạnh, được no ấm, được săn sóc, được cảm thấy thuộc về nhau và được hưởng cùng một tiến trình liên đới xây dựng hỗ tương nhằm giúp nhau đạt tới mức trưởng thành, có trách nhiệm cùng tinh thần hợp tác. Ngày nay, họ là những thành phần mới của những nhóm nằm bông lông bên lề xã hội, mất hết cơ may cùng với những người khác, phát huy cá nhân của mình theo một đường lối có tổ chức. Người già bị coi thường, mất giá, bởi phần đóng góp đầy ý nghĩa của họ cho xã hội đã bị chối bỏ. Trẻ em thì bị “đóng hộp” vào trong khuôn khổ của một hệ thống tiền chế giả tạo, bắt ép chúng phải lo điều chỉnh vận mạng của mình sao cho đúng với một số kiểu mẫu và mục tiêu đã đề ra sẳn. Người trẻ thì đang ra sức đánh trận đánh cuối cùng và duy nhất của họ, để dành cho được quyền nói lên giấc mộng đã vỡ của mình, giấc mộng trở thành những trung tâm điểm độc đáo của sự sống và của khả năng sáng tạo, trước khi đành chịu bỏ cuộc để mất hút vào trong lực lượng nhân công để dùng hoặc là vào lớp người thất nghiệp kinh niên.

–” Giới phụ nữ : rốt cục, tại nhiều nơi trong thế giới, tiếng nói của họ đang được lắng nghe. Có thể tự hỏi tại sao trong Giáo hội, phụ nữ chưa cảm thấy là họ được lắng nghe. Họ không đòi cho có chức phận, quyền hành hay quyền đại diện tượng trưng. Điều rõ ràng họ đang đòi, là làm sao cho có được khôn ngoan toàn diện hơn . Lắng nghe phụ nữ là một hoạt động thiêng liêng, là một tiến trình học hỏi về Thiên Chúa và Nước của Ngài. Thái độ lắng nghe ấy đòi chúng ta phải có tâm lòng thanh thoát để đừng còn bị ràng buộc bởi những quan niệm và hình ảnh hẹp hòi, giản lược, ngột ngạt về cả nữ giới lẫn nam giới. Cần phải bỏ lại đằng sau những cơ cấu mang tính chất lệ thuộc về mặt thiêng liêng và hành chánh, để tiến đến chỗ sống thực con người mới, là chính Đức Kitô sống động nơi mỗi người chúng ta; cần phải bỏ lại đằng sau thái độ thiếu tôn kính và đánh giá thấp phụ nữ, không đúng như họ đáng phải được, thái độ nói lên một hình thức chối bỏ nhân phẩm con người nơi họ, chối bỏ khả năng phục vụ và biểu tượng hóa của họ, để tiến tới chỗ nhận ra rõ gia đình của Thiên Chúa, trong đó, mỗi người đều góp phần của mình theo mức độ các ân huệ Thánh Linh ban cho. Và muốn được như vậy, thì cần phải có một cuộc trở lại tinh thần ở nơi mỗi người chúng ta, trở lại với thái độ “lắng nghe cho chăm chú,” “cảm nhận qua chiêm niệm” và “khẳng định cho hào hiệp như Đức Kitô.”

— “ Trái đất cũng có một tiếng nói mà từ lâu chúng ta đã không để tai lắng nghe. Và bây giờ, chúng ta đang bắt đầu lắng nghe “tiếng kêu gào của môi sinh,” niềm thống khổ của Mẹ Đất trước cảnh tàn phá quy mô làm tiêu tán đi rất nhiều sinh lực của mình và trước nỗi lo âu cho số phận của những gì còn lại. Nhờ một số ít những người và những nhóm có năng khiếu tiên lượng cảnh giác, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng tuyệt đối, chúng ta đã không “giống Thiên Chúa” chút nào khi chỉ biết lấy thái độ tàn nhẫn, khinh suất của những kẻ chỉ biết gieo rắc chết chóc ác độc, mà đối xử với các tạo vật khác trong công trình tạo dựng. Thử đọc lại Kinh Thánh và nghe lại lời của Thiên Chúa nói với chúng ta về tình bằng hữu, về việc chăm sóc cho Trái Đất của Ngài, về thái độ tử tế đối với loài vật, về những ước mơ chung sống hòa bình với toàn thể tạo vật, ngõ hầu Địa đàng đánh mất sẽ không mãi mãi mất đi. Thánh Phaolô đã nghe thấy tiếng kêu gào ấy của vũ trụ và đã ngay từ đầu, nhận ra phẩm giá của nó, một phẩm giá được gắn liền với với chính cuộc hiện hữu của Đức Kitô (Rm, Cl, Eph). Thánh Phanxicô thành Assisi và nhiều vị thần bí khác cũng đã nghe và thấy điều đó. Chúng ta đã và còn chậm trễ, chần chừ không chịu lắng nghe và đổi thay não trạng. Chúng ta chưa đủ sức để thấy và để hiểu rằng tiếng kêu gào ấy của Trái Đất chính là của chính thị xã chúng ta đang ở, một tiếng kêu vọng lên từ sự khôn ngoan tiềm ẩn trong lãnh vực di truyền học, trong vũ trụ và trong lịch sử, khôn ngoan mà vì thương yêu và quan tâm tinh tế, Thiên Chúa đã kiên nhẫn xây đắp nên bên trong toàn bộ công trình tạo dựng.

Đây là lúc cần quyết định phải lắng nghe những tiếng nói nào, cũng như cần lựa chọn xem phải lắng nghe như thế nào. Sức ép từ bên ngoài thì rất mạnh, và có vẻ như là đòi phải ứng đáp ngay lập tức cho những thị trường giả tạo ngày nay. Khôn ngoan tinh thần của các truyền thống Kitô và Châu Á nhắn nhủ chúng ta là nên dành nhiều chỗ hơn nữa cho con tim, và nên cả dám để cho tinh thần đảm nhận trở lại vai trò lãnh đạo nhằm xây dựng một lối sống đúng như Lòng Thiên Chúa mong ước. Cần phải kháng cự lại sức ép, và tiếp tục rút ra từ những cõi thâm sâu bên trong, cái khôn “cũ và mới” mà cống hiến cho thế giới.

Đã ở vào một thời điểm như thế, thì tất yếu chúng ta có bổn phận phải triệt để rút tỉa cho được từ bất cứ một nguồn suối nào có khả năng mang lại đà hứng khởi sinh động, những bài học kinh nghiệm hữu ích và cần thiết. Cuộc hành trình nội tâm hướng về tương lai phải là một cuộc hành hương toàn diện (bao gồm mọi khía cạnh và lãnh vực cuộc sống). Ánh sáng cần thiết cho công tác, phải tỏa đến từ mọi nguồn suối. Không thể quan niệm về một thời đại tinh thần mới mà không nghĩ tới việc cần thiết phải xây dựng nó trên cơ sở của tiến trình đối thoại với các nền văn hóa và các tôn giáo của Châu Á. Hễ càng mở rộng chân trời của chúng ta ra, thì những phạm trù có tính cách giới hạn và giản lược, sẽ mất hết ý nghĩa, và chúng ta sẽ được mời gọi để chấp nhận như là món quà Thiên Chúa gửi đến, không những các nền văn hóa và các tôn giáo được coi là “lớn,” mà hết thảy mọi nền văn hóa và mọi tôn giáo, vì trong đó, có thể còn tiềm ẩn một món quà nào đó của Thiên Chúa, đang chờ đợi chúng ta phát hiện.

5. NHỮNG CON NGƯỜI MỚI ĐANG XUẤT HIỆN?

Nhiều cuộc phân tích về đời sống tân tiến và hiện tượng biến đổi, đang cố tìm cho biết những gì đã xảy đến cho các cá nhân từng chịu ảnh hưởng của chúng. Khỏi cần phải nói thì ai cũng đều biết rằng bàn tới linh đạo (đường lối tu đức) là phải đối diện với một vấn đề gai góc. Ai là người sẽ thực hiện cuộc hành trình? Con người Châu Á hiện đại có còn giống con người sống hai thế hệ trước đây không? Con người mới có được trang bị đủ để đương đầu với tương lai bấp bênh và đầy thách đố hay không? Khi bàn về những đường lối thiêng liêng khác nhau, chúng ta nghĩ tới loại người tinh thần nào? Và đây, một lần nữa, thực trạng đa dạng của các dân nước, các nền văn hóa và các hoàn cảnh khác nhau tại Châu Á không cho phép dựng lên một mẫu người máy ” dù là tinh vi ” để rồi từ đó rút ra những kết luận cụ thể. Nhiều lắm là chỉ có thể nêu ra một số đặc nét chung để rồi cuộc bàn thảo tiếp theo sẽ vén mở cho thấy những khác biệt hoặc mâu thuẫn phát hiện trong kinh nghiệm cùng nhận định của các địa phương hay các vùng. Dù sao, ai cũng đều đã rõ là có tinh vi và hữu ích đến mấy đi nữa, thì các kiểu mô mẫu và các lối xếp loại vẫn không bao giờ có thể biểu đạt con người cho đầy đủ được. Ở đây, chỉ xin nhận định về ba khía cạnh.

A .Những con người mới lớn lên tại Châu Á nhận thấy là họ đang sống trong một thế giới sẳn sàng cung ứng cho mình những khả năng dồi dàochưa từng thấy bao giờ, và mở ra trước mắt mình hàng loạt những triễn vọng, những cơ hội để lựa chọn. Kỹ thuật, kinh tế, truyền thông, khoa học, nghiên cứu… làm như đang tiến vào những chân trời phát triển và sáng tạo không biên giới. Dĩ nhiên là không phải tất cả mọi người đều thông phần như nhau vào trong các khả năng và triển vọng ấy; nhưng chắc chắn là phần lớn các người trong họ sẽ mơ ước được như vậy, và để cho ước mơ ấy làm động lực của đời mình.

Điều đó cũng có nghĩa là các con người kia sẽ bị bắt buộc phải thường xuyên chọn lựa, phải quyết định điều này hay điều nọ trong những điều có thể. Họ cũng sẽ phải quyết định ngay cả việc chính mình đích thân làm cuộc chọn lựa hay để người khác ” chẳng hạn như là các chính trị gia, các hãng xưởng lớn, hoặc là các vị lãnh đạo tôn giáo ” làm thay cho mình. Nhưng, càng ngày họ càng nhận ra là các sự việc trong đời họ không còn phải là những chuyện dĩ nhiên như trong quá khứ.

Sự kiện đó cho thấy rằng con người mới sẽ sống trong những điều kiện gò ép rất khắt khe, chẳng hạn như là: phải nhất thiết quyết định, có khi phải quyết định cả đến vấn đề sống hay chết, điều mà trước kia, không một ai bị ở vào thế phải quyết định một mình cả; phải thường xuyên cập nhật hóa cuộc sống của mình, phải làm quen với kỹ thuật mới, với những loại máy vi tính mới, với những dụng cụ mới; phải hấp thu hàng đống những tài liệu, những chỉ dẫn giải thích, rồi phải lo mà quên bẵng chúng đi ngay khi không còn hữu dụng, để có đầu óc mà hấp thu những điều mới; phải sản xuất, phải kiếm tiền để sinh sống, phải cạnh tranh. Nói cách khác, con người mới phải là con người mạnh mẽ, nhanh nhẹn, dẻo dai, dễ thích nghi và giàu tưởng tượng, thì mới có đủ điều kiện để vui hưởng thời đại mới này được.

B. Đồng thời, con người đang thành hình ấy cũng sẽ bị tước đoạt thê thảm để không còn có được những điều mà trong những thời đại ngày trước, đã từng mang lại ý nghĩa, mạch lạc và chủ đích cho cuộc sống. Các nhà xã hội học đã có bàn đến loại “tâm trí vô gia cư,” tức là loại người không có những huyền thoại để thống nhất cuộc sống, để nhận ra mối liên hệ của mình đối với quá khứ hay với tương lai. Những huyền thoại thời mới này chỉ là những bản sao các chuyện cũ, nhưng có cái khác là chúng không có giá, không có sức thuyết phục, và không được cộng đoàn chấp nhận như những chuyện ngày trước đã từng có được. Huyền thoại thời mới thuộc loại sống yếu chết yểu giống như những kiểu sống thời thượng và những mục tiêu mà chúng thể hiện.

Các con người mới sẽ phải sống trong tình cảnh thưa thớt xác tín. Cảnh trạng đa dạng và tính cách nhất thời của cuộc sống ngày nay làm cho hầu hết những điều thường được nhận là chắc chắn, trở thành như là tương đối. Và đó không phải là một hình thức tương đối hóa lành mạnh phát sinh từ những nổ lực suy tư sâu sắc về những bí nhiệm kỳ diệu của thực tại; mà thường chỉ là một thái độ nói lên thực trạng thiếu khả năng khảo sát, nghiên cứu và suy nghiệm, thiếu khả năng cân nhắc ” trong thầm lặng một mình hay theo phương thức cộng đoàn ” những sự thật sâu sắc tiềm ẩn nơi di sản khôn ngoan giữa nhân gian và trong các cơ cấu muôn thuở của cuộc sống loài người. Điều đó sẽ làm phát sinh ra nhiều nỗi lo âu mới, và càng làm cho nhiều người cảm thấy thấm thía hơn tình cảnh lạc lõng vô gia cư của mình.

Chiều kích siêu việt cũng phải chịu ảnh hưởng thảm khốc của tiến trình này. Các xã hội tân tiến tại Châu Á hiện đang nhan nhản trưng bày cho thấy con người mới, một mẫu người cả đời ngụp lặn trong những đòi hỏi của nhu cầu sản xuất đến độ không còn có thể tìm ra thì giờ cho những thực tại tinh thần, cho chiều sâu và bầu khí tĩnh mịch, cho một ánh nhìn hướng thẳng vào trong chính thực tại siêu việt đã từng làm nên kho tàng đặc trưng của Châu Á, để thế giới phải khâm phục và ngưỡng vọng. Chịu cùng một cảnh mất mát giống như chiều kích siêu việt là ý thức về tính chất thánh thiêng trong mọi sự vật, là chiều kích nội tâm ẩn tàng của tinh thần tôn giáo truyền thống, là toàn bộ những sức năng chữa trị và truyền lực, tiềm ẩn trong các giá trị ấy.

C. Sau cùng, các con người mới là những người có sẳn những khả năng và triển vọng dồi dào như chưa từng thấy, nhưng lại bị tước đoạt mất đi chính bản ngã sâu thẳm của mình, và vì thế, họ sẽ là những con người yếu đuối hơn nhiều ý thức về phẩm giá riêng của cá nhân bị giảm thiểu đi, và sẽ nắn đúc nên loại người tiêu thụ.

Sức ép của tập đoàn từ phía những người đồng trang đồng lứa, từ phía các nhà chính trị, từ phía công ăn việc làm hay các hiệp hội tôn giáo, có thể ảnh hưởng nhiều đến những người yếu bản lĩnh như thế. Nhu cầu thuộc về một đoàn nhóm, một tổ chức có thể dễ dàng biến thành con đường dẫn tới quá khích. Nếu biết cách đưa ra những phần thưởng hưởng được ngay, và những câu giải đáp đơn giản cho người thời nay, thì các tôn giáo hoặc giáo phái mới và những huyền thoại mới cũng có thể có sức hấp dẫn rất lớn đối với những người sống trong tình cảnh vừa nói.

Nỗi lo sợ phải làm những cuộc cam kết dấn thân lâu bền sẽ tiếp tục kéo dài và sẽ có thể trở thành to lớn hơn. Nếu không được giải quyết êm đẹp, thì những khó khăn trong lãnh vực các mối tương quan liên bản vị cọng với những dồn ép của tuổi tác, sẽ làm cho khó mà đạt đến được mức trưởng thành trong tiến trình phát triển con người. Không có sự trợ giúp của một cộng đoàn, của một nền văn hóa, hay của chiều sâu nội tâm, thì những hành động dấn thân như vậy xem ra chẳng khác chi một cuộc hành trình băng đồi vượt núi, làm cho nhiều người sợ hãi lẩn tránh. Những con người thời nay thì rất giòn mỏng về mặt tâm lý. Đối với họ, lời Thiên Chúa mời gọi đến và nghỉ lại nơi Ngài, có một ý nghĩa và một tầm trọng yếu mới. Nhưng làm sao để làm cho điều đó trở thành một lối sống? Đó là một trong những vấn đề then chốt đặt ra cho Giáo hội của thập kỷ 90 này.

6. MỘT LINH ĐẠO CHO THẬP KỶ 90

A. Nhận định tổng quát

Linh đạo cần tới phải có đủ khả năng để ứng đáp cho cả hai chiều kích của các nhu cầu ngày nay, tức là: một đàng, phải đủ sức đương đầu với những thách đố, những vấn đề, những đổi thay và cơ nguy mà thời đại mới với những bước phát triển đi kèm theo, mang lại; và đàng khác, phải đủ sức đem lại ý nghĩa và làm nguồn trợ lực cho mẫu người ” xét theo cá nhân riêng rẽ hay theo dạng thức nhóm đoàn ” đang xuất hiện/có mặt ở giữa chúng ta. Linh đạo ấy có sứ mạng phải đóng góp cho việc thực hiện một tiến trình hội nhập nhất quán và có ý nghĩa của những nhu cầu, những yếu nhược cũng như những năng lực của họ.

Linh đạo ấy phải biết rút tỉa kinh nghiệm cần thiết từ hết thảy mọi mguồn liệu sẵn có, tức là từ các truyền thống Kitô cũng như Châu Á, cũ cũng như mới, đại chúng cũng như thần bí. Ngày nay, chúng ta nhận ra với một mức độ bức thiết mới, tầm trọng yếu của lời Tin Mừng khen người khôn ngoan biết lấy từ kho tàng phong phú của mình, những viên ngọc khôn ngoan cũ cũng như mới, ra mà dùng khi cần (Mc 13, 52). Vô số những nhu cầu, kinh nghiệm và hoàn cảnh khác nhau trong cuộc sống của người dân và của các Giáo hội, đòi buộc chúng ta phải biết để mọi lối ngõ sẳn sàng rộng mở mà đón nhận ân sủng cùng đường lối chỉ đạo của Thiên Chúa hằng thông ban xuống cho cuộc đời chúng ta.

Linh đạo mà các thập kỷ sắp tới cần đến, đã thật sự có mặt quanh đây rồi, đã được phát hiện, đã được cấu tạo, hoặc tắt một lời, đang được sống thực nơi các cộng đoàn và các cá nhân. Linh đạo không phải và không thể là chuyện xếp đặt theo phương án: linh đạo phún trào ra từ bên trong, từ nội tâm, và tại Châu Á, thì thực sự nó hiện đang phún trào lên, khi mà người tín hữu và những người thiện tâm thiện ý ứng đáp theo chiều kích sâu thẳm, những thực tại trong thế giới và giữa xã hội.

Đó là điều hết sức quan trọng, bởi vì nó chỉ cho thấy một số những cách thức xử sự mà người ta đang chờ đợi từ nơi các vị lãnh đạo Giáo hội.

1. Trước tiên, chúng ta cần phảihọcở nơi đời sống tinh thần của những người phải hụp lặn giữa xã hội tân tiến ngày nay tại Châu Á mà vẫn dấn thân sống trọn vẹn một đời sống đức tin đầy sáng tạo. Họ có mặt trong nhiều lãnh vực khác nhau của cuộc sống xã hội, trong một số các phong trào, các nhóm, hay chỉ đơn giản sống cuộc đời chứng tá hằng ngày của họ.

2.  Chúng ta cần phải tán trợ những sáng kiến, những phong trào và phương án như thế: những cố gắng ấy hiện đang gặp khó khăn và hiểm nguy không ít khi bắt tay đối thoại với các tôn giáo hay các ý thức hệ khác cũng đang cùng nhau đi tìm một chiều kích sâu sắc hơn nữa trong việc cầu nguyện, trong cố gắng thấu hiểu về tôn giáo, hay trong công tác dấn thân đem lòng thương mà phục vụ trái đất và các dân tộc sống trên trái đất.

3.  Chúng ta cũng được mời gọi đểcổ vũ, ủng hộnhững tiến trình và những cách thức giúp nhận định theo phương pháp Kitô, đang được rất nhiều nhà chuyên môn công giáo lưu tâm nghiên cứu và đẩy mạnh nhằm ứng dụng rộng rãi vào trong thực tế. Làm sao để có thể nhận định theo tinh thần Tin Mừng, trong những vấn đề liên quan đến vô số lãnh vực, kể từ các vấn đề sinh nguyên học (biogenetical) cho đến các vấn đề phế liệu hạt nhân hay thương mại quốc tế: đó là một vấn nạn đang đè nặng trên lương tâm của rất nhiều người chân thực. Có lẽ chúng ta nên đặt nhận định thành một trong những điểm chủ yếu của chương trình Giáo hội hiện đang đề ra cho công tác giáo dục đức tin và huấn luyện thiêng liêng.

4. Dĩ nhiên, chúng ta cũng phảitiếp tục cổ vũcuộc đối thoại đang tiến hành ở mọi cấp bậc, với các tôn giáo khác, và đặc biệt là thái độ mở rộng đang có đối với đà hướng dựa theo tinh thần Kitô mà thử nghiệm những hình thức cầu nguyện và những lối tu tập khổ hạnh đã từng giúp cho không biết bao nhiêu người Châu Á trong quá khứ, đạt được tới trạng thái giác ngộ, có được tự do nội tâm và biết lấy lòng nhân hậu dấn thân phục vụ cho những điều hay lẽ chính, cho công lý công ích.

Không cần phải nói, thì cũng rõ là những tiến trình bàn đến trên đây phải được đặt cơ sở trên những chương trình huấn luyện tinh thần tốt. Cần phải dựa theo ánh sáng ấy mà xét lại đường lối dạy giáo lý của chúng ta, đặc biệt là giai đoạn khai tâm; trong đó, cần phải biết dành chỗ cho việc dẫn nhập khéo léo vào cách thức cầu nguyện; vì cầu nguyện sẽ dạy cho biết phải làm thế nào để lớn lên trong Đức Kitô, để được đổi mới, để dùng chính hành động mà nội tâm hóa Tin Mừng thành cuộc sống của mình, nội tâm hóa cả nội dung lẫn phương pháp của chính việc cầu nguyện. Cũng còn cần phải xét lại cả đời sống bí tích của chúng ta nữa, làm sao để cuộc hành trình bí tích qua tưởng nhớ và biến đổi, nhờ bởi Đức Kitô, ôm trọn và hướng dẫn được cuộc hành trình lịch sử của những năm sắp tới.

Niên lịch các ngày lễ mừng cũng cần phải được tổ chức sắp xếp lại làm sao cho có thể nói lên được ý nghĩa biểu tượng của mầu nhiệm kitô một cách quân bình hơn. Ý nghĩa sâu sắc tiềm ẩn trong tình phụ tử-mẫu tử của Thiên Chúa đối với con người, mầu nhiệm công trình tạo dựng, sự sống trong Thánh Linh, là những chân lý đã không được tưởng nhớ, thể hiện và ý thức cho cộng đoàn trong một cách thức cân bằng thích đáng so với mầu nhiệm của Chúa Con, của Đức Mẹ và các thánh. Sự việc nhiều người kitô hiểu biết và ý thức rất ít về các mầu nhiệm cội nguồn truyền ban sự sống ấy và mối liên hệ của chúng đối với trái đất, về niềm tự do nội tâm và việc chiêm niệm thẳm lặng, không phải là không dính dấp gì với sự việc họ đã không được chỉ giáo cho biết sống chiều kích tập thể của việc tưởng niệm qua các ngày lễ và các cuộc mừng.

Cũng vậy, cần phải đào sâu và mở rộng việc đọc Kinh Thánh. Có thể điều hiện nay đang cần là biết đem những phương thức phong phú và rất khác nhau trong việc nghiên cứu Sách Thánh, ứng dụng hài hòa vào trong lòng ham chuộng và nổ lực học hỏi Kinh Thánh của chúng ta, vì những phương thức ấy giúp cho nhận ra Sách Thánh thật là nguồn suối mang lại ánh sáng, nghị lực, hứng khởi và ủi an. Chắc hẳn công tác thuyết giảng không phải là một khởi điểm không đáng lưu ý tới trong một cuộc tiến công mới theo đường hướng ấy.

Cuối cùng, linh đạo mà chúng ta đang kiếm tìm, sẽ phải cần đến một thái độ quyết tâm trường kỳ, đượm nhuần tinh thần cầu nguyện và tận tụy: quyết tâm đem hết lòng mà làm bạn đường cùng đi với vô số người kitô đang vướng mắc tứ bề ở giữa những vấn đế phức tạp khó khăn trong các lãnh vực kỹ thuật, công bằng xã hội, biến đổi chính trị, kinh tế, các ngành công tác phục vụ, công ăn việc làm và đời sống chuyên nghiệp. Cố làm sao để có thể làm bạn đường cùng đi trong Chúa với họ: có lẽ đó là một trong những công tác phục vụ có tính cách đoàn sủng (charismatic) nhiều nhất mà Giáo hội ngày nay đang cần đến. Qua công tác ấy, cả người dấn thân trong cuộc lẫn người đồng hành, đều có thể rút tỉa ra được kinh nghiệm về cách thức nhận định, rồi nhờ đó, có thể mở ra những lối ngõ mới trong tiến trình nhận định thiêng liêng, cho những người khác cùng dõi bước theo.

B. Linh đạo kitô là linh đạo ba ngôi

Chúng ta đang tiến dần tới một tương lai vượt hẳn ra ngoài những thứ biên giới cũ kỹ phân cách giữa các dân nước, các nền văn hóa hay các ngôn ngữ. Những thách đố gặp thấy thì có tính cách toàn diện, và đòi Giáo hội phải có một câu trả lời toàn diện, qua đó, có thể tìm thấy được những đường hướng cụ thể. Muôn đời, câu trả lời toàn diện ấy vẫn không là gì khác ngoài chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính từ mầu nhiệm ấy, những nguồn suối sâu thẳm nhất của sự sống kitô phún trào lên, và cũng chính từ đó, chúng ta tìm gặp được những nền móng vững chắc nhất của cuộc đời chúng ta. Đồng thời, cũng chính vòm trời toàn diện ấy là thực tại khả dĩ bảo quản những truyền thống tinh thần của các tôn giáo và các nền văn hóa Châu Á, cũng như làm cho thấu hiểu được chúng một cách hoàn toàn sáng tỏ. Chính nhờ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tránh khỏi được cám dỗ chỉ biết khăng khăng dùng cặp mắt cận của những phạm trù và những cơ cấu chật hẹp mà nhìn ra thế giới.

1. Thiên Chúa Chalà mầu nhiệm tại gốc cội, mầu nhiệm chưa ai từng thấy, là nguồn mạch mọi sự, là Đấng ban sự sống. Ngài là khởi nguyên và là nguồn suối, là Đấng Tạo Hóa. Qua công trình tạo dựng, chúng ta biết được rằng sự sống của Ngài là sự sống trao ban chính mình ra dưới vô số dạng thái rất khác nhau. Ngài tạo dựng và hiện diện nơi tất cả mọi thể loại sự sống và mọi hình thức hiện hữu trong vũ trụ. Truyền thống kitô dùng từ ngữ Tình Phụ Tử-Mẫu Tử mà biểu đạt mầu nhiệm khởi thủy đó. Là tín hữu, chúng ta được mời gọi bước vào lặng thinh, cố gắng nâng lòng lên và đem hết tâm hồn chiêm niệm, mà tiến lại gần với mầu nhiệm ấy.

Nếu đã tìm cách để hiểu biết về những gì đang xảy tới cho lục địa và cho các dân tộc Châu Á, thì bao giờ cũng cần phải tự hỏi rằng: “Cái gì hiện đang xảy tới cho mầu nhiệm của Châu Á?”; dĩ nhiên, đây không phải là thứ mầu nhiệm đã được lãng mạng hóa theo kiểu tưởng tượng của Tây Phương, nhưng là niềm cảm thức nghiệm thấy mình đang chìm ngấm ở trong sự sống thần linh. Có phải vì chịu sức ép của lý tính thời nay đè nặng mà chúng ta đang đánh mất dần cảm thức ấy đi? Làm thế nào để cộng đoàn kitô có thể góp sức vào việc đề cao và đào sâu cảm thức ấy, cũng như mang nó vào giữa niềm thông hiệp đượm tình chia sẻ trong vương quốc của Thiên Chúa Cha? Ngày nay, chúng ta đang được mời gọi để sống trung thực lòng tin chúng ta có, vào Thiên Chúa Cha, và làm cho đức tin ấy sống mạnh dậy ” cả một cuộc hành trình thiêng thiêng là đấy ” trong một ý nghĩa mới của thái độ chiêm niệm đối với hết thảy mọi thụ tạo, và trong ý thức về trách nhiệm làm quản lý thế giới của Thiên Chúa; vì có thế, chúng ta mới có thể nhìn rộng tiến xa hơn, vượt khỏi khuynh hướng ích kỷ và lối nhìn thiển cận của chúng ta, và mới có thể hợp tác vào trong trách vụ cao cả thánh thiêng nhất, tức là góp phần xây dựng sự sống dưới hết mọi dạng thể của nó. Tin vào và thực thi ý muốn của Chúa Cha phải được biểu hiện qua niềm ưu ái chăm lo cho người khác, cho trái đất, cho niềm cảm phục và thái độ kinh ngạc trước sức năng phong phú của nhân loại và của sự sống hiển hiện chung quanh chúng ta: nơi các dân nước, các chủng tộc, các giới tính và các nền văn hóa.

Một linh đạo đặt nền tảng trong Thiên Chúa Cha có thể là phương thức tốt nhất để đề phòng chống lại mọi thái độ nông cạn, mọi hình thức nói nhiều mà không sống, mọi thứ não trạng hẹp hòi, cuồng tín hoặc vụ giáo điều. Việc đề phòng ấy sẽ còn được củng cố và tăng cường nhiều hơn, nếu chúng ta biết nới rộng những hình ảnh biểu tượng về Thiên Chúa-Cha thường được dùng, ngay cả trong Kinh Thánh, để đưa đến chỗ quan hệ với Thiên Chúa như là với một Người Mẹ nữa. Ngoài giới hạn của cuộc tranh luận đang diễn ra ngày nay, để tìm lại những chiều kích nữ tính đã bị thần học đánh mất đi, còn có cả một nền linh đạo cần được hội nhập vào trong cuộc sống của chúng ta, vì những thập kỷ tới đây sẽ hết sức cần đến nó.

2. Đức Giêsu Kitô,Người Con, là thực thể biểu hiện mầu nhiệm khởi thủy của Thiên Chúa ra trong lịch sử, theo thể cách tiên tri (ngôn sứ). Mầu nhiệm cơ bản của Thiên Chúa Cha đã mặc lấy hình thái lịch sử qua cuộc sống đầy sức năng chữa lành và tâm tình nhân hậu trong Đức Kitô. Giêsu có nghĩa là cứu độ, và đó là sứ mạng của Ngài. Những gì loài người đã phá hủy mất đi qua hành động phản đối của tội lỗi và thái độ ích kỷ kiêu căng, thì đã được Người Con phục hồi qua một cuộc sống tự hủy đến tột độ như chúng ta đã biết. Thực kiện Ngài thể hiện sự sống Thiên Chúa Cha theo thể cách tiên tri, đã tỏ rạng rõ ràng nhất qua mối lưu tâm xót thương và cuộc sống đồng hóa với người nghèo, người sống bên lề xã hội, và người tội lỗi. Ở đâu sự sống bị đe dọa trầm trọng nhất, thì ở đó Ngài tuôn đổ tràn đầy tình thương của Ngài xuống, và sự việc đó đã trở thành một dấu chứng mới đối với những ai tin vào Ngài.

Cái mà tương lai đang đến trước ngưỡng cửa của Châu Á, sẽ đưa tới cho các dân nước tại đây, là một bước tiến bộ phiến diện cùng với những hứa hẹn toàn diện. Tuy nhiên, cho dù một số thử nghiệm có thành công đến mấy đi nữa, thì “người nghèo sẽ vẫn tiếp tục có mặt ở giữa chúng ta rất ư lâu dài.” Sức năng trị liệu, cũng như công lý và ơn cứu độ sẽ còn không ngớt được cần tới, dĩ nhiên là dưới rất nhiều thể dạng. Lời mời gọi của Đức Kitô sẽ còn mãi là một lời mời gọi thức thời và là nguồn suối phát nguyên của sức tăng trưởng thiêng liêng cho tất cả chúng ta. Câu ứng đáp lời mời gọi của Người Con bao giờ cũng được nói lên bởi hành động tưởng niệm (mà chúng ta hằng làm qua việc đọc Kinh Thánh và việc cử hành các bí tích), bởi tinh thần liên đới và thái độ dấn thân đầy ý nghĩa tiên tri (biểu hiện những chân lý và thực tại siêu việt của Tin Mừng). Đó vẫn là những gì đóng vai mấu chốt trong thời nay, và vai trò ấy lại còn trọng yếu hơn nữa trong tương lai. Những cuộc di dân mới đây tại Châu Á, thấy được rõ tại các trại tồ nạn và qua các đợt công nhân di trú, đang đặt ra nhiều vấn đề về đầu óc thành kiến, về lối sống ích kỷ và những hình thức dân tộc chủ nghĩa phi lý; để giải quyết chúng và xoa dịu các vết thương chồng chất từ ngày này qua ngày khác, tất phải cần đến sức năng tràn đầy của tình liên đới, của lòng trắc ẩn và tình nhân ái. Đàng khác, con số ngày càng tăng dần của “những nạn nhân trong cuộc chạy đua chiếm thành công” sống trong các tầng lớp tiên tiến hơn, đang đổ đầy vào giữa xã hội hàng khối phẫn uất, thất vọng và chán ghét chính mình. Tình trạng sức khỏe hiện nay của các thành thị chúng ta đang sống, là một tình trạng nguy kịch. Lời Đức Kitô gióng lên để mời gọi mọi người trở thành những môn đồ và những cộng đoàn có sức năng chữa trị, là một lời mời gọi khẩn trương và hoàn toàn thích đáng đối với thời đại ngày nay.

Linh đạo đặt nền tảng như thế trong Chúa Con, cũng là một tiếng gióng lên lời cảnh cáo phê bình chống lại lối sống đặt cạnh tranh và lòng tham làm mẫu mực, làm động lực. Đức Kitô sống động giữa hiện tại, vẫn tiếp tục lên án hành động xúc phạm đến sự sống con người, tức là những khi mà thế giới loài người bị bất công và phá hoại bóp méo mất hẳn đi diện mạo đến độ không còn phải là nhà cầu nguyện nữa, mà thành hang động của phường trộm cướp. Kitô học cũng lên tiếng tố giác chủ nghĩa biệt lập và thái độ tự mãn, cũng như tất cả những gì tiếp tay vào việc áp đặt hoặc củng cố một “nền văn hóa vụ thành công.” Văn minh tình thương mà các vị Giáo Hoàng gần đây thường nêu cao, sẽ cần đến bàn tay của nhiều người Châu Á có cuộc sống khuôn rập theo mẫu gương của Đức Kitô, để có thể trở thành hiện thực sống động nơi các đất nước của chúng ta.

3. Thánh Linhlà giòng sự sống của Thiên Chúa tuôn chảy vào mọi thời và trong mọi sự vật. Thần Khí là sức mạnh biến đổi, là hành động tái tạo vũ trụ. Thần Khí là đức khôn ngoan, là niềm vui, là vũ điệu và là mối thông hiệp toàn vũ. Thần Khí không ở một nơi nào cả, nhưng lại làm cho mọi sự được tràn đầy. Thần Khí có sức năng kỳ diệu hòa tan chính mình vào trong điều tốt điều lành, vào trong công trình tạo dựng, vào trong tình yêu và cuộc lễ, vào trong hành động chữa trị và niềm an bình. Thần Khí thấm nhập vào trong toàn bộ thực tại, và qua hành động ấy, Ngài giữ gìn cho thực tại được sống động, xinh đẹp và có sức thu hút kêu mời tất cả chúng ta đến với tự do, với cuộc mừng và với thái trạng quan sát nhận định.

Thập kỷ 90 rất cần đến Thần Khí. Chỉ thử nêu lên đây hai thực trạng đang kêu gào đòi cho có được một lối sống “hướng theo Thần Khí” nhiều hơn. Thực trạng thứ nhất là hiện tượng gia tăng “tâm trạng tiêu cực” trong thế giới chúng ta. Cọng với các thiên tai và sự kiện hiển nhiên của tội lỗi loài người, gần đây, chúng ta lại còn thấy xuất hiện ngày càng nhiều hơn, những hình thức mới của sự ác, như: ma túy, khủng bố, tội phạm, thất nghiệp, tàn phá môi sinh đến độ hủy hoại vô phương cứu chữa. Không thiếu gì tác giả đã báo trước về một thời kỳ “suy thoái văn hóa.” Hơn bao giờ hết, chúng ta đang cần có một kinh nghiệm mới về “Thần Khí sáng tạo.” Thế giới thì đang cần đến chứng cử của một Giáo hội sống liên kết với Thần Khí và với sức năng của Ngài, ngõ hầu có sức biến đổi những gì xem ra không thể đảo ngược được, có sức đổi thay cách sống của chúng ta thế nào để chận đứng đừng cho tâm trạng tiêu cực kia trở thành một thứ quái vật ngày càng lớn mạnh thêm lên, nhưng ngược lại, trở thành kích tố làm cho những sức năng chữa trị của “Thần Khí tái tạo” có cơ hội bừng dậy trong những người tín hữu. Cần phải cho thế giới thấy rằng chúng ta có thể “vũ theo điệu múa của chúng ta trên bước đường tiến về tương lai,” nhờ nhận được tình yêu dư đầy Thần Khí ban xuống nhằm trang bị cho chúng ta.

Hiện tượng thứ hai là hiện tượng liên quan đến những “nỗi sợ hãi” về phương diện tâm lý và văn hóa, do giai đoạn kết thúc của một kỷ nguyên gây ra. Chúng ta đang bị những sấm ngôn bi quan chỉ biết báo những điềm diệt vong, bao vây oanh tạc tứ bề. Trong khi đó, thì chúng ta vẫn còn chứng kiến cảnh hăm hở đi tìm nào là “những dấu kỳ điềm lạ” như kiểu thời xưa, nào là những thứ đai an toàn khả dĩ che chở cho khỏi những biến cố kinh hoàng sắp xảy đến. Trong Giáo hội, chúng ta được mời gọi để nêu cao một kinh nghiệm sống tươi sáng và trung thực về Thần Khí, là Đấng có đủ năng quyền trợ giúp làm cho chúng ta biết đem hy vọng và can đảm mà đương đầu với tương lai bấp bênh. Cần phải cởi bỏ đi thái độ coi trọng những dấu kỳ điềm lạ, để mở lòng ra cho những dấu chỉ thật sự của Thiên Chúa hằng sống ở nơi các tâm hồn, ở nơi thái độ ưu ái quan tâm của các cộng đoàn và ở nơi cảnh trạng công lý và hòa bình trong thế giới nhỏ bé của chúng ta.

Và như thế, linh đạo đặt nền tảng trong Thánh Linh, là thực sự liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa đặc thù, cho tình trạng suy thoái, thất vọng và chán nản. Linh đạo ấy sẽ động viên con người lấy cuộc sống xuất phát từ những chiều kích hân hoan của niềm thông hiệp với tất cả những gì là sinh động, mà phản kích lại các lực lượng phá hoại; vì trong cuộc sống ấy, chúng ta gặp được và đón mừng sự hiện diện của Thần Khí Thiên Chúa. Thánh Linh sẽ vạch trần chủ trương sai trái của những ai cố biến thế giới đã được tạo dựng nên cho muôn chim, cho muôn hoa và cho muôn bữa tiệc tạ ơn, trở thành một chiếc máy siêu đẳng(super-machine).

Bởi vậy, có thể nhận ra được rằng Thiên Chúa Ba Ngôi tiềm tích trong Ngài và biểu hiện cho thấy những con đường rộng thênh thang của cuộc hành trình đi xuyên qua thời đại sắp tới. Tầm vĩ đại của tất cả những điều đó là ở chỗ những gì trong thực tế, chúng ta đã phân chia ra để xem xét nhận định, đều chỉ là một; rồi vì đã được sống theo chiều sâu và qua thông hiệp, nên trong thực thể ấy không có một lằn mức phân cách nào cả, vì cả ba chiều kích đều cuộn trào hòa lẩn vào nhau. Chính ở trong tình trạng tương nhập ấy, mối hài hòa theo truyền thống Châu Á sẽ phát hiện ra được những khả năng và cơ hội sáng tạo mới.

C. Để phục vụ con người mới đang xuất hiện

Sau hết, xin có một nhận định gửi đến cho những người mà chúng ta muốn được cùng đi với trong lộ trình tinh thần xuyên qua thập kỷ sắp tới. Nếu hiểu đúng, thì chúng ta đang nắm một trách vụ lớn trong tay. Chúng ta có bổn phận phải ứng đáp cho nhu cầu cần có một hệ thống cấu trúc mới, một toàn bộ, một tổng thể mới có khả năng hội nhập, làm khuôn khổ cho việc phát triển đời sống kitô. Nếu những người nam những người nữ thời nay đang càng ngày càng cảm thấy mình bơ vơ hơn, càng trở thành “vô gia cư” hơn trong thế giới mới này, thì đây là lúc cần phải cống hiến một mái ấm tinh thần mới, nơi đó, họ cảm nhận ra được bầu khí niềm nở tiếp đón với những điều kiện thuận lợi và thích đáng cho đời sống con người.

Dĩ nhiên, không có chuyện quan niệm về một hệ thống đã được lắp ráp đầy đủ để sẳn sàng thay thế cho một hệ thống đã lỗi thời. Những hệ thống kiểu đó không bao giờ có thể áp dụng cho được vào trong thực tế, và nếu chúng có mang lại được một lợi ích nào, thì ” ít nhất mà nói ” lợi ích đó cũng chỉ có tính cách mơ hồ, nước đôi mà thôi. Kitô hữu là những người đang đi trên đường, là những lữ hành đang tiến về Núi Thánh. Mái ấm tinh thần chúng ta cần, phải rất giống chiếc lều đóng trại dùng cho một cuộc hành hương lâu dài cùng đi với Thiên Chúa. Tuy nhiên, đó là một ngôi lều có sức ủi an, che chở và là nơi gặp gỡ với Thiên Chúa. Và lộ trình kia phải là một linh đạo mềm dẽo, cởi mở, bén nhạy đối với mọi dấu chỉ và mọi dạng thức hiện diện của Thiên Chúa, cũng như đối với tất cả những gì là tốt đẹp, là ánh sáng tiềm ẩn nơi các truyền thống khác.

Một mái ấm như thế thì không thề nào là chật hẹp, là có tính cách độc chiếm, là một chiều hoặc là bị giới hạn bởi chủ hướng vụ giáo điều được. Nó phải được thoải mái giữa bầu khí đa dạng với nhiều thể dạng và ngôn ngữ biểu đạt khác nhau, với nhiều cách sống và giai đoạn phát triển khác nhau. Một linh đạo cho con người Châu Á tương lai thì phải làm sao cho giống như một “kho bảo vật,” từ đó, cộng đoàn cứ theo nhu cầu mà rút ra những gì cần, và trong đó, luôn luôn có thêm mãi; hoặc là giống như khi Đức Giêsu ăn với dân chúng trong sa mạc: khi mọi người đã ăn no đủ như họ cần, các môn đồ vẫn có thể thu lại được 12 thúng đầy bánh còn dư.

Đó cũng là lý do tại sao cuộc hành trình kia không thể là chuyến đi của một trí tuệ biệt lập riêng rẽ được, mà phải là một cuộc hành trình của con tim biết hội nhập vào trong mối hiệp thông nó có với Thiên Chúa, tất cả những gì trí tuệ khám phá ra được. Những khi cùng nhau tụ họp lại để nói lên đức tin của chúng ta, luôn luôn chúng ta cần dùng đến những ngôn từ và những biểu tượng, những quy tắc, những nghi thức và những bí tích; và cố làm sao cho chúng trở thành những cách thức biểu đạt dễ hiểu đối với người thời nay; tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức rằng chính Thiên Chúa mới là mái ấm thực sự của chúng ta. Không, Lề Luật không có khả năng để cứu độ; các hệ thống thần học cũng không, cả đến các cuộc lễ có tính cách bí tích mà cộng đoàn mừng kính, cũng không. Tất cả những điều đó chỉ thực sự có được ý nghĩa và sức năng cứu độ, khi con tim đầy tin yêu biết tự hiệu chỉnh để thu nhận cho đúng tiếng của Thần Khí Thiên Chúa nói lên trong lặng thinh. Mái ấm chúng ta đang đề cập tới, là “trạng thái sung mãn bên trong,” và vì vậy, đó chính là nguồn mạch đem lại sức mạnh và hướng đi để đương đầu chống lại những mời mọc và cám dỗ quyến rũ vang lên inh ỏi từ những bước phát triển nông cạn của môi trường sống chung quanh.

Nếu bây giờ chúng ta nối kết nhu cầu ấy lại với những gì đã được đề cập đến trên kia, thì sẽ thấy rằng điều được cần đến nhiều nhất chính là một “tầm ý thức” toàn diện, một lề lối mới trong cách sống và cảm nhận giữa thế giới và trong Giáo hội. Chúng ta có thể biểu đạt nhu cầu ấy qua ba tiêu đề như sau:

1. Ý thức sâu xa về sự kiện thuộc về:

a. Thứ nhất, thuộc về gia đình của Thiên Chúa là tất cả những người nam cũng như nữ đã, bằng nhiều cách thức nhiệm mầu khác nhau, đâm rễ trong Ngài, và sống niềm hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Có thể là khó mà quan niệm hay hình dung ra được gia đình thực sự rộng lớn ấy; nhưng đó là một gia đình có thực, và chỉ một mình Thiên Chúa mới xác định được ranh giới của nó.

b. Thứ hai, là ý thức về sự việc chúng ta thuộc về trái đất của Thiên Chúa, sống hiệp thông với hết thảy mọi sinh vật, với sự sống phát xuất từ Thiên Chúa tuôn trào xuống trong tất cả chúng ta. Cần phải cởi bỏ mọi hình thức cá nhân chủ nghĩa hẹp hòi đang cùng với đà tân tiến hóa, du nhập vào trong các nền văn hóa của chúng ta; cũng như cần phải ra sức đem chiều kích vũ trụ và kitô học lồng vào trong ý nghĩa toàn diện của sự sống, là một cấu tố làm nên những truyền thống tốt đẹp nhất của Châu

c. Thứ ba, cần phải nghiên cứu cho sâu hơn về sự kiện chúng ta thuộc về gia đình bí tích của những người tin vào Đức Kitô. Những kinh nghiệm và những điều học hỏi được ở nơi các Cộng đoàn Kitô Cơ bản và các nhóm hoặc phong trào tập thể khác, có thể và phải giúp chúng ta lúc này, trong công tác làm cho các Giáo hội của chúng ta trở thành những trung tâm của hiệp thông, chia sẻ và tham dự. Điều đó cũng còn bao hàm cả một cuộc canh tân trong đời sống bí tích, tức là làm sao để các bí tích kết hợp làm một và hội nhập tốt đẹp hơn, các thực tại trần thế trong cuộc sống chúng ta và tính cách làm môi giới cho mầu nhiệm tiềm ẩn mà chan hòa trong thế giới, các tín hữu và chính cuộc lễ mừng.

2. Ý thức sống động về Thánh Linh hiện diện trong cuộc sống đức tin

a. Một mái ấm tinh thần là một “mái ấm nội tâm hóa.” Được như vậy không phải là do những quy tắc, những lề luật bên ngoài, hoặc do cố gắng cá nhân. Mái ấm là nơi nghỉ ngơi thoải mái, là nơi để lấy lại sức. Điều đó đòi hỏi phải làm sao để hệ thống giáo lý và cuộc triển phát tinh thần ngày càng biết lưu tâm nhiều hơn đến việc đặt nền tảng trên “thái độ niềm nở tiếp đón” Thần Khí và trên kinh nghiệm về sức năng truyền sinh lực của việc Ngài hiện diện trong chúng ta.

b. Một mái ấm vắng bóng niềm vui thì không còn phải là mái ấm. Sách Công Vụ Tông Đồ làm chứng về niềm vui chan chứa trong cộng đoàn các kitô hữu đầu tiên, ngay cả giữa những cơn bách hại và hiểu lầm. Thần Khí là Đấng ủi an, là Đấng bầu chữa, sưởi ấm cõi lòng, là nguồn mạch đem lại sự sống. Nhưng những chân lý ấy vẫn chỉ là những lời lẽ nói suông, nếu chúng ta không biết dùng đến một đà lực tinh thần mới mà kiến tạo cuộc sống thực tế cho những năm 90.

c. Ý thức như thế về Thần Khí sẽ là cách thức che chở tích cực hay nhất để đối phó với cơn sốt đi tìm “những dấu kỳ điềm lạ” trong thời cuối kỷ nguyên. Chúng ta đi tìm dấu chỉ ở bên ngoài, vì bên trong, chúng ta thiếu hẳn chúng. Nếu có thể và dù phải xây nhà ngay cả ở trên trăng sao hầu tránh cho khỏi nỗi lo âu kinh hoàng của cảnh cô thân đơn chiếc khi phải đối diện với tương lai, thì những người vô gia cư tinh thần cũng sẽ lập tức đồng ý, không chút ngần ngại.

d. Đó là lý do tại sao trong việc mục vụ của những năm sắp tới, chúng ta cần phải dành nhiều chỗ hơn cho công tác “đồng hành”, bằng cách cùng sống và cùng đi với người dân trong cuộc hành trình chung, băng vượt qua nhiều hiện tượng cùng biến cố xô đẩy làm lạc hướng, để tiến về với Thiên Chúa. Có thể những hình thức mới của việc thực hành “linh hướng cổ truyền” cho cá nhân cũng như cho cộng đoàn, sẽ là một trong những cách thức ứng đáp thích đáng cho các nhu cầu. Vấn đề linh hướng là một vấn đề liên hệ đến các truyền thống chung của cả bên Đông lẫn bên Tây Phương, và các truyền thống đều đòi phải có một cuộc canh tân trong lãnh vực đó.

3. Ý thức về các giá trị kitô: một ý thức hướng tới hành động:

a. Một lòng nhân hậu lành mạnh, quảng đại và đượm tinh thần xây dựng, đang xuất hiện và tăng trưởng một cách tự phát từ những con tim được uốn nắn và hun đúc trong bầu khí thân mật gần gũi với Đức Kitô.

b. Một tình liên đới đại kết (giữa các Giáo hội Kitô) và toàn vũ đối với tất cả những ai đau khổ, những ai chịu cảnh thiếu thốn cùng cực, những ai bằng cách này hay cách khác đang phải bị đàn áp bất hay bị gạt ra ngoài lề cuộc sống dưới bất cứ hình thức nào: thể lý, văn hóa, chính trị, kinh tế, tông giáo.

c. Một ý niệm mang tính chất “Vượt Qua” về chính mình, về Giáo hội và về thế giới, một ý niệm có sức đưa dẫn đến chỗ dấn thân để sống cho người khác, để cho hơn là nhận, để tha thứ thay vì oán thù, để yêu thương bằng một tình thương có sức chữa lành những tâm hồn, có sức làm cho xã hội trở nên công bằng hơn, cho dù việc dấn thân như thế có đưa thẳng đến con đường Thập Giá.

Phạm Văn Vượng trình dịch


[1] Cha Adolfo Nicolás là giáo sư thần học tại Tokyo, Nhật Bản. Ngài đã từng làm giám đốc Học Viện Mục Vụ Đông Á (East Asian Pastoral Institute) tại Manila, Philippines, và đang làm cố vấn cho một số Ủy Ban của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám Mục Châu Á. Hiện ngài là giám tỉnh Tỉnh Dòng Tên Nhật Bản. Đây là văn kiện do ngài soạn thảo để làm đề cương cho các cuộc thảo luận trong kỳ Đại Hội nói trên, họp tại Bandung, Inđônêxia, trong các ngày 17-27 tháng 7 năm 1990, với chủ đề: “ Những thách đố thập kỷ 90 đặt ra cho Giáo Hội tại Châu Á: cần được trả lời .”

[2] Lưu ý: Ở đây, không mảy may chủ trương loại bỏ ra khỏi lịch sử của Châu Á, sự có mặt và ảnh hưởng của tội lỗi hoặc bất công, của chiến tranh và đàn áp. Khi đặc biệt dồn chú tâm vào di sản khôn ngoan của Châu Á, chúng tôi không quên ý thức rõ ràng về tính chất dòn mỏng của nó, và về sự kiện này là không bao giờ có thể chiếm hữu khôn ngoan một lần cho tất cả, vì khôn ngoan là một lời mời gọi. Chính ở giữa bối cảnh yếu đuối của thân phận làm người và của chiều hướng đánh mất Con Đường, thì ý nghĩa vai trò chữa lành của khôn ngoan mới hiện rõ hẳn lên.