Đặt Vấn Đề
Chú giải cách khoa học về Kinh Thánh, liệu có cần thiết không? Tự bản chất của mình, có phải Giáo Hội đã sở đắc một hiểu biết rộng hơn và tiên thiên hơn so với những gì mà khoa chú giải Kinh Thánh có thể cung cấp? Hiểu biết chung của hầu hết các Kitô hữu đó là: Kinh Thánh là Lời của Chúa, chứa đựng nhiều sứ điệp và những lời giáo huấn. Đó là một cánh đồng bao la, rộng hơn rất nhiều so với những gì mà các cuộc khảo cứu học thuật của một khoa học có thể đào xới. Thế nên điều mà các nhà chú giải Kinh Thánh cần đó là cái “hiểu biết chung” này. Tuy nhiên, để có một hiểu biết chung như thế, liệu có cần phải nại đến công việc chú giải khoa học?
Một Vài Ví Dụ Điển Hình Của Vấn Đề
Thế nhưng một “hiểu biết chung” là gì? Câu hỏi nghe có vẻ trừu tượng. Nhưng một nhà chú giải chuyên nghiệp có thể phải tự hỏi mình như thế, khi bước vào lãnh vực mục vụ. Chẳng hạn, có rất nhiều Kitô hữu bình dân không hiểu được những Bài Đọc I mà họ nghe trong Thánh Lễ, trích từ các sách Cựu Ước. Khá hơn, có thể có nhiều Kitô hữu có thể tự mình mày mò đọc Cựu Ước, rồi họ phải bỏ cuộc khi đọc những trang của sách Lêvi. Trước thực tế ấy, người ta có thể hỏi: chẳng lẽ phải là nhà chú giải chuyên nghiệp thì mới có thể đọc hiểu được Kinh Thánh sao? Hoặc giả ở một hướng khác, một người chọn đọc những đoạn sách Cựu Ước có thể hiểu được, đọc với sự thích thú và rút ra được nhiều ích lợi, nhưng khi cố gắng để giải thích một cách khoa học những gì mình đọc, người ấy sẽ thấy ngay mình đang bước vào một lối đi phức tạp và mù tối.
Tóm lại, Kinh Thánh là sách chỉ dành cho các chuyên gia? Phải cần đến các chuyên gia chú giải thì người ta mới có thể hiểu được và hiểu đúng Kinh Thánh?
Chúng ta hãy lượt qua thêm một vài ví dụ trong chính Kinh Thánh. Một viên thái giám người Ethiopia, chắc hẳn không thuộc giới bình dân vì là quan lớn trong triều của nữ hoàng Candace, đọc và không tài nào hiểu được đoạn văn của sách Isaia (Cv 8,27-39); tác giả của sách Đaniel phải vất vả qua một thời gian dài để tìm hiểu về những điều được viết trong sách ngôn sứ Giêrêmia (Đn 9,2). Trong trường hợp của ngôn sứ Ezekiele, tương tự như nhiều ngôn sứ khác, được sai đến với nhà Israel, chúng ta biết rằng duyên do của việc “không hiểu” là vì thái độ “không muốn nghe”: “mặt dày mày dạn và lòng chai dạ đá”(Ed 3,7). Còn trường hợp của chúng ta, những người vốn không phải là thính giả chính gốc của những lời được viết ra trong Sách Thánh, chúng ta muốn hiểu, nhưng dường như chúng ta còn thiếu một chiếc chìa khóa để có thể bước vào trong ngôn ngữ của Sách Thánh. Thế nên không lạ khi ngày nay nhiều người thú nhận rằng họ không hiểu được Sách Thánh, trừ khi có một chuyên gia giải thích cho họ.
Tính Phổ Quát Của Vấn Đề
Vấn đề về chú giải Kinh Thánh thường được đặt ra dưới nhiều cấp độ khác nhau: chú giải cho các chuyên gia, cho những người làm công việc mục vụ, hay cho những người tín hữu bình dân. Dù ở cấp độ nào đi nữa, theo cách này, những vấn đề của việc chú giải dường như chỉ giới hạn trong một cộng đoàn nhất định. Thế nhưng thật ra, người ta cần xét đến vấn đề ở mức độ phổ quát và hoàn vũ hơn.
Khoa chú giải Kinh Thánh là một sản phẩm đến từ Phương Tây. Không chỉ thế, khi bước vào lãnh vực của các sách Cựu Ước, chú giải gần như là công việc độc quyền của các tác giả thuộc thế giới tiếng Đức và các tác giả Mỹ gốc Anh (Anglo-American). Sẽ là vô ích nếu một người theo đuổi công việc chú giải Kinh Thánh với một mớ những giả định trừu tượng, chẳng liên quan gì đến thực tế cuộc sống của mình. Những câu hỏi cụ thể mà chúng ta có thể đặt ra ngày nay: một người Châu Á có thực sự cần những lối chú giải khoa học của Đức để có thể hiểu được một bản văn Kinh Thánh? Một người Châu Phi có nhất thiết phải biết đến những “thủ thuật” chú giải của các tác giả Anh-Mỹ? Các tín hữu của Châu Mỹ Latinh có cần các chuyên gia Kinh Thánh của Mỹ dạy họ hiểu và sống Lời Chúa? Tín hữu của các giáo hội ven bờ Địa Trung Hải có nhất thiết phải biết đến những vấn nạn Kinh Thánh mà các tác giả chú giải người Đức nêu ra?
Phê Bình Khoa Chú Giải Kinh Thánh
Ngày nay, cả những người giáo dân bình thường lẫn các chuyên gia chú giải đều cảm thấy, ở mức độ khác nhau, sự phức tạp vô cùng khi bước vào lãnh địa của khoa học Kinh Thánh. Khoa chú giải ngày nay gắn liền với rất nhiều những ngành khoa học khác như ngữ học, văn chương, tu từ, hùng biện, v.v.; phải dựa trên kết quả của rất nhiều những cuộc khảo cứu chuyên môn về khảo cổ, địa lý, lịch sử v.v.; phải khai thác cách đặc biệt những kỷ thuật của các khoa học chú giải. Sự rắc rối này vốn thuộc về những bản văn Kinh Thánh, hay chỉ đơn giản là vấn đề do các nhà chú giải Kinh Thánh tạo ra? Một tín hữu bình dân có thể ngạc nhiên khi nghe về các vấn đề của Kinh Thánh, và họ có thể đặt nghi vấn: những vấn đề mà các nhà chú giải đặt ra thực sự có tác dụng gì không, có thực sự quan trọng để giúp hiểu Kinh Thánh không? Hay đó chỉ đơn giản đó chỉ là câu hỏi được nêu ra bởi những thành viên của một “câu lạc bộ” độc quyền? Chẳng phải những vấn nạn được nêu ra đều là những câu hỏi không thể trả lời, làm nảy sinh vô vàn những giả định vô ích, chỉ làm bận lòng những kẻ rỗi hơi?
Những nghi ngờ và phê bình như thế không phải là không có lý. Người ta không muốn quan tâm đến tính đa dạng trong vô số những ý kiến khác nhau, liên quan đến vô số những bản văn Kinh Thánh khác nhau, mà cứ ý kiến này loại trừ ý kiến kia, giả thuyết này đạp đổ giải thuyết nọ.
Các nhà chú giải có ngôn ngữ đặc thù của họ, trong chuyên môn khoa học của họ. Chẳng hạn trong một kế hoạch dịch các sách Cựu Ước, người ta ước thấy cần phải tạo ra khoảng 2000 đặc ngữ trong lãnh vực khoa học Cựu Ước, để có thể dịch chúng sang các ngôn ngữ khác. Liệu có thể vượt qua những chướng ngại về mặt ngôn ngữ như thế để giúp cho tất cả các tín hữu trên khắp thế giới đọc được và hiểu được Kinh Thánh? Hay chướng ngại ấy cuối cùng được thu gom lại thành một bức tường ngăn cách, bảo bọc chung quanh thành đô đặc quyền của các nhà chú giải chuyên môn?
Những phê bình này có vẻ như tiêu cực. Theo đó, các môn khoa học về Kinh Thánh ngày nay có vẻ như là một chướng ngại, hơn là một trợ giúp, cho việc hiểu Kinh Thánh. Nếu một người đi đến kết luận này, người ấy dễ dàng đặt mình đối diện với yêu cầu trở về với một cuộc sống đơn giản, trở về với sự tự phát tự nhiên của những hiểu biết cá nhân được bám rễ trong chính cuộc sống. Với một số người khác, điều này có nghĩa là phá đổ đi các cấu trúc học thuật mà họ đã xây dựng, giải phóng mình khỏi những hệ thống ràng buộc ấy. Với những người khác nữa, họ lựa chọn ở lại trong tình trạng đơn giản dễ chịu của mình, giữ mình xa khỏi những câu hỏi rắc rối phức tạp.
Những Đóng Góp Của Khoa Chú Giải
Những phê bình trên, và thực tế còn nhiều những phê bình mạnh mẽ và khắc nghiệt hơn, cần được đón nhận và được đặt ở đúng mức độ của chúng. Cũng cần phải nhận thấy rằng có bỏ đi khoa Chú Giải Kinh Thánh, thì vấn đề vẫn còn đó. Không một người nào có thể giam mình và tự bằng lòng với việc đọc Kinh Thánh qua lăng kính của kinh nghiệm cá nhân, theo sự hướng dẫn của sở thích và cảm hứng riêng. Kinh Thánh tự bản chất là một tư liệu có tính xã hội, là sách của một dân tộc cho một dân tộc; do đó, những vấn nạn gặp phải khi đọc và chú giải Kinh Thánh chỉ có thể được giải thích trong lòng một cộng đoàn.
Như vậy, câu hỏi còn đọng lại là: khoa chú giải Kinh Thánh có giúp được gì cho một cộng đoàn hoàn vũ và những cộng đoàn của các giáo hội địa phương? Những đóng góp của khoa chú giải Kinh Thánh có thực sự cần thiết không? Có thể kể đến những cống hiến căn bản của khoa chú giải Kinh Thánh.
1. Đóng góp trong việc dịch thuật
Một người tín hữu bình thường đọc Kinh Thánh là đọc qua một bản dịch. Dịch có nghĩa là làm chuyển dịch một bản văn từ một hệ thống ngôn ngữ này sang một hệ thống ngôn ngữ khác. Một hệ thống ngôn ngữ thì phức tạp hơn nhiều so với những gì người ta có thể thấy trong giới hạn của các cấu trúc ngữ pháp hay các bảng từ vựng. Các nhà dịch thuật, trước hết phải đối mặt với những bản văn Tân Ước và Cựu Ước bằng tiếng Dothái, Aram và Hylạp; họ phải vận dụng vô số những kiến thức và kỹ thuật chuyên ngành, phải xét đến vô số những quan điểm chú giải đa dạng. Khi bản dịch cuối cùng được chào đời, đó không phải là dấu chấm kết. Vẫn còn rất nhiều những lựa chọn khác, cũng như vẫn còn rất nhiều những cơ hội nghiên cứu và đề ra những khả thể, những giải pháp, những lối hiểu khác về cùng một bản văn gốc.
Khi một người tín hữu bình thường mở Kinh Thánh để đọc và tìm kiếm Lời của Chúa, có thể người ấy không ý thức được rằng mình đang hưởng dùng hoa quả của hàng ngàn, thậm chí là hàng triệu giờ làm việc của hàng trăm hay hàng ngàn các chuyên gia. Rất nhiều những đoạn hay những câu là kết quả nghiên cứu miệt mài của hàng thế kỷ. Quả nhiên, Kinh Thánh, dù ở ngôn ngữ nào đi nữa, không phải là một cuốn sách từ trời rơi xuống!
Cống hiến về mặt dịch thuật là bất khả thay thế, và sẽ còn phải tiếp tục ở mỗi quốc gia và mỗi ngôn ngữ khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Dịch thuật là bước đầu tiên và căn bản nhất để có thể chuyển tải sứ điệp được viết bằng một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác.
2. Đóng góp về mặt ngữ nghĩa
Vẫn có trường hợp người ta đọc Kinh Thánh bằng tiếng mẹ đẻ của mình nhưng cũng phải bỏ cuộc, vì không thể hiểu được. Đó là vấn đề của ngữ nghĩa, khác với vấn đề dịch thuật. Đành rằng việc đọc Kinh Thánh đều đặn và thường xuyên có thể sẽ giúp cho người ta trở nên quen thuộc với ngôn ngữ Kinh Thánh, thế nhưng điều ấy không đủ và càng không phải là đảm bảo cho việc đọc và hiểu Kinh Thánh một cách chính xác. Ở đây, cống hiến của một nhà chú giải có chuyên môn là điều bất khả thay thế. Những cống hiến ấy, có thể gói gọn lại trong bốn điểm chính: khái niệm, biểu tượng, dạng thức và cấu trúc. Những giải thích xoay quanh các yếu tố này có thể phải được sắp xếp trong một hệ thống hay được vén mở từng bước theo bản văn.
Các “khái niệm” trong Kinh Thánh, và tiến trình phát triển của chúng trong lòng một ngôn ngữ, bằng việc đối chiếu với những khái niệm đồng nghĩa hay đối nghĩa, sẽ phải được nghiên cứu một cách có hệ thống. Đó là công việc của các nhà soạn giả các Từ Điển Kinh Thánh.
Các “biểu tượng” Kinh Thánh được xét đến trong một lãnh vực hẹp hơn, bởi vì thực ra đây là một lĩnh vực vẫn còn mới mẻ đối với khoa chú giải Kinh Thánh. Dẫu vậy, cho đến nay các nhà chú giải đã có thể nhận dạng và chia nhóm những biểu tượng tương đồng hay có liên quan, chỉ ra nguồn gốc xuất thân của những biểu tượng ấy trong dòng văn hóa nhân loại, đồng thời đưa ra gợi ý cho những suy tư đào sâu.
Các “dạng thức” ngày nay đã được nhận diện, phân loại, như là những loại hình đặc trưng của các thể văn, của những xu hướng hay những loại tác giả đặc thù; mặc dù những dạng thức này vẫn chưa thể được sắp xếp vào một danh sách có hệ thống.
“Cấu trúc” có một vai trò đặc biệt quan trọng trong Kinh Thánh, hiện diện khắp mọi nơi trong các bản văn. Việc nhận diện được những cấu trúc khác nhau của các bản văn sẽ giúp người đọc xác định được những thành phần khác nhau trong một bản văn, đồng thời nhận diện được những tương quan thần học giữa các yếu tố khác nhau được sử dụng trong bản văn. Việc nhận diện cấu trúc cũng sẽ giúp ích cho công việc chuyển dịch: theo đó, những đơn vị thành phần khác nhau của cùng một bản văn sẽ được sắp xếp lại theo một hệ thống nhất định. Theo cách này, hệ thống ngữ nghĩa của Kinh Thánh vừa có tính hội nhất, vừa có sức mạnh sáng tạo.
Một người giáo dân bình thường có thể sẽ thấy khó khăn khi phải tự mình khám phá tất cả những yếu tố trên, để có thể đọc ra được sứ điệp thực sự của Kinh Thánh. Những nhà chú giải Kinh Thánh phải là những người khai phá và hướng dẫn trên lãnh vực này, đưa những khám phá và hiểu biết của mình vào việc phục vụ cộng đoàn.
3. Đóng góp về mặt phương pháp
Một nhà chú giải Kinh Thánh có thể cống hiến cho cộng đoàn bằng chính những phương pháp và tính nghiêm khắc chặt chẽ trong việc nghiên cứu của mình. Nhờ đó, những hiểu biết tự phát sẽ được đặt dưới sự cảnh giác. Đồng thời, có thể phê bình những lối chú giải không đảm bảo hay đi ngược với đức tin truyền thống, và có thể cân nhắc đo lường những ý kiến khác nhau. Hẳn một người tín hữu có óc phê bình và khoa học không thể nào phủ nhận sự hữu ích của những hiểu biết như thế.
4. Mở ra với những phương pháp mới
Cuối cùng, phải thừa nhận rằng những phương pháp khoa học mới có thể vén mở thêm ý nghĩa phong phú còn ẩn giấu bên dưới mỗi bản văn Kinh Thánh, những điều chưa được khám phá lúc này, dù là với những người có chuyên môn.
Tóm lại, một người có thể nói rằng đối tượng nghiên cứu của khoa chú giải là một loạt những vấn đề có tính xác thực ở mức độ phổ quát và lâu dài: chẳng hạn việc dịch thuật hay việc nghiên cứu cấu trúc ngôn ngữ, chẳng hạn các vấn nạn và các trở ngại đến từ những giới hạn của khung không gian và thời gian. Những phân biệt này là cần thiết trong thực tế, để những vấn đề của một nền văn hóa thuộc về một giai đoạn lịch sử nhất định được hiểu đúng, hay ít là không bị hiểu theo hướng có thể gây ra những tác hại.
Giá Trị Của Truyền Thống
Những đóng góp mà chúng ta vừa bàn đến cũng có thể áp dụng ở bình diện cộng đoàn: các nhà chú giải có thể cống hiến cho cộng đoàn Kitô hữu điều gì đó thiết yếu để những bản văn Kinh Thánh được hiểu như là Lời Chúa. Đây là lúc chúng ta phải nói đến khái niệm “truyền thống”, không phải như là một đối cực ngược lại với khoa học chú giải, nhưng như là một môi trường trong đó công việc chú giải thực hiện chức năng phê bình của mình trong một tương tác biện chứng.
Nếu một người có thể hiểu “Truyền Thống” theo nghĩa của Công Đồng Vatican II, Kinh Thánh sẽ trở nên một phần của thực tại được trao ban và được hội nhất trong toàn bộ đời sống của Giáo Hội, đồng thời gắn liền với nhiều lãnh vực khác nhau của kinh nghiệm Kitô giáo trải dài theo lịch sử. Trong dòng truyền thống ấy, Kinh Thánh sẽ bớt mang tính lý thuyết và trở nên gần với kinh nghiệm sống hơn, trở nên đối tượng của một loại “phê bình bởi thần khí” hơn là phê bình bởi những kỹ thuật khoa học, trở nên bớt chủ quan và cá nhân để mang tính cộng đoàn hơn. Chỉ khi được đặt vào trong chính truyền thống của mình, Kinh Thánh mới có thể được tách ra khỏi bối cảnh gốc để được đặt vào trong chính bối cảnh hiện sinh mới của người đọc, và khi đó mới có thể trở thành bản văn để chiêm niệm hơn là bản văn để nghiên cứu.
Có những đoạn văn Kinh Thánh được lựa chọn cho phụng vụ: các bài đọc Cựu Ước cùng với các Thánh Vịnh và những bản văn Tân Ước được đọc chung với nhau, để thấy được những mối tương quan và soi sáng giữa những bản văn ấy. Bài giảng dựa vào các bản văn ấy, và nghi thức phụng vụ Thánh Thể đặt những bản văn ấy ở vị trí trung tâm. Các bản văn được đọc dần dần trong tiến trình của năm phụng vụ, tái diễn lại những điểm mấu chốt trong hành trình của lịch sử cứu độ.
Đấy là tất cả tiến trình của truyền thống, lưu truyền và chú giải Kinh Thánh: một người Kitô hữu bình dân kín múc từ tiến trình ấy nguồn sức mạnh thiêng liêng, và như thế, người ấy có thể là một nhà chú giải vì đã sống với kinh nghiệm sống động của bản văn Kinh Thánh.
Kết Luận
Vấn đề đặt ra giữa những hiểu biết của khoa chú giải Kinh Thánh và những hiểu biết bình dân về Kinh Thánh nên được đặt vào trong bối cảnh của một Giáo Hội mang tính “Công Giáo”: với vô số những loại văn hóa khác nhau, được tạo nên bởi nhiều cộng đoàn khác nhau. Vấn đề ấy phải được đặt ra và giải quyết trong chính một cộng đoàn. Vấn đề không thể được giải quyết bằng giải pháp gạt bỏ một trong hai lối hiểu. Ngược lại, giải pháp chỉ bắt đầu xuất hiện khi tương quan hỗ tương giữa hai lối hiểu này được nhìn nhận.
Khoa chú giải Kinh Thánh chỉ có ý nghĩa khi có thể mang lại những cống hiến cần thiết và hữu ích cho đời sống của cộng đoàn Giáo Hội. Mục đích của khoa chú giải Kinh Thánh không phải là đi tìm để phức tạp hóa những điều đơn giản, hay thay thế những hiểu biết chiêm niệm từ Kinh Thánh bằng những kiến thức học thuật uyên bác. Nguy cơ ấy có thể tránh được khi một nhà chú giải luôn giữ được cho mình một mối dây liên hệ sống động với một kinh nghiệm Kitô giáo, và có một sự thực hành sống động những hiểu biết Kinh Thánh của mình.
Truyền thống lưu truyền và chú giải Kinh Thánh trong một bối cảnh sống động của đời sống cộng đoàn. Một trong những cách để thực hiện điều ấy chính là ngang qua những khám phá của việc đọc và chú giải Kinh Thánh.