Hợp Tuyển Thần Học

Các Bí Tích Trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo

Các Bí Tích Trong Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo

Mục Lục

MT VÀI Ý KIN ĐỀ NGHỊ CHO ĐỢT TÁI BẢN SP TI

Philippe Rouillard, o.s.b.[1]

Tháng 9, 1992, cuốn Giáo lý của Giáo hội Công giáo đã ra mắt công chúng trong nguyên bản tiếng Pháp, và ngay sau đó, đã được phổ biến hết sức nhanh chóng rộng rãi. Tiếp liền sau đợt phát hành đó, các bản dịch Cuốn Giáo lý mới (CGLM) đã được xuất bản trong nhiều thứ tiếng khác; nhưng vì gặp phải nhiều khó khăn kỹ thuật, nên bản dịch tiếng Anh phải chờ cho đến mùa thu năm 1994 mới chào đời được, tại một nhà xuất bản ở bên Dublin (Ailen). Tháng 6, 1993, Vaticanô đã thành lập một Ủy ban đặc trách công tác biên soạn một văn bản Latinh cho CGLM mới, làm văn liệu chuẩn đích chính thức, cho dù trong thực tế bản viết bằng tiếng Pháp mới chính là nguyên bản. Công tác dịch thuật ra tiếng Latinh là một việc làm khó khăn, đòi nhiều công sức, và theo dự trù thì khó mà hoàn thành sớm hơn được trước cuối năm 1995.

Rồi chi cũng còn có chuyện nới thêm công trình biên soạn rộng ra nhiều hơn, và nếu thế, thì kỳ hạn xuất bản cũng phải dời lui chậm muộn hơn nữa. Quả thế, tạp chí Ý Trenta giorni (Ba mươi ngày), thuộc giới thân cận đức hồng y Ratzinger, trong số báo tháng giêng 1996, đã tiết lộ cho biết là việc biên soạn văn bản Latinh sẽ thực hiện một số điểm sửa đổi hoặc chỉnh lý nhằm bổ túc cho nguyên bản. Dựa vào những nhận xét của các giám mục và các thần học gia, các thành viên trong Ủy ban đặc trách công tác biên soạn, cùng với một số nhân viên của giáo triều Rôma, sẽ đề xuất một văn bản “đã được xem lại và sửa chữa” của cuốn CGLM ra mắt hồi cuối năm 1992. Căn cứ theo nguồn tin được coi là rất chính xác, tác giả bài viết đăng trong tạp chí nói trên, cho biết là “Ủy ban của Vaticanô hiện chưa quyết định để xem sẽ chọn những nhận xét nào trong các ý kiến đã thâu thập được.”

Thế nên, thiết tưởng đây đúng là lúc thích hợp để đưa ra một vài đề nghị theo chiều hướng nói trên. Từ 20 năm nay và cả bây giờ, đã và đang dạy thần học bí tích tại Rôma, rồi suốt trong hai năm qua cũng đã từng đọc đi đọc lại nhiều lần Phần II trong CGLM, bàn về Việc cử hành mầu nhiệm kitô, và đã lấy phần này làm đề tài không những cho giáo trình của khoa mình dạy, mà còn cho nhiều khóa hội thảo dành cho các sinh viên tha thiết đối với chủ đề, tác giả bài viết này cảm thấy là không thể bỏ lỡ cơ hội mà không nói lên suy tư của mình đối với cách thức CGLM trình bày về các bí tích, một lối trình bày vén mở cho thấy nhiều tiềm năng phong phú, nhưng đồng thời cũng để lộ nhiều khiếm khuyết và giới hạn cần xét lại, cũng như không thể bỏ qua mà không đề nghị một số ý kiến tu chính cho đợt tái bản sắp tới đã được dự trù.

I. TỪ KẾ HOẠCH BÍ TÍCH CHO TỚI BẢY BÍ TÍCH TRONG GIÁO HỘI

Tiếp theo sau Phần I bàn về Thái độ tuyên xưng đức tin, trong Phần II, CGLM đã dành cả chú tâm để suy tư về Việc cử hành mầu nhiệm kitô. Phần II này dĩ nhiên là được chia thành hai phân đoạn với các đề mục như sau: kế hoạch bí tích, và việc học hỏi về bảy bí tích cũng như về các á bí tích và nghi thức an táng.

1. Kế hoạch bí tích

Trước hết, xin lưu ý đến các thuật ngữ được sử dụng trong văn bản CGLM.Thay vì dùng từ ngữ “Các bí tích nói chung” như xưa nay thần học vẫn thường dùng, thì CGLM đã dùng thuật ngữ đến “Kế hoạch bí tích,” theo đường hướng mà từ 15-20 năm nay một dạng thần học chủ trương tìm về với gốc rễ Kinh Thánh, đã đề ra; dùng đến từ “kế hoạch” như thế, tất có ý nêu cho thấy là đời sống bí tích nằm ngay ở giữa lòng “kế hoạch cứu độ.” Cũng như từ đầu đã có một kế hoạch cứu độ, tức là phương án Thiên Chúa đề xuất nhằm cứu độ loài người, thì cũng thế, kể từ khi Chúa Thánh Thần hiện xuống, đã có một kế hoạch bí tích có sức năng kéo dài lịch sử cứu độ mà cùng lúc lại hòa nhập vào trong lịch sử ấy. Như thế, tính chất năng động của các bí tích được nêu bật, tức là muốn cho thấy rằng chúng đã được thiết lập nhằm biến đổi con người, hay nói cho đúng hơn, để giải phóng và thần hóa con người.

Ðặt xong tựa đề cho phân đoạn, là CGLM tiến ngay lên đến bình diện suy tư cao thẳm hơn để giới thiệu về phụng vụ, đặc biệt là việc cử hành các bí tích, coi đó là công trình của Thiên Chúa Ba Ngôi. Bởi lẽ, để cử hành các bí tích, thì Thiên Chúa Cha, Ðức Kitô và Thánh Linh đều phải ra tay hành động: mọi bí tích, từ phép rửa tội cho đến bí tích xức dầu cho bệnh nhân, đều được thông ban “nhân danh Cha và Con, và Thánh Thần.” Trước khi hướng nhìn về con người lãnh nhận bí tích, CGLM đã bỡ ngỡ hướng nhìn lên các Vị thông ban các bí tích, những tác nhân chính của các bí tích, là: Thiên Chúa Cha, Ðức Kitô và Thánh Linh.

CGLM đã dành một trong những trang viết đẹp nhất cho Thiên Chúa Cha, là cội nguồn và là cùng đích của mọi thể dạng phụng vụ cũng như của mọi kế hoạch bí tích: một trang viết đầy thần hứng, giới thiệu toàn bộ công trình của Ngôi Cha như là “một phúc lành vô bờ Thiên Chúa ban.”

Sau phần suy tư thực sự mới mẻ này về công trình bí tích hiểu theo nghĩa là một phúc lành, CGLM trở lại với lối diễn đạt cổ điển — ít nhất là thường được dùng kể từ sau công đồng Vaticanô II — để giải thích rằng Ðức Kitô phục sinh chính là Ðấng hiện đang hoạt động ở trong phụng vụ và các bí tích. Chẳng hạn như câu văn sau đây — thật xinh xắn mà cũng thật bí nhiệm — đọc thấy ở trong số 1085: “Mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô… thông phần vào tính chất vĩnh viễn của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi thời đại, và được hiện diện hóa ở giữa mọi thời đại.” Vì thế,CGLM nhấn mạnh nói rằng hết thảy các bí tích đều là những bước nối dài của mầu nhiệm vượt qua, và đều là những hành động ứng dụng mầu nhiệm ấy, bởi vì Ðấng họat động trong các bí tích, chính là Ðức Kitô đã chịu chết và đã sống lại, là Ðấng “đang ngồi bên hữu Thiên Chúa Cha” (số 1084), hay “đang ngự bên hữu của Thiên Chúa” (số 1090).

Ngược lại, một lần nữa và quả là chí lý CGLM đã đề xuất thêm một sáng kiến mới qua việc dành đến bốn trang trọn để bàn về tác động của Thánh Thần (và của Giáo hội là thực thể gắn liền với tác động ấy một cách không thể tách rời được) ở trong phụng vụ và các bí tích. Nếu CGLM đã dành bốn trang trọn để bàn về Thánh Thần — trong khi đó, cũng trong chủ đề phụng vụ– bí tích, CGLM chỉ dành có một trang, dù là tuyệt hay, để đề cập đến Thiên Chúa Cha, và hai trang để viết về Ðức Kitô — thì chính là vì Giáo hội tây phương cảm thấy cần phải tranh thủ thời gian để đi cho kịp đà tiến trong lãnh vực này: từ thời Trung cổ trở về sau, Giáo hội làm như mắc phải chứng hay bẵng quên mất Thánh Thần: có nhớ thì hầu như chỉ nhớ đến trong ngày chịu phép Thêm sức, mà không nhớ rằng Ngài đóng giữ vai trò then chốt trong các bí tích. Rất may là CGLM đã bổ khuyết cho điểm thiếu sót to lớn ấy.

Không thể đọc và bình giải hết cả bốn trang đầy thần hứng này ở đây được, nên chỉ xin nêu lên sau đây một vài công thức mới mẻ được CGLM dùng đến, và có sức động viên những ai trong giới thần học gia cũng như tín hữu, biết lưu tâm để ý:

Trong phụng vụ, Thánh Thần là thầy giáo huấn đức tin cho dân Chúa (số 1091).

Thánh Thần là tác giả làm nên những “kiệt tác của Thiên Chúa,” là các bí tích (số 1091).

Ước vọng và công trình của Thánh Thần ở giữa lòng Giáo hội, là làm cho chúng ta sống thực chính sự sống của Ðức Kitô phục sinh (số 1091).

Phụng vụ trong Lễ tạ ơn và các bí tích khác, chính là cuộc tưởng niệm mầu nhiệm cứu độ. Thánh Thần là “ký ức sống động của Giáo hội” — như Ga 14,26 đã nói rõ: “Thánh Thần sẽ làm cho anh em nhớ lại tất cả những gì Thầy đã nói với anh em” (số 1099).

Trong phụng vụ, là Ðấng thức tỉnh ký ức của Giáo hội, Thánh Thần cũng là Ðấng khơi dậy tâm tình tạ ơn và tán tụng (số 1103).

Epiclesis, tức là kinh khẩn cầu Thiên Chúa Cha phái gửi Thần Khí thánh hóa của Ngài đến, luôn có mặt ở giữa lòng của mọi nghi thức cử hành bí tích (số 1106).

Việc khẳng định cương quyết như thế — và nếu có lưu ý về sự kiện đó thì không phải là chuyện thừa — tất sẽ cho phép dự kiến về đường hướng nhận thức đối với một số bí tích: ngay cả sau công đồng Vaticanô II, Sách Nghi thức hôn phối cũng không đề cập gì đến Thánh Thần; phải đợi cho đến lần tái bản bằng tiếng Latinh ấn hành năm 1991, mới đọc thấy được một lời kinh ngăn ngắn khẩn cầu Thánh Linh; Sách Nghi thức hôn phối trong các thứ tiếng khác vẫn còn chưa biết đến lời kinh ngắn này. Trong bí tích cáo giải, việc đặt tay — là hành động đáng lẽ ra phải đi kèm theo với lời kinh giải tội — cũng bị quên lãng, không thấy có. Và sau này, khi bàn về các bí tích, chính CGLM cũng thường lãng quên, không nhắc gì đến những điều đã nói về kinh khẩn cầu Thánh Linh.

Hoa trái của Thánh Thần ban qua phụng vụ và các bí tích, là được thông hiệp với Ba Ngôi Thiên Chúa và cùng lúc, với cộng đoàn huynh đệ (số 1108).

Vậy, thái độ chú tâm đăm nhìn về Ba Ngôi Thiên Chúa đang hoạt động trong các bí tích, chính là điểm đổi mới đầu tiên và cơ bản mà CGLM đã mang lại. Từ nay, các trẻ em học giáo lý theo CGLM 1992, sẽ thấu biết rằng hết thảy mọi bí tích, ngay cả những bí tích cử hành một cách hoàn toàn thầm kín, thì đều tiến hành qua hoạt động của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và mỗi bí tích một cách, đều làm cho chúng ta tham dự vào sự sống nhiệm mầu cùng vô biên của Ba Ngôi chí thánh.

Ðâm rễ sâu vào trong truyền thống Giáo hội, và phục hồi tốt đẹp được nhiều yếu tố đã từng bị lãng quên, công trình suy tư như thế về kế hoạch bí tích chi rồi cũng sẽ đâm hoa kết trái với những thành quả hết sức tích cực. Và thế là một phương pháp mới mẽ đã được cổ vũ và sắp sẵn cho việc nghiên cứu về các bí tích. Tuy nhiên, còn cần phải xác minh xem những đường hướng đề ra trong phân đoạn một này có được thực sự áp dụng vào trong phân đoạn hai hay không. Có thực sự có một đà liên tục và một mối nhất quán giữa các nguyên tắc tốt đẹp đề ra trên đây, và việc áp dụng chúng vào trong trường hợp của từng bí tích, cũng như vào trong đời sống bí tích của các kitô hữu và của các cộng đoàn kitô hay không?

2. Bảy bí tích của Giáo hội

Trước hết, xin nêu lên một vài nhận xét về đề cương và phương pháp dùng đến trong phân đoạn (II) này. Trong khi Hiến chế về Phụng vụ của công đồng Vaticanô II dành một chương riêng cho “mầu nhiệm Thánh Thể” và chương tiếp đó cho “các bí tích khác,” làm như có một siêu bí tích, còn sáu bí tích kia chỉ là nhữnh bí tích thứ yếu; thì CGLM lại liệt kê theo thứ tự thời gian diễn tiến tự nhiên của các bí tích: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể — là ba bí tích khai tâm kitô giáo; trong số đó, Thánh Thể cũng đã được CGLM dành một chỗ đứng đặc biệt nổi bật, và được gọi là “bí tích của các bí tích” (số 1330); — rồi đến các bí tích Cáo giải và Xức dầu — là hai bí tích điều trị — và cuối cùng là các bí tích Chức thánh và Hôn phối — đã được xếp chung dưới cùng một tiêu đề hơi lạ, là “bí tích dịch vụ hiệp thông,” xét ra còn có thể hiểu được đối với trường hợp bí tích Chức thánh, nhưng đối với bí tích Hôn phối, thì cần phải có nhiều thiện chí hay cần phải giải thích cho rõ hơn, may ra mới hiểu nổi.

Tất cả và mỗi bí tích đều được trình bày theo cùng một sơ đồ hay đề cương nhất định, thường gồm sáu câu hỏi như sau:

1. Bí tích này được gọi bằng tên gì? Phần trả lờicho biết về các danh xưng khác nhau, được dùng ở bên Ðông phương hay bên Tây phương, để đặt tên cho bí tích ấy: các danh xưng khác nhau như thế làm cho nổi bật những khía cạnh khác nhau của bí tích.

2. Chỗ đứng của bí tích này ở trong kế hoạchcứu độ. Phần trả lời nêu cho thấy những hình ảnh trong Cựu Ước chỉ về bí tích ấy, mối quan hệ nó có đối với cuộc sống và hoạt động của Ðức Giêsu, cũng như chỗ đứng của các bí tích ở trong đời sống của Giáo hội.

3. Bí tích này được cử hành như thế nào? Phầntrả lời giải thích cho biết về nghi thức phụng vụ của bí tích, và thường thì có một vài suy tư đi kèm theo để giúp nhận định về những hình thức khác nhau trong cách cử hành bí tích.

4. Ai có thể lãnh nhận bí tích này? Tức là cóthể làm chủ thể của bí tích.

5. Ai có thể ban bí tích này? Tức là bàn đến vấnđề thừa tác viên: một vấn đề phức tạp hơn là người ta thường tưởng.

6. Những hiệu quả, hay đúng hơn, ân sủng bí tíchnày mang lại.

Cách trình bày dựa theo đề cương trên đây có hai điểm lợi: một đàng là giúp cho có được cơ hội nghiên cứu hành động bí tích theo viễn cảnh Kinh Thánh, bằng cách đọc lại toàn bộ kế hoạch cứu độ, là cội nguồn xuất phát của kế hoạch bí tích; và đàng khác là chỉ giới thiệu về thần học và quy cách của bí tích, — tức là nói về chủ thể, thừa tác viên và hiệu quả — 19 sau khi đã trình bày về thể thức cử hành bí tích. Nói cách khác, thần học căn cứ theo phụng vụ; lex credendi dựa vào lex orandi hay lex celebrandi. Không có chuyện: một bên là nền thần học về bí tích Rửa tội hay Thánh Thể, được các nhà thần học thông thái soạn thảo ra, và bên kia là quy cách thực hành bí tích, mà có may mắn lắm thì được xếp vào hàng các sinh hoạt mục vụ. Cả Sách Lễ lẫn Sách Nghi thức đều được trưng dẫn như là những nguồn liệu của giáo lý và thần học. Sơ đồ dựa theo sáu điểm như thế không phải là một thứ khuôn mẫu ngay đơ cứng nhắc. CGLM đã không áp dụng nó một cách tuyệt đối và nhất luật cho tất cả các bí tích. Quả vậy, ai cũng thừa biết là giữa bảy bí tích, hễ có bao nhiêu điểm giống nhau, thì cũng có bấy nhiêu điểm khác nhau, và rằng cứ cố dùng những phương cách phân tích như nhau để cùng đồng loạt nghiên cứu về mọi bí tích, là một việc làm nguy hiểm và có tính cách giản lược: thần học kinh viện đã từng bị lâm vào thế lúng túng khi muốn áp dụng cho hết cả bảy bí tích, các thứ phạm trù chất thểmô thức, là những phạm trù không chút thích đáng đối với Hôn phối và Cáo giải, và đã bị CGLM sáng suốt can đảm gạt bỏ hoàn toàn.

Thế nên, tuy vẫn giữ sáu câu hỏi cơ bản, CGLM đã không ngần ngại dựa theo bản chất của mỗi bí tích mà ghi thêm những nhận định bổ túc xét thấy hợp lý, chẳng hạn: đối với bí tích Rửa tội, vấn đề cần phải chịu phép Rửa (bằng nước) và dùng đến các cách thức thay thế — tức là rửa tội “bằng máu” (=chịu tử đạo) và rửa tội “bằng lửa” (=ước muốn chịu phép Rửa), những khi cần — đã được bàn đến; đối với bí tích Thánh Thể, suy tư thần học đã được khai triển thích đáng qua ba khía cạnh khác nhau: hy lễ bí tích, bữa tiệc tạ ơn, và chiều hướng cánh chung của bí tích; còn trong thiên bàn đến bí tích Chức thánh, thì một phần phụ bổ đã được ghép thêm vào để phác trình về vấn đề gay cấn mà lý thú, do các thừa tác vụ của ba bậc chức thánh — phó tế, linh mục và giám mục — đặt ra. Chỉ trong thiên bàn về bí tích Cáo giải, sơ đồ nói trên mới bị đảo lộn hoàn toàn, một cách khó hiểu như sẽ thấy trình bày trong một phần sau của bài viết này.

Cũng cần vui mừng mà nói thêm rằng khi trình bày về các bí tích, hầu như bao giờ CGLM cũng dùng đến hình thức đối chiếu theo kiểu nhất lãm để song song giới thiệu truyền thống hay lề lối thực hành của Ðông phương và của Tây phương. Xin đan cử thí dụ bí tích Hôn phối: Giải đáp cho câu hỏi ai là thừa tác viên của bí tích này, CGLM đã trả lời cho biết là có hai truyền thống khác nhau, nhưng cũng đều là chính thống cả:

“Trong Giáo hội Latinh, chính các người kết hôn thường được coi là những thừa tác viên của ơn Chúa, tức là chính họ ban bí tích Hôn phối cho nhau bằng cách nói lên sự ưng thuận của mình trước mặt Giáo hội. Trong các dạng thể phụng vụ đông phương, linh mục hoặc giám mục làm thừa tác viên cho bí tích (được gọi là “lễ gia miện”), tức là làm người giữ vai lần lượt đặt vòng hoa lên đầu hôn phu và hôn phụ như là dấu chỉ của hôn ước, một khi đã ghi nhận sự ưng thuận của hai phía” (số 1623).

Khẳng định một cách tế nhị như thế là CGLM quả đã nêu rõ cho thấy bản chất thực sự công giáo của mình: chứ không chỉ là một Cuốn Giáo lý Rôma như cuốn giáo lý đã được ấn hành tiếp theo sau công đồng Trentô. Lại một lần nữa, CGLM đã dựa theo một nhãn quan rộng rãi hơn, phong phú hơn, và có tính cách đại kết hơn để trình bày về các mầu nhiệm bí tích.

II. MẦU NHIỆM VƯỠT QUA VÀ THÁNH THẦN CÓ MẶT HAY KHÔNG Ở TRONG VĂN BẢN CGLM

Khi ngẫm đọc cho kỹ 25 trang CGLM dành để trình bày về Kế hoạch bí tích (các số 1076-1209), thì không ai mà không khỏi lưu ý đến cung cách nhấn mạnh và thái độ hào hứng lộ rõ qua phần giáo lý này những lúc đề cập — hoặc xem ra đề cập — đến hai nguồn mạch của đời sống bí tích là mầu nhiệm vượt qua và Thánh Thần. Ðối với thần học bí tích, đó là một điểm đề xuất mới; vì thế, cần phải khảo sát cho kỹ hơn để xem hai mầu nhiệm ấy đã được trình bày như thế nào, và tại sao chúng có thể mang lại — hay không mang lại được — sinh khí cho giáo huấn về các bí tích.

1. Mầu nhiệm vượt qua

Ngày từ đầu phân đoạn này, CGLM đã tuyên bố rằng “điều mà Truyền thống chung bên Ðông phương cũng như bên Tây phương gọi là kế hoạch bí tích, là chính việc chuyển thông (hay phân phát) những hoa trái do mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô mang lại, qua phương thức cử hành phụng vụ bí tích của Giáo hội” (số 1076). Các chương của phân đoạn này mang những tựa đề quả là rạng rỡ: “Mầu nhiệm vượt qua trong thời đại của Giáo hội,” “Mầu nhiệm vượt qua trong các bí tích của Giáo hội,” “Việc cử hành mầu nhiệm vượt qua theo phương thức bí tích.”

Tuy nhiên, có điều lạ là chẳng thấy nội dung ứng đáp được gì cho xứng hợp với những tiêu đề rạng rỡ kia, và suốt trong 25 trang trình bày ấy, vỏn vẹn chỉ có một tiểu đoạn (số 1085) duy nhất là thực sự nói đến mầu nhiệm vượt qua mà Ðức Kitô “biểu chỉ và thực hiện” ở trong phụng vụ và các bí tích. Ðiều đó đã đưa đến cảm nghĩ cho rằng tác giả đã đặt ra những tựa đề cao đẹp ấy, hẳn không phải là chính soạn giả đã viết ra nội dung của phân đoạn này. Ngoài ra, còn có sự kiện đập thẳng vào mắt và chất đầy ý nghĩa này nữa là không thấy thành ngữ “mầu nhiệm vượt qua” được liệt kê ở trong phần mục lục các chủ đề. Nhưng cũng nên ghi nhận là mầu nhiệm vượt qua xuất hiện trở lại — xác đáng dù là ngắn ngủi — khi CGLM bàn đến việc cử hành ngày của Chúa (Chúa nhật: các số 1166-1167) và năm phụng vụ là chu kỳ kính mừng khơi mạch “cội nguồn ánh sáng của mình” từ trong Tam nhật (thánh) vượt qua (các số 1168-1171).

Rồi tiến thêm một bước, độc giả tò mò sẽ tiếp tục theo dõi cách thức trình bày về bảy bí tích, để tìm xem mầu nhiệm vượt qua — đã từng được đoạn mở đầu và ba tựa đề các chương đề cao, nhưng lại không được nội dung văn bản đào sâu cho mấy, — có được kính mừng và thực thi ra giữa cuộc sống qua bảy giai đoạn trong tiến trình bí tích hay không, và nếu có, thì bằng cách nào.

Khởi sự trình bày về bí tích Rửa tội, là CGLM đã lưu ý ngay rằng từ gốc Hy lạp dùng làm danh xưng cho bí tích, có nghĩa là “dìm sâu,” và vì thế, đối với người kitô “hành động dìm sâu xuống nước tượng trưng cho việc người dự tòng được chôn vùi vào trong sự chết của Ðức Kitô, để rồi từ đó trỗi dậy mà sống lại cùng với Người” (số 1214). Giáo huấn thần học này của thánh Phaolô về bí tích Rửa tội — được coi như là hành động thông phần vào trong mầu nhiệm vượt qua — đã được biểu đạt rõ, đặc biệt là qua đoạn viết nổi tiếng Rm 6,3-4 mà số 1227 đã trích dẫn nguyên văn.

Bổ sung một cách độc đáo giáo huấn của thánh Phaolô — mà Giáo hội hằng bảo toàn — CGLM nói rõ rằng: “Lúc tiến hành cuộc vượt qua của Ngài, là chính lúc Ðức Kitô mở rộng các nguồn suối phép rửa cho hết thảy mọi người. Quả thế, nói trước về cuộc khổ nạn Ngài sắp chịu tại Giêrusalem, Ngài đã coi đó như là một cuộc tẩy rửa Ngài sắp phải chịu (Mc 10,38)” (số 1225). Như thế, mối giây liên hệ nối liền phép rửa lại với mầu nhiệm vượt qua, không phải chỉ được một mình Phaolô nói đến — dĩ nhiên là Gioan trình bày giáo lý ấy theo một cung cách khác, tức là coi phép rửa như là một cuộc tái sinh bởi nước, và nhất là bởi Thần Khí (Ga 3,5) — nhưng thực sự đã được chính Ðức Kitô khẳng định khi Ngài nói rõ về mối quan hệ giữa phép rửa và cuộc khổ nạn Ngài chịu, như Máccô đã kể lại (10,38-39, và như Luca đã cho thấy một cách âm thầm hơn (12,50). Là một điều thích đáng sự việc CGLM mời gọi người kitô cũng như nhà thần học để tâm gẫm suy về ý nghĩa phép rửa của cuộc khổ nạn Ðức Kitô đã chịu.

Trong phần nói về bí tích Thêm sức, là bí tích giữ vai trò bổ sung hay củng cố cho phép Rửa, tuyệt nhiên không hề thấy có một lời nào trực tiếp nhắc đến mầu nhiệm vượt qua; và biến cố Hiện xuống được coi là mầu nhiệm quy chiếu của bí tích này.

Trái lại và là chuyện dĩ nhiên, bí tích Thánh Thể được giới thiệu qua biến cố thiết lập ngay ở trong bối cảnh vượt qua, như là “việc hồi niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Ðức Chúa” và như là hy lễ “hiện tại hóa cuộc hiến tế duy nhất của Ðức Kitô Cứu Thế” (số 1330). Cả một phần khai triển gồm 4 số được dành để trình bày về việc thiết lập Thánh Thể, là cuộc hy tế “đưa lễ Vượt qua của Do thái giáo đến mức thành tựu, và tiên báo về lễ Vượt qua cách chung mà Giáo hội sẽ mừng trong vinh quang Nước Trời” (các số 1337-1340). Thánh Lễ là “cuộc cử hành phụng vụ… của việc hồi niệm về Ðức Kitô: về cuộc sống, cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, cũng như về sự việc Ngài hằng bầu cử (cho chúng ta) bên cạnh Thiên Chúa Cha” (số 1341). CGLM cũng đã trình bày dài rộng như thế về Thánh Lễ, coi đó là việc hồi niệm cuộc vượt qua hay cuộc hy tế của Ðức Kitô (các số 1362-1372).

Tuy nhiên, có điều này sẽ làm cho độc giả bỡ ngỡ không ít, đó là: sau phần trình bày dài rộng về hy lễ và sự hiện diện của Chúa, lúc bước sang đoạn giới thiệu về phần chịu lễ, độc giả sẽ đọc thấy một tiêu đề thật là đẹp: “Bữa tiệc vượt qua,” nhưng một lần nữa, lại gặp phải cảnh tiêu đề và nội dung không ăn khớp với nhau. Trong 4 trang nói về “bữa tiệc vượt qua,” từ ngữ “vượt qua” chỉ được dùng đến có một lần duy nhất (và như là đồng nghĩa với từ “phục sinh”), để nhắc nhở cho người kitô nhớ là mình có bổn phận phải chịu lễ một năm ít là một lần, và “nếu có thể thì trong mùa phục sinh” (số 1389). Còn điều mà tiêu đề loan báo thì khác hẳn; và lẽ ra những gì đã được nói lên trước đó về Thánh Thể — coi Thánh Thể là cuộc hồi niệm biến cố tử nạn và phục sinh của Ðức Chúa — cần phải được tiếp tục khai triển với một thể dạng huấn giáo thích đáng về việc chịu lễ, coi đó là cách thức người kitô và cộng đoàn đoàn tham dự thông hiệp vào trong mầu nhiệm vượt qua ấy. Chú ý ắt độc giả sẽ không khỏi ngạc nhiên đặt nghi vấn về tình trạng bất nhất, đứt đoạn và bỏ sót như thế kia.

Lắng lo là cảm tưởng khó mà tránh được lúc phải bàn đến bí tích Thống hối và Hòa giải. CGLM trình bày về bí tích này trong một cách thức hoàn toàn khác thường. Giữa các danh xưng dành cho bí tích này, CGLM đã sắp tên gọi “bí tích hòa giải” vào cuối danh sách, và giới thiệu việc hòa giải này như là một hồng ân do lòng thương của Thiên Chúa ban xuống, mà chẳng đề cập gì đến Ðức Kitô (số 1424). CGLM trưng dẫn lời khuyên sắc bén của thánh Phaolô: “Hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2Cr 5,20), nhưng lại tách nó xa ra khỏi văn cảnh của nó:

“Thiên Chúa đã nhờ Ðức Kitô cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Thật vậy, trong Ðức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người… Vậy, nhân danh Ðức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa. Ðấng chẳng hề biết tội là gì, Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2Cr 5,18-21).

Khó mà thánh Phaolô nhận ra cho được lời viết của chính mình trong câu trưng dẫn đã bị cắt cụt kiểu đó; và phải nói là câu trưng dẫn cắt cụt ấy sẽ đưa đến chỗ làm cho tư tưởng thần học về hòa giải của ngài “mất hẳn đi tính chất kitô.” Lẽ ra CGLM phải lấy lại đoạn mở đầu ở trong Sách nghi thức thống hối, giới thiệu về một nền thần học hòa giải đượm thắm tính chất kitô và vượt qua như sau: “Thiên Chúa Cha đã tỏ lòng xót thương của Ngài nơi Ðức Giêsu, Con Ngài: nơi Người và qua Người, Chúa Cha đã muốn hòa giải mọi sự với mình và đem lại bình an nhờ máu Ðức Kitô đổ ra trên thập giá (xem 2Cr 5,18tt; Cl 1,20).” Thể dạng thần học hòa giải đượm đầy tính chất kitô và vượt qua như thế xem ra chính xác hơn là mẫu thần học đơn thuần “thiên chúa” mà CGLM giới thiệu.

Dẫu vậy, một cách gián tiếp và mặc nhiên, CGLM cũng đã ngầm chỉ về mầu nhiệm vượt qua, bằng cách giới thiệu bí tích hòa giải như là bí tích bổ sung hay nối dài cho phép rửa (số 1425-1426).

Mầu nhiệm vượt qua không có và không thể có được một chỗ đứng đúng với địa vị của mình, ở trong phần trình bày dài rộng kia về bí tích thống hối và hòa giải, bởi một lẽ rất đơn giản là: vì bỏ hẳn đi phương thức vẫn được dùng đến để giới thiệu các bí tích khác, CGLM không còn bước theo tiến trình và đà phát triển của bí tích hòa giải trong kế hoạch cứu độ nữa; và như thế, những bước chuẩn bị cho bí tích đọc thấy ở trong Cựu Ước, những lời Ðức Kitô kêu gọi hoán cải, thái độ nhân hậu của Ngài đối với các tội nhân, mầu nhiệm cốt lõi về cuộc tử nạn và sống lại, tức là mầu nhiệm làm cho con người được hòa giải với Thiên Chúa Cha, v.v… đều bị gạt bỏ ra ngoài, không còn được lưu ý tới.

Trong tất cả những trang dành riêng để trình bày về bí tích Cáo giải, mầu nhiệm vượt qua chỉ được gợi lên vỏn vẹn có hai lần: lần đầu là nơi đoạn giới thiệu công thức xá giải dùng trong Giáo hội Latinh kể từ khi công bố Sách Nghi thức mới: “Cha nhân từ là nguồn mọi sự tha thứ. Người làm cho những tội nhân được hòa giải nhờ cuộc vượt qua của Con mình và ân huệ của Thần Khí Người, qua lời cầu khẩn và thừa tác vụ của Giáo hội” (số 1449). Tiếp theo đó là công thức xá giải quen thuộc, trong đó, có nói rõ là Thiên Chúa, Cha chúng ta, “đã dùng sự chết và sự sống lại của Con Một Người mà giao hòa thế gian với Người.”

Lần thứ hai nhắc đến mầu nhiệm vượt qua là lần ngầm chỉ về mầu nhiệm này ở trong đoạn kết luận mang tựa đề Tóm kết: “Buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ và nói với họ rằng: Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm tội ai, thì tội người bị cầm giữ (Ga 20,22-23).”

Thực là xác đáng, việc CGLM trưng dẫn (số 1485) đoạn văn cơ bản trên đây: đoạn văn làm chứng từ cho việc thiết lập bí tích Cáo giải, và nói lên rõ mối liên kết nối liền biến cố Ðức Kitô sống lại, ân huệ nhận được Thánh Linh và sứ mạng tha tội lại với nhau. Nhưng có điều khó hiểu, là tại sao đoạn văn quan trọng đến như thế — và hơn thế nữa, quan trọng nhất trong toàn bộ Phúc Âm nói về bí tích Cáo giải — lại không được viện dẫn và tận dụng ngay ở trong phần chủ chốt của văn bản, mà chỉ được nhắc sơ qua ở trong đoạn Tóm kết. Vậy, phải lấy làm tiếc mà nhận là ánh sáng của mầu nhiệm vượt qua đã không được dùng đến để soi sáng, nếu không phải là cho tòa giải tội, thì ít nhất là cho nơi chốn trang nghiêm mà tươi vui của cuộc gặp gỡ giữa người kitô tội nhân và Thiên Chúa nhân hậu.

Bí tích Xức dầu cho bệnh nhân được giới thiệu một cách thỏa đáng hơn. Hơn ai hết, người ốm đau, yếu nhược vì tuổi tác, và có thể là đang ở trong tình trạng nguy tử, là những người cảm thấy nhu cầu thể chất, tâm lý cũng như thiêng liêng, cần được kết hiệp với Ðức Kitô trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài. Quả thế, phần giáo lý bàn đến bí tích Xức dầu, đã mở đầu với lời trưng dẫn trích từ hiến chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân), số 11, viết như sau:

“Qua phép Xức dầu thánh và lời cầu nguyện của các linh mục, toàn thể Giáo hội phó thác bệnh nhân cho Chúa Kitô đau khổ và hiển vinh, để Người ủi an và cứu rỗi họ; hơn nữa, Giáo hội còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa chịu đau khổ và chịu chết, để mưu ích cho toàn dân Thiên Chúa” (số 1499).

Vậy là bí tích đã được đặt đúng ngay vào chỗ đứng thích đáng của mình. Nhờ thế, độc giả sẽ không chút ngạc nhiên khi đọc thấy trong một đoạn sau, lời viết dưới đây gợi lại lịch sử cứu độ:

“Trên thập giá, Ðức Kitô đã gánh lấy trọn gánh nặng của sự ác và đã xóa sạch ‘tội trần gian’ (Ga 1,29), mà bệnh tật là một hậu quả. Do bởi cuộc khổ nạn và tử nạn trên thập giá, Ðức Kitô đã mang lại một ý nghĩa mới cho khổ đau: từ nay khổ đau có khả năng đồng nhất hóa chúng ta với Người và nối kết chúng ta lại với cuộc khổ nạn cứu độ của Người” (số 1505).

Giữa những hoa trái của bí tích, CGLM một lần nữa nhắc đến “sự kết hiệp với Ðức Kitô đau khổ” (số 1521); còn đối với trường hợp của những kitô hữu sắp từ giả cõi đời, CGLM đã nhận định một cách chí lý rằng “phép Xức dầu cho bệnh nhân hoàn tất việc đồng nhất hóa chúng ta với cuộc khổ nạn và tử nạn của Ðức Kitô, là việc mà bí tích Rửa tội đã khởi sự” (số 1523). Cứ thế mà xét, thì phải nói là cách thức CGLM giới thiệu bí tích Xức dầu là một cách thức tuyệt hảo, xứng đáng làm mẫu mực.

Nói đến bí tích Chức thánh là có thể đoán ra ngay được mối quan hệ phức tạp mà bí tích này có đối với mầu nhiệm vượt qua. Ðúng thế, chủ yếu là nhờ đã được lãnh nhận chức tư tế mà giám mục và linh mục thông dự vào chức tư tế duy nhất của Ðức Kitô: Ðức Kitô là tư tế duy nhất, tư tế đích thực, là Ðấng “chỉ dâng hiến lễ một lần, mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo” (Dt 10,14), nghĩa là chỉ dâng hy lễ duy nhất trên thập giá. Linh mục cũng như giám mục đều là những thừa tác viên của Vị tư tế duy nhất ấy (các số 1544-1545).

Ngoài đường lối suy tư tư tế ấy ra, CGLM đã không hề nhắc gì đến mầu nhiệm vượt qua trong một cách thức nào khác. Ðáng lý ra là phải suy nghĩ nhiều hơn, như nhiều linh mục và giám mục thường làm, về mối liên quan giữa thừa tác vụ được trao phó và mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô. Qua bài khuyến dụ trong phụng vụ truyền chức linh mục, giám mục chủ phong nhắn nhủ rằng:

“Hãy cố làm sao cho cuộc sống của chúng con đi đúng với những gì chúng con thực hiện: khi cử hành mầu nhiệm tử nạn và phục sinh của Ðức Kitô, hãy lo ra sức làm cho mọi khuynh hướng xấu chết đi trong chúng con, và vững bước tiến tới trên đường sống mới.”

Ðáng lẽ CGLM phải mở ra một đường lối suy tư tương tự như thế thì mới đạt.

Ngoài ra, con đường tư tế mà linh mục và giám mục dấn thân bước vào, cũng chẳng phải là con đường của phó tế. Như thế, theo giáo huấn của CGLM, chức thánh phó tế xem ra như là chẳng có quan hệ gì với mầu nhiệm vượt qua. Phải có cặp mắt thật tốt, hay là phải có một lòng say mê tha thiết đối với thừa tác vụ phó tế, thì mới nhận ra được một câu ngắn khẳng định rằng do việc truyền chức thánh, phó tế được đóng ấn tích “làm cho họ nên giống Ðức Kitô, là Ðấng đã đích thân làm diákonos, tức là làm người phục vụ mọi người” (số 1570). Và trong phần chú thích, văn bản CGLM trưng dẫn thêm câu Mc 10,45; có thể là câu trưng dẫn này sẽ không được ai lưu ý tới, nhưng không phải vì thế mà chỉ là một câu vô thưởng vô phạt; trái lại nó có thể mở ra những viễn ảnh bát ngát với nhiều đòi hỏi dấn thân đi kèm theo. Chính thế, câu Phúc Âm nói rằng: “Con người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc muôn người.” Công tác phục vụ mà Ðức Kitô đã chu tất và được nêu cao làm mẫu gương cho các phó tế bắt chước, không phải đơn thuần là chuyện hưởng nhàn: công tác ấy trực tiếp đi liền với mầu nhiệm vượt qua, với mầu nhiệm hy sinh mạng sống — hoàn tất trong một ngày hay suốt trong thời gian ngày qua ngày của cuộc đời — cho phần rỗi của muôn dân. Phúc cho những phó tế biết coi trọng giáo huấn của CGLM và nhất là của Phúc Âm, để mà dấn thân đi sâu vào trong mầu nhiệm vượt qua! Và có linh mục, giám mục nào mà lại không nhớ là một ngày nọ mình cũng đã chịu chức phó tế, và mãi mãi mình vẫn là phó tế, là người phục vụ, người tôi tớ theo mẫu gương Ðức Kitô Người Tôi Tớ.

Ðối với bí tích Hôn phối, thì vấn đề xem ra đơn giản hơn. Bàn về bí tích này, CGLM đã không đả động gì đến mầu nhiệm vượt qua. Tuy nhiên, đi sát với thực tế và ý thức rằng trong nhiều nơi, tỷ lệ ly dị hôn nhân đã lên đến mức khá cao, và rằng dù sao thì cuộc sống chung trong hôn nhân cũng khó mà tránh cho được những khủng hoảng nhiều ít trầm trọng, CGLM đã nhắc nhở cho các bậc vợ chồng nhớ là họ cần phải có sức mạnh và ơn trợ giúp của Ðức Kitô ban cho thì mới có thể sống đời hôn nhân của mình đúng theo giáo huấn của Phúc Âm được:

“Có biết bước theo Ðức Kitô, có biết từ bỏ chính mình mà vác lấy thập giá của mình, thì các người làm vợ làm chồng mới có thể hiểu thấu được ý nghĩa nguyên thủy của hôn nhân, và sống trọn được ý nghĩa ấy nhờ ơn trợ giúp của Ðức Kitô. Ơn hôn phối ấy là một thành quả phát nguyên từ thập giá Ðức Kitô, nguồn suối của mọi thể dạng đời sống kitô” (số 1615). Có thận trọng, thì cũng cần phải nói rõ rằng hôn nhân kitô không làm cho thoát khỏi được vòng khổ nạn, đớn đau, cũng như không đánh mất đi những cảnh sống lại tươi sáng hân hoan, là tất cả những gì giúp cho các cặp vợ chồng được thông phần vào trong mầu nhiệm thập giá và cuộc vinh thắng vượt qua của Ðức Kitô.

Như vậy, CGLM đã ghi nhận lại những cảm thức cơ bản của công đồng Vaticanô II về vị trí trọng yếu mà mầu nhiệm vượt qua đóng giữ ở trong việc cử hành phụng vụ và các bí tích. Nhưng CGLM lại không đào cho sâu thêm đường hướng suy tư ấy như người ta hằng vẫn chờ mong, và cũng không áp dụng nó một cách đồng đều, vào trong từng trường hợp của các bí tích. Chắc chắn đợt tái bản sắp tới rồi sẽ có cơ hội để tận dụng cho thích đáng hơn, những gì đã được nói lên trong đoạn tuyên bố mở đầu phần giới thiệu các bí tích, viết rằng “kế hoạch bí tích là chính việc chuyển thông (hay phân phát) những hoa trái do mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô mang lại, qua phương thức cử hành phụng vụ bí tích của Giáo hội” (số 1076).

2. Chúa Thánh Thần và các bí tích

Về vấn đề này, chúng tôi chỉ xin thảo luận một cách vắn tắt, vì ba lý do sau đây: khuôn khổ giới hạn của bài viết không cho phép làm khác; trong một phần trước, bài viết đã có dịp bàn đến chỗ đứng mà CGLM dành cho Thánh Thần ở trong kế hoạch bí tích; và cuối cùng, nếu có những điểm cần bổ sung liên quan đến vấn đề này, thì bài viết sẽ có dịp nêu lên trong phần trình xuất những đề nghị gợi ý cho đợt tái bản sắp tới.

Bàn chung về các bí tích, CGLM đã khẳng định rằng Thánh Thần là tác giả làm nên những “kiệt tác của Thiên Chúa” là các bí tích (số 1091), và rằng “kinh khẩn cầu xin Thánh Linh đến… nằm ngay ở giữa lòng của mỗi buổi cử hành phụng vụ bí tích” (số 1096). Các lời khẳng định xác đáng và mạnh mẽ như thế có thực sự được thể hiện ra trong phần trình bày về từng bí tích hay không?

RỬA TỘI

Phép Rửa quả là một bí tích của Thần Khí và trong Thần Khí. Chẳng những ngay từ đầu phép Rửa xuất hiện như là “ngưỡng cửa dẫn vào đời sống trong Thần Khí” (số 1293), mà giữa các danh xưng khác nhau, bí tích ấy còn mang những danh hiệu như là “nước tái sinh và đổi mới trong Thánh Thần” (Tt 3,5), hay “cuộc tái sinh bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5); như thế, tư tưởng thần học của Phaolô và của Gioan đồng thanh nói lên mối liên hệ giữa nước và Thần Khí (số 1215). Diễn tả rõ hơn, CGLM đã khẳng định rằng “Nhờ Thánh Thần, phép Rửa mới là nước có sức năng thanh tẩy, thánh hóa và công chính hóa” (số 1227).

Kinh khẩn cầu (epiclesis) xin Thánh Thần đến thánh hiến nước rửa tội đã được nhắc đến rõ ràng: “Giáo hội khẩn xin Thiên Chúa, nhờ Con của Người, làm cho sức mạnh của Chúa Thánh Thần xuống trong nước này, ngõ hầu những ai được rửa trong nước ấy, thì cũng được sinh ra từ nước và Thần Khí” (số 1238). Việc xức dầu thánh “tượng trưng cho ơn Thần Khí người vừa chịu phép Rửa nhận được” (số 1241); và trong các Giáo hội đông phương, việc xức dầu thánh như thế làm nên nghi thức ban bí tích xức dầu thánh, tức là bí tích Thêm sức (số 1242).

Qua nhiều cách thức khác nhau, ơn Thần Khí được nhắc đến giữa các hiệu quả của bí tích Rửa tội: người vừa được rửa tội trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa, chi thể của Ðức Kitô, đền thờ của Thánh Thần (số 1265); và ơn phép Rửa “trao ban cho người ấy khả năng sống và hành động theo đà hướng động của Thánh Thần, nhờ các ơn của Người” (số 1266). CGLM đã không tách riêng Thần Khí ra khỏi Ngôi Cha, hay Ngôi Con, và đó là việc làm chí lý: cũng như các bí tích khác, bí tích Rửa tội là một bí tích tam vị, mở lối cho chúng ta đi đến với mầu nhiệm và sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo huấn CGLM dạy có phẩm chất quả là cao.

THÊM SỨC

Trong phần trình bày về bí tích Thêm sức, hoạt động và sự hiện diện của Thánh Thần đã được giới thiệu dài rộng: truyền thống của Tây phương cũng như truyền thống phong phú của Ðông phương đều đã được viện dẫn; các chiều kích cá nhân và giáo hội của ơn Thần Khí trong bí tích này, cũng đều được nêu bật. Bí tích Thêm sức hiện đang có khả năng để biến thành trở lại một lời khẩn cầu rộng lớn Giáo hội dâng lên để nguyện xin Thần Khí ngự xuống.

THÁNH THỂ

Trái lại, phần trình bày về bí tích Thánh Thể thì không đề cập chi nhiều đến Thần Khí, như người ta hằng mong chờ, và như kết quả của đà nghiên cứu thần học trong những thập kỷ gần đây cho phép. Ðành rằng, khi mô tả về diễn tiến việc cử hành phụng vụ Thánh Thể, CGLM đã dành một đoạn để giới thiệu kinh khẩn cầu Thánh Linh, với nhiều chi tiết khác nhau trong các truyền thống phụng vụ:

“Trong kinh khẩn cầu (epiclesis), Giáo hội nài xin Thiên Chúa Cha phái gửi Thánh Thần của Ngài (hay quyền năng của phép lành Ngài ban[2] xuống trên bánh và rượu, để nhờ quyền năng của Người mà làm các lễ phẩm ấy trở thành Mình và Máu Ðức Giêsu Kitô, và để những ai tham dự vào Thánh Thể thì được trở nên một thân thể và một tinh thần duy nhất. Một vài truyền thống phụng vụ đặt kinh epiclesis sau kinh anamnesis (kinh hồi niệm) (số 1353).

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, lời khẳng định hay đẹp ấy đã rơi ngay vào quên lãng trong các trang sau đó, tức là trong phần nhận định thần học về sự hiện diện của Ðức Kitô trong hình bánh và hình rượu sau khi truyền phép (các số 1373-1381), một phần viết mang tựa đề đầy hứa hẹn: “Ðức Kitô hiện diện nhờ quyền năng của Lời Ngài và của Thánh Thần,” nhưng — một lần nữa — lại không có được một nội dung cân xứng; mặt khác, hai trang vừa nói, là những trang lấy ý từ công đồng Trentô, đã nhấn mạnh nhiều đến sự hiện diện bản thể và việc biến thể sau các lời truyền phép, nhưng lại không nói gì đến “quyền năng của Thánh Thần.” Chỉ một lần duy nhất, hai trang này đã nhắc đến Thần Khí, đó là trong số 1375: “Các giáo phụ đã mạnh mẽ khẳng định lòng tin của Giáo hội vào sức hữu hiệu của Lời Ðức Kitô và của tác động Chúa Thánh Thần trong việc thực hiện sự biến đổi ấy (bánh rượu thành Mình Máu Ðức Kitô).” Ðáng lẽ ra, thế hệ giáo phụ 1992 cũng phải khẳng định cùng một lòng tin ấy trong một cách thức cương quyết hơn và phong phú hơn (là cách thức trình bày đọc thấy trong CGLM). Sau nhiều thế kỷ câm lặng trước vai trò Thánh Thần đóng giữ trong phụng vụ Thánh Thể, các kitô hữu tây phương cần được nghe một lời khẳng định kích hoạt hơn.

Ðộc giả có cảm tưởng là sau tuyên ngôn hay đẹp đưa ra trong phần đầu, về hoạt động của Thánh Thần trong phụng vụ và các bí tích, CGLM đã tỏ ra do dự, không dám rút tỉa cho đến cùng những hệ luận của lời tuyên bố đó, sợ làm thay đổi đi hình ảnh và thể dạng thần học sẵn có về Thánh Lễ Misa, một thể dạng thuần túy kitô học, trong đó Thánh Thần không tìm thấy được một chỗ đứng nào cả.

Phần viết về chịu lễ — mang tựa đề nghe rất hay “bữa tiệc vượt qua,” song chỉ có tiếng mà không có miếng — cũng phải cam chịu cùng một cảnh vắng bóng Thánh Thần như thế. Thánh Thần chỉ xuất hiện trong hai câu trưng dẫn, mà đáng lẽ ra CGLM phải tận dụng khai thác, chứ không chỉ đơn thuần nêu lên để mặc cho độc giả có chút suy tư thiêng liêng cứ tùy tiện mà tìm hiểu. Câu trưng dẫn đầu, trích từ sắc lệnh của công đồng Vaticanô II về thừa tác vụ của các linh mục, số 5, nói đến việc thông hiệp với thịt của Ðức Kitô phục sinh, “thịt đã được sống động nhờ Thánh Thần, và có sức truyền ban sự sống” (số 1392); câu trưng dẫn thứ hai trích lại lời của thánh Fulgenxiô, giám mục giáo phận Ruspê (Tuynidi), hồi thế kỷ 4, nói rằng:

“Chính vì yêu thương mà Ðức Kitô đã chịu chết cho chúng ta, thế nên khi cử hành việc tưởng niệm cuộc tử nạn của Người trong phụng vụ hy lễ, chúng ta cũng phải khẩn xin cho được tình yêu, do bởi việc Thánh Thần ngự đến; chúng ta khiêm tốn nguyện rằng nhờ tình yêu ấy, tình yêu đã thúc đẩy Ðức Kitô ưng nhận chịu chết cho chúng ta, xin cho cả chúng ta nữa, một khi đã nhận được ơn của Thánh Thần, thì cũng có được sức năng để coi thế gian như là đã bị đóng đinh vào thập giá đối với chúng ta, và để sống như là đã bị đóng đinh vào thập giá đối với thế gian” (số 1394).

Trong phần viết về chịu lễ, độc giả cũng đã tưởng là sẽ được đọc thấy lời bàn hồ hởi về việc chịu lễ với chén thánh, tức là chịu Máu thánh, mà công đồng Vaticanô II đã đặt vào trở lại trong tầm tay của giáo dân Tây phương, sau nhiều thế kỷ chỉ được dành riêng cho một mình linh mục; không phải là vô cớ mà Ðức Kitô đã dùng những dấu chỉ bánh và rượu để thiết lập cuộc tưởng niệm và bữa tiệc vượt qua của Ngài. Chính CGLM cũng đã viết trong một đoạn khác, nói rằng: “chén tạ ơn (1Cr 10,16) uống vào lúc cuối bữa tiệc vượt qua của người Do thái, tạo thêm cho niềm vui của rượu lễ mừng, một chiều kích cánh chung” (số 1334). Trong Thánh Thể, rượu thường được coi như là biểu tượng của Thánh Thần, nguồn suối của niềm vui, của hiểu biết và hiệp thông; và đó là chuyện hữu lý. Lẽ ra CGLM phải nói rằng việc chịu Máu thánh là dấu chỉ hữu hiệu của việc thông hiệp với Thần Khí của Ðức Kitô[3]

CÁO GIẢI

Trong phần giới thiệu bí tích Cáo giải — mà ngày nay người ta ưa gọi là bí tích của metanoia, tức là theo nghĩa từ hy lạp, của “việc thay đổi lòng trí”: một cách biểu đạt không gặp thấy ở trong CGLM, — dĩ nhiên là Thánh Thần không vắng bóng, nhưng những lời giới thiệu về Ngài quả là quá ít ỏi, không đủ vào đâu để nói lên hoạt động phong phú và hùng mạnh của Ngài.

Ðoạn dẫn nhập vào hai bí tích trị liệu, tức là các bí tích Cáo giải và Xức dầu bệnh nhân, khẳng định với một niềm hứng khởi đượm đầy tinh thần Phúc Âm, là Chúa Giêsu, “vị lương y của hồn xác chúng ta… đã muốn Giáo hội của Người tiếp tục công cuộc trị liệu và cứu độ của Người, trong sức mạnh của Thánh Thần” qua hai bí tích Cáo giải và Xức dầu bệnh nhân (số 1421). Một đoạn viết khác cũng được khơi nguồn hứng từ Phúc Âm, giới thiệu như thế này về hoạt động của Thần Khí:

Kể từ biến cố Phục sinh mà đi, chính Thánh Thần là Ðấng “chứng minh cho thấy thế gian sai lầm về tội lỗi” (Ga 16, 8-9), nghĩa là thế gian đã không muốn tin vào Ðấng Thiên Chúa Cha phái gửi đến. Nhưng Thần Khí vạch trần lỗi tội ấy, cũng chính là Ðấng ủi an hằng tuôn đổ ơn sám hối và hoán cải xuống trong tâm lòng con người (số 1433).

Nhưng, sau đó, trong phần dựa theo tư tưởng của công đồng Trentô mà phân tích dài rộng về bí tích Cáo giải, thì không còn gặp thấy một dấu vết nào nữa của Thánh Thần. Phải cố gắng lắm mới thoáng nhận ra bóng Ngài qua hai lần đọc thấy tĩnh từ thiêng liêng, trong bản văn viết rằng: đi tiếp theo sau bí tích Cáo giải là “trạng thái bình an và điềm tĩnh của lương tâm, có một niềm an ủi thiêng liêng lớn đi kèm”

[câu trích dẫn công đồng Trentô]. “Thật vậy, bí tích Hòa giải với Thiên Chúa đem lại một cuộc phục sinh thiêng liêng thật sự” (số 1468). Trong phần mô tả thể thức cử hành bí tích, không sao tìm cho ra được dù chỉ một lời nói đến việc đặt tay, như Sách Nghi thức đã khuyên: trong bất cứ nghi thức bí tích nào, việc đặt tay cũng mang ý nghĩa của một cử chỉ khẩn cầu Thần Khí Thiên Chúa ngự xuống trên người đang lãnh nhận bí tích.

Phải chờ cho tới bản tóm lược cuối cùng mới đọc thấy được đoạn Phúc Âm mong chờ ngay từ lúc đầu, và là đoạn quan trọng nhất trong toàn bộ Tân Ước, nói về sứ mạng và năng quyền tha tội:

Chiều hôm Phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các tông đồ của Người và nói: “Hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha; anh em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm giữ” (số 1485).

Nhưng độc giả vẫn ngạc nhiên không hiểu tại sao câu trưng dẫn ấy lấy từ Ga 20, 22-23 lại bỏ sót một phần chữ mang theo nhiều ý nghĩa tiềm ẩn; câu viết của Gioan ghi rằng: “Chúa Giêsu thổi hơi vào các ông và bảo: Hãy nhận lấy Thánh Thần…” Tại sao lại không nhắc đến cái hơi thổi nhiệm mầu ấy, cái lần duy nhất Phúc Âm kể lại sự việc Ðức Kitô thổi hơi vào các tông đồ của Người?

XỨC DẦU BỆNH NHÂN

Trái lại, là bí tích trợ lực, là bí tích mang lại sức mạnh của Thiên Chúa và của Thần Khí Người cho người yếu đau, kiệt lực, phép Xức dầu bệnh nhân biểu thị rõ sự hiện diện và tác động của Thánh Thần. Hai cử chỉ đặt tay và xức dầu thánh nói lên việc Thần Khí ngự đến và đi sâu vào trong cõi lòng con người. Trong số 1513, CGLM ghi lại công thức mới của bí tích Xức dầu:

“Nhờ phép xức dầu thánh này, xin Chúa nhân từ ban cho con ơn an ủi của Thánh Thần. Và bởi Người đã giải thoát con khỏi tội lỗi, thì xin Người cũng cứu rỗi và nâng đỡ con.”

Linh mục hoặc (trong các trường hợp cử hành chung) các linh mục ban bí tích “cầu nguyện cho các bệnh nhân trong đức tin của Giáo hội: đó chính là kinh khẩn cầu (epiclesis) của riêng bí tích này” (số 1519). Cuối cùng, giữa những hoa trái bí tích mang lại, trước hết CGLM đã kể ra (số 1520):

Ân huệ đặc biệt là nhận được Thánh Thần. Ơn đầu tiên của bí tích này là ơn trợ lực, bình an và can đảm, giúp cho khắc phục được những khó khăn gặp phải những khi ngã bệnh nặng hay là trong cảnh yếu kém bấp bênh của tuổi già. Ơn này là quà tặng của Thánh Thần do sự việc Ngài củng cố cho lòng cậy trông và tin tưởng vào Thiên Chúa, tăng cường nghị lực để có sức mà chống lại những cám dỗ của ác thần, cám dỗ ngã lòng và hoảng sợ trước cảnh chết. Với ơn trợ giúp ấy, Chúa muốn dùng sức mạnh của Thần Khí Người mà làm cho bệnh nhân được khỏe mạnh phần hồn và cả phần xác nữa, nếu đó quả là ý Chúa. Ngoài ra, “nếu người ấy có tội, thì sẽ được Chúa thứ tha” (Gc 5,15).

Như bí tích Thêm sức đã làm trong buổi đầu đời sống kitô, thì cũng thế, vào chặng cuối cuộc đời kitô hay là trong những lúc gặp hiểm nguy sống còn giữa đường đời, bí tích Xức dầu nêu bật cho thấy vai trò của Thánh Thần.

CHỨC THÁNH

Trong bí tích Chức thánh — gồm ba trật bậc là giám mục, linh mục và phó tế — vai trò Thánh Thần đóng giữ, là vai trò nào? CGLM đề xuất ngay một khuôn mẫu suy tư thích đáng với lời tuyên bố nói rằng: bí tích Truyền chức “trao ban ơn Thánh Thần làm cho có đủ tư cách hành sử chức quyền thánh, là quyền chính Ðức Kitô thông ban qua Giáo hội” (số 1538).

Trình bày về giám mục và linh mục, CGLM chỉ trích dẫn các văn bản của Vaticanô II giới thiệu hai thừa tác vụ này như là phát nguyên từ Thánh Thần và hằng được sinh lực của Ngài làm cho sống động. Chỉ xin ghi lại một vài đoạn viết như sau trong CGLM:

Ðể họ có đủ sức năng chu toàn sứ mạng cao cả, “các tông đồ đã được Ðức Kitô làm cho nên phong phú với ơn Thánh Thần ban xuống tràn đầy trên các ngài; rồi chính các ngài, qua việc đặt tay, lại chuyển trao cho các người cộng sự của mình ân huệ thiêng liêng ấy, để ơn này được thông truyền đến tận chúng ta qua phép truyền chức giám mục (Lumen gentium, 21)” (số 1556).

“Nhờ Thánh Thần các ngài lãnh nhận, các giám mục đã được đặt làm thầy dạy đức tin, làm chánh tế và chủ chăn thực thụ và chính thức (Christus Dominus, 2)” (số 1558).

“Chức tư tế của các linh mục… được trao ban qua một bí tích riêng, có sức ghi dấu vào trong các ngài bằng một ấn tích đặc biệt, qua việc Thánh Thần xức dầu, và làm cho các ngài nên giống Ðức Kitô-Linh mục để nhờ đó các ngài có được quyền nhân danh chính Ðức Kitô là Ðầu mà hành động (Presbyterorum Ordinis, 2) (số 1563).

Trái lại, trong ba số 1569-1571 bàn về phép Truyền chức và thừa tác vụ phó tế, đáng tiếc là không có một lời nào trực tiếp đề cập đến Thánh Thần, mà chỉ đọc thấy một câu trích dẫn lấy từ Vaticanô II ra (Ad Gentes, 16) nhắc lại rằng các phó tế “được củng cố qua việc đặt tay lưu truyền từ thời các tông đồ” (số 1571); quả vậy, chính các ngài đã đặt tay cho bảy người “đầy Thần Khí và khôn ngoan” (Cv 6,1-6).

Giới thiệu phụng vụ bí tích Chức thánh với những lời lẽ rất xác đáng, CGLM đã nhận định như sau về cả ba trật bậc của chức tư tế:

Nghi thức chủ yếu cho cả ba trật bậc của bí tích Chức thánh, hệ tại ở việc giám mục đặt tay trên đầu người chịu chức, cũng như ở lời kinh thánh hiến đặc thù cầu xin Thiên Chúa tuôn đổ Thánh Thần Người xuống và rộng ban những ơn thích đáng đối với việc thi hành thừa tác vụ mà ứng viên chịu chức thánh lãnh nhận (số 1573).

Cuối cùng, trong phần bàn về các hiệu quả của bí tích, CGLM viết rằng “bí tích này ban ơn đặc biệt của Thánh Thần mà làm cho (ứng viên chịu chức thánh) nên giống Ðức Kitô, hầu làm khí cụ của Người cho Giáo hội” (số 1581). Lời khẳng định hay đẹp ấy phù hợp với cả ba bậc thừa tác vụ giám mục, linh mục và phó tế. Nói cho chính xác hơn, bí tích Chức thánh mang lại hai hiệu quả: một đàng là “ấn tích không tẩy xóa được” mà CGLM giới thiệu với nhiều trích dẫn rút từ công đồng Trentô, và đàng khác là “ơn Thánh Thần” được trình bày với những trưng dẫn lấy từ Phúc Âm và phụng vụ. Tuy nhiên, có một vấn đề không thể không đặt ra, đó là: nếu “ơn Thánh Thần đặc trưng của bí tích này là làm cho nên giống Ðức Kitô Linh mục, Thầy dạy và Mục tử mà người chịu chức thánh được đặt làm thừa tác viên” (số 1585), thì ơn ấy tương ứng đúng với các chức năng của giám mục và linh mục, nhưng lại không phù hợp với chức năng của phó tế, vì phó tế không phải là tư tế, và chỉ là người phục vụ chứ không phải là thầy dạy, và không thường xuyên đóng giữ một vai trò mục tử. Dù vậy, thì vẫn có một mối liên hệ chặt chẽ — hay một mạng những mối liên hệ — giữa phó tế và Thánh Thần, như hằng thấy rõ ở trong nghi thức truyền chức phó tế.

Tóm lại, CGLM đã trình bày một cách thỏa đáng về tác động của Thánh Thần trong bí tích Chức thánh và trong thừa tác vụ của giám mục và linh mục, cho dù có tỏ ra không mấy sáng tạo khi bàn đến chức phó tế theo thể dạng phục hồi mà công đồng Vaticanô II đã miêu trình.

HÔN PHỐI

Hàng thế kỷ qua, bên Tây phương, bí tích Hôn phối được cử hành mà không bao giờ nghe nhắc gì đến Thánh Thần, trong khi đó, chắc hẳn Thần Khí tình yêu, Thần Khí dũng lực và thành tín không thể nào vắng mặt được ở trong tình phối kết giữa một người nam và một người nữ yêu thương nhau thật dù vẫn biết rõ cảnh sống bấp bênh của cuộc đời mình. Cho đến năm 1991, mới đọc thấy được một lời ấp úng khẩn nguyện Thánh Linh (epiclesis) ở trong bản mới của cuốn Nghi thức Rôma về hôn phối (chưa được phổ biến nhiều trong các thứ tiếng địa phương). Vì thế, độc giả sẽ không khỏi bỡ ngỡ thán phục… cũng như hy vọng nhiều cho tương lai, khi đọc thấy đoạn viết sau đây trong CGLM:

Những nghi thức khác nhau trong phụng vụ cử hành hôn phối đều có chứa đựng nhiều lời nguyện chúc tụng và khẩn cầu để xin Thiên Chúa ban ơn thánh và chúc lành cho đôi tân hôn, đặc biệt là cho người vợ. Kinh khẩn cầu (epiclesis) của bí tích này, nguyện xin cho đôi tân hôn nhận được Thánh Thần, là mối hiệp thông tình yêu giữa Ðức Kitô và Hội thánh. Chính Người là dấu ấn của giao ước giữa họ, là nguồn suối sinh khí hằng tiếp trợ cho tình yêu của họ, là sức mạnh hằng đỡ nâng lòng tín trung nơi họ (số 1624).

Về điểm này cũng như trong một số điểm khác, CGLM đã đi trước thực tế, và đã lấy phong cách tiên tri mà xác định. Từ đó, có thể rút tỉa một nhận định chung để nói rằng CGLM quả đã mở ra một viễn cảnh lạc quan. Nếu trong một số bí tích, CGLM đã nói lên rõ hoạt động của Thánh Thần, thì trong một vài bí tích khác, còn nhiều điều cần phải được nói lên về hoạt động ấy. Nhưng rồi quyền năng của Thần Khí, hằng hoạt động ở trong cuộc sống Giáo hội và trong đời sống các kitô hữu, cũng sẽ đi đến chỗ khắc phục xong những trì trệ và quên sót. Ðược dành trọn để giới thiệu “Thánh Thần và Giáo hội trong phụng vụ” (các số 1091-1109), bốn trang viết mạnh mẽ của phần bàn về kế hoạch bí tích, sớm muộn gì rồi cũng sẽ được ứng dụng trọn vẹn vào trong phần huấn giáo về các bí tích và về từng bí tích một, không trừ một bí tích nào.

III. Ý KIẾN ÐỀ NGHỊ CHO ÐỢT TÁI BẢN SẮP TỚI

Những trang viết trên đây đã cố gắng nêu rõ tính chất phong phú của giáo huấn CGLM dạy về các bí tích, cũng như lưu ý về những điểm thiếu sót hay thiếu nhất quán, thiếu liên tục gặp thấy trong văn bản của giáo huấn: những điểm thiếu sót sẽ có thể và sẽ phải được sửa chữa trong đợt tái bản đã dự kiến. Như đã thấy, đáng chú ý hơn hết là tình trạng rời rạc, thiếu nhất quán/liên tục giữa phần một (trình bày về kế hoạch bí tích) và phần hai (giới thiệu từng bí tích một). Còn những bỏ sót đáng quan tâm nhất thì chủ yếu xoay quanh điểm này là sự hiện diện của mầu nhiệm vượt qua và của Thánh Thần đã không được nhắc đến hay không được nhắc đến cho đủ trong một số trường hợp giới thiệu riêng về từng bí tích. Tiếp theo sau những nhận định chung vừa nói, xin được ghi thêm ra đây những nhận xét và đề nghị cụ thể hơn: những đề nghị trực tiếp liên quan đến một hay một nhóm bí tích.

Ba bí tích khai tâm kitô được trình bày theo thứ tự cổ điển: Rửa tội, Thêm sức và Thánh Thể, và CGLM đã để lộ rõ thái độ thán phục đối với thứ tự diễn tiến ấy (số 1212). Nhưng CGLM đã quên đi rằng bên Tây phương, lộ trình tốt đẹp ấy thường thì không phải là lộ trình diễn ra trong thực tế, và việc khai tâm kitô thực ra chỉ được tiến hành một cách chắp nối: trẻ thơ được rửa tội một vài tuần hay một vài tháng sau khi sinh ra; trẻ em 7/8 tuổi được chịu lễ, nhưng trước khi chịu lễ lần đầu như thế, các em phải đi xưng tội; cuối cùng, lúc lên 10 và 18 tuổi, các thanh thiếu niên được chịu bí tích Thêm sức, nhưng trước đó cũng phải đi xưng tội (số 1310). Như vậy, trong thực tế, lộ trình khai tâm kitô gồm có 5 giai đoạn: Rửa tội, Cáo giải, Thánh Thể, Cáo giải trở lại, và Thêm sức. Thế là, phần diễn giảng cao đẹp mà CGLM đưa ra nhằm mục đích xây dựng một nền thần học bí tích dựa trên nền tảng của lề lối cử hành cụ thể của chính các bí tích, chỉ còn xem ra như là một lời bàn bấp bênh và trừu tượng.

Quy trình theo đó CGLM đã khai triển phần trình bày về bí tích Thêm sức, cho thấy có hai điều cần điều chỉnh, đó là: thứ nhất, nên bắt đầu chương trình bày bằng câu hỏi: “Bí tích này tên là gì?” nhưng không rõ tại sao câu hỏi đó lại bị bỏ mất đi, trong khi văn bản vẫn kể ra ba danh hiệu sau đây được dùng để gọi bí tích: xức dầu thánh, myron[4] và thêm sức; và lưu ý cho thấy là mỗi danh xưng đều có một ý nghĩa và tầm giá trị riêng. Thứ hai, nên xếp phần bàn “những hiệu quả của bí tích Thêm sức” ở phần cuối chương giới thiệu bí tích, như trong trường hợp các bí tích khác, chứ không phải là đặt trước phần bàn về chủ thể và thừa tác viên như hiện thấy trong văn bản của CGLM.

Liên quan đến bí tích Thánh Thể, bài viết đã có dịp nêu lên sự việc mầu nhiệm vượt qua đã bị che khuất mất đi trong phần chịu lễ: phần này được giới thiệu với tựa đề đầy hứa hẹn này là “bữa tiệc vượt qua,” nhưng lời hứa đã không được giữ, vì văn bản diễn giải đã không nhắc gì đến việc tín hữu thông dự vào trong cuộc lễ vượt qua của Ðức Kitô. Bài viết cũng đã nêu lên những điểm yếu và những đoạn thiếu nhất quán hay rời rạc trong văn bản viết về hoạt động của Thánh Thần trong bí tích này. CGLM khẳng định rằng phần khẩn cầu (epiclesis) trong Kinh Tạ ơn, nguyện xin Thần Khí xuống trên bánh và rượu để dùng quyền năng của Người mà biến chúng thành Mình và Máu Ðức Kitô, và nhắc lại rằng một số truyền thống phụng vụ (đông phương) đặt kinh khẩn cầu ấy vào sau lúc truyền phép và sau kinh hồi niệm (số 1353); nhưng, một vài trang sau đó, CGLM đã lấy nguyên lại dạng giáo huấn cổ điển nhất của Tây phương — một thể dạng giáo huấn không hề biết đánh giá cho đúng mực tầm quan trọng của kinh khẩn cầu và qua đó, của vai trò Thần Khí đóng giữ — để viết rằng: “sự hiện diện bí tích của Ðức Kitô bắt đầu lúc truyền phép” (số 1377). Quyền năng của Thần Khí dù có sức biến đổi bánh và rượu, thì cũng chưa biến đổi hoàn toàn nổi não trạng con người!

Một cuộc biến đổi não trạng và ngôn ngữ cũng xem ra cần thiết đối với việc chịu lễ dưới hình bánh và hình rượu (mà CGLM vẫn gọi là chịu lễ “dưới hai hình thức” dù đa số người kitô không còn hiểu thuật ngữ thần học ấy muốn nói gì). Ðức Kitô đã thiết lập Thánh Thể với hai dấu chỉ bánh và rượu, và trong Phúc Âm, Người tuyên bố rằng: “Nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình… vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống”(Ga 6,53-55). Thế thì, những lời mạnh mẽ ấy cũng còn nghe ra “quá chướng tai” đối với các kitô hữu lễ điển Latinh, hệt như đối với những người xưa kia khi nghe Ðức Giêsu diễn giảng như thế hay sao? CGLM nhận là “chịu lễ dưới hai hình sẽ làm cho việc chịu lễ nên trọn vẹn hơn” (số 1390), nhưng, trước đó, CGLM đã xác định rằng “rước lễ dưới hình thức bánh không thôi, cũng đủ để lãnh nhận được hết hoa trái ân sủng của Thánh Thể,” và rằng “vì lý do mục vụ, cách chịu lễ như thế đã chính đáng trở thành cách thức thông thường nhất trong lễ điển Latinh” (cùng một số 1390). Vậy thì không còn cần phải đặt nặng vấn đề đối với những lời Ðức Kitô đã nói, và những dấu chỉ chính Người đã chọn nữa hay sao?

Cuối cùng, nếu đã thực sự chọn được một lập trường đúng đắn, tức là quyết xây dựng một nền thần học bí tích cả trên những dữ liệu Kinh Thánh lẫn trên quy cách cụ thể của việc cử hành các bí tích, thì làm sao có thể cắt nghĩa được sự kiện CGLM 1992 đã không hề đề cập gì đến việc đồng tế Thánh Lễ? Từ đồng tế không có mặt ở trong bảng mục lục, và cả ở trong văn bản cũng không. Trong khi đó, từ ba nươi năm nay (tháng tư 1965), công đồng Vaticanô II đã phục hồi việc đồng tế, và nhờ đó nhiều linh mục và tín hữu đã canh tân được cách sống mầu nhiệm Thánh Thể của mình. Vậy thì làm sao hiểu nổi sự việc CGLM đã hoàn toàn bỏ quên, không nói gì đến việc đó! Quả đó là một thiếu sót trầm trọng mà đợt tái bản sắp tới không thể bỏ sót mà không bổ khuyết được.

Tuy nhiên, phần cần phải sửa đổi tận căn nhất chính là phần viết về bí tích Sám hối và Hòa giải, đến độ nếu chỉ phải nhận định về phần này không thôi, thì cũng đáng để làm một cuộc nghiên cứu sâu rộng. Hẳn là có người sẽ tọc mạch muốn tìm cho biết về quá trình soạn thảo và hình thành chương sách này. Cấu trúc của nó khác hẳn với cấu trúc những chương trình bày về các bí tích khác. Có hai lỗi lầm trong cách xếp đặt cấu trúc đã làm cho chương vừa nói bị xáo trộn. Lỗi lầm thứ nhất: không giống như trong các chương viết về các bí tích khác, trong chương giới thiệu bí tích Cáo giải, không có phần nghiên cứu về các dữ kiện Kinh Thánh: “Tội lỗi và sự tha thứ trong kế hoạc cứu độ.” Mà đâu phải Kinh Thánh không nói gì đến tội lỗi: hầu như trang nào trong Kinh Thánh cũng đối diện với vấn đề tội lỗi và với thái độ Thiên Chúa ứng sử với tội lỗi, từ trình thuật về sa ngã của Ađam và Evà bị trục xuất ra khỏi địa đàng, cho tới câu chuyện về người trộm lành, có tài “ăn trộm thiên đàng,” được phúc nghe Ðức Kitô nói cho biết là: “Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng.” Có vì phải lo cho kế hoạch tiết kiệm mà phải gạt bỏ mất đi kế hoạch cứu độ? Toàn bộ suy tư và toàn bộ huấn giáo về bí tích Cáo giải, rút ra từ suy tư ấy, đều thiếu hẳn nền tảng Kinh Thánh, thiếu hẳn hiểu biết về thái độ của Thiên Chúa và Ðức Giêsu, Con của Người, đối với dân tình tội lỗi và con người tội phạm. Ðã đành là đây đó có đọc thấy những chi tiết nói tới lịch sử về lòng nhân hậu và thứ tha của Thiên Chúa, nhưng chúng chỉ được nêu lên một cách ngang ngửa lộn xộn, phân tán rời rạc, không theo một trật tự nào cả. Mong rằng trũng thiếu sót trầm trọng ấy rồi cũng sẽ được lấp đầy.

Lỗi lầm thứ hai: là đã đợi cho đến cuối cùng — tức là sau một phần dài rộng bàn về ân xá đại xá — rồi mới miêu trình về cách thức cử hành bí tích, và chỉ miêu trình qua loa trong một trang viết. Trong trường hợp các bí tích khác, đặc biệt là ba bí tích khai tâm, việc cử hành phụng vụ bí tích được trình bày ngay sau phần bàn về kế hoạch cứu độ, và dựa theo cơ sở hai chiều kích ấy, tức là Kinh Thánh và phụng vụ, CGLM đã có thể phác thảo ra được cả một thể dạng thần học và một mẫu huấn giáo vững chắc. Còn trong trường hợp của bí tích Cáo giải, thì không có phần nói về quá trình hình thành ở trong Kinh Thánh, và cho đến cuối cùng mới đọc thấy phần miêu trình về phụng vụ. Ðiều đó có nghĩa rằng suy tư thần học và giáo lý đã không được đặt trên cơ sở dữ liệu Kinh Thánh và kinh nghiệm phụng vụ, mà chỉ đâm rễ và múc sức hơi… từ trong các khoản giáo huấn của công đồng Trentô, và từ trong Sách Giáo Lý Rôma ấn hành năm 1566, được trưng dẫn rất nhiều nơi phần chú thích cuối trang.

Mới đây, sau khi đối chiếu CGLM với Sách Nghi thức sám hối, một chuyên gia phụng vụ người Ý đã nhận định rằng CGLM chỉ nhìn vấn đề theo viễn cảnh ăn năn tội cách trọn hay không trọn (ái hối/úy hối), còn Sách Nghi thức thì nhờ biết ứng đáp thích đáng cung cách cụ thể của việc cử hành bí tích, nên đã nắm vững được tinh thần metanoia của Phúc Âm làm mạch chủ yếu, bởi vì đó là điều kiện tiên quyết để được vào (hay vào lại) trong vương quốc của Ðức Kitô.[5]

Xin được góp thêm một số đề nghị về bí tích Truyền chức thánh. Từ nhiều thế kỷ nay, có một vấn đề thuật ngữ thường được đặt ra cho tên gọi của bí tích này. Thần học, môn huấn giáo, giáo luật và cả CGLM nữa, đều gọi bí tích này bằng danh xưng sacramentum ordinis, sacrement de l’ordre, v.v… Trong ngôn ngữ thông thường, từ ordo có nghĩa là “thứ tự,” “trật tự,” “tập đoàn/thể,” “giới,” “hội,” “nhóm,” v.v… như chính CGLM đã nhắc lại rất đúng trong các số 1537-1538. Vậy, nếu muốn diễn đạt cho chính xác và rõ ràng, thì cần phải gọi là bí tích Truyền chức (sacrement de l’ordination).

Một nhận xét khác liên quan đến cách thức CGLM trình bày về chức phó tế. Công đồng Vaticanô II đã phục hồi nội dung và ý nghĩa của thừa tác vụ phó tế, và đã cho phép được có những phó tế vĩnh viễn (hiện nay trong toàn thế giới, có lối 20.000 phó tế vĩnh viễn). Dù có ca ngợi việc tái lập này của công đồng, và đề ra một số công thức thích đáng có giá trị đối với việc truyền chức phó tế cũng như đối với việc truyền chức linh mục hay giám mục, thì CGLM cũng vẫn thường suy nghĩ theo viễn cảnh của một chức tư tế không bao gồm các phó tế. Như thế, thì có ứng đáp đúng mức hay không lòng mong ước muốn được đọc thấy ở trong CGLM một hướng suy tư đặc thù, mới mẽ hơn và sâu sắc hơn, về thừa tác vụ phó tế?

* * *

Còn có thể đề nghị thêm nhiều ý kiến khác nữa. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý rằng một cuốn sách được soạn thảo theo phương thức làm việc tập thể và để cho toàn thể Giáo hội công giáo cùng dùng, thì không thể nào xử lý cho hết mọi nhận xét và đề nghị được. Chúng tôi chỉ muốn lợi dụng dịp chuẩn bị đợt tái bản sắp tới đã được loan báo của CGLM, để nêu bật những điểm son của Bộ Tổng luận giáo lý này, cũng như để đề nghị vào một thời điểm thuận lợi, một số ý kiến mà chúng tôi nghĩ là hợp lý, nhằm góp phần vào trong nỗ lực làm cho công tác giới thiệu giáo lý về bí tích, được cân bằng hơn — và trong một số điểm, được nhất quán hơn — bởi vì đó là phần giáo lý đóng giữ một vai trò lớn trong việc mời gọi và giúp cho hết mọi tín hữu kitô gặt hái tốt đẹp “những hoa trái phát sinh từ mầu nhiệm vượt qua của Ðức Kitô, trong việc cử hành phụng vụ bí tích của Giáo hội” (số 1076).

Felipe Gómez Ngô Minh trình dịch


[1] Tác giả làm giáo sư thần học tại Học viện Ateneo Anselmiano, Roma. Bài viết nguyên văn tiếng Pháp, tựa đề “La présentation des sacrements dans le CATÉCHISME DE L’ÉGLISE CATHOLIQUE, đăng trong tạp chí ESPRIT ET VIE số 16 (20 tháng 4, 1995) 225-236.

[2] CGLM muốn ám chỉ đến Kinh tạ ơn I trong Sách lễ Roma, số 90, theo bản tiếng Pháp, Ðức và một vài thứ tiếng khác; còn trong bản tiếng Latinh, Anh, Tây ban nha, Việt Nam, v.v… thì khác.

[3] Ðộc giả sẽ ngạc nhiên khi thấy là trong số 1390, CGLM đã thoáng để lộ ra lập trường ủng hộ lề lối thực hành của lễ điển Latinh cho chịu lễ chỉ dưới một mình hình bánh mà thôi. Rất may là còn có số 1412 để được đọc thấy một lối trình bày chính xác hơn.

[4] từ Hy lạp này có nghĩa là dầu thơm.

[5] E. Mazza, “Il sacramento della penitenza. Un confronto tra il Catechismo della Chiesa cattolica e il Rito della penitenza,” trong Rivista liturgica 81 (1994) 782-797.