Ít khi người ta bàn đến số phận cuối cùng của Ađam; nói tới việc ông có được cứu rỗi hay không, thì lại càng ít hơn nữa. Lặng thinh lúng túng vẫn để mặc cho vấn đề nằm mãi trong tình trạng dây dưa, làm như số kiếp con người đầu tiên chỉ vỏn vẹn cốt tại ở chỗ làm tội nhân-mẫu trong loài người, và nhất là làm tội nhân khai mở “con đường sa đọa” cho hết thảy con cháu của ông. Giáo thuyết về nguyên tội đã dồn Ađam vào lối ngõ tiêu cực ấy. Nhưng, thử hỏi: mang thân phận làm người ngửa nghiêng, giới hạn, muôn đời Ađam sẽ khư khư giữ mãi thái độ bội phản chống lại Thiên Chúa, hệt như trong trường hợp của Satan hay sao? Tại sao lại không nghĩ rằng ông cũng có thể thống hối ăn năn như bao người khác? Và nếu ông hoán cải, lẽ nào Thiên Chúa lại không thứ tha?
Các kitô hữu thời Giáo hội sơ khai thường quan niệm một cách lạc quan hơn về ơn cứu độ. Nếu có những người theo lạc giáo Tatianô để cho rằng Ađam đã không được cứu rỗi, thì trái lại, các nhà tiến sĩ của Giáo hội Công giáo hằng tuyên xưng rằng ơn cứu độ Ðức Kitô đã hoàn tất, thì bao trùm hết mọi người trong nhân loại, kể từ người đầu tiên. Dù có bị che mờ đi phần nào kể từ sau khi giáo lý về nguyên tội được phổ biến rộng rãi, thì truyền thống ấy cũng vẫn lưu tồn trọn vẹn. Tuy nhiên, điều không ngờ là Sách Giáo Lý Công Giáo (1993) đã dành một chỗ đáng kể cho vấn đề nêu ra ở đây: trong phần cuối, bài viết sẽ có dịp bàn rộng hơn về điều vừa nhận định.
Trước tiên, cần phải lưu ý đến điểm này: chúng tôi quan niệm về Ađam theo đúng những gì được trình thuật trong Kinh Thánh, tức như là một nhân vật biểu hiệu, cho dù khoa chú giải ngày nay có nghĩ sao đi nữa về tính cách lịch sử tính của nhân vật ấy. Ðiều chúng tôi lưu ý tới ở đây là tầm trọng yếu về mặt thần học và tu đức của một cách kiểu trình bày nguồn gốc loài người, bởi vì, dù cách trình thuật có dùng văn thể thần thoại đi nữa, thì việc Ađam được cứu rỗi cũng vẫn nói lên theo một cung cách riêng, sứ điệp cơ bản này của Kitô giáo: ơn cứu độ là phổ quát: “Ðức Kitô đã chết thay cho hết thảy mọi người” (1Cr 5,15).
GIÁO HUẤN CỦA CỰU ƯỚC
Trong Cựu Ước, sau các chương đầu của Sách Sáng Thế, nhân vật Ađam chỉ xuất hiện một cách rất kín đáo. Ðối với các tác giả Kinh Thánh, Ađam không phải, và không mảy may, là nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử; Abraham và nhất là Môsê còn trổi vượt hơn nhiều.[2] Lý do rất đơn giản: là vì trong các trình thuật kinh thánh về khởi nguyên, điều quan trọng hơn hết cần phải lưu ý đến, là ý nghĩa suy nguyên và biểu tượng. Tội của Ađam là tội của con người. Một khi đã xác định xong về điều đó, Cựu Ước cũng vẫn còn quan tâm đến số phận của Ađam sau khi sa ngã, nhưng chỉ là để qua đó, cho thấy rõ thân phận khốn cùng của con người tội lỗi, và lòng thương nhân hậu hải hà mà Thiên Chúa dành cho con người sa đọa.
Nên lưu ý là sau vụ sa ngã, Ađam đã không bị Thiên Chúa nguyền rủa. Trong ba nhân vật gây nên tội phạm thời nguyên sơ, chỉ một mình con rắn là bị nguyền rủa (St 3,14). Trái lại, con người đầu tiên đã được Thiên Chúa xót thương: không phải chết ngay sau khi phạm tội, nhưng là khi đã sống tới 930 tuổi (St 5)! và tiếp tục sống còn ở trong hậu duệ của mình (St 55,4). Thế nên, cuộc phiêu lưu của loài người khởi đầu với Ađam, vẫn còn tiếp diễn, chưa chấm dứt. Lòng ân cần săn đón của Ðấng Tạo Hóa còn biểu hiện qua một cử chỉ tượng trưng, cử chỉ trao ban áo da cho Ađam. Quan trọng hơn nữa: Thiên Chúa đã báo trước cho biết là rốt cuộc, loài người sẽ chiến thắng Con Rắn khốn nạn. Nói cách khác, sự ác nguyên thủy sẽ không thắng được cuộc. Một tia hy vọng đã thoáng lóe lên cho thấy trước về ơn cứu độ. Chính đó là biến cố thường được gọi là Tin Mừng khởi nguyên (St 3,15). Tất cả các nhân tố kia sẽ được giải thích một cách ăn khớp và thỏa đáng hơn, nếu chịu nhận là Ađam đã phạm tội vì yếu đuối, và chịu giả định là Ađam đã hối cải, và Thiên Chúa đã thứ tha.
Ðể soi sáng cho những bước tới của cuộc sưu tầm này, thì cần phải nêu rõ một hậu quả khác của cách kiểu cổ xưa trong lối quan niệm và trình bày về lịch sử tôn giáo của nhân loại, cách kiểu bắt đầu với phần trình thuật có tính cách biểu tượng về thời nguyên thủy, đó là Sách Sáng Thế đã không mảy may bận tâm gì đến số phận của Ađam sau khi ông chết. “Ông chết,” thế là chấm hết (St 5,5). Không có gì mà phải ngạc nhiên cả, bởi vì niềm tin kẻ chết sống lại (hay: linh hồn bất tử) chỉ được đọc thấy trong các phần trình thuật sau này của Cựu Ước, và cũng không phải là hết mọi người Do thái đều tin như thế, kể cả trong thời Ðức Giêsu. Phái Sađốc vẫn tiếp tục từ chối, không tin; lý do là vì họ chỉ giữ có giáo huấn đơn thuần của Ngủ Thư mà thôi. Vấn đề số phận cuối cùng của Ađam sẽ được đặt ra vào một thời sau, và chỉ được giải đáp nơi một vài trào lưu tư tưởng Do thái trong khoảng giao thời giữa hai giao ước, như sẽ trình bày sau đây.
Nhưng, trước đó, cần phải nhắc tới một truyền thống khác trong Kinh Thánh. Dù có nằm bên lề, thì truyền thống ấy cũng cần phải được bàn tới. Truyền thống ấy coi Ađam như là một nhân vật gần như siêu nhân, có vinh quang Thiên Chúa bao phủ, tựa như đã không hề phạm tội, hay cho dù đã phạm tội. Từ truyền thống ấy, Sách Huấn Ca có ghi lại chứng từ này: “Sem và Sét đã được vinh hoa, nhưng trên hết mọi sinh linh, thì có vinh dự của Ađam” (Hc 49,16, xem Kn 10,1-2). Câu này cũng sẽ được gặp thấy trong một số ngụy thư Cựu Ước.
VĂN PHẨM HỖI GIÁO THỜI GIỮA HAI GIAO ƯỚC
Trong các văn bản phát hiện tại Qumrân, không một tài liệu nào đề cập đến Ađam. Ít có những câu, những đoạn ám chỉ đáng kể về con người đầu tiên. Khi nói về “di sản Ađam,”[3] nhà bình giải Thánh vịnh 37 không có ý chỉ về di sản nguyên tội, như người ta thường nghĩ. Trái hẳn lại, từ ngữ đó chỉ về những gì tốt đẹp, quý giá, bởi vì di sản ấy được dành cho những người “hoàn thiện,” “sống cuộc đời hoán cải trong hoang địa,” tức là các phần tử trong cộng đồng của họ. Di sản ấy là chính việc “chấp hữu thế giới,” như Sách IV Étra (XXII,13-15) đã nói rõ khi ám chỉ đến trình thuật về công trình tạo dựng con người (St 1,28). Cũng có thể giải thích theo một cách thức khác để hiểu “di sản Ađam” là Ðịa đàng đã tìm lại được mà Di chúc của Lêvi có nói đến. Thật vậy, tổ phụ Lêvi đã tiên báo về ơn cứu độ thiên sai mà “vị tư tế mới” sẽ mang đến: “Dưới nhậm kỳ tư tế của Ngài, tội lỗi sẽ biến tan đi (…) Chính Ngài sẽ mở các cửa Ðịa đàng ra, và đẩy lui xa thanh gươm hăm đe Ađam.”[4] Chẳng phải đó là cách nói bóng để chỉ về việc Ađam sẽ trở lại Ðịa đàng?
Quả thế, một số các sách ngụy thư mạo đề, như Di chúc Abraham chẳng hạn, còn giới thiệu về cả một Ađam đã được vinh hiển. Trong các sách ấy, Ađam xuất hiện như là một con người lạ thường, “khủng khiếp như hình ảnh Ðấng Tối Cao,” tức như là hình ảnh của Thiên Chúa. Ông ngồi trên ngai vàng, làm nhân chứng trong cuộc phán xét để các người công chính đi qua cửa hẹp hầu hưởng ơn cứu độ muôn đời, và các tội nhân đi qua cửa rộng mà chịu hình phạt muôn kiếp: thấy người được thưởng thì ông vui mừng, thấy người bị phạt thì ông thương khóc.[5] Rõ ràng là cách kiểu gợi hình kỳ lạ kia về Ađam, đã đặt con người đầu tiên về phía những người được cứu độ. Nói cho đúng hơn, xem ra ông đã được dành cho một địa vị đặc biệt và có thể nói là ưu đãi nữa, xét vì ông là con người nguyên sinh: làm như ông đã được trở về lại trong tình trạng hiển vinh trước khi sa ngã phạm tội.[6]
Số phận cuối cùng (post mortem) của Ađam đã được cuốn sách Cuộc đời Ađam và Evà đặc biệt bàn đến và khai triển rộng rãi. Số phận ấy được gợi lại qua hai giai đoạn, theo quan niệm nhị nguyên về con người, tức là quan niệm coi con người có hai phần: hồn (hay tinh thần) và xác. Trước tiên là trình bày về việc linh hồn của Ađam lên trời. Sau khi Ađam chết, một chiếc thiên xa đáp xuống bên cạnh ông, rồi các thiên thần khẩn cầu Chúa thương xót ông. Ngay sau khi Thiên Chúa phán ra lời tha thứ, thì “một trong các luyến thần đã mang Ađam đến hồ địa ngục, tắm rửa cho ông ba lần, và đưa ông ra trước nhan Thiên Chúa” (XXXVII,3).[7] Lúc đó, “ngồi trên ngai,” Thiên Chúa “đã đưa tay ra nắm lấy Ađam, trao ông cho tổng sứ thần Micaen và nói: ‘Hãy đưa ông đến Ðịa đàng và để ông ở đó cho đến ngày trọng đại và kinh khủng, ngày Ta tính sổ thế gian” (tức là ngày phán xét chung) (Ibidem, 4-5).
Còn xác của Ađam thì ở lại dưới đất, và được chính Thiên Chúa đến viếng thăm: Thiên Chúa quở trách nó vì đã không chịu phục tùng, nhưng cùng lúc, Ngài cũng đã đặt trách nhiệm đầu tiên của hành động bất phục tùng ấy lên trên đầu Satan và các thần dữ bộ hạ của nó. Rồi Ngài công bố quyết định tha thứ của Ngài, và việc hồi phục vinh quang nguyên thủy cho Ađam. “Ta sẽ lại đặt con vào trong quyền uy của con, và sẽ để con ngồi trên ngai của kẻ đã lừa dối con” (XXXIX, 2-3).
Một văn bản thật lạ thường, lạ thường về nhiều mặt: ơn cứu độ Ađam nhận được, không phải là thành quả phát xuất từ lòng thống hối của ông, cho dù lòng thống hối ấy có được nhắc đến ở trong một đoạn khác,[8] cũng chẳng phải là kết quả hành động cứu độ của một vị cứu tinh nào đó; ơn cứu độ ấy đơn thuần được coi như là hoa trái nẩy sinh từ lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với tạo vật khốn khổ của Ngài. Còn kỳ lạ hơn nữa: Ađam sẽ chiếm giữ ngai của Satan, thần sứ sa đọa, là kẻ chịu trách nhiệm về nguyên tội. Như thế là Ađam đạt được đến một trạng thái thiên thượng siêu nhân, như một thiên thần. Felix culpa!
Sau đó, Thiên Chúa đã cho ướp hương và chôn cất xác của Ađam tại chính chỗ Ngài đã lấy bùn đất để nắn lên thân xác của ông. Cuối cùng, câu truyện kỳ diệu ấy đã kết thúc với lời hứa sẽ cho Ađam và hết thảy con cháu của ông sống lại. Ðượm đầy hy vọng vào ơn cứu rỗi phổ quát (dành cho mọi người), văn bản kia biểu hiện một tinh thần lạc quan sâu rộng. Trái ngược với giáo thuyết kitô cổ truyền về nguyên tội, văn bản đã giảm nhẹ hay ít ra là tương đối hóa đi lỗi phạm của Ađam, để rốt cuộc tha bổng hẳn mà, nhất là, không mảy may đề cập gì đến một vị cứu tinh. Ơn tha thứ và cứu rỗi Ađam nhận được, là công trình trực tiếp của Thiên Chúa, không nhờ vào một vị trung gian nào khác cả: điều này chứng tỏ rằng văn bản kia là một tài liệu Do thái.
Tóm lại, truyền thống Do thái giáo thời đầu kỷ nguyên kitô là một truyền thống có lối nhìn lạc quan về số phận đời đời của Ađam, cầm chắc là ông đã được cứu rỗi. Nếu con người đầu tiên được cứu rỗi, dù đã là người đầu tiên phạm tội và là nguyên nhân gây họa cho cả loài người, tất phải kết luận rằng rất có lý để hy vọng là Thiên Chúa cũng sẽ lấy lòng nhân hậu của Ngài mà đối xử với hết thảy con cháu của ông. Truyền thống ấy sẽ vẫn tiếp tục lưu tồn qua các văn phẩm kitô cổ thời. Nhưng trước hết, xin được tiếp tục tiến hành cuộc suy cứu với việc thăm dò lập trường của các tác giả Tân Ước.
TÂN ƯỚC
So với các văn phẩm hồi giao thời giữa hai giao ước như thấy trên đây, thì trong những gì liên quan đến con người đầu tiên, lập trường của Tân Ước có vẻ rất “chậm tiến.” Theo trình thuật của các Phúc Âm, Ðức Giêsu xem ra không lưu ý nhiều đến Ađam trong khi Ngài giảng dạy. Dù sao thì các Phúc Âm nhất lãm cũng như Gioan đã không đề cập đến ông một cách rõ ràng. Còn Phaolô, là tác giả đã viết các thư trước thời các Phúc Âm, thì lại khác hẳn.
Ðối Chiếu Ađam-Kitô
Thật vậy, chính Phaolô là người đã làm cho các kitô hữu chú ý đến Ađam, với việc đem Ađam đối chiếu với Ðức Kitô: một bên là nguyên căn tội lỗi; bên kia là nguyên nhân cứu độ.[9] Trong khuôn khổ biện chứng ấy, vấn đề cứu rỗi Ađam không được đặt ra. Vả, Phaolô cũng không mấy để ý đến chiều kích lịch sử của con người Ađam cho bằng lưu tâm đến ý nghĩa mà ông mang lại cho lịch sử loài người. Ý nghĩa này có hai mặt: Ađam không chỉ là người đã đưa tội lỗi và sự chết vào trong thế gian, nhưng hơn nữa, ông còn là “hình ảnh của Ðấng sẽ đến” (Rm 5,14).
Ở đây, chúng tôi không có ý tìm xem chiều kích thứ hai — rõ ràng là tích cực — trong ý nghĩa vừa nói, có thực sự ăn khớp với chiều kích thứ nhất hay không. Không có nhà chú giải nào là không nêu bật cho thấy rằng việc so sánh Ađam với Ðức Kitô là một việc làm phức tạp và mù mịt.[10] Có lẽ, đằng sau việc so sánh kia, còn có nhiều truyền thống Do thái khác nhau về Ađam, như chúng tôi đã nhắc đến trên kia, mà Phaolô đã cố phối hòa và sử dụng vào trong luận chứng của mình.
Và rốt cuộc, đối với Phaolô, trọng điểm chủ yếu nhất chính là con người của Ðấng Cứu Thế, và chiều kích phổ quát của ơn cứu độ Ðức Kitô mang đến cho thế giới. “Nhờ một người duy nhất (Ðức Kitô) đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người sẽ được nên công chính” (Rm 5,19). “Nhờ liên đới với Ðức Kitô mà mọi người được Thiên Chúa cho sống” (1Cr 15,22; x. 2Tm 1,10). Ai mà không biết rằng vị tông đồ dân ngoại đã đem hết nghị lực mình ra để rao giảng về phổ quát tính của ơn cứu độ.[11] Có cần phải nhắc đến thâm tín của ngài về việc khôi phục và quy tập tất cả mọi sự dưới quyền một thủ lãnh là Ðức Kitô (x. Ep 1,10; Cl 1,18-20): để cuối cùng rồi “Thiên Chúa sẽ là tất cả trong tất cả” (1Cr 15,28)? Và cả đến nguyên tắc sau đây nữa, là kim chỉ nam hướng dẫn toàn bộ khoa Cứu độ học kitô: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, thì ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội (…) Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 5,20; 11,32)? Có thế, ơn cứu rỗi Ađam mới hòa nhập dễ dàng và êm đẹp được vào trong viễn cảnh vĩ đại ấy của ơn cứu độ phổ quát. Sau này, đa số các giáo phụ cũng đã hiểu như thế. Tuy nhiên, phải nhận rằng tuyệt nhiên Phaolô đã không nói một lời nào về điểm này.
Thư thứ nhất của Phêrô cũng giữ thái độ lặng thinh ấy, cho dù có nhắc đến một sự kiện kỳ lạ: một vụ Ðức Giêsu thuyết giảng cho các kẻ chết (1Pr 3,18-22 và 4,6), và dù có đóng vai trò phác thảo cho những gì sẽ trở thành một chủ đề rất quen thuộc đối với đại chúng trong thời đầu của Kitô giáo, tức là chủ đề Ðức Kitô xuống ngục tổ tông.[12]
VĂN PHẨM KITÔ CỔ THỜI
Bởi vì bối cảnh Ðức Kitô xuống ngục tổ tông là môi trường thích hợp nhất cho việc tìm hiểu về số phận đời đời của Ađam, thế nên, trước tiên cần phải giải thích cho thấy lý do tại sao lại có một cách kiểu cổ xưa như thế được dùng để trình bày về một khía cạnh trong mầu nhiệm phục sinh. Thật vậy, người thời nay không thể không ngỡ ngàng ngạc nhiên khi gặp thấy một lối trình bày như thế.
Ðức Kitô xuống ngục tổ tông
Tiên quyết là phải dè chừng những cách dùng từ mơ hồ nước đôi. “Ngục” hiểu theo thần học cổ điển, là từ dùng để biểu đạt khái niệm kitô chỉ về một nơi dành cho các đọa nhân. “Ngục” cũng có thể có nghĩa là “địa ngục,” và dù có nhiều cách cắt nghĩa khác nhau, thì cách chung, theo thần thoại tây phương cũng như đông phương, “địa ngục” cũng vẫn là nơi cư ngụ của các kẻ chết, là “cõi âm” (=âm phủ, âm ty). Trong Do thái giáo và Kitô giáo, để chỉ về “địa ngục,” tín hữu nói tiếng Hipri dùng từ Shêol, còn tín hữu nói tiếng Hy lạp (như các giáo phụ Hy lạp chẳng hạn) thì dùng từ Hadês. Có dùng từ nào đi nữa, thì cũng cần phải hiểu theo ý nghĩa của từ Shêol, bởi vì vấn đề đang bàn là một vấn đề đặt ra từ trong bối cảnh Hipri.
Ðối với các tác giả Kinh Thánh, địa ngục (Shêol) nằm sâu trong lòng trái đất (Tv 63,10; Is 14,15). Và thế giới dưới đất ấy, thế giới của các nấm mồ, chính là nơi lưu ngụ của những người quá cố, lành cũng như dữ. Quan niệm này sẽ biến hóa với đà tiến phát của nhân học do giao tiếp với tư tưởng Hy lạp và với các ý niệm Do thái về cánh chung. Và từ đó sẽ thành hình ý niệm phân biệt giữa hai loại trú sở: cõi âm các chính nhân và cõi âm các tội nhân. Nhưng nói chung thì theo truyền thống, địa ngục bao giờ cũng mang ý nghĩa chỉ về nơi cư trú của các kẻ chết. Cách nói bóng “xuống ngục” đơn thuần, hay ít nhất là trước tiên, có nghĩa là “chết” (theo nghĩa đen), chứ không gì khác hơn. Khi các kitô hữu đầu tiên, gốc Do thái, khẳng quyết Ðức Giêsu “đã xuống ngục (Shêol),” là họ muốn nói rằng Ngài đã chết thật, Ngài đã phải chịu số phận tử vong của hết thảy mọi người kể từ Ađam. Cũng như nhân tính của Ngài, cái chết của Ðức Giêsu không phải chỉ là một hiện tượng biểu kiến hay bên ngoài, như là một ảo tưởng. Ðức Giêsu đã thực sự đi qua kinh nghiệm tử vong của loài người. Ðó là ý nghĩa đầu tiên và căn bản của từ ngữ “xuống ngục” mà về sau, một số bản tuyên tín (kinh Tin kính) sẽ dùng vào trong nội dung của mình. Cũng vậy, hình ảnh ngược lại: “lên khỏi ngục” và “lên từ cõi âm (nơi các kẻ chết)” muốn nói là: sống trở lại, phục sinh, sống lại (xem Rm 10,7; Dt 12,20; Cv 2,14).
Thế thì, các hình ảnh dùng theo phép ẩn dụ Do thái: “xuống ngục” và “lên khỏi ngục” chỉ là những biểu tượng song đôi mang ý nghĩa trước tiên chỉ về sự chết và sự sống lại của Ðức Kitô. Chính vì vậy mà các hình ảnh đó đã không cần có mặt ở trong các công thức tuyên tín đầu tiên, bởi lẽ về mặt giáo lý, chỉ cần khẳng định Ðức Kitô đã chết và đã sống lại là đã đủ.
Nhưng, như vẫn thấy xảy ra, các công thức biểu đạt theo lối dùng hình ảnh thì thường được đại chúng ưa chuộng hơn là những công thức trừu tượng. Rồi với đà tưởng tượng, các cách trình bày bằng hình ảnh –chứ không phải là chỉ một mình ý niệm trừu tượng mà thôi –lại được thêu dệt thêm ra: đó chính là cách kiểu hình thành của thần thoại.
Tiến trình ấy sẽ từ từ đi đến chỗ thêm vào, khoảng năm 400, trong kinh Tin kính các Tông đồ câu “Xuống ngục tổ tông.”[13] Tuy nhiên, từ sau đó, câu thêm ấy không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa xác định về sự việc Ðức Kitô đã chết thật, mà còn hàm xúc cả việc minh nhiên hóa một ý tưởng thần học khác nữa, đó là việc áp dụng các thành quả của cái chết cứu độ ấy cho những ai đã qua đời trước Ngài (hiệu lực hồi tố của công trình cứu độ). Công thức ấy còn giúp minh họa cho sứ điệp Tin Mừng này là: Ðức Kitô đã chết cho hết thảy mọi người. Vậy thì, nói cho hết lẽ, ơn cứu rỗi Ađam tất cũng phải có mặt ở trong viễn cảnh ấy, như đã thấy ở trong các văn phẩm kitô đầu tiên.
Chứng từ của các thế kỷ đầu
Xin tạm gác một bên một số tác giả trong ba thế kỷ đầu, chẳng hạn như là: Hermas[14] hoặc Clêmentê Alexanđria.[15] bởi vì, dù có nói đến biến cố xuống ngục, họ cũng đã không đề cập gì một cách rõ ràng, tới việc cứu rỗi Ađam. Nếu, như trong các trường hợp vừa kể, trong cuốn Chống Celsô, Origênê chỉ khẳng định niềm tin chung vào biến cố Ðức Kitô xuống ngục mà không đề cập gì đến ơn cứu rỗi Ađam,[16] thì ngược lại, trong một bài giảng về Sách Sáng Thế, tác giả đã minh giải rất rõ về một điểm liên quan đến Ađam: “Con Một của Ngài (Thiên Chúa) đã xuống ngục để cứu độ nhân thế và đã đem con người đầu tiên (protoplastum) ra khỏi nơi ấy.”[17] Nên lưu ý là không phải đơn thuần nhắc lại truyền thống mà thôi, nhà đại thần học thành Alexanđria còn nêu rõ cho thấy tầm trọng yếu thần học của điểm giáo lý ấy nữa, tức là: ”để cứu độ nhân thế.” Nhưng, nhà thần học lớn nhất trong vấn đề ơn cứu rỗi Ađam vẫn là thánh Irênêô thành Lyon ( khoảng năm 200).
Irênêô thành Lyon
Trong tác phẩm Chống các lạc giáo, Irênêô đã khẳng định lại nhiều lần về biến cố Ðức Kitô đi xuống “trong lòng đất.” Lần nào Irênêô cũng lấy câu văn huyền bí Ep 4,9: “Ngài đã xuống tận các vùng sâu thẳm dưới mặt đất” (III,19.3;IV,22.1-1; 27.2; V,31.1-2) làm cơ sở cho luận chứng của mình. Có điều lạ là vị giám mục thành Lyon đã không nhắc nhở gì tới Thư thứ nhất của Phêrô, mà dường như ngài đã không biết đến. Ngược lại, ngài thường trưng dẫn một câu ngài coi là của Giêrêmia (IV,22,1), hay của Isaia (III,20,4), hoặc là cách chung, của các tiên tri (IV,27,2; 33,12; V,31,1), đó là câu:
“Ðức Chúa, Ðấng Thánh của Ítraen, đã nhớ đến các kẻ quá cố của Ngài đang yên ngủ dưới đất mồ, và Ngài đã xuống với họ để loan báo cho họ tin mừng về ơn cứu độ đến từ Ngài, để cứu vớt họ.”
Không đọc thấy trong các văn bản quy điển (Kinh Thánh), đoạn trưng dẫn này có thể là được rút ra từ tập testimonia (chứng từ), là một tập tóm lược những gì truyền thống kitô nói về chủ đề đang bàn tới.[18]
Trong lần đầu tiên nhắc đến sự việc Ðức Kitô “xuống ngục,” tác giả tập sách đã giải thích về mục đích của biến cố ấy như sau:
“Ngài đi tìm con chiên lạc (x. Lc 15,4-6), tức là tác phẩm chính Ngài đã nắn đắp nên, là Ađam (x.St 2,7), rồi Ngài lên cao (x. Ep 4,9-10) để dâng tiến và trao về cho Cha Ngài con người đã tìm lại được, cũng như để hoàn tất nơi chính mình bước đầu tiên trong tiến trình sống lại của loài người” (III,19.3; x. III,23.1).
Theo đoạn văn tuyệt diệu này, thì ơn cứu rỗi Ađam là dấu tiên trưng và là mẫu tiêu biểu cho ơn cứu độ phổ quát. Chính thế, trong các đoạn khác, tác giả đã viết rằng Ðức Kitô đã xuống “trong các vùng sâu thẳm dưới mặt đất” đến với tất cả những người công chính, để công bố ơn cứu độ ban tặng cho mọi người,
“vì Ðức Kitô không chỉ đến cho những ai, kể từ triều đại hoàng đế Tibêriô trở về sau, đã tin vào Ngài; và Thiên Chúa Cha cũng không chỉ quan phòng cho những người sống trong thời này mà thôi, nhưng còn cho tất cả những ai, kể từ nguyên thủy, đã biết theo khả năng của mình và hoàn cảnh trong thời mình, mà kính sợ và yêu mến Thiên Chúa, mà thực thi công bằng và nhân hậu đối với tha nhân, mà ao ước được gặp thấy Ðức Kitô và nghe theo tiếng của Ngài” (IV,22.1-2; x. 27.2; 33.1; V,31. 1-2).
Nhân vật Ađam đã giúp cho Irênêô có được những nhân tố cần thiết để trình bày rõ về tầm cỡ bao la của kế hoạch tình yêu mà Thiên Chúa đã đề xuất cho loài người. Ðành rằng Ađam đã phạm tội, và là tội nhân đầu tiên đã lối cuốn nhân loại cùng đi vào con đường bất tuân của mình (III,23.1-8; V,16.3; 21.1; 34.2). Nhưng, đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, Ađam cũng là, như Phaolô đã nhận định, “hình ảnh của Ðấng sẽ tới”(Rm 5,14), bởi vì, Ngôi Lời, Ðấng tạo thành vũ trụ, đã từ trước, phác thảo ở nơi Ađam, đề cương cho “kế hoạch (tương lai) về thân phận làm người của nhân loại mà Con Thiên Chúa sẽ mặc lấy” (III, 22,3). Như thế, để luận chứng cho ăn khớp với “kế hoạch” cứu độ, thì phải kết luận là cả Ađam nữa cũng đã được cứu rỗi “một khi đã sống qua thời gian chịu hình phạt vì bất tuân” (III,23,1). Vì yếu đuối Ađam đã sa ngã phạm tội, ngây thơ nghe theo cho Con Rắn lừa bịp; nhưng ông đã thống hối và Thiên Chúa đã đem lòng khoan dung tha thứ cho ông (III,23,3,5-7). Cuối cùng, Ngài đã tiên báo cho ông biết là Con Rắn sẽ bại trận (x. Tin Mừng khởi nguyên).
Nếu Ngôi Lời Thiên Chúa đã đến cứu vớt nhân loại, thì Ađam cũng phải được cứu rỗi.
“Nếu con người đã được cứu rỗi, thì tất phải làm sao để cho con người đã được nắn đắp nên đầu tiên, cũng được cứu rỗi. Là chuyện hết sức phi lý, nếu người bị kẻ thù (= Quỷ dữ) gây thương tổn trầm trọng, và trước ai hết, đã phải khổ đau vì cảnh cầm tù, lại không được giải phóng bởi Ðấng đã chiến thắng kẻ thù, trong khi con cái ông sinh ra trong cảnh cầm tù ấy thì lại được giải thoát” (III,23,2).
Do sự việc Ngài sống lại, Ðức Kitô đã thắng sự chết và chúa trùm sự chết; thế thì điều hợp lý là con người nạn nhân đầu tiên của chúng, cũng được hưởng phần trong cuộc vinh thắng ấy. Vì thế, “Ađam đã có lại được sự sống.” Chính đó là dấu chỉ cho thấy rằng tội lỗi và sự chết đã bị Ðức Kitô đánh bại, và sự sống lại đã được hứa ban cho hết mọi người. Ơn cứu rỗi Ađam cũng chính là dấu chỉ về hiệu lực thực sự của ơn cứu độ đối với toàn thể nhân loại. Quả vậy, Irênêô viết rằng không có đủ lý chứng để nói là thần chết đã bị bại trận, “nếu chính con người đã từng bị thần chết đặt ách thống trị lên đầu lên cổ trước ai hết, lại không được giải thoát, bởi vì cứu thoát người ấy có nghĩa là tiêu diệt thần chết. Vậy, nếu Thiên Chúa đã làm cho con người, tức là Ađam, sống, thì rõ ràng là thần chết đã thực sự bị tiêu diệt” (III,23,7).
Thực ra, đó là lập trường có liên hệ đến toàn bộ hệ thống thần học của Irênêô. Và bởi coi đó là lập trường duy nhất chính thống, nên tác giả lại càng bênh vực quan điểm kia một cách cương quyết hơn. Cũng vì vậy mà tác giả đã mạnh mẽ chống bác lập trường của Tatianô và những ai phủ nhận ơn cứu rỗi Ađam. Tác giả cũng đã không ngần ngại gọi họ là “lạc giáo và bội tín đối với chân lý” và quan điểm của họ là “phạm thượng” (I,28,1); bởi vì làm thế, là họ đã thực sự đặt lại vấn đề đối với toàn bộ giáo lý kitô. Tác giả nhấn mạnh thêm rằng nếu Ađam đã không được cứu rỗi, thì “toàn thể nhân loại vẫn còn phải nằm dưới ách thống trị của sa đọa.” Nếu tội lỗi và sự chết không bị đánh bại từ gốc rễ, thì ơn cứu độ loài người chỉ là ảo ảnh.
Irênêô có một lối lý luận thần học rất sít sao, chặt chẽ. Nếu Nhập thể là hiện thực, và công cuộc Cứu độ là hiện thực, ắt hẳn ơn cứu độ cũng là hiện thực. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là một chặng khai triển tất nhiên trong tiến trình lôgic của công cuộc tạo dựng con người, tác phẩm của tình yêu. Thế nên, Ðức Kitô quy tập Ađam vào trong chính mình Ngài để cứu vớt, cũng nơi chính mình Ngài, những gì đã bị hư mất đi nơi con người đầu tiên (III,18,1; 21,10; V,12; 14,1); sở dĩ để ý nhấn mạnh đến ơn cứu rỗi Ađam nhiều như thế, chính là vì Irênêô thâm tín rằng đó không phải là một vấn đề còn tự do thả nổi, quan niệm sao thì tùy ý, một chuyện bên lề không đáng kể của suy tư thần học, nhưng không, đó là một điểm tất yếu, là một hệ luận phát nguyên từ tính chất hiện thực và hữu hiệu của ơn cứu độ Ðức Kitô đã mang lại cho toàn thể nhân loại.
Với Irênêô, đã hình thành một công trình tổng hợp thần học nối kết được những cách nhìn lạc quan mà Do thái giáo thời đầu kỷ nguyên kitô đã đề xuất về số phận của Ađam (như đã thấy trình bày trước đây), với nhãn quan kitô về ơn cứu độ phổ quát.[19] Sau Irênêô, truyền thống kitô, nhất là bên Ðông phương, đã không bao giờ bỏ quên những giáo huấn bậc thầy mà vị giám mục thành Lyon đã để lại. Sau này, chủ đề về ơn cứu độ Ađam thường được nêu lên nhiều nhất là trong bối cảnh Ðức Kitô xuống ngục, như đã trình bày ở trên kia. Tin Mừng ngụy thư của Nicôđêmô là một trong những thí dụ minh họa đáng chú ý nhất.
Tin Mừng theo Nicôđêmô
Tác giả Tin Mừng ngụy thư theo Nicôđêmô đã lấy lại nhiều truyền thống khác nhau về sự việc Ðức Kitô xuống ngục, và sắp đặt lại thành một thiên trình thuật lý thú thu gặt được thành công lớn vì rất được ưa chuộng. Bản trình thuật ấy đã gây được một ảnh hưởng quyết định dẫn đường cho toàn bộ nghệ thuật ảnh thánh về chủ đề này,[20] và đã cung cấp chất liệu phong phú cho óc tưởng tượng của nhiều thế kỷ kitô sau này.
Trước tiên, thiên trình thuật kể lại nhiều vụ can thiệp mà một vài cư dân nổi tiếng của địa ngục đã làm: các lần Isaia và Gioan Tẩy giả nhắc lại là mình đã tiên báo về Ðấng Thiên Sai; và tiếp sau đó là vụ can thiệp của Ađam, thu tóm lại một đoạn trích từ Cuộc Ðời Ađam và Evà, như đã giới thiệu trên kia. Trước khi chết, Ađam đã sai con mình là Sét đi tới cửa Ðịa đàng để xin “dầu nhân hậu” chữa cho ông lành. Lời yêu cầu bị từ chối, nhưng lại được hứa sẽ ban cho ơn cứu độ:
“Hãy nói với cha ngươi là phải để cho thời gian 1500 năm kể từ buổi tạo dựng vũ trụ trôi qua trước đã; rồi sau đó, Con Một của Thiên Chúa sẽ làm người xuống giữa trần gian, và Ngài sẽ xức cho cha ngươi thứ dầu ấy để làm cho ông sống lại. Lấy nước và Thần Khí, Ngài sẽ rửa cho cả ông lẫn các con cháu của ông. Lúc đó, ông sẽ được chữa lành khỏi mọi bệnh chứng mòn mỏi suy nhược…( §19).[21]
Sau trận xung kích vào địa ngục, là cuộc giải phóng các kẻ chết và vụ bắt trói Satan,
“Vua vinh quang’ (Ðức Kitô) đã đưa tay nắm lấy Ađam, tổ phụ đầu tiên của loài người chúng ta và đã làm cho ông sống lại. Sau đó, quay về phía các người khác, Ngài nói: ÀHỡi các ngươi tất cả là những kẻ vì cây gỗ[22] người này đã chạm đến, mà chết, hãy đến với Ta. Vì, này đây, nhờ gỗ thập giá, Ta nâng tất cả các ngươi lên’. Ngay lúc đó, Ngài đã đưa tất cả ra khỏi địa ngục; tràn ngập hân hoan, Ađam, tổ phụ đầu tiên của chúng ta, đã thốt lên: ÀLạy Ðức Chúa, tôi xin cảm tạ lòng đại lượng của Ngài, vì Ngài đã giải thoát tôi khỏi vực thẳm địa ngục này’ (…) Trong khi Ađam còn đang nói, thì Ðức Chúa ghi dấu thánh giá lên trán ông[23] mà chúc lành cho ông. Ngài cũng làm như thế với các tổ phụ và các tiên tri, với các vị tử đạo và các tiền nhân, và chỉ nháy mắt, là Ngài đã đưa họ ra khỏi địa ngục (…) Ðức Kitô cầm tay dắt Ađam, tổ phụ đầu tiên, đến Ðịa đàng, và phó thác ông cùng hết thảy mọi người công chính, cho tổng thiên sứ Micaen…” (§§24-25).
Lẽ ra phải bình giải dài rộng hơn về thiên trình thuật kỳ diệu này; nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin nêu lên một vài nhận định tổng quát mà thôi: sự việc Ađam cũng như các người công chính sống trước thời Ðức Kitô (như các tổ phụ, các tiên tri, các vị tử đạo) đều được cứu rỗi, đã được khẳng định một cách rõ ràng; còn việc nhắc nhở đến “các tiền nhân” ở cuối danh sách, thì không để lộ một ý nghĩa rõ ràng cho lắm. Nếu nhắc nhở như thế là có ý muốn chỉ về các người công chính khác, thì trú sở các kẻ chết mà Ðức Kitô đã phá hủy, chỉ là một phần của địa ngục, tức phần dành cho những người công chính, và các tội nhân quá cố đã không được dự phần vào trong cuộc giải phóng kia. Ðúng vậy, thực tế cho thấy là cách hiểu này đã thật sự thắng thế.
Tuy nhiên, thiên trình thuật về việc phá hủy địa ngục như trình bày trên đây (§ 20-23), đã không cho thấy một dấu vết nào biện bạch cho một lối nhìn thu hẹp như thế. Hơn nữa, một vài chi tiết trong thiên trình tuật ấy lại còn cho thấy một viễn ảnh trái hẳn với lối nhìn này, chẳng hạn như những lời sau đây được đặt vào miệng của Hađê (ông chủ địa ngục) để nói với Satan: “Tao e rằng y (Ðức Kitô) có đến đây, thì cũng chính là để cứu thoát hết mọi tội nhân này, là những kẻ chết nằm trong tay tao. Tao nhắc lại cho mày là, (…) nếu mày để y xuống đây, thì không một vong nhân nào sẽ còn nằm dưới quyền của tao nữa cả” (§ 20). Cũng vậy, sau khi Ðức Kitô vinh quang tiến vào địa ngục, “tất cả các kẻ chết đều được tháo gỡ xiềng xích đã trói buộc họ” (§ 22,3). Rồi, một lần nữa, trước cảnh địa ngục trống vắng, Hađê đã nói với Satan rằng:
“Mày coi đó: tao không còn có lấy một vong nhân nào nữa cả. Hết thảy những kẻ mà mày đã dành được nhờ cây biết lành biết dữ, thì đây, cây thập giá đã dành lại tất cả khỏi tay mày rồi… Ôi Thần chết, căn duyên tội lỗi! (…) Tại sao mày lại tìm cách để làm cho rơi vào trong cõi tăm tối này một con người như thế, con người đã tước đoạt từ tay của mày hết thảy mọi kẻ chết, kể từ nguyên thủy?” (§ 23).
Rõ ràng là các đoạn vừa trưng dẫn trên đây đều gợi lên hình ảnh của một địa ngục trống vắng, và ơn cứu rỗi mà tất cả những ai đã ra đi trước thời Ðức Kitô, cũng đều nhận được. Thế nên, để cho đúng lý, thì cần phải hiểu từ ngữ “tiền nhân” dùng đến trong đoạn lược kê những người đã được cứu rỗi cùng với Ađam (§24), theo nghĩa chỉ về tất cả mọi người quá cố.
Một chủ đề của mọi thời
Ăn sâu vào trong truyền thống rất cố cựu,[24] chủ đề về ơn cứu rỗi Ađam, gắn liền với chủ đề xuống ngục tổ tông, vẫn còn được đề cập đến tại Tây phương cũng như bên Ðông phương, cho tới ngày nay. Các tác giả viết về chủ đề thì nhiều vô kể; vì vậy, tốt hơn là chỉ xin nêu ra sau đây một vài nhận xét tổng quát.
Như đã nhận định trên kia, với việc hình thành giáo thuyết về nguyên tội –mà thánh Âugutinô đã khéo léo trình bày qua một cách thức biểu đạt thần học khúc chiết và đầy đủ nhất– không nhiều thì ít, chủ đề về ơn cứu rỗi Ađam đã bị che mờ đi trước mắt các nhà thần học Tây phương.[25] Dù sao cũng cần phải nói cho rõ là trước tác động sâu rộng của một truyền thống cố cựu và vững chắc như thế,[26] dĩ nhiên Âugutinô giữ nguyên xác tín về ơn cứu rỗi Ađam. Bên Tây phương, nếu niềm thâm tín ấy đã tồn tại, thì chính là nhờ phụng vụ,[27] và nhất là, theo thiển ý của tôi, nhờ việc phổ biến rộng rãi giữa đại chúng, các hình ảnh biểu trưng cuộc Ðức Kitô xuống ngục tổ tông, cách riêng là của nghệ thuật ảnh thánh thời Trung cổ; trong các ảnh tượng này, bao giờ cũng thấy Ađam và Evà đứng ở hàng đầu giữa các người công chính được cứu thoát ra khỏi địa ngục. Niềm xác tín ấy cũng được nói lên qua các vai diễn viên Ađam và Evà trong các vở kịch tôn giáo thời Trung cổ.
Về mặt văn chương, thì có hiện tượng thành công lạ lùng của cuốn Legenda Aurea làm chứng: đó là tác phẩm của Jacques de Voragine, xuất bản khoảng năm 1250,[28] và đã rất được ưa chuộng trong thời ấy. Cuốn sách trưng dẫn Tin Mừng theo Nicôđêmô và nhiều truyền thuyết khác về Ađam, đặc biệt là truyền thuyết thuật lại việc ông Ađam đã được chôn nơi đồi Gôngôtha, ngay ở chỗ Ðức Giêsu đã chịu đóng đinh vào thập giá: máu Ðấng Cứu thế đã chảy xuống trên đầu con người đầu tiên, làm cho ông trở thành như là người đầu tiên được chịu Phép Rửa, người đầu tiên được hưởng ơn huệ do cuộc tử nạn cứu độ của Ngài mang lại.[29]
Còn về phía Ðông phương: bởi đã không chịu ảnh hưởng thần học Âugutinô cho mấy, nên các Giáo hội vẫn giữ nguyên lập trường về ơn cứu rỗi Ađam một cách cương quyết hơn là bên Tây phương. Một thí dụ: bức ảnh chính thức của Giáo hội Chính thống minh họa cuộc Phục Sinh (Anástasis) chính là bức ảnh thánh trình tả việc Ðức Kitô xuống ngục tổ tông, hay nói cho đúng hơn, cuộc Ngài khải hoàn đi lên khỏi địa ngục, tay dắt Ađam đưa vào Thiên đàng. Vậy là cùng một trật, ảnh thánh ấy diễn tả biến cố Ðức Kitô Ðức Kitô sống lại, và nói lên ý nghĩa huyền nhiệm biến cố ấy tích chứa, tức là ơn cứu độ dành cho toàn thể nhân loại, được biểu hiện qua sự việc cứu rỗi con người (và còn hơn nữa: hai ông bà) đầu tiên trong loài người.
Ðể thử kết luận
Chịu ảnh hưởng của giáo thuyết Âugutinô về nguyên tội di truyền, Tây phương đã hầu như đơn thuần nhìn Ađam qua hình ảnh của con người tội nhân đầu tiên, của con người đã làm cho cả nhân loại ra ô nhiễm với tội phạm của mình, cũng như đã làm cho loài người phải chịu án hỏa ngục nếu không có ơn cứu độ của Ðức Kitô. Vì vậy, các nhà thần học Tây phương thường thận trọng giữ lập trường lặng thinh, không đề cập gì tới thái độ của con người đầu tiên đối với Thiên Chúa sau khi sa ngã, và cũng không bàn gì về số phận đời đời của ông sau khi ông chết. Nhân tố chủ chốt đã giúp cho giáo thuyết truyền thống về ơn cứu rỗi Ađam còn tồn lưu được bên Tây phương, là chính cách kiểu đại chúng minh họa qua các ảnh tượng biến cố Ðức Kitô xuống ngục tổ tông.
Do đó, ngạc nhiên là cảm tưởng chung khi thấy cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (1992) mới đây đã nêu điểm giáo thuyết truyền thống kia lên lại. Chắc hẳn đó là thành quả của việc thấu hiểu sâu hơn về giáo huấn các giáo phụ và đặc biệt là về truyền thống Kitô giáo cổ thời, cũng như của việc lưu tâm cẩn trọng hơn đến các truyền thống đông phương nhờ tác động khích lệ của những bước tiến mới trong con đường đại kết.
Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo
Trong cuốn giáo lý này, Ađam có được một vị trí khá nổi, không còn phải đứng ở chỗ công đồng Vaticanô II dành cho đằng sau hậu trường.[30] Khuất bóng hầu như hoàn toàn ở trong các văn kiện công đồng, cách giải thích nguồn gốc loài người theo lối lịch sử hóa đã ngoi lên lại được ở trong cuốn Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo. Vấn đề ơn cứu rỗi Ađam đã được đề cập đến trong ba đoạn khác nhau: trước tiên là trong thiên 55 (§§ 631-637) trình bày về biến cố Ðức Kitô xuống ngục tổ tông và sống lại, là uyên nguyên cổ điển của chủ đề chúng ta đang bàn; thứ đến là trong đoạn nói về ơn cứu độ cánh chung (§ 632); và cuối cùng là trong mục cắt nghĩa về Ngày của Chúa, tức là Chúa nhật (§1167).
Lẽ ra phải giải thích dài rộng hơn về ý nghĩa chú giải và thần học của mục “Ðức Giêsu xuống ngục tổ tông”; nhưng ở đây chỉ xin được lưu ý là mục giáo lý này thực sự đã nêu rõ cho thấy các ý nghĩa thần học chủ yếu hàm ngụ ở trong biểu tượng “xuống ngục”: trước hết, Ðức Giêsu đã chết thật: “Ngài đã chết, hệt như hết mọi người” (§ 632); rồi đến mối quan hệ nối kết việc Ngài lên khỏi địa ngục với việc Ngài sống lại, và khẳng định chống lại mọi hình thức ảo thân thuyết, để xác định là đã chết thật, Ðức Giêsu cũng đã sống lại thật; cuộc sống lại này mang lại ý nghĩa cho cái chết của Ngài, ý nghĩa toàn thắng trên sự chết và quỷ dữ, ông tổ của sự chết; kết quả là nhân loại được giải thoát khỏi sự chết và khỏi ách nô lệ của Satan; cuối cùng và nhất là cuộc Ðức Kitô xuống cõi âm ty còn hàm tích ý nghĩa muốn nói rằng là phổ quát, ơn cứu độ có hiệu lực thực sự đối với và nơi hết thảy mọi người trong nhân loại, bắt đầu từ các thế hệ sống trước thời Ðức Kitô; và đây là lúc cần phải nhắc đến Ađam; một việc nhắc nhở có tầm quan trọng chủ chốt, bởi vì, nhắc đến sự việc Ðức Kitô đến để giải phóng Ađam, tức là có ý khẳng định rằng Ngài đến để giải phóng toàn thể nhân loại, kể từ con người đầu tiên. Và như là để tóm kết, sách giáo lý đã trưng dẫn đoạn lý thú sau đây trích từ một bài giảng cổ thời, bài giảng cho Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, được coi là của Epiphaniô Salamina:
“… Ngài đi tìm Ađam, tổ phụ đầu tiên của chúng ta, con chiên lạc. Ngài đã muốn đến thăm mọi người đang ngồi trong bóng chết. Chính Ngài, là Ðấng Thiên Chúa và cũng là con của họ, đã đến để giải thoát họ, để giải thoát Ađam đang bị xiềng xích trói buộc, và Evà đang cùng chịu cầm tù với ông, khỏi những nỗi khổ đau đang gánh chịu (…) ÀTa là Thiên Chúa của ngươi, và vì ngươi, Ta đã trở thành con của ngươi. Hãy thức tỉnh chỗi dậy, hỡi ngươi là người đang ngủ mê, vì Ta đã không tạo dựng nên ngươi để ngươi phải chịu trói buộc nằm lê ở đây, trong chốn địa ngục này. Hãy đứng khỏi lên từ giữa các kẻ chết. Ta là Sức Sống của các kẻ chết’” (§ 635).
Ðoạn văn trữ tình thấm đậm tinh thần hy vọng kitô trên đây, là một lời hùng hồn tuyên xưng về tầm phổ quát bao la của ơn cứu độ đã thành hiện thực ở trong mầu nhiệm phục sinh.
Trong mục trình bày về ơn cứu độ cánh chung, sách giáo lý đã lấy lại tư tưởng đó để ứng dụng cho hồi thế mạt, bằng cách trưng dẫn một đoạn trong hiến chế về Giáo hội, Ánh Sáng Muôn Dân của công đồng Vaticanô II: (Chỉ lúc ấy, tức là lúc Giáo hội thành toàn trọn vẹn), “mọi người công chính từ Ađam, từ Abel công chính cho đến người cuối cùng được tuyển chọn, sẽ được quy tập vào trong Giáo hội phổ quát, kề bên Thiên Chúa Cha” (ASMD 2) (§ 769). Một đoạn văn thật đặc sắc, nhưng lại ít được trưng dẫn!
Lần thứ ba sách giáo lý nhắc đến Ađam là trong đoạn giải thích về ý nghĩa của Chúa Nhật. Chúa Nhật là ngày tưởng niệm mầu nhiệm phục sinh của Ðức Kitô, và vì vậy, cũng là ngày tưởng nhớ đến ơn cứu độ phổ quát đã được Ngài mang đến cho thế giới. Ðể minh họa điều này, sách giáo lý đã trích trưng một đoạn trong văn bản phụng vụ Siri của Antiôkia, viết là: ”… Phúc cho Chúa Nhật, vì trong ngày đó, các cửa Thiên đàng đã mở ra để Ađam và hết mọi kẻ đã từng bị trục xuất, yên tâm tiến vào” (§ 1167). Việc trưng dẫn đoạn văn phụng vụ này cho thấy là cuốn giáo lý đã tiếp thụ lập trường của truyền thống đông phương liên quan đến việc nối liền ơn cứu rỗi Ađam với hai biến cố “xuống ngục tổ tông” và Phục sinh, như được minh họa qua bức ảnh thánh Anástasis (xin xem phần trước đây của bài viết).
Tóm lại, có hai điểm cần nêu bật để kết luận:
Trước hết, niềm thâm tín về sự việc Ađam đã được cứu rỗi là một niềm thâm tín liên tục và hằng tồn, gắn chặt với các ảnh thánh miêu họa về chủ đề Ðức Kitô xuống ngục tổ tông, tức là về mầu nhiệm phục sinh mang lại ơn cứu độ phổ quát cho trần thế.
Thứ đến, cách thức trình bày cổ xưa ấy không phải là một trở ngại không khắc phục được, nếu biết giải thích về bối cảnh văn hóa, về nhân sinh và vũ trụ quan trong thời hình thành của cách kiểu biểu đạt ấy; thực ra, hầu hết các khái niệm trong Kinh Thánh cũng đều cần phải được giải thích như thế. Cũng đừng nên bỏ quên đi nguyên tắc chú giải có tầm trọng yếu lớn và cần phải được áp dụng vào trong công tác tìm hiểu ý nghĩa của các công thức tín lý, như Ðức Gioan XXIII đã từng nhắc lại như sau, lúc triệu tập công đồng: ”…Kho tàng đức tin, tức là những chân lý chứa đựng trong giáo lý khả kính của chúng ta, là một chuyện; còn hình thức diễn đạt các chân lý ấy thì lại là một chuyện khác, miễn sao giữ cho trọn được ý nghĩa và tầm trọng yếu của chúng.”[31]
Chính nhờ nguyên tắc ấy mà có thể thưởng thức các văn bản giáo phụ và phụng vụ một cách lý thú và thấm thía hơn, hầu phát hiện trở lại tin mừng về ơn cứu độ Ðức Kitô trao tặng cho mọi người qua mầu nhiệm phục sinh của Ngài. Thử đan cử ra đây văn bản của Hesychiô, linh mục giáo phận Giêrusalem, hồi thế kỷ thứ 5, viết như sau:
“Ngày ấy (ngày Phục sinh) mang lại sứ điệp hoan lạc của niềm vui: vì trong ngày ấy, Ðức Chúa đã sống lại; Ngài đã làm cho đoàn chiên của Ađam cùng đứng lên với Ngài, vì Ngài đã được sinh ra cho con người, và đã sống lại với con người. Hôm nay, nhờ Ðấng Sống Lại, Thiên đàng đã mở rộng cửa, Ađam được hoàn sinh (trả về cho sự sống), Evà được ủi an, lời mời gọi được lắng nghe, Nước Chúa được sắp sẵn, con người được cứu độ, Ðức Kitô được tôn thờ: sau khi đã dày đạp sự chết dưới chân, đã cầm tù tên bạo chúa (= Satan) và đã tước sạch địa ngục, Ngài lên trời, khải hoàn…”[32]
Ơn cứu rỗi Ađam chính là dấu tiên trưng và là mẫu tiêu biểu cho ơn cứu độ phổ quát, ơn cứu độ ban cho toàn thể nhân loại.
Felipe Gómez Ngô Minh chuyển ngữ
[1] Tác giả là giáo sư thần học của Ðại Học Công Giáo Lille, Pháp. Ðây là bài viết đăng trong tập san Esprit et Vie, số ra ngày 10 Février 1994, tt. 81-88.
[2] Abraham hay Abram đã được nhắc tới 296 lần, Môsê 808 lần; còn Ađam thì chỉ vỏn vẹn 44 lần mà thôi
[3] III,1-2. Xin xem tác phẩm bằng tiếng Pháp Écrits intertestamentaires, “Bibliothèque de la Pléiade,” Gallimard, 1987, tr. 376; tác phẩm này có in lại các văn bản Qumrân và các Ngụy thư Cựu Ước.
[4] Di Chúc 12 Tổ Phụ, XVIII, 2-10, La Pléiade, tr. 856.
[5] Ibid. ch. XI. Ðức Giêsu cũng đã dùng đến hình ảnh chiếc cửa ra vào: Mt 7,13-14; Lc 13,23-24.
[6] Xem Cuộc đời Ađam và Evà (bằng tiếng Hy lạp) XX,2; XXI,2,6; 3Barúc IV,16; xem Rm 3,23.
[7] Xin xem Platon, Phêđon 112c-d; cũng có thể là đoạn trình thuật muốn ám chỉ đến bí tích Thanh Tẩy, và xem ra điểm ám chỉ ấy đã do một người kitô sao chép thêm vào.
[8] Ibidem, XXVII,3, La Pléiade, tr. 1785.
[9] Xem Rm 5,12-21; 1Cr 15,20-22,45-49
[10] Xin xem, chẳng hạn, Langsfeld, Adam et le Christ, Aubier 1970.
[11] X. Rm 8,32; 2Cr 5,14t; 1Tm 2,6; Dt 2,9; 9,28. Khi nói là Phaolô, chúng tôi có ý chỉ về các bản chính lục trong văn bộ Phaolô, dù biết rõ là có vài thư đã không do chính Phaolô viết ra.
[12] Xin xem Ch. Perrot,“La descente du Christ aux Enfers dans le N.T.” Lumière et Vie n.87, 1968, 5-29, và “La descente aux Enfers et la Prédication aux morts” ACFEB, Études sur la première lettre de Pierre, Cerf 1980, 231-246. E. Cothenet, “La portée salvifique de la résurrection du Christ d’après 1Pi” trong La Pâque du Christ mystère du salut, Cerf 1982, 248-262.
[13] Denz. 6, và trong kinh Tin kính Quicumque (khoảng năm 500), Denz .40. Trước năm 370, đã đọc thấy câu ấy trong kinh Tin kính thành Aquileia, như Rufinus đã ghi lại; nhưng lại không đọc thấy trong kinh Tin kính của Nixêa và Constantinốp.
[14] Hermas (thế kỷ 2), Người Chăn chiên, Dụ ngôn IX,16,2-8 (tác giả nói về sự việc các tông đồ và các thầy giáo loan báo ơn cứu rỗi cho các kẻ chết, chứ không phải Ðức Kitô đã đích thân làm công việc đó).
[15] Clêmentê Alexanđria ( 215), Stromata, II,9; IV,6.4.
[16] Origênê ( khoảng 254), Contre Celse, II, 43, “Sources Chrétiennes”, số 132, tr. 383.,
[17] Bài giảng về Sách Sáng Thế, XV,55, “Sources Chrétiennes”, số 7bis, tr. 369. Lập trường này ăn khớp hoàn toàn với chủ trương của tác giả cho rằng muôn loài muôn vật sẽ được cứu vớt (apocatastasis).
[18] Xin xem Jean Daniélou, Études d’exégèse judéo-chrétienne (les Testimonia), Beauchesne, 1966.>
[19] Hồi ấy, thần học về nguyên tội còn chưa phủ bóng bi quan lên trên viễn tượng vĩ đại này. Cũng xin lưu ý: Irênêô không coi Ađam là tội nhân cho bằng là nạn nhân.
[20] Xem J. Villette, “La descente aux Enfers” trong cuốn La Résurrection du Christ dans l’art chrétien du IIe au VIIe siècle, H.Laurens, Paris 1957, tt. 89-106; L.Réau, Iconographie de l’art chrétien, t.II,2, 1957, tr. 531-537.
[21] Nên chú ý lời tiên báo Ađam sẽ được cứu rỗi, cũng đã được một lời ám chỉ về nước Rửa tội đi kèm theo: đó là một ý niệm đã có từ thời rất cổ xưa, và cũng có thể đọc thấy ở trong cuốn Người Chăn chiên của Hermas (Dụ ngôn IX,16.2-7), trong Bức thư các tông đồ hay Di chúc của Ðức Giêsu Kitô tại Galilê (ngụy thư), xem Patr. Orient. IX, tt. 209-210.
[22] Ám chỉ đến “cây biết lành biết dữ” (St 2,17). J.Daniélou minh giải rằng ngày xưa, đã từng có một loạt testimonia (những chứng từ) nói về cây “gỗ”; xin xem Études d’exégèse judéo-chrétienne (les Testimonia), Beauchesne, 1966, tr. 59.
[23] Một dấu chỉ khác về Phép Rửa tội.
[24] Hans Urs von Balthasar cho rằng cuộc xuống ngục là “một uyên nguyên thần học rất quan trọng trong các thế kỷ đầu,” xin xem cuốn Questions théologiques aujourd’hui, t. II, tr.280, DDB 1985.
[25] Thí dụ, trong Bộ Tổng luận Thần học, dù có dành cả một chương để bàn về cuộc xuống ngục (III,q.52), Tôma Aquinô cũng đã không nhắc nhở gì đến Ađam. Tuy nhiên, tác giả cũng không quên liệt kê Ađam vào hàng những người công chính (IIa-IIae, q. 85, 1 ad 2).
[26] Xin xem Thư 164 gửi cho Evodius (PL 33,711), và bài viết của M. Lamberigts, “J. d’Eclane et A. d’Hippone. Deux conceptions d’Adam” trong Mélanges van Bavel, 1990.
[27] Xin xem, chẳng hạn, Kinh Tin kính, bài Exultet (hát trong đêm vọng Phục sinh), các Kinh Tạ Ơn I và IV: ”…kính nhớ Ðức Kitô đã chịu chết và xuống cõi âm ty.”
[28] Xin xem bản dịch ra tiếng Pháp của T. de Wyzewa, La Légende dorée, Paris 1925; đặc biệt là các tt. 207-207.
[29] Xem các văn phẩm ngụy thư về Ađam, như Le Combat d’Adam et Eve và La Caverne des trésors, v.v., cũng như J.-B.Frey, “Adam” trong Dictionnaire Biblique Supplément, I, 106-117.
[30] Xin xem bài chúng tôi viết mang tựa đề “Le péché originel à Vatican II” trong Esprit et Vie, số 49, 1991, tt. 658-668.
[31] A.A.S., LIV, 1962, tr. 792. Công đồng Vaticanô II đã ghi lại nguyên tắc ấy ở trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, số 62 và trong sắc lệnh về hiệp nhất Unitatis Redintegratio, số 6.
[32] Homélie pascale, I, 6tr., trong “Sources chrétiennes”, số 187, tr. 69.