Marcel Domergue[1]
Sau khi Đức Kitô đã ra đi, các môn đệ thường tụ họp lại để bàn luận về Ngài và cùng nhau cầu nguyện. Họ không có cảm tưởng sống tách biệt khỏi các người Do thái khác. Tuy thế, họ là những người thuộc về Đức Kitô, và điều này được thể hiện qua phép rửa nhân danh Ngài và qua việc bẻ bánh để tưởng niệm bữa tiệc ly, với tất cả ý nghĩa đã gắn liền với bữa tiệc ấy. Nhiều nghi tiết sẽ được thêm vào sau. Chẳng hạn, việc đặt tay để ủy thác cho một môn đệ một sứ vụ đặc biệt nào đó.
Mầu Nhiệm Và Bí Tích
Người ta đã tìm được một danh xưng để chỉ các nghi tiết nói trên đây. Đấy là từ “mysterion“, tiếng Pháp dịch là “mystère” (mầu nhiệm). Từ ấy hàm ẩn một điều gì đó mang tính chất “bí nhiệm”, và diễn tả chính xác được niềm thâm tín của tín hữu về một thực tại vô hình, một hành động của chính Thiên Chúa tiềm ẩn ở trong những cử chỉ hữu hình kia. Khi Giáo Hội hội nhập vào trong nền văn hóa La tinh, thì từ “mysterion” được dịch là “sacramentum“, có nghĩa là cam kết, cung hiến, hiến tế, thánh hiến. Vậy “bí tích-mầu nhiệm” vừa có nghĩa là nghi thức khai tâm cho người mới nhập đạo, việc dấn thân cam kết, hiến dâng, thánh hiến, và đồng thời cũng có nghĩa là biểu tượng, là dấu chỉ của một thực tại giấu ẩn. Tuy ở đây không đi sâu vào trong chi tiết của các giai đoạn tìm tòi đã đưa tới cách định nghĩa bí tích như hiện nay, nhưng cũng vẫn có thể rút ra những nét chính liên quan tới và cần cho vấn đề chúng ta đang bàn thảo, đó là: mối tương quan giữa các bí tích và sự việc Ngôi Lời Nhập Thể trong Đức Kitô.
— Trong bí tích có những điều thấy được, như các vật dụng, các cử chỉ; và cũng có những điều nghe được: đó là các lời nói đi kèm theo cử điệu.
— Toàn bộ những vật dụng – cử chỉ – lời nói ấy, là mặt nổi của một thực tại kín ẩn, hay nói cho đúng hơn, đó là nhân tố làm cho một thực tại vô hình (theo nghĩa: mysterion) phát sinh, hiện hữu; là nhân tố sinh ra thực tại ấy.
— Các tác động bí tích không phải là tùy tiện vô cớ. Muốn thành bí tích, thì các dấu chỉ kia phải bắt nguồn từ Đức Giêsu, và được cử hành “để tưởng niệm Người“.
— Chính nhờ các bí tích hiện tại hóa hành động của Đức Kitô, mà vũ trụ vật chất và vũ trụ loài người mới được “hiến tế” (sacramentum), nghĩa là được đạt tới chính Thiên Chúa, được Người nhận lấy.
— Là những khí cụ nắn đúc nên bản sắc kitô, các bí tích giữ vai kiến tạo và biểu thị một cộng đồng, một “đoàn thể” có thể nhận diện được về mặt xã hội.
Đức Kitô Bí Tích
Nếu xét kỹ, thì sẽ thấy ngay rằng tất cả các điểm trên đây đều có thể áp dụng cho Đức Kitô, ngoại trừ điểm thứ ba nói rằng các bí tích bắt nguồn từ Đức Kitô. Chính vì thế mà có thể khẳng định là Đức Kitô chính là bí tích. Hãy nghe lại chứng từ sau đây của thánh Gioan:
“Điều đã có từ thuở ban đầu, Điều chúng tôi đã từng nghe, Điều chúng tôi đã từng thấy tận mắt, Điều chúng tôi đã được chiêm ngưỡng Và tay chúng tôi đã sờ được Lời sự sống, vì chưng sự sống đã tỏ hiện, chúng tôi đã từng thấy và chúng tôi làm chứng cùng loan báo cho anh em sự sống đời đời ở bên cạnh Cha và đã được tỏ hiện cho chúng ta” (1Ga 1,1-2)
Trong văn bản trên, các tiếng diễn tả cảm tính: “thấy, nghe, tỏ hiện, sờ được” đã được lồng vào giữa những từ ngữ gợi lên một “mặt chìm”: điều đã có từ thuở ban đầu, Lời sự sống, sự sống đời đời bên cạnh Cha. Như vậy thực tại hữu hình của Đức Giêsu, với ngôn từ và hành động của Ngài, chính là “dấu chỉ cảm nhận được” cho thấy sự hiện diện và tác động của một thực tại vô hình: Lời sự sống cũng chính là sự sống đời đời. Tiến trình đức tin được đề ra cho người đương thời của Ngài là như thế này: gặp thấy Đức Giêsu là họ phải biết thừa nhận rằng qua Ngài, chính Thiên Chúa đang hiện diện ở giữa loài người. Đó cũng chính là những gì được yêu cầu tuyên xưng ra trong lúc cử hành các bí tích, cũng như trong thái độ đối với Hội Thánh-bí tích (theo tư cách là bí tích): nhìn thấy những con người, những hành động và những đồ vật để rồi thừa nhận rằng qua các môi giới ấy, Thiên Chúa đến với chúng ta.
Thừa nhận: có nghĩa là bí tích chỉ “thành sự” cho chúng ta, khi chúng ta có lòng tin thực sự. Chẳng thế mà từ sacramentum trong tiếng Latinh có nghĩa là dấn thân cam kết.
Mặt Chìm
Việc nhận ra những gì cùng lúc vừa ẩn vừa hiện nơi Đức Giêsu Kitô đã được minh họa một cách kích hoạt qua đoạn trình thuật những sự việc xẩy ra tại Xê-da-rê Philíp (Mt 16). Đang lúc lên đường đi về Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã yêu cầu các môn cho biết họ nghĩ gì về con người của Ngài: “Các bạn nghĩ tôi là ai?” Simon đáp: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Tiếp xúc và thấy Đức Giêsu “giống hệt như các người khác”, Simon cũng vẫn nhận ra được ở giữa những gì thấy rõ bên ngoài, một thực thể tiềm ẩn bên trong, không lộ diện ra. Không phải hết mọi người đã đạt đến được mức đó, vì dân chúng chỉ mới nhìn thấy Đức Giêsu như là “một tiên tri nào đó” thôi. Thái độ ấy của lòng tin đã khiến Simon trở thành đá tảng trên đó Hội Thánh sẽ được thiết lập. Theo Mátthêu thì có điểm đặc biệt này là Đức Giêsu đã nói đến Hội Thánh — tức là nói đến “bí tích” nối dài sự hiện diện của Người qua mọi thế hệ — đúng vào lúc Simon nhìn nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Một điểm khác cũng đáng lưu ý nữa là bản trình thuật đã nối kết hai sự việc lại với nhau: sự việc Phêrô tuyên xưng đức tin và lễ Vượt qua. Đó là điểm cho thấy việc khám phá ra sự sống bừng lên từ giữa cảnh chết chóc. Khi sự chết trở thành “bí tích” của sự sống, thì lúc ấy công trình Nhập Thể sẽ được chu tất; tất cả những gì là bóng tối đang bao phủ loài người sẽ được soi rạng nhờ ánh sáng của Thiên Chúa. Không thể tách rời “mặt tối” — tức là cuộc tử nạn — và “mặt sáng” — tức là sự phục sinh — của mầu nhiệm Vượt Qua ra khỏi nhau được. Chính nhờ các bí tích nâng đỡ trong mọi sinh hoạt cuộc sống, mà chúng ta có đủ nghị lực mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô ban cho, để biết sống qua những quãng đời đen tối của mình với thái độ kiên vững như khi sống giữa những quãng đời trong sáng vậy.
Như vậy, có một tình trạng song đối rất rõ ở giữa sự hiện diện của Ngôi Lời trong nhục thể với những gì đang diễn ra ở trong bí tích: nhìn thấy Đức Giêsu và chúng ta tuyên nhận Ngài là “Con Thiên Chúa”; nhìn thấy bánh, rượu, và chúng ta nhìn nhận đó là “Mình và Máu Đức Kitô”. Trong cả hai trường hợp, chúng ta được mời gọi để tuyên xưng “mặt chìm”, tức là những gì giấu ẩn, của một thực tại hữu hình. Tuy thế, nếu chúng ta chỉ dừng lại ở việc đối chiếu như thế mà thôi, thì chúng ta mới chỉ đi được nửa đường.
Tạo Dựng Và Nhập Thể
Mối liên hệ giữa Nhập Thể và bí tích còn sâu đậm hơn nhiều. Sở dĩ có thể đối chiếu song song như thế, là chính vì cũng cùng một “qui luật” hướng dẫn cả hai: quy luật của mầu nhiệm Nhập thể. Và bây giờ thử tìm về nguồn thêm một bước xa hơn: có bí tích bởi vì có Nhập Thể; nhưng có Nhập Thể bởi vì chính Thiên Chúa đã bày tỏ mình ra trong thế giới cảm tính, tức là ở trong công trình Tạo dựng. Theo mức độ riêng của mình, mọi sự vật đều là hình ảnh của Thiên Chúa, là tiếng nói của Thiên Chúa:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
“Không trung loan báo việc tay Người làm.
“Ngày qua mách bảo cho bgày tới,
“Đêm này kể lại với đêm kia.
“Chẳng một lời một lẽ,
“Chẳng nghe thấy âm thanh,
“Mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu
“Và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển!” (TV 19,1-5)
Những lời nghe được bằng tai, đã biến dương gian thành bí tích, và đã mang lại ý nghĩa cho trần thế: những lời đó chính là lời của Kinh thánh. Mọi tạo vật trên trần gian đều có một mặt chìm, ẩn giấu: đó chính là Ngôi Lời tạo hóa, trong Người, mọi tạo vật sinh sống và hiện hữu. Như đã đề cập trước đây, bí tích dựa theo phương cách tượng trưng tự nhiên đó. Ở chóp đỉnh của nhân loại có Đức Kitô là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử của tất cả mọi thụ tạo” (Cl 1,15). Đi vào trong trần thế, là Ngôi Lời đến một cách hữu hình, trong nhà của mình, đến “giữa các người nhà của Ngài” như Lời mở đầu Phúc âm thánh Gioan đã nói. Và “nhà của Ngài” — tức là thế giới này — chính là những gì thấy được của Lời, là tính chất hữu hình của Lời.
Là những dấu chỉ trần thế của Thiên Chúa vô hình, các bí tích biến những gì không lời diễn tả trong thiên nhiên trở thành thực tại cảm xúc được. Khi Đức Giêsu dùng dụ ngôn để nói rằng: “Nước Trời giống như…” (một thực tại trần thế nào đó), thì cần phải biết để ý hết sức tới tầm quan trọng của từ ngữ “giống như” ấy: không phải đơn thuần là một lối so sánh, dụ ngôn còn nêu bật cho thấy rõ rằng thiên nhiên và Nước Trời đều được hướng dẫn bởi cùng một quy luật duy nhất.
Vượt Qua
Nhưng Nhập Thể cũng như bí tích nối dài mầu nhiệm ấy, đưa thêm nhiều yếu tố mới mẻ vào trong “câu chuyện” mà “ngày và đêm” kể cho nhau nghe (TV 19), trong “câu chuyện” của những sự việc nơi trần thế. Chính thế, như người ta thường nói, Vượt Qua là chóp đỉnh của Nhập Thể: bởi vì, một đàng, qua đó, Đức Giêsu chạm tới tột cùng đáy thẳm của thân phận con người, và nếm đủ mùi cay đắng trần ai; và đàng khác, Khi Đức Kitô “rời khỏi thế gian này mà về cùng Cha”, thì tất cả những gì có mặt trêm trái đất này, kể cả chúng ta, đều được đưa lên đến tận Thiên Chúa.Động tác “đưa lên” này, tuy đi ngược với hướng Nhập Thể, nhưng lại đưa nó đến mức thành tựu viên mãn. Bánh khổ đau và rượu đẵm máu biến thành những thực tại thần linh. Những gì được thể hiện trong bí tích Thánh Thể, thì cũng được thể hiện hệt như thế trong các bí tích khác: mỗi khi, trong một cách thức nào đó, mầu nhiệm Vượt Qua được hiện tại hóa, thì chính nhờ mầu nhiệm Vượt Qua ấy mà Đức Kitô trở thành “tất cả trong mọi người” và “tất cả trong mọi sự”. Đó chính là tình trạng các thực tại phàm trần và cảm tính được tôn vinh. Kết cuộc, không những nhân loại, mà cả vũ trụ toàn thể nữa — tức là hết thảy mọi sinh vật mang thân phận phải bước qua cảnh chết để đạt đến sự sống — đều đang sống và tiếp tục sống cuộc tái diễn biến cố Vượt Qua. Chính vì thế mà bánh, rượu, nước và lửa, cũng như lao công con người, tất cả đều được tiếp thu vào trong bí tích. Mọi sự đều có thể trở nên dấu chỉ cho mầu nhiệm Vượt Qua. Nhờ chính mầu nhiệm này mà toàn thể vũ có nhân loại làm tâm điểm, được biến hóa từ tình trạng manh nha của mầm giống và hình bóng, trở thành thân mình của Thiên Chúa. Đấy là thân mình mà Thiên Chúa mặc lấy trong thế giới cảm tính.
Hội Thánh
Nói tới “thân mình” là phải nghĩ ngay tới Hội Thánh. Vì trong một bài viết khác sắp ra mắt, sẽ có dịp đề cập đến mối quan hệ giữa mầu nhiệm Nhập Thể và Hội Thánh, nên ở đây, xin miễn bàn tới vấn đề đó, và sẽ chỉ nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Hội Thánh và bí tích mà thôi. Do cộng đoàn các tín hữu làm thành, thân mình mới này của Đức Kitô mang trọn tính chất bí tích trong toàn bộ tổng thể của nó, bởi vì nó biểu đạt những gì sâu rộng cao siêu vượt hẳn ra ngoài chính nó. Thân mình đó cũng có một mặt chìm. Người ta thấy có những người tụ họp lại, và đứng trước sự kiện ấy, đức tin nhận định rằng : đó chính là Đức Kitô, đó chính là hoạt động của Thiên Chúa ở giữa trần gian. Mối liên hệ giữa Dân Chúa và các bí tích chính là một thực tại nằm trong mầu nhiệm Nhập Thể. Hội Thánh là hiện thân hữu hình của Thiên Chúa đang hoạt động và sáng tạo ở giữa nhân loại.
Vì là dấu chỉ, nên các bí tích cũng là truyền thông, là ngôn ngữ, là lời nói trao đổi giữa những con người với nhau. Nhiều người tụ họp lại để cử hành bí tích, hay nói cách khác, các bí tích quy tập các tín hữu lại. Chính nhờ các bí tích mà Hội Thánh nhận ra và khẳng định bản sắc của chính mình. Tính cách xã hội ấy của các bí tích mang lại cho chúng ta cơ hội để hướng nhìn về với kế hoạch của Thiên Chúa và tìm lại ý nghĩa của musterion (theo nghĩa Phaolô trình bày trong 1 Cor 2,7-9): bởi vì có phận vụ quy tập và xây dựng cộng đoàn giáo hội, nên bí tích cho thấy trước những tiên triệu về “Đức Kitô toàn diện”, về nhân loại hiệp nhất: đó là đích điểm mà hoạt động của Thiên Chúa nhắm tới. Đấy là thân thể tối hậu của Đức Kitô một khi đã đạt tới tầm vóc trưởng thành. Với những cách thức biểu hiện khác nhau, tất cả các bí tích đều là những dấu chỉ cảm nhận được của mối hiệp nhất ở giữa loài người.
Giữa Cuộc Sống Thăng Trầm
Có thể là các bí tích vạch hẳn giới mức cho một lãnh vực thánh thiêng — chính từ “bí tích” cũng xem ra gợi lên ý niệm đó — ở bên cạnh những lãnh vực được coi như là phàm tục, nằm giữa cuộc sống hằng ngày. Quan niệm kiểu ấy là ngộ nhận hoàn toàn về mầu nhiệm Nhập Thể. Nếu Ngôi Lời đã làm người, thì không phải chỉ liên hệ tới một mình nhân loại được coi như là một tập thể mà thôi, nhưng còn liên hệ cả tới những gì là “vật chất”, là “trần thế” trong cuộc sống hằng ngày của con người nữa. Đó là điều hiễn nhiên: các bí tích đã dùng chính các vật dụng trong cuộc sống con người để nói lên ý nghĩa cho các dấu chỉ của mình. Như vậy, cần phải từ bỏ hẳn quan niệm mơ về một thứ tôn giáo siêu thoát khỏi chốn “trần duyên”, dẫn lối đến cõi “thoát tục”. Và nếu chúng ta nói rằng Kitô giáo là siêu nhiên, thì cũng phải hiểu rằng siêu nhiên có nghĩa là tình trạng vượt hẳn lên trên tự nhiên, tình trạng hiển dương của những thực tại tự nhiên. Không phải như kỹ thuật bị lỗi thời, bị lạc hậu cần phải vứt bỏ lại đằng sau để đi tới một mức tiên tiến hơn, nhưng là như cây lớn vượt hẳn tầm kích nhỏ bé của hạt giống, của mầm mống. Chính vì thế mà tín điều kết thúc Bản tuyên tín (Credo), nói lên sự việc “xác loài người ngày sau sống lại: xác là đối tượng của tín điều cuối cùng trong kinh Tin kính. “Tinh thần” không phải là một cái gì đó “tiêu hư”, tách biệt khỏi thể chất, nhưng là chính Thần Khí của Thiên Chúa “chan hòa trong mọi xác phàm”. Thần Khí trong xác phàm, tức là “xác thần thiêng” mà Phaolô đề cập đến trong Thư thứ nhất gởi Giáo đoàn Côrintô (15, 42-48). Đấy cũng còn là một thực tại của mầu nhiệm Nhập Thể. Khía cạnh “phàm tục” của bí tích sẽ nổi bật sáng tỏ hơn nếu biết nhìn kỹ lại từng bí tích một:
Bí tích Rửa tội mang lại cho việc sinh sản một ý nghĩa Vượt Qua. Vì là một cuộc tái sinh, nên Phép rửa minh họa việc sự sống toàn thắng sự chết. Hơn nữa, Phép rửa biến toàn bộ lịch sử mới khởi sự của trẻ sơ sinh, trở thành một giai đoạn mới trong lịch sử của Đức Kitô; nhờ đó, từ đây trở đi, qua em nhỏ, Đức Kitô cũng có mặt ở giữa đời. Tất cả các hành vi và các biến cố của cuộc sống đó sẽ hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua ở trong đời. Ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng được hội nhập, bởi vì trong mầu nhiệm Vượt Qua, tội lỗi “tràn đầy” đã bị ồ ạt đánh bại bởi Tình yêu còn “tràn đầy hơn nữa” của Thiên Chúa. Như vậy, chính người chịu phép rửa sẽ trở thành người mang bí tích tính, trở thành dấu chỉ.
Các bí tích khác dẫn chúng ta đi vào các lãnh vực khác nhau của cuộc sống.
Bí tích Thánh Thể đảm nhiệm toàn bộ công sức con người cố gắng dốc ra để có của ăn độ thân và để thăng tiến cuộc sống của mình. Ngày qua ngày, được tôn nhắc lên và có tác động lên trên thiên nhiên, lao công của con người không thể nào lại còn bị coi như là phàm tục được nữa. Cơm bánh của loài người liên hệ trực tiếp tới thân mình của Đức Kitô.
Bí tích Hôn phối đưa ý nghĩa của mầu nhiệm Vượt Qua vào tận trong sinh hoạt hằng ngày của cuộc sống lứa đôi. Mọi thăng trầm của cuộc sống vợ chồng đều được đảm nhận và có thể trở thành nơi gặp gỡ với Thiên Chúa: không phải chỉ những “thử thách đã khắc phục” thôi đâu, mà cả đời sống giới tính, việc nuôi nấng con cái v. v…nữa.
Bí tích Hòa giải nhắm tới tiêu đích quy tập và đúc kết tất cả những chọn lựa, những quyết định của con người chúng ta, để, nếu cần, thì hòa nhập chúng vào lại ở trong một “thiên (tình) sử thánh”, lịch sử kể lại thái độ Thiên Chúa xử thế với con người.
Bí tích Thêm sức ban Thần Khí cho có sức mà thực hiện những “kỳ công vĩ đại” như Phúc âm của Gioan (5,20) đã nói tới. Những kỳ công có sức biến đổi bộ mặt của thế giới.
Bí tích Xức dầu gặp gỡ lại con người ở trong đoạn đường “vượt qua” — cuộc đời dương thế — đang phải đi, có khi là đầy gian truân, để bước qua cảnh chết mà tiến vào cõi sống.
Bí tích Truyền chức thánh thiết lập tác vụ chủ trì nhằm điều hành việc ban phát tất cả các bí tích khác, và để tạc nên một khuôn mặt cụ thể, hiện diện rõ ở giữa xã hội, cho hành động của Đức Kitô trong thế giới loài người.
Như thế, bí tích vượt hẳn ra ngoài giới hạn của thời điểm cử hành. Việc cử hành bí tích nói lên, tuyên xưng ra và làm cho thành hiện thực một điều gì đó hiện đang xảy ra trong toàn cuộc đời. Bí tích là dấu chỉ hữu hiệu về tác động thấm nhập của Đức Kitô vào trong toàn bộ cuộc sống loài người. Nhưng đồng thời cũng là một động tác ngược chiều: động tác của thể chất đời này tiến sâu vào trong cung lòng của Thiên Chúa.
Ba Chiều Kích
Người ta thường nhận định rằng các bí tích không ngừng làm cho chúng ta liên hệ mật thiết với cuộc sống cụ thể của Đức Giêsu Nadarét cũng như với sự chết và sống lại của Ngài. Các Phúc âm cho thấy Đức Kitô chịu phép rửa, ăn uống, chữa bệnh, thông ban Thần Khí…Từ sự kiện đó, có thể rút ra ba chiều kích như sau của các bí tích:
— ” Ngôi Lời hóa thành nhục thể”: điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đi vào trong bản tính nhân loại: có một thân xác giống như thân xác chúng ta, có một trí tuệ, một tinh thần hiện hữu ở trong và nhờ thân xác. Cũng thế, qua bí tích, Thiên Chúa đi vào trong các dấu chỉ loài người mà Hội Thánh tái diễn lại (lúc cử hành bí tích).
— Nhưng chỉ đề cập tới “bản tính nhân loại” không thôi thì chưa đủ. Đức Giêsu đã có thể tránh được các phiền hạ của thân phận làm người. Nhập Thể bao hàm cả ý nghĩa này nữa là: Đức Giêsu đi vào thế giới của Ngài, sinh ra “dưới Lề Luật” (Gal.4). Như vậy, Đức Giêsu đã phải học hành và lớn lên (Luc 2,40), đã được ngưỡng mộ hoặc là bị chống đối, đã sống qua cảnh đói và khát. Tóm lại, qua Đức Giêsu, Ngôi Lời đã đi tới cùng con đường mà mỗi người trong nhân loại phải đi qua. Thậm chí, Ngài đã tự đặt mình vào chỗ thấp hèn nhất, quẫn bách nhất có thể. Cũng thế, qua bí tích, Thiên Chúa đã đến gặp gỡ chúng ta tại nơi chúng ta đang đi tới, và Ngài lãnh lấy tất cả những gì chúng ta đang gánh chịu, kể cả bệnh tật và chết chóc.
— Tất cả những gì Đức Giêsu đã sống qua tại Pha-lệ-tinh từ khi sinh cho tới khi chết, thì cũng vẫn chưa đủ để nói lên hết ý nghĩa của mầu nhiệm Nhập Thể. Qua cuộc sống lại, Đức Kitô đã làm cho “vũ trụ nên tràn đầy”. Một phần nào, vũ trụ đã trở thành thân thể của Người. Và ngược lại, thân thể ấy sống qua một thiên lịch sử, và tiến tới một mức hoàn thành, trong đó Đức Kitô sẽ là tất cả trong mọi người và mọi sự. Động tác Thiên Chúa “đi xuống” trong nhân loại cũng đồng thời được kèm theo bởi sự việc nhân loại “đi lên” cho tới mức độ thực sự trở thành hình ảnh của Thiên Chúa và nên hoàn toàn giống Ngài. Vì thế, tất cả các bí tích đều mang một bộ mặt “hoàn tất cánh chung”: để nói với chúng ta về cảnh khánh tận và để dẫn đưa chúng ta tới tiêu đích ấy “ngõ hầu xây dựng Thân Mình Đức Kitô (…) với dạng người kiện toàn, trong tầm vóc cân xứng với trạng thái sung mãn của Đức Kitô” (Eph.4,12-13). Đấy là “mầu nhiệm” giấu ẩn giữa lòng trần gian (mysterion), là cuộc “hiến thánh” trần thế (sacramentum) mà Kinh Thánh cũng gọi là thánh hóa và vinh hiển.
Nguyễn Tiến Lãng phiên dịch
[1] Nguyên văn mang tựa đề: “Incarnation et Sacrements” đăng trong tạp chí CAHIERS pour croire aujourd’hui, số 28, 1989, 28-33. Để có một số suy tư liên tục về Nhập Thể, xin cũng coi bài “Nhập thể và Hội nhập văn hóa”, HỢP TUYỂN THẦN HỌC, số 3 (1992), tr.3-11.